Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Vết Mực Khó Phai

 


Thơ: Kim Oanh
Thơ Tranh: Suối Dâu
***
Vết Mực Khó Phai


( Cảm tác từ tranh thơ và tặng Kim Oanh)

Mặt em "khả ái"....nhớ gì đây ??
Ánh mắt mơ màng nghĩ đến ai ?
Trong lớp thẹn thùng nhìn lơ đãng
Về nhà ấp úng ngó thơ ngây (bị mẹ hỏi)
Ngăn tim mở ngõ đi tìm mộng
Lấy bút đề thơ gởi gió bay
Chắc nhớ người làm hoen áo trắng
"Vô tình vấy mực" khó phôi phai!


Song Quang
***
 (Mến tặng chung 2 tác giả với hình minh họa dễ thương)

Hình minh họa một cô nàng,
Ngước nhìn đôi mắt dịu dàng hồn nhiên.
Sáng trong gương mặt rất hiền,
Áng chừng mười sáu có duyên mặn mà.

Nữ sinh lanh lợi học xa,
Môi em cười mỉm xem ra ngọt ngào.
Đồng phục màu trắng thanh tao,
Mãi lo nhìn trộm vấy vào... tím than.

May duyên cơ hội bằng vàng,
Làm quen lúng túng tỏ tình thẹn ghê !
Thức đêm giấy mực ủ ê,
Giãi bày tâm sự...thấy quê riêng nàng.

Cánh thư còn giữ hộc bàn,
Cảm thông vấy mực đôi đàng tuổi thơ...

Mai Xuân Thanh 
Ngày 22 tháng 04 năm 2015

Sóng Đã Đi Rồi



( như một lời chia tay..)

Mùa đã đi qua biết bao ngày
Vòng tay em vẫn ngọt ngào say
Buổi chiều hò hẹn như hiện đến
Chợt vắng nhau rồi em có hay?

Một vết tình si ngắm đã lâu
Nẻo xưa réo gọi thuở ban đầu
Chút tình em đến như bão nổi
Gom nhớ thương đây dậy mớ sầu

Giây phút đợi chờ lẫn khát khao
Bờ môi, nét ngực mới hôm nào
Bên tách cà phê ,đêm hương lửa
Mặn nồng vừa đến bỗng quặn đau..!

***
Sóng đã đi rồi, em cũng xa
Người đưa tiễn người hay tiễn ta ?
Dứt cuộc tình trần, dây oan nghiệt
Và hết ưu phiền, cõi mê qua

...Bye! Bye!VA, ngày16-1-05
Bùi Thanh Tiên

New Orleans, Louisiana


Tiếng kèn Jazz rúc lên từ góc Iberville, Bourbon
Thôi thúc chân người bước đến
Lòng phố hẹp tưng bừng náo nhiệt
Qua ánh đèn màu thấp thoáng Louis Armstrong.

New Orleans, New Orleans
Một địa đàng melting-pot của Mỹ
Gần vịnh Mexico, bên bờ Mississippi hùng vĩ
Pha trộn nhiều sắc dân
Đen, trắng, nâu, vàng…từ bao thế kỷ
Đậm nét cổ điển Âu châu
Trên bối cảnh Hợp-chúng-quốc Hoa-kỳ hiện đại.


Vẫn còn đó: những streetcar của thời quá khứ
Quay bánh thời gian qua hiện tại, tương lai
Vẫn còn đó: những tượng đài lịch sử
Hình ảnh anh hùng tồn tại không phai.



Qua cửa kính vòng cung tầng 32 Hyatt
Super Dome khồng lồ hiện rõ duới chân
Mái bát úp lên vòng tường sọc xanh, cam, đỏ
Có còn không dấu vết bão Katrina?
Cây cầu treo, hệ thống xa lộ không xa
Đêm lộng lẫy đèn giăng giăng huyền ảo.


Nắng bừng lên lấp lánh chuỗi hạt Mardi Gras
Vương vãi trên mặt hè phố
Rải rác trên mái nhà, bao lơn, cửa sổ
Lơ lửng trên cột đèn, cây cối.
Rạng rỡ cổ áo người...
Ngay cả sau những ngày lễ hội 
Nhưng giữa đám đông người hân hoan đi lại
Hay sắp hàng dài trước cửa nhà hàng
Vẫn không ít người dân homeless   
Nằm co ro trong xó tối, lề đường
Đèn lấp loáng soi mặt đường loang lở
Tiếng còi xe hình sự hú đêm hoang.


Thành phố ấy bàng hoàng sau cơn ác mộng
Gồng mình lên xoá bỏ cảnh điêu tàn
Nhưng còn đó những khu nhà dang dở
Những levee chưa đủ chặn nước dâng tràn.


Đúng vào dịp lễ mừng St Patrick
Bước chân dồn theo nhịp sống New Orleans
Thành phố ấy đã hút hồn trang lữ khách
Kỷ niệm vui buồn vuơng vấn mãi trong tim!

ChinhNguyen/H.N.T.  Mar-Apr.2015
  

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Sóng Vỗ


(Họa Thơ "Sóng Vỗ" - Phạm Ngọc Lư)

Bài thơ lục bát hay thay,
Nói lên ý tưởng hôm nay chẳng đồng.
Vì đâu nên nỗi Tây -  Đông,
Đôi bờ sóng bạc trắng lòng suốt đêm!
Bên này hừng sáng, nắng lên,
Chân trời u ám thắp đèn soi ta.
Ban ngày Mỹ quốc xế tà,
Mà quê ta ấy tiếng gà tàn canh.
Ngây thơ biển mặn dỗ dành,
Ngổn ngang trăm mối, biến thành muối khô.
Thời gian dâu bể khác giờ,
Bên ni nằm mộng ... ai mơ ban ngày!
Đâu ngờ chút rượu cũng say,
Dân ta tản mác như mây chập chờn.
Bể dâu? ... Cách biệt sâu hơn!
Năm châu bốn biển, mõi mòn sắc,  không.
Không gian dội tiếng sóng chung,
Thái Bình, biển rộng, Tây - Đông bạc đầu!

Mai Xuân Thanh  
Ngày 25 tháng 01 năm 2015

Xuân Thì Vẫn Xuân (Phong Lá Đỏ)


Phất phơ áo đỏ rộn ràng 
Làm sao tôi biết em đang nghĩ gi?

Lê Kim Thành
***
Nghĩ rằng Xuân đến, Xuân đi
Vườn quê một góc, Xuân thì vẫn Xuân

Nguyên Thi




Bonsai: Lê Kim Thành
Thơ Cảm Tác: Nguyên Thi & Lê Kim Thành

Chút Suy Tư "Mới Hôm Qua Thôi" Hay "Phù Vân Vô Thường"

      Phù vân là gì ? Khi nói về đám mây bay bềnh bồng trôi nổi và dễ tan, nghĩa tượng hình của đám mây thoáng nổi lên rồi tan biến ngay, thường dùng để ví những điều không không lâu bền.

      Triết lý về sự phù vân (一貫), qua ý tưởng mất mát không bền là phù vân. Tất cả chỉ là sự phù vân tan biến. Thành công lẫn thất bại, danh thơm tiếng tốt cũng như những tài sản một người có thể có, cũng chỉ là phù vân. Vất vả cực nhọc làm việc, an nhàn hưởng thụ, cũng chỉ là phù vân. Tất cả đều qua đi, chẳng có gì được tồn tại miên viễn. Phù vân, tất cả chỉ là phù vân. Tất cả những gì con người vất vả lam lũ để tạo ra,nhưng rồi cuối cùng chẳng có chi trường tồn. 

