Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Thuở Theo Nhau - Sáng Tác: Hoàng Chính Nghĩa & Hoàng Quốc Bảo - Ca Sĩ: Thái Hiền & Mai Hương


Sáng Tác: Hoàng Chính Nghĩa & Hoàng Quốc Bảo
Ca Sĩ: Thái Hiền & Mai Hương
Thực Hiện: Hoàng Khai 
Nhan

Kiếp Hoa

 

Nửa đời hơn sống với cô đơn
Khao khát tiếng yêu để dỗi hờn
Một kiếp hoa sầu ôm phận số
Tạ người trả lại chữ keo sơn

Lầm lũi môt mình đi dưới mưa
Vùi trong giá lạnh chút hương thừa
Lá thu còn đắm lòng thi sĩ
Ta đã... mong gì chuyện đón đưa


Kim Phượng


Bốn Mươi Chín Năm

 

Saigon ơi… Saigon ơi
Làm sao quên được ngày vui thủa nào
Ngây thơ với mộng dạt dào
Chân chim nhẹ bước gửi trao sân trường

Yêu kiều tha thướt dáng hương
Vương tơ kết mối tình vương ngọt ngào
Dìu nhau dưới tàng me cao
Áo vương theo bước chân trao hữu tình

Giã từ mái ấm trường xinh
Mang bầu nhiệt huyết trọn tình hiến dâng
Quê hương tiếng gọi tuyệt trần
Sáu năm phục vụ chuyên cần thiết tha

Nào ngờ bão tố phong ba
Của phường cộng phỉ nước nhà tan hoang
Nổi trôi vận nước đa đoan
Chín năm nếm đủ gian nan nhục nhằn

Vượt qua sóng gió biển đông
Tự do tìm được nhưng lòng vẫn đau
Bốn mươi năm đất khách này
Vọng về cố quốc tháng ngày nhớ thương

Saigon mãi mãi trong tim
Đợi ngày quang phục niềm tin cộng hoà
Saigon mãi ở trong ta
Thanh bình phố cũ chan hoà tình thương.

Ý Nhi


Thả Hồn Vào Đá, Thì Thầm Cùng Đá - Dropping Soul Into Stone,Whispering With Stone (Trần Việt Long & Kim Oanh)

 

1/ Thả Hồn Vào Đá

Ai đã thả hồn vào đá
Mà nghe thương nhớ mênh mông
Dáng xưa sân trường thuở nọ
Thướt tha ghi mãi trong lòng


Trần Việt Long
***
Bản Dịch:

Dropping Soul Into Stone

Who put the soul into stone?
My memory remains strong,
Your image in the schoolyard,
In my heart, you're known!

Trần Việt Long

2/ Thì Thầm Cùng Đá

Hồn ai chạm vào lòng của đá
Đêm trở mình biển cả gọi tên
Gió thì thầm lời hát dịu êm
Hòa nhịp sóng tràn thêm nhung nhớ
Như tình yêu đầu đời vừa nở
Khắc vào tâm muôn thuở chẳng phai!

Kim Oanh
***
Bài Dịch:

Whose soul touches the heart of stone,
At night, the ocean calls,
The wind whispers a gentle song,
Joining the waves, overflowing with missing all,
Like first love just blooming,
Engraved in my heart forever and never gone!

Trần Việt Long

 

Bí Quyết Làm Vườn


Làm ruộng cũng như làm vườn,
Bốn điều cần thiết thông thường như sau:

Nhất Giống:

Thứ nhất, chọn giống làm đầu!
Giống là mầm mống hoa mầu nảy sinh,
Con người dù mấy văn minh,
Tuy nhiên “mầm sống” kết tinh bởi Trời!

Nhì Phân:

Thứ nhì, phân bón kịp thời,
Cây cần phân cũng như người cần ăn!
Phân tốt, cây cối lên nhanh,
Thiếu phân, cây sẽ khô cằn hư hao.

Tam Cần:

Thứ ba, là sức cần lao,
Bắt sâu, nhặt cỏ, xới đào luống mương...
Ruộng vườn, một nắng hai sương,
Mồ hôi dổ xuống, ruộng vườn tốt tươi,

Tứ Nước:

Cây cần ánh sáng mặt trời,
Cũng như cần nước, âm thời phù dương.
Muốn hoa trái được phương cường,
Phải chăm tưới nước, thông thường phủ phê!

“Giống, Phân, Cần, Nước” trọn bề.
Ấy là bí quyết của nghề canh nông!

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia
 

Gốc Anh Đào Kiên Cường



Là cư dân trong vùng Hoa Thịnh Đốn, tôi cảm thấy rất may mắn vì năm nào cũng được ngắm cảnh đẹp của mùa hoa anh đào dọc theo Tidal Basin. Những cánh hoa đào hồng nhạt trong thời gian nở rộ thường mê hoặc tôi, cho tôi cảm giác như mình lạc vào chốn thiên thai trong những giấc mơ đẹp.

Hàng năm, hễ mùa Xuân đến, hoa anh đào nở,tôi thường đến đây ít nhất một hay hai lần để thưởng thức và chụp hình. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là lần nào tôi cũng ghé thăm “Em”, một Gốc Anh Đào rỗng ruột, toàn thân khô mục nhưng vẫn không buông bỏ, vẫn duy trì chút ít nhựa sống nở hoa.


Tôi gọi “Em” là “Gốc Anh Đào Kiên Cường” bởi vì với tấm thân tàn tạ, không được nhiều sức khỏe như những cây cùng thời, vậy mà năm nào “ Em” vẫn cố gắng sản sinh những đóa hoa để cùng góp phần cùng “bạn” gần đấy tạo nên cảnh đẹp ven hồ.

“Em” đã thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch và dân địa phương. Bằng trí tưởng tượng của mọi người, “Em” có thể là “Chàng”, là “ Nàng”, là “ Anh”, là “Chị”… nhưng trong tất cả “Em” là biểu tượng của sự kiên trì, chịu đựng, lòng quả cảm, vượt khó để phụng sự cho nhân loại những gì tươi đẹp nhất mà “Em” có thể.

Sự kiên cường của “Em” đã làm tôi liên tưởng đến những người trong tình trạng sức khỏe suy yếu từng ngày mà vẫn cố gắng làm vui cho đời, giúp ích cho người.
“Em” đã làm tôi thú vị khi thấy “Em” vẫn đều đặn hiến dâng cho đời những đóa hoa đẹp hàng năm. Cho dù những đóa hoa mong manh, dễ tàn phai trong thời gian ngắn ngủi, chúng đã từng làm đẹp và làm vui mắt người trước khi rơi xuống đất và tan biến đi.


Năm này qua năm khác, từng mùa từng mùa qua đi, “Em” kiên cường vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt của ngập úng, gió mưa, tuyết lạnh … chỉ để mọi người thấy “Em” vẫn còn sống và vẫn duy trì ra hoa.

Thế mà bây giờ, số phận của em chẳng khác nào như những cánh hoa đào dễ tàn phai. Do sự biến đổi của khí hậu, triều cường của bờ hồ ngày càng dâng cao hơn, và sự ngập úng ven hồ ngày càng trầm trọng, khiến cho chính phủ Hoa Kỳ lên kế hoạch dời hơn trăm gốc hoa đào ven bờ Tidal Basin để kiến thiết lại bờ đê ngăn nước.
Theo kế hoạch,“Em” sẽ là một trong những cây Anh Đào bị dời đi. Đây là tin khá buồn khiến cho nhiều người đến thăm “Em” lần cuối với những đóa hoa hồng tạm biệt hay những tấm hình kỷ niệm.

Riêng tôi, “Em” mãi mãi là hình ảnh đẹp trong tâm trí. Và khi nhớ về “Em”, tôi sẽ kiên định hơn về cách phụng sự cho đời.


Cung Thị Lan


Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2024

Chúc Mừng Kỷ Niệm 50 Năm Ngày Cưới - Đức Hùng & Thủy Tú

(Kim Oanh kính chúc anh chị Đức Hùng&Thủy Tú mãi mãi hạnh phúc như ngày đầu!)

Thơ:Đức Hùng. Phụng, Dung
Trình Bày: Kim Oanh
 

Cảm Ơn Chúc Mừng Của Kim Oanh!

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ chúc mừng của Nữ Sĩ Kim Oanh 
cho Đám Cưới Vàng của Đức Hùng và Bà Xã!)

Xin cảm ơn chúc mừng của người Nữ Sĩ!
Cách thức “rất là Kim Oanh”! Tế nhị, sâu sắc mà lại rất đơn sơ!
Đem bài Hát Nói của “đối tượng” lên Trang Thơ!
Cùng với Thơ Chúc Mừng của Mường So Đèo Văn Trấn!

Nghệ thuật trình bày làm phấn chấn!
Tâm tình diễn tả khiến bàng hoàng!
Kiểu chữ cuồn cuộn như giăng tơ! Màu sắc đẹp, sang!
Trong khung cảnh nên thơ ấy, “nhả tơ” vàng nói chúc!

Chỉ một câu thôi mà tràn đầy cảm xúc!
Nét thanh cao như Tùng, Cúc, Lan, Mai!
Hương nồng thoảng mãi không phai!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 06/04/2024
***
Lời Chúc Mừng Từ Úc Châu!

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ Đồng Môn QGHC Đặng Văn Hiền và Phu Nhân đã gởi lời chúc mừng Đám Cưới Vàng của Đức Hùng và Bà Xã!)

Chúc mừng từ Úc!
Hình như là duy nhất! Thật xúc động, tri ân!
Đặng Văn Hiền luôn cởi mở, ân cần!
Chuyện thế giới, đạo pháp, trong nhà, ngoài sân. . .! Đều quan tâm, mẫn tiệp!

Suốt kiếp bồi tân nên sự nghiệp!
Tròn đời cứu độ đạt phương danh!
Từng đại diện cả Úc Châu dự Hội Nghị Toàn Cầu Về Tôn Giáo! Quan trọng đã đành!
Mà việc Hội New South Wales, Úc Châu vẫn dành tâm hỗ trợ!

Cảm ơn Anh Chị Hiền đã chúc mừng niềm nở!
Tình Nghĩa Đồng Môn thật đẹp! Òa vỡ như hoa chào đón mùa Xuân!
Chân tình quý mến, tương thân!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 07/04/2024

***
Cảm Ơn Chúc Mừng Của Huynh Trưởng Lâm Hữu Trãi!

(Bài hát Nói cảm ơn và đáp lễ chúc mừng của Huynh Trưởng QGHC Lâm Hữu Trãi cho Đám Cưới Vàng, năm mươi năm thành hôn 1974 – 2024 của Đức Hùng và Bà Xã!)

Cảm ơn Huynh Trưởng Lâm Hữu Trãi!
Lời chúc mừng Đám Cưới Vàng ân cần chu đáo! Mãi mãi không quên!
Một Đàn Anh Quốc Gia Hành Chánh tâm trí, tư cách, đức độ vững bền!
Dù đã da mồi, tóc hạc, vào ra bệnh viện thường xuyên, mệt nghỉ!

Một tiếng thăm nom vang thế kỷ!
Đôi lời chúc phúc vẳng thiên thu!
Thật không hổ danh là bậc thực học, biển thánh, rừng nhu!
Cư xử đẹp như nét Thủy Mạc Thư Pháp mực nho Bắc Thái thơm đặc thù, “gây nghiện”!

Bác học, đa văn! Vẫn âm thầm xem xét, coi nhìn mọi chuyện!
Quan, Hôn, Tang, Tế! Dẫu không tiện đến nơi cũng gởi lời thăm, chúc ân cần!
Không hề “tham phú phụ bần”!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/04/2024
30 Tháng 2 Âm Lịch Năm Giáp Thìn, Ngày Nhâm Dần. Hành Kim, Trực Khai, Sao Tâm. Cát Thần : Thập Linh, Thiên Đức, Nguyệt Đức.
Trai Đinh, Nhâm, Quý đa tài!
Võ, Văn, Quân, Chính, Đông, Đoài lược thao!

***
Cảm Ơn Tỷ Trưởng Sương Lam!

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ lời chúc mừng Tỷ Trưởng QGHC Sương Lam cho Đám Cưới Vàng của Đức Hùng và Bà Xã)

Xin chân thành cảm ơn Tỷ Trưởng!
Sương Lam! Gởi lời chúc thanh cao ngất ngưởng và bánh năm mươi năm Đám Cưới Vàng!
Đẹp toàn diện! Mầu bánh thật trang nhã, tươi sang! tuyệt phích!

Một Cõi Thiền Nhàn đang đến đích!
Đôi lời chúc tụng đã tìm nơi!
Nụ cười vui bất tận của Sương Lam làm sáng rực cả đất trời!
Biến nguy thành an, khó thành dễ, tắc hóa thông, chơi mà thật!

Đem vô vàn lợi ích cho những ai có duyên phước chân tình thân mật!
“Lây lan” cực lạc, hừng chí, vượt qua tất cả trở ngại trùng trùng!
Tinh thần thơ thới, ung dung!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/04/2024
30 tháng 2 Âm Lịch Năm Giáp Thìn, Ngày Nhâm Dần. Hành Kim, Trực Khai, Sao Tâm. Cát Thần: Thập Linh, Thiên Đức, Nguyệt Đức.
Gái Đinh, Nhâm, Quý thiên tài!
Đảm đang, bương chải, trong ngoài ấm êm!




