Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Màu Ly Biệt - Sáng Tác Nguyễn Thanh Cảnh - Hòa âm Anh Vũ - Ca Sĩ Thu Huyền


Sáng Tác:Nguyễn Thanh Cảnh
Hòa âm Anh Vũ
Ca Sĩ: Thu Huyền

Thương Ai Nhớ Ai

(Thương Ai Nhớ Ai - Tranh vẽ của Mùi Quý Bồng)

Đề Thơ:

Thương Ai Nhớ Ai

Thương ai nhớ ai trăng tàn hiên vắng
Thương người nhớ người lẳng lặng thềm xưa
Thương ai nhớ ai ấp ủ hương thừa
Thương người nhớ người lệ mưa sầu chuyển…

Thương ai nhớ ai ước nguyền chẳng vẹn
Thương người nhớ người uất nghẹn nỗi đau
Thương ai nhớ ai vết sâu tim cứa
Thương người nhớ người một nửa tìm đâu.


Kim Oanh
***

Thương ai, ai nhớ để mà thương
Thương nhớ mỏi mòn dạ vấn vương
Trăng đã xuống dần sau đỉnh núi
Màn đêm buông nhẹ mịt mù sương.

Nguyễn Thành Tài
***
Đơn Côi Dưới Trăng

Dưới bóng trăng, hàng trúc lao xao
Em tôi đứng đơn côi nghẹn ngào
Trong ánh mắt nỗi buồn chôn dấu
Thân xác nơi này hồn nơi đâu ?

Dân Mùi

***
Trăng, Trúc Và Em

Nguyệt bạch trăng rằm chàng ở đâu?
Biết chăng đông đến gió gieo sầu
Khói thời gian có làm cay mắt !
Nứa mảnh trăng xưa mưa ướt nhầu 

Kiều Mộng Hà

***
Thương

Thương người, người có thương không ?
Ngày đêm tơ tưởng sâu nông rũ lòng
Bốn mùa hy vọng chờ mong 
Nghìn trùng xa cách long đong tâm hồn 
Dù tuyết rơi hay nóng dồn
Dù ăn, dù thở bồn chồn phổi tim
Trong giấc mộng cũng đi tìm
Lo âu khắc khoải nhận chìm lửa yêu

Đồ Cóc

Thu Trầm Khúc


Dáng chiều tha thướt chân mây 
Gió hiu hiu lạnh đong đầy nhớ thương 
Nắng chiều in dấu ly hương 
Tâm tư cuộn sóng trên đường viễn du 
Không gian ngây ngất sương mù 
Lá vàng đan khúc bên bờ ly tan 
Tà dương xỏa tóc muộn màng 
Mà nghe điệu nhớ võ vàng tâm tư 
Chiều nay tím cả hồn thơ 
Xa quê biết đến bao giờ trùng hoan 
Quê hương ơi! Hỡi Việt Nam!
Cố hương chừ đã ngút ngàn tầm tay 
Tháng năm như giấc ngủ say 
Tỉnh ra tóc đã theo mây về chiều 
Xứ người từng chuỗi cô liêu 
Vẳng nghe trầm khúc chuông chiều vọng xa …


Lâm Hoài Vũ
( Trích thi tập LƯU VONG TRƯỜNG KHÚC)

Gọi Mùa



Trăng thu vằng-vặc sân nhà
Lá vàng trải thảm, sắc hòa màu trăng
Cành khô lặng ngắm chị Hằng
Cõi về đẹp quá! Khác chăng thiên đàng?

Rơi… rơi…góp nhạc, lá vàng
Rơi… rơi…từng chiếc, cảnh càng thêm thu
Mơ gì người chọn cõi tu?
Ước chi, em lựa cửa “tù” mở tâm?

Đêm thu, em thức thì-thầm
Câu thơ vẽ cảnh êm-đềm… nhớ Quê
Trăng thu đẹp thế ai dè
Bao nhiêu thương nhớ sắt-se cõi lòng.

Hạ đi, thu đến, rồi đông
Một vòng sinh… lão. Sắc Không cũng… rồi!
Cỏ xanh vàng kín lá rơi
Vô Thường, như huyễn! Hạ… ơi! Thu… ời!

Ý Nga
9.10.2005

I Remember You (Composer Victor Schertzinger)- Em Nhớ Anh

 
I Remember You 
(Sang by Doris Day)

I remember you-ooh
You're the one who made my dreams come true
A few kisses ago
I remember you-ooh
You're the one who said I love you, too
Yes, I do, didn'tcha know?
I remember, too, a distant bell and stars that fell
Like the rain out of the blue-ooh-ooh-ooh-hoo-hoo-hoo
When my life is through
And the angels ask me to recall
The thrill of it all
Then I will tell them I remember you-ooh
I remember, too, a distant bell and stars that fell
Just like the rain out of the blue-ooh-ooh-ooh-hoo-hoo-hoo
When my life is through
And the angels ask me to recall
The thrill of it all
Then I will tell them I remember, tell them I remember
Tell them I remember you.

Composer Victor Schertzinger 
***
Dịch Thơ:
Em Nhớ Anh

Em luôn nhớ mãi về anh                                                                               
Người biến ước mơ em thành đài cao
Nụ hôn anh tặng hôm nào
Em còn ngây ngất say màu hương yêu
Bộ anh không biết bao chiều
Nghe chuông vọng lại lòng phiêu phiêu buồn
Như màu mưa giọt xanh tuôn
Đời em vẫn mãi suối nguồn lênh đênh   
Chìm trong vương vấn bồng bềnh
Thiên thần bản mệnh ngôi trên hỏi thầm
Băn khoăn ám ảnh ngàn năm
Em buồn khẻ nói nhớ làm sao vơi.

Nguyên Trần

Doris Day - I Remember You {1965 version}

 

Trời Sắp Lập Đông

(Ảnh: Tác giả chuyển)

Trời đã tàn Thu, sắp lập Đông
Nàng ngồi trên phiến đá, buồn trông...
Gió lên khiến héo tàn hoa Cúc
Sương xuống làm căm rét nụ Hồng
Mặt nước giăng tơ xanh bát ngát
Chân mây trải lụa xám mênh mông
Hoàng hôn bảng lảng, chim về tổ
Liễu rủ hồ gương, ngả bóng lồng

Duy Anh
Eola lake. Orlando Florida 2021

Sách của Thụy Khuê


Gần lễ Tạ Ơn, nhận từ trên trời rơi xuống cuốn sách Phê Bình Văn Học của Thuỵ Khuê do anh Tấn gửi cho, lại có lời viết tặng của tác giả. Xin nhắc anh em bà Thuỵ Khuê là em gái của bạn Vũ Ngọc Tấn.
Sở dĩ tôi viết thư này trên diễn đàn vì hai lý do:
1. Hy vọng trong anh em ta có người sau khi đọc thư này sẽ muốn tìm hiểu về Thuỵ Khuê và sẽ tìm đọc sách của bà, điều mà tôi say mê cổ động.
2. Tôi sẽ sửa đổi đôi chút để giới thiệu với diễn đàn khác nếu tác giả và anh Tấn cho phép.

Thuỵ Khuê là tác giả Việt Nam tôi ngưỡng mộ từ khi đọc cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và Sóng Từ Trường của bà. Chưa bao giờ tôi đọc một tác giả Việt Nam có cách viết rõ ràng có chứng cớ và có đầy đủ tài liệu như Thuỵ Khuê. Trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm bà còn phỏng vấn qua điện thoại viễn thông từ Pháp về Việt Nam với các tác giả nạn nhân của phong trào Nhân Văn.

Lần này cuốn Phê Bình Văn Học Thế Kỷ Hai Mươi, tác giả đi vào đề tài chưa thấy tác giả Việt Nam nào làm trước. Đó là nhận xét và phân tích các tác giả Tây Phương từ Aristote đến Roland Barthes, không chỉ là văn chương mà còn triết lý rất nhiều.
Đọc danh sách, tôi nhảy ngay vào chương viết vể Sartre vì tương đối cá nhân tôi quen với ông hơn những vị khác. Thật là sảng khoái vì tác giả viết rõ ràng, giản dị, ngọn ngành với những danh từ dịch từ ngữ vựng triết lý, một ngữ vựng rất khó và phức tạp ngay cả cho người dân bản xứ (Pháp hay Đức). Tác giả viết không thua gì Luc Ferrry hay André Comte Sponville thuộc thế hệ trẻ ngày nay nổi tiếng trong việc phân tích, giảng giải những khúc mắc của thuyết hiện sinh của Sartre mà những vị cùng thế hệ với Sartre không viết nổi, chứ đừng nói gì đến các tác giả Việt Nam thời chúng ta.
Lấy một thí dụ về vấn đề vô nghĩa (Absurdité) có từ thời Kierkergaard đến Camus và Sartre. Quan niệm hiện sinh luôn luôn đi cùng với quan niệm Vô Nghĩa (Absurdité) từ thời Kỉerkergaard. Tuy nhiên Chỉ có Camus là đề cập tơi đề tài Vô Nghĩa mà thôi (sẽ nói sau).