      Áp dụng vào đời sống, cuộc đời được coi là phù vân. Đó là một chân lý mà mỗi người chúng ta hầu như không phủ nhận cái ý nghĩa của nó. Không có gì trong cuộc đời là bền vững mãi hay là vĩnh cửu. Tất cả như đã nói đều tàn phai theo thời gian. Tiền tài, danh vọng và sắc đẹp rồi cũng sẽ có một ngày qua đi, vuột ra khỏi tầm tay của chúng ta. Do đó mỗi người lại sống cuộc đời gọi là phù vân này rất khác nhau. Có người lại nghĩ cuộc đời quá ngắn ngủi nên tranh đua hưởng thụ bằng cuộc sống ăn chơi sa đoạ. Có người lại làm lụng để tích lũy cho mình thật giàu có. Có người tìm chức tước danh vọng. Có người trau chuốt cho bề ngoài, cho sắc đẹp. Có người chạy theo tình yêu, say đắm yêu đương. Rồi cuối cùng chỉ còn là sự mất mát.

      Từ ngữ phù vân mang ý nghĩa gần gủi với vô thường. Định nghĩa vô thường thì Vô thường (無常; theo phạn ngữ là anitya) nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là theo triết lỳ Phật giáo, trong ba tính chất (Tam pháp ấn, hay trilakṣaṇa) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt), có sinh có diệt, có tạo có hủy. 

      Trong đời sống thường nhật, về mùa màn trong năm, mùa xuân gợi lên trong ta sự tươi trẻ, tươi mát, những hình ảnh đẹp đẽ. Đẹp về ánh nắng xuân sang. Đẹp về những nụ hoa chớm nở. Đẹp về cây cỏ nẩy lộc đâm chồi,.... Đặc biệt sắc màu và hương thơm của trăm hoa đã hoà quyện vào nhịp sống tất bật của con người, nhưng rồi những nụ hoa xinh xắn đó và cả mùa xuân đều mong manh, sớm nở chiều tàn, nhất là hoa cuối mùa khi hè về và thu sang để đông tàn. Tất cả dường như đều đi theo định luật của vạn vật biến hóa vô thường. Chẳng có gì bền vững với thời gian. Chẳng có gì vĩnh cửu nhưng luôn chịu cảnh phù vân mong manh vô thường.

      Vòng lẩn quẩn chu kỳ của con người như ý niệm của các loài hoa nói trên, khi trẻ xinh đẹp, khi về chiều dung nhan tàn phai héo úa, những Brigitte Bardot, những Thẫm Thúy Hằng,... như xuân qua, rồi đông về.

      Tôi xem thơ của tác giả Nguyễn Trung Tây, bài "Phù Vân và Vô Thường", chỉ có 4 dòng rất đơn giản, nhưng đầy ý nghĩa: 
Phù vân!
Phù vân! Đại phù vân!
Vô thường!
Vô thường! Đại vô thường!

      Còn nhớ trong hai biến cố đầu tư chứng khoán tuột dốc tại Mỹ vào các năm 1929 và 1987 (Wall Street Crash of October 1929, và Black Monday - the Stock Market Crash of 1987) khiến người có bao nhiêu tiền trở nên trắng tay, có người giàu có bỗng chốc sự nghiệp tiêu tan, người quyên sinh kẻ nhảy lầu tự vẫn.

Phù vân nối tiếp phù vân.
Tất cả chỉ là phù vân. 

      Bây giờ đi sâu vào hiện tượng vật lý của tơ trời phù vân, nó là hiện tượng hơi nước tụ họp gặp mặt nhau trên bầu trời. Từ những dòng sông ngòi cong mình uốn khúc và ngũ đại dương bao la xanh đậm, những hạt hơi nước li ti bốc lên cao lơ lửng ngập ngừng. Hơi nước của sông gặp gỡ hơi nước của biển. Cả hai cộng lại hóa ra tơ trời. Ngàn vạn sợi tơ của trời đan tơ kết lụa là dệt ra mây trắng lững lờ trôi nổi bồng bềnh. Mây trời nối tiếp mây trời, lang thang nối tiếp mây lang thang. Mặt trời bình minh phương Đông vươn cao ném tung xuống cõi trần gian hơi nóng. Hơi nóng tỏa nhiệt đốt cháy mây trời, tẩy xóa phù vân. Phù vân biến thành vô thường. Vô thường tiếp nối phù vân. Phù vân nối tiếp vô thường chầm chậm loãng nhanh tan biến mất. Có đó rồi mất đó. Mất đó rồi lại hiện ra. Hiện ra rồi lại biến mất, y như hơi nước, y như tơ trời, y như phù vân, y như vô thường, y như cuộc sống nhân sinh thoáng hiện thoáng mất.

      Mời nghe nhạc của nhạc sĩ Võ Tá Hân và suy ngẫm về cuộc đời qua bài thơ bi ai “Mới Hôm Qua Thôi” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Trước đây bài thơ này cùng được nhạc sĩ Vĩnh Điện phổ thành nhạc, phiên bản đầu. Phiên bản 2 phổ bởi nhạc sĩ Võ Tá Hân.

       Dear anh Hân,
      Bài ghi nhận của BS Đỗ Hồng Ngọc kể về một "Nhà giữ lão" ở Montreal với những từ ngữ đủ diễn tả nỗi cảm xúc của ông, nên nếu gọi đây là bài thơ, thì nó là thơ tự do. Dù gì đi nữa nó khiến cho các anh Vĩnh Điện, Lê Tuấn và Võ Tá Hân cho ra tác phẩm bởi thơ có nội dung về thân phận con người ở cuối đời, đù cuộc đời vốn phù vân, vô thường và phủ phàng, nhưng đó là cái thực tế, sự thật mà mọi chúng ta đối diện dù quá khứ có là vương, tướng, sĩ, sư,... chịu chung số phận tóc bạc, da nhăn, mồm móm,... Mới hôm qua thôi, những bon chen, dối gian, lọc lừa, ba hoa,... cuộc đời vẫn ngắn lắm, phù vân, vô thường,... Vâng y như Nguyễn Trung Tây cho cảm nghĩ: "Phù vân! Phù vân! Đại phù vân! Vô thường! Vô thường! Đại vô thường!". 

Việt Hải Los Angeles
Thứ Bảy, 18 tháng 4, năm 2015.

