Bà Tuần là ai?
Đối với những “ôn mệ” người Huế năm ni thuộc lớp tuổi từ thất tuần sắp lên mà hồi trước sống ở “Côi Dinh” (tức là thành phố Huế) nhắc đến Trường hát Bà Tuần tức là nhắc đến nhiều kỷ niệm đặc biệt mà lớp con cháu sau này không thể nào chia xẻ được những cái nét thú vị của chúng…
– Chà, lâu hung rứa ? Một bà cụ năm ni tuổi ngoài bát tuần đã nói với tôi – Cháu ơi, bác làm răng nhớ “hắn” thành lập năm mô. Tra quá nên lú lẩn rồi.
Nghe bà cụ không giúp chi nhiều cho tôi được về phương diện ký ức của trường hát này, tôi bèn viết thơ qua Paris (Pháp) vấn kế, tham khảo với ông anh cả học giả Thái văn Kiểm của tôi. Chẳng phải chờ lâu lắc, tôi đã nhận được hồi âm mau mắn từ bộ óc thông thái này, tác giả cuốn “Cố Đô Huế”.
“Rạp Bà Tuần là cái rạp hát ở đường Ngã Giữa, do bà vợ ông Tuần Phủ Đặng Ngọc Oánh (cũng có tên Kim) tạo lập. Ông này gốc người Nam. Có mấy người con trai. Đặng Ngọc Vinh làm Tham Tá Tòa Khâm Huế, rồi đổi ra Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Đặng Ngọc Sách làm Kho Bạc (sau cũng làm Trưởng Ty Kho Bạc Đà Lạt). Đặng Ngọc Lựu (Kho Bạc Hà Nội). Còn Đặng Ngọc Hùng, em út trông coi cái rạp Bà Tuần Oánh. Bác sĩ Đặng Ngọc Hồ là một trong những người cháu của Bà Tuần. Rạp Bà Tuần đã xuất hiện sau Đệ Nhứt Thế Chiến (14-18)”.
Thế là tôi chợt nhớ đến anh bạn cùng trang lứa tên là M., con của giáo sư Hán tự của trường Quốc Học, cụ Phan Xuân Hiển. Nhà của anh ở khu Cầu Đất trong Thành nhưng chịu khó đi “nghễ gái” ở đường Ngã Giữa (có tên khác là đường Gia Long nếu dò theo bản đồ chính thức của thành phố Huế). Đường Gia Long sau này lại đổi thành đường Phan Bội Châu vào khoảng từ 1954 trở về sau. Công trình của anh M. – Trời đâu có phụ – đã giúp anh làm “đông sàng” trong gia đình họ Đặng bề thế này. Chị M. nghe đâu gọi Bà Tuần bằng bà nội. Hồi trẻ chị cũng thuộc loại mũm mĩm dễ thương, chả trách đã lọt vô mắt xanh của chàng trai Cầu Đất.
Trong trí nhớ mù mờ của tôi, Bà Tuần đã ở trong căn nhà của dãy phố trệt, nằm cách phía dưới rạp hát về bên tả khoảng chừng hơn một trăm thước trở lại, nhưng lại phía trên cùng dãy với những quán bún bò, những tiệm thợ bạc, nhà sách cũ của ông Lê Thành Tuân, tiệm bán guốc. Và đặc biệt hơn cả, dãy phố Bà Tuần nằm đối diện với phòng tranh của họa sĩ Phi Hổ lâu đời ở Huế và cửa hàng coi tướng số của cô “Thanh Ròn”. Theo tôi nhớ, cô Thanh Ròn là một phụ nữ tuổi xồn xồn vào khoảng cuối thập niên 50, ăn mặc điểm trang kỹ lưỡng vô cùng nên son phấn nhìn thấy rõ trên khuôn mặt xương xương. Đồ nữ trang luôn luôn óng ánh chói lòa ở cổ. Tác người của cô – trời đặc biệt cho khỏi cần phải ăn kiêng cữ – nghĩa là “ròm” tự nhiên.
Nhà tôi nguyên ở đường Cửa Đông Ba (khu Bến Tượng), tên thuở Pháp thuộc là rue Mirador Neuf (đường Vọng Lâu số 9) và tôi đã học trường Khải Định tức Quốc Học bên Hữu ngạn sông Hương ( tính từ trên nguồn đổ xuống theo kiểu Tây, còn theo kiểu ta thì tính ngược lại vì tính từ cửa biển đi ngược lên)…. đằng đẳng bảy năm trời. Do đó, con đường Ngã Giữa (hay đường Gia Long, hay Phan Bội Châu) là con đường tôi đã đi qua khiến mòn không biết bao nhiêu là… guốc, săng đan và lốp xe đạp. Cảnh trí và các nhân vật trên con đường này vô tình đã chui tọt nằm êm ả trong góc tư của ký ức của tôi.
