Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

Chúc Tết Tây 2021 Trang Long Hồ Vĩnh Long

 

Thơ: Phương Hoa
Thơ Tranh: Kim Oanh

Mùa Đông 2021 - Hoa Tuyết Hay Áo Ai?

 
(Ảnh: Nguyễn Thành Tài)


Xướng:

Mùa Đông 2021

Canada lạnh lắm anh ơi!
Giá buốt đông về tuyết trắng rơi
Trước cửa ngập tràn hoa tuyết đổ
Ngoài đường vắng lặng bước chân người !!!

Nguyễn Thành Tài
***
(Ảnh: Nguyễn Thành Tài)
Họa:

Hoa Tuyết Hay Áo Ai?

Mùa đông nhớ quá Canada ơi!
Hoa tuyết nhẹ nhàng cánh mỏng rơi
Như áo học trò phơ phất gió
Thầm mơ được sánh bước bên người.

Kim Oanh

Lời Khấn Đầu Năm



Sáng nay dậy sớm đón tân niên
Khấn tạ đất trời tạ tổ tiên
Cầu thế giới giao hòa ổn định
Cầu nhân loại hạnh phúc bình yên
Cầu dân Nam ấm no muôn chốn
Cầu nước Việt giàu đẹp mọi miền
Ai cũng hưởng tam đa ngũ phúc
Sống yêu đời tự tại an nhiên

Nhất Hùng


2021 Tân Niên



“21’ giao thừa rực pháo hoa
Khơi bao hy vọng của muôn nhà
Niềm vui đầy ắp trong lời nguyện
Nỗi khổ dần tan dưới nắng sa
Trẻ thể đơm bông tăng sức mạnh
Gìa như khởi sắc nhớ hương xa
Những ngày tháng cũ nay quăng bỏ
Bầu khí quê hương thật đậm đà.

Thái Huy
31/12/20

Xuân Gợi Tình Thơ


Ngày xuân man mác gợi tình thơ
Một bóng quê hương đã khuất mờ
Thân vẫn lênh đênh ngoài xứ lạ
Hồn còn vương vấn cuối trời mơ
Lòng đau nhỏ mực nhòe trang giấy
Nỗi nhớ lay đàn lạc phím tơ
Khắp nẻo non sông rền tiếng gọi
Ai người thương nước lẽ nào ngơ?

Nguyễn Kinh Bắc

Tìm Về Quá Khứ

 

Hoàng hôn xuống cuối chân trời viễn xứ
Chợt nghe lòng buồn, mượn rượu giải khuây
Nhìn đáy cốc, ta tìm về quá khứ
Tìm bạn bè xưa, tìm lại cố nhân.

Tuổi đời ta sắp cuối nẻo đường trần
Xa cách cố hương, đất khách dung  thân
Muốn thấy lại bạn bè , người năm cũ
Trước ngày ra đi từ giã cõi trần.

Hoa Đô 28-11-2020 
Lão Mã Sơn

91 Còn Vui



Tự trào


Chín mốt Tuổi Già, vẫn cứ vui,
Rượu Hồng chúc Thọ, vợ mừng tôi!
Bạn bè như tóc, rơi gần hết,
Huynh đệ theo răng, rụng cả rồi!
Chuyện thế chướng tai, đành điếc lác,
Trò đời gai mắt, giả mù thôi!
Niềm vui Hồng Phúc: "còn Hiền Nội,
Còn Rượu, còn Thơ"... Cảm tạ Trời!


Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

***
Chúc Mừng

Tuổi già chín mốt vậy là vui
Đây đó bạn bè ới chúng tôi!
Sớm tối cháu con tình chẳng thiếu
Gần xa thân thuộc nghĩa thừa rồi!

Tạm thời đất khách còn ray rứt;
Xa cách quê hương nhớ thế thôi!
Vẫn có nhau uyên ương sánh bước,
Vần thơ, ly rượu... cám ơn Trời!

Nguyễn Phú Long
Richmond, VA.
***
97 Vẫn Còn Vui

Chín bảy tuổi đời vẫn còn vui

Nâng cốc rượu vang, tôi mừng tôi
Tạ ơn Chúa, Phật cho tôi sống
Bằng hữu tôi đi nhiều lắm rồi.

Mặc kệ sự đời, không màng tới
Sống bên con ,cháu đủ vui thôi
Thế sự thăng trầm không cần biết
Còn bạn, rượu, thơ, cám ơn Đời.

Hoa Đô, 28-12-2020
Lão Mã Sơn.
***
Ta Cứ Vui

Cầu chúc huynh đài thêm tuổi trời,
Cuộc đời, chín mốt vẫn tươi thôi
Cháu con hiếu thảo luôn đầy đủ,
Bè bạn mến thân, dẫu cạn rồi.
Thế sự phù vân chừ bỏ thả,
Can trường sắt thép đã rèn tôi.
Phu thê trọn nghĩa còn song bước,
Rượu nốc, thơ đề ta cứ vui!

Githéa Hoàng Hy
Santa Clara, California.


Viết Về Trâu


Năm Canh Tý gần hết, Tân Sửu sắp bắt đầu.

Khi còn là đứa trẻ, Tết đến là vui mừng hớn hở, vì được ăn ngon, mặc quần áo mới, được lì xì, rút bất hay chơi xì lác, lại không phải đi học. 
Khi tới tuổi thanh niên, Tết đến cũng có nhiều trò vui, nhưng hấp dẫn nhất là những dạ vũ gia đình, dịp may bằng vàng để làm quen, tán tỉnh và ôm người đẹp. 
Thời gian qua mau, tuổi đời chồng chất, mỗi lần Tết đến là da thêm nhăn, mắt mờ, tóc bạc, chỉ thấy buồn man mác, nào có gì vui... 

Năm Sửu, chắc thiên hạ sẽ viết rất nhiều về trâu, mà tôi chỉ thích những truyện thần thoại, dã sử, chính sử hay văn chương nên cố tìm những gì liên quan đến trâu để giúp vui quý độc giả. 

Tôi vốn gốc trường Việt, nhưng hồi trẻ, đọc ké sách tiếng Pháp của cha khá nhiều, lịch sử, văn chương tiểu thuyết đủ cả mà không nhớ có chỗ nào nói tới con trâu. Trung Hoa và Việt Nam, vốn trọng nông nghiệp, nên chuyện về trâu rất nhiều: ngoài việc chính là cầy ruộng, trâu còn được dùng để cưỡi, để đánh trận, và biết bao nhiêu danh nhân, lúc hàn vi phải đi chăn trâu để độ nhật. 

HỨA DO & SÀO PHỦ 

Đời thượng cổ, hai người bạn có tài, không màng danh lợi là Hứa Do và Sào Phủ. 
Sào Phủ ở ẩn, chỉ lo cầy ruộng, vui thú điền viên. Hứa Do làm gì thì không thấy nói. 

Vì nghe tiếng Hứa Do là người hiền tài, vua Nghiêu triệu vào để truyền ngôi. Hứa từ chối rồi ra suối rửa tai. Sào Phủ dắt TRÂU đi uống nước, thấy lạ, hỏi tại sao thì Hứa trả lời “ông Nghiêu đòi tôi, biểu tôi thì 

làm vua” (Đó là văn ngày xưa của Huỳnh Tịnh Của, trong Truyện Giải Buồn), Sào Phủ thấy vậy thì dắt trâu lên trên nguồn cho uống, tránh nước dơ vì dính tới danh lợi. Bát Sách tuy gàn, nhưng hai ông này mới là tổ sư ngang dạ... 

LÃO TỬ 


Là một nhân vật có rất nhiều huyền thoại, tỷ như bà mẹ có thai tới 70 năm mới sinh ra ông, nên lúc ra đời, tóc đã bạc trắng, và được người ta gọi là lão tử. 

Theo Sử Ký Tư Mã Thiên, Lão tử tên là Lý Nhĩ, tự là Bá Dương, thuỵ là Đam, sinh vào thời nhà Chu, lớn tuổi hơn Khổng Tử. Ông làm một chức quan nhỏ đời Chu Chiêu Vương, nhưng thấy chiến tranh liên miên, đạo lý suy đồi nên ông bỏ quan, CƯỠI TRÂU đi về phía tây. Tới ải Hàm Cốc, quan trấn thủ là Doãn Hỷ, biết Lão tử có tài, cố thuyết phục ông viết lại những triết thuyết của mình trước khi đi tiếp vào sa mạc. Đó là cuốn Đạo Đức Kinh lưu truyền sau này. Và Lão tử được coi là ông tổ của Đạo giáo. 

Theo truyện Phong Thần thì còn hoang đường hơn nữa: 
Một ông tiên tài nghệ tuyệt vời là Hồng Quân Lão Tổ, có 3 học trò 

1) Nguyên Thỉ Thiên Tôn, lãnh tụ Xiển giáo, cai quản những người đã tu luyện thành tiên. 

2) Thái Thượng Lão Quân, tức Lão tử, chuyên luyện đan, có lò bát quái, quạt ba tiêu để quạt lò, kim cang trát để xỏ mũi trâu, tức là con vật để ông cưỡi. Con trâu này, tuỳ theo sách, khi thì xanh, lúc thì vàng... 

3)Linh Bảo Thiên Tôn, hay Thông Thiên Giáo Chủ, là thủ lãnh Triệt Giáo, coi đám tiên gốc thú vật . 
Trong truyện Phong Thần, hai phe Xiển giáo và Triệt giáo đánh nhau loạn xà ngầu, thường thì phe Triệt giáo thua, đương sự bị hiện nguyên hình là con rùa, con gấu, con báo, con cọp... 

Đến đời Đường, Tam Tạng đi thỉnh kinh, gặp một con yêu tinh tên là Độc Giác Tỉ đánh 3 đứa học trò Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng thua liểng xiểng. Sau nhờ người chỉ, Tề Thiên mới tìm Thái Thượng Lão Quân tới thu phục được Độc Giác Tỉ, vốn là CON TRÂU của Lão Tử, ăn cắp bảo bối của chủ, xuống trần gây rối để phá Đường tăng... 
Cũng trong Tề Thiên Đại Thánh, ta phải kể đến NGƯU MA VƯƠNG. Theo Hán tự, thủy ngưu là con trâu, hoàng ngưu là con bò. 

