Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Sầu Thu


Thơ& Thơ Tranh: Hàn Thiên Lương



Vườn Xưa


Từng làn gió nhẹ lay cành trúc
Vạt nắng xuân choàng lá trạng nguyên
Ngào ngạt hương hoa quỳnh mở hội
Dạt dào hồn phách bướm mơ tiên
Nâng ly rượu nhắp nồng hơi ấm
Gợi ý thơ đề đẹp nét duyên
Một góc vườn xưa, ôi diễm tuyệt!
Giờ đây còn lại thoáng hư huyền

Nguyễn Kinh Bắc

Thu Nhớ


Bài Xướng:

Thu Nhớ


Thơ thẩn rừng thu ngắm bóng mây
Dõi trông cánh nhạn dáng thu gầy
Mùa thu đan lối sao hờ hững
Thu sắc ngập trời chẳng ngất ngây
Vắng lặng nơi này trăng cũng nhạt
Hồn thu héo hắt lệ đong đầy
Rèm thu cung nhớ tay nâng phím
Thu hát cho người động cỏ cây 


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Thu Gợi Tình Xưa


Thu mờ lam bạc phủ trời mây
Thu phất phơ lay đóa Cúc gầy
Thu hẹn mỏi mòn thời ngốc nghếch
Thu chờ khắc khoải thuở ngơ ngây
Thu ơi nỗi nhớ khôn vơi cạn
Thu hỡi niềm đau khó lấp đầy
Thu rót tình em trong đáy mắt
Thu si sao trách kẻ trồng cây


Duy Anh
20/9/2019

Mùa Thu Tháng Tám



Lá vàng rơi đón mùa Thu tháng Tám
Bỏ cành trơ trong gió lạnh hắt hiu
Thu về chi cho đất trời ảm đạm
Cho lòng người thêm trống vắng, cô liêu.

Sen tàn úa đầu mùa Thu tháng Tám
Tiễn Hè di theo vạt nắng tàn phai
Xa vườn cũ về đâu con bướm trắng
Khi gió mưa rả rich suốt đêm ngày.

Tìm tổ ấm giữa mùa Thu tháng Tám
Nhạn từng đàn lũ lượt trở về Nam
Bên bờ suối con nai vàng ngơ ngẩn
Nhìn đèo cao, núi thẳm ngập mây ngàn.

Tiễn người đi cuối mùa Thu tháng Tám
Ta bâng khuâng tưởng nhớ suốt đêm tàn
Tiếng mưa khuya rì rào ngoài ngỏ vắng
Tưởng bước em đang giẫm lá khô vàng.

Ôi mùa Thu tháng Tám buồn man mác
Thầm lặng trôi cùng nước mây trôi 

Mang theo cả mộng mơ thời Xuân sắc
Vào điêu tàn theo chiếc lá Thu rơi..

Los Gatos 29/8/15
Quang Tuấn
***
Tháng Tám Mùa Thu

(Để nhớ một người... mùa Thu không trở lại!)

Gió hắt hiu mùa Thu cây trút lá
Cội thông già trước ngõ đứng trơ gan
Mây lơ lửng kéo nhau về phố núi
Chạnh niềm riêng, cô lữ bước lang thang

Thung Lũng Hoa Vàng mùa Thu tháng Tám
Đã xa rồi ngày cũ, bước tới đây
Rừng phong xưa bát ngát còn ai đợi?
Bao năm qua theo vạt nắng tàn phai!

Biển rộng mênh mông tàu neo bến đỗ
Lặng lẽ lưng trời mấy cánh hải âu
Uể oải bay về tìm nơi trú ẩn
Chao liệng quanh nhà vỗ cánh lao xao

Chiều tàn, gió Nam thổi về bất chợt
Cuốn lá khô rơi, ngập cả vườn sau
Mùa Thu cũ, nhớ giàn bông bí nở
Thương con bướm vàng bay lạc chốn nao?

Ta tiễn em đi, trời mưa tháng Tám
Mưa trong lòng nghe thương nhớ miên man
Tiếng gió khuya xạc xào ngoài ngõ vắng
Tưởng chân em đạp trên lá khô vàng!

Cuối tháng Tám chia ly buồn man mác
Lòng ngổn ngang nghe hồn lạc chơi vơi
Mùa Thu đã đến, còn bao Thu nữa?
Rong ruổi đời ta như chiếc lá rơi!

(Lập đông 2018)
Nguyễn Cang

Đạo Đức Kinh - Chương 2 - Xử Vô Vi Chi Sự, Hành Bất Ngôn Chi Giáo


Nhàn lão, đọc lại Đạo Đức Kinh (Chương 2) của Lão Tử ̣ Xin được chia xẻ.
Cầu chúc an vui. PKT 10/22/2019

Đạo Đức Kinh - Chương 2

Thiên hạ, giai tri mỹ, chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện, chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố, hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy. Thị dĩ thánh nhân, xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo, vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư. Phù duy bất cư, thị dĩ bất khứ 

Lão Tử

***
Dịch Nghiã:

Thiên hạ đều biết cái đẹp cho là đẹp tức là không khỏi đã nghĩ đến cái không đẹp; đều biết điều lành cho là lành tức là không khỏi đã nghĩ đến điều không lành. Cho nên, tất cả sự vật hết thảy đều tương đối, có với không, khó với dễ, dài với ngắn, cao với thấp, âm với thanh, trước với sau đều như là 2 mặt của một đồng tiền, như bóng với hình không tách ra được. Bởi vậy, Thánh Nhân, xử sự theo vô vi không làm, giáo hóa theo bất ngôn không nói, khuyên để cho vạn vật sinh hóa tự nhiên mà không can thiệp, tôi làm mà không nói tôi làm, không khoe khoang kể công. Vì không nhận công nên không có gì để mất.

Phạm Khắc Trí

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Như Nhiên

Tưởng nhớ Ngày Cửu Cửu anh Cao Linh Tử.
Nguyện cầu Chơn Hồn  anh cuối cùng được đưa đến Cung Diêu Trì (Cửu thứ Chín) ở từng Trời Tạo Hóa Thiên. 


Thơ: Cao Linh Tử
Thơ Tranh: Kim Oanh
***
Tuần Cửu:
Tuần Cửu là khoảng thời gian 9 ngày và cứ lập đi lập lại đủ 9 lần như thế.
Đối với người mới chết. Phật Giáo cho làm Tuần Thất, còn Đạo Cao Đài thì cho làm Tuần Cửu. Một tín đồ Cao Đài (giữ trai kỳ đủ 10 ngày), sau khi chết, đuợc làm Tuần Cửu tại Thánh Thất sở tại với nghi thức đặc biệt, ấn định trong Nghi lễ của Đạo Cao Đài.(Trích từ Net)

***
Viết vội vài dòng cho người như đã thân quen:

Nghiêng đời nghe giữa hư không
Chừng như có chút hương trầm thoảng xa
Bóng người nét chữ hôm qua
Trong câu “tiếc nhớ” đã là tiễn đưa…! (*)

(*) Tiếc nhớ làm chi khi bóng xế (Như Nhiên – Cao Linh Tử)
NN Hoàng (Thân Hữu Long Hồ Vĩnh Long)


Cửu Cửu Cao Linh Tử




Tám Mốt ngày thầm lặng lướt qua
Ngỡ Cao Linh Tử vẫn nơi nhà
Bài thơ anh viết chừng như mới
Trang Blog buồn người đã vội xa
Nhớ lúc nao mình cùng kết vận
Mà bây giờ thả chữ riêng ta
Nén nhang khóc tưởng Cao Hiền Sĩ
Nhìn khói tỏa mờ lệ xót xa.

Quên Đi

Thơ Tranh: Tiễn Bạn


Thơ: Kim Phượng 
Thơ Tranh: Kim Oanh


Đời Sống Mới



Tám Mốt ngày qua hẳn đã yên
Vĩnh Hằng hạnh phúc chẳng bi phiền
Một đời sống mới trong thanh tịnh
Lòng nhẹ nhàng vui bước thản nhiên.

Kính nén hương trầm khn nguyện anh
Bồng Lai một cõi giấc mơ lành
Trời trong mây trắng sen đua nở
Đẹp tựa Tháp Mười xanh biếc xanh.


Kim Oanh
10/2019

Tiễn Người Thơ Cao Linh Tử



Bài Xướng:

Tiễn Người Thơ Cao Linh Tử

Tiễn biệt người thơ cảm ít lời
Thu tràn bão tố chạnh cùng rơi
Đường thiêng vạn nẻo xuôi về đất
Cõi tịnh ngàn phương thẳng hướng trời
Ấm lạnh an bài con chữ thảo
Vui buồn tĩnh toạ mảnh hồn ngơi
Đi nhàn nhã hoạ câu vần xướng
Giữ tấc lòng yêu tặng phẩm đời.

Mai Thắng
190804
***
Các Bài Họa:

Nhớ Người

Chao ôi! Nghèn nghẹn khó nên lời
Kỷ niệm bùi ngùi lệ ngấn rơi.
Cát bụi người về lòng đất mẹ
Vĩnh Hằng em thưởng gió mây trời.
Phật tâm bố thí không ngừng nghỉ
Công đức giúp nghèo chẳng chút ngơi.
Tóc bạc tình trò gìn lễ giáo
Còn đâu xướng họa nhớ muôn đời! 

 Mailoc 
Cali Thu phân 2019
***
***
Anh Cao Linh Tử

Anh Cao Linh Tử, gởi đôi lời 
Thơ Thẩn Vườn, thương tiếc lệ rơi!
Vĩnh biệt anh em, thành cát bụi
Xa lìa cố lúy, để chầu trời!
Tay không vướng bận chi buông xả
Vai chẳng vương mang chỉ nghỉ ngơi
Xướng họa giải khuây, người vắng bóng
Ngâm thơ, vịnh nguyệt kẻ xa đời...!

Mai Xuân Thanh

Ngày 23/09/2019
***
Nhớ Cao Linh Tử

Nhớ anh tôi nói chẳng nên lời,
Cám cảnh hiền tài xót lệ rơi.
Nề nếp cha ông gìn lấy đất,
Cội nguồn tiên tổ giữ theo trời.
Vui buồn tri túc không ham hố,
Cần mẫn an thân chẳng nghỉ ngơi.
Từ thiện đóng hòm trong cảnh khó,
Người đi, còn để tiếng cho đời!