Chúc Mừng Kim Khánh Hùng Tú

 
KIM KHÁNH hân hoan làm kỷ niệm
Xin chúc mừng Loan Phụng Hòa Duyên
Được Vợ Hiền bạn vô vàn sướng !
Tuổi trẻ mòn ta khóc như điên ….
Thủy Tú dòng sông xanh biếc mãi!
Đức Hùng biển cả vẫn mông mênh!
Tình thân ái Quốc Gia Hành Chánh
Cho tới muôn năm vẫn vững bền!

Mường So Đèo Văn Trấn

Ngày Vu Quy



Em là tiên nữ của mùa xuân
Loài hoa biết nói cõi hồng trần
Bên em hương tình thêm ngây ngất
Nghe xôn xao, rạo rực tiếng xuân.

Em mang cho anh, những ngày xanh
Qủa hồng duyên đỏ, vướng trên cành
Bước lên đồi cỏ, còn in dấu
Tửa vào vai nhau mái đầu xanh.

Đã mấy xuân qua nhớ nhau hoài
Đường tình chung lối đến tương lai
Tình vẫn hẹn hò, thêm nỗi nhớ
Anh đợi chờ em suốt đêm dài.

Anh thấy em cười đôi mắt vui
Tình trong duyên nợ đã định rồi
Hẹn ước cùng nhau đi đến cuối
Anh nắm tay em bước lên ngôi.


Lê Tuấn
01-20 -24


Người Chờ Trăng Đi


Cánh hạc đầu sông thoắt mịt mù
Bay lên rừng biếc đón tin thu
Lá chưa vàng hẳn rời thân áo
Khách đã buồn tênh lạc chuyến đò
Người chở trăng đi tìm huyễn ảo
Sầu mang thơ đến gọi huyền mơ
Thành San ủ mộng từ khi đó
Mỗi bước chân xa một ngóng chờ


Cao Mỵ Nhân

Hawthorne 14-9-2015


Tự Tình Mùa Thu

 

Anh biết không, ngoài trời đang giông bão
Cuối thu buồn cành nhớ lá xa bay
Em ngồi đây hồi tưởng lại chuổi ngày
Hạnh phúc thăng hoa, địa đàng lối mộng

Anh đã đến thiên thai đường gió lộng
Lưu Nguyễn ngàn xưa huyền thoại ước mơ
Chuyện đào tiên nhân thế vẫn mong chờ
Buổi hạnh ngộ chốn non bồng nước nhược

Gặp gỡ hôm nay, hẹn ngàn kiếp trước
Sao vòng tay chưa ấm trọn tiền thân
Còn hợp, tan, vui, khổ với phong trần
Thu lá rụng, để đông cành tê tái

Trời cao rộng, cánh chim vui hồ hải
Cuộc trùng phùng mờ mịt bóng tương lai
Là trăm năm chỉ một giấc mộng dài
Tình hư huyển thêm ngậm ngùi thương tiếc

Sẽ nhớ mãi ân tình xưa diễm tuyệt
Ðời cho ta những ân sủng hoàng hoa
Vẫn bên nhau dù ngàn dặm cách xa
Hình bóng cũ mơ hồ sương thu đọng …

Nguyễn Phan Ngọc An

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2024

Thu ... Anh Lại Về - Thơ Khánh Trân - Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn - Trình Bày: Diệu Hiền

 

Thơ Khánh Trân
Nhạc: Nguyễn Tâm Hàn
Trình Bày: Diệu Hiền

 

 

Hương Nắng!


Nắng lung linh nhẹ hôn tóc rối
Thu thẹn thùng chẳng dối lòng vui
Nắng hồn nhiên ấp yêu hương mới
Thu rộn ràng níu vội thời gian
Nắng vàng ơi! Đừng chóng phai tàn
Cho Thu tím mơ màng Hương Nắng!
 
Kim Oanh
Melbourne ngày Thu 2024

Thu Xưa


(Tặng một Người...)

Người ơi, có nhớ ta không?
Tiếng thu nức nở trong lòng!
Che dấu kín từ bao năm tháng...
Giờ đây hiện rõ giữa trời trong.

Làm sao quên được Hỡi người ơi!
Nghẹn ngào, xao xuyến lá chiều rơi!
Bức tranh kỷ niệm còn in nét...
Ôm ấp trong tim, một bóng người.

Đó, đây... giờ đã quá xa!
Tơ buồn thêu dệt mãi lòng ta!
Xin gởi hồn về phương ấy...
Hồn Thu réo rắt ...bản tình ca!

Hẹn gặp nhau ở Cõi đời đời,
Tình buồn như lá thu rơi!
Ai ơi, vươn vấn mãi mùa thu cũ!
Xin xuân mơ ước...sắp đến rồi!

Tô Đình Đài

Cô Đơn


(Tưởng niệm nhỏ bạn thân đã gửi xác trùng dương trong chuyến vượt biển tìm tự do)

Bá Nha đã hiểu Tử Kỳ!
Tình bạn họ đẹp cách chi
Thời nay tri âm, tri kỷ
Chắt chiu rồi cũng vết tỳ!

Nhớ bạn mà lòng quặn đau
Từ ngày hai đứa chào nhau
Trùng dương nhỏ thương gửi xác
Đất người, ta ôm nghẹn ngào.

Bạn chết có hết thật rồi?
Ta còn mà hồn lẻ loi
Tìm đâu tâm đồng chính khí,
Tìm ai được như bạn tôi?

Nhỏ ơi! Nhớ nhỏ quá thôi!
Bây giờ nhỏ vẫn trùng khơi?
Xác thân chín chìm, mấy nổi?
Còn nhớ những ngày sóng đôi?

Bạn như phiến đá nam châm,
Hai đứa luôn đồng một tâm,
Đêm nay ta nghe lạ lẫm
Nhớ ngày xuống biển tự trầm?

Đêm khuya nhỏ có buồn không?
Thắp hương cho nhỏ ấm lòng,
Mà ta lạnh cơn thương nhớ,
Ôm buồn thả vào mênh mông.

Ngoài sân tuyết rơi u hoài
Trong này lệ người bi ai
Nhớ ơi! Ôi là nỗi nhớ
Hương tàn, buồn chẳng nguôi ngoai.

Ý Nga, 

16-2-2011.

Em đến Thăm



Em đến thăm anh đắng cả lòng
Đường xa hun hút gió mênh mông
Giữa khuya lạnh lẽo con đò bé
Anh hiểu tình em nước ngược giòng!

Gió hú xuồng đêm rờn rợn da
Trăng nghiêng bóng đổ rừng bao la
Em mang đến anh tình nồng ấm
Là cả ân tình nghĩa thiết tha

Tay nắm bàn tay phút nhiệm mầu
Nghe từng nhịp thở tim xôn xao
Mơ hồ âu yếm trong hương áo
Mà ngỡ đôi lòng quyện lấy nhau

Anh gửi hồn theo vạt áo nhầu
Em về cô quạnh lệ thương đau
Từng đêm thao thức bao niềm nhớ
Một cõi buồn tênh vạn cổ sầu …

Thu lại đến rồi em nhớ không?
Bao mùa lá rụng nhạt môi hồng
Nỗi buồn vô tận trong tiềm thức
Nhìn bóng thời gian gió lạnh lùng!

Trời bỗng ảo huyền trong khói sương
Núi rừng buồn bã cảnh thê lương
Em về mà ngỡ lòng dao cắt
Một mảnh hồn đau giữa núi rừng

Mặc Khách 
 (Chiến tranh _ Ngục tù)
 (1981)

Tiếng Hót Vành Khuyên


Tối thứ bẩy, đi văn nghệ Chu văn An về, Mai thao thức, trằn trọc mãi. Tới gần sáng, mệt quá, mới thiếp đi trong một giấc ngủ đầy mộng mị. Cũng tại cái bài Trường Làng Tôi, đầy dẫy hình ảnh, gợi lại trong lòng Mai biết bao nhiêu là kỷ niệm...

Mai không biết có phải tại mình sanh dưới chân ông Huỳnh Đế, hay kiếp trước vốn dòng du mục, mà với cái thời gian ngắn ngủi có 6 năm tiểu học, Mai thay tới 5 trường khác nhau. Trong thập niên 50, tình hình dưới quê rất lộn xộn.Quận Cao Lãnh nằm dọc theo con sông Hậu Giang. Ban ngày, quân đội Phật Giáo Hòa Hảo làm chủ tình hình. Đêm Việt minh từ trong đồng về quấy rối. Thỉnh thoảng, lính Cộng hòa từ tỉnh kéo xuống bố ráp. Dân chúng lúc nào cũng phập phòng lo sợ và luôn luôn trong tư thế sẳn sàng nhảy xuống hầm núp!

Ba làm việc trên Saigon. Má, chị Lan và Mai vẫn ở dưới quê với ông bà nội. Năm ba tháng má dắt chị em Mai lên Saigòn thăm ba. Sẵn dịp đem gạo, gà vịt, cá mắm, trái cây lên tiếp tế. Cao Lãnh - Saigòn chỉ cách độ 140 cây số, nhưng phải đi tàu đò xuống Sađéc, rồi ngủ lại một đêm (thường là ngủ trên mui tàu), hôm sau mới lấy xe đò đi Saigon. Mai còn nhớ những chiếc xe đò cọc cạch, khách ngồi chật như nêm, trên mui chở cả trăm thứ. Thỉnh thoảng phải ngừng lại đổ nước cho nguội máy! Còn phải qua bắc Mỹ Thuận mới là gian nan (nhưng bù lại, trong khi chờ đợi, được ăn một dĩa cơm có con tôm càng kho tàu, chan nước mắm mỡ hành, có trộn gạch tôm đỏ tươi, cũng đáng lắm)!... Ở chơi với ba độ 1 tuần,mấy mẹ con lại cụ bị trở về quê. Ngoài những thứ cần cho ông bà nội, cái món không thể thiếu được, là những ổ bánh mì dòn rụm mua tại bến xe. Lần nào má cũng mua 2, 3 chục ổ về biếu bà con lối xóm.

Một buổi sáng đẹp trời, má đánh thức Mai dậy rất sớm.

Bắt con nhỏ tắm rửa sạch sẽ, mặc cái áo đầm sọc caro hồng, trắng. Đầu cài chiếc nơ trắng có chấm hồng. Chân mang đôi săng đan trắng. Tay ôm 2 cuốn vở và 1 cây viết chì. Má dắt Mai xuống đò qua sông, tới trường thầy bảy Tánh xin cho Mai học lớp chót. Thời chiến nên trường cất cũng dã chiến luôn! Chung quanh là những cây cao rợp bóng mát. Suốt ngày tiếng chim hót véo von. Phía sau trường là một rừng cây đủng đỉnh. Nhà nào có đám tiệc cũng tới chặt lá về che rạp. Bông đủng đỉnh màu vàng tươi, kết thành chùm, để trang trí ngoài cửa rạp cho thêm phần mỹ thuật. Trường chỉ có 1 căn duy nhất.
Chiều ngang độ 10 thước, sâu 5-6 thước, ngăn đôi bởi một tấm phên tre, có chừa lối đi. Thầy Tánh kiêm nhiệm 2 lớp nên chạy qua chạy lại như mắc cửi.

Phần lớn học trò nhà quê ăn mặc khá lam lũ. Tuy còn nhỏ xíu nhưng Mai cảm thấy mình hổng giống con giáp nào trong chiếc áo đầm, nên mấy ngày sau nhứt định xin má cho mặc áo quần bà ba như những đứa trẻ khác. Mỗi ngày má đưa Mai ra tới bến đò, đứng đợi Mai qua tới bờ bên kia má mới về. Tan học Mai về một mình. Má không lo, vì ông lái đò chính là "ba nuôi" của Mai. Má kể lúc hơn 1 tuổi, con nhỏ cứ bịnh rề rề, nhiều khi làm kinh, giựt sùi bọt mép khiến cả nhà hết hồn. Cô hai Bạch chị của ba, khuyên nên đem Mai "ký bán" cho 1 người nào đó làm con nuôi.

Trong làng có 2 nhân vật khá lạ lùng, đó là bác Huế Nhiên và chú Huế Kiên. Tuy chẳng có dây mơ rể má gì tới cái xứ Thần kinh xa lơ xa lắc đó (bác Nhiên người gốc Bình Định và chú Kiên người gốc Bắc kỳ!), nhưng thời đó, trong Nam, nếu không phải là người Nam, thì đương sự chính là người Huế! 2 ông Huế giả hiệu này, không biết trôi lạc xuống làng Tân An từ bao giờ (quên hỏi má), nhưng tứ cố vô thân, nghèo xơ nghèo xác. Sau này, khá lớn tuổi, chú Kiên cưới được cô Mành, vì cô này lật lờ. Phần bác Nhiên được đẹp duyên với cô Chương, lý do đơn giản là trai làng không ai dám đến gần. Cũng bởi xuân thu nhị kỳ, mỗi năm cô tắm nhiều nhứt là 2 lần!

