Thứ Bảy, 3 tháng 4, 2021

Thơ Tranh: Phục Sinh

 

Thơ: Bằng Bùi Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh


Niềm Mơ Ước Phục Sinh

 

Lạy Chúa đưa con về dòng sông mộng
Một lần hằng sống lại tuổi thơ ngây
Tâm bình yên thân thoát phận đọa đày
Sớm mai thức ngày mới dài trở giấc
Ban tin yêu thường nhật chẳng lo âu
Đường Thánh Giá nguyện cầu thôi thao thức
Mở lòng con xa bờ vực bi ai
Che chở hình hài tơi tả thương ôi
Lạy Chúa! Bên con Ngài sống lại rồi

Kim Phượng
 
 

Thầm Nguyện...

(Kỷ niệm các chị Ca Đoàn Kitô Vua dí dỏm để có hình lưu niệm sau lễ Vọng Phục Sinh 2016
Hình ảnh: Uyên Nhi)

Uyên Nhi ơi, làm đẹp quá vậy, ai cũng tươi tắn há
Đáp lại lòng của Nhi nè, chắc Nhi cũng mong thế này phải không?

Thầm Nguyện.....

Nụ cười tươi hòa ánh sáng lung linh
Cầu xin ân phúc che chở thương tình
Nâng tay thêm sức chúng con tròn nguyện
Dâng trọn tâm tình Mừng Chúa Phục Sinh


Kim Oanh

Bên Tượng Chúa


Tình thơ đan vội vã
Em gái người phương xa
Thẹn thùng hoa hàm tiếu
Làm thổn thức lòng anh
Trong tà áo thiên thanh
Nơi giáo đường yên tĩnh
Dịu hiền bên tượng Chúa
Có cầu chuyện chúng mình...
Ngày xuân không chờ đợi
Bao lần đi dự lễ
Em ước nguyện những gì
Hai đứa mình có thể
Sum họp mãi hay chăng
Khi tóc dần điểm trắng
Nhưng giấc mộng chưa thành.
Ôi cuộc tình mong manh.

Quên Đi


Chúa Phục Sinh


Nếu như chết được coi là biểu tượng của sự tối tăm sợ hãi, thì nguồn sống chính là Ánh Thái Dương huy hoàng đem lại tươi vui và hạnh phúc cho nhân thế

Hãy ngắm nhìn những hàng cây sau mùa Đông dài trút hết lá trơ trụi như những bộ xương không hồn, rồi mùa Xuân tới với bàn tay mầu nhiệm của Tạo Hóa làm sống lại vạn vật

Núi nghiêm, sông lặng trong ngần
Lá ngàn xanh muốt, hoa tần trắng phau
Vàng tươi, cúc thắm anh đào
Thiên nhiên áo mới nghiêng chào Thần Linh

Giữa mùa Xuân, ánh thanh bình
Muôn lòng tưởng niệm PHỤC SINH phép thần
Trời cao xanh sắc trung tân
Giáng linh giữa tiết Xuân phân sáng ngời

Khí thiêng bàng bạc khắp nơi
Ẩn tàng, minh hiện một NGƯỜI quán thông
Vì nhân gian đổ huyết hồng
Vì nhân gian mở tấm lòng khoan dung

Nhiệm mầu rời chốn Thiên cung
Một phen Cứu Thế muôn trùng tẩy oan
Phục Sinh trở lại Thiên Đàng
Không sau, không trước miên trường tinh anh

(Nhiệm mầu) Phan Quảng Nam

Cuộc sống của con người đã đành là qúy báu, nhưng đời người qúa ư ngắn ngủi. “Nhân sinh như bạch câu qúa khích” vù đi như bóng ngựa lướt qua cửa sổ

Tựa cánh chim kia lướt giữa trời
Trăm năm nhấp nháy lẹ như chơi
Lao xao mới đó … vừa chung bóng
Lặng lẽ giờ đây … đã bặt hơi

Tuấn Việt

Hay là:

Một kiếp nhân sinh giữa đất trời
Cái quay, Con Tạo búng mà chơi !
Ngả nghiêng điên đảo quay quay bóng
Cười nói ba hoa hả hả hơi
Cứ tưởng tài cao đầu non vượt
Đâu ngờ gió lặng cánh diều rơi …
Vân Trình

Cuộc nhân sinh vốn đã phù du mà thân thế con người lại bèo bọt, chẳng một ai hưởng trọng hạnh phúc cả đời. Ngay buổi sơ sinh, thì đã: “Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra ! Khóc vì nỗi xót xa sự thế …” (Cung oán).

Quan niệm đời là bể khổ và chóng qua đi, nên trong “Kim Cương bát nhã” có đoạn nói rằng:

Nhất thiết hựu vi pháp
Như : mộng, huyễn, bào, ảnh
Như lộ riệc, như điện
Ưng tác như thị quan

Nghĩa là hết thảy mọi việc, mọi chuyện trên đời, đều chỉ là : mơ, huyền ảo, như bọt nước, như ánh đèn, như giọt sương, như ánh chớp, hãy nên nhận biết như vậy đó.

Vốn trách nhân gian như quán trọ
Há mang thế sự, giọt sương rơi
Ngẫm ba vạn sáu, bao lâu nhỉ
Biển hoạn bon chen uổng phí đời !
Song Nguyên

Đời người dầu sống trăm tuổi, ba vạn sáu ngàn ngày, cũng chỉ thoáng qua, như giọt sương, như một đêm lữ khách dừng chân bên quán trọ. Nhưng nỗi băn khoăn thắc mắc chẳng phải đặt nơi cuộc sống ô trọc cõi trần này, mà ở một đời sống Tâm linh, ở Sự Sống đời đời về sau.

Cổ nhân xưa cũng đã nhận thật qủa có Đấng Tạo Hóa: “Thiên địa vi lô hề, Tạo hóa vi công” (Gia Nghị) nghĩa là Trời đất chỉ là cái lò chứa đựng, còn Đấng Tạo Hóa mới chính là Vị tạo dựng sinh mệnh muôn loài.

Mạnh Tử cũng luận rõ ràng hơn nữa: “Nhất ẩm nhất trác, sự giai tiền định, phù sinh không tự mang” nghĩa là từ cái ăn cái uống đã được Thượng Đế an bài từ trước, con người hãy suy ngẫm đến cái kiếp phù sinh của mình. Chính vậy, mọi sự Thượng Đế đã tiên liệu, dù con chim ngoài đồng nội, con cá dưới nước, dĩ chí đến loài sâu bọ trong bùn đất, thì cuộc sinh tồn cũng đã được sắp sẵn, huống chi con người. Vậy chớ quá bận tâm đời sống vật chất mà quên phần tâm linh, hãy sống đời thánh thiện, yêu thương tha nhân, tích tụ phước đức cho phần hồn, nghĩa là tìm sự sống đời đời, sự sống thật, sống với Thiên Chúa và sống trong Thiên Chúa. Đó là đi tìm kiếm đi sửa soạn sẵn cho chính mình, ngày Phục Sinh, để sống lại sau cái chết : “Sinh ký, tử quy”

Khi xưa Lazarô chết đã 4 ngày, chị là bà Martha, cầu xin Chúa Giêsu cứu em mình, và Chúa đã làm phép lạ cho Lazarô được sống lại, liền đó Chúa phán: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Ta thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta sẽ không bao giờ phải chết. Con có tin như vậy không ?” bà Martha thưa: “Lạy Chúa có. Con tin thật, Chúa là Đức Kitô, con Thiên Chúa Hằng Sống, đã ngự xuống trần gian này” (Ga 11: 25-27)

Bà Martha đã được phúc ở gần Chúa, được Chúa làm phép lạ cứu sống người em trai, bà và đám đông lân cận, chứng kiến tận mắt sự việc sảy ra, bà tin Chúa và thờ lạy Chúa. Nhưng ơn phúc sẽ bội phần lớn hơn cho những kẻ không trông thấy Chúa mà tin nơi Chúa : “Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20: 29)

Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Đón Noel con cũng thấy vui mừng
Con vẫn tin rằng có Chúa vô cùng
Chúa ngự ở Ngôi cao nhìn trần thế

Chúa ngự ở Ngôi cao nhìn trần thế
Quyền tối cao Chúa phán xét nhân loài
Đêm Noel ai cũng nở nụ cười
Để mừng Chúa Phục Sinh ngày tái thế
Nữ Sĩ Minh Hà

Lời Thơ của Nữ sĩ đơn sơ mà chân thành qúa. “Lạy Chúa, con không có đạo, nhưng con tin có Chúa vô cùng … con tin, và lòng con vui mừng vì Chúa đã Phục Sinh …”

Ôi đẹp thay ! Hỡi các Tín hữu Thiên Chúa Giáo, đã bao giờ ? đã có lần nào, Bạn nói với Chúa niềm vui mừng Phục Sinh như vậy chưa ?