Chính mắt tôi chưa từng thấy Bà Tuần Oánh vì trong thời gian này bà đã già, chỉ ở trong nhà của dãy phố trệt, phía trước có một cái hiên dài dựng trên nhiều cây cột gỗ. Nhưng một năm nào đó, tôi còn nhớ ở nhà bà có một đám tang lớn – hình như của người con làm Tòa sứ gì đó – Sở dĩ tôi nhớ vậy vì đám tang có tổ chức lễ “Hò Đưa Linh” rất trọng thể mà tôi được coi thấy chỉ một lần duy nhất trong đời. Quang cảnh buổi đưa linh với những người âm công làm trạo phu, tay cầm chèo khoát qua khoát lại trong không khí cùng với những giọng hò nhịp nhàng nhưng ai oán khiến đầu óc thơ ngây của tôi thuở đó tưởng rằng linh hồn của mình sau khi tắt nghỉ tức nhiên phải đáp lên một con thuyền để đi từ cõi dương qua cõi âm huyền bí… Và một năm khác, đi qua nhà bà Tuần Oánh, tôi lại thấy tổ chức một lễ ăn mừng thượng thọ của bà, nhưng tuyệt nhiên chưa hề một lần biết mặt bà ra sao…
II. Rạp Đồng Xuân Lâu
Tuy nhiên, ngược lại, tôi lại biết khá rõ về cái rạp hát do Bà Tuần tạo lập. Dù rằng tên chính thức của rạp là rạp Đồng Xuân Lâu nhưng dân Huế vẫn gọi bằng một cái tên quen thuộc, đầy bình dân tính là Trường Bà Tuần… Trường đây là “hí trường”, gọi tắt theo kiểu nói của dân Huế… Nhưng đối với tôi, “Trường Bà Tuần” là một thứ trường học của tôi học được nhiều thứ mà sách vở nhà trường không có dạy… Tôi đã học được rất sớm về hát bội, ca Huế, coi cải lương…, học đủ thứ hỉ nộ ái ố của cuộc đời diễn ra trên cái hí trường nhỏ hẹp cổ lỗ này.. May mà thuở nhỏ, tôi không mê “trường gà” ở Huế.
1. Vị trí
Trường Bà Tuần tọa lạc trên đường Ngã Giữa (Gia Long), ở phía bên tay phải nếu đi từ phía dưới của Đông Ba lên phố chính của Huế tức là đường Paul Bert (Trần Hưng Đạo). Đối diện với Trường hát bên kia đường là phía sau của Đình Phú Hòa (hay Đình của Phường Đệ Nhất, một trong chín phường của kinh thành Huế thuở còn Tây) và một con đường hẽm không có tên khá rộng đi thông ra đường Hàng Bè (hay Quaie de Đông Ba), con đường này chạy dọc theo dòng sông Đông Ba, ngó qua bờ bên kia là đường Hàng Đường, đường Huỳnh Thúc Kháng (vì hồi trước có tờ báo Tiếng Dân của nhà cách mạng này ở gần Bến Tượng).
Vào cái thuở cuối thập niên 40, Trường Bà Tuần xây vào khoảng sau Đệ Nhất Thế Chiến ( 1914 – 1918) cũng đã liệt vào hàng kiến trúc cổ lỗ với hoảng 25 tuổi đời, so với các hí viện được tạo lập về sau để dùng chiếu bóng như rạp Tân Tân (trên đường Trần Hưng Đạo), rạp Morin (bên phố Tây), rạp Châu Tinh (khu Gia Hội) v.v… Trước đó, Trường Bà Tuần cũng có một thời oanh liệt vẻ vang khi mới thành lập vì đó là một hí viện xưa, duy nhất của thành phố Huế được diễn những vở tuồng hát bội hay những buổi tuồng ca Huế của gánh Kim Sanh được thành lập vào năm 1925. Chính ở Trường Bà Tuần này, tôi đã thấy ảnh của kép Năm Châu và các đào Kim Lan, Kim Cúc khi gánh hát cải lương Năm Châu trình diễn ở Huế… cũng như thấy những bảng quảng cáo của nhiều gánh hát khác như Kim Chung, Tiếng chuông vàng Bắc Việt, tuồng tàu Hồ Quảng, hay Đồng Ấu Ban mà đào kép là những nhi đồng hay thiếu niên thuộc lứa tuổi 15 – 20 như tôi thuở đó. Khoảng đất của trường Bà Tuần chỉ vào khoảng gấp đôi, cùng lắm là gấp ba diện tích của một nhà thường dân ở Huế. Trước mặt là đường Ngã Giữa, phía sau quay vào bờ hào của ngoại thành Huế. Mặt tiền của Trường Bà Tuần có một cái nghi môn xây bằng gạch đỏ xi măng sơn vội vàng. Tôi nhớ hình như tên rạp chính thức Đồng Xuân Lâu được đúc xi măng rồi gắn vô một bức cuốn thư trên cái nghi môn.
