Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

Tình Xuân - Nhạc Sĩ Lê Đức Long - Ca Sĩ Vũ Khanh

      "Chiều mưa nơi xứ người anh ngồi một mình nhớ em, nhớ con đường xưa ta gặp nhau, buồi chiều gặp mưa anh đã che mưa cho em và ước mong rằng anh sẽ che cả đời em,! định mệnh đã làm chúng mình xa nhau, anh đi xứ người, em ở lại,mỗi người một ng"...
      Nội dung bài hát với ca từ giản dị mộc mạc có pha chút dí dỏm cùng giai điệu nhẹ nhàng, làm cho người nghe rất dễ cảm nhận và yêu thích...


Sáng Tác: Lê Đức Long
Ca Sĩ: Vũ Khanh
Trình Bày: Nguyễn Thế Bình

Tìm Hiểu Về Tết Nguyên Tiêu

       (Ở Đài Loan)
      Ở Trung Hoa và Đài Loan hiện nay, Tết Nguyên Tiêu (rằm tháng giêng, đêm rằm đầu tiên của năm mới) được coi là ngày lễ thiêng liêng nhất đầu năm mới và còn được gọi là "Lễ hội đèn hoa" hoặc "Hội hoa đăng", có thể bắt nguồn từ tục cúng tế thời Hán Vũ Đế , với tập tục trưng đèn trên cây nêu trước cửa nhà, đốt đèn, chơi lồng đèn ngũ sắc, có thể kéo từ 13 đến 17 tháng giêng. Được yêu chuộng là những lồng đèn có hình thù rồng, phượng,12 con giáp hoặc những nhân vật cổ trong truyền thuyết, cổ tích. Ngoài ra còn những tập tục khác như: cúng tế cầu an cầu phước, ăn bánh trôi (gọi là "thang viên" - viên tròn trong nước), thi đoán hình thù trên lồng đèn, ngâm thơ. Người Đài Loan còn ghi những câu ước nguyện của mình vào đèn lồng và thả bay lên trời. Nhiều người còn coi đây là mùa Valentine Phương Đông, tương tự như lễ Thất Tịch. Thơ Đường xưa đã viết: Nguyên tiêu chi dạ hoa lộng nguyệt, mùa trăng tròn lung linh sắc màu hoa đăng rực rỡ cũng là dịp Ngưu Lang Chức Nữ hiện đại gặp gỡ se duyên.
       Ở Philippines, có lễ hội diễu hành truyền thống vào ngày rằm tháng giêng, đánh dấu khởi đầu năm mới.

Nguồn Gốc & Truyền Thuyết Về Tết Nguyên Tiêu

       Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng. Chính vì thế, có nơi gọi Tết Nguyên Tiêu là Lễ hội lồng đèn hay hội hoa đăng.
       Ngày nay ở nhiều thành phố có người gốc Hoa sinh sống đều có tổ chức Tết Nguyên Tiêu long trọng. Ở Hội quán Phúc Kiến (đường Trần Phú, Phường Minh An, thành phố Hội An, Quảng Nam) là một ví dụ. Tại sông Hoài – Hội An, tối 14 âm lịch hàng tháng cũng đều tổ chức thả đèn hoa đăng cầu may.
       Theo sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà vua hội họp các Ông Trạng để thết tiệc và mời vào Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ.

(Ở Indonesia)
       Truyền thuyết thứ nhất kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa có một con thiên nga từ trên thiên đình bay xuống hạ giới đã bị một người thợ săn bắn chết. Để trả thù cho con thiên nga, Ngọc Hoàng đã sai một đội quân Thiên đình đúng ngày 15 tháng 1 xuống hỏa thiêu toàn bộ con người và động vật dưới hạ giới. Rất may cho loài người là có một số vị thần trên Thiên đình không đồng ý với quyết định có phần hơi nặng tay của Ngọc Hoàng. Họ đã liều mình xuống hạ giới để hiến kế cho chúng sinh. Thế là vào ngày đó, nhà nhà treo đèn lồng và bắn pháo hoa để trên Thiên đình tưởng rằng nhà cửa của họ đã bị phóng hoả. Nhờ đó mà loài người mới thoát khỏi cảnh diệt vong".

       Truyền thuyết thứ hai kể rằng: "Vào thời Hán Vũ Đế, có một cô gái trẻ tên là Yuanxiao sống trong cung bị cấm về thăm cha mẹ vào ngày 15 tháng 1 đã có ý định lao xuống giếng để tự vẫn. Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của cô gái, một vị quan cận thần có tên là Dongfang Shuo đã nghĩ ra một kế để giúp cô. Ông tâu với Hán Vũ Đế rằng, ngày 16 tháng 1, Thiên dình sẽ sai Hỏa thần xuống thiêu rụi Kinh thành. Để tránh tai họa đó, mọi người phải treo đèn lồng trước cửa nhà mình và ngoài đường vào ngày 15. Theo lệnh của Hán Vũ Đế, ngày đó mọi nhà đều treo đèn lồng, nhân lúc mọi người đang mải ngắm những chiếc đèn xinh xắn đó, cô gái trẻ đã trốn về nhà thăm cha mẹ mà không hề ai biết".
       Có truyền thuyết cho rằng, Tết Nguyên Tiêu bắt nguồn từ việc đồng áng. Vào dịp rằm tháng giêng, bà con nông dân khẩn trương chuẩn bị cho công việc đồng áng, nên tối ngày 15/1 âm lịch là thời điểm ra đồng ruộng tập trung cỏ khô, lá khô, châm lửa tiêu hủy sâu bọ.

       Một số ý kiến khác cho rằng Rằm tháng Giêng bắt nguồn từ hoạt động của Phật giáo. Vào ngày này, chư Tăng tập trung đông đủ để nghe Phật thuyết Pháp. Bởi vậy, những người theo đạo Phật dùng ngày này để tưởng nhớ đến đức Phật. 
 