Alleluia ! Alleluia ! Chúa Phục Sinh là Chúa đã hoàn tất công cuộc Cứu Thế trọn vẹn và tuyệt hảo. Bởi những “Lời Chúa” truyền phán khi còn ở thế gian, tựu trung lại chính là tuyên xưng sự Sống đời đời, và thể hiện hơn nữa, Chúa Giêsu đã truyền lại “Mình và Máu Thánh Chúa”

“Ta là bánh hằng sống từ Trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh ta ban sẽ nuôi sống thế gian” (Ga 6:51)

Như vậy, “PHỤC SINH” là đìểm then chốt của Công ơn Cứu Thế. “PHỤC SINH” là căn bản triết lý của giáo điều Thiên Chúa. . “PHỤC SINH” là điều ước mơ lớn nhất của nhân loại. “PHỤC SINH” là cánh cửa mở ra để con nguời được đến với Đức Chúa Trời.

Nếu trước kia Chúa không sống lại
Thì giờ đây, Đạo Chúa đâu còn
Nếu “Phục Sinh” là lời giả giối
Đứng đầu chối Chúa, chính là con

Nhưng Chúa đã vinh quang sống lại
“Phục Sinh” phán hứa đúng như lời
Mở cửa Thiên Đàng, tha luyện ngục
Nâng con, Thánh hóa với Ngôi Trời

Và Chúa đã vinh quang sống lại
Để công ơn Cứu Chuộc hoàn thành
Mầu nhiệm căn nguyên xây Giáo Hội
Triều thiên chiến thắng của Chiên Lành

Mừng Chúa đã vinh quang sống lại
Hoan hô danh tánh khắp nơi nơi
Và Phục Sinh như lời phán hứa
Tôn vinh danh Chúa đến muôn đời.
(Khải Hoàn Ca) Tuấn Việt

Vào mùa Easter, khắp các Nhà Thờ Công giáo hoàn vũ, người tín hữu hát lên Alléluia. Alléluia Alléluia có nghĩa là: Ca ngợi Chúa, Chúc tụng Chúa, Tôn vinh Chúa. Và trong đêm Vọng Phục Sinh, khởi dầu buổi Lễ mọi đèn nến trong Nhà Thờ đều tắt cả. Riêng cây nến Phục Sinh duy nhất được thắp sáng, cây nến Phục Sinh tượng trưng cho Chúa Giêsu sống lại. được xông hương và rước lên Cung Thánh. Lửa từ cây nến Phục Sinh này sẽ được dùng thắp lan truyền sáng tất cả đèn nến trong Nhà Thờ.

Lúc ấy toàn bộ lửa Phục Sinh trong Thánh đường bùng sáng như biểu tượng Đức Giêsu Kitô đã ra khỏi mồ chiến thắng sự chết, tỏa chiếu ánh sáng yêu thương cho nhân loại với Tình yêu Cứu độ. Ánh sáng Cứu độ của Chúa sẽ luôn bừng sáng giữa thế gian đầy bóng tối và tội lỗi. Tình yêu của Chúa đối với nhân lọai, đối với từng người sẽ không bao giờ tắt.

Ánh sáng Phục Sinh và Tình thương Cứu Độ của Chúa Kitô đã ban cho nhân loại, vậy ta phải sống sao xứng đáng đón nhận ánh sáng và sự sống ấy, như những chứng nhân thật sự của biến cố Phục Sinh [QT1]

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Nhà Thờ Họ Đạo Thiền Đức Vĩnh Long Đã Tu Sửa Xong


Từ đầu năm 1975, Linh Mục Lục vị khai mở đặt nền tảng nhà thờ họ đạo Thiềng Đức vè sau nầy. Mọi vật liệu xây dụng dành cho ngôi giáo đường đẹp đẻ khang trang sau nầy đã chuẩn bị đẩy đủ.

Linh mục Xưa về thế LM Lục, khởi công xây dựng, ông lái máy xúc, cào rất thiện nghệ, nếu không được bạn cho biết rõ trước, thì không dễ gì biết tay đang lái máy là vị Linh Mục đang tiếp tay cùng các công nhân, cũng là giáo dân của họ đạo những nhà thờ kế cận đến giúp công.

LM Xưa rời họ dạo, LM Thuỵ đến thay đã được ba năm, ông tu sửa ngôi giáo đường vừa xong.

Hình ảnh nhà thờ họ đạo Thiềng Đức đã được sơn, tu bổ vừa xong. Mời các bạn xem .


Ảnh: Trương Văn Phú

Lời Nhập Thể



Mẹ xin vâng Ngôi Lời liền nhập thể
Đấng quyền năng đã từ bỏ ngai vàng
Và nhân thế lịch sử sẽ sang trang
Nhận ân sủng ban cho toàn thế giới.
Ngài là Đấng muôn dân đang mong đợi
Ngài là Chiên hiến tế tội trần gian
Ngài là Người mang đến sự bình an
Ngài kiện toàn những sót sai gỉa dối
Ngài càng mong mọi người cần thay đổi
Từ dáng vẻ cho tới cả nội tâm
Tránh sân si và phù phiếm mê lầm
Đã sập bẫy bao linh hồn giòn mỏng
Ngài là đường,sự thật,và sự sống
Ngài hiện thân của ân sủng Tin Vui
Chẳng riêng ai cho tất cả mọi người
Khi tiếp nhận thì hằng chuyên tín thác.
Thân lạy Chúa con đây như chiên lạc
Đã bao năm lún sụp giữa bùn đen
Xin thứ tha và thương xót đưa lên
Khỏi nỗi chết-nơi kia là vực thẳm.
Cảm tạ Mẹ đã rộng tình thương cảm
Kiếp phàm nhân đầy tôi lỗi gớm nghê
Mẹ xin vâng mở lối chúng con về
Hầu được hưởng phúc lành trên thiên quốc
Amen !

Thái Huy

24/3/21

Mối Tình Son Sắt


Nếu Mùa Chay này anh có băn khoăn
Lỗi lầm xưa vẫn chưa kịp thống hối
Hãy nhớ rằng Chúa đã tha thứ tội
Dẫu tim anh còn khô héo, hững hờ

Nếu Mùa Chay này anh thấy bơ vơ
Nhớ chiều nao trên đồi kia hiu hắt
Mão gai nhọn Ngài đớn đau chất ngất
Và lưỡi đòng đâm thấu cả tâm can

Nếu Mùa Chay này anh có hoang mang
Đồi Can Vê xưa mắt Ngài nhỏ lệ
Mây tím ngậm ngùi, máu đào loang đổ
Về đi anh, để sám hối tội đời

Nếu Mùa Chay này anh còn chơi vơi
Giữa biển đời nhiều phong ba, bão tố
Thập tự kia, Chúa giang tay chờ đó
Đợi anh về, tìm giây phút bình yên

Thân mọn hèn trong tình Chúa vô biên
Dâng lên Ngài đi, ngàn lời cảm mến
Đứa con đi hoang đã về tới bến
Dưới bóng Cha hiền, xoá vết thương đau

Giọt lệ ăn năn, tha thiết đêm thâu
Là của lễ mỗi mùa Chay thống hối
Lòng người mãi còn đa đoan muôn lối
Nẻo chính đường ngay sao lắm ngại ngần

Và nếu anh còn thương nhớ bâng khuâng
Những cuộc tình trần gian đã đánh mất?
Có tình nào đẹp bằng tình son sắt
Mang khổ hình chịu chết chỉ vì Yêu?!

