Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Đêm Đông


Một chút tâm tình,

"Kim Oanh thâu bài hát này để tặng cho Ba Má thương yêu của mình nghe đó. Năm 1979, Kim Oanh rời khỏi quê nhà cùng với vợ chồng Kim Trúc và một đứa em trai, ra đi sang định cư nơi "xứ lạnh tình nồng" Canada. 

Mãi đến năm 91 mới về lại VN lần đầu sau 12 năm xa xứ, và để cho chàng rể của cô Kim thứ 4 này ra mắt Ông Bà nhạc gia nữa....Không ngờ gặp lại Ba lần này cũng là lần gặp gỡ sau cùng, vì chỉ năm sau 92 Ba ra đi đột ngột vì tai biến mạch máu não ở tuổi 64, khôg ai ngờ vì Ba còn khỏe còn phong độ lắm, Còn nhớ mãi hình ảnh Ba đem khoe những món đồ ưa thích mà Ba đã gói ghém chuẩn bị sẵn sàng để chờ qua đoàn tụ với cháu con mà không có cơ hội, số phần Ba vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất quê hương, trong khi vài tháng sau là Má và mấy đứa em đã có tên đi qua bên này rồi. 

Khi sang đây má kể lại cho mấy chị em nghe là trước khi Ba các con chìm vào hôn mê vĩnh viễn, lời sau cùng nói với Má là Ba muốn nghe bài hát Đêm Đông. Má rất ngạc nhiên khôg hiểu tại sao vì ngày thường ít thấy Ba nghe bài nhạc này. Lúc đó gấp quá với lại thời buổi ấy không biết tìm đâu được bài nhạc cho Ba nghe..nhắc lại Má cũng còn buồn...
Sau khi nghe Má nói vậy, nên con gái thứ 4 này dù biết mình hát khôg hay như ca sĩ chuyên nghiệp..nhưng biết rằng ba má nào cũng thích được nghe con gái mình hát nên mình nhất định phải hát cho được bài này.. và sẽ.. nhờ gió nhờ mây gửi đến Ba Má như là một kỷ niệm.. và để mỗi khi mình nghe Đêm Đông là nhớ về Ba Má thương yêu của mình. 

...Rồi khi mình hát đến mấy câu:
"Đêm đông! xa trông cố hương buồn lòng chinh phu, Đêm Đông! bên song ngẫn ngơ kìa ai mong chồng"...

Thì mình chợt ngẫm nghĩ và mới hiểu ra nỗi lòng của Ba lúc ấy..có lẽ trước khi buông tay ra đi ...nghĩ mà thương cho nỗi cô đơn của Má, nên Ba mới nhớ và nhắc bài hát Đêm Đông này như là lời nhắn nhủ tạ từ với người bạn đời của Ba...

Giờ thì Má cũng đã về xum họp với Ba và đang bên nhau cùng thưởng thức tiếng hát của con gái mình rồi đó..

Con gái kính gửi nhớ thương về Ba Má, cầu mong Ba Má yên nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng..."

Hôm nay Kim Oanh xin chia sẻ một chút tâm tình mong các bạn hiền đón nhận, và rất cám ơn các bạn thưởng thức 

Kim Oanh Canada 
(Kỷ niệm giỗ Ba).

Gió Thu

 

Tà dương dần khuất cuối chân trời
Ngọn gió đâu về cợt lả lơi
Vạn vật đắm mình choàng bỡ ngỡ
Đàn chim động tổ rối bời bời
Đổi màu phiến lá thay nhan sắc
Trơ gốc tàng cây tủi phận đời
Chớ lụy thi nhân sầu vạn cổ
Xin ngừng lay nhé gió thu ơi

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
(Dandenong Ranges National Park - Victoria)



Trở Về

 

Trở về đầu làng
Những con chim sáo hát vang...
Diều ta...bước theo dòng lệ
Nỗi niềm...xao xuyến nắng chiều hoang!
Vườn xưa sương khói lu mờ
Bờ tre, bụi chuối...dáng ngẩn ngơ!
Văng vẳng Em ơi...thuở xa xưa ấy
Quặn thắt con tim...bến hững hờ!
Nhà xưa dáng cũ đã tiêu tan!
Tưởng mình sai lối...lạc đàng...
Hồn Anh rơi vào hố thẳm!
Gió mây quằn quại thở than!!
Bao năm xa cách...lệ châu mày!
Dòng dời...lắm cảnh chua cay!!
Vì ai...ngăn song cách núi!
Biền biệt nhớ thương...liệm tháng ngày!!
Đây rồi nhà Em...chỉ mộng mơ...
Hình xưa Bóng cũ...đã phai mờ!
Sáo ơi!! thôi đừng hót nữa...
Cung đàn thuở ấy...đã đứt giây tơ!!

Tô Đình Đài

Tình Hoa

  

Có một cành hoa Mimosa
Đã làm khơi động cõi lòng ta
Cuối đông chút nắng vàng hanh đó
Đã đổ mưa lòng những cánh hoa

Ta đã nhủ lòng trong lãng quên
Khói sương Đà Lạt tóc vai mềm
Khăn ấm vòng quanh tình ấm mộng
Mimosa vàng, dĩ vãng dịu êm

Chiều đã dâng lên hồn vọng tưởng
Trong tình yêu một cánh hoa lòng
Vách đá trầm ngâm khe suối đổ
Nghe bâng khuâng lời hẹn trong mơ

Sóng hồ in bóng tình hoa vỡ
Mây nước mênh mang vàng nỗi sầu
Anh trở về ngàn thông đứng lặng
Tóc ai vờn gió lộng qua mau.

Lê Mỹ Hoàn
6/2020
                                

Lễ Hội Anh Đào Tại DC

 

Đông qua rồi, mùa vui đang tới,
Xuân đã về, nắng mới lao xao!
Em ơi… giờ ở phương nào?
Nhớ về dự “Hội Anh Đào-DC”(*)
Anh đợi em về …
Em ơi về nhé !

Chúng mình dã ngoại Hanami (**)
Tưng bừng vui chẳng kém gì Kyoto.
Chiêm ngưỡng Anh Đào,
Giữa lòng Thủ đô nước Mỹ,
Tràn ngập Yoshino...
Rực rỡ như triền Phú sĩ,
Này em, nhớ về tham gia Lễ Hội.
Cuộc vui này thơ mộng lắm em ơi!

Mỗi Xuân chỉ một lần thôi,
Con người hòa với Đất Trời nở Hoa.
Ta sẽ đi giữa Anh Đào,
Con đườngTình đôi ta.
Mùa Xuân rồi nữa sẽ qua,
Em ơi về nhé, ngắm hoa Anh Đào!

Mênh mông rừng Đào phơi phới,
Tưng bừng nở hoa,
Dọc bờ hồ Tidal Basin
Chào mừng người yêu tôi tới ...
Nhẹ gót thiền vào yozakura (***)
Đầu Xuân, Lễ Hội Anh Đào
DC là Bồng lai hạ giới
Và em về … là Tiên nữ hiện ra

Hồng hồng Xuân đôi má
Lá xanh rơi nhẹ bờ vai
Hoa vương trên mái tóc dài
Mặt hồ hiện bóng Thiên thai chan hòa
Hương thơm tỏa ngát gần xa
Em cười say đắm bên hoa Anh Đào .


Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
(*) “Lễ Hội Anh Đào tại Washington DC” năm nay, từ 23 dến 26 March 2023
(**) Hanami: Chiêm ngưỡng hoa Anh đào (Một động từ về Thiền học của Nhật)
(***) Yozakura: thuật ngữ của Nhật, nói về thiền hành và ngắm hoa ban đêm, bên
cạnh các đèn lồng mờ ảo

Cũng Đành



Cũng đành nằm cạnh khóm lau
Nắng mưa lận đận phai màu áo thơ
Người qua tưởng kẻ lại ngờ
Bạn bè cũ mới đợi chờ lãng quên

Đàn ca có tiếng dế mèn
Vỗ về sẵn có đất đen đá vàng
Hết buồn đau hết thở than
Còn không gió thoảng mơ màng hương xưa

Hết hò hẹn hết đón đưa
Hắt hiu bóng nắng gọi mưa tóc dài
Ngủ vùi một giấc bướm bay
Bao nhiêu cay đắng đọa đày trôi sông

Không hình hài không chờ mong
Vô vi vô thức chung dòng vô sinh
Cần chi hỏi bóng hỏi mình
Vô cùng trời đất tội tình thương vay ....

MD.02/12/03
LuânTâm

Tháng Ba Trên Tỉnh Lộ 7B



Tháng Ba trên tỉnh lộ 7B,
Đoàn người chạy loạn dài lê thê,
Người mẹ tất tả đôi quang gánh,
Gia tài là những đứa con kia.

Thằng anh túm áo mẹ bước theo,
Thằng em ngồi trong thúng thơ ngây,
Một bên thúng đồ dùng ít ỏi
Mẹ gánh con đi giọt lệ đầy.

Theo dòng người mẹ nó bước mau,
Cha con chồng vợ vắng tin nhau,
Người lính tan hàng không đơn vị,
Những ngày cuối cùng anh ở đâu ?

Người ta di tản từ Pleiku,
Phố núi cao phố núi sương mù,
Hoa Dã Quỳ vàng vương máu đỏ,
Nước mắt đầy thêm nước Biển Hồ.

Người ta di tản từ Kontum,
Đạn bom xé nát rừng cao nguyên,
Người dân ngơ ngác rời thành phố,
Nỗi buồn cao như đỉnh Ngọc Linh. *

Người ta gọi nhau trong hãi hùng,
Kẻ ngược người xuôi, đường mịt mùng ,
Về Tuy Hòa hay đi Phú Bổn ?
Có nơi nào bình yên hơn không?

Tiếng khóc, tiếng súng, tiếng còi xe,
Rợn người như từ ác mộng về
Xác người đồ đạc nằm vương vãi
Người bên người mà đã phân ly.

Bao quân, dân, cán, chính miền Nam,
Trên tỉnh lộ này đã hy sinh,
Quân đoàn 2 rút quân triệt thoái,
16 tháng Ba năm 75.

Đường liên tỉnh lộ 7B ơi,
Bao tháng Ba qua bao ngậm ngùi,
Bốn phương tám hướng đời dâu bể,
Ai có thể quên kỷ niệm này.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
* Ngọc Linh là một núi cao ở Kontum


Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

Bài Ngợi Ca Tình Yêu - Thơ Thanh Tâm Tuyền - Nhạc Phạm Đình Chương – Đàn & Hát Phạm Ngọc Lân


Thơ: Thanh Tâm Tuyền (1936-2006)
Nhạc: Phạm Đình Chương (1929-1991)
Đàn & Hát: Phạm Ngọc Lân

Hoa Anh Ðào Bên Dòng Potomac

  

Anh Ðào nở rộ Ðông tan
Lung linh trong gió trăm ngàn cánh hoa
Kìa xem dưới cội hoa già
Một chùm hoa trắng nở ra giữa trời
Sáng nay gió lạnh sương rơi
Hoa còn tươi thắm chẳng vơi nỗi sầu
Dẫu cho sương gió dãi dầu
Hoa Ðào vẫn thắm sắc màu thủy chung
Bao cánh hoa, đã nở cùng
Cho lòng xao xuyến mông lung dạt dào
Hai con mắt, ngắm hoa Ðào
Nhìn hoa cứ ngỡ chiêm bao giữa ngày
Vạn người đã đến nơi này
Hằng năm để lại dấu giày vấn vương
Sắc hồng bừng tỏa thơm hương
Mang theo kỷ niệm muôn phương trở về.

Võ Phú
031023
Ảnh: Mùa Hoa Anh Ðào năm ngoái, 2022, trong gió lạnh
ở Tidal Basin, Washington D.C.

Ngọn Gió Thu

 

Ngọn gió vui đùa cho lá rơi
Em về vàng áo vạt tung bay
Khói sương mặt nước hồ yên lặng
Gợn sóng vang lên tiếng cá bơi.

Sen nở vì em màu trắng sữa

Chấm đỏ trên thân điểm sắc hồng
Con chim bói cá đậu trên cọc
Nhìn xuống mặt hồ bóng cá đưa.