Rằm Tháng Giêng với Dân Việt


1 - Ăn Tết Lại
      Ngót hai thế kỷ nay, ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là ở nội và ngoại thành Hà Nội, có tập tục “Ăn Tết Lại”. Ra giêng (trước hay sau rằm), người ta gói tiếp đợt bánh chưng khác để chờ người thân chưa kịp về dịp Tết, để mời khách đột xuất và cũng là để gia đình ăn Tết lại.
Đây là một biểu tượng văn hóa được kết lại từ hiện tượng có thực xảy ra cách đây trên hai thế kỷ: sự kiện vua Quang Trung cho quân tướng của mình ăn Tết Kỷ Dậu (1789) trước khi tiến quân ra Bắc đánh đuổi giặc Thanh, và sự kiện dân thành Thăng Long chạy loạn giặc Thanh, sau đó trở lại kinh thành, ổn định cuộc sống, tổ chức ăn mừng chiến thắng. 
      Theo Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái, trước khi tiến đánh Thăng Long, vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở đền Tam Điệp. Hôm đó là ngày 30 Tết (25/1/1789) Kỷ Dậu. Rồi nhà vua bảo kín với các tướng rằng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ ăn Tết Nguyên Đán trước đã. Hẹn đến năm mới, mồng 7, thì vào thành Thăng Long, sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lời ta xem có đúng không?” Nhưng chỉ đến ngày mồng 5 Tết, vua Quang Trung đã tiến quân vào kinh đô.
Lại nói, trước đó, dân thành Thăng Long đã chuẩn bị ăn Tết với đầy đủ các thứ vật phẩm. Nhưng do phải chạy giặc Thanh, họ chỉ đem được rất ít, còn bánh chưng, phần lớn phải vứt xuống ao. Khi kinh thành được giải phóng, họ trở về và thử vớt bánh lên, thấy vẫn còn thơm ngon. Thì ra, tiết trời lạnh, nước ao lạnh nên bánh không bị hư hỏng. Dân chúng cảm tạ thần linh đã giúp vua Quang Trung tiêu diệt được quân Thanh, cho họ được mở tiệc ăn Tết tại nhà.
Từ đó, ở nhiều nơi, nhiều nhà giữ lại cách thức ngâm bánh chưng xuống ao, xuống giếng nước, sau vớt lên “ăn Tết lại”. Hoặc tiện hơn là gói đợt bánh khác để ăn tới tận rằm tháng giêng, có khi tới tận cuối tháng giêng, gọi là tục “ăn Tết lại”.
      Đó là một sinh hoạt văn hóa, một hành động tưởng niệm người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, người cho quân ăn Tết Kỷ Dậu trước khi chiến đấu giải phóng kinh đô và “ăn Tết lại” sau ngày đại thắng. Và đây cũng trở thành một nét nhân hậu, có trước có sau của tính cách người dân Việt đối với những người thân ở xa.

2 - Lễ Thượng Ngươn (Thượng Nguyên)

      Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Đây là ba rằm lớn đối với tín ngưỡng người Việt.
Rằm Tháng Giêng ở Việt Nam khác hẳn điển tích nguyên thủy của Trung Hoa, mà nhập vào Phật giáo. Dù kinh điển nhà Phật không nói đến ngày rằm Tháng Giêng nhưng trong dân chúng thì đây là dịp lên chùa cúng sao giải hạn, ước nguyện điềm lành.

      Rằm tháng Giêng tuy không phải là lễ quan trọng của Phật giáo so với rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy (Vu lan) nhưng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng. Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

      Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, Rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ngày này đức Phật thông báo giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Lúc đức Phật ở Trúc Lâm tịnh xá (thành phố Ràjagaha), 1250 vị thánh Tăng tự tập trung về ngồi vây quanh đức Phật lắng nghe bài kinh Giải Thoát Giáo.

      Nhìn chung, Tết Nguyên Tiêu ở Việt Nam mang một sắc thái hoàn toàn khác với người Hoa, không chú trọng đến lễ hội vui chơi, đây là lễ tết quan trọng nặng tính tôn giáo, nên ông bà ta có câu:

“Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”
hay
“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.


Huỳnh Hữu Đức
Tổng Hợp và Biên Soạn.

Phía Xa Nhau



Chênh chao nhẹ vội vin cành gảy
Tuyết chạm rơi vung vẩy trên mình
Phủ giăng băng giá đường tình
Còn đâu cái thuở có mình có ta

Lặng đếm tiếng thở ra nuối tiếc
Đêm đông trường gối chiếc chung đôi
Đông nay xám ngắt tim côi
Một mình một bóng buồn thôi là buồn

Da diết nhớ bao khuôn nếp cũ
Thiếu dáng xưa ủ rũ buồn so
Nhớ âm thanh vọng nhỏ to
Nhớ sao là nhớ nào co nỗi buồn

Đã bao lần thấy tuôn dòng lệ
Tâm vô tình mặc kệ cho qua
Nào ngờ giọt đọng thôi sa
Khối sầu năm tháng chia xa nụ cười

Trong thinh lặng đôi người đôi ngã
Hoa tuyết rơi lã chả trắng phau
Ta đi về phía xa nhau
Cô đơn buốt giá lòng đau ngút ngàn

Vanessa Le

Hoa Đào



 

Đào hồng Xuân thắm nhánh la đà
Lộng lẫy cợt cười ghẹo lão gia
Vẫn biết đẹp xinh dành tuổi trẻ
Vì ta phơi phới đẹp lòng già 


Mailoc
Cali mùng Ba Tết Xuân Giáp Ngọ - Ảnh phụ bản của Tác giả

Thơ Tranh: Giọt Đắng

Uống cà phê như một thói quen dễ thương. Nhấp từng giọt đắng nhớ người thuở xưa....

Thơ và Trình Bày: Suối Dâu

Gợi Lại Khúc Đoạn Trường



Hoa hương bất cập thư hương viễn
Thế đạo vô như đạo vị trường


Dịch:
Hoa thơm thơm cả mạn rừng
Cũng chưa bát ngát lẫy lừng bao nhiêu
Sách này ý vị cao siêu
Trăm bài tóm lược Truyện Kiều như y


* * *

Đoá Hoa Thơm, Đẹp

Thuỳ vị hoa hề, hương hữu sắc
Hữu hoa vô sắc, sắc vô hương
Mạc oán hựu hương vô hữu sắc
Hựu hoa vô sắc, sắc vô hương


Dịch:


Hoa mà có đẹp chẳng thơm đâu
Vừa đẹp vừa thơm dễ thấy đâu
Nếu thấy có thơm mà lại đẹp
Ngàn vàng hồ dễ kiếm tìm đâu


* * * 

Vịnh Gợi Lại Khúc Đoạn Trường


Hát Ả Đào:
Mưỡu:
Rằng hay thì thật là hay
Phẩm này đọ lại phẩm này cho ngang
Chút riêng chọn đá gởi vàng

Hát nói:
Cơ trời dâu bể
Khúc đoạn trường đem kể lại thanh tao
Cuộc trăm năm rầy ước lại mai ao
Chữ tình, hiếu làm sao cho trọn vẹn
Nhất phiến tài tình thiên cổ hận
Bách niên tồn tại lưỡng tân thanh
Chót đa mang vào một chút tài tình
Cũng vì thế, để trời xanh ghen ghét mãi
Truyện Kiều cũ đời xưa đem hoạ lại
Chữ Mạnh tài khôn dại cũng là chung
Trăm năm vẫn cứ đèo bồng


Hoàng Cúc Trần Thị Loan
Giải văn học Victoria 2005

Thứ Sáu, 7 tháng 2, 2014

Mồng Ba Bạn Bé Bên Bạn Bá - Xã An Phú Thuận - Đồng Tháp

(Bên trái là chủ nhân Bá, bên phải ông Bé) 