Ngưu ma vương được tả là có sừng dài, thân thể to lớn nên đúng là con trâu. Ngưu ma vương là đại ca trong nhóm thất đại thánh, hiệu là Bình Thiên Đại Thánh, chồng của Thiết Phiến Công Chúa hay La Sát Công Chúa, cha Hồng Hài Nhi. Muốn đi qua núi lửa, Tề Thiên Đại Thánh cần quạt Ba Tiêu của La Sát, nhưng bà này không chịu, phải trổ tài đạo chích, rồi đánh nhau với hai vợ chồng Ngưu ma vương. Tề Thiên không thắng nổi đại ca của mình, nhờ Thát Tháp Thiên Vương Lý Tịnh và Na Tra thái tử giúp mới lấy được quạt ba tiêu, quạt tắt núi lửa để tiếp tục đi thỉnh kinh. Ngưu Ma Vương thì bị hoá thành trâu, theo Lý Tịnh, còn La Sát thì đóng cửa động tu hành . 

THẬP MỤC NGƯU ĐỒ: MƯỜI BỨC TRANH CHĂN TRÂU. 


Viết xong về Lão Tử thuộc Đạo Lão, giờ phải qua Đạo Phật, kẻo bị chê là bên trọng, bên khinh, nhưng thú thật, tôi vô thần, sự hiểu biết rất mù mờ, nếu có gì sai thì xin quý vị niệm tình tha thứ. 

Đời nhà Tống, có rất nhiều người vẽ mục ngưu đồ, tức là tranh về chăn trâu, số tranh cũng tùy tác giả, nhưng 10 bức tranh của Thiền Sư Khuếch Âm Sư Viễn là nổi tiếng nhất. Không ai biết ngài vẽ vào năm nào, và tranh cũng thất lạc, tuyệt tích vì binh lửa (Nhà Tống bị Kim rồi Mông Cổ đánh phá tơi bời). Vậy mà khoảng 200 năm sau, chả hiểu làm sao mà một họa sĩ Nhật Bản là Chu Văn vẽ lại được đủ 10 bức. (Đó là theo truyền thuyết, và tôi thấy có gì lấn cấn:vì sao họa sĩ lại không đưa ra bản chính, hơn nữa, có gì chắc chắn rằng bản sao giống như bản của thiền sư.)

Các bức tranh đó có tựa đề như sau: 
1) Tầm Ngưu (Tìm trâu)
2) Kiến Tích (Thấy dấu vết)
3) Kiến Ngưu (Thấy trâu)
4) Đắc Ngưu (Bắt được trâu)
5) Mục Ngưu (Chăn trâu)
6) Kỵ Ngưu Quy Gia (Cưỡi trâu về nhà)
7) Vong Ngưu Tồn Nhân (Quên trâu còn người)
8) Nhân Ngưu Câu Vong (Người trâu đều quên)
9) Phản Bản Hoàn Nguyên (Trở về nguồn cội) 
10)Nhập Triền Thùy Thủ (Thõng tay vào chợ)  

Mỗi bức tranh có bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, nhưng nếu viết ra đây thì dài quá, lại phải dịch mười bài thơ đó thì không đủ can đảm vì mất quá nhiều thời giờ, tôi chỉ nói đại khái ý nghĩa của mấy bức tranh: 

Lúc đầu, chưa có trâu thì mình đi tìm, mới đầu thấy dấu vết, rồi thấy trâu, bắt nó, chăn nuôi nó, cưỡi nó về nhà. Tới nhà thì mình quên trâu, sau quên mình luôn, khi đó mình trở về cội nguồn, tức là như lúc mình chưa đi tìm trâu, thảnh thơi, thõng tay vào chợ. Nghe nói, trong tranh, con trâu lúc đầu thì đen, sau thành trắng. Tất cả những diễn biến đó tương ứng với quá trình tu hành của Phật Giáo Đại Thừa, từ lúc đầu cho tới khi GIÁC NGỘ, chân tâm thanh tịnh.

NGƯU LANG CHỨC NỮ. 


Đây là truyện cổ tích, rất hoang đường, nhưng lại thương tâm và lãng mạn. Có tích của Tầu, và của Việt Nam, tôi dùng tích của mình thanh lịch hơn: 

Ngày xưa, ở trên thiên đình, có người chăn trâu, tên là Ngưu Lang, và một nàng dệt vải tên là Chức Nữ.(Tôi nghĩ không phải tên, mà là nghề của họ, vì Ngưu là trâu, chức là dệt). Chàng yêu nàng vì nhan sắc, nàng yêu chàng vì tiếng sáo du dương. Quá mê mẩn, Chức Nữ lơ là công việc, Ngưu lang vô ý để trâu đi lạc vào điện Ngọc Hư, Ngọc Hoàng giận quá, bắt chàng và nàng phải xa nhau, mỗi người ở một bờ của sông Ngân Hà, vào ngày thất tịch 7 tháng 7 hàng năm mới được gặp nhau một lần. 

Vì sông Ngân không có cầu, nên khi 2 người gặp nhau, Ngọc Hoàng sai chim Ô Thước (quạ) nối nhau làm cầu cho họ đi qua. Tới lúc chia tay, hai người đều buồn bã mà khóc, nước mắt của họ rơi xuống trần thành mưa nhỏ, dân mình gọi là MƯA NGÂU. Mưa này nhè nhẹ, thêm vào cái buồn man mác của mùa thu, nên đã gây cảm hứng cho bao nhiêu thi, nhạc sĩ làm nên những tác phẩm để đời, như Sầu Ô Thước, Vợ Chồng Ngâu của Trần Tế Xương, Chức Nữ Ngưu Lang của Nguyễn Bính, Giọt Lệ Thu của Tương Phố (Năm năm ô thước bắc cầu Ngân giang, đôi ta ân ái lỡ làng) 

Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong (vợ chồng Ngâu thôi khóc vì thu), Thu Sầu của Lam Phương (Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau..) 

BÁCH LÝ HỀ NUÔI TRÂU 

Bách Lý Hề, người nước Ngu, rất nghèo khổ, vợ con vô cùng đói rách, nên quyết tâm ra đi để tìm việc làm. Để tiễn chồng, người vợ nấu nồi cơm gạo vàng (xấu) thịt con gà mái duy nhất... 

Bách qua nước Tề, phò Công Tôn Vô Tri, nhưng người bạn là Kiển Thúc khuyên từ quan, vì thấy Vô Tri không có tài lại tàn ác. Bách nghe theo, quả nhiên tránh được tai vạ khi Vô Tri bị giết. 

Khi qua nhà Chu, Bách giữ việc NUÔI TRÂU cho Vương Tử Đồi. Đồi có tính thích trâu, thấy Bách nuôi khéo, con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh nên trọng dụng. Lúc đó Đồi đang muốn dành chức thái tử, kéo bè cánh, hống hách, Kiển Thúc lại khuyên Bách bỏ đi. Một lần nữa nghe lời bạn, Bách lại thoát thân khi Vương Tử Đồi bị sát hại. 

Sau Bách trở về nước Ngu, được vua phong cho chức đại phu. Kiển Thúc lại khuyên từ chối, nhưng vì lang thang, nghèo khổ lâu rồi, Bách không nghe, cứ nhận làm quan. Sau Tấn diệt nước Ngu, Bách bị bắt, phải làm người hầu cho công chúa Mục Doanh, theo đoàn tuỳ tùng đưa nàng xuất giá qua Tần. Dọc đường, Bách bỏ trốn, bị nước Sở bắt, đưa đi chăn dê. 

Sau, vua Tần Mục Công, nghe tiếng Bách, muốn vời về dùng, nhưng sợ Sở biết là người tài, dùng mất, nên sai sứ đem 5 bộ da dê đến chuộc, nói là đem về trị tội. Vua Tần phong Bách là đại phu. Bách nhớ ơn Kiển Thúc, tiến cử với Mục Công, nên Kiển cũng được phong chức. Lúc đó Bách Lý Hề đã 70 tuổi. Người Tần gọi da dê là Cổ, nên họ gọi Bách Lý Hề là Ngũ Cổ Đại Phu. Sau ông được xụm hợp với vợ con, và con trai của ông là Mạnh Minh cũng làm tướng nước Tần. 

Đây là truyện một nhân tài nổi tiếng mà đường công danh lận đận, trước khi thành công đã mưu sinh bằng nghề CHĂN TRÂU. 

NINH THÍCH GÕ SỪNG TRÂU. 

Ninh Thích là người nước Vệ, đời Đông Chu, có tài kinh bang tế thế, khi chưa gặp thời, đi chăn trâu, thường gõ sừng trâu mà hát ở núi Dao Sơn. 

Khi đánh Tống, Tề Hoàn Công đi sau, quan tướng quốc Quản Trọng đi trước, thấy Ninh Thích mặt mày sáng sủa, khí độ phi phàm, gõ sừng trâu mà hát những bài ý tứ cao xa thì đoán là người tài, nhưng vội việc quân, chỉ sai người đem cho cơm rượu. Ninh xin gặp tướng quốc, nhưng Quản đã đi xa, nên Ninh nhờ người lính nhắn quan tướng quốc 4 chữ ”nước trong leo lẻo “. Quản Trọng nghe không hiểu, thì người thiếp lúc nào cũng đi theo Quản nói rằng, xưa có bài thơ “Nước trong”

Nước trong leo lẻo, 
Cá lội giữa dòng, 
Người đến triệu ta, 
Ta cũng bằng lòng. 
Chắc người ấy muốn làm quan... 

Quản Trọng cho vời Ninh Thích đến, Ninh xưng tên họ, chỉ vái mà không lậy, đàm đạo với Quản đủ các vấn đề, tỏ ra hiểu cao, biết rộng, nên Quản viết một bức thư để giới thiệu với vua. Ba ngày sau, Tề Hoàn Công tới, Ninh vẫn ăn mặc rách rưới, gõ sừng trâu mà hát, không tỏ vẻ gì sợ hãi cả. Hoàn Công thấy lạ, sai lính đòi đến trước xe, hỏi tên. Nghe Ninh xưng tên, vua mắng: mi là đứa chăn trâu, sao dám chê bai việc chính trị? 

Ninh nói: tôi có chê bai gì đâu. 

Hoàn Công gắt: bây giờ, nhà Chu trị vì, chư hầu theo lệnh, dân chúng no ấm, an vui, đồng ruộng, cây cỏ tốt tươi mà ngươi dám hát ”Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp “ lại còn “đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng “ như vậy không phải chê bai là gì? 