Mới Hôm Qua Thôi - Nhạc Võ Tá Hân - Thơ Đỗ Hồng Ngọc 


Thơ: Đỗ Hồng Ngọc("Trong Một Nhà Giữ Lão Ở Montreal")
Nhạc & Thực Hiện Youtube: Võ Tá Hân
Tiếng Hát: Ngọc Quy
***
Mới Hôm Qua Thôi - Nhạc Vĩnh Điện - Thơ Đỗ Hồng Ngọc


Thơ: Đỗ Hồng Ngọc("Trong Một Nhà Giữ Lão Ở Montreal")
Nhạc: Vĩnh Điện
Hoà Âm&Tiếng Hát: Vũ Hoành

***
Xin gửi tặng BS bài thơ "Mới Hôm Qua Thôi" (?) Trong một nhà giữ lão ở Montréal tôi mạn phép dịch sang Anh Ngữ sau khi đọc và thấm thía.
Kính chào Bác sĩ.
Lê Tuấn

"Mới Hôm Qua Thôi" - Trong một nhà giữ lão ở Montréal

Họ ngồi đó              They sit there
Bên nhau                 Side by side
Đàn ông Men
Đàn bà                     Women
Không nhìn              Without looking
Không nói                Or talking

Họ ngồi đó                They sit there
Gục đầu                     Hanging their heads
Nín lặng                     Silent
Ngửa cổ                     Craning their necks
Giật nhẹ tay chân       Their limbs slightly jerk

Có người Some
Trên chiếc xe lăn        In a wheelchair
Chạy vòng vòng         Going round
Có người Some
Trên chiếc xe lăn        In a wheelchair
Bất động                     Motionless

Họ ngồi đó                  They sit there
Hói đầu                        Their hairline receded
Bạc trắng                     Snow-white
Móm sọm                    Sunken-cheeked
Nhăn nheo                   Wizened

Mới hôm qua thôi        Only yesterday
Nào vương                   They were kings
Nào tướng                    Or generals
Nào tài tử                     Movie stars
Nào giai nhân              Or beauties
Ngựa xe                       On horse-driven coaches
Võng lọng                    Carried in hammocks – shielded with parasols

Mới hôm qua thôi         Only yesterday
Nào lọc lừa                   There were deceits
Nào thủ đoạn                Tricks and scams
Khoác lác                      Boasting
Huênh hoang                 Bragging

Mới hôm qua thôi          Only yesterday
Nào galant                     There was gallantry
Nào qúy phái                  Nobility
Nói nói                           Bantering
Cười cười                       Laughing
Ghen tuông                    Jealousy
Hờn giận                        Sullenness – Anger.

Họ ngồi đó                     They sit there
Không nói năng              Neither talking
Không nghe ngóng         Nor listening
Gục đầu                          Hanging their heads
Ngửa cổ                          Craning their necks
Móm sọm                        Sunken-cheeked
Nhăn nheo                      Wizened

Ngoài kia                        Out there
Tuyết bay                        The snow flakes fall
Trắng xóa                        White
Ngoài kia                         Out there
Dòng sông                       The river
Mênh mông                      Flows
Mênh mông...                   And flows...

Đỗ Hồng Ngọc                  Lê Tuấn Dịch
(Montréal, 1993)

Trần Kim Hoàng Cảm Tạ



Thay mặt gia đình hết sức chân thành cảm tạ
Cô: Phạm Thị Kim Chi
Các bạn thân thiết:
Tân Thị Tuyển Thục
Võ Thị Cảnh
Hồ Ngọc Dung
Nguyễn Thị Khánh Hà
Nguyễn Phạm Phuơng Lan
Lê Thị Kim Oanh

Nguyễn Cao Khải 
Phước Nguyễn
Nguyễn Hồng Ẩn
Trần Văn Hoàng
Lê Bửu Trân
Nguyễn Duy Đồng

Đã đến thăm viếng, cầu nguyện, gửi lời chia buồn, hỏi thăm, phúng điếu, và an ủi chúng tôi, trong nỗi đau buồn mất mát cô em gái Trần Thị Ngọc Phượng
Xin Cô và các Anh Chị Em niệm tình tha thứ nếu có điều chi sơ suất trong lúc tang gia bối rối.

Thay mặt gia đình

Trần Kim Hoàng

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Lặng Lẽ Bên Đời


Ảnh Chụp: Nguyễn Cao Khải
Thơ Cảm Tác: Kim Oanh

Xướng Hoạ : Osaka - Rực Rỡ, Trang Đài



Mát rợp trời hè, theo gió lay
Từng chùm vàng rực dáng trang đài
Như đàn bướm nhỏ rung rinh múa
Tựa giải lụa mềm phơ phất bay
Lộng lẫy màu tươi trong nắng hạ
Dịu dàng chuỗi rũ dưới vòm cây
Lắm cô thiếu nữ dừng chân lại
Mê mải ngắm nhìn, dạ ngất ngây

Phương Hà

***
Bài Thơ Hoạ:

Hoàng Hậu, Sắc Hoa Quý Phái


Đoá vàng rực rỡ nhẹ nhàng lay
Hoàng Hậu (*) cao sang ẩn cánh đài
Nắng chiếu lung linh hoa rộ nở
Gió lồng đưa đẩy bướm vờn bay
Giao mùa mai phượng khoe hương sắc
Giữa tiết xuân hè lộ dáng cây
Em đến từ đâu thân quý phái
Làm cho bao kẻ đẫn đờ ngây

Quên Đi

(*) Ở Vĩnh Long gọi đây là hoa Hoàng Hậu
***

Hoa Nhật Osaka

Sài Gòn hoa Nhật trổ vàng lay,
Cảnh trí khuôn viên hóng mát đài.
Lữ khách phương xa dừng lại ngắm,
Bộ hành phố chợ thấy hoa bay.
Màu tươi bắt mắt vờn trong gió,
Sắc đẹp diễm kiều điểm nhánh cây.
Thiếu nữ má hồng xem nổi bật,
Nhìn hoa Hoàng hậu dáng thơ ngây...

Mai Xuân Thanh
Ngày 09 tháng 04 năm 2015
***
Osaka: Hoàng hậu Tên Em

Chớm hè "Hoàng Hậu" đã lay lay
Vàng rực màu hoa dáng liểu đài
Như bướm chập chờn nhìn phấp phới
Tựa khăn giải lụa gió tung bay
Từng chùm buông xỏa trong màu nắng
Vài chuổi dấu mình dưới tán cây
Du ngoạn vài người khen tấm tắc
OSAKA đẹp, dạ như ngây

Song Quang


Tìm Quên Một Người


Quay về xứ lạnh ngàn hoa
Bóng đào rải lối chân ta ngập ngừng
Bên đường e ấp dã quỳ
Chừng như núi gọi tình si não nề
Em trong tiềm thức bến mê
Phấn thông theo gió vỗ về thời gian.

Luống trông đường cũ bâng khuâng
Ngày xưa lứa tuổi thanh xuân hẹn hò
Bây giờ cỏ úa ngập bờ
Hồ xuân Hương vẫn chơ vơ nỗi buồn
Ánh trăng rơi nhẹ bên đường
Lạnh lùng thấm áo giọt sương cuộc tình.

Giữa miền thương nhớ lung linh
Gọi tên người cũ u tình chiêm bao
Em đi giông bão ngày nào
Nghìn trùng ký ức lao xao ngỡ ngàng
Trời Đà Lạt hôm nay buồn
Mưa như sương khói não nùng trong tim.

Giã từ kỷ niệm mông mênh
Xót xa để nhớ tìm quên một người.

Dương Hồng Thủy




Mắm Món Ngon Độc Đáo Miền Nam

Mắm cá lóc

Mắm là món ăn truyền thống của người Miền Nam, nay rất quen thuộc với nhiều người nhưng cũng rất xa lạ với ai đó không quen ăn nó.
Mắm là sản phẩm địa phương, gắn liền với lịch sử khai hoang miền Nam. Mắm là món ăn vừa dân dã vừa cầu kỳ quý phái sang cả nữa.
Mắm có mặt trong danh mục ẩm thực Việt Nam ngày nay như là một phần không thể thiếu và trở thành nét văn hóa ăn uống của miền sông nước Lục Tỉnh.

