Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2020

Thơ Tranh: Thu


Thơ: Luân Tâm
Thơ Tranh: Kim Oanh

Bông So Đũa



(Ảnh: BiệnCôngDanh)

Bên vườn cây so đũa
Chiều nắng tắt đong đưa
Mơ màng về một thuở
Còn bé nhỏ xa xưa

Bìm bịp kêu nước lớn
Dưới sông tiếng xuồng ghe
Mẹ tôi ngồi trên cỏ
Ngang đầu muổi vo ve

Gió chiều hiu hiu thổi
Sóng đùa giởn lăn tăn
Một thời xưa xa lắm
Hiện trên vần trán nhăn

Theo mùa bông so đũa
Nở tàn năm tháng qua
Sông bên đình vẫn chảy
Đưa mẹ về cõi xa...

Bốn mươi năm về lại
So đũa giờ cũng không
Bờ xưa nay đà lở
Nắng tắt dần trên sông.

Biện Công Danh
14/9/2018

Sao Em Chưa Về ?!

Bầu trời Thu có ngọn gió heo may
Phố hiu hắt nên chiều đi vội vã
Bờ sông vắng em nên buồn thãm quá
Xa nhau rồi có nhớ cũng đành quên

Thềm rong rêu từ đỉnh xuống chân đồi
Đường độc đạo phủ giây leo kín kẻ
Em không về nên mưa nhiều - có lẽ
Áng mây chiều cũng nhàn nhạt chơi vơi .

Tôi ngồi buồn nghe sóng vỗ thầm thì
Mạn thuyền nhấp nhô chiếc ghe tam bản
Trời mùa thu hờn ghen nên trở lanh
Phả xuống hồn tôi bạc tóc mái đầu.

Em bây giờ em ở tận nơi đâu
Em còn nhớ cuộc tình ta thuở nọ
Trời hết mưa bầu trời sao sáng tỏ
Nhưng sao em chưa quay gót trở về ?!


Dương hồng Thủy
16/09/2020


Chuyện Lòng



"Đường đời trôi đã về chiều, mà lòng mến còn nhiều.
Đập gương xưa tìm bóng."
(Trích trong bài hát Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay)

Chuyện lòng năm ngoái năm xưa
Đêm qua trong mộng như chưa đổi dời
Dây tơ ai buộc, ai mời
Đầm Long Môn * đính ước một thời đã xa
Quê ta ngày ấy hiền hòa
Tình ta thuở ấy mặn mà dễ thương
Đời như giấc mộng thiên đường
Ta đâu nhớ được hoa hường lắm gai
Tương lai anh gắng miệt mài
Em tương tư đợi chờ ngày phượng loan
Thói đời hay hợp rồi tan
Tình ta cũng thế, dở dang nửa đàng
Lệ tuôn lã chã hai hàng
Anh đau, em. khổ hai đàng rẽ chia
Sáu mươi năm sống chia lìa
Đêm nay ngồi khóc đầm đìa nhớ anh
Chẳng nên duyên lúc còn xanh
Nhưng em vẫn giữ hình anh trọn đời
Nếu anh còn sống phương trời,
Xin anh ấp ủ khoảng đời có nhau.

Las Vegas, 9/14/2020
Cao Minh Nguyệt

Gửi Nguyễn Minh Hoàng:" Anh ơi anh ở phương nào. Có hay em vẫn lệ trào nhớ anh?"
*Đầm Long Môn: nguồn: ĐIỂN TÍCH CHỌN LỘC của Mộng Bình Sơn. Ngày xưa tại huyện Long Môn thuộc tỉnh Quảng Đông có một cái đầm nước rất đẹp, các trai tài gái sắc thường dạo chơi trong dịp cuối thu. Vào mùa này, các cây cối đều rụng lá, riêng có hai loại cây Mai và Trúc lá vẫn xanh tươi, làm chú ý mọi du khách đi thưởng ngoạn, trong số đó có nàng Hoàng Kỳ Mai và chàng Lâm Bá Trúc, một người bẻ một cành Mai,ngươi kia bẻ một cành Trúc rồi thề nguyền "Hai cành trúc mai, là đôi chúng ta. Nếu quả lương duyên trời định, chúng ta nên vợ nên chồng, thì sau khi chúng ta cùng nhau ném cành mai và cành trúc này xuống mặt hồ, mỗi nơi một vật, nếu gió đưa nước cuốn hai cành trúc mai họp nhau lại, thì đó là trúc mai hòa hợp chúng ta sẽ về thưa lại với song đường tác hợp lương duyên". Kết quả là hai cành trúc mai hiệp nhau một chỗ nên Lâm Bá Trúc và Hoàng kỳ Mai được tác thành chồng vợ.

Như Lá Thu Vui


Gió đưa lá trở về lòng đất mẹ
Rơi rơi nhiều, vàng phủ cả đường đi
Bay lăn tăn, vui “sinh ký, tử quy’’
Vui chăng nhỉ, từ muôn vô thỉ kiếp?

Đất đón lá, bao lời thơ thêm đẹp
Mây lang thang tội nghiệp giùm thi nhân
Động bước chân, chút xanh, xám tần ngần
Tô thêm sắc hài hòa xinh trời đất.

Nào tất cả đều đến nơi hủy diệt!
“Sinh, trụ, hoài…’’ định luật của thiên nhiên,
Vẫn liên miên, tay Tạo Hóa uy quyền,
Vòng luân chuyển quay tròn đều vũ trụ.

Em nhặt lá, hôn nụ buồn đưa tiễn
Anh vỗ về: -Vui với lá đi em!
Vui như ta chừng ấy năm êm đềm
Đã chứng nghiệm hai trái tim hòa nhịp.

Rồi chàng, thiếp mai cũng về Đất Mẹ,
Rồi bạo tàn chẳng ngạo nghễ được lâu,
Rồi ngọt ngào sẽ thay thế khổ đau,
Mình như lá, cùng đồng bào khai Hội.

Ý Nga
Canada, 1-10-2010

Lá Thu


Hôm nay trời bắt đầu trở lạnh, cái lạnh phải đủ để người ta cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là làm người ta run cầm cập. Bầu trời trong và xanh ngắt, thỉnh thoảng mới điểm vài cọng mây trắng nho nhỏ đang nhẹ nhàng trôi uyển chuyển và dịu dàng như dáng một nàng thiếu nữ. Gió hiu hiu. Vài chiếc lá vàng rơi lác đác. Phong cảnh mùa thu đẹp thật nhưng dễ gợi buồn, và tôi chợt cảm thấy mình cô đơn lạc lõng.

Tôi mồ côi mẹ từ năm lên 2 tuổi, cha tôi ở vậy để nuôi tôi, cảnh gà trống nuôi con thật là vất vả cho cả hai người. Dù được cha yêu chiều rất mực, tôi vẫn thấy khổ sở vô cùng. Tuổi thơ sống bằng những bàn tay âu yếm vuốt ve, sống bằng những lời ru êm ái pha lẫn với hơi thở dịu dàng của một người mẹ…Tôi, tôi thiếu tất cả. Ban ngày tôi thường rơm rớm nước mắt vì thấy cảnh âu yếm của hai mẹ con bà hàng xóm, ban đêm tôi thường mơ gặp mẹ tôi; tôi ôm lấy mẹ và nói muôn ngàn câu trìu mến nhớ mong để rồi tỉnh dậy, tôi thấy bóng đêm và khuôn mặt buồn muôn thuở của cha tôi. Những lúc đó, tôi lại khóc. Tôi hỏi cha tôi về mẹ, nhưng bao giờ cũng vậy, tôi chỉ thấy gương mặt cha tôi thoáng buồn, Người xoa đầu tôi và bảo:

- Thôi con ngủ đi! Đừng bắt cậu nhắc lại chuyện buồn ngày xưa nữa…

Tôi lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương đó. Trong óc tôi lúc nào cũng có muôn ngàn thắc mắc, muôn ngàn điều muốn tìm hiểu về mẹ tôi, nhưng cho đến bây giờ, tôi vẫn chỉ biết một điều duy nhất: mẹ tôi mất năm tôi mới lên 2 tuổi.

Gió chợt thổi mạnh. Tôi rùng mình kéo cao cổ áo và châm một điếu thuốc. Làn khói trắng toả ra thơm ngát làm lòng tôi ấm lại. Tôi bắt đầu nghiện thuốc từ hai năm nay, từ ngày tôi xa nàng. Tôi thiếu thốn tình thương, nàng đem lại cho tôi lòng quý mến của một người em gái, sự săn sóc ân cần của một người chị, và tình thương bao la dịu dàng của một mẹ hiền. Nhưng bây giờ tôi đã xa nàng, xa nàng vĩnh viễn. Đời tôi thật nhiều đau khổ và nàng lại là một niềm đau khổ mới của tôi.

***
Tôi quen nàng trong một trường hợp thật là hy hữu. Mùa hè năm đó, cách đây ba năm, tôi lên nghỉ mát trên Đà Lạt, miền cao nguyên có sương mù và gió lạnh để tìm lại không khí quê hương. Khí hậu ở đây dễ chịu thật nhưng buồn ray rứt và tôi thì hay lang thang tìm buồn trên phố vắng…Một buổi chiều, trong khi một mình thẫn thờ tản bộ trên đường đến thác Cam Ly, tôi chợt dừng lại vì nghe thoang thoảng đâu đây có tiếng dương cầm. Tôi đi theo tiếng nhạc và dừng lại trước một biệt thự. Tiếng nhạc từ trong cửa sổ vọng ra, tiếng nhạc ngập ngừng và e thẹn của người mới tập, nhưng tôi cũng nghe rõ đó là bản “Lá Thu” buồn não nuột. Người con gái đánh đàn cúi đầu trong bóng tối, tôi chỉ thấy được mái tóc huyền óng ả như tơ…Giác quan bén nhạy của phần đông các thiếu nữ đã làm cho nàng cảm thấy mình bị quan sát và chợt nhìn lên. Chúng tôi nhìn nhau một giây. Khuôn mặt nàng đẹp quá! Tôi thẫn thờ! Và bắt đầu yêu nàng từ đó. Tôi cũng nhận là mình hơi quá lãng mạn, nhưng tôi lào sao trái được lòng mình? Từ đó, chiều nào tôi cũng một mình đi bách bộ qua con đường nhỏ, dừng lại trước ngõ nhà nàng để chờ đợi, và chiều nào tôi cũng thấy lại mái tóc mềm như mây phủ và nghe lại bản nhạc “lá thu” với một nỗi rung cảm tuyệt vời…

Tất cả có lẽ sẽ đi qua, nếu không có buổi hòa nhạc bất ngờ tại nhà một người bạn. Hôm đó tôi gặp lại nàng. Nàng mặc jupe mầu xanh đậm và áo tricot màu xám tro. Hình như nàng có thoa một chút phấn hồng. Tôi thấy nàng đẹp lắm, nổi bật trong đám bạn bè như một đoá hoa giữa muôn ngàn hoa dại… Tôi biết tên nàng là Giang. Chúng tôi vẫn thường bắt gặp tia nhìn lén lút của nhau, chúng tôi đều hiểu lòng nhau, nhưng không ai dám lên tiếng làm quen trước! Ngay lúc ấy ban nhạc chơi bản “lá thu”, bản nhạc của định mệnh! Tôi nhìn nàng và nàng cũng nhìn lại tôi. Lần này chúng tôi không lẫn tránh nhau nữa. Tôi tiến lại phía nàng, gật đầu chào và nói khẽ: “Tôi nhớ mãi tiếng đàn của Giang”.

