Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2023

Lễ Dâng Ngài - Sáng Tác Liên Bình Định - Trình Bày:Diệu Hiền & Hoàng Quân DuyHan


Sáng Tác: Liên Bình Định
Trình Bày:Diệu Hiền & Hoàng Quân DuyHan

Thánh Ý Phục Sinh


Gió đàn hương ngát khắp dương trần
Loan báo tin mừng đến thế nhân
Vạn vật trở mình hòa tấu khúc
Lệ vui tràn ứa giọt trong ngần

Trùng sương cao vợi bóng hình Ngài
Khổ nhục thọ hình trĩu nặng vai
Hằn vết đớn đau trên thập giá
Ân tình thiên chúa Đấng Ngôi Hai

Lòng thương tận hiến đã quên mình
Thánh ý Cha hiền Chúa Phục Sinh
Tinh tú rạng ngời trong khoảnh khắc
Huyệt sầu bừng dậy phút huy linh

Kim Phượng

Ánh Sáng Phục Sinh

 


Con đường thương khó Chúa qua
Vượt bao khổ nạn bao la tình Ngài
Máu đào thấm đỏ đôi tay
Đớn đau gánh chịu đắng cay cực hình
Con dân nước chúa nhiệt tình
Rao truyền công cuộc hiển vinh của Người
Tạ ơn tình Chúa cao vời
Xót thương cứu độ rạng ngời vinh quang
Phục Sinh ánh sáng huy hoàng
Chiếu soi nhân loại hân hoan danh Ngài!


Kim Oanh
Phục Sinh 2023

Mừng Chúa Phục Sinh

 

Chúa dang tay trên cây Thánh Giá
Con mỗi ngày thương quá nhìn Cha
Vì đời lận đận bôn ba
Cúi xin Chúa giúp vượt qua mỗi ngày
Chúa đớn đau vác cây Thánh Giá
Đi trên đường sỏi đá dẫm chân
Đòn roi rướm máu toàn thân
Ngậm ngùi con quyết xin vâng theo Ngài
Chúa đóng đinh trên cây Thánh Giá
Máu từng dòng nhuốm đỏ hai tay
Trên đầu đội chiếc mão gai
Chúa ơi sao chịu đắng cay cực hình ?
Chúa chịu chết trên cây Thánh Giá
Tình yêu Ngài thánh hoá nhân gian
Biết tìm đến Chúa vinh quang
Biết dọn mình khỏi khô khan phần hồn
Chúa sống lại trên cây Thánh Giá
Thế gian mừng ngày lễ Phục Sinh
Mọi người sống với đức tin
Lòng con sung sướng tôn vinh danh Ngài
Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá
Con mỗi ngày thương quá nhìn lên
Thấy đời thôi hết bấp bênh
Con xin cảm tạ ơn trên mỗi ngày

Đỗ Hữu Tài
Sat Apr 23, 2011

Ngày Huyền Diệu!


(Bài Hát Nói cảm ơn lời thăm hỏi và đáp lễ Nữ Sĩ Kim Oanh yêu cầu một bài Hát Nói trong Mùa Lễ Phục Sinh 2023.)

Mùa Phục Sinh đã đến rồi!
Chúa đà sống lại! Chuông hồi thu không!
Jesus thương khó chất chồng
Đóng đinh Thánh Giá trả xong nợ này!

Vị Ngôn Sứ nay vẫn còn hiện diện!
Trong mọi Thánh Đường, trên Ngôi Cao! Vương Miện vòng gai!
Có ai cao quý, hy sinh, cứu rỗi được hơn Ngài?
Mừng Chúa! Trứng ngũ sắc! Thỏ dễ thương! Quần áo mới! Thịt Dăm Bông! Hoa đẹp! Bài Thánh Ca siêu việt!

Sống lại! Niềm Tin đây thật tuyệt!
Ăn chay! Lễ Lá đó quá hay!
Mười hai chặng đường thương khó! Máu, mồ hôi của Chúa tràn đầy!
Xin Cha tha tội cho chúng nó! Lời Cầu Nguyện này muôn đời vĩ đại!

Hoa Thủy Tiên, Uất Kim Hương, Phong Tín Tử, Cúc Đồng, Bồ Công Anh, Mao Cấn! Nở như điên dại!
Mừng Chúa Jesus sống lại! Biết ơn Chúa chịu khổ đau, chết cho Loài Người!
Mùa Xuân đã thắm thêm tươi!
Trái tim Chúa vẫn rạng ngời trong ta!
Cười trong nước mắt chan hòa!
Đất trời rung chuyển hoan ca hợp đoàn!
Ấm no đến mọi cơ hàn!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 05/04/2023
Mùa Phục Sinh 2023

Origine De Pâques - Nguồn Gốc Của Lễ Phục Sinh(Dịch; Thái Lan)


Lễ Phục Sinh có nguồn gốc từ ngoại giáo nhưng tất nhiên cũng có nguồn gốc Kitô giáo. Ta hãy nghiên cứu về lịch sử của lễ Phục Sinh-

Nguồn gốc của lễ Phục Sinh theo ngoại giáo

Đối với người ngoại giáo, lễ Phục Sinh trước đây là lễ hội mùa xuân, sự trở lại của ánh sáng, sự ấm áp, sự tái sinh của cây cối sau những tháng mùa đông dài.
Người ngoại giáo tin tuyệt đối vào các thiên thể. Họ tin rằng vị thần của thiên nhiên mỗi năm được sinh ra và chết đi, và rằng vào mỗi lần được sinh ra, cuộc đời của vị thần ấy hiện hữu rải rác trong cây cỏ và hạt ngũ cốc làm thực phẩm cho thần.

Trời và đất, giống như quả nho chui ra khỏi mặt đất, và nước biến thành rượu.
Đây là nét đặc biệt của niềm tin ngoại giáo.

Nguồn gốc của lễ Phục Sinh theo Thiên Chúa giáo


Người theo Thiên Chúa giáo cử hành kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô. Lễ Phục Sinh được tổ chức vào Chủ nhật đầu tiên sau khi trăng tròn, vào mùa Xuân. Từ Phục sinh của các Kitô hữu có nghĩa là "vượt qua" theo nghĩa là "Chúa Giêsu bị đóng đinh đã sống lại." Lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo có liên quan đến Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Đối với người Do Thái, đó là cuộc vượt qua Biển Đỏ của họ từ Ai Cập và đối với các Kitô hữu, từ cái chết đến sự sống , mời gọi sự sống vĩnh cửu.

Lễ Vượt Qua của người Do Thái được tổ chức hàng năm vào khoảng cuối tháng Ba / đầu tháng Tư. Nó cũng được gọi là "Lễ Vượt Qua".
Người Do Thái kỷ niệm cuộc di cư của người Hê-bơ-rơ (Hebreus) từ Ai Cập đến vùng đất hứa.

Đây cũng là thời điểm bắt đầu thu hoạch lúa mạch kéo dài 8 ngày, sau đó là nhiều nghi thức và lễ hội theo phong tục.

Điều gì xảy ra vào lễ Phục sinh?

Nhiều truyền thống và thánh lễ được cử hành trong Tuần Thánh, nhưng cũng được thực hiện trước và trong Mùa Chay khi các Kitô hữu được mời cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ. Người Kitô hữu nói "Thiên Chúa là người chăn chiên của chúng ta" và họ là con chiên.

Họ muốn làm theo lời của Ngài, nhưng đó không chỉ là vấn đề đức tin. Đó là một cách sống dạy họ phải giúp đỡ người khác, lắng nghe họ và chỉ đường cho họ.
Lễ Phục Sinh thời nay

Ngày nay, các Kitô hữu vẫn ăn mừng lễ Phục Sinh. Ngay cả khi họ ít thường xuyên đi nhà thờ hơn, các Kitô hữu vẫn hội họp với nhau nhân các nghi lễ lớn này. Phần đông các gia đình vẫn theo truyền thống, nhưng không còn nhịn ăn vào Thứ Sáu Tuần Thánh. (tùy theo mỗi gia đình)

Thứ Sáu Tuần Thánh là lễ kỷ niệm tôn giáo được các Kitô hữu tổ chức vào thứ Sáu trước Chủ nhật Phục sinh. Đó là ngày kính nhớ Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh và cái chết của Ngài. Việc này một phần của Lễ Phục sinh Triduum (ba ngày phải tuân thủ), kéo dài từ Thứ Năm Thánh (kỷ niệm Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Kitô với các môn đồ của mình) đến kinh chiều tối Lễ Phục Sinh vào Chủ nhật.
Theo truyền thống Chính Thống giáo, ngày ấy được gọi là "Thứ Sáu Vĩ Đại " hoặc "Thứ Sáu Thánh và Vĩ Đại".

Trứng Phục Sinh

Quả trứng, một biểu tượng của sự hoàn hảo, được tổ chức vào mùa xuân vì nó có liên quan đến cuộc sống và khả năng sinh sản mới: nó xuất hiện trong nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của thế giới. Vào thời điểm này, trong các chuồng trại chăn nuôi, có rất nhiều trứng, nên trứng được biểu dương vào thời điểm Phục sinh, cũng như một số loài động vật được biết đến về khả năng sinh sản của chúng: gà, cá, thỏ rừng. Con cừu cũng là một biểu tượng trong Kinh thánh về sự phát triển của đàn cừu.