Tiền phòng của rạp ở mặt phố tuy thấp nhỏ, nhưng cũng đủ chỗ để làm một phòng bán vé và một gian trong để một vài nhạc công ngồi đó đánh trống thổi kèn ầm ĩ… Chính những tiếng trống tiếng kèn này hằng đêm đã vang dội ra mặt đường, kích thích tôi vô tả… Như một sự giao kết mặc nhiên giữa cha tôi và tôi thuở đó, mỗi tối sau khi cơm nước xong và các bài học bài làm của trường mà tôi đã học thuộc và làm xong thì tôi có quyền chạy đi chơi tự do… miễn là phải về nhà khoảng tám rưỡi chín giờ để ngủ… Sự giao kết này tôi luôn luôn thực hiện đúng có nửa phần đầu, còn phần sau, tôi thường vi phạm qui định về giờ giấc trở về nhà ngủ vì tuồng hát thường vãn về khuya 11 giờ rưỡi… Đặc biệt là những hôm mà tôi thấy một hai chiếc xe kéo của rạp hát đi diễn qua ngoài đường cho bảng quảng cáo tuồng diễn buổi tối về Thầy Đường Tam Tạng Tây du thỉnh kinh có ba đồ đệ là khỉ Tề Thiên, heo Bát Giới, và quỉ Sa Tăng… Thuở đó, tiền túi đương nhiên là tôi không có để mua vé đàng hoàng, nhưng như một con nắc nẻ thích ánh đèn, tôi khoái chạy lên Trường Bà Tuần đứng vớ vẩn để nghe trống kèn, hoặc chực có người quen thì xin đi ké vô. Giả dụ, gặp bữa mô tuồng hát hấp dẫn ly kỳ quá thì tiền dành dụm được 5 xu, 1 giác (trong Nam gọi là cắc)… tôi bèn “chuồi” lót cho anh gác cửa để vô lậu trong rạp khỏi mua vé… Cũng có bữa, không có tiền chuồi lót thì chạy qua lối hông ở sau rạp và leo lên nhìn qua kẻ hở của bức vách ván gỗ để thấy đào kép diễn ở bên trong… Đứng coi như thế mà lòng hồi hộp vô cùng vì lâu lâu bị người gác rạp cầm roi phết đít đuổi đi… Và mũi thì ngửi nồng nặc mùi nước tiểu… tuy rằng trên vách tường có viết ba chữ bằng sơn đỏ, to bằng con gà mái mệ : CẤM PHÓNG UẾ !
Gặp bữa mô gánh ca Huế Kim Sanh trình diễn có màn đấu boa-nha (poignard) ác liệt hay tuồng Phong Thần đấu phép là trí óc của tôi lại vận dụng để cố kiếm cách đi xem lậu. Hoặc là vào giấc xẩm tối trước khi rạp hát bắt đầu hoạt động, tôi lẻn vô núp trong gầm hay kẹt tối của bức gỗ của rạp… Thường mười lần hết chín là bị xách tai đuổi ra ngoài… Hoặc là một cách công khai… đường đường chính chính… chờ cho đến khuya rạp “thả cửa” vào màn cuối… thường thường chỉ có 10 – 15 phút sau cùng, ai cũng vô được không cần vé thì thế nào cũng có mặt tôi trong đám khán giả “thả cửa” này. Vào lúc này thì trống ở trước cửa khôn g đánh thì thùng nữa mà chỉ đánh “cắc cắc” báo hiệu sắp vãn…Do đó dân Huế thường nói “Trường Bà Tuần khỏ cắc rồi”, liệu đi ngủ, mai đi làm chứ.