Mắm “xuất thân” từ chốn ruộng rẫy hoang sơ, trong những căn chòi, mái lá đơn sơ, bên bờ kinh, hẻo lánh; rồi đi dần ra tỉnh thành, đô thị, vào đến khách sạn, cao lâu tửu quán phục vụ cho khách ngoại quốc.
Nay mắm theo chân người Việt hải ngoại, có mặt khắp năm châu sánh với các món ăn Mỹ, Tây, Tàu, Ấn, Mễ...
Thử lần theo dấu chân con mắm mà về đến quê hương của nó, để tìm hiểu cội nguồn, lai lịch cha sanh mẹ đẻ của nó là ai thì thú vị lắm:
-Làm cho lắm, cũng mắm với cà.
Làm thấy bà, cùng cà với mắm.
- Ăn mắm, lắm cơm

Nói về mắm miền Nam, có người dùng đến cụm từ “mắm Phương Nam” như là cái gì kỳ diệu, lãng mạn hay là cụm từ “bộ sưu tập mắm Miền Nam” như là cái gì cổ kính xa xưa lắm vậy.
Mắm là cái gì mà dữ vậy ?
Mắm là một hỗn hợp thủy hải sản với muối. Đơn giản như là con người Miền Nam. Thế nhưng tùy loại hải sản, loại to, loại nhỏ mà con cá phải qua một quá trình lâu hay ngắn và muối nhiều hay ít, dùng loại thính nào.
Đối với con cá đồng, cá sông nước lợ, con tôm, mỗi loại lại làm cách khác, pha chế thêm phụ gia khác nhau và thời gian khác nhau nữa.
Và cũng chính sự khác biệt đó mà có 3 loại mắm khác nhau:

1. Mắm cá đồng: là mắm làm bằng cá nước ngọt. Nổi tiếng ngon là loại mắm sản xuất ra tại Châu Đốc, Long Xuyên.
Ở đây nước sông ngọt quanh năm sản sanh loại cá lóc ngon nức tiếng. Mắm cá lóc ở đây được ướp bởi loại đường địa phương là đường thốt nốt, nguyên chất, mùi thơm, vị ngọt đậm đà. Do vậy con mắm lóc màu sậm và bóng lấp lánh bởi hợp chất đường thốt nốt với thính gạo rang, và mở của con cá.
Mắm cá đồng được gài trong lu, khạp, mái từ 4 đến 6 tháng tùy cá lớn hay nhỏ thì mới ăn được.
Mắm cá lóc có thể bầm nhỏ chưng với trứng như chả, hoặc để nguyên con chưng cách thủy, là 2 món ăn vừa ngon vừa quý. Nhà giàu thì cá lóc chưng còn có thêm thịt ba rọi, ăn với rau sống, dưa leo rất bắt cơm.
Đặc biệt ruột con cá đồng được lấy riêng ra làm thành mắm ruột, rất ngon và quí, ít khi thấy bán mà chỉ dành riêng cho chủ vựa.
Con mắm cá lóc thái nhỏ, trộn với thịt ba rọi, với đu đủ, ớt, tỏi làm thành mắm thái, vô keo, vô hủ để ăn lâu, rất ngon.

Mắm Cá Linh

2. Mắm cá nước lợ: Làm bằng loại cá sống ở cửa sống giáp với biển như miệt Nhà Bè, Gò Công. Đây là loại cá nhỏ như cá đối, cá chốt, cá linh, cá cơm, cá trắng.
Mắm cá nước lợ thường được chao trộn bằng loại thính lỏng đó là cháo nếp pha đường hủ. Thời gian cần 3 đến 4 tháng thì con cá có thể ăn được.

3. Nhóm mắm thứ ba là mắm cá biển: Người đi biển ở miền Tây xưa ra khơi dài ngày, ghe chèo, không có đá lạnh ướp cá, nên chế ra cách muối cá trên ghe. Con cá mổ bụng lấy ruột, ướp nước muối vớt ra phơi cho ráo rồi đem vào bờ bán lại cho thương lai làm mắm.
Làm mắm cá biển là truyền thống lâu đời của ngư dân Lục Tỉnh.
Mắm cá biển làm trong 2 hoặc 3 tháng thì dùng được rồi

Với 3 loại mắm, người miền Nam đã làm nên nhiều món ăn phong phú, đa dạng,đơn giản mà cầu kỳ.
Mắm ăn với cơm và đặc biệt là món “đưa cay” rất hấp dẫn nhưng ít ai dùng mắm để cúng. Mắm có thể ăn bất cứ mùa nào, thời tiết nào cũng được cả. Vì trong Nam có câu:
Một ngày có đủ bốn mùa
Sáng Xuân, trưa Hạ, đêm về Thu, Đông.
Tùy hoàn cảnh và điều kiện mà mắm cho chúng ta bữa cơm, bữa nhậu, đúng điệu, ngon miệng.

Mắm cá sặc

Muốn nhanh thì xé con mắm cá sặc, hoặc gắp vài con mắm cá trèn, vài ngọn rau thơm, vài trái ớt sống là có món đưa cay và cũng làm hao cơm nữa; nếu có thêm trái bần, trái khế chua thì ngon hơn nhiều.
Nhà đông người thì kho nồi mắm với vài ba con cá chốt, cá đối, ăn với chuối cây sắt mỏng trộn lá me rất ngon cơm.
Muốn sang trọng, đãi khách phương xa thì chuẩn bị lẩu mắm và rau – chỉ độc chiêu lẩu mắm đủ làm khách và chủ say sưa rồi.
Lẩu mắm là đỉnh cao của mắm miền Nam.
Đạm bạc nhứt là có món dưa mắm. Đó là củ cải trắng hay dưa leo, dưa gang ngâm mắm, sắt mỏng, trộn tỏi ớt, đường thế là ngon miệng và no lòng.

Theo chân con mắm từ Nam ra Trung thấy cung cách làm mắm khác nhau.
Người miền Trung làm mắm phải mặn, phải cay. Đó là nét riêng của người miệt này.
Ở miền Nam, mắm phải vừa mặn vừa ngọt. Vị cay được pha trộn khi ăn, chớ không phải như người Trung pha trước trong mắm.
Mắm ngon nhờ phần lớn là ở giai đoạn pha trộn trước khi ăn. Ớt, tỏi là 2 vị cay được trộn với mắm, còn gừng thì dùng riêng khi ăn.
Nói ăn mắm chớ thật ra thì rau sống mới quyết định bữa ăn mắm ngon hay không.
Rau sống có thể là bông điên điển, bông súng, rau dừa, chuối cây trộn với rau thơm và lá me...
Còn vị cay khi thì dùng ớt, tỏi, khi thì dùng tiêu nhưng ít khi dùng riềng, dùng nghệ như miền Trung, miền Bắc.
Do vậy từ con mắm đến món ăn với mắm không đơn giản chút nào.

Mắm tép

Còn có loại mắm không làm bằng cá mà làm bằng con tôm, con tép, làm cho bộ sưu tập mắm Miền Nam thêm phong phú.

Trước hết là mắm ruốc. Đây là loại mắm làm từ con ruốc, loại tép rong. Xưa tép rong rất nhiều phải phơi khô làm phân bón rau cải; sau này dùng làm thức ăn gia súc. Ai đó có sáng kiến lấy ruốc làm ra mấm ruốt.
Mắm ruốc là hợp chấc ruốt với muối là gia vị, dưới dạng sền sệt, màu sậm hơi đen.
Mắm ruốt là món chấm, dùng với món khác và để ăn lâu ngày như nước mắm.