Vào buổi sáng Phục Sinh, trong các khu vườn, trẻ em tìm thấy trứng làm bằng sô cô la hoặc đường , cũng như các món ăn khác có hình chuông, gà, thỏ, cừu, cá ... và các con chiên thường cho rằng trứng được những chiếc chuông trở về từ Rome hoặc thỏ rừng Phục sinh bí mật đặt trong đêm.

Những đồ ngọt này đã thay thế trứng nhuộm hoặc trứng gà, biểu tượng của sự sống và sự vĩnh cửu trên thế giới.

Thứ Hai Phục Sinh, một ngày lễ ở Pháp, là biểu hiện của ngày thứ tám (trong toàn bộ lễ tám ngày) kéo dài từ ngày lễ cho đến Chủ nhật Quasimodo.
Chủ nhật Quasimodo là Chủ nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh. Trong lịch phụng vụ, Chủ nhật này, "tiếp theo niềm vui về sự phục sinh của Đấng Christ," được ghi nhận là "Chủ nhật thứ hai của lễ Phục sinh." Tên Quasimodo được lấy từ chữ đầu tiên của lời cầu nguyện phần mở đầu về Thánh lễ trong ngày, phần giới thiệu: Quasimodo geniti infante (giống như những trẻ sơ sinh). Chủ nhật này còn được gọi là "Lễ Phục sinh khép kín", "Lễ Phục Sinh nhỏ" hoặc "Pâquettes- Tiny Easter "

Chuông Phục sinh


Vào thời điểm lễ Phục sinh, ngày nay chuông vẫn đóng một vài trò quan trọng trên khắp nước Pháp. Sau bài thánh ca Gloria vào Thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh, đêm trước cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập tự giá, tiếng chuông im lặng như một dấu hiệu của sự thương tiếc, để tang, cho đến Gloria của Lễ Canh Thức Phục sinh. Theo truyền thống, chúng được cho là đến Rome để được ban phước và đi tìm những quả trứng, sau đó chúng sẽ rãi trứng cùng khắp khi trở về khu vườn. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Arnold Van Gennep tin rằng niềm tin này xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ Mười Hai, và La Mã đã cấm không cho rung chuông bằng kim loại.

TháiLan  
***
Origine De Pâques

La fête de Pâques tire ses racines à la fois d’origines Païennes mais aussi bien évidemment d’origines chrétiennes. On fait le point sur l’histoire de Pâques….
Origines Païennes

La fête de Pâques représentait autrefois pour les païens, la fête du printemps, le retour de la lumière, de la chaleur, de la renaissance des cultures après ces longs mois d’hiver.

Les païens croyaient plus que tout aux astres. Ils croyaient que le dieu de la nature naissait et mourrait chaque année. Et qu’à chaque naissance, sa vie s’éparpillait dans les plantes et les graines qu’ils mangeaient. Le ciel et la terre, comme le raisin qui sort de terre et l’eau transformée en vin. Voilà toute l’originalité de la croyance païenne.
Origines Chrétiennes

Les chrétiens célèbrent la résurrection de Jésus-Christ. La fête de Pâques est célébrée le premier dimanche suivant la pleine lune du printemps. Le mot Pâques pour les chrétiens signifie « passage » dans le sens où « Jésus le crucifié est ressuscité ». La fête de Pâques chrétienne est en lien avec la Pâque juive. Pour les juifs, c’est le passage de la mer rouge par les Hébreux depuis l’Égypte et pour les chrétiens le passage de la mort à la vie qui appel à la vie éternelle.
Que se passe-t-il à Pâques ?

De nombreuses traditions et messes sont célébrées lors de la semaine sainte, mais aussi avant et pendant le carême où les chrétiens sont invités à prier, à jeûner et à partager. Les chrétiens disent « le seigneur est notre berger » et eux sont les agneaux. Ils veulent suivre sa voix, mais ce n’est pas qu’une question de foi. C’est un mode de vie qui les amène à aider les autres, à les écouter et à leur montrer le chemin.
Pâques de nos jours

Aujourd’hui, les chrétiens célèbrent toujours la fête de Pâques. Même s’ils se rendent moins souvent à l’église, les chrétiens se réunissent toujours lors de ces grandes cérémonies. La plupart suivent toujours les traditions, mais ne jeûnent plus le Vendredi Saint.

Pâques : Histoire et légendes

Pâques, dimanche qui suit la pleine lune venant après l’équinoxe de printemps, soit entre le 22 mars et le 25 avril, est la fête chrétienne de la résurrection de Jésus-Christ, trois jours après sa mort sur la croix à Jérusalem. Pâques toujours au pluriel lorsqu’il s’agit de la fête chrétienne tient son nom de Pessa’h (probablement de l’hébreu Pâsah « passer », « épargner »).

Dans les jardins, les enfants trouvent au matin des œufs en chocolat ou en sucre, ainsi que d’autres friandises en forme de cloches, poules, lapins, agneaux, poissons… déposés mystérieusement dans la nuit par les cloches de retour de Rome, dit-on généralement ou par le lièvre de Pâques.

Ces confiseries ont remplacé les œufs teints ou naturels, symboles universels de vie et d’éternité, que l’on s’échangeait ce jour là.

Le lundi de Pâques, jour férié en France, est la trace de l’octave (les huit jours suivants) qui prolongeait la fête jusqu’au dimanche de Quasimodo.

Le dimanche de Quasimodo est le premier dimanche après Pâques. Dans le calendrier liturgique, ce dimanche qui « poursuit la joie de la résurrection du Christ » est noté comme le « deuxième dimanche se Pâques ». Il tient son nom des premiers mots de la prière d’introduction de la messe du jour, l’introït : Quasimodo geniti infante (comme des nouveau-nés). Ce dimanche était également appelé « Pâques closes », « petites Pâques », ou « Pâquettes ».

L’œuf de Pâques

L’œuf symbole universel de perfection, est fêté au printemps car il est lié à la nouvelle vie et à la fécondité : il figure dans de nombreuses légendes sur l’origine du monde. Abondants dans les basses-cours à cette époque, les œufs sont célébrés au moment de pâques, tout comme certains animaux réputés pour leur fécondité : poule, poisson, lièvre. L’agneau est également un symbole biblique de croissance des cheptels. Pour les enfants, des œufs en chocolat et autres friandises sont cachés dans les jardins le matin de Pâques, déposés par les cloches de retour de Rome (dit-on dans la plupart des régions de France) ou par un mystérieux lièvre (en Alsace et dans une partie de la Lorraine, comme dans les pays germaniques et anglo-saxons).

Les cloches de Pâques

Au moment de Pâques, les cloches jouent encore aujourd’hui un rôle important dans toute la France. Après l’hymne du Gloria de la messe du jeudi saint, veille de la mort de Jésus-Christ sur la croix, les cloches se taisent en signe de deuil jusqu’au Gloria de la veillée pascale. Selon la tradition on dit qu’elles vont à Rome pour se faire bénir et chercher des œufs qu’elles répandent au retour dans les jardins. Le folkloriste Arnold Van Gennep pense que cette croyance serait apparue à la fin du XIIème siècle, avec l’interdiction venant de Rome de faire sonner alors des cloches de métal

Le lapin parmi les traditions de Pâques les plus connus
Si ce sont les cloches qui apportent les chocolats pour certains, pour d’autres ce sont les lièvres !

Dans les pays d’Europe de l’Est, ou même plus près de chez nous dans l’Est de la France, c’est le lapin de Pâques qui dépose œufs et autres friandises dans les jardins.

Le lapin est également un symbole de fécondité et de vie.

(From: Internet)

Chúa Sống Lại

 

Sau ba ngày, Chúa sống lai
Thăng thiên về trời
Loài người mừng rỡ vang lời
Bình minh rực sáng đất trời nở hoa
Đất lành nổi dậy hoan ca
Không còn sợ chết gần xa vui mừng
Tin Chúa sống lại vang lừng
Hoa trời nở rộ tưng bừng núi non
Đồng xanh, biển cả, mây ngàn
Bình minh trẩy hội Tây phương dẫn đường
Giàu sang soi sáng muôn phương
Cả thế gian hồ hởi vui mừng
Cổng trời đã mở ,Thiên đàn hân hoan,
Tự do hạnh phúc, hy vọng ngập tràn
Ma vương, quỷ dữ kiếm đường chạy xa.
Bồng lai Tiên cảnh ở ngay lòng ta
Trời Tây soi sáng chói lòa khắp nơi
Đây tia nắng Mới, ân phúc từ trời

Tô Đình Đài

Chúa Có Công Bằng Không? - Nhạc Và Lời Tô Quốc Thắng - Tiếng Hát Nguyễn Tiến Dũng


Nhạc Và Lời: Tô Quốc Thắng 
Tiếng Hát: Nguyễn Tiến Dũng 

Lễ Phục Sinh



Theo mùa chay tịnh giữa dòng sinh
Lắng đọng bên đời chuyện nhục vinh
Rọi thiện phúc âm lần thánh dấu
Soi hiền sạch tội nhẩm tràng kinh
Giá đinh nén chịu nhừ thân kiếp
Thập tự can tâm nát thịt mình
Lễ lớn Giáo đường ngày chủ nhật
Vui mừng nguyện ước Chúa hồi sinh

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 4/ 9/2023


Mừng Lễ Phục Sinh

 

Giáo đường đón Lễ Chúa hồi sinh
Thánh giá dang tay chịu đóng đinh
Cứu chuộc thế gian đây khổ nhục
Xót thương nhân loại đó quang vinh
Con chiên ngoan đạo bao nhiêu nghĩa
Đức Chúa xứng danh biết mấy tình
Bác ái tôn thờ chuông tháp vọng
Yêu thương Christ Đấng lai sinh…


Mai Xuân Thanh
EASTER, 04/09/2023

Trở Lại

  

       Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào).

Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học. Tuy nhiên đằng sau khuôn mặt nghiêm trang ấy là một con người hiền hòa, từ tâm, đầy lòng bác ái, thể hiện trong sự việc, ngoài săn sóc mẹ già, nuôi nấng đứa con trai duy nhất, Dì còn nhận trách nhiệm nuôi ăn ở trong nhà 4 cô cháu gái đang tuổi học trò, là con của em trai mình. Và trong suốt thời gian 2 gia đình ở cạnh nhau, tôi chưa từng nghe Dì lớn tiếng la rầy các cháu mình. 5 năm sau, gia đình Măng tôi dời qua lầu Ba đối diện.

Trần Như Ái là tên con trai của Dì, nhưng tôi thường quen miệng gọi Bé, tên cúng cơm, nhỏ hơn tôi khoảng 4 tuổi. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình 2 bên gần giống nhau – 2 bà mẹ ở góa nuôi con – và nhất là vì hiện tượng mất cha của 2 chúng tôi – cha của Bé mất khi Bé được chừng 5 tháng tuổi, cha tôi mất khi tôi còn là thai nhi 4 tháng trong bụng mẹ - nên Bé và tôi trở nên đôi bạn thân theo thời gian. Bé kêu mẹ mình bằng ME, trong khi tôi gọi mẹ mình lại bằng MĂNG.Tôi vẫn giữ hình ảnh Dì Hoàn và Bà Ngoại của Bé, cả hai trong áo lam, ngồi tụng kinh trước bàn Phật trong một góc cuối phòng, trong vài lần rón rén vào nói chuyện với Bé trước khi ngủ tối.  Đặc biệt nhất âm thanh quen thuộc, đều đặn nhẹ nhàng, boong boong, boong, cốc cốc cốc; boong cốc boong cốc, cốc cốc cốc…. của tiếng tụng kinh gõ mõ của Bà Ngoại và Me của Bé ru giấc ngủ bình an cho tôi hằng mỗi đêm và thanh thoát nhẹ nhàng đánh thức tôi dậy mỗi sáng sớm. Theo với tiếng gõ mõ tụng kinh là mùi hương thoáng tỏa nhẹ trong không gian lầu Ba. Năm này qua năm khác. Ngoại trừ những ngày làm việc trong tuần, Dì Hoàn thường mặc áo dài lam đi lễ chùa khá thường xuyên. Dì là hình ảnh một Phật Tử thuần chính dưới mắt mọi người.

Sau Mậu Thân 1968, Dì Hoàn đưa mẹ của Dì vào sống tại Saigon. Bé được du học tại Australia năm 1969 sau kết quả đậu Bình về ban Toán. Do phận đời trôi nổi và cuộc sống bươn bả, chúng tôi mất liên lạc một thời gian khá dài, trên cả 4 thập niên, chỉ gián tiếp biết tin tức của nhau. Cho mãi đến hè năm 2018, vợ chồng Bé & Hương (cả hai đều du học trong cùng thời gian) đến chơi Cali chúng tôi mới gặp lại nhau. Trong một lần đến biển Montage, Bé và tôi có dịp ôm vai nhau đi dạo, nói chuyện đời, và lắng nghe tâm sự của Bé về Me của mình. Những điều nghe được làm tôi quá ngạc nhiên, vì qua lời tâm sư tôi nhìn thấy được ánh sáng mang Tin Mừng của Chúa Thánh Thần đã đổ xuống cho Dì Hoàn. Những lời Bé nói vẫn còn văng vẳng trong tôi: 

“Lúc Bé còn nhỏ, thấy Me quen nhiều với Mẹ Bề Trên và mấy Soeurs trong Dòng Kín Carmelites và trong những dòng nữ tu khác, và mấy Mẹ Bề Trên và mấy Soeurs cũng rất thân tình với Me. Me tâm sự với Bé là đã quen nhau từ thời còn đi học trường Tây và Me cũng cảm thấy rất thân tình và mến Đạo. Nhưng vì Bà Ngoại còn sống nên Me không hề dám nghĩ đến chuyện theo Đạo. Tánh Me hiền, ăn chay, đi Chùa thường xuyên, được Thầy Từ Ân hướng dẫn. Rồi biến cố Phật Giáo năm 1963 Me nguyện ăn chay trường cầu mong mọi sự bình yên sẽ đến. Bé nghĩ Me có phần nào bị giằng co giữa 2 tôn giáo và chỉ mong mọi người sống yên lành với nhau. Bé nghĩ cũng vì nguyện ý như vậy nên lúc sanh thời Dì Tiếp và Dì Chương rất thương Me (Dì Tiếp là Măng tôi, Dì Chương là mẹ của anh Nguyễn Xuân Đặng. Cả hai gia đình đều là công giáo và cùng sống trong khuôn viên trường Đồng Khánh). Khi Bé khoảng 4 tới 6 tuổi, rất nhiều lần Me dẫn bé đến thăm Mẹ Bề Trên và các Soeurs tại Dòng Kín Carmelites ở Kim Long. Sau đó tại Bé lớn hơn nên không được phép vào bên trong nữa mà chỉ còn một mình Me được cho vào thôi. Bé vẫn còn nhớ cảnh khuôn viên nhà dòng rất trang nhã với nhiều vườn hoa. Me còn đan nhiều áo ấm con nít rất đẹp để bán gây quỹ cho nhà dòng. Mấy Soeur rất hiền và dễ thương…”

(Hình kỷ niệm sau lễ Rửa Tội (Từ trái sang phải): vợ chồng em trai của Dì Hoàn, Soeur Joseph, mẹ đỡ đầu – Dì Hoàn, mẹ của Bé – linh mục chủ lễ Rửa Tội, Soeur Gabriel và Soeur Sen)

          Phải chờ đến khi Bà Ngoại của Bé mất năm 1977, Dì Hoàn bắt đầu tìm hiểu lại đạo Công Giáo, gắn bó từ từ với tinh thần Công Giáo qua sự hội nhập với cộng đồng Dòng Đức Bà tại Saigon. Khi tôi hỏi Bé có biến cố nào thúc đầy Me của Bé chính thức rửa tội và trở thành con của Chúa, không một do dự, Bé kể tiếp như sau:

“Bấy giờ chị Xi đang kiếm đường vượt biên, nên Me của Bé phát nguyện là một khi chị Xi bình an đến bến bờ tự do, là Me rửa tội theo Chúa - Chị Xi là tên ở nhà của Vương Thúy Loan, con gái út của OB Vương Quan, cũng ở trong Xóm Đồng Khánh với chúng tôi, và là chị em bạn dì với Bé vì 2 Dì Quan và Dì Hoàn là chị em ruột. Sau khi tốt nghiệp Sư Phạm và Cử Nhân Anh Văn từ ĐH Huế năm 1970, Vương Thúy Loan dạy Anh Văn tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, cho đến 1975. Do một cơ duyên tâm linh, Thúy Loan là người duy nhất trong đại gia đình quyết định rửa tội thành người Công Giáo trước khi tốt nghiệp Đại Học. Và có lẽ Dì Hoàn là người nhiệt lòng ủng hộ quyết định cá nhân này.

Quả đúng như vậy, sự cầu nguyện thành khẩn của Me phải linh thiêng như thế nào nên sau đó chị Xi đã vượt biên thành công. Đúng vào ngày 30 tháng 4, 1984, chị Xi đến được đảo Kuku, một hòn đảo nhỏ nằm trong hơn 17 ngàn đảo của nước Nam Dương. Thật là mỉa mai và trớ trêu khi nhóm vượt biên của chị Xi đến bến Tự Do đúng vào ngày Cộng Sản trong nước ăn mừng giải phóng. Ngay sau khi nhận được tin lành, Me của Bé lập tức liên lạc với Mẹ Bề Trên và Soeurs thuộc Dòng Đức Bà tại cơ sở Regina Mundi, thành khẩn xin học khóa giáo lý một cách cẩn trọng trước khi được cha và các soeurs chấp nhận, thực hiện các phép bí tích, rửa tội, cho Me trở lại Công Giáo vào một ngày gần cuối tháng 5, 1984”

Hình bên trái: Dì Hoàn nhận phép Bí Tích Thêm Sức
Hình bên Phải: Dì Hoàn nhận phép Bí Tích Rửa Tội

Trở lại có nghĩa là quay về lại nơi bắt đầu. Trở về với nguyên thủy. Như thể, trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, trở lại với gia đình. Trở lại với niềm tin, trở lại với sự mơ ước. Như thể “con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai, tình yêu chiếu ánh sáng vào đời, tôi hy vọng được ơn cứu rỗi”. Hơn nửa, phải chăng trở lại mang thêm một ý nghĩa cao quý hơn, một thăng hoa tiến về cái đẹp cái tốt vì chẳng ai muốn trở lại với cuộc sống đen tối, hay trở lại với cái xấu xa của quá khứ.  