Edmonton, Phục Sinh 2021
Kim Loan



Tôi Vẫn Nhớ


(Ảnh: Sương Lam)


Tôi vẫn nhớ hàng dừa xanh Mỹ Thuận,
Chiếc phà ngang đưa đón khách ngược xuôi,
Bên kia sông lữ khách luống bùi ngùi
Đưa tay vẫy người em vừa quen biết

Tôi vẫn nhớ giòng Cửu Long chảy xiết,
Cá tôm đầy, nuôi sống nước Nam tôi,
Phù sa kia luôn vun xới đắp bồi,
Cho thêm đẹp, thêm xinh hình chữ S

Tôi vẫn nhớ trăng khuya buồn chênh chếch,
Bên phòng khuê cô gái đất thần kinh,
Tóc ngang vai mắt ướt lệ đa tình
Làm ngơ ngẩn những chàng trai xứ Quảng

Tôi vẫn nhớ Sài Gòn phiên chợ sáng,
Tiếng nói cười, bao kẻ bán người mua,
Trái cây tươi, cam quýt đủ mọi mùa,
Hàng hoa đẹp, với hoa hồng, hoa cúc

Tôi vẫn nhớ vườn Lái Thiêu măng cụt,
Trái sầu riêng, mít tố nữ, dâu xanh,
Bánh bèo bì, cô quán mắt long lanh,
Chiều chủ nhật, say lòng trai phố thị

Tôi vẫn nhớ những câu hò, điệu lý,
Bản Tình ca, nhũng tình khúc Phạm Duy,
Lời thiết tha theo vận nước hưng suy,
Vẫn sống mãi trong tim người nước Việt

Tôi vẫn nhớ màu mạ non xanh biếc,
Ở quê tôi, miền lục tỉnh Cần Thơ,
Đẹp hiền hòa, nhưng cả một nguồn thơ,
Khiến thi sĩ phải dừng chân thả bút

Xin hãy lắng lòng mình đôi giây phút,
Tìm lại về những hình ảnh Quê Hương,
Quê Mẹ kia, dù cách biệt đôi đường,
Người nước Việt, xin chớ quên Quê Việt!!

Sương Lam  

Những Trang Sách Buồn



Đêm chưa ngủ tôi hay tìm đến sách,
Giữa đêm khuya nghe ai kể chuyện lòng,
Có những trang vui có những trang buồn,
Tôi đã sống cùng với người trong truyện.

Trang sách vui làm cho tôi quyến luyến,
Hạnh phúc kia đang nằm trọn tay mình,
Anh ở trong thơ trong truyện rất gần,
Như mong ước mỗi khi lòng cô độc.

Những trang sách buồn làm tôi đã khóc,
Giận chuyện đời tôi chỉ muốn sang trang ,
Sao người đi không ở lại trăm năm
Sao hiu quạnh đôi bờ xa cách thế.

Từng trang sách đời anh, tôi đã mở,
Có khoảng trời nắng đẹp với tình xanh,
Con đường vui đã khép lại mong manh,
Anh vẫn bước khúc quanh buồn nghiệt ngã.

Tôi đau giùm anh mảnh hồn đã vỡ,
Và tiếc giùm anh những nỗi chia xa,
Nhưng tấm lòng anh rộng mở thiết tha,
Mong anh thấy con đường vui phía trước.

Gấp sách lại. Hình như đêm khuya lắm
Những trang vui theo vào giấc ngủ mơ,
Duyên kia đã gặp tình vẫn đợi chờ,
Tôi thanh thản không còn gì vướng bận.

Nhưng trang sách buồn làm tôi vương vấn,
Hồn lang thang tôi vẫn mãi đi tìm,
Anh ở nơi đâu. Đêm đã dần tàn,
Tôi và sách đêm nay cùng mất ngủ..

Nguyễn Thị Thanh Dương
(July-2009)

    

Minh Châu Trời Đông Đâu Rồi?


Minh Châu Trời Đông Đâu Rồi?


Hỡi viên ngọc quý Minh Châu
Trời Đông đã sáng sắc màu đẹp tươi
Vào đây ta hãy cùng cười
Cho đời thêm chút ngọt bùi thế gian
Ngày xưa thật rất huy hoàng
Bây giờ đành để hoang tàn vậy sao?
Vườn này ngọc sáng thuở nao
Hãy cùng vui tưới dạt dào văn thơ
Xin đừng cứ mãi thờ ơ
Vùng lên viết tiếp bài thơ liên hoàn....(Phương Hoa)


Cô BÔNG yêu quí hãy ngoan
Nghe lời chị dặn Liên Hoàn làm đi
Ngồi nói lép nhép làm gì
Thơ tuôn như suối Bông thì vẩy tay. (Hồng Thuỷ)


Ý kiến các chị rất hay
Cùng nhau chung sức vun vầy ...Trời Đông
Nơi nào em cũng một lòng
Say sưa viết lách những mong đẹp đời
Thôi em chả có nhiều lời
Dù em tên ...tám, ai cười mặc ai!!! (TámK.Loan)


Chị của em 8 tiếp tay
Chạy qua chạy lại cả ngày là Bông
Diễn đàn Minh Châu Trời Đông
Qua Cô Gái Việt lại vòng sang kia
Văn Bút hải ngoại vui ghê
Nơi nào Bông cũng đề huề ...dấn thân.(Bông) NNTD


Từ lâu em chị vẫn ngoan
Minh Châu viên ngọc đẹp sang chiếu trời
Ngọc Hà , Dung Đỗ sáng ngời
Làm sao quên được tiếng mời thương yêu
Chung tay tổ ấm dệt thêu
Câu thơ hoa bướm diễn đều ngày đêm
Chuyện cười , chuyện tếu cọng thêm
Văn chương nối kết ấm êm cuộc đời
Ngôi nhà núp bóng thảnh thơi
Phe bà nằm ẹp nghỉ ngơi cười đùa
Có tiền chẳng thể kiếm mua
Tại con Covid te tua lộn phèo
Mắt nhìn quờ quạng ngập mail
Lộn hồn vơ hết một lèo gởi đi
Từ đây cố nhớ những gì
Chớ send lộn chỗ cười khì là xong (Minh Thuý)


Vắng bài đêm tưởng ngày mong
Nhanh nhanh sáng tác trải lòng cùng nhau
Chuyện cười chuyện khóc chuyện đau
Ha ha hí hí đừng cau mặt mày (P.Hoa)


Minh Châu Trời Đông tương lai?
Ôi tha thiết quá nhớ hoài chị ơi!
Dù cho mỗi người một nơi
Dù cơn đại dịch cũng “chơi” chị à!
Chị em cũng vẫn tham gia
Cùng nhau vun xới căn nhà thân thương
Bỏ qua những “chuyện ẫm ương”
Bồi hồi những nỗi vấn vương dạo nào
Ngọc Hà mở cửa ta vào
Nhóm Bà Bà ngập tràn bao bạn hiền
Văn chương thi phú triền miên
Đất lành quy tụ thiện tâm bao nàng (Đỗ Dung)


Này này “loa” muốn...la làng
“Mõ” cũng “lốc cốc” cho vang đêm ngày (P.Hoa)


Nghe lời vội vã tiếp ngay
Nếu người giận dỗi có ngày khổ đa
Minh Châu tựa thể một nhà
Trời Đông nổi tiếng gần xa đượm tình.(Như Thu)


