Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Biệt Khúc - Nguyễn Ánh 9 - Khánh Hà


Sáng Tác: Nguyễn Ánh 9
Ca Sĩ: Khánh Hà
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Dòng Trôi...

(Ảnh Trương Văn Phú)

Thuyền ai một bóng chơ vơ

Chở bao kỷ niệm neo bờ bến xưa
Dòng trôi bao bận nắng mưa
Mà người năm cũ vẫn chưa quay về
Bao mùa trăng vẹn câu thề
Bấy mùa hư thực tư bề quạnh hiu...

Kim Oanh

Tháng Mười Một Chờ



Phương trời em có lạnh không?
Thơ anh gửi chút nắng hồng hong xanh
Tiếng chim thắc thỏm chuyền cành
Chờ em về đẹp một vành nón che

Tháng Mười Một lạnh se se
Ly cà phê quán vỉa hè nhớ thương
Khuấy lời yêu dịu ngọt đường
Quàng vai huyền ảo làn hương tóc dài

Ngỡ em về lướt hiên ngoài
Nắng hồng vội trổ thêm vài chùm hoa
Gió dài cánh nhớ nghiêng qua
Phiêu bay phảng phất đôi tà áo em

E phương trời lạnh nổi chìm
Lạnh con tim lạnh tím lên nụ cười
Thơ anh làm thỏi son môi
Tô hồng âu yếm bồi hồi ngày xưa

Cái ngày sáng đón chiều đưa
Tình ta mở cửa giao thừa bóng xuân
Lòng theo con gió lâng lâng
Bờ môi quấn quít ân cần nụ hôn

Phương trời em có bồn chồn
Nhớ về kỷ niệm chập chờn cơn mơ
Hãy tìm anh trong tiếng thơ
Sóng yêu thương vỗ đôi bờ chiêm bao

Bên tai thoảng tiếng ngọt ngào
Cơn mơ xao động đêm thao thức chờ
Bầu trời xanh nắng lửng lơ
Về không em, phố thẩn thờ đợi mong?

Trầm Vân

Cuộc Tình



Bài Xướng:

Cuộc Tình

Đêm nghe tiếng nấc nghẹn ngào
Đời còn xanh lá tình vào thiên thu
Bến chờ lạnh lẽo thâm u
Pha hồng mây xám sương mù vẫn đây
Gặp trong khoảnh khắc phút giây
Ai đem nhung nhớ đọa đày con tim
Thuyền tình gác mái im lìm
Mù khơi tăm cá bóng chim mịt mờ

Kim Phượng
***
Các Bài Họa Và Cảm Tác:

Tình Hoa Ti-Gôn


Tiếng nấc nghẹn ngào thốt giữa đêm
Hợp âm tiếng lá rụng bên thềm
Tình ca dang dở buồn da diết
Nhuộm tím tâm hồn tê tái thêm
Dĩ vãng tươi hồng khó lãng quên
Gặp nhau giao kết ước mơ hiền
Giông tố chợt bùng lên khoảnh khắc
Cuốn theo hoàng-hạc sớm qui tiên


Chinh Nguyên/H.N.T
***
 Tiếng Đàn Bầu

Tiếng ngân thánh thót ngọt ngào
Đàn bầu ai oán sầu vào tàn Thu
Quê hương tiếng nấc trầm u
Lam mờ bàng bạc mây mù nơi đây
Tâm tư lắng đọng khắc giây
Ai đem cung nhạc lưu đày buồng tim
Hồn người lãng tử lịm lìm
Nhớ ngày ly tán, đàn chim khuất mờ...


Duy Anh
Florida, 15/11/2019
***
Như Cánh Chim Xa

Lời thương ai rót ngọt ngào
Từ mùa xuân hạ bước vào vàng thu
Bến kia một bóng sầu u
Gió lùa mây tím giăng mù bến đây
Thời gian khẽ nhịp từng giây
Là bao khắc khoải tình đày đọa tim
Trời đông gió lắng “im lìm”*
Màn sương thấp thoáng cánh chim xa mờ…


Yên Dạ Thảo
17.11.2019
* Mượn vận từ bài xướng “Cuộc Tình”
***
Đường Tình


Đường tình sao thấy ngọt ngào
Hãy đi để biết lối vào...hương thu
Nụ yêu cũng nở huyền u
Tâm hồn xao xuyến sương mù giăng đây
Dù rằng chỉ gặp đôi giây
Cũng đem nhung nhớ chất đầy buồng tim
Thuyền tình xuôi mái lặng im
Đưa ta vào mộng...tiếng chim xa mờ


songquang
2019.11.17
***
Xa Người...


Nhớ từng lời nói ngọt ngào
Nay còn ngọn gió thì thào buồn Thu
Hồn hoang lạc lõng âm u
Vì đâu cánh én tội tù từ đây
Sét tình choáng váng một giây
Nào ngờ rỉ máu, rịn đầy khoang tim
Ca ngưng tiếng tắt im lìm
Chân trời xa tắp...đường chim khuất mờ.


Thanh Hòa
***
Bâng Khuâng


Tiếng ai nức nở nghẹn ngào
Đờichưa trang điểm dạt dào mưa thu
Ngoài hiên tuyết lạnh âm u
Sao còn ngóng đợi mây mù qua đây?
Chiêù tàn níu lại từng giây
Tình yêu chưa đến lệ đầy tràn tim
Người đi vườn trống im lìm
Tìm đâu cho thấy bóng đêm trăng mờ?!


Kim Dung
***
“Cuộc Tình”


Chiều thu chiếc lá nghẹn ngào
U sầu thả mộng bay vào muôn thu
Ôm dòng biển nhớ âm u
Cánh hồng đã nở mây mù tan đây
Trái tim rộn rã từng giây
In dòng kỷ niệm dâng đầy ngăn tim
Nàng thu dù ngủ im lìm
Hương tình đã nở bóng chim không mờ...!


Đức Hạnh 



Mùa Thu Qua Thi Nhạc


Thu là là khoảng thời giao hòa giữa đất trời nên thiên nhiên biến đổi làm cảnh vật muôn lá đổi màu. Paris trời vào thu nền trời xanh biếc, dọc hai bên những con đường là những hàng cây đầy lá vàng. Trên cành những chiếc lá phong vàng mong manh lóng lánh pha màu nắng rất thơ mộng. Tiết thu se se lạnh, cái ấm áp của mùa hè đã chuyển dần vào mùa đông tuyết phủ, sự nhiệm màu thiên nhiên là nguồn cảm hứng vô tận của nghệ sĩ. 

Thơ là nghệ thuât của lời, nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Trong thơ có nhạc và họa, phải chăng thơ là nghệ thuật của nghệ thuật ? Trong không gian sắc màu, nếu người họa sĩ nhắm đôi mắt lại vẫn có thể phác họa được những hình ảnh, đường nét, màu sắc trong đầu và có thể vẽ trên khung vải, trên giấy bồi, nhưng làm sao vẽ được màu mắt của bức chân dung trên khung vải! Nhà đìêu khắc cũng thế, dù đôi bàn tay thật khéo léo đến đâu có thể nắn được khuôn mặt nhưng không thể nắn được con mắt có hồn ! Cũng ở trong trường hợp đó, một nhà văn, một nhạc sĩ khi nhắm mắt lại cũng chỉ có thể phác họa được cốt truyện, viết được giai điệu, một vài đoạn nhạc, nhưng để trở hành bài nhạc, cuốn truyện tác giả đều phải ghi lại con chữ và hình nốt để hoàn thành tác phẩm. Nhưng cũng là cách sử dụng con chữ, đối với nhà thơ khi nhắm mắt lại là lẽ thường tình để tìm ý nên vẫn có thể hoàn thành một bài thơ, vì thơ càng suy gẫm, cô đọng mà đầy đủ các chất tố nghệ thuật để trở thành bài thơ hay và sâu sắc lại càng khó!


Cách nay đúng một phần tư thế kỷ cũng vào mùa thu chúng ta tổ chức chiều Thi Nhạc mừa thu, ngày đó giới văn nghệ sĩ ở Paris không nhiều nhưng lại được đông khách mộ điệu đến tham dự để thưởng lãm chiều văn học nghê thuật. Những thi sĩ góp mặt như: Bằng Vân Trần Văn Bảng, Phượng Linh Đỗ Quang Trị nói về Thu Sầu, Hồ trọng Khôi, Song Thái Phạm Công Huyền, Đỗ Bình đọc thơ về Thu Tha Hương. Nữ sĩ Minh Châu Thái Hạc Oanh, thi sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu đọc thơ về Thu Nhớ Quê. Học giả Thái Văn Kiểm, GS Phạm Thị Nhung, thi sĩ Hoài Việt Nguyễn Văn Hướng nói về Thu Paris. Thuở đó giới nhạc sĩ sáng tác ở Paris rất ít, nhất là về đề tài Thu. 

Những nghệ sĩ đã từng sống ở Paris và đã sáng tác những ca khúc phổ thơ từng vang bóng một thời trước năm 1975, đó là: MùaThu Paris, thơ Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy Phổ. Mùa Thu Không Trở Lại nhạc & lời Phạm Trọng Cầu. Paris Có Gì Lạ Không Em , thơ Nguyên Sa, Ngô Thụy Miên phổ. Riêng nhạc sĩ Lam Phương trước năm 1975 khi còn ở trong nước đã sáng tác ca khúc Thu Sầu nổi tiếng khắp miền Nam, sau năm 1975 nhạc sĩ định cư ở Paris và Paris đã là nguồn cảm hứng của ông với những sáng tác về thu Paris: "Mùa Thu Yêu Đương, Thu Đến Bao Giờ". Nhạc sĩ Đào Tuấn Ngọc cũng thế, khi còn ở quê nhà trước năm 1975 ông đã sáng tác nhiều ca khúc về thu nhưng ít phổ biến, chỉ cho bằng hữu thưởng lãm, đó là những ca khúc: Vào Thu (1963), Lá Thu (1966), Tình Thu (1966), Đêm Thu Nghe Đàn Bên Sông (1968), Đêm Thu Vĩ Cầm (1987), Paris Chiều Nhớ (1987), Đồi Mơ (1988), Sáng Thu Thăm Mộ Chopin (1992), Thu Cảm (1993), Hồ Thu (1994) Khi Thu Rụng Lá (2008), phổ thơ Lưu Trọng Lư. Thu Sắp Về (2009), phổ thơ của Thụy Khanh thành ca khúc Cảm Thu. Phổ thơ: Thu Trên Sông Seine của Vương Thu Thủy, một nữ điêu khắc gia đã ra mắt tác phẩm và triển lãm ở Trung tâm Văn Hóa Quốc Tế Paris do tôi giới thiệu tác phẩm và tác giả. 

Mùa thu năm 2000 Nữ sĩ Nguyễn Thị Vinh, nhà văn nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật từ Nauy sang nói chuyện văn học, cùng với nữ sĩ Hoàng Xuyên Anh từ Cali đến để ra mắt tác phẩm do giáo sư Lê Mộng Nguyên giới thiệu. Bài thơ của Vương Thu Thủy còn được nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên phổ. Thuở ấy những ca khúc về Thu Paris còn có nhạc sĩ Lê Phương với những ca khúc: Hoài Niệm Thu, Một Thời Vàng Phai, Mùa hu Paris Nhớ Sài Gòn, Lối Em Vẫn Ở Lòng Này, thơ Trần Thiện Hiệp, Lê Phương phổ. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Tuấn: Thu Hà Nội Sài Gòn Nhưng Yêu Paris, Đỗ Bình: Phố Khuya, Thu Cảm, Chiều Trên Sông Seine, Mưa Nguồn, Nắng Thu, Em Còn Trong Thơ. Nhạc sĩ Trịnh Hưng chuyên về sáng tác nhạc quê hương, ông viết một ca khúc về thu phổ thơ Đỗ Bình: Chỉ Yêu Cuộc Tình. Nhạc sĩ Vũ Thái Hòa: Chiều Bên Giòng Suối. Nhạc sĩ Đức Huy: Để Quên Con Tim. Nhạc sĩ Phạm Đình Liên: phổ bài thơ Thu của Quỳnh Liên, bài thơ Thu Tình Thương của Phương Du. ….