Ninh Thích đem việc xưa so sánh với hiện tại, dẫn chứng đủ thứ, làm Hoàn Công giận lắm, sai quân trói lại, mang ra chém! 

Ninh không hề sợ chỉ than: 
Xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay thêm tôi nữa là đủ 3 người. 

Thấp Bằng thấy khí độ của Ninh, biết là người tài, bèn can vua, Hoàn Công nghĩ ra, bèn sai cởi trói... 

Khi đó Ninh mới dâng thư của Quản Trọng. Vua bèn phong Ninh Thích làm quan Đại Phu, cùng Tướng Quốc lo việc nước. Sau Ninh Thích dâng nhiều mưu kế, lập được công to, đáng mặt một danh thần của nước Tề. 

DÙNG TRÂU ĐÁNH TRẬN 


Nước Tề, vốn là hậu duệ của Khương Tử Nha, sau bị họ Điền cướp ngôi. Đến đời Mân Vương, nước Tề còn cường thịnh lắm, hay bắt nạt láng giềng, đem quân chinh phạt, và nước Yên bị tàn phá nặng nhất, nên thề không đội trời chung với Tề. Vua Yên Chiêu Vương, được Nhạc Nghị phò tá, sửa sang chính trị, nên nước càng ngày càng thêm hùng mạnh, trong khi Tề suy yếu dần, nhất là từ khi Mạnh Thường Quân Điền Văn bị biếm. Thấy thời cơ đã tới, Yên Chiêu Vương bái Nhạc Nghị làm đại tướng, sai đem quân đánh Tề. Trong vòng 6 tháng, Nhạc Nghị đã chiếm được 72 thành của Tề, kể cả kinh đô Lâm Tri, trừ Cử Châu do Thái Tử Pháp Chương trấn giữ, và thành Tức Mặc, do một tôn thất nước Tề là Điền Đan làm chủ soái. Mân Vương chạy qua nhiều nơi, xin tá túc, đều bị từ chối, phải trở về, cầu cứu với nước Sở, nhưng tướng Sở là Trác Xỉ, thay vì cứu Mân Vương, lại giết ông ta, tư thông với Nhạc Nghị, muốn chia đôi nước Tề. Mân Vương chết, Thái Tử Pháp Chương lên ngôi, là Tề Tương Vương, được Vương Tôn Giả giúp, đem quân đột kích quân Sở, giết được Trác Xỉ, trả thù cho cha. Nhạc Nghị đóng quân ở Tề 3 năm, chỉ còn 2 thành mà không sao hạ được. 

Lúc đó, Yên Chiêu Vương chết, con là Huệ Vương nối ngôi, có ý nghi Nhạc Nghị, bèn cách chức, sai Kỵ Kiếp ra thay. Nhạc Nghị trốn qua Triệu. Kỵ Kiếp bất tài, lại tự đắc, khinh địch. 

Điền Đan trái lại, hết lòng thương yêu, vỗ về bình sĩ, chăm sóc dân chúng, lại giả bộ sợ hãi, sai sứ qua gặp Kỵ Kiếp, hẹn ngày ra hàng. Kỵ Kiếp tưởng thật, không phòng bị. Điền Đan tìm trong thành được hơn ngàn con trâu, cho choàng vải, vẽ rồng ngũ sắc, gắn gươm đao trên sừng, buộc rơm vào đuôi, đốt lên rồi xua qua trại quân Yên, và đem 5000 quân cũng vẽ ngũ sắc, theo trâu, xông vào giết giặc. Quân Yên tưởng thần binh, sợ chạy tán loạn, bị trâu và bình sĩ của Đan giết chết vô số, Kỵ Kiếp cũng bị Đan đâm chết. Đan đem quân đuổi hết quân Yên, khôi phục lại nước Tề, được phong là An Bình Quân. 

TRÂU GIÀ LIẾM CON:( ĐỂ ĐỘC TÌNH THÂM) 

Thời Tam Quốc, Tào Tháo là thừa tướng của nhà Hán, có hùng tài đại lược, thâm mưu viễn lự, lại giỏi văn thơ, nhưng bị tật đa nghi thái quá. Quan chủ bạ của Tháo là Dương Tu, tự Đức Tổ, người huyện Hoa Âm, tỉnh Thiểm Tây, rất thông minh, thường đoán được ý của Tháo, chẳng hạn như có lần, Tháo đến thăm một khu vườn, khi về, không nói gì, chỉ viết một chữ Hoạt. Mọi người không ai hiểu, chỉ có Dương Tu sai thợ làm cái cửa nhỏ lại, và giải nghĩa rằng, chữ Hoạt trong chữ Môn là chữ Khoát (là rộng), ý thừa tướng chê cái cửa quá rộng. 

Có lần, Tháo đi đánh Thục, đóng ở cửa Tà Cốc, bị trời mưa, đang phân vân, đánh thì chưa chắc thắng, lui thì sợ bị chê cười. Hạ Hầu Đôn tới xin mật khẩu, đúng lúc Tháo đang ăn bát canh gà, nhai phải miếng gân, liền nói “gân gà”. 

Dương Tu nghe mật khẩu, liền cho quân sửa soạn hành trang để chuẩn bị rút quân. Hôm sau, Tháo biết chuyện đó, sai chém Tu vì tội làm náo loạn lòng quân. 

Khi đó Tu mới có 34 tuổi. Chém Tu xong, thì Tháo ra lệnh rút quân! Thì ra, Tu chết oan, chỉ vì quá thông minh, đoán được ý chủ. Ít lâu sau, Tháo gặp cha của Tu là Dương Bưu, thấy ốm yếu tiều tụy, hỏi tại sao thì Bưu ứa nước mắt trả lời: Do hoài lão ngưu để độc chi ái, nghĩa là buồn khổ vì nghĩ tới cái tình trâu già liếm con mà thôi. Vì câu nói của Dương Bưu, người ta dùng câu ĐỂ ĐỘC TÌNH THÂM, để nói về lòng thương của cha mẹ đối với con cái. Để là liếm, Độc là con trâu con, mình gọi là con nghé. Cả 4 chữ nói lên thâm tình của trâu già thương mà liếm con. 

Truyện này lạ và hay, nhưng thật bi thảm, đọc xong muốn rơi nước mắt, thương cho cảnh lá vàng khóc lá xanh. 

TRÂU THEO ĐUÔI NGỰA 

Thời Tam Quốc, Tào Tháo làm Thừa Tướng, tước Nguỵ Vương, lấn át vua Hán, nắm hết quyền hành, Hán đế chỉ làm bù nhìn. Khi Tháo chết, con là Phi lên nối chức Nguỵ Vương, còn lộng hành hơn nữa, rồi ít lâu sau phế vua Hán, cướp ngôi, xưng là Nguỵ Văn Đế. Khi Tháo còn sống, Tào Phi và Tào Thực tranh ngôi thế tử, nhưng quan đại thần là Tư Mã Ý giúp Phi, nên khi lên ngôi, Phi rất tin tưởng và trọng dụng Ý, phong làm thừa tướng trưởng sử. Khi Phi chết, Tào Duệ nối ngôi, là Nguỵ Minh Đế, lại phong thêm chức Phiêu Kỵ Tướng Quân, nắm hết binh quyền tước Tấn Vương. Ý có hai con trai, Tư Mã Sư đã chết, nên sau này, con thứ là Tư Mã Chiêu nối chức Tấn Vương của cha. 

Chiêu lại bắt chước Tào Phi, lấn át con cháu họ Tào, uy quyền nghiêng trời lệch đất, rồi con Chiêu là Tư Mã Viêm cướp ngôi nhà Nguỵ, lập ra nhà Tấn, hiệu là Vũ đế. Đời thứ 2 là Huệ Đế Tư Mã Trung, ngu si, vợ là Giả hoàng hậu lộng quyền, gây ra nội chiến, huynh đệ tương tàn, thế nước mỗi ngày mỗi suy...Lúc đó có 5 rợ Hồ ở phương bắc, thay phiên nhau xuống đánh Tấn, sử gọi là thời Ngũ Hồ Loạn Hoa (như họ Mộ Dung, họ Phù, họ Thạch, họ Lưu...). Về sau, LưuThông đem quân diệt Tấn, giết Mẫn đế. Lúc đó, Lang Nha Vương Tư Mã Duệ, là người tài trí, thiên hạ quy phục rất đông, nghe tin Mẫn đế chết, bèn tự lập làm vua, xưng là Tấn Nguyên đế, giữ vùng Giang nam, sử gọi là Đông Tấn. 

Nguyên đế sinh năm 276, mất năm 323, làm vua từ năm 317. Ông không phải con của Tư Mã Cẩn, vợ Cẩn tư thông với một viên tiểu lại tên Ngưu Kim Thông mà sinh ra ông. 

Đời Nguỵ Minh đế Tào Duệ, dân đào được một bức tượng, trên đó có 7 con ngựa đi trước, con trâu đi sau cùng. 

Nay coi trong sử, thì từ Tư Mã Ý tới Mẫn đế Tư Mã Nghiệp là 7 đời, ứng với 7 ngựa, Tư Mã Duệ lên làm vua, nhưng thật sự là họ Ngưu, ứng với con trâu. Đó chính là tích Trâu theo đuôi ngựa.. 

Đây là theo truyện Hậu Tam Quốc, có nhiều sự tích hoang đường, nhưng đọc rất vui, chỉ tội có nhiều nhân vật quá, phải thích lắm mới nhớ nổi. Tôi xin kể vài người đặc biệt, như Trương Hoa, vị thừa tướng thông kim, bác cổ, Thạch Sùng nổi tiếng giầu có, Phan An đẹp trai, Nguyễn Tịch nhìn người mình thích bằng mắt xanh, Đào Khản đại tài quân sự và chính trị, Tạ An, Tạ Đạo Uẩn, Vương Hy Chi đều nổi tiếng về văn học... 

TRÂU VÀNG VÀ HỒ TÂY: 

Sau khi hết truyện bên Tầu, giờ tới tích nửa Tầu, nửa Việt. 