Thuỵ Khuê khi bàn về Sartre, bà đã khởi đầu bằng hai tiêu đề mà ít người để ý tới.

1. “Thuyết hiện sinh là thuyết NHÂN BẢN” (L’existenctialisme et un humanisme). Bài diễn thuyết này đã in thành sách và đặt căn bản cho thuyết hiện sinh nhưng lúc đó thuyết này đã trót thành thời trang nên ít người để ý tới. Trong bài này có quan niệm quan trọng nhất: Hiện hữu có trước bản chất (L’existence précède l’essence). Ông lấy một thí dụ tuyệt vời: khi ta sản xuất ra cái rọc giấy, người thợ phải có trước Ý Niệm làm cái rọc giấy ra sao cho có thể dùng được (essence du coupe-papier), rồi mới sản xuất ra cái rọc giấy(existence du coupe-papier). Con người khác hẳn: người tin Thượng Đế thì nghĩ rằng Chúa sinh ra con người theo hình ảnh của Chúa để con người thờ phượng Chúa. Người hiện sinh vô thần nghĩ khác hẳn: con người sinh ra lúc ban đầu chẳng có bản thể gì cả. Con rùa mới sinh ra đã biết bò ra biển và bơi đi. Con người khác hẳn. Khi mới sinh ra con người không có một thảo trình (phần mềm) sẵn như súc vật. Con người rất vô hiệu và yếu đuối khi sinh ra. Con người hiện hữu lúc đó nhưng không có bản chất tốt hay ác, hùng hay hèn. Chỉ đến khi con người hành động con người mới hiện hữu. Hành động ra sao, đó là tự do toàn diện của mỗi cá nhân. Sartre còn nhấn mạnh: “con người bị bắt buộc phải tự do lựa chọn (L’homme est condamné à être libre). Con người phải có trách nhiệm làm ra bản thể của mình. Mỗi cá nhân có tự do và trách nhiệm chọn điều thiện hay điều ác. Tuỳ mình. Sartre không phải là nhà đạo đức. Tôi chỉ không động ý với tác giả vể một chi tiết nhỏ: …"anh không thể chộn điều ác…”

2. Con người là một project, một dự tính, một dự phóng, một dự trình( vào học tiểu học anh dự tính lên Trung Học, đậu Tú Tài, lên đại học, chọn nghề Bác Sĩ, Luật Sư v…v…) Anh phải có trách nhiệm với anh và với người khác vì người khác sẽ định nghĩa anh. Cho nên ông có câu: l’enfer c’est les autres. Không có dự tính, không có chương trình thì anh chẳng là gì cả. Đó là ý nghĩa của từ Néant trong tựa đề “l’Être et le Néant”. Hoặc anh hữu thể hoặc anh chẳng là gì cả như Luc Ferry viết. Néant không thể dịch là hư vô được. Anh có hay không có. Thế thôi.

Bây giờ tôi xin trở lại khái niệm Vô Nghĩa (absurdité) trong thuyết hiện sinh. Khải niệm này đã bị hiểu nhầm rất nhiều. Theo đúng định nghĩa của trong Triết Lý, Vô Nghĩa là tình trạng mâu thuẫn giữa khuynh hướng con người muốn tìm hiểu giá trị và ý nghĩa của cuộc sống đụng với sự im lặng toàn diện của vũ trụ. Chính vì nhiều nhà văn Pháp cũng như Việt hiểu theo nghĩa thông thường nên vào thập niên 50-60 ta thấy nhiều tác giả than vãn đời chẳng có ý nghĩa gì, rồi viết những chuyện không đầu không đuôi, mặt lúc nào cũng đăm đăm, rít thuốc, uống cà phê liên miên ra chiều khổ sở, tao bón kinh niên…
Camus là người duy nhất để ra nhiều thời giờ viết về quan niệm Absurde này. Cuốn tiêu biểu là Le Mythe de Sisyphe. Truyền thuyết Sisyphe như sau: Sisyphe là một ông vua khôn lanh, ranh mãnh hai lần trốn được cái chết nên thần chết Thanatos phạt phài đẩy cục đá nặng lên đỉnh núi. Nhưng khi đẩy lên được rồi thì cục đá lại rơi xuống chân núi và cứ thế phải đẩy lên lại cho đến bất tận. Camus viết: dù cho cuộc đời không có ý nghĩa, con người phải như Sisyphe, tiếp tục làm công việc và đến độ phải yêu công việc đó. Tự tử không giải quyết được gì và tin vào Thượng Đế cũng chỉ là chạy trốn.

Đọc phần Thuỵ Khuê viết về Sartre tôi nhìn thấy giá trị giáo huấn về văn hoá Tây Phương cho những ai muốn hiểu về văn hoá Tây Phương, nhất là thế hệ trẻ tại Việt Nam. Tôi không hiểu tác giả có đưa lên Amazon.com hay Amazon.fr để bán không? Tôi thấy rất nên nhất là cho giới trẻ.

Nếu tác giả và bạn Tấn bằng lòng tôi sẽ sửa chút ít lá thư này trở thành một bại nhận định và đăng lên các diễn đàn Sinh Viên Quân Y hay Hội Y-Sĩ Toronto v…v… Tôi cũng xin bạn Tấn gửi thư này đến bà Thuỵ Khuê ở bên Pháp vì tôi không có địa chỉ email của bà.
Cuối cùng tôi rất cảm ơn bà Thuỵ Khuê đã có nhã ý việt đề tặng cuốn sách quý này cho tôi và bạn Tấn mất công đi gửi cho tôi. Đã có người muốn hỏi mua sách.

Thân mến,
Nguyễn Ngọc Khôi

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

Kỷ Niệm Buồn - Nhạc & Lời Trần Đại Bản - Tiếng Hát Lý Thu Thảo


Nhạc & Lời: Trần Đại Bản
Tiếng Hát: Lý Thu Thảo
Thực Hiện:ThiTran

Nhớ


Ơn em cho nhớ tôi tròn
Nhớ sông biển cạn nhớ mòn thiên thu
Tôi như sương khói mịt mù
Em như một nét tương tư gọi mời
Thơ em dìu dặt vàng rơi
Nhạc tôi khép kín nửa đời vụng tu
Cái gì thì cũng phù du
Chỉ riêng cái nhớ thiên thu vẫn tròn


Quýdenver

Mưa Đêm

 

Mưa Đêm

Còn mãi mưa hoài vỗ giấc êm
Ngỡ như ai đó gọi bên thềm
Mờ mờ giăng kín màng mưa bụi
Người hỡi có về nối mộng thêm.

Lắng tiếng mưa đêm rợn nhớ người
Lệ thầm rơi xé nát tim côi
Cõi xa một mảnh đời u uất
Mòn mỏi chờ nhau tận cuối đời.

Khóc…

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Đêm Mưa


Tí tách giọng buồn ru giữa đêm
Dạ hương ngan ngát vị môi mềm
Tàn canh chợt tỉnh lòng vương vấn
Có phải người xưa mới trở về!

Nhớ tiếng mưa rơi mắt nhạt nhòa
Giọt sầu êm ái giấc mơ qua
Nhịp gõ thời gian vang vọng mãi
Cô phòng in dấu bóng người xa .



ChinhNguyên/H.N.T. 
 Nov.20.21

Đà Lạt Trăng Mờ (Hàn Mặc Tử) - Dalat In Dim Moon


Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi ñầu
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như ñón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới dáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và ñể xem người giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng ñứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt ñược!
Sông Ngân hà nổi giữa màn ñêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...

Dalat In Dim Moon

The sacred moment has now arrived,
Dreamy sky over a dreamy landscape!
The moon and stars enshrouded in light mist
To welcome home a distant poetic thought.

Pray be silent and say few words.
Just listen to the lake bed’s outbursts,
To the lithe willow’s shiver in the wind,
And to discourses on meanings of love.

The shimmering pines stand in deep silence,
Their limbs and leaves dissolved in void.
Can the real and unreal be told apart
With Milky Way lighting up the night sky?

The tipsy sky is dyed a moonlight tint.
My whole heart speaks not a single word.
Utter silence reigns in a quiet world,
Not even the swish of a shooting star.

