Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Những Bữa Tiệc Đáng Nhớ Sau Ngày 30 Tháng 4 Năm 1975


Những Bữa Tiệc Đáng Nhớ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, thành phố Nha Trang chìm ngập trong nỗi buồn. Một số gia đình di tản vào Sài Gòn ngay khi Nha Trang bị tấn công, bặt tăm vô tín, không thấy quay trở lại. Những căn nhà bỏ hoang, chủ mới nghiễm nhiên vào ở. Đa số chủ các tiệm ở các đường phố lớn như Độc Lập, Phan Bội Châu thu mình sau những vụ đánh Tư Bản Mại Sản, khiến cho những con đường phố lớn này dần dà thưa thớt qua lại. Những rạp ciné Minh Châu, Tân Tiến, Tân Tân trước đây nhộn nhịp nam thanh nữ tú ra vào nhộn nhịp trong những buổi chiều tối hay những ngày Chủ Nhật nay vắng hoe. Thay vào đó, những con đường dẫn tới chợ Đầm như Phan Chu Trinh, Trưng Nữ Vương trở nên ồn ào đông đúc bởi những người buôn bán Chợ Trời. Hầu hết mọi người lo mưu sinh kiếm sống bằng cách bán những vật dụng mà mình có để đổi lấy miếng ăn hàng ngày. Nhiều người trong những gia đình học thức, danh giá trước đây, bỗng trở thành những con buôn chợ trời, tải hàng, đạp xích lô, hay ba gác. Một số khác phải làm nhiều việc chưa từng làm trước đó như hái củi, làm than, mót lúa, làm rẫy, và khai hoang trên những vùng kinh tế mới xa xôi. Người trong thành phố chua chát gọi sự thay đổi đau thương này là “đổi đời”. Để đối phó với “căn bệnh đổi đời”, “cơn sốt” Vượt Biển rộ lên không ngừng. Cứ vài hôm, cư dân thành phố biển thì thầm kể cho nhau nghe những ai đã “đi lọt” hay bị bắt. Và cứ thế, mọi người thường sống trong tâm trạng buồn bã vì cảm giác mất mát xen lẫn xót xa.