Chớm lạnh ngày thu mưa thấm ướt

Nghiêng nghiêng bóng xế dáng em gầy
Xa vắng lâu rồi thu tiễn biệt
Dấu vết còn buồn trên ngón tay.

Em về gợi nhớ vòng tay ấm
Sợi nắng xuyên qua màu áo thu
Ong bướm bay về vui hội ngộ
Lãng đãng mờ bay sương khói mù.

Lòng nhớ thu về vui hớn hở
Em còn vương vấn ước mơ gì
Thon nhỏ dáng hiền môi thắm đỏ
Em đừng vội vã bước ra đi.

Tế Luân
Mùa thu Tháng 10 Thung Lũng Hoa vàng San Jose.


Chung Một Chuyến Xe



Những kiếp người khắc khổ
Lúc lắc chuyến xe qua
Gió khuya ngoài cửa sổ
Mưa bay kính nhạt nhòa

Hành khách buôn hàng chuyến
Say giấc ngủ bình yên
Còn thức đôi nam nữ
Nghe sóng lòng dịu êm

Theo chuyến xe đò cũ
Tạm dừng bến nghỉ ngơi
Trên bước đường lữ thứ
Cần chốn nghỉ trong đời

Mưa phố thị heo hút
Mò mẫm trong đêm đen
Tâm hồn cùng mở ngỏ
Quán trọ vừa lên đèn

Bàn tay chàng ấm áp
Đôi mắt em mơ huyền
Giường chiếu đang mời gọi
Vào thế giới thần tiên

Chẳng động phòng hoa chúc
Cũng là cõi ước ao
Khi trời đêm lạnh buốt
Và gió rú mưa gào

Locphuc


Đôi Bạn Chân Tình



(tặng người bạn năm xưa)

H và L,
chung lớp chung trường
không cùng đường đi học
H ở hướng Nam
L ở hướng Bắc

Những chiều tan trường
thầy-cô-bạn bè-về hết
hai đứa mình còn ở lại thật lâu
không hiểu chúng mình đã nói với nhau những gì

Rồi ngày tháng qua đi
H theo mẹ cha về
vùng cao nguyên đất đỏ
trời lạnh lắm sương mù
Buồn Muôn Thuở
L vào quân ngũ
hai đứa mình ít gặp nhau

Thời gian qua mau
sau ngày mất nước
H thất lạc phương nào
L tìm hoài không gặp

Sau bốn mươi năm
một chiều trời trong gió mát
hai đứa mình gặp lại nhau
Dallas,Texas
H rất đỗi ngạc nhiên
khi thấy L đã khoác y vàng


hằng năm
H đến chùa thăm L
ngày mồng một Tết
với món quà nho nhỏ
có dòng chữ thân thương:
"Con kính tặng Thầy"

Ba mùa Tết qua rồi
không thấy H đến thăm L
H ơi!
bây giờ H ra sao
còn trên dương thế
hay đã vào mồ sâu!!??


Hoàng Long


Độc Lão Tử 讀老子 - Bạch Cư Dị


Nguyên tác:          Phiên âm:

讀老子-白居易    Độc Lão Tử - Bạch Cư Dị

言者不如知者黙 Ngôn giả bất như tri giả mặc, *
此語吾聞於老君 Thử ngữ ngô văn vu Lão quân.
若道老君是知者 Nhược đạo Lão quân thị tri giả,
縁何自著五千文 Duyên hà tự trước ngũ thiên văn.

*Lão Tử có nói: "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh 道可道 非常道,名可名非常名" Cái đạo lý mà có thể nói ra được thì không phải là đạo vĩnh cửu, cái tên mà có thể đặt được bằng tên thì không phải là cái tên vĩnh cửu.
 

Bạch Hương San Thi Tập 白香山詩集-唐-白居易 cho mộc bản không dị bản bên trên.
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁 cho dị bản với chữ tri知 thay vì chữ như如 trong câu 1.

Bài thơ còn được đăng trong các sách:

Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶集-唐-白居易
Thư Họa Vị Khảo - Thanh - Biện Vĩnh Dự 書畫彙考-清-卞永譽
Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
Công Quý Tập - Tống - Lâu Thược 攻媿集-宋-樓鑰 cho dị bản với chữ tri知.

Lão Tử

Ghi chú:

Lão tử: là một nhà tư tưởng thời Xuân Thu. Người sáng lập Đạo giáo. Họ Lý tên Nhĩ, tự Tương, cho nên còn được gọi là Lão Tương. Tác phẩm Đạo Đức Kinh gồm 5 ngàn chữ là kinh điển của Đạo giáo. Người cao tuổi tự xưng, tên gọi chung cho người cao tuổi, tên thường gọi của người cha, người tự cao tự xưng; tên của ngôi sao cổ.
Ngôn giả: người nói
Bất như: không thể so sánh được: không giống nhau; không phù hợp
Tri giả: người có thể hiểu được; người có kiến thức
Lão quân: chỉ Lão Tử
Duyên hà: tại sao

Dịch nghĩa:

Độc Lão Tử Đọc Lão Tử

Ngôn giả bất như tri giả mặc Người nói ra thì không biết, người biết thì im lặng,
Thử ngữ ngô văn vu Lão quân Lời đó ta nghe được từ Lão Tử.
Nhược đạo Lão quân thị tri giả Nếu bảo rằng Lão Tử là người biết được đạo,
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn Thì sao ông lại tự viết ra một áng văn năm nghìn chữ (Đạo Đức Kinh)?

Bài thơ nói về Lão Tử và triết lý Lão giáo. Ta nhận thấy có sự trào phúng khi BCD “chọc quê” Lão Tử và triết lý Lão giáo, tức “chọc quê” chính mình vì BCD cũng sống theo triết lý này.

Dịch thơ:

Đọc Lão Tử

Người biết lặng im chẳng nói ra,
Đấy lời Lão Tử dạy người ta.
Nếu ông là đấng biết trời đạo,
Sao viết năm ngàn chữ văn hoa?

Reading Lao Zi by Bai Ju Yi

Those who preach don’t know, and those who know are silent,
I hear that this saying was from Laozi.
If he really knew the Way,
Then why did he write a 5000-word essay (Dao De Jing)?

On Reading the “Lao Zi” - Bai Juyi (772-846)

He who preaches knows not, he who knows is mute.
These are the words, I'm told, of Laozi the master of old.
But if, it be said, the master, was one who truly knew,
O why did he pen a treatise, a thousand words five-fold?

Translated by Andrew W.F. Wong (Huang Hongfa)

Those who speak don't know, those who know are silent.
So says old Lao Tzu.
Well, if he was such a knowing old guy,
What got into him to write five thousand words?

Translated by Bruce Patterson

The wise’s silent, the unwise talks a lot;
That's what I heard Lao Zi the sage had taught.
If we say, a sage so wise that was Lao Zi;
Why then, words five thousand in a book wrote he?

Translated by Walter Lo

Lao Tzu

“Those who speak know nothing-;
Those who know are silent."
These words, as I am told,
Were spoken by Lao-tzu.
If we are to believe that Lao-tzu
Was himself one who knew,
How comes it that he wrote a book
Of five thousand words?

MC Phí Minh Tâm
***
讀老子

言者不知知者默,
此語吾聞於老君。
若道老君是知者,
緣何自著五千文?

 Độc Lão Tử - Bạch Cư Dị

Ngôn giả bất tri, tri giả mặc,
Thử ngữ ngô văn ư Lão quân.
Nhược đạo Lão quân thị tri giả,
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn?

Dịch nghĩa:

Đoc Sách Lão Tử

Người nói ra thì không biết, mà người biết thì im lặng,
Lời đó ta nghe được từ Lão quân.
Nếu bảo rằng Lão quân là người biết (đạo),
Thì vì sao tự viết ra áng văn năm nghìn chữ kia?

Phỏng dịch:

Đọc Sách Thánh Hiền  

"Người hay khoác lác khắp đàng,
Dạ không tường thấu rõ ràng điều chi.
Kẻ thông cặn kẽ từng li,
Lại thời im lặng - chớ gì nhọc tâm."
Lời vàng nghe được há lầm,
Từ nơi cửa miệng Lão quân phán truyền.
Nếu Ngài biết đạo bao niên,
Cớ sao thảo bút triền miên khôn ngừng:
Áng văn bất hủ vô cùng,
Đến năm nghìn chữ vẫy vùng rồng bay...

Khánh-Hưng
***
Đoc Sách Lão Tử

Người hay không nói, nói không hay,
Từ Lão Quân nghe được ý này.
Nếu bảo Lão Quân người biết rõ,
Năm ngàn chữ tự thảo sao đây?

Mỹ Ngọc 
Feb. 18/2023.
***
Đoc Sách Lão Tử

1/
Người nói không rành, người biết nín
Lời đó ta nghe tự lão quân
Nếu bảo lão quân người biết đạo
Thì sao rốt ráo chữ năm ngàn?

2/
NÓI, không biết; BIẾT, lặng thinh
Ta nghe lời đó thực tình Lão quân
Nếu người ngộ đạo mười phân
Để năm ngàn chữ phong trần thế sao?

Lộc Bắc
Fev23
***
Đọc Lão Tử

Người viết chẳng rành, rành chẳng viết,
Lời đó ta nghe từ Lão quân.
Nếu bảo Lão quân hiểu rành đạo,
Thì sao viết chữ tới năm ngàn. *

Con Cò
*Đạo Đức kinh dài 5 ngàn chữ.
***
Góp ý:

Lão Tử là một nhân vật có rất nhiều huyền thoại, tỷ như bà mẹ có thai tới 70 năm mới sinh, nên khi ra đời, tóc đã bạc trắng, và người ta gọi ông là lão tử.

Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử tên là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, thuỵ là Đam, sinh vào thời nhà Chu, lớn tuổi hơn Khổng Tử, làm một chức quan nhỏ dưới đời Chu Chiêu Vương, nhưng thấy chiến tranh liên miên, đạo đức suy đồi nên từ quan, cưỡi trâu đi về hướng tây. Tới ải Hàm Cốc, quan trấn thủ là Doãn Hỷ biết ông có tài, nên cố thuyết phục ông viết lại những triết thuyết của mình trước khi tiếp tục đi vào sa mạc. Đó là cuốn Đạo Đức Kinh, dài 5000 chữ. Lão Tử được coi là ông tổ của Đạo Giáo.

Theo truyện Phong Thần, thì Lão Tử là một trong 3 vị tiên tài nghệ phi thường, có hiệu là Thái Thượng Lão Quân, chuyên luyện đan, có lò bát quái, quạt ba tiêu để quạt lò, kim cang trát để xỏ mũi con trâu ông vẫn cưỡi. Con trâu này, tuỳ theo sách, khi thì xanh, lúc thì vàng.

Tới đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh, bị Độc Giác Tỷ chặn đường, đánh 3 người học trò là Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng thua liểng xiểng. Sau nhờ Quan Âm chỉ điểm, Tề Thiên mới biết Độc Giác Tỷ là con trâu của Thái Thượng Lão Quân, lén chủ, ăn cắp bảo bối xuống trần phá phách, nên nhờ Lão Quân xuống thu phục trâu về.. Vì vậy mà trong thơ dùng Lão Quân để chỉ Lão Tử.

Về bài thơ chữ Hán của anh Tâm, chữ thứ 4 câu đầu là NHƯ, theo mộc bản đính kèm, và có nhắc dị bản dùng chữ TRI, theo ý BS thì chữ này hợp lý hơn, và Thi Viện cũng viết như vậy.
Bài thơ có ý chê Lão Tử không hành động giống như mình nói.

Đọc Lão Tử

Nói thì không biết, biết lặng im,
Lời của Lão Quân ta vẫn tin,
Nếu thật Lão Quân đà hiểu đạo,
Chữ kinh sao viết tới năm nghìn.

Bát Sách.
(Ngày 22 tháng 2 năm 2023)
***
Góp ý:

言者不如知者黙=Ngôn giả bất như tri giả mặc

Câu đầu bài thơ chứa hai chữ trong bút hiệu của người ni nên xin góp ý. Đạo Đức Kinh là một trong những cổ thư khó đọc và khó hiểu nhất vì lối hành văn không ... giống ai cảm thiếu nhiều yếu tố văn phạm và cú pháp của các cổ thư khác cùng thời. Có phải chăng có thể rằng tác giả - ai đó - không biết nên nói/viết không thông?