Đời nhà Lý, có thiền sư Không Lộ và thiền sư Minh Không. Vì là truyền thuyết, nên mỗi chỗ nói một cách, hoặc hai người là một, hoặc hai người khác nhau. Có lẽ vì cả hai cùng đi tu, lại giỏi chữa bệnh nên mới có sự lầm lẫn. Sau khi coi nhiều tài liệu, tôi thấy Không Lộ họ Dương, Minh Không họ Nguyễn, quê quán khác nhau và tích này nói về Không Lộ. 

Ông giỏi văn thơ, kiến thức uyên bác, có tài chữa bệnh, lại thêm phép thần thông. Ông chữa bệnh cho nhiều người, kể cả vua nhà Lý nên nổi tiếng như cồn, được vua Tống vời sang chữa bệnh cho thái tử. Tại triều đình, ông trổ tài để làm rạng danh nước Việt, nhưng giấu vua, không cho biết mình có phép tiên. 

Sau khi chữa lành bệnh thái tử, ông được vua thưởng,cho phép vào kho, muốn lấy gì cũng được. Thấy trước kho có con trâu bằng vàng ròng, ông muốn lấy, lòng đã có dự mưu, nên ông chỉ xin một lượng đồng đen đựng vừa cái túi (có phép tiên) rất nhỏ. Khi cho đồng vào túi, ông làm phép nên lấy rất nhiều. Được lính bẩm báo sự tình, vua sai người đuổi theo, ông tung nón “Tù Lờ” xuống sông, biến thành thuyền, trốn thoát. Về tới kinh đô, ông lấy đồng đúc một cái chuông thật lớn treo tại chùa Nghiêm Quang**, và nhiều chuông nhỏ cho mấy chùa khác. Khi đánh chuông, tiếng kêu thật lớn, bay xa vạn dặm, tới tận bên Tầu. Con trâu vàng của vua Tống, nghe tiếng chuông, tưởng mẹ gọi, chạy qua tới kinh đô Thăng Long: Không thấy mẹ đâu, con trâu vàng chạy loanh quanh tìm kiếm, đất xụp lở thành một cái hồ lớn, đó là hồ Tây, cũng gọi là hồ Kim Ngưu. 

*Trước đó nhiều năm,vua Lý đã cho phép Không Lộ xây chùa, và ông lang thang đi tìm đất. Xây xong, chùa Nghiêm Quang, ông cao hứng, làm bài thơ Ngôn Hoài. 

Trạch đắc long xà địa khả cư, 
Dã tình chung nhật lạc vô dư, 
Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh, 
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư. 

(Chọn được đất long xà, có thể ở được, 
Với tình yêu nơi hoang dã, suốt ngày vui vẻ, không lo nghĩ, 
Có khi đi thẳng lên đỉnh núi đơn độc, 
Kêu một tiếng dài làm lạnh cả không gian.) 

GÃ CHĂN TRÂU KỲ TÀI. 

Bây giờ tôi xin nói tới một nhân vật kỳ tài của Việt Nam, cũng phải đi chăn trâu trong lúc chờ thời. Đó là ông Đào Duy Từ. Chuyện của ông, nửa thực, nửa hư, một phần chính sử, một phần huyền thoại, vô cùng hấp dẫn và văn nghệ... 

Đào Duy Từ sinh năm 1572 tại huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là người thông minh, học rộng, biết nhiều. Vì cha ông là Tá Hán, làm nghề hát xướng, mà luật của vua Lê chúa Trịnh hồi đó, thì con cháu những người thuộc loại “xướng ca vô loài” bị cấm không được đi thi. Ông bèn nhờ xã trưởng khai man lý lịch, lấy họ Vũ của mẹ, với điều kiện là nếu thi đỗ, sẽ cưới con gái ông này. 

Năm 1593, ông đậu Á nguyên kỳ thì hương (thời Trịnh Tùng). Trong khi ông đang thi hội, thì xã trưởng tới nhà dục việc hôn nhân mà không toại nguyện, hắn bèn tố cáo việc ông khai man lý lịch. Thế là ông bị lột mũ áo, đuổi đi. Mẹ ông tự vẫn vì quá thất vọng. Ông bị 2 việc đau đớn tột cùng nên sinh bệnh nặng. 

Lúc đó, chúa Nguyễn Hoàng đang ở Bắc Hà, nghe tiếng ông, đến chu cấp tiền ăn, ở, thuốc men, và dụ ông vào Nam giúp chúa. 

Hồi đó miền Nam được gọi là Đàng Trong, thuộc chúa Nguyễn, miền Bắc là Đàng Ngoài, thuộc chúa Trịnh. 

Tuy dụ Đào vào Nam, mà Nguyễn Hoàng lại không cho thư giới thiệu, nên ông mới vất vả, lao đao. Không thấy nói ông vào Nam năm nào, có sách nói là 1625, tôi nghĩ là không đúng, vì ông phò chúa từ 1625, mà mới vào, đâu đã được trọng dụng ngay, phải lận đận một thời gian khá dài. 

Tới Đàng Trong, vì bơ vơ, nghèo khổ, ông phải đi chăn trâu cho một Phú gia là Chúc Trịnh Long ở Bình Định. Con Long là Chúc Hữu Minh, thích văn chương, mở Tùng Châu thi xã để họp bạn làm thơ phú. Một lần, Đào dắt trâu về, đứng nghe họ đàm luận văn chương thì bị mắng. Đào bèn trổ tài, nói thao thao bất tuyệt, bàn luận rất xác đáng về mọi vấn đề, ai nấy đều cảm phục mà tôn làm thầy. Phú hào thấy vậy, bèn chu cấp, không bắt chăn trâu nữa, và giới thiệu Đào cho quan Khám lý Trần Đức Hoà, một sủng thần của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. 

Thấy Đào có tài, lại được đọc bài Ngọa Long Cương của Đào ví mình với Gia Cát Lượng, Trần Đức Hoà một mặt gả con gái là Trần Thị Chính cho Đào, một mặt tâu chúa để tiến cử con rể. Chúa Sãi được Đào như cá gặp nước, giao hết chính sự, phong tới chức Nha Uý Nội Tán. Trong 9 năm phò tá Chúa Sãi, ngoài việc phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, Đào còn đắp 2 chiến lũy để chống quân Trịnh: 
- Một lũy từ núi Trường Dục tới phá Hạc Hải. 

Một lũy lớn và dài hơn, từ cửa sông Nhật Lệ tới núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tức là Lũy Thầy!
(Di tích Lũy Thầy) 

Ông mất năm 1634, thọ 63 tuổi. Bà Chính không có con, bà vợ khác là Cao Thị Nguyên thì đông con. Hậu duệ của ông đều làm quan nhà Nguyễn, trong đó có một người rất nổi tiếng, là cụ Đào Tấn, chuyên làm từ và viết tuồng. Con cụ Đào Tấn là nữ sĩ Trúc Tiên, thường dịch Liêu Trai Chí Dị, và là thân mẫu của phu nhân Giáo Sư Trần Đình Đệ. 
Đó là chính sử, chắc có thêm thắt chút đỉnh cho có đầu đuôi. 
Ngoài ra, còn có vài huyền thoại 

*Ta không nhận sắc (Dư bất thụ sắc) 

Năm 1629, Trịnh Tráng sai sứ, mang sắc chỉ của vua Lê, vào phong cho chúa Nguyễn, đòi cống phẩm, đồng thời dò xét tình hình. Đào Duy Từ biết vậy, xin chúa hoà hoãn, giấu bớt lực lượng, tỏ ra yếu đuối... 

Năm sau, Đào tâu chúa, sai sứ ra Bắc đáp lễ, với cái khay 2 ngăn, trên để cống phẩm, dưới để bài thơ: 

Mâu nhi vô dịch, 
Mịch phi kiến tích. 
Ái lạc tâm trường, 
Lực lai tương địch. 

Đào lại dặn, dâng cống phẩm xong thì trốn đi. 
Trịnh Tráng thấy sứ trốn đi thì nghi, bèn phá khay, thì tìm được bài thơ, nhưng không hiểu gì cả, phải triệu trạng nguyên Phùng Khắc Khoan tới hỏi. Khoan giảng: 

Chữ Mâu, bỏ dấu phẩy, là chữ Dư 
Chữ Mịch không có chữ kiến, là chữ Bất. 
Chữ Ái, mất chữ tâm, là chữ Thụ 
Chữ Lực, thêm chữ lai, là chữ Sắc. 

Bốn câu thơ nói rằng Dư Bất Thụ Sắc, nghĩa là Ta Không Nhận Sắc. Chuyện này sai chắc, vì khi Đàng Trong đi cống là năm 1630, thì trạng Phùng đã chết lâu rồi.(1528-1613). Nếu truyện có thật thì người giảng là một nhân vật khác. 

*Trịnh Tráng dụ hàng: 
Thấy Đào là người có tài, chúa Trịnh cho người đem lễ vật tới tặng, và đưa bài thơ, có ý dụ: 

Trèo lên cây bưởi hái hoa, 
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân, Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, 
Em có chồng anh tiếc lắm thay. 

Hồi xưa, chúa Trịnh và Đào ở cùng xứ, giờ Đào đi theo người khác, chúa tiếc lắm. 

Đào không nhận lễ vật, gửi bài thơ trả lời: 

Ba đồng một mớ trầu cay, 
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không. Bây giờ em đã có chồng, 
Như chim vào lồng, như cá cắn câu. Cá cắn câu biết đâu mà gỡ, 
Chim vào lồng, biết thủa nào ra. 

Chúa Trịnh thấy không có vẻ gầy gắt lắm, nên lại cho người đem tặng vật, cố dụ thêm lần nữa. Đào lại trả lễ vật, và viết 2 câu: 

Có lòng xin tạ ơn lòng, 
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!! 

Chúa có lòng thì thần xin tạ ơn, đừng dụ nữa kẻo chủ nghi ngờ. Truyện này thì thậm vô lý, vì nhiều lý do: 

- Hai nước đang chiến tranh hoặc thù địch thì ai lại dụ tướng của đối phương, nếu họ vì lợi theo mình thì cũng có thể vì lợi mà phản mình. 

- Hai nước chiến tranh bao nhiêu năm, bên nào chả phòng bị kỹ càng, làm sao mà dễ dàng đi gặp tướng địch như vậy? Ở quân dinh thì canh gác còn nghiêm ngặt hơn nữa, khó dàn trời. 