Vậy mà khi lấy chồng cô đẻ sòn sòn năm một. Sản xuất một lèo tới 6-7 đứa. Má kể có lần tới thăm bác gái mới sanh, vừa vén mí mùng lên là má tưởng xỉu cái đùng, vì cái sự "nặng mùi" từ trong mùng xông ra! Cả xóm lăn ra cười cái lần bác bị bà chị ruột lôi sềnh sệch xuống sông bắt tắm. Bác vừa "bị" tắm, vừa khóc, vừa nỉ non:
- Bắt tui tắm rủi tui bịnh ai chịu tiền thuốc đây?
Bà chị vừa kỳ cọ cho bác, vừa la ầm ĩ:
- Mày bịnh tao chịu tiền thuốc. Đàn bà con gái gì mà còn hôi hơn chồn! Tao cũng khá khen cho thằng chồng mày còn ở với mày cho tới ngày nay!

Vậy mà lũ con bác lớn như thổi, mạnh cùi cụi quanh năm. Vì vậy ba má đem Mai ký bán cho bác làm con nuôi. Chỉ khổ thân con nhỏ, mỗi lần gặp ông già nuôi đều bị ổng ôm "hun" một phát lên má! Ai qua đò cũng phải trả mấy cắc, riêng Mai thì miễn phí (con nuôi cũng có khác)! Đó là chưa kể những hôm phát tài, bố cao hứng móc túi cho Mai 5 cắc mua mía ghim. Về nhà bị má la, vì bác nghèo, con đông, không nên nhận tiền của bác tội nghiệp!

Kỷ niệm không thể quên được trong thời gian học lớp chót này là cái chết tức tưởi của thằng Đường. Nó mới bằng tuổi Mai. Một hôm đang ngồi học, cu cậu ôm bụng kêu đau. Thầy Tánh cho nó về. Qua hôm sau không thấy nó đi học lại. Đến ngày thứ ba, thầy nói nó vẫn còn đau nhiều lắm. Trị thuốc bắc hoài không hết, gia đình phải đem nó xuống bịnh viện Cao Lãnh điều trị. Nhưng 2 ngày sau thằng Đường chết. Lúc đó mọi người mới biết nó bị sưng ruột dư. Khi chở xuống bịnh viện đã bể tùm lum, không cứu kịp!.... Thầy Tánh dẫn cả 2 lớp đi đưa đám ma. Thấy má nó lăn lộn khóc, Mai cũng thút thít khóc theo!....

Qua năm sau, lên lớp 5, Mai khỏi phải qua đò, vì chú hai Thuận (em chú bác của ba) mở 1 ngôi trường cách nhà Mai độ 200 thước.Kêu ngôi trường cho nó oai, chớ thật ra nó còn có phần tệ hơn "ngôi trường" năm ngoái, vì chỉ trần sì có một lớp! Trường được cất trên nền đất, xung quanh là vườn cam, quít, bưởi... Sát vách có cây mận hồng đào,trái đỏ tươi, thường xuyên thu hút "nhỡn quan" của đám học trò ham chơi hơn ham học. Chú Thuận vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc. Đúng ra lúc còn trẻ, chú bị gia đình bắt ép phải khăn gói quả mướp ra tận xứ Huế tầm sư học đạo. Chú được thọ giáo với một danh sư đất thần kinh (lần nầy đúng là người.. Huế 100%). Tuy giỏi về nghề thuốc vô cùng, nhưng chú chỉ thích làm thầy giáo. Cuối cùng chú đành hanh song nghề, trong sự sung sướng của đám học trò. Trường cách nhà có 1 cái sân độ mươi thước. Mỗi lần có khách đến nhà xin khám bệnh, chú giao lớp cho thằng Nam, (vì nó nhiều tuổi và lớn con nhứt lớp), nhưng lại hiền khô, chẳng ma nào sợ, nên lần nào lớp học cũng ồn như cái chợ. Có đứa còn chạy qua đứng trước cửa nhà thầy, khoanh tay cúi đầu rất nghiêm chỉnh:
- Thưa thầy cho em đi... đái!

Thầy đang tập trung hết tâm trí để bắt mạch cho bệnh nhân, nên phải gật đầu. 10 lần hết 9, nhóc ta chạy ù ra vườn, nhảy tót lên cây mận, hay cây trứng cá, hái đầy nhóc một túi... Chú Thuận trị học trò bằng roi mây. Nhưng hình phạt thần sầu nhứt của chú là nắm mớ tóc mai kéo lên. Kéo tới đâu là nạn nhân nhắm mắt, nhắm mũi cố rướn người theo tới đó. Chừng rướn hết nổi thì chỉ còn nước òa lên khóc !....


Đến giữa năm học, có một chuyện động trời xảy ra làm rúng động cả mái trường (may phước được lợp bằng lá)! bé nhỏ này. Hôm đó trời nắng thật đẹp, không khí trong suốt như pha lê, lại mát mẻ dịu dàng nhờ đám mưa tối hôm trước.Trong vườn chim chóc ríu rít chuyền cành. Trong lớp, đám học trò nhỏ đang để hết tâm trí vào bài toán đố. Chợt có tiếng chim véo von từ ngoài đưa vào. Tiếng hót rất lạ, không giống bất cứ tiếng chim nào hằng ngày Mai vẫn nghe. Mấy chục cặp mắt đồng loạt hướng về phía cây mận sát vách (vách bằng lá chằm, còn chừa phía trên độ hơn thước mới tới nóc). Lủng lẳng trên nhánh mận là 1 chiếc lồng chim, bên trong có 1 chú đang nhảy nhót lung tung, thỉnh thoảng ngừng lại vươn cổ lên hót một tràng. Chú chim rất đẹp, đẹp hơn tất cả những con mà Mai đã được thấy, với bộ lông màu xanh lá cây, chiếc mỏ màu vàng và hình như giữa hai mắt có 1 khoanh tròn màu trắng. Chú Thuận nhíu mày hỏi:

- Lồng chim của đứa nào?
Thằng Tín - con chú - đứng lên khoanh tay:
- Dạ của con.
Chú ngạc nhiên:
- Ủa, ở đâu mày có? Mà giống chim gì coi lạ quá vậy?
Thằng Tín hơi ngập ngừng:
- Dạ của chú Huế Kiên cho con. Chú nói con chim này tên Vành khuyên (nó phát âm Dành khuyên).
Chú Thuận nhíu mày như đang suy nghĩ một điều gì, rồi như chợt nhớ ra, chú cao giọng:
- Có lý nào chú Huế Kiên cho mày. Loại chim này đâu có ở đây mà chú bắt được?
Thằng Tín cặp mắt chớp lia, ấp a ấp úng:
- Dạ, con không biết.
Chú Thuận từ từ tiến tới trước mặt ông con, mặt đằng đằng sát khí:
- Có phải mày đã ăn cắp 5 đồng của má mày để mua con chim này không? Nói mau. Hôm kia má mày kêu mất 5 đồng.
Thằng Tín lắp bắp:
- Dạ không phải con.
Nói chưa dứt câu đã bị lãnh 2 cái tát nẩy lửa. Cu cậu hồn bất phụ thể đành khai thiệt:

Số là cách đây hơn tháng, chú Huế Kiên được ông Tám Sang mướn chèo ghe, chở lúa lên Saigòn bán cho mấy chành gạo. Trong lúc rảnh rỗi, chú theo mấy người bạn lái ghe đi thăm Saigòn, Chợ lớn cho biết. Tới khu chợ bán đủ loại chim, cá, chó, mèo... thấy có bán con chim Vành Khuyên, có lẽ chạnh lòng nhớ về xứ Bắc xa xôi, chú đứt ruột trích ra một món tiền, mua chú chim đem về, chắc mong hằng ngày ngắm nhìn cho đỡ nhớ quê xưa. Không ngờ gặp nhóc tì Tín là người đồng điệu. Tuy mới 8-9 tuổi đầu, nhưng cu cậu rất mê chim chóc. Nó đã từng nuôi 1 con sáo (từ lúc mới ra ràng), bỏ công hằng ngày bắt cào cào, châu chấu cho ăn. Sau đó còn lột lưỡi và dạy sáo ta nói được vài câu. Nhưng 1 hôm bất cẩn, anh chàng bỏ mạng dưới nanh vuốt của mấy con mèo hoang bên nhà bà Sáu Tân (sát hàng rào)! Cu Tín tiếc thương con sáo khóc hết mấy ngày. Từ hôm biết chú Huế Kiên có con chim lạ, vừa đẹp lại hót hay, hầu như ngày nào nó cũng ra nhà chú, ngoài lộ mới, để chơi với con chim. Cách đây 2 hôm, con Lanh, con chú Kiên bị trúng gió (?), trên thổ hạ tả, chú kẹt tiền mua thuốc cho con, nên muốn bán rẻ, vừa chim vừa lồng có năm đồng. Cu Tín mừng rơn, nhưng đào đâu ra tiền?

Suy nghĩ nát óc, sau cùng mê con chim quá, cu cậu đành nhắm mắt "mượn đại" tiền của bà via. Hy vọng bả không khám phá ra. (Ai bảo trai gái khi thương nhau mới mù quáng? Hỉ mũi chưa sạch như thằng Tín, khi mê chim cũng dám uống thuốc liều chớ bộ)!

Sau khi tặng ông con 2 cái tát gần gẫy cổ, chú Thuận quay ra cho cái đám học trò, đang ngẩn tò te, một bài mô ran: Lợi dụng lúc nhà người ta đang "tang gia bối rối" để mua đồ rẻ như thằng Tín là gian ác! Thay vì ăn cắp tiền đi mua con chim, nó có thể xin chú thuốc đem cho con Lanh nhưng Mai có nghe gì đâu. Vì tuy sóng gió đang ầm ầm xảy ra trong lớp học, ngoài kia, chú Vành khuyên vẫn thản nhiên nhảy nhót và cất tiếng hót véo von. Sau khi tan học, chú Thuận dẫn thằng Tín, cầm lồng chim tới nhà chú Huế Kiên trả lại, 5 đồng cho luôn. Chú Kiên mừng lắm, cám ơn rối rít! Cũng từ đó, tiếng hót và chú chim màu xanh có cái tên Vành khuyên đã thấm sâu vào tâm hồn non nớt của cô nhỏ.

Nhớ hoài.....

Rồi năm học sau, Mai không nhớ vì lý do gì (thuở đó, ăn, học, đánh chuyền, nhảy lò cò, tắm sông, cất nhà chòi... chiếm hết thì giờ và tâm trí của Mai, còn chỗ nào để nhớ đến chuyện khác?) chú Thuận dẹp ngôi trường nhỏ và chú Sáu Lân, cũng em họ của ba, tốt nghiệp trường "Xách Lu" (tức Chasseloup Laubat, các bà dưới quê phát âm nôm na là Xách lu cho tiện!) trên Saigòn về, xin phép ty học chánh dưới Cao Lãnh mở một ngôi trường tiểu học (chỉ có 3 lớp).

Trường được cất trên nền cũ của ngôi nhà nền đúc xưa (bị tiêu thổ khang chiến phá từ lâu), vách ván bổ kho, mái tôn đàng hoàng. Tuy mái tôn nhưng không nóng, nhờ núp dưới bóng mát của 2 cây vú sữa tím cổ thụ. Ngoài Hiệu trưởng Lân còn có 2 cô giáo. Cô Bích độc thân, từ tỉnh khác đổi tới, nên cô phải mướn một căn phòng, ăn ở luôn tại nhà bà Sáu Tân. Cô xinh xắn,hiền, dạy lớp 5. Lớp tư do cô Liễu phụ trách. Cô Liễu có gia đình, năm đó đang mang bầu đứa con thứ nhì. Mỗi sáng cô phải đi 7 cây số, từ Cao Lãnh lên Tân An dạy. Học trò đứa nào cũng mê tơi mùi nước hoa từ người cô tỏa ra. Chú Lân dạy lớp 3. Chú đánh học trò còn dữ hơn chú Thuận. Chú không xài roi mây mà xài thước bảng! Làng Tân An nằm cạnh con sông Cửu Long, đất bồi nên cây trái sum suê. Nhiều nhất là xoài và dừa. Ít người làm ruộng. Trái lại xã Mỹ Ngãi nằm sâu trong đất liền, cách Tân An một cánh đồng khá rộng. Đa số làm nghề nông. Đến mùa gặt, cần nhiều nhân công, nên con cái họ đi học thất thường. Nhiều đứa trụ trì một lớp 2-3 năm là chuyện tự nhiên. Trong lớp Mai có 5 đứa bên Mỹ Ngãi qua học. Tội nghiệp, phải đi bộ 3-4 cây số mới tới trường, nên tụi nhỏ phải gói cơm đem theo ăn trưa tại lớp. Chiều, tan học lại phải băng qua cánh đồng rộng mênh mông mới về tới nhà. Còn sức đâu để học bài, nên đứa nào cũng học rất kém, nhứt là thằng Đức. Nó hơn Mai 2 tuổi, mà tháng nào cũng bị cầm cờ đứng chót. Mỗi khi bị thầy kêu đọc bài thuộc lòng là mặt mày nó xanh dờn. Có hôm làm toán sai be bét, bị chú Lân phạt 5 khe. Mỗi lần cây thước bảng quất cái trót xuống bàn tay đen đủi của thằngĐức là Mai lại giật thót người. Nó nghiến răng chịu trận không dám khóc, nhưng cặp môi xám ngoẹt!Có một lần chú oái oăm bắt Mai thi hành bản án, vì Mai được nhiều điểm nhứt lớp. Mai là người từ bi, chớ đâu có gian ác như chú Lân, nên chỉ khẻ nó 1 cái nhẹ hều. Chú giật cây thước, bắt Mai xoè bàn tay bé bỏng ra, rồi quất xuống 1 cái mạnh ơi là mạnh. Đau thấu trời xanh! Đâu có chịu tha, chú bắt Mai tiếp tục thi hành bản án. Lần này, con nhỏ lấy hết sức quật cho anh cu Đức 5 cái.