Không biết thì không (nên) nói nhưng ta biết gì chính xác về Lão Tử? Cho tới thế kỷ 20, cổ văn tương đối đáng tin nhất về Lão Tử đến từ bộ Sử Ký của Tư Mã Thiên và chính sử gia này cũng không biết rõ gốc gác, thời điểm của Lão Tử và bộ Đạo Đức Kinh vì hoặc Lão Tử là người đồng thời với Khổng Tử (551–479 BC), hoặc Lão Tử là Lão Đam (老聃) một sử gia và thiên văn gia thời Tần Hiến Công (384–362 BC) và nếu Tư Mã Thiên không thể biết chắc thì khó mà tin ai khác.

Dựa trên lối hành văn và lối kỵ húy trong các phiên bản trên lụa và thẻ tre sưu tập được ở Mã Vương Đôi (1973) và Quách Điếm (1993) thì Đạo Đức Kinh có thể gọi là Đức Đạo Kinh vì phần đức (德) đi trước phần đạo (道). Sự phân tích các phiên bản đó cho thấy một phần của Đức Đạo Kinh ra đời sau Trang Tử - và Trang Chu là người của tk 4 BC; Phiên bản trên thẻ tre được viết trước thế kỷ 3 BC.

Ngoài việc ta không biết thời điểm chính xác của Lão Tử, ta cũng không biết ông có phải là tác giả, hay hay tác giả độc nhất của cuốn Đức Đạo Kinh, vì phân tích bố cục, cú pháp và lối hành văn trong kinh cho thấy, cũng như cuốn Trang Tử, có nhiều tác giả đời sau thêm thắt vào.

Vì chỉ một phần trong 5000 ngàn chữ có thể do chính Lão Tử viết - hay nói, ta không thể bắt chước Bạch Cư Dị chê Lão Tử nhiều lời!

Huỳnh Kim Giám

Đồi Xưa, Núi Cũ


( Gởi Nguyễn Ngọc Thưởng, Hồ Văn Kim Lộc và Ngô Quốc Thắng 727/ 4-72B, ĐĐ... )

Hắn mất ngủ từ đêm trước, nhưng không thấy mệt nhọc mà chỉ cay xè đôi mắt vì khói xe. Cảnh tượng nôn nao, chộn rộn của đám công nhân chung quanh hai chiếc xe đò đậu trước cổng nhà máy, làm hắn thêm lâng lâng không khác gì tâm trạng trong những ngày đầu trọ học trên Đà Lạt...

Xe chuyển bánh. Gió mát ban mai làm mọi người sảng khoái. Tiếng cười nói rộn ràng càng làm tăng thêm sự háo hức của những ai sắp sửa được nhìn ngắm cao nguyên. Riêng hắn thì miên man nghĩ ngợi về sự có mặt của mình trong nhóm du lịch Đà Lạt. Đúng là "có phần không cần phải lo", khi bỗng dưng hắn được đưa tên vào danh sách để thế chỗ cho một em bạn trong Đội Văn Nghệ. Nghe nói có chuyện gia đình gì đó cần phải lo gấp...

Tiếng thắng xe, rồi tiếng người lao xao làm hắn choàng tỉnh. Cứ tưởng như đã ngủ một giấc thật ngon và thật dài. Thì ra hai chiếc xe đò được mướn chở công nhân, chỉ mới chạy qua khỏi Xa Cảng miền Đông không bao xa. Hắn chợt hiểu ra vấn đề, khi nhìn những kiện hàng được gói ghém cẩn thận vừa được phụ lơ bắt đầu chuyển lên và đẩy rất gọn vào dưới các băng ghế.

Nhưng không phải chỉ có hàng hóa mà thôi, xe hắn nhận thêm hai người chủ của mấy kiện hàng. Nghe trao đổi vài điều với mấy chàng lơ xe, thì biết ngay họ là hai cô cháu, thân nhân của bác tài. Không nghe ai than phiền gì về chuyện có người lạ cùng theo đoàn du lịch. Hình như mọi người đều có chút thông cảm cho việc "làm ăn" này.

Riêng hắn thì thấy bất nhẫn, vì mình ngồi băng ghế đàng hoàng, trong khi đó hai phụ nữ- một đã trung niên, người còn lại có lẽ chưa tới đôi mươi- thì ngồi trên ghế đẩu giữa lối đi, nên hắn đứng dậy, tỏ ý đổi chỗ với người phụ nữ đúng tuổi. Một thanh niên từ phía trên, đang ngồi ngang với tài xế, cũng đứng dậy để nhường chỗ cho cô gái. Sau vài lần từ chối không hiệu quả, hai cô cháu cũng đành chấp nhận hành động “ga lăng“ bất ngờ.

Hắn ngồi trên bậc thang, chỗ cửa lên xuống, nhìn cảnh vật lướt qua theo đà xe chạy. Những ngôi nhà thờ và xóm đạo ven đường tại Gia Kiệm, Phương Lâm, Phú Túc, chiếc cầu rỉ sắt trên sông La Ngà; hòn đá mang hình dáng của chiếc nón hiệp sĩ thời Trung Cổ tại Định Quán, vẫn làm hắn thích thú ngắm nhìn và không ngớt bâng khuâng. Khi xe dừng lại nghỉ máy tại miếu Ba Cô và suối nước có tượng Đức Mẹ trên đèo Bảo Lộc, thì hắn thật sự bồi hồi.


Cảm giác lâng lâng cứ thế mà tăng dần khi vào thị trấn Bảo Lộc. Ngôi giáo đường cổ kính đã thêm dấu rêu phong. Trường Trung Học kề bên đang nằm im lìm tắm nắng. Quán xá bây giờ đã không còn. Trường Nông Lâm Súc trông như những ngôi nhà uể oải phơi ngói đỏ sau mấy hàng cây cao, rậm. Chỉ những đồi trà nhấp nhô, trùng điệp, là còn mang sức sống của màu xanh dịu mát, để làm dáng cho nét đẹp đặc thù của núi đồi Bảo Lộc.

Có lẽ vì còn sớm, hay vì muốn ghé quán “nhà“, nên đến Di Linh đoàn xe mới dừng lại ăn trưa. Trong khi mọi người hoặc ngồi trên xe để “tay cầm, miệng cắn trong tinh thần tiết kiệm“, hay kéo nhau vào quán bên đường, thì hắn thả bộ ngược về hướng ngã ba, cũng là trung tâm của quận lỵ, nơi có ngôi nhà thờ đổ nát vì chiến cuộc mãi từ thời đệ nhứt Cộng Hòa. Bến xe và phu phố cạnh tỉnh lộ dẫn xuống Phan Thiết vẫn còn đó, nhưng hàng quán đã xác xơ, vắng vẻ.
Hắn muốn tìm lại Hương Xưa, hay dúng hơn ngôi nhà một thời là quán cà phê Hương Xưa, nơi bốn chàng sinh viên dừng lại nghỉ chân, nhâm nhi cà phê, ngắm nghía cô hàng cô hàng mắt đen láy, miệng chúm chím cười làm mấy chàng nhìn không chán mắt đến quên cả thời gian, trước khi tiếp tục chạy xuống Bảo Lộc một chiều thứ bảy đầu năm 1972. Hắn nhìn quanh một lần nữa như để cố tìm ra chiếc quán của 10 năm trước, nhưng đành chào thua vì khu vực tại bến xe bây giờ thay đổi nhiều quá...

Xe lại lăn bánh, hắn ngồi tại chỗ cũ, miên man nhìn quang cảnh vụt qua. Cảm giác nôn nao tăng dần khi đến ngã ba Phiên Nôm để rồi chùng hẳn xuống khi xe bắt đầu leo dốc để vượt đèo. Cứ thế, hai chiếc xe đò từ tốn nhích dần về phía trước. Con đường dẫn lên thị xã Đà Lạt vẫn mang nét đẹp hùng vĩ và trầm lắng như muôn thuở. Cảnh vật bên đường từ tốn lướt qua, như một khúc phim chiếu chậm khi tốc độ xe chỉ rề rà như kẻ bộ hành.


Đẹp quá! Có tiếng ai đó vang lên khi xe chạy ngang thác Prenn. Từ con lộ nhìn vào chỉ thấy được phần suối nguồn ẩn hiện sau vòm cây, kẽ lá. Không thể thấy được “suối tóc thiên nhiên màu trắng bạc“ thả từ độ cao chừng 10 mét xuống mặt hồ phẳng lặng dưới chân thác. Nhưng toàn cảnh của núi rừng quanh con suối, và những vườn tược được săn sóc cẩn thận cho nhu cầu du lịch, cũng đã tạo nên sức hấp dẫn đủ để mọi người súyt xoa liền miệng.

Hạnh phúc của niềm vui tái ngộ tăng dần khi xe lên hết đèo Prenn, chạy ngang Bến Xe mới, rồi rẽ trái trên đường Yersin để thả dốc về hướng nhà thờ Con Gà. Lại một phen bồi hồi khi xe lướt qua khu vực Tòa Hành Chánh cũ, con đường Bá Đa Lộc, cổng sau Palace, rồi đến Bưu Điện và... Khách Sạn Đà Lạt! Cũng là Hotel Du Parc của ngày xưa! Đà Lạt đây rồi! Trời tháng 3 xanh mát. Thành phố trầm mình trong màu nắng dịu. Gió nhẹ và quang cảnh thơ mộng, lạ mắt, làm mọi người khoan khoái, không thấy mệt mỏi dù đã mất hơn 8 tiếng ngồi trên xe.
10 năm! Thời gian đủ dài để hắn bùi ngùi khi thấy lại khung trời thân ái của ngày nào. Vì vậy, trong khi mọi người còn đang loay hoay với việc sắp xếp chỗ nghỉ ngơi trong các phòng ốc, thì hắn đã áo quần bảnh bao xuống lầu để ra đường. Hắn nóng lòng muốn nhìn lại khu gác trọ và gặp lại bạn nên rảo chân bước nhanh về phía khách sạn Palace để đến con dốc Bá Đa Lộc.

Đường Yersin không có nhiều thay đổi. Hai dãy nhà quen thuộc nằm nhu mì trong nắng nhạt. Chỉ khác xưa ở chỗ các tiệm, quán đã không còn. Xe cộ lưu thông cũng lác đác, vắng vẻ đến tội nghiệp. Bá Đa Lộc vẫn muôn đời trầm lắng. Đoạn đường dẫn vào Collège D'Adran và nhà nguyện Đa Minh chiều nay như ngắn lại, khi hắn dồn chân bước thật nhanh trên mặt lộ thoai thoải dốc.

Ngôi nhà mang số 30 im lìm như ngái ngủ. Hắn gọi cửa. Ra tiếp hắn là bà xã của bạn và đứa con gái đầu lòng mới 4 tuổi. Người bạn kiêm đồng đội quân trường còn đang đập đá ở đâu đó trong vùng núi quanh thác Cam Ly, nên chỉ sau vài câu trao đổi, là hắn cáo từ và nhận lời sẽ ghé lại dùng cơm tối với gia đình bạn.
Chiều đang vàng nắng. Chút gió hiu hiu, dịu mát. Vài nhánh mây lãng đãng trên nền trời xanh hòa với cảnh trí của núi đồi bao la, của cây lá chập chùng, tạo thành một tranh vẽ thiên nhiên thật trầm lắng và nên thơ làm sao! Lên hết con dốc Bá Đa Lộc, hắn băng qua đường Yersin, vòng ra phía trước khách sạn Palace; ngồi trên bậc thềm cao nhứt, đốt thuốc, nhìn xuống Thủy Tạ và hồ Xuân Hương, rồi phóng tầm mắt qua sân Cù.

Hắn tư lự trải lòng trên những mông lung, khi nhớ thuở huy hoàng nhưng ngắn ngủi của thời trọ học. Bạn bè và đồng môn trên Đà Lạt chỉ còn được dăm ba người. Nguyên một lớp Nhập Môn gồm 600 sinh viên của trường Chánh Trị Kinh Doanh, bây giờ không biết đã ra sao. Mười năm! Thời gian đủ dài để lòng người chao đảo giữa nhớ, quên. Riêng hắn thì càng nhớ hơn nữa về những kỷ niệm đã có với phố núi khi trở về đây, hôm nay.