- Đào giao thiệp như vậy có thể bị kết tội tư thông với địch, trừ phi đã bẩm báo với chúa. 

- Hai đoạn đầu của bài thơ rất hay, rất lãng mạn, và có vần. Hai câu sau, ở trên trời rơi xuống, chẳng có vần điệu gì cả. 

Truyện này có vẻ như bị ảnh hưởng của Tầu, với bài thơ Tiết Phụ Ngâm của Trương Tịch, mà tôi có viết trên TSYS đã lâu lắm rồi: Trương Tịch cũng bị Lý Sư Đạo đem lễ vật dụ về làm với mình. Trương không dám chối ngay, cứ chần chờ khi thấy coi bộ êm êm, mới trả lễ vật, và gửi bài thơ: 

Quân tri thiếp hữu phu, 
Tặng thiếp song minh chu, 
Cảm quân triền miên ý, 
Hệ tại hồng la nhu..... 
........ 
Hận bất tương phùng vị giá thì. 

Cụ Ngô Tất Tố dịch: 

Chàng hay em có chồng rồi, 
Yêu em chàng tặng một đôi ngọc lành. 
Vấn vương những mối cảm tình, 
Em đeo trong áo lót mình mầu sen. 
....... 
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng 

* Ý CẨM KỴ NGƯU (Mặc áo gấm cưỡi trâu) 

Anh em học Y, Dược thì đều biết một vị giáo sư rất giỏi, rất dễ thương, dậy môn Dược học, có hồi còn làm Khoa Trưởng Dược Khoa. Thầy hơi thấp, to ngang, da đen, trông thì hơi cục mịch và nhà quê, trái ngược hẳn với tài năng của mình. 

Có lần, thầy tới coi tướng với Vũ Tài Lục. Lẽ dĩ nhiên, nhà tướng số nói gì với thầy thì không ai biết, chỉ có câu rất chua và hơi xấc láo bị lọt ra ngoài là Ý CẨM KỴ NGƯU. Ý đây là chữ Y, tức là áo, khi dùng làm động từ thì đọc là ý. Câu này là có ý chê thầy nhà quê: Giầu sang, mặc áo gấm thì cưỡi ngựa, ngồi kiệu, ai lại cưỡi trâu... 

LINH TINH: 

*Trong sách, truyện, cũng có nói khá nhiều về trâu: 

- Trần Tiêu viết truyện Con Trâu. 
- Trong Anh Hùng Xạ Điêu, Quách Tĩnh bị gọi là Trâu nước, thuỷ ngưu, tức là con trâu của mình đó. 
- Trong Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ, vì muốn dấu thân phận, xưng là Tăng A Ngưu. 

*Trong ca dao tục ngữ: Trâu chậm uống nước đục, Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết, Đi sông đi biển không chết, về nhà chết lỗ chân trâu...Mấy thứ này chắc có nhiều người viết lắm rồi. 
* Vì vậy tôi xin phép thố lộ một chút riêng tư. 

Tôi vốn tuổi Ngọ, nhưng lại dốt về nhạc, nên thành quái vật, Ngựa mà tai Trâu. Hồi còn trẻ, nói nào ngay, tôi có yêu một nàng tuổi Sửu. Không lấy được nàng, tôi đau khổ khá lâu, sau tự an ủi rằng mình đã thoát được cảnh hai vợ chồng làm thân Trâu Ngựa cả đời để mưu sinh. 

Nhưng người ta có số, lại vớ phải một nàng tuổi dần: Ngựa mà thấy cọp thì sợ co rúm người lại, run lập cập, và tuy ngựa mà lại phải làm Trâu, cầy cả đời...thì ra, mèo lại hoàn mèo mà thôi. 

Năm Sửu sắp tới, xin chúc quý vị lúc nào cũng khỏe như Trâu, mà không phải ngày ngày đi cầy,cứ nằm phè cánh nhạn mà gặm cỏ.

Nguyễn Thanh Bình


Ngày Đầu Năm Mới


Sáng mù sương! Dấu hiệu của một ngày chậm nắng. Bên ngoài thật im vắng, trong nhà cũng không một tiếng động. Dường như mọi người vẫn còn ngái ngủ sau một đêm gần như thức trắng để đón chờ giây phút đầu tiên của ngày mới dương lịch. 

Ly cà phê tỏa hương, khói vươn lên thật chậm, mỏng manh, ẻo lả. Hơi ấm thật dễ chịu khi từng ngụm nhỏ tan trong miệng, ngấm vào cả châu thân. Chiếc bàn con kê sát cửa sổ che bớt chùm ánh sáng lờ mờ in dấu trên nền thảm. Buổi sáng. Một mình. Rất thinh lặng và …cô đơn! 

Mười năm trên xứ lạ. Hai mươi năm để nhớ cuộc tình xa. Mỗi năm một lần. Mỗi lần một ít thời gian để nhớ con đường đan tay, nhớ nắng Sài Gòn trong ngày đầu năm dạo ấy và nhớ Em, ơi cánh trắng thiên thần đã mất hút vào nơi miên viễn! 

Buổi sáng Sài Gòn của một dạo đổi đời oan nghiệt! 1977! Chưa đầy hai năm mà Sàigòn đã trầm lắng như một thiếu phụ nhạt phấn son! Ngày đó, ngày đầu năm mới nhưng phố vắng lặng, người lưa thưa thưa dù đã sắp qua nửa ngày. Sài Gòn như thấm mệt sau một đêm vui gượng gạo. Nhưng nắng Sài Gòn chợt nồng ấm lạ thường khi có đôi bàn tay đan theo bước chân chậm rãi thả dài trên vỉa hè Lê Lợi, Lê Thánh Tôn và Tự Do ngay chiều hôm đó. 

Xi nê Măng Non! Trong khu này đã có Eden. Thêm một rạp xi nê loại bỏ túi để làm gì nhỉ?! Còn nhà sách Xuân Thu đâu rồi!? Đúng là vật đổi sao dời! Nhưng thôi! Hãy vui với bàn tay đang ngoan ngoãn nằm gọn trong tay và đang là nhân chứng cho một nụ tình vừa mới nở trong ngày đầu của năm mới đến. 

Chiến Tranh Và Hòa Bình. Xem xong cuốn phim nổi tiếng mà không nhớ gì, bởi tâm trí đã dành hết cho nỗi lâng lâng khó tả. Đường về hầu như không nghe gì và cũng không thấy gì, vì em và tôi bất chợt cùng thả chân trong...im lặng! Sự im lặng mở đầu cho đoạn đời vừa qua chương mới. Lời nói đã không cần thiết. Con đường đan tay và bóng tối chụm đầu đã là vườn ươm cho nụ hồng đầu tiên của tình yêu. 

Yêu nhau để rồi sẽ xa nhau. Em chấp nhận hiện thực phũ phàng sau nửa năm vất vả né tránh lưới tình tôi giăng trải, để ngây thơ bước chung nhịp phân vân trong đời tình của thú yêu thương. Tương lai rồi sẽ ra sao? Không biết và cũng không cần! Khi bàn tay đã nằm im trong bàn tay thì chỉ có hiện tại. Đôi khi nhìn hiện tại cũng đã thấy được tương lai. Điều này thật đúng với hoàn cảnh của em và tôi. Em, một chim non chưa kịp rời tổ thì phải đương đầu với bão tố. Còn với tôi, chiếc ghế trong giảng đường đã trở thành một mơ ước thật xa vời. 

Ước mơ thật giản dị, bình thường chỉ trong thoáng chốc đã trở nên huyễn hoặc, phi thường khi tôi đã phải lưu vong ngay trong lòng đời vừa mới chuyển biến. Kiếp Phó thường dân là bản án phải thi hành dù tôi may mắn được nhìn lại phố cũ, đường xưa sớm hơn rất nhiều người cùng cảnh ngộ. Em, mái tóc dài trong khuôn viên của nhà nguyện dễ thương, giọng hát vào đời lấy đức tin làm lẽ sống. Tôi, từ vòng trại có cảnh vệ ngày đêm ôm súng canh chừng bước ra, để chợt nhận thấy mình lại rơi vào một ngục tù bao la hơn, quy mô hơn và ngụy trang khéo léo hơn bức rào tre hay dãy kẽm gai có chòi canh ở bốn góc. 

Em, cánh chim ra ràng ngơ ngác trong bão tố. Tôi, con thú bị thương đang từng ngày né tránh nhát chém của tên đao phủ thời đại. Định mệnh đã mang tôi đến bên em và duyên kiếp đã đặt bàn tay em vào tay tôi để cùng tìm một nguồn sống tựa nương, cho qua ngày, đoạn tháng. Em yêu tôi trong phó thác. Tôi yêu em trong vô vọng. Không cần ngày mai vì đã có hiện tại. Có nắng Sài Gòn làm nhân chứng tình yêu. Có tiếng kinh cầu làm niềm an ủi thường nhật. Có thánh ca làm đuốc sáng soi hồn. Có phố Sài Gòn làm thượng uyển rong chơi và có bóng tối của rạp Măng Non làm hòa tấu khúc cho nhịp đập con tim. Tình yêu không có hy vọng nên không tuyệt vọng. 

Nhưng tôi mang hy vọng ra đi. Còn em nhờ hy vọng mà gượng sống. Tôi buốt tinh thần. Em đau thể xác. Tình yêu vẫn còn, mà hy vọng thì mỗi ngày một phai đi. Cánh thư qua lại chưa bao lâu thì một ngày kia bỗng biệt dạng. Gần bốn năm mòn mỏi chờ tin để rồi khi nhận được thư thì chỉ là lời báo tử! Em bỏ cuộc vì một chứng bệnh nan y. Tôi quay quắt với câu hỏi em đã nghĩ gì trước khi bất ngờ hôn mê và ra đi không một lời trăn trối. 

Yêu nhau để xa nhau. Xa thật xa. Vĩnh viễn. Nên tôi vẫn nợ em một lời hứa. Lời hứa đan tay nhau một sáng đầu năm trên xứ người- để kỷ niệm ngày đường phố Sài Gòn chứng kiến một cuộc tình nở hoa giữa ba đào của hồng thủy- muôn đời sẽ chỉ là một ước mơ. 

