Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Gặp Lại Người((Tiếng Hát: Mỹ Dung ) - Người Về.(Tiếng Hát: Hương Giang) - Lời: Mạc Phương Đình - Nhạc: Quách Vĩnh-Thiện


Lời: Mạc Phương Đình
Nhạc: Quách Vĩnh-Thiện
Tiếng Hát: Mỹ Dung
Tiếng Hát: Hương Giang

Buộc Tóc Thời Gian

 

Gió lùa nhung nhớ qua song
Nụ tầm xuân nở tỏ lòng nhắn thương
Buộc tóc búi lại tơ vương
Khép cửa hạnh phúc nỗi buồn quạnh hiu

Âm xưa vọng gọi tình yêu
Dư hương tha thiết muôn chiều bâng khuâng
Tự nhốt nguyện làm tù nhân
Ngục tối chờ đợi tình chân ước thề

Biển lòng dậy sóng đam mê
Thả neo khao khát mơ về trùng khơi
Bão tràn mạn vỡ lệ rơi
Chìm sâu tận đáy lạnh trời mờ sương

Vất vưởng hồn mon men vương
Hòa vào giấc mộng tựa nương theo người
Xâu chữ kết nối duyên đời
Buông câu thả ý đáp lời tri âm

Kim Oanh

Tình Em Tri Kỷ

 

Như mãi trăm năm lời mến thương
Tôi đi theo nắng để miên trường
Gặp em giữa cõi đời ân điển
Để mỗi dòng thơ thêm sắc hương

Tôi mãi tìm thơ trong giấc hoa
Bài thơ tôi viết lúc trăng tà
Nhìn vì sao xẹt qua bờ núi
Nhắc nhở nhau lòng cứ thiết tha

Suy nghĩ thêm gì chuyện đục trong
Thơ tôi tình nghĩa vẫn trăm dòng
Lung linh như vẫn lung linh chữ
Đời đã cho mình biết hiếu trung

Tôi có tình em cũng đủ hồng
Thơ còn vạn ý tuổi Thu Đông
Ân tình tròn vẹn qua màu tóc
Đâu biết ngày nào hết ước mong

Có em thơ phú đời thêm vui
Thì bước bao nhiêu cũng tuyệt vời
Còn đến hôm nay đời sắp tận
Chút tình tri kỷ ánh trăng soi.

01/26/2024
Hoa Văn


5.TÔI YÊU TÔI ĐỂ YÊU ĐỜI

Hoa Văn

Tôi yêu tôi để yêu người

Làm thơ trọn cả một đời bút nghiên

Nhiều khi vui lắm lúc phiền

Trái tim thơ vẫn hồn nhiên bốn mùa



Ngại gì nay nắng mai mưa

Đường trần nhiều lúc gió lùa mây buông

Tôi đi qua lắm đoạn trường

Thơ cho ấm chuyện vô thường thế gian



Mai đây mơ ước cũng tàn

Đường thơ tôi vẫn ngập tràn nắng bay

Tôi ân tình đẹp cao đầy

Loay hoay thân thế loay hoay cung đàn



Mong thơ còn đẹp còn sang

Từng trang ân nghĩa muộn màng dấu hoa

Có bình minh có chiều tà

Câu thơ dẫu chịu nhạt nhoà gió bay



Tôi yêu tôi tháng cùng ngày

Còn vui nhân thế vẫn say ngàn trùng

Trước sau thơ vẫn một dòng

Yêu tình thơ đẹp vô cùng trăm năm.

01/25/2024
Hoa Văn

Đi Đâu Cũng Thấy Một Trời Quê Hương


(Cầu Tàu Mỹ Tho (nơi tụ tập hầu hết học sinh NĐC thập niên 50)
Hình cơ sở bên cạnh là căn cứ hải quân Giang Đoàn 21 Xung Phong)

Tôi đi trên phố đông người
Mà sao vẫn thấy cả trời bơ vơ
Quê hương một cõi mịt mờ
Khói lam chiều có lững lờ nhẹ trôi
Mỹ Tho ơi! đã xa rồi
Còn đâu thành phố một thời xa xưa
Lòng thương nhớ mấy cho vừa
Đong đầy kỉ niệm nắng mưa vui buồn
Đây rồi đại lộ Hùng Vương
Con đường của tuổi yêu đương học trò
Làn môi ánh mắt hẹn hò
Nữ sinh Lê Ngọc Hân mơ mộng đầy
Làm cho điên đảo đắm say
Trai Nguyễn Đình Chiểu sát ngay bên đường
Công viên Dân Chủ ngát hương
Khách nhàn du bước bóng vương nắng chiều
Còn đâu xe ngựa dập dìu
Phố Trưng Trắc với quán lều xa hoa
Thanh thanh một dãy sơn hà
Lung linh cảnh sắc Vườn Hoa Lạc Hồng
Bao lần kẻ đợi người trông
Liễu xanh soi bóng trên dòng Tiền Giang
Những lần ghé lại Vĩnh Tràng
Ngôi chùa cấu trúc điểm ngàn đá hoa
Có ai ghé lại Chùa Chà
Một thời thơ ấu đó là xóm tôi
Kia đường Lê Lợi ̣đây rồi
Hàng me râm mát dạo chơi bạn bè
Cầu Bắc Lò Heo Phú De ̣(Fourriere-Lò Sát Sinh)
Nhớ trường tiểu học lòng nghe nặng sầu
Không ai quên được Cầu Tàu
Nam thanh nữ tú cùng nhau mỗi ngày
Thi nhào lộn bơi soãi tay
Hái bần cồn ấy mây ai không thèm
Rạp hát mua vé vào xem
Định Tường Vĩnh Lợi đừng quên Viễn Trướng
Vòng Nhỏ ngã rẽ đôi đường
Vườn Ông Khánh với mùi hương ̣đậm đà
Ai về Rạch Miễu qua phà
Nhìn em rám nắng mặn mà dễ thương
Hồng Đào mận ngọt Trung Lương
Xoài thơm Giáo Đức chuối hương Long Điền
Vườn Xoài Hột lá sầu riêng
Ngang qua Bình Đức lòng miên man buồn
Một thời chinh chiến máu tuôn
Lính Sư Đoàn 7 phong sương dãi dầu
Trời bày chi cuộc bể dâu
Giang sơn chìm đắm nỗi đau thảm sầu
Cuối đời phiêu bạt về đâu
Tóc pha sương điểm theo màu thời gian
Ngày về sao thấy ngút ngàn
Bao lâu mới hết lang thang xứ người
Trải bao vật đổi sao dời
Đi đâu cũng thấy một trời quê hương./.

Nguyên Trần

Viết trong niềm nhớ về tỉnh Mỹ Tho giờ đã ngàn trùng xa cách
Lan sầu trong héo ngoài tưới
Anh sầu anh nhớ thương người Mỹ Tho


Dạ Ý 夜意 - Lý Thương Ẩn (Vãn Đường)

 

Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.

Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.

Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. 

Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp. 

Lời phi lộ 

Lý Thương Ẩn không có thì giờ để buồn lúc ban ngày. Làm mạc chức (lo việc giấy tờ trong trướng phủ), từ sáng tới tối, ông rất bận rộn thu xếp những việc lặt vặt, thỉnh thoảng thảo mấy văn thư mà chủ của ông chỉ thị. Những việc như thế làm cho ông nản hơn là buồn. Nhưng mỗi khi đêm về thì những cơn buồn đến quấy rầy ông. 
Cái buồn đến với họ Lý với nhiều trạng thái khác nhau. Có khi buồn man mác, gây hứng cho ông làm thơ. Có khi buồn day dứt làm cho ông đứng ngồi không yên. Có khi buồn lê thê làm cho ông tuyệt vọng.

Nguyên tác Dịch âm

夜意            Dạ Ý

簾垂幕半卷 Liêm thuỳ mạc bán quyển,
枕冷被仍香 Chẩm lãnh bị nhưng hương.
如何為相憶 Như hà vi tương ức,
魂夢過瀟湘 Hồn mộng quá Tiêu Tương.

Dịch thơ

Ý Đêm

Rèm nửa buông nửa vén.
Gối lạnh chăn phai hương.
Vì sao còn nhung nhớ?
Hồn mộng tới Tiêu Tương.*

*Tiêu Tương: nơi gặp nhau của sông Tiêu và sông Tương chảy vào hồ Động Đình. Phong cảnh cực kỳ ảm đạm, làm bối cảnh cho cuộc tình buồn.

Lời bàn:

- Câu 1:
Nằm một mình trên giường, màn nửa buông nửa vén.
- Câu 2:
Gối đầu lên chiếc gối lạnh, đắp tấm chăn chỉ còn thoang thoảng mùi da thịt của vợ (đã nhiều năm xa vắng).
- Câu 3:
Bỗng dưng ta nhớ vợ; đừng hỏi vì sao ta nhung nhớ!
- Câu 4:
Cứ để mặc ta nhắm mắt thả hồn về sông Tiêu Tương, con sông tiêu biểu cho nỗi buồn thê lương của thiên hạ….
Chỉ những người xa vợ lâu năm mới thông cảm được nỗi buồn nhớ mênh mông này.

Con Cò
***
Đêm Thao Thức

Rèm phủ nửa song thưa
Gối chăn ủ hương thừa
Đêm thêm nhiều thương nhớ
Tiêu Tương mộng vừa đưa

Sáo buông… buồn đọng sau rèm
Nhớ ai gối lạnh chăn thêm hương nồng
Biết người chừ ở cõi Không
Tiêu Tương huyễn mộng chờ mong gặp chàng

Kiều Mộng Hà
June15.2024
***
Đêm Khuya.

Rèm buông nửa vén hờ,
Gối lạnh hương còn sơ.
Chỉ tại lòng nhung nhớ,
Đến Tiêu Tương lúc mơ.

Mỹ Ngọc 
June 15/2024.
***
Giấc Mộng Nửa Đêm

Buông hờ rèm cửa bên song,
Lưng chừng vén khéo - dạ lòng miên man.
Gối chăn lạnh lẽo ngập tràn,
Hương xưa phảng phất - lỡ làng nhân duyên.
Tình nương thân dấn cửu tuyền,
Nhớ thương quay quắt - mắt huyền sầu bi.
Mơ màng say giấc li bì,
Tiêu Tương lãng đãng khắc thì hồn sang.

Khánh-Hưng
***
Đêm Mộng Nhớ Người

1/
Màn the nửa vén hững hờ
Gối mền còn thoáng luợn lờ hương xưa
Nhớ nhung ôi nói sao vừa
Giấc nồng mộng thấy gió lùa Tiêu Tương

2/
Bức màn nửa vén nửa buông lơi
Gối lạnh chăn đơn hương thoảng hơi
Nhung nhớ muôn trùng người cũ ấy
Tiêu Tương mộng thấy giấc nồng trôi

Thanh Vân
***
Nghĩ Trong Đêm

1/
Màn buông hờ nửa cuốn
Gối lạnh, chăn còn hương
Nhung nhớ vì sao nhỉ?
Tiêu tương mộng đến thường!

2/

Lửng lơ nửa cuốn rèm buông
Đêm khuya gối lạnh, chăn vương mùi tình
Lòng sao nhung nhớ hương trinh
Để trôi hồn mộng đăng trình Tiêu Tương!

Lộc Bắc
Jun24
***
Theo tiểu sử, thì lúc trẻ tuổi, Lý Thương Ẩn mê lung tung, đạo sĩ Tống Hoa Dương, hai chị em Phi Loan, Khinh Phượng. Khi 2 nàng Loan, Phượng bị bắt làm cung nữ, Lý đau khổ làm bao nhiêu bài vô đề, nói bóng gió nên rất khó hiểu… Từ khi kết duyên với Vương Yến Mỹ, tình vợ chồng rất đằm thắm, thiết tha, và khi vợ chết, Lý ở vậy, không tục huyền. Lý có nhiều bài thơ nhớ vợ, như bài Đoan Cư, và bài Dạ Ý.

Liêm là cái rèm. Các bà Thái Hậu, Hoàng Hậu ngày xưa, thường “Thùy Liêm Thị Chính” để nhắc tuồng cho vua còn nhỏ.
Mạc là cái màn hay cái chăn.
Bị là cái mền, như “sàng trừng tú bị quyển bất lẩm” trong Ký Viễn của Lý Bạch
Nhưng là vẫn như cũ, luôn luôn.
Như hà, tiếng kép, là thế nào, cái nào, cách nào…
Tiêu Tương tuy là địa danh, nhưng ở đây muốn chỉ nơi vợ chồng đã từng chung sống, với một trời kỷ niệm.

Ý Đêm

Rèm buông cuốn nửa vời,
Gối lạnh, mền thoảng hương,
Cách nào cho thương nhớ,
Hồn mộng đến Tiêu Tương.

Bát Sách.
(ngày 18/06/2024)

***
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:

夜意-李商隱 Dạ Ý - Lý Thương Ẩn       Đêm Nhớ Em

簾垂幕半卷 Liêm thùy mạc bán quyển    Rèm vén cao gần nửa,
枕冷被仍香 Chẩm lãnh bị nhưng hương  Gối mền phảng phất hương.
如何爲相憶 Như hà vi tương ức              Vì đâu lòng tưởng nhớ,
魂夢過瀟湘 Hồn mộng quá Tiêu Tương  Hồn mộng đến Tiêu Tương.

Bài ngũ ngôn tuyệt cú làm năm đầu tiên của Đường Huyền Tông (năm 847) tại Quế Lâm, Quảng Tây 廣西桂林市.

Có mộc bản trong các sách:

Lý Nghĩa Sơn Thi Tập - Đường – Lý Thương Ẩn 李義山詩集-唐-李商隱
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Tiêu Tương: vùng sông Tiêu và sông Tương gặp nhau, thuộc hương Tiêu Tương, huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam 瀟湘鄉零陵縣湖南省. Đường bộ từ Quế Lâm, Quảng Tây đến Tiêu Tương, Hồ Nam chỉ gần 200 km.

Dịch nghĩa:

Ý Nghĩ Trong Đêm

Tấm màn rũ một nửa vén lên,
Gối lạnh, mền đắp còn mùi thơm của em.
Vì sao lòng cùng nhung nhớ nhau,
Nên nằm mộng hồn qua đến Tiêu Tương.

Thought In The Night

The hanging curtain is half raised.
Cold is the pillow and your flagrance still lingers on the blanket.
Why do we miss each other so much?
My soul visits Xiao Xiang in my dream.

Dịch thơ:

Nhớ Ai

Màn the nửa vén hững hờ,
Mền chăn lạnh lẽo mong chờ đợi ai.
Nhớ người xa vắng đêm nay,
Hồn bay theo mộng ưu hoài Tiêu Tương.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý của mirordor:

Thời xưa không thi nhân nào mơ đến Tiêu Tương để vui chơi hay vui đùa! Cho tới thời Tống, Tiêu Tương là một địa danh mơ hồ để chỉ vùng đầm lầy hoang vu quanh Động Đình Hồ, nơi sông Tương đổ vào, và 瀟=tiêu có nghĩa là sâu và trong. Thời xưa sông Tiêu chưa có tên đó mà là 营水=Doanh thủy.

Trong điến cố Tiêu Tương chỉ hai khái niệm
i) nơi các quan thất sủng bị đi đày, không phải đi chơi.
ii) nơi mà truyền thuyết (tào lao) nói hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh của vua Thuấn tự trầm.

Lý Thương Ẩn chưa hề bị đi đày nhưng từng đã biết vùng Tiêu Tương khi làm dưới trướng của cha vợ Vương Mậu Nguyên, thứ sử ở Quảng Châu, và tiết độ sứ Lĩnh Nam - ở dưới vùng Tiêu Tương - nên Tiêu Tương trong bài thơ hàm ý sự tương tư người vợ quá cố.

Huỳnh Kim Giám



Trích Tiên

  

Căn cứ không quân Banak trong một ngày hè uể oải. Dưới nắng chói chang, đường bay trải dài loang loáng như có ai khéo tạt một vũng nước vuông vức ra tận vịnh Porsangen. Ba dãy trại sơn trắng, ghép thành hình chữ U nằm buồn như chợ chiều. Cái hăng-ga khổng lồ đóng cửa im ỉm. Tôi ngồi “gác kiểng” trên đài quan sát, mường tượng cảnh những chiếc máy bay F-16, F-5 tấp nập lên xuống hồi Nato còn đóng ở đây. Bây giờ chỉ còn đàn hải âu lười biếng lượn trên bầu trời trong. Giá tôi có thể thả cho đời trôi như thế. Tiếng chuông điện thoại reo. Tôi hấp tấp bắt máy:
– Ðài quan sát, phi trường Banak, tôi nghe đây ạ.
– Thân đấy hả? Nghe đây: Có một người Việt Nam, đang ở phòng cảnh sát Tana, không biết một chữ Na-uy. Họ cần người dịch. Cậu có muốn giúp họ không?
Tôi nói như trẻ con xí đồ chơi:
– Dạ, muốn chứ, thiếu tá.
– “Muốn chứ”- ông thiếu tá có tật nhái lời, lúc mới nhập trại tôi cứ tưởng ông kỳ thị, rồi tiếp -Nửa giờ nữa có người lên gác thế, anh xuống văn phòng gặp tôi. Có trực thăng tới đón.
Bỏ điện thoại xuống, tôi mới bắt đầu tự hỏi: tại sao lại có người Việt nào lạc loài lên miền địa đầu giới tuyến này? Tưởng chỉ có mình tôi điên. Chắc là một du khách người Việt đi coi mặt trời đêm, quên đường về? Hay là một người từ Nga nhảy rào xin tịn nạn chính trị? Ôi! Nếu là một vụ tị nạn thì thật hấp dẫn. Tôi nhìn cây kim đồng hồ treo dưới chân dung quốc vương Harald và hoàng hậu Sonja nhích đi chậm chạp.
Tôi thay đồ dân sự xong lên trình diện. Ông thiếu tá thấy vẻ hăng hái khác thường của tôi, tò mò hỏi:
– Tại sao anh -tay tổ làm biếng- lại sáng mắt lên nhận việc này?
– Lâu quá tôi không được gặp người đồng hương.

Vâng, tôi đang phục vụ ở một nơi hẻo lánh cỡ như Lạng Sơn của Việt Nam, nhưng trong vòng 1000 cây số hình như chỉ có một người Việt. Và lý do tôi vận động đi quân dịch, mặc dầu đã quá tuổi bắt buộc, là vì sau khi ra trường, tôi xin việc mấy chục chỗ không được, đâm buồn chán, trống rỗng, muốn đi thật xa một phen. Hơi quá xa.

Từ bãi trực thăng đi vào phố chỉ chừng 2 km. Tana là một xã nhỏ cực bắc của Na-uy, giáp giới Phần-lan, và là một trong những con đường chính từ Nga sang. Từ vài năm nay, mùa hè ở đây tràn ngập du khách, nhiều nhất là người Nga và Phần-lan. Người địa phương, phần đông là thổ dân Same, nghe nói cũng giòng giống Mông-cổ, nhưng so với dân Viking, không gần gũi với tôi gì hơn. Xe chở tôi chạy qua một khu chợ trời náo nhiệt. Sau ngày Liên bang Xô-viết sụp đổ, người Nga tuồn cả núi quân nhu, quân cụ ra bán. Nào là “mũ nơm gà” Hồng quân Liên xô, huân chương, áo giáp, ống dòm, la bàn, nào là quần áo nhà bin h, tượng Lê-nin, Xít-ta-lin, bao cao-su… được bày la liệt trên lề đường, như một cuộc chiến vừa tàn. Ở vài góc đường, những cô gái Nga -rất dễ phân biệt với gái Na-uy nhờ nét mặt thanh tú, thân người thon nhỏ- ăn mặc phong phanh, mời mọc. Có lẽ đây là mấy cô mà bọn con trai trong trại thường to nhỏ, xuýt xoa mỗi lần đi phép về, và ông thiếu tá cũng đã cảnh cáo, nhưng vẫn không yên tâm, bắt cả trại thử máu thường xuyên.