Tôi thấy má nàng hồng lên e thẹn.
***

Chúng tôi quen nhau từ đấy! Suốt mấy tháng hè, núi đồi Đà Lạt đã ghi cho chúng tôi biết bao dấu chân kỷ niệm. Hồ Xuân Hương, thác Cam Ly, Suối Vàng…Tất cả như còn xao động trong lòng tôi. Nhưng có lẽ buổi dạo chơi bên hồ Than Thở mới làm cho tôi ghi nhớ đến trọn đời.

Hôm đó Giang mặc áo lụa mầu xanh và khoác áo len mầu hồng nhạt. Chúng tôi sánh vai nhau đi trên con đường nhỏ quanh co dẫn đến bên hồ. Trời nặng, có sương mù bao phủ và có mưa bụi lất phất bay. Cảnh vật mờ ảo và đẹp như bức tranh thời cổ. Chúng tôi yên lặng đi bên nhau không nói, chỉ nghe tiếng thông reo buồn ảo não và tiếng lá động xạc xào…Những hạt mưa nhỏ đọng trên áo trên tóc Giang như những hạt ngọc. Tôi nói điều đó với Giang, nàng mỉm cười sung sướng…Tôi bảo:
“Nhưng áo và tóc Giang ướt hết không khéo bị cảm”.

Giang lại nhìn tôi, mắt long lanh, má lúm đồng tiền và hồng lên như mầu hoa thắm. Nàng nũng nịu: “Giang không có khăn, anh lau hộ Giang đi”

Tôi rút khăn tay định lau tóc cho Giang, nhưng lại không dám! Tôi sợ những sự va chạm xác thịt sẽ làm cho tình chúng tôi hoen ố. Tôi đưa khăn cho nàng, Giang thoáng buồn, nàng lau mặt, lau tóc và phẩy nhẹ những hạt mưa vương trên áo…

Chúng tôi rẽ qua một đập nước nhỏ, tiếng nước chảy róc rách dưới chân. Rồi chúng tôi qua một chiếc cầu tre bắc ngang lạch nước. Nước trong xanh, in hình bầu trời mờ ảo và bóng chúng tôi quyện lấy nhau… Một người sơn cước gánh mấy giò lan, nhìn chúng tôi hỏi lớn: “Ông bà mua hoa” Tôi lắc đầu và nhìn Giang mỉm cười, Giang cũng cười lại nhưng vội quay đi. Nàng đang thẹn vì tiếng “ông bà” âu yếm và thân mật quá.

Chúng tôi đi ven theo bờ hồ…xa xa, gần mặt nước, những bông hoa myosotis màu xanh nhạt đang dịu dàng khoe sắc. Tôi ngắt vài bông hoa ấy cho Giang. Nàng gài lên mái tóc và nheo mắt hỏi tôi “đẹp không”. Tôi thẫn thờ “đẹp lắm”. Tôi mượn lời khen hoa để khen sắc đẹp của nàng. Giang đỏ mặt. Tôi kể cho nàng nghe sự tích của loài hoa. Chuyện một đôi tình nhân yêu nhau thắm thiết. Chàng đã chết vì muốn hái bông hoa ở ven sông để làm vừa ý người yêu. Trước khi chìm xuống lòng sông, chàng còn cố gắng ném bông hoa lại cho nàng và nói “đừng quên anh” Myosotis, Forget me not” là bông hoa trên đầu Giang đó! Giang có vẻ buồn, nhưng tôi biết nàng đang sung sướng. Tôi nhìn thấy sự sung sướng ấy qua ánh mắt của Giang. Từ ngày quen nhau, tôi chưa từng nói yêu Giang, và đây là lần đầu tiên tôi nói yêu nàng bằng một lời bóng gió. Cả hai chúng tôi cùng có vẻ ngượng ngùng. Tôi phá vỡ sự đó bằng cách kể lại cuộc đời khổ sở của tôi, đến cảnh mồ côi mẹ từ năm lên 2 tuổi, đến những khao khát một chút tình mẫu tử…Giang đã cảm động nắm lấy tay tôi và nói: “Mai anh đến nhà Giang, mẹ Giang đẹp và hiền dịu lắm, thế nào mẹ cũng mến anh!”

Tôi sung sướng nắm chặt tay Giang. Đây là lần đầu tiên tôi nắm tay nàng…Giọng tôi lạc đi:

Cám ơn Giang.

Tôi định ôm nàng vào lòng để nói ngàn lời âu yếm, nhưng tôi đành bất lực. Sự sung sướng đã làm tôi tê dại…
***


Tôi đến Giang vào buổi chiều. Nàng ra đón tôi tận cổng - Mẹ Giang đi vắng, nhưng Giang nói chỉ một lát nữa bà sẽ trở về. Tôi không nói gì với Giang, chỉ yên lặng nhìn nàng - Những lúc lòng tôi vui sướng, tôi thường yên lặng để tận hưởng.
Giang đến ngồi bên dương cầm, nàng dạo vài nốt nhạc – Tôi bảo nàng đánh lại bản “Lá Thu” - tiếng nhạc vang lên ấm áp tỏa trong không gian và quyện lấy chúng tôi. Mặt Giang nghiêng nghiêng, mái tóc huyền xõa một bên vai, đôi bàn tay trắng nuốt, đang bay nhảy trên bàn phím nhạc. Tôi khe khẽ hát theo:

Toi qui m’aimais
Moi qui t’aimais
Mais la vie sépare
Ceux qui s’aiment

Chợt Giang ngừng lại, nàng nói nhẹ như hơi gió thoảng:
Anh đừng hát nữa – Giang buồn lắm, Giang không bao giờ muốn chuyện mình như lời bản nhạc đâu.
Tôi ngẩn ngơ vì lời Giang nói. Ngay lúc ấy mẹ Giang về, Giang ôm lấy mẹ hôn khẽ hai bên má rồi giới thiệu:
- Anh Hoài, bạn của con.

Tôi nhìn mẹ Giang. Bà thật đẹp và hiền dịu, bà đúng là người mẹ mà tôi hằng mơ ước. Lòng tôi thoáng một điều gì kỳ lạ. Hình như giữa bà và tôi đã có một mối liên quan mật thiết từ ngàn xưa. Tôi thấy mẹ Giang cũng rùng mình, chớp mau đôi mắt. Nhưng tất cả đều đi qua đi trong một giây thôi! Bà cười nhẹ:
- Cậu đến chơi với em – Giang nó nhắc đến cậu luôn.
Bà mời tôi ngồi, hỏi chuyện học hành và gia cảnh – Tôi kể hết cho bà chuyện đời đau khổ của tôi và hình như bà khẽ thở dài…

Lúc tôi về, Giang tiễn tôi ra tận cửa. Nàng đứng nép vào một bên để lấy lối đi. Chúng tôi đứng sát cạnh nhau, từ người nàng toát ra một mùi thơm dịu dàng và quyến rũ. Tôi nói khẽ, giọng run run:
Giang cho phép anh hôn em từ giã được không?
Giang không trả lời. Nàng chớp nhẹ rèm mi và từ từ ngước mặt lên chờ đợi…Đó là lần đầu tiên tôi hôn Giang và đó cũng là nụ hôn đầu tiên trong cuộc đời tình ái của tôi.
Cả hai chúng tôi đều ngây ngất.

Chúng tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp mặt Giang trong dịp hè năm ấy. Những lần sau mỗi khi tôi đến tìm Giang, đều có người nhà ra nói là Giang đi vắng. Tôi nghĩ đã làm điều gì phật ý của Giang, nhưng tôi chịu không tìm ra điều ấy được…Tự ái của một con trai không cho phép tôi đến tìm Giang thêm nữa. Tôi trở lại Saigon…Tình yêu vẫn còn đè nặng trong tâm hồn tôi. Người ta bảo tình yêu chỉ là một sự gần gũi lâu dài, tôi không nghĩ thế. Càng xa Giang, tôi càng yêu nàng, càng nhớ nàng và tôi càng khổ sở. Cha tôi nhận ra vẻ khác lạ của tôi, nhưng người làm sao hiểu được lòng tôi đang tan nát. Đã có những kỳ nghỉ lễ, dù chỉ một hai ngày, tôi cũng vội vã lên Đà Lạt, không phải để gặp nàng mà để nhìn lại cảnh xưa, tìm lại những dấu chân kỷ niệm…

Cho đến Noel năm ngoái, tôi mới gặp lại nàng, cũng trên con đường nhỏ tới suối Cam Ly. Nàng đi phía trước tôi, vẫn bộ quần áo mầu xanh ngày xưa, vẫn chiếc áo len hồng, vẫn mái tóc huyền óng ả…Nàng đang cúi đầu đếm bước, vẽ suy tư. Chỉ một giây thôi, kỷ niệm bừng sống dậy trong lòng tôi như một làn thác lũ! Tôi bước vội. Hình như nàng cũng đang để hết tâm tư trở về kỷ niệm nên tôi đến sát bên nàng mà Giang vẫn chưa hay biết. Giọng run run vì xúc cảm, tôi gọi khẽ:
- Giang…em…

Nàng giật mình quay lại. Tôi thấy mặt nàng đầy lo sợ nhưng lại thoáng vẻ vui mừng. Nàng cố trấn tĩnh và mỉm cười với tôi, nụ cười héo hắt:
- Anh lên nghỉ mát?
- Anh lên tìm Giang.
Nàng cố giấu vẻ cảm động:
- Chắc anh nhớ Đà Lạt nhiều?
- Không, anh chỉ nhớ Giang, lúc nào anh cũng nhớ Giang.