Vì vậy sự trở lại luôn mang theo một nguyện ước nguyên thủy của mình, đó là tìm về một ước vọng, hướng về một ý niệm thầm kín khắc sâu trong tâm khảm nhưng chưa thể thực hiện được, vì ảnh hưởng văn hóa, những ràng buộc xã hội, những ép đặc chính kiến, tôn giáo, những trăn trở dấu kín, hay đơn giản vì một chữ Hiếu - như trường hợp của Dì Hoàn – cho đến khi đúng lúc, đúng thì tự nhiên trở thành hiện thực.

If today you hear his voice, harden not your hearts
“Hãy mềm lòng khi con nghe tiếng gọi của Người”

Không cần phải khấn trọn, Dì Hoàn sống một cuộc đời thánh thiện, đơn giản, trong một căn phòng nhỏ với các trang thiết bị cho tiện nghi cá nhân, nằm trong khuôn viên trường Regina Mundi, nay là trường Hồng Gấm. Bé cho biết “Bé & Hương về Việt Nam thăm Me từ năm 1994. Mỗi ngày có một bà đến trông nom từ 9 giờ sáng đến 5 giờ tối. Mỗi ngày Me đi lễ 2 lần sáng tối. Khi già hơn thì được đặc ân của nhà thờ có một dây chuông, ban đêm hữu sự kéo dây thì sẽ có người đến thăm hỏi. Một năm trước khi Me mất, mỗi sáng thức dậy sớm, Me đọc kinh tại phòng, được Cha cho người đem bánh thánh tới phòng để nhận hưởng. Lần cuối cùng Bé & Hương về thăm Me vào năm 2001.


(Hình 2 mẹ con năm 2001)

Me của Bé mất vào tháng 10 năm 2004, hưởng thọ 90 tuổi. Sáng đó, sau khi xem lễ và nhận hưởng bánh thánh, được người giúp việc đút ăn một muỗng cháo, đỡ nằm xuống gối và nhắm mắt lìa đời bình thản. Xác Me được đốt và hủ tro được đặc ân để trong hộc kính ở trên tường phía sau phòng cầu nguyện Hồng Gấm, nơi Cha đến làm lễ mỗi sáng”. Về sau vì nhu cầu mở rộng của nhà Dòng, nên một người cháu gái của Dì đưa hủ tro của Dì Hoàn về nhà thờ Thủ Đức để tiện thăm viếng.

Sống lành, chết lành. Sau đúng 20 năm trở lại đạo Công Giáo, Giuse Maria Trần Thị Như Hoàn, cựu giám thị trường Đồng Khánh, và là Dì Hoàn của Xóm Đồng Khánh chúng tôi - đã được an nghỉ nghìn thu trong vòng tay yêu thương của Chúa.

REQUIESTCAT IN PACE

Vĩnh Chánh

Mùa Phục Sinh 2023

PS: Anh Trần Như Ái hiện đang ở tại Canberra, Australia cùng với vợ, con và cháu - từ ngày anh ra đi du học năm 1969.
Chị Vương Thị Thúy Loan, cựu học sinh ĐK, định cư tại Houston, Texas, từ sau chuyến vượt biên thành công và đến bến bờ tự do vào đúng ngày 30 tháng 4, 1984.

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Nhìn Lên Thập Giá - Bosco Thiện-Bản - Ca Sĩ Cao-Duy


Bosco Thiện Bản
Ca Sĩ Cao Duy

Giuse Người Công Chính - Sáng Tác Tống Viết Minh

 


 

Nặng Mùi Rồi


 
Không sai quả thật nặng mùi rồi
Cứ nghĩ cảnh này hết chữa thôi
Chúa đã mở tay ban sự sống
Ngài còn làm phép giúp cho hồi
Ôi lòng quảng đại chi vô tận!
Ôi đức từ bi thật tuyệt vời!
Xin tạ ơn Ngài trong mọi lúc
Và mong tha thứ, Chúa Trời ơi! …

Tất cả vinh quang được tỏ bày
Chẳng chi không thể với Ngài nay
Từ cần tín thác nơi Thiên Chúa
Tới phải cậy trông ở Đức Thầy
Mọi sự sẽ thành như ước đấy
Trăm điều nên tốt thể mong thay
Tri ân Ba Đấng đầy thương xót
Đã cứu chúng sinh thoát đọa đày.


Thái Huy 
Mar/26/23

Hoa Đào Lỗi Hẹn *


Hoa đào lỗi hẹn đã bao lần
Chẳng đợi tình si thưởng ngoạn xuân
Lúc nở sớm gieo sầu mặc khách
Khi tàn nhanh gợi tiếc tao nhân
Cứ như dũng tướng thường vong mệnh
Nào khác hồng nhan vẫn bạc phần
Chợt đến chợt đi không giã biệt
Mong manh tựa một giải phù vân


Hình Ảnh & Thơ: Nhất Hùng
*Hằng năm, hoa Đào vẫn thường nở vào cuối tháng 4
Năm nay nóng sớm nên Đào đã mãn khai vào gần cuối tháng 3

Giọt Nắng Lung Linh



Em về giọt nắng lung linh,
Còn đâu một bóng gợi tình riêng ta,
Ta nghe hồn ngỡ chia xa,
Lung linh bóng xế chiều tà bên hiên,
Em về giấc ngủ bình yên,
Ngủ say quên hết ưu phiền đêm nay,
Nắng chia giấc ngủ làm hai,
Em say, ta thức có hay hỡi nàng,
Cầu trời giấc ngủ miên man,
Cho em giọt nắng an nhàn say sưa.


Việt Hải, 
Los Angeles

Nếu Tình Cờ Gặp Lại

 

Đã bao nhiêu năm rồi
Dòng đời vẫn lặng trôi
Mây bay không trở lại
Mây mang theo dáng người

Đã bao nhiêu mùa hạ
Mùa mưa lá buồn chưa
Mưa rơi trên xứ lạ
Mưa có như ngày xưa?

Đã bao nhiêu khuôn mặt
Vô tình qua đời nhau
Có khi không hẹn gặp
Sao nhớ mãi hôm nào

Đã bao nhiêu ngày trôi
Lòng buồn như con nước
Một đời còn xuôi ngược
Giữa hai bờ chia đôi

Đã bao nhiêu năm rồi
Thầm gọi cố nhân ơi...
Nếu tình cờ gặp lại
Chắc vẫn hai cuộc đời..?

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long


Ngu Mỹ Nhân 虞美人 - Thư Đàn


Thư Đàn đỗ tiến sĩ đời vua Tống Anh Tông宋英宗, ủng hộ Vương An Thạch 王安石thi hành “Tân pháp”. Ông đã từng hợp với Lý Định 李定hạch tội Tô Thức 蘇軾trong vụ án gọi là “Ô đài thi án烏台詩案”. Ngày nay còn lưu truyền một quyển “Thư Học Sĩ Từ舒學士詞” gồm 50 bài.

虞美人 - 舒亶 Ngu Mỹ Nhân – Thư Đàn

(寄公度)Ký Công Độ

芙蓉落盡天涵水。 Phù dung lạc tận thiên hàm thủy.
日暮滄波起。 Nhật mộ thương ba khởi.
背飛雙燕貼雲寒。 Bối phi song yến thiếp vân hàn.
獨向小樓東畔、倚闌看。 Độc hướng tiểu lâu đông bạn, ỷ lan khan.

浮生只合尊前老。 Phù sinh chỉ hợp tôn tiền lão.
雪滿長安道。 Tuyết mãn Trường An đạo.
故人早晚上高臺。 Cố nhân tảo vãn thướng cao đài.
贈我江南春色、一枝梅。 Tặng ngã Giang Nam xuân sắc, nhất chi mai.

Chú Thích:

1- Ngu mỹ nhân 虞美人: tên từ bài, tên khác là “Nhất giang xuân thủy一江春水”, “Ngọc hồ thủy玉壶”, “Vu sơn thập nhị phong 巫山十二峰”. Bài này có 56 chữ, chia làm 2 đoạn, trắc và bình vận luân phiên. Cách luật:

X B X T B B T vận
X T B B T vận
X B X T T B B đổi B vận
X T X B B T T B B vận

X B X T B B T đổi T vận
X T B B T vận
X B X T T B B đổi B vận
X T X B B T T B B vận

X: bất luận, B: bình thanh; T: trắc thanh.

2- Công Độ 公度: bạn của tác giả.
3- Phù dung 芙蓉: hoa sen.
4- Hàm 涵: bao hàm.
5- Thương ba 滄波: sóng xanh lục nhạt.
6- Bối phi song yến 背飛雙燕: đôi chim yến bay hai hướng ngược nhau, ám chỉ bằng hữu chia tay.
7- Thiếp 貼: sát với.
8- Đông bạn東畔 = đông biên東邊: mé phía đông.
9- Lan 闌: lan can.
10- Phù sinh 浮生: sống trôi nổi ví với đời người vì cuộc sống bất định.
11- Hợp 合: nên, phải.
12- Tôn尊 = tôn 樽: chén uống rượu.
13- Tảo vãn早晚: sớm và tối, ý nói nhiều lần.
14- Thượng cao đài 上高臺: lên đài cao trông ngóng, tưởng nhớ bạn.
15- Tặng ngã Giang nam xuân sắc, nhất chi mai 贈我江南春色、一枝梅: mượn ý bài thơ của Lục Khải 陸凱 làm để tặng Phạm Diệp 范曄, chứng tỏ tình bạn thắm thiết:

“折梅逢驛使,Chiết mai phùng dịch sứ, bẻ mai gặp người đưa thư,
“寄與隴頭人。Ký dữ Lũng đầu nhân. Gửi cho người ở Lũng đầu.
“江南無所有,Giang nam vô sở hữu, Giang Nam không có gì cả,
“聊贈一枝春。Liêu tặng nhất chi xuân. Hãy tặng một cành xuân”.

Dịch Nghĩa

Ghi chú của tác giả: Thư gửi Công Độ

Hoa phù dung đã rụng hết, trời như ngậm nước.
Buổi chiều sóng xanh nổi lên,
Hai con chim én quay lưng đối nhau bay sát mây lạnh lẽo.
Một mình đi về hướng phía đông căn lầu nhỏ, dựa lan can ngắm cảnh.

Kiếp phù sinh (phiền não) nên phải uống rượu mà già đi.
Tuyết rơi đầy thành Trường An.
Bạn tôi hết sáng lại tối lên đài cao (nhớ đến tôi).
Gửi tặng tôi 1 cành hoa mai đại biểu cái đẹp mùa xuân của đất Giang Nam.

Phỏng Dịch

1 Ngu Mỹ Nhân - Gửi Bạn

Hoa sen tàn tạ trời ôm nước
Ngày tối sóng xanh lướt.
Đối lưng chim yến sát mây ngàn.
Lầu nhỏ đông biên đơn chiếc, dựa lan can.

Nâng ly già cỗi, phù sinh kiếp,
Khắp phố Trường An tuyết.
Bạn xưa sớm tối lên cao đài,
Gửi tặng Giang Nam xuân thắm, một cành mai.

2 Gửi Bạn

Hoa sen tàn tạ nước mây trời,
Chiều đến sông xanh sóng lả lơi.
Đôi yến kề lưng mây lạnh lẽo,
Lan can lầu nhỏ dựa đơn côi.

Nâng ly già cỗi phù sinh kiếp,
Khắp chốn Trường An đường phủ tuyết.
Cố nhân ngày, tối lên đài cao,
Gửi tặng cành mai xuân thắm thiết.

HHD 
4-30-2021
***
Ngu Mỹ Nhân – Thư Đàn

1-

Hoa sen rụng tất, trời nước đọng
Ngày tàn sông nổi sóng
Đôi yến quay lưng sát mây ngàn
Mình hướng mé đông lầu nhỏ, dựa lan can

Đời phiền uống rượu mau già cỗi
Tuyết ngập Trường An lối
Người xưa sớm tối bước lên đài
Gởi mỗ Giang Nam xuân thắm-một cành mai!

2-

Sen hồng tàn, trời cao sũng nước
Chiều tàn buông, sóng vượt vô vàn
Đâu lưng đôi yến mây ngàn
Về đông lầu nhỏ dựa lan ngắm nhìn

Đời phiền não rượu vin già cỗi
Tuyết Trường An, ngập lối trong ngoài
Người xưa sớm tối lên đài
Giang Nam gởi mỗ cành mai xuân tình!

Lộc Bắc
Mars23

Hành Lý Trở Về

 

Khi cu Tí đã ngủ yên trong gối chăn. Tôi mở cửa ra đứng bên lan can nhìn quanh khu phố bình dân, những ngôi nhà bằng gỗ cũ kỹ đang đắm chìm trong mưa tuyết..

Tôi tưởng cả dãy apartment này cũng đang ngủ như những căn nhà đối diện kia, vậy mà Phái đã đến bên tôi:
- Hiền chưa ngủ à?
- Cả anh nữa, anh cũng chưa ngủ à?
- Tuyết rơi nhiều qúa nên tôi ra ngoài xem sao, thấy Hiền đứng đây.
- Vâng, tự nhiên tôi thích nhìn tuyết rơi trong đêm…dù chỉ nhìn vài phút thôi.
- Vậy Hiền cho phép tôi đứng với Hiền vài phút này nhé?

Tôi không nhận mà cũng chẳng chối từ, bâng khuâng nhìn màn tuyết trắng bay nghiêng, lung linh và mờ ảo trong ánh đèn đường vàng nhạt.

Bất ngờ Phái nắm lấy bàn tay tôi, giọng anh run run:

- Hiền, tôi chưa bao giờ có cơ hội đứng với Hiền trong một đêm mưa tuyết đẹp như thế này. Tôi muốn nói với Hiền rằng tôi đã…yêu Hiền.
Tôi rút vội tay về và vụng về chẳng kém gì anh:
- Cám ơn anh Phái, nhưng…nhưng… Hiền… chưa nghĩ đến.
- Tôi chỉ cần Hiền hiểu và tôi sẵn sàng chờ đợi Hiền. Thôi, Hiền vào nhà đi kẻo lạnh.
- Chúc anh Phái ngủ ngon.

Tôi bước vào nhà, cảm tưởng như có ánh mắt anh nhìn theo che chở cho đến khi cánh cửa khép lại, để một mình anh đứng đó bao lâu nữa, tôi không biết.

Giấc ngủ vẫn chưa đến, tôi trăn trở nghĩ đến anh. Chẳng cần anh phải nắm tay tôi tỏ tình thì điều này tôi cũng biết từ lâu rồi, hơn một năm nay rồi và vài hàng xóm người Việt Nam trong khu apartment này cũng biết thế, với những gì anh đã cư xử, chăm sóc hai mẹ con tôi.

Tôi làm ca sáng, anh làm ca chiều, trưa nào anh cũng đón con tôi về học, cho nó ăn, nó ngủ, chờ tôi đi làm về. Anh thường chơi đùa với thằng cu Tí và dắt nó đi cùng xuống phố, khi thì đi đổ xăng, khi thì anh hớt tóc, cu Tí cũng được hớt tóc, khi thì vào Wal- Mart mua những thứ mà cu Tí thích. Cu Tí yêu mến và quấn quýt anh. Tôi bảo anh đừng chiều nó qúa, anh mỉm cười hiền lành và giải thích là anh yêu trẻ con, có Cu Tí nên cuộc sống độc thân của anh đỡ buồn.

Anh hiền lành và tử tế thế làm sao mà tôi không cảm động và ấp ủ tình cảm cho anh..

Chị Kim, người hàng xóm chơi thân với tôi và anh Phái luôn vun vào:
- Chị tìm đâu ra một người đàn ông chân tình như anh Phái? Anh ấy yêu chị và yêu thằng cu Tí như con. Chị thì mẹ góa con côi, người ta độc thân chưa lập gia đình lần nào.

Tôi cũng nghĩ đến chuyện sẽ lấy anh, nếu như cách đây mấy tháng không có một chuyện quan trọng làm tôi đắn đo suy tính. Một bác hàng xóm cũ của cha mẹ tôi hồi còn ở Việt Nam, nay đang sống ở Houston, Texas, đã làm mai tôi cho một người quen của họ. Ông ấy hơn tôi mười mấy tuổi, góa vợ, có sẵn nhà cửa và đang làm chủ một nhà hàng đông khách. Bác hàng xóm cũ đã vẽ cho tôi cảnh phồn hoa đô thị, thành phố lớn sẽ là môi trường tốt cho con tôi ăn học. Bác thuyết phục tôi và đưa mẹ con tôi thăm Houston, Tôi tò mò thành phố lạ và tò mò cả người đàn ông có thể sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi. Thế là hai mẹ con tôi đã đến Houston vào mùa Thu vừa qua.

Ông Hòa và tôi gặp nhau, ông có vẻ ưng ý tôi ngay khi gặp mặt, ông cần một phụ nữ hiền lành chăm chỉ để cùng ông chung sống và chăm sóc cơ ngơi. Tôi chóang váng khi thấy căn nhà to đẹp và khu nhà hàng sang trọng lúc nào cũng tấp nập khách vào ra của ông.

Vợ ông mất, hai đứa con đã trưởng thành, sống ở nơi khác vì công việc, chỉ một mình ông tất bật với nhà hàng.

Sau lần gặp mặt đó ông Hòa và tôi thường trò chuyện qua điện thọai để tìm hiểu nhau thêm trước khi quyết định sống chung.

Tôi, một cô gái tỉnh lẻ ở Việt Nam, được cưới sang Mỹ, an phận nơi phố nhỏ chồng tôi sinh sống. Hạnh phúc ngắn ngủi, khi cu Tí được 3 tuổi thì chồng tôi mất vì một cơn bạo bệnh. Tôi và người chồng xấu số đều không có thân nhân nào ở Mỹ nên tôi vẫn bám lấy phố nhỏ này vì quen bạn bè, quen chỗ làm và chỗ ở. Nếu không có bác hàng xóm thì tôi cũng chả có cơ hội đến Houston để thấy cuộc đời còn bao la trước mặt..

Ông Hòa hẹn hết mùa Đông sẽ đến đón mẹ con tôi về Houston,

***

Sáng thức dậy tuyết đã ngừng rơi từ lúc nào, cả đường phố đâu đâu cũng có tuyết trắng. Mặc thêm áo ấm cho cu Tí rồi hai mẹ con tôi lao ra phố, đánh thức cái lạnh mùa Đông bằng nhịp sống của mình như mọi người.
Ra tới ngoài sân thì chiếc xe của tôi đã được cào tuyết sạch sẽ, bên cạnh những xe hàng xóm còn phủ đầy tuyết.

Tôi ngước nhìn lên tầng lầu, căn phòng của anh đóng cửa, nhưng còn ai vào đây khác đã làm công việc này cho tôi ngoài anh? Chẳng biết đêm qua anh đi ngủ lúc nào? Và sáng nay anh dậy sớm lúc nào? Anh như người trong thần thoại, luôn đỡ tay đỡ chân cho tôi những lúc cần thiết như thế này. Suốt mùa Đông năm trước, tôi có lần nào phải cào tuyết trên xe đâu.

Bỗng dưng tôi đứng trước ngã ba đường, một con đường về phía anh và một con đường về phía ông Hòa. Vật chất phù hoa cũng làm tôi rạo rực như tình cảm của anh dành cho tôi. Tôi chỉ băn khoăn không biết ông Hòa có yêu thương Cu Tí như anh đã yêu thương nó không?. Lần gặp ông Hòa ở Houston, ông không hề quan tâm tới thằng Cu Tí, ông chỉ ngắm nhìn tôi và khoe chuyện làm ăn của ông.. Mà thôi, mới gặp gỡ lần đầu tiên thì làm sao ông Hòa có cảm tình với cu Tí ngay được? Nếu ông yêu tôi, thì ông cũng sẽ yêu con tôi, giống như anh Phái. Tôi nghĩ thế.
………

Mùa Đông dường như đã qua đi. Ông Hòa đúng lời hứa hẹn sẽ đến đón mẹ con tôi vào tuần tới. Tôi làm một quyết định quan trọng là xin nghỉ việc và làm thủ tục trả căn phòng cho chủ. Khi tôi gặp chị Kim để thông báo chuyện này thì chị sửng sốt:

- Chị đi thật sao? Chị bỏ anh Phái thật sao?
Tôi hơi ngượng ngùng:
- Tôi đã hứa hẹn gì với anh ấy đâu?
- Nhưng anh Phái yêu chị như thế nào chị biết rồi đấy. Tội cho anh ấy qúa!
Tôi ngậm ngùi:
- Tôi cũng buồn lắm chị Kim ạ, nhất là phải chia lìa người mà thằng cu Tí yêu mến.

Cái điều làm tôi ái ngại nhất là phải đối diện anh để nói lời chia tay. Nhưng chắc chị Kim đã nhanh nhẩu báo cho anh biết rồi nên khi mẹ con tôi sang nhà anh, thấy anh rất trầm tĩnh, dù trên nét mặt không dấu được nỗi buồn:
- Chúc mẹ con Hiền đi bình an. Hãy quên những gì tôi đã nói trong đêm mưa tuyết ấy đi.

Tôi nói lời xã giao nhạt nhẽo:
- Khi nào anh Phái có tin vui, lập gia đình, nhớ báo cho mẹ con Hiền mừng với.

Anh ôm cu Tí vào lòng hôn lên mái tóc nó, không nói nên lời. Hình như đôi mắt anh rưng rưng.

Còn thằng cu Tí, tôi phải kéo tay nó về nhà và giải thích dỗ dành đủ điều nó mới tin rằng chuyến đi xa của chúng tôi sẽ làm nó vui thú và hứa hẹn một ngày nào đó chúng tôi sẽ về đây thăm bác Phái của nó.

Ông Hòa không đến đón mẹ con tôi bằng máy bay cho nhanh chóng như tôi nghĩ mà bằng xe do chính ông lái. Từ thành phố nhỏ của tiểu bang Kansas về Houston mất chừng 6 giờ lái xe, ông giải thích không qúa xa để phải đi máy bay, thời buổi này vào ra phi trường tốn nhiều thì giờ và tốn tiền.

Tôi hớn hở chất va ly lên xe, hành lý của tôi là giấc mơ đổi đời chứ không phải đơn giản chỉ hai cái va ly này. Ra tiễn tôi tận xe chỉ có chị Kim, chị buồn thiu không biết vì sắp phải chia tay tôi hay vì thương cảm cho anh? Còn Phái, có lẽ giờ này anh đang ngồi trong căn phòng độc thân trống trải với nỗi thất vọng vì một lúc mất đi hai người mà anh thương mến. Chốc nữa anh ra cửa, nhìn sang bên nhà tôi chắc sẽ nhớ thằng cu Tí?. Ngày mai anh đi ra phố hớt tóc hay đi đổ xăng sẽ không có cu Tí đi cùng và những ngày sắp tới anh sẽ yêu ai?

Tôi giơ tay chào chị Kim và nhìn dãy apartment lần cuối khi chiếc xe từ từ lăn bánh, dãy apartment đã lùi xa và khuất lấp. Xe ra khỏi thành phố, không còn nhìn thấy hình ảnh quen thuộc nữa làm cu Tí oà khóc kêu lên:

- Mẹ ơi, con muốn về nhà mình.
Tôi vuốt tóc nó an ủi:
- Mình đang về nhà khác đẹp lắm, sẽ có nhiều thứ cho con chơi, nhé!
Thằng bé bướng bỉnh:
- Không, con muốn về với bác Phái, con muốn chơi với bác Phái cơ.
Trời ơi, thì ra thằng cu Tí cũng đang quặn đau như tôi, đâu dễ gì chỉ một chuyến đi xa là người ta quên ngay được những hình ảnh đã từng quen thuộc.
Ông Hòa đang lái xe, nãy giờ vẫn im lặng, bỗng quay lại cau mày, gắt gỏng:
- Em có dỗ con em thôi gào khóc được không? Nó làm anh điếc cả tai!

Lần đầu tiên có một người đàn ông, không phải là cha nó, đã gắt gỏng với nó trước mặt tôi. Tim tôi như vừa chạm vào chiếc gai nhọn đau đớn. Ông Hòa lại tiếp tục càu nhàu:
- Em phải biết dạy con em, không đươc chiều nó qúa.
Tôi yếu ớt và mủi lòng lên tiếng bênh vực cho con:
- Nó trẻ con rồi sẽ quên ngay ấy mà.

Cu Tí linh cảm ngay người đàn ông xa lạ này không chút gì cảm tình với nó, thằng bé nín khóc, tựa vào người tôi và len lén nhìn ông Hòa với vẻ sợ sệt. Tội nghiệp con tôi, quen được anh chiều chuộng nâng niu yêu qúy, vậy mà trên chuyến xe chia lìa nó với bao kỷ niệm cũ, đã làm nó tổn thương, lại càng tổn thương hơn vì những ánh mắt lạnh lùng và những lời cáu gắt của người đàn ông mà tôi đã lựa chọn.

Tôi nhẫn nhịn không dám mở miệng. Ông Hòa chưa nguôi, quay nhìn cu Tí với nét mặt khó chịu:
- Sau này nó mà bướng bỉnh để anh trị nó đâu ra đấy ngay.

Cu Tí sợ quá lại khóc òa làm tôi đau lòng không nhịn nổi nữa, tôi đã đọc thấy trong ánh mắt, trong cử chỉ và lời nói của ông Hòa không chút nào tình thân dành cho cu Tí. Tôi hét lên:
- Không, tôi không muốn đi đâu nữa. Anh quay xe lại cho tôi về phố nhỏ, về dãy apartment nơi căn phòng cũ ngay đi.
Ông ta chưng hửng nhìn tôi và lạnh lùng đến tàn nhẫn:
- Nãy giờ đi được 1 tiếng rồi tôi không có thì giờ lái xe quay lại, sắp đến rest area kia, nếu cô muốn thì xuống đấy nhé.

Ông ta không hề đe dọa, quẹo xe vào rest area ông bảo mẹ con tôi xuống xe trong khi ông thẳng tay thô lỗ lôi 2 chiếc valy của tôi để xuống lề đường. Ông nhếch mép cười:
- Đây là quyết định của cô, đừng trách tôi.

Không thèm đợi tôi phản ứng hay nói năng câu nào ông Hòa lên xe đi luôn mặc hai mẹ con tôi đứng bơ vơ giữa chốn xa lạ này.