Ty cảnh sát nằm sau nhà thờ. Người đón tôi là một ông trung sĩ cảnh sát, nhưng người điều tra lại là một cô sĩ quan xinh đẹp, tóc ngắn, da dẻ đỏ như đồng, chắc suốt mùa hè này chỉ tắm nắng. Cô tự giới thiệu là Marianne. Vào phòng thẩm vấn, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng, không hiểu tại sao, khi thấy “đối tượng” thông dịch là một cô gái. Cô đang ngồi quay lưng về phía cửa ra vào, khi cô đứng lên, quay lại, tôi hoa cả mắt vì vẻ đẹp khác thường. Bị hớp hồn, tôi mở lời bằng một câu u mê:
– Cô người Việt?
Nàng cũng thẫn thờ:
– Anh người Việt?

Trong lúc chờ Marianne tìm thêm ghế, tôi nhìn trộm đôi môi hồng vừa thốt ra những âm hưởng Hà Nội ấm và sang, và nghĩ cái câu “Anh người Việt?” có thể dùng để chào nhau, thay cho câu “Bác xơi cơm chưa?” của miền bắc Việt Nam. Khi người nữ sĩ quan cảnh sát bắt đầu gài mẫu biên bản lấy cung vào máy đánh chữ, tôi hiểu đây không phải chỉ là vụ cớ mất bóp hay du khách lạc đường, và trong tâm trạng của một người chín tháng nay chưa thấy mặt người Việt Nam, tôi nghĩ bụng cô gái xinh đẹp này… oan, dẫu chưa biết sự cố liên quan tới việc gì. Người sĩ quan bắt đầu:
– Cô tên gì?
– Natasja Jakusjok.
Tôi không nghe kịp tên họ, phải chìa tờ giấy, xin cô gái viết. Trong lúc Marianne so mảnh giấy cô gái viết với tờ thông hành, tôi so nét mặt thuần túy Việt Nam với cái tên Nga Natasja, lòng đầy nghi hoặc. Marianne tiếp:
– Cô sang Na-uy làm gì?
– Du lịch.
– Từ bao giờ?
– Chiều thứ sáu.
– Bằng phương tiện gì?
– Xe buýt.
– Khởi hành từ đâu?
– Murmansk.
– Ai mời cô sang Na-uy?
– Tôi tự sang.
– Không có ai từ Nga tự sang Na-uy được. Phải có người từ Na-uy mời, lãnh sự quán của chúng tôi ở Murmansk mới cấp phép nhập cảnh.
– Tôi mà được mời?
Marianne tỏ vẻ nửa ngạc nhiên, nửa thất vọng. Tôi tự nhiên đâm thông minh hơn thường lệ một chút, dịch chữ “mời” thành “bảo lãnh”, và nhắc lại câu hỏi. Quả nhiên người đồng hương hiểu ý, trả lời:
– Tôi không biết tên người bảo lãnh.
– Cái tên đó cô phải biết để viết đơn xin chiếu khán.
– Tôi không viết đơn.
Marianne như sắp chụp được con mồi:
– Ðó. Tôi muốn hỏi người nào viết đơn giùm và tổ chức chuyến đi cho cô?
– Tôi không biết. Tới phiên thì tôi mua vé xe. Người bán vé chỉ cho tôi đi xe nào, tôi lên xe đó.

Người nữ cảnh sát thất vọng, xoay mặt lại cái máy chữ từ nãy đến giờ nằm thất nghiệp, lùa tay vào mái tóc nâu. Tôi quay sang Natasja. Tia mắt tôi chạm phải bàn tay cô trắng nuột nà đặt trên đùi, tôi quay đi chỗ khác. Nhưng rồi trong lúc dịch tôi không thể tránh nhìn vào một trong hai người. Tôi nảy ra một so sánh: lúc mới gặp cô cảnh sát, tôi thấy cô đẹp như một nữ tài tử đóng trong các phim James Bond; lúc này ngồi cạnh cô gái Việt, cô trông như một nữ tì. Nhưng người “nữ tì” đã quay phắt lại, nghiêm nghị, dằn từng tiếng:
– Chúng tôi bắt được quả tang cô bám dâm.
Tôi hụt hẫng, bàn tay co giật, loại co giật mà tôi thường gặp khi rơi từ cơn chập chờn vào giấc ngủ sâu, hoặc như khi đi đường băng trơn với em gái, mà nó bị trượt. Tôi sượng sùng, dịch “bán dâm” thành “tiếp khách”. Nhưng hai tiếng này cũng đủ như một tảng đá tròng vào cổ, cô gái Việt cúi đầu xuống. Ðầu tôi cúi theo. Một tiếng nhỏ, khàn đục bật ra từ khóe môi lợt lạt:
– Phải…

Cô thú nhận với người cảnh sát Na-uy, nhưng theo thói quen, cô quay sang người thông dịch tội nghiệp. Mắt cô mở lớn, trong vắt, van lơn. Lồng ngực tôi đòi lấy hơi để trút một tiếng thở dài, nhưng tôi cố nín, và càng khó chịu hơn. Và khoảng cách giữa tôi và người con gái đồng hương trở nên bồng bềnh như một mạn thuyền với một cánh bèo trên biển sóng, lúc xa, khi gần. Tôi không làm nghề thông dịch, nhưng hồi còn đi học, thỉnh thoảng tôi có đi dịch để kiếm tiền tiêu vặt. Trước khi được nhận làm, tôi phải học mấy giờ về luân lý chức nghiệp. Hình như tôi nhớ được đôi điều, và bây giờ tôi nhủ lòng mình “Ðây không phải việc của tôi”. Cuối cùng cô gái “Natasja” tiếp:
– Nhưng… luật pháp Na-uy không cấm việc này… có phải không?
Phản ứng bớt buông xuôi của Natasja khiến tôi ngạc nhiên. Marianne nghe vậy, lại trở nên hăm hở:
– Ðúng. Luật pháp Na-uy không cấm việc mãi dâm, nhưng cấm hoạt động ma cô. Chúng tôi cần biết ai làm ma cô cho cô?
– Không ai làm ma cô cho tôi cả.
– Thôi. Xin hỏi câu khác: Cô vừa nói luật pháp Na-uy không cấm mãi dâm, mà cấm ma cô. Ai nói cho cô biết điều này vậy?
– Bạn bè.

Quanh đi quẩn lại, rõ ràng là cô cảnh sát chỉ muốn tóm cổ mấy thằng ma cô. Nhưng có gái giang hồ nào giám chỉ điểm ma cô của mình? Hồi nãy khi đi qua khu chị em ta, tôi cũng thấy những bộ dạng khả nghi, chẳng phải người địa phương, cũng chẳng phải du khách hay người thập phương tới buôn bán. Cảnh sát cũng dư biết như thế, có lúc gặp tên ma cô nhâng nháo quá, họ ngứa mắt, đã bắt thử, nhưng chẳng có chứng cớ, phải thả ra cho nó nhâng nháo thêm. Cơ hội duy nhất cho biện lý cuộc là lời khai của các cô gái giang hồ. Nhưng các cô ấy, nhất là cô gái lạc loài ngồi trước mặt tôi đây, làm sao dám nói? Tôi ngước lên nhìn Natasja, gặp đúng lúc cô cũng ngước lên nhìn tôi – trong đôi mắt sâu ấy, cô đang chới với. Marianne dòm lăm lăm vào tờ biên bản gài trên máy chữ như để moi ra câu hỏi mới. Cuối cùng cô ta chuyển đề tài:
– Cô có quốc tịch Nga, nhưng sanh tại Việt Nam?
– Vâng
– Cô lấy chồng Nga?
– Vâng.
Marianne ráng tỏ ra kiên nhẫn:
– Cô Natasja ạ, chúng tôi không bao giờ làm gì hại cô. Chúng tôi chỉ muốn biết tên và có bằng chứng truy tố bọn ma cô. Vậy cô cứ nói cho tôi biết ai đã đưa cô tới đây?
Natasja ngơ ngác:
– Ðưa tới đâu cơ?

Marianne nói muốn nghỉ giải lao mươi phút, trong khi đó tôi phải ra văn phòng làm thủ tục tính thù lao. Marianne gặp tôi ở phòng khách lúc tôi định lấy tách cà phê cho tôi và có lẽ một tách cho cô gái. Cô hỏi chuyện lính tráng của tôi, về người tị nạn Việt Nam ở Na-uy. Câu chuyện lan man sang việc, vào năm 93, cô tham gia chiến dịch vĩ đại chuẩn bị cho trường hợp một triệu người Nga tràn vào Na-uy tị nạn chính trị hoặc nạn đói. Một nhà báo nổi tiếng dí dỏm gọi chiến dịch đó là “cuộc chuẩn bị đón tiếp các công dân của Thiên Ðường đở vỡ”. Việc đó may không xảy ra, nhưng lại xảy ra một cuộc xâm thực dưới hình thức khác. Cô hỏi tôi có biết về các tệ nạn biên giới? Tôi nói có đọc loạt phóng sự của nhật báo Aftenposten và Verdens gang về việc người Nga sang đây buôn bán ma túy, rượu mạnh, quân nhu quân dụng, và mãi dâm. Tôi hỏi:
– Nghe nói có thể mua bất cứ thứ gì?
– Ðúng. Từ sau khi Liên-xô sụp đổ, người ta có thể mua mọi thứ, thứ dữ như bom nguyên tử, súng máy, xe tăng, tầu ngầm… Thứ hiền như đồ chơi. Ðồ chơi rẻ tiền có huân chương Anh hùng Liên-xô, huân chương Lê-nin, Anh hùng dân tộc, Anh hùng lao động. Và đồ chơi đắt tiền là các cô này.
– Bao nhiêu mà đắt?
– Từ 200 tới 500 kroner một đêm.
Tôi nghĩ tới Natasja. Theo cái giá mà văn chương Trung Hoa và Việt Nam đề ra, cô ta phải đáng “ngàn vàng” là ít. Tại sao xuống tới mức này?
– Giá đó tương đương với 2 tới 5 giờ làm việc của một người thợ Na-uy. Có gì mà gọi là đắt?
– Chỉ một cuối tuần các cô gái buôn hương kiếm được số tiền bằng lương một năm của một người thợ trung bình ở Nga.
– Vậy sao quí vị không để cho người ta kiếm ăn?
– Chúng tôi không muốn làm khó dễ các cô gái. Chỉ muốn trừ khử bọn ma cô.
– Nghĩa là nếu các cô ấy làm ăn độc lập thì được phép?
– Ðược.
– Cô thử hỏi cô gái tại sao không làm ăn độc lập?
– Cần gì hỏi. Tôi biết họ không thể nào làm ăn độc lập được. Người dân Nga tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Họ vừa thoát ách độc tài cộng sản, đã rơi vào nanh vuốt Mafia. Báo cáo của hội đồng an ninh kinh tế (NSR) cho biết 4/5 xí nghiệp Nga phải trả tiền bảo vệ cho Mafia. Ta không cần hỏi đồng hương của anh câu đó.

Marianne nhìn đồng hồ, ý muốn chấm dứt giờ giải lao, nhưng lại đứng thêm một lát hỏi về người Việt ở Nga. Tôi không biết gì ngoài những bài phóng sự về tình cảnh những người được chính quyền Việt Nam gởi đi nước ngoài lao động trả nợ chiến tranh, và công thức trả lương: một phần phát cho công nhân, một phần Nhà Nước Việt Nam “ấy thảo”. Sau đó khi bức màn sắt sụp đổ, nhiều người ở lại phải xoay xở chật vật để sinh sống, kể cả việc phi pháp và mãi dâm.Và tới phiên người khác lấy thảo.

Tôi mang cà-phê vào cho Natasja, nhưng cô để nguội tanh không uống. Marianne tiếp tục lại cuộc thẩm vấn. Nhưng câu chuyện về sau biến thành một cuộc mạn đàm nhiều hơn. Sau cuộc thẩm vấn, Marianne tự động nói với tôi:
– Chắc anh muốn nói chuyện riêng với người đồng hương? Cứ ngồi đây mà nói. Anh không phải thông dịch viên chính thức, chúng tôi nhờ vả anh trong trường hợp đặc biệt, nên đền công đặc biệt. Nhân tiện, tôi nhờ anh nói cho cô ấy biết theo luật pháp Na-uy cô ấy không làm điều gì bậy cả. Cô ấy đẹp và hiền quá.
Tôi ngồi lại, không hiểu vì động lực nào – vì tò mò hay tội nghiệp, vì đây là một người con gái đẹp hay một đồng hương? Marianne đã khép cửa văn phòng lại. Bỗng nhiên tôi hoang mang, không biết tại sao ngày hôm nay, giờ này mình ngồi đây với một cô gái lạ. Tôi nghĩ có thể Natasja cũng có cảm giác đó, khi cô loay hoay sửa lại thế ngồi, rồi lại trở về thế cũ. Gò má cô từ từ ửng hồng. Cô mở lời rụt rè:
– Anh là người tị nạn ra đi từ miền Nam?
– Dạ.
– Nghe cách ăn nói đủ biết.
– Còn cô? Chắc từ Hà Nội?
– Vâng.
– Nghe giọng nói đủ biết.
Lần đầu tiên chúng tôi cùng cười nhẹ. Cô tiếp:
– Ở đây đông người Việt không?
– Chỉ có mình tôi đi quân dịch lên đây. Cách đây 500 cây số có một ông bác sĩ lên phục vụ để lấy thâm niên. Ngoài ra nhóm người Việt gần nhất ở cách đây chừng 1000 cây số.
Khi nêu những khoảng cách xa xăm, bỗng tôi cảm thấy cô gần lại một chút. Cô nói, do dự:
– Tôi… e..m tên Quỳnh Hương.
– Tên đẹp quá. Tôi tên Thân.
– Anh có trách em không?
– Tại sao lại trách?
– Em làm xấu hổ chung.
Tôi cảm thấy mình vụng về, không tìm được lời, chỉ biết nói:
– Cô cảnh sát nhắn tôi nói lại: Cô không làm điều gì bậy cả, theo luật pháp Na-uy. Cô ấy còn khen chưa thấy ai đẹp và hiền như cô.

Chưa thấy aí là ba chữ quá giang, nhưng thực tình không quá tải. Quỳnh Hương cảm động, nét mặt bớt căng thẳng. Nhưng giữa chúng tôi có cái gì thiếu tự nhiên, câu chuyện không hào hứng như tôi tưởng tượng lúc ngồi trên trực thăng đáp xuống Tana, và nhất là giây phút đầu tiên thấy mặt cô gái.

Vì lịch sự tôi vẫn cho cô địa chỉ và số điện thoại, dặn cần gì có thể liên lạc. Tôi ra ngoài móc hết tiền bạc trong túi -hình như dăm trăm- bỏ vào một phong bì, viết mấy chữ an ủi nhờ Marianne đưa cho cô gái.

Quỳnh Hương thất thểu theo một người nữ cảnh sát khác ra khỏi bót. Tôi đứng nhìn cô đi về phía nhà thờ, lủi thủi. Tôi tưởng tượng ra cô gái làng chơi Magdalena trong Thánh kinh trên đường đi tìm Chúa Giêsu để thú tội.

Nhưng cô có tội tình gì? Câu hỏi thành hình từ khi tôi ngồi lên trực thăng, và nó cứ lớn dần từng ngày khi tôi trở về trại. Tôi càng mong đợi càng bặt tin Quỳnh Hương. Tôi đinh ninh thể nào cô về cũng viết thư ngay cho tôi để cám ơn nghĩa cử, để tôi có thể nói những lời tốt đẹp, kể cả lời hứa giúp đỡ. Tôi còn tưởng tượng ra câu chuyện về một chàng thanh niên hào hoa, đóng ở “tiền đồn heo hút”, tình cờ gặp một cô gái giang hồ và cảm hóa được nàng đi tu thành ma sơ thánh thiện. Không ngờ một tuần, hai tuần, rồi một tháng trôi qua, không có tin cô. Rõ ràng cô đã nhét địa chỉ tôi cho vào bóp. Ngoài ra, trên phong bì tiền tôi cũng quen tay ghi tên và địa chỉ một lần nữa.

Chờ đợi, băn khoăn, cuối cùng là hối hận. Tôi đã quá lạnh lùng, đã thay đổi thái độ quá nhanh sau khi biết cô là gái giang hồ. Tất cả chỉ xảy ra trong lòng tôi, nhưng tránh sao cô chẳng linh cảm d dược. Nét mặt thông minh ấy. Vì trịch thượng ngầm, tôi không nghĩ tới việc xin địa chỉ cô.

Năm tuần sau, tôi nhận được lá thư đóng dấu bưu chính Murmansk. Tôi mừng như được thư người tình, leo lên tháp canh đọc cho… thấm. Nhưng đọc thư xong tôi vô cùng thất vọng. Nét chữ xấu xí quê mùa, lời lẽ tình nghĩa kệch cỡm, nghe rợn tóc gáy. “Chủ đề” của thư đương nhiên là xin gởi tiền (bằng tiền Norway) về địa chỉ v.v. Tôi nổi giận, xé lá thư vất vào sọt rác. Không thể ngờ được bộ mặt xinh đẹp như thế lại mang tâm hồn bần tiện như vậy. Dù cố thử biện hộ cho cô gái bằng lý luận “cái khó bó cái khôn”, tôi vẫn chán ghét cô gái, ê chề tình đời, tôi chán ghét cái vùng đất mất hết tình người. Ðau nhất là con người lãng mạn của tôi bị quế nặng quá. Hết phiên gác, việc đầu tiên là tôi về phòng để hủy cái dấu vết cuối cùng về cô gái bất xứng – miếng giấy viết hai chữ Natasja Jakusjok. Ðó là miếng giấy mà cô gái viết tên trong bót cảnh sát, đi Tana về tôi gắn trước bàn viết để kỷ niệm một buổi gặp gỡ… hay hay. Nhưng khi gỡ miếng giấy, cầm trên tay, tôi bỗng giật mình – nét chữ này thanh tao, nhuyễn mềm, khác xa một trời một vực với nét chữ thô lậu, tục tằn trong thư tôi vừa xé. Tôi tức tốc chạy lên đài quan sát, lục lại lá thư. Chẳng cần so lại tuồng chữ, tôi cũng biết thư này không phải do Quỳnh Hương viết. Tôi “sang” hết mấy lời xỉ vả hồi nãy cho bọn bất lương, và nôn nả bắt tay vào việc tìm tung tích Quỳnh Hương.

Sau buổi thông dịch, tôi thỉnh thoảng có điện thoại cho cô cảnh sát Marianne, vừa để tán gẫu chơi, vừa thăm dò xem “ngựa có về đường cũ không”. Bây giờ muốn biết địa chỉ thật của Quỳnh Hương tôi chỉ việc hỏi Marianne. Nhưng tôi không được phép làm như vậy. Tôi thử làm điệp viên si tình một phen. Một mặt tôi ra ngân hàng gởi 300 kroner cho bọn làm tiền, tất nhiên dưới tên Natasja Jakusjok. Na-uy đang mở rộng việc làm ăn với Nga, để biến đổi bán đảo láng giềng Kola thành một vùng bớt nghèo đói và ô nhiễm, nên có rất nhiều hãng xưởng và ngân hàng Na-uy mọc lên hai bên đại lộ Lê-nin. Tôi chọn gởi tiền qua ngân hàng Kirkenes, vì nó nằm đối diện với một khách sạn. Gởi tiền đi hôm trước, hôm sau tôi đáp xe đò đi Murmansk và thuê khách sạn đó, phòng có cửa sổ quay ra mặt đường. May mắn quá mong đợi, ngày rình chực thứ ba tôi đã thấy bóng Quỳnh Hương ra ngân hàng. Tôi không cần ngụy trang nhiều, chỉ cần cái quần soọc, cái mũ lưỡi trai, và cái máy Nikon là ra dáng một anh triệu phú Nhật Bổn rồi. Phải thêm cái kính mát to để che mặt.

