Trong quãng đời đi học, cô cậu học trò nào cũng có ít nhất một lần làm lỗi và đôi khi có những lỗi khiến người đó ân hận suốt đời. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một chuyện làm lỗi của tôi thời tiểu học.
Năm ấy là 1958, tôi vừa học xong lớp tư ở chi nhánh 2 trường tiểu học Gò Vấp thì được chuyển sang chi nhánh 1 ở ngay bên hông tòa hành chánh quận, lớp 3F, do cô Phạm Kim Ngọc làm giáo viên hướng dẫn.
Lớp 3F, do cô Phạm Kim Ngọc làm giáo viên hướng dẫn 1958-1959.
Cô Ngọc, một giáo viên trẻ, người miền Bắc, có vóc dáng thanh thanh và mái tóc chải tém trông rất dễ thương, vừa nhìn thấy cô là tôi có cảm tình lền.
Năm học ấy của tôi là một năm học rất thành công, tôi đạt điểm tối đa cả về học và hạnh, đứng đầu lớp, do đó rất được cô cưng, đàng khác năm 1959 cha tôi lại bị bệnh mất, việc đó lại càng làm tăng tình ưu ái cô dành cho tôi.
Hè năm ấy, cô cùng 3 cô giáo lớp khác tổ chức một cuộc du ngoạn ở Vũng Tàu và Phước Hải, mỗi học sinh muốn tham dự phải đóng lệ phí 40 đồng nhưng tôi thì cô miễn, vì là học trò giỏi và con mồ côi.
Đoàn xe đò 2 chiếc khởi hành từ trường chánh phía trên đầu chợ lúc gần 8 giờ và đưa chúng tôi ra xa lộ Biên hòa, nhắm Vũng Tàu trực chỉ. Vui lắm, vì đó là lần đầu tiên đi chơi xa của tôi, tôi sắp sửa thấy núi, thấy biển và sẽ được tắm biển, leo núi, làm một chuyến "phiêu lưu" nho nhỏ...
Xe tới Bà Rịa lúc 10 giờ và chỉ chừng nửa giờ sau là đã vào thành phố Vũng Tàu, một nơi thật là mới lạ đối với tôi.
Xe tấp vào Bãi Trước và Bãi Sau cho chúng tôi xuống tham quan, đồng thời xuống biển tắm táp rồi lên bờ để ăn trưa, nghỉ ngơi một tiếng để bù lại mấy tiếng ngồi mệt mỏi trên xe. Tuy nhiên, chúng tôi nào có ngủ nghỉ gì được, vì trời nắng nóng quá, ăn xong là chúng tôi lại chạy ào ra bãi biển để... bới cát bắt sò. Bắt sò, vâng, vào thời ấy bãi biển Vũng Tàu nhiều sò lắm, dân địa phương dùng một dụng cụ đơn giản là ống lăn có cánh để bới cát lên, hầu như bới tới đâu, sò hiện ra tới đó. Chúng tôi không có dụng cụ ấy nên bới bằng tay, vậy mà cũng được rất nhiều, có bạn bắt được cả sò huyết to bằng nắm tay.
Vào lúc 1 giờ trưa thì trời bỗng kéo mây vần vũ, các cô giáo ơi ới gọi học sinh trở lên xe vì mưa sắp tới. ào... ào... ào..., mưa từ ngoài biển đổ vào thấy rõ, nó chạy rất nhanh, mới thấy còn ở xa thì nước đã đổ lên đầu, cả bọn con trai, con gái chạy như ma đuổi nhưng quần áo cũng ướt hết trơn, hơi đất bốc lên mù mịt, khét lẹt.
Mưa rơi nặng hạt một lúc lâu thì bắt đầu dịu lại nhưng không ngừng, nó tiếp tục rơi cho đến 3 giờ rưỡi chiều khi đoàn xe chúng tôi qua tới Phước Hải, địa điểm cắm trại, một biệt thự bỏ hoang, nghe nói là vì có ma.