Ơi ơi, các chị nhà mình
Hôm nay khởi bút thiệt tình vui ghê!
Dù ai bận rộn bề bề
Nghe Trời Đông...hú cũng về chạy ra (P.Hoa)


Ngọc Hà ơi, Đỗ Dung à
Làm sao quên được Căn Nhà Minh Châu?
Nhớ ngày bé Phú buồn rầu
Mới vô đã muốn té nhào lắm phen
Bao lời an ủi dịu hiền
Vì "Con sâu rượu”, triền miên khổ sầu
Bây giờ qua cuộc bể dâu
Hai năm nay chẳng phải hầu "bịnh say"
Trời Đông nào dễ lung lay
Thượng uyển khép cửa…Ra ngoài rong chơi
Bấy nhiêu ngày…cũng đủ rồi
Vườn xưa mở cổng, không mời, cũng vô…
Bé Phú vỗ tay hoan hô...(Bé Phú)


Chị em ơi hỡi, mau vô nhà mình
Minh Châu , hạt ngọc xinh xinh
Trời Đông , riêng cõi chúng mình thơ văn
Về đây quên nỗi nhọc nhằn
Về đây chung sức gây mầm niềm tin
Một mai Covid đã im (Sao Khuê)


Chúng ta chắc chắn cùng tìm đến nhau
Họp mặt đông đủ MINH CHÂU
Cuộc đời còn có bao lâu mà chờ
Chị em đừng có hững hờ.
Mau mau tính tới còn chờ đợi chi (Hồng Thủy)


Em đang ở biển chiều nay
Ngồi chờ được ngắm cuối ngày hoàng hôn
Mặt trời đang nhớ vợ con
Chiếu tia nắng cuối héo hon cuối ngày
Bao người ngóng đợi ngồi đây
San Diego gió lạnh biển say sóng cồn
Chân trời đỏ rực hoàng hôn
Mặt trời lặn xuống em còn đứng đây
Mình Châu các chị hôm nay
Thơ tuôn như suối ngất ngây mọi người
Mùa Xuân nắng khuất núi đồi
Mặt trời đi ngủ em rời San Diego (Thêm N.)


Bây giờ lượm ghép thơ vô
Chao ơi vui quá cả...bồ bài hay!
Chị Hồng Thủy thật mát tay
Hô lên một tiếng thơ bay đầy trời
Tới luôn! Ta hãy gọi mời
Minh Châu ơi hỡi người người nhanh đi (Phương Hoa) 

Tuần qua đi chích Covi
Tâm can bất ổn lạ kỳ...đành buông !
Văn thơ, chữ nghĩa quay cuồng
Không sao viết nổi dù thương nhớ nhiều
Gởi về Em Chị quý yêu
Minh Châu lấp lánh - diễm kiều Trời Đông (Chúc Anh)


Lấp lánh dưới ánh nắng hồng
Minh Châu ngọc quý Trời Đông rạng ngời (Kim Oanh)


Gần xa các chị em ơi,
Vung tay, vẫy bút tô đời đẹp xinh
Không màng trau chuốt, chân tình trước tiên
Thơ văn,bài bản gửi liền
Mua vui, an ủi lụy phiền bỏ buông
Chị em sau trước tròn vuông
Dũa mài ngọc sáng luôn luôn chói loà
Cầu mong thiên hạ an hoà
Trời Đông vang dội một toà Minh Châu! (Thanh Hòa)

Chị em sớm tối có nhau
Chuyện trò, tâm sự vui câu nghĩa tình
Trời Đông rạng ánh bình minh
Mong sao ngọc quý luôn tình tính tang...(
PLang)


Hoan hô các chị các nàng
Thơ như dát ngọc chữ hàng gấm thêu
Ý lời đều đẹp mỹ miều
Quần thoa tụ hội rất nhiều tinh hoa
Mọi người vui vẻ bước ra
TRỜI ĐÔNG rực rỡ sáng lòa MINH CHÂU (Phương Hoa)


Thoáng Hương Xưa

   

          Bữa nay Bác Sĩ Thanh ra ngoài ăn trưa, nhưng lại về phòng mạch sớm mười lăm phút. Thấy trời nắng thật đẹp mà chưa hết giờ nghỉ, Kim xin phép ra ngoài dạo một vòng cho thoải mái. Kim làm thư ký cho bác sĩ Thanh lẩm rẩm mà đã bốn năm. Sáng bắt đầu  mười giờ, chiều sáu giờ đóng cửa. Một tuần năm ngày. 


          Bên trái văn phòng là con hẻm khá rộng dẫn ra tới đường Jean-Talon. Hai bên hẻm là vườn sau của những ngôi nhà hướng mặt ra đường Fabre và Marquette. Trên hai con đường này có vài gia đình Việt-Nam trú ngụ. Nhưng người Ý chiếm đa số, nên những mảnh vườn nho nhỏ được chăm sóc rất kỹ, trồng đầy hoa đủ màu sắc và rau. Nhiều nhất là cà chua và húng quế Ý. Loại này lá y hệt húng quế ta nhưng to bản và mùi hắc hơn. 

          Kim vừa thả bộ vừa đưa mắt ngắm hai bên. Ngang qua nhà ông bà Trudeau, Kim dừng bước nhìn qua hàng rào. Căn nhà đóng cửa im ỉm. Màn cửa sổ cũng kéo lại kín mít. Kim thấy bồi hồi trong dạ. Hai ông bà đều đã qua đời cách đây ba tháng. Ông mất trước bà đúng hai tuần lễ. Ông chồng cả đời không rờ tới một điếu thuốc, ngược lại bà vợ hút cả gói mỗi ngày. Hậu quả ông chồng chết vì ung thư phổi!! 

          Chôn cất chồng xong, bà Trudeau nhất định không ăn cũng không uống để từ từ về bên kia thế giới, như một ngọn đèn lụn dần vì hết dầu...Mà thật kỳ lạ, lúc còn tại thế, hai ông bà cãi nhau suốt ngày. Bà cho bà giỏi, ông cho ông hay. Không ai nhường ai suốt hơn sáu chục năm chung sống! Kim tưởng khi một trong hai người mất đi, kẻ còn lại sẽ cảm thấy thoải mái lắm lắm. Thế mà không đúng. Bà Marie, em họ bà Trudeau, đã cười khi thấy Kim tỏ ra thắc mắc: 

          - Có gì lạ đâu. Jacques chết đi, không còn ai để cãi, Marguerite cảm thấy buồn chán nên quyết định theo Jacques về bên kia thế giới...cãi tiếp cho vui!  


          Trong vườn, hoa và cỏ dại mọc lẫn lộn trông thật tiêu điều! Những gốc hồng đã bị bứng đi hết. Những năm trước, giờ này ông Trudeau đang lui cui tưới, tỉa hoặc nhổ cỏ dại. Thấy Kim đi qua thế nào ông cũng kêu lại, đưa qua hàng rào, khi vài đóa hồng, lúc bó cúc vàng, cúc tím...Bóng bà Trudeau chỉ thấp thoáng sau bức màn the. Bà ít khi ra vườn vì bị mẫn cảm với cây cỏ. Cuộc đời như một giấc chiêm bao. Thấy đó mất đó. Tranh đua, ghen ghét cho lắm rồi cũng hư vô...Mới hôm qua đây chớ đâu, nghe tin một nhân vật khá tai mắt ở Montréal vừa qua đời, Bác sĩ Thanh gọi một người bạn để báo tin buồn, không ngờ đầu dây bên kia có tiếng reo: 

          - Thế thì phải mừng đi chứ! 

          Lúc Kim hỏi tại sao nhiều người không thích ông ấy, thì Bác sĩ Thanh cười trả lời tại lúc nào ông ta cũng chỉ thích nhìn lên trời để đếm sao!  

          Kim nghiêm  nét mặt: 

          - Theo em, tại thiên hạ ghen tị với ổng, chớ những người chỉ thích nhìn lên trời là những người có tâm hồn hướng thượng. Bác sĩ không thấy vậy sao? Hai thầy trò đồng cười xòa...  