       Khoảng 25 Chạp, Bá, Bé và tui cùng nhâm nhi cà phê, cả ba là bạn cùng chung lớp trong khóa học Kỷ Thuật Truyền Thông hơn năm rưởi. Bá bàn:
       -  Hai đứa mầy mồng Ba xuống nhà tao chơi!
       Tôi đồng ý còn Bé thì gật gật, vậy là xong, chia tay, thằng Bé về xã An Phú Thuận ở tỉnh Đồng Tháp còn tôi về nhà, vừa đi vừa nghĩ, mồng Ba hai ông rễ về viếng ông bà tôi cùng các cháu ngoại, lại cúng Tất, ôi lỡ hứa rồi thì thôi vậy, bởi tánh hay quên lãng nhách hóa ra mình bị bối rối…
      Sáng mồng Ba điện thoại réo:
      - Ê chừng nào tao xuống mầy đi xông nhà thằng Bá.
      - Tám giờ sáng mầy xuống.
      Hơn tám rưởi nó xuống mà tôi vẫn chưa chuẩn bị xong vì bệnh cảm sốt, đau lưng, bạn đến rồi, hứa thì cũng hứa rồi, thôi thì đi..Áo trong, áo ngoài rồi áo khoác ba lớp cả thảy dù trời không mây, nắng không gắt lắm.
      Bé hỏi tôi:Mầy còn nhớ đường vào nhà nó không, tao quên rồi.
     Tao cũng không nhớ nữa thôi thì đi gần tới mình hỏi thăm vậy!
     Đúng là trên đường đi, Bé nó hỏi thăm và hai đứa tui đến đúng nơi, trông tên chủ nhà Bá đứng một bên đường cười tủm tỉm, à mình đến mình vui mà chủ cũng vui không kém có khi còn hơn nữa, vì ai cũng quý bạn mặc kệ đường xa, mặc kệ cái lưng cảnh báo đau tức từng cơn khi xe qua đường vồng…

(Ba thằng cùng tuổi nhưng không ngụ cùng nơi)  
 
     Sau khoảng trà, Bé đề nghị: Tụi mình ra sau vườn đi.
     Gia chủ đồng ý đưa hai đứa tui đi dạo cơ ngơi sầu riêng, mùa này Bá nó lặt trụi lũi bông để dành mùa nghịch cho ra bông, bán trái thâu tiền được cao lại chắc. Vừa thong thả tản bộ dưới những táng cây sầu riêng vừa tám đủ chuyện, từ trồng cây đến bạn bè rồi cả những thương lái mùa này lời lổ ra sao…
      Khi vào nhà thì thấy bàn tròn bên trái đã dọn sẵn, lần này tui được thưởng thức gà vườn chứ không phải gà đi bộ đâu nghen..Trong bàn chỉ có ba đứa. 
      Bé nói: Mầy kêu mấy đứa con mầy lên ăn cho vui.
      Bá bảo: Được rồi. 
      Tôi bồi thêm: Mầy kêu thêm cho vui chứ có ba thằng già thiếu trẻ đâu vui, 
      Như vậy bàn chúng tôi được thêm con rễ của bạn.
      Thằng Bé khơi màu sau khi có vài lần "Dô", à quên tên chủ nhà chỉ uống trà đá vì mất pha uống rượu 
      - Nè Bá tao thấy bên hông nhà cả chục cây len, mà cây nào cũng mòn đến mấu cán tra, ai đâu mà đào đất dữ vậy.
      Tên chủ nhà Bá ưỡn ngực lên, mặc dầu gần bảy chục ráng ưỡn mà lưng vẫn thấy hình con tôm luộc: Hai công rưởi ao cá tao đào chứ ai.
      - Còn hơn ba mẫu vườn sầu riêng ai đào hỏng lẽ mầy đào.
      - Tao đào chứ ai.
      - vậy chứ cả vườn sầu riêng hỏng lẽ…
      - Tao trồng chứ ai.
      - Còn hai dãy chuồng heo hỏng lẽ…
      - Tao xây chứ ai…Ê còn cả chục chai rượu mạnh trong tủ…Tao uống chứ ai…
      Đến đây thì thằng Bé đang nhai giò gà chợt hóc nguyên xương chân gà, trợn đôi con mắt già trắng xác, phun mạnh nguyên chân gà vào bản mặt của tui nghe cái bạch, nhờ vậy mà hai con mắt của tui đang lòi ra khi nghe công việc nào cũng"Tao đào chớ ai" bỗng thụt vào rồi an vị nơi xưa…


      (Ngồi bên phải Bá chủ nhà- lão già khó ưa)
      Sáng mồng Ba tết năm nay, Bé ở An phú Thuận cùng tôi viếng nhà bạn Bá, sau khi dùng trà, tên Bé gợi ý.
      - Ê mầy dẫn tao xem vườn với, hai thằng te te ra vườn tôi tà tà theo sau, vào nhà tôi nói 
      - Tết thăm mầy tụi tao kiếu về.
      Bá nó nói:Về sao được mậy, phải ăn rồi mới về được. 
      Bàn được dọn phía bên trái nhà, gồm Bá, Bé, Phú, con rễ - được tứ tấn tài bốn trự, vừa nhậu vừa chuyện. 
     Bé hỏi thăm: Bốn mươi công lớp heo, hai công rưỡi ao cá, vườn sầu riêng bao la ngay hàng thẳng lối rồi gà rồi kiểng mầy làm sao mà hay vậy. 
     Thằng Bá ưỡn ngực mà lưng còn hơi cong cong nói liền tù tì:
     - Ao tao đào, chuồng heo tao xây, liếp tao đào, cây sầu riêng tao trồng, phân...
     Thằng Bé vừa nghe vừa nhai đang bị hóc tôi chỉ nghe đến chử phân cái chân gà trong cổ thằng Bé bay vào măt tui cái bịt, con mắt tôi đang lòi ra khi nghe kể, nhờ chân gà đập mặt mà hai con mắt thụ vô trở lại. 
      Tôi nói: Nhờ chân gà hóc này, xin bỏ túi quần đem về nhà tối vô mùng nhắm nháp chơi, nhờ đi chơi xuân mồng ba năm "Giáp Ngọ".

 Mồng Ba Giáp Ngựa
Trương Văn Phú

      
              Một vài hình ảnh Mồng Ba Bạn Bé Bên Bạn Bá

Đường đi đến Nhà Bá
Ao cá nhìn từ phía Đông
Ao cá hai công rưởi, sau bảy tháng kéo lên bỏ tiền vào túi áo khỉ
Bên chiếc cầu, các ghe đang nghỉ tết
Giàn bầu soi bóng
 Một cánh hoa bạch mai
 
hoa mua có hầu hết ở nông thôn, đẹp
 Trồng Salad
Hoa sầu riêng rơi trên mặt có dưới chân cội cây
Hoa sầu riêng
Nụ hoa sầu riêng trên cành

Thơ Tranh: Tan Giấc Mơ Xuân


Trích Thơ: Lê Kim Hiệp
Trình Bày: Kim Oanh


Mai Trước Ngõ


Mai trước ngõ phơi cành nín nụ
Xuân về rồi, vẫn ngụ vườn xuân
Hờn vì ai cất thời con gái
Từ cuối mùa ve trổi tiếng ngân

Tuổi bâng khuâng xếp vào lưu bút
Tình bướm hoa ươm ngát mộng đời
Trang giấy ngã vàng thương kỷ niệm
Nhạt phai màu mực tím tình tôi

Mai trước ngõ buồn ngơ ngẩn nhớ
Đêm phơi sương đợi gió ngàn phương
Chở hương xưa của thời yêu dấu
Sưởi ấm ngày xuân lạnh cố hương.