Con đường dọc bờ hồ dẫn qua cầu Ông Đạo đã đông dần người qua lại. Chợ hoa đang tất bật với những rộn ràng cố hữu. Nhưng trên khu Hòa Bình thì khác. Thưa thớt dân tình, đìu hiu phố xá! Dãy Kiosque bán quà lưu niệm quanh bậc thang dẫn xuống chợ hoa đã không còn. Phía bên đường Thành Thái, Duy Tân và góc Tăng Bạt Hổ, Minh Mạng cũng vắng vẻ, dù đang vào cao điểm của sinh hoạt cuối ngày. Hắn ngồi trên thềm của rạp hát, nhìn người qua lại mà thấy lòng buồn rười rượi. Đà Lạt bây giờ không phải là Đà Lạt của ngày xưa! Ngay cả bản thân hắn cũng cảm thấy xa lạ đến lặng người.

Một lúc sau hắn tạt qua chợ, đi lòng vòng cho qua thì giờ và cũng để xem cho biết giá của bánh, mứt, hoa, quả rồi rảo bước trở qua cầu ông Đạo, theo hướng con dốc dẫn lên nhà thờ Con Gà để về khách sạn. Ngang qua ngôi nhà ngày xưa là quán cà phê Không Tên, hắn dừng lại, thở dài, nhìn quanh quất thêm một hồi lâu trước khi lầm lũi bước đi, lòng nặng trĩu.
Con dốc dẫn ngay đến cổng rào của nhà thờ con Gà. Chuông báo giờ lễ Misa cũng đang từng chập ngân nga. Tượng đài Đức Mẹ khiêm nhường nép mình sau những hàng ngo cổ thụ. Bóng cây và bóng giáo đường che khuất ánh nắng đang sẫm màu, càng làm cho nơi này thêm tịch mịch, lắng trầm.
Vừa định đến gần bên để khấn vài lời kinh- một thông lệ mà ngày xưa hắn thường làm trước khi vào dự lễ chiều- thì hắn chợt nhận ra bóng dáng "cô gái đường dài“ đang đứng khuất sau một thân cây, im lặng hướng về bệ thờ trên tượng đài. Hắn không muốn làm rộn cô gái đồng hành nhưng chưa quen, nên dừng lại phía sau.
Hắn vừa xong vài lời kinh nguyện thì cô gái quay trở ra. Khi thấy hắn, cô mỉm cười. Hắn cũng gật đầu rồi im lặng. Cô gái có vẻ e thẹn và lúng túng, không biết nên tiếp tục đi hay dừng lại khi đến bên hắn. Thấy vậy, hắn mở lời:
- Cô cũng có đạo hả?!
Cô gái vừa cùng hắn bước ra cổng, vừa đáp:
- Dạ không! Em cũng muốn vào xem lễ cho biết. Nhưng phải về khách sạn để kịp giờ cơm chiều.

Câu chuyện trao đổi chỉ có thế. Hotel Du Parc chỉ cách nhà thờ vài thước bề ngang của đường Nhà Chung, nên chẳng có thì giờ hỏi han nhau. Vừa vào đến đại sảnh, hắn chào cô gái, cười với vài người quen, rồi về phòng trên lầu hai để lấy gói quà tặng bạn, thay vì theo họ cùng bước vào phòng ăn.
 

Chiều vừa tắt nắng. Phố đang lên đèn. Trời se se lạnh. Hắn lại thả từng bước trên đường, vừa đi vừa nhớ những chiều tan lễ Misa của thời trọ học. Hoa niên ngày ấy đã xa rồi, còn chăng chỉ là kỷ niệm khó quên của những ngày vui qua mau. Cảm giác bồi hồi, lâng lâng lúc mới nhìn lại đồi xưa, núi cũ, giờ đang nhường chỗ cho những man mác khó diễn đạt cho thật chính xác.
Đón hắn ngoài cửa là gương mặt xương xương và dáng cao gầy của người bạn cùng Trung Đội trong quân trường. Vẫn nụ cười tươi và giọng nói xuề xòa của ngày xưa:
- Sao đi solo vậy cha? Chưa có “em“ nào à !?
- Có chứ! Nhưng tao muốn đi một mình để dễ “làm ăn“. Hắn đùa một câu cho vui.

Câu chuyện hàn huyên sau bữa cơm tưởng chừng như bất tận. Chuyện trọ học, chuyện quân trường rồi chuyện lính tráng làm hắn thêm nhớ kỷ niệm đến quay quắt. Khi bạn mang quyển Đặc San Mãn Khóa ra để cùng xem lại những gương mặt tưởng như rất xa lạ lúc mới gắn "lon" chuẩn úy, thì hắn thầm tiếc cho số phận của đống sách vở và hình ảnh, thư từ bị gia đình đem bỏ ngoài chợ Trương Minh Giảng.
Nhìn bạn mà thấy thương cho thân phận của một người gánh vác trách nhiệm gia đình, trong điều kiện eo hẹp nhứt của cuộc sống. Anh chàng không có chút than van. Ngược lại, bạn vẫn tươi cười như ngày nào và cởi mở rất thật lòng. Khi hắn hỏi bạn về công việc đập đá, thì nhận được một câu trả lời thật đơn giản:
- Là thể dục hằng ngày có trả lương đó mà!
Do bản chất an nhiên tự tại, hay bạn cố giấu những nhục nhằn đa đoan?! Là chút ủi an để tự đánh lừa mình trong thực tại không mấy gì sáng sủa của cuộc sống, hay là hành động vâng lời chấp nhận thánh giá của đức tin Kitô Giáo mà bạn là một con chiên ngoan đạo!? Hắn tự hỏi và thầm cảm phục sự chịu đựng của bạn. Dù sao thì hắn vẫn còn sung sướng hơn bạn rất nhiều.

Sau những cố gắng vượt biên bất thành, hắn quyết định làm bất cứ việc gì để giảm gánh nặng cho gia đình khi trở về Sài Gòn. Thời may, có một em bạn- biết hắn đang cần việc làm để khỏi bị Phường, Khóm dòm ngó- đưa hắn vào làm khi ban nhạc nhà máy Đồ Hộp Tân Bình cần người để dợt gấp cho mùa thi đua văn nghệ cuối năm. Tóm lại, hắn mang nhãn hiệu công nhân chỉ để gõ trống cho đã tay...

Bạn tiếp lời, như đang đọc được suy nghĩ của hắn:
- Mỗi người có một hoàn cảnh. Mày chắc còn "ham vui". Tao đã có gia đình thì phải lo lắng đủ chuyện! Cực nhưng mà vui. Mày dừng chân đi. Rồi sẽ "ngộ ra chân l‎ý" như tao thôi!
- Đừng xúi dại! Thấy hoàn cảnh của bạn bè như mày chẳng hạn, là tao thấy ngán quá đi! Vã lại, tao vẫn chưa "đầu tư" vào ai cả!
- Mày nói tao mới nhớ. Đã đi tìm “cố nhân“ nào chưa!? Cần tao nhắn tin không?
- Tao mới lên hồi chiều. Thì giờ đâu mà tìm với kiếm!? Nếu được thì mày nhắn mấy đứa Đồng Đế gặp tao ngày mai hay mốt đi. Phải chi có một chiếc xe gắn máy thì tốt quá. Vì tao cần chạy lòng vòng cho đỡ mỏi chân.
- Xe thì tao không dám hứa. Để xem sao cái đã. Còn nhắn mấy đứa bạn thì để tao lo. À quên! Bà xã tao biết chỗ làm của Ngọc. Mày có cần bả dẫn qua đó hay không?
- Nhờ bà xã mày nhắn với Ngọc là tao gởi lời thăm được rồi. Ngày xưa đã có gì với nhau đâu!? Một cái nắm tay cũng chưa làm được. Mười năm! Thay đổi nhiều lắm! Thôi thì cứ lo gom đám nhà binh tụi mình dùm tao đi!
- Chuyện nhỏ! Nhưng ai nấy đều lo đi làm nên chỉ gặp nhau buổi tối thôi. Ngày mốt là chắc ăn nhứt. Mày thấy sao?
- Sao cũng được! Mày lo vụ này nghe.
- Đã nói là chuyện nhỏ mà!

Hắn chia tay bạn sau lời hẹn gặp tối mai. Con dốc Bá Đa Lộc vắng ngắt, mờ mờ ánh điện sau màn sương nhẹ tỏa, tạo cảm giác như đã rất khuya mặc dù chưa tới chín giờ tối. Gặp bạn, nhìn lại cảnh xưa, hít thở không khí cao nguyên, sống lại cảm giác của thời trọ học làm hắn cảm thấy hạnh phúc. Một hạnh phúc nhẹ nhàng, man mác, lãng đãng như khói thuốc đang vương tỏa theo từng bước chân ngược dốc.

Cứ mãi miên man suy nghĩ mà đã về tới khách sạn từ lúc nào không biết. Khi lướt qua khu tiếp tân ngoài đại sảnh để lên lầu, hắn thoáng thấy dáng "cô gái đường dài“ đang ngồi nơi bộ sofa. Bên cạnh và chung quanh nàng là nhóm gia đình của mấy người tài xế và vài gương mặt công nhân. Họ đang bàn tán chuyện gì đó vui lắm.

Không phải chỉ có dưới nhà, trên lầu cũng thỉnh thoảng có người xẹt qua, lạng lại, xì xào, to nhỏ khắp nơi. Có tiếng khúc khích đó đây, tiếng gõ cửa, rồi mở cửa, đóng cửa. Hình như không ai muốn ngủ sớm mặc dù mai sẽ đi xem thắng cảnh cả ngày. Cứ thế, tiếng nói, tiếng cười, tiếng bước chân rộn lên từng chập và sau đó từng đợt âm thanh theo hắn vào giấc ngủ từ lúc nào không biết....

Hắn tưởng mình là người đầu tiên dậy sớm nhứt, không ngờ khi xuống đến sân thì đã thấy nhiều người tụ tập ngay trước cửa, còn một số khác đã là khách mở hàng cho mấy quán lộ thiên ngoài ngã ba đường Nhà Chung, ngay bên cạnh khách sạn, để nhìn những mái tóc dài của trường Trung Học Trí Đức đang bước qua cổng.
Nắng hừng đông đang len lỏi qua màn sương mỏng. Không khí vừa đủ lạnh để khoác thêm áo gió, mân mê ly cà phê bốc khói, và rít từng hơi thuốc thật ấm người. Đà Lạt đang khởi động cho một ngày sinh hoạt và nhóm du khách công nhân cũng đang quần áo bảnh bao, hăm hở, rộn ràng chờ lên xe.

Tháng 3! Mùa Xuân đích thực đang về trên Đà Lạt với trời xanh, nắng hồng, gió nhẹ và mát. Hắn không có cảm giác rõ rệt và chỉ thoáng thấy lòng man mác từ lúc xe bắt đầu chuyển bánh, đưa đoàn du lịch theo hướng Phù Đổng Thiên Vương, chạy ngang sân Cù và Giáo Hoàng Học Viện, để thẳng một đường vào Đa Thiện.
Con đường quen thuộc của mới ngày nào sáng chiều đi học, hay của những lần chạy vào Cư Xá Rạng Đông rủ bạn bè xuống phố hoặc chở dùm bạn về sau giờ tan trường. Cũng là con đường dẫn đến Thung Lũng Tình Yêu, vốn là chỗ hẹn hò không phải chỉ của những ai có đôi có cặp, mà còn là nơi họp mặt của những nhóm bạn thân, để vừa hòa nhập với thiên nhiên, lại vừa thưởng thức phong cảnh nên thơ, hữu tình.

Những thắng cảnh của chương trình thăm viếng trong ngày đã mang hắn trở lại thời hồn nhiên của lần đầu sống xa nhà, thời của giảng đường và của những mộng mị dễ thương. Nhưng hắn cảm thấy thất vọng vì cảnh cũ không còn đẹp mắt như đã lưu trữ trong kỷ niệm.


Thung Lũng Tình Yêu chỉ là một khoảng núi rừng loang lỡ, trơ màu đất đỏ, xấu xí đến lạ lùng. Nghe nói nơi này đang trong giai đoạn kiến tạo thành một trung tâm du lịch có doanh thu. Còn hồ Than Thở đã trở thành một vũng lầy không hơn không kém. Rừng Ái Ân thì lưa thưa từng gốc thông già, trông bơ phờ, xơ xác như mái tóc của một người vừa khỏi bệnh. Chỉ có vườn Bích Câu bên hồ Xuân Hương, là có vẻ khang trang hơn và đẹp mắt hơn với cây cảnh, hoa lá, được bày biện và trồng tỉa rất công phu.

