Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2022

Thơ Tranh: Bến Mơ


Thơ: Lê Mỹ Hoàn
Thơ Tranh: Kim Oanh

Về Đây Nghe


     (Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long)

Mái trường xưa nhớ ơi là nhớ
Lộng ngọc thời hoa mộng tuổi thơ
Màu áo xanh mây trời kỷ niệm
Lần chia xa mắt lệ hoen mờ

Con đường đó dấu yêu chân sáo
Từng bước qua xao xuyến ngập ngừng
Rải rác sân vài bông sứ trắng
Phượng hồng kia sắc máu rưng rưng

Về đây nghe xé tan yên tĩnh
Hòa tiếng lòng cùng khắp viễn phương
Trang Kỷ Yếu hồn xưa sống lại
Gợi hình bóng cũ thuở chung trường

Kim Phượng


Phượng Và Em

 
(Cô Bạch Tuyết - Ảnh Trúc Lan gửi)

(Mến tặng cô Bạch Tuyết) 

Vin cành phượng vỹ ngày xưa
Và em áo trắng cho vừa lòng nhau
Dẫu em tóc nhạt thay màu
Mà tình vẫn thắm dạt dào trong anh
Ngày xưa theo gót thiên thanh
Bây giờ Ta bước song hành bên nhau
Phượng đỏ áo trắng ngày nào
Vẫn làmhai đứa ngọt ngào niềm yêu
Em tôi tóc ngắn muối tiêu
Hạnh phúc dài những sáng chiều không phai
Rượu nồng muối mặn gừng cay
Chỉ thêm hương vị men say ái tình
Ngắm tà dương đón bình minh
Nguyện dài sức khỏe an bình thân tâm


Trúc Lan KTP

Tiếng Lòng - Nụ Hồng



Tiếng Lòng

Vườn sau sót lại nụ hồng
Cành hoa vương vấn mênh mông nỗi buồn
Sầu lên khóe mắt thầm tuôn
Hồn như hoang đảo chiều buông lặng nhìn
Đèn khêu soi tỏ bóng mình
Trời đông viễn xứ tự tình với ai
Còn nghe não tiếng thở dài
Nghiêng dòng bút mực chia hai tiếng lòng

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Nụ Hồng


Trong cảnh tiêu điều mảnh vườn hoang sót lại
Một nụ hoa hồng hé mở cánh tươi xanh
Giọt sương mai óng ánh đọng trên cành
Dấu hy vọng hồi sinh long lanh mắt lệ
Sầu viễn xứ tan theo bóng tàn dạ nguyệt
Đón bình minh ló dạng góc trời Đông
Chim hoan ca réo gọi nụ hoa hồng
Tung cánh mở cho tiếng lòng nở rộ

Chinh Nguyên - HNT
Jul.26.22 (540)

Phút Nhiệu Mầu - Thơ Mặc Khách - Diễn Ngâm Hoàng Đức Tâm


Thơ: Mặc Khách
Diễn Ngâm: Hoàng Đức Tâm

Lấy Chồng Xa

 

Bài Xướng:

Lấy Chồng Xa

Thiên duyên tiền định lấy chồng xa
Bước xuống thuyền hoa mắt lệ nhòa
Trăn trở không người chăm sóc mẹ
Băn khoăn chẳng kẻ đỡ đần cha
Tha hương u uẩn niềm thương cội
Viễn xứ bâng khuâng nỗi nhớ nhà
Nắng hạ mưa đông lòng quặn thắt
Gởi đâu tâm sự phận "đa đa"

Nhất Hùng
Viết Tặng Những Con Chim Đa Đa
***
Bài Họa:

Lấy Chồng Xa

Xứ chồng chiều xuống... xứ mình xa
Đứng ngóng ngọn cau... đẫm lệ nhoà
Mây tím ngậm ngùi... ươm tóc Mẹ
Trời xanh thăm thẳm... ướt mi Cha
Lập loè... đóm chớp thương vườn cải
Khắc khoải... bịp kêu nhớ xóm nhà
Nước mắt rưng rưng tươm khoé mắt
Dần dà tích tụ thiểu thành đa...!!!
!

Nguyễn Minh Thanh

Ở Một Nơi Ai Cũng Quen Nhau(*)

Để tôi kể em nghe về một ngôi trường rất nhỏ nhưng đã để lại trong lòng tôi một cái bóng rất lớn.

Nó nhỏ tới độ không nghe ai nói tới. Người ta còn bận bịu với những tên tuổi quen thuộc đã một thời làm nức lòng nhiều thế hệ học trò. Em thấy đó, cứ hở ra là nghe tấm tắc nào là trường trung học Pétrus Ký, trường nữ trung học Gia Long, rồi là Chu Văn An, Trưng Vương. Xa hơn một chút là Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, trường Quốc Học Huế. Em có nghe ai nhắc tới ngôi trường trung học nhỏ của em đâu. Mà lỡ có khi nghe tới, đôi khi người ta còn phải hỏi đon hỏi đả coi nó ở đâu, nó nằm ở tỉnh nào. Làm như thuở đó cả miền Nam chỉ có mấy ngôi trường đồ sộ đó thôi. Làm như trường của em nó nằm tít mù ở một bản thôn nào vậy. Tuy nhiên em đừng buồn. Em đừng bận tâm vì cái vẻ háo hức pha một chút kiêu hãnh khi họ nhắc tới ngôi trường cũ của họ. Ai cũng có quyền hãnh diện về nơi chốn còn cất giấu một phần tuổi trẻ và những mộng đời mới lớn của mình. Em cũng vậy. Em cũng thấy ít nhiều xao xuyến mỗi lần có dịp nghe nhắc đến một cái tên đã quá đỗi xa xôi. Có một lấp lánh nào đó ở cuối đuôi mắt đã sắp sửa lười biếng và trong đáy cùng của con tim vừa chớm lặng lẽ vẫn có một lọn máu nhỏ bỗng dưng rạo rực. Phải không? Và ngược lại, em có thấy chút gì là cảm động khi bất chợt nghe ai đó kể lể về một ngôi trường dù rất nổi tiếng nhưng với em, có dính líu gì đâu ? Tôi sẽ thay em để nói về ngôi trường của em đây. Ngôi trường mà giữa em và tôi có một điểm rất giống nhau, cả hai đều hết lòng thương mến.

Mà tại sao tôi lại nhắc đến ngôi trường trung học của em. Em cũng như nhiều người khác nữa, đã đi qua nhiều cấp lớp khác nhau, từ tiểu học đến đại học. Từ thuở bé mới theo mẹ tới trường lần đầu miệng cứ mếu máo đòi về đến những năm mười tám đôi mươi thõng thượt qua lại hành lang đại học, em đã sống qua biết mấy xôn xao. Bao nhiêu lần giận hờn, nghịch chơi, ngún nguẩy, làm bộ làm tịch, bao nhiêu màn đánh chuyền, bao nhiêu trò chơi cút- bắt, nhảy dây, nhảy tràm .. kể làm sao hết. Bao nhiêu rộn rịp, bao nhiêu háo hức, bao nhiêu lo âu, bao nhiêu hy vọng cũng như thất vọng. Bao nhiêu đêm thức trắng ôn bài, bao nhiêu ly cà-phê đắng nghét. Rồi thi cử, tam cá nguyệt, lục cá nguyệt, đậu, rớt .. Ôi thôi bao nhiêu hồi hộp, lo lắng, cặp mắt trắng dờ, khuôn mặt xanh mét, hột mụn vô duyên, sách vở rối beng .. Rồi mơ mộng, rồi những lá thư nhét vội giữa tập sách cho mượn. Những hẹn hò lén lút, những mắt nhìn vụng trộm. Kể làm sao cho hết, những năm đã quá dài và ứ tràn kỹ niệm. Như vậy tại sao lại chỉ nhắc tới ngôi trường đó thôi, ngôi trường trung học của em ?

Ờ mà tại sao tôi không nhắc tới buổi tựu trường đầu đời của em, cái buổi-mai- đầy-sương-thu-và-giá-lạnh, nói theo kiểu Thanh Tịnh trong bài tùy bút tuyệt vời của ông. Lúc đó em đâu chừng năm sáu tuổi chớ gì. Còn nhớ không? Mẹ đã sắm sửa cho em bộ vận từ mấy ngày trước. Cái gì cũng mới. Bộ quần áo trắng tinh mẹ ủi thẳng nếp. Đôi guốc vông cong cong xinh xắn như cặp hài. Cái cặp da có sợi dây đeo vai. Bình mực tím có quai xách. Cây viết gắn ngòi bút lá tre còn bóng nước thép. Và nhất là mấy cuốn tập giấy trắng tinh ba đã cẩn thận bao bìa bằng loại giấy dầu thật tốt. Thích nhất là mẹ đã sắm riêng cho con gái cưng chiếc kẹp tóc có hình con bươm bướm đỏ để dành cho buổi tựu trường. Vậy mà buổi sáng đó khi mẹ vào giường kêu dậy, cô bé vẫn còn ngái ngủ ậm ừ không chịu thức. Mẹ phải năn nỉ vỗ về mấy lần mới dựng dậy được cô học trò mới. Rồi mẹ phải mấy phen ỉ ôi đôi khi cả dọa dẫm mới đưa được tới trường giao tận tay bà giáo có cái búi tóc và cặp kính lão đeo trễ xuống sóng mũi. Vậy mà khi mẹ vừa quay lưng thì không biết nước mắt ở đâu đã đầy trong cặp mắt nai. 
Tới phiên bà giáo phải vỗ về và như vậy em bắt đầu năm học đầu tiên trong tiếng sụt sịt không thôi. Rồi em quen đi, em có nhiều người bạn mới với nhiều trò chơi mới. Suốt những năm tiểu học, em có những thầy cô rất nghiêm nghị nhưng cũng rất nhân từ, chiếc thước bảng gõ nhịp cho em học vần, bàn tay cứng cáp nhưng khéo léo uốn nắn em đồ chữ, những phép tính cộng trừ nhân chia, bài toán đố hóc búa, và nhất là những bài tập đọc, nhớ không em. những bài học thuộc lòng vốn dĩ là những bài thơ tuyệt tác. Tôi thấy thầy tôi mắt đã mờ. Mà còn dạy dỗ trẻ con thơ. Mà còn cặm cụi hơn năm trước. Với số quá đông đám học trò. Con nhớ ở đây cũng lúc này. Con còn bập bẹ ít vần tây. Một lần thầy bảo chung trong lớp. Ráng sức mai sau sẽ có ngày .. Thầy ơi thầy khổ đã bao lần. Mái tóc sương pha đã mấy phần. Có những chiều tà mưa phủ trắng. Thầy cười tha thứ kẻ vong ân .. Những bài học thuộc lòng đó đã để lại trong lòng em cái dư âm dịu dàng của tiếng mẹ đẻ, cũng như đã nuôi em lớn lên trong tình nặng nghĩa sâu của dân tộc. 
Nhiều năm sau nữa, những bài học đầu đời đó vẫn là cái vốn liếng quí báu mà thế hệ thầy cô già đã chẳng nệ công lao để lại cho em. Tôi chắc em đâu quên. Tôi biết em còn nhớ, nhưng mà là một nỗi nhớ rất đỗi mong manh, tuổi em còn non quá chưa đủ sâu để xếp thành những nếp gấp. Nhưng tại sao tôi sẽ nhắc với em về ngôi trường trung học? Tại sao tôi cũng sẽ không nói đến những tháng năm em vào đại học ? Những phân khoa với cả ngàn sinh viên chen chúc trong những giảng đường chật nứt. Những ông thầy đến và đi vội vàng như minh tinh màn ảnh, những đồng môn lạ hoắc lạ huơ không kịp biết tên nhau. Góc thư viện lạnh tanh, dãy hành lang dài vô tận, xấp bài in ronéo dầy cộm, những sổ tay ghi chép dối trá, những lớp học vô tình như chính cái cuộc đời lạnh lùng ở bên ngoài. 
Không, tôi sẽ không nói tới những năm học ấy bởi vì rồi ra cùng với một tuổi đời đã khá chững chạc, con tim em đã quen với ít nhiều sóng gió nên đã biết lọc lừa, đâu còn nhiều điều làm em lưu luyến nữa, phải không ? Tôi sẽ nhắc lại cái thời trung học của em thôi bởi vì ở thời khắc đó khí hậu mới mượt mà, ngôi trường đó là khu vườn đang độ mà em là trái cây đúng lứa nên mỗi mỗi xao động của mùa màng đều giữ lại trong em những dấu vết không phai.

