Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Vài Hình Ảnh Tưởng Nhớ Anh Cao Linh Tử


Anh Cao Linh Tử đã mãn phần tại Cao Lãnh. Anh là người thơ của vườn thơ và cùng là người tài trợ cho các gia đình nghèo nơi địa phương anh lâm cảnh tang chế.  
Chợt nhớ đã ghi hình anh cùng bằng hữu vào ngày 19 tháng 05 năm 2015 nơi nhà anh Hữu Đức, phần này có 2 ảnh.
Vào ngày 13 tháng 08 năm 2015, Anh Chiêu Đức cùng các bạn hẹn gặp cũng nơi nhà anh Hữu Đức, sau đó cùng đến viếng Văn Thánh Miếu, rồi các bạn tạm chia tay về địa phương của mình.

Các Anh: Hữu Đức, Đắc Thắng, Linh Tử, Văn Phú
Chịphương Hà, Chị Chiêu Đức
Các Anh: Chiêu Đức, Linh Tử, Đắc Thắng, Hữu Đức, Văn Phú


Viếng Miếu Văn Thánh - Vĩnh Long

 Ảnh: Trương Văn Phú

Bông Vừng




Bông Vừng

Bìm-bịp kêu vang nước lớn rồi 
Bập bềnh nhụy rụng mé bờ trôi 
Ánh hồng cá đớp lăn tăn gợn 
Sắc thắm cành buông lỏng thỏng rơi 
Mộc mạc điểm tô nơi chất phát 
Mênh mang gợi cảm chốn xa xôi 
Bông Vừng quen mắt từ thuở bé 
Đồng ruộng , tình quê mãi nhớ thôi 

Cao Linh Tử
(Cao Lãnh 8-9-11)
***
Bài Họa:
T
ình Quê

Tiếng qụa kêu sương sắp tối rồi 
Sông chiều êm ái lục bình trôi 
Ráng hồng thoi thóp trời tây gợn 
Ánh sáng lờ mờ , bóng tối rơi 
Đất khách bao năm buồn lặng lẽ 
Quê nhà muôn thuở ngóng xa xôi 
Tắm mưa tắm nắng từ khi bé 
Thương nhớ càng làm khắc khoải thôi 

Mailoc
(Cali 8-10-11)
***
(Gởi bài Họa để ghi dấu thi bút của Cố Cao Linh Tử
Nhớ bông vừng xứ sông nước hữu tình miền Tây)

Bông Vừng

Bịp kêu nước lớn đã lên rồi,
Nhụy rụng bông vờn mé nổi trôi.
Cá phóng đớp mồi tung nhảy nhót,
Cành vươn sắc thắm tõa buông rơi!
Vùng quê sằng dã mừng khơi gốc,
Khung rộng khêu mời hương túp xôi.
Quen lắm bông vừng nơi xứ ruộng,
Thân thương mãi nhớ dáng luôn thôi!

Hồ Nguyễn 
(20-9-2019)

Tìm Lại Tuổi Thơ, Chong Chóng Lá Dừa




Xướng:
Chong Chóng Lá Dừa

Trưa hè tập tụi dăm ba nhóc
Cắt lá dừa xanh dao yếm rọc
Chong chóng thắt liền bốn cánh chơi
Gió đồng hiu thổi nhiều khi thốc
Vo vo sướng mắt trẻ đồng quê
Lách cách vui tai hồn bích ngọc
Nay thấy dáng ai dưới bóng dừa
Bỗng khơi ký ức chừng meo mốc.


Cao Linh Tử
21/6/2019
***
Họa:
Cây Lá Buông

Xưa lắm... Gần rừng Buông mọc nhóc!
Tuy gai dùng rựa đốn rồi rọc.
Sân phơi nắng tốt chờ dây queo.
Má thắt quạt tròn thay gió thốc.
Dừng vách Ba chằm buồng kín bưng.
Dỗ em anh xỏ Cào xanh ngọc.
Dường như nghe tiếng thuở nào reo.
Quá khứ chạnh lòng meo phủ mốc!


Nguyễn Thị Trọng

Cánh Hoa Chiều - Sáng Tác Song Ngọc - Tiếng Hát Lưu Hồng


Sáng Tác: Song Ngọc 
Tiếng Hát: Lưu Hồng
Thực Hiện: Đặng Hùng

Thương Giọt Mưa Xưa



Đã tạnh cơn mưa sao ngày vẫn ngập
Những vô cùng xua nỗi nhớ trôi xa
Qua con phố chợt ngoái đầu nhìn lại
Thấy cuối dòng sông in bóng quê nhà

Có con đường đá gập ghềnh khó bước
Chiều mưa lâu nước trũng cả đôi bờ
Em vẫn đứng dưới cổng nhà hoa giấy
Mới hôm nào mà đã chuyện ngày xưa!

Mưa vẫn mưa rơi, nơi nào cũng có
Một đời nhau sao thương nhớ ai hoài
Cũng mắt môi, cũng đó nụ cười
Lòng cứ giữ giọt cuối mùa mưa cũ...

Như em đã cũng một lần trú ngụ
Giữa tim tôi ngày mưa nắng hai mùa
Đâu dĩ vãng cuốn tròn đời hai đứa
Theo gió lùa từng giọt mặn lưa thưa

Giờ ngoảnh lại vẫn cuối trời mây trắng
Bay vô tình gặp gỡ những cơn mưa
Em có lẽ đã yên rồi số phận
Tôi một đời thương nhớ giọt mưa xưa...

Người Chợ Vãng

Hoa Vô Ưu - Vô Ưu



Hoa Vô Ưu

Hoa Vô Ưu rực rỡ cuộc tình
Say lòng bao lứa tuổi học sinh
Kết tim yêu trung trinh hy vọng
Mơ một ngày ước mộng tròn đôi

***
Vô Ưu

Hoa Vô Ưu giữa môi mình
Một thuở đắm đuối với tình nồng say
Rồi một ngày em chia tay
Bỏ anh ở lại nơi đây ta bà
Hoa Vô Ưu vẫn mượt mà
Nơi tiên cảnh còn thiết tha hồi nào?
Em ơi đất rộng trời cao
Anh cần có em trăng sao xum vầy

Đồ Cóc

Vài Nét Về Dòng Nhạc Quách Vĩnh Thiện

(Trường Ca Đoạn trường Tân Thanh)


Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn. 

Trong nền văn học Việt Nam thi phẩm Ðoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du không những là một tác phẩm trác tuyệt hàng đầu của đất nước mà còn là đóa hoa muôn sắc trên thi đàn quốc tế. Thi phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng ở những quốc gia có nền văn học cao như Pháp, Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa, Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan v.v.
Năm 1965, tác giả Nguyễn Du đã được tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO vinh danh là một đại văn hào của thế giới. Rất nhiều văn nhân, họa sĩ, trí thức, học giả, nhà phê bình... đã viết, phân tích, diễn thuyết, minh họa, biên kịch, cải lương… về giá trị tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du qua những nét đẹp về phương diện văn chương, tư tưởng và hội họa v.v. 
Những ai từng đọc truyện Kiều chắc sẽ bùi ngùi thương cảm cho nàng Kiều bạc phận long đong chịu nhiều bất hạnh. Người đọc không khỏi thắc mắc:Tại sao thi hào Nguyễn Du đã đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh, Tiếng Kêu Mới về sự Đau Khổ? Tiếng kêu mới nơi đây phải chăng là quan niệm mới về đau khổ, khác với quan niệm cũ về đau khổ, nhìn sự đau khổ là những chuyện tất nhiên? Hành trình từ đau khổ dẫn đến giải thoát, từ phiền não dẫn đến bồ đề đó là nội dung tư tưởng mà Nguyễn Du đã thể hiện nơi Đoạn Trường Tân Thanh? Nếu là thế, nỗi đau đó không còn của riêng Thúy Kiều, mà nỗi đau của nhân sinh. Những năm gần đây truyện Kiều đã được nhìn qua nét đẹp nghệ thuật âm nhạc, giới nhạc sĩ đã thực hiện phổ nhạc Đoạn Trường Tân Thanh, đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật thêm sắc màu. 

Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người. Thơ là nghệ thuật của "lờì", nhạc là nghệ thuật của "âm thanh".  Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát. 
Trong 3254 câu thơ Kiều, những thanh bằng trắc tạo những nốt trầm bổng cao độ chỉ là “nhạc thơ” có sẵn chứa trong câu thơ. Trong khi “thơ trong nhạc” hay còn gọi là “tính nhạc” gồm những hình tượng, ngôn ngữ được ngắt nhịp theo tiết tấu riêng để diễn tả giai điệu toàn bài chuyên chở tứ thơ. Trong thi tập Đoạn Trường Tân Thanh gồm khá nhiều câu, chữ, chứa sẵn nhạc thơ tạo nên những tiết tấu, ngắt nhịp, xuống câu. Ví dụ: 

Nhịp 2 gồm 3 từ: 
“Mai cốt cách/ tuyết tinh thần." 

Nhịp 4 gồm 2 từ:
"Mỗi người/ một vẻ/ mười phân/ vẹn mười….” 

Hoặc có thể phân làm 2 nhịp gồm 4 từ:
" Mỗi người một vẻ / mười phân vẹn mười…"

Hay những câu nhịp 2 gồm 3 từ:
“Làn thu thủy/ nét xuân sơn"

Và nhịp 2 gồm 4 từ:
"Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh” v.v.