Chiều thu hôm nay chúng ta cùng nhau thưởng lãm về mùa thu qua thi nhạc với những bài thơ lừng danh thế giới của các thi sĩ tài danh Pháp của những thế kỷ trước như Guillaume Apollinaire, Jacques Prévert. Những danh sĩ đời Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị. Những thi sĩ tài danh Việt nam như Đinh Hùng, Nguyên Sa, Cung Trầrm Tưởng, những nhạc tài danh như Phạm Duy, Phạm Mạnh Cương, Cung Tiến, Phạm Trọng Cầu, Trường Sa. Thoáng trong tâm tưởng, tiếng đàn, tiếng hát, giọng ngâm sẽ đưa chúng ta trở về kỷ niệm xưa của quê hương bằng cõi mộng. 


Ở Âu Châu giới nghệ sĩ rất được ưu ái nhất là giới nhạc sĩ và ca sĩ. Họ được những người hâm mộ yêu thích và tôn sùng là thần tượng nên khi ban nhạc trình diễn ở đâu bất kể thời tiết mưa bão nắng tuyết vẫn luôn luôn có một số đông khán giả đến xem trình diễn. Ở Pháp giới nhạc sĩ thường là người nam trong đó có sáng tác và trình diễn, trong lãnh vực này những nữ nhạc sĩ cũng chiếm một số lượng đáng kể, đa số là nhạc công chơi trong nhạc các đại ban giàn nhạc giao hưởng. Đối với những người Việt định cư trên đất Pháp và Âu Châu, đa số các gia đình Việt Nam đều cho con theo học các môn nhạc cụ ở các viện âm nhạc địa phương hay viện âm nhạc quốc gia Paris, mục đích chỉ giúp cho trẻ hiểu biết thêm về giá trị âm nhạc và dùng âm nhạc như món giải trí tinh thần. Do đó rất nhiều em sau khi tốt nghiệp nhạc viện nhưng lại sống bằng nghề đã tốt nghiệp từ những ngành học khác. Nếu một em theo học âm nhạc là do cha mẹ cố ép mà không đam mê cung bậc thì dù có tốt nghiệp Nhạc Viện nhưng để lãng quên không tập dợt thường xuyên đến khi trình tấu lại một nhạc phẩm chỉ có thể chơi đúng cấu trúc hình nốt mà vẫn không thể lột được phần hồn của tác phẩm! Trong cộng đồng người Việt ở Paris, giới nhạc sĩ sáng tác những ca khúc Việt không nhiều. Riêng các nữ nhạc sĩ sáng tác lại càng hiếm. Ở Paris trong nhiều thập niên qua một số nữ nhạc sĩ trẻ tài sắc đã trình bày tác phẩm của mình ở những buổi nhạc thính phòng, Chiều Văn Học Nghệ Thuật : 

Thế hệ nhạc sĩ lớn tuổi:


Nhạc sĩ Lê Khắc Thanh Hoài: Sáng tác và là giáo sư Dương cầm. Nhạc sĩ Hồng Anh: Sáng tác và là giáo sư Dương cầm. 
Lớp nhạc sĩ thế hệ trẻ: 

Nhạc sĩ Linh Chi: Sáng tác và trình diễn, là một tay vĩ cầm. Nhạc sĩ Cát Tưởng: Sáng tac và trình diễn bằng Tây ban cầm. Nhạc sĩ Trang Thanh Trúc: Sáng tác và trình diễn bằng dương cầm. Nhạc sĩ Mộng Trang sáng tác và trình diễn bằng Tây ban cầm. Nhạc sĩ Hoàng Hoa bên Ý : Sáng tác và trình diễn, là một tay Tây ban cầm. Nhạc sĩ Jazzy Dạ Lam bên Đức : Sáng tác và trình diễn, là một tay Dương cầm. Nhạc sĩ Thi Hạnh bên Nauy: Sáng tác….

Đôi Dòng về Cát Tưởng:
Cát Tưởng khi mới vào tuổi đôi mươi là lúc quê hương chịu một biến cố đau buồn nên đã bị cuốn theo cơn lốc của đất nước. Có lẽ những hình ảnh của quê hương luôn ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn người thiếu nữ tha hương đã tạo sự rung động mãnh liệt. Từ đó trái tim nghệ sĩ của Cát Tưởng đã hòa nhập những vui buồn với tha nhân, với cuộc đời và đất nước để viết lên những vần thơ những ca khúc. Trong nghệ thuật Cát Tưởng đã tìm cho mình một lối để đi mà ca từ giai điệu và những ngôn ngữ thơ đã hòa quyện tạo thành một cõi riêng cõi của Cát Tưởng không trùng vào muôn ngàn lời ca, ý nhạc khác, của thế giới bao la nghệ thuật. Cát Tưởng là người nhạc sĩ khởi đầu viết về nhạc trữ tình trong đó chất chứa khung trời hình ảnh quê hương nên ca từ có chút triết lý nhân sinh. Sau nhiều năm sáng tác tâm hồn nhạc sĩ như những trái chín chứa nhiều vị ngọt hướng về Thiền và cách sống Thiền. Nhưng theo tôn giáo tu là giải thoát, lánh đời, mà tư tưởng Thiền có tính cách phá chấp, rất tự do thiên về cái đẹp của nghệ thuật. Người có tư tưởng thiền rất tự do phóng khoáng đi gần với cái Chân Thiện Mỹ. Cát Tưởng có tư tưởng và cách sống có màu sắc thiền. 

Qua bao nhiêu mùa trôi đi, sự biến đổi của thiên nhiên, cuộc đời, tình nhân thế, thế mà dòng nhạc của Cát Tưởng hôm nay giai điệu vẫn mượt mà, Cát Tưởng vẫn đam mê, mơ mộng nên chất thơ nhạc vẫn bồng bềnh lãng mạn truyền cảm. Những ca khúc: Khép Cơn Mê Địa Đàng, Tim Nuông Nụ Hồng và Người Ơi Tình Ơi.

Nhạc sĩ Cát Tưởng tự hòa âm & phối khí, một ngành rất khó của âm nhạc. Tác giả chơi đàn và trình bày. Tiếng hát đượm chất buồn xa vắng hòa trong nhạc cảnh đã giúp cho giai điệu nhạc phẩm thêm chất thơ.

Khép Cơn Mê Địa Đàng
Đỗ Bình

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Giọt Lệ Ân Tình - Lời Duy Quang - Nhạc&Hoà Âm Đỗ Hải - Ca Sĩ Quốc Đạt


Lời: Duy Quang
Nhạc&Hoà Âm: Đỗ Hải
Ca Sĩ: Quốc Đạt

Trông Vời Quê Cũ



Ta vẫn lưu vong ở chốn này
Bao mùa hoa tuyết lạnh lùng bay
Hồn thơ lắng đọng từng con chữ
Nhịp sống hằn in những dấu giày
Đất khách mênh mang sầu ngọn bút
Phận mình lận đận trắng bàn tay
Trông vời quê cũ còn xa lắc
Một giấc hồi hương cứ hẹn ngày


Nguyễn Kinh Bắc


Dư Âm Buồn


Thu chưa đi …trắng thềm hoa tuyết!
Lơ lửng cành vài chiếc lá sương
Gió khuya lay giấc vô thrường
Nhẹ len khe cửa tim buồn ngăn xưa …

Từ xa nhau bến thưa người vắng
Trăng khuyết sầu đêm trắng đợi ai
Bóng thuyền chở mộng sông dài
Xuôi dòng xuân hạ đưa ngày tháng trôi

Thu lặng lẽ chiều rơi lặng lẽ
Dư âm buồn chạm khẽ hồn tôi
Gió lay thu rụng đêm rồi
Muôn chiều lá đổ … lặng ngồi cảm thương!

Vườn bình minh thoáng hương thu đọng
Chim xa đàn lạc lỏng cành đông
Người xa … xa mặt cách lòng
Cố nhân ta hỡi, “có-không” hỏi người?
Yên Dạ Thảo

* Cảm xúc khi YDT chụp được tấm hình chim red robin đậu trên cành Cherry  vườn nhà, sau môt trận bão tuyết những ngày gần cuối thu.


Tanka 18



Tanka 18

Mưa rơi
Nỗi nhớ chín muồi
Thinh lặng
Mỉm cười hư không ...

Dưới ô trống rỗng ...

dovaden2010
***
Cảm Tác:

Tanka 18


Nắng chiều
Buồn hắt buồn hiu
Xa mờ
Hương gây mùi nhớ
Lỡ làng có hay…


Kim Phượng

Vào Đông



Trời trở lạnh, sân ngoài sương kín ngõ
Nước đọng cành hoa cỏ ướt sương mai.
Cây rùng mình cành trúc gió lay lay
Mặt trời vắng, nhà ai còn say giấc.

Đông chưa hẳn mà lòng nghe tiếng bấc
Gió giao mùa lạnh ngắt nắng mơ phai.
Thu đã tàn, chiếc lá cuối cùng bay
Đang run rẩy tiếc trần ai từng phút.

Vẫn ngồi đấy bên song, trà nghi ngút
Nghe lạnh lùng vi vút tiếng thời gian.
Mấy chục năm lữ thứ khách bàng hoàng
Tuổi già tới võ vàng vành tóc trắng!

Năm gần hết bỗng thấy lòng sầu lắng
Những tin buồn xa vắng xuyến xao lòng.
Cánh hạc hồng hun hút bỏ lầu không
Trời đất khách mênh mông đâu tri kỷ?

Mailoc
11-26-19
***
Cảm Tác:
Đông Về Trên Đát Khách

Đông lạnh giá tuyết rơi đầy trước ngõ
Nỗi niềm riêng biết tỏ đến cùng ai ?
Lòng lâng lâng mang cảm giác u hoài
Thân lữ thứ,lạc loài trên đất khách

Bên lò sưỡi củi than kêu tí tách
Gió bấc lùa lay động cánh tuyết bay
Trời âm u,chiếc lá cuối thu phai
Chim trốn lạnh,rẩy run kêu chiêm chiếp

Đưa tay vội nấu ấm trà trên bếp
Mùi hương thơm lan tỏa khắp không gian
Bấm đốt tay....thân cô lữ bẽ bàng
Gần phân nữa...cuộc đời nơi đất lạ

Thankgiving,bỗng thấy buồn trong dạ
Tạ ơn đời cho cuộc sống hôm nay
Ân tình kia nghĩa nặng lại cao dầy
Làm sao trả...khỏi mang người vong bản...

songquang
20191126
(Nhân ngày lễ Tạ ơn 2019)
***
Cái Lạnh Mùa Đông

Vừa thức dậy trời mưa dầm trước ngõ
Bước xuống thềm trơn trợt lạnh ban mai
Trên cây thông con sóc nhảy cành lay
Giựt mình gió...em tôi còn ngon giấc

Đông đang đến bạn ơi mùa gió bấc
Lạnh làm sao áo ấm nắng màu phai
Thu mãn rồi héo úa lá vàng bay...
Treo lơ lửng giữa trần gian giây phút

Nhấp môi uống cà phê đen ngun ngút
Nghe gió mưa như trút nước không gian
Đã bốn bốn năm đất khách huy hoàng
Nay nghỉ hưu tuổi vàng râu tóc trắng

Thanksgiving đến Giáng Sinh lo lắng
Nhớ quê hương thầm lặng xót xa lòng
Chim hạc vàng bay vút mãi từng không
Buồn lữ thứ, tri âm sầu vạn kỷ ?...