Vào ngân hàng tôi đứng xa xa, thấy Quỳnh Hương đang xếp hàng quay lưng lại, tôi cẩn thận không lộ diện, nhỡ có tên cô hồn nào đi kềm nàng không. Khi nàng lãnh tiền xong quay ra, tôi đau nhói tim thấy mặt nàng tiều tụy, và có vết bầm xanh. Một tên đàn ông mặt mũi bất lương ở đâu sán lại kè nàng, chưa ra khỏi cửa, nó đã giằng lấy tiền, chửi thề “Ð.M. có mấy đồng ranh mà nàm nhọc xác ông”. Quỳnh Hương cúi đầu, không trả lời. Tôi lén theo dõi hai người, nhưng tới ngã tư thì họ lên một chiếc xe hơi do người thứ ba lái chạy mất tăm, tôi đón taxi không kịp.

Tôi thất vọng trở về Na-uy, viết thư làm bộ nói nhớ thương Natasja và mong gặp nàng, bóng gió cho biết sang sẽ dễ dàng mang tiền về hơn. Nàng sang thật. Vết bầm trên mặt đã biến mất, nhưng vẫn còn tiều tụy. Tôi đưa nàng thẳng vào một khách sạn đàng hoàng cho nàng nghỉ ngơi. Chúng tôi ăn ngay trong khách sạn. Nàng ngạc nhiên vô cùng khi tôi nói tôi biết hết trò giả mạo thư và làm tiền của bọn vô lại. Nhưng tôi thắc mắc:
– Tại sao chúng biết cô có liên hệ với tôi?
– Em vừa từ biên giới về, chúng nó lục lọi khám xét ngay, và tất nhiên thấy phong bì tiền của Anh cho, địa chỉ nằm đó. Chúng bắt em viết thư vòi tiền, em không làm, chúng đánh đập, bắt trở lại đứng đường. Em xin làm mọi việc trâu ngựa để hầu hạ cả bọn miễn đừng bắt em làm việc đó. Chúng chấp thuận nhưng vẫn giả mạo thư tống tiền Anh. Em xấu hổ quá.
Tôi hỏi một câu mà định hỏi mấy lần nhưng chưa có dịp:
– Cô sang Nga theo diện nào?
– Nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sử học.
Tôi kinh ngạc:
– Nhà Nước Việt Nam gởi đi?
– Vâng.
Tôi nhớ lại việc thông dịch, hỏi:
– Sao cô không nói tiếng Nga, dễ kiếm người thông dịch ngay tại đây?
– Em muốn giấu tông tích. Chẳng may…
Tôi hơi phật ý về hai chữ “chẳng may”, nhưng không tỏ ra, hỏi tiếp:
– Cô… xong tiến sĩ chưa?
– Thưa, rồi ạ.
– Vậy cô chỉ việc trở về phục vụ đất nước.
– Trễ rồi.
– Sao vậy?
Quỳnh Hương hít hơi thật sâu, như để đè nén cái gì, cuối cùng nói nhẫn nại:
– Truyện dài lắm. Em chỉ vắn tắt thế này: Khi em đang chuẩn bị về nước, thì bố em bay sang nói bất cứ giá nào đừng về.
– Tại sao vậy? Ở Việt Nam bây giờ thay đổi khá lắm, và bắt đầu đãi ngộ những người có trình độ.
– Lợi dụng thì có, đãi ngộ không.
Chúng tôi ra ban-công. Nắng đêm quyện vào gió bắc cực lùa vào mặt mát rượi. Tóc Quỳnh Hương thơm. Tôi hỏi:
– Ngoài ra bố cô nêu lý do gì để khuyên cô đừng về nước?
Nàng nhìn con hải âu đậu một mình trên cột đèn, đáp:
– Là lý luận gia lâu năm của Ðảng, khi thấy bức tường Bá-linh rạn nứt và thiên đàng Liên-xô sắp bốc lửa, Bố em dự kiến Ðảng cộng sản Việt Nam sẽ biến từ một tổ chức cách mạng thành một guồng máy tư bản.
– Vậy càng tốt chứ sao?
– Anh không hiểu đâu, cũng như em hồi đó không hiểu. Vì thế Bố phải đích thân bay sang. Gặp Bố em vừa mừng vừa ngạc nhiên hết sức, nhưng run sợ khi ông nói nước Việt Nam sẽ không còn là nơi dung thân của con người nữa.
– Sao vậy?
– Bố hỏi em “Chị xem – cái thiên đàng kiểu mẫu mà sắp sụp đổ nay mai, thì cái thiên đàng mô phỏng sẽ ra sao?” Em không trả lời, ông nói “Các ông ấy là những kiến trúc sư chuyên vẽ thiên đàng. Kiểu này đổ vẽ kiểu khác. Mà mỗi lần đổ, mỗi lần đổi kiểu là hàng vạn người chết vì cột kèo đè.”… Bố em về, tự vẫn chết, để họ không còn gây sức ép với em được, trước khi bị cột kèo đè.
Nghe đến đây, tôi lạnh toát xương sống, khô cổ họng. Cột đèn đằng trước, con hải âu đã bay đi, còn cái tay đèn đua ra, như chờ một sợi dây thòng lọng. Mãi lâu sau tôi mới thốt lên được câu gần như vô nghĩa:
– Khủng khiếp quá!
Quỳnh Hương mím môi để khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng giọng ướt lệ:
– Người ở ngoài không hiểu nổi sự khủng khiếp tới mức nào đâu. Người trong cuộc, đa số khi hiểu thì trễ quá rồi.
Vai tôi chờ một mái đầu tựa vào. Nhưng tôi phải làm như tỉnh táo, hỏi:
– Với cô, có quá trễ chưa?
– Em không biết. Nhưng để em kể em đã sa xuống chỗ nào. Lúc đầu em may mắn trên con đường tị nạn. Ông giáo sư đỡ đầu cho em li dị vợ để cưới em. Anh đừng trách em. Vì ông ta li dị xong mới cho em biết đã có vợ và mới li dị. Ở Nga, li dị là chuyện cơm bữa, cũng như chuyện trai gái chung chạ. 30% các cặp vợ chồng li dị. Việc làm tình hổ lốn trở thành phổ thông là vì tình trạng ăn chung ở chạ, nhà cửa chật chội. Chồng em là một tên ghiền rượu, đánh đập em mãi, em vẫn chịu đựng được. Nhưng hai ba lần em bị anh họ chồng, em chồng, rồi cả bố chồng cưỡng hiếp, thì anh bảo sao em chịu được? Em phải ra đi, và sa vào tay Mafia.
Tôi lại ớn lạnh. Không phải vì gió đêm. Mà vì nhớ chúng tôi đang ở gần biên giới. Tôi dìu Quỳnh Hương vào trong. Ðóng cửa sổ lại. Chúng tôi im lặng uống một thứ rượu kem gì đó khá ngon. Tôi quyết định ngày mai ra lãnh sự quán bí mật làm giấy bảo lãnh hẳn cho Quỳnh Hương sang Na-uy. Ðiều làm tôi do dự là cái giấy hôn thú. Trước khi về phòng riêng, tôi đắp mền cho Quỳnh Hương như một đứa em gái và nói:
– Ngủ ngon. Ðừng mộng mị gì cả, dù thiên đường.

Quỳnh Hương sang chơi Na-uy lần kế tiếp vào ngày lễ Sankthans, ngày dài nhất, đúng hơn, không có đêm. Nàng từ xe buýt Murmansk bước xuống, ăn mặc đơn giản, càng xinh đẹp hơn. Nàng tha thướt đi giữa những huân chương và mũ áo Hồng quân bên vệ đường, tàn tích của một thiên đường vừa đổ vỡ, diễm lệ như một nàng tiên, tôi đặt tên cho nàng là “Trích Tiên”. Khi tôi nói ra, nàng cười tươi, chấp nhận. Từ đó cuối tuần nào nàng cũng qua. Thường tôi đưa nàng về căn chòi thuê của xã ở sườn núi trông ra biển, rất thơ mộng. Từ mùa thu không còn mặt trời giữa đêm nữa, nhưng rừng thu biến thành những tảng màu đỏ, vàng tuyệt diệu. Vài cánh buồm trắng nhẹ trôi trên mặt nước xanh lộng bóng núi. Ban đêm trời trong, trăng sao vằng vặc chiếu xuống vịnh bao la. Chúng tôi ngồi bên nhau ngoài hiên nói chuyện tới khi sương ngập thềm. Tôi gọi căn chòi này là “Ðộng Tiên”, muốn vĩnh viễn ở lại không về trần gian. Nàng “trích tiên” thỉnh thoảng lại khóc làm tôi lo lắng. Nhưng nàng nói:
– Xin lỗi Anh, em khóc chỉ vì quá hạnh phúc.
Tôi uống những giọt hạnh phúc này từ mắt nàng, và nói:
– Ðây là nước mắt hạnh phúc. Nhưng nước mắt đau khổ của Em, anh cũng xin uống.

Chúng tôi chỉ ước có phép mầu cho thời gian và không gian ngừng ở đây. Lạ lùng là những lúc tôi gần gũi Quỳnh Hương trên chòi nghỉ mát, tôi chỉ say sưa nhìn ngắm, lắng nghe, ngửi hương nàng, không xàm xỡ. Tôi sống sự hiện diện nàng. Sự sống nồng nàn, ngây ngất mà thanh khiết. Tạo hóa đã khắc cho nàng một chân dung kỳ diệu – từng nét thì đối chỏi mà toàn thể thì hài hòa. Các nhà giải phẫu thẩm mỹ không bao giờ làm được như vậy. Chỉ có Nhà Ðiêu khắc tối cao, thừa thương yêu và tinh quái mới nắn nên khuôn mặt và thân thể Quỳnh Hương – để tặng riêng tôi, cho riêng mỹ cảm mà Ngài tạo cho tôi. Và Ngài gởi tặng phẩm tới cho tôi qua con đường sầu thảm quá. Con đường các phép lạ thường đi.

Khốn nạn thân tôi (tiếng Bắc của Quỳnh Hương), nỗi đam mê lành thánh kia, tôi chỉ giữ được khi có sự hiện diện của nàng. Khi nàng qua lãnh thổ Nga, tôi trở về trại Banak, thì xác thịt tôi giằn vặt, réo gọi. Tôi quằn quại trong giường lính độc thân, thèm khát thân hình nuột nà cô gái giang hồ Natasja. Xác thịt tôi trách móc tôi đã dại dột bỏ qua cơ hội nọ, cơ hội kia trên Ðộng Tiên. Cho tới khi tôi ngủ thiếp đi. Có vài lần trong mơ… Nhưng thường trong mơ tôi thấy nàng Trích Tiên mặc áo dài trắng tinh khiết trổi lên từ giòng nước trong xanh vẫy gọi tôi. Phải chờ tới buổi sáng, khi mặt trời mọc, rọi sáng vào những góc tăm tối trong tâm hồn, tôi mới thực tỉnh táo, và hãnh diện cuối tuần trước đã giữ mình đứng ngoài cái giòng đục lềnh bềnh những xác bố chồng, xác anh, xác em chồng nàng, và những thiên đường mà nàng đang vùng vẫy thoát ra. Ðúng hơn, chúng đẩy nàng ra như một vật lạ trong cơ thể.

Chỉ có một lần tôi táo bạo, lần đi thăm Nordkapp. Nordkapp hay “Mũi Bắc” nằm trên vĩ độ cao nhất nước, có lẽ là kỳ quan Na-uy thu hút nhiều du khách nhất. Mỗi năm, hàng vạn người từ khắp thế giới, nhất là Nhật, Ðức, Mỹ mua vé máy bay lên đây, chỉ để coi mặt trời đêm. Lúc tôi đưa Quỳnh Hương đi thăm Mũi Bắc, trời đã sang đông, không còn du khách nào nữa, cũng không còn mặt trời đêm. Tôi nắm tay Quỳnh Hương đứng trên ghềnh đá vách dựng đứng. Nước biển vẫn thăm thẳm. Gió lạnh buốt. Nhưng chúng tôi càng thích thú. Bỗng nhiên, mây trên trời biến thành màu xanh như lân tinh, và quay tít như đèn kéo quân, hào quang lấp lánh rực rỡ, những luồng điện nổ tí tách trong mây như hàng ngàn tràng pháo chuột ngày Tết. Quỳnh Hương kinh sợ nhưng lại reo vui vì có tôi bên cạnh. Tôi giải thích:
– Ðó là nordlys (bắc quang). Hiện tượng huy hoàng này không phải lúc nào cũng xảy ra. Hôm nay nó xảy ra đúng lúc Em tới đây. Ðó là dấu hiệu Trời cũng muốn chào đón Em đó.
Quỳnh Hương tựa lưng vào ngực tôi. Giọng nàng mật ngọt:
– Còn Anh, Anh cho em dấu hiệu gì?
Cầm lòng chẳng đậu, tôi xoay người nàng lại, và hôn vào đôi môi nồng nàn. Ðó là lần đầu tôi hôn một người con gái. Trên mỏm đá lịch sử Nordkapp, dưới ánh bắc quang.

Chỉ còn một tháng nữa là Tết ta. Thu An gọi điện thoại nhắc thế nào tôi cũng phải xin về phép cho kịp ngày cúng Giao Thừa. Thay vì nói trong điện thoại, sợ không đủ mạch lạc và không đối đáp được con em lí lắt, tôi viết cho nó một thư dài 6 trang trình bày ý định mời Quỳnh Hương về Oslo ăn Tết. Tất nhiên trong thư tôi dấu một số chi tiết về thảm cảnh của Quỳnh Hương, nhưng tên “Trích Tiên” thì không thể không khoe. May quá con bé chấp thuận liền, còn hào hứng chuẩn bị đón “chị dâu”. Tôi nói tuyệt đối nó không được… lạc quan. Gia đình chúng tôi đã nhận bao nhiêu tai họa bất ngờ, đúng trong những lúc tưởng là hạnh phước nhất. Tết Mậu Thân Ông Nội đang công tác ngoài Huế bị cộng sản Bắc Việt bắt đi chôn sống, đúng lúc ông được điện tín về mà coi mặt và đặt tên cho cháu đích tôn là tôi; Bà Nội đi bốc xác Ông, về phát điên rồi mất. Năm 75 con Thu An vừa sanh ra, để trong cái biệt thự thơ mộng Ba Má mới mua ở Chí Hòa mấy năm sau “có một tiểu thư ra vào”, thì cộng sản tràn vào “giải phóng”; Ba đi tù, Má bị sa thải. Ba trốn học tập về, đúng lúc Má đặt được chỗ vượt biên chính thức, tưởng vĩnh viễn thoát khỏi cái thế giới điêu ngoa, hận thù, gian manh, thì tầu do tỉnh ủy Ðồng Nai đóng bị vỡ, Ba Má chết đuối. Từ đó, cứ thấy bóng dáng hạnh phúc là tôi giật mình. Lần này, với Quỳnh Hương, tôi lại lăn xả vào, không phải như con thiêu thân nhào vào lửa nhan sắc, mà như muối gặp biển mặn. Nàng là hiện thân của tôi – phần nước mắt, và cả gia đình, dân tộc tôi, phần ước mơ và bất hạnh. Tôi đón nhận hết. Một lần, trong Trích Tiên.

Tôi thu xếp cho Quỳnh Hương sang đúng dịp tôi và Thu An nghỉ phép mùa đông. Và để tránh mọi dị nghị, tôi trình bày nội vụ với ông thiếu tá, và nhờ ông trình ông đại tá luôn. Ông dễ thương tặng Quỳnh Hương cái vé máy bay. Thu An bày đặt mang hoa ra phi trường Fornebu đón khách. Vừa giáp mặt Quỳnh Hương, nó đã reo ầm lên:
– Eo ơi! Chị Quỳnh Hương đẹp dễ sợ.
Quỳnh Hương bật cười vì những từ ngữ kỳ cục của con bé, cảm động nhận hoa. Tôi giới thiệu với khách:
– Ðây là đứa em gái thua tôi tới sáu tuổi, nhưng từ ngày chúng tôi mồ côi, nó nhảy tót lên ngôi chị hai, “kềm kẹp” tôi từ miếng cơm tới manh áo.
Thu An cong cớn:
– Từ nay em không thèm kềm kẹp nữa, em sắp bàn giao chủ quyền Trường Sá cho người khác.
Quỳnh Hương chỉ biết đỏ mặt. Tôi huých Thu An một cái làm nó chạy giạt sang bên kia, núp bóng Quỳnh Hương.
– Ê ê! Từ nay có chị Quỳnh Hương che chở, anh Hai không được ăn hiếp em nữa.
Thu An vừa lái xe vừa giới thiệu thành phố cho khách. Chị em nói chuyện líu lo. Tôi ngồi băng sau, nhắm mắt nghe giọng Hà Nội và giọng Sài Gòn quấn quít. Quỳnh Hương như thơ trẻ lại. Tôi ngả người tận hưởng hạnh phúc của một gia đình, lần đầu tiên sau 15 năm cô độc, lạc lõng nơi xứ người. Ðêm giao thừa, cúng vái, ăn cơm xong, Quỳnh Hương dọn trà mứt, Thu An bưng ra một cái bánh bông bơ, thắp 30 ngọn nến. Quỳnh Hương trầm trồ:
– Người Việt tại Na-uy có tục lệ riêng để đón xuân? Ðẹp quá!
Thu An trả lời:
– Không phải đâu, chị. Năm nào chúng em cũng ăn Tết, đồng thời mừng ngày sanh anh Hai. Nhưng năm nay đặc biệt hơn, vì năm nay anh Hai “tam thập nhi lập”.
Quỳnh Hương hiểu ngay:
– Thế tức là Anh sinh năm 1968?
Tôi nói:
– Ðúng, năm Mậu Thân.
Thu An hớt:
– Vì thế Ba Má mới đặt tên ảnh là Thân. Ba Má nói “Thân” đây có hai nghĩa là “yêu mến”, “thân thiện” chứ không phải “con khỉ”. Nhưng em thấy ảnh “mậu thân” với em lắm. Từ nay ảnh “mậu thân” là ảnh chết.
Quỳnh Hương cười ngặt nghẹo. Chưa bao giờ nàng cười nhiều như vậy. Tôi nói:
– Năm đó con khỉ con này chưa sinh ra, sao bây giờ khoọc khẹc dữ vậy?
– Chính anh Hai nghe lóm Ba Má kể rồi khoe với em hết chứ bộ. Cũng như Anh, năm Mậu Thân đâu có biết gì về chuyện Ông Bà Nội, bây giờ cũng kể vanh vách.
– Chuyện gì vậy?

Quỳnh Hương hỏi. Tôi chần chờ. Thu An lần lượt kể về những thảm cảnh gia đình. Thảm cảnh nào nó không trực tiếp trải qua, nó kể lể rành mạch như chuyện cổ tích; đến thảm cảnh Ba bị công an vào nhà còng tay Ba lần thứ hai, cảnh đắm tầu thì nó kể lộn xộn như cơn ác mộng. Cuối cùng tôi kết luận một câu mà trong những dịp thiêng liêng thường nói với em gái, như bổn phận nhắc lại một gia qui đơn giản, Quỳnh Hương là người dưng đầu tiên nghe:
– Ba Má chỉ dạy chúng tôi một điều: lòng trắc ẩn.
Một làn khói hương từ trên bàn thờ bay là đà xuống đầu Quỳnh Hương. Nàng lên tiếng:
– Hai Bác thật là nhân hậu, từ những khủng khiếp của năm Mậu Thân và bao năm sau đó, chỉ rút ra chữ “Thân” đặt tên cho con trai và hai chữ “Trắc ẩn” khắc trong lòng hai con.