Nhớ không em, năm em lên trung học!


Chắc em mười một mười hai tuổi gì đó. Tóc đã thôi cắt bum bê và bắt đầu có những lúc săm soi trước kiếng. Sợi tóc dài mới lưng lửng đầu vai, đôi khi chợt ngúng nguẩy như sửa soạn làm điệu. Đôi mắt có lúc thoáng buồn vớ vẩn và nhiều khi chớp chớp như muốn thẹn thùng. Bãi trường năm đó sao em thấy màu bông điệp làm như có một cái gì xao xuyến lắm. Em từ giã thầy cô bạn bè chính là em từ giã cái tuổi ngây thơ vô tư lự của em đó. Em đã bớt chạy nhảy bởi vì trong cơ thể em như có một cái gì vừa lớn lên lại kéo trì tay chân em chậm lại, bắt em đi đứng khoan thai hơn, dịu dàng hơn. Phải rồi, cái cảm giác đó dường như phát xuất từ lúc em biết mình sắp sửa chuyển sang trường lớn khi năm học mới bắt đầu. Trời buổi đó mới đổi mùa hay có những cơn mưa rào bất chợt về chiều. Và lòng em thay tuổi cũng thường có những lúc vui buồn không đâu. Bầy chim trốn lạnh đã kéo bay ngang thành phố. Và em, em cũng đang sửa soạn cho một chuyến đi xa. Niên học mới em vào trung học.

Cả tháng trước mẹ đã dắt em tới tiệm ngoài phố lấy ni tấc đặt may cho em chiếc áo dài đầu tiên. Chiếc áo trắng bằng hàng nội hóa cắt may suông đuột, hai cái vạt dài lượt bượt. Lần mặc thử nhìn mình trong gương em đã thấy tức cười. Rồi áo cánh áo lót cứ vướng víu lớp da non còn e ấp. Nhưng đâu thể làm khác hơn. Bên đó trường lớn, người ta bắt mặc đồng phục, áo dài trắng quần đen. Vả lại em đã lên trung học, đâu còn bé bỏng gì mà áo xanh áo đỏ như mấy cô bé hàng xóm lê la ở sân trường tiểu học. Có phải cái áo dài trắng đó bỗng nhiên làm em lớn lên một lượt mấy tuổi. Em thấy em chững chạc và thấy thương hại đám con nít chạy nhảy lu bu. Em có cảm giác mình như con chim vàng anh nhỏ sắp sửa xổ lồng.

Buổi sáng ngày khai giảng, không đợi mẹ kêu, em đã tự mình thức dậy. Một mình em sửa soạn. Một mình em chải tóc, mặc quần áo, một mình em tự lo ăn sáng rồi chào cha mẹ ra khỏi nhà. Em sẽ đi một mình tới ngôi trường lớn ở bên kia sông, không cần ai đưa dắt. Có một cái gì lạ lắm hớn hở trong lòng em. Rõ ràng em đã lớn. Em đi ra khỏi nhà với cảm giác tự tin pha một chút lo lắng. Ban nãy mẹ nhắc chừng cái cặp khi thấy em đi tay không khác mọi năm. Em lắc đầu với một chút tự hào. Em đã đem theo tờ giấy trắng và cây bút chì. Ở đó có nhiều thầy nhiều cô dạy nhiều môn khác nhau đâu biết ra sao mà đem theo cặp vở. Chỉ cần tờ giấy với viết chì là đủ ghi chép mấy điều dặn dò đầu năm. Vả lại bộ mẹ không thấy em đã lớn sao, em đã vào đệ thất, đâu còn ở tiểu học nữa mà đeo cặp tòn teng.

Khi ra tới đầu ngõ, đứa con trai lối xóm cùng tuổi, ngượng nghịu trong bộ đồng phục mới, áo trắng dài tay bỏ trong quần dài xanh đậm, đầu tóc chải bảy ba thẳng thớm, dường như lấp ló đâu sẵn đợi em. Phải như mọi hôm chắc em đã réo nó chạy đua, nhưng mà sáng hôm nay sao em thấy em đã lớn, đâu thể cặp kè trửng giỡn với con trai ngoài đường lộ cho nên em bỗng nghiêm mặt rồi cúi đầu đi thẳng. Thằng bạn nhỏ coi bộ cũng ngượng ngập hơn thường khi, thấy vậy cũng rụt rè bỏ đi một nước. Ngang nhà lồng chợ học trò đi tựu trường dập dìu, nói năng líu lo như sáo. Sao em có cảm giác như ai cũng nhìn em hết. Hai vạt áo dài thì cứ đong đưa như còn vẫy gọi thêm. Em càng luống cuống thì vạt áo càng vướng vít. Con đường hông chợ sáng nay sao dài ghê.

Vậy đó rồi em đi tới trường. Ngôi trường trung học Nguyễn Trung Trực mà em đã nghe mấy anh chị lớn nói tới từ lâu, mà em tưởng chừng như sẽ không bao giờ lên tới đó được. Sáng nay em đã đường hoàng đi tới với một chút lo âu mà em cố giữ kín trong lòng. Sao em thấy ai nấy đều có vẻ tự tin, mắt sáng, môi tươi và nhất là cái dáng kiêu hãnh của những nụ tầm xuân biết mình đang độ. Có lúc em chợt thấy mình bé bỏng nhưng lại không thấy lạc lõng chút nào. Em có một cảm giác gần gũi, quen thuộc, như những người qua lại đó là anh là chị của em và sẽ sẵn sàng tha thứ khi em lầm lỗi. Còn ngôi trường mới nữa, nó to lớn uy nghiêm nhưng sao không có vẻ kiêu kỳ chút nào. Nó toát ra một vẻ đàn anh, kẻ cả nhưng cũng tỏ vẻ rộng lượng, bao dung. Em e dè đi từng bước nhỏ qua cổng, lòng bỗng vui như khi thấy trở lại nhà. Ngôi nhà mới của em, ngôi nhà thứ hai mà em sẽ sống suốt bảy năm trong một sự đùm bọc rất lạ. Bạn bè mới, thầy cô ở xứ xa, đã không hẹn mà về. Cuộc gặp gỡ tình cờ đâu ai chọn lựa vậy mà đã kết cho em những hoa trái ngọt ngào còn thơm phức lòng em cho đến nay. Ở đó bạn em đến từ những làng xa, những thôn vắng mà em chưa từng nghe tên nay bỗng nhiên trở nên gần gũi. Rõ ràng chỉ trong phút giây lòng em nở lớn ra trăm chiều. Em cho đi và em nhận lại. Đời sống bao la và phong phú biết bao. Em lớn thêm từng ngày, hồn dậy thì từng phút. Những môn học mới mở ra cho em những chân trời mới. Những bài giảng lạ đưa em vào cơn mộng lạ. Phải không? Chính ở một góc bàn trong một lớp học nào đó, đã có một lần em để hồn lơ đãng ra ngoài cửa sổ dõi theo một áng mây bay. Đã có một lần tự dưng em thấy lòng lắng xuống, nao nao, khi chợt nghe ai đó đọc nhỏ mấy câu thơ vừa học được. Chiều nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn. Lần đầu tiên em nghe người ta muốn gọi tên một nỗi buồn. Và cũng chính từ đó lòng em bắt đầu có những nỗi buồn không tên. Em đã thực sự lớn lên rồi bằng những cơn buồn vu vơ đó. Và bằng những cơn buồn vu vơ đó em khởi đi những bước e ấp rất nhẹ vào đời. Phút giây đó quan trọng lắm em bởi vì nó mở đầu cho cuộc đời thiếu nữ của em đi men theo một thời trung học.

Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, em đã đón nhận những giá trị tuyệt vời của lớp người đi trước, những khổ công của tiền nhân, những tài hoa của dân tộc để làm giàu cho em thêm nhân ái, làm đẹp thêm cho em mỹ cảm, làm tha thiết thêm cho em một tấm lòng son sắt với quê hương. Ở đó, em đã khóc cười theo mệnh nước, đã mơ theo nẻo mộng chinh phụ, đã sầu theo bước lỡ Thúy Kiều. Em học làm vợ làm mẹ theo Nguyễn Trãi, học nét đài các của Bà Huyện Thanh Quan, bắt chước cái tinh quái của Hồ Xuân Hương, học làm con hiếu đạo, học làm bạn chân thành, học làm người tình chung thủy. Ở đó, những công thức phương trình, những phản ứng định luật làm chìa khóa cho em mở cửa một thế giới tiến bộ, văn minh và nhân đạo. Ở đó em đã được kê lên "vai một người khổng lồ" để nhìn ngó ra tới cõi mênh mông ở bên ngoài cõi thực. Em lớn lên nhiều lắm đó em.

 

Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, cũng là lần đầu tiên em biết thẹn thùng khi tình cờ chợt bắt gặp một tia nhìn " kỳ " lắm. Không phải cái rụt rè của năm lớp tư lớp ba, cũng không phải cái mắc cỡ của năm lớp nhì lớp nhứt. Nó lạ lắm. Chỉ một tia nhìn thôi của một người biết mặt chớ chưa hề biết tên đã làm em luống cuống. Má em đỏ au lên, tay chân em bỗng nhiên thừa thãi. Tia nhìn thoáng qua, có lâu lắc gì đâu vậy mà sao em tưởng chừng như thiên thu sựng lại. Những sợi dây tơ căng sẵn trong lòng em bỗng dưng bật lên một tiếng kêu thầm. Em thấy đâu như con tim mới tinh của em lại vừa đập sai một nhịp. Phải không, chính trên con đường trải sỏi nằm cạnh bờ hồ có hàng cây khuynh diệp trở lá xốn xang mà em đã nhận lá thư tình thứ nhất. Những lá thư tình nhẹ hơn cả một hơi thơ. Những lá thư tình vu vơ như một tia nắng rớt. Những lá thư tình viết nắn nót bằng mực tím trên giấy pelure xanh, hồn nhiên tới độ cho đi mà không chờ nhận lại. Tôi đố em còn tìm được ở đâu, ngoài khung trời đó, những mối tình vị tha như vậy. Có thể chuyện cũng chẳng đi tới đâu, nhưng em thử nghĩ lại coi có phải đó là những phút giây đẹp nhất của một đời người.

Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, em đã có một hai người bạn mà em còn khắn khít suốt đời. Cái tình bạn như chỉ có trong truyện đời xưa, mà người ta chỉ gặp và kết hợp một lần trong đời, ngay trong lứa tuổi đó thôi. Người bạn cùng em san sẻ ngọt bùi, cất giấu giùm em kỷ niệm, canh giữ cho em những điều thầm kín nhất. Người bạn mà em thương và thương em như chính mình thương mình vậy. Làm như chỉ trong lúc đó, khi tấm lòng còn tinh khôi, sự hòa hợp mới sít sao và bền bỉ. Người bạn theo em ăn khớp như hình với bóng, như chính một phần của em đã xẻ làm đôi. Cho đến bây giờ em còn tìm được một người bạn như vậy nữa không ? Tôi tin rằng mỗi năm thêm một tuổi lớn, con tim cứ vùng vằng chối bỏ làm như đã ứ, đã no những lắt léo muộn phiền. Tuổi đời dựng đứng quanh ta những bức trường thành còn dài hơn vạn lý và đường vào lòng nhau còn khó hơn đường vào sạn đạo nữa em. Cho nên chắc em cũng thấy, kể từ khi rời khỏi ngôi trường đó em có còn tìm được "người bạn" nào nữa đâu. Không phải tại ta muốn vậy, tại con tim ta lì lợm đó thôi.