Yên Dạ Thảo



Dốc Xuân




Minh Xuân năm ấy, một mùa xuân
Giang hồ trở gót, tôi một lần
Hội chợ khuông viên Tống Phước Hiệp
Chợt hồn mới hiểu, chợt vào xuân

Đêm xuống mà nghe mây trắng bay
Và hồn bỗng vướng trong bùn lầy
Một chén chè thơm điểm môi thắm
Ngọt hồn năm tháng, ngọt bàn tay

Tôi thành hoạ sĩ vẽ thiệp xuân
Và thành thi sĩ chúc thơ mừng
Chuyển em, nhờ đến người em nhỏ
Chẳng thấy hồi âm chỉ dửng dưng

Dường hoa rộn nở dốc Cầu lầu
Tôi bỗng trở thành một ông câu
Chờ mãi trong giòng sông nước đục
Một mùa xuân động, sóng đã sâu

Minh Xuân năm ấy, đã vào xuân
Xuống dốc, nhà em, đến một lần
Hoa xuân đã đượm mùi hương mới
Mẹ nhắn, cám ơn đừng ghé chân

Tôi về nơi ấy mấy lần xuân
Ngôi trường lặng ngắc nẻo đường trần
Xuân đã tàn theo năm tháng vỡ
Cầu Lầu lên xuống nỗi niềm hoang

Minh Xuân năm ấy, hãy còn xuân
Tôi đi, tôi đến những đường trần
Ai hiểu nỗi buồn trên cánh nhạn
Dù về trang điểm mỗi mùa xuân

Hoài Tử


Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014

Thơ Tranh: Vui Xuân( Khi Chén Rượu)


Thơ: Mailoc
Trình Bày: Kim Oanh


Pleiku


Lạnh như cắt!
Quả đúng như trong sách vở.
Đầu tiên tôi đặt chân xuống Phi Trường Cù Hanh một chiều đầu Xuân 1970. Gió buốt vào tủy xương.
Dư hương của những ngày Tết còn sót lại. Bên cạnh những quần là áo lụa, những tà áo trắng tinh khôi lẫn đậm màu nhà binh. Ăn mặc đẹp, mọi người người đẹp trên những con đường đầy bụi đỏ, mịt mờ sương.
Không như tôi nghĩ! Chỉ có làng Thượng lớn nằm cạnh một Phi Trường ở Cao Nguyên Gia Lai, bởi chữ Pleiku không giống như tiếng Việt. Một sự nhầm lẫn đầy thú vị của người trẻ miệt vườn phương xa.

Dần dà tôi khám phá ra Pleiku là nơi hội tụ của những tâm hồn sôi nổi, phiêu lưu, hiền thục. Tình người đã thay đổi dần cái lạnh Pleiku theo thời gian.
Không riêng tôi, Pleiku luôn ấm áp mỗi chiều đông cho những ai từng đến ở nơi này.
Tôi yêu Pleiku!


Lê Kim Hiệp
Pleiku 1972

Tình Xuân



Thơ em làm điếng hồn anh
Chữ thơ óng mượt lá xanh nõn nà
Môi cười chúm chím nụ hoa
Ngón tay măng búp thả tà áo bay

Xuân gieo cánh én ruộng mây
Đưa tay anh hái nắng cài tóc em
Nhớ em nắng sớm leo thềm
Gió buông tiếng hát, anh tìm vần thương

Chừng như mây gió lạc đường
Hồn anh lang bạt tìm phương hướng về
Biết làm sao khỏi điên mê
Mắt môi, dáng vóc hẹn thề tình Xuân

Phạm Tương Như

31/01/2014

Nàng Xuân - Phạm Tương Như - Mũ Nâu 11



Thơ: Phạm Tương Như
Nhạc nền: Cánh Bướm Vườn Xuân - Vô Thường.
Trình Bày: Mụ Nâu 11



Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Câu Đối: Khắp Nơi Vui Xuân Giáp Ngọ 2014 - Kim Phượng


Câu Đối: Kim Phượng
Trình Bày: Kim Oanh

Thoáng




Xâu suốt mười phương là một thoáng
Hoa khai đâu đợi thuở xuân về

Tình bỏ tình đi ừ cứ đi
Đêm qua say khước lỡ xuân thì
Gió chuốc cành hoa mai thả cánh
Nắng xuân lạnh buốt dáng chim di

Đêm qua mê mệt hồi chuông mỏ
Mỏi mòn truy dấu lối người xưa
Chớm ngày bừng mắt - Ô ! Hàm tiếu
Áo lụa vờn hoa xuyên nắng mai

Trương Văn Phú
* Ảnh của tác giả - Vĩnh Long Xuân Giáp Ngọ 2014

Bé Chúc Tết-Nhạc Sĩ Sông Trà-Xuân Mai Ca-Giáp Ngọ 2014

 Bảo Nhi thương.
Bà Oanh thương lì xì Bé Bảo Nhi món quà Tết 2014
Chúc con Một Năm Mới ngoan với Ông Bà và Ba Mẹ
Học giỏi, luôn dễ thương đáng yêu với tất cả người thân.
Thương con
Bà Oanh
* Bé Bảo Nhi là thế hệ thứ ba của CHS Nguyễn Trường Tộ



Sáng Tác: Sông Trà
Tiếng Hát: Xuân Mai
Trình Bày: Kim Oanh

Mùa Xuân Áo Đỏ Em Về



Cám ơn một chút tình khuya đợi
Qua hết đêm mưa ấm gối chờ
Nhắc chuyện trăm năm về một bến
Gom lại đời nhau để hẹn hò

Em biết hồn tôi không cửa nẻo
Tháng giêng người tới tháng mười đi
Nắm chặt bàn tay không giữ nổi
Một nửa đời nhau có nghĩa gì

Đâu những đường quen xanh đá tảng
Ngập ngừng tháng chạp mưa bâng khuâng
Mùa em áo đỏ về trêu phố
Cây sắp hàng khoe lá mới xanh

Chiều biết chờ nhau, nên đứng đợi
Mùa xuân về hẹn quán tương phùng
Mắt xanh cười vỡ đêm trừ tịch
Rượu chắc say lòng bớt nhớ nhung.

Lâm Hảo Khôi


Thơ Tranh: Xuân Tàn



Thơ & Thơ Tranh: Kim Quang

Bàn Về Vấn Đề Nghiệp Quả

      Khái niệm và niềm tin về Nghiệp đã có mặt trong triết học Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời, nhưng chính Đức Phật đã giảng dạy và hoàn chỉnh học thuyết này!
Vì không hiểu nổi sự khác biệt nhau giữa những con người, một Bà la môn trẻ tên là Subha đã đến gặp đức Phật và nhờ Ngài giải thích nguyên nhân của sự bất tương đồng : nguyên nhân và những điều kiện nào mà loài người, có người ưu, người nhược; người hơn , người kém? Có người sống lâu, có người chết trẻ; có người bệnh yếu, có người khoẻ mạnh,; có người đẹp, người xấu; có người có quyền, có người không có quyền; có người nghèo, có người giàu; có người sanh ra hạ tiện, có người sanh ra cao quý; có người ngu, có người khôn?