Mọi người trầm trồ, cười nói xôn xao còn hắn thì im lặng nhìn, ngắm, hay bấm máy dùm cho nhóm nào cần chụp ảnh chung với nhau. Cảnh vật gợi nhớ kỷ niệm, nên hắn trầm ngâm và chỉ trả lời cho có lệ mỗi khi có ai hỏi hắn về những câu chuyện và hình ảnh xa xưa của Đà Lạt.

Đến đâu hắn cũng lặng lẽ tách khỏi đám đông để một mình thưởng thức sự tĩnh lặng của thiên nhiên, để tìm lại chính mình và để nhớ đồng môn và bạn bè thời trọ học. Vẫn một tâm trạng như ban sáng, khi buổi chiều hắn cùng mọi người ghé thác Cam Ly rồi làm một vòng thăm viếng các cảnh chùa trong thị xã và vùng phụ cận.

Hắn hoàn toàn không ngờ Đà Lạt có khá nhiều chùa như vậy. Lúc còn trọ học thì chỉ biết có Linh Sơn, nay thì Linh Phong, Linh Quang, Chùa Tàu, Chùa Quan Thế Âm và nghe nói còn một ngôi chùa đang được xây cất hay trùng tu gì đó gần khu vực của Suối Tiên nữa. Cũng như ban sáng, hắn lại một mình thơ thẩn sau khi được nhiều người nhờ chụp ảnh dùm. Khi đến chùa Quan Thế Âm thì hắn hết còn hứng thú theo phái đoàn vào thăm chánh điện và cảnh trí chung quanh, nên chỉ loanh quanh dưới đường, rồi dán mắt về hướng nóc chuông của Lycée Yersin ở gần đó.
Hồi còn trọ học, hắn thường ghé qua trường Yersin và Nhà Ga vào những ngày cuối tuần để bâng khuâng nhớ lại chuyến đi xuyên đêm bằng xe lửa của mùa hè 1959. Chuyến đi với Ông Bà Nội và Ba Má dạo đó đã ghi đậm hình ảnh của Đà Lạt vào tâm trí hắn. Đó cũng là nguyên nhân chính đưa hắn lên trọ học mười năm trước đây.

- Hồi đó anh học trên này phải không?
Có tiếng cô gái từ phía sau lưng. Hắn chờ cô đến gần bên rồi mới hỏi lại:
- Cô không theo họ lên chùa à!?
- Đã bắt đầu mỏi chân rồi. Còn anh… Hình như đang nhớ kỷ niệm thì phải!
- Sao cô biết!?
- Dễ ợt! Cả ngày nay, chỉ cần tinh mắt một chút là thấy anh lúc nào cũng một mình tư lự. Cứ như đang ở riêng một góc trời nào đó. Nghe anh kể chuyện Đà Lạt với mấy anh chị kia thì biết ngay thôi... Anh đã gặp lại bạn chưa?
- Rồi, nhưng còn vài người nữa chưa liên lạc được. Còn cô, chắc là mới lên đây lần đầu phải không?
- Em xin mẹ đi một chuyến vì lâu nay chỉ biết Đà Lạt qua hình ảnh và lời kể mà thôi. Đẹp thật! Nhất là hoa. Ngắm hoài không đã mắt chút nào. Nói chung là Đà Lạt đẹp như tranh vẽ vậy đó!
- Coi như đã quen cô từ hôm qua mà vẫn chưa biết tên. Còn tôi là…
- Em biết tên anh rồi! Mấy anh, mấy chị gọi anh om sòm, ai mà không biết tên chứ! Em tên Trâm. Mai Trâm!
- Tên đẹp quá!

Hắn buột miệng khen làm cô gái mắc cỡ đỏ mặt. Chưa kịp nói thêm lời nào thì một nhóm công nhân từ trên dốc chùa trở xuống. Thấy hắn, cả đám lao nhao hỏi han, kèm theo những lời trách đùa vì không có người chụp ảnh. Sau đó là những lời trêu chọc làm cho Trâm thêm luống cuống. Hắn thì vẫn thoải mái chống đỡ vì đã quá quen với cách đùa dai của đám em út văn nghệ. Trong lòng hắn vừa dấy lên một thoáng lâng lâng, một chút lãng mạn như thời mới lớn, thời thả hồn tưởng tượng như đang phiêu lưu tình cảm, hay sống thật với các nhân vật sau khi đọc truyện ngắn của Đinh Tiến Luyện, Hoàng Ngọc Tuấn và Từ Kế Tường...

Sau bữa cơm chiều, hắn rủ Trâm đi dạo. Cô gái nhận lời ngay và chỉ hơi phân vân khi hắn nói thêm là sẽ ghé nhà bạn để mời nhau một chầu chè hay cà phê gì đó.
- Em ngại quá. Biết gì mà góp chuyện với bạn anh.
- Đừng lo! Có bà xã của ảnh và cháu gái rất bụ bẫm, dễ thương.Trâm gặp bé Tường Vy là sẽ mê nó liền.
Cứ thế, hắn vừa đi vừa trấn an Trâm, trong lòng thấy vui khi có một mái tóc dài đi bên cạnh. Còn cô gái thì chắc ngại ngùng, nên chỉ im lặng đều bước trên suốt quãng đường từ Yersin vào nhà nguyện của tu viện Đa Minh.
Bạn gặp hắn là nói ngay:
- Ngày mai sẽ có xe cho mày. Chỉ phiền mày phải chở tao đi làm thay vì đi chung xe công nhân. Còn đây là…
- Sao lại phiền chứ!?

Hắn mừng rỡ ngắt lời rồi mới giới thiệu Trâm với vợ chồng bạn. Chỉ sau vài câu hỏi han là mọi người như đã thân quen từ lâu rồi. Phần Trâm cũng thấy đỡ ngượng ngùng, vì bé Tường Vy cứ luôn bám theo nàng đòi ẵm, rồi luôn miệng nói, cười.

Thanh Thủy! Quán nhậu kiêm cửa hàng cà phê quốc doanh, là chiếc quán bán gỏi bò khô và nước giải khát của ngày xưa. Khung cảnh cũ đã không còn. Thay vào đó là những công trình đẹp mắt với đèn giăng khắp phía và chiếc cầu gỗ thả trên mặt hồ, cùng với khoảng sân đẹp, gọn gàng như một công viên. Có cả bến đậu của những chiếc pédalo đầy màu sắc, để du khách mướn đạp lòng vòng trên hồ Xuân Hương.


Buổi tối trôi qua thật êm đềm với những câu chuyện tiếp nối từ hôm qua. Hắn và bạn say sưa ôn cố tri tân, còn Trâm thì bị bé Vy lôi đi khắp quán. Khi chia tay, bạn nhắc hắn về chương trình cho hôm sau:
- Sáng mai tao sẽ mang xe tới khách sạn cho mày. Nhớ đừng bắt tao chờ. Không thấy mày là tao vọt luôn ráng chịu.
- Mày đừng lo! Tao sẽ chờ mày ngay ngoài cổng.

Hắn hớn hở trả lời, trong lòng thầm cảm ơn bạn đã lo cho hắn thật chu đáo. Hương đêm Đà Lạt loáng thoáng mang chút hơi lạnh vào buồng phổi đang ấm khói thuốc làm hắn thấy dễ chịu. Chung quanh hắn là nét mặt rạng rỡ của những người lao động đang tạm quên khó nhọc thường ngày, để tận hưởng hạnh phúc được làm khách nhàn du thưởng ngoạn cao nguyên.

Hắn thầm cảm ơn gia đình Thưởng đã mang lại trong hắn một hạnh phúc thật ấm lòng sau hai buổi tối hàn huyên. Hắn cũng cảm nhận được sự ưu ái mà Trâm đã dành cho hắn. Hình như tình cảm đang phát triển hết sức thoải mái, tự nhiên. Ước mơ thật giản dị và bình thường. Vậy mà phải mười năm mới thành hiện thực. Hắn lại trở về trạng thái mâu thuẫn như trước đây, khi chạnh nghĩ đến “Nàng “. Sao lại là Trâm mà không phải “Nàng“!?

Tại sao hắn không bỏ thì giờ đi tìm cố nhân, để có được câu trả lời chính xác cho trò chơi tình cảm đã bắt đầu từ mười năm trước? Vì sự rung động đã không còn như xưa, hay vì quá khứ đã ngủ yên từ lâu và ý định hâm nóng lại tình cảm chỉ là một cố gắng đáng tội nghiệp !? Hắn chưa tìm được câu trả lời đích thực, nhưng đã có lúc hắn có cảm giác Đà Lạt và “Nàng“ chỉ là một. Nhớ Đà Lạt cũng có nghĩa là nhớ “Nàng“ và ngược lại, khi nghĩ đến “Nàng“ là hắn nhớ Đà Lạt đến quay quắt.

Nhưng đó là cảm giác và tình cảm trước đây. Hai ngày qua thì đã có dấu hiệu của một sự thay đổi, dù là thay đổi thật mơ hồ mà mãi đến đêm nay hắn mới dần dà nhận ra. Đó là hắn đang thi vị hóa cảm giác được nhìn lại núi đồi Đà Lạt. nên trong lòng ray rứt nhưng không băn khoăn, bồi hồi nhưng không nhức nhối. Mặt khác, hình bóng “Nàng“ đang tạm nhường chỗ cho “cô gái đường dài“, để đêm Đà Lạt nồng thêm chút hương lãng mạn thật bất ngờ...

Cảm giác này kéo dài cho đến lúc hắn chia tay với Trâm khi về đến khách sạn, lời sau cùng trước khi ai về phòng nấy, chỉ là chúc nhau ngủ ngon. Không có câu hẹn gặp ngày mai, dù mức độ giao tình từ sơ giao đã tiến dần đến mức thân ái như vừa trải qua trong ngày...
Hắn dậy thật sớm, xuống ngồi ngoài quán lộ thiên ngay góc Nhà Chung và Yersin để chờ bạn, trong đầu vẫn còn lan man giữa mơ và thực, giữa quá khứ và hiện tại, giữa Trâm và “Nàng”.
- Mày đang mơ mộng gì đó?
Tiếng của bạn lôi hắn về hiện tại. Bạn đã dừng xe ngay bên lề từ lúc nào không hay.
- Thôi, mình đi ngay kẻo trễ.
Bạn nói nhanh trước khi hắn kịp mời uống cà phê. Chiếc Honda dame màu xanh lá cây đưa cả hai hướng về thác Cam Ly. Hắn thật sự cảm động khi thấy bạn đã chu đáo giúp hắn thực hiện ước muốn ấp ủ từ khi có tên trong danh sách du lịch cao nguyên.

Khi tới nơi, bạn chỉ con đường đất dẫn vào khu vực công trường lấy đá, nói gọn:
- Đây là chỗ tụi tao làm. Theo hết con đường ngoài này thì lên tới phi trường Cam Ly cũ. Thôi, đi chơi vui nghe! Xăng nhớt đủ cho mày chạy tới đâu cũng được, kể cả xuống Đơn Dương hay thưởng ngoạn trên Đường Vòng Lâm Viên. Đường mới trùng tu. Đẹp lắm đó! Tối nay gặp lại ở Thủy Tạ lúc 7 giờ. Đã nhắn tin tới từng đứa Đồng Đế rồi!

Hắn cảm ơn bạn rồi quay đầu xe. Gió mát, thoang thoảng hơi sương còn vương đọng dù nắng đã vắt ngang màn trời xanh biếc. Hắn như tan vào gió, hòa vào sương để thấy lại mình của mười năm trước. Cũng buổi sáng lái xe chầm chậm, thong thả, đủ để nhìn ngắm cảnh vật, đặc biệt là các dinh thự bề thế được bao bọc bởi những hàng thông cao vút, và những vườn hoa đủ loại.
Hắn vòng qua rạp Hòa Bình để theo lộ trình quen thuộc của xe Lam chạy qua trường Bùi Thị Xuân, rồi theo đường Võ Tánh lên Viện Đại Học. Hôm qua chỉ nhìn thoáng bên trong vòng rào khi xe chạy ngang. Hôm nay hắn dừng ngay trước cổng, ngay đúng chỗ ngày xưa đã từng chụp ảnh kỷ niệm với các bạn cùng nhóm. Hắn thấy lòng chùng xuống khi đứng bên ngoài nhìn qua cổng chánh.