Translated by Thomas D. Le

29 February

Xã Từ Hữu Hoài 社祠有懷 - Phạm Đình Hổ



社祠有懷               Xã Từ Hữu Hoài

崇祠門外草芊芊, Sùng từ môn ngoại thảo thiên thiên,
一度登臨一悵然。 Nhất độ đăng lâm nhất trướng nhiên.
荒樹舊傳歌舞地, Hoang thọ cựu truyền ca vũ địa,
殘碑猶識景興年。 Tàn bi do thức Cảnh Hưng niên.
苔封石現呈新綠, Đài phong thạch hiện trình tân lục,
霜染丹楓噪暮蟬。 Sương nhiễn đan phong táo mộ thiền.
旅次歸來何所見, Lữ thứ quy lai hà sỡ kiến,
行行喬木正凌天。 Hàng hàng kiều mộc chánh lăng thiên.
範廷琥                     Phạm Đình Hổ
***
CHÚ THÍCH :

- Xã Từ Hữu Hoài : Hoài cảm trước đền thờ của xã.
- Thảo Thiên Thiên : là Cỏ xanh um tùm.
- Trướng nhiên : Bồi hồi xúc động.
- Cảnh Hưng Niên : là Năm Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông(1740-1768).
- Đài Phong : là Rêu phủ. Rêu mọc che kín
- Sương nhiễm : là Sương nhuốm, mù sương nhuộm (Đan Phong: là Lá phong đỏ lên).
- Mộ Thiền : là Tiếng ve kêu buổi chiều tà.
- Lữ Thứ : là Lữ hành Xa quê.
- Kiều Mộc : là loại Cây cao bóng cả.
- Lăng Thiên : là Vượt lên trên bầu trời.

DỊCH NGHĨA :

Hoài Cảm Trước Đền Thờ Xã


Ngoài cửa của đền thờ cao cao cỏ mọc um tùm, mỗi lần đến đây là mỗi lần ta cảm thấy xúc động bồi hồi. Chỗ cây mọc hoang vu ngày nay được biết đó là nơi ca múa của ngày xưa, và trên tấm bia đổ nát còn đọc được là của niên đại đời Cảnh Hưng. Rêu phủ đầy trên nền đá còn hiện rõ màu xanh mới, và sương rơi nhuốm hồng các lá phong trong tiếng ve chiều. Từ nơi lữ thứ trở về đây, ta thấy được gì đâu, chỉ có hàng hàng cây cao bóng cả đang đứng lặng yên mà vươn thẳng lên trời xanh.

 DIỄN NÔM:

Hoài Cảm Trước Đền Thờ Xã

Cỏ mọc um tùm trước cửa sân,
Mỗi lần đến viếng mỗi bâng khuâng.
Vườn hoang là chốn xưa ca múa,
Bia nát còn nhìn dấu Cảnh Hưng.
Rêu phủ đá xanh tươi sắc mới,
Sương pha lá đỏ rộn ve ngâm.
Người từ lữ thứ về quê cũ,
Chỉ thấy vút trời cây bóng râm!

Lục bát:

Um tùm cỏ kín từ đường,
Về thăm mấy độ sầu thương bồi hồi.
Vườn hoang xưa chốn vui chơi,
Cảnh Hưng bia cũ càng khơi nỗi niềm.
Rêu xanh phủ đá trước thềm,
Sương pha lá đỏ buồn thêm ve sầu.
Người về nào thấy chi đâu,
Hàng hàng chỉ thấy cây cao vút trời!



Đỗ Chiêu Đức

Cái Tôi Cù Lần


(Chuyện Phiếm)

Chưa bao giờ tôi bị đau một trận nặng như vậy. Toàn thân đau nhừ, sốt hơn 100 độ và ho liên miên.
Tôi nhớ có người bạn Email cho tôi cách chữa ho thần sầu, họ bảo đảm sẽ hết ho trong một thời gian ngắn. Bài thuốc đó là: bôi dầu Vick vào gan bàn chân rồi đi vớ vào cho ấm. Dĩ nhiên là tôi áp dụng ngay và bỗng dưng thấy tin tưởng lọ dầu Vick hơn là dầu con hổ hay dầu xanh mà tôi thường dùng. 

Tôi nghĩ bụng, dầu Vick cũng là loại dầu nóng giống như dầu con hổ của mình nhưng làm ở Mỹ, chắc chắn tốt hơn và hợp vệ sinh hơn. Từ ngày đọc những tin tức khủng khiếp về cách làm thức ăn ẩu tả mất vệ sinh và pha chế thêm những chất độc hại cho sức khỏe, của người Tầu và người Việt Nam, tự nhiên tôi có ấn tượng xấu về tất cả sản phẩm của Việt Nam và Tầu. Cầm lọ dầu Vick tôi tin tưởng và có cảm tình bao nhiêu, thì nhìn sang lọ dầu cù là và dầu xanh tôi bỗng có những ý tưởng nghi ngờ và tưởng tượng có chất độc trong đó nhiều thêm bấy nhiêu. Không suy nghĩ tôi cầm lọ dầu con hổ và chai dầu xanh ném tọt vào cái thùng đựng giấy tờ vứt đi ở chân bàn.

Bích, cô bạn thân, thấy tôi đau vội mang chai dầu xanh đến cạo gió cho tôi. Tôi bèn đưa chai dầu Vick ra và yêu cầu Bích cạo gió cho tôi bằng dầu Vick.
Bích tròn mắt ngạc nhiên
-Sao lại dầu Vick? Cạo bằng dầu xanh tốt hơn nhiều chứ.
Tôi trả lời, giọng chắc như bắp.
- Không, dầu Vick tốt và chắc ăn hơn. Biết đâu trong dầu xanh hay dầu con hổ mấy ông Tầu hay Việt lại pha chế có chất độc gì trong đó mà mình không biết.
Bích lắc đầu ngao ngán đành phải lấy dầu Vick cạo gió cho tôi. Vừa cạo Bích vừa cằn nhằn.
-Dầu gì mà nhớt như mũi ấy, ghê thấy bà.
Tôi vẫn bảo vệ dầu Vick tối đa.
-Lấy nhiều quá thì nó vậy đó, lấy ít thôi, xoa đều cho nó thấm vào da thì nó đâu có nhớt.

Buổi tối vào giường ngủ, tôi ôm theo chai dầu Vick vào giường. Tôi lấy dầu Vick bôi vào cổ, vào ngực. Nằm một lúc tôi thấy hình như còn thiếu cái gì. Tôi lại nhỏm dậy vớ chai dầu Vick lấy một ít bôi vào hai thái dương, và giữa trán sát với chân tóc. Xong xuôi tôi hài lòng nằm xuống kéo chăn đắp ngang lên cổ nhắm mắt tìm giấc ngủ. Nằm một lúc tôi vẫn thấy chưa thoải mái và hình như vẫn còn thiếu cái gì. Tôi chợt nhớ “à, mình chưa bôi dầu vào mũi”

Tôi ngồi dậy, với chai dầu Vick lấy một chút bôi vào hai lỗ mũi, tôi hít hít mấy cái rồi nằm xuống tiếp tục tìm giấc ngủ. Tôi vẫn thấy chưa thoải mái, và vẫn thấy nó làm sao ấy, chả thấy dễ chịu tí nào cả. Tôi nghĩ bụng “lạ nhỉ, mọi khi mỗi lần bị cảm, mình bôi dầu con hổ, chỉ một tí là thấy dễ chịu ngay. Hôm nay bôi dầu Vick còn tốt bằng mấy lần dầu con hổ nữa, mà bôi từ nẫy đến giờ sao vẫn thấy khó chịu quá”. Nằm thêm một lúc nữa, tôi vẫn không sao ngủ được và vẫn thấy thiếu cái gì đó. Tôi bực mình “chả lẽ mình lại nhớ cái mùi dầu con hổ. Đó chỉ là cái mùi thôi mà, có tác dụng gì đâu. Dùng dầu Vick phải tốt hơn nhiều chứ, nó còn chữa được cả ho cơ mà.”


