Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Dạ Quỳnh Hương - Thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao - Phổ Nhạc Phạm Anh Dũng


Thơ: Hoàng Ngọc Quỳnh Giao 
Phổ Nhạc: Phạm Anh Dũng 
Tiếng Hát: Hồng Tước

Trong Mơ



Mơ màng lạc lỏng giữa bầy muông
Đứng lặng nhìn xem chúng diễn tuồng
Co vuốt cáo hùm chung sức dụ
Tin lời nai thỏ vội ra chuồng
U mê ắt vướng vòng gian hiểm
Kết thảm cũng vì chuyện hứa suông
Hốt hoảng gọi người ngăn kẻo trễ
Giật mình tỉnh giấc nắng chiều buông.

Quên Đi

Vui Là Chính - Họa Cầu Vui



Vui Là Chính!

Thơ đường vỏ vẽ viết vui chơi,
Mấy nét mèo ngoao ngoáy chuyện đời.
Chua loét câu châm trong tối sớm,
Đắng òm lời mĩa giữa hôm mơi.
Tâm hồn lắm lúc còn trăn trở
Lòng dạ đôi khi cố lả lơi!
Xào nấu bao lần mà khó đặng.
Nên vui là chính nhé tôi ơi!

Hoành Trần 
2014

Họa Cầu Vui

Tập tễnh thơ Đường tớ họa chơi
Mà quên thế sự xuống lên đời
Chung trà nguội ngắt chưa ra chữ
Ý tưởng đen thùi chắc tới mơi
Tào Thực cứu nguy cần gấp gấp
Cao Linh mần dở phải lơi lơi
Hên xui trúng được vài ba vận
Cái chính là vui đó bác ơi!

Cao Linh Tử

15/7/2015

Bộ Tem Đầu Tiên Về Nghệ Thuật Hát Bội

Hát Bội, còn gọi là Hát Bộ hay Tuồng, là nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam, diễn lại chuyện xưa tích cũ, gợi những đức tính trung, hiếu, tiết, nghĩa của người xưa để làm gương sáng cho thiên hạ soi chung. Hát Bội có tính tượng trưng, quy củ, kết hợp nhuần nhuyễn giữa âm nhạc, giọng hát, điệu bộ và văn chương.
Nghệ thuật sân khấu đã có từ thời Lý và thường thấy trong các dịp tiệc tùng hay tế lễ. Cho tới thời Trần thì nghệ thuật này mới phát triển. Trong năm Thiệu Bảo (1278-1285) đời vua Trần Nhân Tông, quân ta đại phá quân Nguyên, bắt được người phường tuồng là Lý Nguyên Cát ở trong quân của Toa Đô. Nguyên Cát khéo múa hát, phỏng theo tiếng ta, làm ra các vở tuồng hay như vở “Vương Mẫu Hiến Bàn Đào”. Vua Trần vì mến tài, đã cho phép Nguyên Cát ở lại nước Đại Việt để hướng dẫn nghệ thuật sân khấu.

Hát Bội phát triển, trưởng thành và khởi sắc vào thời Nguyễn, dưới triều vua Tự Đức. Chính nhà vua và một số quan lại trong triều đã sáng tác một số tuồng Hát Bội để đóng góp cho nghệ thuật này. 

Phong trào Hát Bội lan rộng và cực thịnh vào thời vua Thành Thái. Do khi đó thực dân Pháp đang xâm chiếm nước ta với chiêu bài “bảo hộ” nên mọi hình thức chống đối chính quyền bảo hộ đều bị đàn áp. Vì vậy, Hát Bội được coi là nghệ thuật độc đáo để qua mặt nhà cầm quyền Pháp nhằm ca tụng tinh thần ái quốc, cổ vũ tinh thần kháng Pháp của dân tộc.

Để tôn vinh loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền này, ngày 23-2-1975, Bưu chính VNCH đã phát hành bộ tem “Hát Bội” gồm 3 mẫu, kích thước 40 mm x 30 mmm, giới thiệu 3 tuồng Hát Bội tiêu biểu:
Tem 25đ: Lão tướng Phàn Định Công đang trấn ở San Hậu, hay tin thái sư Thiên Lăng soán ngôi vua Tề đã cấp tốc cử binh về triều vấn tội loạn thần trong tuồng “San Hậu”.


Tem 40đ: Quân sư Dư Hồng dùng chiêu lạc hồn bắt đại tướng Cao Hoài Đức trong tuồng “Tam Hạ Nam Đường”.



Tem 100đ: Đệ tử của Lê Sơn Thánh Mẫu là Lưu Kim Đính vâng lời cha đến Nam Đường cứu giá vua Tống Thái Tổ bị vây khốn tại thành Thọ Châu trong tuồng “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”.
Bộ tem này được phát hành với những con dấu đặc biệt “Ngày đầu tiên” tại các bưu cục: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng và Huế. 

Đây là một bộ tem đẹp do 3 họa sĩ thiết kế: Nguyễn Hiệp (mẫu 25đ), Nguyễn Siên (mẫu 45đ) và Nguyễn Thanh Trúc (mẫu 100đ); được in họa ảnh 4 màu trên giấy có keo tại nhà in Thomas de la Rue, Basingstoke (Anh).


Trần Đức Lộc
(Trích "Tập san Viet Stamp số 1 - 2008")
Yên Đỗ sưu tầm từ “vietstamp.net”

Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2016

Đèn Khuya - Lam Phương - Đàn & Hát Ân Nguyễn


Gần giáp năm MẸ bỏ con đi!
"Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ
Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ"


Tác giả: Lam Phương
Trình bày: An Nguyen
Hình ảnh: Sưu tầm internet.

Tình Hạ



Trời đêm rực sáng mảnh trăng tròn
Tán trải tia vàng tận đỉnh non
Cánh phượng vùi say tình mộng gửi
Loài ve lặng thưởng tiếng tiêu lòn
Lời ru hạ vãn tràn âm điệu
Điệp khúc thu về vọng gác son
Ước vọng ngày đông nhiều khắc khoải
Hồn thơ một thuở sẽ luôn còn?