Phía trong là khung trời đầy ắp kỷ niệm của thời nhìn "bụi phấn giảng đường trên tóc em ngoan". Chỉ cần đẩy xe qua cửa phụ là có thể tìm lại được khung cảnh của ngày xưa. Nhưng vào để làm gì!? Hay chỉ thêm ngậm ngùi cho một cuộc bể dâu của thời đại!? Giảng đường hôm nay không phải dành cho Thụ Nhân của ngày nào. Quan niệm Tri, Hành đã hoàn toàn thay đổi. “Những người muôn năm cũ“ đã không còn. Kiến trúc cũ vẫn còn nguyên vẹn nét hiền hòa của từng hàng cây, khóm lá, bụi hoa; nhưng Viện Đại Học bây giờ đã thay tên, đổi chủ. Vỏ còn đó, nhưng Ruột đã thay màu. Vào để làm gì cho thêm hụt hẫng!?...

Nỗi tiếc nuối theo hắn lòng vòng qua các nẻo đường quanh trung tâm thị xã. Vẫn không có tăm hơi của bất cứ ai mà hắn muốn ghé thăm. Từ ngôi biệt thự mùa hè của ty Quan Thuế trên Hải Thượng cho đến Thành Thái, Hoàng Diệu, Hàm Nghi và Hai Bà Trưng, nơi nào cũng chỉ nhận được những ánh mắt dò xét hay vài cái lắc đầu ra dấu không biết khi hắn hỏi thăm về những người thân quen ngày xưa.

Hắn bồi hồi chạy qua Phan Đình Phùng để gọi là tưởng niệm buổi chiều sau cùng trước khi rời Đà Lạt mười năm trước. “Nàng“ là người duy nhứt dành cho hắn một hy vọng cho tình cảm lâu dài, và cũng là thân chủ thư tín trung thành nhứt suốt từ khi chia tay, cho đến ngày hắn tan hàng ngoài Đà Nẵng.

Thời gian mười năm đủ để làm thay đổi nhiều thứ, kể cả tình cảm con người. Huống chi giữa hắn và nàng chỉ có một buổi chiều dạo phố mua quà mà thôi. Thà để cho quá khứ đẹp hoài trong tâm tưởng, còn hơn bẽ bàng nhìn nhau để rồi chẳng hâm nóng được kỷ niệm, hay tạo thêm chút cường độ nào cho tình cảm có thể đã lắng đọng từ lâu.

Nghĩ đến đây, hắn thở dài rồi vòng xe về hướng Hòa Bình, định bụng sẽ ghé qua Thủy Tạ, ngồi ngoài ban công nhâm nhi cà phê, ngắm đồi Cù cho qua giờ. Nhưng khi xuống hết con dốc Lê Đại Hành thì hắn thấy một lô công nhân đang khệ nệ xách giỏ, túi, bị và những bó củi dầu đi trên đường. Có cả Trâm và những người thuộc gia đình các tài xế. Ai nấy đều có vẻ thấm mệt vì mang nhiều, xách nặng. Thấy vậy, hắn tình nguyện chở từng đợt người và hàng hóa về tận khách sạn. Khi xong xuôi thì cũng vừa đúng giờ cơm trưa.

Sau khi ăn xong thì hắn đã thấy Trâm cùng nhiều người khác đang nhận ảnh từ mấy người phó nhòm chuyên đi theo các đoàn du lịch. Thấy hắn, Trâm và vài đứa em văn nghệ tự nhiên kéo lại để khoe ảnh chụp hôm qua. Một người lên tiếng trêu chọc:
- Để về xem anh Huy chụp ra sao. Mất đầu hay mắt nhắm là bắt đền đó nghe!
Hắn đùa lại cho vui:
- Thì tôi đã có nói rồi mà! Giao trứng cho ác thì ráng chịu.
"Cô gái đường dài" cũng không bỏ lỡ cơ hội góp chuyện:
- May quá! Trâm không có nhờ ảnh chụp cho tấm nào. Nếu không làm sao mà bắt đền?!
- Thì cứ tới nhà máy, nhắn bảo vệ gọi tay trống của đội Văn Nghệ ra để ăn vạ. Tụi này làm chứng cho, lúc đó phải bồi thường thiệt hại thôi.
Cả nhóm công nhân rầm rập lùa nhau lên lầu sau một tràng cười thoải mái. Còn lại Trâm thì đang nhìn hắn như muốn nói điều gì đó. Thấy vậy, hắn mở khóa, vừa dắt xe ra cửa, vừa hỏi:
- Hồi sáng Trâm dậy trễ phải không?
- Em dậy sớm đó chứ!
Trâm bước theo hắn ra sân, nói tiếp:
- Định xuống ngồi cà phê với anh nhưng Cô Bảy không cho.

Hắn ngạc nhiên:
- Cô Bảy của Trâm…?!
Cô gái cười, có vẽ bẽn lẽn:
- Dạ phải. Em có nói chuyện về anh cho cô nghe và…
-Tôi hiểu rồi. Cô Bảy sợ Trâm bị tôi “bắt cóc“ chứ gì!?
Hắn ngắt lời. Cô gái biết hắn đùa nhưng vẫn nghiêm nghị đính chính:
- Không đâu! Cô nói để anh tự nhiên đi tìm bạn và tìm lại kỷ niệm ngày xưa. Có em thì không chừng sẽ làm mất hết hứng thú, hay không còn tự nhiên để sống thật với mình. Cô khuyên em nên tôn trọng thế giới riêng của anh. Em nghe lời cô dù không hiểu hết lời cô nói.

Hắn ngạc nhiên về bà cô của Trâm. Chắc chắn cô Bảy không phải chỉ là một con buôn đường dài chuyên nghiệp. Thấy hắn thừ người suy nghĩ, cô gái nói tiếp.
- Cô Bảy khi xưa học ở Trường Nhà Trắng. Dân “đầm hái nho“ thứ thiệt đó nghe! Cô bỏ học sau khi xong Tú Tài vì dượng Bảy đeo sát quá. Ba con, chồng còn cải tạo. Cô làm đủ thứ nghề. Từ bán xôi trước cửa trường Tiểu học Tân Định, đến đan mây tre, rồi theo chú Sáu “làm ăn“ xa. Lẽ ra em phải ở nhà để phụ với mẹ lo coi chừng đám nhóc của cô, nhưng thím Sáu biết em thèm du lịch Đà Lạt từ lâu, nên mới tình nguyện chạy qua chạy lại để em có dịp theo chú Sáu đi chuyến này. Tội nghiệp cho cô Bảy lắm! Bề ngoài lạnh lùng, bặm trợn, nhưng bên trong rất giàu tình cảm. Hôm kia, khi được anh nhường chỗ ngồi, cô rất cảm động, sau đó khi biết em quen anh thì…

Hắn nhướng mày nhìn Trâm nhưng không hỏi, vì chỉ cần thấy cô gái ngượng ngùng đỏ mặt, là hắn hiểu cô của Trâm đã không phản đối chuyện cô gái có vẻ thích hắn. Tự dưng trong lòng hắn nảy sinh một cảm tình nồng hậu với người chinh phụ. Người vợ lính tảo tần nuôi con, chờ chồng. Người chinh phụ của thời bình, nhưng là một thời bình của đổi đời nghiệt ngã.
- Anh đang nghĩ gì đó! Thôi, không phá anh nữa đâu!
Câu nói của cô gái lôi hắn ra khỏi suy tư. Hắn chưa kịp nói gì thì Trâm dừng bước:
-Em đi vào nha. Anh lo chuyện của anh đi!
- Không. Mọi thứ đã xong rồi. Tôi định trả xe sớm đó mà! Trâm có muốn đi một vòng với tôi không?
Hắn nói vội. Cô gái mừng rỡ gật đầu. Hắn cho xe chậm rãi chạy qua những con đường mà hắn từng một mình hay bè bạn hăm hở lạng xe, ồn ào xuôi ngược, rồi chạy lên tận Cây Số 4 để ngắm Lãnh Địa Đức Bà. Sau cùng là vòng về đồi Cù để cùng ngồi dưới một vòm cây thoáng mát, nhìn qua bên kia hồ, ngắm vẻ đường bệ của khách sạn Palace và…im lặng.

Chỉ một vòng quanh thị xã. Thời gian bên nhau không nhiều, nhưng cũng đủ để hắn kể hết cho cô bạn nhỏ nghe về những ngày hội học đầy kỷ niệm. Hắn say sưa nói, Trâm kiên nhẫn lắng nghe. Hắn kể chuyện mà như nói với chính mình. Thật ra hắn chỉ cần có được những phút giây vừa qua với Trâm là đủ để thấy hạnh phúc. Thứ hạnh phúc lãng mạn nhưng giản dị, bình thường mà hắn thường mơ ước mười năm trước đó...

Cơm chiều với mọi người tại khách sạn là vừa vặn còn chút thời gian dạo một vòng để ngắm hoàng hôn trên phố núi. Từng nhóm du khách, trong đó có hắn và Trâm thả từng bước chậm trên đường. Bước chân đưa hắn và người con gái lên rạp hát Hòa Bình, xuống chợ hoa, vòng lại bờ hồ rồi leo từng nấc thang dẫn lên Palace, vừa vặn để Trâm thở phào vì đã bắt đầu thấy mỏi chân.

Lại im lặng như lúc trưa ngồi bên sân Cù. Có lẽ cô của Mai Trâm nói đúng. Hắn vẫn cần kỷ niệm, vẫn muốn sống trong thế giới ảo hình mặc dù đang hiện thực. Hắn lại hoang mang khi nghĩ đến “Nàng“. Vì đang có một mái tóc dài kề bên, vì thời gian đã làm vơi đi tình cảm; vì nỗi da diết bâng khuâng trên đường lên cao nguyên chỉ là cảm giác thoáng qua và vơi dần khi trở về chốn xưa, hay vì chính hắn đã thay đổi mà vẫn không biết hoặc cố tình chối bỏ.

Hắn vẫn chưa quên “Nàng“. Không thể quên được“ Nàng“! Nhưng nỗi xao xuyến và ray rứt mỗi khi nghĩ đến nàng đã không còn như ngày xưa, hay ngay như lúc biết mình có tên trong đoàn du lịch. Hắn biết mình đã có thay đổi nhưng vẫn chưa muốn buông thả quá khứ và kỷ niệm. Mâu thuẫn. Thật là mâu thuẫn!

“- Mười năm! Sao phải đến mười năm mới gặp lại nhau? - Có lẽ tại số phận mình như vậy đó! Riêng với những ai ở trong hoàn cảnh của Huy thì càng bi đát hơn. Vì từ khi còn chiến tranh, đến lúc tù đày, rồi những nhọc nhằn của kiếp phó thường dân. Lúc nào cũng bí rị, không có lối thoát cho chính mình.
- Ngọc hiểu, và rất thông cảm cho Huy. Cuộc sống bị đóng khung mọi mặt. Ngay cả phận đàn bà, con gái như Ngọc mà cũng bị chao đảo huống chi là Huy. Nhưng Ngọc vẫn không hiểu vì sao tụi mình bặt tin nhau mới là chuyện lạ. Khi mới tàn cuộc thì không nói. Sau này Ngọc có nghe tin Huy được phóng thích và về với gia đình rất sớm. Nhưng chỉ có thế thôi. Hỏi thăm bạn cũ, kể cả những bạn ở Đà Lạt này, thì ai cũng nói là không nhận tin tức của Huy thường xuyên và sau đó mất luôn địa chỉ vì thư gửi đi không thấy hồi âm.Tại sao vậy!?