Cho tới gần 2 giờ sáng tôi vẫn chưa ngủ được, tôi cứ trằn trọc và vẫn cảm thấy khó chịu, nó không giống như mọi lần khi tôi dùng dầu con hổ, tôi thấy dễ chịu ngay tức khắc. Lần này dầu Vick thật tốt của Mỹ mà sao chả nhằm nhò gì cả, vẫn thế nào ấy, hình như nó thiếu một cái gì đó. Tôi cố nằm đếm cả mấy trăm con cừu (người ta thường nói, khó ngủ cứ chịu khó đếm mấy trăm con cừu là ngủ được ngay) vậy mà mắt tôi vẫn cứ mở thao láo, đầu óc vẫn tỉnh như sáo sậu, giấc ngủ vẫn không thèm đến. Không nằm thêm được nữa, tôi choàng dậy, mò ra cái thùng bỏ giấy tờ vứt đi, tôi thò tay xuống đáy thùng tìm lọ dầu con hổ. Nắm được nó trong tay rồi ,tôi lau chùi cẩn thận, rửa tay sạch sẽ, trở lại giường, mở nắp lọ dầu ra, tôi kê mũi vào hít hít. Mùi dầu con hổ quen thuộc của tôi nó dễ thương làm sao. Hít vào tới đâu, người khoẻ ra tới đó, trong người thấy thoải mái hẳn ra. Tôi nghĩ thầm “mình đúng là con mụ nhà quê, phải dầu con hổ mới chịu chứ dầu Vick văn minh sạch sẽ của Mỹ lại không chịu” Tôi bật cười tự chế nhạo mình “mình cù lần cho nên mới ghiền dầu cù là” .Tôi lấy khăn mặt chùi hết dầu Vick đi cho đỡ nhờn rồi lấy dầu con hổ bôi lia chia khắp cổ, ngực, thái dương, trán. Chao ôi nó dễ chịu làm sao, tôi thấy khỏe hẳn ra ngay tức khắc. Tôi sung sướng nằm nhắm mắt lại với không khí thoảng mùi dầu con hổ dễ thương của tôi và chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Tôi nhớ hồi còn bé tí teo, mỗi lần tôi bị đau bụng bà vú lại lấy dầu con hổ xoa lên bụng tôi, khi bà vú xoa vào rốn, tôi hay nhột và cười lên khanh khách. Còn hễ tôi bị cảm là thế nào bà vú cũng xoa dầu con hổ vào trán và hai bên thái dương, mùi dầu xông vào mắt làm tôi khó chịu, thế là tôi khóc ré lên. Cứ như vậy cho đến ngày tôi khôn lớn, dầu con hổ là một thứ không thể thiếu mỗi lần tôi đau ốm. Lâu dần mùi dầu con hổ đã trở thành quá quen thuộc với tôi.Nhức đầu cũng dầu con hổ, cảm ho cũng dầu con hổ, nhức mỏi cũng dầu con hổ, đau bụng cũng dầu con hổ. Thậm chí muỗi đốt cũng dầu con hổ. Tôi lỡ ghiền cái mùi dầu con hổ bao nhiêu năm nay rồi. Bây giờ muốn thay bằng lọ dầu Vick văn minh sạch sẽ của Mỹ cũng không được nữa. Ôi cái chất Việt Nam trong người tôi nó đã đặc quánh lại rồi, không có cách nào làm loãng ra được, chứ đừng nói gì làm cho nó đổi thay. Cũng như những điều kiêng cữ ngày Tết, mặc cho các con tôi cười, nói là tôi mê tín dị đoan, nhất là tôi lại theo đạo Thiên Chúa.

Ba ngày Tết tôi không cho các con quét nhà. Nếu cần thì phải quét từ cửa vào trong và gom rác vào một góc nhà, chứ không đổ đi. Vì quét nhà từ trong ra ngoài cửa là quét hết tiền bạc đi, ngày xưa bà ngoại tôi vẫn bảo như vậy.
Ngày mùng 1 Tết tôi dặn các con phải vui cười, trẻ con làm gì cũng tha thứ hết, không buồn giận ai trong ngày Tết. Vì buồn giận là sẽ buồn giận suốt cả năm. Tôi tin như vậy và tự nhiên tôi thầm ao ước nếu mọi người đều tin như vậy, và nếu ngày nào cũng là ngày mùng 1 Tết thì thế giới này sẽ chẳng bao giờ có chiến tranh. Mọi người lúc nào cũng vui vẻ, tha thứ cho nhau. Thế giới sẽ biến thành thiên đàng vì chỉ toàn là tiếng cười, đời sống sẽ chan hòa hạnh phúc.

Tôi yêu những phong tục, tập quán cổ xưa của quê hương Việt Nam yêu dấu, dù có người cho là lẩm cẩm, là kém hiểu biết, là mê tín dị đoan. Cũng giống như tôi yêu mùi dầu con hổ và rất hài lòng với cái tôi thật cù lần.

Hồng Thủy

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2021

Bà Đã Ra Đi



Mây xám lưng trời như tóc mây
Buồn dâng cành liễu tấm thân gầy
Hồn hoang biền biệt nghe thơ thẩn
Để mộng ân tình mây trắng bay….

Giọt nước long lanh nắng đã lên
Hơi sương tan chảy khóc mình ên
Không gian lơ lửng màu tang trắng
Gió nhẹ ru lòng không lãng quên.

Bà đã ra đi chẳng một lời
Tôi về ngấn lệ mãi người ơi
Nhớ bà ánh mắt còn chưa khép
Câu nói ân tình vẫn đẹp đôi.

Bà đã đi để tôi đớn đau
Con tim rạn nứt đến ngàn sau
Đêm về là nẩy mầm thương nhớ
Dù nắng đã lên chẳng úa màu…

Dương hồng Thủy
01/12/2021


Dư Âm Buồn - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Văn Thơ - Ca Sĩ Lệ Tuyền


Thơ Yên Dạ Thảo
Nhạc  Nguyễn Văn Thơ
Ca Sĩ Lệ Tuyền 

Một Chút Tâm Tình Gởi Về Quê Mẹ


Gởi đám mây bay tận cuối trời

Tâm tình người lữ thứ đầy vơi

Thương về xóm cũ - thương day dứt

Nhớ tới làng xưa - nhớ rã rời

Tê tái, lòng đau, tuôn mấy giọt

Đắng cay, dạ xót, nghẹn bao lời

Lau giòng nước mắt lăn trên má

Đẫm ướt khăn rồi...lệ vẫn rơi

 

Thảo Chương Trần Quốc Việt

30-11-2021


Ngắm Tuyết Rơi


Nhìn qua khung cửa sổ
Mưa tuyết rơi đầu ngày
Công viên trơ trụi lá
Bông trắng xóa nhẹ bay

***
Watching The Snowfall

From my window I watch
Fluffy snowflakes fluttering
In the park the trees stand barren
The first flurry of snow

Yên Nhiên

Nơi Ấy Mùa Đông


Nơi ấy trời đã vào đông chưa
Có nghe gió lạnh chuyển sang mùa
Ở đây hoa tuyết bay cứ ngỡ
Áo trắng ai về ấm chiều mưa

Nơi ấy trời đã vào đông chưa
Giọt nắng ngoài sân đẹp tình cờ
Ở đây mặt trời chiều vắng sớm
Mây xám buồn theo vào giấc mơ

Nơi ấy trời đã vào đông chưa
Xuống phố nhẹ sương rớt hững hờ
Ở đây mùa đông như vô tận
Bếp lửa hồng giăng sầu đong đưa

Nơi ấy trời đã vào đông chưa
Nỗi nhớ làm sao đếm cho vừa
Một chốn quê nhà xa vời vợi
Sưởi ấm hồn tôi những Đông xưa
Nơi ấy trời đã vào đông chưa?…


Edmonton 10.11.2019
Kim Loan

Lục Thủy 淥水 - Miên Thẫm

 

Lục Thuỷ 

Lục thuỷ thanh sơn thường tại, 
Cô vân dã hạc đồng phi. 
Đoản đĩnh liễu biên khách điếu, 
Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy.

Miên Thẩm
***
Dịch Thơ:

Nước Biếc

Nước biếc non xanh mãi vậy thôi
Mây đơn hạc nội vẫn song đôi.
Thuyền con bờ liễu ai câu cá?
Cầu nhỏ sư về bóng nguyệt trôi!

Mailoc
***
淥水                     Lc Thủy
淥水青山常在, Lục thủy thanh sơn thường tại,
孤雲野鶴同飛。 Cô vân dã hạc đồng phi.
短艇柳邊客釣, Đoản đĩnh liễu biên khách điếu,
小橋月下僧歸。 Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy.

Chú Thích:

* Lục Thủy: là Dòng nước trong. Chữ LỤC 淥 có 3 chấm thủy 氵, có nghĩa là Trong trẻo. Chữ LỤC 綠 có bộ Mịch 糸 là sợi tơ mới có nghĩa là Màu Xanh. 
* Đoản Đĩnh: là chiếc xuồng con.

Diễn Nôm:

Nước biếc núi xanh còn đó,
Mây đơn hạc lẻ cùng bay.
Xuồng con thả câu bờ liễu,
Sư về cầu nhỏ trăng lay!

Lục Bát:
Núi xanh nước biếc còn đây,
Hạc đơn mây lẻ cùng bay ven trời.
Xuồng con bờ liễu câu hời,
Dưới trăng cầu nhỏ sư hồi thiền môn.

Đỗ Chiêu Đức

***
Tùng Thiện vương là con trai thứ 10 của Minh Mạng, sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Mão (tức 11 tháng 12 năm 1819) tại cung Thanh Hòa trong cấm thành Huế. biểu tự Trọng Uyên (仲淵), lại có tự khác là Thận Minh (慎明), hiệu Thương Sơn (倉山), biệt hiệu Bạch Hào Tử (白毫子). Mẹ ông là Thục tần Nguyễn Thị Bửu (阮氏寶), người Bình Chương, Gia Định, con gái của Tư không Nguyễn Khắc Thiệu (阮克紹). Thuở lọt lòng, ông được ông nội đặt tên là Hiện (晛). Đến năm 1832, khi đã có Đế hệ thi, ông được cải tên là Nguyễn Phúc Miên Thẩm (阮福绵审).

Ông là một nhà thơ lớn của triều đại nhà Nguyễn, được xếp vào một trong Nguyễn triều Tam Đường (阮朝三堂) và là một nhà thơ lớn trong hội Mạc Vân thi xã nổi tiếng.