Mai Xuân Thanh
***
Sáng Sớm Mùa Đông

Trời đông xám sương mờ giăng trước ngõ
Khói lan từ hơi thở buổi ban mai
Chân bước đi trên lối cỏ gió lay
Thành phố vẫn đang say vào cuối giấc.

Sương lả tả theo từng cơn gió bấc
Hơi đêm từ mặt đất vẫn chưa phai
Chiếc khăn quàng theo gió lật tung bay
Nghe buốt giá len dài theo mỗi phút.

Thèm ngọn lửa ánh hồng vươn cao ngút
Cháy bừng lên vun vút sáng không gian
Tô thắm tươi trên khuôn mặt võ vàng
Che bớt vẻ tạ tàn đêm thức trắng.

Tiếng gió rít phá tan màn sương lắng
Bầy chim non hoảng loạn...cảnh đau lòng
Cất tiếng kêu thảm thiết giữa trời đông
Mẹ có kịp về không, trong giá rét?

Phương Hà

Thính Vũ 聽雨 - Nguyễn Trãi


(Nguyễn Trãi)

Nguyên tác  Phiên âm: 

聽雨            Thính Vũ

寂寞幽齋裏 Tịch mịch u trai lý 
終宵聽雨聲 Chung tiêu thính vũ thanh
蕭騷驚客枕 Tiêu tao kinh khách chẩm
點滴數殘更 Điểm trích sổ tàn canh
隔竹敲窗密 Cách trúc xao song mật
和鐘入夢清 Hòa chung nhập mộng thanh
吟餘渾不寐 Ngâm dư hồn bất mị
斷續到天明. Đoạn tục đáo thiên minh .
阮廌              Nguyễn Trãi 

Thể thơ: ngũ ngôn bát cú, trong Ức Trai thi tập. Thơ làm trong khi chưa thành đạt. 
Chú thích từ ngữ: 

Tịch mịch (寂寞): yên lặng. 
U (幽): vắng vẻ, tối tăm, sâu kín // cửu u 九幽: nơi âm phủ. 
U cư: 幽居: ở ẩn. U trai (幽齋): thư phòng vắng lặng, tối tăm. 
Lý (裏): phía trong 
Tiêu (宵): đêm. Trung tiêu: nửa đêm. Chung tiêu(終宵): suốt đêm, từ tối cho tới sáng. 
Thính (聽): nghe 
Tiêu tao (蕭騷): buồn bã, sầu não, tiêu điều. 
Chẩm (枕): gối nằm 
Trích (滴):dt là giọt nước, quyên trích 涓滴 : giọt nước tí tẹo// đt là nhỏ giọt. 
Sổ ( 數): số đếm, vài ba. 
Sổ nhật: vài ba ngày. 
Xao (敲): gõ, đập. Xao môn: 敲門 gõ cửa. 
Mật (密): kín, dày, đầy, rậm rạp, liền kín. Mật mật tằng tằng 密密層層: chập chồng liền kín. 
Ngâm dư (吟餘): sau khi ngâm xong. 
Mị (寐): ngủ 
Đoạn tục (斷續): đứt nối, mưa ngưng rồi tiếp tục lại. 

Dịch nghĩa: 
Nghe Mưa

Trong thư phòng, vắng vẻ tối tăm, 
Suốt đêm nghe tiếng mưa rơi 
Buồn áo não, làm kinh động gối khách,
Giọt mưa tí tách suốt mấy canh tàn.
Cách bụi trúc, tiếng khua nhặt đập vào cửa sổ,
Hòa lẫn với tiếng chuông vẳng vào trong giấc mộng.
Ngâm vịnh mãi rồi vẫn không ngủ được,
Nghe đứt nối cho đến trời bình minh. 

Lời bàn: 

Nguyễn Trãi 阮廌 (1380-1442) hiệu Ức Trai là một nhà thơ nổi tiếng cũng là một nhà chính trị tài ba. Ông là một đại công thần của nhà Lê ( Lê Lợi tức Lê Thái Tổ). Ông có công trong việc giúp Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh từ 1418 cho tới lúc thành công 1428. Ông là một nhà chính trị tài ba giúp Lê Lợi đưa ra kế sách, vận động toàn dân đứng lên chống xăm lăng. Sau khi giành được độc lập (1428) ông viết bài Bình Ngô đại cáo ( 平吳大誥), thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam. Bình Ngô Đại Cáo là tác phẩm văn học với chức năng hành chính quan trọng đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và là tác phẩm có chất lượng văn học cao. Thơ Nguyễn Trãi chủ yếu nằm trong Ức Trai Thi Tập, gồm 105 bài thơ chữ Hán, là một trong các tập thơ chữ Hán đặc sắc của Nguyễn Trãi, trong đó có 17 bài tồn nghi. Đa số các bài trong tập này là thơ thất ngôn bát cú; thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn, chỉ có 2 bài theo thể trường thiên là "Côn Sơn ca" và "Đề Hoàng ngự sử Mai tuyết hiên". Về sau thêm vào 234 bài thơ chữ Nôm, làm thành Quốc Ăm Thi Tập còn truyền tụng và lưu giữ cho tới ngày nay. 

“Thính vũ” là một bài thơ trữ tình được sáng tác trước khi cuộc kháng chiến thành công. Như vậy có thể nói bài nầy được sáng tác trước 1428. Bài thơ bộc lộ tâm trạng một cách sâu sắc. 

Cha của Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh làm quan dưới triều nhà Hồ ( Hồ Hán Thương) giữ những chức vụ quan trọng. Năm 1407 quân Minh xăm lược nước ta, bắt Hồ Quý Ly giải về Tàu, Nguyễn Phi Khanh cũng cùng chung số phận. Khi đó Nguyễn Trãi chạy theo cha khóc lóc thảm thiết, đến Ải Nam Quan thì cha bảo Nguyễn Trãi hãy quay về Thăng Long tìm cách diệt giặc trả thù cho cha rữa hận cho nước, chứ theo khóc lóc mà làm gì? Ông nghe lời cha quay về lo chuyện phục thù. "Khi Bình Định Vương Lê Lợi về đánh ở Lỗi Giang Nguyễn Trãi xin đến yết kiến và lên bài sách Bình Ngô. Bình Định Vưng xem xong khen hay, dùng ông làm tham mưu. Ông giúp Bình Định Vương bày mưu định kế để lo sự bình định (Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim). 

Chính trong thời gian làm tham mưu cho Bình Định Vương mà Nguyễn Trãi đã sáng tác bài thơ "Thính Vũ" nầy. Bắt đầu là cảnh trời mưa, chàng trai trẻ Nguyễn Trãi hồi đó đã thức thâu đêm một mình trong phòng vắng, ở một lữ quán nào đó trên đường đi công tác bí mật, tránh sự dòm ngó của quân thù. Ông lắng nghe tiếng mưa rơi mà lòng rầu rỉ lo âu chuyện đời, việc nước. Trong thư phòng nhỏ lạnh lẽo, vắng lặng, tối tăm, nói lên nỗi cô đơn trống vắng giữa không gian u tịch mênh mông. Cảnh tượng mưa đêm, có tiếng gió lay xào xạc, tiếng tí tách trên tàu lá, trên mái tranh, trên khóm trúc là những hình ảnh rất thật có tác dụng xoáy vào tâm tư Nguyễn Trãi, một con người đang ôm ấp một hoài bão lớn. Tiếng mưa rơi cũng là tiếng lòng của tác giả đã chạm vào chốn sâu thẳm trong tim chứa đựng một ước mơ. 
Ta thấy cảm xúc trong ông thật đậm đà nhưng nóng bỏng tình yêu quê hương đất nước tưởng như tới cực độ, dồn nén trong lòng, vượt quá sự ức chế. Ông trằn trọc, lo âu, day dứt mong cho dứt cơn mưa nhưng sao mưa cứ mưa mãi mưa hoài suốt năm canh cho tới sáng hôm sau! Tiếng động của mưa gió làm ông giật mình không ngủ, phải chăng ông đang lo nghĩ tới ngày mai, biết bao giờ cuộc kháng chiến mới thành công? Ông lo lắng tự hỏi sao cơn mưa cứ kéo dài mãi, chẳng khác nào cuộc kháng chiến hiện tại đã trải qua gần 10 năm rồi ! Ông mong cho mưa chấm dứt tức cuộc kháng chiến thành công. 

Trong tiếng mưa, dường như có cả tiếng chuông chùa từ xa vọng lại. Tiếng chuông như động vào giấc mơ, làm nhà thơ bừng tỉnh. Một giấc mơ dấu kín trong lòng, của người đang thao thức, mong cho trời mau sáng. Tác giả tả tâm trạng của một người có chí khí lớn qua hình ảnh và âm thanh thật đặc sắc vừa gợi hình, gợi cảm vừa ẩn dụ sâu xa. Quả thật là một bài thơ hay, cô đọng ! 


Dịch thơ: 
1. Diễn dịch bằng thơ lục ngôn: 

Nghe Mưa

Trời tối thư phòng vắng lặng 
Suốt đêm nghe tiếng mưa rơi 
Áo não kinh hồn gối khách 
Giọt mưa tí tách chưa thôi 
Khóm trúc xạt xào cửa sổ 
Chuông ngân hòa mộng chơi vơi 
Ngâm vịnh không tròn giấc ngủ 
Mưa hoài tới sáng nào ngơi! 

Nguyễn Cang 

2. Diễn dịch bằng thơ thất ngôn: 

Nghe Mưa

Tối tăm phòng vắng, lặng êm đềm 
Mưa suốt năm canh chạnh ngóng thêm 
Buồn bã giật mình, lay gối khách 
Eo sèo mưa thấm, lạnh trời đêm 
Gió khua bụi trúc vang khung cửa 
Hòa tiếng chuông chùa khuấy mộng êm 
Ngâm vịnh trở trăn thao thức mãi 
Mưa đêm khoan nhặt sáng dần im!!! 

Nguyễn Cang 

3. Bản dịch:  
Nghe Mưa

Thư phòng vắng vẻ càng u-tịch, 
Thao thức nghe mưa tí tách ngoài. 
Phơn phớt gió lùa lay gối khách, 
Mưa rơi rả rích suốt đêm dài. 
Mở lòng tiếng trúc khua cùng gió, 
Hoà nhịp chuông ngân giấc mộng lay. 
Ngâm vịnh vẫn không sao ngủ được, 
Tiếng mưa thưa nhặt đến ban mai. 

Hương Lệ Oanh

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

Lời Cám Ơn - Lời Hạ Đỏ Bích Phượng - Nhạc Ngô Thụy Miên


Lời: Hạ Đỏ Bích Phượng
Nhạc: Ngô Thụy Miên
Thực Hiện: Trần Ngọc

Ngôi Làng Bí Ngô



Bí ngô chẳng bí tí nào
Làm nên phong cảnh khát khao ngắm nhìn
Càng trông càng lắm vẻ xinh
Như truyện cổ tích chúng mình ước ao!

Từ túp lều tranh , từ bé ngọt ngào
Lối qua chòm xóm xiết bao hữu tình
Chiếc cầu rủ bóng cong mình
Bé đi có thấy gập ghềnh bước chân?

Cổng vào mái lá phân vân
Lên xe song mã rước Thần dấu yêu
Cây to cành ngả xanh chiều
Vườn cây thực vật ngó nhiều ngất ngây

Hàng năm được ngắm trưng bày
Trăm ngàn trái bí đong đầy tích xưa
Cũng là Lệ Hội Chào Thu,
Tạ Ơn, Dallas đơm mơ hiến người ...