Trước đây ở Vũng Tàu có mắm ruốc Bà Giáo Thảo một thương hiệu nổi tiếng, tương đối có tiêu chuẩn về vệ sinh, được biết khắp nơi. Nay mắm ruốc Vũng Tàu cũng nổi tiếng, nhờ con ruốc ở đây ngọt và thơm.
Mắm ruốc xào xả ớt và thịt bầm vô keo, vô hủ để ăn lâu rất ngon. Gặp khi thắt ngặt, ăn cơm với mắm ruốt xào xả ớt cũng ngon miệng.

Còn mắm tôm chà Gò Công là món ăn cao cấp và là đặc sản duy nhất Gò Công.
Con tôm đất, đâm nát với phụ gia ớt tỏi, muối, đem phơi và ủ để thịt con tôm phân hủy, sau đó chà bỏ xác. Nước cốt tôm phơi vài nắng là ta có món mắm tôm chà rất ngon.
Gò Công cũng còn có mắm tôm chua nữa. Mắm tôm chà hay tôm chua phải dùng tôm tươi, tôm đất mới ngon.
Gạch con tôm sẽ cho “màu đỏ gạch tôm”, nỗi trên mặt hủ mấm tôm chua trông rất đẹp và thơm.
Con tôm sau khi cắt đầu đuôi phải cho nó “uống rượu”. Người Gò Công nói cho tôm uống rượu là cho tôm vào thau, trộn với rượu đế, để khử mùi tanh và làm cho tôm không bị hư (thúi). Vớt tôm ra, để ráo, cho vào hủ, và đổ ngập nước mắm nấu chín để nguội, gài chặt, phơi nắng trong một tuần là ăn được.
Có loại mắm rất ngon, nhưng ít người biết, ít thấy bày bán vì nó rất hiếm đó là mắm còng.
Chỉ có người Gò Công hay Bến Tre thì mới biết mắm còng.

Mắm Còng Gò Công

Mắm là món ăn truyền thống của người miền Nam và người Lục Tỉnh lấy làm tự hào vì đã cho đời món ăn ngon, khoái khẩu và tuyệt vời.
Ngày nay mắm đi tận cùng ngỏ ngách quê hương Việt Nam, từ Nam ra Bắc tận ra hải ngoại.

Ăn mắm đã trở thành nét văn hóa riêng của người Việt và người miền Nam lấy làm hãnh diện với tên gọi “Mắm Phương Nam”.

Nam Sơn Trần Văn Chi

Xuân Và Yêu - Lâm Kim Cương - Thuỵ Uyên



Nhạc Và Lời:Lâm Kim Cương 
Tiếng Hát:Thuỵ Uyên

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Đảo Điên


Thơ & Thơ Tranh: Nguyễn Đức Tri Ân

Lời của Đá


Đá là...đá cuội lang thang
Đầu ghềnh
Cuối bãi
Bạt ngàn trăng treo
Khi thì đứng giữa - cheo leo
Cùng mây với gió...hút heo
Đầu ghềnh!

Đá là...đá cuội buồn tênh
Một mình giữa cõi mông mênh - ta bà
Nghìn năm
Đá vẫn cứ là...
Trơ trơ cùng ánh trăng ngà
...hút heo.

TiCa Nguyễn Xuân Hòa

Xin Đừng Rời Xa Huế


Anh yêu ơi, xin đừng rời xa Huế
Bỏ lại em năm tháng tiếng...ơ...hờ...
Cửa Thuận An đam mê triền sóng vỗ
Gọi anh về dệt lại mấy vần thơ...

Anh yêu ơi, xin hãy về với Huế
Đừng xa em trăng Vỹ Dạ hoen mờ
Tình em đầy say đắm những giấc mơ
Chuông Thiên Mụ vọng về mơn nỗi nhớ

Anh yêu ơi, xin đừng đi bỏ Huế
Mưa dầm dề nỗi nhớ gọi tên anh
Sông Hương buồn dòng nước chảy quẩn quanh
Sầu rơi xuống như cung đàn đứt đoạn

Anh yêu ơi, mau trở về với Huế
Kẻo tình xuân giờ đã chín rụng rồi
Huế bây giờ chỉ chờ đợi anh thôi
Anh không đến Huế sẽ buồn muôn thuở!

Hoàng Kim Mimosa
AL 3/20/2015

Tranh Vẽ Của Họa Sĩ Tín Đức (2)









Họa Sĩ Tín Đức

Thầy Tôi

    

      Lặng người đi thật lâu, ký ức tôi lại quay về với thời gian cũ và bóng dáng ngôi trường thân yêu Phan Sào Nam nằm gần cuối góc đường Phan Thanh Giản và Ngã Bảy Sài Gòn. Bạn bè cũ và các thầy của tôi nơi đây ít nhiều làm tôi vẫn còn nhớ đến, tôi nhớ vài đứa bạn như Lê thị Bế ở cư xá Phú Thọ, Nguyễn Thị Hoà ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật gần phía nhà tôi, Châu Thị Mười cô bạn ngồi cạnh tôi, Trần Thị Bích Phượng rất xinh gái, Nguyễn Thị Phụng, Lâm Hoàng Hoa nổi tiếng với mái tóc dài liêu trai, Nguyễn thị Đào, Nguyễn Thị Lượm, Nguyễn Thị Hải, Thái Thị Phương thì hơi lai chà vì có làm da ngâm đen nhưng có duyên, về bạn trai tôi chỉ nhớ mỗi tên Ngô Công Đức . Riêng Hải và Bế có biệt tài viết kiểu chữ Gotich và trang trí bài vở đẹp nhất lớp v...v .. Còn thì thầy dạy môn sử địa là thầy Lâm, tôi mến thầy nhất và vì thế nên tôi rất ư là chịu gạo bài để lấy điểm cao cho môn này. Mà thầy giảng về sử thì cả lớp đều thích lắng nghe và mong tiếng chuông báo hiệu hết giờ đừng chấm dứt. Rồi thì thầy Đức dạy môn Hoá dáng rất thư sinh, người cao dong dỏng ,thầy có biệt tài đánh đàn Guitar và hát hay. Thường mỗi cuối khóa chấm dứt niên học để nghĩ hè, chúng tôi thường yêu cầu thầy mang đàn vào hát hò hay đàn cho chúng tôi nghe .Rồi thầy dạy môn vạn vật và vật lý là thầy Tạ Chí Đông Hải, thầy Phuớc dạy môn hình học, thầy Phước đặc biệt là nghiện thuốc lá, thầy hút thiếu điều cháy phổi mà vẫn không bỏ nhưng thầy dạy nổi tiếng về giảng bài rất hay và dễ hiểu. Còn những môn khác thì tôi cũng quen béng mất tên thầy tôi và cũng không nhớ nỗi đến gương mặt hay dáng nét của các thầy nữa ...

       Tôi nhớ là tôi thường hay giữ sổ điểm cho lớp và giúp thầy giám thị cộng điểm cuối tháng, tôi có tài tính nhẫm và cộng điểm rất nhanh nên thường được tín nhiệm và nhận lãnh công việc của lớp. Tôi còn nhớ truờng thường cấp phát bảng danh dự từ hạng nhất cho tới hạng chín riêng cho các em có số điểm cao trong tháng về tất cả các môn học. Chưa bao giờ tôi nhất lớp mà chỉ từ hạng năm sáu trở đi, những tấm danh dự đó tôi cất kỷ cho đến ngày 30 tháng tư mới hủy bỏ . 