Đức Phật đã trả lời rằng: "Tất cả chúng sinh đều là chủ nhân của những hành động của mình, là người thừa hưởng của những hành động của mình, chúng sinh khởi sinh (đầu thai) từ những hành động của mình, chúng sinh đều liên quan với những hành động của mình, có những hành động của mình làm nơi nương tựa cho mình. Đó là hành động (nghiệp) làm cho chúng sinh hơn kém khác nhau".
Vậy Nghiệp là gì?
Nghiệp (Kamma hay Karma) có nghĩa gốc là hành động hay sự làm, việc làm. Trong triết học Phật Giáo, Nghiệp dùng để chỉ những hành động cố ý, hành động có ý chí, bao gồm ý nghĩ (tâm), lời nói (miệng) và việc làm (thân).
Nói chung, tất cả những hành động tốt và xấu đều tạo nghiệp. Hay nói cách khác, nghiệp có nghĩa là những "Hành" hay "Tâm Hành" thiện và bất thiện.
Nghiệp không phải là "số phận" hay "định mệnh" đã định trước và được áp đặt lên chúng ta bởi một thế lực hay đấng siêu nhiên bí mật nào. Nghiệp là những hành động của mọi người tương tác tạo ra những nghiệp quả tương ứng. Và vì vậy, một người có thể thay đổi nghiệp hay tiến trình nghiệp của mình bằng những cách khác nhau. Việc chuyển nghiệp được bao nhiêu, nhiều hay ít, đều do nỗ lục bản thân của mỗi người. Vì vậy, chúng ta đều có một số "ý chí" tự do để mà đổi nghiệp, chuyển nghiệp theo mong ước. Quá khứ sẽ tác động đến tương lai nhưng quá khứ không hoàn toàn quyết định hết tương lai, bởi vì Nghiệp đã bao gồm cả những hành động trong quá khứ và cả tương lai!


Chẳng hạn, trong quá khứ ta đã làm nhiều hành động ác xấu, bất thiện, thì chắc chắn theo luật nhân quả (hay nghiệp quả), ta phải nhận hệ quả xấu trong hiện tại và tương lai. (Hiện tại cũng là tương lai của quá khứ).
Nhưng nếu trong hiện tại và tương lai gần, ta đã hối cải, tu tập và thực hiện những hành động tốt, thì chắc chắn theo quy luật nhân quả, ta sẽ nhận lãnh những hệ quả tốt đẹp trong tương lai gần hoặc tương lai. Thế nhưng, những hành động tốt, thiện hiện tại hay tương lai gần này chưa chắc đã có thể chuyển đổi được hết những nghiệp quả ta đã tạo ra trong quá khứ, bởi vì nghiệp quả của ta bị chi phối bởi cả những hành động ở hiện tại, tương lai và cả ở quá khứ!

Một Hành Động (hay Nghiệp) một khi hay ngay khi đã làm, thì đã hình thành Nghiệp. Nghiệp không thể huỷ ngược hay đảo ngược được. Sự hành động là một tiềm năng của nó, đó là hành động không thể tránh được nghiệp quả. Ngay trong một kiếp thôi, ta có thể làm nhiều việc thiện và bất thiện. Vì thế, chắc chắn ta đã tích luỹ rất nhiều Nghiệp!
Như vậy, tất cả những Nghiệp đó được chứa hay tích tụ ở đâu?
Nghiệp không phải được chứa trong cái Thức thoảng hiện, thoảng mất hay trong chỗ nào của thân này! Nghiệp là một tiềm năng cá thể, có thể được chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác! Nhưng tuỳ thuộc vào Tâm và Thân, nó chọn chỗ và biểu hiện vào khoảnh khắc nào hợp thời nhất. Chẳng hạn, ta không nói những trái xoài được tích chứa ở đâu trong cây xoài, nhưng tuỳ thuộc vào cây xoài chúng nằm mà đơm trái theo đúng mùa.
Tương tự như vậy, lửa không phải được chứa trong diêm quẹt, nhưng dưới tác động ma sát thích hợp diêm quẹt sẽ tạo ra lửa!
Phải chăng ta nhận lãnh một phần nào đó của tất cả Nghiệp ta đã tạo ra?
Quy luật Nghiệp đã chỉ rõ rằng: ta sẽ gặt thứ ta đã gieo trồng! Có nghĩa là, ta gieo nhân nào gặt quả nấy, thì vẫn có một vấn đề được đặt ra: Nghiệp Quả có thể được sửa đổi hay cải tạo! Điều này có nghĩa là quy luật về Nghiệp và Quả không phải hoạt động cứng nhắc như một cỗ máy, mà cho phép sửa đổi, chỉnh sửa hay cải tạo trong khi tạo Quả. Nói cách khác, Nghiệp không phải là số phận hay định mệnh đã an bài; nhưng cũng không phải có nghĩa là ta chỉ phải nhận lãnh một phần nào đó của tất cả nghiệp mà ta đã tạo ra. Ta có thể giải thích điều này bằng hình ảnh trái bi-a: hướng của trái bi-a có thể được thay đổi hoặc thậm chí bị dừng lại nếu một trái bi-a khác được đánh đến để tác động vào nó theo một góc hay lực thích hợp nào đó theo ý của người chơi!



Cũng như bất kỳ sự kiện vật lý nào, tiến trình Tâm kết thành những hành động tạo Nghiệp không phải tồn tại một cách đơn độc. Vì thế, công năng tạo Nghiệp Quả của một Nghiệp không phải chỉ phụ thuộc vào tiềm năng của những Nghiệp khác! Ta có thể tưởng tượng để thấy rằng, một Nghiệp riêng biệt nào đó -dù là thiện hay bất thiện-, đôi lúc có thể được gia trọng hay được tăng mạnh hơn bởi Nghiệp Hỗ Trợ, hoặc có thể bị giảm thuyên hay bị làm yếu đi bởi Nghiệp Cản Trở, hay thậm chí bị tiêu diệt hay xoá sổ bởi Nghiệp Tiêu Diệt. Tiến trình tạo ra Nghiệp Quả cũng có thể bị chậm lại nếu không đủ Duyên, hay những điều kiện để Quả chín muồi. Và sự chậm trễ này có thể lại tạo cơ hội cho các Nghiệp Cản Trở hay Nghiệp Tiêu Diệt hoạt động can thiệp vào nữa!

Bên cạnh những điều kiện bên ngoài hay Ngoại Duyên, thì bản chất tâm linh của Tâm, là nơi khởi sinh các hành hay hành động Tạo Nghiệp, có thể cũng tác động  vào quá trình xảy ra Nghiệp Quả. Người có nhiều đạo đức hoặc phẩm chất tâm linh tốt, thì một tội lỗi gây ra có thể sẽ không dẫn đến nghiệp quả nặng. Ngược lại, đối với những người thiếu phẩm chất đạo đức và phẩm chất tâm linh, thì một tội lỗi của họ có thể tạo nhanh thành nghiệp quả nặng, bởi vì người này không có những đức hạnh và tâm thiện để bảo vệ mình khỏi nghiệp dữ!
Như vậy, Nghiệp Quả có thể sửa đổi, uốn nắn được! Điều này, đã giải phóng con người thoát khỏi sự suy nghĩ hay ám ảnh về một số phận đã an bày hay chủ nghĩa định mệnh. Và vì thế đã mở ra con đường rộng mở giúp cho ta có thể nỗ lực tu tập để chuyển hướng nghiệp hay sửa nghiệp theo hướng tốt lành hơn!

Hiểu về quy luật của Nghiệp, ta càng phải nên cẩn trọng và chú tâm đối với những hành động, ý nghĩ cũng như lời nói của mình nếu ta mong muốn tích luỹ nghiệp lành! Một khi những hành động, ý nghĩ, lời nói được cẩn trọng, ắt hẳn sẽ tiếp tục lập đi, lập lại và càng tích luỹ thêm vể nghiệp lành. Tránh những hành động (tức nghiệp) bất thiện, bỏ những ác hành, tà hành.


Lời khuyên dạy của Đức Phật trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) đã tóm tắt những bài học cần được rút ra bằng hành động sau khi đã hiểu được ý nghĩa của Nghiệp Quả, đó là:
Chớ khinh suất điều ác, nói: "Nó không đến mình"
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Đừng như kẻ ngu dại, tích dần từng "giọt" ác,
đến khi ác đầy mình.
(Bài kệ 121)

Chớ khinh suất điều thiện, nói: "Nó không đến mình"
Ngay cả từng giọt nhỏ, nhỏ lâu cũng đầy bình
Do vậy người có trí, tích cóp từng "giọt" thiện,
đến khi thiện đầy bình.
(Bài kệ 212)


27/1/2014
Hà Nguyên

Xuân Đã Quay Về


Nửa đêm về sáng mưa bay
Nằm nghe tiếng dế than dài nỉ non
Bâng khuâng chớm nhẹ vào hồn
Giọt mưa như những giọt buồn đắng cay.

Bên ngoài gió cuốn lạc loài
Bên trong mong bóng nắng dài hoàng hôn
Mưa đêm xé bóng chiều hôm
Mưa về bảng lảng hoa thơm kiếm tìm.

Mơ về xa vắng con tim
Nằm im nghe mõi cánh chim từng ngày
Xòe tay che vết thương đầy
Đời trai hứng chịu đọa đày dĩ nhiên.

Trăm năm một kiếp ưu phiền
Bạn cùng tôi bước về miền khổ đau
Tuổi hồn nhiên cũ còn đâu
Trầm luân một kiếp bể sầu thênh thang.

Nắng lên ngày mới vừa sang
Tiếng ai nhịp bước lan man bên hè
Mùa Xuân nay đã quay về
Mà nghe tâm trạng lê thê nỗi buồn.

Dương Hồng Thủy


Một Nét Xuân


 
Dịu dàng trông nắng trải ngoài hiên
Thanh thản lòng vui gạt nỗi phiền
Chúm chím hồng nhung chào trước ngõ
Vàng ươm mai thắm nụ đầu tiên

Lan huệ tinh tươm xòe đón tết
Bay in lên áo trẻ ngoan hiền
Mớ ba, mớ bảy hàng chen chợ
Tươi rói mắt cười nở nét duyên

Đầy đặn ông bà mâm ngũ quả
Khói hương vương vấn nghĩa xa gần
Trăm thương nghìn nhớ tình đông lạnh
Rạng rỡ trong ngần – một nét xuân


Hương Ngọc
(Cuối tháng chạp 2013)

Mẹ ơi! Xuân Này Con Chưa Về…



Thêm một mùa xuân nữa
Con chưa về thăm mẹ
Đất khách buồn, ngồi vọng tưởng cố hương
Nhang khói lạnh chiều 30 Tết
Vì chiều nay con cũng phải lên đường
Lo sinh kế cho chuỗi ngày buồn tẻ.

Con không quên những ngày xuân đất mẹ
Cây mai vàng nở rộ trước sân nhà
Cha khéo cắt từng cành, từng nhánh đẹp
Chưng vào bình để cúng lạy ông bà
Me lăng xăng chạy lo nồi bánh tét
Để kịp giờ cùng làm lễ với cha.

Chiều 30 Tết, cháu con tề tựu
Vang tiếng cười, sau lễ rước ông bà
Hình ảnh đó, ngày nay con không có
Chỉ mơ về đất mẹ bể bờ xa
Ngồi vọng tưởng, rồi buồn nơi xứ lạ
Đón xuân về, chỉ có một mình con

Nhớ quá đi thôi, những tiếng cười giòn
Của con cháu xum xoe màu áo mới
Đã mất đi, ba mươi chín năm rồi
Con buồn…Buồn quá! Mẹ Việt Nam ơi!

Song An Châu
GA, Chiều Xuân viễn xứ Giáp Ngọ- 2014



Thơ Tranh: Sợi Nắng


Thơ: Mặc Thái Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

Còn Đó Xuân Xưa

      Dòng sông Cổ Chiên lặng lờ, mênh mông... Từng mảng lục bình trôi rời rạc, cô đơn. Ánh sáng của buổi chiều tàn vàng vọt, chiếu xuống mặt sông lấp lánh...  Tôi đã ngồi đây từ lâu lắm rồi. Bên cạnh Ánh vẫn im lìm, gục đầu. Thỉnh thoảng tôi nghe nàng chợt buông tiếng thở dài... Tôi biết nàng buồn lắm và tôi cũng không biết lời lẽ nào để an ủi nàng.  Sự việc đã đến với chúng tôi một cách quá đột ngột, quá bất chợt, ngoài sự tưởng tượng.
       Mái tóc tơ óng mượt hững hờ chảy dài xuống quá nửa chiếc lưng thon đã che khuất một phần bờ vai bé bỏng của nàng. Đôi vai chợt run lên từng đợt.  Ánh đã khóc... Khóc nghẹn ngào, tức tưởi... Nàng khóc cho môt cuộc tình ngang trái.


      Tôi và Ánh cùng học chung trường, nhưng tôi hơn nàng bốn lớp. Do đó tôi biết Ánh từ những ngày cô bé còn thắt bím.  Nàng đã được những người bạn cùng lớp gọi nàng bằng một cái tên dễ yêu là “Nữ Hoàng Chân Không”.  Sở dĩ nàng có tên ấy vì sau giờ học, khi về đến nhà, nàng thường đi chân đất, ít khi thấy nàng mang dép. Nàng có đôi bàn chân đẹp vô cùng. Vì thế đôi lúc tôi thường nói đùa:
      -  Ánh, anh tội nghiệp đôi bàn chân của em quá chừng.
      Ánh mỉm cười và hỏi lại tôi:
      -  Tại sao anh lại tôi nghiệp nó?
      -  Vì anh yêu đôi bàn chân của em như anh yêu em vậy.
      Những lúc ấy thường thường tôi phải chịu một cái véo nên thân.  Mặc dù tôi nói đùa với Ánh như thế, nhưng thật ra tôi rất thích nhìn nàng đi chân đất.  Những lúc ấy tôi thấy nàng bình dị, ngây thơ và dễ yêu vô cùng.  Có lẽ chính nhờ đặc điểm nầy mà tôi yêu nàng.  Tình yêu đó tôi đã lặng lẽ, âm thầm giấu kín. Mãi cho đến khi tôi vào học lớp Sư phạm, tôi mới dám thổ lộ cùng nàng.