Vì thế sáng nay tôi lại nhớ em và nhớ màu nắng đẹp của ngày đầu năm dạo ấy. Mùa Đông. Nắng ấm. Trời trong. Một điều thật hiếm hoi trên miền đông bắc Hoa Kỳ. Bên ngoài đã có chút khởi động của một ngày mới đang bắt đầu. Trong nhà cũng đã có vài tiếng báo hiệu của sinh hoạt thường lệ. Tôi biết mình phải làm gì để nhớ em và buổi sáng Sài Gòn của đúng hai mươi năm qua.

Huy Văn
(1997) 

Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Chúc Mừng Năm Mới 2021


Thơ: Dương hồng Thủy
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ly Rượu Đầu Năm



Mời em ly rượu đầu năm
Có gì mà phải bận lòng thở ra
Ừ thì Tết của người ta
Lâu rồi cứ tưởng như là Tết chung

Uống đi em chút mặn nồng
Để quên chuyện cũ năm cùng đáy ly
Chút hương xưa chút xuân thì
Hơi men sẽ thắm môi ghì dấu môi

Thôi thì em uống cùng tôi
Mà nghe hơi thở tìm nơi chốn về
Còn đây tuổi đếm buồn ghê
Làm sao nhớ hết câu thề năm xưa?

Mời em ly nữa cho vừa
Lỡ trăm năm cạn còn chưa biết rằng
Thương nhau đâu chỉ dấu răng
Da non chưa đắp đã nghìn trùng xa...

Ở đây cũng một quê nhà
Mà sao nghe lạ tiếng khà rất quen
Cạn đi em chút rượu mừng
Cho môi thắm lại nụ hồng năm xưa..!

Chúc Mừng Năm 2021 May Mắn, An Lành
Durham, North Carolina

Người Chợ Vãng

Món Ngon Năm Mới


Mười hai tháng trong năm bạn hãy
Đem rửa sạch hết thẩy đắng cay,
Ghen tị và thù oán đi ngay
Rồi đem phơi, cho bay ráo nước.
Và sau đó nhẹ nhàng bạn cắt
Thành 28,...,31 phần đều
Đem trộn vào một chút tình yêu,
Chút can đảm, ít nhiều kiên nhẫn,
Thêm vào đó đôi phần cố gắng,
Dăm ba lát hy vọng, trung thành.
Rồi để cho hương vị gia tăng
Thêm tự tin, lạc quan, hài hước.
Tất cả đem ngâm vào tô nước
"Những tâm niệm, ao ước riêng mình".
Xong vớt ra, nhóm lửa vui mừng
Bắc lên nồi yêu thương bằng sứ
Để cho lửa cháy lớn vừa đủ
Lâu lâu thêm vài nụ nhún nhường,
Chút khiêm tốn và hai muỗng đường.
Bỏ tất cả vào chưng cách thủy.
Hai giờ sau, với niềm trân quý
Đem ra mời toàn thể thân quen
Cùng thưởng thức trong chén bao dung
Với nụ cười và lòng thanh thản!

Chẩm Tá Nhân
(phóng tác)
01/16/2012
***
Món Ăn Năm Mới

* Lấy toàn thể 12 tháng trong năm đem rửa sạch mùi cay đắng, ghen tị, thù oán… rồi để cho ráo nước .
* Tuần tự cắt mỗi tháng ra 28, 30, hay 31 phần.
* Trộn đều với :
- Một chút tình yêu 
- Một chút kiên nhẫn 
– Một chút can đảm 
– Một chút cố gắng 
– Một chút hy vọng 
– Một chút trung thành.
* Ướp thêm gia vị: lạc quan, tự tin và hài hước.
* Rồi đem ngâm một lát trong dung dịch “những điều tâm niệm của riêng mình”.
* Vớt ra, xay nhỏ, đổ tất cả vào “nồi yêu thương” và nấu với "lửa vui mừng”.
* Đem ra ăn với “nụ cười” trong chén “bao dung”

Chiều Cuối Năm



Thoi thóp chiều tà, nắng cuối năm
Làm ta xao xuyến biết bao lần.
Thì thầm tiếng gió vương cành lá
Hiu hắt con đường quạnh bước chân.
Đồi núi mịt mờ sương trắng xoá
Chân mây lãng đãng nguyệt trong ngần.
Buồn tênh thành phố tràn Co-vid
Đất khách xa vời bóng dáng Xuân.

Mailoc
12-31-2020
 

Ngày Cuối Năm


Bài Xướng:

Ngày Cuối Năm


Chỉ một tờ thôi sẽ hết ngày
Năm tàn tháng lụn nỗi đời cay
Chiều nay đón tuổi buồn không mẹ
Bữa tối mừng xuân giận chẳng thầy
Bỏ cội nhân tình bên cánh võng
Buông dòng thế sự giữa rừng mây
Vần thơ ý tặng người tri kỷ
Viết mỗi hằng đêm tửu cạn đầy 

Thạch Hãn
31/12/2017
***
Bài Họa:

Chiều Cuối Năm

Ngùi trông lốc lịch đã trôi ngày
Buổi tất niên về bỗng lệ cay
Chửa hết bao lời dâng nghĩa mẹ
Nào xong mấy chữ trả ơn thầy
Chôn vùi giữa phố màu danh lợi
Rũ bỏ bên đường chuyện nước mây
Ngẫm bả nhân tình men thế sự
Chiều nâng chén tủi mãi vơi đầy.

Nguyễn Gia Khanh
***
Đành Nương Chén Tửu 

Trời thương cũng được sống bao ngày
Đói khổ qua rồi vẫn đắng cay
Tủi đón mùa xuân nào gặp mẹ
Buồn trông buổi tết chẳng thăm thầy
Quê người lỡ bước rời danh lợi
Xứ bạn sai đường phủ khói mây
Nghĩ đến càng tăng phần tự kỷ
Đành nương chén rượu rót thêm đầy. 

31/12/2020

Văn Long

Buồn Cuối Năm

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm 
Hình như gió lạnh nhiều hơn hôm trước?
Tháng mười hai cây trơ cành xơ xác
Biết tìm đâu những chiếc lá cuối mùa.

Tìm trong tàn phai, tìm giữa hư vô 
Những gì mong manh, những gì sắp mất 
Một năm dài chuyến tàu đi trăm hướng 
Ngày cuối cùng chợt nhớ những sân ga 

Không ai có thể tìm lại hôm qua 
Thời gian đi như bước chân của gío 
Tìm đâu xuân hồng, tìm đâu hạ đỏ 
Tìm đâu anh những xao xuyến ban đầu 

Ngày cuối của năm xin đừng qua mau 
Ai chẳng có một chút gì tiếc nuối 
Trang sách cũ sẽ vô tình khép lại 
Trang sách mới buồn vui có ai ngờ 

Không ai có thể tìm lại ngày xưa 
Những ngày tháng đã lùi vào qúa khứ 
Tìm đâu ngày buồn bâng khuâng chuông gió 
Mà dư âm tan vỡ tận tâm hồn.

Khi dòng sông vẫn chảy về hạ nguồn 
Khi thời gian không bao giờ ngừng bước 
Khi cuộc sống vẫn đi về phía trước 
Tìm đâu anh kỷ niệm cũ ngược dòng.

Tìm đâu vàng thu, sương tuyết mùa đông 
Của năm trước đã đi về đâu đó 
Tìm đâu mộng mơ trời xanh hoa cỏ 
Tìm đâu anh mùi hương thuở ân tình.

Những con số trên tờ lịch chạnh lòng 
Trong cuộc sống mỗi ngày là biến cố 
Tâm tình buồn vui kiếp người riêng lẻ 
Đến những vui buồn thế giới ngoài kia 

Ngày sẽ cạn dần. Đêm nay giao thừa 
Người ta rộn ràng đón chờ năm mới 
Đếm từng thời gian những giây phút cuối 
Happy New Year. Năm cũ đâu rồi?

Nguyễn Thị Thanh Dương


Niagara



Niagara bắt nguồn từ thổ ngữ Iroquoian, “Onguiaahra”, xuất hiện chính thức trên bản đồ từ 1641.Thông thường người ta chấp nhận nghĩa chính là thẳng “The Strait”, dòng nước thẳng chảy từ Lakes Erie qua Lake Ontario. Cũng có nghĩa khác là Thundering Waters” vì dòng thác đổ mạnh như sấm chớp… 

Có những khu vực mang tên Niagara là: 
Với dân số 15.400 vào năm 2011, Nigara On The Lake là một thành phố nắm về phía nam của tỉnh bang Ontario trên giao điểm của hai con sông Niagara River và hồ Ontario. Đây là thành phố duy nhất của Canada mà thị trưởng được mang chức Lord Mayor (là chức thị trưởng chỉ dành cho các thành phố của United Kingdom). Thành phố mang tên là Butlersburg vào khoảng 1781, tên của tướng John Butlersburg, sau đó đổi thành West Niagara rồi Newark (có nghĩa là cái cổ), đến 1798 thì thành Niagara on The Lake. 

Niagara On The Lake là thành phố rất đẹp, cả thành phố ví như một công viên to mà muà xuân và mùa hè rực rỡ hoa các loại trước cửa các ngôi nhà. Thành phố có nhiều thắng cảnh như Fort George, Navy Hall, Butler,s Barracks, St Mark’s Church, công viên, sân golf... 

Từ tháng 4 đến tháng 11thành phố thường tổ chức nhiều lễ hội, quan trọng là hội của các hãng làm rượu nho đông đá, một đặc sản nổi tiếng của Canada, Ice wine. Ice wine làm từ những trái nho chín và được giữ lại cho đông lạnh trong mùa đông. Chỉ những trái nho ngon lành mới không rụng và vì nước (water) trong trái nho bị đông trước khi ép nên nước ép nho đông lạnh không chứa nước thường (water) nên đậm đặc hơn, ngon hơn, ngọt hơn, dĩ nhiên cũng đắt hơn, thường bán dưới dạng những chai cao, ốm và dùng như rượu tráng miệng mà người sành điệu không thể không nếm qua hoặc mua về làm quà sau khi du lịch Niagara. 
Muốn đến đây, du khách từ Queen Elizabeth way ( xa lộ 98) nhớ bắt sang đường 87 thay vì tiếp tục đường 98 đi tới thác Niagara. 