Đấy, ngôi trường đó đã cho em biết cơ man nào mà kể những phẩm vật trân quý của trần gian. Có lần nào rảnh rỗi em tính lại mà coi. Tôi chắc em được nhiều hơn mất trong suốt bảy năm làm học trò trung học. Khu trường lạ lùng duy nhất có con đường trải nhựa xẹt ngang như một vết cắt phạm vô duyên, mấy dãy lớp lợp tôn nằm song song y hệt như một trại gia binh không lấy gì làm mỹ thuật, cái sân chơi trải đất lem nhem mấy đốm cỏ cháy vàng, ngọn gió nam thổi hiu hiu như giục cơn buồn ngủ ... Dường như nó cũng không khác gì hơn những ngôi trường mà em đã học qua. Cũng những tấm bảng đen với hàng phấn trắng bôi bôi xóa xóa, cũng mấy dãy bàn học đóng dính với cái băng dài khắc ngang khắc dọc những tên tuổi lạ hoắc, cũng cái hộc tủ để cặp vở nhưng lắm khi còn cất giấu những miếng xoài chua, trái cóc, trái ổi ăn không kịp trong giờ ra chơi ngắn ngủi, cũng khung cửa mắt cáo lưng chừng tường để đôi khi lén nhìn ra bắt gặp những cặp mắt kiếm tìm ... Vâng tất cả đều giống y như vậy. Có khác không là khác trong lòng em thôi. Đó đó em, cái mà tôi muốn nói chính là ngôi trường vẫn nằm êm ả trong lòng em từ mấy chục năm nay. Nó nằm ở đó không di dịch, không cũ thêm chút nào dù là đã trải qua không biết mấy độ tang thương. Thấy lại chưa em, ngôi trường trung học Nguyễn Trung Trực mà em đã mang theo từ ngày đi bỏ xứ.

Vậy đó, mỗi người đều có một ngôi trường cũ tưởng khi vội vã ra đi đã bỏ sót lại. Tưởng đâu người ta đã cướp mất luôn cái nơi chốn thân yêu sau khi đã đuổi mình đi tan tác. Nhưng không, ngôi trường cũ của em đã không bị cướp mất mà còn được nhân lên mấy lần nhiều hơn nữa. Bởi vì cái xác trường thì còn kẹt lại đó, chớ cái hồn trường thì đã theo em và bạn bè đi lưu lạc tứ phương. Bằng chứng là lâu lâu lại nghe tin buổi họp mặt học trò trường Nguyễn Trung Trực ở chỗ này, mai mốt lại nghe họp mặt ở chỗ khác. Hóa ra cái trường Nguyễn Trung Trực đâu còn ở tận cái thị xã xa xôi đó nữa. Nó ở ngay đây, kề bên em đó. Nó ở giữa phố phường đông đúc vùng vịnh biển phía tây nước Mỹ, nó cũng ở tại vùng đồi núi cheo leo phía đông. Nó nằm trên vùng cực bắc lạnh lẽo mà nó cũng có giữa đồng cỏ miền trung tây mênh mông. Nó có ở châu Âu mà cũng có tuốt bên châu Úc. Nó đã hóa thân thành muôn vạn tấm lòng rải ra khắp cùng mặt đất. Đến đổi chừng như nơi nào có đôi ba học trò cũ là có trường mới dựng lên, hồn nhiên và thành khẩn. Những người học trò cũ đã chắt chiu mang theo từng mảng vụn để rồi dựng lại thành những ngôi trường mới, những nơi chốn mới để cùng trở lại hành hương. Ở đó em gặp lại đủ hết, thầy cô cũ, bạn bè cũ. Có thể còn thiếu sót một số người. 
Nhưng có sao đâu em, họ đến trễ đó thôi, vẫn còn chỗ để dành riêng cho họ. Ở đó em sẽ thở lại chút hương thời tuổi dại. Em sẽ thấy lại từng mặt người quen, dù sơ hay thân vẫn là cái tình người nồng ấm, cái tình người mà tôi chắc nếu em có bỏ công lặn lội ngàn ngàn cây số để trở về, đứng lại giữa khung lớp cũ em cũng không còn tìm thấy được nữa. Người ta đã thiêu hủy nó lâu rồi. Cái tinh thần tôn sư trọng đạo, cái ý chí của bậc đại nghĩa mà trường mang tên đâu có thể chung đụng với bầy quỷ dữ. Tên tuổi đó bây giờ chỉ là sự ngụy trá chớ còn hồn thiêng cũng đã phưởng phất theo bầy con cháu tha phương. Chính những ngôi trường mới mà đám học trò cũ bằng tinh thần xưa gầy dựng lên ở đâu đây, một hôm nào đó mới là cái nối tiếp liền lạc của nếp văn hóa đã thành truyền thống, mà chúng ta còn hãnh diện mang tên. Tôi vẫn tin rằng, ở nơi chốn cũ, bạn bè và thầy cô, những người đã mang chung cùng em kỷ niệm, dù có lao đao lận đận vẫn gởi lòng sang trong những buổi họp mặt này. Tôi tin em cũng không quên họ. Em đến để gặp lại những người có mặt. Mà em cũng đến để gặp lại những người vắng mặt nữa. Phải không ? Giữa bàn tay siết chặt, trong vòng ôm thân ái ở đây làm gì không có thấp thoáng một dấu vết xa xôi, một lời thăm hỏi ở-đây làm gì không có ngậm ngùi một câu nhắn gởi thầm cho người còn-ở-lại-đó. Tôi tin vậy lắm bởi vì chung thủy vẫn là đức tính của người-nguyễn-trung-trực và nghĩa nhân vẫn là bài học thuộc lòng mà chúng ta vì muốn nhớ nên đến nỗi phải bỏ đi.

Ở ngôi trường mới đó còn bao nhiêu người em chưa hề thấy mặt nhưng tôi tin rồi em sẽ quen biết dễ dàng. Ở đó mọi cấp lớp đã bị xóa đi, mọi giờ khắc sẽ sắp trùng lại. Mọi người chỉ còn một thời dụng biểu duy nhất. Thực tập cái bài học tình thương bị bỏ dở nửa chừng. Những anh, những chị, những em sẽ không còn là những chủng tử lạc loài. Chúng ta đã có cơ may để nhập lại làm một. Một tấm lòng duy nhất. Chúng ta may mắn có ngôi trường cũ rộng mênh mông như biển đủ sức hút về hết mọi nhánh sông con. Giữa lượng biển hải hà có giọt nước nào khác với giọt nước nào đâu, phải không em?

Dường như có lần nhà thơ họ Vũ sau khi thấy hết cảnh núi lở sông bồi đã ngậm ngùi than rằng:"Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau". Vâng, đúng rồi em, chúng ta đã mất hết, nước non, tuổi trẻ, danh vọng, tiền tài .. Cái chúng ta còn lại chỉ là một tấm lòng son sắt như chút "của tin" mà Thúy Kiều đã giữ suốt mười lăm năm đòi đoạn để trân trọng giao lại cho người tình. Đoạn trường của chúng ta đã hơn hai mươi lăm năm, chúng ta còn gì để lại cho trường cũ nếu không là chút tình nghĩa tặng cho nhau trong cơn thất tán này.

Và cũng chút xíu tình nghĩa đó thôi để mai kia mốt nọ có lỡ bước trên dặm đường lưu lạc vẫn còn biết có một nơi mà gởi gắm lòng về.

Cao vị khanh
(*) tựa một truyện ngắn của HOÀNG NGỌC TUẤN

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Đèn Khuya - Lam Phương - Viễn Châu - Kim Oanh - Kim Trúc (Hội Ngộ Liên Trường Kiên Giang)


Tân Nhạc: Lam Phương
Cổ Nhạc: Viễn Châu
Trình Bày: Kim Oanh( Canada) - Kim Trúc

Rượu Một Mình

 

 

Quê xa mà bạn cũng xa
Chiều co quánh đặc, giọt tà huy phai
Rượu cay, từ ng giọt, rạc rày
Tim hơ hải đập sợ sai lời nguyền!


Cao Vị Khanh

Haiku 103


Sắt se
phượng phai ve khản
hạ tàn

dovaden2010
***
Cảm Tác:

Lim dim
cánh phượng làm nền
ve rền

Kim Phượng
***
Tình Tan


Ướt át
Tim nát lệ tràn
Tình tan

Chinh Nguyên/ H.N.T.
***
Ngỡ ngàng
Ve rân vang gọi
Hè tan


Kim Oanh



Hạ Tím Bằng Lăng

 

Hạ tím Bằng Lăng tím ngát đường
Em càng lưu luyến nhớ quê hương
Cánh nhẹ vờn bay trong gió lộng
Khói lam chiều quyện với màn sương

Đường xưa quen quá bước chân em
Mỏng mảnh hoa vương mái tóc mềm
Đàn chim líu ríu bay tìm tổ
Sắp đến nhà…lòng nghe dịu êm

Quê Ngoại Đồng Nai chẳng dốc đồi
Cồn Gáo chìm…đơn độc mồ côi
Triền núi Bửu Long cây rậm bóng
Tuổi học trò ta viếng có đôi

Nhớ thuở thơ ngây mỗi dịp hè
Hồn nhiên chân bước lắng tai nghe
Vườn ai...cục tác gà vun ổ
Tiếng sáo mục đồng bên lũy tre

Bon chen cơm áo…vắng thưa về
Kể từ duyên thắm kết phu thê
Bằng lăng vẫn đẹp màu tim tím?
Trưa hè…còn có trổi nhạc ve?…

Thanh Song Kim Phú

Cố Hương Tình Yêu Và Hoài Niệm


G.s. Phạm Trọng Lệ giới thiệu

Hình ảnh quê hương in trong tâm khảm khiến người xa xứ lúc nào cũng khắc khoải nhớ nơi chôn rau cắt rốn, con đê ngoài làng, chiều quê cậu bé chờ mẹ đi chợ về, và khi trưởng thành, hình ảnh người yêu bên bụi tre: đó là những hình ảnh mà nhà thơ Phan Khâm như một nhà đạo diễn quay lại những đoạn phim ngắn hồi tưởng lại kỷ niệm cũ.

Mỗi đoạn phim là một bài lục bát bốn câu mà câu đầu, trừ 18 bài, còn thì toàn bắt đầu bằng:

Em từ lục bát bước ra
Em từ lục bát bước ra
Màu thời gian anh muốn pha thế nào?
Anh đang pha mực tím vào
Nhớ thời cắp sách…ngọt ngào thơm tho
(bài số 3)

Ai cũng nhớ thời cắp sách ngày xưa, trong giờ viết tập Écriture, học sinh dùng ngòi bút sắt giống đầu lá tre, chấm vào lọ mực tím viết trên giấy có dòng kẻ ô đều đặn. Các em lớp năm lớp tư còn được thầy hay cô giáo nắn nót chỉ cho cách viết từng chữ.

Khó mà lựa ra những bài mình ưng ý như khi xem bức họa trăm ngựa, mỗi con có một vẻ đẹp và dáng riêng, hay khi bước vào một gia đình đông con, ướm hỏi gia chủ trong những đứa con trong gia đình, ông hay bà thương đứa nào nhất. Người đọc tập thơ của Phan Khâm cũng lưỡng lự, và sự lưỡng lự đó có thể hiểu được.

Em từ lục bát bước ra
Ðầu xuân tươi thắm mùa hoa anh đào
Gặp em chưa mở lời chào
Mà em đã trói anh vào hôn mê
(bài 7)

Ðây là “tiếng sét ái tình”: yêu mà “mê” tức là không còn lý luận, mà có thể không cần lý trí; chữ “trói” cho tình yêu một sức mạnh vô hình ràng buộc kẻ yêu nhau.

Em từ lục bát bước ra
Hoàng hôn nhạt nắng chiều tà đó em
Khoảng không gian thật êm đềm
Xin gieo hạt giống cho đêm nẩy mầm
(bài 23)

Hễ đã đọc xong một bài là sức thơ lôi cuốn khiến tự nhiên muốn đọc bài tiếp, như người uống ngụm rượu ngon lại muốn hớp thêm ngụm nữa. Tôi cũng thích những bài số 22, 38 và 61.