Bao nhiêu năm qua rồi nhưng tôi còn nhớ như in cái hàng rào xây bằng gạch quét vôi trắng có vài chỗ đã sụp đổ, len vào giữa đó là những lá dứa gai có lẽ là cây mọc hoang, bởi căn nhà hoàn toàn không ai ở, trong khoảng sân rộng, cỏ dại mọc đầy, ngọn thấp ngọn cao, ba hướng đạo sinh trong đó có anh cô là huynh trưởng nhảy xuống, dùng rìu phát quang những bụi rậm để có chỗ cho chúng tôi vào sinh hoạt, ăn uống và cắm trại đêm.
Bấy giờ, người chỉ huy chúng tôi không còn là các cô giáo mà là các anh hướng đạo, các anh bảo chúng tôi đem hành lý cất hết vào trong căn nhà cho gọn rồi ra sân sinh hoạt, lối sinh hoạt truyền thống của hướng đạo sinh.
Sau màn sinh hoạt, các anh phân công: con trai thì xách thùng đi xách nước, con gái thì chuẩn bị lo nấu ăn. Lũ con trai chúng tôi hí hởn, vì chỗ lấy nước khá xa, chúng tôi tha hồ lang thang đùa giỡn, miễn sao có nước mang về. Tôi đi chỉ đúng có hai chuyến thì mỏi dừ cả cánh tay, đành nhường cho mấy anh khỏe mạnh (thời ấy tôi là một trong hai đứa nhỏ con nhứt lớp, trong lớp tôi có mấy người đã gần đủ tuổi để lấy vợ). Không đi xách nước, tôi đi lang thang hết ngoài bãi biển lại đến trong căn nhà, để xem... ma nấp ở đâu.
Phải nói là thời đó tuy tôi bé loắt choắt nhưng rất bạo gan, nghe nói nhà có ma, tôi đi hết phòng nọ lại phòng kia, xong còn chui cả xuống tầng hầm tối đen như mực.
Cũng ghê rợn đó, vì nó lạnh lẽo âm u và trên vách có đủ thứ hình ma quái do các đoàn người đi trước để lại, nhiều nhất là hình xương người bắt tréo, ở giữa có cái đầu lâu. Như trong một truyện đăng năm nào trên Phù sa sông Cửu tôi có nói, chui xuống đó một hồi, tôi trở lên với một vỏ dừa khô và khoe với các bạn rằng mình đã gặp được ma và đây là "chiến lợi phẩm": cái đầu lâu gõ nghe cóc cóc...
Trời sụp tối nhanh vì vừa qua một trận mưa, trong sân, các anh hướng đạo đã căng bạt, dựng lều, làm chỗ cho đám nữ sinh ngủ, riêng bọn nam sinh thì phải ngủ trong căn nhà ma (ngủ trên lầu, vì trên lầu tương đối sạch sẽ hơn bên dưới).
Có tiếng bát đũa gõ leng keng và tiếng hát của vài ba anh "Giờ cơm tới rồi, giờ cơm tới rồi...", tiếng Bắc kỳ của một cô giáo "Các em ra xơi cơm đi nào", sau tôi mới biết đó là tiếng của cô Nhiệm, bạn thân của cô giáo tôi và là chị của cô Hà, cô sẽ dạy tôi năm kế tiếp.
Tôi còn đang xớ rớ xa xa thì thấy cô Ngọc từ trong đám đông đi lại. Âu yếm như một người chị đối với đứa em, cô dắt tôi ra chỗ để nước và bảo tôi rửa tay, xong, cô tự tay bới cho tôi một bát và đưa cho tôi đôi đũa.
- Cơm nếp đấy, đã có rắc muối vừng, nếu thấy chưa đủ thì vào lấy nhé.
Tôi bưng chén cơm và đi tìm một chỗ để ngồi ăn. Tuy nhiên, chỉ ăn chừng ba đũa là tôi thấy nhạt nhẽo làm sao, bởi món rau ghém với cơm này là bắp chuối bào và rau muống bào, những thứ đi với muối mè thì không hợp, tôi nghe xam xảm trong miệng, chẳng ra hương vị gì.