Để đọc, hay hát trọn vẹn toàn thi phẩm Kiều, người nghệ sĩ đã sáng tạo ra cách ngâm láy Kiều, sa mạc v.v. giúp giới mộ điệu thưởng lãm những cái hay, nét đẹp của lời thơ ý truyện bằng âm thanh. Ngôn ngữ thơ trong truyện Kiều là những hình tượng đặt vào những thanh âm bằng trắc tạo thành những thang nhạc, cung bậc trong thơ diễn tả tình tiết, tâm lý những khía cạnh độc đáo từng nhân vật trong truyện. Người nhạc sĩ sẽ đồng cảm với tác giả hòa vào từng con chữ để thấy cái sâu lắng chất chứa những âm thanh như tiếng kêu ai oán: "Đoạn Trường Tân Thanh"

Nhạc sĩ Phạm Duy là người tiên khởi đem âm nhạc vào Kiều, ông lựa những đoạn, câu thơ chứa nhiều tính nhạc trong Kiều phổ thành ca khúc. Nhạc sĩ đã dung hợp nhạc giao hưởng tây phương với nhạc ngũ cung, trong đó chất ngũ cung để câu nhạc dễ luyến láy diễn tả được ý thơ, chất giao hưởng tạo cho câu nhạc được êm, vút cao, trầm bổng theo ý nhạc mà không theo thanh bằng trắc của vần thơ lục bát. Nhạc sĩ Phạm Duy gọi là: Minh Họa Kiều. 
Mấy năm gần đây dòng thơ phổ nhạc ở trong nước cũng như hải ngoại nở rộ, thơ nương nhạc chấp cánh, nhạc dựa thơ bay cao, cho dù muốn phổ được một bài thơ "đạt" đúng nghĩa là một nghệ thuật rất khó! Phổ thi tập Kim Vân Kiều thành nhạc là một việc làm rất khó, cái khó nhất là vì đó là một tác phẩm lớn của dân tộc đòi hỏi nhạc sĩ phải có thực tài, nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc toàn thi tập. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ theo nhân vật trong truyện. 
Cái khó của thơ lục bát là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán, lê thê. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ, nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc. Muốn thực hiện bản trường ca, nhạc sĩ phải bỏ thời gian để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu, những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương, nhưng vẫn giữ được chất nhạc Việt. Điểm khó nữa đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có kết. Do đó nhạc sĩ phải dừng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc đương đại tạo sự biến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc.



Trong số những nhạc sĩ phổ truyện Kiều ngoài nhạc sĩ Phạm Duy, ở hải ngoại còn có: Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã phổ toàn tập Kim Vân Kiều. Ngoài ra, truyện Kiều còn được chuyển thể thành một vở ca kịch đương đại dàn dựng theo phong cách Broadway, được nghiên cứu từ bản dịch Anh ngữ tác phẩm Kiều “Tale of Kieu” do nhà soạn kịch Kiêm đạo diễn Burton Wolfe kết hợp cùng nhà soạn nhạc Scott Gehman, và Giáo sư, nhạc sĩ Linh Phương chuyển dịch lời ca tiếng Anh ngược lại tiếng Việt. Ở trong nước có nhạc sĩ Vũ Đình Ân phổ toàn tập, soạn thành một đại hợp xướng Truyện Kiều, với sự cố vấn nghệ thuật Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần. 

Trong cõi bất tận của âm thanh, những dòng nhạc hôm nay đi vào lòng người. Thơ và nhạc quyện nhau, nhạc nhập vào thơ giúp những con chữ thơ nằm bất động trên trang sách được những người yêu thơ thưởng lãm bằng mắt, cảm nhận bằng tâm, nay hồn thơ cất lên giai điệu, tiếng hát truyền cảm, diễn tả tâm trạng, cảm xúc từng nhân vật trong tác phẩm bằng một thực thể sống động, thoát khỏi thế giới ảo, mơ hồ. Người nhạc sĩ hôm nay phổ thơ có nhiều sáng tạo, không chỉ dựa vào cái thanh bằng trắc có sẵn cao độ trầm bổng trong thơ, mà phổ cái hồn thơ, cái tư tưởng, hay những hình ảnh ngôn ngữ trong thơ mang màu sắc hội họa…Chẳng có nhạc sĩ nào nhân danh sự sáng tạo dám viết lệch cảm xúc của thi sĩ? 

Những ai cảm tác về truyện Kiều, chắc sẽ cảm nhận được nỗi cô đơn tư tưởng của Nguyễn Du khi gởi gấm tâm sự vào tác phẩm, tác giả đã than rằng:

"Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố như "


Ba trăm năm sau mới có người hiểu mình! Qua sự thâm thúy của tác phẩm tư tưởng, đượm đầy triết lý nhân sinh, người đọc hôm nay đã hiểu, và khám phá được cái lẽ đạo trong Kiều. Ở một cõi nào đó, thi hào Nguyễn Du sẽ vui, khi biết ở thời đại sau vẫn còn nhiều người ca ngợi, và tưởng nhớ đến ông. Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh vẫn là nguồn cảm hứng cho đời diễn thuyết, biên khảo, sáng tác ở các bộ môn nghệ thuật, trong đó có giới nhạc sĩ vẽ lại chân dung truyện Kiều bằng âm nhạc. 

Như đã trình bày ở trên những năm gần đây dòng thơ phổ nhạc ở trong nước cũng như hải ngoại nở rộ, thơ nương nhạc chấp cánh, nhạc dựa thơ bay cao, cho dù muốn phổ được một bài thơ thành ca khúc hay, "đạt được giai điệu lẫn cấu trúc" đúng nghĩa là một nghệ thuật rất khó! Trong số những nhạc sĩ phổ thơ có Quách Vĩnh Thiện một người say mê âm nhạc ngay từ lúc còn thiếu thời. 
Anh đã học nhạc thuở mới bước lên trung học, từng chơi nhạc trong các ban nhạc trẻ vào đầu thập niên 60 tại Sài Gòn. Sau đó anh sang Pháp du học, hành nghề kỹ sư điện toán nhưng hồn vẫn không xa rời âm nhạc. 

Quách Vĩnh Thiện là người Việt Nam đầu tiên theo học guitare tại Hàn Lâm Viện Âm Nhạc, một nhạc viện nổi tiếng ở Paris. Vốn có một năng khiếu và căn bản âm nhạc, Quách Vĩnh Thiện thường tham dự chơi những buổi hòa nhạc ở Paris, và khắp nơi. Anh đã từng sáng tác những ca khúc tình ca, đạo ca ở thập niên trước, nhưng mãi những năm gần đây tình cờ Quách Vĩnh Thiện đọc lại truyện Kiều và bùi ngùi thương cảm cho phận nàng Kiều bạc hạnh long đong, rồi thương mình mang kiếp tha hương qua câu thơ:“ Sống nhờ đất khách, thác chôn xứ người.” 
Gần nửa thế kỷ sống nơi xứ người, nhìn lại tuổi đời chồng chất, nhạc sĩ đã cảm nhận được nỗi cô đơn, và chợt phát hiện sự thâm thúy của hồn thơ đượm triết lý nhân sinh, tư tưởng, lẽ đạo. Từ đó nhạc sĩ nghiền ngẫm tác phẩm rồi chợt hiểu: Tại sao Nguyễn Du lại đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh. 
Khám phá được cái lẽ đạo trong Kiều, nhạc sĩ đã quyết bắt tay vào phổ nhạc thi phẩm. Đây là một việc làm rất khó, cái khó nhất là vì đó là một tác phẩm lớn của dân tộc đòi hỏi nhạc sĩ phải có thực tài, nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc toàn thi tập. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ theo nhân vật trong truyện. 

Cái khó của thơ lục bát là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán, lê thê. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc. Để thực hiện bản trường ca, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã phải bỏ ra 6 tháng để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu khác nhau, và gần 4 năm từ đầu năm 2005 đến đầu 2009 mới hoàn tất xong trường ca. Gọi là trường ca vì những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương. 
Điểm khó nhất đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có kết hay v.v. Nhạc sĩ đã dùng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc Balade pha lẫn Blue Jazz, Bossanova, Boléro, Valse Andantino, Rock lente, Mambo vv… tạo sự biến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc.

Mời quý bạn bước vào cõi nhạc của Quách Vĩnh Thiện trong Trường Ca Đoạn Trường Tân Thanh thưởng thức những giai điệu đặc biệt của riêng Quách Vĩnh Thiện:



Mở đầu bằng cung Ré thứ, điệu mambo chậm buồn diễn tả nỗi lòng của thi hào Nguyễn Du: 

Dòng nhạc chuyển sang Boléro tiết điệu mềm mại gần với dân ca, rất quen thuộc trong làng tân nhạc trước 75 ở miền nam, để diễn tả lời thơ:

Dòng nhạc biến cung sang Mi thứ và chuyển điệu Bossa Nova,Tempo chậm nghe có chút gì xa vắng.

Ở đoạn thơ này Quách Vĩnh Thiện đã dùng cấu trúc làm điệu Lambada, lối nhạc rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam. Tuy nhiên Tempo hơi chậm, chắc để phát âm rõ ràng.

Dòng nhạc biến cung, nhịp điệu tiết tấu thay đổi, Balade lãng mạn trữ tình chuyển sang Rock Lente linh động, rộn ràng.




Dòng nhạc thay đổi nhịp điệu, tiết tấu. Giai điệu Slow nhẹ nhàng chuyển sang Blue Jazz một chất nhạc phát từ những nỗi buồn than phận. Giai điệu buồn pha chút âm hưởng Á đông.



Giai điệu Mambo diễn tả vui buồn lẩn lộn, có chút bùi ngùi, thương tiếc. 



Dòng nhạc chuyển sang Libre có chút Rock, diễn tả sự buồn bã, đau khổ.



Dòng nhạc chuyển sang Samba, thể điệu rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam, tác giả cố ý dùng Tempo chậm lại để phát âm rõ ràng.



Dòng nhạc biến cung đổi nhịp chuyển giai điệu sang Boston mềm mại và Valse Andantino dìu dặt nhẹ nhàng. 



Từ cung Mi thứ giai điệu Valse Andantino khoan thai dịu dàng, dòng nhạc biến cung Si giáng thứ, giai điệu Pop Rock làm thay đổi sắc thái dòng nhạc.


Từ điệu Jazz nhẹ nhàng lướt qua Tango, đây là cách soạn nhạc rất mới, và rất hiếm về thể nhạc nầy trong vòm trời âm nhạc? 



Và tiếp theo là:

Jazz Valse. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã mang tiếng đàn trải lên khuông nhạc nên đã dùng điệu Valse hòa với nhạc Jazz. Đây cũng là một lối nhạc độc nhất, chưa có người nhạc sĩ sáng tác nào viết. 



Thực hiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa. Và trong cõi bất tận của âm thanh, có những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng anh. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả thi hào Nguyễn Du đã cho đời một tác phẩm hay, và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc. 