Nguyễn Đắc Thắng


Trăng Buổi Sáng - Mộng Ban Ngày



Trăng Buổi Sáng

Hôm nay trăng lại trở về
Xa xôi mà chợt gần kề một bên
Gió phất phơ cành thông mềm
Chỉ trong mấy phút êm đềm rồi xa
Chỉ còn trơ những mái nhà
Về đâu khuất nẽo trăng tà về đâu
Không gian nhàn nhạt một màu
Vẳng đâu tiếng quạ rớt vào hư không
Màn suơng tan giữa mênh mông
Phương đông một áng mây hồng lửng lơ
Trăng về như một giấc mơ
Tinh ra chỉ thấy bơ vơ duới trời

Khánh Hà
***
Mộng Ban Ngày


Đêm khuya bóng lại hiện về
Thì thầm kể chuyện vai kề cận bên
Đôi tay ve vuốt tóc mềm
Nụ hôn tha thiết êm đềm thuở xa
Gió thông xào xạc hiên nhà
Đôi đầu soi bóng nguyệt tà còn đâu
Góc phòng đèn nhợt nhạt màu
Mưa rơi tí tách xuyên vào tịch không
Chênh vênh cõi vắng mênh mông
Trông qua khe cửa vệt hồng lửng lơ
Mộng ngày hụt hẫng cơn mơ
Hồn phách tỉnh thức chơ vơ giữa trời

Kim Oanh

Tro Tàn Bay Theo Gió



Rồi cũng tan như sương
Rồi úa tàn như lá
Rồi chỉ còn mình ta
Ngắm trăng tà mà khóc
Hết rồi thời để tóc
Tóc thề buông như mây

Rồi em và anh thương
Người nào ra đi trước
Trong cõi đời vô thường
Nếu người đó là em
Anh có đến tiễn đưa
Có nhỏ vài giọt lệ
Anh ơi chuyện bằng thừa

Rồi cũng tan như mây
Rồi cũng bay theo gió
Tro tàn anh thấy đó
Rồi cũng bụi tàn tro

Chào em lần cuối cùng!
Hay em chào anh nhỉ
Mình chưa từng gặp mặt
Làm sao biết -tiễn đưa?!

Anh muốn gặp em chưa
Anh sợ gì, vỡ mộng?
Anh ngại gì, rổng không
Chẳng có gì ngóng trông
Chẳng có gì để nhớ!

Theo gió bụi, tro tàn...

Quách Như Nguyệt
Oct 26th, 2013

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2016

Hát Bội Quê Tôi


Lúc tôi còn nhỏ, tôi thường theo cô tôi đi xem hát bội. Thời ấy, hát bội về tới đâu thì ở đó nổi đình nổi đám. Nghe tin gánh hát bội Đồng Thinh về hát tại chợ Cầu Lầu, bà con nôn nao mua vé để xem cho bằng được. Tôi cũng chờ cô tôi dắt tay vào coi “cọp”(copier).

Xui xẻo cho tôi, lần ấy gánh hát về diễn, người ta không cho người lớn dẫn kèm trẻ em vào xem. Nghe đâu có một bà nhà giàu mê ông Bầu Lợi. Muốn theo gánh hát bà ta đóng “cô- xông” (caution) để được bán vé, ba này soát vé kỹ lắm. Vé bán 2 loại: Một loại cho người lớn, một loại cho trẻ con. Không đủ tiền mua 2 vé, cô tôi lén đi môt mình. Ức quá, tôi lội bộ gần cây số đến chợ. Khu nhà lồng chợ màn giăng kín mít và có người đứng gát rất nghiêm nhặt khó chui lọt vào trong. Tuồng hát đang diễn ra rọn ràng tiếng trống. Tôi đứng bên ngoài coi hát trong tưởng tượng.

Qua tiếng ử ử ừ ư…tôi hình dung ra cảnh Tiết Đinh San đang năn nỉ Phàn Lê Huê xuất binh cứu giá… Nôn nao không chịu được, tôi cùng đám bạn cùng trang lứa trèo lên cây trứng cá ở ngoài dốc cầu Lầu. Đúng là chỗ tốt thật, từ độ cao này tôi có thể nhìn qua khoảng trống của đỉnh màn giăng còn khe hở phía trên. Cả bọn đang say sưa thả hồn theo cái sân khấu diễn giữa chợ ấy thì “ rắc” một cái , mhàng trứng cá gãy. Ngay luc 1ấy, ba tôi hầm hầm xuất hiện. Ông đổ quạu vì đã tở mở tìm tôi khắp đám đông chen chân vào xem hát , ông lo sợ thằng con 8 tuổi của mình đi lạc, tối không biết đường về rồi ngủ bờ ngủ bụi.
Trái: Vũ Linh Tâm học trò của Bầu Răng

Bóng gánh hát bội đã dẫn tôi đến tìm nghệ sĩ Vũ Linh Tâm, một trong những diễn viên kỳ cựu của gánh Đồng Thinh. Chủ nhà đi vắng. Tôi lại gặp chú Nhành là ba vợ của Vũ Linh Tâm. Ông tuổi đã ngoài 70. Nhìn chú tôi có linh cảm đây có thể là người mình cần gặp. Tôi thử hỏi thăm chú.

- Chú ơi! Chú có biết gánh hát bội Đồng Thinh Không?
Chú Nhành nhìn tôi ngờ ngợ vì mấy chục năm qua không ai hỏi chú câu này. Sau khoảnh khắc bất ngờ, chú vut đứng dậy chỉ lên bàn thờ:
- Đó, ông bầu gánh hát Đồng Thinh đó, ông Lê Thành Lợi, ba vợ của tôi.

Tôi nhìn lên bàn thờ có bức di ảnh chụp demi một người đàn ông trung niên mặt mũi phương phi trong bộ cánh áo dài khăn đóng. Đúng như tôi nghĩ những gì tôi cần biết được thỏa mãn qua câu chuyện kể của chú Nhành:

“Tôi theo sửa máy đèn cho gánh hát. Phụ trách kỹ thuật âm thanh và ánh sáng cho gánh hát. Hồi đó gánh hát dùng tàu ghe để đi lưu diễn, tôi phụ trách trông coi cả máy tàu. Đại gia đình hát bội ở trên 2 chiếc tàu đò giống như chiếc đò dọc chở khách.

Tháng 7/ 1954 tôi theo gánh hát ông Bầu Lợi. Thấy tôi giỏi giang chăm chỉ ổng gả con cho tôi. Theo tôi biết gánh hát bắt đầu ở Te Te – Hùng Hòa – Tiểu Cần – Trà Vinh quê xứ ông già vợ tôi. Theo ổng kể lại lúc ấy ổng mới 18 tuổi, gánh hát được lưu diễn khắp nơi, từ Trà Vinh đến tận Rạch Gia 1, Cà Mau…

Riêng ở Ba Tri- Bến Tre là nơi thường trú. Ba vợ tôi cất nhà tạo ra cơ ngơi khá vững vàng tại Ba Tri. Năm 1972 ba vợ tôi qua đời tại đây. Vợ tôi tên Lê Thị Lành mới thừa kế cha đứng ra quán xuyến gánh hát Đồng Thinh.

Chuyện kể ông Bầu Lợi có đứa con gái ngủ chung với rắn, mới nghe tưởng chuyện hoang đường nhưng có thật. Gánh hát đi diễn ở gần trại lá, bà Bầu Lợi trải chiếu trên những tấm lá chầm để con ngủ cho mình rảnh rang lên sàn diễn. Chừng trở lại ẵm con lên, con rắn hổ nằm rút vào hơi ấm của đứa con gái nhỏ xíu. Lúc ấy, con rắn cất đầu lên khè khè, bà Bầu Lợi mặt cắt không còn chút máu. Cũng may nó không cắn con bé, sau này con bé ấy là bà bầu Lành mẹ vợ của Vũ Linh Tâm.