Cảm ơn ngày được rong chơi
Rồi mai ta lại kịp thời chạy đua!


Locphuc

Rơm, Những Bé Mồ Côi


(Hai chị em) 

Khác với mọi năm, mỗi khi gần đến các ngày lễ Halloween, Thanksgiving, và Noel. Tôi đi chợ thường hay chụp những món đồ trang trí của tiệm họ bầy bán. Nhưng năm nay ngoại lệ, những hình ảnh qúy vị xem trong bài này, hoặc trên 50 ảnh trong pps là đều chụp từ một "Church sale" của một nhà thờ, tất cả là đồ cũ, đã hư hỏng, hoặc chủ nhân đã chán, cho nhà thờ để bán lấy tiền làm việc thiện. 

( Rơm Láu ) 

Những em bé hình nộm người rơm này, chúng đều tơi tả vì đã được chủ nhân dùng trong nhiều năm, tuy vậy, nhưng với góc nhìn riêng của Hương Kiều Loan, chúng vẫn có nét nào độc đáo, và vẫn có cái hồn riêng lôi cuốn người cầm máy -dù chỉ là máy P&S nhỏ, tôi luôn mang theo trong ví, cộng thêm camera từ cell tel. Tôi thích những bé Rơm, rách rưới mồ côi này hơn những "trẻ Rơm" mới tinh bầy bán trong tiệm. Với tôi, một chiếc áo nâu sờn vai, rách, vá chằng chịt của một người nông dân nghèo cả đời lam lũ, đó là cái thực, cái hồn của một kiếp nghèo, nếu xếp 

chiếc áo đó bên cạnh một chiếc áo nâu mới, được thêm mấy miếng vá làm cảnh, như hình ảnh, ta thường thấy trong các tuồng cải lương trước 75. Thì dĩ nhiên tôi thích thâu vào ống kính chiếc áo rách thực sự kia. Với dấu tích thời gian...những bé Rơm này đã cho tôi một thích thú khi thâu ảnh chúng. Nếu qúy vị thất vọng vì những ảnh chụp này, thì chắc tôi đã sai, hay đã trở nên ...gàn gàn, vì là nghệ sĩ tay ngang ((=: 

( E thẹn) 

Mời qúy vị xem các trẻ Rơm mồ côi này, chúng đang chờ một mái ấm, có thể gia đình thứ hai nào mà chúng được đón về, người ta sẽ yêu thương chúng hơn, vì đã tự nguyện chọn chúng từ nơi chợ trời của nhà thờ. Hy vọng chúng được sống thêm ít năm nữa trước khi bị liệng vào thùng rác. Tuy nhiên hình ảnh chúng vẫn còn đây, trong album ảnh của Hương Kiều Loan. Cho đến ngày tôi cũng bị luật thời gian đào thải để về lòng đất. 


HAPPY THANKSGIVING 2019 Xin chúc Qúy Vị và gia đình một mùa lễ thật đầm ấm, hạnh phúc và nhiều sức khoẻ. 

Hương Kiều Loan


Tạ Ơn Hoa Kỳ



Trời cho còn có hôm nay
Lòng rưng rưng nhớ những ngày bi thương,
Rời Quê hương, bỏ chiến trường
Ra đi, trước mặt đại dương ngàn trùng,
Cơn bĩ cực, đến vô cùng!
Ơn Trời phù hộ, đến vùng thái lai.

Hoa Kỳ mở rộng vòng tay,
Đón người Tỵ nạn, giúp xây dựng đời
Trao nhau nhân ái, nụ cười,
Miếng cơm, manh áo tặng người Di dân

Từ vật chất, đến tinh thần
Cưu mang tận tụy, ân cần yêu thương.
Chúng tôi, lữ khách tha phương
Tới đây, xin nhận Quê hương thứ nhì.

Tạ Ơn Người Bạn Hoa Kỳ,
Ủi an, khích lệ nhau khi cơ cùng
Cho nhau mảnh đất tạm dung,
Cho nhau ngạo nghễ vươn chung Quốc Kỳ

Ơn này lòng dạ khắc ghi!
Nguyện cầu Thượng Đế quyền uy vô lường,
Hộ phù Nước Mỹ phú cường
Ban cho dân Mỹ, bốn phương an bình.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Tạ Ơn Nỗi Nhớ Đi Về Có Nhau


Thanksgiving đã đến rồi
Trái tim mãi tạ ơn trời cưu mang
Ơn em mười ngón tay vàng
Dắt tình qua lối thiên đàng xa xưa
Tóc dài lồng lộng gió đưa
Cột tình tôi với những mùa nhớ nhung
Chiếc dù tình ái che chung
Chắn che giông tố bão bùng ngả nghiêng

Nỗi đau xa cách nổi chìm
Vết dao tình cắt vẫn mềm mại thương
Trái tim men lối thiên đường
Nụ hôn nồng cháy tạ ơn em nhiều
Tạ ơn ánh mắt nuông chiều
Con đường hò hẹn chim reo nồng nàn
Tạ ơn má đỏ môi ngoan
Tình tôi trú trọ muôn ngàn nhớ mong
Phương trời e gió lạnh lùng
Thơ tôi gửi nắng hồng hong phương trời
Thanksgiving nhớ xa xôi
Trái tim vọng động tiếng cười em xa

Chúc em hạnh phúc an hòa
Có gì vui gửi quê nhà xẻ chia
Mối tình đã trót chia lìa
Tạ ơn nỗi nhớ đi về có nhau

Trầm Vân

Chuyện Cái Đầu


Tôi phải cám ơn vợ tôi rất nhiều đã chăm sóc cho cái đầu tóc của tôi trong suốt gần bốn mươi năm chung sống với nhau. 
Nàng là người đã cắt tóc cho tôi. 

Tôi vốn bị dị-ứng với các tiệm hớt tóc, sau một lần xui xẻo bị cái tondeuse điện của một bác thợ hớt tóc lên cơn suyễn gọt mất đi một mảng tóc lớn trên cái đầu của một thằng nhỏ ngây thơ vừa bước chân vào bậc trung-học kia. 
Lần đó tôi đã phải bỏ học một ngày ở nhà, cứ nhìn vào gương là khóc thét lên, và sau đó đã phải đội nón suốt ngày hơn một tháng trời để chờ cho tóc mọc lại. 
Vợ tôi không dùng tondeuse, chỉ tỉa tóc tôi bằng kéo, rất an-toàn. Nàng biết tôi và tondeuse không thể ở chung một nhà. 
Khi đi uốn tóc, chỉ ngồi nhìn các cô thợ hớt tóc chuyên-nghiệp dùng kéo tỉa tóc cho khách thôi mà vợ tôi học được cách cắt tóc cho tôi. 
Chỉ quan-sát không thôi mà bắt chước làm được thì phải công-nhận vợ tôi giỏi thật. 

Rất tiếc nàng không thấy có cô thợ hớt tóc chuyên-nghiệp nào ở Mỹ ráy tai cho khách cả, cho nên tôi phải tự ráy tai lấy. 
Tôi có một ông bạn mỗi năm về Việt Nam một lần, thăm quê hương là phụ, đi hớt tóc có ráy tai là chính. 
Ông là người đã từng tuyên-bố sau Tứ-khoái, ráy tai xứng đáng được xếp vào hạng ngũ-khoái. Người nói, "Được nghe nhạc hay, được nghe ai khen mình đến sướng cả tai thì cái sướng đó là cái sướng thuộc về tâm-hồn. Còn được một sư-tổ chuyên ráy tai phục-vụ cái lỗ tai của mình thì cái sướng đó là cái sướng về thể-chất." 
Hoá ra, lỗ tai là bộ-phận duy-nhất trên cơ-thể của chúng ta có được khả-năng sướng cả hai mặt vừa phần hồn lẫn phần xác. 
Khi tôi đang viết những dòng này thì ông bạn của tôi đang ở Saigon để cho cái lỗ tai của mình được hưởng cái sướng về phần xác. 
Còn cái khổ về phần hồn thì phải chờ ngày ông về lại Mỹ gặp vợ rồi sẽ biết. Bà đã ghi vào sổ tay là ông về VN lo đám tang cho cha lần này là lần thứ ba. 

Xin trở lại chuyện tóc tai của tôi. 
Vợ tôi cắt tóc tôi theo góc nhìn thẩm-mỹ của nàng, không đẹp lắm theo ý muốn của riêng tôi.
Tôi có than phiền một đôi lần. 
Nàng trêu tôi người xấu trai thì hớt kiểu nào cũng xấu thôi. Tôi trêu nàng thiếu óc thẩm-mỹ. Vợ tôi ngồi chịu chết không cãi lại được. Cãi sao được khi tôi nói quá đúng, "Nếu em có óc thẩm-mỹ, em đã không chọn tôi." 

Một anh bạn khuyên tôi nếu thật tình muốn vừa ý một trăm phần trăm với cái đầu tóc của mình, chính mình phải tự cắt tóc cho mình. 
Tôi nghe rất có lý. Riêng "Nghiệp-đoàn thợ hớt tóc toàn-cầu" thì phản-đối kịch-liệt. 
Anh bạn tôi giới-thiệu tôi với thằng em trai của anh, người tự mình cắt tóc cho mình. 
Vừa thoạt nhìn, phải giật mình công-nhận thằng này có mái tóc tự cắt rất đẹp. 

Nó nói, "Tự cắt tóc cho mình không phải là dễ, nhưng cũng không phải là khó lắm. Chỉ cần một cái kéo loại để cắt tóc thật bén , một cái lược và hai cái gương: một gương lớn nhà nào cũng có đã gắn sẵn trên tường để chúng ta nhìn vào đó mà cắt tóc phía trước, và một cái gương nhỏ cầm tay, đứng xoay lưng lại gương lớn và nhìn vào gương nhỏ để thấy tóc phía sau của mình hiện lên gương lớn mà cắt. Đây là phần khó nhất vì phải đưa ngược tay ra phía sau, lại phải nhìn vào cả hai gương mới thấy được tóc ở phía sau của mình, và cắt rất trái tay nên không cẩn-thận cắt trật như chơi. 
Tôi khen tóc cậu em cắt đẹp.
Sung sướng vì được khen (lỗ tai cậu đang sướng phần hồn), nó đề-nghị hướng-dẫn cho tôi cách tự cắt tóc, chỉ nửa giờ thực-tập là có thể tự cắt được. 

Với tôi, đây là giây phút sống chết. Cuộc đời tôi có thể thay đổi, bước qua một khúc quanh khác. Tôi phải thật bình-tỉnh. 
Tôi hít một hơi thật sâu và mạnh, nhìn thật thẳng vào hai mắt nó, không dám nhìn chệch đi một li, sợ phải nhìn thấy cái lỗ tai đầy sẹo của nó, cương-quyết trả lời, "Cám ơn em, nhưng rất tiếc anh không được khéo tay."
Quí độc-giả cũng sẽ từ-chối như tôi thôi. Thằng này chỉ còn đúng có một cái lỗ tai. Đầy cả sẹo. 

Quay lưng lại gương lớn, nhìn vào gương nhỏ để tìm thấy mái tóc phía sau của ta hiện trên gương lớn là một việc dễ làm. Nhưng quặt ngược một tay còn lại để cầm kéo tỉa tóc phía sau là một việc làm ngược hướng, trái tay, khó và nguy-hiểm. Không nguy-hiểm nó đã không mất một tai. 

Viết đến đây, tôi sực nhớ đến một điều. Đâu phải tự-nhiên mà ông bà chúng ta mỗi khi nói đến tóc là luôn kèm thêm chữ tai. Thí-dụ như Tóc Tai đàng hoàng, Tóc Tai bù xù, Tóc Tai dị hợm, Tóc Tai gọn gàng v..v.. Cứ có chữ tóc là có chữ tai. Tại sao? Hay có thể ngày xưa cũng đã có những cái tai bị rơi rụng khi các cụ cắt tóc. Thiệt đúng là chuyện Tóc với Tai. 
Từ sau lần gặp gỡ người chỉ còn một cái lỗ tai đầy sẹo đó, tôi hoàn-toàn giao cái đầu tóc của mình cho vợ lo, không đòi hỏi khen chê gì nữa. 

Đầu tóc có không vừa ý một chút cũng không sao, miễn là tóc tai đàng-hoàng, và nhất là hai tai còn đầy đủ để đeo kính không bị lệch lên lệch xuống là được rồi. 

Lại Chuyện Cái Đầu. (Revised on 11/26/2019.)



Cả tháng không ăn ngoài, sáng nay tôi đưa vợ đi tìm phở để lót lòng. 
Chắc chắn không phải loại "Phở" mà các ông thường tìm khi chán cơm. Ăn "Phở" loại này không ai đưa vợ đi theo. No exceptions!

Vừa ngồi vào bàn, một chị bồi bàn trông khoảng trên dưới 60 đến hỏi ngay vợ tôi, "Chị dùng gì?" 
Xong quay qua tôi, "Bác dùng gì?" 
Tôi đoán ra ngay vì sao tiệm phở này ngon mà lại vắng khách. 
Phải cố-gắng khéo léo cho chị bồi bàn này một bài học mới được. 
Tôi ôn-tồn, "Làm ơn cẩn-thận trong việc xưng-hô nghe! Chị gọi ai là bác?" 
Chị bồi bàn trợn mắt nhìn tôi kỹ hơn, xong hốt hoảng, "Lạy ông, xin ông tha lỗi cho con. Hôm nay con đi làm vội quá, bỏ quên mắt kính ở nhà!"
Tôi giật mình, thật không ngờ mình già đến như vậy. 

Xưa nay cứ mãi chúi đầu chúi mũi vào đàn địch, TV và Internet, lại ít nhìn vào gương, tâm-hồn thì còn quá trẻ trung, yêu đời cho nên tôi cứ tưởng mình còn trẻ lắm. Ai ngờ?
Hôm đó chị bồi bàn được tiền tip rất khá từ vợ tôi. 
Ôi! Women!
Tôi thì khi đi ăn tiệm chỉ cho tip khá hơn bình-thường nếu người bồi bàn bận quá để tôi phải chờ lâu, lúc đó sẽ được đói hơn, và sẽ có dịp ăn ngon miệng hơn. 
Càng chờ lâu tip càng nhiều. 
Nhưng chờ đến đói lã gần ngất xỉu thì vợ tôi phải sẳn sàng gọi 911. Bồi bàn có kinh-nghiệm thì lo xin tiền tip trước. 

Đói đến gần ngất xỉu mà thấy đồ ăn ngon được dọn ra, ăn ngấu ăn nghiến vào thì trước sau gì cũng bị trúng thực mà chết. Từ dân gian gọi là chết tươi, tức là chết khi quá no. Khác với chết héo tức là chết khi quá buồn. 

Trở lại chuyện chị bồi bàn được tip khá. 
Hôm đó tôi cũng học được một bài học đáng giá. 
Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, phải chịu khó nhuộm tóc, và luôn luôn nhớ mang denture vào. 
Cái răng cái tóc là gốc con người. 
Lười nhuộm tóc và quên đeo răng giả vào là trông già trước tuổi ngay. 
Nhất là khi mình đang ở trong cái lứa "Thất thập cổ lai hy".
Lần đầu tiên khi tôi tự nhuộm tóc lấy cho mình, thiên-hạ tưởng tôi nhuộm tai.

Thế là lại phải nhờ vợ mình nhuộm tóc cho mình. 
Denture thì tôi tự đeo lấy. 
Chỉ có một lần duy-nhất tôi phải nhờ vợ khi một sáng kia thức dậy kiếm denture không thấy, không nhớ đêm hôm trước sau khi nhậu nhẹt với bè bạn xong, trước khi đi ngủ mình tháo denture ra cất ở đâu. Hai vợ chồng lục tung nhà, xe, cùng nhau kiếm mãi gần nửa tiếng đồng-hồ mà vẫn không thấy cái denture duyên dáng kia rơi rớt chốn nào. 
Đến lúc quá thất-vọng, sắp sửa gọi điện-thoại hẹn với nha-sĩ để đi làm một cái denture khác thì chính cái lưỡi của tôi đã rà soát và khám phá ra tối hôm qua trước khi đi ngủ tôi quên không tháo denture ra cất. Người vẫn còn nằm trong miệng của tôi, im như thóc, trong khi mình tìm người gần chết. 
Vợ tôi không im như thóc. Nàng ngồi nhìn tôi cười ngặt nghẽo. Nhưng tuyệt-đối không trách chồng một tiếng. 

Thanksgiving ai tạ ơn ai tôi không biết. 
Tôi thì tạ ơn vợ tôi.
Không phải vì nàng lo cho tóc tai của tôi, hàng tháng cắt và nhuộm tóc cho chồng đàng hoàng. 
Tôi tạ ơn nàng vì cái đức-tính bao-dung không trách móc khi chồng ngậm denture chặt cứng trong miệng mà bắt mình phải đi tìm nó. 

Happy Thanksgiving! 

Lê Xuân Cảnh

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Hãy Trở Về Như Chưa Bước Đi - Thơ Phùng Quân - Nhạc Nguyễn Tuấn


Thơ: Phùng Quân
Nhạc: Nguyễn Tuấn
Hòa âm: Giang Đông
Tiếng Hát: Hoàng Quân
Thực Hiện: Đặng Hùng


Thu Buồn



Thu về gợi nhớ những Thu qua,
Kỷ niệm Thu xưa chẳng nhạt nhòa.
Khi thấy không còn hoa phượng nở
Là mùa Thu đến với trường ta.

Độ tuổi lớn lên mới biết yêu,
Gặp em duyên dáng giữa Thu chiều,
Tim ta rung động, lòng xao xuyến
Nhưng tỏ cùng em chẳng được nhiều!

Rồi chinh chiến vẫn cứ trường kỳ,
Lên đường làm trọn phận nam nhi.
Tình chưa trọn vẹn đành xa cách,
Thu cũng u buồn cảnh biệt ly.

Thu đi Thu đến trải bao lần,
Ta về tìm lại bóng giai nhân,
Chỉ còn đất trời và sông núi,
Em quên ta mãi hay sang ngang?

Phan Lục 

Sầu


Sầu

Tình yêu một thoáng vuột tầm tay 
Tiếc nuối sao vơi những tháng ngày 
Mây tím giăng sầu sầu chất ngất 
Thêm cho đầy giấc mộng chua cay 

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Tình Đắng Cay


Thuở mới yêu nhau tay nắm tay
Sánh bước song đôi cứ mỗi ngày
Ai đâu ngờ tình hai lối rẽ!
Tim nhói đau khóc tình đắng cay


Phan Lương

Thu Lữ



Thu đến mang theo những lá vàng
Hàng cây trụi lá đứng cư tang
Phòng the thục nữ ngồi đan áo
Ải bắc chinh yên ngựa sẵn sàng
Nhạc gió heo may còn não nuột
Hoa mầu hồng cốm ngóng đông sang
Dừng chân lữ khách say hồn nước
Ngước vọng chân trời một tiếng vang 

Locphuc
***
Tiễn Thu

Thu muộn hàng cây đứng chịu tang
Trời mây ảm đạm đón mùa sang
Ngày đi lưu luyến chiều dần tối
Nến thắp lắt lay sắc úa vàng
Giấc ngủ chập chờn ru huyễn mộng
Thời gian gõ nhịp vọng âm vang
Mơ hồ tiếng gió nghe xào xạc
Đông đã về ư? Mắt lệ tràn

Yên Nhiên

Đất Phương Nam I - Sài Gòn Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa 01



Sài Gòn Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1954 đến 1975, Sài Gòn chẳng những là biểu trưng chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế cho miền Nam mà còn cho cả nước, vì thời đó tổng sản lượng của Sài Gòn chiếm hơn 1/3 tổng sản lượng toàn quốc. Sài Gòn còn là địa bàn phát triển kinh tế, chẳng những đối với miền Nam, mà còn trên bình diện cả nước nữa. Nhờ nằm giữa hai vùng trù phú nhất của Việt Nam, đó là miền Đông và miền Tây Nam Kỳ, Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế và thương mãi cho toàn vùng. Sau năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa, nơi tập trung tất cả những cơ quan đầu não, gồm các bộ và các tổng nha của chánh phủ, các tòa đại sứ, và trụ sở Thượng và Hạ Nghị Viện của VNCH. Chỉ riêng phi cảng Tân Sơn Nhất, trên các tuyến đường bay quốc tế tăng từ 35 ngàn hành khách mỗi năm từ năm 1958 đến năm 1961; từ 1966 đến 1970 tăng lên 435 ngàn mỗi năm. Trên những tuyến đường bay quốc nội tăng từ 50 ngàn hành khách năm 1961 lên đến trên một triệu mỗi năm từ năm 1966 đến năm 1970.

Về giao thông đường bộ, nhờ vị trí trung tâm của Sài Gòn khiến nó trở thành giao điểm của các trục lộ của miền Nam. Quốc lộ 1, chạy dọc theo bờ biển Đông, nối liền Nam Bắc Việt Nam, đến Sài Gòn, quốc lộ 1 tiếp tục đi lên Nam Vang, trong khi quốc lộ 4 đi về miền Tây(26). Riêng tại vùng Xa Cảng Miền Tây, khu thương mãi vùng Phú Lâm phát triển rất nhanh, nên trên trục lộ nầy chánh phủ đã cho xây lên nhiều cơ xưởng và kho chứa hàng hóa. Đồng thời, chợ búa, nhà cửa, phố xá cũng được xây dựng. Đến thời Việt Nam Cộng Hòa thì hai thành phố Sài Gòn-Gia Định gần như tiếp giáp nhau, nghĩa là những khu đồng ruộng đã từ từ biến thành đường phố và nhà cửa.

Những khu đồng ruộng giữa Sài Gòn và Gia Định trong các quận Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh cũng biến thành các khu phố liền nhau. Quốc lộ 20 nối liền Sài Gòn-Lâm Đồng-Đà Lạt. Đầu thập niên 1960, chánh phủ VNCH xây dựng Xa Lộ Sài Gòn-Biên Hòa nối liền thành phố với các khu kỹ nghệ trên vùng Biên Hòa. Sau năm 1955, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho bị hủy bỏ vì quá cũ kỹ và không còn đủ tiêu chuẩn an toàn. Thay vào đó, chánh phủ VNCH nới rộng các tuyến đường bộ khác như Trần Hưng Đạo, Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ), và Hồng Thập Tự (nay là Xô Viết Nghệ Tĩnh). Đến năm 1956, tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi Gò Vấp cũng bị hủy bỏ.
Chánh phủ VNCH cho xây dựng đường Bùi Hữu Nghĩa ngay trên tuyến đường xe lửa nầy nhằm nối liền thành phố Sài Gòn với tỉnh Gia Định. Sau đó chánh phủ lại nới rộng tất cả những con đường xung quanh đó khiến cho việc lưu thông từ Sài Gòn đi Gia Định và đến tận thương cảng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn nhiều. Đến năm 1959, chánh phủ VNCH cho thành lập các tuyến đường xe buýt công cộng nối liền Sài Gòn-Gia Định với các quận ngoại thành như Tân Bình, Bình Thạnh và Phú Nhuận, nhằm giúp đở công nhân và công chức có lợi tức thấp. Riêng tuyến xe lửa Sài Gòn-Hà Nội, nằm dọc theo bờ biển miền trung, đã bị gián đoạn từ năm 1954, đến năm 1977 tuyến đường nầy mới được tái hoạt động.

Vị trí địa lý thật đặc biệt của Sài Gòn cũng góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nó. Sài Gòn nằm dọc theo hữu ngạn sông Sài Gòn(27), một nhánh của sông Đồng Nai. Sông Sài Gòn chảy vào sông Đồng Nai trên khúc sông Nhà Bè, rồi sau đó theo hai nhánh đổ ra biển, đó là nhánh sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Dầu thương cảng Sài Gòn cách bờ biển trên 80 cây số, nhưng nhờ lòng sông sâu (khoảng trên 12 mét) nên tàu bè trên 20 ngàn tấn có thể cập bến Sài Gòn. Trên địa bàn miền Nam, Sài Gòn nằm ngay trung tâm của 2 vùng đồng bằng lớn của miền Nam, đó là đồng bằng miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Từ miền Tây qua miền Đông bằng cả đường bộ lẫn đường thủy đều phải lên Sài Gòn; và ngược lại, từ miền Đông qua miền tây, cũng phải đi ngang qua Sài Gòn.
Bên cạnh những trục lộ giao thông trên bộ, Sài Gòn còn được nối kết với cả miền Đông lẫn miền Tây một mạng lưới kinh rạch, khiến cho việc giao giữa Sài Gòn và các miền đất trên khắp Nam Kỳ rất thuận tiện. Sự vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về Sài Gòn và ngược lại, rất nhanh chóng. Sông Sài Gòn và hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây được một hệ thống kinh rạch chằng chịt nối liền nhau, cộng thêm với hệ thống sông ngòi kinh rạch tự nhiên của vùng châu thổ sông Cửu Long, nên việc giao thông đường thủy từ Sài Gòn đi khắp nơi rất lý tưởng. Riêng giang cảng Sài Gòn, dầu lòng sông chỉ sâu độ 12 mét, cũng có thể tiếp nhận các tàu hàng có trọng tải 12 ngàn tấn. Đây là một trong những giang cảng lớn và thuận tiện vào bậc nhất trong vùng Đông Nam Á. Từ khoảng những năm từ 1955 đến 1965, giang cảng Sài Gòn là trung tâm qui tụ và phân phối 2,5 triệu tấn hàng hóa. Đến sau năm 1965, con số nầy tăng lên gấp 3 lần, nên dưới thời đệ nhị Cộng Hòa, chánh phủ chỉnh trang lại vùng cảng Nhà Bè, cách Sài Gòn khoảng 15 cây số về phía hạ lưu sông Đồng Nai, có khả năng tiếp nhận tàu hàng trên 18 ngàn tấn. Riêng số lượng dầu lửa nhập cảng tại cảng Nhà Bè mỗi năm lên đến 5,5 triệu tấn(28). Sau năm 1965, chánh quyền đệ nhị Cộng Hòa xây dựng thêm Tân Cảng Sài Gòn, cách cảng Sài Gòn cũ khoảng 10 cây số về phía thượng lưu sông Sài Gòn. Thoạt đầu Tân Cảng chỉ sử dụng vào mục tiêu quân sự, nhưng về sau nầy nó cũng được sử dụng cho cả các tàu hàng dân sự.

Về mặt dân cư, đến năm 1954, gần 2 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam, trong số đó có khoảng gần 900 ngàn người đã định cư tại vùng ngoại ô Sài Gòn. Từ đó, bên kia sông Sài Gòn bắt đầu phát triển mạnh. Hồi nầy về phía Bắc Sài Gòn lấn dần qua tỉnh Gia Định, mở rộng sang các vùng Tân Bình, Phú Nhuận, và Bình Thạnh. Đây là một vùng quan trọng vì nó là điểm đi qua của các trục lộ nối liền Sài Gòn với các tỉnh miền Đông khác như Tây Ninh, Thủ Đức và Biên Hòa.
Về phía Nam, thành phố Sài Gòn mở rộng đến vùng Khánh Hội; về phía Tây Nam, Sài Gòn mở rộng dọc theo đường Trần Hưng Đạo nối liền đường Đồng Khánh của Chợ Lớn. Tuy nhiên, sau khi thu hồi nền độc lập, miền Nam có một lúc thanh bình, từ năm 1954 đến 1960. Trong giai đoạn nầy có rất nhiều người hồi cư, vì vậy mà theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955, dân số Sài Gòn là 1.900.800 người, nhưng đến năm 1958, dân số Sài Gòn giảm xuống còn 1.383.000 người. Như vậy, đã có trên nửa triệu người hồi cư trong giai đoạn nầy. Sau năm 1954, nhằm mở rộng những tuyến đường bộ, nên tất cả các tuyến đường xe lửa nối Sài Gòn với các địa phương lân cận đều bị hủy bỏ(29). Năm 1959, nhằm mục đích kiến thiết và chỉnh trang thánh phố, Tổng Nha Kiến Thiết và Thiết Kế Đô Thành Sài Gòn đã cho lấp những khu ao đầm và ruộng rẫy tại các vùng ven đô để xây cất nhiều khu cư xá bán rẻ lại cho cư dân Sài Gòn.

Đến sau năm 1960, chiến tranh tại miền Nam bắt đầu lan rộng, nên dân chúng ở các vùng nông thôn phụ cận Sài Gòn lại bắt đầu tản cư về Sài Gòn. Theo thống kê của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1967, dân số Sài Gòn giảm xuống còn 1.376.00, nhưng đến đầu năm 1975, lại tăng lên đến 1.825.000 người. Tính đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, dân số Sài Gòn là 1.860.000 người. Nếu tính luôn dân cư các vùng Hốc Môn, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè... dân Sài Gòn lúc đó đã lên tới 2.680.000 người.
Với số lượng dân chúng ngày càng gia tăng như vậy, chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phải xúc tiến gấp rút việc chỉnh trang thành phố và nhà cửa. Riêng khoảng thời gian từ năm 1965 đến 1975, đô thành Sài Gòn phát triển một cách nhanh chóng, nhà cửa và đường sá lấn dần những khu đồng ruộng chung quanh thành phố. Trong lúc chiến tranh đến hồi khốc liệt nhứt, tức là từ khoảng 1967 đến 1975, cư dân các vùng nông thôn đều tản cư về các thành thị. Lúc đó các vùng nông thôn gần như hoang vu, và Sài Gòn là nơi mà dân tản cư chạy về nhiều nhất. Theo thống kê của Việt Nam Cộng Hòa, năm 1967, có khoảng 17,7 phần trăm dân nông thôn chạy về thành thị, nhưng đến cuối năm 1974, con số ấy tăng lên đến trên 30 phần trăm.
Lúc đó miền Nam Việt Nam phải vừa đương đầu với chiến tranh, vừa chỉnh trang các thành phố để có chỗ cho dân tản cư, mà lại vừa phải phát triển kỹ nghệ trong nước để đáp ứng như cầu của dân chúng. Trong thời gian nầy, khu kỹ nghệ Sài Gòn-Biên Hòa được thành hình, và rất nhiều xí nghiệp được xây dựng tại vùng ngoại ô Thủ Đức. Chỉ riêng kể từ năm 1957 đến năm 1965, kỹ nghệ Sài Gòn phát triển vượt bực về mọi phương diện từ may dệt, thực phẩm, dược phẩm, hóa học, đến kỹ nghệ biến chế đồ dùng bằng nhựa, vân vân. Từ năm 1965 đến năm 1975, chánh phủ VNCH đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng những xí nghiệp chuyên ngành lớn như kỹ nghệ luyện gang, thép, và nhôm tại khu kỹ nghệ Sài Gòn-Biên Hòa. Đặc biệt, chánh phủ VNCH đã tận dụng tất cả những phế liệu chiến tranh cho ngành kỹ nghệ tái chế biến những vật dụng cần thiết hằng ngày. Theo thống kê của Bộ Công Nghệ VNCH năm 1973, tại Sài Gòn có trên 6.471 xí nghiệp nhỏ, 1.494 xí nghiệp trung bình và 167 xí nghiệp lớn. Riêng hai ngành kỹ nghệ dệt và thực phẩm chiếm 55 phần trăm tổng số xí nghiệp tại Sài Gòn; trong khi các ngành kỹ nghệ nhẹ chế biến cơ khí, điện, và hóa học chiếm trên 33 phần trăm tổng số xí nghiệp tại Sài Gòn.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, đa số các phi trường tại Việt Nam đều sử dụng cho quân sự. Riêng phi cảng Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn vẫn có một bên được dùng cho hàng không dân dụng. Trung bình từ năm 1958 đến năm 1961, hàng năm có khoảng 35 ngàn hành khách trên đường bay quốc tế, riêng tại quốc nội có khoảng 50.600 hành khách. Đến khoảng thời gian từ 1962 đến 1966, số lượng hành khách có gia tăng nhưng không nhiều lắm. Đến năm 1966, chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt hơn, nên giao thông đường thủy và đường bộ không còn an toàn nữa. Chính vì vậy mà số lượng hành khách, cả quốc nội và quốc tế, đặc biệt là hành khách quốc nội, tăng lên hơn 20 lần, kể cả dân sự và quân sự. Trong thời gian nầy, nhiều phi trường được xây dựng khắp nơi tại miền Nam để nối kết đường hàng không với Sài Gòn.

Trải qua bao thời đại, Sài Gòn luôn là trung tâm quyền lực, là đô thị tập trung các ngành nghề thủ công đang phát triển, kể cả những xí nghiệp lớn nhỏ. Dưới thời Nguyễn Ánh, Sài Gòn là hậu phương chính của nhà Nguyễn trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Chính tại đây, Nguyễn Ánh đã xây dựng những xưởng đúc súng, đóng tàu cung cấp cho quân đội nhà Nguyễn. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, họ đã nhanh chóng biến Sài Gòn thành thủ phủ của Đông Dương, nơi có dinh Thống Đốc Nam Kỳ và dinh Toàn Quyền Đông Dương. Đến khi quân đội Nhật đảo chánh Pháp vào năm 1945, Nhật cũng đã nhanh chóng biến Sài Gòn thành trung tâm hành quân cho tất cả các cuộc hành quân của họ tại Đông Nam Á vào thời đệ nhị thế chiến. Sau khi Việt Nam bị chia đôi, Sài Gòn biến thành thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa trong suốt 20 năm, từ năm 1954 đến năm 1975.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Links xem tiếp:

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2019

SàiGòn Ơi! Nhớ Quá! Nhạc & Lời Trần Chương Lương - Hòa Âm Phan Thanh Hùng


Nhạc & Lời: Trần Chương Lương
Hòa Âm: Phan Thanh Hùng 
Ca Sĩ: Lệ Tuyền 
Video: Tấn Vinh


Thu Texas



Sớm nay chim chóc hót trên cành
Ríu rít gọi nhau đánh thức anh
Lưu luyến đêm qua nhiều mộng đẹp
Chào mừng ngày mới thật an lành
Tắt băng thơ nhạc, nghe thời tiết
Mở cửa ra vườn sưởi nắng hanh
Texas vào Thu êm ả quá
Mây trời bát ngát núi đồi xanh

Hồ Công Tâm 
(Austin, 2006)

Thu Buồn


Thu Buồn

Rặng liễu đìu hiu nhỏ lệ sầu
Núi rừng trở giấc đón chào Thu.
Nắng phai nhạt nắng, cây vàng lá
Mây chập chùng mây , núi bạc đầu.
Gợi mối tình xưa, mưa rả rích
Khơi hoài niệm cũ, gió lao xao.
Ôi buồn man mác mùa hiu quạnh
Thơ thẩn nào ai biết tại sao?

Quang Tuấn
(Đầu Thu 2015)
(Bài thơ Đường luật trên đây, Quang Tuấn làm trong lúc nằm dưỡng bịnh, mang nỗi buồn mênh mông, cô quạnh. NC)

Bài Họa
Thu Tha Hương


Hiu hắt cành thông nhỏ giọt sầu
Hoa Vàng* lá úa ngập trời Thu
Mây giăng khắp nẽo, xa tầm mắt
Quạ réo ngoài sân, tận đỉnh đầu
Nhớ mái nhà xưa, lòng rộn rã
Thương người chốn cũ, mộng xanh xao
Chợt nghe khúc hát buồn ly biệt
Thơ thẩn nhìn Thu biết nói sao?!!

Nguyễn Cang
( Đầu Thu 2015)
* Hoa vàng: tiêu biểu vùng Sanjose, CA.
*Thơ Quang Tuấn đăng trong sách "Lưu Dân Thi Thoại" năm 2003, nhà xuất bản Cội Nguồn, hội nhà văn Sanjose.

I Gave Myself To Him - Chúng Mình Với Nhau



I Gave Myself To Him

I gave myself to him,
And took himself for pay.
The solemn contract of life
Was ratified this way.

The wealth might disappoint,
Myself a poorer prove
Than this great purchaser suspect,
The daily own of love

Depreciate the vision;
But till the merchant buy,
Still fable in the Isles of Spice
The subtle cargoes lie.

At least ‘tis mutual risk,
Some found it mutual gain:
Sweet debt of life, each night to owe,
Insolvent every noon.

Emily Dickinson (1830—1886)
***
Bài Dịch:

Chúng Mình Với Nhau


Thân em gửi trọn cho chàng
Và xin nhận lại muôn vàn dấu yêu
Hợp đồng ký kết hai chiều
Cùng nhau cẩn trọng chuẩn chiêu buộc ràng

Em như chứng tích nghèo nàn
Cuộc chi mua sắm huy hoàng lớn lao
Nghĩa ân ngày mỗi vun vào
Tiền nào mua được đỉnh cao tình nồng

Dẫu cho đời có phai hồng
Điểm tô chàng vẫn một lòng không nao
Đảo Hương đất hứa ngọt ngào
Hẹn hò đôi lứa đẹp sao duyên lành

Mặn nồng gió mát trăng thanh
Đêm vui nghe tiếng yến oanh reo cười
Mai kia cuối nẻo đường đời
Dừng chân phiêu lãng trọn lời thề xưa

Locphuc.

Nhà Có Hoa Ngâu Trắng


Qua sự giới thiệu của phụ huynh học sinh, chiều nay tôi có thêm học trò mới. Tuy tin tưởng vào người giới thiệu, nhưng tôi cũng có sự dè dặt thường lệ. Đây không phải là lớp dạy thêm bình thường, mà là lớp dạy kèm “Anh văn chui” tư gia. Nếu bị bắt “tại trận”, tôi có thể bị đuổi việc (nhẹ) hoặc cả vào trại tù miệt Thứ dài hạn như chơi. 
Tuy rất nguy hiểm, nhưng được sự “bảo mật” của học trò lẫn phụ huynh và nhất là khoản tiền thù lao rất hậu. Lương giáo viên cấp 3 lúc đó (1978-1979) mỗi tháng $70 đồng cộng nhu yếu phẩm, thì mỗi học sinh tôi nhận được $80/ tháng. Tôi chỉ cần dạy thêm hai học trò là mỗi tháng có thêm đến $160 đồng. Đối với giáo viên lúc đó không phải nhỏ! Cà phê cà pháo, cơm hàng cháo chợ cuối tháng vẫn dư tiền bỏ ống. Phần nữa, học trò lớp “Anh văn chui” của tôi thông thường chỉ vài ba tháng là “ra đi”, nên cũng thường xuyên thay đổi. 

Nhớ lại cũng may, trời thương kẻ “khù khờ”, thời gian ở Sài-gòn mấy “nàng” kêu đâu thì tôi làm theo đó. Có lần, cô bạn Lê Thị Từ Dung rũ rê “Em một mình đi học hội Việt-Mỹ buồn muốn chết. Anh đi theo học với em cho vui!”. Nghe đi học với người đẹp “cho vui”, là tôi gật đầu không cần nghĩ ngợi. Sau hơn nửa năm theo “con gái” học Anh văn, hội Việt-Mỹ bắt đầu chương trình chiếu phim không phụ đề cho học sinh xem nhằm thực hành khả năng nghe Anh ngữ. “Love Story” là phim gây sóng gió Sài-gòn lúc bấy giờ. 
Dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên “Love Story” của Erich Segal, với hai diễn viên xuất sắc Ali MacGraw và Ryan O’Neal. Tôi đã đọc nguyên bản cuốn tiểu thuyết này, chẳng thấy gì hay ho về mặt văn chương lẫn nội dung tác phẩm. Thì chung chung cũng không khác gì tiểu thuyết bà Tùng Long của Việt Nam trên các nhật báo Sài-gòn. Nhưng với bàn tay “phù thủy” của đạo diễn Arthur Hiller và nhất là bài hòa tấu “Theme from Love Story” của Francis Lai, đã đưa “Love Story” lên đỉnh cao phim trữ tình của mọi thời đại.

Lần đầu sau khi coi phim xong Từ Dung hỏi: “Anh hiểu được bao nhiêu phần trăm truyện phim?”. “Chừng 40%”. “Không được. Sau hơn nửa năm nay, mà anh chỉ hiểu được 40% thôi sao? Phải ít nhất là 60% mới được”. Thế là nàng bắt tôi phải đi xem lại, lần này với nàng bên cạnh, không hiểu là phải hỏi ngay. Từ Dung rất giỏi Anh ngữ, nhất là nghe và nói. Tôi thì thuộc loại “từ chương”, đọc và viết rất khá, nhưng nghe và nói tiếng Anh còn dưới trung bình. Xem phim phần lớn là học viên hội Việt-Mỹ, nên không khí thật im lặng, mọi người tập trung nghe phần đối thoại của nhân vật. Mỗi lần không hiểu, tôi phải khều tay và nói thì thầm vào tai Từ Dung. Rồi khều tay thành nắm chặc, thì thầm bổng chốc chẳng nói được câu nào. Nụ hôn bất chợt, vụng trộm bao giờ cũng ngon nhất, suốt đời khó quên. Lần đó tôi hiểu câu truyện phim chắc không quá 20%. Lỗi tại ai cũng hổng biết? 

Nghĩ ngợi lan man, tôi đã qua bên kia chân cầu Rạch Sỏi. Con ngõ đường đá khá rộng nằm đối diện phía bên kia lối rẽ vào chợ Giữa. Càng vô sâu những căn nhà càng thưa hơn, có được khoảng sân vườn phía trước. Theo đúng lời chỉ dẫn, tôi dừng lại trước căn nhà ngói nhỏ khang trang, cửa sổ sơn xanh và hàng cây cau kiểng dọc bờ đường. Đón tôi là người đàn ông trung niên, tóc hớt cao khuôn mặt khắc khổ. “Thầy Hoàng phải hông?”. “Dạ, chào chú Phước”. “Thầy Hoàng... còn trẻ quá! Thầy vô nhà...”. Trong nhà vắng lặng chừng như không có ai. 
Chẳng lẽ người học trò mới của tôi hôm nay là chú Phước? “Thiệt tình xin lỗi thầy Hoàng, tui phải làm như “dzầy” nghe. Hai đứa cháu tui học, chớ hổng phải tui đâu!”, chú Phước giọng ngại ngùng, “Thầy Hoàng theo tui, nhà tụi nó sát sau hè nhà tui”. Đúng cái nghĩa dạy “chui” mà. Tôi đã dè dặt, người học “chui” đôi khi còn dè dặt hơn. Theo chú Phước đi vòng phía sau, băng qua bờ rào nhà bên cạnh. Căn nhà vách ván, hai gian nối nhau bằng lối đi lót những miếng gạch vuông màu nâu sẫm. Mùi thơm nhè nhẹ thật quen, dễ chịu thoáng ra từ mấy chùm hoa màu trắng nhỏ phía trước nhà. Càng đến gần mùi thơm càng ngào ngạt. “Cây hoa gì mà đẹp và thơm vậy chú?”. “Hoa ngâu trắng đó thầy”. Hoa ngâu trắng, thảo nào mùi hương quen quen và ngọt dịu đến như vậy. Những cây ngâu được tỉa gọn gàng, không cao và đầy những chùm hoa trắng nhỏ bọc quanh. Tôi đã nghe qua và uống loại trà có hoa ngâu trộn lẫn, nhưng đây là đầu nhìn thấy loài cây hoa này. Cây hoa ngâu thật đẹp, mùi thơm dịu ngọt và thanh lịch, chủ nhà phải là người am tường về việc trồng hoa, thưởng trà. 

Người đàn bà búi tóc cao, ngoài năm mươi đón tôi và chú Phước: “Chào thầy, chú Bảy Hớn giới thiệu nhờ thầy dạy tiếng Anh cho hai đứa con gái tôi. Chú Bảy có nói thầy chỉ nhận dạy thêm một học trò, nhưng xin thầy Hoàng thông cảm, dạy cho hai đứa con tôi một thể”. Kèm hai học sinh tiếng Anh cấp tốc, lúc này không phải chương trình của tôi. Vừa không hiệu quả nhiều, vì nếu cả hai không cùng trình độ; vừa mất rất nhiều thời gian soạn bài dạy cho hai chương trình cùng một thời gian ngắn hạn. Có lẽ thấy tôi vân phân, “Tụi nó là hai chị em. Tôi sẽ trả tiền dạy cho thầy cả hai đứa một lúc”, rồi bà quay vào trong: “Hiếu à, Thảo à... ra chào thầy nè con”. Dáng dong dỏng cao, tóc buộc dài, hai người con gái tuổi trên dưới hai mươi, có chút nét giống nhau. Nét dịu dàng, khuôn mặt đều đặn dễ nhìn, Lê An Thảo mang cảm giác gần gũi hơn. Trái ngược Lê Mỹ Hiếu là chị, có nét đẹp sắc sảo, đôi mắt nhìn như “lấn áp” người đối diện. Được biết cha là một cán bộ xây dựng nông thôn cấp tỉnh, hiện vẫn đang học tập cải tạo tận tỉnh Vĩnh Phú, miền bắc như bao sĩ quan cao cấp khác. 

Chữ lót của hai chị em, Mỹ An là tên một quận nơi Hiếu và Thảo ra đời. Như bao nhiêu buổi học đầu tiên, bài khảo sát gồm đọc, viết và văn phạm. Mỹ Hiếu thiếu căn bản, An Thảo khá hơn nhưng cả hai gần như đã lâu không có điều kiện thực hành. Thái độ “kênh kiệu” vì biết mình đẹp, biết mình thu hút người khác phái của Mỹ Hiếu không làm tôi ngạc nhiên. Nhan sắc này, thái độ này tôi đã từng gặp, đã từng quá quen thuộc. 
Đây là thời gian tôi mệt mỏi, chán nãn những hệ lụy của tình trường. Chương trình tôi sắp xếp ban đầu, chậm cho An Thảo và nhiều bài tập cho Mỹ Hiếu. Quả thật vài tuần lễ sau cả hai chị em đã có thể học cùng một bài được soạn chung. Dần dà tôi biết thêm là cả hai chị em Hiếu, Thảo đang cùng gia đình kinh doanh một tiệm cà phê nổi tiếng giữa đường từ thị trấn đến sân bay cũ, quán cà phê Thảo. Tôi đã nghe nhiều về quán này qua học trò và các thầy trong trường. 
Thì ra hai cô gái nổi tiếng xinh đẹp của quán cà phê Thảo đang hằng tuần 3 buổi ngồi cặm cụi “học chui” Anh văn với tôi. Ngoài cà phê thì quán Thảo còn có món trà ướp hoa ngâu cũng rất được nhắc nhở đến. Khách quen thường gọi một cà phê mà đôi lúc đến vài bình trà hoa ngâu. Nhưng phân lớn là những cây si hai chị em cô hàng cà phê hơn là cà phê ngon dở. Thái độ “kênh kiệu” của Hiếu cũng mất đi trong quá trình học tập. Ngoài những buổi học, tôi đề nghị hai chị em nên tập nghe “lén” đài VOA, BBC phần phát thanh Anh ngữ. Có thể không hiểu gì nhiều, nhưng chỉ cần nghe cách phát âm cho quen tai là đủ. 

Loáng thoáng đã hơn tháng, Mỹ Hiếu không tiến bộ nhiều, có phần lo ra và không còn cố gắng nhiều nữa. An Thảo thì khác, tập trung và cố gắng trong từng buổi học, nghe và phát âm tiến bộ rõ rệt. Tôi gần gũi và có dịp nghe Thảo tâm sự nhiều sau những buổi học. Vài lần An Thảo rũ tôi ra chợ tỉnh để lấy mối sữa đặc. Phần lớn là từ nhân viên các cửa hàng thương nghiệp bán ra. 
Chắc chắn là loại hàng “chui”, “lươn lẹo”, cắt đầu giảm đuôi từ khâu phân phối từ trên xuống các cơ quan. Giá cả lấy một bán năm cũng không có gì lạ. Như đám giáo viên chúng tôi, kiếm thêm tiền nhờ bán nhu yếu phẩm. Mọi thứ chưa đến tay thầy cô, nhất là thầy cô xa nhà sống nội trú, đã chạy ra chợ! Mỹ Hiếu nhiều lần mời đến quán, ngươc lại Thảo không muốn tôi đến thăm quán cà phê viện cớ đông người, phức tạp. Phần lớn khách là dân “phe phẩy”, đám cán bộ công nhân viên ngân hàng, thương nghiệp, công an thị trấn và huyện. Công việc làm ăn thuận lợi đủ để mấy mẹ con Hiếu, Thảo có cuộc sống nhẹ nhàng, khá giả. Ở An Thảo tôi thấy có chút gì đó của “người xưa”, đôi mắt ngập ngừng muốn nói, bờ môi như luôn chờ đón nụ đời. Một lần đi chợ tỉnh mua hàng, Thảo hỏi: “Anh Hoàng không có dự định gì sao?”. “Dự định gì?”, câu hỏi tôi đã nghe từ nhiều “đối tượng” khác nhau, nhưng cùng chung một ngụ ý. 
Từ vài phụ huynh của học trò tôi dạy Anh văn, từ chính những học trò trong trường, từ mai mối cho con mình trong chuyến tổ chức vượt biên vội vã. Và bây giờ là An Thảo. Với bao hệ lụy vây quanh, tôi thật không thể nào có “dự định” hay ít nhất không thể lúc này. “Chưa có dự định gì đâu Thảo”, tôi nhìn nàng trong ánh mắt biết ơn. “Chắc anh Hoàng đang “mắc kẹt” bởi những học trò, bởi những lớp học của anh, phải hông?”, Thảo nói nhanh. Thị trấn nơi tôi dạy quả thật nhỏ như bàn tay. Ngôi trường cấp 3 duy nhất lại càng nhỏ hơn. Nhưng không hiểu sao hình ảnh ngôi trường và cái thị trấn bé nhỏ này giữ chân tôi đến như vậy. Có lẽ, Thảo nói đúng, lúc đó hay ít nhất lòng tôi chưa muốn cuộc “phân ly” và chân tôi vẫn nhiều vướng bận. 

Chiều hôm đó chỉ có Thảo ở nhà, “Mẹ và chị Hiếu ra quán có chuyện cần giải quyết”, khuôn mặt thoáng chút đăm chiêu. Tách trà tỏa mùi hoa ngâu trắng cuối mùa mưa hương ngào ngạt. Buổi học chừng như cũng gượng ngập, vô hồn. Thỉnh thoảng Thảo đọc vất những từ ngữ dễ, quen thuộc. “Hay để tôi dạy bù vào hôm khác có đủ hai chị em. Hôm nay Thảo không tập trung”. Thảo không nói gì, xếp tập, gật đầu. Tôi cũng thu dọn bài tập chuẩn bị ra về. “Anh Hoàng đợi Thảo một chút”, vừa nói Thảo đi vào nhà sau. 
Buổi chiều gió hanh hanh mùi nắng thấp. Có chút tĩnh lặng, có chút đợi chờ. Thảo ngồi xuống cạnh tôi: “Gặp anh, được anh Hoàng dạy Anh văn chắc cũng là cái duyên. Ngày mai ra sao, không ai biết trước phải hông anh?”. Tiếng Thảo ngập ngừng, khó khăn hơn: “Anh biết Thảo muốn nói gì. Thảo cảm ơn anh rất nhiều... Hôm nay Thảo muốn tặng anh món quà nhỏ. Mong anh Hoàng đừng từ chối, chê trách...”. “Thảo khách sáo quá. Món quà nhỏ thế nào, tôi cũng trân trọng”. “Vậy anh Hoàng nhắm mắt lại đi. Anh phải nhắm mắt thật chặc nghen!”. Tôi nhắm mắt lại thật chặc như lời Thảo. Khoảng tối lờ mờ rơi nhè nhẹ. Bờ môi con gái thoáng trên mắt, dọc theo sóng mũi và ngừng trên môi tôi. Bờ môi thật mềm ấm, hai bàn tay ấp ủ thật chặc thật lâu. Thật lâu đủ để tôi thấy những giàn hoa ngâu trắng chơi vơi, hương ngon lịm ngọt trên đầu lưỡi muôn trùng. Văng vẳng đâu đó, có tiếng hát ai mơ hồ cho một ngày mai không định trước: 

“… Que sera, sera
“Whatever will be, will be
“The future's not ours to see
“Que sera, sera
“What will be, will be… (Que Sera Sera – Doris Day) 

***
NVL giới thiệu hai tập thơ “ĐCTTTMC” và “Thao Thức” của Trần Trung Đạo (Atlanta – 2001) 

Nhận lời mời, bà xã và tôi tham dự buổi ra mắt hai tập thơ “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” và “Thao Thức” của Trần Trung Đạo tại Atlanta, Georgia. Trạc tuổi nhau nên Đạo và tôi thân nhau ngay sau lần đầu tiên gặp gỡ tại Boston vài tháng trước. Tôi đã biết Đạo từ lâu qua bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười và những sinh hoạt của Đạo trên nhiều đoàn thể, nhóm trẻ đấu tranh những năm 90. “... Ví mà tôi đổi thời gian được / Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”, tôi thường ngâm nga hai câu thơ tâm đắt. 
Bài thơ được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc và biết đến nhiều cả ở hải ngoại và trong nước. Rồi Đạo thành lập nhóm Cây Me, một diễn đàn “mạng” bao gồm nhóm văn nghệ sĩ, giới sinh viên trẻ cùng nhau thảo luận, chia sẻ những sáng tác, những suy nghĩ canh cánh bên lòng. Diễn đàn nhanh chóng thu hút rất nhiều người cầm bút, anh chị em thế hệ trẻ và mở ra một đường hướng mới cho nhiều diễn đàn nối tiếp. Lần lên Boston vừa qua, bà xã và tôi ở nhà của Trần Trung Đạo. Đêm đó, tôi và Đạo có dịp trao đổi với nhau rất nhiều về văn học nghệ thuật, những “thao thức” về quê hương, về tuổi trẻ và những ước vọng của mai này. Đạo có giọng ngâm thơ và hát rất hay, truyền cảm. Vài giờ trước khi ra sân bay đi Atlanta thì nhận điện thoại của Trần Trung Đạo, nhờ tôi đọc bài giới thiệu cho hai tập thơ trong buổi ra mắt. Tôi chỉ có hơn một giờ để viết bài giới thiệu trên chuyến bay từ thành phố tôi ở đến Atlanta. 

Buổi ra mắt hai tập thơ của Trần Trung Đạo thành công tốt đẹp, người tham dự kín cả hội trường. Bài giới thiệu của tôi cũng góp phần nho nhỏ, mấy anh nói “có giọng đọc tốt, truyền cảm”. Trong phần phổ biến và ký sách của Đạo, tôi có dịp gặp gỡ anh chị em văn nghệ sĩ tham dự và nhóm Lạc Việt. Thành phố Atlanta có rất nhiều gia đình cựu sĩ quan quân lực VNCH sinh sống. Bà xã thì nhập bạn với nhóm “phu nhân” các ông, chắc mặn về chuyện con cái, đời sống hơn văn học nghệ thuật! 
Tôi, nhà văn Hồ Minh Dũng và nhà văn Lâm Chương có dịp gặp gỡ, tâm sự và hẹn làm một đêm không ngủ. Đêm không ngủ cho những kỷ niệm, những trải nghiệm của mỗi góc đời, mỗi số phận tưởng chừng không cùng, tưởng chừng như thất lạc. Hội trường hơi ồn ào, anh Lâm Chương đề nghị ra bên ngoài, dễ nói chuyện hơn. Mấy anh em lũ lượt kéo nhau đi, thì chợt có một cháu gái nhỏ đến hỏi: “Dạ ai là chú Hoàng ạ?”. “Là chú đây”, tôi rất ngạc nhiên khi nghe người gọi tên thật của mình. Hầu hết mọi người ở đây chỉ biết đến tôi qua bút hiệu Nguyễn Vĩnh Long mà thôi. “Có người gởi cho chú cái này”, cháu gái nhỏ đưa cho tôi một miếng giấy xếp gọn nhỏ rồi vội bỏ đi. Tưởng bà xã nhắn gửi gì đây, nên nói các anh ra ngoài trước, tôi sẽ theo sau. 

Tôi mở miếng giấy nhỏ, bên trong võn vẹn vài dòng chữ ngắn, thật ngắn. Thật ngắn đủ để xô đẩy ký ức tôi chìm sâu bao lớp thời gian ngỡ chừng quên lãng. Trong chập chùng những ngày tháng mênh mông, sao chợt khoắc khoải một khung trời dĩ vãng. Một kỷ niệm muôn trùng, một khuôn mặt người trong những khuôn mặt người lờ mờ trí nhớ. Tôi vội nhìn quanh, nhìn vào đám đông trước mặt. Những khuôn mặt người bao quanh của đời sống. Để tìm ai, khi chính trong tôi không một hình ảnh nào trọn vẹn? Chỉ còn chăng là một cái tên? Chỉ còn lại chăng là bờ môi, là nụ hôn, là căn nhà có hoa ngâu trắng. 
Trước mắt tôi là đám đông, là cuộc sống, là dòng đời trôi không ngừng bao tiếc nuối. Là em hay là ký ức của tôi. Gặp nhau hay gặp lại chính mình, bên bờ dĩ vãng. Thôi xin người, xin tôi hãy đi trọn cuộc đời dù khổ đau hay hạnh phúc. Chắc thấy tôi đứng thẫn thờ giữa đám đông, bà xã chạy đến hỏi: “Chuyện gì vậy anh?”. “Không có gì. Chắc tin nhắn của một người quen cũ”, tôi đưa cho bà xã mảnh giấy xếp nhỏ. Bà xã mở ra đọc nhanh: 
“Mừng gặp lại người xưa. Thương gọi cố nhân ơi! Nhà có hoa ngâu trắng”. 

Durham, North Carolina 
Nguyễn Vĩnh Long