      Hôm ấy, cũng vào một chiều cuối tuần, chúng tôi cùng đi dạo bên bờ sông Cỗ Chiên. Nàng đang cười đùa, trò chuyện bên tôi thật là vô tư, cho nên đã nhiều lần tôi muốn nói cho nàng biết là tôi yêu nàng, thế mà tôi đã phải ngập ngừng không dám.  Tôi sợ khi nàng biết thì sự vô tư của nàng không còn nữa.  Và biết đâu nàng sẽ không còn đến bên tôi.  Biết đâu tôi sẽ mất nàng vĩnh viễn... Còn nếu không nói với nàng thì biết đến bao giờ? Cuối năm nay tôi sẽ ra trường.  Tôi sẽ đi dạy học và với số tiền tôi kiếm được lúc đó cũng đủ cho một gia đình ấm cúng.  Tôi vẫn có thể lo cho nàng tiếp tục đi học. Cuối cùng rồi tôi cũng đánh bạo nói với nàng.
       Tôi không làm sao quên được ánh mắt của nàng lúc đó. Trong ánh mắt có chút gì thẹn thùng, chút gì sung sướng, cũng có chút gì e dè.  Bàn tay nàng run rẩy trong tay tôi...  Qua một phút bàng hoàng, nàng đã tựa đầu vào ngực tôi thỏ thẻ:
      -  Anh đừng gạt em nhé anh!
      Ánh ơi!  Anh làm sao gạt em được.  Anh đã yêu em từ lâu rồi mà.  Tất cả mọi việc làm, mọi ý nghĩ của anh đều là cho em.  Anh chỉ sợ một điều là phải mất em mà thôi.
      Tôi gật đầu và nhẹ hôn lên mái tóc nàng.  Mùi hương mái tóc thoang thoảng làm tôi ngây ngất và cho đến giờ phút nầy tôi vẫn còn nhớ mãi.


      Từ ngày hôm ấy, mỗi lần gặp tôi Ánh tỏ ra dè dặt hơn, khôn lớn hơn.  Nàng bây giờ thật sự là một cô gái biết yêu và có người yêu; chứ không còn là một cô bé liến thoắng, vô tư như ngày xưa nữa.  Có những lúc tôi bắt gặp trong đôi mắt nàng một chút đăm chiêu, mơ mộng.  Chúng tôi đã cùng nhau hoạch định một tương lai. Tôi dự trù là sau khi đi dạy một năm, tôi sẽ dành dụm tiền và xin cưới nàng.  Ánh cũng đồng ý với tôi điều nầy.  Chúng tôi muốn sống tự lập, không nhờ vả vào gia đình, vì cả hai gia đình chúng tôi đều không phải là gia đình khá giả.
      Những tưởng cuộc tình sẽ mãi mãi êm trôi.  Thế nhưng một biến cố đã đến.  Mẹ Ánh đã gọi Ánh trở về Sài Gòn trong dịp Hè nầy và sẽ không trở lại đây trong niên học tới nữa.  Từ nhỏ Ánh đã ở đây với bà nội, còn ba mẹ Ánh sống tại Sài Gòn.  Ba Ánh là một công chức ở đó.

      Ánh vẫn tiếp tục khóc.  Tôi thì chết lặng, thẩn thờ.  Tất cả những ước mơ đều sụp đỗ.  Tôi không biết phải nói gì với Ánh.  Ánh về lần nầy là để vu quy.  Ba mẹ Ánh đã hứa hôn Ánh với con một người bạn và bây giờ gia đình ấy đã đến nhắc và xin cưới Ánh.  Chính Ánh cũng không biết điều nầy.  Cãi lời cha mẹ thì Ánh không dám vì Ánh là một đứa con hiếu thảo và rất yêu cha mẹ.
      -  Ánh, đừng khóc nữa em.  Tất cả đều là định mệnh.  Dù sao bây giờ anh cũng là kẻ đến sau.  Yêu em nhưng anh cũng không muốn ba mẹ phải thất hứa với người ta.  Anh không muốn người đời chê trách em là đứa con bất hiếu.  Đời đã khắc khe với anh quá.  Vừa bước chân ra đời anh đã chịu một thất bại quá chua cay.  Anh cám ơn em thật nhiều đã cho anh những ngày hạnh phúc.  Em giúp cho anh hiểu thế nào là tình yêu và sự hy sinh.  Và anh chấp nhận hy sinh, miễn sau nầy em được hạnh phúc.
      Ánh ơi, năm tháng sẽ phôi phai nỗi nhớ.  Rồi em sẽ quen dần với cuộc tình mới vì trách nhiệm của người vợ, người mẹ sẽ ràng buộc em, sẽ giúp em quên lãng...

      Buổi chiều xuống chầm chậm...  Ánh nắng đã tắt tự bao giờ.  Dòng sông bao phủ đầy bóng tối mênh mông như nỗi mênh mông, hoang vắng trong lòng tôi.  Tiếng côn trùng bắt đầu vang vang từ những bụi cỏ bên bờ sông thành một điệu nhạc thê lương muôn thuở.  Tôi nhẹ nhàng lau nước mắt cho Ánh và dìu nàng trở về.  Chúng tôi đi im lặng bên nhau suốt quãng đường đó.  Chúng  tôi  biết  rằng rồi đây sẽ xa nhau mãi  mãi nên không ai muốn phá vỡ những giờ phút bên nhau ngắn ngủi nầy.  Tôi đã hôn tóc nàng giả biệt.  Tôi quay người đi thật nhanh vì sợ rằng nếu tôi còn chần chờ ở đó  có lẽ tôi sẽ bật khóc.  Biết rằng khóc đối với một người con trai như tôi là một điều hèn nhưng chắc chắn tôi sẽ không giữ được lòng mình.  Nỗi đau nầy to lớn quá!
       Những ngày sau đó, chúng tôi vẫn tìm đến bên nhau nhưng chúng tôi cũng đồng ý là không nhắc đến chuyện đó nữa.  Chúng tôi muốn được sống trọn vẹn cho những ngày còn lại.  Dù thế nhưng không còn được như xưa.  Giữa chúng tôi tự dưng đã có một cái gì ngăn cách.
      Ngày Ánh lên xe về Sài Gòn, tôi là người duy nhất tiễn nàng.  Tôi biết lần ra đi nầy là lần cách ngăn vĩnh viễn.  Tôi đã thật sự mất Ánh rồi đó.  Tôi đã trách mình với vòng tay quá bé nhỏ không đủ sức để giữ lại người mình yêu.  Cánh chim trời đã bắt đầu vượt tầng không, bao giờ mới có ngày quay trở lại?  Tôi chết lặng nhìn theo chiếc xe chở khách cho đến khi khuất hẳn.  Tôi mường tượng như nghe đâu đây có tiếng hát của Minh Hiếu vang vang:” Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế...”.