       Vào những năm học lớp đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8 &9), thời gian này tôi theo nhóm bạn xuống đường chống tăng học phí, nhưng kết quả thì một đưá trong nhóm tôi bị bắt và nhốt mấy tháng. Sau đó tôi tham gia vào đoàn Công tác Xã Hội trực thuộc bên Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Sàigon..Nhưng rồi tôi cũng phải từ giã ngôi trường để chuyển sang trường khác thời gian sau đó ...
***
        Bây giờ ngồi đây nhớ lại một thời đã qua với từng ấy kỷ niệm thời cắp sách chưa quên trong tôi , lại biết thêm được thầy cũ của tôi cùng dưới mái trường năm xưa đó mà bao lâu nay tôi vẫn còn liên lạc và nhận báo đều do thầy gửi, làm tôi lại thấy nhớ đầy thêm những kỷ niệm. Tôi đâu ngờ trái đất vẫn tròn, để cho tôi tìm lại thầy tôi, thế mà cũng đã lâu tôi nhớ ngày còn góp mặt trong trang web Trinh Nữ, nhiều bài thơ quê hương viết về tâm sự người lính và cuộc chiến của nhà thơ Song Nhị đã làm tôi cảm động vì có những đoạn anh viết tôi đọc mà nước mắt rưng rưng, tôi nhớ sau mỗi bài thơ nào mà tôi cảm nhận được trong trang thơ anh, tôi thường viết vào đấy chia sẽ. Lúc ấy chưa biết anh ra sao nhưng từ những cảm nhận trong mỗi bài thơ hay đoạn văn anh viết, tôi như gần gủi với anh về cái tên Song Nhị chính bút hiệu của anh. Từ đó tôi vẫn giữ mối dây liên lạc cho đến ngày tôi sang Cali năm ngoái và lần ghé thăm anh Hai Mạc Phương Đình tại San Jose, lần ấy chị Sương Mai đến thăm tôi khi biết tin tôi qua chơi. Chị Sương Mai có hẹn tôi tạt qua thăm anh Song Nhị vì chị cũng quen biết và thường đóng góp bài vỡ cho trang báo này. Và buổi chiều hôm ấy, tôi cùng chị Sương Mai có ghé thăm anh , lúc đó tôi mới thật sự biết anh ngoài đời, nhìn mái tóc anh và cơ sở ấn loát tờ báo Nguồn mà tôi chỉ nghe và biết đến qua trang Net mà thôi. Anh rất bận bịu với tạp chí Nguồn hiện nay của anh và cầu mong tạp chí Nguồn sẽ còn tiếp tục ấn loát và đến tay đọc giả khắp mọi nơi... Tạp chí Nguồn cũng đã giữ uy tín trong nhiều năm qua về sự phát hành đúng thời hạn và những cây viết đã cộng tác cho tạp chí này rất được tín nhiệm.

       Riêng tôi, vẫn ước mong và chúc sức khoẻ đến Thầy tôi, để thầy còn tiếp tục làm tròn trách nhiệm đã được giao phó. Và tờ báo Nguồn sẽ sống mãi và là món ăn tinh thần trong lòng Người Việt Tha Phương. Và Thầy ơi, nhìn lại thầy mới biết thời gian làm thầy già đi nhiều với mái tóc pha sương trắng, nhưng vẫn diễm phúc cho tôi khi tôi còn nhìn thấy và biết thầy của tôi vẫn còn đây....

Miên Thụy
16Mei2008

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Thành Kính Chia Buồn Anh Trần Kim Hoàng & Gia Đình Cô Trần Thị Ngọc Phượng


Một Nhóm Cựu học sinh Tống Phước Hiệp vừa được tin buồn cô Trần Thị Ngọc Phượng, là em gái anh Trần Kim Hoàng .Trước ở Thiềng Đức, Vĩnh Long. Cô đã mãn phần.
Sinh năm 1949 tại Vĩnh Long, Việt Nam
Qua đời ngày 10/4/2015, nhằm ngày 22/2 Năm Ất Mùi âm lịch
Lúc 7giờ, tại Houston TX, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 67 tuổi
Lễ nhập quan và phát tang tại nhà quàn Vĩnh Phước 8514 Tybor Dr - Houston TX, Hoa Kỳ
Lễ di quan và an táng lúc 2giờ chiều ngày 14/4/2015

Thành kính phân ưu cùng anh Hoàng và Gia đình Cô Trần Thị Ngọc Phượng,
Nguyện cầu Ơn Trên Đức Phật từ bi cứu độ vong linh Cô Trần Thị Ngọc Phượng, được thoát chốn mê đồ, vãng sanh miền cưc lạc.

Đồng Kính Phân Ưu

1/Nhóm : Bạn cùng Lớp Đệ Thất Trung Học Tống Phước Hiệp - Niên Khóa từ 1956 - 1963
Nguyễn Phạm Phuơng Lan
Nguyễn Thị Khánh Hà
Hồ Ngọc Dung
Lê Thị Kim Oanh - Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp - Niên khoá 1969-1976

2/Nhóm 2; Nhóm Cựu Học sinh Tống Phước Hiệp - Lớp Tứ B 
Nguyễn Cao Khải 
Cảnh Võ
Tân Thị Tuyển Thục
Phước Nguyễn
Nguyễn Hồng Ẩn
Trần Văn Hoàng
Lê Bửu Trân
Nguyễn Duy Đồng

Thơ Tranh: Cảm Đề Tấm Ảnh 82

Lê Minh Thuận, Giáo sư Đoàn Thị Điểm&Phan Thanh Giản - Cần Thơ 1955-59 
Phạm Khắc Trí Giáo sư Đoàn Thị Điểm&Phan Thanh Giản - Cần Thơ 1968-75 
Hai ông giáo già cùng 82 tuổi, là bạn từ kiếp trước, đã gặp lại được nhau ngày 10/4 /2015
Xin được chia vui cùng chúng tôi
( PhạmKhắcTrí 04/10/2015)

Thơ & Hình Ảnh: Phạm Khắc Trí
Trình Bày: Kim Oanh

Huyễn Mộng Kinh Kha


(Tặng Cao Vị Khanh)

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Chiều cuối tuần, lâu không thấy người qua.
Tôi không giận vì câu em nói lẫy:
"Mấy năm rồi không ngó đến người ta !"

Tôi biết chứ, xa xôi thì nhớ lắm.
Xưa bảo rằng nhất nhật tự tam thu.
Trong mắt biếc tôi chừng nghe lắng đọng
Tiếng thu không, trống gọi những canh thâu.

Tôi lững chững bước mang đời cô lữ,
Đã lâu rồi xa vắng những tình thư.
Xin em chút lòng bao dung tha thứ,
Dẫu hoa tàn còn nhớ tuổi ngây thơ.

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Hoa nở hoa tàn, tôi chẳng biết sao ?
Trong xuân sắc, tôi làm sao không thấy
Một ngày kia rụng rã cánh hoa đào ?

Đã biết yêu hoa thì thương hoa,
Cho tôi gói ghém mộng sơn hà.
Cho tôi gởi lại dòng di chúc
Cho mối tình si em với ta.