Paris 16.03 2009 Vài nét về dòng nhạc Quách Vĩnh Thiện 
Đỗ Bình

Thu Gợi Mây Xưa



Bài Xướng:
Thu Gợi Mây Xưa

Chiều lay nỗi nhớ bóng Thu ơi
Huyền ảo không gian phủ xuống đời
Mấy lá vàng rơi bay lạc lõng
Vài hoa tím rụng cuốn chơi vơi
Bâng khuâng hồn gợi màu trăng úa
Xao xuyến tim rung giọt nắng vời
Thuở đó ta trao nhiều mộng ước
Bây chừ ngàn dặm bóng mây lơi 


Minh Thúy 
***
Các Bài Họa:
Sầu Thu


Vàng nắng thu rơi gọi lá ơi!
Mang chi sầu muộn đến bên đời?
Lòng buồn tê tái hồn day trở
Dạ cảm bi ai sắc cạn vơi
Ngoảnh lại Cố Hương sương mờ ảo
Trông về Tổ Quán bóng xa vời
Xuân thì lợt lạt thu tàn tạ
Vóc liễu còn đâu dáng lả lơi?!. 


14-9-2019-

Nguyễn Huy Khôi
***
Nhớ Mây Xưa

Thu bỗng nay về mây nhớ ơi!
Năm nao mây phủ kín che đời.
Lá vàng bỏ gốc vàng tơi tả,
Hoa tím rả rời sắc héo vơi.
Hồn bỗng lãng lơ tìm chốn tựa,
Tim run thấp thỏm hướng xa vời. 

Thu về mộng ước xa hun hút,
Ngàn dặm ngóng nhìn mây lả lơi. 


Hồ Nguyễn
(14-9-2019) 
***
Trời Thu Bàng Bạc

Bàng bạc trời thu khiến nhớ ơi
Miên man nhìn lại giấc mơ đời
Lá vàng ngập khó đùn che lối
Gió chướng đầy khôn quét khổ vơi
Tám tiết sầu thương quê xứ biệt
Bốn mùa khắc khoải nước non vời
Đoàn viên là mộng khi nao đến
Hay chỉ chạm hồn chút thoáng lơi 


Phương Hoa 
Sep 14th 2019 
***
Thu Tình Luyến Lưu

Xinh đẹp nắng hồng mây gió ơi,
Hạ tàn Thu tới luyến lưu đời.
Tình vương ý hoạ vàng hoa nở,
Mộng ấp lời ca thắm lệ vơi.
Nghinh rước đèn trăng đêm nguyệt tỏ,
Hát ngâm đàn phách tiếng thơ vời.
Trinh nguyên dấu cũ người xưa nhớ…
Minh kết duyên thề hương hết lơi!

Liêu Xuyên 
***
Thu Cảm


“họa đảo vận - bát tự Thu”

Bóng dáng Thu về bước lả lơi
Trời Thu xanh ngắt ,ngút cao vời
Thu tình hương ướp mơ khôn cạn
Thu ý vươn mầm mộng khó vơi
Thu tỏa nắng vàng trên vạn nẽo
Thu lan mây tím đến muôn đời
Tháng ngày lặng lẽ mang Thu tới
Khiến kẻ đa sầu Thu nhớ ơi!! 

Songquang
20190914 
***
Thu Vẫn Đợi

Thương cảm vô ngần viễn khách ơi!
Bôn ba cầu thực vẫn yêu đời
Đón chào tuổi hạc niềm vui tới
Thưởng ngoạn trăng già nỗi luyến vơi
Thỏa chí bền duyên dù vật đổi
Gìn tâm vẹn ý dẫu sao vời
Lòng thu rộn rã luôn chờ đợi
Thấu hiểu chân tình dạ chẳng lơi! 

Như Thu
*** 
Còn Nhớ Cố Nhân

Tạm biệt chiều thu bạn quý ơi 
Tin đưa tới bến, cảm thương đời 
Mưa rơi lác đác cây vàng rũ
Sáo thổi vi vu sương trắng vơi
Mặc khách dừng chân hoa lá úa
Tao nhân chậm bước gió mây vời
Thương ai, tri kỷ, mình mơ ước
Còn nhớ người xưa, tóc lả lơi... 

Mai Xuân Thanh 
***
Thương Nhớ Thu

Gió đổi heo may rồi bạn ơi

Tình thu lai láng, ngất ngây đời
Đồi sim bạn cũ còn hoài tưởng
Chiếc bóng ngày xưa mãi chẳng lơi
Ký ức thân yêu, ôi quyến luyến
Thời gian qúy hiếm, đã xa vời
Mấy mùa lá đổ màu vàng vọt
Thương nhớ đong đầy, nào dễ vơi.

Thanh Trương 
***
Thôi Níu Thu Sầu


Thôi níu thu sầu nữa nhớ ơi

Mênh mông biến tấu vọng vang đời
Phiêu âm nắng quyện mây hờn loãng
Phối điệu ong hòa gió lạnh vơi
Hạnh phúc hé mầm lay bóng nhỏ
Buồn đau rụng lá cuốn đêm vời
Tinh khôi lóng lánh trăng màu nguyệt
Ai giấu muộn phiền khép mắt lơi?

Lý Đức Quýnh
***
Thu Nhớ


Sương phủ chiều rơi,gợi nhớ ơi!
Thu sang từ đó cảm thương đời
Gió lay,khổ lụy khôn bề giảm
Mưa gội, u sầu khó nỗi vơi
Hoa rụng theo dòng trôi mất hút
Lá bay thả nước cuốn xa vời
Mênh mang dạ nẫu buồn quay quắt
Dáng liễu bên thềm vẫn lả lơi... 

Thanh Hoà
***
Ngũ Sắc Thu Vân

Mây lành ngũ sắc của ta ơi
Man mác nâng niu một mảnh đời
Nuôi cái thân nghèo dần tới đủ
Ươm mầm nghĩa cả mãi không vơi
Đã xui mộng đẹp khua hồn tỉnh
Lại tỏ niềm thương ngụ ý vời
Nóng lạnh đông hè trời vẫn sáng
Năm màu vân luyến chẳng hề lơi. 

Trần Như Tùng
***
Mưa Thu


Mưa buồn nhung nhớ bạn hiền ơi
Gió thổi vi vu ngẫm cuộc đời
Tiếng dế nỉ non sầu chẳng cạn
Sương mù trắng xóa khó cho vơi
Trăng vàng héo úa trời mờ đục
Mây xám giăng ngang chốn xa vời
Thầm nhắc ngày xưa ta ước hẹn
Bây giờ thu đến bóng chiều lơi…

Thiên Hậu
***
Cảm Thu

Bên đường lả tả lá vàng ơi!
Sầu gợi Thu sang chạm cuộc đời
Thả lụt mưa giăng sông chẳng cạn
Xô nhà gió bủa nước nào vơi
Khói đan chiều xuống thường tê tái
Sương tẩm nắng lên vẫn tuyệt vời
Dẫu biết mùa luôn chằm ảm đạm
Nên hồn thơ bút chẳng hề lơi 

Như Thị
***
Thơ Thu xưa


Phiến lá sẽ lìa nắng, gió ơi!
Đến khi nguồn cạn rớt mơ đời
Vàng rơi rải rác hồn lơ lửng.
Cội luỵ âm thầm nhánh tiễn vơi.
Tới lúc ngủ say theo luật định
Chờ khi thức giấc ngắm trăng vời.
Heo may ngày ấy thơ còn giữ
Bấy sắc mùa mùa vẫn chửa lơi.

Đặng Xuân Linh
***
Tiếng À Ơi 

Nơi nào vẳng đến tiếng à ơi
Cung bậc thăng trầm dấy động đời
Tha thiết câu hò thương bóng lẽ
U sầu giọng hát xót tình vơi
Lênh đênh sông chảy buồn xao xuyến
Hờ hững thuyền trôi tủi vợi vời
Sáu khắc lòng đau vì sóng dập
Đêm dài dạ buốt bởi người lơi…

Phượng Hồng
***
Nhạt Phai

Thu về rồi đấy lá vàng ơi
Một thoáng bâng khuâng với lẽ đời
Mây lãng đãng khơi niềm luyến nhớ
Sầu man mác chạm nỗi đầy vơi
Trăng thề ngày cũ còn nguyên vẹn
Tình cảm giờ đây chỉ nửa vời
Tiếc nuối làm chi khi đã biết
Lòng như lá úa sẵn buông lơi....

Sông Thu
***
Thủ Thỉ Lời Cây

Cây thầm thủ thỉ lá thu ơi!
Hờn giận càng thêm nghẹn nỗi đời?!
VƠI chửa cạn bầu buồn chi VỢI
ĐẦY chưa tới ngưỡng hận gì vơi ???
Còn trong nhung nhớ nơi bờ đợi
Đâu hết niềm yêu chốn biển vời !!!
Mố hẫng đôi đầu,...cầu sẻ tủi
Hòa theo lá rụng nhẹ nhàng lơi.

16-9-2019
Nguyễn Huy Khôi
***
Thu Hờ

Sao mờ nét thắm buổi chiều ơi
Mộng ước dần thưa lúc cuối đời
Hạ đã phai mầu ươm nắng nhạt
Thu vừa trải lá ủ sương vơi
Mây vờn trí gởi khung trời rộng
Gió thổi hồn du cảnh nửa vời
Thế cuộc còn chi mà níu với
Thôi đành chấp nhận kiếp tàn hơi

Bảo Trâm
***
Thu Gọi Mùa Xưa

Tiếng chim thắc thỏm gọi chiều ơi
Cô lẻ bàn chân lạc bước đời
Ánh mắt dịu dàng thương mãi đọng
Tiếng cười xao xuyến nhớ nào vơi
Nụ hôn khép chặt môi tình ấm
Mái tóc che nghiêng ngọn gió vời
Xa cách bao mùa đau ước nguyện
Cõi lòng hiu hắt giọt mưa lơi

Trầm Vân
***
Một Thoáng Bâng Khuâng

Cách xa nhung nhớ lắm người ơi!
Chờ đợi ngàn năm đợi cả đời
Tình cũ ngất ngây cơn mộng tỉnh
Nghĩa xưa mê đắm giấc đầy vơi
Gối chăn nguội lạnh câu phù phiếm
Hương lửa tàn phai chữ vẽ vời
Buồn đốt trâm hương khơi nỗi nhớ
Trăng thề hiu quạnh dáng buông lơi./.