Bây giờ nghĩ lại chuyện ngày xưa, tôi hoàn toàn không cảm thấy nhục nhã gì cả, vì lớp tuổi thiếu niên coi đó là những chuyện mạo hiểm phiêu lưu, như những lần đi coi đá banh bên sân vận động ở khu Đất Mới (sau khu Đất Mới có một “xóm đĩ” và một quán bán “cơm Âm Phủ” cho khách chơi khuya vào thời trước). Đi mười lần hết chín là “chui rào”. Chui thành công vô trong cũng sướng như sau này đi thi thấy tên trên bảng vậy… Ai ngờ sau này là người lớn, tôi cùng gia đình lại “đi chui” khi vượt biên… và cái sướng lần này to lớn như trúng số vậy.
2. Kiến trúc
Trước cửa trường hát Bà Tuần, hàng quà bánh cực kỳ hấp dẫn : có vài gánh cháo lòng hay bún bò mà nồi nấu luôn luôn bốc khói vì để trong cái thúng đựng cái “bếp trú” lửa cháy âm ỉ hoài, mùi thơm ngào ngạt… Bây giờ nhớ lại tôi vẫn có cảm giác như xưa… lại có gánh “phở Huế” dọn ra những đọi phở hoàn toàn khác phở Bắc nhưng cũng có vị ngon riêng… Ngày Tết, trước cửa rạp lại có nhiều hàng rong hấp dẫn… khiến dân ăn hàng nhân tâm tùy bọc chứa tha hồ mà thưởng thức như dấm nuốc chả mực, bánh ướt, bánh ram, bánh đúc xanh kiểu Huế, ăn với mật bằng cái dao tre…
Bây giờ các bạn hãy để tôi cố gắng vận dụng trí nhớ mà đi vô kiến trúc của Trường hát vào khoảng cuối thập niên 40. Bên phải cửa tiền phòng làm chỗ bán vé của trường hát là một căn nhỏ có một hàng bán nước chè Huế, bày cái bàn thấp cùng với vài cái đòn để khách ngồi. Tôi nhớ mãi mùi nước chè nóng thơm ngai ngái lẫn mùi gừng dễ chịu lạ thường, cũng như mùi thuốc lá quấn mà mấy người khách bình dân hút thì châm điếu thuốc vô một cái mồi làm bằng sợi dây dừa dài treo lũng lẳng từ cái đòn… Còn bên trái cửa tiền phòng bán vé cũng có một căn nhỏ cho “thợ cúp tóc” thuê… trên trần treo một cái “quạt bàn”, tức là một tấm cót tre hình chữ nhật được điều khiển phe phẩy qua lại bằng cách kéo dây. Rời phòng vé đi vô rạp phải đi qua một lối lộ thiên về hướng tay trái khoảng 5 – 10 bước để rồi lại rẽ phải để tiến vô cái lòng rạp chính thức. Ở cửa lối lộ thiên là một lối ra có cửa đóng. Cửa chỉ mở khi vãn hát để khách đi ra… Nếu rẽ bên phải cửa lối lộ thiên là vô phòng làm việc của bạn quản trị, và phòng đào kép trong hậu trường.
A. Khán trường
Lòng rạp chia làm hai phần. Khoảng hơn 8/10 là khán trường để sắp ghế ngồi cho khán giả. Hạng nhứt và hạng nhì là những ghế mây ở chính giữa có mang số cẩn thận… Còn hạng chót là hai hàng bục gỗ ở hai bên, từ thấp lên cao, khỏi cần có số, ngồi đâu tùy ý. Tôi còn nhớ cuối rạp ngay chính giữa có một cái gác lửng, trên cũng để ghế cho khách ngồi coi, có thể đó là hạng ba trên hạng tư là hạn chót.
Tường của rạp xây bằng gạch, đặc biệt có nhiều lỗ thông hơi bằng cách xếp gạch xéo xéo để người bên ngoài ngó vô không thấy bên trong, mà người bên trong thấy thoáng khí…
Cách thức sắp xếp chỗ ngồi của lòng rạp của Trường Bà Tuần (tức Đồng Xuân Lâu) cũng được một rạp khác mô phỏng. Rạp này ít được ai biết đến vì nó dựng ở làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên, quê của bà Từ Cung mà tôi sẽ nói đến ở kỳ sau. Rạp hát Mỹ Lợi đựng bên rạp là các bục từ thấp lên cao cho hạng chót hay hạng cá kèo như trong sân vận động vậy. Chính vì cái lối kiến trúc với tường vách có lỗ thông hở hang và diện tích nhỏ hẹp của rạp nên Trường hát Bà Tuần không thể nào được mượn để chiếu bóng hay tổ chức những buổi thuyết hay trình diễn văn nghệ như Hội trường của hội Quảng Tri nằm trên cùng đường Ngả Giữa, ở phía trên và xoay mặt ra đường Hàng Bè (hay đường Huỳnh Thúc kháng). Một điểm đặc biệt khác là vào khoảng của những năm 40, Trường hát vẫn còn dùng những tấm quạt mát cho những khán giả hạng nhứt và hạng nhì…Còn mấy khán giả ngồi hai bên bục gỗ bậc cấp thì chịu khó nóng bức. Nếu có gió mát mà lọt vô là từ một dẫy cửa sổ ở trên cao gần nóc… Nên gặp mùa nóng cức tháng tư ở Huế nhiệt độ cỡ 39 – 40 thì kể như được tắm hơi. Tôi luôn luồn lỏi đứng ở gần sân khấu nên thấy các đào kép mồ hôi nhễ nhãi trên những bộ mặt vẽ phấn son, nhất là họ phải mang đủ thứ trang phục cân đai mũ mãng v.v….
B. Hậu trường sân khấu
Thuở nhỏ, vì con nít, tôi mặc tình đi luông tuồng thám thính nhiều nơi vì tò mò kích thích… Tôi lò mò vô đến hậu trường chỗ mấy đào kép ngồi vẽ mặt và mặc trang phục trước khi ra sân khấu… Có bữa tôi cũng bị họ la rầy đuổi ra, nhưng vẫn lén vô coi. Sau nầy tôi đọc sách về ngành hát bội thấy mấy khuôn mặt vẽ khiến tôi bồi hồi cảm xúc nhớ lại buổi ấu thơ… (Xin quý bạn coi những hình chụp). Tôi lại tò mò đứng ngắm bàn thờ Tổ một cách vừa sợ sệt vừa thích thú… Đó là hình một con “búp bê” làm bằng đất nung, mặt sơn son, mình mặc áo gấm ngồi trong một cái trang thờ bằng gỗ. Đào kép thường gọi là “Ông Làng” mà họ thường cung kính vái lạy mỗi khi bắt đầu hát xong mỗi tối.
Thuở nhỏ nhìn thấy “Ông Làng” thì tôi chỉ biết vậy nhưng không thắc mắc tại sao “Ông Làng” lại là con búp bê. Vì theo tài liệu tôi đã tra cứu sau này thì Tổ nghề hát bội có hai người:
Một người là Lý Nguyên Cát, người Trung hoa bị Việt nam bắt khi nhà Nguyên qua xâm lấn nước ta vào đời Trần. Ngành hát bội theo lịch sử đã bắt đầu có từ đời nhà Nguyên. Chính Lý Nguyên Cát đã dạy dân ta về cách giải trí sân khấu nên được thờ làm Tổ.
Người thứ hai tên là Liên Thu Tâm, cũng người Trung hoa, được Lê Ngọa Triều dùng để giảng dạy các cung nữ cách hát tuồng từ năm 1005 (phỏng theo tài liệu từ cuốn Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ – Khai Trí 1970).
Nhưng mới đây, nhờ đọc cuốn “Cố Đô Huế”, lịch sử cổ tích thắng cảnh của Thái Văn Kiểm, trí tò mò của tôi về con “búp bê” được thờ làm Tổ của ngành hát bội được thỏa mãn qua đoạn viết sau :
Theo tục truyền, vị thần bổn mạng này xưa kia là một vị hoàng tử mê say hát bội. Một hôm có tổ chức một buổi hát cho vua ngự giám, hoàng tử muốn đi xem nhưng sợ phụ thân quở phạt đành phải thúc thủ, nhưng không thể nào thắng được dục vọng là lòng hâm mộ, ông bèn cải trang rời cung điện, trốn đi cho kỳ được, rồi lén ngồi trên dàn tre chung với dân chúng.
Hôm ấy, như người ta đã tiên đoán hát rất hay, tất cả đào kép đều vô cùng xuất sắc, vua ban khen, dân chúng hoan hô cuồng nhiệt làm sập dàn tre, đè hoàng tử chết.
Từ ngày ấy, tuy thành người thiên cổ, oan hồn của hoàng tử không tiêu dao miền cực lạc mà cứ vấn vương theo các gánh hát để phù hộ những nghệ sĩ đã làm cho ông lúc sinh thời tìm được một thứ tiêu khiển thanh nhã lý thú.