Một nhà ngữ học Mỹ là Benjamin Lee Whorf (1897-1941) có đưa ra một thuyết về ngôn ngữ và văn hoá gọi là Nguyên tắc Tương đối Ngôn ngữ (linguistic relativity principle), theo đó, một cách tóm tắt, mỗi con người trong một nền văn hoá từ bé đến khi khôn lớn, đã thấm nhuần những nét đặc thù về ngôn ngữ và văn hoá và những nét đặc thù này ảnh hưởng đến thế giới quan và nhận thức của người đó. Tỉ như khi ở xa miền đất mình sinh trưởng thì có lòng nhớ thương. Quốc văn Giáo Khoa Thư lớp Dự Bị, trang 171, kể câu chuyện một người du lịch nhiều nơi khi trở về quê, họ hàng hỏi ông, đi xa thấy nơi nào là đẹp. Ông trả lời chỗ quê hương đẹp hơn cả. Có khi mối ràng buộc trong tâm khảm đó là những hình ảnh hay vật dụng như nhà thi sĩ Pháp Lamartine có viết trong bài Milly ou la terre natale: “Objets inanimés, avez vous donc une âme? Qui s’attache à nôtre âme et la force d’aimer?” Vật vô tri hẳn có hồn /Khiến lòng ta phải yêu thương chẳng rời?

Những hình ảnh hay kỷ vật ta yêu thương ấy có khi là con đường làng dưới chân bờ đê nơi cậu bé ngóng mẹ đi chợ chiều về, có khi là bụi tre la ngà chàng đứng cùng người yêu, có khi là mùi hương áo cũ (như xưa vua Tự Ðức nhớ nàng cung nữ: “Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi”), hay giọng nói, tiếng chim sơn ca trên cành, hoàng hôn nhạt nắng lưng đồi chàng níu tay xin người yêu nán lại, hay xin thời gian chậm trôi, có khi là bên ly cà phê người quân nhân ngồi cùng đồng đội trong quán cà phê ở phố núi ở một tỉnh cao nguyên, có khi là quán ăn kẹo mạch nha hay kẹo gừng, có khi là hình ảnh người vợ đang kỳ “đơm bông nở nhụy” với những lời nói trìu mến, nũng nịu (“bắt đền anh đây” –bài 53, hay “Nhìn đi, ruột bỏ ngoài da đây nè”--bài 67). Những hình ảnh đó như những mảnh kính mầu tạo nên một tấm khảm hay một thứ kính vạn hoa.

Một mặt khác, một nhà nghiên cứu về huyền thoại (mythology), ông Joseph Campbell (1904-1987, tác giả cuốn the Power of Myth, 1988 và The Hero of a Thousand Faces, 1949), còn đi một bước xa hơn Whorf, nói rằng con người tuy văn minh mà vẫn còn bị ràng buộc bởi những huyền thoại như những bộ lạc xưa mà khi một dân tộc đều tin vào những huyền thoại chung thì có thể thành một sức mạnh ràng buộc nhau (thí dụ huyền thoại con Rồng cháu Tiên của người Việt, Thái dương Thần nữ của người Nhật).

Giáo sư E. D. Hirsch của trường U-Va, đồng tác giả cuốn sách tên là Dictionary of Cultural Literacy (Houghton Mifflin Co., 1988), nói rằng một dân tộc như Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ phải có một khối văn hoá hay kiến thức chung để cùng chia xẻ (shared common knowledge), nếu họ muốn giao tiếp đàm thoại với nhau; đó là những ngữ vựng chung, ngôn ngữ thể thao, ngôn ngữ của những trường đại học danh tiếng gọi là ivy-league, và ông gọi đó là một “ngôn ngữ” chung, hay hiểu biết văn hoá. Nghĩa là theo ông phải có một vốn liếng tối thiểu về ngôn ngữ, lịch sử gọi là cultural literacy, như địa dư, thể thao, văn chương, truyện thần thoại, các bài dân ca, truyện nhân gian, căn bản luật pháp, âm giọng của một phương ngữ để có thể tương tác với nhau. Nếu giả thuyết của Benjamin Lee Whorf, lý thuyết về mythology của nhà huyền thoại học Joseph Campbell, và lập luận về văn hoá của g.s. Hirsh về kiến thức chung của một dân tộc có điều hợp lý thì chúng ta có thể coi những hình ảnh, ẩn dụ và ngôn ngữ trong thơ của thi sĩ Phan Khâm trong tập thơ 101 Bài Lục Bát cũng nhằm ghi lại cho ta khỏi quên tiếng nói, hình ảnh, âm thanh, âm nhạc, mùi vị, phương ngữ, một quá khứ xa xưa của một xã hội có trật tự. Nếu như vậy thì thơ ông ngoài mục đích đem lại cho người đọc niềm hân hoan, khoái cảm mỹ học như là một thứ “elixir of love”, còn giúp ta khỏi quên những nét tinh tế của tiếng mẹ, những nét đẹp của quê hương, như cảm giác vui thú khi ta nhìn những mảnh kính mầu tạo nên một mô-sa-íc của một bức kính mầu trên cửa sổ một nhà thờ cổ. Thi sĩ đã nối những hình ảnh đẹp với người đọc, mỗi bài thơ như một thông điệp tới người đọc rằng họ có một thời trong quá khứ ở một nơi cùng gọi là quê hương và đã có những kỷ niệm chung.

Thi sĩ Phan Khâm cũng là tác giả một số tập thơ, trong đó có bài dường như thuộc phái ấn tượng impressionism, cũng có bài có vẻ thuộc phái tượng trưng symbolism, có bài lan qua cả siêu thực surrealism (Xem: Bên Dòng Thạch Hãn (2002), Dòng Sông Thao Thức (2007) do Cơ Sở Cỏ Thơm xuất bản; cuốn thứ 2 do nhà văn Hồ Trường An viết lời giới thiệu rất tỉ mỉ. Ngoài ra thi sĩ Phan Khâm cũng có nhiều CD & DVD thơ phổ nhạc bởi nhiều nhạc sĩ hữu danh).

Cách đây hơn hai tháng thi sĩ Phan Khâm có gửi cho tôi bản thảo của tập thơ gồm 101 bài thơ lục bát và ngỏ ý muốn tôi viết “vài lời giới thiệu”. Tôi rất hân hạnh và đọc nhiều lần những bài thơ trong tập “Em Từ Lục Bát Bước Ra” gồm 101 bài lục bát: lời thơ óng chuốt, mượt mà và giầu hình ảnh, gợi tình, gợi cảm. Tôi muốn dùng chữ sensual. Như khi ta đọc đoạn vịnh Kiều gặp Kim Trọng trong tiết Thanh Minh của Chu Mạnh Trinh: “Dãy hoa nép mặt gương lồng bóng/Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình”.) Tuy nhiên, tập thơ không phải chỉ là những lời thơ tình yêu mà thôi mà còn gửi gấm trong đó những hình ảnh của một quê hương nề nếp, yên bình, có mẹ hiền, có người yêu, có chim sơn ca, có ánh nắng vỗ vào mạn thuyền, có tà áo dài bay như dải bờ biển cong hình chữ S, có chén trà mạn sen cùng người yêu ngồi uống trên chiếu cạp điều …

Tóm lại, đây là những kỷ niệm của một quá khứ trong một xã hội -- có thể thiếu thốn về vật chất -- nhưng có trật tự của một nếp sống văn minh. Ðây là những nuối tiếc của những người phải bỏ xứ ra đi tìm tự do và đất sống, lúc rảnh rỗi ngồi nghe những dòng nhạc của một thời được những ca sĩ hay nhạc sĩ nổi danh trình bày mà mình ưa thích. Như hình ảnh mầu xanh chen lẫn mầu vàng trên những ống tre la ngà trong bài lục bát số 6 làm tôi nhớ đến bài Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn qua lời ca của ca sĩ Hà Thanh, giọng Huế khó quên. Thấp thoáng đâu đó, người đọc thơ thấy những vần lục bát của Kiều, nhưng đây là những vần lục bát được làm mới. Ðây là những vần thơ đọc lên, như thi sĩ Trần Mộng Tú đã viết, thấy “thơm tho cả miệng”, lòng thêm trong sáng, óc thêm sảng khoái.

(Phạm Trọng Lệ, Phan Khâm, Vũ Hối – 2018)

Nếu độc giả đang cầm trong tay tập thơ của thi sĩ Phan Khâm, minh hoạ bởi nhà thư họa Vũ Hối, xin hãy nâng tập thơ nhỏ lên, bên ấm trà thơm, và bình hoa xuân, chậm rãi đọc hay ngâm to từng bài cho mình hay người đối ẩm nghe, lâu lâu ngừng lại, hớp một ngụm trà, rồi đọc tiếp. Trong khoảng không gian yên tĩnh giữa ta với thơ, bên cạnh những câu thơ sáu tám giầu hình ảnh, ta cũng thưởng thức những nét tung hoành của nhà thư họa Vũ Hối. Ta hãy nghe những vần thơ gợi cho ta những hình ảnh xưa của một chỗ gọi là quê nhà. Ta sẽ yêu những vần thơ lục bát văng vẳng như lời ca dao, lời ru của mẹ hiền, hay lời thủ thỉ của người yêu. Ta sẽ có cảm giác lâng lâng như được nâng bổng lên từng cao của mỹ cảm. Ðây là quà tặng của tiếng Việt, qua lời thơ lục bát thuần Việt, cho người Việt đau đáu trong tim những hình ảnh dịu hiền của một quê hương xa xưa. Mà vì ở xa cố hương, cuộc sống vội vã của một xứ tiện nghi càng làm ta nghĩ tới những hình ảnh của một quá khứ mà ta không thể níu lại, kể cả những nét của một thời thanh xuân, nhưng tiếng nói của thơ, ngôn ngữ thơ với khả năng kỳ diệu của nó, hình như đã làm sống lại những kỷ niệm và hình ảnh của thời gian đã mất, xoa dịu nỗi khắc khoải và tăng thêm nguồn hứng khởi trong tim ta.

Cám ơn thi sĩ Phan Khâm và nhà thư họa Vũ Hối và hân hạnh giới thiệu Em Từ Lục Bát Bước Ra.

101 TỎ BÀY (Em từ lục bát bước ra) của Phan Khâm
Virginia 3/22/2016.
Phạm Trọng Lệ

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Mưa Đêm Dĩ Vãng - Nhạc Nguyễn Thanh Cảnh - Tiếng Hát Hương Giang


Nhạc: Nguyễn Thanh Cảnh 
 Tiếng Hát: Hương Giang

Nghe Mưa Tháng Bảy



Dìu dặt tiêu đưa áo não buồn
Nặng lòng đau trổi khúc bi thương
Ước nguyền tơ tóc bao ngang trái
Đôi lứa trời đày mỗi ngả chia

Tháng Bảy mưa tình đọng giọt ngâu
Ngọt bùi làn nước mắt rơi mau
Dòng sông ngăn cách xa vời vợi
Ô Thước cầu đau nối nhịp sầu

Giây phút tương phùng thôi nhớ mong
Bóng đêm đày đọa những ngày trông
Mưa tình ray rứt giờ ly biệt
Tháng Bảy nghe mưa lạnh buốt lòng

Kim Phượng

Phố Núi Lạnh

 

(Pleiku tưởng nhớ 22/6)

Làm sao nói được nửa lời yêu
Biểu ai còn cắp sách mỗi chiều
Dõi bàn chân bước ngây thơ dại
Nên ngại ngần nói đến chữ "YÊU"

Kêu thời gian dừng lại Ngân Hà Bắc
Giục quạ xưa gấp nối nhịp cầu
Sông sâu Chức Nữ vô tình ngã
Ô Thước cầu lỗi mỗi mùa Ngâu

Đâu thuyền tình vắng bến vùng cao
Mau đem Chức Nữ về bến hạ
Trả nàng kiều diễm hộ Ngưu Lang
Bàng hoàng tỉnh giấc bóng đò ngang

Hàng thông lưỡi hái sao đành nỡ
Cắt đường tơ dệt thuở ban sơ
Ngỡ neo bến Hoàng Hôn rực rỡ
Phố Núi giờ xuống lạnh mù sương.