Tôi mang máng nhớ người bên Dịch thủy
Đứng bên bờ, sáo trúc nhẹ trên tay.
Miên man thổi, giang sơn lời van vỉ,
Gánh sơn hà sao trĩu nặng trên vai.

Tôi đến thăm em một chiều thứ bảy,
Đã qua mùa nhung nhớ nở đơm hoa.
Tôi nắm chặt tay em, hồn run rẩy,
Miệng Tô Tần sao tỏ mộng Kinh Kha?

Thì thôi nhé, em ơi, tình chỉ vậy,
Trách mà chi cho xâu xé lòng nhau ?
Xin em nhớ xa xôi còn đâu đấy,
Xác tim ai nằm cạnh xác hoa đào.

Montreal, March-1999
(PSSC Houston, xuân 2000)
Nguyễn Đức Tuấn

Chút Tình Pleiku


Sương mờ bụi đỏ đường xưa
Tiễn đưa thương nhớ cho vừa nỗi đau
Mai kia rũ áo qua cầu
Xin em giữ lại trong nhau chút tình

Nguyễn Đức Tri Ân
10/04/2015

Coi Thử Gì Đây?

Thoạt đầu nhìn sẽ nhầm tưởng đây là con tắc kè hoa.
Những hình ảnh chuyển động thật đẹp ....
Thì ra ... được tạo từ hai người thiếu nữ nằm chồng lên nhau.

Mặc Thái Thủy sưu tầm

Giặt Áo Chiều Quê


Vầng trăng soi bóng con sông
Soi trong ký ức bềnh bồng cơn mơ
Soi nghiêng mái tóc lửng lờ
Vầng trăng con gái tròn bờ môi ngoan

Soi trong sâu thẳm giếng làng
Gàu ai múc ánh trăng vàng đổ đâu?
Đổ vào góc nhớ đêm thâu
Tình ai theo gió qua cầu áo bay

Nồng mùi rơm rạ ngấn say
Em ngồi giặt áo vò ngày nhớ thương
Áo bà ba tím mùi hương
Vò sao cho hết dấu buồn tình se

Tiếng chim líu ríu cành tre
Chờ ai thắc thỏm bên hè ngoài hiên
Em ngồi giặt áo lụa mềm
Dậy thì từng ngón búp nhen xuân hồng

Soi vào đôi mắt huyền nhung
Cỏ hoa ngây ngất nhớ mong theo về
Em ngồi giặt áo chiều quê
Vò đi vò lại đam mê rối nhàu

Trầm Vân

Hàm Dương Thành Đông Lâu 咸陽城東樓 - Hứa Hồn

Cuối tuần, lật quyển Đường Thi Tam Bá Thủ, tình cờ đọc được bài thơ luật " Hàm Dương Thành Đông Lâu " của Hứa Hồn, thấy âm điệu và phong cách cũng mang chút gì hơi hám của Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, kể cả vần được gieo cũng làm cho người đọc cảm thấy như đang đọc lại câu " Yên ba giang thượng sử nhân sầu! ". Xin trích dịch sau đây để mọi người cùng thưởng lãm!


咸陽城東樓             Hàm Dương Thành Đồng Lâu

一上高城萬里愁, Nhất thượng cao thành vạn lý sầu,
蒹葭楊柳似汀洲, Kiêm hà dương liễu tự Thinh Châu, 
溪雲初起日沉閣, Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。 Sơn vũ dục lai phong mãn lâu. 
鳥下綠蕪秦苑夕, Điểu hạ lục vu Tần uyển tịch,
蟬鳴黃葉漢宮秋, Thiền minh hoàng diệp Hán cung thu,
行人莫問當年事, Hành nhân mạc vấn đương niên sự,
故國東來渭水流。 Cố quốc đông lai Vị Thủy lưu. 
許渾                         Hứa Hồn.

許渾,字用晦(一曰仲晦),唐丹陽人也(一曰睦州)。太和六年進士,為太平縣令,大中三年任監察御史,以疾乞東歸,終郢、睦二州刺史,所至有善政。渾長於詩,有《丁卯集》行於世。
《宣和書譜》曰:「許渾正書雖非專門,而灑落可愛,想見其風度,渾作詩似杜牧,俊逸不及而美麗過之。古今學詩者,無不喜誦,故渾之名益著,而字畫因之而並行也。」

HỨA HỒN, tự là Dụng Hối( Có sách cho là Trọng Hối ), người đất Đơn Dương( Mục Châu ) đời Đường. Đậu Tiến Sĩ năm Thái Hòa thứ sáu, làm Huyện Lệnh Huyện Thái Bình, năm Đại Trung thứ ba làm Giám Sát Ngự Sử, vì bệnh nên xin chuyển về miền đông, sau cùng làm Thứ Sử ở 2 Châu Sính và Mục, ở mọi nơi đều có tiếng là vị quan tốt. Ông giỏi về thơ, còn lưu lại đời sau 2 tập thơ " Đinh Mão Tập ".
Theo " Tuyên Hòa Thư phổ " ghi : Hứa Hồn tuy không chuyên về thư pháp, nhưng chữ viết bay bướm dễ nhìn, có phong cách riêng. Hồn làm thơ giống như Đỗ Mục,tuy không phóng đạt bằng Đỗ, nhưng hoa lệ thì có thừa, người học thơ xưa nay đều rất thích đọc, nên Hồn càng nổi tiếng song song cả thơ lẫn thư pháp. ".

Chú Thích:
1. Kiêm Hà: Là Lau sậy, theo tiếng gọi của ngày xưa. Trong Kinh Thi có câu: Kiêm Hà thương thương, có nghĩa là Lau sậy xanh xanh.
2. TỰ 似: là TƯƠNG TỰ, có nghĩa Giống như là. Thinh Châu : Thuộc tỉnh Phước Kiến, nay là Huyện Trường Thinh. Thinh châu còn có nghĩa là những cồn đất nổi lên ở giữa sông lớn, lau sậy mọc um tùm. Ở đây, vì muốn ăn khớp với cái " VẠN LÝ SẦU " của câu trên, nên ta hiểu THINH CHÂU là một địa danh của tỉnh Phước Kiến ở tận miền Nam, trong khi Tác Giả lên tận lầu HÀM DƯƠNG của miền Bắc để trông ngóng về quê hương xa xôi vạn dặm ở miền Nam.
3. Khê Vân : Hơi nước từ trong khe suối bốc lên thành mây.
4. Lục Vu: Vu là Rậm rạp, hoang vắng. Lục Vu là Bãi xanh hoang vu của cây cỏ bỏ hoang xanh um rậm rạp!
5. Vị Thủy: Tên con sông phát nguyên từ tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây đổ vào sông Hoàng Hà rồi chảy ra biển Đông...

Dịch Nghĩa:
Trên Lầu Đông Của Thành Hàm Dương
Lên đến tận trên lầu cao của đông thành thì nỗi sầu lại dài thêm vạn dặm. Trước mắt, lau sậy hòa vào màu xanh của dương liễu mường tượng như màu xanh của đất Thinh Châu. Những làn hơi nước trong khe suối vừa bốc lên thành những làn mây mỏng thì mặt trời cũng đã chìm xuống phía sau lầu rồi ! Và cơn mưa núi chưa kịp đổ xuống thì gió đã ào ạt đầy cả lầu!. Lũ chim bay xà xuống bãi xanh hoang vu của vườn thượng uyển đời Tần ngày xưa trong buổi chiều tà. Và lũ ve cuối mùa cố cất tiếng ngâm trong đám lá vàng của cung viên nhà Hán vào buổi chiều thu se lạnh. Ôi thôi! Người qua đường xin đừng hỏi đến chuyện của năm xưa nữa, Cố quốc từ hướng đông mà đến cũng như dòng Vị Thủy theo hướng của tất cả những dòng sông đổ vào Hoàng Hà rồi cũng đều chảy về với biển Đông thuận theo lý tự nhiên...