Năm 1865, ông giữ chức Tả Tôn Nhân phủ, trong thời gian này xảy ra sự biến giặc Chày vôi. Trước đó, ông đã gả con gái là Thể Cúc cho Đoàn Hữu Trưng, một thanh niên ở làng An Truyền (tức làng Chuồn). Năm 1866, Hữu Trưng ngầm làm cuộc nổi dậy nhằm lật đổ Tự Đức. Việc thất bại, Hữu Trưng và nhiều người bị hành hình. Mặc dù trước đó, Hữu Trưng đã lấy cớ vợ cư xử trái lễ với mẹ chồng mà trả về để tránh liên lụy cho nhà vợ, Miên Thẩm cũng trói cả con gái và cháu ngoại, quỳ dâng sớ xin chịu tội. Tự Đức không kết tội chỉ nói ông: "Chọn rể không cẩn thận để mất thanh danh, nay trừ bổng trong tám năm". Suốt những năm bị trừ bổng ấy, ông lên ngôi chùa cổ Từ Lâm hoang tàn ở xã Dương Xuân làm nơi cư ngụ, vợ con phải canh tác trồng cây quả đem ra chợ bán để có cái ăn hàng ngày. Ông mất ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức 30 tháng 4 năm 1870), lúc 51 tuổi. Thụy là Văn Nhã (文雅). Năm 1878, ông được Tự Đức gia tặng là Tùng Thiện Quận vương (從善郡王). Năm 1936, Bảo Đại mới truy phong ông là Tùng Thiện vương (從善王), tước vị mà ngày nay người ta quen gọi.
Có thể bài thơ "Lục Thủy" được Ông sáng tác lúc về ở chùa Từ Lâm.
Bài thơ "Lục Thủy" được làm theo thể loại Cổ Phong. Nhưng có điều thú vị ở bài thơ này là từng cặp đối nhau.

淥水 Lục Thủy là nước trong, đúng như anh Chiêu Đức đã giải nghĩa.Tuy nhiên trong khi dịch thơ hầu hết đều dịch là "nước biếc", đó chẳng qua cho thanh thoát câu thơ mà thôi.

Dịch Nghĩa: Nước Trong

Núi xanh nước trong vẫn còn tồn tại
Đám mây cô đơn và chim hạc nơi đồng nội đang cùng bay.
Ông câu neo buộc xuồng nhỏ bên bờ liễu
Trên cầu nhỏ dưới ánh trăng nhà sư trở gót quay về.

Dịch Thơ:

Lục Thủy

1/

Nước biếc non xanh vẫn chẳng thay
Hạc đồng mây lẻ cặp kè bay
Xuồng câu neo đậu bên bờ liễu
Cầu nhỏ Sư về bóng trăng lay.


2/
      Còn đây nước biếc non xanh
Hạc hoang mây lẻ đồng hành về đâu
      Thuyền neo cạnh liễu ông câu
Dưới trăng nhẹ bước qua cầu bóng sư.


Quên Đi
***
Nước Biếc
1/
Non xanh nước biếc mãi nơi đây
Mây lẻ hạc đồng đã vút bay
Thuyền khách buông câu bên gốc liễu
Trên cầu sư dạo dưới trăng lay.

2/
Non xanh nước biếc nơi này
Mây đơn hạc nội cùng bay thuở nào
Dưới thuyền, bên liễu, khách câu
Trên cầu sư bước lẫn vào đêm trăng.

Phương Hà 
***
Nước Trong Veo

Núi xanh nước biếc đó bao ngày
Hạc chiếc mây đơn có bạn bay
Bờ liễu xuồng con câu bắt cá
Dưới trăng cầu nhỏ bóng sư thầy

Mai Xuân Thanh
***

Vẫn còn đây non xanh nước biếc
Hạc lạc đàn, mây lẽ bay đâu?
Thuyền neo gốc liễu buông câu
Dưới trăng Sư bước qua cầu bóng lay

Song Quang
***
Lục Thủy

Nước biếc non xanh kia vẫn mãi
Mây đơn hạc nội đấy cùng bay
Ngư ông bờ liễu neo xuồng nhỏ
Cầu ngập trăng sư trở gót quay


Kim Phượng
 

Chờ

Đêm đêm mong gặp chiêm bao
Chờ hương áo ngủ chờ màu son môi
Chờ dáng đứng chờ điệu ngồi
Chờ hơi quen thuộc chờ lời mê say

Chờ cưng cho vẽ chân mày
Chờ lưng tình tứ chờ tay gọi mời
Chờ cuối đất chờ cùng trời
Chờ mưa nhè nhẹ biển khơi dạt dào

Chờ trầu thương quấn yêu cau
Chờ từng hơi thở xôn xao xuân hồng
Chờ thu về gió ven sông
Chờ môi rượu ngọt chiều đông đa tình

Chờ nắng ghẹo áo thủy tinh
Chờ thơm hương tóc trói mình buộc ta
Chờ gối bướm chờ chăn hoa
Chờ chân nũng nịu thịt da dỗi hờn

Chờ tay dài móng mới sơn
Chờ cơn lãnh đạm chờ cơn ngọt ngào
Chờ rừng trầm chờ núi sao
Chờ môi khao khát cho nhau dỗ dành

Chờ tươi trẻ chờ mong manh
Chờ vai trốn kiếm chờ vành mi cong
Chờ nhỏ bé chờ mênh mông
Chờ no tròn đến hư không vẫn chờ

Chờ âu yếm chờ tôn thờ
Chờ ôm hạt bụi cuối bờ phù du…

MD 03/22/04
LuânTâm
(Trích trong Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh,
Cơ Sở Hoài Bão Quê Hương xb,CA/USA.2007,tr.139-140)


Bên Dòng Potomac


Sông Potomac là một con sông ở miền đông Hoa Kỳ chảy vào vịnh Chesapeake rồi thông với Đại Tây Dương. Sông dài khoảng 665 km, Hơn 5 triệu người sống trong lưu vực sông. Sông Potomac bắt nguồn từ vùng đông bắc tiểu bang West Virginia và hợp nhất ở quảng dưới thị trấn Cumberland, Maryland. Tàu bè lớn có thể đi lại trên sông Potomac từ cửa biển lên đến thủ đô Washington, D.C.

Phạm Cao Hoàng có bài thơ Khi dừng lại bên dòng Potomac rất hay:

khi dừng lại bên dòng Potomac
em bên tôi vẫn rất dịu dàng
gió lồng lộng cả một trời đông bắc
tóc em bay trong nắng thu vàng
và như thế mình đi và đã đến
mình đã tìm và gặp được dòng sông
tôi ngồi xuống để nghe sông hát
và đứng lên ôm lấy mặt trời hồng…

Ở cạnh dòng sông này, hai tiểu bang Maryland phía bắc và Virginia phia nam cuộn tròn thủ đô Hoa Thịnh Đốn ở giữa, tạo ra một quần thể dân cư đặc biệt của người Việt. Các thành phố sát cạnh nhau nên thường gọi là Người Việt Vùng Virginia, Maryland và Washington DC thành một tổ chức Cộng Đồng.

Truyền thuyết lập quốc của Hoa Kỳ kể về sự lựa chọn khu đất vuông vức được bao bọc từ hai nhánh sông Potomac trên đường ra biển là vùng đất của quận Columbia làm thủ đô, Phía bắc là tiểu bang mang tên vùng đất Đức Mẹ Maria tên là Maryland, và vùng đất bọc phía nam là Tình yêu Đồng Trinh tên là Virginia.

Tôi đến đây và cư ngụ tại đây suốt 26 năm rồi. Quen với cái nắng cháy da vào tháng 7, quen với cái lạnh buốt sương của tháng 2, quen với chạy xe giữa rừng cây gió thổi mù mịt lá vàng bay, hay ngây ngất giữa ngàn trùng hoa đủ loại nở muôn mầu trên các lối đi, trên đồi dưới lũng mỗi tháng 4 của mùa xuân về. Và hơn thế nữa, quen biết và kết thân tình với rất nhiều những con người mà tài năng và tư cách luôn làm tôi kính phục, ngưỡng mộ và ước muốn học theo.

Khi bắt đầu làm tờ tuần báo Văn Nghệ tại đây, việc tìm hiểu người trong vùng, tổng hợp các tin tức kinh doanh và hoạt động dịch vụ đưa tôi vào cái sinh hoạt đều đặn mỗi ngày đều có mặt tại khu thương mại Eden, ở đó, không cần hẹn hò gì, cũng có thể gặp gỡ thật nhiều những người muốn gặp và biết rất nhiều những điều muốn biết hoặc có khi không muốn biết cũng phải nghe.

Trung tâm gặp gỡ nhau của người Việt xa xứ đầu tiên là nằm ở đầu đường Wilson Blvd, thuộc quận Arlington, Nơi đó có cái chợ Pacific, ngôi chợ dựng lên năm 1976, nơi đầu tiên có bán thực phẩm á đông, thực phẩm á đông chứ chưa là thực phẩm Việt nam, nhưng như thế đã là quá tuyệt vời khi tìm thấy gạo, nước mắm, vài thứ rau thơm trồng từ vườn nhà. Pacific là lựa chọn duy nhất của lớp dân cư Việt còn thưa thớt thời đó, cuối tuần là kéo nhau đi chợ, mua thì ít và để thấy mầu da vàng, ngôn ngữ Việt khuây khỏa nỗi nhớ nhà.