          Đứng tần ngần một lúc Kim lại tiếp tục đi. Nhiều người đang xới đất, bón phân, thấy Kim họ giơ tay chào. Dân khu này phần lớn là bệnh nhân của Bác sĩ Thanh. Tới góc L.O David, Kim quẹo qua đường Fabre trở về văn phòng. 

          Vừa ngồi xuống ghế đã có một anh da đen vào đưa thẻ y tế. Đây là người da đen duy nhất làm ở Caisse Populaire ngoài đường Papineau. Kim hỏi: 

          - Ủa bữa nay bệnh, không đi làm sao Valentin? 

          Anh chàng trả lời giọng buồn thiu: 

          - Mất việc cả tuần nay rồi còn đâu! 

          Kim ngạc nhiên: 

          - Sao vậy? 

          Valentin nhún vai: 

          - Họ nói mấy con nhỏ làm chung chê tôi lười biếng. Vậy mà từ năm rưỡi nay tôi chỉ nhận được những lời khen từ ban giám đốc không hà. Thiệt có Trời mới hiểu nổi! Anh ta gõ gõ ngón tay lên trán, suy nghĩ nhiều nên nhức đầu, phải đi khám Bác sĩ...Nhưng tôi biết bà Kim à. Ai cũng khinh thường dân da đen... 

          Kim vội ngắt lời: 

          - Ấy, đừng vơ đũa cả nắm chứ. Mà thôi, cứ nghĩ dù sao ở đây mình cũng còn sướng hơn đồng bào nơi quê nhà gấp trăm lần, là anh bớt buồn. Chúc anh may mắn hơn trong tương lai nhé. 

          Valentin chào Kim rồi bước ra phòng đợi. 

          Vừa làm xong hồ sơ thì một ông già người Á Đông bước vào. Kim đon đả chào: 

          - Thưa bác Phan. Lâu lắm mới gặp lại bác. Bác gái vẫn mạnh hở bác? 

          Ông Phan gỡ cặp kính lão xuống: 

          - Lâu lắm không gặp cô vì tui về bên Việt Nam hết mấy tháng. Cái rồi bà tui bả mất luôn ở bển.  

          Kim sửng sốt: 

          - Thật hả bác? Bác gái bệnh nặng lắm sao? 

          Ông Phan trả lời giọng đầy ắp bực dọc: 

          - Phải bả bị đau nặng rồi mất tui cũng đỡ tức. Đàng này, dìa bên đó cả tháng trời, ngày nào bả cũng đòi ăn mắm. Hết mắm chưng tới mắm kho, mắm thái, rồi bún mắm... thôi thì hổng thiếu thứ nào! Tui cản, thì bả nói lâu lâu mới dìa xứ, ăn cho đã thèm. Mà cô biết xứ bả ở Châu Đốc mới chết cửa tứ chớ! Ăn riết mặn quá mới bị đứt mạch máu. Chở lên bịnh viện trên Sàigòn cũng trớt quớt luôn! Lo cho bả yên mồ yên mả rồi tui mới qua được mấy bữa nay. Thiệt rầu quá cô Kim à! 

          Kim an ủi : 

          - Bác đừng trách bác gái tội nghiệp. Dân Nam kỳ ai không thích ăn mắm hờ bác? Cháu chỉ nghe bác kể sơ mấy thứ thôi mà đã chảy nước miếng luôn...Theo cháu nghĩ, lúc đã tới số, không chết vì bệnh này cũng phải chết vì bệnh khác. Có người đứng trên lề đường đàng hoàng vẫn bị xe lạc tay lái, hoặc tài xế say rượu leo lên cán chết tươi...Bác buồn cho lắm rồi sanh bịnh bác ạ... 

          Giọng ông già sũng nước mắt: 

          - Tui cũng biết vậy, nhưng tuổi già có người bạn đời bên cạnh đỡ quạnh hiu cô à. Xứ này, ban ngày con cái đi làm hay đi học hết trơn. Mùa đông sợ lạnh, sợ tuyết không dám ra ngoài. Tối ngày lúc thúc trong nhà tù túng hết sức!  Hồi trước còn có bả để nói chuyện nọ chuyện kia. Bây giờ cu ky một mình 

          ...Ông Phan lắc lắc cái đầu bạc trắng, không nói tiếp được, khiến Kim cảm thấy bồi hồi vô tả! Nàng biết đàn bà sống cảnh góa bụa dễ hơn đàn ông. Các bà có thể tìm thú vui trong chuyện bếp núc, trong việc giữ cháu cho con cái đi làm. Các bà có thể gọi nhau để tâm sự hàng giờ qua đìện thoại. Ngoài ra đi "shop" cũng là một nguồn vui bất tận của các bà! 

          Đang nói chuyện thì một anh tây trắng lừng lững đi vào. Kim kín đáo nhăn mặt với ông Phan. Ông cụ chắc cũng khiếp đảm khi nhìn thắy một nhân vật người không ra người, ngợm không ra ngợm, mùi hôi từ người hắn xông ra...điếc mũi luôn, nên lật đật lui ra phòng đợi. 

          Jacques Gagné mới ngoài ba mươi mà già xọm như đã sáu mươi. Hắn cao lêu nghêu, đầu tóc rũ rượi như cả đời chưa bao giờ biết trên cõi đời này có một thứ mang tên là cái lược! Quần áo xốc xếch, cặp mắt lúc nào cũng lờ đờ vì thuốc. Kim hỏi: 

          - Bữa nay anh muốn gì? 

          Jacques cất giọng lè nhè: 

          - Muốn thuốc ngủ. Hai bữa rồi tôi thức trắng đêm. 

          Kim hỏi tiếp, dĩ nhiên vì tò mò: 

          - Ban ngày anh làm gì mà đêm không ngủ được? 

          Jacques khoát tay: 

          - Chẳng làm gì hết.Tôi xem T.V. 

          Kim nhắc:- Và uống bia.  

          Hắn cố nhướng cặp mắt lờ đờ nhìn Kim phân trần: 

          - Đâu có bao nhiêu. Mỗi ngày có một két mười hai chai thôi mà. 


          Kim lắc đầu chán nản. Nàng đi làm cực nhọc, đóng thuế cho ông nhà nước để ổng nuôi cái đám người vô tích sự như tên Jacques này đây. Họ chẳng đi làm, ở không mãi cũng buồn, đành dùng rượu, bia, thuốc để giải sầu! Riết rồi giống như những xác chết biết đi. Kim muốn tát vô cái mặt phị ra vì rượu và thuốc của hắn vài cái cho đã tức, khi nhớ tới những người dân tội nghiệp trên cái xứ sở còm cõi vì chiến tranh của mình. Họ làm quần quật như trâu bò suốt ngày mà vẫn không đủ ăn. Xứ đã nghèo Trời còn hành tội, gởi xuống đủ thứ tai ương. Hết bão lụt nát tan nhà cửa, tới chuột bọ phá hại mùa màng... Kim lắc lắc cái đầu, cố xua đuổi những tư tưởng hắc ám lẫn giận dữ, đưa tay cầm cái thẻ từ bàn tay dơ bẩn, run lẩy bẩy của Jacques. Sau đó mời hắn ra ngoài cho khuất mắt...Rồi mở ngăn kéo lấy hộp dầu cù là con cọp xức lên mũi chút xíu... 