Hôm sau, Mai đem cho nó trái xoài thanh ca chín vàng lườm, thơm phức:
- Trò đừng giận tui nha.Tui đâu muốn đánh, tại thầy bắt.
Thằng Đức nhận trái xoài, ra vẻ cảm động:
- Tui hổng giận trò đâu. Cũng tại tui học dở thôi! Mà Mai à, trò làm cách nào mà học giỏi quá vậy? Tháng nào cũng đứng nhứt.
Con nhỏ nghệt mặt ra, rồi cười trừ, vì biết phải giải thích cách nào đây?
Chú Lân còn độc thân lại đẹp trai. Cô Bích xinh xắn, dễ thương, thì chuyện gì đến tất phải đến. 2 người thương nhau. Nhưng Mai nghe mấy người lớn nói gia đình cô Bích không môn đăng hộ đối (Mai đem câu này hỏi con Hải, con chú Thuận, nó hơn Mai 1 tuổi, ai ngờ nó cũng mù tịt, không hiểu gì hết, nhưng ráng làm tài lanh, đóng vai Mao Tôn Cương:
- Chắc nhà cô Bích nghèo, không có nhiều đăng để bắt cá với gia đình mình, nên ông bà Tám Dư đang đi hỏi vợ cho chú Lân dưới Cao Lãnh.

Cô Thu, con gái ông Hội đồng Tâm, nhà rất giàu. Một trưa chúa nhật, con Hải, thằng Lâm và Mai hẹn nhau đến nhà bà Sáu Tân. Nhà bà cất cách mặt đất độ nửa thước, dưới sàn tối om, có một đám mèo hoang trú ẩn. 3 đứa chui vô sàn để nhìn mấy chục cặp mắt sáng rực, di chuyển trong bóng tối của lũ mèo, đang chạy lung tung vì sợ. Không ngờ phía trên là phòng cô Bích. Tụi Mai nghe tiếng cô khóc nỉ non, rồi tiếng chú Lân dỗ dành:
- Em đừng lo. Anh nhứt định không cưới cô Thu đâu.
Anh thề chỉ thương mình em thôi...

Nghe đến đây 3 nhóc tì bấm nhau rút lui có trật tự, vì lỡ chú biết được, tưởng mấy đứa đi rình thì no đòn! Không ngờ nhỏ Hải miệng bép xép, bật mí cho thiếm Thuận nghe, bả lật đật chạy đến nhà bà Tám Dư "ráp bo" y chang. Cuối cùng, như tất cả những ông anh, bà chị đi trước, chú Lân cũng phải cưới cô Thu, áo mặc không qua khỏi đầu. Cô Bích thất tình, ốm nhom, ốm nhách. Nhưng vì yêu chú Lân cô vẫn ở lại trường Tân An. 2 người cứ lén lút qua lại với nhau, bị thiếm Lân đánh ghen mấy trận.Cô xấu hổ phải xin đổi đi tỉnh khác. (Chuyện này Mai không thấy tận mắt, chỉ nghe con Hải kể lại. Vì lên lớp nhì, Mai theo má và chị Lan qua bên làng Phong Mỹ, cách Tân An 7 cây số).

Trường tiểu học Phong Mỹ có 4 lớp: năm, tư, ba, nhị. Lớp Mai có tới 40 học sinh. Dạy lớp Mai là thầy Hiệu trưởng Lương. Vừa tốt nghiệp Sư phạm là bị đổi xuống cái làng quê xa lơ xa lắc này. Hôm thầy và bà mẹ từ Saigòn dọn xuống, hầu như cả chợ Phong Mỹ túa ra xem, vì lần đầu họ mới thấy một người Bắc chính cống! Bà cụ trạc 50 (thời đó dưới quê, 50 đã là lão lắm rồi!), tóc vấn khăn nhung đen, răng nhuộm đen, người tầm thước. Thầy Lương ốm, cao, trắng trẻo, đúng câu bạch diện thư sinh.Mẹ con thầy mướn căn nhà sát chợ, ngay trước cửa trường. Mọi người không giấu được sự kinh ngạc khi nghe thầy gọi mẹ bằng u. Sau này Mai nghe kể, bà cụ góa chồng sớm. Hai mẹ con dắt díu nhau vào Nam năm 54. Bà buôn tảo bán tần nuôi con ăn học cho khi thành tài. Một mẹ một con nên bà thương và săn sóc thầy một cách quá đáng. Đôi khi làm thầy mắc cỡ đỏ cả mặt, gắt lên:
- U, u, u đừng làm thế!
Má mướn nhà tại chợ cho chị Lan mở tiệm may và cũng là người duy nhứt đã từng sống trên Saigòn nên dễ thân với bà cụ. Có chuyện vui buồn gì cũng kể cho nhau nghe.
Như thường lệ, Mai là đứa nhỏ tuổi nhứt lớp. Bên con trai có anh Dương và anh Sang tới 17 tuổi. Bên gái có chị Lệ Hoa và chị Kim Sa cũng 17. Còn sàng sàng 13-14. Học trò làng Phong Mỹ có phần văn minh hơn bên Tân An, vì phần lớn ở tại chợ. Tuy vậy vẫn không bỏ được thói quen đi chân đất. Mấy ngày đầu còn mang guốc, sau Mai phải lén má bỏ guốc ở nhà. Như vậy mới có vẻ hòa hợp, hòa giải dân tộc!

Chỉ khổ mùa mưa, lũ trùn bò lổm ngổm. Mỗi bước đi phải nhìn trước nhìn sau. Cả tháng đầu nghe thầy giảng bài, lũ học trò ngẩn tò te, vì thầy nói tiếng Bắc. Những tiếng nhé, nhỉ, chưa có đứa nào đã được nghe qua trong đời! Nhưng từ từ cũng quen. Thầy rất hiền, tận tâm, vui vẻ và thỉnh thoảng lại vác cây guitar vô lớp gảy từng tưng cho lũ học trò nghe, nên ai cũng mến thầy.

Qua năm lớp nhì không có gì đáng ghi nhớ. Họa chăng thỉnh thoảng Mai thấy trong hộc bàn có 1 tấm tranh vẽ.
Khi thì vẽ 1 đóa hoa, lúc chỉ là 1 chiếc lá vàng. Tranh nhỏ thôi, nhưng rất đẹp. Không bao giờ có chữ ký, nhưng Mai biết tỏng là của thằng Bằng, vì trong lớp chỉ có nó vẽ đẹp nhứt. Đôi khi vô tình con nhỏ còn bắt gặp cu cậu nhìn lén mình nữa chớ. Những lần bị bắt quả tang, cu ta đỏ mặt lên như con gái!....

Thỉnh thoảng cuối tuần, Mai, Kim, Hằng với chị Lệ Hoa đạp xe vào chơi nhà Kim Sa, ở tuốt trong ngọn (con rạch Phong Mỹ, bắt đầu từ sông Cửu long, chạy sâu vào tuốt trong Đồng Tháp Mười. Chỗ giáp sông gọi là vàm, cuối rạch gọi là ngọn. Dân chúng cất nhà dọc hai bên bờ rạch và dùng xuồng nhỏ để di chuyển. Dân quê giặt quần áo, rửa thức ăn, tắm gội, uống nước cũng chỉ với con rạch này. Nên má kể có năm, bịnh đậu mùa hoành hành, dân chúng hai bên bờ chết như rạ).

Nhiều lần tụi Mai đụng đầu với thầy Lương ở nhà Kim Sa. Thầy có vẻ hơi lúng túng, nhưng cô nàng chẳng những rất tự nhiên mà có phần hơi... kênh kênh! Cũng từ đó Mai để ý thấy thầy Lương gọi cả lớp bằng trò, trừ Kim Sa thầy gọi bằng em ngọt sớt! Lũ nhóc cà nanh, nói hành nói tỏi, không ngờ tới tai thầy. Một hôm thầy la tụi Mai một trận giữa lớp. Tụi con trai được trớn, giờ ra chơi bu lại mắng thêm, nói bọn con gái nhiều chuyện. Thằng Luyện còn dám xỉ vô trán Mai nữa chớ! Cả đám tức mình khóc hu hu... Nghĩ lại tại bọn Mai thấp cổ bé miệng, chớ một lần đang chơi nhà nhỏ Kim, cách nhà thầy Lương có 1 căn (mẹ thầy về Saigòn thăm bà con). Chính mắt tụi Mai thấy Kim Sa vô nhà thầy. Mấy phút sau cả đám tới gõ cửa. Thầy ra mở, nhưng không đóng cửa lại mà mở toang, cho cánh cửa dựa sát vách. Tụi Mai làm bộ hỏi bài, nhưng cặp mắt đảo chung quanh. Không thấy bóng dáng "Mụ Dạ Xoa", (từ hôm bị thầy rầy "oan", tụi Mai tức mình bèn đặt biệt danh này cho Kim Sa để trả thù!), mấy nhóc đành chào thầy. Ra ngoài, nhỏ Hằng thì thầm:
- Tao nghe rõ ràng có tiếng thở phía sau cánh cửa.
Chắc chắn là Mụ Dạ Xoa núp ở đó. Tức quá chời!....

Thời gian trôi nhanh, Mai lên lớp nhứt. Thầy Lương càng ngày càng "lậm" và cuối cùng chuyện này cũng tới tai bà cụ. Mẹ thầy không thích Kim Sa, bà nói con bé có cặp mắt lẵng lơ quá (đó là lời cụ tâm sự với má Mai). Nhứt là bà đang ngắm nghé chị Bạch (chị thằng Đức học cùng lớp Mai).Chị đẹp dịu dàng, tánh tình thùy mị, đảm đang, cả chợ ai cũng mến. Bà nhờ má Mai đứng ra làm mối. Thầy Lương cũng bằng lòng. Hai bên định ngày làm đám hỏi. Thứ bảy, học trò chỉ học buổi sáng. Sau khi tan học, mẹ con thầy sẽ cùng với má của Mai đem lễ vật tới nhà chị Bạch. Bên nhà gái chuẩn bị tiệc tùng từ hôm trước. Không ngờ, học trò vào lớp được khoảng nửa giờ, bên Hội Đồng Xã cho người qua mời thầy Lương đến trụ sở có việc. Thầy tỉnh queo trong khi đám học trò ngơ ngác nhìn nhau. Thầy dặn không trò nào được rời khỏi lớp trong lúc thầy vắng mặt. Nhưng nhứt quỉ nhì ma thứ ba là học trò mà! Thầy vừa qua tới trụ sở Xã thì thằng Triết (lí lắc nhứt lớp), cũng đã nhảy qua cửa sổ, chạy theo núp phía sau để dọ thám. Độ 15 phút sau, nó hớt hải chạy về báo một tin động trời: Gia đình chị Kim Sa thưa thầy Lương về tội... dụ dỗ gái tơ và khủng khiếp hơn nữa là cô nàng đang mang bầu! Lúc đó bộ tam sên Kim - Mai - Hằng vênh mặt lên:
- Thấy chưa? Năm ngoái đứa nào nói tụi tao nhiều chyện?
Phía con trai nín khe... Ngồi trong lớp mà đứa nào cũng như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng chịu hết nổi, cả đám rủ nhau qua trụ sở.Lúc đầu còn sợ sợ, núp núp, lén lén. Lát sau thấy hấp dẫn quá, quên cả sợ, đám học trò chen chúc nhau xem. Thầy Lương và bà mẹ đứng trước mặt Ban Hội Đồng (trong đó ngài phó Chủ Tịch là bác của "nạn nhân". Điệu này thầy thua là cái chắc)!

Kim Sa ngồi cúi gằm mặt, bên cạnh là bà dì. Gia đình họ bắt thầy Lương phải nhận cái bầu và làm đám cưới ngay. Mẹ thầy đâu chịu đầu hàng dễ dàng, bà nhất định không công nhận Kim Sa và đặt một câu hỏi to tướng về tác giả cái bầu nọ!?
Trước mặt đám học trò, thầy Lương mắc cỡ đỏ mặt tía tai, quên tuốt luốt công lao dưỡng dục của bà mẹ, lớn tiếng quát:
- U im đi. U biết gì mà nói!
Không ngờ ông quí tử có thể đối xử với mình một cách phủ phàng như vậy, bà cụ oà lên khóc, kể lể tùm lum. Những tiếng "ối giời ôi.." cụ vừa khóc vừa rên lên khiến mọi người cũng cảm thấy não lòng! Thầy Lương xin phép dẫn mẹ về rồi sẽ trở lại. Thầy lôi tay, cụ nhất định trì lại, sau cùng vì yếu sức hơn, bà đành theo con ra về. Hôm sau, những lễ vật thay vì được đem đến nhà chị Bạch, lại phải trực chỉ hướng nhà Kim Sa!