Qua đầu thập niên 80, khu vức đó trở thành quá hẹp, một Luật sư người Việt làm cô vấn với một tư sản Do Thái, phát triển một thương xá gần như hoang phế vì ế ẩm nằm cách chợ Pacific khoảng 5 mile để lập thành cả một khu thương xá với vài chục cửa tiệm ăn uống, dịch vụ lấy tên là Khu Thương Mại Eden.

Eden phát triển vượt bậc, từ vài chục rồi lên đến cả trăm và vài trăm các cưả  tiệm. Nhiều nhất là nhà hàng, tiệm vàng, hớt tóc uốn tóc, quán cà phê, bida, chợ thực phẩm việt, lúc đó còn có hai nhà sách tiếng việt là Thế Hệ và Văn Hoa nữa. Sự phát triển kéo theo là tiền thuê nhà tăng cao chóng mặt, các doanh nhân ai cũng than , nhưng chưa bao giờ có một cửa tiệm nào bỏ trống, cứ tiệm này vừa đóng thì ngay tháng sau có người mới vào mở. Nằm ở thành phố Falls Church, gần với xa lộ vòng đai 495, nối các tiểu bang Virginia, Maryland và Washington Dc, người Việt nghiễm nhiên coi khu thương mại Eden như một trung tâm tụ hội gặp gỡ suốt tuần. Nơi đó, chẳng những là nơi mọi người hẹn gặp nhau uống ly cà phê , ăn bát phở nóng chuyện trò tán gẫu mà còn là nơi dễ hẹn của các bạn hữu từ phương xa ghé thăm Hoa Thịnh Đốn (có khi là việc gia đình, kết hợp thăm bạn cũ, có khi để tham dự các cuộc hội thảo diễn ra tại đây, có khi đến xem hội Hoa Anh Đào, hoặc các bảo tàng viện cấp quốc gia và vô vàn thắng cảnh tuyệt đẹp mà đôi khi , chính người địa phương cũng không biết tới) Các bạn phương xa đó, khi xong  những việc riêng tư, chỉ cần một cú điện thoại nhắn nhau, là thay vì phải đi thăm từng người, thì chỉ ra Eden là gặp gỡ rất nhiều người.

Nhưng lợi điểm đó, chỉ kéo dài khoảng mươi, mười lăm năm. Từ 1995, rất nhiều hàng quán, văn phòng bác sĩ luật sư, cơ sở dịch vụ đã mở rộng khắp các thành phố chung quanh. Ăn món ăn Việt không cứ chỉ ra Eden, mà gần thành phố nào chung quanh như Annadale, Fairfax, Falls Church. Arlington, Washington DC… đều mọc lên các nhà hàng món ăn Việt nhưng tổ chức và trang trí sang trọng nhằm vào người Mỹ, Hàn, Phi, Hoa…Nhưng dẫu sao, Eden Center vẫn là nơi sầm uất nhất, đông đảo nhất và dĩ nhiên là quen tên nhất.

Phở Xe Lửa có lẽ là nhà hàng nổi tiếng liên bang. Từ California ở cực tây, hoặc Canada ở cực bắc, bạn hữu văn nghệ khi hẹn gặp nhau ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, thì thế nào cũng nhắc tới Phở Xe Lửa. Vào thời kỳ toàn thịnh ở khu Eden là khoảng 1992-1997, Phở Xe Lửa mỗi ngày có thể bán khoảng 500 tô phở, giá 7 đồng một tô, bình quân con số sẽ là 105 ngàn/tháng. Xin ghi chú rằng, giá một căn nhà ba phòng ngủ tại đây lúc đó chỉ khoảng 120 ngàn. Địa điểm này ghi lại dấu chân những văn nghệ sĩ cư trú trong vùng thường xuyên có mặt như Đinh Cường, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nguyễn Túc, Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Bỉnh Trung, Nguyễn Ngọc Bích, Trương Anh Thụy, Phạm Thành Châu, Hoàng Song Liêm, Hồng Thủy, Lãm Thúy, Lê thị Ý, Lê thị Nhị, Lê Thiệp, Uyên Thao… nhiều lắm không thể nhớ hết.

Như những cánh bèo trôi dạt, gặp gỡ nơi đó chuyện trò thăm hỏi và lại tan tác chia xa, nhưng lại nảy sinh ra từng nhóm bạn nhỏ năm bẩy người tự thấy hào hứng khi gặp gỡ và thèm muốn gặp lại, kết thân hơn và khắng khít với nhau lâu dài, như Hà Bỉnh Trung với Câu lạc Bộ Văn Học vùng Hoa Thịnh Đốn, Lê thị Nhị, Hồng Thủy, Lê thị Ý với tạp chí Kỷ Nguyên Mới, Lưu Nguyễn Đạt, Nguyễn thị Ngọc Dung với Tam cá Nguyệt San Cỏ Thơm…

Trương Vũ là một khoa học gia làm việc tại Nasa, là một Họa sĩ tài ba, Ông là Đồng Chủ Biên tuyển tập văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên đồng chủ biên tập san Việt Học The Vietnam Review của đại học Yale (1996- 1998). Nguyên chủ bút tạp chí Đối Thoại, California (1993-1994). Hợp tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương (giấy và mạng) như Văn Học, Hợp Lưu, Văn..

Ộng được nhiều người quý mến vì tư cách, vì kiến văn rộng rãi và chất nghệ sĩ lãng mạn trong giao tế. Nơi ông cư trú cũng là nơi ông dùng làm Studio vẽ tranh và lại là một địa điểm rộng rãi lý tưởng cho các buổi họp mặt. Sau cái thời mà người ta hẹn gặp nhau ngoài quán xá chuyện trò ngắn ngủi mang tính chất thăm hỏi, tới lúc những người ý hợp muốn có một một nời trò chuyện sâu hơn, đã có những điểm gặp như ở nhà Phạm cao Hoàng, nhà Nguyễn Quang, nhà Nguyễn Tường Giang, nhà Nguyễn Thị Thanh Bình.. thì địa điểm thường được chủ nhận chào đón chính là Studio Trương Vũ.

Không phải thường xuyên, nhưng năm ba tháng, cảm thấy nhớ và thèm ngồi cạnh bên nhau, là có một hẹn hò, như có lần, ghi lại kỷ niệm bằng một bài “Không phải là thơ” như thế này:

Qua rồi mùa u ám
Đông trôi đi theo cơn mưa rả rích suốt đêm qua
Thư mời gửi đi từ Trương Vũ: “Chúng ta có truyền thống không trả lời nếu sẽ đến, và tôi không chờ đợi một hồi âm nào.
Thế mà Nguyễn Thị Thanh Bình phá lệ trả lời rằng sẽ đến, sẽ đến đúng giờ
Thế mà tôi cũng không nén được sự háo hức bằng một phá lệ trả lời là sẽ đến.
Ngồi quanh bàn thật nhiều món ăn Việt Nam do Thiên Kim dậy từ sáng sớm để thực hiện
Nguyễn Mạnh Hùng vừa từ Singapore  đem về câu chuyện đất nước nhỏ, đẹp, an toàn, giàu có ở phương đông.
Đặng Đình Khiết xúc động nói về Philippines vào cái ngày nhận được hung tin từ điện thoại gọi trên chuyến bay từ Mỹ đến Manila. Bàng hoàng và đứng không vững.
Phạm Nhuận kể chuyện người thiếu nữ tạo nguồn cảm hứng cho Trịnh Công Sơn viết Như cánh vạc bay.
Đoan Trang tâm sự về dân nhạc, về sự thăng hoa của bài Phụng Vũ với tiếng sáo thần Nguyễn Đình Nghĩa.
Nguyễn Quang vẫn rất ngây thơ hỏi những điều chẳng ai dám trả lời.
Qua rồi mùa đông u ám  và buồn của nhóm bạn bè chung.
Hôm nay ngồi nghe, và thi nhau kể chuyện "đời xưa"
Nói tới Duyên trong thơ Nguyễn Tất Nhiên, tới Dao Ánh trong nhạc Trịnh Công Sơn, Thương trong thơ Hàn Mặc Tử.
Tiếng cười  hồn nhiên của rất nhiều thanh niên quá lứa.
Trương Vũ tâm sự rằng anh rất thích vẽ chân dung, nhất là những người một thời ghi dấu thân tình trong dòng đời.
Ghi lại cái thần bạn hữu còn có nghĩa ghi lại cái tình chia sẻ với nhau.
Và lần này,  qua nét cọ của người họa sĩ tài hoa màu vàng Hoa Cúc là màu vàng nền nã trên áo của Cúc Hoa.
Khuôn mặt phúc hậu và tia nhìn hiền hòa trong tranh giữ lại được toàn bộ cái chất riêng tư đằm thắm Cúc Hoa.
Ngày hôm qua, chính thức xuân về, với mùa lễ hội Hoa Anh Đào. đâu chỉ có Anh Đào, và rực rỡ bên đường còn là hồng thắm Hoa Mộc Lan, vàng chanh, tím đỏ , trắng xanh của quá nhiều loại cây đồng loạt ra hoa mà tôi không biết hết tên.
Nhưng chắc nhiều người trong bàn cũng như tôi sẽ nhớ xuân này với màu vàng Hoa Cúc.”