          ...Kim đang lúi húi xếp hồ sơ vô tủ thì chuông điện thoại reo. Nhận ra giọng chị Mai, Kim hỏi có gì lạ không? Chị Mai phụ trách ban xã hội trong Cộng đồng. Thỉnh thoảng chị phone xin sữa (do mấy viện bào chế biếu Bác sĩ Thanh làm quảng cáo) cho các bà mẹ có lợi tức thấp. Lần này chị rủ Kim đi thăm một thiếu phụ Việt-Nam đang tạm trú trong cơ quan bảo vệ phụ nữ bị hành hung. Chị Mai kể Kim nghe hoàn cảnh đáng thương của mẹ con cô Nga. Cô vượt biên một mình qua Bidong. Gặp cậu Thuận trên đảo. Hai bên cùng bơ vơ nên phải nương tựa lẫn nhau.Sau khi thành hôn, liền làm giấy tờ xin định cư tại Canada. Họ được Québec nhận và về sống tại thành phố Montréal. Cả hai đều mới ngoài hai mươi, sinh lực dồi dào nên "cày" rất hăng. Thuận còn bà mẹ và hai cô em gái ở Việt Nam

Qua Canada được hai năm thì Nga cho ra đời một bé gái kháu khỉnh. Tính nết hiền dịu, không thích đua đòi, nên tiền bạc Thuận muốn gởi về giúp gia đình bao nhiêu Nga không hề thắc mắc. Thuận muốn bảo lãnh gia đình qua, Nga cũng không phản đối...Sóng gió nổi lên ít lâu sau khi mẹ và hai cô em chồng sang đoàn tụ. Bà mẹ thuộc môn phái "Thích-Đủ-Thứ", nên không cần biết con mình là công nhân, làm lè lưỡi mới "bao" nổi trọn gia đình (thằng con mới mở miệng đề nghị kiếm việc làm cho hai cô em đã gặp ngay sự phản đối kịch liệt của bà mẹ thân mến! Bà nói tụi nó mới qua, chưa được "hưởng" cái gì hết đã "bị" lôi cổ đi làm!!!. Bà chê xe hơi gì đã cũ mèm lại chật cứng, T.V. vừa nhỏ màu lại không đẹp! Sao không mua nhà mà ở "áp" chi cho chật chội quá trời quá đất? Thằng con á khẩu luôn, vì giải thích cách nào bả cũng không tin. 

Những đòi hỏi "chính đáng" không được thỏa mãn, bà đâm hận con dâu, cho rằng cô này "thủ" hết tiền của con bà! Bà tung chiến dịch nói xấu, dèm pha đủ điều khiến con trai và con dâu đi đến chổ cãi vã và cuối cùng đánh nhau! Một lần, hai lần...Sau cùng, bên vợ, bên mẹ, anh chồng chịu hết nổi đâm ra quẫn trí, đánh vợ một trận nhừ tử, thừa sống thiếu chết. Lần này sợ quá cô vợ phải kêu cảnh sát. Đến nơi, thấy anh chồng có vẻ không được bình thường, họ chở ngay vào bịnh viện tâm thần và đem Nga với đứa con đến tạm trú nơi cơ quan bảo vệ phụ nữ bị hành hung. Gia đình tan nát!!!...Ác nữa là cô đang mang bầu ba tháng. 

          Từ khi làm ở đây, Kim đã nghe biết bao chuyện đổ vỡ tương tự. Còn những lời than thở trách móc thì vô số. Đại loại như "Phải dè cực khổ vầy tui đâu thèm qua". Kim bật cười chua chát khi nhớ tới thằng cháu của chị bạn thân. Chỉ một tuần sau khi bên đảo mới qua, cu cậu kêu lên một cách kinh ngạc "Cháu tưởng bên này cô sướng như tiên!" Chị bạn từ tốn trả lời "Cô sướng như tiên đó chứ. Nhưng mà tiên mắc đọa cháu ạ!". Nhiều trường hợp ngang chướng hơn " Bảo lãnh tôi qua thì phải nuôi chứ sao. Tội gì đi làm cho cực!" Các bậc cha mẹ thì than thở con cái bên này không có hiếu như lúc ở Việt Nam. Kim tự hỏi không biết sau tám tiếng làm việc cật lực mỗi ngày, chiều về còn cơm nước, con cái. Cuối tuần chợ búa, giặt giũ...trăm thứ hằm bà lằng, các con cụ đào đâu ra thời giờ để đưa các cụ đi đây đi đó? Chao ơi là khó!!!... 


          Kim có một cặp bạn dở khóc dở cười vì ông già. Cả hai dành dụm được số tiền kha khá, tậu một căn nhà khang trang bên Laval, có vườn rộng trồng cây cối mát mẻ. Đón ông gìa qua nhằm mùa đông nên mọi sự êm xuôi. Xuân qua, hè tới, hoa cỏ cây cối tốt tươi. Ông cụ hàng ngày lo chăm sóc khu vườn, vì con và dâu còn lo cày tối tăm mặt mũi để trả tiền bill hàng tháng. Kể ra ông là người rất thức thời, thương con cái. Không hề đòi hỏi gì ngoài hai bữa cơm. Mọi người đều vui vẻ, haiụ lòng... Cho tới một hôm, vừa cơm tối xong bỗng có tiếng bấm chuông. Ông con ra mở cửa, đụng ngay một đấng "bạn dân". Cậu ngạc nhiên hỏi có chuyện chi? Thầy cảnh sát đáp không có gì nghiêm trọng lắm. Chỉ là có người hàng xóm phôn lên sở cảnh sát thưa ông bố cậu, giữa thanh thiên bạch nhựt đã vén quần "tưới cây" ngoài vườn! Bữa nay thầy tới để cảnh cáo, nếu tái phạm sẽ bị lôi ra ba tòa quan lớn và sẽ bị phạt về tội "khoe của"! Lúc nghe cậu con trai báo cáo lại những lời đe dọa của thầy đội, ông già bèn nổi nóng phán rằng " Cả đời tao ở cái xứ Việt-Nam, ngay dưới chế độ gông cùm của Cộng sản, chưa ai cấm tao đái trong vườn nhà tao. Qua đây, nghe nói là xứ tự do, vậy mà trong vườn của mình, mình cũng không được phép đái!. Vậy tự do ở cái chỗ nào bây nói tao nghe coi?" 

          Sau đó ông già nhất định khăn gói quả mướp về lại xứ Việt-Nam thân yêu. Con cái năn nỉ cách nào cũng không được, đành để cụ về quê hưởng cái thú "tưới cây" ngoài vườn cho thoải mái! Thiệt tình cái ông già Ba Tri!.. 


          Kim vội chào chị Mai rồi cúp phôn vì có một cô đầm non bước vào. Nàng thấy ngay cô nhỏ không được bình thường. Phía trên chiếc quần thun đen bó sát người là chiếc aó không tay, ngắn cũn cỡn, để hở rốn có xỏ một chiếc vòng nhỏ xíu bằng bạc. Cánh tay xâm hình trái tim đỏ chót với mũi tên xuyên qua. Tóc đỏ màu cà rốt, môi đánh son tím thẫm và cặp mắt tô đen lờ đờ như thiếu ngủ. Đang vắng khách nên cô nhỏ vào ngay. Kim đang suy nghĩ coi cuối tuần này sẽ làm món gì cho cả nhà ăn, thì nghe có tiếng cãi cọ từ trong phòng khám bịnh vọng ra. Kim đã đoán trước sẽ có vấn đề nên không làm hồ sơ ngay. Nhờ làm lâu ngày nên bệnh nào thật, bệnh nào giả Kim phân biệt dễ dàng. Nếu nghi, không làm hồ sơ vì trước sau gì Bác sĩ Thanh cũng sẽ xé bỏ và mời con bệnh... giả đi kiếm thày lang khác cho tiện việc sổ sách! Một tiếng rầm vang lên làm Kim giậỉt nẩy mình,vội đứng lên chạy ra ngoài coi có chuyện gì. Cô đầm non đang hùng hổ đi ra, gặp Kim thì sủa liền: 

          - Tại sao tui cần thuốc mà ổng hổng cho? Vô lý! 