Đỗ Chiêu Đức 
09-23-19
***
Nhớ Bạn Thơ

Mấy vần viết vội tỏ đôi lời
Nhớ đến người thơ đã rụng rơi
Cõi Tịnh nay về vui một kiếp
Đường Thiêng giờ đến hưởng muôn đời
Thiện tâm xây đấp lòng luôn nghĩ
Công Đức vun bồi dạ chẳng ngơi
Một chút tình thâm xin kính gởi
Mong Cao Linh Tử hưởng ngôi trời

songquang
Tháng 9/2019
***
Nhớ Mãi...
(Vọng tưởng về bạn Cao Linh Tử )

Nhớ một nhà thơ rất kiệm lời
Lá vàng lặng lẽ đã lìa rơi
Nghĩa tình chân thật cùng thi hữu
Tâm đạo an nhiên hướng Phật Trời
Lúc trẻ, điều hay luôn cố giữ
Về già, việc thiện chẳng hề ngơi
Vườn Thơ nhớ mãi Cao Linh Tử
Người bạn thân yêu giữa cõi đời.

Phương Hà
(25/09/2019)

Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Tình Như Mây Khói - Lam Phương - Thái Châu


Sáng Tác: Lam Phương
Ca Sĩ: Thái Châu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thu Tình Tự


( Tranh: Họa Sĩ Nguyễn Sơn)

Anh trách mây trôi gió phũ phàng
Để hồn ngơ ngẩn lúc thu sang
Không gian bàng bạc lời âu yếm
Thời khắc đầy vơi ý ngổn ngang
Ôi cánh thư xanh ngời ước hẹn
Với màu mực tím đậm mơ màng
Nhớ sao giọng nói thương thương quá
Chết điếng lòng anh những nẻo vàng.

Hồ Công Tâm

(Massachusetts, 1991)


Có Những Email



Sáng nay thức dậy tôi mừng rỡ
Vi tính mở ra đầy email
Niềm vui mỗi ngày của tôi đó
Rộn rã vườn lòng chim chóc reo.

Có những email từ cố lý
Đọc buồn như trấu cắn đêm ngày
Quê hương đút cổ tròng nô lệ
Giặc đã cửa ngoài vẫn chẳng hay!

Có những email tự Cali
Tôi thèm mấy vạt nắng lưu ly
Mê hồn du tử một khi tới
Gặp Tiểu Sài Gòn thật khó đi.

Có những email ngóng đợi hoài
Từ người góc biển, kẻ chân trời
Bạn bè, thân quyến còn thăm hỏi
Thầm hiểu còn chưa bỏ cuộc chơi.

Có những email thật bất ngờ
Từ người em gái thuở còn thơ
Gợi nhớ trong lòng bao luyến tiếc
Mối tình đầu ấy quá ngu ngơ.

Có những email dạy đủ điều
Việc tầm thường tới lẽ cao siêu
Mới hay bể học mênh mông quá
Cái biết của mình nhỏ tí teo!

Có những email chẳng tới tay
Tới khi người gửi nhắc mới hay
Đành meo: Xin Lỗi! Lòng thờ thẫn
Như mất cái gì... quý lắm thay!

Có những email vui thật vui
Con cháu thành công tại xứ người
Mời đi họp bạn hay dự tiệc
Khao thọ/Chúc mừng duyên lứa đôi

Có những email buồn thật buồn
Cuối đời sống mòn mỏi, cô đơn
Người vào bệnh viện hay nhà lão
Kẻ đã ngao du tận suối vàng.

Cảm ơn, cảm ơn những email
Khiến cuộc đời tôi bớt quạnh hiu
Đọc xong mong bạn đừng quên gửi
Ôi! những email thật đáng yêu!

Hoàng Xuân Thảo



Thi Sĩ Yêu.... Thi Sĩ


Thi Sĩ Yêu.... Thi Sĩ

Anh thi sĩ yêu em.... thi sĩ
Hai chúng mình đều mơ mộng, thẩn thơ
Thật không ngờ mình hợp nhau quá chớ
Quen đã lâu… từ kiếp trước đến giờ

Ít khi gặp vì cả hai đều bận
Thi sĩ nghèo, anh ít giờ lẩn thẩn
Phải đi làm, “cầy” vất vả sinh nhai
Muốn gặp anh phải hẹn, khổ trần ai
Lai rai gặp, ta bên nhau vui vẻ…
Mình làm thơ, chẳng cần biết ngày mai

Nếu anh không yêu em...
mới là chuyện lạ
Hai chúng ta...
yêu nhau chuyện thường tình!
Thi sĩ yêu thi sĩ... lẽ đương nhiên
Nụ cười anh làm em thấy đảo điên
Mỗi lần nhìn anh cười
Tim em mềm nhũn ướt*
Anh lãng mạn còn em ướt át
Chuyện tình ta to tát… đủ thành thơ

Viết cho nhau, mình nói chuyện bằng thơ
(ngon thế đấy vì mình là thi sĩ)
Thơ nuôi sống tình mình ngày một lớn
Tình thơ nghèo nhưng vui sống nhờ thơ

Anh nhiều “fan”, còn thơ em … ế xệ!
Anh: đại thi sĩ; em: vô danh tiểu tốt
Tuy rằng thế, hai ta yêu nhau tệ
Vẫn xứng đôi, hai ta hợp gu ghê!

Thời gian sau anh dở chứng đi mê…
Một cô “fan” vừa dễ thương vừa “hot”!
…làm em buồn, buồn dâng cao, chót vót!
Tự trách mình tim lỡ trót trao ai
Sao lại yêu, yêu ngông cuồng, khờ dại?
Tự trách mình sao yêu …đại mờ chi??
hihihi…

Quách Như Nguyệt
Dec. 5th, 2013
*When I look at you smile, my heart melts!

Tình  Yêu"Thi Sĩ"

Anh thi sĩ yêu em thi sĩ
Lúc làm thơ bí chữ, có người gà.
Kiếm ra chữ vừa ý, cười khà khà,
Anh vuốt râu, em thở ra khoan khoái.

Thơ mình làm, có "fan" hay bị "ế",
Cũng không sao, có hai "đứa" đọc rồi!
Hai, tức là số "nhiều", tốt quá đi thôi!
Tha hồ khoe: Thơ tôi " nhiều" người đọc!

Không những thế, " nhiều" người yêu là khác!
Vậy nên thơ cứ làm… ngọt, chát, chẳng sao!
Thi sĩ hay không, hai đứa cứ gọi nhau,
Mặc thiên hạ, ai cười lâu...mỏi miệng!

Anh thi sĩ, em thi sĩ...thật tiện.
Cứ yêu nhau, mọi chuyện sẽ...êm xuôi.
Cứ yêu nhau, ai nói tới nói lui
Ta mặc kệ, hai đứa cười ha hả… 

Chẩm Tá Nhân
12/06/2013

Cửu

Cửu Ngũ Chí Tôn


Theo quan niệm bình dân, Trung Hoa xưa chia các chữ số thành hai loại : Số Lẻ là DƯƠNG; Số Chẵn là ÂM. Trong các số DƯƠNG, số 9 (Cửu) là số cao nhất; số 5 (ngũ) là số ở giữa, nên mới lấy số 9 và số 5 tượng trưng cho uy quyền của một đế vương, gọi là CỬU NGŨ CHÍ TÔN 九五至尊. 

Theo sách Chu Dịch 周易, Bát Quái 八卦 gồm có 8 quẻ là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài 乾、坎、艮、震、巽、離、坤、兌; mỗi quẻ có 8 hào, 8 lần 8 vị chi là 64 hào. Quẻ CÀN tượng trưng cho Trời, nên cũng tượng trưng cho bậc Đế Vương, vì CÀN có 6 hào dương nên là cực dương. Như rồng bay lên giữa trời, gọi là Phi Long Tại Thiên 飛龍在天 (Đây cũng là một chiêu thức trong Giáng Long Thập Bát Chưởng của bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công trong Anh Hùng Xạ Điêu của nhà văn Kim Dung). Từ dưới đếm lên hào thứ 5 gọi là CỬU NGŨ 九五, mà Cửu Ngũ là hào tốt nhất trong quẻ Càn, nên trở thành biểu tượng của Đế Vương. Vì thế mà lên ngôi vua gọi là Lên Ngôi CỬU NGŨ. Gọi nhà vua là CỬU NGŨ CHÍ TÔN 九五至尊 hay là đấng CHÍ TÔN như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :
 
Trên trướng gấm CHÍ TÔN vòi vọi,
Những khi nào gần gũi quân vương. 


CỬU NGŨ 九五 chỉ vua, còn CỬU HUYỀN 九玄 thì chỉ Trời. Ta hay nghe câu "Chín phương Trời, mười phương Phật". CHÍN PHƯƠNG TRỜI đó chính là Cửu Huyền đó; gồm có : Đông, tây, nam, bắc, đông bắc, tây bắc, đông nam, tây nam và trung ương. Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, lời diễn kệ của ông sãi mở đầu tác phẩm có câu:
Ước siêu tam muội, Ngõ thoát CỬU HUYỀN.

Còn...
Mười Phương Phật thì gồm : Đông, tây, nam, bắc, đông bắc, tây bắc, đông nam, tây nam, thượng phương và hạ phương. Cho nên nhà chùa gọi tất cả những người đến cúng chùa là KHÁCH THẬP PHƯƠNG là vì thế. Cho nên mỗi lần có dịp đến chùa ăn cơm chay, chúng tôi đều nói chơi với nhau rằng : "Nhà chùa đã ăn của khách thập phương là mười phương rồi, chúng ta lại đến ăn của chùa nữa, vậy là chúng ta đã ăn của "phương thứ mười một" là " Thực thập nhất phương" rồi đó !"

Ngoài ra, CỬU HUYỀN 九玄 còn là CỬU HUYỀN THẤT TỔ 九玄七祖 chỉ "9 đời con cháu" và "7 đời cha ông", cụ thể như sau : 

- CỬU HUYỀN 九玄 là:子 Tử (con)、孫 Tôn (cháu)、曾 Tằng (chắc)、玄 Huyền (chích)、來 Lai ( Cháu 4 đời)、昆 Côn (Cháu 5 đời)、仍 Nhưng (Cháu 6 đời)、雲 Vân (Cháu 7 đời)、耳 Nhĩ (Cháu 8 đời).
- THẤT TỔ 七祖 là :父 Phụ (Cha)、祖 Tổ (Ông nội)、曾 Tằng (Ông cố)、高 Cao (Ông sơ)、太 Thái ( Ông cố 4 đời)、玄 Huyền (Ông cố 5 đời)、顯 Hiển ( Ông cố 6 đời).

Một câu đối hay mà tôi đọc được trên bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ của một gia đình ở miệt Phong Điền, thuộc xã Long Khánh nằm trong quận Cái Răng thuộc Thành Phố Cần Thơ hiện nay:

敬七祖千年不盡; Kính Thất tổ thiên niên bất tận;
重九玄內外相同。 Trọng Cửu huyền nội ngoại tương đồng.

Có nghĩa:
- Thờ kính Thất tổ ngàn năm vẫn không dứt;
- Tôn trọng Cửu huyền nội ngoại đều như nhau! 

Sau Cửu huyền, ta có CỬU LÃO 九老, hay còn gọi là Hương Sơn Cửu Lão 香山九老, là Chín ông già ở Hương Sơn. Theo sách Đường Thư : Đời Đường Võ Tông năm Hội Xương thứ 5 (845), thi nhân Bạch Cư Dị về hưu ở quê mình là Hương Sơn, cùng kết giao với 8 ông lão khác, tất cả đều trên 70 tuổi để cùng nhau ngâm nga xướng họa. Đó là : Hồ Cảo 胡杲、Cát Mân 吉旼、Trịnh Cứ 郑据、Lưu Chơn 刘真、Lư Thận 卢慎、Trương Hồn 张浑、Địch Kiêm Mô 狄兼谟、Lư Trinh卢贞 và Bạch Cư Dị 白居易 nữa là 9 người, gọi là HƯƠNG SƠN CỬU LÃO 香山九老. Vẽ nên bức tranh " Hương Sơn Cửu Lão Đồ 香山九老圖", và đề tài nầy rất thịnh hành trong các triều đại Tống, Minh, Thanh sau nầy. Trong bài thơ trường thiên Tư Dung Vãn của cụ Đào Duy Từ cũng có câu: 

Rỡ ràng son phấn điểm tô,
Bên tranh CỬU LÃO, bên đồ bát tiên.


Còn CỬU LƯU 九流 là nói gọn lại của thành ngữ TAM GIÁO CỬU LƯU 三教九流. Tam Giáo là ba tôn giáo chính của xã hội Trung Hoa ngày xưa là : Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo. Cửu Lưu là chín thành phần, chín thân phận con người trong xã hội cổ xưa là : Đế vương, Đạo sĩ, Văn sĩ, Quan lại, Thương buôn, Y bốc, Tăng ni, Binh sĩ và Nông dân. Trong bài "Văn Tế Lục Tỉnh Sĩ Dân Trận Vong 文祭六省仕民陣亡" cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có nhắc đến các thành phần trong xã hội nầy như:

Bọn TAM GIÁO quen theo đường cũ, riêng than bất hạnh mang nghèo;
Bầy CỬU LƯU cứ nối nghề xưa, thầm tủi vô cô chịu cực.

CỬU NGUYÊN 九原 là Cửu Nguyên Cương 九原崗, là Gò đất Cửu Nguyên, một địa danh của tỉnh Sơn Tây ngày nay. Ngày xưa nơi nầy dùng để chôn người chết qua nhiều đời, nên Cửu Nguyên có nghĩa như là Cửu Tuyền, là Âm phủ, là Cỏi chết. Khi cả nhà đang làm lễ tế Thúy Kiều ở ven sông Tiền Đường, thì sư Giác Duyên đến cho biết là Thúy Kiều vẫn còn sống :" Người còn sao lại làm ma khóc người ?" làm cả nhà không khỏi hoang mang :

Rõ ràng hoa rụng hương bay,
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Minh dương đôi ngả chắc rồi,
Cõi trần mà lại thấy người CỬU NGUYÊN!

Không dùng từ CỬU NGUYÊN 九原, thì ta có thể thay bằng từ CỬU TUYỀN 九泉 là Chín Suối hay HOÀNG TUYỀN 黃泉 là Suối Vàng đều có nghĩa là âm phủ là cỏi chết. Khi bán mình chuộc tội cho cha, Thúy Kiều đã chối lại với Thúy Vân rằng:

Chị dầu thịt nát xương mòn,
Ngậm cười CHÍN SUỐI hãy còn thơm lây.

Hay khi Thúc Sinh đi tìm thầy để chiêu hồn Thúy Kiều, vì Thúc ngỡ là nàng đã bị chết thiêu trong thư phòng. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả về sự thần thông của pháp sư là:

Trên tam đảo, dưới CỬU TUYỀN,
Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.


Cuối cùng, ta có từ CỬU TRÙNG 九重 là CỬU TRÙNG THIÊN 九重天, là Chín Tầng Trời. Theo Thái Huyền Kinh thì Cửu Thiên gồm có : Một là Trung thiên, Hai là Hâm thiên, Ba là Tùng thiên, Bốn là Canh thiên, Năm là Tối thiên, Sáu là Quách Thiên, Bảy là Hàm thiên, Tám là Trầm Thiên và Chín là Thành thiên. Theo Kinh Dịch thì : CÀN vi Thiên, vi Viên 乾為天, 為圜, nên chương Thiên Vấn của Sở Từ có câu : Viên tắc cửu trùng, thục doanh độ chi ? 圜則九重,孰營杜之?Có nghĩa : "Bầu trời cao chín tầng, ai xây đắp mà nên ?". Theo quan niệm ngày xưa : Vua là Thiên Tử 天子 (con của trời), vì Trời có Chín Tầng nên ngai vua được đặt trên cái bệ cũng có Chín Tầng. Vì thế, nên CỬU TRÙNG hay CHÍN TỪNG đều chỉ nhà vua của các triều đại phong kiến ngày xưa. Như các câu thơ mở đầu trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn là:

九 重 按 劍 起 當 席, CỬU TRÙNG án kiếm khởi đương tịch,
半 夜 飛 檄 傳 將 軍. Bán dạ phi hịch truyền tướng quân.

mà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã dịch rất hay là:

CHÍN TẦNG gươm báu trao tay,
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.

hay như trong Sơ Kính Tân Trang của Phạm Thái:

CỬU TRÙNG cảm đến lòng thành,
Sai Kim Tinh xuống thác sinh cỏi trần.

... hay như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, khi tả nàng cung nữ mới được nhà vua sủng ái:
Đóa lê ngon mắt CỬU TRÙNG,
Tuy mày điểm nhạt nhưng lòng cũng xiêu.

Nhưng thân phận của người cung nữ khi đã phấn tàn hương nhạt, đã bị thất sủng không còn được nhà vua để mắt thương yêu, buồn tủi chết già trong cung cấm, trong sự dửng dưng lạnh nhạt chẳng chút đoái hoài của nhà vua trong khi tuổi xuân cứ tàn phai dần theo năm tháng :

Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi,
Những hương sầu phấn tủi bao xong.
Phòng khi động đến CỬU TRÙNG,
Giữ sao cho được má hồng như xưa!

Đỗ Chiêu Đức


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Cô Giáo Và Học Trò


Thơ: Locphuc
Thơ Tranh: Kim Oanh


Vô Thường


(Tặng hương hồn Sandy Cao – Desoto, Dallas)

1.
Rằng em
từ cõi vô hường
Bước lên tàu cũ
trên đường về quê
Bóng nhìn hình ngủ như mê
Vòng hoa ai phủ, rũ che mắt buồn

2.
Rằng em
trở gót về nguồn
Trái tim còn rực
lửa hương giấc nồng
Cái hồn có bước thong dong
Và đôi mắt đó còn mong… một người?

3.
Rằng em môi vẫn thắm tươi
Giấc mơ cùng với
nụ cười. Còn đây
Bốn mươi. Mộng vẫn ươm đấy
Sao em vội vã theo mây về trời

4.
Rằng em
vừa bỏ cõi đời
Mưa trên bia mộ
Có roi xuống mồ?
Tóc mềm có rối như tơ
Còn ai đứng ngẩn đứng ngơ đợi chờ?



Kiều Mộng Hà
(Trích thi phẩm Trái Tim Đau, Phượng Các 2000)

Việt Nam Đẹp Lắm Qua Lời Ca Dao


Mời bạn đến thăm quê tôi
Việt Nam đẹp lắm nghe thôi thích rồi
Lượn dài chữ S eo ôi!
Hai đầu đồng rộng ngập bồi phù sa...
Từ Nam,Trung,Bắc gần xa
Nơi đâu cũng đẹp như là bức tranh
Hoa thơm,cây trái ngọt lành
Ẩm thực ngon tuyệt lừng danh tổ ngành...
Dừng chân ghé Chợ Bến Thành
Sài Gòn Hòn Ngọc tặng dành Biển Đông 
Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó lòng không muốn về...
Anh đi Lục Tỉnh bộn bề
Mãi lo buôn bán quên về thăm em
Phượng Hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái cưới em cho rồi...
Ngã Tư Chợ Gạo nước hồi
Tui chồng mình vợ còn thôi chờ gì?
Bến Tre gái đẹp nhu mì
Dừa sai trái ngọt,ruộng thì phì nhiêu...
Thăm nhà Công Tử Bạc Liêu
Nhớ Cao Văn Lầu soạn nhiều cải lương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Bái, mặt gương Tây Hồ...
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem Cầu Thê Húc, xem Chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiêng Tháp Bút chưa sờn
Hỏi ai gây dựng giang sơn đẹp vầy?!!
Sông Hương,Núi Ngự còn đây
Đền Thành Vua vẫn rạng đầy uy danh
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ...
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã nè
Biên Hoà bưởi chẳng đắng the
Ăn vào ngọt lịm như chè đậu xanh...
Làng tôi có lũy tre xanh
Có sông Tô Lịch lượn quanh xóm làng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây...
Đống Đa ghi để lại đây
Bên kia Thanh Miếu, bên này Bộc Am
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, 
Bãi Xàu.. Rạch Miểu văng nối hai đầu
Bến Tre một nửa,nửa cầu Tiền Giang
Ai về sông nước Hậu Giang 
Ghé thăm Chợ Nổi rao vang bán hàng...
Vĩnh Long có cặp rồng vàng
Nhất Bùi Hữu Nghĩa,nhì Phan Công Thần 
Tây Ninh danh thắng Núi Bà
Uy linh Trời tạc một tòa nên thơ...
Đà Lạt thành phố mộng mơ
Có Hồ Than Thởsương mờ nhẹ rơi 
Trăm nghe mắt thấy bao đời
Việt Nam đẹp lắm qua lời ca dao...

Phượng Trắng
Mùa Thu Canada 10/2019

Nhớ Huế



Bài Xướng:
Nhớ Huế

Trữ tình e ấp có Trăng Sao
Cổ kính uy nghi thẹn yếm đào
Kẽ Vạn đò đưa ai thấp thoáng
Trường Tiền lữ khách, bước nôn nao
Sông Hương trầm mặc mưa âm ỷ
Núi Ngự cô đơn gió nghẹn ngào
Những mảnh hồn đan trong khép kín
Ngàn năm thương tiếc biết là bao!

Mặc Khách
***
Họa:
Nhớ Huế 


Nhớ đấy nhưng mà biết nói sao ?
Nhớ ngày từ biệt rộ hoa đào
Nhớ lời em nói chừ thêm nuối…
Nhớ ý bậu trao nay nóng nao…
Nhớ được trở về thăm phố cũ
Nhớ thời mới gặp tặng me ngào
Nhớ nay còn đó nguyên xao xuyến
Nhớ cảnh chia ly đau xiết bao!

(*) Khoảng cuối tháng/01/ 1975 rời Huế,trời mưa nhẹ.

Thái Huy

15/4/2019
***
Nơi Cổ Tích

Huế như tinh tú nở muôn sao
Trên biển mù khơi toả ánh đào
Mặc khách bâng khuâng pha mực vẽ
Tao nhân lãng đãng ngậm buồn nao
Năm mươi Tết cũ đen tì vết
Bốn chục Xuân nay đỏ dấu ngào
Núi Ngự sông Hương nơi cổ tích
Mơ hồ kỷ niệm khói sương bao ...

Hawthorne 16 - 4 - 2019
Cao Mỵ Nhân

Cà Phê Lá Me

(Ảnh Tác Giả gửi)

Tôi bắt đầu tập uống cà phê và hút thuốc vào cuối năm lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Thật lòng mà nói, lúc đó tôi chẳng thấy ngon lành gì, vừa đắng lại vừa khó thở. Nhưng theo đám bạn, không hút thuốc không uống cà phê là chưa thành “người lớn”, chưa đủ điều kiện qua cổng trường con gái trồng cây si. Cà phê thì tôi uống cà phê sữa, cà phê ít sữa nhiều. Thuốc thì tôi thử qua mấy loại của đám bạn rủ rê như Ruby, Bastos... khét và nặng chịu không nổi. Cuối cùng đành phải chọn loại có đầu lọc, thích nhất là Salem, có vị cay the the củạ bạc hà. Thế mà dần dà trở thành thói quen, thành “nghiện”. Loại thuốc lá Salem có đầu lọc rất được ưa chuộng và thông dụng. Thông dụng đến nổi không biết bao giờ, đã được “phụ đề” theo tiếng Việt, đọc xuôi và đọc ngược: Sao Anh Làm Em Mệt – Mà Em Làm Anh Sướng! Điều đáng nói là, những người con gái “tôi yêu và yêu tôi”, đều là những cao thủ cà phê thứ thiệt: phin đen đậm đặc, ít đường! Nên mỗi lần đi cà phê với “nàng”, nhìn tôi thật tội nghiệp. Vậy mà đã thành bao chuyện kể, bao kỷ niệm mai này... 

Cà phê Năm Dưỡng 


Lên Sài-gòn tôi ở trọ căn gác trong hẽm chùa Phước Hòa, phía sau trường tiểu học Phan Đình Phùng, do một người quen dưới quê giới thiệu. Năm đầu tôi ăn cơm tháng của gánh cơm dì Ba, bên hông quán cà phê Năm Dưỡng. Đây là quán cà phê rất nổi tiếng của nhiều giới của Sài-gòn lúc bấy giờ, từ thành phần công nhân lao động đến quân nhân công chức và nhất là sinh viên học sinh. Cà phê ngon hết cở , giá cả bình dân, nên khách sắp hàng, ngồi chen chúc, la liệt ra tới mặt đường. Ly cà phê đen đặc sệt với một cây tăm có miếng “bơ” trên đầu, quấy lên sóng sánh và thơm phức, không thể cầm lòng được. Quán Năm Dưỡng trong hẽm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật và Hồng Thập Tự, nối liền với đường Lý Thái Tổ. Từ nhà trọ của tôi, đi bộ khoảng 10 phút là tới, rất tiện lợi, vừa ăn cơm vừa uống cà phê luôn thể. Thích nhất là tờ mờ 4, 5 giờ sáng, thả bộ ra quán nhâm nhi một cà phê sữa nóng, bập bẹ vài điếu thuốc và lắng nghe: 

“Người ơi, khi cố quên là khi lòng nhớ thêm 
“Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ 
“Mơ vui là lúc ngàn đắng cay... xé tâm hồn… (Sầu Lẻ Bóng – Anh Bằng) 

thì cuộc đời “tựa những chiêm bao”. Lại có lời đồn cà phê ở đây, chủ quán có cho chút chất ma-túy gây nghiện. Thực hư thế nào không biết, nhưng có điều cà phê Năm Dưỡng vẫn mãi mãi là bao “chuyện kể” của một Sài-gòn xưa, một thời vang bóng của tuổi trẻ bọn tôi. Nhưng điều làm tôi thích nhất là ở Năm Dưỡng, trên bàn lúc nào cũng để sẵn đường và sữa đặc, tha hồ tự làm một ly cà phê theo ý mà không cần phải gọi xin thêm. Nhất là đối với tôi, hạng uống cà phê ít sữa nhiều! Và đặc biệt là quán cà phê Năm Dưỡng hầu hết khách hàng đều là phái nam. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một “bóng hồng” vào quán. Thêm nữa quán lúc nào cũng ồn ào, nhạc không có gì hấp dẫn và uống cà phê như “chạy giặc”, vì phải nhường bàn cho người khác đang chờ! 

Cà phê Cheo Leo 


Nằm vạ ở cà phê Năm Dưỡng được nửa năm thì tôi quen với Duy, cùng khoa quê ở Trà Vinh. Cùng tuổi nhưng Duy từng trải và thổ địa Sài-gòn hơn tôi nhiều. Hắn không mặn với vị cà phê và không khí của quán Năm Dưỡng. Dù giá vừa túi tiền sinh viên nhưng không được ngồi lâu, ồn ào và nhất là nhạc thì quá đổi nhạt nhẽo, lê thê. Duy rủ rê tôi đến một quán cà phê khác nổi tiếng cũng không kém, gần đó: quán cà phê Cheo Leo. Nằm sâu trong con hẽm cùng trên đường Nguyễn Thiện Thuật gần góc Phan Đình Phùng, quán cà phê Cheo Leo đẹp, thanh lịch và hầu như dành cho giới nghệ sĩ, công chức, sinh viên học sinh. Cà phê đặc biệt, loại “cứt chồn” từ Buôn Mê Thuộc được mua về, rang và pha chế tại chỗ. Cà phê được pha bằng vợt lẫn phin, nhưng tôi thích pha bằng vợt hơn. Độ nóng vừa tới, nguyên vẹn còn phin thì đậm đặc thật nhưng đôi lúc phải cho vào thêm nước sôi mới đủ độ nóng. Nhạc chọn lọc, không khí phóng khoáng, lãng mạng và nhất là hai cô con gái xinh đẹp của ông chủ quán. Có lẽ vì những điều này nên một ly cà phê Cheo Leo vượt ngoài túi tiên của bọn sinh viên học sinh nghèo, ở trọ xa nhà. Chỉ lâu lâu một chầu, nhịn ăn bóp bụng, mới tới Cheo Leo một lần để thưởng thức cà phê và hai người đẹp. Cô chị đẹp và ăn mặc sexy hơn cô em, nên lần nào nàng ra tính tiền là khoản tiền “bo” cũng cháy túi biết bao cây si (trong đó hổng chừng có cả tôi). Từ ngày theo Duy chuyển qua quán cà phê Cheo Leo, tôi luôn hụt trước thiếu sau, biết nói dối để mượn tiền bà chủ nhà trọ. Còn nhớ cô chị tên Nguyệt và cô em tên Cầm. Tôi thích nét đẹp và dáng dấp dịu hiền của Cầm nhiều hơn.


Mỗi lần ghé quán, tôi làm bộ để chờ đợi Cầm ra mới kêu cà phê và cả lúc tính tiền. Đến nổi những ngày đến quán sau này, Cầm không cần phải đến hỏi mà mang ra cho tôi ly cà phê sữa nóng, cà phê ít sữa nhiều! Cũng may tình trạng “mê cà phê đến thiếu hụt” không kéo dài được bao lâu thì tôi quen với N.T. Lúc đó tôi đang “tập tành” viết kịch cho đài truyền hình Đắc-Lộ. Đây là đài truyền hình nhỏ của tổ chức công giáo, được sự tài trợ của UNESCO nhằm bảo tồn và phát huy những phong tục tập quán giá trị cổ truyền của quê hương, đất nước. Đang theo học khoa sân khấu kịch nghệ trường Quốc Gia Âm Nhạc, N.T làm thêm và có vài vai diễn cho ban kịch của đài truyền hình Đắc-Lộ. Thường khi viết xong một kịch bản, tôi nhờ N.T đọc lại và đánh máy. Những kịch bản được chọn và phát hình, tôi được trả một món tiền nhuận bút khá lớn, đủ để bao bạn bè và tiêu xài cả tháng. Một lần nhận xong, tôi rủ N.T đi ăn cơm thố Nam Sơn và cà phê quán Cheo Leo: 

“... Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau 
“Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi 
“Sông này đây chảy một giòng thôi 
“Mây đầu sông thẵm tóc người cuối sông... (1) 

Tiếng hát tha thiết, vời vợi của Thái Thanh vang lên như xô đẩy cả không gian trong quán nhỏ chìm vào tận cùng của nỗi nhớ. Tôi và N.T chọn chiếc bàn gần cuối dãy, mang theo nhiều ánh mắt nhìn của người chung quanh. Với khuôn mặt trái soan đẹp, chiếc cổ thon cao mái tóc dài, N.T luôn thu hút và làm chủ đám đông khi hiện diện. Không phải đợi lâu, Cầm bước ra nhìn N.T chút ngập ngừng và hỏi uống gì. “Ly cà phê đen, ít đường, để đá riêng”, nàng gọi sành sỏi, không cần nghĩ ngợi. Cầm ghi nhận, quay sang tôi cười cười, rồi đi vào trong. Người mang ra không phải là Cầm mà Nguyệt, tóc búi cao với chiếc váy ngắn, thật ngắn nếu cúi xuống thấp có thể nhìn thấy trọn vẹn cả đôi chân dài nõn nà. “Anh đến đây thường xuyên lắm sao? Quán cà phê nghe nhạc hay cà phê ngắm đùi trần?”, N.T cau mày. Chưa kịp phản ứng, nàng đã kéo ghế đứng lên: “ Mình đến quán khác, đi anh!”. Tôi ngơ ngác, chưa hiểu gì, vội trả tiền (vẫn còn tiếc ly cà phê sữa nóng). “Mình đi đâu đây em?”. “Cà phê ngon nhất Sài-gòn, cà phê lá me! Em sẽ chỉ đường cho anh”. 

Cà phê lá me 


Đó là dãy cà phê vỉa hè nằm dọc theo đường Nguyễn Du, dưới những hàng me rợp bóng. Từ đoạn phía trước tòa án quận 3 kéo dài qua khỏi văn phòng của bà luật sư Ngô Bá Thành, gần đến khúc quẹo vào vườn Tao Đàn. Hầu hết khách hàng là giáo chức, giới văn nghệ sĩ, nhà báo và sinh viên học sinh. Cà phê đủ loại có vợt lẫn phin, gía cả rất ư là bình dân, vỉa hè, vừa vặn túi tiền của mọi người. Đặc điểm nổi bật của cà phê lá me là bạn có thể ngồi “ngâm” một ly cà phê, vài ba bình trà cũng không phiền hà ai. Bàn ghế gỗ, nhỏ thấp và có thể tự phục vụ. Buổi trưa trời Sài-gòn nóng như lửa đốt, nhưng nhờ những tán me cổ thụ dọc bên đường, khách cũng thư thả nhâm nhi ly cà phê “đứng gió”.
Cả mấy cô thư ký làm trong tòa án quận cũng lấy giờ nghỉ trưa cùng tách cà phê vội. Không ai để ý ai, chỉ tụm ba tụm bốn nhấp từng ngụm cà phê và bàn thảo chuyện bên lề. Hòa quyện vào tiếng cười nói là từng dòng xe cộ chạy rong ruổi trên đường. Tất cả tạo thành không gian âm nhạc của dãy quán cà phê lá me chen lẫn giữa đời. N.T chọn chiếc bàn sát bờ tường chỉ có hai ghế ngồi gỗ thấp. Người chạy bàn là những sinh viên làm thêm, cũng vừa là khách. Ly cà phê đá ít đường cho nàng và cà phê sữa đá, nhiều sữa cho tôi. Cà phê thơm ngào ngạt và rất ngon. Chỉ cần vài ngụm là tất cả giác quan chừng như bùng vỡ, lâng lâng. Ngồi dựa vào tường, nhâm nhi từng ngụm, nhìn N.T hay nhìn bâng quơ cuộc sống đang từng dòng cuốn quanh, thật thú vị, thật “đã”. Thỉnh thoảng vài cơn gió nhẹ về, thổi lan man từng đợt lá me bay rụng phủ mặt bàn, mặt đường và rơi lạc lõng trên tóc người yêu dấu. Khuôn mặt N.T đẹp lại càng đẹp thêm. Tôi có thể nhìn rõ từng sợi chân mày vén khéo, vắt ngang dài khỏi đuôi mắt, từng sợi lông tơ trên hai má của nàng. “Làm gì nhìn em dữ dzậy? Anh uống thử chút cà phê của em đi”, vừa nói N.T vừa đổi vị trí hai ly cà phê. “Đắng quá mà em uống được!”, tôi nhăn mặt. “Anh uống cà phê như người ta ăn chè cà phê”, nàng cười, chế nhạo. “Uống ly cà phê của em là tối hết ngủ luôn”. “Hết ngủ thì nhớ em”. “Nhớ em, anh sợ mấy anh chàng phi công không quân dội bom nát căn gác trọ của anh..! Còn em. Không ngủ được thì em làm gì?”. “Không ngủ được, thì em nhớ người... dưng. Hổng thèm nhớ anh đâu mà sợ!”. 


Cà phê vỉa hè là cả nét văn hóa của người Sài-gòn. Cà phê lá me là cả một “truyền thuyết” thời sinh viên, thời kỳ: “Yêu nhau trong cuộc đời, mơ duyên tình dài gắn bó đôi lời – Ta quen nhau một ngày, thương nhau trọn đời, giữ cho lâu dài (Ngăn Cách – Y Vân)”, của tuổi tôi vừa lớn. Những tháng ngày mơ ước, những bài thơ tình thấm đẫm hương môi, những đợi chờ ngóng cổ, những chuyện đại sự “lấp biển vá trời”... bên ly cà phê có lá me bay bay vướng mờ kỷ niệm. Tuổi trẻ của Sài-gòn, tuổi trẻ của thời chiến tranh cùng khắp, tuổi trẻ của những khúc tình ca:


“Theo em xuống phố trưa nay đang còn chất ngất cơn say 
“Theo em bước xuống cơn đau, bên ngoài nắng đã lên mau... (2) 

Và cả những âm thanh từ quán bar đèn màu khói tỏa phía cuối một góc đường: 

“As long as I remember 
“The rain's been comin' down 
“Clouds of mystery pourin' 
“Confusion on the ground 
“Good men through the ages 
“Tryin' to find the sun 
“And I wonder, still I wonder 
“Who'll stop the rain (3) 


Cà phê lá me trở thành nơi cà phê “xé lẻ” của tôi và N.T. Dần dà tôi đã tập uống được phân nửa ly cà phê đen đắng và N.T thì “ăn chè” phần cà phê sữa của tôi. Trong đắng có ngọt và trong ngọt có đắng. Bên ly cà phê lá me mỗi trưa, mỗi chiều có nhau hay chỉ một mình, tôi luôn nhìn thấy cuộc sống vây quanh giữa lá bụi đường. Cái vỉa hè như khung trời mở rộng, hơi thở tình yêu tự tại khoảng không. Có lần N.T đưa tôi tới một quán cà phê cửa kiếng máy lạnh nổi tiếng Sài-gòn với nhóm văn nghệ “khá giả” của nàng: quán cà phê Cái Chùa (La Pagode), góc đường Tự Do và Lê Thánh Tôn. Khách toàn là giai nhân tài tử, chính khách tên tuổi, văn nghệ sĩ đi bằng xe hơi... và giá ly cà phê là cả tuần nhịn đói của bọn sinh viên ở trọ chúng tôi. Không khí mát lạnh giữa Sài-gòn oi bức, như nhốt kín mọi tiếng động, mọi hơi thở của cuộc sống ngoài kia. Trên đường về: “Lần đầu, đây cũng là lần cuối. Anh sẽ chết ngợp vì ly cà phê thiếu khí trời”, tôi nói với N.T. “Nhìn anh, em biết. Sẽ không có lần nữa, anh đừng giận em”. “Không đâu. Đó là mặt khác, có thật của đời sống thôi!”. -- Sau này với T.H cũng vậy, cao thủ cà phê, phin đen đậm đặc, ít đường và không bao giờ uống có đá. Tính tình mạnh mẽ, bốc đồng T.H thích dầm mưa Sài-gòn để… uống cà phê. Khi thì ngồi co ro dưới tán me và cơn mưa tạt ướt cả vai lưng áo hai đứa. Khi thì chạy tuốt lên quán cà phê Hương gần nhà thờ Tân Định ướt mèm tóc tai quần áo, chỉ để uống ly cà phê, chỉ để ngồi lặng im nghe hơi ấm trong tay và nhìn những sợi mưa giăng giăng phủ mặt đời: “… Mưa có buồn bằng đôi mắt em – Tóc em từng sợi nhỏ – Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh…” (Như Cánh Vạt Bay – Trịnh Công Sơn). 

Quán cà phê La Pagode 

Những năm tháng bên ly cà phê lá me vỉa hè, tôi học được mọi sự sống trên cuộc đời vô thường này đều cần có tự do và khí trời. Hạnh phúc, tình yêu cũng không ngoại lệ, cần được nuôi dưỡng bởi bầu trời cao rộng của tự do. Vết cắn của N.T có sâu, có rướm máu bao nhiêu, môi tôi cũng kéo lớp da non theo ngày tháng… Tất cả chỉ còn lại những nếp nhăn tận lòng của kỷ niệm, của dĩ vãng lúc chìm khuất, lúc chập chùng trong giấc mơ xa. Mất mát đôi lúc không phải là những khổ đau. “Ai đưa con sáo sang sông – Để cho con sáo sổ lồng bay xa”, xót xa trách móc, phải chăng chỉ là sự ước lệ? Hãy để con sáo bay xa, bay cao trong khoảng trời rộng bao la có thể. N.T lấy chồng khi mới vừa hai mươi, chưa kịp tốt nghiệp trường kịch nghệ. Chồng nàng không phải là mấy anh phi công không quân hằng đeo đuổi, mà một viên chức làm trong bộ ngoại giao. Cuối năm 1974, N.T theo chồng sang Tân Gia Ba (Singapore), bỏ hẳn cuộc chơi. 

***
Gần đây trong nước với hàng loạt quán cà phê khang trang, sang trọng mở ra cùng khắp và phát động chiến dịch “dọn dẹp” hàng quán vỉa hè, nhất là ở Sài-gòn. Đọc tin và xem nhiều Vlog của các bạn trong nước, tôi buồn, thật buồn và nuối tiếc dưng không. Biết rằng thay đổi là quy luật tất yếu của thời đại và vạn vật, nhưng sao lại khó cầm lòng. Có nhiều nỗi khổ đau con người mong không phải gặp, phải đối diện. Những nỗi khổ đau lấp chìm mọi ước mơ, mọi nhân phẩm của con người. Nhưng cũng có những niềm đau thương nâng cao tâm hồn và mơ ước của chúng ta đến tầm cao khác. Nỗi đau thương trong tình yêu là một! Tất cả sẽ thoáng qua, sẽ cát bụi đời này. Đến nay, mấy chục năm sau, rong ruổi qua bao biển rộng sông dài, tôi vẫn chưa quen uống ly cà phê đen ít đường. Tôi vẫn một đời, sống với ly cà phê sữa nóng, nhiều sữa ít cà phê. Tôi vẫn sống với bao nhiêu cuộc đời đổi mới, sao lòng vẫn cũ kỷ rêu phong. Vẫn nhiều lúc như đang ngồi bên ly cà phê lá me với N.T, với T.H... nhìn gió cuốn nghiêng nghiêng ngàn vạn chiếc lá me bay; rồi tất cả chợt lùi dần, lùi sâu vào khoảng không hun hút bụi đời: 

“Giờ đã xa nhau, những kỷ niệm xin vẫy chào 
“Vùng lá me bay, năm tháng dài thương nhớ ai 
“Em cố quên đi, thương nhớ làm gì 
“Tình mình như lá me rơi, trên giòng xuôi biển khơi... (4) 

Durham, North Carolina 
Nguyễn Vĩnh Long 

(1)Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng – Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư
(2)Vũng Lầy Của Chúng Ta – Lê Uyên Phương
(3) Who’ll Stop the Rain – Creedence Clearwater Revial
(4) Vùng Lá Me Bay – Anh Việt Thanh 

Lipstick On Your Collar - Composer Bill Building - Singer Connie Francis(1959)


Lyrics: Lipstick On Your Collar


When you left me all alone at the record hop
Told me you were going out for a soda pop
You were gone for quite a while, half an hour or more
You came back and man oh man this is what I saw
Lipstick on you collar told a tale on you
Lipstick on you collar said you were untrue
Bet your bottom dollar you and I are through
'Cause lipstick on you collar told a tale on you, yeah
You said it belonged to me, made me stop and think
Then I noticed yours was red, mine was baby pink
Who walked in but Mary Jane, lipstick all a mess
Were you smoochin' my best friend, if the answer's yes
Lipstick on you collar told a tale on you
Lipstick on you collar said you were untrue
Bet your bottom dollar you and I are through
'Cause lipstick on you collar told a tale on you, boy
Told a tale on you, man
Told a tale on you, yeah
Told a tale on you

Composer: Bill Building
Singer: Connie Francis
***

Phỏng Dịch:


Son Môi Trên Cổ Áo Anh

Phòng thu điệu nhẩy êm đềm
Anh tìm thức uống bỏ em một mình
Thời gian nhẹ lướt vô tình
Em buồn đơn độc lặng thinh bên rèm
Không gian hiu hắt ánh đèn
Thật lâu sau đó anh len lén về
Trời ơi! Em tưởng nằm mê
Son môi cổ áo não nề lệ tuôn
Chừng như trời đất quay cuồng
Tình anh gian dối em muôn kiếp sầu
Nhưng anh lại chối “không đâu”
“Đó là son em lúc mới đầu hôn anh”
Thôi anh đừng chối loanh quanh
Anh không chung thủy đành rành hãy xem
Ánh đèn chiếu sáng dưới thềm
Áo anh son đỏ son em màu hồng
Mary vừa bước vào trong
Môi nàng lem luốt đỏ bồng bềnh quanh
Giờ anh không phải là anh
Người em yêu đã tan thành khói sương
Thế là xong chuyện anh thương.

Toronto 29/7/2019
Nguyên Trần

Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Một Thời Đã Xa - Trường Huy - Thùy Chi


Sáng Tác: Trường Huy
Ca Sĩ: Thùy Chi
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Chờ Đón Thu Vàng



Tảng sáng sương nhiều,
Xế trưa hanh nắng.
Trời chiều mưa mau
Thời gian nhiệm mầu

Thoáng qua hồng Hạ, lướt vào vàng Thu.
Gió vờn tóc liễu vi vu,
Ngàn thông phủ áo sa mù mênh mang
Chờ Thu, mắt cúc mơ màng
Đón Thu, đàn bướm rộn ràng bên hoa.
Trầm tư cánh mimosa,
Hồng nhung thao thức, đậm đà lưu li
Hẹn hò rạo rực tường vi
Thoáng hương đài các trà mi mơ hồ.

Nắng mượt như tơ,
Hiu hiu ngọn gió
Lững lờ mây trôi
Con nai ngơ ngác ven đồi
Em ơi!… Thu đã đến rồi, phải không?

Trần Quốc Bảo 
 Richmond, Virginia


Nghiêng Đêm Đà Lạt



Đêm nghiêng nghiêng
Rót vào thơ
Ta nghiêng giọt nhớ qua bờ thu xưa
Bây giờ trời Đà lạt mưa
Gió lay lắt ngọn
Sầu thưa thớt lòng.
Một màu sương đục mênh mông
Trôi như sóng nước
Bềnh bồng cõi thơ.
Bên ly cà phê tự giờ
Nhỏ từng giọt xuống rêu bờ lãng du.
Trăm năm
Vỡ hạt mây mù
Nghìn năm,
Rồi … cũng thiên thu đá vàng!
Nghe vùng ký ức – thời gian

Chạm vào cát bụi xanh ngàn non xa.
Bên quán cốc
Người cùng ta
Từng trang xếp lại,
Mở ra dặm trời.
Thời gian rót
Nhẹ dòng trôi
Hắt hiu như ngọn đèn soi bên thềm.
Đường truông dốc
Đà Lạt đêm
Nghe vang sóng nhạc, ai tìm dáng xưa!
Ai còn tìm nỗi sớm trưa !?
Ta còn tìm tuyệt đỉnh mùa quê hương!
Đà Lạt nhớ về vùng ký ức.

Mặc Phương Tử

Dư Dục Vô Ngôn - Một Câu Chuyện Về Thầy Trò Xưa Và Nay



XƯA, thời loạn, lòng người đảo điên, Đức Khổng Phu Tử, người đất Lỗ, sinh thời đi khắp nơi thuyết giảng "tam cương (vua tôi, cha con, chồng vợ) và ngũ thường (nhân, nghìa, lễ, trí, tín)", cho mãi đến cuối đời, cũng chẳng ai nghe, đành phải trở về quê nhà, than với học trò: "ta không muốn nói gì nữa được"! 
Tử viết :"dư dục vô ngôn", 
Tử Cống viết: "Tử như bất ngôn, tắc tiểu tử hà thuật yên"  
Tử viết: " thiên hà ngôn tai, tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai" ̣ 
Thầy nói: " Ta không muốn nói gì nữa được", 
Trò thưa: "Thầy còn muốn không nói nữa thì con theo thầy biết nói gì đây"  
Thầy than: "Trời có nói gì đâu, bốn mùa vẫn luân chuyển, trăm vật vẫn sinh hóa, Trời có nói gì đâu!" ̣ 
Mấy ngàn năm sau, có một gã hậu sinh, không biết nghĩ ngợi xa gần ra sao, thành tâm xin được chia xẻ nỗi đau xót của một người thầy, cuối đời thất bại, nói chẳng ai nghe, đành thốt nên lời "ta không còn muốn nói gì thêm nữa" ̣ 

NAY, đất khách quê người, đã qua nửa thế kỷ, thầy trò chúng tôi, cỏ bồng phiêu bạt tứ xứ, gặp lại được nhau qua emails trên internet, mừng tủi, thầy ơi, chúng em rất vui đọc thơ thầy như nghe thầy giảng bài ngày nào. Lòng thật xúc động, lại nhớ đến mấy vần thơ, câu được câu mất, của một người bạn gửi cho mấy năm về trước, 
"Con chim già hót còn nghe được
ông giáo già rồi hát chẳng ai nghe
hát chẳng ai nghe mà vẫn hát
hát hoài hát mãi một mình nghe" ̣ 

Vâng, bạn tôi ơi, sao lại nghĩ rằng hát chẳng ai nghe nhỉ  Còn có tôi, còn có các bạn, còn có đám học trò cũ, và nhất là dù Trời có nói gì đâu mà vẫn, hết đêm rồi lại ngày, hoa tàn rồi lại nở, và còn biết bao điều tình nghĩa thuở nào vẫn dành để nói cho nhau nghe ̣ Nhưng, nghĩ đi rồi nghĩ lại, đời đã đổi rồi, chữ còn nghĩa mất, biết làm sao để còn nói cho nhau hiểu đây? Thương lắm ̣ Ngày vui qua đâu còn trở lại. 
Cầu chúc an lành cho tất cả chúng ta.

Phạm Khắc Trí
 10/17/2019                                    

Lời Vàng Ý Ngọc


Xướng:
Lời Vàng Ý Ngọc

Hiện hữu trần gian sống ở đời
Chèo thuyền phước báu luyện không ngơi
Hương Sen phát đuốc lòng an tĩnh
Bóng Phật khai đường dạ thảnh thơi
Biến diệt nào hay đừng hẹn mốt
Vô thường có biết chẳng chờ mơi
Lời vàng ý dẫn sư Tây Tạng
Pháp thoại đầy ơn nghĩa sáng ngời

Minh Thuý
9 / 1/2019
***
Các Bài Họa:
Phật Pháp Lời Vàng

Phật Pháp đi chung với Đạo Đời
Như thuyền và bến lúc chèo ngơi
Tâm an xua nóng khi bình tỉnh
Trí sáng lắng lòng lúc thới thơi
Diệt Ngã không đừng lần tháng tới
Tiêu Căn chẳng hẹn lựa ngày mơi
Rao truyền Giáo lý lời vàng ngọc
Kinh kệ cao siêu tỏ rạng ngời

songquang 
“Mùng 8 tháng 8 al”
***
Công Đức Vun Bồi


Thiền sư Tây Tạng dạy nương đời
Công đức vun bồi chớ nghỉ ngơi
Dưỡng tánh tu tâm lòng hỉ xả
Nhuần kinh tỏ pháp ý buông thơi
Tránh xa ái ố không chờ lúc
Diệt hết lục căn chớ mốt mơi
Tu nữa tu hoài theo chánh đạo
Giữ mình thanh tịnh trí luôn ngời

Phương Hoa
 Sep 8th 2019
***
Tâm

“Thủ nhất thanh”

Tâm nhập thiền môn vững trải đời
Tâm nhuần đạo pháp độ thanh,ngơi
Tâm khoan nhã nhặn giầu nhân ái
Tâm sáng huệ minh nhẹ dạ thơi
Tâm nhẫn khiêm cung kham nghĩa đặng
Tâm hòa nhuận khí niệm tình mơi.
Tâm hằng tha vị siêng hành thiện
Tâm chính trung lương rạng tỏ ngời!


9-9-2019

Nguyễn Huy Khôi
***
Đạo

“Thủ nhất thanh”

Đạo an nhiên sống giữa trần đời
Đạo dặn TÂM thường phải nghỉ ngơi
Đạo vớt trầm kha rời khồn quẫn
Đạo dìu khổ ải đến nhàn thơi
Đạo xa hình tướng từ ban sớm
Đạo biết tánh không lúc buổi mơi
Đạo thỏng tay an nơi náo nhiệt
Đạo soi bát nhã trí ngời ngời


Như Thị
***
Đạo Lo Đời

Đạo xuống trần gian để cứu đời,
Đạệ do tâm Thiện đó cơ ngơi!
Đạo tìm giải khổ nêu gương tốt,
Đạo chọn Từ bi tạo thảnh thơi.
Đạo tránh điêu ngoa xa giả dối,
Đạo bồi hạnh đức sáng chiều mơi.
Đạo trao ân phúc đời vui sống,
Đạo giữ Tâm Bi trải sáng ngời!

Hồ Nguyễn 
(08-9-19)
***
Đạo Trong Đời

Đạo là đường thẳng ở trên đời
Đạo đứng thênh thang một chỗ ngơi
Đạo gữa sơn hà, nghe đất khổ
Đạo trong xã tắc, rộn hồn thơi
Đạo im vắng lúc trưa, chiều, sáng
Đạo ấm êm khi sớm, tối, mơi
Đạo gọi chuông dồn vang vạn kỷ
Đạo cùng đại chúng vượt cao ngời ...

Hawthorne 9 - 9 - 2019
Cao Mỵ Nhân
***
Phải Quyết Làm Theo

 Mang kiếp con dân giữa cõi đời
Tu nhà, tu chợ nhớ đừng ngơi
Tam quy cốt để hồn không quẫn
Ngũ giới mong rằng xác được thơi
Chốn sáng đang soi thì bước kịp
Vũng lầy đã lặng chớ tìm mơi
Lời vàng ý ngọc nơi nơi sẵn
Học đó hành đây ấy mấy ngời 

Trần Như Tùng
***
Đạo Đời Tương Đắc

Đạo mầu tu học ở trong đời
Đạo nhắc tấm thân nhớ nghỉ ngơi
Đạo lý lương tâm luôn bác ái
Đạo nhân phẩm hạnh vẫn nhàn thơi
Đạo hằng thiện mỹ im chiều lắng
Đạo đức chân như lặng sớm mai
Đạo quý thời gian thiền rạng sáng
Đạo lành năm tháng tọa soi ngời

Mai Xuân Thanh
Ngày 09/09/2019
***
Đức

Đức tâm sáng tỏ nở hoa đời
Đức trải công bình nghĩa chẳng ngơi
ĐỨC trổ nhân từ duyên đượm thắm
Đức thành trái ngọt quả nhàn thơi
Đức trao lẽ phải ngời trăng nước
Đức giữ hương lòng đẹp những mơi
Đức mãi yêu người trao bác ái
Đức khai sự sống mộng luôn ngời


Đức Hạnh
10 09 2019

***
Nhớ Lời Thầy Dạy


Pháp thoại thầy khuyên sống ở đời
Từ tâm thiện tánh,chẳng hề ngơi
Soi đường đuốc tuệ,lòng vui, khỏe
Dẫn lối toà sen ,trí tịnh,thơi
Chén sạch bày ngay,khi sẩm tối
Tách trà úp xuống ,lúc ban mơi
Vì chưng chẳng biết mai còn thở?
Nên hãy siêng tu, Phật rạng ngời.

Thanh Hoà
***
Lời Hay Ý Đẹp


Lời hay ý đẹp nhất trên đời
Tích đức tu nhân nguyện chẳng ngơi
Thiên Trúc thiền sư tuỳ hạnh đến
Chân kinh đạo pháp khởi duyên ngời
Khai tâm điểm hạt không chờ mốt
Phát đuốc soi mình chớ hẹn mơi
Tấc dạ từ bi năng hộ chiếu
Lời hay ý đẹp nhất trên đời


Uyên Quang
9/11/2019

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Thơ Tranh: Giang Tuyết




Sáu Nàng Tiên Nữ



Năm cánh hoa tươi trắng mượt mà,
Một nàng xanh ngát hiện kiêu sa.
Tay gìn nón lá lê tha thướt,
Thân giữ đôi vai bước đẩy đà.
Nắng trước tỏa tia tươi sáng đẹp,
Lưng sau tóc tựa ấm thân ngà.
Sáu nàng tiên nữ đâu xinh quá,
Khiến lịm ru hồn hoa mắt ta!

Hồ Nguyễn
(15/10/2019)


Người Xưa

(Ảnh của tác giả)

Giấc ngủ nào không khẽ gọi tên
Một hình dáng ấy khó mà quên
Ai xui trăng mộng soi đường cũ
Để bóng người xưa lướt qua thềm

Ngày tháng trôi dần người xa mãi
Gió bên hè gợi nhớ mái đình xưa
Áo bà ba hồng in nắng đong đưa
Ai cũng có một người để nhớ

Nụ hôn nào còn thơm tiếng thở
Của ngày xanh hai đứa bên nhau
Giấc mơ dài, giờ để lại niềm đau
Người xưa hỡi làm sao quên dĩ vãng?

Biện Công Danh
21/9/17

Đêm Về



Đêm về theo giọt sương rơi
Vầng trăng nghiêng ngả bồi hồi bóng thu
Đèn đêm mấy ngọn lờ mờ
Soi chân tôi bước cơ hồ hư không

Lòng nghiêng ngọn gió lạnh lùng
Cô đơn sóng vỗ nhịp trùng khơi xa
Nhớ ai áo lượn đôi tà
Những ngày xưa ấy mượt mà về đâu

Đêm về theo khúc ca dao
Xuống câu vọng cổ bạc đầu nhớ thương
Tình quê tiếng dế nỉ non
Một đời du tử mãi còn lênh đênh

Đêm về theo tiếng thác ghềnh
Rơi buồn bã lạnh mối tình cách chia
Lòng còn vọng động đam mê
Ngẩn ngơ tiếng suối rơi về xa xưa

Những ngày trời biếc che dù
Áo bay trắng cả lối đưa chân người
Bờ môi tìm ngọt bờ môi
Cơn mê chếnh choáng nụ cười ngả nghiêng

Tình xa hai phía nổi chìm
Xạc xào tiếng lá rơi mềm tóc hương
Đêm về theo nỗi nhớ vương
Tôi con sông lạnh em buồn bến xa

Trầm Vân

Tình Xanh


(Hoà Lê – Tình Xanh)
Đề Thơ:
Tình Xanh

Ai bảo cỏ cây không biết yêu?
Bến sông hãy ghé lúc trời chiều
Lá thắm, cành xanh đang ngả ngớn
Sóng tình dường muốn cũng xiêu xiêu*

*Truyện Kiều: Sóng tình dường đã xiêu xiêu
Xem trong âu yếm có chiều lả lơi

Hoàng Xuân Thảo
***
Bài Dịch:
Anh Ngữ

Who is it to say that grass and trees to not love
At nightime just proceed to the dock by the river
Mauve leaves and green branches casually leaning
The waves of love seem to inflame their urge for embracing.

Pháp Ngữ:

Qui a dit que l’herbe et les arbres ne savent pas aimer
La nuit tombante, veuillez visiter le quai sur la rivière
Les feuilles mauves et les branches vertes nonchalamment s’inclinent
Les vagues de l’amour semblent inciter leur envie des’ embrasser.

Đặng Vũ Vương
***

Các Bài Họa & Cảm Tác:
Xiêu

Kênh xanh, lá biếc, chiếc thuyền yêu
Lờ lững buông trôi dưới nắng chiều
Hai kẻ đôi bờ không lối đến
Vô ngôn, cảm nhận sóng tình xiêu!

Lộc Bắc
***
Dây Dạ Giao Đằng

Đâu chỉ loài người mới biết yêu!
Cỏ cây cũng thích được nuông chiều
Dạ Giao Đằng (*) nọ nhờ dì gió
Quấn quít nồng nàn chẳng ngã xiêu

Lạc Thủy Đỗ Qúy Bái
(*)Tục truyền ông lão họ Hà làm nghề đốn củi một hôm từ rừng về nhà quá muộn vướng phải hai sơi dây bị ngã chúi xuống đất bực mình ông đào dây leo lên vớ được một củ lớn lắm: Ông mang về nhà nấu cháo ăn mấy ngày sau mái tóc bạc phơ của ông trở lại xanh om, ông khỏe lại như thanh niên hai mươi tuổi vì vậy ông được gọi là Lão Hà Thủ Ô. Ông Lão Đầu Đen Từ Đó và Hà Thủ Ô được dùng như thuốc Bổ Cải Lão Hoàn Đồng trong giới thầy thuốc bắc .
***
(Thân tặng anh Khôi và anh Nhiếp)

Cây xanh nhìn tựa sắp hôn yêu
Trên nước, trong khoang, một xế chiều
Hai vị lão niên ngồi khắng khít
Quên mình ở tuổi đứng xiêu xiêu

Nguyễn Tích Lai
***
Hé Nụ Cười Duyên

Hồng xinh không biết nói lời yêu
Nụ hé cười duyên mỗi lúc chiều
Đón ánh mắt chàng cùng nước mắt
Khiến lòng thục nữ cũng dần xiêu

Trần Như Tùng
***
Trớ trêu

Con tạo cho cây cũng biết yêu
Làm sao nhích lại lúc trời chiều
Thương thay cái cảnh yêu hàm thụ
Một chỗ thôi đành ngả xíêu xiêu.

Phí Minh Tâm
***
Hai người cây này coi bộ đau khổ lắm,vì:
Yêu nhau mà chẳng được gần,
Nhìn nhau, lòng những trăm phần đớn đau,
Sông kia chảy mãi về đâu,
Đang tâm chia rẽ đôi đầu còn xanh....

Bát Sách
***
Tình Cây

Con sông nhỏ chẩy qua làng
Hai bờ cổ thụ có nàng và anh
Muốn cùng trùm lá liền cành
Mặc dù rễ đã cuốn sanh tâm tình

Đồ Cóc
***
Cỏ cây còn mơ mộng
Cành liền cành khít khao
Tình ta, anh hi vọng
Xanh hoài trong thiên thâu

Tuấn Hoàng

***
Cỏ cây không những chỉ biết yêu,
Còn biết mưa mai, biết nắng chiều,
Nắng sớm vươn cành trông ngả ngớn,
Mưa chiều rũ lá thấy xiêu xiêu,

Cách một dòng sông, buồn hiu hắt,
Xa vài con dốc, nhớ hắt hiu,
Cũng giống như ta, cây cỏ cũng,
Sống thì ẻo lả, chết khẳng khiu.

Lê Xuân Cảnh
***

Tình Xanh


Hai lòng cách bởi dòng sông
Mắt lưu luyến mắt giọt long lanh sầu
Tình xanh đẫm lệ mưa Ngâu
Vẫn không nối được nhịp cầu tương giao.

Kim Oanh

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2019

Lời Biển - Thơ Hồng Thúy - Phổ Nhạc Phan Ni Tấn - Tiếng Hát Ngọc Mỹ


Thơ: Hồng Thúy
Phổ Nhạc: Phan Ni Tấn 
Tiếng Hát: Ngọc Mỹ
Thực Hiện: Đặng Hùng

Washington D.C. Vào Thu

(Ảnh của Tác giả)

Hoa Thịnh Đốn mây trời bàng bạc
Lặng lờ trôi sông Potomac lam buồn
Thu phong lay lá đỏ tuôn
Tà dương nhạt nắng, vẳng chuông giáo đường

Hồ Jefferson Memorial mặt gương loáng sáng
Nước in trời, lai láng hồn ta
Vút trời tháp Bút mờ xa
Hoàng hôn như bản tình ca tuyệt vời

Bình minh đến, sáng ngời tỏa rạng
Hãy cùng nhau thưởng ngoạn đồi cao
Bước chân giẫm lá xạc xào
Tiếng Thu giao hưởng rì rào suối mơ

Khu Brenmar Park, bơ vơ nai lạc
Lộc xa bày, ngơ ngác lẻ loi
Mặt hồ, cúi ngắm gương soi
Mây trời lồng bóng, khó noi nẻo về

Bạn đường hỡi, sơn khê ngàn dặm
Biết tìm đâu, rừng rậm quan san
Đồi Phong, Dương ngả cam, vàng
Sơn Thù Du đỏ, bạt ngàn vi vu...

Skyline Hill đỉnh sương mù giăng lối
Lưng chừng đèo, gió thổi lá tuôn
Vàng rơi lả tả gợi buồn
Trời chiều bảng lảng, chim muông về ngàn

Rừng Reading đó, ngỡ ngàng tiễn khách
Đường xuyên sơn luồn lách lê thê
Luyến lưu tiên cảnh tư bề
Thiên thai từ giã, trở về trần gian...

Hẹn năm tới, Xuân sang trở lại
Đến Thủ đô chớ ngại đường xa
Hội Anh Đào với triệu hoa
Hồng vương trên má, chan hòa nắng mai...

Duy Anh
Washington D.C.& Virginia in Autumn 2016



Say lá những bàn tay nhẹ đón
Vàng đỏ nâu hồng thiên nhất phương
Heo may gió tỉa trơ cành độc
Hỏi chiếc lá nào không dễ thương ...

Bay bay trong gió phương trời lạ
E ấp tình xa chốn nhiễu nhương
Mảnh chờm nhẹ siết trên hè phố
Mảnh liệng trao nghiêng nẻo mặt đường

Xào xạc chiều thu hồn lá rụng
Bèo mây lá đổ khách tha hương
Thương lá te tua trời viễn xứ
Ngày về đất mẹ trắng mây vương .

Locphuc

Khi Gió Thu Về



Những chiếc lá xanh tươi mùa hạ
Heo may về lả tả rụng rơi
Lạc loài phiêu bạt phương trời
Dần xa thuyền nhỏ ngàn khơi chập chùng
Mong manh sợi chỉ hồng trước gió
Nhớ thương ai nội cỏ rầu rầu
Bâng khuâng mây tím giăng sầu
Bến trong bến đục về đâu hỡi người?

Yên Nhiên

Tự Tình - Vội



Tự Tình

Chiều buông nắng phút giây thần thoại
Môi mắt chờ chìm đắm mộng mơ
Chân bước động hờ rung ngọn cỏ
Tự tình lời rụng trắng vườn thơ


Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Vội


Ngập ngừng... nửa... nửa bước chân
Bao vương vấn, vẫn đầy sân lá vàng
Nhớ thương tình tự mơ màng...
Xót xa, sao nỡ vội vàng sang ngang!


dovaden2010 


Góp Ý Về Bài Thơ Đại Tặng Kỳ 1 - Lý Thương Ẩn


Bài thơ Đại Tặng (Viết thay để tặng) của Lý Thương Ẩn là như sau: 

                             Đại Tặng Kỳ 1 

樓上黃昏欲望休  Lâu thượng hoàng hôn dục vọng hưu, 
玉梯橫絕月如鉤  Ngọc thê hoành tuyệt nguyệt như câu. 
芭蕉未展丁香結  Ba tiêu vị triển đinh hương kết, 
同向東風各自愁  Đồng hướng đông phong các tự sầu. 

Nhiều nhà thơ đã dịch bài này và giải nghĩa như sau: 

Trên lầu ngóng trông tới hoàng hôn mới thôi 
Trăng móc câu cắt ngang thang lên trời 
Nõn chuối chưa mở, hoa đinh hương đang kết nụ 
Cùng hướng về gió xuân để tự chuốc sầu. 

Hàm ý của bài thơ: 

Đây là tình tự của một cô gái mới tuổi dậy thì được nhà thơ bày tỏ giúp tâm trạng của mình trong bốn câu thơ. 
Câu 1: Cô gái chiều chiều lên lầu ngóng bóng chàng cho tới khi nắng tàn mới thôi. 
Câu 2: Ngọc thê là thang lên trời. Cô gái trông thấy trăng lưỡi liềm đã xoay ngang như muốn cắt ngang đường lên trời, suy diễn ra là đêm đã gần tàn cô vẫn còn đó, lòng hướng về chàng cũng như bị trăng cắt đứt đoạn để tự chuốc thêm sầu. 
Câu 3: Đây là cái mấu chốt của bài thơ. Ba tiêu vị triển hay Nõn chuối trong các bài thơ về Ba tiêu hay Cây chuối thường tượng trưng cho một phong thư vì ngày xưa các thi nhân chuộng viết thư trên lá chuối như nhan đề bài thơ của Dương Duy Chính với nhan đề “ Đề Ba tiêu Mỹ nhân đồ” nghĩa là Đề bức họa Mỹ nhân, viết trên tàu chuối. 

Đề Ba Tiêu Mỹ Nhân Đồ 

Kế vân thiển lộ nguyệt nha loan,
Độc lập tây phong ý tự nhàn.
Thư phá lục tiêu song phượng vĩ,
Bất tuỳ hồng diệp đáo nhân gian. 

題芭蕉美人圖
Đề ba tiêu mỹ nhân đồ
Đề bức hoạ người đẹp viết lên tàu chuối
髻雲淺露月牙彎,
Kế vân thiển lộ nguyệt nha loan,
獨立西風意自閒。
Độc lập tây phong ý tự nhàn.
書破綠蕉雙鳳尾,
Thư phá lục tiêu song phượng vĩ,
不隨紅葉到人間。
Bất tuỳ hồng diệp đáo nhân gian.

***
Bản dịch:

Tóc mây lộ hé, mày cong nhạt
Đối mặt gió thu, ý vẫn nhàn
Chuối quý mấy tàu xanh viết nát
Chẳng theo lá thắm xuống trần gian 
(Nguyễn Khắc Phi)

Với nhiều nhà thơ, nõn chuối được suy diễn là tấm lòng của một cô gái và trong bài thơ này thì nõn chuối chưa mở ngụ ý một cô gái còn băng trinh. Còn hoa đinh hương vốn có mùi thơm sực nức và được coi như tượng trưng cho một mối tình đầu tiên, lãng mạn. Tóm lại câu 3 diễn tả tâm trạng một cô gái đang yêu với một cơ thể trong trắng và một tấm lòng thanh cao. 

Câu 4: Cô gái tượng trưng bởi nõn chuối và hoa đinh hương hướng về gió xuân, gió xuân đây tượng trưng cho chàng nhưng “ Thư thường tới, người không thấy tới” nên càng ngóng trông chàng thì càng tự chuốc thêm sầu mà thôi. 

Thơ dịch: 

Trên gác ngóng trông tới nắng tàn 
Trăng liềm trời thẳm vắt chia ngang 
Đinh hương, nõn chuối còn phong kín 
Cùng chuốc buồn khi ngóng gió xuân. 
Hình tượng cây chuối trong thơ Đường 
(Hoàng Xuân Thảo)

Cây chuối so với các loài hoa thì được tả tương đối rất ít trong thơ Đường có lẽ vì nó có tính cách dân dã, không có vẻ phong lưu, đài các như mai lan cúc trúc, tuy nhiên nếu đếm ra thì cũng không dưới trăm bài mà sau đây là các bài tiêu biểu, trong đó có nói lên ý nghĩa của cây chuối nhất là nõn chuối. 

Theo Nguyễn Khắc Phi, “...Các nhà thơ đã quan sát kỹ từng bước quá trình phát triển của nó, từ khi còn là cái nõn nằm giữa thân cây (Tiêu tâm, Ba tiêu tâm, có khi được gọi là phương tâm, trung tâm), dẫu thân cây có bị chặt ngang, nõn vẫn cứ trồi lên, dẫu thân cây có bị thiêu đốt, phần nõn vẫn tươi sống (hỏa thiêu ba tiêu bất tử tâm), cho đến khi lá khô héo rồi vẫn bám chặt vào thân cây không chịu rơi xuống đất...” 

Nõn chuối xem vậy còn tượng trưng cho một mối tình trường cửu. 

Cũng theo Nguyễn Khắc Phi, nõn chuối có hình tượng một phong thư được tạo dựng trong điển tích nhà sư Hoài Tố đời Đường (725-785) trồng chuối để lấy lá nõn viết thư như sau: 

“...Theo Thanh dị lục thì Hoài Tố do “nhà nghèo, không có giấy viết bèn trồng hơn vạn gốc chuối để lấy lá thay giấy”. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng Hoài Tố làm như vậy chỉ là biểu thị tính chất thanh cao, không hùa theo thói tục mà thôi. Ý kiến sau hợp lý hơn vì đã nghèo không có giấy viết thì làm sao lại trồng được hơn vạn gốc chuối? Hoài Tố cùng với Trương Húc (người Tô Châu, Giang Tô) được xem là hai nhà thư pháp vào loại nổi tiếng nhất đời Đường. Quanh nhà Hoài Tố đầy chuối nên nhà ông ở được người đời gọi là “Lục thiên am” (Am trời xanh); cả hai ông đều thường vung bút viết sau lúc say, riêng Trương Húc lại còn hò hét đã rồi mới viết, nên người đời có câu: “điên Trương cuồng Tố”. Không lạ gì sự tích Hoài Tố đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần đối với hậu thế. Cơ sở thứ hai là hình dáng đặc thù của nõn chuối: thanh tao khêu gợi, đầy nữ tính, song chủ yếu là giống như một cuốn sách, một phong thư (ngày xưa)…” 

Một bài thơ khác nhan đề “Vị Triển Ba Tiêu” của Tiền Hử, cháu bốn đời của Tiền Khởi cũng lấy nõn chuối làm hình tượng cho một phong thư, 

Bài dịch: 

Lãnh chúc vô yên lục lạp can Đuốc lạnh, nến xanh không bốc khói 
Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn Lòng thơm sợ lạnh cuốn vo tròn 
Nhất giam thư trát tàng hà sự Phong thư một bức việc chi dấu 
Hội bị đông phong ám sách khan Sợ gió xuân kia lén mở trông. 
Trong bài thơ Nõn chuối vừa là một bức thư phong kín, vừa là một tấm tình thầm kín. 

Từ bài “ Vị Triển Ba Tiêu” của Tiền Hử tới bài “ Cây Chuối” của Nguyễn Trãi 

Cây Chuối Nguyễn Trãi 

Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm 
Đầy buồng lạ, mầu thâu đêm 
Tình thư một bức phong còn kín 
Gió nơi đâu? Gượng mở xem. 
(Hoàng Xuân Thảo)

Ý nghĩa: 

Câu 1: cây chuối tươi tốt gặp hơi xuân càng tươi tốt thêm. 
Câu 2: Nõn đầy buồng một cách lạ lùng trong khi mùi chuối thơm thâu đêm. 
Câu 3: Nõn chuối như một bức tình thư, như một tấm lòng còn phong kín 
Câu 4: Gió hay chàng nơi đâu hãy nhè nhẹ tay mở xem. 

Bài thơ Cây Chuối của Nguyễn Trãi có thể xem là một bài thơ đầy dục tính, khêu gợi tới mức tận cùng với lời lẽ rất thanh tao, dịu dàng, đáng coi như một tuyệt phẩm của thơ nôm. 

Sau đây là lời bình của Xuân Diệu: 

“...Tôi muốn hiểu cả bài tứ tuyệt là một ngôi thứ nhất, phía sau cây ba tiêu là một giai nhân tự nói lấy cho mình, đầy phòng ngào ngạt thâu đêm, chẳng lẽ lại người nào cũng ngoài phòng nói điều ấy, phải là người ở trong phòng tự nói bức thư tình của lá: em còn e ấp cuộn lại, còn kín, một cái ghen tuông phóng nhụy, ngôi thứ hai là "gió", là đối tượng: anh, người mà em mong mỏi đang ở nơi đâu? 
Gượng đây không phải là gượng gạo, mà là gượng nhẹ, khẽ khàng.”

Hoàng Xuân Thảo