Hai câu:
溪雲初起日沉閣, Khê vân sơ khởi nhật trầm các,
山雨欲來風滿樓。 Sơn vũ dục lai phong mãn lâu. 
đã trở thành thành ngữ trong văn chương khi dùng để diễn tả hiện tượng hoặc cái điềm báo trước của một sự kiện trọng đại, hay một tình thế thay đổi lớn của thời cuộc! " Sơn vũ dục lai " thì " phong đã mãn lâu " rồi! Trước khi " mưa núi ập tới ", thì " gió đã thỏi đầy cả lầu " rồi! Trước khi Miền Nam thất thủ thì dư luận thế giới, Quốc Hội MỸ, đài BBC và nhất là "Chiến thuật di tản" đã làm xáo trộn hoang mang cả Sài Gòn và Đồng bằng sông Cửu Long rồi!

Diễn Nôm:
Vòi vọi thành cao vạn dặm sầu,
Lau xanh liễu rũ ngỡ Thinh Châu.
Mây vờn khe suối vầng ô khuất,
Mưa chửa thành cơn gió ngập lầu.
Chim lượn xập xòe Tần thượng uyển,
Ve sầu rả rít Hán cung thâu.
Nào người chớ hỏi đời xưa cũ,
Sông Vị về đông vẫn chảy mau!

Lục Bát:
Thành cao cho vạn lý sầu,
Vi lô tơ liễu tựa màu Thinh Châu.
Mây lên mặt nhựt khuất lầu,
Mưa chưa thành hạt gió sầu đầy song.
Chim xà Tần uyển vườn không,
Ve ngâm rả rít Hán cung thu sầu.
Nào ai chớ hỏi vì đâu ?!
Về đông sông Vị chảy mau, lệ thường !!!...

Đỗ Chiêu Đức Biên Soạn

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Thơ Tranh: Pleiku


Thơ: Dương Hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Người Về Nhang Khói Tình Ta


Biết người về sẽ ngấm cơn đau
Tôi cạn hết chén say người bỏ lại
Sao ấm được mái đời nhau trống trải
Bởi đêm dài bóng ngã áo người đi

Biết người về tay gối cơn mưa
Nghiêng nước mắt ướt bài kinh cứu khổ
Đêm tan vở nến run lời tế độ
Cháy bên nhau tàn những nén nhang đời

Người có về chân hỏi đá đồi cao
Tay hỏi ngực áo hoa cài vội
Đêm hỏi lại tiếng chim chiều mệt mỏi
Khi mùa đi là lá biếc xa cành

Tôi theo về tiếng núi gọi ngàn xanh
Câu kinh cũ phai mờ vách đá
Đêm bóng ngã, đốt đời nhau vội vãCháy như mơ ngọn lửa biếc vô thường
 
Lâm Hảo Khôi

Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm - Vương Xương Linh (698 - 756)


Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm


Hàn vũ liên giang dạ nhập Ngô
Bình minh tống khách Sở sơn cô
Lạc Dương thân hữu như tương vấn
Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ

Vương Xương Linh (698 - 756)
***
Dịch Xuôi : Tiễn Tân Tiệm Trên Lầu Phù Dung

Đêm đến đất Ngô vào lúc mưa lạnh sông lũ
Sáng ngày núi Sở chơ vơ lại chứng kiến cảnh tiễn khách đi
Bạn xưa ỏ Lạc Dương nếu có ai thăm hỏi
Xin thưa vẫn nguyên vẹn một tấm lòng trong sáng như băng tuyết trong bình ngọc

Nhất Phiến Băng Tâm (Bài 1)

Đêm Ngô sông lũ mưa chào đón
Sáng Sở núi buồn nắng tiễn đưa
Phố cũ bạn xưa ai hỏi đến
Lòng tôi băng tuyết vẫn như xưa 


Nhất Phiến Băng Tâm (Bài 2)

Đêm Ngô mưa lạnh đón
Sáng Sở núi buồn đưa
Bạn cũ còn thăm hỏi
Lòng quê vẫn tuyết xưa 


Lời Thêm: Một đời gốc bật , đêm Ngô sáng Sở , nghĩ mình nhờ phúc đức cha ông , vẫn còn giữ được tấm lòng quê chơn chất để lại cho con cháu ,nghĩ cũng đã là may mắn lắm rồi . Cầu chúc an lành cho mọi người thân quí và, cho các con các cháu yêu dấu. PKT 04/05/2014 (Kỷ niệm ngày giỗ Ông Nội lần thứ 40)

Phạm Khắc Trí
5/4/2015
***
芙蓉樓送辛漸 
               
寒雨連江夜入吳
平明送客楚山孤
洛陽親友如相問

一片冰心在玉壺

王昌齡

Dịch Thơ:

Phù Dung Lầu Tiễn Tân Tiệm

Sông Ngô đêm đến giăng mưa lạnh
Núi Sở sáng buồn tiễn bạn Tân
Như đến Lạc Dương ai có hỏi
Rằng đây quạnh quẽ chỉ đơn thân.

Quên Đi
***
 Lầu Phù Dung Tiễn Tân Tiệm

Mưa lạnh tràn sông đêm tới Ngô
Sớm đưa khách đến núi đơn côi
Đô thành bạn hữu có hỏi tới
Tuyết sạch lòng trong vẫn giữ thôi

Chân Diện Mục
.***
Đưa Tân Tiệm Ở Lầu Phù Dung

Đến Ngô lúc đêm mưa sông lạnh,
Núi Sở buồn tiễn bạn sớm mai,
Lạc Dương thân hữu đoái hoài,
Tấm lòng băng tuyết rượu cay một bình!

Đỗ Chiêu Đức
***
Tiễn Bạn Tân Tiệm Trên Lầu Phù dung

Mưa lạnh đầy sông, tối đến Ngô;
Sáng ra, tiễn khách Sở non cô.
Lạc Dương, bạn hữu như thăm hỏi :
Một mảnh lòng trinh dưới ngọc hồ. 

Danh Hữu 
***
Lầu Phù Dung Tiễn Tân Tiệm

Đêm tới Ngô mưa sông giá lạnh
Núi Sở buồn tiễn khách , bình minh
Lạc Dương bạn hỏi về mình
Lòng ta băng tuyết gương trinh ngọc hồ

Mailoc
***
Nhất Phiến Băng Tâm

Đêm Ngô chào đón cảnh mưa dầm
Sáng Sở tiễn đưa lệ khóc thầm
Bè bạn Lạc Dương ai có hỏi
Lòng ta giữ vẹn phiến băng tâm.

Nguyễn Đắc Thắng
20150411
***
Phù Dung Lầu Tiễn Tân Tiệm

Đến Ngô sông lũ đêm mưa lạnh
Rời Sở núi buồn sáng tiễn chân
Bạc cũ Lạc Dương ai mấy hỏi
Lòng đây băng tuyết vẹn tâm thân

Kim Phượng
***