Sau này, tụi Mai mới biết chính thầy Lương "khả kính" có dự phần trong cái "âm mưu" đi kiện này. Thầy dư biết nói suông không đời nào bà cụ chịu cho thầy cưới Kim Sa, nên mới đồng ý dựng vở tuồng này. Tuy xấu hổ một chút, nhưng kết quả 100%! Chỉ tội nghiệp chị Bạch vỡ mộng làm bà Hiệu trưởng và gia đình chị bữa đó chờ đàng trai dài cả cổ cũng chẳng thấy đâu! Vậy mới biết khi đã vướng vào lưới tình thì sẵn sàng tung hê hết. Cả danh dự lẫn tình mẫu tử đều phải cuốn gói đi ra chỗ khác chơi! Bà cụ chỉ còn nước cắn răng khóc thầm.

Lên trung học Mai theo má lên Saigòn ở luôn, nên biệt tin cả đám bạn cũ. Nhưng từ khi bỏ nước ra đi, rất thường, trong mơ Mai thấy mình sống lại y hệt cái thời thơ ấu đó.
Cũng những mái trường làng rợp bóng cây xanh. Cũng giòng sông hiền hòa, mà hầu như ngày nào bọn Mai cũng nhảy xuống tắm, đến khi mặt mũi tái xanh vì lạnh mới chịu lên. Cây sung già thân thể sần sùi tại bến đó. Núp dưới bóng mát đó, chị Hạnh tươi cười mời những khách bộ hành qua lại mua những chùm mía ghim ngọt ngào, những chén bánh lọt chan nước dừa mát rượi và nhứt là tiếng hót của chú chim Vành khuyên màu xanh, mỏ vàng, nhảy tung tăng trong lồng, cặp mắt đen nhánh lúng liếng nhìn qua nhìn lại...

Sáng hôm sau dậy trễ, Mai ra bếp đã thấy Tiến đang ngồi nhâm nhi ly cà phê phin bốc khói thơm lừng, vừa đọc báo. Thấy vợ ra, Tiến buông tờ báo xuống hỏi:
- Làm gì mà đêm qua cứ lăn lộn hoài vậy nhỏ?
Mai bưng ly cà phê của chồng uống một hớp:
- Nghe bài Trường Làng Tôi, em nhớ tới những mái trường xưa dưới quê lúc còn nhỏ. Nhớ muốn chết luôn!
Tiến giả bộ hốt hoảng:
- Ấy ấy, nhớ thì cứ nhớ nhưng đừng chết. Bỏ tui cu ky một mình tội lắm à nha!
Mai xì một tiếng:
- Người ta nói vậy thôi, chớ bộ ngu sao chết! Còn anh nữa, sao không bao giờ em thấy anh nói nhớ về miền Bắc?
Tiến lấy giọng bi thảm:
- Ối giời, bà xã yêu quí, bộ bà tưởng ông chồng bà có trái tim bằng sắt hay sao chứ? Nhiều khi tui nhớ da nhớ diết cái xứ Hưng Yên. Nhất là vào mùa hè, mỗi khi bà mua nhãn về ăn, là lòng tui đứt ra từng đoạn (?!) vì nhớ tới mấy cây nhãn ngon không thể tả trong vườn nhà bà ngoại ngày xưa...
Mai ngắt lời, dài giọng:
- Thơ mộng dữ hôn! Nhớ gì không nhớ, chỉ nhớ mấy cây nhãn!
Tiến cười hà hà:
- Cưng ơi, cổ nhân có phán rằng: có thực mới vực được đạo. Chà, nói đến đây anh lại cảm thấy đói bụng. Thôi đi hâm nồi bún riêu đi cưng.
Mai vừa mở tủ lạnh vừa nói:
- Thưa ông tướng có ngay. Trong khi chờ đợi, gọi dùm mấy nhóc tì dậy ăn luôn.
Tiến đứng lên cái rụp:
- Xin tuân lệnh bà nội tướng!


Tiểu Thu

 

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

Tình Như Một Đường Gươm - Thơ Du Tử Lê - Nhạc Hoàng Quốc Bảo - Guitarist Thiên An - Tiếng Hát: Ngọc Mai


Thơ Du Tử Lê
Nhạc Hoàng Quốc Bảo
Guitarist Thiên An
Tiếng Hát: Ngọc Mai
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

 

 

Gió Thu


Nhận ra mùi cỏ dại
Thoáng bay theo gió nhẹ
Sương trắng giăng trước ngõ
Hôm nay thu đã về.

Lá còn bay ngoài kia
Tiếng chim kêu gọi mời
Em còn đang chờ đợi
Nắng lên rồi rong chơi.

Một làn mây trắng bay
Vắt ngang vai em gầy
Điểm trên mái tóc mây
Chiếc lá thu tình đầy.

Giấc mơ nào trong đêm
Đổ nghiêng bình rượu đầy
Bờ môi còn nồng ấm
Giọt rượu nào ngất ngây.

Đem thu vào trang thơ
Dòng mực ướt từng tờ
Lời tình tràn nỗi nhớ
Nóng lên từng cơn mơ.

Thổi vào ngọn gió se
Làn sương trắng vuốt ve
Má ửng hồng bẽn lẽn
Tình nóng như nắng hè.

Đêm trong cơn mộng du
Mò mẫm khói sương mù
Môi hôn làm chết lịm
Em nghiêng mình sang thu.

Tế Luân

 

Hoa Xuân


Nhỏ nhỏ xinh xinh những chậu Lan
Vươn mình bung cánh đón Xuân sang
Mõng manh khoe sắc chào nắng ấm
Thương hoa xin trân quý nhẹ nhàng

Trúc Lan KTP
 

Một Sáng Mùa Đông

Xe lăn bánh vật vờ
Giữa cõi lòng bơ vơ
Miên man niềm sương khói
Thấp thoáng trời hư vô

Dòng đời xe chạy vội
Cuốn hút cơn muộn phiền
Đi – về muôn vạn lối
Có nẻo nào bình yên

Tâm la đà trĩu ngọn
Tình chôn chặt đáy sâu
Một đời đi chưa trọn
Tháng ngày đã qua mau

Thôi cũng đành như thể
Dòng suối cạn nước khô
Chờ cơn mưa mùa hạ
Từng giọt rơi hững hờ…

Phong Châu

 

Thơ Mộng Đầu Tiên

 

Hương đồng cỏ nội thân quen
Tuổi hồng gót đỏ êm đềm chiêm bao
Thềm hoa nắng ấm đón chào
Bướm vàng hoa trắng xôn xao mộng đầu

Quê mình có lắm sông sâu
Cầu tre lắc lẻo để sầu tương tư
Áo dài áo ngắn đưa thư
Tóc bay trăng gió thơm như môi người

Thướt tha yểu điệu nói cười
Thương màu phượng đỏ gọi mời bâng khuâng
Bút nghiên cũng lắm nợ nần
Buồn vui gác trọ phong trần đói no

Qua sông thì phải lụy đò
Yêu em thì phải học cho chuyên cần
Đón đưa chờ đợi thương thân
Trụ đèn làm chứng gió xuân làm quà

Ngày buồn tưởng mấy năm xa
Áo màu nũng nịu trêu hoa ghẹo người
Trăm năm thương đứng nhớ ngồi
Sóng to gió lớn nổi trôi chuyện lòng

Son môi màu mắt chiều đông
Dấu giày quen thuộc sao lòng bỗng đau
Vẫn hiền dịu vẫn ngọt ngào
Vẫn như gần gũi hỏi chào thương thân

Ngày mê đêm tỉnh mấy lần
Tưởng lời trao gửi tưởng cần học chung
Rưng rưng lớp học cuối cùng
Khát khao sóng mắt tiên dung chân tình

Đò thi chở nặng sử kinh
Thuyền hoa môi mộng cùng mình học yêu...

MD.11/16/05
LuânTâm
(Trích trong TT"HƯƠNG ÁO", Minh Thư xb, MD.USA.2007, tr.126)

Hậu Sinh Chả Úy!

 (nguồn: internet)

Trong một bài viết (thập niên 80s ?), ông Giao Chỉ (Vũ văn Lộc) nhắc lại một câu nói của ông Nguyễn Cao Kỳ ‘’đàn ông trên 35 (?) tuổi thì coi như … ‘’vô dụng’’ (tôi không nhớ rõ nhưng đại khái là như thế). Ông Kỳ nói câu này lúc mới nhậm chức Thủ Tướng năm 1965 (ông sanh năm 1930). Cho đến nay, ông Nguyễn cao Kỳ vẫn là vị Thủ Tướng trẻ tuổi nhất, 35 tuổi, trong lịch sử Việt Nam!

Tuần rồi, 09/01, lịch sử Pháp quốc cũng mới có vị Thủ Tướng trẻ tuổi nhất: ông Gabriel Attal, 34 tuổi! Đang là Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, ông được ông Macron (Tổng Thống trẻ tuổi nhất của Pháp), chỉ định chức Thủ Tướng thay thế bà Elisabeth Borne (‘’Borne OUT’’, như titre một tờ báo loan tin này!) . Ông Attal cũng là một vị Thủ Tướng Pháp ‘’đồng tính’’ (công khai) đầu tiên, tuy trước đó đã chung sống với nữ ca sĩ Joyce Jonathan (‘’Ôi đàn bà / là những niềm đau ! ‘’’? )

Nhưng vị Thủ Tướng trẻ nhất thế giới, cho đến nay, không phải Attal, mà là ông Sebastian Kurz (Áo), nhậm chức năm 31 tuổi!
Không nói đến những người cha truyền con nối (Kim Jong-Un chẳng hạn), nhà lãnh đạo trẻ nhất thể giới có lẽ là … giai nhân Sanna Marin, trở thành Tổng Thống Phần Lan ở tuổi 34!

Ngược lại với bà Marin, ông Mahathir Mohamad, nhậm chức Thủ Tướng Mã Lai (lần 2) ở tuổi … 92!

Về quân sự, theo wikipédia, vị tướng trẻ nhất thế giới là ông Galusha Pennypacker ( 1844-1916): vinh thăng tướng lúc 20 tuổi ( Nội chiến Hoa Kỳ ) . 

(Lê văn Ngôn chụp lúc còn Đại Úy / nguồn internet)

Trong QLVNCH, ông Dương văn Đức là vị Tướng trẻ nhất (31 tuổi / 1956) . Người hùng mũ nâu tử thủ Tống Lê Chân (512 ngày !!! ) Lê văn Ngôn, người anh cả Tiểu Đoàn 92 Biệt Động Quân, là vị Trung Tá trẻ nhất (27 tuổi), vỏn vẹn 6 năm sau khi tốt nghiệp khóa 21 Võ bị Đà Lạt ( cùng khóa với Đại Úy ‘’Khủng Long’’ / Mai Bá Long / của TĐ 11 Nhảy Dù ) . Nhưng ‘’người trai khói lửa’’ không chết trên chiến trường, mà chết trong ngục tù ‘’cải tạo’’, 2 năm sau ‘’hòa bình ‘’!
Cùng với ‘’The Voice’’, ‘’Danse avec les Stars’’, ‘’Prodiges’’ là một chương trình TV “nhạc cổ điển’’ mà tôi chưa bao giờ xem ‘’hụt’’. Lúc nào biết không xem được thì tôi programmer thu.

Bắt đầu năm 2014, ‘’Prodiges’’ là một chương trình tuyển lựa tài năng trẻ dành cho các thí sinh tuổi 7-16, trong 3 lãnh vực: hát, nhạc cụ, múa ( ballet). Bảo đảm là những người sợ nhạc ‘’cổ điển’’ (còn hơn sợ nghe kiểng đổ), khó có thể mà… ngủ gục khi xem chương trình này. Đây là một trong những chương trình lấy ... nước mắt của tôi!

‘’Enfant prodige’’, ta gọi là thần đồng. Theo wikipédia’’ Thần đồng được định nghĩa trong tài liệu nghiên cứu tâm lý là một người dưới mười tuổi tạo ra kết quả có ý nghĩa trong một lĩnh vực nào đó ở cấp độ của một người chuyên nghiệp ở độ tuổi trưởng thành".

Như thế:

Thần đồng âm nhạc nổi tiếng nhất thế giới là Mozart, bắt đầu sáng tác lúc 5 tuổi , 8 tuổi viết giao hưởng!
Thần đồng văn sĩ Saeed Rashed al-Mheiri (Emirats arabes unis) ra mắt tác phẩm ’L’éléphant Saeed et l’ours’’ lúc được 4 .. tuổi!
Michael Kearney là người tốt nghiệp đại học (San marin High School / California ) trẻ nhất thế giới , lúc 6 tuổi ( 1990) .
Hoạ sĩ ‘’pro’’ trẻ nhất thế giới tên Aelita Andre (2007/ Úc). Từ năm 2 tuổi , em đã có các tác phẩm được bán ra ở giá 24.000 USD! 

Việt Nam ta cũng có lắm thần đồng. Nhất là về văn học.
Trạng nguyên trẻ tuổi nhất là Nguyễn Hiền (1234-1256 ?), thi đỗ năm 13 tuổi.