- Có lẽ đó là lúc Huy chạy đôn chạy đáo để kiếm đường vọt không chừng. Và ngược lại, khi nhờ tụi nó tìm dùm Ngọc thì chỉ nhận được lời hứa hẹn cho có lệ. Sau cùng thì mới đây, các bạn có cho biết là Ngọc còn ở Đà Lạt.
- Vậy tại sao không có thư. Mà mới đây là lúc nào?!
- Cách nay đúng một năm. Khi đi hụt mấy lần. Hết vốn của gia đình, nên Huy phải trở lại và tìm mọi cách để giữ chân tại Sài Gòn, cuối cùng là làm “cu ly quốc doanh” để hy vọng được yên thân phần nào. Trong số bạn xưa học cùng lớp thì chỉ có Thưởng và Duy Tân sốt sắng nhín tiền ăn quà sáng, để thỉnh thoảng gởi cho Huy vài chữ. Lần nào họ cũng nói là sẽ tìm Ngọc dùm Huy. Rốt cuộc bọn nó lo cày bừa mệt nghỉ. Mang thư tay trao cho Ngọc cũng không làm dùm. Đành chịu thôi!
- Mấy ông Lính nhà Huy đúng là lười kinh khủng. Mà cũng "kỳ thị" ghê lắm! Nghe nói nhậu với nhau hoài, nhưng chớ hề ghé ngang nhà hay chỗ làm của Ngọc để chào nhau một tiếng.
- Ngọc trách oan cho họ rồi. Tụi nó đều có gia đình. Đi tìm Ngọc thường xuyên thì không tiện. Hơn nữa nếu như Ngọc có chàng nào rồi thì càng thêm phiền phức.
- Làm gì có chàng nào?! Ai mà thèm dân “ế độ” như Ngọc đây chứ!
- Vậy còn…
- Anh Phước hả!? Không nhận được tin từ ngày tan hàng cho đến nay. Liên lạc với gia đình anh ấy cũng không được. Có lẽ họ đã di tản ra ngoại quốc hay không trở lại Huế nữa không chừng. Hè năm 1973, Ngọc có ra tận Tổng Y Viện Duy Tân thăm khi anh ấy bị thương. Không thể dự lễ Mãn Khóa Sĩ Quan của Huy và các bạn là vì vậy đó! Chừng hai tháng sau, anh Phước có lên đây khi đi phép xuất viện. Ngọc nhớ rất rõ là giữa tháng 3-1975 có gửi thư cho Anh Phước và cho Huy cùng một lượt. Không nhận được hồi âm của ai cả.

- Lá thư đó theo Huy vào các trại lao động khổ sai ngoài Quảng Nam, vì Huy nhận thư Ngọc vào đúng ngày di tản từ Tam Kỳ về Đà Nẵng. Không đầy ba ngày sau là tan hàng. Rất tiếc là chút ủi an trong lúc cùng khổ cũng trở thành nguyên nhân và cớ sự, để bọn quản giáo tha hồ đay nghiến mình. Lá thư của Ngọc cùng với chiếc nhẫn lần hạt đã bị khám phá và tịch thu sau một lần khám xét định kỳ. Kiểm điểm trước ban quản trại hai ngày liên tiếp. Tưởng đâu đã bị trù dập mút chỉ không được về vì tội thờ Chúa mà không chịu thờ ông cố nội của tụi nó.
- Mà thôi! Bây giờ thì mình cũng đã gặp lại nhau. Nhưng mà Huy ở chơi bao lâu?
- Một ngày đi, hai ngày ở, sáng ngày thứ tư thì về. Tiêu chuẩn du lịch kiểu quốc doanh là vậy. Không dễ gì có tiền để đi chơi trong thời buổi này. Chỉ may mắn được đi ké mà thôi.
- Huy tìm được hết mọi người chưa?
- Ngày đầu lên tới đây thì đã xế chiều. Thả một vòng qua Hòa Bình để nhìn ông đi qua, bà đi lại là đã hết giờ nên tối chỉ ghé qua khu gia trang của Ba Mẹ Thưởng rồi ăn tối với vợ chồng hắn. Hôm qua theo xe đi viếng thắng cảnh cả ngày, tối lại ghé nhà Thưởng hàn huyên tiếp. Hôm nay lội lòng vòng tìm lại những chốn thân quen của ngày xưa. Bây giờ thì ngồi đây với Ngọc. Chút nữa họp mặt bạn Lính và cũng là Đồng Môn của tụi mình dưới Thủy Tạ. Nói chung là tại gặp nhau trễ quá. Nếu không thì Huy “bắt cóc“ Ngọc nguyên ngày mới thỏa lòng.

- Khó tin lắm. Hai ngày trời mới chịu gặp Ngọc. Hay là bận lo cho em công nhân nào đó phải không ?A! Nhớ rồi. Còn hồng nhan, tri kỷ bên đường Hải Thượng, Hai Bà Trưng, Thành Thái, Võ Tánh và cả khu vực Cây Số 4 nữa. Dễ gì “chàng“ không tạt qua để ngắm mấy tà áo dài, hay tìm lại ai đó chứ gì!? Khai thật đi!
- Xứ này đồi dốc chập chùng. Dù có trở lại thời đi lính cũng không có sức mà lội xa đến như vậy, huống chi ốm đói như bây giờ...
- Ai mà biết được mấy ông. Vậy chứ tại sao chỗ Ngọc làm chỉ cách Hòa Bình có một con dốc mà không ghé qua, lại phải nhờ chị Thưởng nhắn tin? Mấy ông ba xạo lắm. Ai mà tin cho nổi. Chắc là hôm qua dành cho " người đẹp" nào rồi phải không?
- Huy nói thật mà! Không tin thì chút nữa hỏi Lộc, hay Thắng sẽ biết.
- Mấy ông bao che cho nhau. Ai còn lạ gì chứ!
- Mấy bà cũng lạ ghê! Nói thật thì không tin, còn nói láo thì tin ào ào! Đã bảo là từ xưa tới nay Huy chỉ “đầu tư“ một mình Ngọc mà thôi. Không tin thì để Huy vuốt mũi thề nha…”
- Anh Huy! Coi chừng!
Hắn thảng thốt giật mình quay sang Trâm. Cô gái vừa đưa tay phủi tàn thuốc vướng trên tay áo của hắn, vừa dáo dác tìm xem có chỗ nào bị cháy xém hay không, rồi nói tiếp:
- Suýt chút nữa là anh làm rơi điếu thuốc lên người rồi. Hình như anh đang nghĩ ngợi về chuyện gì đó vui lắm phải không?
- Sao Trâm biết! Bộ anh trông tức cười lắm hả?!
- Anh cứ chống cằm ngồi nhìn đăm đăm vào chỗ nào đó bên kia bờ hồ, thỉnh thoảng lại mỉm cười ra vẻ thích thú lắm. Có lúc em lại tưởng anh muốn nói điều gì đó với em, nhưng anh chỉ đốt thuốc rồi trở về trạng thái cũ. Điếu thuốc cứ thế mà ngắn dần, mà anh thì như không hay biết nên đã định hút tiếp, mặc dù thuốc đã cháy đến tận đầu lọc. Không gọi anh, thì chắc đã phỏng môi rồi đó. Mơ mộng gì mà quên cả mình đang ở đâu vậy?

Hắn chỉ cười trừ, lại đốt thuốc để có thêm thời gian suy nghĩ trước khi trả lời cô bạn mới quen trong chuyến du lịch. Làm sao nói hết những gì đã xảy ra trong đầu hắn. Và làm sau nói được sự thật là hắn vẫn ước ao có “Nàng“ ở bên cạnh ngay lúc này đây. Hắn biết mình mâu thuẫn khi không chịu ghé tìm “Nàng“ tại chỗ làm. Để làm gì chứ! Hắn đã tự đặt cho mình câu hỏi và cũng tự kết luận, là sau mười năm liệu tình cảm xưa còn được bao nhiêu; huống chi lúc chia tay nhau thì cũng chẳng có lời nói hay hành động nào đủ để gọi là tình tứ!? Còn thư từ qua lại sau đó thì cũng chỉ dừng ở mức thân và mến. Không hơn, không kém!
Hắn im lặng đã khá lâu khiến Trâm giả đò làm nũng:
- Anh thật khó hiểu quá! Khi thì kể chuyện và cười nói huyên thuyên, lúc lại lầm lì xa vắng. Có gì thì cứ nói cho em nghe đi. Em thích nghe anh nói lắm!
Lần này thì hắn bật cười. Hai ngày qua, Trâm cứ thích theo hắn để nghe kể chuyện Đà Lạt, mặc dù đi tới đâu cũng có người tình nguyện kể những huyền thoại hay những tam sao thất bổn về mọi thứ trên đời của phố núi. "Cô gái đường dài" thoải mái theo hắn lòng vòng các nơi, dù chỉ để ngồi trên sân Cù im lặng nhìn mây bay, hay ghé qua những “đường xưa, lối cũ“ mà hắn đã từng tới lui mười năm trước.


Những lãng mạn nhẹ nhàng mà bâng khuâng của thời mới lớn, đã có thêm cơ hội bộc phát khi cô gái hòa mình vào khung cảnh trữ tình của cao nguyên. Hắn cần có một chiếc bóng bên cạnh, còn Trâm thì đang muốn được ấm lòng để làm đẹp những ngày thỏa thích sống theo cảm tính. Cũng may Trâm không hỏi vì sao lại chọn thềm Palace để ngồi cho qua thì giờ mà không vào Thủy Tạ trước để chờ các bạn. Bằng không thì hắn lại phải nói dối để giữ riêng cho mình một kỷ niệm khác cũng thật đẹp vào một mùa trăng đúng mười năm trước, tại bậc thềm cao nhất này.
Hắn chậm rãi thả khói:
- Anh không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng thật lòng thì anh rất cảm ơn Trâm đã chọn anh để cùng tận hưởng hạnh phúc như hiện nay. Anh muốn sống lại quá khứ, nhưng tình cảm xưa đã không còn. Nhớ người cũ, nhưng vẫn phải sống trong hoàn cảnh mới. Đi với anh cả ngày thì em đã biết rồi đó! Anh chỉ muốn nhìn lại cảnh cũ hơn là gặp mặt người xưa vì vật đổi sao dời, huống chi là tình cảm con người. Cho nên, dù có chút bùi ngùi nhưng anh vẫn còn được an ủi là khi không gặp họ thì hình ảnh của họ vẫn đẹp như ngày nào còn học chung với nhau. Em đã đủ lớn để hiểu những gì anh nói, nên anh cũng rất thật lòng kể rõ những gì anh nghĩ ngợi trong hai hôm nay. Tóm lại, anh đang có em bên cạnh. Không thấy hạnh phúc lúc này, thì còn chờ đến khi nào nữa chứ!?

Trâm cười, lôi hắn đứng dậy.
- Anh khéo nói lắm. Em tạm tin anh. Chút nữa sẽ hỏi mấy ông bạn của anh về những “thành tích“ của anh rồi sẽ tính sau. Còn bây giờ thì trễ rồi!
Hắn im lặng cùng "cô gái đường dài" bước xuống các bậc thang. Chiều đã tắt nắng từ lúc nào không hay. Phố xá đang lên đèn. Đà Lạt hôm nay vẫn là khung trời của mơ mộng, nhưng hắn đã không cô đơn như mười năm trước đây. Ngược lại, hắn đang có một mái tóc dài ở bên cạnh, vậy mà loáng thoáng đâu đó vẫn là một mối cảm hoài khó diễn đạt thành lời. Hạnh phúc đang hiện thực mà cõi lòng cứ như đang còn trong cõi mộng.

Hắn chỉ hoàn toàn tỉnh táo và nhận chân hạnh phúc khi những người bạn, vừa là đồng đội quân trường, vừa là đồng môn thời “Đại Học Sĩ“ đã dàn sẵn hàng ngang trước sân hoa Thủy Tạ, để chào đón hắn bằng những vòng tay ghì siết thật chặt, kèm theo những cử chỉ và lời nói thật vui nhộn để cô bạn mới quen của hắn khỏi bỡ ngỡ.
- Giấu kỹ quá nghe bạn!
- Vậy là tình quá rồi còn gì!
- Nhớ tính gấp đi nha. Tụi này bắt đầu để dành tiền từ hôm nay đấy!