Người ta tin chắc rằng vị thần này linh thiêng lắm nên họ thờ kính rất trịnh trọng mong được ngài truyền cho ngọn lửa thiêng của nghề để có cảm hứng và thanh âm đặng hát cho hay, tức cảnh ứng cảnh và ứng khẩu cho may mắn, cho có duyên, điệu bộ cho mùi mẫn để thành công trong nghề nghiệp.
Tục còn truyền rằng vì ông chết thảm trong tuổi hoa niên, hồn chưa sạch nợ nần vật chất, nhất là hương thơm, nên chi ông có thể còn giữ cái phù khi lúc còn sống mà chạy theo hương thơm. Cho nên người ta yêu cầu những người có mang theo các vật có mùi thơm nên tránh xa sân khấu, cấm ngặt khán giả hát bộ không được đem theo một số hoa quả “có tên trong sổ đen” như trái thị chẳng hạn, vì nó có thể tạo sóng gió trong buổi diễn xuất và làm trở ngại cho sự thành công của gánh hát.
III. Một thuở mê say tuồng tích
Tôi khoái nhất là đoạn nói ông Hoàng tử nhỏ bé này mê hát bội nên cải trang lên ngồi trên dàn tre chung với dân chúng rồi dàn tre bị sập nên đè chết ông. Tôi thấy sao giống tôi quá vì tôi cũng mê đi coi hát mà chui vô núp dưới cái bục gỗ trong rạp Bà Tuần để đặng coi hát, nhưng may không bị… đè sập, mà chỉ bị xách tai kéo đuổi ra ngoài sau khi hít đã đời cái không khí “khai khai” ẩm mốc của gầm bục gỗ. Nói là “khai khai”, kỳ thực là “hôi xoong” vì có lắm vị nhi đồng đã tè kín đáo khỏi mất công bỏ đi… sợ mất chỗ tốt ! Con nít thì thuở nào cũng giống nhau. Chắc có bạn thắc mắc hỏi tại sao tôi thích coi hát xướng. Nói nào ngay thì thuở đó đâu có chi giải trí ngoài sự đùa nghịch, chạy đua với tụi bạn nhỏ ở quanh vườn bông Ngã Giữa. Tôi bị thu hút vì ánh đèn sáng trưng, tiếng trống thùng thình, tiếng nhạc kéo ỉ ôi, điệu kèn mu-dích (musique) du dương vang dội từ cái Trường hát Bà Tuần. Tuy nhiên thưởng thức được hát bội không những phải hiểu tuồng tích mà còn phải biết nghe hát, biết nhận xét bộ điệu của các diễn viên. May mắn cho tôi là trong xóm Đông Ba của tôi có cụ già làm nghề thợ ma~hay thỉnh thoảng kể chuyện đời xưa cho tụi con nít nghe… nào là chuyện Phong Thần, nào là chuyện Tam Quốc, nào là chuyện Tây Du… Rồi sau đó, lớn lên thêm một chút, tôi lại kiếm những sách về những chuyện xưa để đọc thêm… Mỗi khi đọc được chuyện chi hay lại đàn đúm nhau ngoài Vườn bông Ngã Giữa mà kể lại cho nhau. Tôi lại nhờ ông cụ trên chỉ vẽ thêm về cách nghe hát bội mà tiếng hát thường rống to như thét vào tai… nhưng có lúc hạ xuống nỉ non áo não vô tả, nhất là những đoạn biệt ly bịn rịn mà đấng phu quân nhẩy lên ngựa ra đi để đánh trận, thì bà vợ cứ quyến luyến cầm tay không dứt áo…
Nhờ coi hát bội mà sau này học Chinh Phụ Ngâm tôi mới thấy cái hay cực kỳ thấm thía của câu thơ chữ Hán của Đặng Trần Côn:
Ngữ phục ngữ hề, chấp quân thủ
Bộ nhất bộ hề, phan quân nhu
mà Bà Đoàn thị Điểm đã diễn Nôm:
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng.
Dịch nôm ra thơ lục bát như vậy đã là hay, nhưng xét về cách điệp ngữ cố ý của các chữ Ngữ… ngữ, Bộ… bộ ( lời… lời, bước… bước) thì câu dịch dù khéo thế nài cũng không thể diễn đúng cái nhịp điệu và ngẫu đối của nguyên văn:
Lời tiếp lời… tay chàng em nắm chặt
Bước một bước… áo chàng em níu theo.