      Tôi thẫn thờ quay bước trở về nhà.  Bây giờ tôi thật sự cảm thấy mình bị mất mát một cái gì to lớn quá.
      -  Ánh ơi, anh đang nghe từng bước chân cô độc của mình.  Bây giờ không còn tiếng bước chân em.  Anh nhớ em vô cùng...  Trong cuộc tình nầy anh là kẻ chiến bại.  Kẻ chiến bại không có quyền đòi hỏi, không có quyền van xin một điều gì phải không em?  Biết thế mà sao anh vẫn yêu em, vẫn đau khổ vì em!

      Thế rồi mùa Hè ấy đã lặng lẽ trôi qua.  Tôi được bổ nhiệm về dạy học ở một ngôi trường làng hẻo lánh.  Công việc dạy học bề bộn cũng giúp cho tôi phôi pha được một phần nào nỗi nhớ.  Nhưng đêm về, những lúc một mình trong căn nhà trọ là lúc tôi nhớ Ánh thật nhiều.  Tôi muốn cố quên mà không sao quên được.  Hình ảnh Ánh đã sâu đậm trong tâm trí tôi quá nhiều rồi.
       Một hôm tôi nhận được thư Ánh...  Cầm lá thư trên tay, tôi bàng hoàng xúc động.  Những nét chữ nầy thân thương quá.  Trong thư Ánh chỉ viết vỏn vẹn có mấy hàng:“ Anh, Ánh đã khổ quá anh ơi!  Làm thế nào anh cũng phải lên thăm Ánh ngay nhé anh”.
      Ánh ơi, anh cũng đang khổ đây.  Nỗi đau hằng đêm vẫn gặm nhấm tâm hồn anh, vẫn dằn vặt anh.  Anh không biết còn chịu đựng được bao lâu nữa.  Không biết anh sẽ gục xuống vào những ngày tháng bất chợt nào đây, Ánh ơi!  Ánh ơi!    
      Tôi không thể không đến thăm Ánh.  Ánh đang đau khổ và Ánh đang cần đến tôi.  Cuối cùng tôi đã đến với Ánh.  Khi gặp tôi, Ánh chỉ nói được:
            -  Em khổ quá anh ơi!
      Rồi nàng bật khóc nức nở.  Tôi chết lặng và cố giằng lòng để khỏi phải khóc với nàng.  Tôi cố làm ra vẻ bình thảng lau nước mắt cho Ánh và nhìn thật lâu vào đôi mắt ấy.
       -  Nín đi em.  Có gì từ từ kể cho anh nghe.
      Ánh lại càng nức nở hơn.  Lúc ấy mẹ Ánh đi chợ về đến.  Tôi quay lại, đứng lên chào bà:
      -  Thưa bác, con mới đến.
      -  Con ngồi đó chơi.  Má sẽ nói với con điều nầy.
Tôi ngồi xuống ghế và Ánh ngồi kế bên tôi.  Nàng vẫn còn sụt sùi.  Má Ánh trở ra ngồi đối diện với tôi.  Bà nói:       
      -  Thất sự má không biết xử trí ra sao.  Ba má biết hai con thương nhau lắm, nhưng ba má đã lỡ hứa với người ta từ ngày con Ánh còn nhỏ.  Bây giờ ba má làm sao nuốt lời cho được.  Bà tiếp:
            -  Con ạ, con Ánh nó thương con lắm.  Con đừng trách nó.  Má mong rằng sau nầy thỉnh thoảng con đến thăm nó kẻo tội nghiệp nó nhé con.

      “Má ơi, con cám ơn má thật nhiều.  Má thương con, má thương Ánh, nhưng con biết má gặp phải một điều khó xử.  Trong cuộc tình nầy con đã chấp nhận hy sinh và con sẽ hy sinh cho trọn.  Con yêu Ánh và con không bao giờ muốn mất Ánh.  Nhưng sự việc đã an bài rồi phải không má?  Con sẽ không bao giờ gặp Ánh nữa.  Vì gặp lại con chỉ làm cho Ánh đau khổ thêm mà thôi.  Ánh sẽ không bao giờ quên được nhũng kỷ niệm của chúng con.  Ánh sẽ không sống trọn vẹn được cho chồng mình.  Gia đình Ánh sẽ mất hạnh phúc.  Đó là điều con không bao giờ muốn.  Con hy vọng rằng thời gian và bổn phận sẽ làm cho Ánh dần dần quên hẳn con đi.  Má ơi, tha thứ cho con.  Con sẽ không làm theo yêu cầu của má được”.

      Sau nầy, tôi có lần bất chợt gặp lại Ánh.  Lúc ấy nàng đã có con. Vừa thấy nàng tôi đã vội lánh mặt.  Tôi không để cho nàng thấy tôi. Tôi không muốn có một cơn lốc nhỏ nào khuấy động cuộc sống yên vui hiện tại của nàng.  Tôi đã lén nhìn theo nàng.  Cũng mái tóc ấy, cũng bờ vai ấy, cũng dáng đi nhẹ nhàng ấy...  Tất cả những thân thương ngày cũ vẫn còn hiển hiện tại đây.  Tôi nghe lòng mình chùng xuống trong một nỗi đau sâu đậm.
      “Ánh ơi, anh vẫn còn yêu em.  Một tình yêu dạt dào nỗi nhớ. Bây giờ anh đang làm thân lưu lãng, phiêu bạt xứ người.  Dù xa em gần ba mươi năm rồi đó, anh vẫn còn nhớ đến em.  Mảnh xuân xưa vẫn còn đồng vọng trong anh.  Anh viết những dòng chữ nầy cho em.  Em đang ở phương trời nào đó có nghe được những lời nầy không?  Có một người yêu em, yêu em mãi mãi...”.

Hoa Kỳ - Mùa Đông 1987       
Mặc Thái Thủy     

Dáng Ngọc




Em chợt đến như loài chim buổi sáng
Hót trên giàn thiên lý gọi tri âm
Như sương mai lấp lánh đọng trên cành
Gió đồng nội thơm kỳ hoa dị thảo

Sóng chẳng động nhưng lòng sao lảo đảo
Rượu bồ đào không uống thế mà say
Mây trên ngàn bàng bạc áo bay bay
Anh nghe nắng rộn ràng trên dáng ngọc

Gió lay động tơ lòng trên suối tóc
Nhớ hôm nào Lưu Nguyễn lạc đường mê
Mơ hôm nao em đến sẽ quên về
Đêm dìu dịu trăng vàng rơi trên lá

Bởi tôi yêu nên em hồng đôi má
Vì má hồng mà tôi đã thêm yêu
Yêu vóc liễu dịu dàng êm như lụa
Bởi tôi yêu em đậm nét mỹ miều

Lê Kim Thành
1969