Phải nói thật lòng, tôi không phải là đứa kén ăn, song một vị như thế thì tôi không thể nào nuốt nổi. Giá mớ nếp này nấu thành xôi thì dễ ăn hơn. Biết làm sao bây giờ?
Tôi đứng dậy, giả vờ vừa đi vừa ăn, tiến dần ra phía sau nhà, nơi ấy giáp ranh với bìa rừng, có nhiều bụi rậm. đi tới đi lui, thấy không có ai nhìn, tôi chọn một bụi cây kín đáo và trút cả vào trong đó.
Nhẹ nhõm, tôi bước trở ra, miệng giả vờ còn nhai nhóp nhép. Tôi cầm chiếc chén đã vơi đi về phía thau nước để bỏ vào trong đó cho bọn con gái rửa. Trông thấy tôi, cô Ngọc hỏi: "Em ăn đã no chưa ?" Tôi đáp: "Thưa cô, đã no rồi ạ."
Lần đầu tiên trong đời, tôi nói dối! để lấp đầy khoảng trống trong bụng, tôi đi tìm nước uống rồi đi lang thang ra bãi biển, nơi sóng đánh ầm ầm. Trên bãi biển chiều hôm, tôi bắt được mấy con dã tràng nho nhỏ, nghĩ bụng giá có lửa, nướng nó ăn, tiện đó, nướng luôn mớ sò bắt được hồi trưa, ăn cho đỡ đói, nhưng chỉ nghĩ thế thôi chứ nào làm được gì.
Tôi không bao giờ nghĩ được đêm đó tôi đói như thế nào, bởi vì sau một ngày đi đường xa, trong người nghe mệt lã, buổi trưa trên xe, tôi lôi cả 3 ổ bánh mì mà mẹ tôi đã xắt lát và nướng cho tôi ăn lúc đi đường, đem chia hết cho các bạn.
Tội nghiệp cô giáo tôi lắm, lúc khoảng 9 giờ, cô dẫn tôi lên lầu, lấy chổi quét sạch một khoảng sàn phía balcon và trải bạt ra đó, đưa cho tôi một cái mền mỏng của chính cô, bảo tôi ngủ ở đó, xong còn dặn anh trưởng lớp nằm chặn phía ngoài kẻo tôi ngủ mê rồi lăn té xuống lầu.
Sự ân cần chăm sóc của cô quá vô ích, bởi vì đêm đó tôi không ngủ được, thứ nhất là vì lạ giường lạ chiếu, thứ hai là vì nhớ nhà và thứ ba là vì đói, cái đói bắt đầu hành hạ vào lúc khoảng ba giờ khuya, khi tôi nghe từ bên dưới bay lên một mùi thơm của chè, các cô giáo thức đêm cùng đám nữ sinh chơi lửa trại.
Vũng Tàu Bãi Trước
Tất nhiên với tư cách một đứa học trò cưng, tôi có quyền chạy xuống xin cô cho một, hai chén, nhưng làm như vậy tôi sẽ để lòi ra tội nói dối buổi chiều. Cái tự ái của tôi lớn lắm, thà chết chứ chẳng thèm xin! đến khoảng 4 giờ rưỡi sáng thì tiếng nói chuyện ồn ào bên dưới nhỏ dần, tôi biết là lửa đã tàn và mọi người đã đi ngủ. Gần về sáng, tiết trời mỗi lúc một lạnh vì sương xuống và gió từ ngoài biển thổi vào, tôi nằm khoanh mình như con tôm, nghe cái tái tê thấm sâu vào từng sớ thịt. Tôi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em. Chưa bao giờ tôi xa gia đình như vậy, từ trong rừng sâu núi thẳm, tiếng khỉ khè khè khẹt khẹt, tiếng vượn hú suốt đêm, còn ở ngoài xa kia, sóng vẫn triền miên tấp ầm ầm vào các gộp đá.
Khi ở đàng đông hơi rực lên ánh sáng, tôi bắt đầu ngủ được, nhưng nhắm mắt chỉ được chừng hai mươi phút thì bên dưới có tiếng còi, anh huynh trưởng đánh thức mọi người dậy để tập thể dục buổi sáng.
Tôi lồm cồm bò dậy, xếp lại chiếc mền và đem xuống, trả lại cho cô. Cô hỏi tôi ngủ được không, tôi gật gật đầu, nhưng thấy vẻ dã dượi của tôi, chắc chắn là cô biết tôi nói dối.
Trong khi bọn học sinh chúng tôi ra sân tập các động tác hít thở, các cô giáo thi nhau làm thức ăn sáng. Khẩu phần của chúng tôi là mỗi người một ly sữa và một cái bánh bao, bánh bao mua từ trưa hôm qua ngoài chợ Vũng Tàu và sữa là do Mỹ viện trợ. Khẩu phần này thật không đủ để nhét kẽ răng tôi!
Cái tệ hại là ngày hôm ấy đoàn tôi sẽ đi chơi núi, thăm viếng một ngôi chùa. Chúng tôi lên đường lúc 9 giờ 30, có người mang theo thuốc và bông băng cấp cứu.
Tùng, dân Sa đéc, bạn thân của tôi năm ấy, đi cạnh tôi, bạn có lẽ rất ngạc nhiên vì sao tôi bỗng dưng ít nói, khác với mọi khi. Tuy nhiên, chuyện này tôi giữ một mình, không cho ai biết hết...
Trên đường đi lên núi, các bạn tôi hái được một số quả gì đó ăn rất ngon, tôi cũng được chia cho vài quả, tôi hái được một chùm nhưng quả quá chua, đành liệng bỏ, vì ăn vào chỉ tổ bào xót ruột gan.
Đường lên núi cũng gian nan lắm, vì chúng tôi phải vạch cành lá mà đi, trèo qua những gộp đá, có lúc phải đu dây rừng như thể Tarzan. Tuy nhiên, đến lưng chừng núi thì tôi quá mệt và đuối sức, lúc trèo lên một gộp đá, tôi bị hụt chân và té ào xuống, không tài nào thắng lại. Tôi lăn giống như một con vụ, đập mình vào đá và rễ cây, đó đây bật máu, áo tôi bị rách một mảng. Khi không còn lăn nữa, tôi nằm bất tỉnh, ai nấy đều hết hồn.
Mọi người chạy lại đỡ tôi lên, một anh hướng đạo sinh đè tôi và làm hô hấp nhân tạo, lát sau tôi tỉnh thì thấy cô Ngọc ngồi bên, nét mặt âu lo, một cô giáo đang bôi thuốc sát trùng và băng bó cho tôi, mặt tôi có dán một miếng băng keo hình chữ thập. Cô Ngọc ngồi sát bên tôi cùng vài bạn khác, cô lấy dầu măng bôi lên những chỗ bầm nhưng không chảy máu, sau đó bảo Tùng và Khuê (phó lớp) dìu tôi đi.
Rất gian nan, đến 11 giờ 30 tôi mới leo lên đến đỉnh núi trong khi những người khác đã đến lâu rồi và tản ra đi tham quan Phật tự.
Tôi chọn một tảng đá bằng và ngồi phịch xuống, Tùng cũng ngồi xuống cạnh tôi. Tôi bảo "Tùng ơi, đi chơi với họ đi, để tui ngồi lại đây một mình cũng được" nhưng Tùng không chịu, nhất định ngồi lại bên tôi. Nơi đây có lẽ tôi phải nói thêm: Tùng là người đã bênh vực tôi khi tôi bị bạn bè ăn hiếp hay nói rõ ra là hăm dọa đón đường, lý do: tôi được cô giao ghi tên những người nghịch và nói chuyện trong lớp. Từ chiều hôm ấy, Tùng luôn đi về chung đường với tôi và chúng tôi dần trở thành đôi bạn thân, sóng bước bên nhau trên đường đi và về học mỗi ngày. Tùng thương tôi đến mức muốn về sau tôi sẽ lấy Mai, em gái của Tùng, để biến tôi thành thằng em rể. Năm đó, chúng tôi mới học lớp nhì thôi!
. . . . . . . . .
Thời gian đằng đẵng trôi qua, tôi dần xa ghế nhà trường để lên trung học rồi đại học. Trong thời gian đó, thỉnh thoảng mẹ con tôi vẫn đến thăm cô tôi. Nhà tôi thì có vườn cây, quanh năm lúc nào cũng có vài ba thứ trái. Mỗi lần đi thăm cô, tôi đều hái một giỏ trái cây để làm quà, có khi nguyên một trái mít chín, và một lần nọ, tôi đẵn tặng cô một nhánh mai thật to.
Khi cả hai mẹ con cùng đi thăm, trong khi người lớn nói chuyện với nhau, tôi đi ra một góc chơi với đứa em trai của cô tên là Huấn, một cậu bé rất dễ thương, hơi nhỏ tuổi hơn tôi.
Từ năm lên đại học, tôi quên cô giáo của mình, không còn tới viếng thăm nữa. Nói phải tội, nguyên do chỉ vì có bồ, mê cô bồ hơn mê cô giáo !
Xa Lộ Biên Hòa 28/4/1961
Ba mươi mốt năm sau kể từ ngày học với cô, tôi trở thành một anh thầy giáo và kết hôn với một cô giáo. Năm ấy là 1990, vợ chồng tôi có giấy tờ xuất cảnh, chỉ còn chờ ngày lên máy bay. Một hôm, trên đường đi từ Sài gòn về nhà, khi đi ngang ngã tư xa lộ, đột nhiên tôi nhớ lại cô giáo năm xưa và hè năm ấy cô cho tôi đi chơi Vũng Tàu hoàn toàn miễn phí, chiếc xe đã chạy qua ngã tư này, con đường còn xấu lắm... (xa lộ Biên hòa chỉ tốt từ thập niên 60).
Tôi về nhà và kể chuyện ngày xưa cho vợ tôi nghe, bảo rằng muốn dẫn vợ tôi đi tìm cô để thăm, nhân đó nói lời xin lỗi về câu nói dối. Vợ tôi hài lòng.
Vào một buổi trưa, sau khi sắp xếp công chuyện ở nhà, tôi chở vợ tôi đi tìm nơi con hẻm cũ. Sau bao nhiêu năm trời, tiệm phở Tiến Lợi (*) nơi đầu hẻm vẫn còn, nhưng khi đi vào thì tôi nghệch mặt vì khung cảnh quá đổi thay, không còn nhìn ra nhà nào là nhà cô nữa.
Hai vợ chồng hỏi thăm nhiều người trong xóm nhưng họ đều trả lời rằng không ai biết cô Ngọc là ai. Chúng tôi không nản chí, đi tới đi lui rất nhiều lần, gặp ai cũng hỏi.
Thế rồi trong lúc sắp tuyệt vọng, tôi chợt nhìn thấy một bà cụ mái tóc bạc phơ đang ngồi chải tóc. Một linh cảm thoáng vụt trong lòng, tôi dừng xe lại và nhìn kỹ. Theo dáng vẻ thì rõ đây là người miền Bắc, một chi tiết đáng lưu ý. Vì hơi chói nắng, tôi không nhìn rõ những đồ vật trong nhà, nhưng nhìn một hồi, tôi thấy lờ mờ dạng một chiếc tủ gụ đen, đóng theo lối miền Bắc, đặt ngay sau cánh cửa sổ. Tôi bảo vợ tôi "Chắc là nhà này, anh thấy có cái tủ đó có vẻ quen quen... để xem còn cái gì quen nữa không..."
Tôi vụt hô lên: "Có, cái ghế xích đu nằm sau giàn trầu bà, bao nhiêu năm rồi vẫn y như ngày xưa !"
Ngay lúc ấy, từ trong nhà một người đàn ông trung niên đẩy một chiếc xe gắn máy đi ra. Tôi nhớ ngay đến Huấn, nhưng Huấn bây giờ sao trông lạ quá...
Không ngại ngùng gì cả, tôi gọi ngay:
- Ới này anh ấy ơi, cho tôi hỏi thăm chút xíu.
Người đàn ông chậm chạp bước ra.
- Vâng, ông muốn hỏi gì ạ ?
- Thưa, anh có phải là Huấn, em của cô giáo Ngọc không?
- Vâng, tôi là Huấn, nhưng ông là ai mà biết chị tôi?
Tôi sung sướng quá, bảo rằng:
- Không nhận ra học trò cũ của cô Ngọc à? Ngày xưa tôi và mẹ tôi hay ra đây thăm cô nhưng bây giờ thì đi với vợ tôi.
- Ồ, bao nhiêu năm rồi, làm sao nhớ nổi, nhưng nói vậy thì liền nhớ ra. Mời anh chị vào nhà chơi, chị Ngọc tôi đã có chồng, không còn ở đây nữa.
- Không sao cả, vấn đề là tôi muốn hỏi địa chỉ của cô Ngọc để đến thăm. Bà cụ kia có phải là mẹ anh không, bây giờ trông cụ già quá.
Vợ chồng tôi vào nhà và lễ phép chào bà cụ. Không như tôi tưởng, bà cụ nhận ra tôi ngay.
- Hơn ba mươi năm rồi đó bác, cháu không nhận ra Huấn mà Huấn cũng không nhận ra cháu, còn bác nhận ra, quả là tài. Cháu tìm nhà nãy giờ đã có hơn một tiếng, hết vòng tới lại vòng lui, cháu nhớ ngày xưa từ đầu hẻm vào đây là 11 căn mà bây giờ con số lại khác, nhưng nhà bác vẫn còn một số món cũ. Này, chiếc ghế xích đu sơn xanh, cái tủ chén bằng gụ, chỉ khác là hồi đó nó nằm ở góc này, bây giờ nằm sang góc khác.
- Thì với thời gian nó phải thay đổi chứ sao. Huấn nó đã có vợ và có hai con, cái Ngọc cũng thế, vợ chồng nó bây giờ ở đường Trương Minh Giảng buôn bán đồ gỗ, nó đã nghỉ dạy lâu rồi.
- Cháu vẫn nhớ cô và thương cô như thời còn đi học. Hôm nay vợ chồng cháu ghé đây là để thăm cô vì sắp tới vợ chồng cháu không còn sống ở đất này. Có thể nào bác cho cháu xin địa chỉ ?
- Tôi không nhớ số, để bảo Huấn nó lấy bì thư ra xem, lâu lâu Ngọc nó lại biên thư về nhà vì bận việc bán buôn nên nó ít khi về lắm.
Hôm ấy, chúng tôi ngồi chơi cũng khá lâu, bẵng đi bao nhiêu năm, biết bao là chuyện.
Tuy nhiên, điều ân hận của tôi là cuối cùng lại không đi thăm cô giáo được, bởi tôi muốn cả hai vợ chồng cùng đi, để tôi xin lỗi cô tôi trước mặt vợ tôi, song trong thời gian sắp ly hương chúng tôi có quá nhiều chuyện để giải quyết, chứ nếu tôi đừng khăng khăng như vậy, cứ một mình đi thăm thì cũng đưọc rồi.
Vì không còn cơ hội nào để chuộc lại lỗi ngày xưa, tôi mãi mãi sẽ ôm thắc mắc này, với một cô giáo hiền lành và dễ thương như cô, sao tôi lại đành lòng đi nói dối? Cái đáng nguyền rủa nhứt là chén cơm cô bới cho tôi, tôi đem đổ hết vào bụi cây, nghĩ về tình thương và sự ân cần săn sóc của cô, tôi thật là mắc cở.
Năm nay thay vì viết những truyện bình thường, tôi viết lại lời tạ tội, dù những lời này không chắc gì thấu đến tai cô.
Phạm Kim Ngọc, cô giáo mà tôi thương nhứt thời còn nhỏ, mong rằng kiếp sau tôi sẽ là học trò nữa, và là học trò của cô.
Montreal, đêm 15/03/2012
Nguyễn Đức Tuấn
(*) Từ Bà Chiểu đi vào, trước khi đụng ngã tư Bình hòa (tức Lê Quang định và Nguyễn văn Học), có một cái hẻm, phở Tiến Lợi nằm ngay đầu hẻm.