Nguyên Trần
Toronto 29/9/2019

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

Người Đã Đi Rồi - Nhạc Sĩ Lam Phương - Tiếng Hát Lưu Hồng



Nhạc Sĩ: Lam Phương 
Tiếng Hát: Lưu Hồng 
Thực Hiện: Đặng Hùng

Thu




Cành thu vàng lá tuôn rơi
Chiều trông cánh nhạn lưng trời vút cao
Biệt ly lệ đẫm má đào
Sắc thu ảm đạm đượm màu thê lương

Thơ & Ảnh: Kim Phượng

Le Vase Brisé (Sully Prudhomme ) - Bình Bông Rạn Nứt


Le Vase Brisé

Le vase où meurt cette verveine
D'un coup d'éventail fut fêlé
Le coup dût l'affleure à peine
Aucun bruit ne l'a révelé
Mais la légère meurtrissure
Mordant le cristal chaque jour
D'une marche invisible et sûre
En a fait lentement le tour
Son eau fraîche a fui goutte à goutte,
Le suc des fleurs s'est épuisé
Personne ne s'en doute
N'y touchez pas, il est brisé
Souvent aussi la main qu'on aime
Effleurant le coeur, le meurtrit,
Puis le coeur se fend de lui-même ,
La fleur de son amour périt.
Toujour intact aux yeux du monde,
Il sent croître et pleurer tout bas
Sa blessure fine et profonde:
Il est brisé, n'y touchez pas

Sully Prudhomme
***
Lược Dịch:
Bình Bông Rạn Nứt

Bình hoa cắm mã tiên héo úa
Nhài quạt ai đã lỡ chạm vào.
Đụng sơ cứ tưởng không sao
Chẳng ai nghe tiếng động nào vọng ra.

Vết thương ngầm tưởng là rất nhẹ,
Chất pha lê cắn xé mỗi ngày
Vô hình mà chắc chắn thay
Bình bồng vết nứt tròn xoay đủ vòng.

Nước tươi mát rịn xong mỗi giọt
Nhựa nuôi hoa trong đọt mỗi khô
Thôi còn chi nữa mà ngờ:
Bình bông đã rạn, chạm vô xin đừng

Đôi khi tay ta từng yêu mến
Chạm sơ mà chết điếng tim ta!
Con tim nứt rạn mãi ra
Hoa tình ủ rũ phôi pha héo tàn

Nguyên si trước mắt phàm nhân thế
Vết thương sâu vi tế nẩy trồi
Tỉ tê chỉ khóc thầm thôi
Con tim rạn nứt chạm chơi xin đừng
Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Thu Hỡi



Xướng:
Thu Hỡi

Heo may lành lạnh chạm vai gầy
Thu của năm nào lãng đãng đây
Ghế đá chơ vơ lòng chạnh nhớ
Công viên quạnh quẽ lệ rơi đầy
Trào dâng ngọn bút dư âm lại
Khuất động hồn thơ giấc mộng xây
Thu hỡi rằng thu thu đã chết
Tình này theo gió nhốt vào mây 

Kim Phượng
***
Họa:
Thu Xưa

Sương mờ bàng bạc, ánh trăng gầy
Gợi chút Thu xưa một thoáng đây
Nỗi nhớ trao người đà chất ngất
Cây si rụng lá đã đong đầy
Công viên chứng kiến lời yêu ngỏ
Ghế đá trông chờ hạnh phúc xây
Tình thuở học trò chân thật thế
Mà nàng hờ hững, gió vờn mây...

Duy Anh
Florida.09/05/2019
***
Hương Thu Xưa

Sương lạnh đêm Thu phủ dáng gầy
Chợt buồn thấy lá rụng quanh đây
Ngùi thương nữa kiếp còn phiêu lãng
Chạnh nhớ cuộc tình mãi đấp xây
Mơ ước bên nhau chưa tròn mộng
Niềm đau xa xứ cứ đong đầy
Hương xưa bãng lãng hồn thơ dậy
Vương vấn u hoài sợi tóc mây

Song Quang
( Chớm Thu 2019)

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Thơ Tranh: Tô Thắm Cuộc Đời


Thơ&Hình Ảnh: Nguyễn Cao Khải
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tô Thắm Cuộc Đời



Buổi sáng hôm đó khoảng 10 giờ mà đóa quỳnh vẫn còn tươi.
Đúng ra thì sau khi nở vào khuya và đã rũ tàn sáng hôm sau đó. 

Bài Xướng:

Tô Thắm Cuộc Đời

Nắng mai rạng cánh trắng tinh
Không tàn như các đóa quỳnh đêm qua
Đầu mùa khoe dáng mượt mà
Đong đưa theo gió kiếp hoa hữu tình

Nguyễn Cao Khải
Ảnh: Nguyễn Cao Khải

***
Cảm Tác & Họa:

Y Đề

Hoa quỳnh mở cánh trắng tinh
Điểm tô nhan sắc bình minh rạng ngời
Đêm tàn hoa vẫn còn tuơi
Phải chăng lưu luyến tình người, tình hoa?


Khánh Hà
***
Dáng Quỳnh


Vườn đêm đóa nở mới tinh
Thơm len dìu dịu hương quỳnh thoảng qua
Bình minh! Ồ vẫn tươi mà
Run run cánh mỏng dáng hoa diễm tình.

Kim Oanh
***
Quỳnh Hương


Lung linh màu nắng thủy tinh
Vẫn còn e ấp hương quỳnh thoảng qua
Nụ chờ khép nép mặn mà
Giữa đêm thinh lặng hương hoa gợi tình

Kim Phượng

Cụ Rùa - Vịnh Con Rùa



(Cảm tác từ Ảnh &Ký sự về Đảo Isabela, Galápagos - Tác Giả Phạm Văn Bân)

Rùa thiêng được phái xuống trần gian
Lấy việc từ bi để cứu nàn
Tháp tùng Âu Cơ sinh hạ trứng
Long , Ly , Quy , Phượng ,Tứ Linh vàng
Trùng dương vẫn giúp người đi biển
Hoàn Kiếm dâng gươm tiếng đã vang
Thọ xếp hàng đầu muôn vật sống
Quy y cảnh Phật thú thanh nhàn 


Locphuc
***
Vịnh Con Rùa

* Cảm hứng từ bài Cụ Rùa

Hán tự cho mày một chữ: Qui
Con rùa , ấy nghĩa Vietnamese
Nỏ thần cứu nước: công lừng lẫy
Kiếm bạc dâng vua: tích diệu kỳ
Cẳng ngắn quơ quào khi tiến, thoái
Mu dầy bảo bọc lúc an, nguy
Co đầu, rụt cổ: anh hùng gớm!
Lật ngửa : quay lơ - hiển hách gì?

Hồ Khiên

Những Bàn Tay



Có một lần nắm tay em yêu
Mười ngón kiêu sa, vẽ diễm kiều
Đột nhiên em hỏi: Anh từng nắm
Những bàn tay trước đã bao nhiêu?

Ồ! Những bàn tay tôi từng nắm
Làm sao kể hết được ra đây?
Bàn tay của mẹ trước hơn cả
Rồi tới của cha thuở chào đời.

Bốn bàn tay ấy quên sao được?
Dìu dắt tôi khi chập chững đi
Uốn nắn cho tôi từng nét chữ
Chùi mắt khi tôi khóc tỉ tê...

Lớn lên tôi được nắm bàn tay
Của người con gái rất yêu đời
Tà áo thướt tha màu trinh bạch
Tên gọi Nàng Y, đức sáng ngời

Tôi vốn là kẻ có máu tham
Duyên số nắm thêm tay một nàng
Tôi với Nàng Thơ chung sở thích
Vơ vẩn cùng mây với gió trăng.

Còn bao tay nữa sao kể hết
Bạn hữu đường đời qúy biết bao
Bắt tay để rồi chia tay mãi
Biết tới ngày nào gặp lại nhau?

Chỉ một bàn tay tôi nắm mãi
Là bàn tay tôi đang nắm đây
Mai này sẽ cho tôi gối ngủ
Một giấc ngàn thu thật đã đời...

Hoàng Xuân Thảo

Quand Tu Dors Pres De Moi - Françoise Sagan



Yves Montand Chante:
“Quand Tu Dors Près De Moi"
(Aimez vous Brahms?)
Paroles: Françoise Sagan. Musique: Marc Heyral

Quand tu dors près de moi
Tu murmures parfois
Le nom mal oublié
De cet homme que tu aimais

Et tout seul près de toi
Je me souviens tout bas
Toutes ces choses que je crois
Mais que toi, couchée, tu ne crois pas

Les gestes étourdissants
Etourdis de la nuit
Les mots émerveillés
Merveilleux de notre amour

Si cet air te rejoint
Si tu l'entends soudain
Je t'en prie, comme moi
Ne dis rien, mais rappelle-toi, chérie.

Françoise Sagan
***
Dịch Thơ:

Khi Em Ngủ Kề Bên Anh

Nằm ngủ kề bên nhau
Trong mơ em thì thào
Tên người chưa quên hẳn
Một lần tình em trao.

Bên em dù độc chiếm
Âm thầm nghĩ sắc sâu
Những gì anh mơ ước
Em ngủ, chẳng chung sầu.

Dáng em làm ngây ngất
Ngất ngây của đêm sao
Tiếng lời êm huyền diệu
Tuyệt vời tình của nhau.

Nếu chợt em thổn thức
Với điệu nhạc ngày nào
Anh van em chớ nói
Hãy nhớ tình thương đau.