Lê Kim Hiệp


Ngóng Ngưu Lang



Thu sang Chức Nữ lại buồn thêm
Mong ngóng Ngưu Lang mãi trước thêm
Ngắm lũ quạ đen buồn đứt ruột
Nhìn đàn hạc Trắng nản khôn êm
Mưa phùn ẩm ướt mây u ám
Gió lanh âm u cảnh ướt mềm
Lữ khách nhớ nhà sầu khó cạn
Xa quê trằn trọc đã bao đêm


LạcThủyÐỗQuýBái

Đuổi Nắng...

 

Tâm đầu ý hợp song đôi
Hồn lâng lâng thả mây trôi lưng trời
Lòng tơ tưởng chuyện chung đời
Mong đường dài mãi tỏ lời gần xa

Đêm đêm thơ thẩn hàng ba
Ánh trăng xuyên lá bóng ta vương sầu
Uớc sao tháng bảy bắt cầu
Chàng Ngưu Chức Nữ ví dầu thực hư

Sẻ chia cảm xúc riêng tư
Bên đầy bên lở dường như đấp bồi
Tung tăng đuổi nắng lên đồi
Chiều rơi êm lắng cùng ngồi thơ ngâm

Ước mơ tình nghĩa trăm năm
Dù chưa cạn tỏ tình câm ngút ngàn
Người đi khuất bóng cuối làng
Luyến lưu giây phút tơ đàn tìm đâu

Mưa Ngâu nức nỡ duyên đầu
Khuê phòng lẻ bóng nhốt sâu trăng mờ
Hoài mong viễn khách hẹn chờ
Bánh xe lãng tử biết giờ nào lăn

Kim Oanh


Chuyện Tình Bất Diệt

 

Bài Xướng:

Chuyện Tình Bất Diệt

Ngăn cách hai bờ đau xót không
Bốn mùa thăm thẳm đắng nơi lòng
Trời nam (*) mỗi phút mơ tương ngộ
Cõi bắc (**) từng ngày vẫn đợi mong
Nhịp Thước đâu rồi chưa thấy dáng
Để cho giọt lệ chảy nên dòng
Tiếng ngâu rên rỉ đêm mùng Bảy
Ngưu Chức ngàn thu một chữ đồng.

Quên Đi

(*) Sao Ngưu ở phương Nam
(**) Sao Chức ở phương Bắc
***
Các Bài Họa:

Nhịp Cầu Ô Thước

Trời già có chút ngại ngần không
Chia cắt lứa đôi thổn thức lòng ?
Hai chốn mịt mù bao cách trở
Một năm đằng đẵng lắm chờ mong
Ngậm ngùi Ngưu Chức tuôn tràn lệ
Tầm tã mưa Ngâu đổ ngập dòng
Đàn quạ xót thương, ngày thất tịch
Bắc cầu Ô Thước thỏa tâm đồng

Phương Hà

( 28/07/2022 )
Nhịp Cầu Ô Thước Ngưu Lang - Chức Nữ

Chức Nữ “thương ai” có ngóng không
Ngưu Lang “thích ả” giấu trong lòng
Trời Nam, “Thất Tịch“ phong vân ngộ
Đất Bắc một mùa nắng hạ mong
Ô Thước bắc cầu duyên mắt lệ
Đàn chim nối nhịp nợ Ngân dòng
Mưa Ngâu tháng bảy đêm chung thuỷ
Đôi lứa tu Tiên ý hợp đồng...!

Mai Xuân Thanh
July 28, 2022
***
Mưa Tình Tháng Bảy

Ngân Hà chia cắt chúng mình không
Xa mặt chàng ơi chẳng cách lòng
Một kiếp trần ai nôn nóng đợi
Nhân duyên chỉ thắm mỏi mòn mong
Cầu Ô đám quạ chung xây nhịp
Ngấn lệ mưa ngâu mãi thuận dòng
Tháng Bảy mưa tình thêm thấm đượm
Ngàn năm Ngưu Chức hợp tâm đồng

Kim Phượng
***
Thất Tịch

Ngân Hà rực sáng giữa từng không,
Bao kẻ ngẩn ngơ thổn thức lòng .
Mỗi độ tương phùng luôn ngóng đợi,
Hằng năm gặp gỡ thỏa chờ mong .
Chàng Ngưu rạo rực ... cầu chưa nối,
Ả Chức nôn nao ... nước một dòng .
Hai đứa hai nơi chờ Thất Tịch,
Mấy ngàn năm mãi vẫn tâm đồng !

Đỗ Chiêu Đức
07-29-2022
***
Mưa Buồn Tháng Bảy

Tháng bảy mưa buồn, nhung nhớ không
Hình như thương xót mãi trong lòng
Ngưu Lang thì vẫn đầy chung thuỷ
Chức Nữ càng thêm quá ước mong
Bởi thế nhân gian bao chữ viết
Thành ra thế giới lắm thơ dòng
Khách văn chương cũng vui tình tự
Ngó lệ trời rơi ngấm ướt đồng...

Hawthorne 30 - 7 - 2022

Cao Mỵ Nhân
***
Chuyện Tình Bất Diệt

Nữ ơi có hiểu cho Lang không?
Tháng bảy về kia đợi nát lòng
Mưa cứ ào rơi ngăn lối mộng
Cầu thời gẫy mục cạn đường mong
Khó bề nối nhịp cho chung hướng
Chẳng thể đan chân bước một dòng
Cứ mãi vậy sao càng ứa lệ
Thiên niên chưa chắc có câu đồng..?

Thái Huy 
7/31/22

Giọt Lệ Mưa Ngâu

Mưa ngâu tháng bảy lạnh lùng không ?
Rã rít thâu đêm buốt cả lòng
Ô Thước bắt cầu luôn ngóng đợi
Tình yêu nối nhịp mãi chờ mong
Tương phùng mỗi độ duyên đưa lối
Gặp gỡ hằng năm nước nối dòng
Ngưu Chức ngậm ngùi tuôn ngấn lệ
Thuỷ chung bền chặt nghĩa tâm đồng

songquang
20220731

Mưa Ngâu

 

Bỏ quên hy vọng cuối trời
Làm sao tìm lại một thời thư sinh
Bụi mờ sách cũ giật mình
Áo bay lớp lớp mắt nhìn khói sương

Mưa sân trường nắng giảng đường
Bao nhiêu hồi hộp vấn vương gót giày
Buồn vui mưa bụi gió bay
Đèn khuya gác trọ bóng ai xa gần

Bụi hồng khuất nẻo phù vân
Có xa rồi cũng có gần có tan
Hôm nay tình tứ dịu dàng
Ngày mai giông bão chiều tàn đóng đinh

Biết sao đồng điệu nòi tình
Dang tay ôm cả bình minh áo màu
Hoàng hôn mắt tím guốc cao
Gọi mây gọi gió đi vào bóng đêm

Về mơ gối mộng tay mềm
Về mơ cỡi hạc bên thềm mưa ngâu
Chiếc hôn rơi xuống vực sầu
Chợt nghe nước chảy qua cầu ái ân

Xin cho thật điệu thật gần
Thật ngoan thật đẹp thật cần thật thương
Nổi trôi vào tận thiên đường
Quên tên quên tuổi quê hương vẫy chào

Lẽ đâu cũng chỉ chiêm bao
Lẽ đâu cũng chỉ trăng sao ghẹo mình…

MD 07/11/05
LuânTâm

Cho Con Hạnh Phúc Vuông Tròn

-Tại sao anh lại bỏ cái khăn dơ vào tủ áo?
-Tại quên chớ sao. Hỏi ngu.
-Vậy sao? thì ra ở chung với cái thứ ngu lâu ngày cũng bị lây.
-Đàn bà... công ngôn dung hạnh đâu mà nói chuyện với chồng vô phép, vô tắc.
-Chồng chớ bộ ông cố nội sao mà phải lễ phép.
-Vợ với con. Cái thứ chẳng ra gì!
Rầm… rầm! Xoảng..xoảng!

Tất cả bực tức Phú đổ dồn lên những vật dụng vô tội rồi bước ra ngoài, đóng mạnh cánh cửa. Cả căn nhà như rung rinh theo cơn giận hung hãn của anh. Tôi ngồi xuống thảm, gục mặt lên chiếc bàn con, tự hỏi trong nỗi chán chường “Mình đã rơi vào thảm cảnh này từ bao giờ?”. Hai vợ chồng đã đến tuổi về hưu. Cái ngày mà trước đó gần hai mươi năm, cả hai đều mơ ước được sống thong dong, không vướng bận con cái, để có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn. Bạn bè cũ rủ rê:

”Ê! nghỉ vài tuần qua đây chơi rồi về cày tiếp”.
”Bây giờ chưa được, chừng nào hưu mới rảnh rang mà đi chơi thoải mái”.

Bây giờ hưu rồi thì sao? Nhìn mặt nhau còn không muốn, nói gì đến chuyện đi chung. Chưa bao giờ nỗi thất vọng lại tràn ứ như ngày hôm nay. Chưa bao giờ chúng tôi lại nặng lời với nhau như ngày hôm nay vì một chuyện không đáng.

Tôi muốn trút bỏ những ý nghĩ nặng trĩu đang quanh quẩn trong đầu, nên đứng lên thay quần áo, thả bộ ra công viên, nơi có con lạch nhỏ uốn cong theo con đường tráng xi măng dành cho những người tập thể dục, đi bộ. Khoảng không gian êm ả với những ngọn gió hiu hiu lung lay cành lá cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng. Nỗi buồn phiền chừng như dịu lại. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài, thả tầm mắt đi rong. Chợt, một hình ảnh dễ thương đập vào mắt. Người đàn ông da trắng đang ngồi trên tảng đá thả câu cùng chú chó nhỏ với thảm lông màu nâu nhạt, xinh xắn quấn quýt bên cạnh, thỉnh thoảng lại dụi mặt vào lưng chủ, rồi lùi ra sau, thủ thế sủa vang. Ông quay sang, hất hàm rày la bằng giọng trìu mến “Bad boy! bad boy”. Chú chó nằm dài xuống cỏ, giương mắt nhìn ông, sủa khe khẽ, giống như một đứa trẻ nũng nịu “Con không hư, con ngoan lắm mà”. Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy vui trong lòng, nên bước xuống con dốc, đến gần. Chú chó bất chợt quay lại, gầm gừ hù dọa. Người đàn ông buông cần câu xuống, chạy đến ôm chú chó vào lòng, sau khi nói lời xin lỗi và cho biết con vật bé bỏng này rất hiền lành, hiếu khách. Tôi khom người, nhìn sâu vào đôi mắt nâu tròn xoe, thân thiện vuốt đầu nó. Sau khi trao đổi vài câu xã giao với người đàn ông, tôi ngồi xuống bãi cỏ để chờ xem cá cắn câu, nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh. Người đàn ông cắm cán câu xuống đất, rồi rủ tôi đến chiếc băng đá gần đó, trò chuyện rôm rả cho đến khi chào từ giã để về nhà kịp giờ đi làm.

Đứng trước cửa nhà, nhìn thấy chiếc Toyota của Phú, tôi chần chừ không muốn bước vào. Căn nhà -cái tổ ấm ngày xưa- hình như đã trở thành hỏa ngục, kể từ ngày những đứa con trưởng thành và lần lượt tung cánh đi tìm tương lai. Hai vợ chồng ra vào đối mặt nhau, những câu chuyện hằng ngày càng lúc càng lạt lẽo, càng lúc càng ngắn ngủi và cuối cùng chỉ còn lại những lời nói sẵng lè, cộc lốc. Đã có lúc tôi giật mình lo lắng khi nhìn hạnh phúc đang từng bước lặng lẽ ra đi. Không phải Phú đèo bồng, ham mê của lạ như những người đàn ông hư hỏng thời nay. Cũng không phải tôi thay lòng, đổi dạ, mà tự nhiên những bất đồng, những mâu thuẫn đã có ít nhiều trong đời sống chung bấy lâu nay, ngày càng chồng chất nặng nề. Điều lạ lùng là tuổi đời càng cao thì sự sân si dường như càng phát triển. Hai vợ chồng, không ai nhường ai. Ai cũng sẵn sàng hạ thủ đối phương của mình không chút đắn đo, áy náy. Từ đó, tôi chợt nhận ra có một lằn ranh giữa sự gắn bó và tan vỡ đã hiện hữu. Điều đáng sợ mà tôi đang nhìn thấy là cái ranh giới mong manh như hơi thở ấy có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Đã nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi, làm sao để bồi đấp cái nền móng gia đình đang bị lở loét bởi những đợt sóng âm ỉ nhưng đầy nguy hiểm. Có lẽ, chúng tôi cần một khoảng cách. Cái khoảng cách phải có là điều cần thiết để cứu vãn tình trạng tệ hại hiện tại.