Coi hát bội, khán giả phải giầu tưởng tượng mới thấy hay : Thấy ông tướng cầm cái roi có tua thì phải tưởng tượng rằng ông đang cưỡi ngựa. Thấy một giải lụa trắng dăng ngang sân khấu hãy cho đó là một con sông…Thấy hai ba tên cầm cờ chạy qua chạy lại tức là đang đánh trận, ba quân đông đảo (mấy tên này ở Huế gọi là chạy hiệu).
+1. Tuồng San Hậu
Tôi học cách nhận định một nhân vật bằng cách nghe họ xưng danh khi mới bước ra sân khấu. Như khi trong tuồng San Hậu, vua Tề Vương Thiện Đế tuy rằng đã có đủ tam cung lục viện nhưng chưa có con trai để nối nghiệp đế vương thì hát để tự giới thiệu thân thế và ước mong của mình như sau:
Thế an chân vạc
Sửa trị ngôi trời
Nối Tề trào truyền dõi Tống Ban
Cầm Kiền Tượng Tề Vương là trẫm
Ngoài đã yên trăm cõi
Trong lại vững giềng ba
Lòng con lo cơ nghiệp Tề gia
Sau truyền ngôi, nhiếp tôn đế vị
Một căn nơi lục viện
Hai bệ ở tam cung
Tưởng có đức có nhân
Trẫm công đồng dường ấy…
Tuồng San Hậu là vở tuồng quen thuộc, thường được trình diễn ở Trường Bà Tuần thường xuyên, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán ở Huế. Vở tuồng đề cao lòng “Trung trinh báo quốc” và rất có hậu ở đoạn kết : Vua Thiện Đế tuy rằng lấy hai chị em thuộc dòng họ Tạ nhưng lại không có con trai, nhưng vua Thiện Đế mất nên Thái sư Tạ Thiếu Lăng, em của chánh cung, bèn mưu cướp ngôi vua và giam Phàn thứ hậu vô lãnh cung. Các nhân vật trung thần là Đổng Kim Lân và Khương Linh Tá phò ấu chúa lên San Hậu Thành rồi về sau trở về trung nguyên khôi phục ngôi vua.
Tôi còn nhớ ở Huế thuở trước, người dân đầu xuân thích bói tuồng. Nếu lúc vô rạp mà gặp lúc nhân vật trung thành như Đổng Kim Lân đương hát tức là năm đó sẽ gặp quý nhân phò trợ dù rằng đang gặp phải nhiều trở ngại khó khăn… Ngược lại, mới vô gặp lúc gian thần đang đắc thời đắc thế thì năm đó làm ăn sẽ không khá… mà có bề hắc ám…
Phụ thân tôi cũng thường thích kể chuyện đời xưa cho tôi nghe, nhất là chuyện Tam Quốc. Điều này cũng giúp tôi hiểu tuồng tích khi đi coi hát bội… Sau này đọc về địa lý nước Trung Hoa, tôi thấy có dòng sông Dương Tử (Yang Tse) mà người Tàu thường gọi là Trường Giang vì nó là con sông dài nhất Á Châu (khoảng ba ngàn năm trăm dậm Anh) bắt nguồn từ Tây Tạng rồi đổ nước ra biển ở phía đông.
Nhà thơ Thế Lữ có câu thơ rất hay mà tôi còn nhớ mãi:
Lòng em như nước Trường Giang ấy
Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu
Phúc Châu tức là đất Phúc Kiến, nằm ở hải khẩu của con sông dài ngút ngàn này. Ca dao miền Nam ta cũng có câu đậm đà tình nghĩa :
Sông dài cá lội biệt tăm
Phải duyên chồng vợ mấy năm cũng chờ
Chính trên con sông Trường Giang (Dương Tử) của Trung Hoa, cách đây gần 1800 năm đã là một diễn trường cho cuộc mưu mô tranh đoạt và chém giết đổ máu của những con người thời Tam Quốc (221-223). Tôi đã xem nhiều vở tuồng Tam Quốc ở Trường Bà Tuần, nhưng hai vở làm tôi nhớ mãi là: Giang Đông Phó Hội và Giang Tả Cầu Hôn.
+2. Tuồng Giang Đông Phó Hội
Câu chuyện Giang Đông Phó Hội như sau: Thời Tam Quốc, lúc Ngô Lưu hội binh chống Tào trên sông Trường Giang, Châu Du lập kế mời Lưu Bị từ Hạ Khẩu qua Giang Đông ( phía đông sông Trường Giang), bề ngoài là để kết chặt thâm tình trong việc chống Tào, bề trong là để giết Lưu Bị cho tuyệt hậu hoạn. Nhưng trong tiệc, Châu Du thấy Quan Công oai dõng đứng sau lưng Lưu Bị, nhớ lại việc Trụ Văn xử trảm Nhan Lương, nên sợ không dám xuống tay. Mãn tiệc, Lưu Bị và Quan Công về Hạ Khẩu vô sự (Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ).
+3. Tuồng Giang Tả Cầu Hôn
Và câu chuyện Giang Tả Cầu Hôn như sau : Lần này, Chúa Đông Ngô là Tôn Quyền hao tôn binh tướng rất nhiều mới thắng được Tào Tháo trên sông Xích Bích, nhưng bị Lưu Bị đoạt mất Kinh Châu của Tào Tháo. Tôn Quyền mấy phen đòi lại không được. Châu Du dâng kế gạt mời Lưu Bị qua gả em gái Tôn Quyền cho, cốt ý cầm chân Lưu lại mà đòi Kinh Châu. Ai ngờ quân sư Khổng Minh của Lưu Bị bèn tương kế tựu kế khiến cho Lưu cưới được vợ là Ngô Quận Chúa đem về Kinh Châu. Châu Du đem binh rượt theo bị phục binh của Khổng Minh đánh tan vỡ… Châu Du vốn bị chứng loét bao tử đã nặng, đã từng bị Khổng Minh chọc tức nhiều lần… Đến lần này là lần thứ ba (Tam khí Châu Du) thì Châu Du tức tối vô cùng vì quân của Châu Du vừa bị quân Lưu Bị đánh tan, vừa bị họ đồng thanh hô lớn:
“Châu Lang nhọc sức an thiên hạ
Đã mất phu nhân lại tổn binh”.
Châu Du nghe vậy bèn ngửa mặt lên trời mà than : “Trời sinh Du sao lại sinh Lượng”. Tức khí quá bèn hộc máu mạng vong. Do đó, ở Huế có câu :”Tức hộc máu” là do điển tích này.
Nhìn lại cách đây hơn 40 năm, Trường Bà Tuần tuy là một rạp hát cổ lỗ nhưng đối với tôi quả là một ngôi trường học để tôi học những điều tôi không thể thu thập được trên ghế học đường chính thức. Tôi đã ít nhiều thấy được bao nhiêu hỉ nộ ái ố… của cuộc đời qua những tuồng tích và sự diễn xuất của các diễn viên… Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mãi những đoạn tuồng có nhiều tình tiết tâm lý lâm ly như vở “Dự Nhượng đả long bào” cũng đã từng diễn ra ở rạp Bà Tuần nhiều lần.
IV. Một món nợ ân tình bao giờ trả được?
Bản thân tôi là con cháu dân dã và là đám hậu sinh sau xa – đương nhiên tuyệt đối không được coi hát ở chỗ trường hát của các bậc quyền quý mà chỉ được coi hát “chui” ở cái trường hát Bà Tuần là một địa điểm của tôi ghi nhớ mãn đời… Về sau này, với thời gian, tôi dần dần khôn lớn, cảm quan về sự giải trí và nghệ thuật cũng tiến triển, không nhứt thiết còn ở trình độ “coi hát bội” cổ lỗ, và tiến lên coi ca Huế và coi cải lương, coi kịch và chiếu bóng…Duy chỉ có gánh Kim Sanh ca Huế là tôi còn coi ở Trường Bà Tuần một thời gian ngắn ngủi vì xảy ra những biến cố Nhật đảo chánh và Việt Minh cướp chính quyền, rồi sau đó tản cư và hồi cư… Còn những thứ giải trí khác như kịch và chiếu bóng… thì tôi phải đến các rạp hát “văn minh” hơn như Hội Quảng Tri, rạp Tân Tân, rạp Morin, rạp Richard, rạp Châu Tinh… Xa mặt nên đương nhiên cách lòng. Do đó, trường hát Bà Tuần đối với tôi đã trở nên một nơi lỗi thời cũ kỹ… hầu như không còn dịp nào khác trở lại để tìm những giây phút thú vị chui “lòn” vô coi hát…
Bây giờ hồi tưởng lại thuở ngày xưa, một mặc cảm phạm tội len lén trong tâm tư của tôi… nên phải dùng bút ghi lại vài trang giấy kỷ niệm để tạ lỗi của mình. Và tự thấy mình đã chịu ơn cái trường hát này rất nhiều về những điều kiến thức mà sau này tôi không thể tìm thấy ở bất cứ sách vở nào.
Món nợ ân tình biết bao giờ tôi trả được?
Bác Sĩ Lê Văn Lân
(Tuyển tập Nhớ Huế 1994)