Cả đám nhao nhao chọc đùa.
Hắn chỉ cười, giới thiệu Trâm với các bạn, còn cô gái thì chỉ biết luống cuống bước theo hắn vào quán. Hãy còn quá sớm để nói đến một thứ tình cảm lâu dài. Ngay bây giờ hắn chỉ biết là trong lòng lại đang bắt đầu một chu kỳ hạnh phúc. Hạnh phúc được sống lại quá khứ qua câu chuyện hàn huyên với bạn bè và niềm vui khi có được những bước song hành trên phố núi. Như vậy cũng quá đủ để có thêm một chút gì để nhớ và để ghi lại trong nhật k‎ý viết về Đà Lạt sau mười năm tái ngộ.

Huy Văn

( ...Để kỷ niệm đêm cà phê Thủy Tạ, 10-03-1982 và tưởng nhớ Đinh Thìn, Nguyễn Duy Tân, Nguyễn Liêm R.I.P )

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

Trở Về Bên Chúa

  

Con về bên Chúa Mùa Chay
Trở về nguyên vẹn hình hài tâm linh
Tim con tục lụy tội tình
Hướng lòng dâng trọn lời kinh nguyện cầu
Vững tin thập giá nhiệm mầu
Giúp con thoát khỏi bể sầu trần gian
Ân Ngài ban phát bình an
Xót thương nâng đỡ song hàng vượt qua!

Kim Oanh
Mùa Chay 3/2023


Chìm

  
Nắng chìm trên đỉnh hoàng hôn
Mưa chìm ao nhỏ lắng hồn nguyệt sương
Trăng chìm sâu đáy đại dương
Ánh đêm chìm vũng chân tường , ai qua
Phố chìm trong thoáng xa hoa
Nhạc chìm giữa ánh nguy nga tháp lời
Mộng chìm bên gối chơi vơi
Võng chìm trong tiếng ru hời ngọt trưa
Lá chìm trong khoảng sân mưa
Mây chìm sông vắng, gió thưa thớt về
Hoa chìm nhắc tử sinh kề
Tịch liêu chìm giữa bốn bề mênh mông
Em chìm giữa vạn người đông
Anh chìm với… một nụ hồng trên tay

Houston 2/8/2019
Đặng Toản


Bài Thơ Thất Niêm Của Nguyễn Du

 

Bài Thơ Thất Niêm Của Nguyễn Du

Một bài thơ rất nổi tiếng của Nguyễn Du, làm rung động bao người, khi ông khóc cho Tiểu Thanh, một cô gái mới vừa 18 tuổi, sắc tài nhưng bạc mệnh.
 
       Độc Tiểu Thanh Ký

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?
                        Nguyễn Du
Dịch Nghĩa:

Đọc Truyện Nàng Tiểu Thanh

Vườn hoa bên cạnh Tây Hồ nay đã thành bãi đất hoang, 
Chỉ có thể viếng nàng qua bài điếu đọc trước cửa sổ . 
Son phấn có linh hồn cũng phải thương xót sau khi chết, 
Văn chương không có mệnh cũng bị liên luỵ, sau khi đốt còn sót lại một ít
Mối hận của người tài sắc xưa nay, biết làm sao để hỏi trời. 
Ta tự coi như người cùng cảnh ngộ với nàng, thật lạ chỉ vì phong nhã mà phải nỗi oan.
Chẳng biết hơn ba trăm năm sau, Người đời có ai khóc cho tác giả Tố Như, giống như ta khóc cho người con gái đẹp này chăng?

Trong tài sản thi ca của Nguyễn Du, đây là bài thơ được hậu thế biết nhiều nhất sau Truyện Kiều. Một bài thơ có nhiều điểm giống với Truyện Kiều. Tác giả thương cảm cho nàng Tiểu Thanh, khiến tôi nhớ đến sự trùng hợp khi Kiều khóc trước mộ Đạm Tiên.

Thế nhưng, đây cũng là bài thơ gây tranh cãi nhiều nhất của Nguyễn Du. Nghi vấn được đưa ra để tìm lời giải: Bài Thơ Thất Niêm hay phá cách..?

1/ Bài Thơ Thất Niêm

Nhìn vào bài thơ,  hai câu 7 và 8 là không bình thường:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp tố như?

Đúng vậy, hai câu cuối câu 7 và 8 Thất Niêm.
Theo sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục trang 95:
"Ngày xưa các môn thi của các khoa thi Hương đều có "Thi, Lễ, Nhạc, Độc". Vậy Thơ Luật là bộ môn chính của trường thi.
Như khoa Đinh Mão - Gia Long thứ 6 (1807) tại trường thi Hải Dương. Giám Khảo là Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Du".
Với quan hàm Đông Các Đại Học Sĩ, Nguyễn Du đã không ít lần làm giám khảo các kỳ thi. Đã từng loại không biết bao thí sinh.
Vì sao Ông lại làm một bài thơ sai Luật như thế? Từ ý nghĩ này, có một số ý kiến cho rằng Ông phá cách.

2/ Bài Thơ Phá Cách

Trong Luật Niêm, câu thứ 7 phải Niêm với câu thứ 2, 3 và 6. còn câu 8 phải Niêm với câu 1, 4, 5.
Theo quan điểm của đa số giới làm thơ ngày nay, nếu một bài thơ do chúng ta sáng tác, lỡ phạm vào một trong năm Luật của Đường Luật Thi, sẽ bị kết luận là Thất Luật. Đối với các Danh Gia, Tiền Nhân, thì cho rằng phá cách. Đúng bất công cho đám hậu bối chúng ta quá phải không Quý vị.
Với Tài danh của Nguyễn Du, Ông sẽ không bao giờ phá cách như chúng ta nghĩ. Ông thừa khả năng để giữ Luật mà ý câu thơ không hề thay đổi.

3/ Sai vị trí cặp Thực và Luận

Có một vị Nho học cho rằng vị trí của cặp Thực và Luận không đúng. Theo vị này cho biết, bài thơ trong tập thơ của Thầy ông, có sự khác biệt, là hoán đổi vị trí giữa câu 1 và 2, giữa cặp Thực và Luận. Vị này quả quyết như thế vì chính tay ông chép lại tập thơ:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ...

Đọc bài thơ đổi vị trí này, chúng ta thấy ngoài hai Từ khác nhau là "mai uyển" và "hoa uyển"; vị trí của câu 1 và 2, còn một khác biệt rất lớn, làm thay đổi cấu trúc của bài thơ, đó là sự hoán đổi vị trí của cặp Thực và Luận, tôi thấy có gì không hợp.
Trong một bài Thơ Đường Luật, cặp Thực sẽ nối tiếp ý của cặp Đề, tức nhiên phải giới thiệu về nhân vật từng sống nơi Tây Hồ. Sau đó, cặp Luận sẽ nêu lên cảm xúc của Tác giả về hoàn cảnh của nhân vật. Có như vậy ý của bài thơ sẽ liên tục. Còn theo bài chỉnh sửa, chưa biết nhân vật chính thế nào, mà đã đồng cảm với nàng rồi. đúng là lấy sau làm trước, ý thơ bị cắt khúc rời rạc. Là một Đại Thi Hào, chắc chắn Nguyễn Du không thể làm một bài thơ ý tưởng lộn xộn, đầu đuôi xáo trộn như thế.

4/  Bài Thơ Cổ Phong
Thơ Đường Luật là sự tiếp nối, biến thể và cấu trúc lại từ thơ Cổ Phong. Vì thế nên cũng có ý kiến cho rằng đây là một bài thơ Cổ Phong, nên Luật Thi không bó buộc. Tôi cũng hơi nghiêng về ý kiến này, nhưng vẫn còn thắc mắc, trong khi tất cả đều theo Luật của Đường Luật, chỉ có luật Niêm là khác.

Thật là khó nghĩ. Tại sao Nguyễn Du làm vậy? Thế là tôi tự đi tìm một lý do khác.

5/ Có Một Luật Thơ Khác?
Riêng cá nhân tôi, vì không cùng quan điểm với bất cứ ý kiến nào bên trên, kể cả ý kiến Tác giả làm theo lối Cổ Phong.
Chúng ta cùng điểm lại các bài Đường Luật Thi của Ta cũng như Tàu có trước Nguyễn Du.

Ở Việt Nam, trước hết có Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong bài thơ  Nhân Tình Thế Thái thứ 21 có tên Dĩ Hoà Vi Quý.

     Dĩ Hoà Vi Quý

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn
Ðây rằng đây phải, đấy không thua 
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia hầu dễ kém chi cò
Chữ rằng nhân dĩ hoà vi quý
Vô sự thì hơn kẻo phải lo

               Nguyễn Bỉnh Khiêm
Không như Nguyễn Du ở hai câu cuối, Trạng Trình không theo Niêm ở hai câu Thực.
...
Bây giờ chúng ta nhìn sang nước Tàu, ngược dòng thời gian, tìm đến những nhà thơ nổi tiếng thời Đường:

- "Thành Tây Pha Phiếm Chu" của Đỗ Phủ  :
  Ở bài thơ này
 giống như bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Thanh nga hạo xỉ tại lâu thuyền
Hoành địch đoản tiêu bi viễn phương
Xuân phong tự tín nha tường động
Trì nhật từ khan cẩm lãm khiên
Ngư xuy tế lãng dao ca phiến
Yến xúc phi hoa lạc vũ diên
Bất hữu tiểu chu năng đãng tương

Bách hồ na tống tửu như tuyền


- "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" của Lý Bạch :
Bài thơ này cũng như bài trên

Phượng hoàng đài thượng phượng hoàng du
Phượng khứ đài không giang tự lưu
Ngô cung hoa thảo mai u kính
Tấn đại y quan thành cổ khâu
Tam sơn bán lạc thanh thiên ngoại
Nhị thủy trung phân bạch lộ châu
Tổng vị phù vân năng tế nhật

Trường an bất kiến sử nhân sầu

- "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy :
Riêng bài thơ này thì xem như toàn bài.

Chước tửu dữ quân quân tự khoan
Nhân tình phiên túc tự ba lan
Bạch thủ tương tri do án kiếm
Chu môn tiên đạt tiếu đàn quan
Thảo sắc toàn kinh tế vũ thấp
Hoa chi dục động xuân phong hàn
Thế sự phù vân hà túc vấn
Bất như cao ngọa thả gia san.
   


Qua 5 bài thơ của các thi nhân: Thi Hào Nguyễn Du, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Thi Thánh Đỗ Phủ, Thi Tiên Lý Bạch và Thi Phật Vương Duy... Các nhà thơ có thể nói nổi tiếng vào bậc nhất trong nền thi ca của Việt và Tàu, gợi cho chúng ta điều gì?
Chẳng lẽ cả 5 người đều bị lỗi thất niêm hay phá cách giống như nhau?
Hay còn một nguyên nhân nào khác khiến các câu thơ Đối Bằng Trắc từng cặp một? Điều này thể hiện rõ nhất ở bài "Chước Tửu Dữ Bùi Địch" của Vương Duy.
Các câu 1; 3; 5; 7 có cùng Bằng Trắc hay nói chính xác hơn là Niêm với nhau.
Tương tự, các câu 2; 4; 6; 8 Niêm với nhau.

Qua nhận xét trên, chúng ta thấy các câu lẻ Niêm với lẻ. Các câu chẵn Niêm với chẵn.
Điều này hoàn toàn trái ngược với luật Niêm mà mọi người đều biết và sử dụng: 
- 1; 4; 5; 8 Niêm với nhau.  2; 3; 6 ;7 Niêm với nhau.

Kết Luận

Từ phân tích những bài Thơ Đường Luật ở trên, đã dẫn chúng ta đến một kết luận:
"Trong thơ Đường Luật trước đây đã tồn tại một luật Niêm thứ hai, nhưng ít được giới làm thơ sử dụng, cũng như chưa thấy tài liệu nào nói đến.
- Luật Niêm thứ nhất : 1 - 4 ; 2 - 3 ; 5 - 8 ; 6 - 7 . Luật Niêm thông dụng
- Luật Niêm thứ hai   : 1 - 3 ; 2 - 4 ; 5 - 7 ; 6 - 8 .
 Luật Niêm ngày nay không thấy sử dụng
- Hoặc sự pha trộn giữa hai luật niêm trên.


Vì thế, tôi cho rằng bài thơ Độc Tiểu Thanh Ký không hề sai luật, cũng như không hề phá cách... Có thể  trước đây có một luật khác, luật này song hành với luật chúng ta đang làm ngày nay, mà chúng ta chưa hề biết đến.

Huỳnh Hữu  Đức