Tôi ngồi xuống thềm nhà, nghĩ ngợi một lúc rồi bấm số gọi Yến Vi.
-Căn nhà của con đã có người mướn chưa?
-Dạ chưa! có ai muốn mướn hả mẹ?
-Ơ... không... mẹ muốn đến đó ở một thời gian!
Yến Vi hoảng hốt kêu lên:
-Ba mẹ có chuyện gì hả?
-Không, chỉ là sức khỏe của mẹ lúc này kém, bác sĩ nói mẹ cần một chỗ yên tĩnh để tịnh dưỡng. Con biết mà... bạn bè của ba hay ghé qua nhà mình nhậu nhẹt, đôi lúc mẹ rất mệt mỏi.

Yến Vi yên lặng một lúc rồi hỏi tiếp:
-Mẹ nói với ba chưa?
-Con bằng lòng thì mẹ mới nói.
-Dạ được.
***

Và tôi chỉ báo tin cho Phú khi chuẩn bị dọn đồ đạc ra xe. Phú gầm gừ như con thú bị thương:
-Riết rồi em coi anh chẳng ra gì! muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, chẳng thèm hỏi một lời.
Tôi nhẹ nhàng:
-Hỏi anh để gây gỗ như thế này hả?
-...
-Em nghĩ hai đứa cần phải sống xa nhau vài tháng để có thời gian suy nghĩ lại những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình, nhất là những lúc gần đây. Nếu sau này chết đi rồi bị sa hỏa ngục thì em phải chấp nhận, vì không có quyền lựa chọn. Nhưng cái hỏa ngục trần gian này mình có thể cất nó đi thì tại sao lại phải chịu đựng. Có lẽ anh và em, cả hai đều cảm thấy là gánh nặng của nhau. Ngày trước, mình nhường nhịn nhau, vì sợ ảnh hưởng đến con cái. Vả lại, em cũng nghĩ rằng, những lo toan trong cuộc sống đã tạo áp lực, khiến hai đứa dễ sinh bực bội, cắn đắng nhau, có lẽ sau này con cái thành tài, đời sống thong dong, thoải mái thì gia đình sẽ êm ấm hơn. Nhưng thực tế đã cho thấy, hình như mỗi ngày mình càng đối xử với nhau tệ bạc hơn và sẵn sàng cứa vào trái tim nhau những vết cắt rướm máu bằng lời lẽ vô tâm, độc ác. Em thật lòng muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình, dù nó đã rạn nứt. Em hy vọng chuyến đi này sẽ giúp em thay đổi, để em có được một tấm lòng bao dung, một cái nhìn cởi mở hơn và như thế mình mới có thể ở cạnh nhau cho đến hết cuộc đời. Phần anh, nếu anh thấy rằng không thể tiếp tục cuộc sống này, với em, với người vợ không có đủ công, ngôn, dung, hạnh như anh vẫn thường nói thì anh có thể rẻ sang hướng khác. Nói thật, em sẽ không trách móc anh một lời, vì em biết chính em cũng góp phần tạo ra thảm cảnh.

Phú không nói một lời, anh nhìn tôi như nhìn một người xa lạ và cũng không buồn giúp khi tôi hì hục kéo lê hai chiếc vali nặng trĩu ra cửa.
***
Căn nhà của Yến Vi chỉ cách nhà tôi bốn con đường, nên sáng sáng tôi lại thả bộ ra công viên, ngồi xuống tảng đá cạnh bên người đàn ông da trắng có cái tên rất dễ gọi -Tom. Chú chó nhỏ tên Dallas là cái gạch nối kết tôi và Tom đến gần nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong lúc Tom thả câu. Những câu chuyện về xã hội, đời sống, công việc, và gia đình. Một lần Tom chợt hỏi:
-Ông nhà đâu sao chẳng bao giờ thấy đi cùng với bà?
Tôi dọn một nụ cười thật tươi cho lời nói dối:
-À! ông ấy còn phải đi làm.
-Còn bà? chẳng lẽ hưu rồi sao?
-Ừm... tôi phải ở nhà để nấu ăn cho chồng, săn sóc vườn tược, dọn dẹp nhà cửa.
-Còn mấy đứa nhỏ?
-Chúng chạy theo việc làm, nên đứa nào cũng ở xa, vài tháng lại về thăm ba mẹ để gia đình quây quần, sum họp và quan trọng nhất là được ăn món Việt Nam do chính tay mẹ nấu.

Tom đưa ngón tay cái lên:
-Một gia đình hoàn hảo. Tôi rất ngưỡng mộ các gia đình của người Á đông, vợ chồng gắn bó với nhau suốt đời. Thời gian tham chiến ở Việt Nam, tôi thấy có nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập, hành hạ, nhưng họ vẫn chịu đựng và tiếp tục sống, tiếp tục hầu hạ chồng không than van, không oán trách. Phụ nữ Việt Nam thật đáng khâm phục.

Tôi mỉm cười, muốn nói với Tom, cái thời ấy đã xa rồi, phụ nữ chúng tôi bây giờ muốn được sống cho mình, vì mình chứ không phải vì phong tục, đạo lý, vì thể diện hảo. Tom vẫn vô tình:
-Tình nghĩa vợ chồng của người Việt Nam rất thắm thiết, thủy chung. Tôi có một anh bạn, vợ mất đã sáu năm, vậy mà đến bây giờ anh ấy vẫn sống độc thân và luôn nhắc đến người vợ đã chết bằng sự tiếc thương nồng nàn, sâu đậm.
Trước khi ra về Tom vẫy tay, dặn dò tôi đến ba lần:
-Mai gặp nhau nhé. Tôi sẽ giới thiệu cho bà gặp anh bạn của tôi.
***
-Mẹ à! khi nào mẹ trở về nhà?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Yến Vi, hỏi:
-Con cần lấy nhà lại để cho mướn phải không? Nếu vậy, hàng tháng mẹ sẽ trả tiền cho con.
Yến Vi xịu mặt xuống:
-Mẹ nghĩ là con sẽ lấy tiền của mẹ sao? Điều con muốn là mẹ về nhà, chứ ba mẹ, người nào cũng ở một mình làm sao con an tâm, lỡ chuyện gì xảy ra đâu có ai hay. Với lại... mẹ ở một mình, không cảm thấy buồn sao?
Tôi đưa tay vuốt tóc, dáng điệu thảnh thơi.
-Con không biết mẹ thích đọc sách báo và mê phim bộ sao? mẹ đâu cần thiết phải có người nói chuyện.
-Vậy mà con nghe Tuấn An nói, lần nào đến thăm mẹ cũng gặp bác... bác gì nó không nhớ tên. Tụi con thắc mắc không biết bác ấy là ai?
Tôi trầm ngâm một lúc rồi nói:
-Bác là bạn của mẹ, ngày xưa học chung đại học Văn khoa ở Việt Nam. Tình cờ mẹ gặp lại cách đây vài tháng.
-Sao mẹ không dắt bác đến thăm ba. Con nghĩ mẹ nên cẩn thận, lỡ ba biết được ba sẽ buồn.
Bằng giọng bực dọc, tôi hỏi:
-Mẹ liên lạc với bạn cũ là sai à?
-Không sai! nhưng dù sao... bạn trai cũng bất tiện, nếu mẹ và bác gặp nhau trong căn nhà chỉ có hai người.

Thấy tôi có vẻ khó chịu, Yến Vi đứng lên. Không chào một tiếng nó lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn đồng hồ trên tường. Mười một giờ. Có lẽ Bình sắp đến. Tôi ra phòng khách, tựa cửa chờ đợi chiếc xe quen thuộc dừng lại dưới bóng cây râm mát trước nhà.

Thật là một điều bất ngờ khi tôi gặp Bình, nơi Tom vẫn thường câu cá. Tom giới thiệu, đây là anh bạn mà ngày hôm qua tôi kể chuyện với bà. Tôi nhớ lại câu dặn dò của Tom trước khi chia tay “Mai gặp nhau nhé. Tôi sẽ giới thiệu cho bà gặp anh bạn của tôi”. Tưởng Tom chỉ vui miệng nói thế, không ngờ anh giữ đúng lời hứa. Bạn của Tom nhìn tôi khá lâu khi tôi cúi đầu chào. Cái nhìn có chút sỗ sàng khiến tôi hơi ngượng ngùng không dám ngước mắt lên nhưng trong lòng lại lầm bầm, người đâu mà vô duyên. Ngay lúc tôi còn chưa biết nói gì cho đúng phép xã giao thì anh chàng à lên một tiếng khiến Tom giật mình tròn mắt.

-Yến Phương phải không?
Mắt tôi cũng tròn không kém Tom.
-..
-Bình, Văn khoa năm bảy bốn, cùng nhóm với Khải Bốn Mắt, Thủy Tong Teo.
-Ồ! tôi nhớ rồi.

Cả hai chúng tôi mừng rỡ, chuyện trò tíu tít, quên mất Tom đang lúi húi thu dọn đồ đạc ra về. Từ ngày đó, mỗi sáng tôi và Bình gặp nhau nơi công viên. Thỉnh thoảng, Bình ghé qua nhà, chúng tôi cùng uống trà, nhắc chuyện ngày xưa. Đôi lúc Bình mang theo cây đàn để hát lại những bản nhạc của một thời kỷ niệm tuổi học trò. Nhưng có một bài tôi chưa từng nghe, Bình đã rót vào tai tôi bằng giọng hát trầm ấm, ngọt ngào “Mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vỡ, giữa giờ chơi mang đến lại mang về...”. Và tôi đã ngẩn ngơ hồn phách khi Bình thú nhận, tôi là mối tình đầu thầm kín của anh. Để từ đó, đêm đêm trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy mình trở lại trường cũ bằng những bước chân vô tư của thời áo trắng hồn nhiên và lãng mạng. Đối với Bình, tôi không cảm nhận được tình cảm tôi dành cho anh một cách chính xác, nhưng rõ ràng ngày tháng sống của tôi như có ý nghĩa hơn. Tôi không còn cau mày giận dữ, cong môi trợn mắt, để hơn thua với người đàn ông mà tôi gọi là chồng mỗi khi gặp nhau ở nhà Yến Vy. Đôi khi nghĩ đến Bình, tôi cười một mình khi nhớ đến lời của Tom “Tôi có anh bạn, vợ mất đã sáu năm mà đến bây giờ anh ấy vẫn sống độc thân và luôn nhắc đến người vợ đã chết bằng sự tiếc thương nồng nàn, sâu đậm”. Có thật thế không? Vì từ ngày gặp tôi, Bình không bao giờ nhắc đến người vợ quá cố của anh mà chỉ tóm lược bằng một câu ngắn gọn, vợ anh qua đời lâu rồi. Nhưng Bình lại hỏi rất cặn kẽ về gia đình tôi. Tôi cũng không có lý do gì để giấu giếm, nên Bình biết hết những buồn phiền, thất vọng và quyết định ly dị mà tôi đang sẵn sàng tiếp nhận, nếu nó xảy ra.
***

Kết thúc bất ngờ cho cuộc tái ngộ của tôi và Bình là lá thư mang con dấu Savannah, GA. Tôi cầm lá thư trên tay với nỗi hụt hẫng, bàng hoàng. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao Bình lại lặng lẽ rời khỏi nơi đây không một lời giã từ?