Tuy đỗ Trạng Nguyên năm 33 tuổi nhưng ông Lương thế Vinh (1430-1510?) cũng nổi tiếng là một thần đồng . Chuyện kể , lúc còn bé , đang chơi ngoài đường, có một người Tàu (?) muốn thử trí thông minh nhi đồng Việt nên lấy trái bưởi bỏ xuống hố, đố ‘’làm sao lấy trái bưởi lên mà không dùng tay hay đồ vật, thì sẽ được thưởng tiền’’, ông Vinh nói bạn múc nước đổ vào : trái bưởi nổi lên!

Trong quyền Giai Thoại Làng Nho , ông Lãng Nhân kể chuyện ông Ngô Thời ( đúng ra là‘’Thì’’, nhưng người sau này, vì kiêng tên vua Tự Đức, Nguyễn phúc Thì , nên đọc ra ‘’Thời‘’) Nhiệm, 5 tuổi đã biết tự đặt tên . Chả là đầu năm, bố ông Nhiệm ‘’tân niên khai bút’’, ký tên Ngô-thời Sĩ, xong, gọi con ra để đặt tên (?). Cậu bé lém lỉnh hỏi ‘’tên thầy là gì?’’, bố chỉ vào chữ Sĩ , thế là cậu cầm bút , phẩy thêm một nét lên chữ Sĩ , thành ra chữ Nhiệm! Ông cực kỳ thông minh, ngoài 20 đã đỗ Tiến Sĩ, được Chúa Trịnh Sâm dời vào phủ dạy thế tử Trịnh Khải. Thời Tây Sơn, vua Quang Trung tín cẩn, dùng làm ‘’cố vấn’’ (quân sư).

Nói đến Ngô thời Nhiệm, là nói đến câu (đối) trả lời ông Đặng trần Thường, một người trước đây cầu cạnh ông Ngô xin một chức dưới trướng (Tây Sơn) nhưng bị ông Ngô từ chối vì không ưa thái độ khúm núm của Thường. Bất bình, Thường vào Nam đầu chúa Nguyễn . Khi nhà Nguyễn hạ được Tây Sơn, ông Nhiệm bị tù giải ra Bắc. Người ngồi xử ông Nhiệm là ông Thường. Đang ‘’lên voi’’, Thường hiu hiu tự đắc, ‘’móc lò’’ ông tù … ‘’cải tạo’’ đang đứng giữa sân ‘’Ai công hầu , ai khanh tướng , trong trần ai , ai dễ biết ai ‘’. Không chút ngại ngần, Nhiệm hiên ngang đối lại ‘’Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế ‘’. ‘’Đau’’ quá, Thường ngầm ra lệnh cho thủ hạ đánh Nhiệm đến chết!

Chuyện các thần đồng VN kể trên chỉ là giai thoại nhưng đến ông Nguyễn văn Cẩm thì không còn là thêu dệt cho vui nữa. Mà có thật.

Ông Nguyễn văn Cẩm (1875-1929), người Thái Bình, nổi tiếng thần đồng, lên 6 tuổi, đọc sách chỉ một lần là nhớ, mỗi ngày học đến trăm trang. Tên ‘’Kỳ Đồng’’ do vua Tự Đức ban, cho thấy ông thật sự là thần đồng (Tự Đức mất năm 1883, như thế tên Kỳ Đồng được đặt, trễ nhất , cũng là lúc bé Cẩm 8 tuổi ) . Năm 13 tuổi, do liên quan đến một cuộc biểu tình (rước cờ) ở Nam Định nhưng vì trọng nhân tài nên người Pháp đã gởi ông sang Algérie học. Ông là người Việt Nam đầu tiên đỗ tú tài (ban Khoa học) ở tuổi 21 (1896). Vể nước, sau một thời gian, biết ông tìm cách liên lạc với ‘’Hùm thiêng Yên Thế’’,1898, nhà cầm quyền thuộc địa đã ‘’đày’’ ông sang Tahiti, rồi quần đảo Marquises. Ở đây , ông kết bạn với danh họa Paul Gauguin và soạn vở kịch ‘’ Les amours d'un vieux peintre aux Marquises ‘’ đùa ông bạn già họa sĩ!

Lập gia đình với một phụ nữ bản xứ, ông bà có một trai, một gái: Pierre Văn Cẩm và Bernadette Văn Cẩm. 

(Kỳ Đồng: góc phải tấm ảnh ). Nguồn: internet.

Trước 75, người ‘’miền Nam’’ biết Kỳ Đồng là tên một anh hùng, danh nhân lịch sử dù (có thể) không biết Nguyễn văn Cẩm là ai . Bởi vì có nhiều con đường mang tên Kỳ Đồng mà không có đường nào mang tên Nguyễn văn Cẩm.

Sau 75, người ‘’miền Nam’’ không biết Lê văn Tám là ai, mà nhiều tên đường miền Nam bị đổi thành ‘’con đường mang tên …em (!) ’’, nhiều trường học bị buộc mang tên Tám?! Ở Sài Gòn, thân nhân những người nằm trong nghĩa trang Mạc đỉnh Chi được lệnh dời mộ. Nhà Nước ta lấy tha ma làm công viên Lê văn Tám. Chẳng những thế, ‘’Lê văn Tám’’ còn được cho vào học đường Xã Hội Chủ Nghĩa, in trong sách giáo khoa, cho ‘’các thiếu nhi học gương anh Tám’’. Gương gì? – Gương tẩm... xăng vô mình, châm lửa, làm ‘’cây đuốc sống’’, lao vào phá nổ kho đạn Thị Nghè, tháng 10/1945!!! (nguồn: RFA)

Kho đạn Thị Nghè ở miền Nam. Trước 75, chắc có nhiều người lớn tuổi miền Nam còn nhớ chuyện ‘’nổ kho đạn Thị Nghè’’ nhưng không người miền Nam nào biết Lê văn Tám là ai. Không biết cũng phải, vì đó là sản phẩm tưởng tượng của ông Trần huy Liệu: Bộ Trưởng Bộ Tuyên Truyền (1945, 46) trong chính phủ Hồ chí Minh.

Tuy có nhiều đoạn không đồng ý với lập luận của tác giả nhưng tôi cũng xin ghi lại, trong tạp chí ‘’Xưa và Nay’’, số tháng 10/2009, Giáo sư sử học (miền Bắc) Phan Huy Lê (1934-2018) , của dòng họ Phan Huy nổi tiếng ( Phan huy Ích, Phan huy Chú, Phan Huy Vịnh vv), em trai cựu Thủ Tướng VNCH Phan huy Quát, tiết lộ rằng: ‘’ Về câu chuyện Lê Văn Tám, tôi xin được tóm lược một cách đầy đủ lời kể và lời dặn của GS Trần Huy Liệu mà tôi đã lĩnh hội như sau: Nhân vụ kho xăng của địch ở Thị Nghè bị đốt cháy vào khoảng tháng 10 – 1945 và được loan tin rộng rãi trên báo chí trong nước và đài phát thanh của Pháp, đài BBC của Anh; nhưng không biết ai là người tổ chức và trực tiếp đốt kho xăng nên tôi (GS Trần Huy Liệu) đã “dựng” lên câu chuyện thiếu niên Lê Văn Tám tẩm xăng vào người rồi xông vào đốt kho xăng địch cách đấy mấy chục mét. ‘’.


Kể cho ông Lê nghe xong, ông Liệu còn tự trách là ‘’ bịa mà bịa chưa đến chốn nên lòi cái.. dốt ra‘’: « GS Trần Huy Liệu còn cho biết là sau khi ta phát tin này thì đài BBC đưa tin ngay, và hôm sau bình luận: Một cậu bé tẩm xăng vào người rồi tự đốt cháy thì sẽ gục ngay tại chỗ, hay nhiều lắm là chỉ lảo đảo được mấy bước, không thể chạy được mấy chục mét đến kho xăng. GS đã tự trách là vì thiếu cân nhắc về khoa học nên có chỗ chưa hợp lý. Đây là ý kiến của GS Trần Huy Liệu mà sau này tôi có trao đổi với vài bác sĩ để xác nhận thêm….. Điều căn dặn của GS Trần Huy Liệu là: Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.’’.

Sau tiết lộ sự thật phủ phàng , ông Lê bị báo chí Đảng dũa tơi bời, cho là ông dựng chuyện, bôi bẩn anh Tám. Và ‘’tiểu sử’’ Lê văn Tám, một sớm, một chiều được chữa lại năm sinh: từ ‘’không biết năm sinh’’ thành ‘’1932’’ (cho phù hợp với thiếu niên 13 tuổi đốt kho đạn)!

Theo "RFA" (**), nhận định về bài viết về buổi lễ giỗ (!!) Lê Văn Tám do tờ báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tường thuật, cũng như những ý kiến cho rằng Lê Văn Tám là có thật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói rằng đừng xem sự việc đó là quá lớn:

“Có một cái nhóm xung quanh cái tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đấy là một nhóm thực sự là cực đoan. Mình không nên đánh giá quá cao cái việc ấy, nó cũng giống như là dư luận viên. Nếu không phải 90% thì cũng là 80 mấy phần trăm người ta tin ông Phan Huy Lê hơn là các ông cảnh sát tư tưởng.”.

Nhưng tại sao lại cho « cây đuốc sống’’ (chữ của báo chí CS) mang tên Lê văn Tám thì Trần Huy Liệu giải thích" “dựng” chuyện thiếu niên Lê Văn Tám là nghĩ đến biểu tượng cậu bé anh hùng làng Gióng (Phù Đổng Thiên Vương), còn việc đặt tên Lê Văn Tám là vì họ Lê Văn rất phổ biến ở nước ta và Tám là nghĩ đến Cách mạng tháng Tám‘’.

Ông Trần huy Liệu không.. liệu sức mình, dám mang thánh Gióng, một ông tướng nhà Trời, đuổi giặc Ân, cho các vua Hùng tiếp tục dựng nước và giữ nước, để làm ra Lê văn Tám: một ‘’cây đuốc sống’’ ở tuổi 13, khuyến khích trẻ thơ lao vào lửa đạn, chết cho một nước Việt Nam chưa bao giờ thật sự" Bắc Nam thống nhất’’?!

Trong ‘’Luận Ngữ - Tử hãn’’ có ghi: Khổng Tử viết: Hậu sinh khả úy(Hậu sinh khả úy, yên tri lai giả chi bất như kim dã? Tứ thập, ngũ thập nhi vô văn yên, tư diệc bất túc úy dã dĩ.” / Những người thế hệ sau rất đáng kính phục, làm sao mới biết thế hệ sau không bằng thế hệ trước đây? Nếu đến lúc 40, 50 tuổi mà vẫn không có danh tiếng gì, vậy thì họ sẽ chẳng còn gì phải kính sợ rồi.
(https://tuhoctiengtrung.vn/)

Nếu Kỳ Đồng Nguyễn văn Cẩm là một ‘’hậu sinh chả úy’’ thì Lê văn Tám là một ‘’hậu sinh chả úy‘’. Muốn úy cũng không được. Có thật đâu mà úy ?!

Nghèo mà ham! Bỏ đi Tám!

BP
17/01/2024

https://fos.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tan-man-phuong-dong/gs-phan-huy-le-tra-lai-su-that-hinh-tuong-le-van-tam-290.html
** https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/le-van-tam-mythic-narratives-08012018124756.html


Thứ Ba, 2 tháng 4, 2024

Chiêu Niệm Khúc - Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan - Đàn & Hát: Kim Hậu Trà My


Hoàng Quốc Bảo & Hoàng Khai Nhan
Đàn & Hát: Kim Hậu Trà My

Tiêu Vọng Thành San

 

Bên trời kiếm khách nhớ thi nhân
Sương khói thành San lại phủ lần
Sông núi nơi đâu chờ hạnh ngộ
Văn chương chốn đó đợi chiêu quân
Một thời lửa đạn chưa xa lắm
Mười hẹn đoàn viên được mấy phần
Sơn quán bâng khuâng về dạo trúc
Khúc sầu lưu thủy nối hành vân


Cao Mỵ Nhân

Hawthorne, 6/6/2015

Xin Một Lần

  

Xin một lần về thăm quê Mẹ
Ðể ngắm mùa xuân mai nở hoa
Rừng khóac lộc non khoe sắc thắm
Ðàn chim chào đón khách phương xa…

Hương khói thân thương làm ấm lại
Bao nhiêu kỷ niệm tháng ngày qua
Giờ đây Cha Mẹ không còn nữa
Lặng lẽ sầu đong đếm tuổi già

Xin một lần về thăm quê Mẹ
Có lẽ bạn bè cũng ngóng trông
Chân ruộng nhà ai vừa mới vỡ
Mùi hương đất cũ vẫn thơm nồng

Ôi, đất quê hương sao dịu ngọt
Ðậm đà tình nghĩa với non sông
Luống cày ngan ngát thơm mùi rạ
Sóng lúa vờn xa trải ngập đồng …

Xin một lần về thăm quê Mẹ
Thăm lại trường xưa thuở ấu thơ
Lối cũ cây bàng vừa rụng lá
Hàng me cổ thụ đứng chơ vơ

Thầy cô, bè bạn giờ xiêu lạc
Sân xưa còn lại dấu rêu mờ
Lần dở từng trang trong ký ức
Hỏi ai còn lại dấu chân xưa ?
Dẫu biết thời gian vùi kỷ niệm
Ðâu đây còn thoảng chút hương thừa…

Xin một lần về thăm quê Mẹ
Thắp nén hương thơm tưởng bạn hiền
Một thuở xông pha vào gió bụi
Ðể rồi…nằm xuống với quê hương
Màu cỏ rêu xanh vì tổ quốc
Tự do, anh đã chọn con đường !