Cuối tháng 5 năm 1975 tôi thi đậu lớp 12 xong, định rời Nha Trang, sống nơi khác để không phải chứng kiến những cảnh ngao ngán và đau lòng nơi thành phố quê hương; nhưng, khi vào Sài Gòn tôi không hề thấy cuộc sống ở đây khá hơn chút nào. Gia đình cô chú tôi, trước 30 tháng 4 năm 1975, chỉ sống bằng một đầu lương với mức trung bình mà cuộc sống ổn định còn bấy giờ cả nhà đều thất nghiệp, không có vốn liếng dự phòng, nên cả sáu người trong gia đình phải chạy từng bữa ăn hàng ngày qua việc tìm tòi quần áo hay vật gia dụng trong nhà để bán ở chợ trời. Tôi quá chán nản, cho nên khi trở về Nha Trang, được thông báo thi đậu vào trường Cao Đẳng Sư Phạm, tôi quyết định theo học ở đây ngay. Lý do đơn giản là tôi không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ tôi. Và tôi cũng không muốn lo toan những khoản chi phí tiêu dùng khi ở xa nhà. Có lẽ cũng cùng ý nghĩ như tôi, một số anh chị sinh viên học năm thứ hai, hay năm thứ ba trong các trường đại học Luật Khoa, Văn Khoa và Sư Phạm Sài Gòn trước năm 1975 cũng trở về địa phương Nha Trang để học trường Cao Đẳng Sư Phạm. Được học chung trường với những anh chị cựu sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn này là điều thú vị duy nhất đối với tôi lúc ấy. Nếu trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi mơ ước được đậu vào một trường Đại Học ở Sài Gòn, được hòa nhập với các anh chị sinh viên trong trường, hay được đi dưới những con đường có lá me bay, thì lúc bấy giờ tôi may mắn được tiếp cận với họ và được học hỏi nơi họ. Đúng như tôi nghĩ, các anh chị cựu sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn như anh Anh “Đầu Bạc”, chị Nguyễn Hòa Nhã, anh Hải Thọ Chương… là những vị thầy của tôi trong trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang này. Hơn thế nữa, phong thái và kiến thức của họ không phải chỉ là nguồn tài sản hết sức giá trị đối với tôi, bạn bè cùng trang lứa với tôi mà cả cho những người mệnh danh là giáo viên của trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang hiện thời. Trong những giờ học ChínhTrị, bất kể lý luận “một chiều” của thầy cô hay những cảm tình Đoàn “Cách Mạng 30”, các anh chị cựu sinh viên các trường Đại Học Sài Gòn đã thẳng thắn tranh luận và nêu những cái sai của chủ nghĩa Duy Vật với những dẫn chứng cụ thể khiến tôi khâm phục vô cùng. Khâm phục nhất là các anh chị này dám nói sự thật và bất cần chuyện quy tội “tư tưởng phản động.” Buồn cười thay, chúng tôi đào tạo để thành những giáo viên theo chiều hướng của giáo dục XHCN nhưng nền giáo dục của miền Nam và phương pháp tiếp nhận kiến thức một cách độc lập và khách quan trước năm 1975 đã thâm nhập vào tư tưởng chúng tôi sâu đậm đủ để cho chúng tôi phân biệt sự đúng sai. Mặc dù chẳng ai nói với ai điều gì, chúng tôi âm thầm hành xử chừng mực và đúng đắn của người trung thực và chân chính.
Ngoài việc học Chính Trị, chúng tôi còn phải lao động ở Sông Cầu hay trực đêm ở trường. Đây là những hoạt động mà sinh viên học sinh chúng tôi chưa bao giờ có ở các trường miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên, những hoạt động mới lạ này dù khổ nhọc hay phức tạp, chúng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận vì chúng tôi được bên nhau và sinh hoạt theo ý nghĩ của mình. Đó cũng là những lúc chúng tôi có thể giảm bớt niềm đau và quên bớt những điều không thú vị đang xảy ra cho bản thân mình, và thành phố biển thân yêu.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1075, không những các con đường bị đổi tên mà ngay cả những ngày Lễ cũng bị thay đổi. Lễ Giáng Sinh không hề được đề cập. Các nhà thờ của Nha Trang hiu hắt buồn với những ngọn đèn leo lét bên trong. Thành phố Nha Trang không còn có những chuỗi đèn sáng lấp lánh mừng Chúa Giáng Sinh như những năm trước đó nhưng không khí lành lạnh vẫn đến trong những ngày cuối của tháng 12. Không khí se lạnh đã khiến tôi nhớ da diết những ngày cùng bạn bè đi dạo hàng giờ để ngắm các nhà thờ của Nha Trang trong những ngày Lễ Giáng Sinh. Năm nào cũng thế, chúng tôi thường diện áo quần thật đẹp, đi bộ lên Nhà Thờ Núi, nơi mà chúng tôi cho là có nhiều trang trí đẹp nhất và nghệ thuật nhất trong thành phố Nha Trang, để ngắm những ngọn đèn màu lấp lánh, những hang đá trưng bày tỉ mỉ, công phu, và những cây thông rực rỡ vui mắt. Hòa theo những bài hát Giáng Sinh rộn ràng vang vang khắp nơi trong khu vực Ngã Sáu, chúng tôi đã không ngừng cười nói giòn giã khi đi bên nhau. Sau những lần dạo quanh Nhà Thờ, chúng tôi thường tạt vào các tiệm nước rồi đến nhà bạn dự tiệc đến tận khuya.