Tôi nhớ, cách đây một tuần Bình đã gặp Yến Vi khi đến thăm tôi. Thấy vẻ bối rối của tôi, Yến Vi vội vã đứng lên, lễ phép chào Bình rồi xin phép ra về. Bình nhìn theo cho đến khi cánh cửa khép lại.
-Chắc con gái của Phương sẽ nghĩ không tốt về anh.
-Anh có làm gì xấu đâu mà sợ.
-Anh không làm điều xấu, nhưng anh không muốn bị con của Phương hiểu lầm anh đang xen vào tình cảm của ba mẹ nó. Ngày xưa, anh yêu thầm Phương, nhưng bây giờ tình yêu đó được thay thế bằng sự quý trọng. Anh quý Phương, vì được gặp Phương là anh được sống lại thời tuổi trẻ của mình. Đối với gia đình Phương, anh luôn mong ước vợ chồng Phương sẽ dẹp bỏ tự ái để hòa thuận với nhau. Thứ nhất là cho con cái vui. Thứ hai là để vợ chồng già nương tựa nhau mà sống cho đến hết cuộc đời. Cái phần đời còn lại ngắn ngủi lắm Phương ạ!

Tôi ngỡ ngàng nhìn Bình. Thì ra, tôi đã quá chủ quan khi nghĩ rằng mình vẫn còn đủ hấp lực làm chao đảo trái tim của Bình. Thì ra, tôi đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng, trong lúc mình đang bồi hồi nhớ lại những giây phút gặp gỡ, thì Bình -nơi căn phòng vắng vẻ- có lẽ cũng đang ôm đàn để hát bài hát quen thuộc “mối tình đầu của tôi...”.

-Nghe lời anh đi Phương! hãy gọi điện thoại hoặc trở về nấu một bữa cơm ngon cho anh ấy. Người đàn ông, dù già thế mấy thì trong họ cũng có một đứa trẻ con, thích được yêu thương và nuông chìu.
Tôi cắt ngang lời Bình bằng giọng nói gay gắt -không biết là vì giận chồng hay giận Bình.
-Nếu phải trở về sống bên cạnh anh ấy, em thà chết còn sướng hơn. Anh về đi, em không muốn nghe thêm một lời nói nào của anh nữa.

Bình đến cạnh tôi, lặng thinh không nói một câu. Tôi đang chờ bàn tay Bình vỗ về trên bờ vai mỏng. Nhưng không... từng bước chân xa dần, xa dần. Rồi tiếng cửa đóng lại vừa đủ cho tôi nghe, để biết rằng cả hai chúng tôi đã bị ngăn cách bởi cánh cửa vô tình. Từ ngày ấy Bình không trở lại thăm tôi.

Cầm phong thư trong tay, sau một phút phân vân tôi quyết định quăng vào hộc tủ. Nhưng... cuối cùng lại mở ra đọc.

Phương mến,

Cám ơn Phương và khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng thật êm đềm mà anh và Phương đã có được với nhau.

Bằng lòng quý mến chân thành, bằng nỗi ước ao tha thiết, anh mong một ngày rất gần Phương sẽ trở về nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Cuộc sống vì người, cho người, chứ không phải vì mình và cho mình. Không phải anh khoác lên người chiếc áo đạo đức giả tạo để lên giọng dạy đời cho Phương nhưng đây là lời khuyên rất thực tế lấy từ kinh nghiệm sống của anh.

Vợ anh qua đời sáu năm là sáu năm anh sống trong niềm ân hận. Ân hận vì không biết nâng niu cái hạnh phúc đang có trong tay. Ân hận vì anh không quan tâm đến người vợ đầu ấp, tay gối mà chỉ nghĩ đến bản thân mình. Vợ anh có nhiều ưu điểm mà vì lòng dạ hẹp hòi anh chỉ nhìn thấy khuyết điểm của cô ấy, trong khi anh thì khuyết điểm đầy mình nhưng cái tôi lại che khuất tất cả. Có thể nói, cái tôi là cái tồi tệ nhất của con người. Vì nó mà bạn bè ly tán, vợ chồng đổ vỡ. Hãy dằn nó xuống. Hãy ném nó đi thật xa Phương ạ!

Có lẽ Phương đang rất giận anh. Nhưng Phương biết không, ngày hôm ấy, khi trở về nhà, anh bị ám ảnh mãi bởi ánh mắt của con gái Phương. Ánh mắt chứa đựng sự trách móc lẫn van nài. Anh biết mình đã bị hiểu lầm và anh không muốn kéo dài sự hiểu lầm đáng tiếc ấy.

Hiện tại, anh đang sống với đứa con trai duy nhất vừa tìm được việc làm ở thành phố này. Cuộc sống bình dị, an lành với hình ảnh người vợ yêu dấu không bao giờ phai nhạt trong trái tim anh. Nghe có vẻ cải lương quá phải không Phương? nhưng đó là sự thật. Một sự thật đau lòng là người ta chỉ trân quý và tiếc nuối những gì đã mất đi…

Tôi bỏ thư vào phong bì, nhớ lại câu nói của Yến Vi tối hôm qua “Ba mẹ cứ như vậy làm sao bên đàng gái họ dám gả con cho Tuấn An”. Câu nói khiến tôi quyết định trở về nhà dù lòng chưa muốn.

***

Tôi bước ra vườn, nhắm mắt lại để thưởng thức khoảng không gian yên ắng, thanh tịnh lần cuối cùng. Nhìn vào bên trong, thấy Yến Vi và Tuấn An đang khệ nệ mang đồ đạc của tôi ra xe với tất cả nỗi hân hoan mà lòng buồn xao xiết, như ngày nào không đành dứt áo bước lên tàu rời bỏ quê hương. Lá thư của Bình đã làm tôi thao thức suốt đêm. Tôi nghe lời Bình cố tìm kiếm những điểm tốt của Phú, cố dỗ dành trái tim mình phải hết dạ yêu chồng như thời trăng mật. Và tôi miên man cầu nguyện một cách chân thành “Xin Chúa cho con biết dẹp bỏ tự ái. Xin Chúa ban cho con thêm lòng yêu thương, bớt giận hờn...”.

Dọn một nụ cười thật tươi tôi đưa tay bấm chuông. Cánh cửa bật mở, khuôn mặt Phú hiện ra lạnh lùng, nghiêm khắc với câu nói như ly nước sôi tạt vào mặt.
-Ủa! chịu về rồi à?

Ngay lúc ấy tôi nhận ra một điều, trong lòng tôi, chữ tình đã hoàn toàn biến mất chỉ còn lại độc nhất một chữ ghét. Ghét cay, ghét đắng người đàn ông mà tôi sẽ phải tiếp tục chung sống đến hết cuộc đời này cho hạnh phúc con cái được vuông tròn 

Ngân Bình


Thứ Tư, 3 tháng 8, 2022

Gót Lãng Du


(Đi thăm Cô Hiệu Trưởng)

Mùa say nắng hạ tươi hồng
Trời mây vạn dặm thong dong cuộc đời
Lãng du ngắm cảnh mây trời
Chị em gặp gỡ nhớ thời bạn xưa
Học trò Thành Nội nghĩa thừa
Thăm cô hiệu trưởng cho vừa quý thương
Mơ khung bóng Phượng sân trường
Có cô Tiểu Bích sắc hương mặn mà
Dư âm vang vọng ngôi nhà
Tiếng cười rộn rã chén trà thơm sen
Lối về ký ức mon men
Thênh thang kỷ niệm hoa chen nở đầy
Tôn sư trọng đạo trò Thầy
Chớp hình lưu niệm vườn cây bông hoà
Nhân, lễ, nghĩa khó phai nhoà
Chiều lơi ngả giọt nắng vàng chia tay



Thơ & Hình Ảnh: Minh Thuý Thành Nội 

Có Sợi Buồn

\ 

Có sợi buồn tự nhiên rơi
Vướng vào chăn gối tơi bời đêm mơ
Có một chữ rơi vào thơ
Chạm bờ môi khép đợi chờ ngày qua.

Có mùa thu ở thật xa
Dỗ buồn trong giấc mù sa nghìn trùng
Có những lúc chợt tương phùng
Bờ môi ướt cả một vùng đam mê.

Có nỗi nhớ chợt tìm về
Ngày xưa em đã hẹn thề đó đây
Đêm về tay lại cầm tay
Trao nhau mảnh lụa ngất ngây tình nồng.

Có thời xuân sắc men nồng
Có em thân phận má hồng đào tơ
Em thay áo mới đợi chờ
Có con chim hót bên bờ nương dâu.

Có sợi buồn tận nơi đâu
Bay về muốn nối nhịp cầu ái ân
Sợi buồn bóng xế phù vân
Mai sau tình vẫn ân cần có nhau.

Lê Tuấn

Lạc Chốn Đào Nguyên

 

Kỷ niệm một chuyến đi chơi núi 
Lữ khách rong chơi lạc chốn này 
Đường hoa dẫn lối đến nơi đây 
Hai bên vách núi vờn mây trắng 
Nối chiếc cầu treo theo gió lay 

Lối mòn uốn khúc quyện trên không 
Thông đứng nghiêng nghiêng dáng thẹn thùng 
Thạch nhũ long lanh rơi giọt ngọc 
Theo giòng suối chẩy nước xanh trong 

Thấp thoáng xa xa mấy nhịp cầu 
Gió lùa đưa lữ khách về đâu 
Trần gian hay chốn đào nguyên nhỉ?
Lòng thấy lâng lâng thoát bể sầu!

Nắng vàng ngả bóng đẫm hơi sương 
Ru hồn ngây ngất khách ly hương 
Nơi đây cảnh sắc xa trần thế 
Một cõi thiên nhiên đẹp lạ thường!!!

Lâm Hoài Vũ
( Trích thi tập GIẤC MƠ HOA )

Hồ Misurina là một trong những hồ tự nhiên đẹp nhất nước Ý, nằm tại vùng Cadore, tỉnh Belluno, ở độ cao 1.754m. Không chỉ hút khách du lịch vào mùa hè, khi họ đi leo núi Tre Cime di Lavaredo, mà Misurina còn đông đúc vào mùa đông, khi mặt hồ đóng băng và có thể đi lên trên đó được. Cảnh quan thiên nhiên xung quanh hồ nước luôn khiến du khách phải thốt lên ngỡ ngàng.
Misurina cũng là một trong những hồ đẹp nhất ở Ý với gương trong xanh và xinh đẹp nằm soi mình bên dãy Sorapiss. Không chỉ nổi tiếng vì sự sắc sảo mà hồ này còn được biết đến bởi huyền thoại Misurina.


Cali Mùa Hạnh Ngộ

  

Từ trái qua phải: 
Mũ Nâu Hòang Trung Sơn, Vũ Ngọc Hải, Huỳnh Văn Của và hai
Mũ Đỏ Nguyễn Thanh Út, Trần Phan Kiệt(trước tiệm giặt/sấy
do Hải trông coi.SJ/Bắc Cali ngày19/7/22.

 Gởi Trần Phan Kiệt, Hoàng Trung Sơn,
Nguyễn Thành Út )

Trưa. Nắng nóng. Bên thềm ngồi bó gối
Chạnh nhớ hè xưa. Nhớ quay quắt từng người
Sau 50 năm nắng vẫn một màu đỏ lửa
"Điểm danh" một mình. Như vậy cũng thấy vui!

Hai tên Mũ Nâu gặp hai chàng Mũ Đỏ
Khói thuốc vờn tan lả lướt quyện quanh bàn
Cà phê để đó ngụy trang. Bia "cưa" từng ngụm nhỏ
Chuyện từ 50 năm
vượt quãng trống không gian lẫn thời gian.

Quá khứ tha hồ về trên từng câu chuyện kể
Đồng Đế biến hình thành chiếc nôi ươm trí nhớ già nua
Từ Thường Đức, Nông Sơn đến Sơn Hà, Quảng Trị
Những địa danh ngày nào đẫm máu, lệ, thắng, thua!

"Nói hay lắm! Thôi cứ tùy duyên! Vô một cái!"
Cứ thế nốc Corona tại chiếc quán bán cà phê
Coffee Lovers! Nắng mai xuyên lều vải
Lãng tử nâng Robusta "cụng" bia Mễ.
Không cạn không về!

Bữa cơm "Nha Trang" nhắc nhà bàn Đồng Đế
Kỷ niệm kể tới, kể lui, pha tiếng "Đan Mạch" rân trời
Muỗng, nĩa khua vang. Ai nhìn cũng mặc kệ
"Chất Lính" của bọn này là vậy đó...Người ơi!