Dù kẻ đi xa hay ở lại
Vẫn còn ngưỡng vọng với yêu thương
Thôi nhé – anh về cùng đất Mẹ
Trăm năm tình ủ mộng sa trường… 

 Nguyễn Phan Ngọc An

Ngụ Ngôn Của Thi Nhân

 

Còn nghe nức nở từ bông hoa
Gõ nhịp thời gian bóng xế tà
Trên nấm mồ hoang loài cỏ úa
Hồn soi hạt bụi cõi ta bà.

Bầy hoang giã thú đêm huyền mặc
Khao khát nhìn em dáng ngọc ngà
Vết nứt hồi sinh nguồn thực thể
Đêm soan rót mật bóng trăng tà.

Gió bay chợt thấy hồn trinh nữ
Bám bụi thời gian phủ lớp dày
Em tắm nước sông trôi tận biển
Bụi hư vô chối bỏ thân này.

Xỏ dây chuỗi hạt thiền tâm định
Hơi thở đêm qua mới tái sinh
Nhìn thấy thân ta từ kiếp trước
Nhấp nhô nhịp điệu hóa vô hình.

Tế Luân
Tự soi bóng mình
03-23-24


Người Anh Chu Văn An



(Cảm tác truyện "Người Tình Chu Văn An" của Lê Thị Nhị)

Hỡi người anh Chu Văn An thuở ấy
Vào đời tôi tuổi mới lớn mộng mơ
Anh ngọt ngào mà tình vẫn như chưa
Chưa là yêu vậy là gì anh nhỉ?

Cùng bạn bè chúng ta vui văn nghệ
Các bạn anh hát những bản nhạc tình
Anh ngâm thơ “Yêu hết một mùa Đông…”
Bài thơ ấy làm tôi bâng khuâng mãi.

Anh đã nắm bàn tay tôi con gái
Anh đã hôn mái tóc tôi thì thầm:
Em mới gội đầu bồ kết phải không?
Hương bồ kết có làm anh thương nhớ?

Chưa nói yêu, chưa bao giờ anh hứa
Anh lửng lơ anh chiều chuộng tặng quà
Không món đắt tiền son phấn, nước hoa
Chỉ ô mai, ly thạch chè Hiển Khánh…

Anh mua tặng cho tôi những bài hát
Chép những bài thơ trên giấy pelure
Vẽ cánh hoa xinh bên cạnh bài thơ
Bài thơ tình làm cho tôi mất ngủ.

Hỡi người anh Chu Văn An một thuở
Gieo làm chi những giấc mộng nửa vời
Tôi chỉ là em gái của anh thôi
Tôi và anh cuộc đời hai lối rẽ.

Bao năm qua, quê người ta gặp gỡ
Anh ở miền Tây tôi ở miền Đông
Chúng ta lại gần, lại rất xa xăm
Tình có như không. Vì nhau tìm đến.

Giờ tóc tôi không thơm mùi bồ kết
Bài thơ xưa anh chép đã lạc dòng
Anh lại đọc thơ “Yêu hết một mùa Đông…”
Anh vẫn là anh. Tôi là em gái.


Nguyễn Thị Thanh Dương
(Dec 18, 2023)
 

I’m A Soldier Born To Die (Tim O’Brien) Tôi Là Lính Sinh Ra Là Để Chết (Y Thy Võ Phú)


I’m A Soldier Born To Die 
 
Được cho là của tiểu thuyết gia người Mỹ, Tim O’Brien, sinh ngày 1 tháng 10, 1946 . Ông được biết là một người lính từng tham chiến tại Việt Nam.

Ảnh: Bìa sách cuốn hồi ký của tác giả được nhà xuất bản Delacorte Press tại Hoa Kỳ năm 1973 với tựa đề là "IF I DIE IN A COMBAT ZONE BOX ME UP & SHIP ME HOME" tạm dịch "Nếu Tôi Chết Ở Nơi Chiến Trận Hãy Gói Tôi Lại và Gửi Về Nhà"


I'am A Soldier Born To Die

if i die in a war zone,
box me up and send me home.
Put my medals on my chest,
Tell my mom i did my best.

Tell my father not to bow,
he won't get tension from me now.
Tell my brother to study perfectly,
keys of my bike will be his permanently.

Tell my sis not to be upset,
Her bro will not rise after this sunset,
Tell my love not to Cry...
'BECAUSE IAM A SOLDIER BORN TO DIE....! ! !

Tim O’Brien
***
Dịch từ nguyên tác: 

Tôi Là Lính Sinh Ra Là Để Chết

Nếu tôi chết nơi chiến trường
Hãy gói tôi lại và thương gửi về
Ngôi nhà tôi ở vùng quê
Xin đặt huy chương nằm kề trước ngực
Nhắn mẹ rằng, đừng khóc nức
Con của mẹ bổn phận thực hiện tròn
Với cha đừng cúi đầu con
Bởi giờ đây cha chẳng còn căng thẳng
Nhắn em trai học cho giỏi
Chiếc xe này, chìa khóa tôi tặng em
Nhắn với chị, đừng buồn thêm
Bởi mặt trời khi chiều đêm sẽ tắt
Người yêu ơi, đây sự thật
Nên xin nàng đừng nước mắt khóc thương
Bởi tôi là lính sa trường
Nên sinh ra chẳng vấn vương khi chết!

121323
Y Thy Võ Phú

Mỗi Ngày Một Củ Khoai Lang


Vâng, thưa quý vị, mỗi ngày chúng ta nên ăn một củ khoai lang. Biết ngay mà, sẽ có vị sẽ hỏi: có nhiều loại khoai lang, vậy thì ăn khoai lang nào ? khoai lang bí, khoai lang mật, khoai lang bột v..v…lại nữa …khoai lang chỉ để ăn độn khi không đủ gạo mà ăn chứ qua đến xứ này, gạo thịt ê hề, lỡ bữa nào thiếu gạo vì quên mua thì ăn cháo gà chứ ai ăn khoai làm gì?

Quý vị nhớ không, sau tháng tư 1975, trong mấy năm liền cả nước ăn độn. Miền Nam tuy là vựa lúa gạo nhưng gạo lúc đó còn phải đem trả nợ cho hai nước đàn anh Liên Xô và Trung Cộng. Những tháng đầu sau 1975, mỗi đầu người được mua 9 kí lô gạo mỗi tháng, ít lâu sau tụt xuống còn có 6 kí gạo; 3kg kia, mỗi kí gạo được thay bằng 3 kí bo bo hay 3 kí khoai hoặc 1kí bột mì khi có viện trợ bột mì của quốc tế. Bobo là loại thực phẩm có cái tên rất đẹp là cao lương thì phải, loại thực phẩm này chỉ dành cho ngưạ ăn, hạt tròn nhỏ rất cứng, phải ngâm lâu trong nước và nấu cũng lâu chín, ăn lại lạt lẽo chẳng ngon lành gì chỉ được cái là làm cho đầy bụng no lâu. Khoai thì có khoai lang hay khoai mì. Bobo, bột và khoai bắt buộc phải mua cùng với gạo dù là khoai hư, gạo mốc; dù sao chăng nữa giá vẫn rẻ hơn giá ngoài chợ. Gạo mốc thì đem về sàng sảy phơi lại để ăn, người nào còn vàng thì đem bán gạo dở, mua gạo ngon ngoài chợ dĩ nhiên là rất đắt mà ăn. Bobo thường được đem đi bán vì quá cứng nấu tốn củi. Bột mì thì đem đi đổi (gọi là gia công) thành mì sợi hay bánh mì. Tuy có bột mì nhưng bánh mì vẫn là xa xỉ phẩm do không lò, không men để làm thành bánh mì! Còn khoai? Rất ít khi có khoai ngon mà ăn vì đến khi đến tay người dân, khoai đã bị hà, bị thối, bị sùng, bị sượng quá nhiều tuy vậy ăn không kịp nên người ta cắt khoanh phơi khô rồi nấu độn với cơm. Coi vậy chứ dân mình lúc đó ăn sang lắm vì ăn cơm 3 tầng: bobo ở dưới, cơm trộn khoai ở giữa, mì sợi ở trên nên dân mình nhái bài ca mà ca :

… … Có ai qua vùng miền Đông đất đỏ, đừng quên chở về thành phố khoai mì, cả khoai lang rồi luôn khoai bí, để dân mình cân ký về ăn …. Tổ quốc ơi ăn khoai mì ớn quá, từ giải phóng đến nay ta ăn độn dài dài, ta ăn độn hoài hoài…

Nhà nước ta ngày đó đã nghĩ đến sức khoẻ của dân mà cho ăn cơm độn khoai vì theo nghiên cứu khoai lang rất tốt cho sức khỏe.
Trước hết khoai là tên gọi của những rễ củ như khoai lang, khoai từ, khoai mỡ, khoai sọ, khoai môn, khoai tây…
Rễ củ là rễ lớn nhất phát triển thành củ thường là ăn được, quanh và trên củ có rễ phụ để nuôi cây. Những loại có rễ củ như củ khoai, củ gừng, củ hành, củ nghệ, củ riềng, củ tỏi…
Khoai lang có tên khoa học là Ipomoea batatas, có rễ củ lớn mà ta gọi là củ khoai. Là loại cây thân thảo, dây khoai lang bò trên mặt đất mà người trồng vun lên cao cho khỏi úng nước gọi là giồng (nương khoai).

Khoai được trồng bằng cách cắt dây khoai mà cắm xuống đất, từ đó sinh ra rễ con để nuôi cây, thân dài ra bò trên mặt đất cùng lúc rễ củ lớn dần đến khi ăn được.

Sự tích khoai lang vì thế bắt nguồn từ câu chuyện : Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông: Ngày xưa, có hai người bạn tên là Khoai và Lang chơi với nhau rất thân. Khi lớn, anh Khoai làm ăn thành công giàu có còn anh Lang thì thất bại nghèo xơ nghèo xác. Anh Khoai đem tiền cho bạn vay để làm ăn…Chờ lâu không thấy bạn đem trả nên một ngày kia anh Khoai mang theo một món tiền lớn đến thăm bạn. Anh Khoai định bụng nếu bạn còn nghèo thì đưa tiền giúp bạn lần nữa. Đến nhà bạn, thấy nhà cửa khang trang có vẻ khá giả, anh Khoai bèn giấu gói tiền trên nóc cổng rồi mới vào. Anh Lang tiếp bạn rất là vui vẻ nhưng nghĩ đến món tiền phải trả lại thì rất đau lòng. Tối đó, Lang phục cho bạn ăn uống no say rồi giết chết Khoai, đem chôn ngoài vườn. Ít lâu sau nơi đây mọc lên một loại cây bò lan, xanh mướt, lá non đem luộc ăn vào thật mát ruột, xới lên lại thấy có củ to, nấu chín ăn vừa ngọt vừa ngon. Con dâu anh Lang ăn vào, có bầu sinh được đứa con trai trông rất khôi ngô, chỉ tiếc là đứa bé chẳng nói năng gì cả. Một ngày kia có quan huyện về thăm dân, đứa bé bây giờ đã lớn, chạy ra quỳ bẩm quan xin xử nỗi oan :

Bẩm quan, con là bạn của anh Lang này!
Thằng này hỗn láo, cháu mà dám gọi ông bằng anh.

Bẩm quan, thật tình xưa kia con và anh Lang là hai người bạn thân. Xin quan cho con kể hết đầu đuôi câu chuyện. Con tên là Khoai, nhờ trời con làm ăn thành công trong khi bạn con thất bại nghèo khó. Thương bạn, con có cho anh Lang vay mười vạn quan để làm vốn. Chờ lâu không có tin tức, con ngỡ bạn con lại thất bại mất hết tiền nên đem theo 5 vạn quan tính cho bạn mượn thêm. Bẩm quan, số tiền này con còn dấu trên mái ngói của cổng nhà, xin quan cho người leo lên lấy để thấy lời con khai là sự thật.

Quan cho lính leo lên thì quả lấy được 5 vạn quan còn y nguyên trên đó.
Rồi sao mà mày lại trở thành đứa trẻ con như bây giờ?

Bẩm quan, anh Lang ngỡ con đến đòi tiền nên đã giết con và chôn sau vườn. Oan ức nên con xin Trời cho đầu thai trở lại; con dâu anh Lang ăn cái củ ngoài vườn nơi chôn con, có thai sinh ra con. Con tuy là cháu nhưng thực ra lại là bạn của anh Lang, từ ngày sinh ra đến nay con ngậm miệng không nói năng gì để chờ ngày được tỏ bày oan ức, xin quan mở lượng mà minh xét cho.

Quan huyện cho điều tra thì thấy đúng như lời khai. Quan bèn bỏ tù anh Lang và thả đứa bé trở về, lại dậy cho dân làng lấy giống cây đó mà trồng và đặt tên là củ khoai lang. Khi anh Khoai trở về thì con anh Khoai đã có vợ con, anh Khoai đã trở thành ông nội, bởi thế mới có câu sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông ví như cây khoai lang thoạt tiên là nhánh cây, đâm chồi thành rễ rồi sau cùng mới sinh ra rễ cái biến thành củ….

Thật ra khoai lang có nguồn gốc ở Nam Mỹ, sau đó khoai lang được trồng khắp các vùng ôn đới và nhiệt đới trên thế giới. Xứ Peru là nơi có nhiều loại khoai lang đủ màu thật đẹp. Khoai lang là lương thực chủ yếu của một số quốc gia nghèo với sản lượng hàng năm lên tới 127 triệu tấn (năm 2004) với 7007 mẫu khoai lang khác nhau (2005).

Sao Khuê lâu lâu mới ăn khoai lang và chỉ biết có vài loại như khoai lang bí (ruột vàng như bí rợ), khoai lang mật (củ khoai luộc chín chảy nước ngọt như mật, trồng ở Đà Lạt), khoai lang bột vỏ trắng, ruột trắng có nhiều bột ăn rất bùi; khoai lang dương ngọc vỏ đỏ ruột tím và trắng. Lá khoai lang xanh mơn mởn, lá non luộc, xào hay nấu canh ăn vừa ngon vừa mát dạ nhưng thầy thuốc Nam khuyên chớ ăn thường xuyên vì calcium (có lẽ dưới dạng oxalate) gây ra sạn thận. Phần quan trọng của cây khoai lang là củ khoai lang. Củ khoai lang ít lâu nay được khuyến khích ăn nhưng ở Việt Nam thì ngay trẻ chăn trâu đã biết từ lâu là khoai vùi bếp nóng ngon thơm ngọt ngào. 


Củ khoai lang được coi là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhờ có chứa nhiều tinh bột, nhiều chất xơ tốt, nhiều sinh tố A, B2, B6, C, nhiều khoáng chất như kali, manganese, sắt ...và những chất có nhiều khả năng antioxydant để ngừa bệnh và làm tăng khả năng miễn dịch chống lại các tế bào bị bệnh như: 

*Anthocyanines chứa trong khoai nhất là khoai lang tím có tính kháng viêm, kháng ung thư nhờ tính antioxydant cao.
* Acide phénoliques có nhiều cả trong vỏ và ruột khoai giúp chống lại nhiều căn bệnh do lão hóa gây ra cũng do khả năng antioxydant (người già càng nên ăn khoai lang)
*Protéine inhibitrice de la trypsine dù có nấu chín cũng vẫn còn tác dụng.
*Caroténoïdes : người ta cho là có tác dụng tốt ngừa bệnh tim mạch và ung thư và mắt. Chất bêta-carotène sẽ sinh ra vitamine A mà chỉ cần ăn ngày một củ khoai lang cũng đủ cho luợng vitamine A trong ngày, rất tốt cho trẻ em nếu được ăn cùng 3g chất béo để giúp cho sự biến đổi từ bêta- carotène sang vitamine A. Ở Đông châu Phi, khoai lang có tên là cilera abana, có nghĩa là bảo vệ con nít vì chuyện thiếu vitamine A là vấn đề trầm trọng với trẻ con châu Phi. 

Khoai lang có nhiều Glycoprotéine mà những nghiên cứu mới cho thấy khoai lang có tác dụng giảm cholestérol và điều chỉnh insuline nên dù ngọt khoai lang lại tốt cho những vị mắc bệnh tiểu đường. Chính chất Caiapo chiết từ khoai lang trắng của Nhật được đem thử nghiệm và đã được bày bán trên thị trường có tính phòng ngừa và điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường, tác dụng này nay đã được xác nhận ở Áo và ở Mỹ. Ngoài ra người ta cũng thấy khoai lang ở North Carolina (Mỹ) chứa nhiều caiapo hơn khoai Nhật, rất tốt cho người mắc bệnh tiểu đường loại II. Khoai lang xếp hàng thứ 5 trong các loại rau trái tốt cho người mắc bệnh tiểu đường. (Caiapo is a registered product name of Fuji Sangyo (FJI-120) Japan. This study was sponsored by a grant by Fuji Sangyo. Part of the this report has been presented as a poster (no. 467) at the 60th Scientific Sessions of the American Diabetes Association, San Antonio, Texas, June 2000.)

Năng lượng cung cấp bởi khoai lang chỉ bằng 30% của gạo, 50% của khoai tây nên rất tốt cho vị nào muốn giảm cân, các vị này nên ăn 1 củ khoai lang trước bữa ăn chính sẽ không cảm thấy đói mà còn có thêm nhiều sinh tố, nhiều chất xơ, acid amino và diếu tố (enzyme) giúp cho tiêu hóa, tốt cho những người hay bị táo bón. 

Khoai lang ngoài giá trị dinh dưỡng còn là một vị thuốc quí: Trong y học dân gian người ta đã dùng khoai lang để:
- Trị bệnh thấp khớp
- Cảm sốt mùa nóng: nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh để ăn thay cơm hay nấu nhừ khoai lang với vài lát gừng và chút muối mà ăn.
- Táo bón: ăn chè khoai lang với mè, hoa húng quế (tức hạt é).
- Say xe: ăn củ khoai lang sống.
- Vàng da: ăn cháo đặc nấu gạo với khoai lang
- Quáng gà.

Có một bài đồng dao về khoai mà chúng ta thường ca hát chung với nhau khi còn bé, quý vị muốn nghe lại không. Lời bài ca thật là ngô nghê mà sao ngày đó trẻ con ai cũng thuộc :

Úp lá khoai
Mười hai chong chóng
Đứa bận áo trắng đứa bận áo đen
Đứa xách lồng đèn đứa cầm ống thụt
Chạy vô chạy xa
Có thằng đánh trống ếch
Có thằng té xuống sình, té xuống sình
Hít hà

Úp lá khoai
Mười hai chong chóng
Đứa bận áo tím đứa bận áo xanh
Đứa xách đèn cù đứa làm chú cuội
Chạy ra chạy vô
Có thằng xách cá chép
Có thằng núp dưới giường
Cúc cúc hà
Cúc hà 

Úp lá khoai
Mười hai con giáp
Có chuột có chó
Có ngựa có trâu
Đứa gáy gà cồ
Đứa cầm ống thọt
Rượt theo rượt dê
Bác rồng té xuống giếng
Chú mèo té xuống hầm
Chú khỉ cười
Cúc hà!

Còn sau này khi đã lớn thì :
Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Khoai lang đất cát đã ngon lại bùi
Em gặp anh đây đã khỏe lại vui
Tam, tứ sầu giải hết mặt tươi như thường

Sao Khuê cũng thấy quý vị cứ cặm cụi đi tìm hạnh phúc, thực ra ‘ ngày hạnh phúc’ chỉ là … một bài ca như sau:

Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm anh lo cày cấy
Dù cho bao gian lao nhưng tình nghèo góp sức mà vui
Cầu cho mai sau gió đưa thuyền tình về bến mơ,
Phút bạc đầu, đẹp bài ca này có tựa là «ngày hạnh phúc »

Khoai dù ngon ngọt nhưng không được coi là thực phẩm chính như lúa gạo vì ăn mau ngán, tuy vậy

Được mùa chớ phụ ngô khoai
Đến khi thất bát, lấy ai bạn cùng?

Sao khuê đã dày công tìm tòi chứng tỏ ích lợi của việc ăn khoai (giảm cân, hạ cholesterol, giảm đường, ngừa nhiều bệnh, tốt cho mắt…) nhưng dù ai cũng ‘khoái ăn sang’ mà bảo mỗi sáng ăn một củ khoai thì … mau ngán lắm, vậy thì ngoài ăn khoai luộc, khoai hấp, khoai nướng, bánh khoai (mà ngày xưa có ông bán bánh cứ rao là

ai bánh chưng, bánh gai, bánh khoai bánh nếp ,
ai bánh nếp, bánh chưng, bánh gai bánh khoai 

Sao Khuê vừa mò thấy trên ‘net’ một cách làm bánh khoai lang nhân chuối như sau:

Nguyên liệu:

Khoai lang 400gr; Bột gạo nếp 3 thìa to; Chuối chín 2 quả; Dầu ăn

Cách làm:

Khoai chọn loại bở, ngọt, chuối phải chín
Khoai lang gọt vỏ rửa sạch, thái miếng.
Cho khoai lang vào hấp chín mềm.
Lúc khoai còn nóng nghiền nhuyễn. Thêm bột nếp, nhào kỹ thành hỗn hợp mịn. Nếu hỗn hợp bột quá khô bạn có thể cho thêm một chút nước ấm.

Chia bột thành nhiều phần nhỏ. Chuối bóc vỏ, cắt thành từng lát tròn

Lấy từng miếng bột lăn thành hình tròn, ép bột dẹt ra. Đặt một lát chuối vào giữa miếng bột gói lại dùng tay miết mép bột cho dính chắc vào nhau tạo thành hình một chiếc bánh tròn bột khoai nhân chuối như bánh rán.
Làm lần lượt đến hết chỗ bột và chuối đã chuẩn bị.
Để chảo lên bếp, đun nóng một ít dầu ăn. Cho bánh vào rán, rán bánh vàng hai mặt là được.
Bánh chín ăn nóng hoặc nguội đều ngon vì có nhân chuối dẻo thơm phức. Quý vị cũng có thể thay chuối bằng nhân đậu xanh trộn dừa.
Vị khoai lang và chuối đã ngọt rồi nhưng nếu bạn thích có thể tưới mật ong lên trên rồi thưởng thức.

Chúng ta cũng có thể làm chè trôi nước với khoai lang tím, hoặc “chips” khoai lang (dễ ẹc hà: khoai lang bào mỏng rửa thật sạch, trộn tí muối, dầu olive rồi sấy khô tha hồ nhâm nhi thay chips khoai tây)

Dĩ nhiên giản dị nhất cho những ai không thích làm bếp là : Rửa sạch củ khoai, khứa nhiều khứa quanh củ khoai, bao ngoài bằng giấy chùi tay có thấm nước ướt, bỏ vào lò microwave 2 lần 2 phút, thì khoai chín ăn được, nếu muốn ngon thì khi khoai gần chín bạn bỏ vào lò nướng cho cháy xem xém càng thêm thơm ngon.

Có một cách cầu kỳ để ăn khoai lang là làm bánh tôm chiên Cổ Ngư:

Vật liệu

- Khoai lang cắt nhỏ (sau này Sao Khuê thấy nếu trộn chung 2 phần khoai lang với 1 phần khoai môn thì dòn hơn)
- Bột chiên tôm chuối (bán sẵn) : 2 cúp bột trong 2 cúp nước thêm chút muối và bột nghệ.
- Tôm

Cách làm

*trộn chút bột khô để chiên tôm chuối vào khoai
* hoà tan một muỗng nhỏ bột nghệ và 2 cúp bột chiên trong 2 cúp nước lạnh với một chút muối.
* Khi chiên: lấy một vá (muôi) khoai, cho tôm vào nước bột để tôm dính vào khoai, cho vào chảo ít dầu chiên cho chín sơ sơ, khi ăn chiên lại trong chảo nhiều dầu, chiên cho vàng.

Bánh tôm Cổ Ngư xuất phát từ Hà Nội, có lẽ từ các quán trên con đê Cổ Ngư, được ăn với rau sống, rau thơm nhất là kinh giới và tía tô cùng nước mắm chua ngọt.

Các bạn cũng đã từng ăn chè thưng nấu bằng khoai lang, khoai mì, đậu xanh nhiễn, bánh lọc và vừa ngon vừa béo vừa đầy cholesterol của nước dừa nhưng có nên ăn vỏ khoai không ? Người bảo có, kẻ bảo không nhưng mà Sao Khuê nhớ ngày xưa có câu ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột ý chỉ những người ăn uống cẩu thả vì vỏ khoai nào có ngon lành gì mà ăn, tuy vậy theo nghiên cứu thì vỏ khoai lang chứa nhiều anthocyanes nên khi nào đói bụng mà thiếu thức ăn có thể ăn luôn cả vỏ.

Ít lâu nay hàng tuần đi chợ Sao Khuê đều có mua khoai lang làm thức ăn dặm thay cho bánh ngọt, bao giờ đi thử cholestérol Sao Khuê sẽ báo cáo kết quả cho quý vị nghe nhưng bảo đảm là ăn dặm khoai lang cũng ngọt tuy không ngon nhưng ít cholestérol hơn bánh ngọt là cái chắc.

 

Người ta cũng trồng khoai lang làm cảnh vì màu lá xanh mướt.
Quí vị xiên ngang qua củ khoai và đặt vào ly nước, cây sẽ trổ mầm nếu khoai còn mới không bị tẩm quá nhiều hoá chất bảo quản.

Có một ngàn lẻ một (?) cách chế biến khoai lang: phơi khô, làm mứt, nấu chè, làm bánh…..và đố quý vị biết cái gì đây: bánh tráng khoai đó, quí vị ăn bao giờ chưa ? Chưa à, thì quý vị ăn thử đi, dẻo dẻo dai dai cũng hay hay khi buồn miệng và quý vị cũng nên làm thử mặt nạ khoai lang với sữa và mật xem da mặt có đẹp hơn không nhé.

Sao Khuê