Tôi kéo lê lết hai chiếc valy vào trong kiếm chỗ ngồi, tủi thân nước mắt tuôn rơi như mưa, giá mà ông ta lên tiếng dịu ngọt năn nỉ có thể tôi sẽ mềm lòng nguôi giận và chuyến đi vẫn tiếp tục đến Houston. Chưa bao giờ tôi bị chà đạp và tổn thương như thế này. Nhìn cu Tí đang lo sợ tôi vội lau nước mắt cố gắng mỉm cười trấn an con:
- Chúng ta sẽ trở về nhà.

Ngay lúc này trong đầu tôi vẽ ra 2 kế hoạch, gọi phôn cho Phái, nếu anh không đến tôi sẽ gọi cảnh sát 911 nhờ họ giúp đỡ kêu giùm tôi chiếc Taxi để mẹ con tôi trở về nơi chốn cũ.

Tôi bấm số phone của Phái, tôi biết hôm nay anh nghỉ ở nhà vì còn lòng dạ nào mà đi làm. Khi anh mở phôn, tôi nói với anh là chúng tôi đang ở rest area cách phố nhỏ 1 tiếng, xe ông Hòa bị hư cần anh đến giúp đỡ. Phái giỏi sửa xe, mỗi khi xe tôi trục trặc lặt vặt gì đều nhờ đến anh. Anh lịch sự và tử tế đáp sẽ đến ngay, anh sẽ lái xe nhanh khoảng 45 phút thôi để chúng tôi không phải đợi lâu.

Phái tử tế bao dung quá, ngay cả khi tôi đã làm tổn thương anh, không chọn tình yêu của anh mà chọn người khác chỉ vì vật chất bạc tiền.

Tôi ôm cu Tí chờ đợi, cu Tí vui mừng vì biết bác Phái sẽ đến đây đón chúng tôi về nhà. Phái sẽ còn yêu tôi nữa không? nhưng tôi biết chắc mẹ con tôi sẽ trở lại đời sống đơn giản nhưng bình yên tâm hồn.

Khi chiếc xe quen thuộc của Phái hiện ra đang tìm cách đậu vào lề đường thì cu Tí vui mừng chạy ào ra chỗ anh, nó reo lên:
- Bác Phái ơi, bác ơi.

Tôi cố tình đi chậm chậm từ xa, cảm động nhìn Phái ôm cu Tí vào lòng, cả hai mừng vui cứ làm như đang tái ngộ sau thời gian dài xa cách. Một lúc sau Phái buông cu Tí ra hỏi tôi và sửng sốt bối rối:
- Xe ông ấy đậu chỗ nào để tôi ra xem? Kìa, sao Hiền lại khóc?
Tôi không dấu nổi đôi mắt ướt lệ:
- Không sao đâu. Anh vào trong bàn này ngồi nghỉ cho đỡ mệt đã.

Phái dắt tay cu Tí đi theo tôi vào trong khu bàn ghế ngồi nghỉ chân, thấy hai chiếc valy của tôi Phái ngạc nhiên và nhìn quanh không thấy ông Hòa đâu, Phái đã hiểu ra phần nào:
- Mẹ con Hiền không đi Houston với ông ấy sao?
- Không, anh Phái ạ. Đi một đoạn đường tôi đã hiểu ra mình đã quyết định sai. Cám ơn anh đã đến đây.
Cu Tí giục giã:
- Mình về nhà đi bác Phái, cháu chỉ muốn ở gần nhà bác.

Ánh mắt Phái hiền hòa nhìn cu Tí và nhìn tôi rất lâu. Tôi cảm thấy yên tâm, chuyến trở về hành lý của tôi ngoài 2 chiếc valy còn có cả một tình cảm ấm áp vững chắc cho mẹ con tôi nương tựa mà suýt nữa tôi đã dại khờ chối bỏ.

Nguyễn thị Thanh Dương
( November, 30, 2022)

Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

Gởi Bé Phượng Hoàng Đầu Trắng!


Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Nhiếp Ảnh Gia taotran Trần Đức Tạo đã gởi đến ngày 27/12/2022 bộ ảnh “Chim Bald Eagle còn non, về Bolsa Chica hôm qua và hôm nay (12-27-22). Phải trên 4 năm tuổi, đầu mới trắng hoàn toàn”.)

Bé có biết rằng Bé là loài chim hàng đầu thế giới?
Vì Bé là Chim Quốc Gia và Biểu Tượng của Hoa Kỳ với tất cả hùng mạnh, oai phong?
Bé còn là Biểu Tượng Đại Bàng trên Quốc Huy của nhiều quốc gia,trong đó có Nga, Trung Đông?
Và Bé là Biểu Tượng trên Huy Hiệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trông oai hùng lẫm liệt?

Phải quá năm năm! Đầu bạch tuyết!
Luôn hơn thế thế! Nhãn xuyên tâm!
Cái nhìn uy nghiêm! Sắc như dao cạo! Thấu triệt căn cơ, vượt mọi tầm!
Vì bản thân Đại Bàng Đầu Trắng vốn là Vua Bầu Trời, Võ Lâm Siêu Cao Thủ!

Bé phải tự hào sinh ra đời mà tương lai đang gồm đủ!
Hãy ăn no, lớn nhanh, luyện tập, tự trọng, tự chủ, tự hành!
Vô tư! Bé đậu trên cành!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 29/12/2022


Hình Ảnh: Trần Đức Tạo


Gọi Tình

 
(Thơ cảm đề từ bức ảnh: Ngóng - Paulle Minh)


Chiều rơi gác nhớ ngóng từng giây
Tổ ấm ngày xưa kỷ niệm đầy
Trở lại! Giọng tình tha thiết gọi...
Bên ngoài giông tố.. Hãy về đây!

Tiếng gọi khàn hơi vẫn mit mài
Chim trời tung cánh chẳng ngừng bay
Lẻ loi góc nhỏ đời hiu hắt
Buốt giá thân gầy lạnh bủa vây!

Kim Oanh

Mười Năm

 

Mười năm không ra khỏi nhà
Em nằm ôm nỗi phù hoa của mình
Mười năm xa xót cuộc tình
Tháng ngày khổ luỵ phiêu linh mơ hồ
Mười năm sống với hư vô
Chẻ đôi sợi tóc che mồ thời gian
Chao ôi, vạn sự điêu tàn
Chỉ còn em với muôn vàn nhớ anh
Mười năm tóc nhuộm sầu nhanh
Trắng sương khói phủ long lanh suối huyền
Thôi em sống đã bình yên
Cho quên thân phận trôi biền biệt nhau
Mười năm nghe chuyện thương đau
Mỉm cười thiên hạ tưởng đâu dỗi hờn
( Làm chi có chuyện dỗi hờn
Bởi vì anh đã không còn cạnh em ...)

Cao Mỵ Nhân

 

Chút Tình Còn Lại

 

Tôi còn một chút hôm qua

Những là lụa tháng những hoa gấm ngày

Ngước nhìn chiếc lá chiều bay

Thấy hoa tuyệt phẩm thấy mây tuyệt vời

 

Tôi còn những tháng ngày vui

Tình thơ riêng một tình người đầy tim

Tri âm tri kỷ khó tìm

Công danh tôi thiếu bạc tiền cũng không

 

Chỉ còn chân thật tấm lòng

Nương con chữ viết thơ hồng sẻ chia

Bước chân đời đã về khuya

Bên này tha thiết bên kia đậm đà

 

Tôi còn đôi chút nắng pha

Ân tình còn chút hương hoa cuối ngày

Thương yêu bè bạn hôm nay

Lòng không son phấn lời này chữ kia

 

Bấm tay may rủi lần về

Thơ còn cho những say mê cùng đời

Vàng hoa tay níu tuổi trời

Lang thang hò hẹn một thời qua mau

 

Tôi quên những lúc bể dâu

Đeo mang chi chuyện âu sầu thế gian

Mai sau một nén hương tàn

Ước mong thân thế giàu trang sử tình.


03/2023

Hoa Văn


Hỏi Cách Rửa Thuốc Trừ Sâu Trên Trái Cây?

 

Kính thầy:

Như vậy thuốc trừ sâu bọ không có công dụng?

Khi sử dụng, chúng ta phải ngâm trong nước để lấy đi thuốc trừ sâu còn dư, rồi nhúng vào nước sôi để diệt sâu bọ.

Kính chào;

HCD: Thưa thuốc trừ sâu có hiệu quả, nhưng theo qui định ở Mỹ thì không được dùng một thời gian khá lâu trước khi hái bán ra thị trường. Thời gian nầy coi như có rất ít thuốc trừ sâu trên rau quả, côn trùng có thể xâm nhập.

Chuyện quan trọng là làm sao “rửa” bớt thuốc trừ sâu trên rau trái. Có nhiều huyền thoại bày nhau “tự chế” theo tưởng tượng trong Internet hay qua email, do đó tôi xin lấy hướng dẫn từ Đại Học Oregon cho chắc ăn hơn.


HCD tóm tắt bản tin:

Không có phương pháp nào hiệu quả 100%. Theo nguyên tắc thông thường, rửa bằng nước làm giảm bụi bẩn, vi trùng và dư lượng thuốc trừ sâu còn sót lại trên bề mặt trái cây và rau quả tươi. Rửa và chà xát rau trái dưới vòi nước chảy tốt hơn là nhúng nó vào thau nước.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) kiểm soát lượng dư lượng thuốc trừ sâu được phép trên thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm. Bất kỳ dư lượng thuốc trừ sâu trên trái cây và rau quả phải tuân thủ các quy định.