Phí Minh Tâm



Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Thơ Tranh: Rồi Mai


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mưa Paris



Mưa Paris giọt buồn rơi thánh thót
Cơn mây chiều giăng nỗi nhớ quê hương.
Thu đến sớm lá hôm qua vàng vọt,
Gió nửa khuya rụng nhiều chiếc bên đường!
Mưa mãi dột trên phận nghèo rách tả,
Lên mảnh đời phiêu bạt trắng ước mơ!
Tháp Effel lặng yên hồn ta ngả,
Khải Hoàn Môn quen những gót ơ thờ!
Mưa trút nước Paris nhòa phong cảnh,
Trời vào thu gía buốt tiết mùa đông.
Trong quán ấm điếu thuốc tàn vẫn lạnh
Ngoài công viên rét mướt mấy nụ hồng!
Mưa thổn thức ôm nỗi lòng phố Huế
Nhìn sông Seine mà ngỡ nưuớc sông Hương
Đây thành quách vết thời gian trầm phế,
Thời hoàng kim ôi một thoáng vô thường!
Mưa Hà Nội bỗng chợp chờn lối ngõ
Phố cổ xưa màu sắc lẫn Paris.
Đã lâu lắm quên mùa xuân tuổi nhỏ,
Chưa một lần về lại chốn ra đi!
Mưa rả rích Paris càng thơ mộng
Thương Sài Gòn mưa ngập lối nhà em.
Lá me rơi con dường tình gió lộng,
Áo em bay thơ một thuở say mèm!
Rượu không uống mà hồn ta bỏng cháy
Chút tình quê nào ai hiểu lòng ta!
Sông uấn khúc ngược hai dòng vẫn chảy,
Đời quanh co, mưa vỡ trên phím ngà!


Đỗ Bình

Mưa Cuối Thu



Bài Xướng:

Mưa Cuối Thu


Mưa thu tưới những mầm sầu
Lá vàng lác đác đổi màu lối xưa
Tình yêu đọng những hương thừa
Mầm sầu ấp ủ hương xưa nhạt màu
Mưa tình trút những cơn đau
Đôi vai trĩu nặng tim trào xót xa
Hàng cây chín lá tàn hoa
Cơn mưa ngày cuối xót xa lá vàng

Kim Phượng
***
Bài Họa

Mưa Tình Cuối Mùa Thu


Mưa tình ướt đẫm Thu sầu
Có làm tươi lại sắc màu hương xưa ?
Cho xin một chút âm thừa
Đêm về đem ướp tình xưa đượm màu
Giọt Thu có xóa thương đau ?
Canh trường nhớ mãi...lệ trào tình xa
Mong đừng tàn tạ đời hoa
Để không lá héo cành xa úa vàng

songquang

***
Muôn Chiều Gió Thu

Gió lay … lay nhẹ phiến sầu
Vàng thu sắc lá thay màu phố xưa
Đêm nay rơi giọt mưa thừa
Nhòa tan hương mộng mơ xưa biếc màu
Sông tình trôi nổi tim đau
Sông thơ buồn nhớ dâng trào bờ xa
Mưa thu úa lá rụng hoa
Muôn chiều gió cuốn bay xa mộng vàng!


Yên Dạ Thảo
19.09.2019



Nhớ Bạn Thơ



Bài Xướng:

Nhớ Bạn Thơ


Nhớ buổi ban đầu kết bạn thơ
Nhớ trao xướng họa chẳng phai mờ
Nhớ con suối mộng hoa còn nở
Nhớ cảnh vườn thi nguyệt vẫn chờ
Nhớ mảnh trăng gầy duyên hổng vợi
Nhớ tình nghĩa thắm mộng hoài mơ
Nhớ dòng kỷ kiệm nàng thu hỡi!
Nhớ buổi ban đầu, nhớ bạn thơ,,! (*)

Đức Hạnh

04 09 2019

(*) Chủ đề bài xướng: về tình bạn…
Cứ mỗi lần Facebook kỷ niệm những bài thơ, xướng họa của một thời cùng bạn bè, bây giờ chỉ còn trong kỷ niêm
Có lẽ vì một lí do nào đó, bạn đã giã từ cuộc chơi .
Trong nỗi niềm nhớ nhung, bài xướng đã nẩy sinh …dù lời văn khô cằn…nhưng nó xuất phát từ tâm hồn của một Tình bạn..!

***
Các Bài Họa:

Say Mê


Say tình nên tập tểnh làm thơ
Say nét hương yêu chẳng xóa mờ
Say mái tóc huyền luôn mộng tưởng
Say bờ môi ngọt mãi mong chờ
Say rèm mi mướt gieo thương nhớ
Say ánh mắt buồn tạo ước mơ
Say giọng ngọt ngào êm giấc ngủ
Say tình nên tập tểnh làm thơ./.

Nguyên Trần
Toronto 4/9/2019
***
Yêu Thơ

Yêu Đường Thi đẹp quá nên thơ
Yêu đã bao năm chẳng nhạt mờ
Yêu mỗi từ hay thanh tựa ngọc
Yêu từng cặp đồi vẹn như mơ
Yêu vần lưu loát tuôn dòng chảy
Yêu ý miên man gọi bút chờ
Yêu mến bạn bè vui xướng họa
Yêu Đường Thi đẹp quá nên thơ

Sông Thu
04 09 2019
***
Nhớ Bạn Thơ

Chúc ngày gặp gỡ để hòa thơ
Cuộc sống lên hương, nghĩa chẳng mờ!
Lấy chữ tả tình làm vận mở
Chọn từ hướng thiện gợi niềm mơ
Bốn mùa ao ước hoa đào nở
Sáu khắc lao xao bạn hữu chờ
Gửi rượu nhờ anh Phây búc chở
Chúc ngày gặp gỡ để hòa thơ!

Tau Dotrong
Bắc giang, 04/9/2019
***
Thương Nhớ

Thương nhà,nhớ bạn viết thành thơ
Thương ráng chiều phai khuất núi mờ
Thương lúc tan trường bầy trẻ đợi
Thương khi vãn chợ các em chờ
Thương mây lãng đãng gom vần mộng
Thương gió lang thang góp ý mơ
Thương đến vô vàn,khôn lệ rứt
Thương nhà nhớ bạn viết thành thơ!

Thanh Hoà
04 09 2019
***
Tình yêu

Tình yêu muôn thuở chất đầy thơ
Tình đến đời tươi đẹp phủ mờ
Tình chạm ngõ hồn luôn ngóng đợi
Tình vương tâm khảm mãi mong chờ
Tình trao hương ái ngày ươm mộng
Tình trải nghĩa ân tối dệt mơ
Tình tiếc nuối hoài khi lỡ cuộc
Tình đầy trọn vẹn... cạn nguồn thơ!


Phương Hoa
Sep 4th 2019
***
Duyên Thơ

Cư trần may gặp mối duyên thơ
Thanh tỏ tri giao vén nguyệt mờ
Chẻ chữ trau câu mừng gởi lại
Kén vần chuốt ý thỏa mong chờ!
Khai thông trí tuệ bừng hoa thắm
Bay bổng tâm hồn lộng gió mơ !
Ngộ đấy say đâu là "khổ" đấy
Tấm thương vời vợi nhớ người thơ.

Nguyễn Huy Khôi

04 09 2019
***
Viết Bài Thơ

Chiều hôm buồn tủi, viết bài thơ
Gữi bạn tri âm chốn bụi mờ
Một thoáng quê nhà còn bịn rịn
Nửa vòng trái đất vẫn mong chờ
Xóm làng bỏ lại, đời phiêu bạt
Lối cũ đi về, giấc mộng mơ
Góc biển chân trời còn lận đận
Cội nguồn thương nhớ, viết bài thơ

Thanh Trương
04 09 2019
***
Thương…

Thương người gởi trọn hết tình thơ
Thương phố chiều mây trắng phủ mờ
Thương để từng đêm thao thức đợi
Thương cho những tối ngẩn ngơ chờ
Thương ngày ly biệt hoài mong nhớ
Thương buổi chia lìa mãi mộng mơ
Thương biết bao giờ phai nhạt hỡi?
Thương người gởi trọn hết tình thơ

Cư Nguyễn
04 09 2019
***
Gửi

(Đáo Họa “Thương” - Cư Nguyễn)

Gửi đóa bông hồng đẹp ngõ thơ
Gửi vần sáng tỏ nghĩa không mờ
Gửi dòng suối mộng ngàn hoa nở
Gửi cánh tình yêu bạn hữu chờ
Gửi bạn giao hòa tâm mãi nhớ
Gửi lòng quí trọng nghĩa hằng mơ
Gửi vườn kỷ niệm vui ngàn thuở
Gửi đóa bông hồng đẹp ngõ thơ

Đức Hạnh
05 09 2019
***
Thôi

Thôi thì cứ việc nhớ nàng thơ
Thôi hết bâng khuâng chữ nghĩa mờ
Thôi chẳng nâng niu niềm muộn tủi
Thôi đành gói ghém nỗi trông chờ
Thôi tung vần cạn mơ hồ giận
Thôi viết tình buồn lặng lẽ mơ
Thôi sẽ mỉm cười rồi lẩn thẩn
Thôi vì nản quá chán nàng thơ...

Cao Mỵ Nhân
Hawthorne 5 - 9 - 2019
***
Sao
(Đáo họa“Thôi”- Cao Mỵ Nhân)

Sao vẫn tươi cười tỏa cánh thơ
Sao ai! Cứ tưởng đã lu mờ !?
Sao trời sáng tỏ - trời thơ đợi
Sao cảnh u buồn - cảnh bạn chờ
Sao lẩn ngàn mây nàng Nguyệt giận
Sao chào quý hữu tiếng lòng mơ
Sao thường lạc lối khi ngày bão*
Sao vẫn tươi cười tỏa cánh thơ.

Đức Hạnh
05 09 2019
***
Yêu Thơ

Vui đời tuổi hạc thích nàng thơ
Gói ghém tim yêu đẹp chẳng mờ
Khoả bút tâm hồn xuân rạo rực
Tràn nghiên ý tưởng hạ mong chờ
Bâng khuâng nắng gió trôi bờ mộng
Lặng lẽ mây trời dạt bến mơ
Bóng gọi đêm sâu vời ảo giác
Êm đềm hạnh phúc tỏ tình thơ

Minh Thuý
9/5/2019
***

“Họa tá vận 4 vần”

Lũ về tước rách lạc vần thơ
Lũ hắt bóng quê tối mịt mờ
Lũ ném cố hương nằm ngóng đợi
Lũ quăng bản quán cúi mong chờ
Lũ chằm giọng nói khan lời mộng
Lũ tẩm tiếng cười cạn giấc mơ
Lũ đọng thân Cha hằn khốn khổ
Lũ đi hồn Mẹ thấm bơ phờ

Như Thị

05 09 2019
***
Nhớ Bạn Thơ

Nhớ hồi kết bạn xướng hòa thơ
Nhớ cảnh giao lưu nỏ nhạt mờ
Nhớ đỗi quyện tình hoa nảy nở
Nhớ lần lưu nghĩa mộng mong chờ
Nhớ dòng sẻ thuận luôn hoài ngóng
Nhớ nỗi sớt thông mãi trao mơ
Nhớ những niềm yêu lòng phấn khởi
Nhớ vườn kỷ niệm ngát hồn thơ…!