Những tụ hội ở nhà Trương Vũ thì nhiều không kể xiết, những lần ghi lại trong lòng nhiều kỷ niệm như gặp để xem và tập vẽ tranh với Họa Sĩ Rừng (Nguyễn Tuấn Khanh), gặp Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn đến từ Úc Châu, gặp Du Tử Lê từ California, gặp Trịnh Cung và cô vợ trẻ đến từ Việt Nam với lời khẳng định “Chính cô ta chủ động đến với tôi”. Lần gặp đông nhất với anh chị Quán Văn đến từ Việt Nam như Nguyên Minh, Đoàn văn Khánh, Trương văn Dân, Elena Pucillo, Thân trọng Minh cùng với Trần Doãn Nho từ Massachuset, Lữ Quỳnh về từ California, tụ hội với anh chị em vùng Hoa Thịnh Đốn như Đinh Cường , Trương Vũ, Phạm Nhuận, Phạm cao Hoàng, Nguyễn Tường Giang, Phùng Nguyễn, Nguyễn Quang, Nguyễn thị Thanh Bình, Nguyễn Minh Nữu, Bạch Mai, Đinh Từ Bích Thúy, Nguyễn Đình Vinh…

Những lần đó, là những lần mở được mắt ra để thấy rất nhiều những chân trời, mở được lòng ra để thấy bao la tình bằng hữu. Được kết giao và được hòa được mình vào sức sống nhiều người.

Khi Đinh Cường còn, và nhất là giai đoạn năm bẩy năm trước khi mất, bạn  phương xa đến thăm ông thật nhiều, không thể tiếp tại nhà, nên Đinh Cường thường chọn Saigon Quán làm nơi đón khách, và bao giờ cũng rủ tôi và Phạm cao Hoàng cùng tiếp khách với ông, đó là Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp từ Texas, Họa sĩ Nguyễn Quang Chơn, Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, Nhà thơ Viên Linh, Họa sĩ Trịnh Cung, Họa sĩ Nguyễn Đình Thuần, Nhà thơ Lữ Quỳnh...Những gặp gỡ đó, mở ra rất nhiều mối liên lạc giữa anh em cầm bút với nhau.

Còn góc riêng của chia sẻ tâm tư, lắng nghe và sọi rọi chính mình lại là những tụ họp nhỏ, chỉ là năm ba người. Như lần ở nhà Phạm cao Hoàng. Nghe Nguyễn Trọng Khôi kể về chương trình làm việc thường ngày, sáng ngủ dậy, mang giầy vào, chạy bộ, và giữ luôn tư thế sẵn sàng làm việc cho Vẽ, cho Đọc, cho Viết, đến khi chiều xuống mới tháo giầy ra để thư giản như xong một ngày lao động hết lòng.

Như lần ở căn biệt thư bên hồ của Nguyễn Tường Giang, hậu duệ của Tự Lực Văn Đoàn , tác giả Khói Hồ Bay do Thạch Ngữ xuất bản 2012, để nghe kể thời làm tạp chí Văn Chương (1973) và những kỷ niệm lúc thực hiện Tuyển tập Truyện Ngắn Hay Nhất năm 1973.

Một tuyển tập 10 truyện ngắn hay nhất thời bấy giờ mà cho tới nay, vẫn là một tuyển tập xuất sắc nhất về truyện ngắn Việt Nam.

Hay là những buổi rất gọn chỉ có ba anh em Trương Vũ, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Minh Nữu để nghe Trương Vũ tâm sự là một người giỏi Toán,yêu Toán, ra trường đi dạy Toán và những mối dây kỳ lạ của Toán với Văn Chương.

Hay có lần cùng với Trần Thị Nguyệt Mai, vợ chồng Tùng và Duyên trong một vòng tròn thân mật, hỏi Tùng về Nguyễn Tất Nhiên và những  bài thơ viết về Duyên của ông ấy để nghe Tùng rất nhẹ nhàng thỏa mái khen ngợi hết lòng những vần thơ trữ tình của chàng thi sĩ bạc mệnh. Người đã xuất bản cả một tập thơ để viết về một người con gái mà chàng quen chứ chưa từng làm người yêu. Và đó là phu nhân của Tùng bây giờ.

Lại nhớ một lần được mời tới nhà Phạm cao Hoàng, đến nơi có Đinh Cường, Đinh Trường Giang, và Trần Thị Nguyệt Mai từ Ohio đến, đem theo món quá đặc biệt cho Đinh Cường. Tập thơ Cào Lá Ngoài Sân Đêm do nhóm bạn gồm Nguyệt Mai, Phạm cao Hoàng, Trần Hoài Thư kín đáo thực hiện làm quà sinh nhật cho anh. Đôi mắt Đinh Cương rưng rưng

người ra ngoài hiên sau
quét dăm ba cành lá
gạch lên màu rêu xanh
lâu không có ánh nắng
vào ngồi trong tịch lặng
đất trời sao buồn thiu
nói gì đi ánh trăng
trời xám mù không thấy
trời xám mù và tôi
một ngày không tiếng nói
nhớ tiếng kèn đồng thổi
đêm nào trong quán xưa
hôm nay một ngày mưa
cám ơn nhận thùng sách

Sẽ không thể kể ra, hay ghi lại hết được đâu những người anh, những người bạn của tôi đang sống ven dòng sông Potomac này. Nó bàng bạc như lớp khói trên sông, mà lúc nào cũng có cảm giác ấm áp như vẫn luôn có nhau trong mọi cuộc đổi dời.

Lâu lắm rồi đó, cả hơn năm nay không có dịp tụ hội với nhau, dù ở rất gần nhưng đành chấp nhận liên lạc với nhau qua điện thoại, thực lòng khao khát lại được sống như ngày xưa, ngồi lại bên nhau, dù chỉ là:

ngồi bên nhau giọt rượu cay trong mắt
ngồi bên nhau cùng nhớ một quê nhà
quê nhà thì xa mây thì bay qua
đời phiêu bạc như những đám mây trôi giạt.
(Thương nhớ Ngựa Ô, thơ Phạm cao Hoàng)

Nguyễn Minh Nữu

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Melbourne Cuối Xuân...

  

Cuối xuân rồi xuân vẫn xuân
Hoa khoe nhan sắc bâng khuâng gợi tình
Đong đưa nắng sớm lung linh
Kề vai thủ thỉ yêu mình khôn vơi!


Thơ & Hình Ảnh: Kim Oanh
Melbourne cuối Xuân 30/11/2021

Hoa Mộng

(Ảnh: Kim Phượng)
Ngơ ngẩn đường hoa sắc trắng tươi
Nụ xuân thanh thú hé môi cười
Vờn trong nắng ấm bao ong bướm
Trêu cợt xem chừng chẳng hổ ngươi

Giây phút bâng khuâng chợt cảm hoài
Hoa lòng hằng tưởng mộng tương lai
Nâng hoa tìm thấy trong sâu thẩm
Rực rỡ cho đời buổi sớm mai

Kim Phượng
Một Ngày Cuối Xuân Úc Châu 30.11.2021

Buồn Vào Đông


Tay xao dòng tóc hao gầy
Nghe không gian rụng trắng đầy sương pha
Buồn vào đông đậm rét qua
Sợi xuân xanh rụng bóng tà huy bay

Đông về lạnh thấm qua tay
Nhớ bờ vai nhỏ bóng ai qua cầu
Dòng sông xưa vẫn nhiệm mầu
Còn in cái bóng ban đầu vào tim

Đông về trời đất lặng im
Con tim hóa đá tận niềm đơn côi
Cô đơn đến độ bồi hồi 
Sầu xưa chín rụng trái đời héo hon

Ta giờ như chú dơi con
Ôm tình băng giá trong cơn ngủ vùi
Ngược đầu mặc gió sương rơi
Nghe lòng biển động bên trời vô ngôn

Bằng Bùi Nguyên

Quê Hương


Thiên nhiên sông nước hữu tình
Đậm đà duyên dáng bóng hình quê hương
Miền Tây yêu mến tôi thương
Sông Tiền sông Hậu hai phương một nguồn
Bà con buôn bán trên xuồng
Tàu ghe tấp ngập theo luồng nước sông
Biết rằng nỗi nhớ đợi trông
Trở về xứ Việt ta mong ước nhiều

Huỳnh Phương Trạch

Cảm Khái


Ta mót rừng thương tiếng nỉ non
Xòe tay lại chạm ý vuông tròn
Cầu vồng bẩy sắc lung linh đảo
Sóng vỗ Kim Cương đá mấy hòn (1)
Một thuở làm trai nung chí lớn
Già nua đau đó đã quy hồn
Mấy ai được thỏa như Thầy Vũ (2)
Tiết tháo kinh luân, chí sắt son


Chung Văn
26/11/2021
(1) Mỏm Diamond Head soi mình trên sóng nước Thái Bình Dương nổi tiếng của TP Honolulu, Hawaii
(2) Tang lễ giáo sư Vũ Quốc Thúc cử hành ngày 25/11/2021 tại Pháp, hưởng đại thọ 101 tuổi.