Đã 50 năm! Sắp cạn đời du tử!
Gom hết tỉnh, say vào trần thế ta bà
Đã bảo là Tùy Duyên! Sá gì vô thường thế sự
Vui được lúc nào, cứ hưởng phúc đó nhé...Bạn ta!

Huy Văn

(Để nhớ trưa hè San Jose 19/07/2022)

Cây Xoài

 

1. Dẫn nhập 

Cây xoài có nguồn gốc từ Ấn Độ nên trong danh pháp thực vật có tên là Mangifera indica. Mãi đến thế kỷ 16, người Arab mới du nhập giống xoài qua Phi Châu và người Portugal đưa xoài vào Bresil. Từ thế kỷ 17 trở đi, xoài gặp tại nhiều xứ nhiệt đới khác.Cây xoài là cây quốc gia của Bangladesh, Ấn Độ. Trong một số nền văn hóa, trái cây và lá của nó được sử dụng như là nghi lễ trang trí tại các đám cưới, lễ kỷ niệm, và nghi lễ tôn giáo.

Vài ca dao liên quan:

Ăn xoài lấy hột mà ương
Làm thân con gái chớ thương chồng người.

Gió đưa mười tám lá xoài
Ai đưa duyên bạn lạc loài đến đây

Ta gặp cây xoài ở Ấn Độ,  Thái Lan,  Lào,  Miên,  Việt Nam, Philippin v.v.Xoài bán ở Canada phần lớn là từ Mexico hay từ các nước Trung Mỹ như Salvador, Guatemala.

Cây xoài cũng trồng nhiều ở vài xứ Phi Châu, đặc biệt ở Mali: khi Tổng Thống Pháp Macron đi thăm lính Pháp trú quân ở Mali dưới lá cờ Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Mali biếu cho Tổng Thống Pháp cả mấy chục  thùng xoài và ông này để lại cho lính Pháp.

Cây xoài thich nghi với những đất phù sa và trong những nơi có cao độ thấp hơn 700 mét. Trồng xoài phải lựa những vùng không bị mưa lúc xoài ra hoa.

Miền Đông Nam Á trồng nhiều xoài. Cây xoài cao từ 10 mét đến 25 mét, thuộc họ Anacardiaceae. Lá đơn, mọc cách, phiến lá hình thuôn. Hoa có 5 cánh, màu vàng hơi đỏ, 5 nhị (nhưng chỉ 1 hay 2 nhị sinh sản).  Quả hình thận, thịt mọng nước, thơm, ngọt. Sau khi ra hoa, phải chờ vài tháng sau đó quả xoài mới chín. Xoài tháp thì cho quả sau 3 hay 4 năm, còn xoài trồng hột phải chừng 10 năm mới cho trái. Xoài trồng bằng hột sống lâu hơn, có thể trên 100 năm.

Cây xoài có thể được trồng từ một hạt giống trên mặt đất, nhưng phải chờ cả chục năm để cây ra quả nên người ta chỉ trồng cây xoài ghép chỉ mất khoảng 4 năm để ra  trái.

2. Vài giống xoài ở Việt Nam

Xoài có rất nhiều giống, nhưng có 2 nhóm giống cơ bản là nhóm Ấn Độ (hạt đơn phôi) và nhóm Đông Nam Á (hạt đa phôi). Nhóm đơn phôi thường cho trái quanh năm. Cây xoài ở ĐBSCL có diện tích gần 50.000 ha (cả nước 85.900 ha). Riêng tỉnh Đồng Tháp có diện tích xoài 9.800 ha, tỉnh Tiền Giang có diện tích hơn 3.900 ha. Huyện Cao Lãnh có hợp tác xã  Mỹ Xương đạt sản lượng xoài bình quân 5.000 tấn/năm, trong đó xoài Cát Chu chiếm 70% sản lượng, xoài Cát Hòa Lộc chiếm 30%. Vụ chính từ tháng 12 đến tháng 6; vụ nghịch từ tháng 6 đến tháng 9. Việc điều khiển ra hoa, ra trái hoàn toàn chủ động, theo kinh nghiệm nhà vườn.

Lợi ích kinh tế: trồng xoài có thể thu lợi nhuận gấp 5-6 lần trồng lúa. Trung bình 1 cây xoài thu hoạch khoảng 100 – 200 kg, sau khi trừ hết các chi phí lãi từ 250 – 300 triệu đồng/ha/vụ. Xoài Việt Nam đã được xuất cảng vào hơn 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand. Đây cũng là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất cảng sang thị trường Mỹ, chỉ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa. Năm 2017, xoài Cát Chu Cao Lãnh tiếp tục được cấp phép xuất cảng vào Úc. Đây là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới với những tiêu chuẩn rất ngặt nghèo. Cấp mã số vùng trồng (QR code, tức Quick Response Code) là giai đoạn rất quan trọng để có thể tiến đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, gắn chặt với quy trình sản xuất đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu hiện nay.

Tại Việt Nam, ngoài xoài trồng ở miền châu thổ Củu Long, còn gặp xoài tại vài vùng ở Khánh Hoà. Có rất nhiều loại xoài, khác nhau về hình dạng, kích cỡ, kết cấu và màu sắc. Thịt của xoài chín khác nhau từ kết cấu mềm đến kết cấu cứng hoặc sợi. Sau đây là vài giống xoài quan trọng trồng ở Viet Nam:

2.1. tại đồng bằng Nha Trang, giống xoài Tứ Quý chiếm 60-70% tổng diện tích xoài của địa phương. Ưu điểm giống xoài này cho trái to, trọng lượng thu hoạch từ 0,5-1kg/trái. Mùa chính xoài này từ tháng 2-4 âm lịch. Xoài Tứ Quý lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu trên địa bàn nên sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất khá. Những năm qua nông dân đã tập trung phát triển mạnh giống xoài này bao gồm trồng mới và ghép cải tạo các giống xoài Canh nông, cát Hòa Lộc thay bằng giống xoài Tứ Quý.

2.2. Tại miền châu thổ Cửu Long,  còn có giống xoài Úc, xoài cát Hoà Lộc, xoài Cát Chu,  xoài xanh Đài Loan và xoài keo là những giống xoài xuất cảng hiện nay của Việt Nam đi Trung Quốc, Mỹ và Australia. Xoài Hòa Lộc là đệ nhất danh xoài của miền Tây, nổi tiếng ngon, ngọt.

Xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng ngon, ngọt. Giống xoài này  được trồng phổ biến ở xã Hòa Lộc, huyện Cái Bè, Tiền Giang.  Do vậy, giá bán của nó lúc nào cũng gấp đôi, gấp ba so với xoài Cát Chu.Trái to, trọng lượng trái 400 – 600gr, thịt trái vàng, dẽ, thơm, ngọt, hạt dẹp, được coi là giống xoài có phẩm chất ngon. Thời gian từ trổ bông đến chín trung bình 3, 5 – 4 tháng.

Xoài Cát Chu, do có giá cả phải chăng nên là giống xoài xuất cảng qua Nhật, Mỹ và Australia hiện nay. Năng suất của xoài Cát Chu cũng cao hơn xoài cát Hòa Lộc do dễ đậu trái hơn và được trồng tập trung ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Phẩm chất trái ngon, thịt thơm ngọt có vị hơi chua, dạng trái hơi tròn, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr, vỏ trái mỏng. Đây là giống xoài ra hoa rất tập trung và dễ đậu trái, năng suất rất cao.

Riêng giống xoài xanh Đài Loan được trồng ra tận miền Bắc, cụ thể là ở Sơn La.

  • Xoài keo thì có nguồn gốc từ Campuchia, gần đây được nhà vườn ở ĐBSCL trồng nhiều do đặc tính dễ trồng, năng suất cao, ăn xanh cũng khá ngon và có hình dáng đẹp, tương tự xoài cát Hòa Lộc.
  • Xoài Tứ Quí: Tán thưa, lá to bản, mép gợn sóng. Trái nặng trung bình 320gr, hình bầu dục, đầu trái nhọn, vỏ mỏng láng, màu vàng đẹp, ngọt, thơm, hạt nhỏ. Từ khi nở hoa đến thu hoạch 115 ngày. Phẩm chất tương đối ngon, cơm vàng, thịt dẻo, mịn, hạt nhỏ, vỏ trái dầy. Đây là giống dễ đậu trái, năng suất cao.
  • Xoài Tượng: Là giống xoài ăn còn xanh chấm mắm đường rất được ưa chuộng,, vỏ màu xanh nhạt, cơm xoài nhai giòn rau ráu, mùi thơm và vị chỉ chua thoang thoảng. Loại này trồng rất nhiều ở các vùng miền Trung.
  • Xoài Thanh Ca: Là giống xoài ăn xanh, cây phát triển mạnh, lá thon dài, đầu hơi nhọn, trái dài hơi cong, nặng trung bình 300gr.
  • Xoài tím: Đây là giống xoài lai, trong đó có một giống xoài vỏ hồng Hong Ju của Đài Loan. Khi phát triển đầy đủ, trọng lượng trung bình của xoài từ 0,8-1,2 kg quả. Trái xoài tím có hình dạng hình trứng, vỏ căng mịn. Giống cây có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Cây xoài cao trung bình từ 3-4m, thích hợp trồng ở khu vườn nhỏ, thậm chí có thể trồng làm cảnh. Thịt xoài bên trong có màu vàng sậm, mùi thơm và ngọt. Tuy nhiên, khi quả còn xanh, xoài chua hơn các giống thường thấy. Xoài xanh thường được chế biến thành các món nộm, ăn thường. Xoài tím cho trái chín từ tháng 8 đến tháng 9. Cây trồng rất ưa ánh sáng trực tiếp của mặt trời

  • Xoài Bắc Úc: Xoài vùng Bắc Úc (Northern Territory Mango) là một loại trái cây có giá trị kinh tế rất cao. Vụ mùa thu hoạc này thường bắt đầu từ thứ 6 đầu tiên của tháng 10. Tuy nhiên, vụ mùa sẽ thay đổi tùy vào từng năm, phụ thuộc vào sự thay đổi của mùa vụ. Trái xoài trên cây sẽ chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ hồng. Đến trái cây khi chuyển sang màu vàng đồng nghĩa với việc nó đã đến lúc được thu hoạch.
  • Xoài Thái Lan: Xoài thái cho trái tròn dài, hơi cong ở phía đuôi, vỏ xanh đậm có thể ăn xanh, chín đều rất ngon. Với kỹ thuật trồng cây xoài Thái Lan đơn giản nên hiện nay người dân rất ưa trồng loài cây này.
4. Thành phần hóa học có trong quả xoài

Quả xoài có giá trị dinh dưỡng cao, thịt quả có hàm lượng vitamin B, C chiếm từ 2 – 3%, đường chiếm 20% (là loại đường đơn được hấp thu hoàn toàn), Acid citric, Caroten (tiền sinh tố A) 15%. Quả chứa nhiều caroten và vitamin B1, B2 và C. Hạch quả chứa nhiều tinh bột, dầu và tanin. Lá chứa tanin và một hợp nhất flavonoid là mangiferin. Vỏ thân chứa 3% tanin và mangiferin. Quả xoài xanh thái mỏng, phơi khô hoặc sấy khô là nguồn vitamin C thiên nhiên dồi dào.

Tác dụng của xoài chín. Xoài chín có tác dụng bổ não, có lợi cho người làm việc trí óc, suy nhược thần kinh. Ăn ít xoài chín thì nhuận trường, ăn nhiều sẽ bị tiêu chảy, người nóng bứt rứt, rôm sảy, mụn nhọt.  Xoài chín giúp tăng cường sức đề kháng, chống viêm, phòng ngừa ung thư, giảm béo, cải thiện hệ tiêu hóa, giúp hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, phòng bệnh mạch vành, ngừa ung thư ruột kết (do làm tăng nhu động ruột, chống táo bón).

Tác dụng của xoài xanh. Xoài xanh có nhiều vitamin C, có nhiều chất chát, có thể gây táo bón, không nên ăn vào lúc đói bụng.

Thái CôngTụng