Dục Au

05 09 2019
***
Kết Tình Thơ

Bạn bè đồng cảm kết tình thơ
Họa xướng giao lưu nỏ chẳng mờ
Mến ý trao qua hoài mãi đợi
Lời thương gửi lại cứ luôn chờ
Câu thơ ngẫu hứng đưa người mộng
Cuộc sống dâng tràn đến kẻ mơ
Đậm thắm buồn vui mong hội ngộ
Cho đời đẹp đẽ giữa ngàn thơ

Hương Thềm Mây

05 09 2019
***
Nốt Nhạc Yêu

Mong đợi anh hoài gởi tứ thơ
Mong xuân hẹn ước chẳng lu mờ
Mong ào ạt khỏa ngàn câu nhớ
Mong sắt son gìn vạn chữ mơ
Mong vẫn tìm vui hòa nhịp thở
Mong ghi giọng hát để luôn chờ
Mong tròn ý bạn đàn không nhỡ
Mong đợi anh hoài gởi tứ thơ

Hằng Nga
05 09 2019
***
Mong Họa Thơ Chàng

Mong rằng xướng hoạ với chàng thơ
Mong kết hoà giao chẳng nhạt mờ
Mong nghĩa trao ngời bao ý mở
Mong tình dệt thắm những dòng mơ
Mong ngàn chữ đẹp màu hoa nở
Mong vạn bài hay bạn hữu chờ
Mong buổi làm quen này mãi nhớ
Mong rằng xướng hoạ với chàng thơ

Nàng Thơ PLTT
05 09 2019
***
Yêu

Yêu đời tôi mượn những vần thơ,
Yêu ánh mắt dân khóc lệ mờ.
Yêu tiếng anh buồn niềm hãi sợ,
Yêu câu chị tiếc nỗi mong chờ.
Yêu thời quá khứ ông nhung nhớ
Yêu buổi tương lai cháu mộng mơ.
Yêu đến bao giờ không biết nữa!
Yêu đời tôi mượn những vần thơ.

Tony Nguyễn
NY, Sep 05, 2019
***
Thương…


Thương em tập tểnh bước vào thơ
Thương buổi hẹn nhau đứng đợi chờ
Thương nhớ đong đầy dâng khoé mắt
Thương tình tràn ngập giữa đêm mơ
Thương cành hoa dại hương đang nở
Thương bóng nguyệt khuya khói phủ mờ
Thương lắm đường yêu nhiều kỷ niệm
Thương hoài ....cho đến hết nguồn thơ

songquang

20190904
***
Nhớ Tình Thơ


Nhớ ngày xướng họa kết thành thơ
Nhớ cảnh đêm trăng khó xóa mờ
Nhớ bến sông xưa cây liễu đợi
Nhớ thơ tình cũ mực nghiên chờ
Nhớ đêm giã biệt ...thương rồi mộng
Nhớ buổi tương phùng... yêu đến mơ
Nhớ xuyến xao ôm từng kỷ niệm
Nhớ ngày xướng họa kết thành thơ

Hoành Châu (Vĩnh Long)

05 09 2019
***
Quốc Thương Thi

Thương đời nắn nót mấy vần thơ

Thương nước yêu non dạ chẳng mờ
Thương Dõng chưa bày câu thất đợi
Thương Tâm khó trải vận nêm chờ
Thương người mặc khách luôn nuôi mộng
Thương hội tao đàn mãi dệt mơ
Thương chén khải hoàn mong chuốc cạn
Thương nhà nên chí gửi vào thơ.

Sáu Miệt Vườn
05/9/2019
***
Ngẫm


Ngẫm lại ngày nao ghé hội thơ
Ngẫm bao ký ức khó phai mờ
Ngẫm cơn gió thoảng gieo vần đợi
Ngẫm giọt mưa sa hoạ xướng chờ
Ngẫm luỵ hình năm canh tưởng nhớ
Ngẫm say bóng sáu khắc thầm mơ
Ngẫm thuyền chếnh choáng trên sông nước
Ngẫm ánh trăng ngà dệt tứ thơ

Phượng Hồng
05 09 2019
***
Nhớ

Nhớ lại ban đầu gặp bạn thơ
Nhớ bao kỷ niệm chẳng phai mờ...
Nhớ "Vườn Thơ Thẩn" tình tương trợ
Nhớ bạn tri âm nghĩa đợi chờ
Nhớ mối duyên tơ luôn trộm ước
Nhớ ai thi hữu vẫn thầm mơ...
Nhớ người chân thật ân cần nhứt
Nhớ bậu tâm giao góp ý thơ...

Mai Xuân Thanh
Ngày 05/09/2019
***
Nói Với Bạn Thơ

Nhớ rõ rằng mình thích họa thơ
Nhớ sao người xướng ảnh hơi mờ
Nhớ vơ nhớ vẩn bao bia bỏ
Nhớ vẩn nhớ vơ bán dạ chờ
Nhớ sớm cùng hôm meo gõ gửi
Nhớ đề với tứ bút ngồi mơ
Nhớ hung thì lại dài hơi thở
Nhớ rõ rằng mình thích họa thơ .

Trần Như Tùng

06 09 2019
***
Thương Bạn Thơ
(Đáo họa – “Nói Với Bạn Thơ” - Trần Như Tùng)

Thương người vạch lá.. để gièm thơ
Thương kẻ vì sao? mắt lại mờ !
Thương bạn mù khơi tình chẳng nở
Thương phường tối dạ nghĩa không chờ
Thương lòng đố kị luôn than thở…
Thương bọn mơ mòng hổng ước mơ
Thương những chân thành, tâm chớ dở
Thương người mở rộng tấm lòng thơ.

Đức Hạnh
06 09 2019
***
Duyên Thơ

Vui cùng thi hữu hoạ vần thơ
Vui với tao nhân chẳng nhạt mờ
Vui lúc nâng bầu thơ mới ngỏ
Vui khi cạn chén tứ đương chờ
Vui nhìn trăng gió hồn tha thướt
Vui ngắm mây trời cảnh mộng mơ
Vui buổi đàm văn trên mộng ảo
Vui cùng thi hữu hoạ vần thơ

Lãng Lê Nho
06 09 2019
***
Khung Trời Kỷ Niệm

Gọi về viễn xứ vọng trời mơ
Gọi đến ngàn xa nhạt nắng mờ
Gọi tiếng hồng hoang vừa cảm xúc
Gọi tình bất chợt đã nuông chờ
Gọi ngàn hữu ý đầy mong đợi
Gọi mãi tâm tình khoảng dấu mơ
Gọi giấc thi ca cùng hợp tấu
Gọi bài xướng hoạ ngát hồn thơ .

Tuan Nguyen
06 09 2019
***
Nhớ Nàng Thơ

May mà kết nối với nàng thơ
Mới thấy đời ta bớt nhạt mờ
Kẻ ở người đi lòng trót nhớ
Tình mong trăng đợi dạ trông chờ
Thương ai dáng nhỏ thời thơ ấu
Ngắt cánh hoa vàng tuổi mộng mơ
Xin gởi tâm tư về chốn ấy
Đôi dòng lẩn thẩn với nàng thơ!

Thiên Hậu
07 09 2019
***
Cảm

Cảm kích tương phùng mến bạn thơ
Cảm trăng sáng tỏ nghĩa không mờ
Cảm hoa tao nhã tình luôn gọi
Cảm bút hồng tươi nghĩa mãi chờ
Cảm ý ru hồn ngời biển mộng
Cảm tình nở tứ đẹp vườn mơ
Cảm cùng quý hữu hòa trăng nước
Cảm thích thu về đượm tiếng thơ.

Minh Khang
07 09 2019
***
Tình Thơ


Thơ vườn kỷ niệm nhớ tình thơ
Thơ nở ngàn hương mộng chẳng mờ..
Thơ nghĩa chân thành không cách trở
Thơ tình sáng tỏ mãi thương chờ
Thơ còn ước vọng ngời non nước
Thơ đã giao hòa đẹp giấc mơ
Thơ trải niềm vui cùng quý hữu
Thơ vườn kỷ niệm nhớ tình thơ.

Hồng Xuyến
07 09 2019

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Thơ Tranh: Ba Sinh Hương Lửa


Thơ: Yên Nhiên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Thu Và Cố Nhân



Em đi rồi buồn ơi se thắt
Cả khung trời trắng xóa màu tang
Sắc đẹp vàng son đời vô nghĩa
Lòng anh một nỗi nhớ miên man...

Và từ đó hồn anh giao động
Nhớ thương em lạnh buốt linh hồn
Trong mắt em dường như xa vắng
Ta lạc vào nỗi nhớ mênh mông ....

Mắt dõi trông dáng em mờ ảo
Nhạt dần theo tia nắng hoàng hôn
Lòng cuồng si chập chờn mộng ảo
Nỗi sầu thương tràn ngập linh hồn!

Thôi là hết còn ai thương nhớ
Rặng liễu buồn ủ rủ thê lương
Những cánh chim co mình trong lá
Gió buồn hiu thỏ thẻ vấn vương

Em đi rồi còn ai san sẻ
Mùa Thu nào em nhớ_Lá Thu bay....

Mặc Khách

Tình Si



Xướng:

Tình Si

Chiều chiều qua ngõ Cầu Lầu(*)
Mỗi buổi tan học ai hầu theo sau
Tội nghiệp mình hổng đi mau
Thế mà run rẩy tim nhào lăn quay
Gió trêu đôi vạt áo bay
Không cột không thắt sao ai cuống giò
Gió đùa mái tóc thơm tho
Hương lòng say ngất tẽn tò người si...

Kim Oanh
* Cầu Lầu ở Vĩnh Long

***
Các Bài Họa & Cảm Tác:

Đố

Ngõ vương hơi ấm Cầu Lầu *
Để ai đắm đuối "ai hầu" phía sau?
Nghe tim loạn nhịp đổ mau
Mắt lùa lá thắm trên đầu quay quay
Chạm vào tà áo trắng bay
Không dây-tình trói đắm say đến giờ
Ửng hồng môi má,...thẹn thò
Đố ai mua được tẽn tò Tình Si?...

20-8-2019
Nguyễn Huy Khôi
***
Cao Lầu

Sớm mơi qua tiệm cao lầu
Ngó nghiêng ai đó âu sầu bước sau
Giật mình định vội sải mau
Mà sao vạt áo tím màu cứ quay
Nón thêu quai rộng muốn bay
Tay kềm, tay chặn loay hoay quẩn giò
Thương người cùng xứ Mỹ Tho
Chân đi chậm lại đợi "trò" trồng si!!!

Lộc Bắc
Sep2019
***
Tình Si

Chiều nghiêng mấy nhịp Cầu Lầu
Tan trường thoáng bóng người hầu phía sau
Giả vờ bước nhẹ không mau
Mà lòng run ngỡ lăn nhào té quay
Gió đưa tà áo nghiêng bay
Khi không lại cột tim ai chậm giò
Dại khờ giọt nắng thơm tho
Hàng cây ngó xuống tẽn tò tình si

Trầm Vân
***
Tỉnh Mộng

Người ta yểu điệu xuống lầu
Bồi hồi dạ nhủ nguyện hầu trước sau
Thấy nàng anh vội đến mau
Không ngờ có kẻ chạy nhào ngã quay
Đóa hồng tơi tả lượn bay
Bờ môi tủm tỉm nhìn ai trẹo giò!
Ngượng ngùng xấu hổ chịu tho
Tội gì cứ mãi tò tò cây si?

Như Thu
*** 
Tình Học Trò

Đường về anh đã thuộc lầu
Liếc theo mái tóc cắm đầu bước sau
Vì thương nàng chẳng bước mau
Không say sao thấy cái đầu quay quay ...
Chập chờn tà trắng vờn bay
Gió lay,quấn quýt vương ngay cặp giò
Phải anh quê quán Mỹ Tho?
Nổi danh nơi đó nhiều vò rượu si!

Thanh Hoà
***
Dáng Ngọc Bên Lầu

Đắm say dáng ngọc bên lầu
Khách thầm mong được theo hầu cạnh sau
Ước gì nàng xuống đây mau
Tim ta nhịp loạn lộn nhào cuồng quay
Nhìn kia tóc mượt mà bay
Đứng chôn chân cứng như ai cầm giò
Diễm kiều con gái Mỹ Tho
Mềm lòng người mới tập tò mê si

Phương Hoa
Sep 17th 2019
***
Si Tình

Tình yêu ước mộng chung lầu…
Tình hòa biển nhớ trăng hầu ngõ sau
Tình yêu nhịp trái tim mau
Tình say trái đất cũng nhào lộn quay
Tình reo trải cánh tung bay
Tình buồn thổn thức thương ai dặn dò
Tình cho cuộc sống thơm tho
Tình yêu nỗi nhớ tẽn tò tình si…

Đức Hạnh
17 09 2019
***
Tình Si 

Con đường anh đã thuộc làu
Chân theo chân bước bám hầu phía sau
Em đi chậm rãi chẳng mau
Mà sao luýnh quýnh muốn nhào ngã quay
Đường chiều gió thổi tà bay
Nghe lòng vướng víu liếc ai vấp giò
Hình như bóng vẫn thập thò
Thì ra chàng vẫn tò tò thả si


Minh Thuý
9/17/2019
***
Mộng Tình Si

Chiều qua em đứng trên lầu
Học về ngó thấy,nghiêng đầu nhìn theo
Nghĩ mình thân phận nhà nghèo
Làm sao dưới đất mà trèo lầu cao
Đêm về lòng mãi nao nao
Khiến cho tim phải lộn nhào té quay
Chắc rằng “ người ấy” nào hay
Hương yêu bén rễ đợi ngày tình si...
Bây giờ đôi ngã phân ly
Chỉ là kỷ niệm,nhắc chi thêm buồn...

songquang
20190917
***
Tình Chớm

Rằng ngày em ở Cầu Lầu
Tâm chay mà vẫn có " Hầu Tước " theo
Học trò nào dám trả treo
Tuy im , lòng chẳng chịu nghèo xốn xang
Gót xuân líu quíu rộn ràng
Người ơi!sao để ...ngổn ngang thế này?
Thiếu điều em muôn lăn quay
Bắt đền anh đấy, mặt gay đỏ bừng
Thế rồi, bỗng vắng..." người dưng "
Anh đâu ?....Hạ vắng , tưng bừng lá bay !

Locphuc
***
Mơ Tưởng

Ai ơi! Nhớ quá Cầu Lầu,
Gió hiu hiu thổi cuối đầu theo sau.
Quay nhìn nàng vội đi mau,
Tôi tim ngơ ngẩn cột cào quay quay.
Tóc nàng rối rắm xõa bay,
Chân theo hớt hãi như ai cột giò.
Hương ngây ngất thoãng thơm tho,
Nhìn tôi ai cũng tưởng trò “tình si!”
Bâng khuâng chẳng dám nói gì,
Vì yêu cố gắng bước đi Cầu Lầu.

Hồ Nguyễn
(19-9-2019)

Tiếng Hát Nghĩa Tình



Ta lại ngồi đây quán cà phê
Hồn lâng lâng giọt nắng vàng hoe
Họp mặt thầy trò vui nối kết
Ấm tình sư đệ nghĩa bạn bè

Ta lại ngồi đây hát với nhau
Tiếng hát câu ca nối nhịp cầu
Khúc Tình Ca vọng lời non nước
Bụi Phấn , tóc thầy bám rất lâu

Ta lại ngồi đây hát khúc buồn
Đêm Đông tiếng hát ngút mù sương
Đêm Tàn Bến Ngự chèo thương nhớ
Mắt Biếc nghiêng Chiều ru vấn vương

Ta lại về đây Khúc Nhạc Vui
Ô Mê Ly điệp khúc yêu đời
Say tình Say nghĩa say lòng mới
Trăng Sáng Vườn Chè sáng nụ môi...

Ta lại về đây với nghĩa tình
Với trường xưa nỗi nhớ lung linh
Ly cà phê khuấy lời thương mến
Mái tóc bạc buồn muốn trở xanh

Trầm Vân

Cầm


CẦM 琴 là Cây Đờn (Đàn). Như Lục Huyền Cầm 六絃琴 là cây Đàn có 6 dây. CẦM SẮC 琴瑟 là Hai loại đàn ngày xưa và như câu thơ đầu tiên trong bài CẨM SẮC 錦瑟 (Đàn gấm) của Lý Thương Ẩn là : CẨM SẮC vô đoan ngũ thập huyền 錦瑟無端五十弦. SẮC là cây đàn có đến 50 dây. CẦM SẮC là hai nhạc cụ thường dùng trong hòa tấu âm nhạc cho ra âm thanh hòa hợp rất hay, nên còn được ví với vợ chồng hòa thuận, chồng hát vợ họa theo ( Phu xướng phụ tùy 夫唱婦隨) với lời chúc nhau trong các đám cưới đám gả là CẦM SẮC HÒA HÀI 琴瑟和諧 hay SẮC CẦM HẢO HỢP 瑟琴好合. Vì các ý nghĩa trên, nên...

CẦM SẮC 琴瑟 còn có nghĩa bóng là tình VỢ CHỒNG, và CẦM KỲ 琴棋 (Đàn và Cờ) có nghĩa là tình bè bạn. Như khi Kim Kiều tái hợp, mặc dù đã bái đường với nhau, nhưng Thúy Kiều năn nỉ Kim Trọng đừng động phòng với lý do:

Chữ TRINH còn một chút nầy,
Chẳng cầm cho vững lại vầy cho tan! 
nên cô khuyên Kim Trọng :
Chàng dù nghĩ đến tình xa,
Đem tình CẦM SẮC đổi ra CẦM KỲ! 

Kim Trọng đã chìu theo ý của Thúy Kiều không động phòng trong đêm đó, nhưng không biết ngày tháng dài lâu, những đêm sau nầy sẽ ra sao ?!... 

Ta còn có từ CẦM ĐÀI 琴台 là Cái Giá để đặt cây đàn; CẦM ĐÀI còn là nơi mà Tư Mã Tương Như đã đàn khúc Phượng Cầu Kỳ Hoàng để đánh động lòng ái mộ của nàng Trác Văn Quân xinh đẹp. Nên CẦM ĐÀI là từ kép để chỉ Nghề đàn giỏi hoặc Khúc đàn hay, như khi Kim Trọng muốn Thúy Kiều đàn cho mình nghe thì đã khẩn khoản là :
Rằng : Nghe nổi tiếng CẦM ĐÀI,
Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ.

Ngoài CẦM ĐÀI, ta còn có CẦM ĐƯỜNG 琴堂 là Ngồi trên công đường mà gãy đàn, theo xuất xứ với tích sau đây:

Sách Lã Thị Xuân Thu thời Chiến Quốc: Mật Tử Tiện 宓子贱 học trò của Khổng Phu Tử khi làm quan ở đất Đan Phụ (Nam Huyện của tỉnh Sơn Đông hiện nay). Mỗi ngày ông chỉ ngồi trên công đường gãy đàn mà xử lý rất tốt tất cả mọi việc trong huyện. Còn Vu Mã Kỳ thì phải thức khuya dậy sớm, đi sớm về muộn, vất vả bận rộn suốt ngày, cũng xử lý huyện Tứ Phụ rất tốt. Vu Mã Kỳ mới hỏi Mật Tử Tiện là duyên cớ làm sao mà ta thì vất vả còn ông thì an nhàn khi công việc cũng như nhau ? Mật Tử Tiện mới đáp rằng: " Cách của ta làm là biết sử dụng nhân tài, còn cách của ông là sử dụng sức lực. Đương nhiên sử dụng sức lực sẽ vất vả hơn sử dụng nhân tài nhiều !" Mật Tử Tiện giữ cho tâm bình khí ổn, tai mắt tinh tường, tinh thần minh mẫn, nên xử lý mọi việc một cách nhanh chóng ổn thỏa. Vì tích nầy mà phát sinh thành ngữ "MINH CẦM NHI TRỊ 鳴琴而治" Có nghĩa : Chỉ ngồi đàn mà vẫn giữ vững được trị an trong huyện. Vì ngồi trên công đường mà đàn nên gọi là CẦM ĐƯỜNG 琴堂. Sau được dùng rộng ra để chỉ việc làm quan có hiệu qủa tốt, như sau khi Kim Trọng đã thi đậu làm quan, cụ Nguyễn Du đã viết là:

CẦM ĐƯỜNG ngày tháng thanh nhàn,
Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao.


CẦM KỲ THƯ HỌA 琴棋書畫 là Tứ nghệ, bốn cái nghề, bốn cái kỹ năng mà tất cả những thư sinh ngày xưa đều phải rèn luyện học tập. Đó chính là : Gãy đàn, Đánh cờ vây (Vi Kỳ 圍棋), Viết thư pháp và Hội họa, vẽ tranh. Ngoài việc ứng phó thi cử để tìm chút công danh ra, bốn kỹ năng trên còn là niềm tự hào, hơn thua nhau trong lúc trà dư tửu hậu. Nhưng sang qua Việt Nam ta thì thành ra Bốn Món Ăn Chơi Tài Tử; hai chữ cuối THƯ HỌA 書畫 được đổi thành THI TỬU 詩酒; Thư pháp và Hôi họa được đổi thành Làm thơ và Uống rượu, như trong bài hát nói bất hủ của cụ Nguyễn Công Trứ :

CẦM KỲ THI TỬU

Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay,
Đàn năm cung réo rắt tính tình dây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ, 
Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà...

...và hai câu thơ chữ Hán trong bài là:

Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng, 琴思瀟然棋思爽,
Thi hoài lạc hĩ, tửu hoài nồng. 詩懷樂矣酒懷濃。

Có nghĩa:

- Đàn thì phải thanh thoát tự nhiên, đánh cờ thì phải sảng khoái (không câu mâu quạu quọ),
- Thơ thì phải làm vui thỏa lòng ta và rượu thì phải đậm đà nồng ấm.

CẦM 琴 là Đàn, nhưng nếu chữ CẦM 擒 được viết bằng bộ THỦ 扌 bên trái như thế nầy, thì có nghĩa là : Nắm, Bắt, Chụp, Giữ, là Cầm lấy, như từ CẦM MUÔI trong văn học cổ của ta. MUÔI : Miền Bắc gọi là cái Thìa lớn; Miền Nam gọi là Cái Vá để múc cơm canh. Tích CẦM MUÔI như sau:

Hán Cao Tổ Lưu Bang lúc còn hàn vi, có anh là Lưu Bá mất sớm, nên ở với chi dâu. Lưu Bang không thích làm ruộng, suốt ngày rong chơi với các nhóm bạn du thủ du thực, tam giáo cửu lưu, rồi lại kéo cả bọn về nhà ăn cơm. Chị dâu ghét qúa. Một hôm lại kéo đám bạn về nhà. Bà chị dâu dùng cái muôi cạo gỏ vào nồi lóc cóc leng keng để cho biết là đã hết cơm canh. Cả bọn kéo đi nơi khác. Lưu Bang chạy vào bếp thấy cơm canh hãy còn. Từ đó, đâm ra oán hận chị dâu. Khi đã lên làm vua, phong thưởng cho mọi người, nhưng không phong quan chức cho con trai của anh là Lưu Tín. Được Thái Thượng Hoàng nhắc nhở, mới phong cho Lưu Tín làm CANH HIỆT HẦU 羹颉侯 là chức Hầu Cầm Muôi Gỏ Nồi Canh để nhớ cái hận mà chị dâu không cho cơm canh. Quả là một quân vương "nhọn mỏ"(nhỏ mọn!).

Trong văn học cổ từ CẦM MUÔI và từ CẠO CANH thường được dùng để chỉ những ông vua hay chủ tướng lòng dạ hẹp hòi nhỏ mọn. Trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập, nhà vua Lê Thánh Tông đã hạ hai câu thật mĩa mai như sau:

Cho tước chẳng quên người chực giỏ,
Phong hầu còn nhớ kẻ CẦM MUÔI.

Thi Tiên LÝ BẠCH có một bài thơ thất ngôn cổ phong BẢ TỬU VẤN NGUYỆT 把酒問月 là Nâng Chén Hỏi Trăng, trong đó có những câu rất hay như :

今人不見古時月, Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt,
今月曾經照古人。 Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân.

Có nghĩa:
Người của ngày hôm nay không thấy được trăng của ngày xưa, nhưng...
Trăng của ngày hôm nay đã từng soi rọi người của ngày xưa rồi.

BẢ TỬU VẤN NGUYỆT cụ Đào Duy Từ của ta gọi là CẦM CHÉN GỌI TRĂNG trong hai câu thơ sau đây:

Kìa ai CẦM CHÉN GỌI TRĂNG,
Xưa nay rằng cũng mấy vùng tỏ xưa.

Trong bài Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春夜宴桃李園序 Thi Tiên cũng đã hạ câu "... Nhi phù sinh nhược mộng, vi hoan kỷ hà ? Cổ nhân bỉnh chúc dạ du, lương hữu dĩ dã... 而浮生若夢,為歡幾何?古人秉燭夜遊,良有以也". Có nghĩa : ...mà cỏi phù sinh như một giấc mộng, vui chơi có được bao lăm ? Nên người xưa (đã tranh thủ) đốt đuốc đi chơi đêm, quả là có lý lắm vậy. Bốn chữ BỈNH CHÚC DẠ DU 秉燭夜遊 là CẦM ĐUỐC CHƠI ĐÊM ý nói : Cuộc đời nầy qúa ngắn ngủi, thời gian vui chơi chẳng được bao nhiêu, nên phải tranh thủ đốt đuốc đi chơi cả ban đêm vì thời gian không còn nhiều nữa, như hai câu thơ của Hoàng Sĩ Khải trong Tứ Thời Khúc Vịnh đã diễn tả:

Một khắc là ngàn vàng khôn chuộc,
Hèn chi mà CẦM ĐUỐC CHƠI ĐÊM.

Trong bài hát nói Nhân Sinh Thấm Thoát, cụ Cao Bá Quát cũng đã viết:

Nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ,
Có bao lăm ba vạn sáu nghìn ngày.
Như chiêm bao, như bóng sổ, như gang tay,
Sực nhớ chữ “CỔ NHÂN BỈNH CHÚC”...

Trở lại với CẦM 擒 là Bắt. Ta có từ kép là CẦM NẢ 擒拿 là Bắt giữ, bắt lấy. Trong nghề võ có những thế CẦM NẢ THỦ 擒拿手 chuyên dùng để nắm bắt và khóa tay chân của đối thủ để không thể động đậy được. SANH CẦM 生擒 là Bắt sống. Đọc truyện Tam Quốc Chí không ai là không biết đến tích "Khổng Minh thất cầm Mạnh Hoạch". Có nghĩa : Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần. Mạnh Hoạch là Man Vương có uy tín và cầm đầu các động các chủ tại phương nam. Khổng Minh lập kế bắt được rồi phô trương thanh thế của mình. Mạnh Hoạch vẫn không phục. Khổng Minh tha cho về chỉnh đốn lại binh mã, rồi lại bắt được Mạnh Hoạch lần nữa. Hoạch vẫn không phục. Khổng Minh lại tha cho về. Cứ thế, tha ra bảy lần rồi bắt lại bảy lần, gọi là THẤT CẦM THẤT TÚNG 七擒七縱 là "Bảy lần bắt lấy và bảy lần thả ra". Đến nổi lần sau cùng thả ra, Hoạch không bỏ đi nữa, mà quyết lòng hàng phục nhà Thục, không dám làm loạn nữa.

Mạnh Hoạch và Khổng Minh trong điện ảnh

Trong dân gian của ta có một người tên là Nguyễn Xiển, người làng Hoằng Bột, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông được cho là hậu duệ của Trạng Quỳnh (chắt của Trạng Quỳnh). Vì ở làng Hoằng Bột nên mọi người gọi là Xiển Bột. Cũng như Trạng Quỳnh, Xiển Bột nổi tiếng trong dân gian vì những câu chuyện cười dí dỏm, châm chiếm đả kích vào những thói xấu của xã hội, những quan lại, cường hào chuyên hiếp đáp dân lành. Tương truyền ...

Có một lần vì túng thiếu, Xiển gom một mớ áo quần cũ đến cửa quan xin được CẦM để lấy tiền chi tiêu. Quan biết Xiển muốn phá mình, nên lấy ý một câu trong sách Luận Ngữ mà ra vế đối, hẹn rằng nếu đối hay thì sẽ cho CẦM. Vế ra như sau:

Quân tử cố cùng, quân tử cùng, quân tử cố; 君子固窮,君子窮,君子固;
Có nghĩa :
Người quân tử phải chịu đựng cái nghèo của mình, khi người quân tử nghèo thì người quân tư phải rán mà chịu đựng.
Quan có ý trách Xiển Bột là người quân tử sao không biết an phận với cái nghèo của mình, mà còn đèo bồng cầm cố lôi thôi để xài tiền.

Xiển Bột suy nghĩ một lúc, bèn tươi cười mà đối lại rằng:

Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng, Khổng Minh cầm. 孔明擒縱,孔明縱,孔明擒。

Theo nghĩa trong Tam Quốc Chí là:
Khổng Minh bắt rồi tha, Khổng Minh tha rồi Khổng Minh bắt lại!

Nhưng, nếu hiểu theo nghĩa Nôm thì có nghĩa là:

-(Dù cho có giỏi như) Khổng Minh cũng phải đi CẦM đồ khi TÚNG thiếu; (và vì) Khổng Minh TÚNG thiếu nên Khổng Minh mới đi CẦM đồ đây!

Quả thật tuyệt vời không chê vào đâu được!

Đỗ Chiêu Đức