1. Trái cây và rau quả có “lỗ chân lông” như làn da của bạn. Các “loại xà phòng” (soap, detergent) có thể bị mắc kẹt trong lỗ chân lông. Có một số loại xà phòng được quảng cáo dùng rửa rau trái nhưng chúng không hiệu quả hơn nước lả.

2. Rửa trái cây và rau quả ngay cả loại trái hay củ ăn cả vỏ.

3. Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm trước và sau khi rửa rau quả.

4. Giữ trái cây hoặc rau quả dưới vòi nước chảy, điều này loại bỏ nhiều thuốc trừ sâu hơn là nhúng chúng vào thau nước.

5. FDA không khuyên rửa trái cây và rau quả bằng “xà phòng”, chất “tẩy rửa” hoặc rửa rau trái thương mại. Chúng chưa được chứng minh là hiệu quả hơn rửa bằng nước lả.

6. Không có phương pháp nào hiệu quả 100% để loại bỏ tất cả dư lượng thuốc trừ sâu.

7. Chà rửa trái cây chắc như các loại dưa và khoai tây bằng bàn chải sạch. Chà có thể giúp loại bỏ nhiều dư lượng thuốc trừ sâu và chất bẩn hơn.

8. Chà xát rau trái mềm như nho trong khi giữ chúng dưới vòi nước chảy để loại bỏ dư lượng.

9. Loại bỏ lá bên ngoài của rau trái lá, như rau lettuce and cabbage.

10. Gọt vỏ rau trái có thể gọt được, như đào hoặc táo.

11. Làm nóng có thể giúp loại bỏ dư lượng thuôc trừ sâu, nhưng đồng thời cũng có thể loại bỏ một phần chất dinh dưỡng.

HCD: Thấy có nhiều người bày nhau rửa bằng giấm, bằng muối, bằng baking soda, bằng những thứ thường gặp trong nhà bếp...Ngay cả loại thuốc rửa chuyên dùng rửa rau trái bán trong thị trường cũng không hiệu nghiệm hơn nước lả (theo đại học Oregon), nói chi là những thứ có sẳn trong nhà bếp.

Huỳnh Chiêu Đẳng 


Hoài Niệm Tuổi Thơ

  

           Tôi có một ông bác họ, Bác Hương Thạch, thành viên Hội Đồng Hương Chính thời kỳ sau Hiệp Định Geneve năm 1954, tức là một Ủy Viên của Ủy Ban Hành Chánh Xã, lúc đó khoảng gần 60 tuổi mà tôi thì còn con nít mới 9 tuổi. Ông bác này có một chiếc nhà nhỏ bằng gỗ ván thùng cây để nuôi chim bồ-câu. Chiếc nhà gỗ nhỏ đó khoảng 50 cm x 50 cm x 40 cm có hai cửa tròn để chim bồ câu ra vào. Bác sơn chiếc nhà màu xanh da trời rất đẹp rồi đặt lên trên một cây trụ khá cao, có lẽ khoảng 5 đến 6 mét. Bác nuôi một cặp chim bồ câu gồm một trống và một mái.

Em trai của Bác Hương Thạch là bác Chính. Bác Chính có một người con trai trưởng là anh Hai Khẩn. Anh Hai Khẩn đã lập gia đình và có một đứa con trai, nhà của anh Hai Khẩn ở cùng trong làng và cách nhà bác Hương Thạch dưới một cây số. Bắt chước bác Hương Thạch, anh Hai Khẩn đóng một căn nhà gỗ ba tầng để nuôi chim bồ câu với kích thước tương tự như căn nhà gỗ nhỏ của bác Hương Thạch, nhưng anh Hai Khẩn sơn căn nhà gỗ nhỏ đó ba màu, mỗi tầng một màu gồm xanh da trời, tím, và hồng. Ban đầu anh Hai Khẩn cũng chỉ nuôi một cặp bồ câu mặc dầu thùng nhà gỗ có đến ba tầng thì đáng lẽ anh ấy nuôi được đến sáu con chim bồ câu.

Ba chén bỏ lúa cho chim ăn thì không khác chiếc chén bên chuồng chim của bác Hương Thạch, nhưng dĩa lớn chứa nước cho chim uống thì chỉ có một cho cả ba tầng. Anh Hai Khẩn dùng chiếc ống chích thuốc (syringe) để mỗi ngày cho một ít nước trà đường vào dĩa nước giếng cho chim uống; lượng nước trà đường mỗi ngày một nhiều hơn, và nước trà mỗi ngày một đậm hơn.

Sau một thời gian, không biết chim bồ câu ở đâu, chứ trong làng và trong xã lúc đó thì không có ai nuôi chim bồ câu cả, lại tập trung về sống trong chiếc thùng gỗ ba tầng của anh Hai Khẩn có đến những trên hai mươi con; tất nhiên là có cả hai con chim bồ câu của bác Hương Thạch nữa.

Trước nay trong xã ai cũng nhìn bác Hương Thạch là một nhà hào phú nhân đức, một vị nhân sĩ khiêm tốn, luôn luôn giúp đỡ người cùng khó trong làng, nhưng từ khi bác Hương Thạch chửi vợ chồng anh Hai Khẩn đã "ăn cắp" đôi chim bồ câu của bác bằng những lời lẽ thô tục thì mọi người từ từ xa lánh bác. Mặc dầu chị Hai Khẩn hứa chiều hôm đó khi chim bay về chuồng thì chị sẽ cho bắt hai con bồ câu của bác Hương Thạch nhốt vào lồng tre rồi đem đến nhà để trả lại cho bác mà bác vẫn chửi chị Hai Khẩn là "con đ ... !" Thật sự chị Hai Khẩn không có lỗi gì vì ngay cả việc đóng thùng gỗ nuôi chim bồ câu cũng là "sáng kiến" riêng của chồng chị chứ chị không can dự vào.

Việc chửi nhau thô bạo giữa người bác và vợ chồng người cháu ruột đã làm cho tôi sửng sờ mà người anh lớn của tôi còn làm cho tôi kinh khiếp hơn. Anh nói:

- Tại em đó!
- Tại em?
- Ai biểu em khen anh Hai Khẩn giỏi, làm thùng chim đẹp, và biết cách dụ chim về ...
- Em đâu có nói với bác Hương Thạch.
- Em nhốt được gió sao? Lời em nói đã bay trong gió đến với bác Hương Thạch, em biết không.
- Trời đất ! Em có lỗi với anh Hai Khẩn quá, nhất là với chị Hai Khẩn.
- Do vậy, trước khi em đi Đà Nẵng để học Lớp Nhì và Lớp Nhất thì anh nói với em lời này và em phải ghi nhớ đó nghe. Phàm là con người thì ai cũng tự cho mình là nhất, là số một; vậy em đừng bao giờ nói ai là số hai, là đứng nhì trong mọi trường hợp. Và anh có một điều nữa muốn nói với em. Em thấy con trâu, con bò, con heo khi sinh con thì bao lâu con mới sinh của nó đứng lên đi được ?
- Chỉ trong một vài giờ hay nhiều lắm là một buổi vì khi con bò con sinh ra buổi sáng thì buổi chiều nó đã chập chửng theo mẹ nó để đi về chuồng được rồi.
- Thế con người thì trong bao lâu mới tự đi được ?
- Em không biết, nhưng dường như khoảng một năm, phải không anh ?
- Đúng rồi, nhưng tại sao con người thông minh hơn con vật mà yếu quá vậy ?
- Em không biết nữa!
- Và đấy là điều thứ hai anh sẽ dạy cho em biết và em phải nhớ giữ trong lòng nghe. Đúng là con người thông minh hơn con vật mà cái thông minh đó đặt ở đâu trong thân thể con người ? Đặt ở trong bộ óc của con người mà bộ óc thì ở trong cái đầu nên cái đầu trước hết là "lớn" hơn cái mình và tay chân. Vì cái đầu lớn trước và lớn nhanh hơn thân thể nên người mẹ phải sinh con sớm khi con chưa đủ mạnh như con vật; nếu chờ cho con đủ sức khỏe như con vật thì cái đầu đứa bé lớn quá, không thể sinh được. Em ghi nhớ lấy rồi sau này khi em học về thân thể con người thì em sẽ hiểu. Việc anh cần em ghi nhớ là bộ óc được đặt vào vị trí cao nhất trong một vỏ bọc với một loại xương cứng chắc nhất. Trong mọi trường hợp thì em phải bảo vệ cái đầu trước hết, khi cái đầu không thể bảo vệ trọn vẹn thì phải quyết tâm bảo vệ bộ óc vì nếu bộ óc bị tổn thương thì em xem như đã chết. Để em dễ hiểu thì anh đưa ra một ví dụ. Ở trường em, khi không có ông hiệu trưởng thì mọi việc đều lộn xộn. Ông hiệu trưởng ví như bộ óc của trường em vậy.

Trần Việt Long