Tôi thấy Giang cúi đầu, mắt long lanh như sắp khóc, chúng tôi yên lặng, đứng bên nhau thật lâu. Đột nhiên Giang úp mặt vào ngực tôi khóc nức nở, vai nàng run run…

Tôi xiết mạnh vòng tay lại, mặc cho nước mắt nàng thấm ướt cả ngực tôi qua làm vải áo, một cảm giác lạnh lẽo đang len lén truyền vào tim tôi…chợt Giang sẽ đẩy mạnh tôi ra và nói nhỏ qua làn nước mắt:
- Anh về đi ! Anh đừng tìm Giang nữa, chỉ làm khổ cho nhau thôi! Giang van anh, anh về đi…

Tôi ngẩn người kinh ngạc – Tôi không sao hiểu nỗi nàng nữa! Tôi không sao hiểu được nàng!

***

Đalat ngày…

Anh Hoài yêu dấu,

Giang suy nghĩ rất nhiều trước khi viết thư cho anh. Giang biết lúc này anh đang khổ sở, anh đang mong ngóng tin của Giang, nhưng Giang cũng biết khi đọc thư, anh sẽ buồn khổ gấp trăm lần.

Không phải nói thì anh cũng hiểu, dịp hè 3 năm về trước, mùa hè của chúng ta, đã để lại cho Giang thật nhiều kỷ niệm đẹp, kỷ niệm mà có lẽ suốt đời Giang còn nhớ. Mấy tháng gần nhau, Giang đã trao trọn cho anh tất cả những cảm tình tha thiết nhất của mối tình đầu – Giang chưa bao giờ nói yêu anh, nhưng trong cử chỉ của Giang, ngôn ngữ của Giang tất cả đã nói lên tiếng yêu đương mà Giang chắc anh thừa hiểu. Anh cũng chưa bao giờ nói yêu Giang chắc anh chỉ mượn hoa để nói lên tình yêu dịu dàng đó. Giang đã sống một cuộc sống thiên thần trong sự yêu đương nhẹ nhàng và trìu mến của anh, nhưng trong thâm tâm Giang, một niềm lo sợ vẫn thường xuất hiện: Chúng ta yêu nhau mà lòng Giang thì bị ám ảnh bởi sự chia ly – Giang sợ lắm – Chúng ta quen nhau bằng bản nhạc “lá thu” - Tiếng ca của anh chiều hôm ấy vẫn ám ảnh Giang mãi mãi – Có lẽ tất cả là tiền định. Chúng ta không thể nào chống lại được sự sắp đặt của hoá công – Và bây giờ chúng ta đã xa nhau như lời bản nhạc.

Giang biết là anh khổ nhiều, nhưng Giang cũng không hơn gì anh cả. Những buổi chiều, Giang thường thẫn thờ ngồi bên cửa sổ, lòng mong được gặp anh, nhưng lại sợ anh tìm đến, hoặc đi lang thang tìm lại những kỷ niệm xưa. Giang cũng từng thấy anh thất thểu đi qua nhà Giang, áo quần xốc xếch, mặt mũi bơ phờ. Lúc đó trời đã hoàng hôn, tiếng chim chóc đang gọi nhau về tổ nghe buồn não nuột. Giang nhìn bóng anh mà nước mắt trào ra. Giang muốn chạy ra ôm lấy anh, ngã vào lòng anh để nói với anh ngàn lời thương nhớ, nhưng Giang lại sợ mình phạm tội. Anh biết không? Vì anh và Giang là hai anh em cùng mẹ khác cha… Mẹ anh không chết - Mẹ anh là mẹ của Giang đó, mẹ của chúng ta. Bà bỏ cha anh năm anh lên 2 tuổi và về với cha Giang. Đời thật trớ trêu. Những hoàn cảnh vô tình đã đẩy chúng ta đến đường cùng của vực thẳm. Chúng ta phạm tội – Vô lý thật – Chúng ta phạm tội, nhưng chúng ta vô tội. Và Giang biết quy tội ấy về ai.

Hoài ơi, em biết làm thế nào bây giờ….?

Giang.

Nguyễn Thanh Bình

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2020

Xin Cho Tôi - Thơ Cung Lan - Nhạc Sĩ Huy Lãm- Ca Sĩ Thiền Vị


Thơ: Cung Lan 
Nhạc Sĩ: Huy Lãm
Ca Sĩ: Thiền Vị

Cháy



Trời ươm màu vàng úa
Bầu khí quánh như keo
Từng cánh rừng bốc cháy
Thiên nhiên sống ngặt nghèo
Người dân tránh hỏa hoạn
Bỏ cửa nhà sau lưng
Ra đi bàn tay trắng
Hẹn về gây lại rừng
Có đôi mình góp sức
Và ý chí dấn thân
Miền Tây rồi xanh lại
Ca-li, Oregon...


Locphuc

Cháy Rừng



Ai đã vô tình gây ra cháy rừng
Gió thổi bùng lên một vùng lửa khói,
Để chim bay lìa rừng trong sợ hãi,
Để tôi tiếc hoài một khoảng trời xanh.

Tôi muốn rừng khô lá hẹn hò anh,
Đi bên nhau lá dưới chân xào xạc,
Ngắm suối nước trong, ngắm khe nước cạn,
Rừng sẽ ngoan theo tôi những đường mòn.

Nhưng hôm nay khu rừng đã không còn,
Đang sừng sững với cây cao bóng cả,
Lửa đốt cháy những thân cây gục ngã,
Tro bụi bay về đường phố gần xa.

Ngọn lửa điên cuồng đã cháy lan ra,
Rừng lá xanh oằn mình trong đau đớn,
Không chỉ người buồn rừng cây cũng khóc,
Rừng trăm năm vẫn thở với cuộc đời.

Bốn mùa nuôi rừng lớn lên từng ngày,
Mùa Xuân rừng gìa bỗng nhiên trẻ lại,
Mùa hè gió rung lá khô buông lối,
Rừng mơ màng khi trời đất Thu sang.

Tôi yêu sao những lợi ích đời thường,
Rừng cho gỗ, gỗ thường hay gỗ qúy,
Tôi đều cảm thấy mùi hương của gỗ,
Món qùa vô tận rừng tặng thế gian.

Rừng vẫn đang cháy hủy hoại dung nhan,
Những cây xanh đã biến thành than củi,
Lòng người ngậm ngùi nhìn những cột khói,
Thương lính cứu hỏa, thương qúa rừng ơi.

Xin gió đừng lên, gió mạnh hãy vơi,
Đừng mang hơi nóng đến từ sa mạc,
Xin mưa đến từ mười phương tám hướng,
Bao nhiêu diện tích rừng đã cháy rồi.

Tội nghiệp rừng đã gần gũi con người,
Nhưng con người đã gây ra thảm cảnh,
Một chút lửa vô tình mà tàn nhẫn,
Thành kẻ đốt rừng, thành kẻ vong ân.

Hẹn ngày mai ngày mốt lửa sẽ yên,
Bầu trời lại xanh khu rừng sẽ nguội,
Chúng ta nợ rừng một câu xin lỗi,
Đã yêu rừng mà không giữ được rừng.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Portland Và Cali



Ở đây không có gió giao mùa
Nắng đổ chang chang vào buổi trưa.
Tàn tro bay nhuộm sân sau trắng
Mù mù khói tỏa sáng tinh mơ.

Tôi ước, tôi van, tôi lạy trời
Làm ơn cho có trận mưa rơi
Dập tắt dùm đi cơn bão lửa
Những giọt cam lồ cứu khắp nơi.

Để mặt trời lên không là máu
Rừng không rực sáng lửa bùng to
Nhà cửa, gia tài không thiêu rụi
Xác người, thú vật chết co ro.

Tôi quỳ xuống đây cầu thượng đế
Lạy Chúa, Phật, Trời, Quan Thế Âm
Xin đừng nổi giận, xin tha thứ.
Loài người mê muội, nhiều lỗi lầm.

Ôi những con đường, đẹp vô cùng
Hàng thông xanh mướt đứng khoe mình
Bây giờ cháy rụi, thê lương quá
Gió thét lửa gào cõi vô minh

Tôi cũng từng mơ một đêm mưa
Gió nhẹ rung cây chuyện tình thơ.
Có đôi chim nhỏ vui ân ái
Buổi sáng ngoài vườn chim líu lo

Tôi cũng yêu anh tay nắm tay
Dìu nhau đi suốt cuộc tình này.
Hợp hôn tháng chín ta làm lễ.
Giờ đốt trầm hương để nhớ ngày.

Từ biệt Portland về Cali
Hai nơi cháy lớn ở và đi
Tàn tro mắt đỏ tôi xoa mãi.
Tháng chín năm nay thật lạ kỳ.

Nguyễn thị Thêm.

Cầu Xin



Cầu xin cho những người bạn tôi
An khang Thịnh Vượng khắp nơi nơi
Xin đừng gieo họa vào nhân thế
Còn chút lương tri để mai sau

Xin cám ơn những người cứu hỏa
Trầm mình trong lữa đỏ xót xa
Xin mưa đổ xuống những mái nhà
Cho người tâm ổn lệ không sa

Đủ rồi tan tóc lẫn đau thương
Cho những bé thơ vẫn đến trường
Muôn nhà yên ấm không lo sợ
Nguyện cầu an lạc đến muôn phương

Đang sống thanh bình sao tai ương
Ai bày lửa đạn lắm đoạn trường
Dứt mau tham vọng làm bá chủ
Một lũ sát nhân vẻ nên tuồng

Thời bình sao vẫn còn khói lửa
Lòng người ai oán bốc lên cao
Đầm đìa châu lệ nhìn gia sản
Bao năm gầy dựng bỗng lụi tàn

Trúc Lan KTP 
09/20

Nỗi Khổ Cháy Rừng Nỗi Buồn Rừng Cháy


Thật tình, sự cúp điện quá lâu lần này đã làm người viết khổ sở không ít vì không được "quậy" trên internet với chiếc computer thân yêu của tôi như thường lệ, lo sợ thịt cá, thức ăn chứa trong tủ lạnh bị hư v..v… Cánh cửa "garage door" nhà tôi không mở được nên tôi phải kêu nhân viên bảo trì của công ty Dave's Garage Door đến sửa chữa tốn hết $125.00. Vì tôi không thể trổ tài "nữ công gia chánh" nên chúng tôi đành phải ăn món "cơm tay cầm" đỡ dạ trong ánh sáng mờ ảo của đèn cầy nhưng không lãng mạn tí nào vì phải ăn cho nhanh để còn đi ngủ sớm cho khỏe. Cũng đành thôi!

Mãi đến ngày hôm sau mới có điện trở lại, thật tình không còn nỗi vui nào bằng khi thấy ánh sáng của chiếc đèn nơi phòng khách lóe lên. Những người sống trong tiện nghi nơi xứ Mỹ như chúng ta nếu thiếu điện, thiếu nước, thiếu internet, cánh cửa nhà chứa xe không mở được khi bấm nút điện, không thể nạp điện vào cell phone đã hết điện, không được ăn cơm nóng canh sốt, không .... không.. .thì cuộc đời bỗng hết đẹp rồi!
Cám ơn những tiện nghi đã làm cho đời sống đẹp hơn lên và cũng làm khổ cho chúng ta khi thiếu những tiện nghị này.

Nỗi buồn vì bị cúp điện vừa được giải quyết xong thì nỗi lo khi xem tivi thấy nhiều nơi trong Clackamas County nơi chúng tôi ở đang chìm trong biển lửa. Câu em trai của tôi điện thoại cho chúng tôi biết là phải chuẩn bị mỗi người một chiếc balo đựng những vật dụng cần thiết để sẵn sàng lên đường khi có lịnh di tản khỏi vòng lửa đỏ vì khu vực chúng tôi đang ở trong diện "Be Ready". 
Cậu em còn chuyển cho chúng tôi cái link để biết rõ tình hình lửa cháy được cập nhật từng giờ, từng ngày như thế nào để mà ứng phó kịp với tình thế.
Đây là các link quan trọng cần phải biết:
https://ccgis-mapservice.maps.arcgis.com/apps/webappviewer/index.html?id=fe0525732f1a4f679b75a5ccf1c84b30
https://www.clackamas.us/wildfires
Xin cám ơn vợ chồng cậu em út nhà tôi đã hết lòng lo lắng cho gia đình tôi và cung cấp những dữ liệu cần thiết về các vụ cháy ở Clackamas County 

Thế là tôi bắt đầu"ngồi đồng" hằng giờ trước Tivi theo dõi tin tức trên đài số 6, số 8, số 12 ở Portland để biết tin tức được cập nhật hóa hằng giờ về những chuyển biến của các cuộc hỏa hoạn.
Tôi không cầm được nước mắt khi thấy thiên hạ ở các vùng có màu đỏ phải lập tức di tản ngay như Marion, Molalla, Beachie Creek phải chạy "bỏ của lấy người" đến tạm trú ở những nơi tập trung, bỏ lại sau lưng nhà cửa, tài sản, đàn gia súc thân yêu v..v...nên đường xa lộ I 5 và I 205 kẹt cứng đoàn xe đi di tản.

Bãi đậu xe ở trung tâm thương mại Clackamas Town Center, Convention Center ở Portland và một số địa điểm khác biến thành nơi tạm trú cho đoàn người di tản. Những cơ quan, người thiện nguyện tận tình đóng góp công sức, thực phẩm, vật dụng, nước uống cần thiết cho đoàn người di tản.

Nhìn người rồi nghĩ đến mình, tôi cũng đâm lo sợ luôn vì nhà chúng tôi nằm trong khu vực màu xanh Level 1 “Be Ready” theo sự phân chia mức độ cần di tản trong vùng cần di tản như sau:
Level 1: màu xanh lá cây "Be Ready" Chuẩn bị di tản
Level 2: màu vàng "Be Set" Di tản khi được lịnh
Level 3: màu đỏ "Go" Lập tức di tản ngay tức khắc 
Những khu vực màu trắng nằm ngoài khu vực được khoanh vùng nói trên là khu vực an toán, có thể làm nơi tạm trú: Portland, Beaverton, Hillsboro …
Nhìn vào bản đồ nói trên, nếu nói tôi không sợ gì hết là "tự dối lòng mình" rồi vì gia đình chúng tôi nằm trong khu vực Level 1 màu xanh lá cây “ Be Ready” trong danh sách màu đen nói trên, bạn ạ!




Khu vực nhà ỏ của người viết nằm trong Zone Level 1 "Be Ready"


Bạn bè khắp nơi gửi email thăm hỏi và cầu nguyện gia đình chúng tôi được bình an trong tình thương mến làm tôi cảm động vô cùng. Xin cám ơn tình cảm thương yêu này của quý bạn.
Hằng đêm tôi cũng cầu nguyện Phật Trời gia hộ và cha mẹ, thân nhân quá vãng phù hộ cho chúng tôi và các người dân khác đều được bình an trong nạn cháy rừng năm nay.

Theo tin tức được thông báo, cơ quan có thẩm quyền đã bắt giữ 2 người bị nghi ngờ là thủ phạm gây ra các cuộc hỏa hoạn nói trên. Tại sao có người tàn ác như thế đã làm cho bao nhiêu người phải mất sạch hết nhà cửa, tài sản và nhân mạng nữa? Họ phải bị luật pháp trừng phạt đích đáng mới được
Lại có những kẻ đã lợi dụng việc nhà vắng chủ đã đến phá cửa vào nhà trộm cắp, hôi của. Có một số người đã bị bắt vì tội danh này. Vì tình hình bất ổn và nguy hiểm nói trên nên thống đốc Oregon đã ra lệnh giới nghiêm từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau trên toàn Clackamas County.

Hiện tại có nhiều vùng vẫn còn trong tình trạng ở Level 3. Nhiều người đã tìm về thăm nhà cũ và đã khóc khi thấy nhà của mình đã bị thiêu hủy hoàn toàn. Có người già, trẻ nhỏ đã mất mạng vì chạy không kịp ra khỏi nơi hỏa hoạn và cũng có người vui mừng vì nhà cửa của mình còn nguyên vẹn. Cuộc đời luôn có những nụ cười và những dòng nước mắt, có sự sống và cái chết, có sự xây dựng và sự tàn phá xen lẫn nhau, nhưng tất cả đang đắm chìm trong cõi Khổ của nhân gian.
Mời xem youtube:
3 Tiểu Bang nhiều Thành Phố đã bị cháy Xóa Sổ

Ngày chủ nhật 13 tháng 9 vừa qua, khu vực nhà người viết đã được thông báo trở lại bình thường qua một cú phone gọi đến tận nhà từ chính quyền để báo tin vui này.

Tạ ơn Phật Trời đã ban phúc lành cho người dân các vùng được gỡ bỏ khỏi danh sách bị đe dọa bởi thần hỏa, trong đó có khu vực nhà ở của người viết. 

Effective immediately (Sunday, Sept. 13), the Clackamas County Sheriff’s Office is dropping the evacuation level from Level 1 to Normal for Wilsonville, Lake Oswego, West Linn, Clackamas, Happy Valley, Gladstone, Tualatin, Milwaukie, and some areas near Boring and Damascus. 

The newly revised fire-evacuation map is here:

Tuy nhiên cả Portland và nhiều nơi khác vẫn bị bao phủ khói độc từ các vùng bị hỏa hoạn thổi đến. đến nổi dân chúng được khuyến cáo nên ở trong nhà để tránh khí độc.

Mời xem
" Wildfire Air Quality
The air quality in our region is unhealthy due to smoke from all the wildfires. 

Wildfire smoke in North Portland's St. Johns neighborhood
Wildfire smoke blankets the St. Johns neighborhood and St. Johns Bridge in N. 
Portland on Tues., Sept. 15, 2020. Much of Oregon is smothered in the smoke from
unprecedented wildfires in the state, leading to hazardous air quality that has at times
has been ranked as the worst in the world.
SHOW LESS

Dễ sợ chưa?

Watch "6 Thành Phố cháy Thảm Khốc ở Oregon" on Youtube

Xin mời quý thân hữu đọc bài thơ Cháy Rừng của một người bạn văn nghệ Nguyễn Thị Thanh Dương trong Nhóm Cô Gái Việt, một nhà thơ, nhà văn nổi tiếng với  những bài viết, bài thơ đong đầy tình cảm yêu thương, nói lên những sinh hoạt thực tế trong đời sống hằng ngày, đã bày tỏ cảm nghĩ khi thấy sự tàn phá và đau khổ của những người dân trong cùng hoả hoạn của 3 tiểu bang California, Oregon và Washington năm nay. 
Xin mời bạn cùng đọc với người viết nhé.

Cháy Rừng

Ai đã vô tình gây ra cháy rừng
Gió thổi bùng lên một vùng lửa khói,
Để chim bay lìa rừng trong sợ hãi,
Để tôi tiếc hoài một khoảng trời xanh.

Tôi muốn rừng khô lá hẹn hò anh,
Đi bên nhau lá dưới chân xào xạc,
Ngắm suối nước trong, ngắm khe nước cạn,
Rừng sẽ ngoan theo tôi những đường mòn.

Nhưng hôm nay khu rừng đã không còn,
Đang sừng sững với cây cao bóng cả,
Lửa đốt cháy những thân cây gục ngã,
Tro bụi bay về đường phố gần xa.

Ngọn lửa điên cuồng đã cháy lan ra,
Rừng lá xanh oằn mình trong đau đớn,
Không chỉ người buồn rừng cây cũng khóc,
Rừng trăm năm vẫn thở với cuộc đời.

Bốn mùa nuôi rừng lớn lên từng ngày,
Mùa Xuân rừng gìa bỗng nhiên trẻ lại,
Mùa hè gió rung lá khô buông lối,
Rừng mơ màng khi trời đất Thu sang.

Tôi yêu sao những lợi ích đời thường,
Rừng cho gỗ, gỗ thường hay gỗ qúy,
Tôi đều cảm thấy mùi hương của gỗ,
Món quà vô tận rừng tặng thế gian.

Rừng vẫn đang cháy hủy hoại dung nhan,
Những cây xanh đã biến thành than củi,
Lòng người ngậm ngùi nhìn những cột khói,
Thương lính cứu hỏa, thương quá rừng ơi.

Xin gió đừng lên, gió mạnh hãy vơi,
Đừng mang hơi nóng đến từ sa mạc,
Xin mưa đến từ mười phương tám hướng,
Bao nhiêu diện tích rừng đã cháy rồi.

Tội nghiệp rừng đã gần gũi con người,
Nhưng con người đã gây ra thảm cảnh,
Một chút lửa vô tình mà tàn nhẫn,
Thành kẻ đốt rừng, thành kẻ vong ân.