Kể chuyện năm xưa chú Nhành nhớ tới Năm Linh hiện ở Trà Vinh từng là bầu gánh giai đoạn sau này, Sáu Tố ở Cái Nhum, bầu Răng ở Cái Lóc …Còn biện tuồng Louis với nhiều tài năng đặc biệt vừa viết tuồng, vừa nhạc công kiêm cả thầy tuồng…

Ông già vợ tôi làm nghề hát này làm giàu cũng có mà phá sản cũng có., lúc thạnh thời ổng cất một hơi hai ba cái nhà ngói ở Bến Tre, chừng suy thời ổng bán lần bán hồi tiêu hết. Oång bán nhà nuôi gánh hát không đủ phải bán luôn cái bàn thờ và lư hương. Ngày xưa cái bàn thờ cẩn xà cừ giá trị cỡ nào. Đoàn hát suy thời không nuôi thì rã đám nên phải liều mạng bán hết để sống lây lất qua ngày. Cùng thời có gánh Kim Tân, Huỳnh Mai do nghèo nên rã gánh. Dạo đó gánh Đồng Thinh nhờ có cảm tình nên dân chúng làng Long Thanh, Long Mỹ cho gạo ăn luc 1khó khăn đói khổ. Nghĩ đến cảnh gánh hát khó “ đậu giàn”phải đi xin ăn sống đời hành khất, chú Nhành chỉ lên đầu tủ, nơi có cái trang che tấm màn the.Đó,bàn thờ tổ đó. Mà tổ gánh hát và tổ ăn xin cũng là một mà thôi."

Ông Bầu Răng

Nghe chú Nhành kể chuyện đời xưa, tôi chợt nhớ lại chuyện gần đây: Năm ấy, khoảng 1980, gánh hát về hát tại Nhà văn hóa Thị xã Vĩnh Long. Sau 2 đêm diễn gánh hát biến mất. Họ lặng lẽ cuốn gói lên đường không lời từ giã. Chú Ba Trầu là Trưởng phòng VHTT thị xã lúc bấy giờ cử người đi đòi tiền điện nước 2 ngày diễn của đoàn. Tôi cùng một anh cán bộ phòng VHTT dò hỏi mới biết được gánh hát đang lưu diễn ờ chợ Phước Thọ. Chúng tôi tìm ông Bầu gánh nhưng không gặp. Chúng tôi ngồi chờ. Chờ đến sốt truột. Chợt phía sau hậu trường có tiếng chén bể loảng choảng lẫn tiếng chửi bới ồn ào. Thì ra có một đôi vợ chồng trong đoàn hát lời qua tiếng lại to tiếng bất chấp sự có mặt của 2 người khách lạ. Qua nội dung cuộc cãi vả chúng tôi nghe lỏm bỏm được câu chuyện là hết gạo ăn bữa chiều chồng đi mượn tiền với gạo không được nên họ chì chiết nhau, một hồi không khí bớt căng thẳng và lắng lại.. giống như những vở tuồng họ từng diễn họ thủ thỉ nhau rằng đời mình buồn nhiều hơn vui sao ta lại hành hạ nhau chi cho khổ thêm. Người chồng ngồi một góc trong xó hậu trường lặng lẽ, hình như anh ta đang khóc phận mình, còn chị vợ đổ người xuống cánh võng mắc dưới gầm sân khấu tiền chế . Nơi đó có đứa con vừa mới thức giấc vì ồn ào. Người phụ nữ vạch vú vắt những giọt sữa cuối cùng trong bờ ngực thô ráp để dỗ nín đứa con chừng giáp thôi nôi. Bấy giờ, đến phiên chúng tôi lặng lẽ trốn khỏi gánh hát không chờ gặp ông Bầu gánh nữa.

Giờ đây, gánh hát Đồng Thinh là cả một lực lượng gần 3o người. Họ không xin ăn, không có giọt nước mắt sau hậu trường. Nhưng sau những giờ lên sân khấu họ trở lại với đời thường, chia nhau đi khắp các nẻo đườngđể mưu sinh.Khi nào được “bao giàn” hát ở đình miếu trong các ngày lễ hội như; Lễ hội Kỳ Yên, Lễ Thượng Điền, lễ Hạ Điền thì gom lại diễn tuồng. Những vỡ diễn rất “tủ”như:Thần nữ dâng ngũ linh kỳ,San Hậu, Tiết Đinh san cầu Phàn Lê Huê,Ngũ sắc châu,Tiết Giao đoạt ngọc, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu…Những vỡ tuồng ấy đã thấm vào máu của các nghệ nhân bán hàng rong. Ai biết hoàn cảnh của gánh Đồng Thinh sẽ thương cho những người nghệ sĩ đi bán dạo,

Lễ Kỳ Yên, gánh hát Đồng Thinh về diễn ở miếu Công Thần, bà con đến xem chật cả tiền sảnh của ngôi miếu cổ. Hôm ấy tôi ngồi trong hàng ghế Đại biểu. Hôm ấy, gánh hát diễn trích đoạn vở tuồng” Tiết Giao đoạt ngọc”. Hình ảnh đeo cây trứng cá đã ngủ yên trong quá khứ. Bên cạnh tôi có cả 2 người Mỹ say sưa dán mắt vào từng điệu bộ của nghệ nhân trên sàn diễn. Xem đến hồi cao trào, có người như muốn nhổm đít lên, nhìn chăm bẳm vào Võ Tam Tư, do Thái Phương đóng vai.

Võ Tam Tư mặt sắt đen sì trông rất hung tợn. Lớp này hắn bị thua trận về la hét :” Tức tối ngồi không yên chỗ…Xốn xang ruột rối tựa tơ vò…Phải có ai lãnh mạng xuất chinh…ra trận địa tiểu trừ thảo giặc…

Vợ của Võ Tam Tư là Nguyệt Cô do Yến Linh đóng cũng xuất hiện ra điệu bộ oai hùng liệt nữ: “ Có , có xin phụng mạng…xin phụng mạng. Quyết giương oai…hề quyết giương oai…Xin phu quân cấp lập vạn hùng binh…ra chiến trận trừ an Đường quốc…”.

Diễn đến lớp Nguyệt Cô hóa cáo , tôi đọc trong ánh mắt bà con thấy sự thương tiếc cho một kẻ thèm được làm người , rồi sau đó, vì thật lòng yêu mà bị lừa lấy ngọc…

Sau Lễ Hội Kỳ Yên tôi suy nghĩ hoài về gánh hát Đồng Thinh , khiến tôi đi tìm gặp ông Bầu Răng.
“ Hồi xưa, nghèo nhưng vui lắm, vì được sống với nghề, giờ nghề hát này mấy ai coi. Anh em tứ tán, muốn gom lại để biểu diễn phải hẹn hò nhau nhiều ngày trước đó. Không hát nhiều như ngày xưa, nhưng giữ được nghề, tụi tui ai cũng thấy vui…
Ngày mai hát bội có còn về với mái đình làng năm cũ? Hát bội sẽ còn sống trong ký ức tuổi thơ của con tôi, hay hát bội thổn thức giữa nhịp đời sôi động và sẽ chết trong lòng người nào nỡ quên mái đình làng mang nặng hồn quê hương?