Niagara falls city 

Nằm phía tây của Niagara Rivers, Niagara Falls city là một thành phố thuộc tỉnh bang Ontario, Canada, dân số khỏang 82.997 vào năm 2011. Niagara River chảy qua hai thành phố Niagara Falls của Canada và Niagara Falls thuộc hạt Niagara của tiểu bang New York của Mỹ. Cả hai thành phố cùng mang tên Niagara Falls, tên của thác Niagara, một thắng cảnh của thế giới. 

Niagara Falls city của bang New York có khoảng 50. 000 dân, lúc đầu mang tên là village of La Salle là tên nhà thám hiểm người Pháp đã dựng nên làng, sau đó trở thành Town of Niagara từ 1927, cách Buffalo 27km (15 miles), diện tích 44 km vuông( 16.8 square miles), dọc theo Niagara falls và Niagara Gorge, chủ yếu phát triển về du lịch, có 19 triệu du khách mỗi năm. 

Từ con đường rộng lớn cho bộ hành, một đoạn trên Niagara Parkway, dọc theo dòng sông cho người ngắm cảnh từ phía Canada, du khách chỉ cần vài bước chân qua cầu Rainbow Bridge là đã qua tới Mỹ, tiểu bang New York. Niagara Parkway được coi là Ontario scenic Highway, bắt đầu từ Fort Erie 

và tận cùng ở Fort Gorge, còn gọi là Niagara Boulevard hay Niagara Road. Theo con đường này quẹo trái du khách sẽ đến chùa Cham Shan Temple (Ten Thousands Buddas) có 7 tầng tháp nằm trên 3 hectas đất, có cung cách Korea ( 905-371-2679 , địa chỉ 303 River road Niagara falls Ont L2E 3E8) khá đồ sộ và trang nghiêm thường bị du khách bỏ qua vì ít được nhắc tới trong quảng cáo du lịch. Du khách muốn mua sắm thì đừng quên Fashion Outlet of Niagara ở số 2098 Military Road. 

Năm 1856 thành phố Niagara City mang tên Town of Clifton. Năm 1881 đổi thành Niagara Falls; năm 1882 hội đồng quản hạt Drummondville đặt tên là The village of Niagara Falls và từ 1904 cà làng và thành phố họp nhất thành City of Niagara Falls. Thành phố, như vậy chạy dài theo thác Niagara và Niagara Gorge thuộc Niagara Rivers cách thủ phủ Toronto của tỉnh bang Ontario 130km (81mi), có diện tích là1800km vuông. Niagara Falls như vậy thuộc Niagara Falls City. 

Niagara River là con sông chảy từ hồ Erie tới hồ Ontario, hình thành một phần biên giới Mỹ-Canada, dài 58 km (36mi) 

Niagara falls 

Trên con sông chảy từ Lake Enrie vào Lake Ontario, sông Niagara Rivers có ba thác nước vĩ đại từ lớn đến nhỏ là Horseshoe Falls, the American Falls and the Bridal Veil Falls. American Falls hoàn toàn nằm bên nước Mỹ cách Horseshoe bởi Goat Island. Thác nhỏ nhất Bridal Veil Falls cũng nằm bên nước Mỹ cách American falls bởi Luna Island. 

Canada chỉ chiếm có một thác nhưng là thác lớn nhất Horseshoes Falls. Niagara Falls có lưu lượng nước lớn nhất thế giới từ độ cao 50m(=165 feet). Horseshoe Falls cao tới 57m(=188 feet), rộng 790m (2600 feet) lại là thác nước mạnh nhất Bắc Mỹ, cách Buffalo, New York 27km =17 miles và cách Toronto 121 km (=75 miles) giữa hai thành phố cùng tên Niagara Falls thuộc Ontario, and Niagara Falls thuộc New York mà vào năm 1941, Niagara Falls Bridge Commission hoàn tất cây cầu Rainbow Bridge, cho khách bộ hành và cả xe cộ qua lại giữa hai nước Canada và Mỹ. 

Muốn xem Panoramas, quí vị Google tới “Niagara Falls 360 aerial Panorama”, quí vị có thể xem Panorama hay video 360 độ cảnh nhiều nơi trên thế giới (cho Sao Khuê nói nhỏ một câu là hồi nào tới giờ Sao Khuê đâu có biết vụ này, nay nhờ Google tìm tài liệu hầu quí vị, tình cờ khám phá ra, hoá ra ở hiển gặp lành thật đấy). Còn tại sao lại Rainbow Brigde ư, quí vị nhìn hình thì thấy ngay cầu vồng! 
www.airpano.com/360Degree-VirtualTour.php?3D=Niagara-Falls-USA... 

Niagara Falls thành lập từ khi băng hà tan rã thời cuối cùng Wisconsin, thành Đại hồ Great lake , không những rất cao mà còn rất rộng, rất mạnh, lưu lượng mỗi phút 6 triệu feet khối (=110.000 mét khối ) mà riêng Horseshoe, trong mùa nước lớn lưu lượng đôi khi lên tới 6400 mét khốt (225.000 feet khối) mỗi dây đồng hồ! Vì sức nước rất mạnh, nước bắn tung toé nên du khách cần mang áo mưa khi đến gần thác nước. 

Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ mang đến hàng triệu du khách mỗi năm, Niagara Falls còn là nguồn thuỷ điện rất lớn, từ thế kỷ 19 đưa đến sự phát triển mọi ngành của Canada và Mỹ. 

Nơi ngắm thác nước có hành lang rộng cho du khách đi dạo , nằm trong Niagara Parkways. Nhũng con đường hướng về đây có nhiều hotels, casinos, nhà hát, cửa hàng, quán ăn ngày đêm chớp đèn sáng và ồn ào đông đúc vui vẻ như ngày hội nên được quảng cáo là nơi dành cho tuần trăng mật hay còn hơn thế là thủ đô trăng mật của thế giới “honeymoon capital of the word”. Muốn hiểu tại sao có danh hiệu này, xin mời quí khách quá bộ lên tháp quay Skylon 

(Skylon observationtower). 

Tháp được xây từ tháng Năm, năm 1964 và mở cửa ngày 6 tháng Mười, năm 1965, cao trên mặt nước Niagara River 236 m, còn từ mặt đất kên thì cao 160m (520f), sơ sơ nặng 21,772,800kg nhưng chỉ mất có 52 giây là một trong ba thang máy mang quí khách lên tới đỉnh, và đây honey moon: 

Rất nhiều du khách chưa có dịp lên đây vì còn mải ngắm kỳ quan của thế giới: thác nước Niagara nhất là thác Horseshoe 

Muốn thấy sức nước như thế nào, xin mời du khách xuống tầu. 
Nếu không sợ rơi thì du khách có thể xem thác nước với trực thăng 
Về đêm, hệ thống ánh sáng hoà cùng tiếng nhạc tạo nên một khung cảnh như mờ như ảo.


Ban đêm, dưới dàn đèn mầu, sắc của nước thay đổi, khi xanh khi tím, khi lại hoà lẫn nhiều mầu khiến người ngoạn cảnh không biết đâu là mầu thực của nước, ngay cả đâu là nước ...thỉnh thoảng lại có pháo bông đủ mầu đủ sắc khiến người ta quên hết thực tại ta bà, đắm chìm trong mầu sắc huy hoàng ngoạn mục ... 

Mùa Giáng Sinh, dù tiết trời rất lạnh, quãng đường dẫn ra thác cũng được trang trí rất đẹp với đủ các hình thù ... 

Tối giao thừa, 31 tháng 12, nhiều người đổ về đây chờ “count down” , đón mừng năm mới trong hân hoan với pháo bông rợp trời... 

Sao Khuê 
Viết theo tài liệu trên mạng

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Long Hồ Vĩnh Long- Chúc Mừng Năm Mới 2021

 

Thơ&Thơ Tranh: Kim Oanh


Lời Đầu Năm



Những đóa hoa xinh thật xinh
Trang nhà tỏa sắc lung linh
Vào xuân mở bút vui ngày mới
Kết bạn gieo vần thả ý tinh
Họa xướng long vân mùa lễ hội
Đón chào thi hữu buổi bình minh
Tao nhân và Blog nhiều duyên nợ
Năm mới mừng nhau thắm nghĩa tình.

Quên Đi

Hạnh Phúc Đầu Năm

Tợ ánh sao đêm sáng rực trời
Muôn hình đa dạng cánh hoa rơi
Pháo bông từng đợt tuôn màu sắc
Nhộn nhịp nơi nơi tiếng gọi mời

Hạnh phúc theo nhau đến mọi nhà
Niềm tin hy vọng mãi thăng hoa
Người người rạng rỡ niềm vui mới
Ý đẹp lời trao vọng vọng xa

Năm cũ qua mơ ước thỏa lòng
Vạn điều muôn sự khởi hanh thông
Chén chú chén anh nghe rôm rả
Nhấc chén hân hoan cạn rượu nồng

Thơ & Ảnh: Kim Phượng
Đầu Năm Mới 2021

Mừng Lễ Giáng Sinh - Chúc Mừng Năm Mới



MỪNG vui khắp chốn xa gần
LỄ dâng kính đón Thánh Thần Ngôi Trên
GIÁNG trần nơi hang Belem
SINH linh vạn loại xây nền yêu thương
CHÚC cho hết cảnh nhiễu nhương
MỪNG năm Tâm Sửu bốn phương an hoà
NĂM Tý vận hạn đã qua
MỚI đến may mắn trải ra khắp vùng

Văn Ngọc

Giáng Sinh 2020
Năm mới 2021

Tách Cà Phê Cuối Năm


Chợt hôm bên tách cà phê
Có hình bóng cũ thoáng về quanh đây
Nửa môi đắng vị những ngày
Nửa môi mật ngọt đong đầy nhớ thương

Hương xưa tỏa những con đường
Bên lề phố cạn phủ hàng me bay
Gió nghiêng hôn sợi tóc dài
Tay nghiêng trĩu nặng bờ vai nghìn trùng

Chạnh lòng mắt bỗng rưng rưng
Thương cây lá trụi thương rừng bơ vơ
Thương con chim nhỏ tình cờ
Về đây hát khúc "ầu ơ..." rất buồn!

Ngụm cà phê chút dư hương
Có người chắc cũng môi thường nhắc tên?
Hay là năm tháng đã quên
Có gì để nhớ những phiền muộn qua?

Như mùa rồi cũng trôi xa...

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Tính Sổ Đời



Cuối năm thầm ôn lại sổ đời
Tuổi thì cứ chồng chất chẳng vơi
Theo dòng Ta lùi trẻ tấn tới
Nào ai thoát khỏi luật đất trời

Một năm nhân loại chẳng an ngơi
Cơn dịch hoành hành khắp nơi nơi
Kẻ ở oán than lo trăm mối
Người đi bức tử nào muốn rời

Thằng ác đa mưu nhỡn nhơ cười
Người hiền quanh quẫn tức kêu Trời
Bó rọ vào ra miệng bịt kín
Nhớ họ hàng, giao tiếp (chỉ) đứng nhìn

Ước vọng bình thường được mưu sinh
Du lịch đó đây thoả mắt nhìn
Lâu lâu trà rượu cười thoải mái
Toàn gia họp mặt tay bắt tay

Một chút khát vọng về tương lai
Chan chứa niềm tin đến muôn loài
Rừng xanh chim hót đầy sức sống
Như ngày chưa có ... Quỷ COVID 

Trúc Lan KTP 
30-12-2020

Beau Poème Sur Le Temps



Français:

Beau Poème Sur Le Temps

À peine la journée commencée et ... il est déjà six heures du soir.
A peine arrivé le lundi et c'est déjà vendredi. ... et le mois est déjà fini.
et l'année est presque écoulée.
et déjà 40, 50 ou 60 ans de nos vies sont passés.
et on se rend compte qu'on a perdu nos parents, des amis.
et on se rend compte qu'il est trop tard pour revenir en arrière ...

Alors... Essayons malgré tout, de profiter à fond du temps qui nous reste...
N'arrêtons pas de chercher à avoir des activités qui nous plaisent...
Mettons de la couleur dans notre grisaille...
Sourions aux petites choses de la vie qui mettent du baume dans nos cœurs.
Et malgré tout, il nous faut continuer de profiter avec sérénité de ce temps qui nous reste. Essayons d'éliminer les "après"...
Je le fais après..
Je dirai après...
J'y penserai après...

On laisse tout pour plus tard comme si "après" était à nous.
Car ce qu'on ne comprend pas, c'est que:
après, le café se refroidit...
après, les priorités changent...
après, le charme est rompu...
après, la santé passe...
après, les enfants grandissent...
après, les parents vieillissent...
après, les promesses sont oubliées...
après, le jour devient la nuit...
après, la vie se termine...

Et après c'est souvent trop tard.... Alors... Ne laissons rien pour plus tard... Car en attendant toujours à plus tard, nous pouvons perdre les meilleurs moments,
les meilleures expériences,
les meilleurs amis,
la meilleure famille...
Le jour est aujourd'hui...L'instant est maintenant...

Jacques Prévert

***
Việt:

Bài Thơ Đẹp Về Thời Gian …  

Ngày mới bắt đầu, thế mà đã sáu giờ chiều
Mới thứ hai mà nay đã thứ sáu, và tháng sắp hết – năm cũng vậy
Bốn mươi, năm mươi, sáu mươi tuổi đời qua nhanh
Chợt nhận ra cha mẹ, bạn bè đã đi xa
Và quá trễ để quay trở lại
Thôi thì cố tận hưởng những gì còn sót
Hãy tìm những sinh hoạt khiến ta vui
Hãy thêm màu vào bức tranh u ám
Hãy mỉm cười với những nhỏ nhặt nhưng thêm hương cho đời
Hãy tìm vui trong thanh thản dù gì đi nữa
Hãy bỏ đi những chữ ‘sẽ làm sau’…
Ta sẽ làm sau…
Ta sẽ nói sau…
Ta sẽ nghĩ sau…
Đừng ‘sẽ làm sau’ vì ngày sau không phải của ta
Và bởi vì ta không hiểu là:
Ngày sau, cà phê sẽ nguội
Ngày sau, ưu tiên sẽ khác
Ngày sau, duyên dáng sẽ mất đi
Ngày sau, sức khỏe sẽ không còn
Ngày sau, các con sẽ khôn lớn
Ngày sau, cha mẹ sẽ già đi
Ngày sau, lời hứa sẽ quên mất
Ngày sau, ngày sẽ thành đêm
Ngày sau, cuộc sống sẽ chấm dứt…
Và ngày sau, thường thì quá trễ
Bởi thế đừng để đến ngày sau
Vì có thể ngày sau, chúng ta sẽ mất những giây phút đẹp nhất, những kinh nghiệm quý nhất, những bạn bè thân nhất, và gia đình thương yêu nhất…
Ngày hôm nay là giây phút này…

Thy An
***

English : (trên Internet)

Barely the day started and... it's already six o'clock at night.
Barely arrived on Mondays and it's already Friday.
...and the month is already over.
...and the year is almost over.
...and already 40, 50 or 60 years of our lives have passed.
...and we realize we lost our parents, friends.
and we realize it's too late to go back...
So... Let's try to make the most of the time we have left...
Let's keep looking to have activities we like...
Let's put color in our gray...
Let's smile at the little things in life that put balm in our hearts.
And in spite of everything, we must continue to enjoy this time we have left. Let's try to eliminate the ′′ after ′′...
I do it after...
I'll say afterwards...
I'll think about it afterwards...
We leave everything for later as if ′′ after ′′ were ours.
Because what we do not understand is that:
Afterwards, the coffee gets cold...
afterwards, priorities change...
Afterwards, the charm is broken...
afterwards, health passes...
Afterwards, the kids grow up...
after, parents get old...
afterwards promises are forgotten...
after, day becomes night...
after, life ends...
And then it's often too late....
So... Let's not leave anything for later...
Because while always waiting for later, we can lose the best moments,
the best experiences,
the best friends,
the best family...
The day is today... The moment is now...

***
Thơ Dịch:

Ngày vừa chửa cười trời đã tối
Mới Thứ hai đã Thứ sáu rồi
Và cứ thế tháng cùng, năm tận
Bốn...năm... sáu chục năm thoáng trôi

Ngộ ra cha mẹ và bè bạn
Đã theo nhau rũ áo bụi đời
Ngộ ra ta cũng đà qúa muộn
Sống lại thời quá khứ xa xôi.

Hãy tận dụng thời gian còn lại
Tìm kiếm mỗi ngày một niềm vui
Hãy tô mầu bức tranh ảm đạm
Chuyện tầm phào tim ngát, môi cười.

Bất chấp hết... Những ngày còn lại
Giữ cho lòng tự tại an nhiên
Những chuyện “ rồi sau “ quẳng đi hết
Rồi sau...tôi làm liền
Rồi sau...tôi khắc kể
Rồi sau...tôi sẽ nghĩ
Người thường để rồi sau mới tính
Lầm tưởng rồi sau thuộc về ta
Mà bởi vì không hiểu ra là:

Rồi sau... cà-phê sẽ nguội
Rồi sau... ưu thế đổi thay
Rồi sau... duyên dáng tàn phai
Rồi sau... sức khoẻ suy yếu

Rồi sau... con cái khôn lớn
Rồi sau... song thân già nua
Rồi sau... hứa hẹn quên hết
Rồi sau... đêm cũng như ngày
Rồi sau... cuộc đời chấm dứt.

Và rồi sau thường là quá muộn
Vậy đừng đợi rồi sau cái chi
Bởi luôn luôn nay lần mai lữa
Có thể ta sẽ bỏ mất đi
Những phút giây, trải nghiệm diệu kỳ
Những bằng hữu, gia đình tuyệt diệu

Ngày chính là hôm nay
Thời khắc: lúc này đây.

 Hoàng Xuân Thảo

***

Thời Gian

Vừa tảng sáng, đã 6 giờ chiều.

Mới thư hai, đã qua thứ sáu.

Một tháng vút đi mau, nhanh quá.

Rồi một năm cũng đã gần tàn.

Và 40, 50, 60 năm 

Đời chúng ta cũng dần tan biến.

Người thân, bạn bè thôi hiện diện.

Và chúng ta chợt nhận ra rằng 

Đã quá trễ để mà quay lưng 

Vậy thì bạn ơi, đừng chờ đợi, 

Hãy tận hưởng thời gian còn lại.

Và không ngừng tìm tới việc gì 

Làm ta vui. Những mảng xám xì 

Trong cuộc đời, ta tô mầu chúng.

Với những chuyện nhỏ nhoi cuộc sống 

Nhưng đủ làm hưng phấn tim ta 

Hãy nở nụ cười thân ái, bạn nha

Trên tất cả, chúng ta tiếp tục

Tận hưởng trọn vẹn mọi giây phút 

Trong niềm thanh thản, cuộc đời này,

Thời gian còn lại kể từ đây. 

Hãy quên đi hai từ “sau đó”. 

Tôi sẽ làm việc này sau đó 

Tôi sẽ nói sau đó, và tôi 

Sau đó sẽ nghĩ. Thì bạn ơi 

Bạn đang để cuộc đời của bạn 

Rơi vào trong tình huống triển hạn 

Như thể là với bạn hai từ 

“Sau đó” rất hiển nhiên đã là 

Một phần tử tâm tư của bạn. 

Cái mà mọi người không cảm nhận 

Là sau đó, nguội lạnh cà phê.

Ưu tiên sẽ trở thành chần chờ.

Lời nguyền bị người ta phá vỡ.

 (hay: Sẽ chẳng còn có gì quyến rũ) (*)

Sức khỏe theo thời gian tàn tạ

Trẻ con bỗng chốc đã thành nhân

Cha mẹ thành những bậc lão niên.

Lời hẹn ước bay nhanh theo gió.

Và ngày thành đêm, thế đó 

Rồi cuộc đời cứ thế lụi tàn.

Và kết thúc vụt đến rất nhanh.

Tất cả bỗng trở nên quá trễ.

Vậy đừng nên chần chờ, bạn ạ.

Nếu bạn cứ mãi để về sau 

Thời điểm tuyệt diệu sẽ qua mau 

Những trải nghiệm tốt đẹp hàng đầu

Những người bạn tâm đầu, ý hiệp 

Những bà con, họ hàng thân thiết.

Tất cả sẽ biến mất, không còn.  

Vậy, ngày, là hôm nay, hẳn nhiên 

Thời điểm, có gì hơn hiện tại!


Mùi Quý Bồng

(phóng tác)

12/22/ 2020

(*) câu này thực tình tôi không hiểu J.P. muốn diễn tả ý nào, nên để cả hai. Hiểu sao tuỳ ý.