          Kim chưa kịp mở miệng thì cô ta đã đùng đùng mở cửa đi ra rồi đóng lại rầm thiếu điều muốn sập nhà! Kim le lưỡi, tay chận ngực cho bớt xúc động. Bác sĩ Thanh bước ra thấy bộ mặt ngơ ngác và ánh mắt dò hỏi của Kim thì lắc đầu, chép miệng: 

          - Con nhỏ muốn thuốc an thần lẫn thuốc ngủ. Vì thằng bồ đi cướp nhà băng bị tù nên thần kinh căng thẳng, cô ta không ngủ được. Tôi từ chối nên có màn Tarzan nổi giận.       Ông chỉ cánh cửa phòng ăn bị thủng một lỗ rồi nói tiếp: 

          - Tội nghiệp cánh cửa vô tội bị đòn oan. Thì ra lúc đi ngang, cô nhỏ trút nỗi bực tức bằng cú đấm lên cánh cửa. Kim lắc đầu chào thua! 



          Đứng xếp hồ sơ vô tủ, lưng quay ra phía cửa. Cửa xịch mở, Kim chưa kịp quay lại, một mùi hương đã thoang thoảng đưa đến. Mùi hương sao mà thân quen. Trong khoảnh khắc nó gợi cho Kim biết bao kỷ niệm êm đềm của thời con gái. Lệ Hồng ngày xửa ngày xưa thích mùi Tabu. Chỉ Tabu, không thay đổi thứ nào khác, nên vô tình nó tạo cho Lệ Hồng một nét đặc biệt giữa đám nữ sinh thuở đó. Lệ Hồng với làn tóc mây, cặp mắt nâu và nụ cười có chiếc răng khểnh, cộng thêm tài làm thơ thần sầu... Ngày đó hai đứa thân nhau như hình với bóng. Cuối tuần cùng đạp xe thong dong trên những con đường rợp bóng mát của Phương Nghĩa hay Phương Hòa. Đôi khi ghé nhà bác Điền mua mía Thanh Diệu, rồi ra ngồi trên chiếc cầu ván bắt ngang con rạch nhỏ sau nhà bác, đong đưa đôi chân trần xuống dòng nước mát rượi, vừa ăn mía vừa cười giỡn như pháo rang. Những trưa hè hai  đứa ngồi trên chiếc võng sau hè nhà Lệ Hồng ăn mít non chấm muối ớt, vừa xuýt xoa vì cay, vừa cười rúc rích khi đọc những bức thơ tỏ tình, tuy lời lẽ còn non nớt nhưng không kém "hương vị" nồng nàn, tha thiết!... Đôi khi hai đứa nằm quay ra hai đầu võng, mắt nhìn lên những mảng trời xanh lốm đốm qua tàn lá, thả hồn lông bông, mơ hồ nghe tiếng ve sầu rỉ rả... Tuổi hoa mộng giờ đã xa tít mù khơi. Nhưng đôi khi, chỉ một mùi hương quen thuộc thoảng qua, một chút âm điệu của một bài hát cũ, hoặc một tiếng chim líu lo đâu đó, cũng kéo về cơ mang nào là kỷ niệm...Bây giờ Kim nơi này và Lệ Hồng còn kẹt lại...Những kỷ niệm thân thương khiến Kim thẩn thờ cho đến giờ tan sở. 


Mỗi sáng Tín đưa vợ đến sở rồi mới đi làm. Chiều Kim chờ chồng tới đón. Ngồi trên xe không thấy vợ lăng líu  như thường lệ, Tín ngạc nhiên: 

          - Bữa nay có chuyện bực mình hay sao mà cưng có vẻ trầm tư dữ vậy? 

          Kim nhìn sang chồng cười gượng: 

          -Kỳ ghê anh à. Lúc chiều vừa thỏang thấy một mùi nước hoa cũ, trí óc em đã bay đâu mất tiêu. Đúng là "hương gây mùi nhớ"... 

          Tín trợn mắt: 

          - Ấy ấy, không phải mùi nước hoa cạo râu nào đó chớ bà xã? 

          Kim nguýt chồng: 

          - Nghèo mà ham! Đó là mùi Tabu của Lệ Hồng ngày xưa. Nó gợi em nhớ thuở còn đi học. Nói xong Kim thở dài... 

          Tín tặc lưỡi: 

          - Chà, vợ tui lại nổi máu mơ mộng rồi! Mơ gì thì mơ nhớ đừng quên là giờ này cái bao tử của anh đang kêu réo thảm thiết lắm nghen cưng... 

          Kim hứ một tiếng: 

          - Thiệt phàm phu tục tử hết chỗ nói. Sợ anh luôn!! 

          Tín cười xòa, cho xe quẹo vô sân... 

 

Tiểu Thu


Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Thơ Tranh: Thánh Giá


Thơ: Bằng Bùi Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Chay


Con ngồi dự lễ chiều nay
Lòng con như muốn ngồi ngay gần Ngài
Để dâng lên tiếng thở dài
Để dâng lên những miệt mài lo âu
Có khi thức cả đêm thâu
Con đau với mấy vết khâu chưa lành
Cố quên nhưng vẫn không thành
Tĩnh tâm cầu nguyện ...cũng đành bó tay
Bây giờ nhân dịp mùa chay
Cho con chia sẻ đắng cay cùng Ngài
Năm xưa Chúa thức đêm dài
Một mình cầu nguyện chờ ngày hy sinh
Cuối đời thoát khỏi điêu linh
Mang cho nhân loại bình minh sáng ngời
Chúa ơi xin nhậm một lời
Đưa con qua khỏi rã rời héo hon
Để con như chú cừu non
Trở về bên Chúa qua cơn khổ sầu
Chúa ơi ban phép nhiệm mầu
Cho con được mãi theo hầu bên Cha
Từ nay con hết bê tha
Từ nay thôi hết kêu ca phàn nàn
Mùa chay lòng được rộn ràng
Mùa chay con thấy Thiên Đàng có Cha

Thế Thôi( Đỗ Hữu Tài)
Mon Mar 06, 2006  

Ba Bài Ước Vọng

 

Lễ Lá

Lễ lá bẩy lăm, Bình Triệu cầu
Mênh mông gió thoảng quyện hương cau
Nhẹ nhàng lần chuỗi mân côi nhỏ
Khe khẽ buồn vương tiếng nguyện cầu
Súng vọng xa xăm giông bão nổi
Phục sinh kề cận lại lìa nhau
Ước mong ân sủng thôi ngăn cách
Một sớm thiên di vạn dặm sầu!

Vọng  Cầu

Một sớm thiên di vạn dặm sầu
Chồng thư gởi lại xót lòng nhau
Mẹ già hoen lệ bên hàng dậu
Người sững hồn siêu cạnh luống rau
Đi chẳng chia tay ngày lễ lá
Về phôn không gọi báo tin mau
Bao giờ gặp lại em yêu dấu?
Cải tạo buồn hiu tiếng niệm cầu! 

Phục sinh

Cải tạo buồn hiu tiếng niệm cầu
Luôn tay cày cuốc sẽ về mau
Năm năm nghiêng đất thành danh hão
Nửa kiếp thương đau vạn tủi sầu
Trâu chậm nước dơ bùn vẩn đục
Cọp nhanh đường phẳng bước công hầu
Gặp nơi xứ lạ đâu hay biết
Bèo nước vô tình, chẳng thấy nhau!

Mars21
Lộc Bắc

Hà Thành Dấu Ấn

 

(Ý t mt tm hình H Gươm)

Toàn cnh nom kia ch nht mờ,
Hà Thành du vy vn trong mơ.
Chn ghi du n v văn hóa,
Nơi ch kinh đô ca cõi bờ.
Lê, Lý rng ngi-Cha Lc Vit,
Nguyn, Trn ta sáng-M Âu Cơ.
Gương soi lch s còn nhiu na…
Trưng, Triu muôn năm mãi kính th !

Thái Huy 
(12/3/21)

Thương

(Ảnh: Nguyễn Thành Tài)

Xướng:

Thương

Thương bậu ưa nhìn thực dễ thương
Thương vì đôi má phính mầu hường
Thương lời khướu hót vang muôn hướng
Thương giọng oanh ca dậy vạn phương
Thương dáng thanh tao bao kẻ tưởng ,
Thương hình yểu điệu lắm người vương ...
Thương em hấp dẫn không sao cưỡng!
Thương kính như tân há phải thường!


Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Họa:

Thương...

Thương ai, ai gởi nhớ về thương
Thương đã vì ai tặng đóa hường
Thương chốn chương đài xa mấy trượng
Thương nơi đất khách bạt ngàn phương
Thương người nhân nghĩa luôn chiêm ngưỡng
Thương kẻ đa tình mãi vấn vương
Thương phận lưu vong đà mất hướng
Thương đời bạc bẽo cõi vô thường.

Nguyễn Thành Tài


Trộm Nhìn


Đôi khi trộm nhìn em
Xem dung nhan đó bây giờ ra sao.
Em có còn đôi má đào như ngày nào?(*)

Vừa bước vào nhà, nàng đã nghe giọng “lảnh lót” của chàng.

Không biết từ lúc nào chàng cứ rên rỉ, ngâm nga những lời hát tình tứ đó. Nếu từ trước đến nay chàng vẫn thế thì chẳng có gì để nàng thắc mắc. Nhưng chàng vốn là người chẳng thích âm nhạc. Mở TV lên, chàng chỉ chăm chú vào mục tin tức hoặc thể thao. Nếu chương trình chuyển sang mục hát hò là chàng đứng dậy, đi làm việc khác. Vậy mà mấy ngày nay… Sự thay đổi này làm nàng thấy lạ, có hơi ngờ ngợ, và bây giờ thì… có hơi ngờ vực. Nàng gọi chị Cả kể lể. Vừa dứt lời, một tràng khuyến cáo nổi lên, làm nàng thấy nỗi nghi ngờ của mình không còn “ảo” nữa, mà là “thật”.

-Coi chừng nha, thời buổi bây giờ, anh trai mây, em gái mưa, kết nghĩa rào rào trên facebook, trên Iphone. Nhờ kỹ thuật số cao siêu mà vợ chồng qua mặt nhau bằng những lý do rất hợp lý, nào là phải tôn trọng sự riêng tư, phải tin tưởng nhau tuyệt đối…

Nàng như mất hồn khi nghe thêm tin tức nóng bỏng:

-Nói vậy chứ cũng phải từ từ điều tra, đừng hỏi dồn, hỏi dập. Bị quê, nó trở mặt, nện cho một trận phù mỏ thì đừng đổ thừa tại tao. Hổm rày, tin tức loan báo nạn bạo hành trong gia đình tăng vọt. Cơn đại dịch này làm mọi người bị nhốt cứng trong nhà, nên mấy “thằng chồng” hay nổi điên bất tử.

-Em cần anh giúp gì không?

Một bất ngờ khác!. Có bao giờ chàng “ga lăng” và siêng năng như thế đâu. Nàng chưa kịp cảm động thì đầu óc lại nhanh chóng liên tưởng đến câu nói của bạn “Khi ông chồng bỗng nhiên ngọt ngào, nhỏ nhẹ thì phải đề cao cảnh giác. Có thể, chàng đang ‘ăn vụng’ và mặc cảm tội lỗi làm chàng cảm thấy phải đền bù cho vợ. Hoặc là, khi có tình cảm mới, lòng phơi phới yêu đời, người ta rất dễ tử tế với người chung quanh”.

-Em… có nghe anh hỏi không?
Nàng giật mình, nhìn quanh tìm kiếm.
-À!…anh… anh lặt giá dùm em.

Dứt lời, nàng chợt nhớ câu chàng thường nói “để vậy ăn được rồi, lặt chi cho mất thời giờ”. Nàng chờ tiếng cằn nhằn. Nhưng không, chàng vui vẻ đổ mớ giá ra rổ, tiếng hát lại bật ra “đôi khi trộm nhìn em…”. Em? Em nào đây? Nàng muốn hỏi chàng câu hỏi ấy với tất cả nỗi bực bội trong lòng, nhưng nhớ đến hai chữ bạo hành, đành trút nỗi ấm ức xuống những nhát dao đang bụp con cá chưa kịp rã đông.

Cuối cùng thì quyển album cũng hoàn tất. Không biết nàng sẽ vui hay buồn, thích hay không thích những bức ảnh mà chàng đã chụp lén, sau rất nhiều ngày chàng ngồi trước TV, nhưng ánh mắt lại hướng sang căn bếp, nơi nàng lui cui làm đủ thứ việc. Có ở nhà một thời gian dài như thế này chàng mới nhìn rõ sự vất vả của vợ. Một hôm, anh bạn đồng nghiệp điện thoại thăm và nói “Sao ông nào cũng than buồn, than chán, rồi đâm ra cau có, gắt gỏng. Hãy nghĩ đến những người đang nhiễm bệnh để thấy rằng mình quá may mắn. Rồi ở nhà, thay vì lê lết trên sofa suốt ngày với phim ảnh, ta hãy tham gia các trò chơi với con cái, hay vào bếp phụ vợ, dọn dẹp, sửa sang nhà cửa để cảm nhận được sự đầm ấm của gia đình mà lâu nay vì chúi đầu vào công việc, chẳng bao giờ mình để tâm đến. Ông thử nhìn trộm vợ một ngày, thì ông sẽ thấy…..

-Thấy cái gì?

-Thấy cái mà ông nhìn đó. Ha! Ha!!! Chắc ông đang cho là tôi nhảm nhí. Nhưng sẽ không nhảm nhí chút nào, nếu ông khám phá ra nhiều điều thú vị như câu hát “Đôi khi trộm nhìn em…..”
Vậy là chàng bắt đầu trộm nhìn để bắt gặp một khuôn mặt rất quen mà lại rất lạ khi nàng chăm chút công việc nội trợ. Có lúc thong thả, có lúc vội vàng. Có lúc căng thẳng, bức bối, có lúc lại tươi tắn, nhẫn nại. Bàn tay nàng hoạt động không ngừng, cả cơ thể chuyển động, lúc sang trái, lúc sang phải một cách nhanh nhẹn … Rồi giọng nói, lúc nhẹ nhàng, dịu ngọt, lúc gắt gỏng, giận dữ, khi những thằng nhóc con tíu tít đùa giỡn, hoặc cãi cọ hung hăng.

Tất cả những gì nhìn thấy đã cho chàng biết, vì sao mình và các con có được cuộc sống an lành với những bữa cơm nóng sốt trong căn nhà sạch sẽ, ngăn nắp. Những điều mà trước kia chàng không mấy quan tâm và chẳng hề ước lượng được bao nhiêu khó nhọc trong những việc không tên mà người vợ thân yêu đã âm thầm gánh vác.

-Trời ơi! sao anh chụp chi những tấm ảnh xấu hoắc vậy? Phải báo trước để người ta ăn mặc tươm tất, tươi cười vui vẻ chứ. Coi nè! tấm này đang vận công để chặt thịt, tấm này nhăn nhó như khỉ, vì đang nếm canh chua… chua quá! Còn mấy tấm kia nữa. Sao cứ nhè lúc em xấu nhất mà chụp vậy? Em không thích chút nào.

-Nhưng anh rất thích, vì nó đẹp ở một góc cạnh khác. Chính góc cạnh em cho là xấu, đã cho anh và các con một mái gia đình thật ấm êm, hạnh phúc. Em có biết là anh đã “trộm nhìn em” bao nhiêu ngày mới có được từng đó bức ảnh không?

À! Thì ra… “Em” chính là nàng. Vậy mà….

Cám ơn anh. Nàng nói rất thầm và từ bây giờ nàng tin rằng, dù đôi má đào không còn hồng như ngày xưa, nhưng nàng vẫn giữ được trái tim chàng. Trái tim nồng ấm biết trọng tình, trọng nghĩa.



Ngân Bình
(*) Trộm Nhìn Nhau - Nhạc Trầm Tử Thiêng