Ngoc Hiêp (Vĩnh Long)

Dạ Vũ Ký Bắc - 夜 雨 寄 北 - Lý Thương Ẩn - 李商隱



Dạ Vũ Ký Bắc

Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ,
Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
Hà đương cộng tiễn tây song chúc,
Khước thoại Ba sơn dạ vũ thì.

Lý Thương Ẩn (812 - 858)
***

Dịch Xuôi: Gửi Tiếng Mưa Đêm Về Phương Bắc

Bạn hỏi ngày nào về, tôi chưa định được
Ở vùng núi Ba, lúc này vào thu, đêm mưa dai dẳng, ao nước ngập tràn
Không biết bao giờ chúng ta cùng chong một ngọn nến bên song cửa tây
Để kể lại với nhau nghe về tiếng mưa rơi trong những đêm thu, như đêm nay, ở vùng núi Ba này

Chú Thích:

Ba Sơn, vùng núi Ba xưa thuộc Tứ Xuyên, phố núi Trùng Khánh (Bắc Kính) bây giờ ,nổi tiếng mưa nhiều trong đêm, nhất là vào mùa thu. Có Thính Vũ Đường, giữa rừng trúc, cho khách thập phương thiền giả, về đêm, ngồi uống trà, chỉ để, nghe tiếng mưa rơi.

Phạm Khắc Trí
06/21/2016
***
Mưa Núi Đêm Thu Đất Khách

Bạn hỏi hẹn về chưa định được,
Đêm thu, mưa núi tràn ao đầy.
Bao giờ chong nến riêng tây nhỉ,
Để nói về mưa đêm ở đây.


Phạm Khắc Trí
06/21/2016

Lời Thêm:

Mưa núi, đêm thu, đất khách! Chao ôi, chữ với nghĩa của người xưa. Các cụ nói gì với nhau, riêng tây, về mưa đêm ở đây, nếu còn được găp nhau lại, vào những ngày tháng cuối đời này?
***
Mưa Đêm Gởi Phương Bắc

Ngày về biết trả lời sao
Ba Sơn mưa tối nước ao thu đầy
Hẹn anh dưới nến song tây
Cùng nhau kể chuyện đêm nầy núi Ba.


Quên Đi
***
夜雨寄北                  Dạ Vũ Ký Bắc


君問歸期未有期     Quân vấn quy kỳ vị hữu kỳ
巴山夜雨漲秋池    Ba sơn dạ vũ trướng thu trì.
何當共剪西窗燭    Hà đương cộng tiễn tây song chúc ,
卻說巴山夜雨時    Khước thuyết Ba sơn dạ vũ thì.

李商隱                    Lý Thương Ẩn

Về bài thơ Dạ Vũ Ký Bắc nêu trên, xin được trình bày....

Thêm một kiểu hiểu nữa về bài " Dạ Vũ Ký Bắc " là " Dạ Vũ Ký Nội " ( Nội là Nội nhân, là Bà Xã, là Người Yêu ). Chữ Quân là Ngôi thứ 2 trong Danh xưng Đại từ, nên có thể chỉ Nam hoặc Nữ. Theo tình ý trong bài thì thích hợp với tình yêu trai gái hơn là tình bè bạn. Này nhé !...

.....Em hỏi ngày nào anh về , anh cũng chưa biết là ngày nào anh mới về được.( Vì bận công vụ chẳng hạn... ). Đêm nay mưa ở Ba Sơn làm tràn ngập cả nước ao thu, ( như tình anh nhớ em cũng tràn ngập như thế !). Ôi, biết bao giờ mới được cùng em cùng ngồi tỉ tê tâm sự và cùng khêu ngọn nến sắp tàn lụn bên song cửa phía tây, để anh lại sẽ kể cho em nghe về những đêm mưa rả rít ở Ba Sơn !....

Diễn Nôm:

Em hỏi hôm nao trở lại nhà?
Ba Sơn ao nước ngập mưa sa
Bao giờ lại được cùng soi nến
Nói chuyện Ba Sơn mưa thướt tha!


Quý vị thấy thế nào? Có thể lắm chứ ! Vì Lý Thương Ẩn chuyên về tình cảm yếu đuối, lãng mạn mà.... " Tương kiến thời nan, biệt diệc nan " và.... " Lạp cự thành hôi lệ thủy can " mà !....

Đỗ Chiêu Đức
***
Đêm Mưa, Thư Về Bắc


Bạn hỏi ngày về, định được sao!
Ba Sơn đêm trước, mưa tràn ao.
Bao giờ cắt bấc chung bên sổ?
Sẽ kể, Ba Sơn mưa thế nào.


Kim Phượng
***
Đêm Mưa Núi Ba


Khi nao định được ngày về?
Ao thu mưa tối não nề núi Ba
Bao giờ thắp nến cùng ta?
Hiên tây kể lại mưa sa đêm này.


Kim Oanh

Chè Đậu Xanh O Vinh... Huế Ơi!

Sáng nay mặt trời lên cao, không gian quang đãng, nhiệt kế Los Angeles chỉ 80°H-64°L, nắng hạ Nam Cali tuyệt vời quá, tình cờ bút tôi được O Vinh phone thăm hỏi mách nước cách nấu món chè đậu xanh, o Vinh bà sui cũng là một chef cook độc đáo, một tay đầu bếp khéo léo mà chef Chris Trần Mạnh Chi, ông sui chủ nhân nhiều nhà hàng tại OC, chef madame sui Thụy Trinh TKĐ, chef madame sui Peeky Picky Lâm Mai Thy chấm điểm cao cho chef madame sui o Thúy Vinh, o Vinh vốn được bè bạn khen tặng một thuờ nổi danh trong campus CSU Fullerton.

Nào, hãy nói về đậu xanh theo khảo hướng đông y Morita mà o Vinh cho là đậu xanh theo văn phạm ở ngôi thứ 3 Huế tui gọi là "hắn" mang vị mát rượi thanh nhiệt như gió mát bờ biển Tiên Sa, của khí hậu gió mát biển Sơn Chà.

Đậu xanh, "hắn" có thành phần dinh dưỡng khá cao, mỗi hạt chứa nước 14%; protide 23,4%, lipide 2,4%, glucide 53,10%, cellulose 4,7%. Còn có các nguyên tố vi lượng Calcium, Phosphorous, sắt và các vitamin (tiền sinh tố A, B1, B2, PP, C). Còn có phosphatidyl choline, phosphatidylethanolamine, phosphtidylinositol, phosphatidylserine; phosphatidicacid. Tính vị của hạt đậu xanh có vị ngọt, vị hàn, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, bớt đau sưng, ích khí lực, điều hòa lục phủ ngũ tạng, nấu ăn thì bổ mát và trừ được các bệnh nhiệt. 
Vỏ hạt Đậu xanh có vị ngọt, tính mát không độc, có tác dụng giải nhiệt độc làm cho mắt khỏi mờ. Tác dụng tuyệt vời của đậu xanh đối với sức khỏe. Chữa bệnh gút hiệu quả với đậu xanh. Theo khảo hướng đông y, đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ phiền nhiệt, bớt sưng phù, điều hòa ngũ tạng, nấu ăn bổ mát và trừ được các bệnh thuộc nhiệt. Vỏ đậu xanh không độc, có tác dụng giải nhiệt độc, dùng chữa mụn, ung nhọt,… 

Công dụng chữa bệnh của đậu xanh. Cách chữa trị bệnh gút bằng bài thuốc dân gian với đậu xanh là: đậu xanh để nguyên vỏ, ninh nhừ (không cho thêm gia vị). Người bị bệnh ăn một bát thay cơm vào buổi sáng, sau khi ngủ dậy; ăn một bát vào buổi tối trước khi đi ngủ. Người bệnh nên duy trì chế độ ăn như vậy liên tục trong 30 ngày. Nếu đau có thể dùng thêm bài thuốc đắp ngoài da: Hành ta (3 củ), lá ngải (một nắm), nước gừng tươi, giã đắp vào chỗ đau mỗi ngày thay một lần). Đậu xanh giúp tim khỏe. Đậu xanh chứa các chất kháng viêm và mức cao vitamin B phức hợp, có công dụng tăng thêm sức khỏe các mạch máu. Ngoài ra, đậu xanh còn giúp giảm mức triglyceride và cholesterol xấu, nên rất có ích cho sức khỏe tim. Đậu xanh làm giảm nguy cơ ung thư vú và tuyến tiền liệt. 

Vỏ đậu xanh có chứa nhiều hoạt chất thuộc nhóm flavonoid, có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của các tế bào ung thư đặc biệt là làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và tuyến tiền liệt. Đầu xanh giúp ngừa ung thư dạ dày Đậu xanh chứa hàm lượng cao chất chống ôxy hóa coumestrol – một loại polyphenol giúp bảo vệ sức khỏe. Ngoài ra, các hợp chất phytonutrient chứa trong đậu xanh còn có tác dụng phòng tránh ung thư dạ dày. 
Đậu xanh giúp tăng cường hệ miễn dịch Nếu bạn ăn một chén cháo đậu xanh nấu chín mỗi ngày giúp bạn tăng cường hệ miễn dịch, hạ thấp 20% lượng cholesterol trong 3 tuần, nguy cơ mắc bệnh tim mạch và huyết áp giảm 40%. Chất xơ trong đậu xanh còn có khả năng loại bỏ các độc tố trong cơ thể, do đó giúp ngăn ngừa chứng ung thư ruột kết. 

Đậu xanh tốt cho người tiểu đường và giảm cân Đậu xanh còn là nguồn cung cấp chất xơ hòa tan. Chất này đi qua đường tiêu hóa, lấy đi những chất béo thừa và loại bỏ khỏi cơ thể trước khi hấp thụ, nhất là cholesterol. Do đó, đậu xanh giúp người béo kiềm chế sự thèm ăn và giảm lượng chất béo nguy hiểm cho cơ thể. Đồng thời đậu xanh giúp ổn định lượng đường trong máu sau bữa ăn nên rất tốt cho người bệnh tiểu đường. Đậu xanh là vị thuốc thanh nhiệt giải độc, theo y học cổ truyền, đậu xanh vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, rất thích hợp cho việc chữa trúng nóng, phiền khát, ngộ độc thức ăn… Vỏ hạt đậu xanh còn gọi là lục đậu xác vị ngọt, tính hàn không độc, có tác dụng giải nhiệt độc, sáng mắt,…

Lục tẩu voilà tên nghe rất ba tàu hay còn gọi là đậu xanh, thanh tiểu đậu… Trong đời sống hàng ngày, đậu xanh được dùng làm rất nhiều món như nấu canh, nấu chè, làm bánh hay làm thực phẩm chứa chất dinh dưỡng… Đậu xanh ni vẫn là "hắn", một trong những loại ngũ cốc tốt nhất đối với sức khỏe con người.
Dinh dưỡng của đậu xanh vì giàu chất đạm, chất béo, chất xơ và mltivitamins, khi ăn nhiều đậu xanh cơ thể sẽ ₫ẹp tươi mát mũm mĩm nhé

Theo sách Huê Đà đông y, lục đậu vị ngọt tính mát, vào tâm, vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải thử, lợi thủy, chỉ khái, thanh can minh mục. Dùng cho các trường hợp say nắng, say nhiệt hay say nóng, sốt cao mất nước phù nề, mụn nhọt, lở ngứa, ngộ độc cá, ngộ độc sắn, còn dùng để giảm mỡ máu, hạ huyết áp. Hằng ngày có thể dùng từ 15 – 100g bằng cách nấu hầm, ninh hay sắc với công dụng tẩm bổ không chỗ này thì cũng chỗ kia trên cơ thể mà thôi.

Tôi nói với o Vinh món chè đậu xanh tán nhuyễn mịn của chị Hồng, hay món chè đậu xanh đánh của o Thúy Vinh, Vinh mưa trên Phố Huế của ngày xưa... ngon tuyệt vời tâm tư. Trước đây tôi có dịp đến nhà chị DS Hồng ở khu vực Cá Bay, Flying Fish, chị Hồng là hiền tỷ của nhà thơ Hồng Vũ Lan Nhi luôn thả thơ đúng giờ trên sân phết-bút mỗi sáng sáng, chị Hồng DS đã thết bạn bè món chè đầy kỹ niệm này.

Việt Nam ta là xứ chè, có văn hóa chè độc đáo, hàng trăm thứ chè khiến hoa cả đôi mắt thực khách... Còn nhớ tiếng rao ngọt ngào, ngọt lịm của người bán hàng rong ngày nào không ?... "Ai ăn chè đậu xanh nước dừa đường cát hôn ???!!!"
"Ai ăn chè đậu xanh nước dừa đường cát hôn ???!!!"
O Vinh nhắc phố xá Sài Gòn có hàng rong, o Vinh mách cách nấu chè đậu xanh nước dừa đường cát, để nhớ quê xưa. Nên nhớ là khi ta cho chè đậu xanh đánh vào ly úp ngược lại thì chè không chảy vì độ sánh đặc. Ấy mới đúng "le bon goût" chè o Vinh. Và đặc biệt là chỉ có duy đậu xanh không nên pha thêm bất cứ thứ ni vào trong "hắn" hỉ...


Này nhé thành phần nguyên liệu chè "le bon goût de O_Vinh":

100g đậu xanh không vỏ
100g đường
Nước cốt dừa
Rau câu
Vanille

Cách làm chè đậu xanh đánh:
Đậu xanh ngâm mềm, cho nước vào nấu cho chín mềm rục, dùng muỗng quấy tán cho đậu xanh nhuyễn. Có thề dùng blender, hay máy cầm tay xay nhuyễn hay qua tán qua rây.
Cho đường vào nồi đậu xanh đã tán nhuyễn, bắc lên bếp, bắt đầu đảo đều tay cho đến khi đường tan hết cho va-ni vào. Đảo thêm một lúc nữa cho đậu xanh sánh đều. Nhấc muỗng lên thấy đậu xanh rớt từng khối xuống là được. Nhớ đừng đảo lâu quá, thời gian đảo với đường khoảng 10 phút mà thôi. Xong bắc nồi ra khỏi bếp, đỗ vào từng ly để thật nguội thì úp ly chè xuống dĩa để ăn dần.

Muốn chè beo béo, ta thắng nước cốt dừa nấu cùng với tí đường.Còn rau câu đổ đông cứng cắt sợi. Khi ăn chè đậu xanh đánh cho nước dừa vào ly cùng với rau câu cho đá đập nhuyễn vào quậy đều lên ăn ngon tuyệt vời với vị beo béo của đậu xanh và nước cốt dừa. Thank kiu o Vinh nhe.

***
Xong o Vinh mách thêm món chè khác, cũng với đậu xanh... Chè đậu xanh viên nước dừa. Chef Tuy Vinh vẫn với kỹ năng bếp hồng tay khéo, o ta hướng dẫn thêm làm một món chè rất ngon miệng hấp dẫn tì vị mà lại khá đơn giản, đó là món chè đậu xanh viên nước dừa.

Nguyên liệu:
- 300g đậu xanh không vỏ
- 1 hộp nước cốt dừa
- 500g đường
- 300g bột nếp
- 1/2 thìa cà phê muối, 1 ít lá dứa

Cách làm:
- Đậu xanh rửa sạch, hấp chín, tán nhuyễn.
- Trộn đậu xanh với bột nếp, cho nước lọc từ từ vào nhào cho đến khi hỗn hợp đồng nhất và dẻo mịn, sau đó nặn thành các viên vừa ăn.
- Đun sôi nước, cho các viên đậu xanh vào luộc chín, vớt ra ngâm vào nước lạnh.
- Nấu sôi nước, lá dứa và 500gr đường, khi nước đã ngấm mùi thơm của lá dứa cho các viên đậu xanh vào nồi, nấu sôi nhẹ lại, tắt bếp.

Khi ăn ta múc chè ra chén hay ly, chan nước cốt dừa lên bên trên mặt chè, thêm đá bào và mời bạn hiền ăn đi nào...

Món chè đậu xanh viên nước dừa vừa dễ làm, thời gian chuẩn bị và nấu tương đối nhanh, lại rất ngon miệng nữa. Các bạn bè ai cũng khen món chè o Thúy Vinh...


Cũng cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa thơm ngon ngày nắng hạ...
Chè đậu xanh nước cốt dừa là món chè có vị bùi bùi của đậu xanh, vị ngọt hơi beo béo của nước cốt dừa đã kể trên. Nhưng lần này ta thêm trân châu boba, cùng những viên trân châu ngon mềm tạo nên hương vị vô cùng ngon miệng và hấp dẫn hơn.

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa 1 

Nguyên liệu:

Với cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa này, bạn cần:
- Nước lọc
- Hạt trân châu khô: ¼ chén (ta có thể mua hoặc tự làm trân châu, khá dễ)
- Đường: ¼ chén
- Muối: tùy khẩu vị
- Đậu xanh tách vỏ: 1 chén 
- Nước cốt dừa: 1 chén

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa 2

1. Rửa sạch đậu xanh rồi ngâm khoảng 2-3 tiếng. Sau đó dùng một chiếc nồi sạch cho đậu xanh vào, cho nước đun sôi rồi vặn bếp ở mức lửa nhỏ. Đun khoảng 20 phút đến khi đậu xanh chín mềm. Trong quá trình đun thỉnh thoảng bạn khuấy đều để dưới đáy nồi không bị cháy nhé, sau đó thêm 1/2 chén nước cốt dừa vào.

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa 3

Đầu tiên bạn ngâm đậu xanh
2. Nếu thấy chè hơi đặc thì bạn có thể cho thêm nước, còn nếu bị loãng quá thì bạn pha ít bột sắn hoặc bột năng cho vào thì chè sẽ sánh hơn. Khi đậu xanh chín mềm thì bạn mới cho đường vào.

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa 4

Nếu cho bột năng hoặc bột sắn thì bạn nên hòa tan với nước nguội rồi mới rót từ từ vào nồi chè
3. Trong lúc đợi chè đậu xanh chín thì bạn ngâm trân châu trong nước đến khi trân châu nở thì vớt ra để ráo. Thấy chè sôi trở lại sau khi cho đường thì bạn bỏ trân châu vào và khuấy đều tay. Tới khi chè sôi thêm lần nữa thì bạn tắt bếp, trân châu sẽ không bị nát quá mà vẫn giữ được độ dai giòn.

Cách nấu chè đậu xanh nước cốt dừa 5

Sau đó bạn làm trân châu để thả vào nồi chè cho chín
4. Dùng một chiếc chén sạch, bạn cho nốt phần nước cốt dừa còn lại vào, thêm một chút muối rồi cho chén cốt dừa vào quay trong lò microwave để khoảng 30 giây thôi, đủ để làm nóng và không để nước cốt dừa bị quá sôi. Vậy là món chè đã xong xin mời múc ra để thưởng thức thôi.

Thôi nhé, giờ on air đã mãn... O Vinh nhắc khéo, món chè đậu xanh Phố Huế muôn thuở bồn chồn dịch vị Pavlov nên có người nói dai như chewing gum...
Hẹn dịp sau đía tiếp,... Sayonara ông Morita!!!

Việt Hải Los Angeles

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016

Hạ Vẫn Huy Hoàng


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Dùng Dằng Thương


Phía em là sóng trùng khơi
Là cành phượng tím phương trời hè sang
Là làn tóc xõa vai ngoan
Là đôi mắt biếc mơ màng chiều xưa

Phía tôi là những cơn mưa
Hè về phượng đỏ gửi mùa nhớ qua
Tiếng ve rưng rức mưa nhòa
Hát câu ly biệt đôi tà áo bay

Phía em nghiêng giọt mưa gầy
Hay là giọt nắng hồng rây má hồng?
Cho tình tôi giấu vào trong
Ru em nỗi nhớ phiêu bồng câu thơ

Ru về xưa lối hẹn chờ
Tay cầm mưa nắng che dù lòng nhau
Ru say đắm nụ hôn đầu
Vết thương rỉ máu ai khâu cho lành ?

Ru hoài giọt lệ long lanh
Chia ly ngày ấy đoạn đành thế sao
Buồn em có nhạt má đào
Thơ tôi hóa gió hôn trao nồng nàn

Phía em trăng gió lỡ làng
Phía tôi lỡ chuyến đò ngang - lạnh lùng
Thôi thì buồn nhớ chia chung
Bước chân hai phía tình dùng dằng thương

Trầm Vân

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016

Một Mùa Vui


Thơ: Khánh Hà
Thơ Tranh: Kim Oanh

Hè Năm Nay Đi Chơi Đâu?



Bài Xướng Liên Hoàn:
Hè Năm Nay Đi Chơi Đâu? 
1/
Hạ đến, lòng ta khéo vẩn vơ, 
Sáng, trưa, chiều, tối, những bơ phờ. 
Từ tin sông Cửu, dòng trơ đáy; 
Đến chuyện miền Trung, cá trắng bờ. 
Sôi sục lòng dân, như chửa thấy ... 
Đảo điên thế nước, thực đâu ngờ! 
Hè năm nay, chắc nằm nhà vậy,
Máu chảy, ruột mềm, há dễ ngơ.
                      
2/
Máu chảy, ruột mềm, há dễ ngơ!
Cớ sao Thi Hữu lại thờ ơ?
- Rừng vàng đã hết, thôi xa nhớ?
- Biển bạc đâu còn, để viễn mơ?
Đất nước tôi đâu? Ai nhắc hộ! 
Non sông khách lạ! Kẻ nào chờ? 
Năm canh trằn trọc, buồn khôn ngủ,
Thảo vội đôi vần, gửi bạn thơ.
                    
3/
Thảo vội đôi vần gửi bạn thơ,
Chút tình bày tỏ, giải niềm tơ.
Non sông muôn thuở, chung dân trí;
Đất nước một thời, góp vận mơ.
Nay dẫu sống xa nghìn vạn dặm,
Có đâu thiển cận, một hai lơ.
Mai kia con cháu đè ra hỏi :
Ông đã làm chi, thuở đến giờ?
                
4/
Ông đã làm chi, thuở đến giờ? 
Nghe ra cay đắng, khó lòng ngơ! 
Nại già, ta đã vùi hy vọng, 
Chớ trẻ, ai không chứa mộng mơ! 
Lực bất tòng tâm, thường biện bác, 
Trí không theo ý, vẫn vu vơ! 
Thôi, thôi, lão chớ nên bào chữa; 
Hãy cố làm gương, dắt trẻ thơ.
              
5/ 
Hãy cố làm gương, dắt trẻ thơ; 
Cụ già tiến bước, kéo trai tơ. 
Diên Hồng một thuở, dân phò chúa, 
Lạc Việt bao đời, giặc cuốn cờ. 
Chi khiến giang sơn, người ngoảnh mặt, 
Mà nên đất nước xác như vờ.
Nghe ai mong đợi, người tài đức!
Tài đức chi, khi dân muốn lơ? 
Danh Hữu
***

Các Bài Thơ Hoạ:
Đêm Tháng Hạ
1/
Đêm hè thao thức nghĩ vu vơ
Cám cảnh sao ai lại phỉnh phờ
Vựa lúa Tây Nam đồng thấm muối
Miền Trung biển bạc độc tràn bờ
Dân lành chân thật nào đâu tỏ,
Kẻ ác gian manh khó để ngờ
Thử hỏi cách nào cho đất nước
Chung dòng Lạc Việt chớ làm ngơ
                 
2/
Chung dòng Lạc Việt chớ làm ngơ
Cho gởi đôi lời đấy ớ ơ
- Nước mặn đồng khô đà hiện rõ!
- Dân buồn biển chết hãy dừng mơ!
Mưu sâu kế hiểm bao người hưởng
Áo ấm cơm no bá tánh chờ
Trằn trọc đêm dài suy lắm chuyện
Xin hồi mấy vận với nhà thơ.
                
3/
Xin hồi mấy vận với Nhà Thơ
Đau đáu dạ này rối tựa tơ
Tất cả bao điều đang hiện rõ
Cớ sao lắm kẻ vẫn còn mơ
Giống dòng tộc Việt mong ghi nhớ
Nam quốc sơn hà chớ ngó lơ
Trưng Triệu Lý Trần danh rạng rỡ
Theo gương Người trước...Biết bao giờ?
                        
4/
Theo gương Người trước...Biết bao giờ?
Trằn trọc bao ngày đến ngẩn ngơ
Cũng bởi tại vì nên khó tính
Rằng là do bị chỉ còn mơ
Dân luôn mong được người tài đức
Nước sợ trao nhầm kẻ bá vơ
Hy vọng trời Nam dần rực sáng
Sức già mong ước dệt vào thơ
             
5/
Sức già mong ước dệt vào thơ
Chí nguyện lụn buồn thả tiếng tơ
Nửa kiếp nổi trôi vì thế sự
Một đời biến đổi tựa bàn cờ
Thắng thua thành bại còn chưa rõ
Ngay thật gian tham há giả vờ
Múa miệng khua môi rằng chẳng thể
Chớ nào câm điếc mới làm lơ
Quên Đi
***

Việt Nam Quê Tôi
1/
Nước mình đẹp lắm! Rõ vu vơ
Nô nức lời khen đấy phỉnh phờ
Ruộng lúa phì nhiêu già háp tuổi
Cá tôm soi sỏi trắng phơi bờ
Quê hương ngạo nghễ còn đâu nữa
Biển cả mênh mông chẳng có ngờ
Mẹ Việt Nam ơi đàn hậu duệ
Chung bầu nhiêt huyết há làm ngơ


2/
Chung bầu nhiệt huyết há làm ngơ
Giữ vững cơ đồ quá dễ ơ
Tôi luyện trở nên người hữu dụng
Kiên trì ấp ủ mộng hằng mơ
Bền tâm vững chí không nao núng
Mài sắt nên kim hãy gắng chờ
Đất khách tha phương hồn cố xứ
Đôi dòng san sẻ bạn Vườn Thơ

3/ 
Đôi dòng san sẻ bạn Vườn Thơ
Dạ rối nào an chẳng khác tơ
Xa cách tình quê ghi khắc cốt
Quay về đất mẹ vẫn luôn mơ
Bao giờ bằng hữu vui sum họp
Khi ấy chúng mình chẳng tảng lơ
Trở lại vườn xưa nơi chốn cũ
Hàn huyên vận nước đến hằng giờ

4/
Hàn huyên vận nước đến hằng giờ
Hư thực tình đời sao ngẩn ngơ
Kẻ dại gìn lòng nuôi ác tính
Người khôn giữ dạ dệt trời mơ
Luyện tài rèn đức thề cương quyết
Tham lợi háo danh lại vẫn vơ
Sông núi đáp lời người trí dũng
Thanh bình thật sự cảnh nên thơ


5/
Thanh bình thật sự cảnh nên thơ
Cái thuở chăn tằm lẫn dệt tơ
Thục nữ đoan trang ngồi vá áo
Nam nhân tao nhã thú chơi cờ
Thương nguồn nhớ cội nào quên được
Hợp lực đồng tâm chẳng giả vờ
Xã tắc sơn hà dù trắng tóc
Con Hồng cháu Lạc chớ làm lơ
Kim Phượng
 ***


Hoạ Đoạn 1&2:

H Ưu Tư
1/
Dặn lòng chớ nghĩ chuyện vu vơ 
Để lúc nhàn thơi bớt phạc phờ 
Nắng hạn đồng khô thêm cỗi đất 
Vùng sâu nước mặn ngấm xa bờ 
Miền Trung ngộ độc gieo tai ách 
Sông Hậu chờ tin báo bất ngờ 
Đấy phải cần đi cho rõ biết 
Lòng dân sức cảm có còn ngơ! 

2/
Lòng dân biểu cảm hết còn ngơ! 
Đã giảm nhiều hơn thói ỡm ờ 
Đất nước nguy nàn là có thực 
Bao lời giả dối hết hoài mơ 
Rừng vàng biển bạc đà sai trớt 
Chất độc vùng hoang đã đứng chờ 
Khí tận hồn tan bày biểu hiện 
Lẽ nào trút hận gửi vào thơ?  
Nguyễn Đắc Thắng
***


Hoạ Đoạn 2 & 3:
Khắc Khoải


2/
Tổ quốc nguy nàn thật khó ngơ,
Đỉnh cao trí tuệ cứ ầu ơ.
Giang sơn tươi đẹp như hoa gấm,
Lịch sử oai hùng tựa giấc mơ 
Nô lệ ngoại bang ôi ngán ngẩm!
Vẽ vang dân tộc hết mong chờ.
Từng ngày tin tức càng đen tối 
Đất khách đứng ngồi dạ thẩn thơ 
                  
3/
Quê hương ta đó đẹp bài thơ 
Đất khách muôn trùng vẫn nhả tơ 
Sông núi ruộng đồng bao nỗi nhớ 
Khung trời mây nước một thời mơ 
Dân tình rên siết ôm câm hận,
Vận nước điêu tàn khó tảng lơ 
Khắc khoải ngày về trằn trọc mãi,
Đỗ quyên rỏ máu đến bao giờ?
Mailoc
***

Hoạ Đoạn 2
Sao Phải Đi Chơi ?

Nỗi buồn cả nước há làm ngơ?!
Chẳng lẽ suốt ngày khóc  ớ  ơ.
Biển bạc chỉ là không tưởng hão,
Rừng vàng vốn dĩ những lời mơ.
Non sông vạn dậm đều nên giữ,
Đất nước ngàn năm há lẽ chờ?!
Con cháu Rồng Tiên luôn phấn đấu,
Yên lòng tóp trẻ, hãy làm thơ!!!
Đỗ Chiêu Đức  
***
Hè Về Với Thế Sự
1/
Chẳng lẻ hè về nghĩ bá vơ ??!
Đi chơi đâu đó kẻo thân phờ
Cứ ngồi suy gẫm điều hư ảo
Hay đứng nhìn xem kẻ cướp bờ (cõi)
Nước biển bạc màu vì nhiễm độc
Cây rừng cạn kiệt có đâu ngờ
Hào kiệt anh hùng mau đứng dậy
Thấy cảnh dân tình khó thể ngơ!

2/
Thấy cảnh dân tình khó thể ngơ!
Tài hèn lực kiệt phải ầu ơ
Chiến tranh giết chóc người vô tội
Vũ khí hạch tâm cứ mộng mơ
Khủng bố rắc gieo niềm sợ hãi
Tranh giành quyền lực mãi trông chờ
Cầu mong thế giới nầy an lạc
Dạy dỗ nên người đám trẻ thơ

3/
Dạy dỗ nên người đám trẻ thơ
Như tằm nhã kén để ươm tơ
Công bình,nhân ái ban cùng khắp
Dân chủ ,nhân quyền thỏa ước mơ
Xâm lược hung tàn mau chấm dứt
Hoà bình giữ nước khó làm lơ
Làm nên trang sử vun bồi đấp
Ai dã dày công lúc bấy giờ!

4/
Ai đã dày công lúc bấy giờ!
Lắm người vô cảm lại làm ngơ?
Xét mình hổ thẹn cùng sông núi
Nghĩ phận lưu vong chết giấc mơ
Cũng đã một thời nung chí cả
Mà nay nữa kiếp sống bơ vơ
Thôi rồi cứ nghĩ lòng thêm that
Càng thẹn với đời với bạn thơ

5/
Càng thẹn với đời với bạn thơ
Mượn vần họa vận kéo đường tơ
Giãi bày uẩn khúc hằng nung nấu
Mãi giữ trong tim một bóng cờ
Lực bất tòng tâm đành nhẩn nhịn
Sống nhờ đất khách phải đâu vờ!
Đàn con hậu thế xin soi xét
Nào dám thân già mặt láo lơ

Song  Quang
***
Hè Năm Nay Đi Chơi Đâu! 

1/
Láng giềng kẻ lạ. khéo vu vơ,
"Cháu ngoại" đông thêm, cứ phĩnh phờ!
Xứ mẹ vẫn nghèo nay tụt hậu,
Quê cha chú khách rộng vô bờ!
Bán buôn hàng giả lừa dân chúng,
Thao túng thị trường thật bất ngờ!
Ai tới miền Trung, nơi cá chết,
Nghỉ Hè, du lịch, chớ làm ngơ!

2/
Nghỉ Hè, du lịch, chớ làm ngơ!
Sống cảnh thuyền chài, biển chết ơ?
Tôm cá, môi trường ô nhiễm nặng,
Dân lành khốn khổ, sợ trong mơ!
Tìm phương sinh kế ly hương nữa,
Đi kiếm việc làm, đói khát, ... chờ...
Tiến thoái lưỡng nan, con thất học!
Hòa bình, hoạn nạn, cứ ngây thơ!

3/
Hòa bình, hoạn nạn, cứ ngây thơ...
Kỳ thị, rẽ chia, gở mối tơ...
Cuộc sống bon chen, đâu phải dễ,
Tình yêu kèn cựa ngủ hay mơ!
Khoe khoan đẳng cấp, giàu thân thế,
"Hoành tráng" phô trương, khổ ngó lơ!
Chữ nghĩa tha hồ quen thói "nổ",
Lừa nhau, giả dối đến bao giờ!

4/
Lừa nhau , giả dối đến bao giờ
Hóa chất , thức ăn , chẳng lẽ ngơ?
Ăn nhậu say sưa quên cảnh giác
Rượu chè, cờ bạc mắc chi mơ?
Không hay nào biết đời đen, đỏ
Có thấy gì đâu, nghĩ bá vơ!
"Cháu ngoại" đông vui càng rậm đám!
Gia đình tan nát, tuổi còn thơ!

5/
Gia đình tan nát, tuổi còn thơ!
Gốc gác ở đâu...thấy rối tơ?
Lịch sữ sang trang, phơi sự thật,
Tiền đồ xán lạn... phất cao cờ,
Tình yêu, đất nước như lòng mẹ,
Thương mến lương dân cũng vật vờ!
Rải rác năm châu, người bốn biển,
Việt Nam yêu dấu chẳng làm lơ!

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 07 năm 2016