Chiện "Đàn Con Nít" Ở Mỹ

Truyện vui tếu của Ca Nước Đá


Hôm nay đã cuối tháng ba mà tuyết vẫn còn dày đặc, trắng xoá trên vạn vật, phải công nhận đẹp vô ngần, gió thổi làm bay nhè nhẹ những bông tuyết trắng tinh, có cái gì đó an bình, thanh tịnh, nếu bạn không sống ở đây quanh năm, bạn sẽ xuýt xoa trầm trồ, nhưng tui và mọi người dân thì quá chán chường, chỉ thấy những bất lợi mà nàng công chúa Bạch Tuyết mang đến thôi, chỉ cầu mong được những ngày nắng ấm, bỏ chân trần, mặc áo ngắn tay, nhẹ nhàng tung tăng trong nắng, hay chạy xe đạp 1 vòng, nướng BBQ, vừa nằm đong đưa trên võng vừa tám với bạn bè giữa trưa hè, dưới balcon đón nắng, thèm màu xanh biên biếc thay cho màu trắng xoá hay xám xịt... thèm dạo chơi những đêm hè, đi du ngoạn dưới núi đồi thênh thang. Ước mơ nhỏ bé chỉ vỏn vẹn có chừng đó thôi vậy mà...

Tuyết ơi đến nữa thêm buồn
Mong hè, em bắt chuồn chuồn làm vui
Tung tăng xe đạp dạo chơi
Trưa đưa nhịp võng à ơi... ơi à

Tối qua tui nhận được những tấm hình của thằng quý tử đi công tác tận trên miền Bắc Cực xa xôi hẻo lánh, úi mèn đét ơi! sao lạnh lẽo quá, tui phát run nè, xứ gì tứ bề chỉ thấy toàn trời, mây và tuyết...

- Ơi cái thằng khỉ!, chắc nó nghĩ ở thành phố thấy tuyết chưa đủ hay sao á! Ừa mà tui nghỉ cũng lạ ghê chứ, ủa! Mà hỏng muốn thấy hình tuyết thì mình chờ coi gì đây ta, hỏng lẽ muốn xem các nàng tiên Eskimo đang bắt cá Ngừ hay mấy con hải cẩu đi lẹt đẹt như con vịt bầu miệt ruộng quê tôi ...hihihi ... Nhưng nghỉ vậy chứ thấy thương thương con trẻ gì đâu (lại nói chuyện huề vốn nữa nghen), bạn có tin là cái xứ này có hôm trời lạnh xuống trừ 90 độ âm không (-90) ... gruwffff ,... rượu Cognacs rẻ hơn nước lạnh và sữa vv...

- Thôi mà má ơi có hình là vui rồi, an tâm mẹ già chưa hả ... (trong đầu cha mẹ thì con lúc nào cũng trẻ chứ thực ra nó cũng già chát khú đế rồi)...

Sáng ngủ dậy bên tách cà phê thơm nóng, sao thấy ấm lòng gì đâu á. Căn nhà thật yên tịnh, không tiếng trẻ con, chẳng tiếng nhạc ồn ào, vắng bặt tiếng động của đám bạn các con tới nhà ngủ và sáng khi mình còn đang nướng thì tụi nó đã líu lo như bầy chim vở tổ của khoảng chục năm về trước. Giờ vì gia đình, vì công ăn việc làm nên tụi nó tứ xứ, ít còn gặp nhau như trước. 
Tất cả dòng đời đó nó làm mình chợt suy nghĩ: 
Y như lúc anh chị em mình còn sống với cha mẹ. Các con mãi đi tha hương viễn xứ. Chắc cha mẹ cũng canh cánh bên lòng, có nỗi lo nào to lớn bằng? Hỡi ơi! Cha mẹ một đời của con...

Quê hương tôi đau thương chinh chiến
Muốn an bình, nào có được yên
Giặc đỏ về khổ nạn triền miên
Con đi viễn xứ tận miền xa
Cha mẹ lo, đêm cầu nguyện cho ta. 
Rồi trăn trở... trở trăn rồi buồn bã

... thế là tui lại viết... kể tiếp chuyện vui nha bà con, hỏng được ngồi đó than vắn thở dài là con bệnh thừa cơ hội tiến lên đó... chuyện:
Bà quại ăn trầu
Nhớ lúc mới bảo lãnh má tui qua, anh em tụi tui đã dặn dò kỹ càng, vậy mà má tui vẫn khư khư ôm cái giỏ ăn trầu, nhứt định không bỏ lại quê nhà, vừa đón ở phi trường thằng con tui độ khoảng 4 tuổi, cứ nhìn bà ngoại mà không dám lại gần, nắm chặc tay tui nói khe khẻ...
- Má, má chắc bà quại mới đi ông nha sĩ nhổ găng nên cái miệng còn xưng và chảy máu kìa
Quá bất ngờ tui thiệt hỏng biết trả lời sao
Rồi cháu ở nhà với bà những lúc tui đi cày. 
Bữa nọ vừa đi làm về, tui thấy cháu khóc sướt mướt, vừa thấy mặt tui là nó vụt chạy ào tới và nói nhanh:
- Má, má ơi, mau gọi xe cứu thương đi, bà quại bị bệnh máu chảy ở miệng hoài còn nhổ máu vô cái lon thấy ghê con sợ quá, huhuhu ...
Thiệt là tội nghiệp khi cháu thấy bà ăn trầu, nhả bã và nước trầu đỏ vô cái bình nhỏ (cổ trầu) mà cứ tưởng bị bệnh nặng lắm rồi. Vậy là má tui hiểu, thương cháu, muốn gần gũi cháu nên bà chia tay bỏ hẳn không ăn trầu nữa. 
Thiệt là tình tui thương bà, thương cháu quá đi.

Con Papa
Má tui qua đây ban ngày con cái đi làm hết, lại không rành ngôn ngữ nên bà trông cháu cho vui và cháu được cơ hội học tiếng Việt luôn (2 ngày trong tuần) ngày khác cháu đi nhà trẻ. 
Lúc đầu hể muốn gì thì bà cứ nói tiếng Việt. Cháu nói tiếng Tây, tiếng quốc tế, 2 bàn tay hữu dụng vô cùng, rồi cũng ok 2 bà cháu vui vẻ thương yêu lắm lắm thí dụ bà chỉ tay vô miệng rồi nói
- Nè con ăn mì gói hông? Ngoại làm.
- Oui oui bà quại
Cháu coi tivi xong, vừa khua tay múa chân, hay làm bộ khóc rấm rức hỏi:
- Bà quại coi phim võ hiệp hay coi cải lương hông?

Lại bữa nọ tui vừa mở cửa vô đã nghe cháu và bà cải nhau quá chừng, mạnh bà tiếng Việt, mạnh cháu tiếng Tây, tui lắng nghe và cười quá xá. 
Chuyện là vầy nè: 2 bà cháu coi tivi
Họ đang cho coi 1 con rùa sanh con. Bà buộc miệng nói:
- Con ba ba sanh con đó.
Thằng nhóc tức tối nói bằng tiếng Tây:
- Bà quại! Ở trường nói chỉ có con maman mới sanh được thôi.
- Không phải! Nó là con baba mà.
- Hổng phải con papa đâu, mà là con maman mới sinh con được mà quại.
Hihihi ... hahaha .... bà cháu ơi nghe nè ...

Trứng nâu
Tui thì luôn mua bánh mì nâu (whole wheat bread, pain de blé entier) để ăn sáng, vừa bổ vừa ngon, nhưng các con không thích vì nói có mùi hăng hắc nhưng vẫn phải ăn, ngày nọ vừa đi chợ về, tui nhờ tụi nó giúp mình cất đồ vô tủ lạnh, đang đứng trong bếp chuẩn bị buổi cơm trưa thì nghe thằng con la lên:
- Ồ no .... Chết gồi má lại mua trứng nâu (whole wheat egg œuf de blé entier) ... huhuhu .... ăn hổng ngon má ơi, ngán lắm, mua cái trắng đi ...
Khakhakhakha, thì ra bữa đó tui đã mua trứng gà nâu thay đổi.
Thiệt là tình chuyện "đàn con nít" nói hoài hổng hết, xin hẹn các bạn lần sau nha.

Trúc Lan KTP