Không muốn hai người con gái thấy ngấn nước trong mắt tôi, tôi bèn đứng lên thắp thêm nhang trên bàn thờ ông bà. Nghĩ tới “Trích Tiên” và mấy chục triệu người đáng thương xót ở ngàn dậm xa, tôi khấn thầm: “Lạy Trời Phật! Hai chữ trắc ẩn Ba Má khắc trong lòng chúng con, cũng là lẽ sống bàng bạc trong lòng Trời Ðất. Xin Trời Ðất nhỏ xuống lòng mọi người ở bên kia một giọt trắc ẩn. Riêng tình yêu của con dành cho Quỳnh Hương, đã khởi đầu do lòng trắc ẩn, nhưng bây giờ kết thúc là tình yêu. Xin Trời Phật, Ba Má chứng kiến và chúc phúc cho chúng con”.
Im lặng một lúc, Thu An hỏi:
– Anh Hai vừa ăn mảnh, lén xin Ba Má thêm cái gì, phải không?
Tôi nửa đùa nửa thật:
– Anh không xin xỏ gì cả, chỉ hỏi ý kiến thôi. Ba tháng nữa anh Hai hết thời hạn quân dịch, và có quyền bảo lãnh một người ngoại quốc sang Na-uy. Anh hỏi Ba Má muốn con dâu là một người trần hay tiên.
Quỳnh Hương mắc cỡ gục mặt xuống, trong khi Thu An nhảy lại ôm vai nàng, reo:
– Em thay mặt Ba Má trả lời: Tiên. Trích Tiên!

Nhưng còn Quỳnh Hương, nàng có ưng thuận vào trong cái mà tôi cho là “thiên đường” của chúng tôi không? Một con người suốt đời bị số phận đẩy đưa và người khác định đoạt, lần này quyết định phải thuộc quyền nàng. Vì thế lúc bạn đọc tới giòng này, tôi vẫn đang ở trong giây phút thiên thu chờ đợi nàng trả lời.

Tâm Thanh

Thứ Hai, 1 tháng 7, 2024

Gọi Sóng Tình Xưa - Nhạc&Lời Vũ Lương Đúng - Ca Sĩ Xuân Trường


Nhạc&Lời: Vũ Lương Đúng
Ca Sĩ: Xuân Trường

Lý Tưởng Không Gian

 

Nhân ngày sinh nhật Không Quân VNCH 1-7 
Thân tặng quý chiến hữu KQVNCH

Lý tưởng Không Gian thật tuyệt vời!
Chúc mừng sinh nhật khắp muôn nơi
Á, Âu náo nức mừng khai hội
Mỹ, Úc hân hoan chúc thiệp mời
Ta ở bên này thương chiến hữu
Bạn nơi chốn cũ nhớ mây trời
Bao nhiêu kỷ niệm thời chinh chiến
Hoài niệm đong đầy vương vấn thôi!!!


Lâm Hoài Vũ
Ngày 01-7-2024

Bầu Mướp Chung Giàn

(Vườn nhà của tác giả)

Gọi thế nào ta vẫn cùng một họ
Giống dây leo cùng ra trái đơm hoa
Giàn lá xanh phủ bóng vốn một nhà
Rợp bóng mát che trời cao nắng đổ.....

Bầu với mướp cùng chung giàn bóng mát
Bông Mướp vàng hoa Bầu trắng chen vai
Chen chúc nhau vàng trắng nét trang đài
Tô nét đẹp bướm ong về hút mật

Trời nắng đẹp mảnh vườn rau nho nhỏ
Màu lá xanh hoa bướm lượn chập chờn
Bầu mướp chen nhau làm đẹp mảnh vườn
Tình bầu bạn mái trường xưa một thuở....!

Cùng một gốc tuổi xanh nuôi mộng đẹp
Điểm tô đời xây dựng lắm ước mơ.......!
Hạnh phúc ấm no, lý tưởng tôn thờ
Tình Bầu Mướp che màu xanh bóng mát....

Thơ & Hình Ảnh: Ngư Sĩ

Sáo Đã Sang Sông

 

Ai đem con sáo sang sông
Để ta khắc khoải chờ mong tháng ngày.
Sáo đừng nghe giọng êm tai
Mà quên lời thật những ngày bên nhau!

Qua sông phải mấy nhịp cầu
Bơ vơ ngày tháng dãi dầu nắng mưa!
Sáo ơi có nhớ ngày xưa
Họp đàn vui hót giữa mùa xuân tươi!

Lồng son là của con người
Vì ham tiếng hót tuyệt vời sao ơi
Cho nên họ dụng vạn lời
Dụ cho chim sáo quên đời sang sông!

Sáo ơi sống trong lòng son
Rồi Em phải chịu mỏi mòn tàn hơi
Thương sáo phải phí một đời
Tài hoa tiếng hót tuyệt vời thiên thu!

Trưa trưa tiếng gió vi vu
Mà sao chim sao mịt mù nơi đâu!
Nhớ nhau sớm bạc mái đầu
Qua sông sáo hót tiếng sầu biệt ly!

26-6-2024
Hàn Thiên Lương

Euro 2024



( Từ June 14- July 14- 2024).

Có anh rực rỡ hè Châu Âu
Quả bóng em đợi chờ đã lâu
Nắng mùa hè như lên cơn sốt
Em tái ngộ anh EURO ơi.
Chào anh. Chào nước Đức đăng cai
Chào những đội quốc gia Châu Âu
Chào quả bóng lăn trên sân cỏ
Chúng ta gặp nhau một tình yêu.
Hỡi những chàng cầu thủ tài hoa
Chàng như trong huyền thoại bước ra
Đôi chân làm nên điều kỳ diệu
Quả bóng tạo thành những phong ba.
Quả bóng đã chạm vào trái tim
Biết bao người, nào chỉ riêng em
Tình yêu bóng đá không biên giới
Không thời gian và chẳng không gian.
Nao nức chờ gặp Harry Kane
Thấy Mbappe, Wirtz, Bellingham…
Ronaldo, Mueller quen thuộc….
Xavi, Yamal trẻ tài năng…..
Anh đến đâu em cũng theo anh
Sân bóng Munich hay Berlin
Về sân Cologne hay Frankfurt
Chẳng ngại Hamburg hay Dortmund.
Được thua sẽ là chuyện bình thường
Dù có kẻ vui có người buồn
Những người nghệ sĩ trên sân cỏ
Cống hiến cho người hâm mộ xem
Ngày hội EURO đã đến rồi
Cả Châu Âu thức dậy mùa vui
Ước gì quả bóng còn lăn mãi
Ước gì thời gian sẽ ngừng trôi.

Nguyễn Thị Thanh Dương
(June 18- 2024)
 

記夢 Ký Mộng - Nguyễn Du


Đây là bài thơ cụ Nguyễn Du làm trong khoảng thời gian "Mười năm gió bụi (1786-1795)". Theo gia phả thì người vợ đầu của Nguyễn Du là con gái của ông Đoàn Nguyễn Thục, em gái của Đoàn Nguyễn Tuấn, đã mất ở Quỳnh Hải, Thái Bình. Lúc này Nguyễn Du đang ở Hà Tĩnh chiêm bao thấy vợ. Ông nghĩ lúc sống bà chưa biết đường làm sao tìm được ông trong giấc chiêm bao. Tỉnh ra nhớ đến giấc mộng mà nghĩ thương cho vợ đã không ngại hiễm nguy vất vả lặn lội đến thác mộng cho mình, nên làm bài thơ nầy để bày tỏ nỗi lòng của mình đối với người đầu ấp tay gối của những năm xưa.

記夢                 Ký Mộng

逝水日夜流, Thệ thuỷ nhật dạ lưu,
遊子行未歸。 Du tử hành vị quy.
經年不相見, Kinh niên bất tương kiến,
何以慰相思。 Hà dĩ uỷ tương ti (tư).
夢中分明見, Mộng trung phân minh kiến,
尋我江之湄。 Tầm ngã giang chi mi.
顏色是疇昔, Nhan sắc thị trù tích,
衣飭多參差。 Y sức đa sâm si.
始言苦病患, Thuỷ ngôn khổ bệnh hoạn,
繼言久別離。 Kế ngôn khổ biệt ly.
帶泣不終語, Đới khấp bất chung ngữ,
彷彿如隔帷。 Phảng phất như cách duy.
平生不識路, Bình sinh bất thức lộ,
夢魂還是非。 Mộng hồn hoàn thị phi?
疊山多虎廌, Điệp sơn đa hổ trĩ,
藍水多蛟螭。 Lam thuỷ đa giao ly.
道路險且惡, Đạo lộ hiễm thả ác,
弱質將何依。 Nhược chất tương hà y?
夢來孤燈清, Mộng lai cô đăng thanh,
夢去寒風吹。 Mộng khứ hàn phong xuy.
美人不相見, Mỹ nhân bất tương kiến,
柔情亂如絲。 Nhu tình loạn như ty.
空屋漏斜月, Không ốc lậu tà nguyệt,
照我單裳衣。 Chiếu ngã đơn thường y!

阮攸                 Nguyễn Du
***
* Chú thích:

- 記夢 KÝ MỘNG: KÝ là Nhớ, là ghi. Nên KÝ MỘNG là "Nhớ Lại Giấc Mơ".
- 逝水 Thệ Thủy: THỆ là Chết, là Đi không trở lại, nên THỆ THỦY là Dòng nước chảy đi mất hút không trở lại.
- 經年 Kinh Niên: KINH là Đi qua, nên KINH NIÊN có nghĩa là Suốt cả năm. Đôi khi dùng để chỉ Nhiều năm qua, tương đương như từ Bao Năm.
- 慰 Ủy : Thăm hỏi, như ỦY Lạo; Ở đây có nghĩa là An Ủy, An Ủi.
- 江之湄 Giang Chi My: Bến của con sông; Bến nước.
- 疇昔 Trù Tích : là Như ngày xưa; là Vẫn như ngày nào.
- 衣飭 Y Sức: Y phục và Trang sức, chỉ sự ăn mặc.
- 參差 Sâm Si: là So Le; ở đây chỉ Lôi thôi, xốc xếch.
- 始言 Thủy Ngôn: Lời nói mở đầu; Lời nói trước tiên.
- 繼言 Kế Ngôn: Lời nói kế đó; Lời nói tiếp theo.
- 帶泣不終語 Đới khấp bất chung ngữ : Nghẹn ngào sùi sụt nói chẳng hết lời.
- 虎廌 Hổ Trĩ hay Hổ Trãi : Chỉ các loại thú dữ như cọp như beo...
- 蛟螭 Giao Ly: Thuồng luồng cá sấu, chỉ chung các loại thuỷ quái dưới sông.
- 弱質 Nhược Chất: là Thể chất yếu đuối, thường dùng để chỉ cơ thể của phụ nữ.
- 將何依 Tương Hà Y: Sẽ nương tựa vào cái gì; Biết trông cậy vào ai đây ?
- 漏 Lậu là Dột, là rò rỉ; ở đây chỉ "Ánh trăng tà chiếu LỌT vào trong phòng vắng (Không ốc lậu tà nguyệt 空屋漏斜月).
- 單裳衣 Đơn Thường Y: Chỉ Quần áo mỏng manh khi mặc để ngủ.

* Nghĩa bài thơ:

Nhớ Lại Giấc Mơ

Như dòng nước cứ đêm ngày chảy đi rồi mất hút, cũng như người du tử đi xa mãi vẫn chưa về. Biết bao năm qua không gặp mặt nhau, lấy gì để an ủi cho lòng thương nhớ nhau đây ? Rõ ràng là gặp nhau ở trong mơ, nàng đến tìm ta ở bên bờ sông nước. Nhan sắc thì vẫn như thuở nào, nhưng sao áo quần trông xốc xếch thế kia. Mở lời bằng những lời thở than bệnh hoạn, kế đến là bày tỏ nỗi nhớ thương ly biệt lâu ngày. Sùi sụt trong tiếng nấc nghẹn ngào nên nói không cạn lời, mường tượng như là bị ngăn cách bởi một bức màn thưa. Bình sinh nàng vốn chẳng biết đường đi, nên mộng hồn chẳng rõ là thực hay là hư ? Núi Tam Điệp nhiều hổ báo cọp beo; Sông Lam Giang lại lắm thuồng luồng cá sấu. Đường đi thật hiễm ác vô cùng, với bản chất yếu đuối của phái nữ nàng sẽ nương tựa vào ai đây ?... Ta mơ màng trong ngọn đèn côi thanh vắng, khi tỉnh lại thì gió thổi lạnh lùng. Nào có gặp được người đẹp nào đâu, càng khiến cho mối tình cảm trong lòng rối tợ tơ vò. Nhìn bóng trăng nghiêng nghiêng chiếu lọt vào phòng vắng chiếu cả lên thân áo mỏng manh mà ta đang mặc ngủ...

Tình cảm thật chân thành tha thiết, thê lương buồn thảm của một người chồng nhớ đến người vợ đã khuất bóng của mình; là mơ nhưng như thật "夢中分明見 Mộng trung phân minh kiến" : Thấy thật rõ ràng ở trong mơ; Tưởng thật nhưng lại là mơ "彷彿如隔帷 Phảng phất như cách duy : Chập chờn như là bị ngăn cách bởi một bức rèm the. Thấy lại hết trong mơ cái thể chất yếu đuối yêu kiều của người vợ cũ hay bệnh tật lại đa sầu đa cảm cho nỗi biệt ly, phải lặn lội đường xa xuyên qua núi sông hiễm ác để đến báo mộng cho mình... Những hình ảnh thân thương của người vợ cũ ngày thường trong tâm tưởng đều hiễn hiện lại trong mơ. Nhưng khi giật mình tỉnh giấc thì chỉ thấy ánh trăng tà chiếu xuyên qua phòng vắng trong cơn gió lạnh lẽo đơn côi... Qủa là bi thương thê thiết cho một người thuộc "nòi tình" như là tác giả của Đoạn Trường Tân Thanh vậy!

* Diễn Nôm:

Ký Mộng

Dòng thệ thủy ngày đêm tuôn chảy,
Gót lãng du đi mãi chưa về.
Bao năm chẳng gặp não nề,
Lấy gì an ủi vỗ về tương tư.

Nay trong mộng rõ như gặp mặt,
Nàng tìm ta bến nước ven bờ.
Dung nhan tựa thuở bao giờ,
Áo xiêm xốc xếch ngẩn ngơ hàm tình.

Trước mở lời đinh ninh bệnh hoạn,
Sau hàn huyên khổ nạn biệt ly,
Nghẹn ngào chẳng nói nên chi,
Bên rèm thấp thoáng thấy gì dung nhan.

Bình sinh vốn chẳng am đường xá,
Mộng hồn kia tựa có tựa không.
Hổ lang Tam Điệp trùng trùng,
Lam Giang thủy quái thuồng luồng khắp nơi.

Đường hiễm ác lắm nơi đều vậy,
Thể chất kia biết cậy nhờ ai?
Mơ màng đèn vắng đêm dài,
Tỉnh ra gió lạnh ai hoài một thân!

Người đâu tá tần ngần chẳng thấy,
Tình ngổn ngang lòng rối tựa tơ.
Phòng không lọt ánh trăng mờ,
Áo đơn lạnh lẽo bơ phờ nhớ ai!

Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Fear (Kahlil Gibran) - Nỗi Sợ Hải (Thái Lan Dịch)


Fear

It is said that before entering the sea
A river trembles with fear.

She looks back at the path she has traveled,
from the peaks of the mountains,
the long winding road crossing forests and villages.

And in front of her,
she sees an ocean so vast,
that to enter
there seems nothing more than to disappear forever.

But there is no other way.
The river can not go back.

Nobody can go back.
To go back is impossible in existence.

The river needs to take the risk
of entering the ocean
because only then will fear disappear
because that’s where the river will know
it’s not about disappearing into the ocean,
but of becoming the ocean.

Khalil Gibran

***
Bài Dịch:

Nỗi Sợ Hải  

Từ xa xưa, một con sông trước khi tràn vào đại dương, đã thật run rẩy vì sợ hãi. Nó quay lại nhìn những chận đường mình đã đi qua, từ bao nhiêu đỉnh núi, ngọn đồi, nhìn con đường vằn vèo xuyên qua từng cánh rừng, từng ngôi làng...
Và rồi ..ôi! khi nó trông thấy trước mặt mình là một đại dương bao la, mênh mông đến nỗi nó cảm thấy chỉ với ý tưởng nếu thâm nhập vào đó cũng đồng nghĩa với sự việc là sẽ bị vĩnh viễn biến mất .

Tuy thế, sự thật là chẳng còn phương cách nào khác. Con sông không thể nào quay trở lui.
Không một ai có thể quay lui được.
Nếu bạn chọn việc đi trở lui, bạn không thể nào thực hiện việc này trong cuộc sống...
Con sông cần phải mạo hiểm, cần phải lao vào đại dương.

Chỉ có cách duy nhất là lao vào đại dương thì nỗi sợ hãi mới tan biến, bởi vì lý đó duy nhất là lúc đó con sông sẽ hiểu rằng nó sẽ KHÔNG tan BIẾN trong đại dương, nhưng NÓ SẼ TRỞ THÀNH ĐẠI DƯƠNG

Thái Lan Dịch

Con Cháu Tiên Rồng III


8. Truyền Thuyết Mỵ Châu

Sách Lược Giữ Nước


Dương Vương muốn dựng Cổ Loa

Ước mong chống giặc Triệu Ðà xâm lăng

Nhưng thành luôn mất thăng bằng

[755] Xây xong lại xập – bởi rằng yêu tinh

Vương liền cầu khẩn thần linh

Kim Quy – đế quốc nể tình giúp cho

Từ đây – thành ốc khỏi lo

Thần còn tặng móng – làm cò cung tên

[760] Bắn ra một phát – sướng rên

Giết ngay vạn giặc lền khên ngoài thành

Triệu Ðà – mưu chước khôn ranh

Cầu hòa – xin tặng thêm cành thiên hương

Mỵ Châu Trọng Thủy – uyên ương

[765] Thương chồng – nàng lộ hiến chương quốc phòng

Giúp chàng nội gián vào trong

Tráo ngay lãy nỏ – việc xong là về

Cùng cha – qua đánh nhạc thê

Cổ Loa thất thủ ê chề đắng cay

[770] Vương cùng con gái cao bay

Ôm lưng tuấn mã mơ ngày thoát thân

Ngàn trùng đào tẩu tảo tần

Ðối phương lại cứ rần rần rượt theo

Vì nàng – lông ngỗng rắc gieo

[775] Giúp chồng Trọng Thủy – bám đeo đuổi hoài!

“Triệu Đà Trọng Thủy” – cả hai

Biểu trưng “đế quốc” – chuỗi dài xâm lăng

Tiên Rồng – vì mất quân bằng

Bởi không “song hiệp” – gia tăng đối thù

[780] Tích truyền lịch sử nghìn thu

Một lần duy nhất trùng tu vương thành

Tuyên xưng chống giặc đã đành

Nhưng vì thành ốc chỉ dành cho vua

Nguyên nhân công cuộc thắng thua

[785] Tốn hao công quỹ – theo hùa ngoại bang

Chẳng màng cải tiến Nước – Làng

Đã không chăm sóc – lại càng hại dân

Rồi thành sập đổ nhiều lần

Sưu cao thuế nặng – muôn phần tốn hao

[790] Bắt dân đắp lũy vét hào

Ruộng nương hoang phế – tăng cao đói nghèo

Tạo ra xã hội cheo leo

Lòng dân than oán – rắc gieo tương tàn

Người người cơ cực lầm than

[795] Tham quan nhũng nhiễu lan tràn khắp nơi

Nước – Dân thành chuyện xa vời

Còn chi lý tưởng với lời nói suông

Tướng binh dù có bổng lương

Nhưng vì “hồn nước” đã ruồng bỏ đi

[800] Dân thì “hồn giặc” ám ghi

Mong thay chế độ – thị phi bất cần

An Dương – lại sống xa dân

Chui vào ốc đảo – vinh thân lợi nhà

Kết bè – nhận giặc thông gia

[805] Môn đăng hộ đối – để mà khinh dân

Hôn nhân đình đám rần rần

Xe bao trăm cỗ tỏ phần xa hoa

Tiệc tùng quà cáp lụa là

Vui trên xương máu nước nhà – mà thôi

[810] Nỏ thần thành ốc – đủ rồi

Tăng tàu phi pháo – yên ngôi trị vì

Mặc dân – ai khổ can chi

Tin vào vũ khí – cậy vì đồng minh

Giặc kia – mà ngỡ thâm tình

[815] Rước tên nội gián – rập rình săn tin

Còn đâu quân sự giữ gìn

Còn chi bảo mật – thiếu nhìn thanh tra

Việc công – vua đã lơ là

Quên lời Dựng Nước – để mà An Dân

[820] Xa lìa truyền thống tiền nhân

Chạy theo Duy Lợi – vong thân cầu ngoài

Mộng mơ khoa bảng làm “tài”

Cam tâm nô lệ – Chẳng hòai “nước non”

Nuôi thân trả nợ chưa mòn

[825] Sớm khuya hia mão bon chen việc làm

Lâu lâu có buổi họp quan

Vua ngồi vua phán – lam nham ích gì

Toàn dân – xa lánh khinh khi

Vua thời chờ phút sinh thì – mất ngôi

[830] Việc vua việc nước – đơn côi

Một người con gái – thành đôi nghịch thù

Gả nàng – trao đổi – đền bù

Biến con thành giặc cho dù giữ ngai

Hỡi ơi! Tham lợi háo tài

[835] Bán buôn máu huyết hình hài Tổ Tiên

Nhận làm phương tiện – ngang nhiên

Giúp cho giặc chiếm trọn miền quê hương

Ngây thơ chính trị – dẫn đường

Lộ điều bí mật – vì thương người chồng

[840] Cướp xong vào buổi chiều đông

Anh chàng gián điệp – thong dong về nhà

Cùng cha – qua đánh nhạc gia

Phép công là trọng  – lọ là niềm riêng

Đất bằng nổi sóng binh khiên

[845] Dân cư tan tác – xóm giềng điêu linh

Dương Vương nay rõ sự tình

Nỏ thần hết nghiệm – tướng binh đầu hàng

Pháo phi thiết kỵ – mọi đàng

Lọt về tay giặc – phũ phàng – hận căm

[850] Ba mươi tháng bốn bảy lăm

Mặc dân sống chết – vua nhằm thoát thân

Ẵm con – ôm bạc – nhanh chân

Tìm đường tỵ nạn – cầu ân xứ người

Nào đâu chẳng thấy tiếng cười

[855] Con dân địch vận là người ngu ngơ

Lệnh truyền từ “cục e – rờ”

Áo choàng lông ngỗng – phất phơ chỉ đường

Chạy qua bao ải dặm trường

Địch quân sao mãi tinh tường rượt theo

[860] An Dương lâm cảnh hiểm nghèo

Truy ra nguyên cớ – Giặc đèo sau lưng

Than ôi – nàng Mỵ – con cưng

Lông chim đã nhổ – biểu trưng Tiên tàn

Nhát gươm oan nghiệt – chém tan

[865] Máu nàng – vung vãi lan tràn biển khơi

Đau thương khổ lụy chưa vơi

Chết theo vua chúa – chết đời nước dân

Triệu Đà chiến thắng khắp phần

Chủ trương vô sản – phi nhân phơi bày

[870] Toàn dân cùng cực đọa đày

Người người căm phẫn – chờ ngày vùng lên

Giúp Dân Cứu Nước – xứng tên

Học bài Phù Đổng làm nền dựng xây

Mỵ Châu – dẫn chứng nơi đây

[875] Trước là Hồn Nước – từ rầy chớ quên

Tổ là biểu tượng nói lên

Tiên Rồng Chánh Thuyết – dựng nên nước nhà

Tinh thần kết hiệp hài hòa

Toàn Dân Giữ Nước – chính là việc công

[880] An Dương – phản bội Tổ Tông

Không cầu khấn Tổ – cậy trông người ngoài

Kim Quy – biểu tượng thần tài

Đại cuộc giữ nước – đã sai từ đầu

Hồn lìa trước – Nước mất sau

[885] Nỗi đau mất nước – lụy sầu nhà tan

Nước Dân – Đời sống liên can

Mất theo Hồn Nước – lụi tàn Lòng Dân

Mất Dân – thì mất mọi phần

Kể chi thành ốc nỏ thần – thị uy

[890] Cổ Loa – bài học dễ suy

Biểu trưng thành chết – xụp tùy thời gian

Lòng Dân – Sức Nước tương quan

Quốc phòng quân sự – bảo an nước nhà

Phải luôn cải tiến, kiểm tra

[895] Là phần cơ mật – để mà phòng nguy

Tuyệt tin vũ khí Kim Quy

Dương Vương ỷ lại – tiện tùy ngủ quên

Say men chiến thắng – ngỡ bền

Quên điều cập nhật – sót tên bảo trì!

[900] Nhận con rể giặc – làm gì

Rước vào cung cấm – còn chi quốc phòng

Dương Vương – dầu hưởng thong dong

Nhưng về tay giặc đã xong mọi phần

Chỉ chờ khi giặc xuất quân

[905] Nhà tan nước mất – thoát thân chạy dài

Đồng minh – trở mặt ly khai

Quốc gia xụp đổ – như bài học trên

Tích truyền minh chứng – nói lên:

Phát huy truyền thống – giữ bền non sông

[910] Sống theo Đạo Đức Tiên Rồng

Giúp Dân Giữ Nước – thành công sáng ngời

Hồn – Dân – Sức – Đất ai ơi

Giữ toàn vẹn bốn – Nước thời thịnh an

Mỗi khi nạn nước tràn lan

[915] Giữ Hồn – Dân – Sức phá tan giặc thù

Hồn – Dân – mất Sức cho dù

Muốn mong quật khởi – cần cù có ngay

Mất Dân – Sức – Đất chờ ngày

Giữ Hồn tụ điểm – tỏ bày thành công

[920] Mất Hồn – mọi sự tang bồng

Nước thành xác chết – đừng mong phục hoàn

Mất Hồn – Dân mãi lo toan

Cũng thành công cụ – hoàn toàn gây nguy

Mất Hồn – Dân – Sức ích chi

[925] Thuộc về tay giặc – cũng tùy thời gian

Giữ – Hồn – Dân – Sức liên quan

Theo bài Phù Đổng – ta bàn sâu hơn

Mỵ Châu – phá họai giang sơn

Tội đền xử chém – làm ơn răn đời

[930] Nước – Nàng không sống trọn lời

Tình Nhà chung thủy – đồng thời thưởng công

Tổ Tiên – phán xử minh thông

Tội làm mất nước – thương chồng mà ra

Máu nàng – được hóa ngọc ngà

[935] Chính là Máu Đá – Tình Nhà thăng hoa

Ngọc trai nước giếng – tẩm hòa

Trở nên sáng đẹp – nhạt nhòa Thân Thương

Trầu Cau – tích dẫn tỏ tường

Thương nhau trọn vẹn – con đường quang vinh

[940] Nước Nhà sống thực – trọn tình

Tiên Rồng Song Hiệp – chứng minh tuyệt vời


9. Truyền Thuyết Phù Đổng

Sách Lược Cứu Nước



Tích truyền Cứu Nước dẫn lời

Huấn linh Phù Đổng từ thời Hùng Vương

Đề ra Sách Lược tỏ tường

[945] Tổ Tiên hướng dẫn con đường Giúp Dân

Xâm lăng với nạn giặc Ân

Vua Hùng tìm cách giải phần nguy cơ

Dùng bao phương thức – nào ngờ

Chẳng ngăn nổi giặc – cõi bờ phá tan

[950] Nhà Vua chợt nhớ lập đàn

Khẩn cầu Quốc Tổ – thương ban nước nhà

Can qua tại chốn ngã ba

Trong cơn giông tố hiện ra Cụ Già

Hình dung cổ quái – múa ca

[955] Râu dài áo đỏ – đậm đà tuyết sơn

Giỡn chơi với đám trẻ con

Rầm rầm chạy nhảy – cười dòn pháo rang

Nhìn qua khung cảnh ngoài đàng

Tuần quan thấy lạ vội vàng tâu vua

[960] Hùng Vương tiến đến kính thưa

Cầu Cụ giúp chước – tránh thua quân thù

Cụ cười và bảo: “Nhân thu

Nhà vua sai sứ chu du tìm người!”

Vương liền phán đến khắp nơi

[965] Tìm người cứu nước như lời Tổ khuyên

Sứ nhân hăng hái rao truyền:

“Tổ về và bảo thường xuyên đi tìm”

Và làng Phù Đổng đồi sim

Có con trai nhỏ im lìm ba năm

[970] Chẳng đi, cười, nói – chỉ nằm

Tới khi sứ đến viếng thăm làng này

Cậu ta bật dậy trình bày

Xin con ngựa sắt với tay roi dài

Từ đây Cậu Bé trổ tài

[975] Lớn mau như thổi – tiêu xài áo cơm

Gia đình tận lực bổ bơm

Bà con lối xóm đong đơm giúp vào

Tới hôm ngựa sắt sứ trao

Vươn vai hít thở lớn cao phi thường

[980] Phóng lên ngựa sắt cầm cương

Ngựa liền phun lửa nhắm phương nghịch thù

Vung roi đánh giặc mịt mù

Nhổ tre mà đánh – cho dù gãy roi

Số làng ngựa thổi cháy toi

[985] Giặc tan – trời đất đã soi rửa hờn

Thắng quân tới núi Sóc Sơn

Cậu cùng ngựa lửa thoát cơn – Về Trời

Gốc tre bỏ lại trên đời

La Ngà – Thánh Gióng – đồng thời mọc lên

[990] Vua Hùng phong cậu với tên

Thiên Vương Phù Đổng giữ bền non sông

Tổng quan Chính Thuyết Tiên Rồng

Song Hiệp Hoàn Chỉnh – cộng đồng thịnh an

Đồng Bào – Xã hội chứa chan

[995] Thân Thương Bình Đẳng – bằng an cuộc đời

Sống theo văn hóa sáng ngời

Với người đã khuất – với đời hiện sinh

Dựng nên đất nước văn minh

Tự do thống nhất – bình minh muôn đời

[1000] Tiên Rồng – Chính Thuyết tuyệt vời

Tương quan lực lượng sáng ngời từ đây!


I. Bài Học Mỵ Châu



Tổ Tiên dùng truyền tích thương tâm An Dương Vương, Mỵ Châu Trọng Thủy – thành một câu chuyện công chúa làm mất nước, để dạy chúng ta về bài học Giữ Nước, tức là phải (1) giữ Hồn Nước (2) giữ Dân Nước (3) giữ Sức Nước (4) và giữ Đất Nước.


Mỵ Châu là bài học Giữ Nước. Theo quan niệm của Tổ Tiên, thì công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước là của toàn dân. Bất cứ tổ chức chính trị độc tài chuyên chế nào cũng là phản dân hại nước và đắc tội với Dân Tộc Việt Nam.


1. Bài Học Mất Nước


Truyền thuyết Mỵ Châu minh định rằng việc xây thành, lập đảng nhằm mang lại lợi ích cho giai cấp thống trị, có ích chi? Cậy chi vũ khí nỏ thần mà bỏ quên sức dân? Trông chi đồng minh Kim Quy/ Mác Lê xa lạ mà lìa bỏ Hồn Dân Hồn Nước?


Xây thành Cổ Loa làm cho dân đói khổ. Phung phí tài nguyên làm cho dân cùng cực.


Tốn hao ngân sách làm cho nước kiệt quệ. Ỷ vào thành vững nỏ thần mà khinh dân, xa dân, bỏ dân, lìa dân để mặc cả mà chạy theo lợi ích ngoại bang.


Thành cao lũy tốt, khí giới hiện đại có ích chi khi chính người công dân cuối cùng là con gái của mình Công Chúa Mỵ Châu đã đối nghịch, huống chi dân chúng ngoài thành? Vì từ khi gả nàng cho giặc, nàng thành người của giặc, thì nàng phải nghe lời giặc và nàng làm theo ý giặc.


An Dương Vương không thể đổ thừa hay trách oán ai?


Việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa cách Hà Nội khoảng 15 cây số và làm mất nước, đã trở thành một đề tài suy tư cho bao thế hệ tiếp nối. Với hơn bốn ngàn năm văn hiến, việc tích lũy truyền đạt kinh nghiệm Giữ Nước từ sai lầm của triều đình An Dương thành bài học cao quý cho chúng ta.


Tổ Tiên dùng câu chuyện thương tâm An Dương Vương và cặp vợ chồng Mỵ Châu Trọng Thủy làm đề tài Mất Nước để dẫn chứng cho chúng ta thấy rõ ràng về bài học Giữ Nước: Muốn Giữ Nước thì chúng ta phải biết Giữ Hồn Nước, Giữ Dân Nước, Giữ Sức Nước và Giữ Đất Nước.


2. Đánh Mất Chính Mình


Dưới khía cạnh bài học Làm Người, truyền thuyết Mỵ Châu cũng nói lên diễn tiến của một người làm mất chính mình, mất đồng bào tính, mất Chính Thuyết Tiên Rồng và khiến cho con người ấy bị tha hóa, bị đầu độc, bị tuyên truyền bởi những tà thuyết ngoại nhân nhằm biến đổi con người của mình trở thành một Vị Kỷ Cá Nhân (Personal Ego) , chớ không phải Tự Do Cá Nhân (Personal Freedom).


Chuyện kể rằng để chống quân Triệu Đà, thì An Dương Vương đã khởi công xây dựng Loa Thành. Đặc biệt trong suốt dòng lịch sử của Dân Tộc Việt chưa bao giờ có việc xây thành kiên cố cho vua chúa trú ngụ.


Các Vua Hùng đã luôn sống với dân, gần dân và cùng dân chia sẻ mọi trách nhiệm theo định chế Làng Nước xưa nay.


Việc xây Loa Thành này đã đánh dấu quan niệm chống giặc giữ nước theo kiểu của An Dương Vương. Quan niệm này đi ngược lại truyền thống ngàn đời của Dân Tộc Việt, và xây thành trở nên việc làm xa lạ với nếp sống của toàn dân đương thời.


Ngoài ra, sự kiện thành bị xụp đổ nhiều lần, đã chứng tỏ hoàn cảnh đất nước không đủ cung ứng cho việc xây thành lũy. Chẳng những An Dương Vương lìa xa tinh thần dân tộc, mà còn lìa xa đời sống thực tế, thực thể hay thực trạng hiện hữu của đất nước.


Khi thành bị xụp đổ, đáng lý An Dương Vương phải tìm hiểu, thay đổi kế hoạch mới, để ứng hợp với hiện trạng nhằm vận dụng, xử dụng và tận dụng sức mạnh thiết thực của toàn dân. Nhưng ông lại trông cậy vào mưu lược tài trí của người lạ Thần Kim Qui.


Như thế việc xây Loa Thành còn nói lên khuynh hướng sống vọng ngoại của An Dương Vương.


3. Đánh Mất Hồn Nước


Theo Chính Thuyết Tiên Rồng, việc lìa bỏ tinh thần dân tộc, Hồn Nước của An Dương Vương lại càng rõ rệt. Đang khi trong truyền thuyết Tiết Liêu hay Phù Đổng, khi cần An Dân Cứu Nước, thì các Vua Hùng khẩn Cầu Tổ về chỉ dạy. 


Nhưng ở đây, An Dương Vương không cầu Tổ, mà lại đi cầu đồng minh Kim Quy đến giúp xây đặc khu kinh tế giữ nước, trong chương trình “Vành Đai – Con Đường!” của thiên triều Trung Quốc. Chẳng những giúp xây được Loa Thành, Thần Kim Qui còn cho một cái móng chân để làm lãy nỏ, vũ khí nguyên tử nỏ thần này bắn một phát giết vạn giặc ngoài thành.


Với thành vững, với vũ khí hiện đại Nỏ Thần đã khiến cho các tài năng thiện nghệ của Thanh Niên Việt trở thành vô dụng. Các tài năng chất xám của bao lớp người thanh thiếu niên cũng không xử dụng, không nuôi dưỡng, không cần thiết trong công cuộc Dựng Nước – Giữ Nước của An Dương Vương.


Có phải đây biểu trưng của một nhà chính trị độc tài chuyên chế?


3. Chấp Nhận Hồn Giặc


Đã xa nếp sống người dân, đã chỉ cậy nhờ người ngoài, An Dương Vương lại đem công chúa Mỵ Châu gả cho hoàng tử Trọng Thủy, con của của đối phương Triệu Đà.


Đang là một tên xâm lăng khiến cho An Dương Vương phải lo xây thành để chống cự, thì Trọng Thủy bỗng ngang nhiên bước vào tung hoành tới tận thâm cung bí sử của Loa Thành.


Đang là một tên giặc nguy hiểm Trọng Thủy lại trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu.


Như vậy, từ chỗ tùy thuộc vào người ngoài, rồng An Dương Vương bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Và tiên Mỵ Châu, biểu tượng cho tâm hồn Việt, cũng đã chấp nhận giặc, ôm ấp giặc, nghe lời giặc và thành người của giặc.


Cớ sự mất nước đã vậy mà Mỵ Châu còn tiến thêm một bước, là nàng yêu và chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa vũ khí tối mật của quốc gia là cái nỏ thần cho Trọng Thủy coi. Tuy không hoàn hảo, nhưng đất nước đang được tạm thời sống trong yên ổn nhờ có thành vững nỏ thần.


Thế mà sau khi giúp cho giặc phá lũng thành, thì giờ đây Mỵ Châu còn làm theo ý giặc là trao cho Trọng Thủy xem cái nỏ thần, để rồi bị chàng đánh tráo cướp mất.


Mỵ Châu đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng đã yêu qúy giặc hơn đồng bào mình, hơn quê hương mình. Vậy thì còn gì Nước, còn chi là Dân? Nhưng nàng vẫn cho là chưa đủ! Trên lưng ngựa cùng cha chạy trốn, Mỵ Châu còn nhổ lông ngỗng nơi chiếc áo đang mặc, để ghi dấu cho Trọng Thủy tìm đường rượt theo.


Thực là chua chát. 


Nàng Tiên Việt đã hoàn toàn quên mình vì giặc! 

Giờ đây, người nàng chỉ còn chiếc áo lông ngỗng, hình ảnh cuối cùng của chim Lạc, của Tiên, mà nàng cũng nhẫn tâm rứt bỏ để làm dấu dẫn đường cho giặc! 

Lông đã nhổ, lớp áo tiên mỏng manh bên ngoài cũng không còn, nên Mỵ Châu gục chết.

Lâu nay, tuy tâm hồn đã đổi thay, nhưng nàng vẫn còn giữ và khoác chiếc áo Tiên. Giờ đây nàng lộ nguyên hình là giặc.


Mỵ Châu là Tiên, là biểu tượng cho tinh thần, cho ý thức văn hóa trong việc Giữ Nước. Nay đã mất Tiên. Mất theo nàng, theo An Dương Vương, là cả một đất nước và cả một dân tộc.

Thật là chua chát đắng cay cho chúng ta.


4. Diễn Tiến Mất Hồn Nước


Thế là An Dương Vương và Mỵ Châu đã làm cho Nước mất Nhà tan. Đó cũng chỉ vì “chàng rồng” An Dương Vương từ bỏ truyền thống, xa lìa hiện trạng dân nước đi cậy nhờ và lệ thuộc người ngoài. Và “nàng tiên” Mỵ Châu lại chấp nhận việc kết thân với giặc, rồi làm theo ý giặc, quên mình vì giặc, và chết cho giặc.


An Dương Vương và Mỵ Châu đã để Hồn Nước dần dần tiêu hao với những quyến rũ hào nhoáng của những lợi ích hời hợt bên ngoài. Khi nền tảng dân tộc bị phai lạt nơi bất cứ dạng thức nào của đời sống dân nước, thì tại phần đó, từ phần đó nước bắt đầu mất.


Dưới khía cạnh Con Người, đây cũng là diễn tiến Con Người đánh mất chính tâm hồn mình. Điều đáng sợ là diễn tiến đó rất tuần tự, nên nhiều khi mình đã đánh mất chính mình, đã trở thành giặc, đã làm hại mình, mà mình cũng không hay, không ngờ.


 - Hồn Mất Trước, Nước Mất Sau


5. Bài Học Dân Nước


Việc bỏ mất Hồn Nước luôn luôn kéo theo việc bỏ dân, làm mất dân. Khi giới quyền chức đã tin tưởng và ỷ lại vào ngoại nhân, thì người dân trong nước bị khinh khi rẻ rung, bị coi là phương tiện để phục vụ quyền lợi riêng tư của nhóm người đặc quyền thống trị hay nhóm lợi ích.


Sự kiện An Dương Vương quyết định xây thành đã tố cáo việc ông bỏ quên trách nhiệm chăm sóc đời sống cho toàn thể mọi người dân trong nước. Trước đây, mọi người đều là con dân, đều được ông chăm sóc, nhưng từ nay, với quyết định xây thành của ông, những kẻ ở ngoài thành sẽ bị phó mặc cho đau thương, cho hoạn nạn, cho bất trắc, cho tiêu diệt.


Thế mà thành lại hư sập nhiều lần, và gánh nặng lại đổ xuống trên người dân. Toàn Dân phải chịu sưu cao thuế nặng, mưa nắng dãi dầu, gia đình ly tán, vợ con nheo nhóc khi phải sống cảnh chồng đi làm phu phục dịch đào hào đắp lũy.


Đã hết lo cho dân, An Dương Vương lại hành hạ dân, bắt dân phục vụ ông.


Khi xây xong thành, An Dương Vương đã thực sự sống xa cách dân. Trước kia, trong suốt mấy ngàn năm các vua dân Việt đã không hề xây thành mà luôn sống với dân, bên dân và cùng dân chia sẻ cuộc sống chung.


Nhưng nay, An Dương Vương rút mình vào trong vỏ ốc. Đối với ông, toàn dân bây giờ chỉ còn có nghĩa là nhóm người đang lo đóng thuế và phục dịch ông ở trong thành lũy này.


Được thêm vào vòng thành trôn ốc với chiếc nỏ thần hiếm quý của Thần Kim Qui càng làm cho An Dương Vương vững tâm và xa dân hơn. Đã hết gần dân, giờ đây ông lại không cần dân.


Một phát nỏ thần bắn ra có thể giết hàng vạn quân giặc, nên sự góp sức của dân không cần thiết nữa. Trong việc giữ nước, người dân đã trở thành vô dụng, thành thừa thãi, thành ngoại cuộc.


Chẳng những vậy, từ nay, ngoài đám dân phục dịch trong thành, còn toàn thể dân tộc trong nước đều ở trong tầm sát hại của nỏ thần. An Dương Vương coi dân như giặc, và ông đã trở thành giặc, đã bán nước cho Triệu Đà.


6. Biến Mình Thành Giặc


Từ chỗ đối xử với dân như giặc, An Dương Vương đem Mỵ Châu gả cho Trọng Thủy, hoàng tử của giặc. Với việc thông gia giữa hai dòng vua, An Dương Vương đã tạo ra giai cấp đặc quyền.


Ông muốn từ nay gia đình ông phải là dòng họ cao trọng và giầu sang đặc biệt, không còn liên hệ với dân. Ông hoàn toàn tách rời dân, tách rời truyền thống văn hóa đặt nền tảng trên bài học Chử Đồng: “Nàng tiên Công Chúa Tiên Dung lấy chàng rồng Chử Đồng nghèo khổ không khố, không mặc quần đùi.”


Thế là An Dương Vương đã rước giặc vào cung. Ông hủy bỏ công dụng của Loa Thành, và bỏ quên những người ở trong thành.


Giờ đây ông chỉ còn biết có gia đình ông. Quanh ông chỉ còn có hai người: một là Mỵ Châu, hai là tên giặc nằm vùng Trọng Thủy.


An Dương Vương chỉ còn Mỵ Châu là con, là dân, người dân cuối cùng. Vì vậy, ông giao cho Mỵ Châu trách nhiệm gìn giữ chiếc nỏ thần, báu vật bạo lực thần thánh của ông. Ông tập trung quyền lực vào gia đình, vào những người thân cận ông.


Với việc tập trung quyền lực, từ nay người dân bị tham nhũng, bị bóc lột, và trở thành dân oan hoặc thành miếng mồi ngon cho tham vọng không đáy của nhóm quan chức. Ai làm chủ nỏ thần, làm cò đất, và ai nắm giữ quyền lực thì người đó có toàn quyền sinh sát và cướp đoạt tài sản nhân dân.


Vì vậy, Trọng Thủy đã dùng thủ đoạn, đoạt cái lãy nỏ khỏi tay Mỵ Châu một cách dễ dàng. Sau đó nhóm đặc quyền tranh nhau xương máu của dân, va người dân trở thành mối lợi, món hàng, của bọn quan chức chỉ còn biết tư lợi và quyền lực.


Kết quả của tranh chấp quyền lực là tai họa giáng xuống trên người dân. Ách thống trị theo chân Trọng Thủy và Triệu Đà trùm phủ lên toàn thể dân nước.


Bài Học Dân Nước thực thấm thía. Bỏ trách nhiệm chăm sóc dân, hành hạ dân, xa lánh dân, coi dân như thù địch, để chỉ dựa vào thành lũy, vào nỏ thần, vào nhóm đặc quyền, vào bạo lực, thì rồi, việc giữ nước chỉ còn là những thủ đoạn tranh quyền đoạt lợi.


Người dân trở thành mục tiêu cho bóc lột, cho bạo hành. Và Giữ Nước trở thành Cướp Nước.


Giữ Nước Là Việc Của Toàn Dân. Dân không giữ nước thì giặc giữ!


Không cho dân giữ nước thì chính quyền đó chỉ là kẻ cướp nước.


7. Bài Học Sức Nước


Dưới khía cạnh Sức Nước, khi An Dương Vương từ bỏ truyền thống và xa lìa cuộc sống người dân, để quyết định xây thành, chính là lúc ông làm băng hoại sức mạnh xã hội của nước. Việc xây thành làm hao tổn của cải, tài năng và nhân lực trong nước.


Vậy mà thành còn bị hư xụp đổ nhiều lần, nên sức mạnh kinh tế lại càng suy sụp thêm, nghèo đói thêm. Khi sống trong thành, xa dân, không còn biết đến đời sống người dân, An Dương Vương bỏ mất sức mạnh chính trị: Tổ Chức & Lãnh Đạo. 


Khi được nỏ thần, khi không còn vận dụng sức dân, khi làm cho dân thấy mình trở thành người ngoại cuộc thừa thãi, chính là lúc An Dương Vương đánh mất sức mạnh tinh thần trong công cuộc Giữ Nước. Làm mất dân, An Dương Vương đã bỏ mất những sức mạnh nền tảng của việc Giữ Nước. 


Nhưng ông cũng chưa thấy nguy cơ vì ông đặt trọn niềm tin vào Loa Thành và Nỏ Thần, Loa Thành bảo đảm thế thủ an toàn, và Nỏ Thần đang làm mọi người khiếp sợ. Loa Thành và Nỏ Thần là biểu trưng của sức mạnh quân sự, khả năng giữ nước cuối cùng của An Dương Vương.


Nhưng rồi ông thua kém trên mặt trận ngoại giao, khi bị rơi vào thủ đoạn của giặc. Sau khi hao tốn biết bao công quỹ để xây thành ngăn giặc, ông lại long trọng rước giặc vào tận thâm cung.


Chính ông đã loại bỏ công dụng sức mạnh phòng thủ của ông.


Thành đã bị phá lũng, An Dương Vương chỉ còn chiếc Nỏ Thần. Nhưng ông lại bị thua ở mặt trận gián điệp.


Trọng Thủy đã biến vợ mình là Mỵ Châu thành nội tuyến, và nàng đã tiết lộ bí mật quốc phòng. Khi để Trọng Thủy đánh tráo lãy nỏ, trao vũ khí giữ nước cuối cùng vào tay giặc, An Dương Vương đã để mất luôn sức mạnh kỹ thuật.


Không Sức Mạnh Lấy Gì Giữ Nước?


8. Bài Học Đất Nước


Công cuộc giữ nước bộc lộ rõ ràng nhất trong việc bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Thế mà An Dương Vương dám bỏ mất dần.


Trước kia, chưa xây Loa thành, An Dương Vương đã để tâm chăm sóc toàn thể đất nước. Nhưng khi xây thành, ông chỉ còn giữ lại mảnh đất trong thành.


Đối với ông, đất nước ta không còn trải rộng ra khắp bờ cõi, mà thu hẹp lại trong hào lũy. Ông chểnh mảng trong việc giữ nước, để chỉ chú tâm tới cái làng mà ông đang ở để mà sống hưởng thụ.


Thế nhưng, khi lo cưới chồng cho Mỵ Châu, rước tên giặc Trọng Thủy vào nội cung, An Dương Vương lại vì tình nhà mà hủy bỏ sự phòng thủ của thành. Ông chỉ còn thấy có cái nhà của ông.


Và rồi, khi để Mỵ Châu trao nỏ thần vào tay giặc, ông đã không giữ nổi mấy chục thước đất cuối cùng. An Dương Vương đã thực sự không còn đất sống.


9. Ảo Tưởng Giữ Nước


Thế là hết, An Dương Vương đã để mất Hồn Nước, để mất Dân Nước, để mất Sức Nước, và cũng đã mất Đất Nước. Tuy nhiên, ông vẫn không ngờ, ông vẫn tưởng rằng ông đang giữ nước.


Thực vậy dầu Hồn Nước có mất, cũng chỉ có nghĩa là ông đã thực hiện quan niệm của riêng ông. Cho dù người Dân đã bị loại ra khỏi việc giữ nước, nhưng nhờ đó ông lại càng dễ thống trị hơn.

Cho dù Trọng Thủy là con giặc, nhưng đã trở thành con ông. Cho dù Mỵ Châu nằm trong tay giặc, nhưng nàng vẫn còn mặc áo lông ngỗng.

Cho dù giặc có tung hoành ở thâm cung, nhưng vòng thành bên ngoài vẫn kiên cố vô song. Và cho dù lẫy thần đã bị tráo, chiếc nỏ vẫn còn nguyên hình dạng cũ.


Tất cả đều cho An Dương Vương ảo tưởng là đất nước vẫn an toàn, là ông đang hoàn thành nhiệm vụ giữ nước một cách tuyệt hảo. Nhưng quả thực, sở dĩ đất nước còn, và ông vẫn còn như đang giữ nước, không phải là vì ông phòng thủ hữu hiệu, mà vì giặc chưa xua quân tiến chiếm.

Vì vậy, khi Triệu Đà xua quân tới, An Dương Vương chỉ còn cách lên ngựa chạy trốn. Ông không còn gì.

Tất cả đã bị giặc chiếm. Cả đứa con ngồi sau lưng cũng đã thuộc về giặc, cũng đã là giặc.


Ôi dân tộc đồng bào! Ôi giang sơn gấm vóc!


Tuy rằng Chính Thuyết Tiên Rồng đang liệt kê nhiều nhân vật góp phần làm mất nước, nhưng mọi nhân vật đều có thể quy về một mình An Dương Vương. Chính An Dương Vương đã lìa bỏ truyền thống dân tộc mà quyết định xây thành.


Chính ông đã nhờ thần Kim Quy, đã xin nỏ thần. Chính ông đã hành hạ dân, đã từ khước dân.

Ông cũng đã đón rước Trọng Thủy, đã đặt nỏ thần trong tay Trọng Thủy. Chính ông đã dành cho Triệu Đà mọi điều kiện để đặt ách nô lệ lên toàn dân.


Trong diễn tiến đó, chúng ta có thể thấy tất cả đều chỉ là những giai đoạn của con người An Dương Vương.


Từ chỗ là một người chăm lo cho cuộc sống an thịnh của dân nước, như Tiết Liêu, ông đã để tham vọng cho ông ảo tưởng ông là thần thánh. Qua việc ông cấu kết với thần Kim Quy, qua việc xây xong thành và làm chủ chiếc nỏ thần, ông muốn toàn dân suy phục ông như một vị thần.


Ông đã bỏ nguyên tắc nền tảng đầu tiên của người làm việc nước, là phải xác tín Thân Phận Là Người của mình.


Từ chỗ coi mình là thần thánh, An Dương Vương khinh rẻ người dân, không còn nhớ tới điều kiện thứ hai của người làm việc nước, là mình đang Mang Nặng Trách Nhiệm. Ông dùng thành lũy để bảo vệ ông, và dùng nỏ thần để uy hiếp mọi người. Ông quyết tâm hưởng thụ, và bắt toàn dân phục vụ ông.


Thay vì cùng với toàn dân chia sẻ gánh nặng giữ nước, An Dương Vương chỉ còn chuyên dùng bạo lực của thành Ốc và nỏ thần. Từ đó, ông tạo ra giai cấp đặc quyền.


Ông chọn một hoàng tử để làm phò mã, dầu đó là con của giặc. Ông còn tập trung quyền lực vào gia đình của riêng ông, và ông giao trọn việc giữ nước, giờ đây chỉ còn cái nỏ thần, vào tay đứa con gái ngờ nghệch của ông.


Từ đây, đối với ông, dân chỉ là một lũ nô lệ phải luôn luôn cúi đầu khuất phục. Thế là, đối với nước, đối với dân, ông không còn là người giữ nước, mà đã trở thành tên giặc cướp nước.


Ông trở thành Triệu Đà. Như vậy, làm vua, làm việc nước, nhiều khi còn có nghĩa là giặc nước.


Người giữ nước tuyệt hảo là người cùng với toàn dân chia sẻ cuộc sống. Mọi người đều chung phần trách nhiệm giữ nước, tuy ở tầm độ khác nhau, nhưng mọi chức vụ đều là trách nhiệm.


Nếp sống này đã được thể hiện trong nhiều giai đoạn của lịch sử Việt, và được kết tinh trong những truyền tích Tiết Liêu, Chữ Đồng, An Tiêm, và Vọng Phu. Là thời suy thoái khi An Dương Vương xây thành và đặt dân dưới sự kiềm tỏa của nỏ thần.


Đó là chế độ, dầu dưới bất cứ danh xưng cao quý nào, mà xây dựng trên võ lực, trên lý của kẻ mạnh, trên mạnh được yếu thua.


Khi An Dương Vương tiếp nhận hoàng tử ngoại bang và trao nỏ thần cho con gái, chính là lúc thành lập chế độ gồm giai cấp đặc quyền, nắm giữ mọi quyền hành, và hưởng thụ trên xương máu người dân. An Dương Vương thành Triệu Đà là hình thức lộ liễu nhất của thống trị, chuyên chế, đế quốc, thực dân, đảng trị, thủ đoạn, mị dân.


10. Yếu Tố Giữ Nước


Muốn giữ Nước thì phải giữ Hồn Nước, giữ Dân Nước, giữ Sức Nước, và giữ Đất Nước. Hồn nước được giữ bằng việc sống thực và phát huy truyền thống cao quý của dân tộc.


Dân Nước có được là nhờ chăm sóc đời sống người dân và để dân chia sẽ trách nhiệm giữ nước. Sức Nước mạnh được là nhờ các cơ cấu xã hội, chính trị, kinh tế, và tổ chức quân sự thích đáng và hữu hiệu.


Đất nước chỉ còn, khi thực sự được các yếu tố trên bảo vệ một cách trọn vẹn. Có được cả bốn, giữ được cả bốn, thì quê hương thanh bình thịnh vượng, đồng bào hạnh phúc yên vui.


Nếu mất Đất, vì quân xâm lăng tràn ngập, nhưng vẫn còn Hồn, còn Dân, còn Sức, thì ngày quật khởi ở trong tầm tay.


Nếu mất Đất, mất Sức, mà còn Dân, còn Hồn, thì lo gì không có ngày vùng dậy.


Nếu mất Đất, Sức tan và Dân bị phân tán, mà còn Hồn Nước, thì tuy cần thời gian, vẫn còn cơ hội có lại Dân, có lại Sức và có lại Đất.


Nếu mất Hồn Nước, dầu còn Đất, còn Sức, còn Dân, thì cũng đã khô cạn sức sống, cái xác không hồn, ma giặc sắp ám.


Nếu mất Hồn, mất Dân, thì Sức và Đất trở thành những khí cụ đầy bất trắc, cực kỳ nguy hiểm. Nếu mất Hồn, mất Dân, mất cả Sức, thì giang sơn gấm vóc của Tổ Tiên đang là miếng mồi ngon nằm bên miệng giặc.


Và nếu giặc đã ra tay, như thảm trạng quê hương đồng bào ta hiện nay, thì Tổ Tiên linh hiển hướng dẫn chúng ta tiến sang bài học cứu nước của truyền tích Phù Đổng trong Chính Thuyết Tiên Rồng siêu việt. 


II. Bài Học Phù Đổng



Sách Lược Cứu Nước của Tổ Tiên muôn đời hữu dụng, sách gối đầu giường hằng đêm suy tính từng điểm, từng chữ, từng câu làm một chương trình sống cho những ai dám quyết tâm phá giặc. Dám thấy việc phải làm, và dám làm việc đã thấy.


Dám đối diện với thực tại, dám nhìn thẳng vào tương lai. Dám đương đầu với khó khăn, dám biến chướng ngại thành phương tiện.


Dám từ bỏ những gì mà mình đang có, để thực hiện điều cao quý hơn.


Không chỉ dám bằng hứng chí, bằng lý trí, bằng chứng cớ, bằng suy tư mà còn dám với tất cả tâm hồn, chúng ta dám cảm nhận sống thực với chính mình, vì bao trăm năm qua dân nước Việt Nam chưa một lần được thực sự giải cứu, và sự thống nhất dân nước chưa thành công.


1. Bài Học Cải Hóa


Bởi thế Phù Đổng là Bài Học Cải Hóa – cải hóa từng con người, và cải hóa toàn thể xã hội. Vừa Cứu Nước lại vừa Cải Hóa Con Người.


Khởi đầu sự kiện nước bị Giặc Ân xâm chiếm – Thời Nhà Ân Trung Quốc cũng cùng với Thời Vua Hùng ở vùng Đất Tổ của chúng ta là Hồ Động Đình. Nhân việc kể đi kể lại chiến tích chống ngoại xâm, Tổ Tiên đúc kết thành bài học Cứu Nước và Cứu Người.


Trước nạn giặc xâm chiếm, nước mất nhà tan, dân tình khốn khổ, Vua Hùng và triều đình đã dùng hết cách, hết sức, hết lực nhưng vẫn không ngăn được giặc. Tuy là bối cảnh câu chuyện, nhưng lại là yếu tố giúp chúng ta chuẩn bị cho một tổ chức cứu nước hoàn chỉnh và hữu hiệu.