Duy chỉ có Ngày Lễ Giáng Sinh năm 1971 chúng tôi không dạo bộ mà được bạn lái xe Jeep chở vòng quanh thành phố Nha Trang để ngắm các nhà thờ. Thời ấy, nữ sinh trung học Đệ Nhất Cấp thường hay đi xe đạp; cho nên, lái các loại xe gắn máy như Honda 67, Cub, Dame, Solex hay Vespa đã là “gồ ghề” lắm rồi. Vậy mà bạn tôi, nữ sinh lớp Đệ Tứ (Tương đương học sinh lớp 9 hiện nay) lái xe Jeep mới oai làm sao! Do Hồ Thị Bạch, là ái nữ của Nhà Dạy Lái Xe Hồng Bàng Nha Trang, từng được kèm lái các loại xe hơi thường xuyên nên tay lái của nàng rất vững. Chiều tối ngày 25 tháng 12, bùng binh Ngã Sáu chi chít đủ loại xe máy, xe đạp, xe xích lô và các loại xe ô tô khác vậy mà nàng đã khéo léo lách qua những luồng xe dày đặc ấy để đưa chúng tôi vòng quanh khu vực Nhà Thờ Núi rồi đưa chúng tôi thẳng ra biển, ngang qua Dòng Chúa Cứu Thế, dọc theo đường biển Duy Tân và đánh vòng qua khu chợ Đầm Nha Trang để đến khu phố Độc Lập. Đâu đâu, chúng tôi cũng thấy những chiếc áo đầm xinh xắn, những bộ quần tây ống pát lịch lãm, và những áo thun đủ màu, đủ kiểu. Những tiếng cười nói vui vẻ của những đám người trẻ chúng tôi đã khiến cho ngày Lễ của thành phố biển thêm sinh động và đầy ấn tượng.

Khi nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa, tôi tự hỏi không hiểu sao lúc ấy tôi và bạn bè thường nôn nao chờ đến những ngày Lễ. Rồi tôi chợt nhận ra rằng những ngày Lễ xưa kia vẫn còn đó, ngày Lễ Giáng Sinh vẫn còn đó. Dù được công nhận hay không được công nhận, dù là chính thức hay không chính thức, những ngày Lễ xưa kia vẫn hiện hữu. Nếu chúng được tổ chức đón mừng bằng hình thức nào đó chúng được tồn tại. Nếu không, chúng sẽ bị quên đi theo thời gian trôi qua. Tôi còn nhận ra là trước những ngày Lễ Giáng Sinh, chúng tôi thường chuẩn bị mua sắm hay tự thiết kế những bộ đồ trang phục đẹp và độc đáo để có dịp khoe với bạn bè và được chiêm ngưỡng. Còn thực tế, mọi người chỉ chú tâm vào những bữa cơm gia đình mà phần lớn thức ăn là những món độn khoai lang, khoai mì, bo bo thì ai còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện lễ lạc, tiệc tùng.

Tuy nghĩ như vậy nhưng tôi nhất quyết sẽ tổ chức một buổi tiệc đón Lễ Giáng Sinh trong năm tới, gọi nôm na là “Tiệc Ăn Noel”. Và tôi nhận thấy việc cần thiết cho “Tiệc Ăn Noel” là tôi phải “tự sắm” cho mình một cái áo mới. Ý nghĩ phải có một cái áo mới để ăn “Tiệc Ăn Noel” nhưng tôi không làm sao nghĩ ra cách có tiền để mua vải may áo. Gia tài của tôi lúc ấy đàn gà gồm năm con gà giò, hai con gà mái và một con gà trống, do bà ngoại cho. Tôi luôn hy vọng hai con gà mái lớn lên sẽ đẻ trứng, ấp ra con, gầy ra nhiều đàn gà để tôi có cơ hội nhân “số vốn” của mình lên. Nhưng chờ mấy con gà giò này lớn và đến lúc có mấy đàn gà con để tôi có tiền may áo mới “Ăn Noel” thì không biết đến khi nào. Hơn nữa, nếu sắm một chiếc áo mới thì tôi cũng không biết kiểu gì để thích hợp. Vì thế, tôi đành lục tung chiếc giỏ xách đựng các vật lưu niệm và dụng cụ học sinh của mình mong tìm được một ý kiến hay ho nào đó. Những bộ que đan len và những cây móc crochet là bảo vật mà tôi thường dùng để đan hay móc giỏ xách, mũ hay khăn bàn lúc học trong trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiên nhẫn đan hay móc một chiếc áo cho mình. Tuy nhiên, một bức tranh trong tập mẫu tranh thêu chữ thập đã gợi cho tôi ý nghĩ móc một chiếc áo giống như cảnh những căn nhà trên đồi thông ở trời “Tây”. Nơi thường có những bữa ăn tối trong đêm Giáng Sinh, “ăn Réveillon”. Hơn nữa, bức tranh còn phản ảnh được sự mong nhớ của tôi đối với những người bạn đang ở những nước nào đó bên kia nửa vòng trái đất xa xôi. Nghĩ thế, tôi đã tháo tất cả những chiếc áo len cũ trong nhà để góp hết những màu cần thiết cho bức tranh. Tuy nhiên những chiếc áo len cũ của má tôi, của em tôi và của chính tôi không có màu xanh da trời vì thế tôi đành dùng màu hồng thay cho màu trắng của mây, còn màu xanh của trời tôi đổi thành màu trắng. Tôi đã đổi một số màu, không giống như bức tranh mẫu vì sự hạn chế của số len màu mà tôi có. Công phu nhất là chiếc áo len ngày xưa thường được đan bằng len ba sợi. Bấy giờ để đủ len móc cho một chiếc áo tôi phải tháo len từ từng chiếc áo len ra, quấn thành cuộn sau đó tước ra thành ba sợi rồi quấn thành ba cuộn nhỏ.

Chiếc áo len dài tay màu đỏ có hoa trắng là chiếc áo CL dành cho dịp Noel vào năm 1974

Tôi đã tháo chiếc áo len đỏ dài tay có đóa hoa trắng trước ngực mà tôi mặc trong dịp Lễ Giáng Sinh năm 1974 để dùng hai màu đỏ và trắng làm màu chính cho chiếc áo móc tay ngắn phồng với “bức tranh” có những ngôi nhà ở phương trời Âu. Đó là món quà tôi tự làm cho mình trong ngày Lễ Giáng Sinh năm 1975.

CL đã tháo chiếc áo cũ để móc lại chiếc áo mới cho dịp Giáng Sinh năm 1976

Những ngày cuối năm, Ban Giám Hiệu trường phân chúng tôi luân phiên trực ở ba chỗ khác nhau. Có lúc chúng tôi trực ở cơ sở chính của trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang, nguyên là trường nam trung học La San Bá Ninh trước năm 1975, có lúc chúng tôi trực ở cơ sở phụ nơi đường Yersin là khu thư viện của trường và có lúc chúng tôi trực tại khu ký túc xá của trường Cao Đẳng Sư Phạm nguyên là khu ký túc xá của các cha và các thầy La San Bá Ninh.

Hôm ấy là buổi đầu tiên của một số học sinh lớp tôi trực ở khu ký túc xá. Một vài người bạn cùng lớp cư trú trong ký túc xá không có nhiệm vụ trực cũng xuống dãy hàng lang ngồi tán gẫu với chúng tôi. Trong lúc chúng tôi đang nói cười vui vẻ, bỗng có hai con vịt chạy vào sân kêu cạp cạp. Chúng đi vòng vòng trong sân của khu ký túc xá rất lâu nhưng nhất định không chịu đi ra ngoài khi bị chúng tôi dọa đuổi. Cả hai tiếp tục kêu cạp cạp ồn ào khi đi lòng vòng. Dáo dác nhìn xung quanh, không thấy căn nhà nào gần đó ngoài căn nhà xây bằng đá theo kiểu Tây Âu ở góc đường nối tiếp khu trường CĐSP với khu ký túc xá, chúng tôi đoán hai con vịt này ở trong khu nhà của các cha, bị bỏ bơ vơ khi các cha dọn đi nên theo thói quen chạy vào khu ký túc xá. Những anh chị đang trực lẫn những anh chị không có nhiệm vụ trực bàn bạc với nhau một lúc rồi quyết định bắt hai con đem về nuôi cho lớp. Quyết định xong là các anh ra tay thực hiện ngay. Nhìn họ “hành động”, tôi tưởng đâu việc làm của anh chị ấy không dính dự tới mình. Ai dè, sai khi bắt hai con vịt xong, mấy anh chị “cử” tôi đem hai con vịt về nuôi. 
Tôi dùng dằng không chịu nhưng mấy anh chị thuyết phục tôi là họ ở trong khu ký túc xá nên không làm sao có chỗ nuôi vịt được. Những anh chị có nhà ở Nha Trang thì không có vườn rộng như nhà ông bà nội tôi. Hơn nữa ai cũng biết tôi đang nuôi một đàn gà, tiện thể nuôi thêm hai con vịt cũng không mấy khó khăn gì. Nghe những lời có lý, tôi bùi tai nhận lời bỏ hai con vịt vào trước giỏ xe đạp mini đem về nuôi “cho lớp”. Lúc đem hai con vịt này về, tôi nghĩ là nuôi chúng đơn giản và bình thường như những con gà tôi đang nuôi. Chỉ cần rào chắn chúng một góc vườn để chúng không đi bậy khắp chỗ là đủ. Tôi có dè đâu nuôi hai con vịt này là một vấn đề hết sức nan giải đối với tôi trong thời gian ấy. Vịt không có tính “điềm đạm” và “bình tĩnh” như gà. Gà đói, biết đi bới đất tìm trùn ăn trong yên lặng. Khi nào nghe tôi gọi “Cú cù cu… cu!” thì mới tụ tập về, xúm xít ăn . Còn vịt đói thì kêu um sùm đòi ăn ngay, không chờ ai kêu gọi. Mỗi lần hai đứa đói, là hai đứa kêu cạp cạp vang xóm, vang làng. Từ cuối năm 1975 đến đầu năm 1976 gạo quý như ngọc mà vì sợ gia đình nội và xóm giềng rầy, tôi phải lén mẹ tôi lấy cơm cho chúng ăn. Có lúc không có cơm, tôi bí quá phải xúc gạo cho chúng ăn để chúng không làm ồn nữa. Cứ thế, hai con vịt trở nên lém lỉnh hơn. Thoáng thấy tôi đi học về là tụi nó la um sùm đòi ăn. Mẹ tôi thấy tội nghiệp, mua cám cho tôi trộn với thân cây chuối bằm nhỏ cho chúng. Cũng may cho tôi là lúc đó không hiểu sao cô tôi, chủ bụi chuối, nghe lời khuyên của hàng xóm, chặt những thân cây chuối hột mà cô rất quý, ngay sau những lần cắt lấy những buồng chuối; cho nên, tôi có thức ăn đều đặn cho chúng.

Còn mấy tháng nữa những lớp Văn và Sử Địa mới ra trường; nhưng khi thấy các lớp Toán Lý Hóa và Sinh Vật ra trường, các anh chị của lớp Sử Địa chúng tôi cũng “chộn rộn” đề nghị làm thịt vịt ăn mừng. Ai nghe tin này cũng mừng. Mừng không phải vì sắp Ra Trường. (Bởi vì sau khi ra trường, chúng tôi phải rời Nha Trang, đi đến các miền xa xôi dạy.) Mà mừng là vì chúng tôi sắp được ăn thịt vịt! Thế là hơn nửa lớp khoảng hơn hai chục người tụ họp tại nhà tôi. Các anh ở ký túc xá, quê ở các miền Ninh Hòa, Cam Ranh dạn tay cắt tiết, làm thịt nhanh gọn nên chỉ hơn một giờ là chúng tôi có một nồi cháo vịt thơm ngon. Chúng tôi ngồi dưới đất quanh nồi, chén và tô. Không e dè, hay câu nệ chủ khách, mọi người ai nấy xì xụp vừa ăn vừa khen ngon, khen ngọt. Sau món cháo vịt, tôi mời bạn ăn bánh bông lan và uống cà phê. Các bạn tôi, ai cũng hài lòng vì được ăn ngon lại có dịp hàn huyên tâm sự. Điều này khiến tôi cảm thấy hãnh diện vì mình đã bỏ công cho việc làm có ích. Hãnh diện nhất là tôi giúp cho các bạn có một “bữa tiệc” tương đối tươm tất ngay sau năm 1975, thời điểm mọi người đều phải chạy vạy lo từng bữa ăn hàng ngày.Dù là thế, tôi vẫn chưa hài lòng, tự hứa là Giáng Sinh năm tới tôi sẽ tổ chức đàng hoàng hơn.

Khi Lễ Giáng Sinh đến, tôi lên kế hoạch rất kỹ. Thức ăn gồm có các món cà ri gà, gỏi đu đủ, mứt dừa, bánh thuẫn và cà phê. Món cà ri đã có gà từ “vốn liếng” của tôi, chỉ cần mua thêm khoai và cà rốt. Gỏi đu đủ chỉ cần một miếng thịt ba chỉ, thêm chút chanh ớt và rau răm. Mứt dừa là món ít tốn đường nhất. Khi sên dừa thành mứt xong tôi có thể dùng đường còn lại để làm bánh. Lần này tôi không làm bánh bông lan mà làm bánh thuẫn. Bánh thuẫn là loại bánh giống như bánh bông lan nhưng bánh bông lan phải dùng đường trắng nguyên chất; còn bánh thuẫn không kén đường. Hơn nữa, tôi chỉ cần dùng một ít bột mì trộn với bột năng chứ không phải làm độc nhất một loại bột mì như làm bánh bông lan. Những bánh thuẫn của tôi được chế biến theo cách “Trong cái khó, ló cái khôn”. Có nghĩa là tôi làm tuỳ theo số lượng và số vật liệu mà tôi có chứ không theo một công thức truyền thống nhất định. Nói cách khác là chúng không được làm đúng cách. Nếu làm đúng cách thì phải dùng trứng vịt, đường vàng hay trắng cũng phải nguyên chất chứ không phải là loại đã dùng sau khi làm món mứt gì đó. Cũng may cho tôi là lần đầu tiên tôi làm bánh thuẫn không đúng cách nhưng tôi được “tổ” phù hộ nên tôi đã có những chiếc bánh thuẫn thơm giòn, hấp dẫn. Riêng cà phê thì tôi phải dùng đường trắng được dành dụm từ hàng nhu yếu phẩm hàng tháng do trường cấp.

Lo các món ăn xong, tôi chuẩn bị bàn tiệc. Tôi nối chiếc bàn học dài có dính ghế băng do bác gái tôi bỏ sau khi con nuôi của bác bỏ đi, với cái bàn ở nhà và xếp thêm ghế xung quanh. Tôi đã dùng tấm ra trắng mới toanh làm khăn trải bàn, rồi xếp chén đũa ngay ngắn và trưng một bình hoa nhỏ có cắm những nhánh hoa mai đỏ, một loại hoa dễ trồng thường có hoa quanh năm trong vườn nhà tôi. Để cho buổi tiệc của mình trịnh trọng hơn, tôi còn lấy những miếng carton cũ cắt ra, rồi dán lại và sơn màu nước thành những chiếc vương miện đủ màu có chữ Noel. Vì tiệc đãi tại bàn chứ không ngồi dưới đất như lần trước nên tôi chỉ mời những người bạn thân trong tổ hai của mình. Những người bạn được mời, vui vẻ nhận lời ngay. Mỗi lần gặp tôi trong trường, họ thường nhắc và đếm ngược thời gian đến ngày Lễ Giáng Sinh. Và tôi biết họ đang chuẩn bị trang phục đẹp để tham gia buổi tiệc “trọng đại” này. Giống như tôi, tôi đang chờ ngày Lễ Giáng Sinh đến sớm để được khoe chiếc áo đặc biệt của mình.
Tâm trạng nôn nao chờ đợi ngày Giáng Sinh đến đã âm thầm sống lại trong tim của mỗi chúng tôi. Cho đến đêm 24 tháng 12 năm ấy, chúng tôi đã cùng nhau có một bữa tiệc hết sức thú vị. Các bạn tôi đã vui vẻ nhận những chiếc vương miện của tôi cài lên đầu, rồi ngồi quanh chiếc bàn chữ nhật dài được bày biện công phu với chén đũa, các món ăn và có cả bình hoa trưng bày điệu nghệ. Khung cảnh tuy không sang trọng rực rỡ nhưng như bữa tiệc Noel trước năm 1975 nhưng đủ làm cho tất cả mọi người tham dự đều cảm thấy trang trọng và ấm áp. Các bạn tôi ai cũng khen thức ăn ngon. Mà thức ăn ngon thật vì món cà ri gà do em tôi nấu được “thụ giáo” từ khi nó ở trong Sài Gòn với bác gái tôi, người hay làm tiệc đãi bạn bè.

Ăn xong, tôi rủ mọi người đi bộ lên Nhà Thờ Núi và các bạn tôi hưởng ứng ngay. Từ chỗ nhà tôi, đối diện tiệm bán cà phê Hương Hương, đi bộ đến Nhà Thờ Núi khoảng hơn 20 phút. Trời hơi lạnh lạnh nên chúng tôi co ro cạnh nhau, chầm chập bước vừa nói chuyện bâng quơ. Tuy nhiên sự trao đổi càng lúc càng thưa dần khi chúng tôi đi trên đường dốc lên Nhà Thờ. Con đường đang im lặng chìm trong bóng đêm chứ không có nhiều ánh đèn lấp lánh như trước đây. Cảm giác buồn len lỏi vào trong tâm hồn khiến chúng tôi lặng lẽ bước, không ai nói với ai điều gì nữa. Vài người từ trên Nhà Thờ cũng lặng lẽ đi xuống. Không gian im ắng của đêm Giáng Sinh năm ấy khiến tôi chạnh lòng. Đi quanh Nhà Thờ một lúc, không tìm được chút gì của ngày xưa, chúng tôi lặng lẽ đi xuống. Vẫn không nói gì với nhau, chúng tôi theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Lúc ấy, tôi chợt nhớ ra là những người bạn đang đi bộ cùng tôi là Bạch Tuyết Nicole, Đinh Liên hay Hoàng Long là những người theo đạo Công Giáo. Họ hưởng ứng ngay lời đề nghị dạo quanh Nhà Thờ Núi của tôi vì có lẽ họ muốn có cơ hội đến để âm thầm cầu nguyện Đức Chúa khi đi quanh nhà thờ hay khi dừng lại trước tượng Đức Mẹ. Còn tôi, tôi không phải là người Công Giáo nhưng tôi lại muốn đến đây. Phải chăng tôi đang cố gắng tìm lại những gì tốt đẹp mà chúng tôi có trong những ngày xưa thân ái. Lúc đó, tôi mới thực sự hiểu rằng bữa tiệc mà tôi dành cho bạn vì tâm nguyện giữ lại những gì mình đã có trước tháng Tư năm 1975 chứ không phải đơn thuần là để khoe chiếc áo đặc biệt do mình tự làm.

Đến ngày nay, sau bao nhiêu chục năm, mỗi lần gặp lại bạn cũ, các anh chị lớp Sử Địa khóa I trường CĐSP hay nhắc đến hai con vịt, cháo vịt, tiệc Giáng Sinh năm 1976 và chuyện đi dạo Nhà Thờ Núi. Những điều thú vị trong những câu chuyện của họ đều chính xác giống nhau như họ đang kể những tình tiết mới xảy ra hôm qua. Thì ra, các anh chị ấy không có thì giờ ghi lại qua giấy bút nhưng họ đã khắc ghi ở trong đầu những “kỳ tích” của lớp người trẻ chúng tôi ở độ tuổi hai mươi thời ấy. Một thời rất buồn nhưng không thể quên đi.

Cung Thị Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét