Tháng 9 Vancouver - Chị Ngọ
Tháng tám qua nhìn đôi mắt cũ
Chị nằm buồn đỏ đất Pleiku
Núi xuôi tay đứng chờ giông bão
Rừng sắp thu-mùa lá sắp khô
Cuối tháng 7, Vỏ từ Vancouver gọi qua cho hay chị Ngọ lại vào bịnh viện, lần này thấy chỉ gầy lắm. Giữa tháng 8 qua thăm chị Ngọ, chiều nhá nhem, đường phố đã lên đèn.Chị nằm ở tầng chót bịnh viện.Anh Dũng ngồi trên cái ghế nệm da cũng là cái giường ngủ dã chiến anh quen thuộc nhiều tháng nay.Ngồi nói chuyện một hồi chị không nói tới cái bịnh làm tôi cũng không dám lên tiếng,chị hỏi thăm gia đình bên Úc,rồi lại nhắc hoài thời ở Bố Thảo-Sóc Trăng.Nhớ những lần qua thăm anh chị ở Vancouver,buổi trưa chị hay ngồi ở bàn ăn ,chị vừa viết hoá đơn cho những thân chủ đăng quảng cáo trên tờ báo anh chị đang trông coi vừa nhắc chuyện cũ.Chị nhắc những người quen,những tháng ngày mới bỏ Pleiku về Bố Thảo.
Bây giờ nằm đây lâu lâu chị lại hỏi vài câu giống như những năm trước.Tôi muốn nói chị hãy nói chuyện hiện tại của chị đi,mà không dám.Trong nhà tôi nhiều anh em nhưng chị Ngọ lại là người hiểu nhiều chuyện tình cảm của tôi.Nhiều lần trước đây chị hay than ,số chú lận đận.Lâu lắm rồi chị cũng thường nhắc và tiếc hùi hụi cô gái mà chị ưng ý, “chờ chú về để giới thiệu mà chờ hoài tới người ta đi lấy chồng”.
Tôi bổng dưng lại nhớ về ngày đám cưới của chị Ngọ và anh Dũng. Đó là một ngày của năm 73 hay 74 khi anh Dũng được biệt phái trở về làm cho ty nông nghiệp.Tôi đang lo giúp má tôi bày biện nhang đèn ở bàn thờ ông bà thì có người chạy vào cho hay,cô dâu chú rể đã tới và đang ở ngoài lộ xe.Tôi lật đật đi ra đón.Cô dâu –chú rể ngồi xe lôi,một phương tiện giao thông hồi đó từ Bốthảo ra tỉnh Baxuyên.Loại xe ba bốn chổ ngồi ở cái thùng phía sau và được kéo bằng xe Honda .Trước sân nhà che rạp bằng tàu dừa lá cây đủng đỉnh uốn cong trước cửa rào.Bạn bè của anh Dũng,có cả Cương -một người bạn quê Châu đốc và rất đông bà con hàng xóm tới dự rất vui.Má tôi có dịp mặc lại cái áo dài màu xanh xậm trên có điểm hình những lá liễu mà thường cái áo nầy được cất trong cái tủ thờ ít khi đụng tới.Cái áo dài đó đã theo má tôi về cát bụi từ năm 1989.Mấy chục năm rồi.Nghiệm lại mới thấy mỗi ngày sống là mỗi bước chúng ta đi gần tới cái chết.
Từ của sổ phòng bịnh,nhìn xuống thấy một góc lớn thành phố Vancouver,phía kia là biển,thuyền bè neo bến xa xa thật an bình.Những ngôi nhà thấp thoáng trên triền đồi bao quanh bởi một màu cây xanh biếc.Chiều nhá nhem rồi thành phố lên đèn.Vancouver dưới ánh đèn đẹp hơn tôi từng thấy mỗi lần đi xuống phố.
Nhìn lại chị Ngọ tôi thấy hơi thở chị có phần nặng nhọc. Giọng chị yếu đi dù vẫn còn rõ từng tiếng một. Chị cứ nói chuyện lan man,tôi thì cứ lo nghĩ về những ngày sắp tới của chị.Bây giờ tôi mới biết , điều mà ai cũng lo sợ khi nó tới ,thì chị đã nắm chắc trong tay rồi, nên chị rất là thanh thản, rất bình tỉnh để chờ đợi.Sâu chuổi và thánh giá nằm trên ngực chị nhấp nhô theo từng hơi thở nặng nhọc.Nhưng tôi thấy chị dường như chấp nhận mọi điều gì đã được an bày. Giọng nói chị không có gì là lo sợ nhưng có hơi buồn. Chị bình tỉnh hơn anh Dũng nhiều.Có lần chị nói, “chị mong tới ngày đó cho sớm”, nói rồi chị lại lo cho hai đứa con gái của chị , lo anh Dũng một mình sau này. Chị nhắc: “Có gì chú qua lại chơi với anh Dũng thường hơn!”.
Tháng 9 chị ra đi. Anh Dũng lục lại hình chị, rọi lớn treo đầy nhà.
Buổi chiều nhìn cây cherry lão sau nhà anh Dũng cỏ vàng dưới gốc, vàng như mớ cỏ mới trên mộ chị Ngọ.Nhớ mùa cherry những năm trước tôi ghé qua thăm anh chị, đúng mùa cherry trái chín đỏ xẩm đầy cây.Có lần chạng vạng một chú raccoon đã leo lên ngồi.(Raccoon là một giống chồn ở bắc Mỹ,to lớn hơn con mèo,chúng sống trong khu rừng thưa,bụi rậm có khi vào trong các khu nhà ở,chiều tối thường ra tìm thức ăn quanh nhà)Tôi cố giậm chân đuổi mà anh chàng vẫn tỉnh bơ nhìn lại bất động,chị Ngọ dặn,chú đừng tới gần,coi chừng nó hôi lắm! Nhớ có năm trúng mùa cherry anh Dũng và chị hái để dành trong tủ đá chờ tôi qua.
Bây giờ chị đã nằm yên trong nghĩa trang, cỏ vàng chưa xanh kịp. Tấm ảnh chị chụp ở trại tỵ nạn Pulau Bidong năm 82,chị còn trẻ quá so với nỗi chịu đựng bao nhiêu năm dài khi anh Dũng ở tù trong trại cải tạo rồi vượt biên và được định cư một mình ở Canada.Tôi tới Bidong trước chị một tháng,chị may mắn đến sau cùng chuyến với cậu em trai tôi.Chị hay kể về những mùa đông Winnipeg tuyết phủ ngập tới ống chân,lạnh và buồn muốn chết.Tôi có lần theo chuyến xe lửa bốn ngày bốn đêm từ Vancouver tới Toronto,vừa đi chơi vừa ghé thăm anh bạn Nguyên Nghĩa ở Mississauga.Xe ghé lại ga Winnipeg vào một chiều mưa lưa thưa,gió hơi se lạnh, đúng là chiều Winnipeg quá buồn.Buồn hơn bài hát Chiều Winnipeg của nhạc sĩ Trần chí Phúc.Tôi cùng gia đình một anh bạn người Tàu Đài Loan đồng hành đi tìm quán ăn.Mùa đông quán đầy người,tôi chắc đa số họ là người điạ phương vì cách họ ăn uống nói năng rất tự nhiên nhàn nhả.Họ vừa ăn vừa thưởng thức rượu nho.Chúng tôi cùng ăn món cá salmon và khoai chiên. Trên đường trở về ga để tiếp tục cuộc hành trình,tôi cố tìm một góc để chụp vài tấm hình với Winnipeg.Nhưng Winnipeg giống một cô gái đang cúi đầu đi trong mưa,không muốn cho ai nhìn thấy mặt.Cô gái dường như đang ôm ấp một nỗi u ẩn nào đó mà không có ai để giải bày.Cuối cùng thì vẫn là cái nhà ga xe lửa,kiến trúc một mô hình với nhà ga Vancouver, và nhà ga Sydney ở bên Úc.Winnipeg,xe đi qua tôi còn cố quay lại chụp ít tấm hình trong những giọt mưa chập tối,hình nhoè đi không thấy gì,nhưng tôi biết đó là Winnipeg ,một quãng đời tỵ nạn của chị Ngọ và anh tôi ở đó.Winnipeg có mưa ướt trên đường về.Winnipeg có nỗi lo sợ của má tôi mỗi khi nhận được thơ anh Dũng ,than mùa đông lạnh lắm. Đến nỗi khi tới đảo Bidong,cao ủy tỵ nạn Úc hỏi tôi: “ Ông có thân nhân ở Canada sao không làm đơn đi theo?”.Tôi lúc đó chỉ còn biết ca ngợi nước Úc nhiều hoa thơm cỏ lạ,nhiều thú hoang dã đặc biệt mà không nơi nào trên thế giới có được…..Và tôi được nhận đi Úc.
Tháng mười cây dẫn mùa thu tới
Đất khách lạnh người mộng lãng du
Gát tay khua chạm hồn quê quán
Chị nằm như đất đỏ Pleiku
Tháng 10 anh Dũng buồn chưa hết. Tôi lại chia tay anh ở phi trường Vancouver.Nhớ cách đây mấy năm có cô bạn cũ từ Cali. qua thăm tôi ở Vancouver ,anh Dũng chị Ngọ và tôi cùng ra đón và cũng hẹn ở điểm gặp nhau là chổ tượng hai hình người thổ dân Canada bằng gỗ .Loại tượng totem điêu khắc trên một thân cây lớn của người thổ dân Canada dựng trong phi trường.Cả ba người cùng sốt ruột chờ vì theo lời cô ấy dặn thì đã trể hơn một tiếng mà vẫn chưa thấy.Rồi người đó tới,do máy bay bị trể, người nhận ra vị khách đầu tiên lại là chị Ngọ,dù chị chỉ gặp thoáng qua có vài lần gần 30 năm trước.Vậy mà…Lần này tôi rời Vancouver chỉ có anh Dũng và tôi ở phi trường.Đi tìm một hồi mới gặp quầy của Alaska Airline,họ ngồi khiêm nhường trong một góc nhỏ.Lấy boarding pass, định cân hành lý xong thì café với anh Dũng trước khi chia tay,nhưng họ nói cân xong thì mình phải mang vô phía trong để có người đưa đi.Tôi phải đứng đó chờ.Anh Dũng chạy đi mua café,và vậy là phải uống café đứng với anh cho tới giờ đi vào cổng phi trường.Tôi quay lại vẫy tay.Anh Dũng đứng nhìn tôi.Thấy anh buồn như một ngọn núi nào ở đâu đó Pleiku,quê hương chị Ngọ.
( tháng9-2013 )
Tháng Mười Santa Ana
Anh Chương chị Hà ra đón ở phi trường Los.Chị Hà thì lúc nào cũng “dồi dào sức khỏe”.Lần này tôi được làm chủ bộ xalông.Mấy đứa con anh Chương gặp tôi, khoanh tay “chào chú”.Sáng hôm sau đúng 9 AM Nhứt Mương Điều đã tới.Nhứt chỉ học chung với tôi tới đệ nhị Hoàng Diệu rồi chia tay,cho tới một buổi chiều khoảng năm 70-71 gặp lại nhau ở đại lộ Hoà Bình CầnThơ,thời đó Nhứt đã vào quân đội, đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và tôi ở năm cuối đại học Khoa học Cần Thơ.Gặp nhau một lần rồi lại mất tiêu nữa cho tới ngày nhận được tin anh chàng đang ở Bidong ,chờ thanh lọc vì tới đảo sau ngày “cut off” của Cao Ủy tỵ nạn.Trong tất cả bạn bè vượt biên tỵ nạn Nhứt là người có lẽ ở đảo lâu nhứt tới ba bốn năm. Sau đó bị trả về VN rồi phái đoàn Mỹ mới phỏng vấn tại VN và nhận cả gia đình qua định cư ở Mỹ.Nhớ căn nhà Nhứt ở cầu Mương Điều, hồi đệ ngũ đệ tứ Hoàng Diệu có lần bảy tám anh em có cả Trần ngọc Xuân đang ở Sydney rủ nhau đạp xe vô Đại Ngải, ghé Mương Điều.Ba má Nhứt và mấy cô em gái làm một bửa cơm canh chua đãi bọn tôi quá ngon.Cả bọn ăn muốn sạch nồi cơm của chủ nhà.
Chị Hà gọi cho chị Ánh Ryan, có người đặt cho chị nick name “bà già trầu”.Chị cười dòn trong phone, báo là hôm sau tới và anh Chương phải đón ở trạm xe lửa.Chị hỏi cần cá cần tép crawfish gì cho hay chị đem lên.
Hình ảnh chị Ánh áo dài trắng, tóc dài có cái băng trên tóc còn đó.Mấy chục năm rồi.Từ ngày chị biệt tăm rời trường, năm đệ tam A2. Thật tình là tôi không biết chị làm gì ở đâu! Rồi “cho tới một ngày kia” khi chị xuất hiện trên email và đưa lên một số hình ảnh cũ, tôi mới biết chị đang ỡ Mỹ.Cũng nhờ chị Ánh mà ông bạn Trần ngọc Xuân mới thấy lại tấm hình cô nữ sinh cùng trường, cô Huỳnh Cẩm Thu “ ngày xưa tôi có quen một người em gái nhỏ,tuổi đang 16 mái tóc chấm ngang vai, tình như nụ hoa nở trong lòng đời ngọt ngào…”.Hình cô nữ sinh Hoàng Diệu thời đó quá đẹp ,quá dể thương và quá thơ mộng .
Hôm sau Ánh Ryan tới,cả đám ,tôi anh chị Chương, Ánh Ryan và Nhứt Mương Điều cùng đi chợ Việt Nam mua đủ thứ rau cải cá tép có cả chai nước mắm mực Thái lan cho chị Ánh mang về nhà.Buổi chiều hôm đó ai cũng vô bếp,dọn dẹp bày biện để có một mâm đầy ở vườn sau nhà anh Chương.Vừa ăn vừa nhắc chuyện cũ.Thực khách: vợ chồng anh Chương chị Hà ,tôi,chị Vân,bà xã anh Đường-anh Đường đoàn trưởng XDNT, người ở trọ cùng nhà khi tôi dạy học ở Kế Sách-anh Đường kể lại chuyện hai người nên duyên cầm sắc là nhờ kỳ thi tú tài ở Cần Thơ. Để anh trai Bạc Liêu gặp người nữ sinh Baxuyên,rồi bỏ quên luôn cái xứ “ dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu”….Vài người khách không phải Hoàng Diệu : cô Mỹ BS bạn chị Vân,và đứa cháu gái tôi,Annie từ Turlock tới.Hơn 40 năm gặp nhau không nhận ra ,hôm đó chờ hoài ở trạm xe đò Hoàng ở siêu thị,sốt ruột tôi nhờ Nhứt goị cell phone thì đứng ở đàng kia Annie mới trả lời.Một cô bé lai,cha Hungary mẹ Việt,một thời nữ sinh son trẻ,có nét đẹp Âu châu,tới giờ là người mẹ trên 60 cho nên không dể gì mà nhớ ra được.Hôm nay may mắn có anh Lê Xừng tới dự kể chuyện lính tráng hành quân cùng những chuyện tình đi ngang qua đời lính. “ một chiều hành quân qua thôn xưa ,lúc nắng xuân chưa nhạt màu….”. Anh Xừng đã hiến tuổi xuân mình cho đất nước khi một viên đạn ghim vào cột sống đã làm hoang phế cuộc đời anh cho tới nay.Một mình một chiếu , đơn thân độc mã,nhưng nghĩ lại anh vẫn còn may mắn vì hít thở được không khí tự do. Đặc biệt tôi gặp lại thầy Cao văn Bảy giáo sư anh văn. “Mình về trồng bảy cây cao,nhớ Cao văn Bảy bỏ vào thùng thăm” . Đó là hai câu lục bát ghi trên bích chương vận động tranh cử -đại biểu Quốc Hội của thầy lúc thầy đang dạy Anh văn cho chúng tôi ở Hoàng Diệu.Sau đó thầy đổi đi…Mấy chục năm mới gặp lại thầy nơi đất khách. Đặc biệt và không thể thiếu, tôi gặp lại Thương tử Tâm-Đặng phước Đức người bạn từng một thời Hồn Trẻ 20 từ những năm đệ tứ đệ tam Hoàng Diệu.Gặp lại Thương tử Tâm là gặp lại những ngày xe đạp Hoàng Diệu làm thơ gởi báo Sài Gòn và đọc báo cọp ở nhà sách Thanh Quang.Là tập tểnh in thơ thiếu chịu mà chủ nhà in vui vẻ bằng long.Là gặp lại café xây chừng thuốc samit hai thằng một điếu những ngày tháng dài lê thê sau ngày đó tháng tư.
Ánh Ryan cũng nâng ly với bà con, rồi không biết ai gợi chuyện mà lại nhắc về chuyện tình cây viết Paker.Chị nói : “Tôi thương anh chàng đó vì mê cây viết paker,và chàng ta đã mua tặng cây viết này”. Thời học sinh những năm 60 có cây viết pilot của Nhật đã là quí ít ai dám rớ tới paker,vì quá mắc.Nghỉ lại chuyện tình này sao mà dể ợt ngon lành tới vậy! Lớp đệ tam thời đó mấy chị đã biết làm đẹp nhiều,biết điểm trang ít son phấn và anh bạn trai to lớn cùng lớp đã “phải lòng”chị Ánh.Nhớ lại thời đó những bạn bè cùng lớp: Trần ngọc xuân, Lý Đạo,Trần tự Kía, Tất Xuân,Trịnh vănTửng, Bùi thế Hưởng… Lý Ên, Liêu hồng Nhung, Trần thị Mỹ Tú, Lưu ngọc Hà…Có bao nhiêu bạn đã nằm xuống trong cuộc chiến: Trần văn Út,Phan vương Ngọc,anh Phùng,anh Lũy,họ đã nằm xuống để bảo vệ lá cờ vàng thân yêu vẫn bay phất phới giữa sân trường Hoàng Diệu. Nhớ có lần cuối năm Lý Đạo ngồi bên cửa lớp hát : “ Hồn lỡ sa vào đôi mắt em,chiều nao xõa tóc ngồi bên thềm.Thầm ướt nhưng nào đâu dám nói, khép tâm tư lại thôi, đường hoa vẫn chưa mờ lối…”.Thời đó Liêu hồng Nhung có mái tóc giống như nữ minh tinh Lăng Ba.(?)
( tháng 9-2013 )
Holly Springs- North Carolina.
Do ảnh hưởng của cơn bảo, phi trường Raleigh chiều nay gió lạnh thổi tứ bề. Co ro đứng chờ Tùng tới đón ở hiên ngoài.Trước đó tôi đã mượn nhờ phone ở quầy hướng dẩn, báo cho Tùng biết.Không bao lâu thì anh chàng đã tới.
Ngôi nhà khá rộng.Tôi một mình một phòng trên lầu.Vén màn nhìn xuống con đường phía dưới,những ngôi nhà bên kia đường với mấy chậu kiễng quen quen .Vẫn những đứa trẻ chạy xe đạp trên drive way.Con đường thật yên tĩnh lâu lâu mới có một chiếc xe chạy qua như tiếng động của một hòn sỏi ném xuống mặt hồ êm ả.Phía sau nhà là rừng lưa thưa xanh mướt, sân sau mấy cây thông xanh đứng thầm lặng.Không nghe tiếng chim về đậu, tôi đoán ít khi nào chủ nhà ra đứng nhìn ngắm thông.Chợt nhớ câu thơ xưa Nguyễn công Trứ: “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.Phong cảnh bắc Mỹ có nét gần giống nhau ở đâu cũng thông tùng xanh mướt thể hiện sức sống mãnh liệt son trẻ của hai quốc gia giàu mạnh,Mỹ -Canada.Bất chợt tôi nhớ “miệt dưới- down under” , đi đâu con mắt cũng không rời những cánh rừng khuynh diệp –gum tree mà mỗi khi mùa hạ về lại báo hiệu những cơn cháy rừng sắp đến.
Trở vô nhà khi có tiếng xe Tùng đi rước con về.Mấy mươi năm ở Mỹ, Tùng đã biết hâm thức ăn cho hai cậu con trai,biết làm cơm nấu canh kho thịt như một bà nội trợ.Tùng loay quay ở bếp chuẩn bị cơm chiều.Ngồi ở bàn ăn,kéo sáo nhìn ra khu rừng mấy cánh chim vừa đáp xuống rồi vụt bay đi.Nhớ Cần Thơ -16 Pasteur đêm say rựơu đế, để sáng hôm sau tiễn đưa Tùng trình diện quân trường Thủ Đức.Tùng không biết nhóm lửa để làm ly trà nóng khi tôi than mệt vì say rượu.Nhớ những cô gái chèo đò ngang gần bến Ninh Kiều Cần Thơ.Ghe tam bản nhún nhẩy theo nhịp chèo,áo bà ba nón lá dịu hiền như cao dao lục bát. Ngày ngày bao nhiêu bận qua sông .Thời đó mỗi chuyến đò ngang chỉ có 50 xu.Nhớ căn nhà trọ nhà chị Bảy xóm rạch Bà Hơn bên kia sông bến đò Sân Heo những năm Khoa học Cần Thơ.Nhớ Ngô công Thắng sở Mỹ, lâu lâu về Cần Thơ tắp qua thăm bè bạn. Đám học trò nghèo nhờ vậy có được mấy buổi sáng café thuốc lá PallMall yêu đời thêm chút nửa.Nhớ cô gái cháu chị Bảy dể thương đằm thắm từ Châu Đốc xuống chơi mấy tuần vậy mà làm mấy anh xao xuyến cả năm sau đó.
Bạn bè thật hiếm khi gặp lại nhau.Mỗi lần gặp nhau như là gặp lại CầnThơ nhà trọ- những năm khoa học gạo bài khuya lắc khuya lơ.Là gặp lại Baxuyên HoàngDiệu, gặp lại sinh tố BaĐô, café vỉa hè góc phố Hai Bà Trưng, bún nước lèo ngồi ăn giữa chợ .Là gặp lại những ngày sáng chiều tâm trạng bâng khuâng sau biến cố Mậu Thân,bạn bè chuẩn bị lên đường nhập ngủ.Là gặp lại cái bàn ăn nhà anh Chương chị Hà Santa Ana.Là gặp lại bánh mì Cali., café DỉVãng…Là những tháng ngày Tùng còn ở Cali. Nhớ năm 94 lần đầu tôi từ Sydney qua thăm anh chị Dũng ở Vancouver khi anh chị vừa rời bỏ xứ lạnh Winnipeg.Lần đó cả nhà anh chị Dũng bốn người tôi và cậu con trai,tất cả ngồi xe bus qua Cali.mất 36 tiếng.Anh Dũng mang theo mấy con cá salmon loại ngon và hiếm để tặng anh chị Chương-Hà.Nhưng khi mua vé do nhầm lẩn người bán vé ghi trạm tới của chúng tôi không đúng- cho nên hành lý đã bỏ xuống trước một trạm.Tới nơi hỏi ra mới biết.Họ bảo ngày hôm sau mới gởi tới. Hôm đi nhận thì mấy con salmon đã hư dù đã ướp bằng nước đá khô ,nhưng vì để quá lâu.Anh Dũng tiếc hùi hụi, vì mất đi món quà quí tặng bạn bè.Lần đó Tùng đã xin phép nghỉ cả tuần để đưa chúng tôi đi lòng vòng Cali.Với Tùng bỏ Cali. như là bỏ đi một quãng đời yêu dấu cũ …“ Thời gian như cánh chim bay,qua dần những tháng cùng ngày….” .
Sáng thứ bảy ngồi café tây.Nhắc chuyện tình trung học .Người con gái trong câu chuyện tôi được nghe Tùng kể nhiều lần mà lần nào cô cũng có giọng nói dể thương hấp dẩn,thông minh, biết gợi chuyện.Nhưng đoạn kết thì….Nên có lần chàng đã một mình: “ đứng trước căn nhà em lợp ngói- mới thấy còn thương gái có chồng”.Nhà thơ Nguyên Nghĩa đã từng có tâm trạng giống như Tùng. Nhắc chuyện cũ để thấy vui thấy buồn như chén nước mắm dầm ớt cay tới chảy nước mắt, ướt cả nụ cười trong câu chuyện hôm đó.Chợt nhớ câu thơ cũ : “ai cũng có dòng sông trong đáy tách-uống mỗi lần mỗi thấy bóng ta say”.(LHK)
( tháng 9-2013 )
South Carolina- Trần Phù Thế
Sáng sớm chủ nhật chúng tôi khởi hành đi thăm anh The,nhà thơ Trần phù Thế.Anh The và Tùng ở cùng tiểu bang nhưng kẻ bắc người nam.Mà lại phân chia thành 2 tiểu bang riêng biệt.Mấy chục năm rồi từ khi rời Hoàng Diệu tôi chỉ loáng thoáng gặp anh vài lần vội vả.Thời Hoàng Diệu anh Trần phù Thế và anh Lâm hảo Dũng trong nhóm CungThươngMiềnNam.Tôi thường gặp anh giờ nghỉ trưa ở nhà trọ của Khánh Xuyên(nhóm HồnTrẻ 20),thời đó thích làm thơ gởi các nhật báo ,tuần san hay nguyệt san ở Sàigòn.Rời Hoàng Diệu anh vào quân đội.Mãi tới năm 80-81tôi lang thang đi qua con đường Tự Đức nơi trường Khoa Học cũ tình cờ gặp anh đang ngồi quán cốc với người bạn.Lúc ấy anh vừa ra tù. Người bạn là anh Bình,cũng là Hoàng Diệu cả hai đã cạn một lon guigoz rượu thuốc rồi.Anh nói tôi ngồi chơi anh về lấy thêm rượu-bà chị của anh ngâm mấy lít rượu thuốc cho anh uống trừ bịnh hậu bởi nhiều năm bị đày trong lao tù khổ cực của chế độ mới.Chia tay ở quán rượu ít lâu sau tôi đi.Anh chờ đợi tới ngày may mắn thoát ra theo diện HO. Có lần đọc một bài thơ anh trên đặc san Miền Đông Hoa Kỳ,mới thấu nỗi buồn của người tù,người vợ…
Vào thành phố Taylor nơi anh ở,Tùng phone, anh dặn cứ chờ ở một nơi ,anh sẽ tới.Lát sau hiện ra trước mặt chúng tôi một ông “trung niên” khỏe mạnh đội nón nỉ phong trần trên chiếc xe van loại có cái thùng phía sau.Trông anh phong sương rắn rỏi bụi đời như là một tay giang hồ chịu chơi. Mà thực ra trong cách nói chuyện của anh lại chứa đầy phong cách của một nhà giáo hơn là một tay lính chiến phong trần.Chào nhau bắt tay mừng rỡ,chạy theo xe anh về nhà. Ngôi nhà anh nằm trong một xóm nhỏ thưa thớt dân cư giống như xóm ngoại ô nào đó ở một thành phố Việt Nam trước 75. Anh thích thú với cái nón da tôi mang tặng từ Sydney.Cái nón kiểu anh chàng tài tử miệt dưới Paul Hogan đội trong phim Crocodile Dundee.Nhà chỉ mình anh,bà xã phụ ở tiệm nail của đứa con gái. Chúng tôi ra một tiệm phở trong vùng.Khu phố nhỏ thưa người xế chiều gió hiu hiu dể làm nhớ nhà nhớ xóm.Tùng không làm thơ nhưng là người đọc nhiều biết nhiều những cây viết từ thời còn trong nước.Anh ta nhắc bài lục bát “Bậu về” của anh The.Tôi cũng mê bài này, đó là một bài lục bát nhắc lại cái thời tiểu học trường làng miền quê Đại Ngãi: “Bậu về liếc mắt đong đưa/Gió xuân đầy mặt như vừa chín cây/Bậu về má đỏ hây hây/Ta mười lăm đã lòng say bậu rồi”. Chỉ bốn câu mà đã hiện lên một miền quê hương hữu tình cây trái xum xuê hiền hậu của vùng sông nước Hậu giang.Cho tới nay suốt gần bảy mươi tuổi đời anh Trần phù Thế chỉ có làm ba công việc là: làm học trò – làm lính – và làm thơ. Ngoại trừ năm sáu năm làm người tù trong trại cải tạo.Và những năm làm cu li ở xứ người. Những năm ở Hoàng Diệu, trong nhóm Cung Thương Miền Nam anh có bút hiệu là Mặc Huyền Thương, lấy từ tên của một người con gái,mà anh thầm yêu mến tên là Thương Huyền.Có lần từ Mỹ anh nhận được lá thơ từ một người gởi rất xa xăm rất bất ngờ. Ở góc trái lá thơ có tên Thương Huyền, in dấu con tem từ Đức quốc.Anh hồi hộp mở lá thơ tay run như hồi 16 tuổi lỡ đụng phải tay người bạn gái mới quen. Đúng là cô gái ngày xưa của nửa thế kỷ đã qua. Cô tình cờ đọc được những bài thơ anh trên một trang web nào đó,thơ nói về Đại Ngãi-Sóc Trăng,Vàm Tấn-cù lao Dung, quê hương của cô.Tình cờ biết được ngày xưa có anh chàng học trò nhà quê tập tễnh làm thơ và yêu mình đến nổi lấy tên mình làm bút hiệu…cô đã thao thức mấy đêm. Chợt biết ra thì đã tóc hai màu, xa xôi hơn ngàn dặm. Niềm xúc động dâng tràn trên mấy trang thơ cô gởi cho anh Mặc huyền Thương-Trần phù Thế.
“Đêm nay anh ngồi lặng im nghe tôi kể chuyện tâm tư bao năm lắng trong tim,tình mình từ thuở tuổi đôi mươi mà ta chưa biết nên đành lỡ duyên đời…”. Bài hát của Trúc Phương vẳng đâu đây. Đêm đó anh ngồi viết một hơi “Bậu về”
“ Bậu về Đại Ngãi mình ên/Bỏ quên kẹp tóc bắt đền tội ta/Bậu quên là tại bậu mà”…..
Anh Trần phù Thế đã cho ra mắt 2 tập thơ :Giỡn Bóng Chiêm Bao và Gọi Khan Giọng tình.Mới đây –tháng 5-2014 theo tin tức từ trang web Bạn văn nghệ của nhà thơ Trần yên Hoà ở Cali. thì Thư Ấn Quán của nhà thơ Trần hoài Thư vừa in tập “Cõi Tình Mong Manh” là tập thơ thứ ba của Trần phù Thế. Tháng 5-2014 nhân dịp tới Cali. thăm bạn bè anh đã trình làng tập thơ mới này ở tư gia nhà thơ Trần văn Nam ở Garden Grove, có sự tham dự của nhiều nhà thơ thân hữu: Trần văn Nam,Viên Linh, Thành Tôn, Trần yên Hoà,Lâm hảo Dũng, Đặng kim Côn, Trạch Gầm….
Nhớ buổi chiều hôm đó anh Thế rủ bọn tôi cùng gia đình anh đi ăn tối, vì con gái anh đã đặt chổ ở nhà hàng Nhưng chúng tôi phải từ chối vì Tùng phải trở về nhà coi hai cậu con trai . Đành thất hẹn một dịp gặp gở hiếm hoi.
Tôi và tùng quay xe về North Carolina.Trời chiều.Chia tay anh Trần phù Thế,còn nhớ hoài mấy câu lục bát Bậu Về.Nhớ làm sao Đại Ngãi-cù lao Dung,Kế Sách- Nhơn Mỹ,Cái Côn-Phong Thuận, Ngã Bảy- Phụng Hiệp một thời sông nước Hậu Giang bềnh bồng trôi nổi. Thời gian qua cứ như con nước lớn ròng khuya sớm.Thoắt một cái rồi lại xa ngàn dặm như quan sơn cách trở. Chợt thấy buồn buồn. Vẳng như có ai đó vừa ngân nga nói lối, vừa gỏ nhịp song lang, cho ray rức hoài mấy câu vọng cổ.
Lâm Hảo Khôi
(ghi thêm tháng 6-2014)