Hẹn ngày mai ngày mốt lửa sẽ yên,
Bầu trời lại xanh khu rừng sẽ nguội,
Chúng ta nợ rừng một câu xin lỗi,
Đã yêu rừng mà không giữ được rừng.

Nguyễn Thị Thanh Dương.

Xin cám ơn cô bạn dễ thương Nguyễn Thị Thanh Dương của người viết.
Cầu nguyện Ơn Trên ban phước lành cho nhân loại thoát khỏi những nạn tai.
Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát
Quan Thế Âm Bồ Tát - Nhạc Nguyễn Tuấn - Thơ

Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Giữa Bolsa Nhớ Sàigòn - Nhạc Và Lời Nguyễn Tâm Hà - Tiếng Hát Hà Thanh


Nhạc Và Lời: Nguyễn Tâm Hà 
Tiếng Hát:Hà Thanh

Một Thoáng Sài Gòn

(Một Thoáng Sài Gòn - Họa Sĩ Mùi Quý Bồng)

Một Thoáng Sài Gòn

Sài Gòn tấp nập vòng xe
Nàng xuân vui khoe áo mới
Tự do vươn tới tương lai
Sài Gòn nắng mai rực rỡ...

Nhưng rồi hy vọng thoáng qua
Bỏng đau dưới cơn lửa Hạ
Sài gòn bôn ba lìa xứ
Quê người nỗi nhớ chia xa...


Kim Oanh

Ngồi Giữa Eden Nhớ Sài Gòn



Thả chân trên phố phường xa lạ
Nhớ quá con đường, khu phố xưa
Kỷ niệm bỗng về trong ký ức
Nhớ cả chuyện đời, chuyện nắng mưa.

Tôi thấy lại mình trên Lê Lợi
Trong Rex, Givral lúc cuối tuần
Thấy cả con đường Trương Minh Giảng
theo Trần Quý Cáp đến Duy Tân.

Ngồi giữa Eden (*) mơ Chợ Cũ
Dạo qua hàng quán Virginia
Thèm ly nước mía trong Sở Thú
cũng đành uống tạm chút...Coca!

Sài Gòn dâu bể theo định phận
Thương cho những kiếp "Phó Thường Dân"
45 năm! Giữa cơn phẫn hận
Cố nối trời xa lại mơ gần.

Bốn tiếng lái xe. Hai trăm dặm
Tìm nắng Sài Gòn qua khói cay
Nửa vòng trái đất...xa thăm thẳm
Thôi đành vui tạm cho qua ngày!

Huy Văn
(*) Khu Thương Mại của Cộng Đồng Người Việt
tại Falls Church, Virginia

Biết Em Còn Nhớ Sài Gòn



Biết em còn nhớ Sài Gòn
Hay tình xa đã bào mòn nhớ thương
Quên ngày xưa lối thiên đường
Nụ hôn cuống quít ngát thơm hương tình?

Bàn tay mười ngón xinh xinh
Có còn giữ chặt bóng hình lứa đôi?
Hay là đôi ngả xa xôi
Thời gian nhàu rối bầu trời tình xưa

Nhớ không sáng đón chiều đưa
Dù che đôi bóng cũng vừa nghiêng qua
Nụ cười em trổ bông hoa
Ngát thơm con phố đôi tà áo nghiêng

Biết em còn nhớ Thủ Thiêm
Gió qua bến hẹn thổi mềm tóc bay
Đường Duy Tân nắng rơi gầy
Xa em từ độ bàn tay chia lìa

Một mình ngồi uống cà phê
Khuấy tình lên thưở đam mê nồng nàn
Dòng sông sóng nhớ ngổn ngang
Đôi bờ xa cách mơ màng về đâu?

Khuấy dài lên những đêm thâu
Chăn đơn gối lẻ bạc đầu chiêm bao
Khuấy lời âu yếm ngọt ngào
Tiếng em dịu ngọt lòng thao thức chờ

Đã qua tháng Chín vào thu
Về không em, phố chờ ngơ ngẩn chiều
Con đường thắc thỏm chim reo
Về đi, lá rụng bao nhiêu thu rồi!!!

Trầm Vân

Xin Viết Cho Người


Xướng:

Xin Viết Cho Người

Xin viết cho người đã ngủ yên
Trần gian trả lại những ưu phiền
Ngàn năm thanh sử lưu danh mãi
Để lại ưu tư mắt vợ hiền...

Xin viết cho người những bước đi
Chia tay mắt lệ buổi phân kỳ
Mẹ già mòn mõi trông tin nhạn
Sao buổi tương phùng...lệ đẫm mi?

Xin viết cho người chí cả gương
Liệt oanh ngã xuống chốn sa trường
Biệt ly sinh tử...ôi! Ly biệt
Vợ trẻ con khờ nỗi luyến thương...

Xin viết cho người một nỗi đau
Tạo chi ly biệt hỡi trời cao?
Xin đừng góp gió gây nên bão
Cùng kiếp nhân sinh giọt máu đào...

Xin viết cho người một áng thơ
Lời ru trọn giấc thỏa mong chờ
Non sông thắm mãi tình muôn thuở
Lưu sử cho đời trọn ước mơ...!!!

Bạc Liêu/6/3/2020
Hồng Vân
***
Họa vận: Xin Viết Cho Người


Xin người an giấc, ngủ bình yên
Xin kiếp nhân sinh hết cảm phiền
Xin nhớ nghìn năm lưu kỷ niệm
Xin đừng hối tiếc bạn thân hiền

Xin chàng tấc dạ, tiễn người đi
Xin hiến tâm cang đã định kỳ
Xin nhớ mẹ già trông cánh nhạn
Xin chờ vợ yếu lệ tràn mi

Xin người toại ý sáng như gương
Xin bạn kiên gan chốn chiến trường
Sinh ký tử qui dầu cách biệt
Mẹ già vợ yếu trẻ con thương

Xin người thấu hiểu nỗi niềm đau
Tạo hoá bày chi, đấng tối cao
Hổn độn tơi bời mưa gió bão
Nhân sinh một kiếp, thắm hoa đào
Xin người viết nốt, hoạ bài thơ
Nước mắt điệu ru lịm đợi chờ
Cẩm tú giang sơn tình mãi nhớ
Một đời chung thuỷ trọn niềm mơ
Mai Xuân Thanh

Ngày 12/09/2020

Bất Ngờ Nghe Ca Vọng Cổ

(Tự truyện của soạn giả lão thành Nguyễn Phương)

Kim Trúc và Soạn Giả Nguyễn Phương 

Nếu các bạn yêu thích Vọng Cổ và cải lương , hẳn các bạn đã nghe tên tuổi của Nhà Soạn Giả Lão Thành " Nguyễn Phương " 1 cây cổ thụ trong bộ môn cổ nhạc của Việt Nam, tác giả của rất nhiều tuồng cải lương trước 1975, chị em KTruc và KOanh đã may mắn được diện kiến và hát 1 câu vọng cổ cho bác nghe, xin mời các bạn đọc bài viết rất hay của bác nè gợi nhớ 1 thời vàng son của bộ môn cổ nhạc. Bài viết dưới đây vừa được đăng trong tờ Thời Báo của tuần này đó.

KT xin kèm thêm tiểu sử tác giả ở đây:

Bất ngờ nghe ca vọng cổ
Như giọt nắng phả vào đông hơi ấm của mùa xuân.

Anh chị Phạm Công Nhựt, bạn đồng môn Hội Ái Hữu Nguyễn Đình Chiểu & Lê Ngọc Hân Mỹ Tho, nguyên giáo sư trường Trung Học tỉnh Rạch Giá, mời tôi và vài bạn đến nhà dùng tiệc « Hội ngộ » đầu xuân. Anh Nhựt giới thiệu tôi với các bạn mới: ông bà Lê Đình Chơn Tâm & Bảo Phương cựu giáo sư Đại học Sherbrooke, Ông Tân cựu sĩ quan chính trị Hải Đoàn Cần Thơ và phu nhơn Mai Lan Cúc, hai cô Phùng Kim Oanh ở Brossard và Phùng Kim Trúc ở Repentingy, ngày xưa là học trò của anh chị giáo sư Nhựt.

Bữa tiệc rất ngon với nem nướng bánh hỏi, bánh tráng rau sống, bún cá Rạch Giá, bánh canh tôm thịt giò heo, chè đậu xanh hột sen đặc sản An Giang … Bửa tiệc thêm đậm đà hương vị qua những chuyện tâm tình gợi nhớ thời thơ ấu ở quê hương, những kỷ niệm học đường, chuyện buồn vui của kiếp tha hương…

Cô Phùng Kim Trúc ca một câu vọng cổ. Cô chị Phùng Kim Oanh cũng ca một câu vọng cổ trích trong tuồng Tiếng trống Mê Linh, lớp Trưng Trắc tế chồng trước khi hạ lệnh tấn công quân xâm lược Tô Định.

Không có đờn hoà theo, giọng ca của Kim Oanh và Kim Trúc chân phương, dịu dàng, êm ái. Giọng ca lắng sâu thẳm vào tâm hồn tôi khiến tôi mơ màng tưởng như mình đang tập tuồng trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga dẫu rằng tôi xa quê hương đã hơn một phần tư thế kỷ.
Anh Nhựt hỏi tôi:" Anh nghe hai cháu ca vọng cổ như thế nào ?"
Tôi nói:" Nếu phân tích kỹ, phải có thời gian và nghe đi nghe lại vài lần, nhưng nếu nói cảm xúc của tôi như thế nào thì tôi có thể nói một câu: Bất ngờ nghe ca vọng cổ, như giọt nắng phả vào đông hơi ấm của mùa xuân! "

Thầy Phạm Công Nhựt, Cô Đường Năm, Kim Oanh,Kim Trúc, Chị Mai Lan Cúc 

Về nhà, đêm đó tôi thao thức, không ngủ được. Giọng ca của Kim Oanh – Kim Trúc chân phương, dịu dàng, êm ái gợi cho tôi nhớ lại những giọng ca của nam nữ danh ca ngày xưa… những hình ảnh, những giọng ca ru hồn của các cô Tư Sạng, Tư Bé, Ba Bến Tre… của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Nga, Bạch Tuyết, Hồng Nga… giọng ca của các bạn Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh …

Năm 1938( lúc tôi được 16 tuổi), tôi đã mê nghe giọng ca của cô Tư Sạng, cô Ba Bến Tre, cô Tư Bé…Hãng thu dĩa nhựa Béka, Pathé thu vào dĩa tuồng Túy Hoa Vương Nữ, Uyên Ương Bạt Gió, Gái Trọn Nghĩa Tình , Quan Âm Thị Kính, Hoa Rơi Cửa Phật, San Hậu… và các dĩa vọng cổ Đêm Khuya Trông Chồng, Khóc Bạn , Song The Chiếc Bóng »…

Giọng ca của cô Tư Sạng, vời vợi xa như kể lể nỗi niềm sầu tư một cách chân chất, ưu phiền mà không bi thương áo nảo. Đêm khuya nhìn bóng vạc, nghe tiếng vạc kêu sương, một mình trong đêm vắng trông đợi người chồng xa, giọng cô Tư Sạng buồn mà không thảm, tha thiết mà không não nùng. Ca sĩ đã bắt được cái mạch của người sáng tác Đêm Khuya Trông Chồng.

Đã hơn 70 năm qua rồi, tôi vẫn nhớ câu ca: " Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về… Mà người thiếu phụ trông chồng còn lắng ngồi bên nhịp cửa song. Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc, mà mạch cảm hoài tự bao giờ đã chảy…"
Hai từ "đã chảy " cuối câu, cô Tư cất lên thê thiết rồi dần dần chìm trong tiếng đờn, như thể tiếng đờn và giọng ca quyện chặt vào nhau thành một khối u buồn của người thiếu phụ ôm ấp nỗi đau, khiến cho người nghe xúc cảm, xót xa bồi hồi.

Cô Tư Sng

Ngay từ nhịp hò đầu, cô Tư buông lơi lơi như giọt sương rơi trên lá: "Đêm khuya mờ mịt bóng vạc về…" Nhịp điệu khoan thai có vẻ mòn mõi ấy cho đến song lang nhứt: " Mà người thiếu phụ trông chồng còn ngồi bên nhịp cửa song…" Dừng một chút ngân nga, cô Tư giản dần mấy nhịp " Đưa tầm mắt nhìn chiếc vạc…" Rồi thẩn thờ buông xuống chữ "…mà…" như tiếng thở dài, để rồi thánh thót cất lên hai từ " đã chảy " làm rúng động tận nơi sâu thẳm lòng người.
Nhớ giọng ca cô Tư Sạng, không chỉ ở giọng ca trữ tình, truyền cảm, chân chất, khoan thai mà chỗ ngân, chỗ nghỉ, chỗ luyến, chỗ lướt, buông rơi…đầy nghệ thuật.

Tôi phân tích một câu ca của cô Tư Sạng để chỉ cho hai cháu Kim Oanh và Kim Trúc thấy rằng trong một câu vọng cổ, từng lời, từng chữ đều ẩn chứa nội tâm của nhân vật hay cái tinh túy của câu chuyện được kể trong bài ca.

Theo dòng thời gian 90 năm phát triển của bài ca vọng cổ, từng thời kỳ, có sự sáng tạo của ca sĩ và sự đóng góp của nhạc sĩ, soạn giả, cách ca vọng cổ có phát triển hay bị thoái hóa do ảnh hưởng của thời cuộc rất nhiều. Vì phạm vi hạn chế của một bài báo nên tôi cô đọng những nét lớn trong cách ca vọng cổ qua các thời kỳ như sau:

1 / - Từ khi được khai sanh đến thập niên 30 – 40, bài ca Vọng cổ với nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, thường là kể về tâm sự của một nhân vật nào đó, lời văn ngắn nên cách ca rất tự nhiên, dung dị như một người từng trải, cay đắng mùi đời, kể lể nỗi buồn riêng. Giọng ca như kể chuyện có nhạc đệm, mang âm hưởng: Man mác, bâng khuâng, chứa chan, phiền muộn, xót xa. (các bài Đêm Khuya Trông Chồng, Khóc Bạn, Biệt Ly Sầu, Song The Chiếc Bóng, Văng Vẳng Tiếng Chuông Chùa,…) Khi được đệm với tiếng đàn sến độc chiếc của nhạc sư Sáu Tửng thì lời ca quyện vô tiếng nhạc nghe như tức tưởi, như nấc như nghẹn, như tiếng mưa rơi chậm chạp trên mái lá canh khuya. Như trong bài ca " Khóc Bạn " Cô Ba Bến Tre đã ca như kể lễ, vừa tức tưởi, vừa ngập ngừng, uất nghẹn lời ca Khóc Bạn bên nấm mộ hoang… " Tôi khóc đã lắm phen rồi…mà hồ lệ bên lòng chẳng đặng vơi, Trái tim nát tan, tâm sự đắng cay càng ngày càng cay đắng. " Bến nước làn mây chia rẽ lứa đôi…

Cô Ba Bến Tre

2 / - Từ thập niên 50 , 60, 70, chiến tranh Việt – Pháp chấm dứt, thời kỳ hòa bình vừa được lập lại, sân khấu cải lương và trong địa hạt ca vọng cổ thu dĩa xuất hiện nhiều danh ca trẻ, nhiều lối ca mới khi vô vọng cổ hay khi ca trong lòng câu vọng cổ. Các nhạc sư, nhạc sĩ và soạn giả nhận thấy bài vọng cổ khác hơn những bài cổ nhạc khác, được người trong giới nghệ sĩ lẫn khán, thính giả ưa thích hơn những bản cổ nhạc khác.

Vì một lẽ rất đơn giản là chỉ có bài Vọng cổ mới hội đủ các làn điệu: Xuân, Ai, Bắc, Oán, rồi nào là giọng Huế, giọng thơ, giọng thơ Vân Tiên, giọng hò Đồng Tháp, giọng thơ Tao đàn. Cho đến lời ca viết theo điệu hài hước hoặc ghép hai dòng tân và cổ nhạc để tạo thành một loại tân cổ giao duyên, cũng được mọi người ưa thích.

Nếu như Vọng cổ cứ mãi như bài Dạ Cổ Hoài Lang " Từ Phu Tướng " thì Út Trà Ôn ca cũng vậy, Hữu Phước, Thành Được – Út Bạch Lan ca cũng vậy, nhạc sĩ Sáu Tửng đờn: Hò là xang xê cống, nhạc sĩ Bảy Bá cũng đờn: Hò là xang xê cống, thì không ai thêm thắt gì được. Không ai trổ ngón nghề, hoa lá gì được, mà bài vọng cổ cũng không được nhận là một bản nhạc vua trên sân khấu cải lương.

Về nhịp thì từ nhịp 2 của Dạ Cổ Hoài Lang, khi tiến tới cái danh xưng Vọng Cổ, Vọng cổ đã từng bước thường đến bước chân vạn dặm, từ nhịp 2, rồi nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16 đến nhịp 32, 64, 128 rồi định hình ở nhịp 32.

Về nhạc thì nào là hò nhứt, hò nhì, hò ba, hò tư, hò năm, dây Bắc Oán, dây Nguyệt Điều, dây Saigon, dây Rạch Giá, dây Ngân Giang, dây bán Ngân Giang…

Về lời ca thì có biết bao bài ca Vọng cổ như muôn ngàn cánh hoa rực rỡ muôn màu: nội dung xã hội, hương xa, tình sử, quê hương, tâm tình…những bài ca với lời văn chải chuốt, mượt mà, theo gió bay khắp muôn phương, đến mọi miền đất nước và đến cho cả đồng bào tha hương ở hải ngoại.

Về nghệ sĩ, danh ca, mỗi người có một giọng ca đặc biệt, một lối hay riêng, một làn hơi không lẫn lộn với người ca khác. Dù ở xa, nghe ca văng vẳng cũng nhận được giọng người đang ca trong dĩa là ai.


Các giọng ca của nghệ sĩ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng… mỗi người một vẻ, mỗi người có nét hay riêng, sở trường riêng. Về các giọng ca nữ, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Thanh Nga, Ánh Hồng, Bạch Tuyết… mỗi người có cách ca, cách luyến láy, ngâm nga đặc biệt thu hút người nghe. Chỉ có một điểm giống nhau là ca sĩ nào cũng ca nghe lời văn rõ ràng, làm nổi bật được nội dung bài ca, làm cho câu văn long lanh như sóng gợn biển chiều ít gió, chỉ có làn mây xám ngắt và biển muôn trùng, vời vợi quạnh hiu. Giọng ca nữ ngày xưa như chất chứa bao nhiêu ai oán, ưu phiền. Từng chữ từng lời da diết, thướt tha, sầu muộn. Mỗi người một vẻ, làm cho vườn hoa nghệ thuật cải lương và vọng cổ thêm ngát hương, thắm sắc suốt gần trọn thế kỷ qua.

Tôi giới thiệu một ít bài vọng cổ, câu văn nói lối trước khi vô vọng cổ để các bạn thấy được sự thâm trầm thiết tha trong lời văn ý nhạc vọng cổ;
Trong bài ca " Ông Lão Chèo Đò" có chen vảo lối nói thơ Vân Tiên:

Con nước mơ màng, mây vẩn vơ,
Thì còn lão với một con đò
Có tiền mua lấy vài chai rượu

Nhắp rượu xong rồi, lão nói thơ:

(Thơ Vân Tiên) Linh đinh trời rộng sông dài

Đò ngang một chuyến lần hồi sớm trưa
Chiều rồi nghỉ một chuyến đưa
Nằm nghe lá rụng như mưa trên đò
Cơm ngày hai bữa cầu no
Dám đâu bàn chuyện cơ đồ viễn vông
Đời nầy có cũng như không
Sớm còn tối mất bận lòng mà chi.

Câu 1: Còn nước còn non thì nơi bến cũ vẫn còn trơ một ông lão….
Vọng cổ: đưa…đò…

Một câu nói lối gát vô vọng cổ (tuồng Thái Hậu Dương Vân Nga) Bà cố mẫu sợ Dương Vân Nga trao quyền cho Thập đạo tướng quân, khi tỳ nữ dâng trà, trước mặt thái hậu Dương Vân Nga, bà đổ nước xuống đất và ca:
"Nước đã đổ rồi, có hốt lại được đâu? Hẳn là con dâu của Mẹ cũng nghe qua lời xưa tích cũ. Kìa, nước thấm thềm hoa, nước đi vào lòng đất để tìm lại gốc cũ người xưa. Con ôi! cội nguồn họ Đinh, xuất phát từ nơi mẹ vừa đổ nước. Trên mảnh đất ướt mà mẹ con ta đang đối mặt nhìn nhau. Nơi đây bây giờ cửa cuốn rèm che, chớ trước kia là hang sâu động thẳm, nơi mà người mẹ góa đầu đội mưa nguồn, chân leo dốc vắng, tháng ngày lặng lẽ, thắt lưng buộc bụng lầm lũi nuôi con cho đến khi con khôn lớn nên….
(Vọng cổ câu 1) … người… Chung quanh ta xưa kia hoa lao san sát non ngàn… Nhớ thuở thằng bé bẻ lau làm cờ tập trận. Trâu thả lưng đèo, vắt vẻo tiếng sáo khuya, chỗ nầy xưa kia chỉ là mái tranh nghèo, gió lùa vách núi từng cơn, mẹ góa con côi, sống kiếp mục đồng, học điều nhân nghĩa….

Danh ca Hữu Phước đã ca hai câu vọng cổ, tâm sự của một nhà sư trẻ bị lời quyến rũ của một cô gái đẹp và sang giàu, nhà sư trẻ gởi lòng mình qua hai câu vọng cổ trần tình với cô gái trong tuồng Giữa Chốn Bụi Hồng:

"Tiểu thư ôi! Tôi tự biết mình trí não ngu si nên khó trở thành thoát nhiên đại ngộ. Nhưng mười bốn, tai đã quen hồi chuông tiếng mõ, mũi đã quen mùi hương bông vạn thọ, bông trang, mắt đã quen nhìn loài thỏ múa bâng quơ khi thấy ánh trăng vàng, và bầy hạc rỉa lông dưới cội tùng bình thản. Ngũ Vân Tự sống âm thầm như quên ngày quên tháng, chỉ có bầy dơi quạ đong đưa trên cành vắng, lâu lâu giựt mình buông cánh khi chùa ở non sâu lanh lãnh…

Câu vọng cổ 1 / … tiếng chuông hồi…Với muối dưa rau cỏ, người xuất gia cũng đã quen rồi… Nay Tiểu thơ nỡ nào buộc tôi phải về với thị thiền lắm ngựa nhiều xe thì chẳng khác gì người thả con thuyền không người lái trôi giữa sông mê, chuyện lợi danh như sóng bủa tư bề, còn lòng dục vọng dễ đắm người như con nước xoáy.

Trong thập niên 50, 60, 70, khi thưởng thức những vở tuồng cải lương hoặc nghe ca vọng cổ, khán giả và ký giả kịch trường có quyền phê bình và góp ý với nghệ sĩ hay bầu gánh. Nếu khán thính giả và ký giả kịch trường chê tuồng dỡ, ca sĩ ca vọng cổ không hay, văn chương và nội dung không đáp ứng cảm xúc của khán, thính giả thì đoàn hát sẽ mất khách, nghệ sĩ không được ái mộ; gánh hát có thể rã, nghệ sĩ không được tái kỳ hợp đồng hát cho gánh hát đó. Vì vậy tác giả sáng tác các vở tuồng, các bài ca vọng cổ đều nghiên cứu kỹ, thận trọng, chăm sóc cách hành văn, hoàn thiện cốt truyện và nội dung vở tuồng hay bài ca. Nghệ sĩ không ngừng luyện giọng ca, nghiên cứu cách ca diễn sao cho hay nhất, làm cho khán giả say mê thưởng thức những tuyệt phẩm nghệ thuật sân khấu.

3 / - Thời kỳ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Miền Bắc chiếm được miền Nam, họ áp đặt một chế độ toàn trị ở miền Nam. Tất cả ruộng vườn, nhà máy, hãng xưởng, mọi phuơng tiện cơ giới giao thông vận tải, chợ búa, các tiệm quán lớn hay nhỏ, trường học, rạp hát, gánh hát, báo chí, đài phát thanh, hãng thu dĩa... đều bị đảng và nhà nước CS tịch thu. Bác Sĩ, kỹ sư, công nhân, giáo chức, công chức, nghệ sĩ đều phải chịu dưới quyền sai xử của đảng. Vì vậy không có tự do báo chí, không có ai có quyền viết báo góp ý hay phê bình điều chi khác với các quyết định của đảng.

Về sân khấu, đoàn cải lương Trung Hiếu do Sở Công An thành phố dựng lên, đoàn này hát tuồng với hai diễn viên chuyện ca vọng cổ dài hơi là Phượng Hằng và Châu Thanh. Xin trích một câu vọng cổ dài hơi tuồng Vụ Án Mã Ngưu để khán thính giả và độc giả trang báo thưởng thức trình độ văn hóa của các nhà cầm quyền CS:

Phượng Hằng trong vai Thục Oanh trong tuồng Vụ Án Mã Ngưu ca dài hơi vô một câu vọng cổ:

... Ông ơi! Thế lực trong tay chung quanh biết bao kẻ chực chờ để cho ông ban cho dịp may hầu hạ chớ có đáng chi một nhan sắc tầm thường mà ông ra tay chiếm đoạt để thiên hạ dèm pha coi thường người hảo hớn để tan nát tình yêu hai mái đầu xanh không phút rời xa đã nguyền thề bao nhiêu không bao giờ thay đổi dù cho non mòn biển cả không phai tình đầu ai nở ngăn đôi làm tội lắm ông ơi tội lắm ông ơi chỉ xin đừng chia rẽ mối duyên...

Vọng cổ câu 1 / - ... đầu... Trăm lạy ông ngàn lạy ông xin đừng gây chi cảnh cơ cầu...công ơn ấy như trời như biển như trọn đời tôi ghi tạc trong tim. Xin ông đừng chia rẽ mối lương duyên để cho chúng tôi được tròn hạnh phúc, nếu xảy ra điều bất hạnh sau phúc dày vò giết chết đời con gái..

Câu vọng cổ ca dài hơi 99 chữ mới đến chữ Hò vô vọng cổ. ca sĩ P. H ca như tụng kinh, đi luôn một hơi, không chấm không phết, không cần biết ý nghĩa của câu hát, văn chương của câu vọng cổ nầy và nhiều câu vọng cổ dài hơi trong tuồng Vụ Án Mã Ngưu đã kéo thụt lùi nghệ thuật sáng tác tuồng cải lương đến mức khán giả nghĩ là văn chương cải lương là một thứ rơm rác, hạ cấp. Một thứ văn mà cô đào chánh hát lên không có dấu chấm, dấu phết, ý nọ xen ý kia, nhai đi nhai lại một ý, chỉ nhờ vào cái lạ ca dài hơi của P . H và C . T mà đoàn cải lương của Sở Công An thành Hồ hốt bạc.

Năm 1987, đoàn cải lương Bông Hồng Vàng ở Hậu Giang, hát tuồng Ai Làm Vua, của một cán bộ Sở VHTT tỉnh. có một câu vọng cổ dài hơi khác đáng ghi vào kỷ lục thế giới về tài bôi lọ văn chương cải lương: tuồng kiếm hiệp, cô đào chánh sau 18 năm gặp lại người tình cũ ca dài hơi:

Chàng ơi! chàng ơi! chàng ơi! Dù mười tám năm qua như sông dài biển rộng, em vẫn giữ tình chàng như dù với lọng, như mộng với mơ, như tơ với tóc, như ốc với cua, như ăn với thua, cuộc đời dù có te tua em cũng đành cam chịu, biết liệu làm sao như máy bay bay cao cao vút giữa ....

Vô vọng cổ 1 / - ... lưng trời...
Khán giả la lớn: " Chời"ơi! Vọng cổ hay quá " chời"!

Rồi họ ùn ùn ra khỏi rạp vì sợ nhiễm câu ca như ốc với cua như ăn với thua, họ ngồi trong rạp hát xem hết tuồng chắc là phải te với tua!...

Sau năm 1975, báo chí là của đảng, ký giả là cán bộ và đảng viên, họ không có tự do ngôn luận, chỉ 
được phép viết khen vì đó là định hướng chính trị của đảng, không được phê bình chê, vì vậy mới có lối viết và ca vọng cổ dài hơi như vừa kể.

Nhân nghe hai cháu Kim Oanh, Kim Trúc ca vọng cổ, tôi có cảm giác âm điệu vọng cổ như có linh hồn, mỗi lần nghe ca, tôi nhớ cha mẹ, bà con thân tộc, nhớ bạn bè nghệ sĩ đồng nghiệp, nhớ cả cái tỉnh Mỹ Tho xa xôi nghìn trùng… tôi nhớ lại một thời vàng son của sân khấu cải lương trước năm 1975 và nhớ mãi cái thời kỳ giãy chết của sân khấu miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, dưới gọng kềm của các đấng đỉnh cao trí tuệ của loài người!

Soạn Giả Nguyễn Phương 
03 / 2016
(Kim Trúc chuyển bài)

Thứ Tư, 16 tháng 9, 2020

Trái Tim Người Mẹ - Tác Giả Ngọc Phúc - Kim Trúc Trình Bày


Tác Giả: Ngọc Phúc
Trình Bày:Kim Trúc 

Cảm Giao Mùa



Nửa đêm thức giấc nghe mưa rơi,
Bỗng thấy lạnh đâu rớt xuống đời,
Bỗng thương cây cỏ ngoài vườn ướt,
Ướt cả hồn tôi mộng nửa vời.

Nửa mơ nửa tỉnh tôi mộng du,
Sáng ra trời nắng còn ngẩn ngơ,
Trời đất hờn ai mà thay đổi,
Mưa nắng hờn ai mà nắng mưa.

Thời tiết hôm nay khác hôm qua.
Làm tôi bị cảm lúc giao mùa,
Hạ còn lưu luyến vàng phai nắng,
Thu ở nơi đâu đã gần kề.

Chợt thương mùa hạ đến rưng rưng,
Không thể đợi nhau, không thể ngừng,
Tôi vẫn phải đi về phía trước,
Chào mùa hạ nhé ở sau lưng.

Thấp thoáng mùa Thu ở ngoài kia,
Trời mây áo mỏng gió vu vơ,
Chỉ là một mùa đi mùa đến,
Cuộc đời có lúc bỗng thành thơ.

Mùa hạ mùa thu nhớ thương nhau,
Có lúc nắng vui lúc mưa sầu,
Mùa ơi tôi đã cảm rồi đấy,
Tôi cảm ngay từ trong chiêm bao.

Khoảnh khắc giao mùa kỳ diệu ơi,
Tôi cảm trong mơ cảm ngoài đời,
Tìm đâu xao xuyến mùa năm cũ,
Mùa tiễn mùa đi mấy nẻo trời.

Nguyễn Thị Thanh Dương.
( Sept 12-2020)


Có Một Mùa Thu



Trên đồi vắng rừng thông xanh biếc
Gió mùa sang lạnh tiết thu rơi
Hư không khó biết tình đời
Mênh mông hư ảo một trời bao la

Miếng lợi danh còn pha chất xám
Cạm bẫy người chốn tạm nào hay
Cuồng phong một trận lung lay
Chia ly tan tác ngục đầy vết xăm

Tiếng ai khóc trần gian mộ kiếp
Đêm trăng khuya bóng nguyệt dần xoay
Việc đời nào biết rủi may
Sương thu lay lắt thân gầy nhẹ đưa

Thung lũng sâu rừng thưa trắc trở
Tiếng võng đưa con ngủ còn ru
Hắt hiu một kiếp phù du
Nghe chừng đồng vọng lá thu nhuộm vàng.

Kim Dung
Sept. 1. 2020

Cuối Đông - Đầu Thu - Thu Xa Người


(Ảnh - Kim Oanh)

Bài Xướng:
Cuối Đông


Vườn khuya lạc ánh trăng soi
Khẽ khàng nhặt bóng nguyệt rơi bên thềm
Nơi xa trăng cũng đã lên?
Bên trời thầm khẽ gọi tên một người?
Mưa đêm tình nhớ giọt rơi
Cuối đông bóng đợi bóng ơi... giao mùa
Nhanh thôi kẻo gió xuân lùa...
Bóng chạm lấy bóng đủ vừa luyến lưu

Kim Oanh
Melbourne cuối Đông 31/8/2020
***
Bài Họa:

Đầu Thu


Đêm khuya một bóng Nguyệt soi
Có người buồn ngắm trăng rơi dưới thềm
Phương kia...nguyệt chắc cũng lên ?
Như bên đây nhé....ghép tên hai người
Sương đêm mờ mịt sầu rơi
Chớm thu lá đợi vàng phơi đúng mùa
Nhẹ nhàng thôi - kẻo hạ lùa
Một cơn gió thoảng cũng vừa tâm lưu

Songquang
(Chớm thu 2020)
***
Thu Xa Người

Trăng lên đỉnh núi còn soi
Bên hiên tôi hứng sương rơi trước thềm 
Chiều thu mây trắng bay lên
Đếm trăng sao nhỏ gọi tên nhớ người
Sầu lên ướt mắt mưa rơi
Giọt trong thấm áo chơi vơi cuối mùa
Buông tay thả hết gió lùa
Tình trôi theo nước cho vừa hợp lưu.

Kim Dung 
(Sept. 5, 2020)

Thù Trương Thiếu Phủ 酬張少府 - Vương Duy (699 - 759)



Hồi Đáp Trương Thiếu Phủ 

Cuối đời chỉ mong thân tâm được yên thôi 
Mọi chuyện không còn muốn vướng bận gì đến nữa
Tự biết không có phương sách gì giúp ích được cho thiên hạ
Nên tốt hơn cả là hãy quay về chốn cũ rừng xưa 
Ngày ngày vui cùng gió thông đùa tung giải áo 
Đêm đêm dưới vầng trăng sáng lửng lơ đầu núi thả hồn nghe tiếng đàn tôi 
Riêng về lẽ Cùng Thông vấn hỏi
Tiếng ca ngư phủ vẫn âm vang khắp xóm chài vọng về từ ngoài biển khơi

(Lạm Bàn: Vâng, dòng sống, vô thủy vô chung từ bao đời, liên tục mưa nắng, đêm ngày, hết cùng phải đến thông thôi. Let's go with the flow. Cheer up, please! PKT 07/23/2020) 
***
Lẽ Cùng Thông Hồi Đáp 

Tuổi già sống với đạo, 
Gác bỏ chuyện ngoài đời. 
Thế sự lo không được, 
Rừng xưa nương bóng vui. 
Gió thông đùa giải áo, 
Trăng núi tiếng đàn tôi. 
Người hỏi cùng thông lý, 
Ca chài vang biển khơi. 

A Reply to Deputy Magistrate Zhang
Peter Harris - Three Hundred Tang Poems

In the evening of life, I care only for peace and quiet
I can't bother with all the affairs of the world
As I look at myself, I have no grand strategies
I'm simply concerned to go back to my old forest home
Where the wind in the pines loosens the belt of my gown
And the mountain moon shines down on the zither I play
You ask what the principle is for achieving the way
A fisherman's song going into the deep river bank 

Phạm Khắc Trí
Mây Tần
***
1. Bản chữ Hán:

酬張少府 Thù Trương Thiếu Phủ 

晚年唯好靜, Vãn niên duy hiếu tĩnh,
萬事不關心。 Vạn sự bất quan tâm.
自顧無長策, Tự cố vô trường sách,
空知返舊林。 Không tri phản cựu lâm.
松風吹解帶, Tùng phong xuy giải đới,
山月照彈琴。 Sơn nguyệt chiếu đàn cầm.
君問窮通理, Quân vấn cùng thông lý,
漁歌入浦深。 Ngư ca nhập phố thâm.
王維                 Vương Duy

2.Xuất Xứ của bài thơ:

Năm Khai Nguyên thứ 29 đời Đường Huyền Tông (741), Vương Duy làm bài thơ nầy để trả lời cho Trương Thiếu Phủ. Từ chữ "THÙ 酬" : là Chén rượu của chủ mời khách. Ở đây có nghĩa là Hồi Đáp (Thù Đáp 酬答). Ta biết được trước đó Trương Thiếu Phủ tức Thừa Tướng Trương Cửu Linh 張九齡, cũng là một nhà thơ đời Đường, đã có gởi cho Vương Duy một bài thơ rồi. Khi Trương còn làm Thừa Tướng, Vương Duy là một thành viên đắc lực ủng hộ cho chủ trương chính sách của Trương; sau Trương Cửu Linh bị lý Lâm Phủ dèm pha bài xích, bị cách chức Thừa Tướng về quy ẩn, kết thúc khoảng thời gian chính trị tốt đẹp của đời Đường Huyền Tông. Vương Duy cùng các quan viên khác cũng từ quan quy ẩn theo. Đây là bài thơ trao đỗi giữa Vương Duy và Trương Cửu Linh bày tỏ sự chán nản và thất vọng trước triều chính và thời cuộc lúc bấy giờ.

3. Chú Thích:

- Hiếu 好: là Thích; cũng chữ nầy nếu đọc là HẢO thì có nghĩa là Tốt.Nên HIẾU TĨNH 好靜 là Thích Yên Tịnh.
- Tự Cố 自顧: là Tự nhìn lại mình; Tự đánh giá mình.
- Phản 返 : có bộ Xước 辶(辵) là Đi lòng vòng; nên PHẢN 返 có nghĩa là Đi ngược trở về.
- Giải Đới 解帶: là Dây buộc áo được mở ra (ngày xưa không có gài nút áo).
- Cùng Thông 窮通: CÙNG là Hết đường (để làm quan); THÔNG là đường được mở ra (để làm quan). nên CÙNG THÔNG LÝ 窮通理 là Cái lẽ cùng thông, gặp thời và hết thời ở đời.
- Ngư Ca 漁歌 : là Tiếng ca hát của người câu cá, đánh bắt cá ở ven sông. Ở đây mượn để chỉ người ở ẩn. 

4. Nghĩa bài thơ:
Đáp Lời của Trương Thiếu Phủ

Những năm càng về già càng thấy thích với cảnh yên tịnh hơn, nên muôn việc đều không muốn quan tâm đến nữa. Tự nhìn lại mình thì thấy mình cũng chẳng có kế sách hay ho gì khác, thì thôi, chỉ còn biết trở về với mái rừng xưa, để cởi bỏ áo ra mà hứng cái mát mẻ của gió thông, và gãy một khúc đàn vào những đêm trăng núi chênh chếch chiếu. Nếu bạn muốn hỏi ta về lẽ cùng thông ở đời ư, thì bạn ơi, hãy nghe tiếng hát của những người câu cá ở bến sông sâu kia kìa !
Đọc bài thơ nầy lại làm cho ta nhớ đến bài hát nói "Thoát Vòng Danh Lợi" của cụ Nguyễn Công Trứ với:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao...

5. Diễn Nôm:

Đáp Thù Trương Thiếu Phủ 

Năm tàn thích yên tịnh,
Muôn việc chẳng quan tâm.
Tự biết không ưu sách,
Thì thôi về cựu lâm.
Gió thông reo mát áo,
Trăng núi chiếu đàn cầm.
Bạn hỏi cùng thông lý,
Tiếng hát chài bên sông.

Lục bát:

Càng già càng muốn yên thân,
Thì thôi muôn việc quan tâm làm gì.
Tự mình chẳng kế sách chi,
Trở về rừng cũ thiết gì lợi danh.
Gió thông phe phẩy áo xanh,
Núi trăng bát ngát đàn tranh đêm trường.
Cùng thông bạn hỏi lẽ thường,
Ngư ca trên bến chẳng vương bụi trần !

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
***
Đáp Trương Thiếu Phủ

1/
Lớn tuổi thích bình an
Việc đời hết muốn bàn
Mình giờ không kế mới
Rừng cũ dưỡng thân tàn
Gió tùng thổi vạt áo
Trăng núi sáng cung đàn
Thông lẽ cùng muốn biết
Lắng lời chài hát vang

2/
Thích yên tịnh lúc về già
Nên giờ đã hết thiết tha việc đời
Còn đâu kế lược một thời
Trí mòn tìm phút thảnh thơi núi rừng
Gió thông đùa cợt thắt lưng
Ngân vang đàn trổi đón mừng trăng trong
Lẽ cùng bạn hỏi sao thông
Hãy nghe chài hát vang lồng bãi xa.

Quên Đi
***

Đáp Trương Thiếu Phủ


1)
Cuối đời mong ổn định
Không muốn cạnh tranh gì
Tự mình vô kế sách
Quay về chốn xưa đi
Vui với rừng thông cũ
Giải áo gió đùa chi
Ánh trăng đêm chiếu diệu
Núi thả hồn vu vi...
2)
Tuổi già vui cửa Đạo
Đời phức tạp chơi vơi
Gió thông bay giải áo
Non trăng với đàn tôi
Cùng tắc thông chi lý
Biển động gió trùng khơi
Tiếng ca tung lưới cá
Gió rít vang tơi bời !

Mai Xuân Thanh
Ngày 19/09/2020