Mọi phương thức chống giặc đều vô hiệu, lực lượng tan rã, lòng dân phân tán, đồng minh trở mặt. Giặc lại thừa thắng xông lên, gây bao oan nghiệt, điêu linh thống khổ cho đồng bào, cho đất nước, cho giống dòng.


Chúng ta phải nhận chân thảm trạng mất nước. Không lượng định chính xác sức mạnh của giặc, và tình trạng yếu kém của ta về mọi phương diện, thì chỉ là lạc quan trái mùa hay sợ giặc mà không nhìn ra giặc, không đánh giặc mà lại đánh nhau.


Chúng ta cần học hỏi và trau dồi tài năng sao cho hơn giặc mọi mặt thì mới mong thắng giặc. Nhận chân thực trạng để biết địch biết ta.


2. Lột Xác Dấn Thân


Xác định đức tính thiết yếu của chúng ta là dám nhận thực hiện trạng phũ phàng, dám tin tưởng tuyệt đối vào sức sống sức mạnh của dân tộc. Chúng ta dám lột xác để thích ứng với tình thế mới, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, và quyết tâm dấn thân thực hiện việc tổ chức cứu nước cho đến ngày thành công.


Bài học khởi sự với việc nêu rõ điều kiện, đức tính cần thiết để cải hóa từng người, rồi cải hóa từ một người tới cải hóa tổ chức, từ cải hóa tổ chức tới cải hóa mọi người khác. Phù Đổng duyệt qua từng giai đoạn, từng công tác, từng hành động từ việc vận động tinh thần, tới các điều kiện đoàn kết, qua phương thức phát hiện tiềm năng, tới cách thể hiện điều hợp, ứng biến và tập trung sức mạnh.


Bài học nêu rõ vấn đề vai trò các chủ lực, thái độ và phương thức để khỏi rơi vào tròng độc tài, áp bức, bất công. Tất cả được Tổ Tiên hướng dẫn từng bước cụ thể, từng giai đoạn thực tế, để từng người, từng nhóm người và toàn thể trở về với Con Người đích thực, và Xã Hội cũng đích thực trọn vẹn là xã hội con người.


3. Lập Đàn Cầu Tổ


Trong ngõ bí của thời cuộc, trong phũ phàng của thực trạng mất nước, Tổ Tiên cho bừng lên một vừng sáng chói chang hy vọng là Vua Hùng lập đàn cầu Tổ về giúp. Việc lập đàn chứng tỏ lòng thành và ý thức của chúng ta về tầm mức quan trọng vượt bực trong đại cuộc giúp dân cứu nước.


Cứu một người đã khó thay, huống chi cứu cả một dân tộc, một đất nước, một lịch sử giống dòng. Tổ là biểu trưng cho Tinh Thần, cho Sức Sống tối cao, Hồn Thiêng của Dân Tộc.


Ngài là nguồn gốc và là sự sống còn, là niềm hy vọng và là tụ điểm của toàn dân. Cầu Tổ là bộc lộ niềm tin bất diệt, niềm hy vọng tuyệt đối vào sức sống vô biên và truyền thống siêu việt của dân tộc. Ðây chính là nền tảng đích thực của tổ chức chính trị mang sứ mệnh Giúp Dân Cứu Nước.


Bất cứ nền tảng nào khác đều dẫn tới hậu quả là biến dân nước thành vong nô của ngoại bang, của tà thuyết, của cường quyền hay nhóm lợi ích.


Việc cầu Tổ, Phù Đổng còn nối kết cách tuyệt diệu với các truyền thuyết Tiên Rồng, Tiết Liêu. Tiên Rồng – Cha Rồng nhắn nhủ: “Khi cần thì gọi, Ta về ngay.” Tiết Liêu – Tiết Liêu thành tâm an dân thịnh nước, Tổ cũng về giúp.


Thời bình mà Tổ còn thương như vậy, huống chi thời loạn và con cháu đau khổ. Con cháu Tiên Rồng có lúc nào cần Tổ thương về giúp, khi đất nước gặp nạn, gia đình ly tán, đồng bào thống khổ?


Con cháu khẩn thiết kêu cầu, Vua Hùng lập đàn cầu Tổ về giúp.


Trên đàn có ngai qúy để Tổ về ngự, hương trầm nghi ngút, đèn nến sáng ngời, lễ vật đầy đủ. Vua quan đều thân thanh tâm tịnh, thành tâm thiện ý, đoàn kết một lòng.


Dân chúng vây quanh cầu khẩn, van xin thống thiết, và uy nghi trang trọng. Ai cũng chờ Tổ hiển hiện tại đàn, “hoành tráng” chưa từng thấy.


4. Tổ Đã Hiển Linh


Nào ngờ trên đàn chưa thấy dấu linh, thì ở ngã ba đường có một Cụ Già Áo Đỏ đang đùa giỡn với đám trẻ trong làng. Người dám tiến vào đại chúng, tìm gặp Tổ chính là Vua Hùng.


Vì quyết tâm cứu nước, nên dầu thấy những cảnh tượng bất thường của Cụ Già, Vua Hùng cũng tìm tới gặp Cụ, và xin Cụ dạy cách cứu nước. Phải thành tâm cùng tột, tuệ linh sáng ngời như Vua Hùng mới có thể nhận ra đó không phải là quái nhân tới phá đám, mà Tổ đã về.


Tuy đã lập đàn và chuẩn bị mọi sự, tức là đã dự tính cho nhiều kế hoạch, nhiều chương trình nhưng Vua Hùng cương quyết gạt bỏ tất cả, tới ngã ba đường gặp Cụ Già cổ quái để học cách tổ chức cứu nước. Đây là điểm đột phá quan trọng cho người lãnh đạo, là Lột xác.


Không vượt điểm đột phá này, không lột xác, không từ bỏ dự tính và phương thức cũ, thì chúng ta không thành công. Không thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh mới, không đón nhận kiến thức mới, chúng ta không thể hội nhập vào tổ chức chính trị Tiên Rồng.


Không mở rộng tâm trí đón nhận những bất ngờ, những cổ quái, thì chúng ta không thể nghe được tiếng Tổ gọi, tức là không thể nhận ra những phương thức thực sự hữu hiệu cho việc cứu nước. Và chúng ta có vượt qua được điểm lột xác thì mới có cơ may được Tổ dạy cách Cứu Nước.


Bất chấp sự phản đối của những quần thần kênh kiệu can ngăn, Vua Hùng lội bùn đội mưa tới ngã ba đường gặp Tổ, và được Tổ dạy một phương thức cứu nước. Nhưng cách Tổ dạy cũng cổ quái. Tổ bảo vua sai sứ đi khắp nơi tìm người cứu nước.


Thực kỳ lạ! Tại sao Tổ không nói rõ vị cứu tinh đó là ai? Tại sao lại bảo cho người đi tìm? Nếu chỉ có thế, thì Tổ hiện về làm gì? Vua Hùng cũng chẳng đang làm những việc đó sao?


Nhưng chính điểm kỳ quái lại là một bài học cho chúng ta. Tổ nhắc nhở, Tổ chỉ dạy, chớ Tổ không thể làm giúp thay cho chúng ta.


Tổ không giết giặc, Tổ không chỉ huy, Tổ cũng không làm gián điệp. Tổ cũng không cho nỏ thần hay khí giới hiện đại để thị uy hoặc tiêu diệt giặc.


Biết bao lần chúng ta cầu mong phép lạ, điềm linh giết giặc thay chúng ta hưởng. Biết bao lần chúng ta trách móc các Đấng Linh Thiêng không tích cực độ trì, giúp ta khoanh tay nhìn giặc chết!


Biết bao lần chúng ta kết tội người khác, kết tội nhau vì không làm thế này thế nọ. Vấn đề không phải là Tổ làm, mà là chúng ta biết thực thi ý muốn của Tổ.


Khi biết Tổ Tiên và các Đấng Thiêng Liêng muốn cứu dân lành, thì chính chúng ta phải tỏ ra là người con thảo, là tín đồ thuận thành. Chính chúng ta ra công phá giặc và hoàn thành ý muốn của Đấng Thiêng Liêng.


Chính chúng ta phải làm, phải dấn thân, thì mới cứu được nước. Xin nhớ rằng chúng ta có tổ chức hợp nhu cầu thời đại và có con người thời đại thì mới thành công. Ví dụ Thời Đại Tín Nghiệp (Information Age) hiện nay thì chúng ta phải có những con người kiến thức (Knowledge) và thông toàn (Wisdom), chớ không thể dùng con người Tư Bản Chủ Nghĩa và Lao Động của Thời Đại Công Nghiệp (Industrial Age) vì đã lỗi thời lỗi nhịp và trở thành vô dụng, lạc hậu!


5. Thực Trạng Mất Nước


Vua Hùng được Tổ chỉ cách. Nhưng trước khi vua thể hiện ý Tổ, chúng ta thử nhìn lại giai đoạn vừa qua.


Vua Hùng sống với thực trạng mất nước, và khởi công từ thực trạng đó mà làm. Vua không nuối tiếc hão huyền, cũng không mơ mộng viển vông của cuộc đời vương giả.


Vua tìm về nền tảng của công cuộc tổ chức cứu nước. Nền tảng đó là Tổ, là Sức Sống, là Truyền Thống siêu việt đang tiềm tàng trong đời sống dân chúng.


Với quyết tâm cứu nước, vua lột xác, sẵn sàng thích ứng và xử dụng mọi hoàn cảnh mới, mọi điều kiện mới. Cuối cùng là dấn thân, không do dự, không ỷ lại, sẵn sàng biến mọi chướng ngại thành phương tiện hữu hiệu trong việc cứu nước.


Vua Hùng là biểu tượng của con người cứu nước đích thực. Vì vậy những đức tính trên cũng chính là những điều kiện cần thiết cho bất cứ ai muốn thực sự góp phần vào việc phá giặc.


Truyền thuyết Mỵ Châu – An Dương Vương từ bỏ Hồn Nước, nên dẫn tới mất Nước. Ở đây Vua Hùng gặp lại Tổ, sống lại Hồn Nước, nên khởi sự cứu nước.


6. Vâng Theo Lời Tổ


Lời dạy của Tổ chính là phương thức cứu nước. Lời dạy của Tổ là ý muốn của Tổ, là chính Tổ sống động hiện thực trong dân nước.


Theo Lời Tổ là động lực cho mọi hành động của vua Hùng. Vua sai sứ đi tìm Người Cứu Nước, sở dĩ các sứ chịu đi và toàn dân chịu nghe theo cũng vì làm theo Lời Tổ – chớ không theo Lời Vua.


Lời Tổ trở thành Sức Sống, trở thành Hồn Thiêng tạo dựng, thúc đẩy, điều hợp và hoàn thành đại cuộc. Sức Sống này từ Vua Hùng truyền qua đoàn sứ nhân (đảng chính trị) và từ sứ nhân truyền qua toàn dân.


Được Tổ chứng giám, Tổ chỉ dạy, giờ đây vua mạnh dạn sai sứ lên đường. Đoàn sứ nhân chính là đại diện, là hiện thân, là chính Vua Hùng đi đến với toàn dân.


Như vậy, đoàn sứ nhân là Người Cứu Nước lên đường hành động, dấn thân thể hiện sứ mạng theo Lời Tổ dạy. Đem Sức Sống của Tổ đến cho toàn dân.


Toàn dân nhờ đó mới nhận được sứ điệp Tổ và mới cứu được nước. Vai trò của tổ chức cứu nước đích thực, là vai trò nền tảng trong công cuộc cứu nước.


7. Sứ Nhân Rao Truyền: Tổ Đã Về!


Sứ nhân lên đường và chia nhau đi đến với dân chúng khắp nơi. Mục tiêu hành động đầu tiên của tổ chức cứu nước là Dân, chớ chưa trực tiếp đối đầu với Giặc. Công tác chính là vận động mọi người đứng lên chống giặc.


Có như thế thành công mới trọn vẹn là của dân và do dân.


Sứ nhân đi khắp nơi, không bỏ sót, không từ khước bất cứ nơi chốn hay một phạm vi nào. Nơi đó có thể là trong nước hay ngoài nước, nơi thân thiện hay ở ngay trong lòng địch, trong các lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, kỹ thuật, văn nghệ, giáo dục, thể thao, giải trí, truyền thông.


Sứ nhân tiến vào các cộng đồng, hội đoàn, nghiệp đoàn, họ tộc, gia đình, hay là trí óc, con tim, cuộc sống của bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh hay sinh hoạt con người, cá nhân cũng như tập thể.


Sứ nhân chia nhau đi, không dồn chung một chỗ, không dành nhau một việc. Mỗi người tùy khả năng và hoàn cảnh riêng mà nhận phần trách nhiệm của mình.


Có phân nhiệm mới có tổ chức. Tổ chức cứu nước là những con người cùng thể hiện các đức tính của sứ nhân, và theo hiện tình và khả năng linh động, mà chia nhau trách nhiệm hoàn thành các công tác thực thi Sách Lược Cứu Dân Nước.


Ðoàn sứ nhân chia nhau đi khắp nơi để loan tin. Nhưng tin của họ thực là đơn sơ, Tổ đã về và sai đi tìm người cứu nước.


Thông điệp với nội dung ngắn gọn, nhưng tác dụng lại hệ trọng. Tổ về và Tổ bảo đi tìm chứng tỏ Tổ độ trì cho tổ chức, cho phương thức, chắc chắn có người cứu được nước. Chúng ta đã có Sức Sống, có sách lược, có nhân sự.


Ðây là lúc khám phá, là lúc thực hiện. Dầu giặc đang mạnh, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thắng.


Có gì khích động và hứng khởi hơn để khơi dậy niềm tự tin tự hào dân tộc bằng nguồn tin tuyệt diệu này? Dầu ai tuyệt vọng, cũng phải hăng say với tin mừng.


Đoàn sứ nhân đi loan tin khắp nơi, chính là thể hiện công tác đem Tinh Thần dân tộc đến cho toàn dân. Nước mất vì dân quên Tổ, quên nếp sống truyền thống siêu việt của Tổ Tiên, quên Chính Thuyết Tiên Rồng.


Giờ đây sứ nhân nhắc nhớ tới Tổ, thức tỉnh niềm tin, sống lại tinh thần và sức sống dân tộc. Khi đến với dân sứ nhân không chỉ loan tin, mà còn phải có hành động cụ thể.


Sứ nhân lục lạo tìm kiếm cho ra Người Cứu Nước (Phù Đổng). Hoạt động này cũng gây tác dụng thiết yếu. Khi đã phấn khởi nhờ sống lại niềm tin, mọi người cũng tiếp tay với đoàn sứ nhân mà đi tìm Phù Đổng.


Khi góp phần tìm kiếm, chính là lúc mọi người đều thấm thía nạn mất nước. Do đó, mỗi người sẽ ý thức đích xác về phận vụ của mình trong công cuộc cứu nước.


8. Người Dân Đích Thực


Mọi người sẽ lột xác, lãnh nhận trách nhiệm, và dấn thân chu toàn sứ mạng lịch sử. Như vậy, đoàn sứ nhân loan tin và tìm kiếm chính là thực hiện công tác làm cho người dân sống lại Hồn Nước, ý thức nạn nước, nhận lãnh trách nhiệm, và dấn thân cứu nước.


Ðây cũng là công tác làm cho Mọi Người sống trọn nếp sống Việt, trở thành Người Dân Đích Thực, trở thành Người Cứu Nước.


Truyền tích An Dương Vương làm mất nước, vì đã xa cách dân, loại dân ra khỏi việc nước. Giờ đây Vua Hùng, qua đoàn sứ nhân đã tìm lại dân, giúp dân ý thức và chung phần việc nước.


Mọi người đã cùng cố công tìm kiếm, và rồi tại làng Phù Ðổng họ đã gặp người cứu nước. Việc gặp thấy người cứu nước tại một làng cũng là nét đặc trưng của Chính Thuyết Tiên Rồng, nhấn mạnh người cứu nước được tìm gặp ở trong làng, chớ không phải cung điện vua hay chốn thành thị phồn hoa đô hội.

Trong nếp sống dân ta, làng giữ một vai trò nền tảng. Thể chế làng nước đã được Tổ tiên đặc biệt chú trọng và lưu truyền trong truyện tích An Tiêm.


9. Cậu Bé Phù Đổng


Tại làng đã xuất hiện người cứu nước. Nhưng nhân vật này cũng kỳ lạ khác thường, chỉ là cậu bé ba tuổi.


Tính cách bé bỏng của cậu bé tượng trưng cho đại chúng, cho toàn dân. Cậu bé lên ba cũng phù hợp với khoảng thời gian mà sử Trung Quốc ghi Ân Cao Tôn xâm lấn nước ta.


Như vậy, cậu bé ba tuổi này chính là biểu trưng cho đại chúng, cho toàn dân. Vị cứu tinh chính là người dân.


Dầu tê liệt câm nín, nhưng Cậu Bé lại lắng nghe. Sống trong tay giặc, toàn dân hay Cậu Bé Phù Ðổng phải lặng im bất động.


Vì ai phát biểu linh tinh là bị giặc bắt đi tù cải tạo mút mùa lệ thủy. Mọi người nôn nóng trông chờ ngày thoát ách giặc.


Mọi người sôi sục đợi ngày vùng lên. Mọi người lắng tai nghe ngóng tin tức cứu nước. Khi sứ nhân loan tin Tổ về, Cậu Bé cấp thời hưởng ứng.


Khi nghe sứ nhân, chính là lúc Cậu Bé bừng lên niềm hy vọng chói chan, sống lại Hồn Nước.

Ðã gặp lại Tổ, đã sống lại niềm tin, Cậu Bé liền bật nói, toàn dân đều bật nói. Bật nói là dám hiên ngang bộc lộ.


Dầu mới chỉ bằng lời, nhưng đây cũng là dấu chỉ của lòng tự tin và phấn khởi. Từ đây người dân đã dám tự hào về mình, dám nói lên niềm tin tưởng của chính mình.


Cậu phát biểu lời đầu tiên là đòi ngựa và roi sắt. Cậu đòi hỏi phương tiện để phá giặc cứu nước.


Dấu chứng sức mạnh tinh thần đã bộc lộ. Khi thoát khỏi tình trạng câm nín, khi tinh thần đã được củng cố, khi ý thức được trách nhiệm với nước, điều đầu tiên người dân nghĩ tới là phương tiện chiến đấu.


Khi dân đòi phương tiện chiến đấu, cũng là dấu hiệu cho thấy đoàn sứ nhân – tổ chức cứu nước đã thành công trong công tác thức tỉnh người dân. Tại khúc quanh quyết định này, vai trò của sứ nhân cũng đổi khác.


Trước đây thì sứ nhân nói cho dân nghe. Hôm nay dân đã nghe đã nói, thì sứ lại là người phải nghe dân. Trong hoạt động tổ chức, chúng ta phải thấy rõ điều này.


Khi người dân thành tâm tiếp nhận và sống đúng tinh thần Tổ, thì tiếng dân trở thành tiếng Tổ. Ý dân là ý Tổ trong hiện trạng đất nước.


Tiếng dân giờ đây trở thành phương thức thiết thực và hữu hiệu cho công cuộc cứu nước.


Khúc quanh này đặc biệt rất quan trọng cho tổ chức cứu nước, chẳng những vì nó quyết định sự thành bại cho đại cuộc, mà còn thẩm định bản chất của tổ chức. Tổ chức không biến đổi, không trở thành người nghe dân, thì chắc chắn tổ chức đó không phải là tổ chức của dân.


Từ đó láng giềng khắp nơi đem gạo vải tới giúp Cậu ăn mặc. Khi đã tự tin, người dân tự động khởi công gia nhập và đóng góp. Ăn mặc là nhu cầu nền tảng của đời sống con người. Gạo vải là tất cả nhu cầu thiết yếu trong cuộc cứu nước.


Ðẹp thay cảnh toàn dân tấp nập góp gạo góp vải. Mọi người tự nguyện góp của góp công, cộng tài cộng đức.


Bao thiện chí bấy nhiêu nung nấu, bao tài năng bấy lâu che đậy, bao sức mạnh bấy lâu đè nén, bao phương tiện bấy lâu tích trữ, bao diệu kế bấy lâu ấp ủ thì giờ đây tất cả bộc phát, tất cả hiển hiện, tất cả vùng lên.


Khi lãnh nhận trách nhiệm, người dân tự nguyện đóng góp, tự túc chu cấp những nhu yếu cơ bản của cuộc chiến đấu. Tất cả gạo vải, mọi sự đóng góp đó, đều để giúp cho Cậu Bé Phù Ðổng ăn mặc.


Tất cả tự nguyện của dân đều tập trung vào Cậu Bé. Người dân chỉ quy tụ quanh Cậu Bé, là dân chớ không tập họp theo các sứ.


Trong giai đoạn đầu của công cuộc thức tỉnh, người dân chỉ mới tin tưởng vào những người thân cận quanh mình, trong tầm vóc làng thôn. Những gì sứ nhân hứa hẹn, dầu sao, cũng còn quá xa vời.


Theo đúng tâm trạng Con Người, người dân chỉ tự ý quy tụ quanh Cậu Bé Phù Ðổng. Vì chính Cậu Bé đã tỏ ra vài dấu hiệu đặc biệt, chỉ Cậu Bé đáp ứng phần nào công tác tìm kiếm anh hùng cứu nước.


Dân chỉ quy tụ theo ai tỏ ra thực sự có tâm huyết, có tinh thần, hết lòng vì đại cuộc, dấn thân chu toàn sứ mạng chung. Có dân tự ý quy tụ chính là tiêu chuẩn để thẩm định một công cuộc đích thực của dân, do dân.


Khi mọi người góp sức, Cậu Bé Phù Ðổng lớn nhanh như thổi. Gạo vải thu tích không phải để chất đống, mà tất cả đều được xử dụng làm tăng trưởng sức sống toàn diện.


Việc tập trung sức mạnh, vấn đề phân nhiệm và điều hợp giữ phần quan trọng hàng đầu. Sức mạnh toàn dân chỉ có thể thực sự hữu hiệu, khi được vận dụng và điều hợp đúng mức.


Không phân nhiệm, không định hướng, sự quy tụ sẽ trở thành hỗn loạn, phân hóa, và đối nghịch nội bộ.


Giai đoạn tập trung năng lực toàn dân, cũng là bài học đoàn kết. Mọi người vây quanh Cậu Bé Phù Ðổng, là vì sống lại niềm tin dân tộc, ý thức trách nhiệm cứu nước, tìm ra Cậu Bé, và Cậu Bé bật nói.


Như vậy, công tác kết hợp toàn dân đã thành công, chẳng những giúp cho mọi người sống thực tinh thần dân tộc và ý thức trách nhiệm, mà còn chứng tỏ kế sách hữu hiệu, qua một số hoạt động có kết qủa thực tiễn. Ðây là những điều kiện thiết yếu cho việc đoàn kết toàn dân.


Khi không hội đủ các yếu tố này, việc đoàn kết chỉ là chòm xóm, giai đoạn, hời hợt theo mục tiêu hạn hẹp. Sứ vua đem ngựa và roi sắt tới.


Ngựa sắt và roi sắt là sức mạnh và phương tiện chiến đấu. Ngựa và roi sắt cũng là biểu trưng của sức mạnh quân sự để phá giặc.


Trong bầu khí mất nước và toàn dân vừa vùng lên góp tài góp của, thì ngựa và roi sắt chính là sự đóng góp của toàn dân. Tuy nhiên, sức mạnh phương tiện đó lại do sứ đem tới.


Ðoàn sứ nhân, tổ chức cứu nước đã đem Hồn Nước về với toàn dân, nhờ đó Toàn Dân vùng dậy. Đó là Sức Mạnh Hồn Việt!


Giờ đây đoàn sứ nhân còn phải điều hợp sức mạnh ở các tổ chức làng xã thành tầm vóc toàn nước, biến sự đóng góp của toàn dân thành sức mạnh chiến đấu chống giặc.


Sức mạnh này không chỉ nhấn mạnh ở lãnh vực quân sự, mà còn bao trùm mọi lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục, ngoại giao ảnh hưởng tới cuộc chiến đấu.


Phận vụ của tổ chức cứu nước còn là nhận rõ sức mạnh hiện thực tiềm ẩn trong dân nước, rồi tùy theo hoàn cảnh và điều kiện thực tế mà ứng biến thành sức mạnh cứu nước hữu hiệu. Việc tổ chức và điều hợp lại cần nhân sự, khả năng đặc biệt, và ngành nghề chuyên môn.


Tất cả đều xác định đúng vai trò quan trọng của một tổ chức có đủ tầm nhìn xa trông rộng, biết quyền biến với tình thế.


Khi nhận được ngựa và roi sắt, Cậu Bé liền vươn vai thành người cao lớn. Cậu đã ăn nhiều, đã lớn như thổi, nhưng phải chờ cho tới khi có ngựa và roi.


Cậu mới vươn vai vượt tới tầm vóc đúng mức của mình. Trước đây, khi nghe về Tổ, Cậu đã bật nói, đã dám bộc lộ chính mình.


Nhưng nay, có thêm ngựa và roi sắt, Cậu mới vùng dậy, mới đi đứng, mới hành động. Dầu mọi người đã thức tỉnh, đã quyết tâm, nhưng phải có phương tiện thì toàn dân mới có thể ra tay, mới có thể đối đầu với giặc.


Nhờ có sứ nhân trao ngựa sắt, Cậu Bé đã vươn vai. Nhưng khi cậu nhảy lên ngựa, thì ngựa sắt biến thành ngựa thần, sống động và phun lửa.


An Dương Vương ỷ vào thành ốc và nỏ thần để mất dân. Nỏ thần dầu bắn một phát giết cả vạn giặc, mà vì không có dân, nên mất hiệu nghiệm, không bằng nỏ gỗ.


Khi được sức mạnh dân tộc xử dụng, thì ngựa sắt cũng hóa thành ngựa thần.


Không dân, nỏ thần thành nỏ gỗ. Có dân, ngựa sắt hóa ngựa thần.


Toàn dân vươn vai thì mọi sự cũng đều vươn theo. Sức mạnh của toàn dân làm cho mọi phương tiện trở thành hiệu lực cách thần kỳ, trở thành linh hiển.


Không có hình ảnh nào diễn tả sức mạnh và vai trò của toàn dân một cách rõ ràng và đầy đủ hơn.


Ðã có Hồn Nước, đã có toàn dân. Sức mạnh đã tập trung, đây là lúc vùng lên đuổi giặc để giành lại Đất Nước. Với ngựa lửa roi sắt, vị anh hùng Phù Ðổng đã oai dũng đánh giặc một trận tơi bời.


Khi toàn dân đã có tinh thần, đã có sức mạnh, đã có phương tiện, thì việc đuổi giặc ra khỏi bờ cõi là chuyện đương nhiên.


Ngựa lửa là sức mạnh của đấu tranh, nhưng Phù Ðổng dùng roi sắt. Hình ảnh dùng roi nói lên lòng nhân thứ của Tổ Tiên, tổ chức chúng ta dùng roi chứ không dùng gươm.


Roi mang ý nghĩa sửa dạy, đánh phạt, dầu là roi sắt, gươm giáo luôn là vũ khí chém giết, tàn sát. Ngay trong ngôn ngữ chúng ta cũng dùng chữ đánh, dầu là giặc, đánh giặc. Cương quyết, dũng mãnh, nhưng không tàn bạo, giết giặc.


Đó là tinh thần nhân thứ, khoan dung, và qúy trọng con người được ghi trong Chính Thuyết Tiên Rồng.


Với việc Tổ trở về, với vua Hùng và đoàn sứ nhân dấn thân, với tổ chức cứu nước, với mọi người góp gạo góp vải, với ngựa sắt roi sắt, với tre làng bị nhổ, với số làng bị cháy, tính cách toàn dân toàn diện của công cuộc cứu nước đã bộc lộ rõ ràng.


Mọi người và tất cả, đều được vận dụng để chống giặc. Từ những phương tiện vật chất, gạo, vải, sắt, lũy tre, thú vật đến làng thôn, hệ thống tổ chức quốc phòng, chính trị, xã hội, văn hóa cho đến tinh thần dân tộc, quá khứ lịch sử, và cả sông núi, Hồn Thiêng tất cả đều gom đúc thành Sức Mạnh thần diệu của Dân Tộc, tất cả đều góp phần vào việc cứu dân cứu nước. Toàn Dân Toàn Diện!

Giờ đây chiến thắng mới thực sự là chiến thắng toàn vẹn của toàn thể dân tộc. Có như vậy, cuộc sống mới thực sự mở đầu cho tất cả mọi người.


Bài học dạy cách đánh giặc cứu nước. Giờ đây giặc đã tan, nhưng việc cứu nước vẫn chưa xong.


Bài học Phù Đổng vẫn còn tiếp khi cỡi ngựa lên núi về trời. Núi là nơi ở của Tiên (chữ nhân ghép với chữ sơn là chữ tiên). Hình ảnh lên núi nhắc nhớ đến phần Tiên.


Phù Ðổng biểu tượng của sức mạnh tập trung của dân tộc, tức phần Rồng. Sức mạnh đó đã được vận dụng tối đa và oai dũng đánh đuổi quân giặc.


Giờ đây giặc đã tan, dân nước lại vui hưởng thanh bình, nên Sức Mạnh đó lên núi, tức không còn cần phải bộc lộ oai dũng, mà được thăng hoa tiềm tàng vào sông núi, vào tâm hồn của dân nước.


Chiến công đuổi giặc trở thành kinh nghiệm sống của toàn dân, trở thành phần Tinh Thần, phần Truyền Thống bất diệt, xáp nhập vào phần Tiên của dân tộc, theo nguyên lý Tiên Rồng Song Hiệp.


Qua toàn bộ công cuộc, chẳng những toàn dân đã đánh đuổi giặc nước, mà mỗi người còn dẹp tan được mọi thứ giặc trong chính bản thân. Trong tiến trình trở thành người cứu nước, mọi người cũng trở thành Con Người toàn vẹn.


Khi cứu được nước, dân tộc ta đã trở thành một khối hiệp nhất, toàn hảo, toàn hiệp.

Với mọi chướng ngại đã được đánh tan, với những kinh nghiệm tuyệt hảo, với niềm tin chan chứa, và với sức sống tràn đầy, giờ đây khối người toàn hiệp này đem trọn tâm sức cùng nhau xây dựng một cuộc sống mới. Với cuộc sống phát xuất từ tâm khảm của những con người thấm nhuần Chính Thuyết Tiên Rồng, toàn dân hiên ngang bước vào một Kỷ Nguyên Mới của một xã hội loài người tràn đầy hạnh phúc.


 Về Trời là sự phong thưởng cao quý nhất của Chính Thuyết Tiên Rồng. Như Chử Đồng – Tiên Dung về trời sau khi hai ngài trọn đời chăm lo việc thịnh nước an dân.


 Phù Ðổng thi hành nghĩa vụ giúp dân cứu nước, cũng được Về Trời. Tổ Tiên phong thưởng cho những người đóng góp công đức trong đại cuộc dựng nước được về trời, được toàn dân kính nhớ tôn thờ.


 Có người cho rằng dân Việt có đạo thờ Anh Hùng. Quả thật chúng ta thờ những vị Danh Tướng và trên đất nước có nhiều đền thờ các Ngài.


 Ngoài ra, mỗi làng đều có Thành Hòang và hầu hết là những Anh Hùng đóng góp công đức cho dân nước thuộc mọi thành phần. Anh Hùng Kiệt Nữ được thờ là những vị cứu dân cứu nước, không có người nào đi xâm lăng hay tàn hại dân tộc khác mà được tôn thờ như những văn hóa khác sùng bái thần Chiến Tranh, thần Máu Lửa trong các đền thờ và cổ vũ trong nếp sống, trong phim ảnh, trong giáo dục như thảm trạng nhân loại hiện nay.


Bi kịch Loa Thành thất thủ dẫn tới việc nàng công chúa Mỵ Châu bị chết dưới lưỡi gươm oan nghiệt của vua cha An Dương. Mỵ Châu đền tội vì trách nhiệm trong việc làm mất nước.


Nhưng sự thể xảy ra nông nỗi đó cũng chỉ vì nàng quá yêu thương và tin tưởng chồng.


Tổ Tiên thưởng phạt phân minh. Có tội làm hại nước thì phải chết. Nhưng nàng đã trọn tình nhà, thì cũng được thưởng công.


Tổ Tiên phong thưởng bằng cách cho máu nàng chảy xuống biển và được giống trai nuốt vào mà hóa thành ngọc.


Cách phong thưởng này chẳng những không kỳ lạ, mà lại nằm trong hệ thống giá trị của văn hóa Việt. Những người sống trọn tình nhà như người em trong Trầu Cau, người vợ trong Vọng Phu, trái tim của Trương Chi, và máu của Mỵ Châu.


Tất cả đã hóa đá hóa ngọc. Đá, ngọc là thành phần Vật Chất, là trở thành trường tồn với thời gian, được quý chuộng, và được làm nền tảng xây dựng lâu dài.


Về phần Trọng Thủy, dầu thành công trong mưu đồ xâm chiếm, nhưng chàng nhớ vợ và nhảy xuống giếng mà chết. Chàng đã vì ý đồ xâm lăng, mà phụ nghĩa vợ chồng, thì chàng cũng phải chết.


Vì danh lợi mà không trọn Tình Nhà, thì cuộc đời cũng không đáng sống, thì không có quyền sống.


Vì tình nhà mà hại nước thì phải chết. Vì quyền lực mà hại nhà, thì cũng phải chết.

Đây là tuyệt đỉnh bài học làm người của văn hóa Việt. Bài học này đi ngược hẳn chủ trương của nhiều văn hóa khác.


Với cái chết của Mỵ Châu, Tổ Tiên ta đã xử tử hình các chủ thuyết cá nhân vị kỷ. Với việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng, các chủ thuyết tập thể bá quyền cũng bị nhận chết theo.


Con người chỉ có thể sống xứng đáng, trọn vẹn và hạnh phúc khi thể hiện đầy đủ các đặc tính bẩm sinh vừa cá thể vừa xã hội của mình. Có nhà mà cũng có nước, Có nước mà cũng có nhà.


10. Tiên Rồng Song Hiệp


Mỵ Châu và Trọng Thủy đều phải chết. Thực cảm động khi những viên ngọc do máu Mỵ Châu trở thành sáng đẹp hơn khi rửa trong nước giếng chôn xác chồng nàng.


Nàng yêu thương và tin tưởng chàng đến nỗi giao phó cả nước non, đưa nỏ thần cho chàng xem. Nàng yêu chàng trong tuyệt vọng đến liều lĩnh khi nhổ lông ngỗng làm dấu hiệu trên đường chạy trốn chàng.


Giờ đây cả những giọt máu của nàng cũng tươi sáng lên khi được tắm trong nước tẩm xác chàng.


Nàng sống trọn tình yêu Chính Thuyết Tiên Rồng. Nàng thể hiện những nguyên tắc Thân Thương Tột Cùng, Quyết chẳng lìa nhau, Sẵn sàng chết cho nhau, và Mãi mãi có nhau.


Chỉ tiếc là nàng không ứng dụng nguyên tắc tắc đầu tiên của hai người phải Giống nhau như đúc, là phải tìm hiểu nhau, phải Gặp nhau trọn vẹn, nên nàng đã không nhận ra Trọng Thủy và bị giặc lừa gạt.


Ở cấp Tình Nước, những người an dân thịnh nước như Tiên Dung Chử Ðồng thành Tiên, Phù Ðổng thành Thần… Tiên, Thần là phần thưởng công, phần thăng hoa hay tinh túy của linh thiêng.


Ở cấp Tình Nhà, Trầu Cau qua chuyện người em hóa đá, máu Mỵ Châu trọn tín thác chồng thì hóa ngọc, trái tim Trương Chi ôm mối tình câm, chỉ vì con người phân chia đẹp xấu, giầu nghèo… thì cũng hóa ngọc. Ðá, ngọc là kết tinh, tinh túy của vật chất!


Nói đến cả hai phần vật chất và tinh thần của con người, được thăng hoa thành đá, thành ngọc, thành tiên, thành thần thì chúng ta lại trở về với con người Tiên Rồng – con người thật trong bộ ba nền tảng!


Vậy có sự an ủi và niềm hãnh diện nào hơn là chúng ta được làm con cháu của Tổ Tiên dòng giống Tiên Rồng siêu việt – Con Cháu Tiên Rồng.


11. Kết Luận


Khi chúng ta theo đúng sách lược Phù Đổng mà thực thi sứ mạng cứu nước, thì đồng thời cũng chính là lúc chúng ta thể hiện chương trình cải hóa xã hội hiện hữu. 


Khi chúng ta vận động tinh thần dân tộc, thức tỉnh mọi người đứng lên nhận lãnh trách nhiệm của mình, đồng thời chúng ta vận dụng tập trung sức mạnh và phương tiện để dân tộc vươn vai, để mọi tài nguyên trở thành sức thần phá giặc... thì kết quả tất nhiên là chúng ta giải cứu được quê hương thoát ách đô hộ giặc thù, và cũng từ đó chính là lúc chúng ta cải hóa con người, từ những tâm tư sâu thẳm nhất cho đến mọi khía cạnh trong cuộc sống thực tại.

 

Mặt Trời 14 Tia Sáng thể hiện chữ Đức trên Trống Đồng Ngọc Lữ và Thạp Đồng Đào Thịnh đang bừng lên soi sáng Dân Việt và Nhân Loại, bí quyết thành công để giải cứu Con Người đang ở trong tay chúng ta, trong tay các bạn. Nào, Con Cháu Tiên Rồng chung vai đi làm lịch sử dân nước, tạo trang sử mới, mở trang sử mới, làm trang sử mới và dựng trang sử mới bạn nhé.

 

Đó là trọng trách mà cũng là niềm hãnh diện của bạn, của tôi và của mọi người chúng ta đang chờ bạn! Sứ mạng Cứu Nước và Cải Hóa Nhân Loại đang chờ bạn! Anh Em Tiên Rồng cũng đang chờ bạn. Nào, chúng ta cùng tiến lên.

 

Con đường phục quốc đã vạch, phương thức tổ chức đã sẵn, giờ hành động đã điểm, thời sách hoạt động đã có – và Con Cháu Tiên Rồng tiến lên, đem ánh sáng thần diệu của Chính Thuyết Tiên Rồng mở đầu Một Kỷ Nguyên Mới, Hoa Tiên Rồng Mở Hội và dựng lại Kỳ Đài Bách Việt trong thế kỷ 21 ngày nay, trong Thời Đại Mới – Thời Đại Tín Nghiệp với máy điện toán, với trí tuệ thông minh nhân tạo, với siêu tốc, siêu âm, siêu sóng, siêu sáng... chớ không còn thời đại công nghiệp và tư bản chủ nghĩa đã lạc hậu, cổ điển, lỗi thời và lỗi nhịp.


Chính Thuyết Tiên Rồng của Tổ Tiên quả thực nhiệm màu và đáp ứng đúng thời đại của nhân loại ngày nay.


Phạm Văn Bản


Xin nhấp vào Links xem: