Hải (áo đen) & Hà – Saigon, Summer July, 1973.
Tôi có người bạn từ thuở trung học, Lương Tế Hà, bằng tuổi tôi. Cả hai chúng tôi có tên bắt đầu bằng chữ ‘H’ nên chúng tôi vì nhân duyên hay sao đó, cả hai đã gặp nhau ‘liền tù tì’ trong nhiều lần thi QG như tú tài, thi vào nhiều trường đại học. Hà vốn thích đàn hát, với tính tình dung dị, hoà nhã, Hà ít làm ai phật lòng.
Sống ở đời có những người bạn thân là điều quí báu - bạn mà chúng ta xem như anh chị em trong nhà – Hà đúng nghĩa là một người bạn thân quí, gần gũi như huyết thống.
Trước năm 1975, chúng tôi học chung hai trường đại học: Luật khoa Sài-gòn (ghi danh lấy course về nhà gạo bài) và trường đại học Kinh tế Thương mại Minh Đức. Ngoài ra chúng tôi còn học thêm các lớp Anh văn hội Việt-Mỹ, lớp Anh văn tại gia do GS Phạm Vân Nga giảng dạy. Ngày đó có Lan, Hạnh, Hà và tôi [Sau năm 1975, Hạnh mất đi vì các cơ sở y tế tối tân trước kia nay xuống dốc, thiếu thốn thuốc men đã cướp đi mạng sống người bạn thân của chúng tôi.]
Nhớ về những ngày xa xưa đó, sau những buổi học Anh văn ban đêm… phóng xe gắn máy vô Chợ Lớn ăn hủ tíu sa-tế ở con hẻm phía sau rạp Lệ Thanh… ăn mì chú Hoả đường Nguyễn văn Sâm quận nhì… có khi cả bọn kéo nhau đi ăn bò viên ở gần chùa Kỳ Viên (gần đường Trần Hưng Đạo và Đồng Khánh) phải nói là viên bò thực là bự, jumbo size… quán mì Cây Nhãn không mấy xa hội Việt-Mỹ, nhưng có lúc cũng ráng vượt vài cây số lên mì La-Cai đường Nguyễn Tri Phương đặng ăn cho được những dzắc mì rất ư đặc biệt của họ… Sài-gòn về đêm và cái thú đi ăn tối của những ngày xa xưa …
Hà với tính tình tốt, thường kèm miễn phí các bạn học ‘yếu về toán’ kể cả các cô bạn cùng trường, cùng khoá – cho nên xung quanh Hà lúc nào cũng có nhiều tà áo dài vây quanh [chắc lá số tử vi có sao ‘đào hoa’ chiếu vào cung thân!]
Hè năm 1973, tôi theo Hà vượt hai con sông Tiền, Hậu về quê ở Châu Đốc, xứ của các lọ mắm. Gia đình người Dì của Hà có cơ sở sản xuất ‘mắm thái’ nổi tiếng nơi đây. Hmm… nghĩ về lọ ‘mắm thái’ và bữa ăn với đầy đủ rau, bún, gia vị… thì chỉ khuyến khích cái dịch vị ‘Pavlov’ mà thôi! … Chúng tôi đi thăm Tịnh Biên, leo núi Sam, viá bà Chúa Sứ Thánh mẫu… Gia đình Hà người Minh Hương, ba mẹ Hà xem tôi như con. Một điều tương tự là ba mẹ tôi cũng xem Hà như tôi.
Năm 1974, Hà khăn gói theo tôi lên Tây Ninh nghỉ hè. Những ngày nghỉ nơi quê nhà, ôi sao mà nhớ quá! … Chúng tôi cỡi xe Honda vượt biên giới Việt-Miên đi chợ trời… đi thăm địa danh “Tha La xóm đạo” được nói đến trong bài hát của Dzũng Chinh… Trảng Bàng, núi Bà Đen, Vía Bà chùa Linh Sơn Thánh mẫu… Ôi còn đâu những ngày vui đã qua!
Hà người bạn thân quá vãng và ý niệm sống gửi thác về...
Người xưa nói:“Sống và chết là hai việc lớn nhất của đời người” (Sinh tử sự đại). Người ta quen nói: Sinh ký tử qui, Sống gửi thác về. "Sống gửi" là sống tạm, sống như ở trọ, sống vắn vỏi cho dù là 60, 70 năm hay cả trăm năm; bởi thế Trịnh nhạc sĩ cho bài hát:
Tôi nay ở trọ trần gian,
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.
Còn "thác về" là chết mới về quê hương, về nơi định cư vĩnh viễn. Câu nói quen thuộc và phổ biến này nói lên một niềm tin minh nhiên hay mặc nhiên của đa số người Việt Nam chúng ta. Nhưng có lẽ khi nói "sống gửi thác về", số đông đồng bào ta chỉ có một ý tưởng rất mơ hồ về nơi quê hương thật...
Sinh lão bệnh tử vốn là lẽ thường ở đời. Thế nhưng khi người thân yêu của bạn ra đi để lại trong bạn nỗi buồn khôn nguôi và nhớ nhung không tả được trong tâm trí. Có khi nào bạn mong muốn được gặp lại họ dù chỉ một lần có thể để thỏa nỗi lòng hay để nói điều gì đó mà trước kia bạn chưa kịp nói.
Nhưng bạn biết không một số nhà ngoại cảm đã tiết lộ rằng, mặc dù về mặt thể xác người thân của bạn không còn tồn tại nữa nhưng linh hồn của họ vẫn có thể còn lẩn khuất đâu đây bên cạnh chúng ta, hay trong tâm trí chúng ta.
Việc mất đi người mà chúng ta cảm mến, người luôn bên cạnh và luôn khuyến khích chúng ta hẳn là một điều vô cùng khó để có thể chấp nhận được. Nhưng đó sẽ là một thực tế không thể nào thay đổi được. Bạn sẽ thể thay đổi quy luật của cuộc đời này, và bạn phải chấp nhận một sự thật rằng tất cả chúng ta đều đã và đang mất đi những người thân dù muốn hay không và ngay cả chúng ta cũng vậy. Rồi một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ nằm yên dưới lòng đất hay ra tro bụi...
Chết không phải là hết mà chỉ bắt đầu cuộc sống mới ?
Phải chăng đời người chỉ gói trọn trong hai chữ "Sống và Chết." Thật vậy, con người ta sinh ra ở đời này không phải để sống luôn mãi, nhưng sau một thời gian vắn dài, con người phải chết. Vì đã có sinh thì lại có tử, không trước thì sau, không sớm thì muộn, thần chết sẽ đến với ta một cách bất ngờ, đó là định luật của con người. Lối đi một chiều không có ngày quay trở lại.
Kinh nghiệm cho thấy là từ xa xưa đến nay, không có ai được sống mãi. Vào năm 2002, ông Yukichi Chuganji, người Nhật bản đã mừng ngày sinh nhật thứ 113th vào năm 2003, bà Kamato Hongo cũng ở nhật bản đã được toàn thế giới cho là người sống lâu nhất là 116th tuổi. Hai ông bà này được coi là người đã sống lâu nhất thế giới. Tuy đã được xem là sống lâu nhất, nhưng không thể nói là được sống mãi không bao giờ chết. Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu ai cũng sống mãi mà không chết đi, thì thế giới ngày nay có chỗ đâu cho người ta ở. Chắc gia đình bạn phải xây thêm mấy cái nhà nữa mới đủ. Nhưng thật tế đâu có vậy, từ lúc ông bà tổ Adong Eva phạm tội, con người đã đánh mất đi ơn bất tử trên dương thế. Chính tội đã làm cho tất cả mọi người chúng ta cùng chia chung một số phận phải chết.
Vào thời cựu ước, Ông Adam sống được 930 tuổi (St 5:5); Seth, con Adam, sống được 912 tuổi (St 5:80); rồi Abraham sống được một trăm bảy mươi lăm tuổi (St 25;7); Bà Sara vợ ông sống được một trăm hai bảy tuổi (St 23:1). Chúng ta không được biết sao những người thời xưa sống được lâu như thế, có lẽ họ tính chu kỳ thời gian một năm hoặc một tháng ít hơn chúng ta bây giờ. Tuy nhiên, dù sống được bao nhiêu năm đi nữa, rồi cuối cùng cũng lãnh lấy cái chết.
Nhiều người quan niệm rằng, "chết là hết." Thật vậy, khi nhắm xuôi tay, chúng ta không còn gì khác ngoài trừ một cái xác không hồn bất động, một bộ xương khô, rồi cuối cùng trở thành một nắm tro tàn cuốn theo chiều gió. "Hỡi người, hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro (Kn 3:19)." Cái chết là hết sự đời. Bao nhiêu thành công tiền của, đã một thời vất vả gom góp đều tan theo mây khói. Muốn đem theo cũng chẳng được, nuối tiếc cũng đã muộn màng. Những ý định cho hiện tại, những mộng ước cho tương lại đều trở nên ảo tưởng. Mọi sự ở đời này trở nên vô ích khi thần chết đến viếng thăm.
Vì cùng một quan niệm "chết là hết", nên nhiều người đã không muốn nhắc đến cái chết, không muốn đối diện với thực tại của sự chết. Lúc còn nhỏ, mỗi khi các trẻ con đề cập đến cái chết, thì bố mẹ đều ngăn cấm không được nói. Cách đây khoảng mấy năm về trước, tôi nói đùa với bà cô tôi rằng, "Cháu có một linh tính là chỉ sống đến ba mươi tuổi là hết đời." Bà liền trách thương tôi, "Cháu đừng nói vậy, xuôi xẻo lắm." Tuy là nói vậy, chứ bạn đâu biết là bạn có thể sống đến ngày mai hay không? Có người ra đi rất trẻ mới chỉ có đôi mươi hoặc ba mươi xuân xanh. Lại có người sống đến răng long tóc bạc. Nhưng không ai có thể bảo đảm và biết chắc được cái chết của riêng mình. Chúng ta chỉ biết là một con người sức khõe dồi dào, thì có thể sống lâu hơn một con người đau yếu bệnh tật. Đây là chúng ta không kể đến những tai ương bất ngờ xảy đến.
Lý do người ta không muốn nhắc đến hoặc đối diện với cái chết là vì họ chưa sẵn sàng để ra đi. Họ sợ bỏ lại những người thân yêu, bỏ lại của cải vật chất, sự giàu sang đang được hưởng dùng. Nói cách khác, họ còn lưu luyến những cái tạm bợ ở đời này. Họ ví cái chết như một con dao hai lưỡi vô tình cắt đứt sự quan hệ giữa người với người, giữa người thân yêu đã một thời chung sống. Hơn nữa, sự chết sẽ tướt đoạt đi tất cả những gì họ yêu quý nhất, những gì họ đã bao năm lăn lộn với mồ hôi nước mắt, dầm mưa dãi nắng mà nay chưa được một lần tận hưởng. Nhưng thần chết đâu có thương xót một ai, miễn trừ cho kẻ nào. Từ một ông vua quyền quí cho đến một bác thợ mộc nghèo nàn đều phải bước qua ngưỡng cửa của sự chết.
Tuy nhiên, không phải ai cũng sợ và xa lánh cái chết. Vì có lắm kẻ đã tìm đến cái chết để thoát ly nợ đời; khi phải đối điện với chán chường thất vọng, đau khổ, khó khăn hoặc khủng hoảng tinh thần trong cuộc sống. Cùng đường bí lối, u sầu tuyệt vọng. Họ nghỉ rằng chỉ có cái chết mới là phương dược tốt nhất để giải quyết mọi vấn đề ngang trái. Chết đi thì còn đâu mà đau khổ, còn đâu mà nợ nần. Mọi đau khổ, lo lắng, phiền não, vương vấn của kiếp người đều tiêu tan theo bụi trần.
Nhưng họ đã lầm to, vì chết chưa phải là hết, vì theo phương diện tôn giáo, thì "chết đi là để bắt đầu một cuộc sống mới."
Bên Phật Giáo quan niệm rằng sau khi chết, nếu khi còn sống ở trên đời này, người ta ăn ở ngay lành, sống Từ Bi Hỷ Xả hay là Tứ Vô Lượng Tâm với mọi người, thì hồn thiêng hay hương linh của người Phật tử sẽ được đi về cõi cực lạc, tức cõi Niết Bàn, tương đương với bên Công Giáo là Thiên Đàng như bên đạo Công Giáo. Ở đây ta thấy có ý niệm Luân hồi, tức vòng sinh tử, điều này chỉ những lần đầu thai tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết Bàn. Theo Phật giáo, nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là tam độc gồm có tham ái, sân và si. Tùy vào nghiệp của chúng sinh đã tạo trong quá khứ mà chúng sinh đó sẽ tái sinh vào một trong sáu cõi: trời, thần, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục. Sau khi tái sinh, phần lớn các chúng sinh sẽ không còn nhớ gì về kiếp trước đó. Các chúng sinh sẽ có một cuộc đời mới. Việc chúng sinh sẽ tái sinh vào cõi nào sau khi chết có thể dự đoán được nếu khi quan sát cận tử nghiệp của chúng sinh đó. Ác nghiệp hay Thiện nghiệp. Còn khi tội nhẹ thì được liệt kê vào bậc cao hơn. Tội nặng như ác lai ác báo. Mọi sự đều được xử phạt tùy theo cách sống của chúng sinh.
Còn về triết thuyết bên đạo Công Giáo thì mỗi người lãnh nhận một linh hồn bất tử, phần trả công muôn đời cho mình, ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt muôn đời.
Đối diện với sự chết theo quan điểm tâm linh; Chết là Cuộc Sống Mới..., tuy quan điểm hữu thần hay vô thần. Câu chuyện về triết gia Pascal là điển hinh như sau. Một triết gia vô thần đã gặp Pascal và nhạo báng Pascal vì tin linh hồn bất tử và có sự sống đời đời về sau hay có kiếp sau để rồi trong đời sống hiện tại Pascal phải sống thật khổ hạnh với mình và sống nhịn nhục, thua thiệt với người khác, nếu không có đời sau thì Pascal là kẻ dại dột. Pascal trả lời cho triết gia vô thần kia rằng ông bạn nói đúng, khi ông ấy tin là không có linh hồn bất tử và không tin có sự sống đời sau nên tiếp tục sống xả ga hưởng thụ. Nhưng nếu có sự sống đời sau thì ông ta là người dại hơn Pascal, vì Pascal chỉ thiệt thòi tạm bợ đời này, còn ông, ông mất cuộc sống đời đời về sau. Thật vậy, đối với những người không có niềm tin tâm linh, thì ai đó có thể cho rằng chết là hết, chết là vĩnh viễn mất đi. Do đó họ rất sợ sệt và thất vọng khi phải đối diện với cái chết. Ngày nào còn hơi thở, người ta muốn tận hưởng cuộc sống cho thỏa thích. Nhưng đối với những người tin vào niềm tin tôn giáo thì chết không phải là hết, mà là một cuộc trở về nơi cao hơn, an bình hơn. Nhân gian có câu: “Sống gửi, thác về”. Chết đối với người theo quan điểm duy tâm linh là cánh cửa dẫn vào cuộc sống mới. Cuộc sống đời này vốn dĩ phù du, mau qua chóng tàn, như cơn gió thoảng qua, không có gì vĩnh viễn. Khúc nhạc ngân lên: “Tôi nay ở trọ trần gian. Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời” cho ta ý niệm kiếp sống này vốn tạm bợ mà thôi.
Do vậy, cái chết là thực tại dù thật khắc nghiệt trong cuộc sống này, thử thách tâm linh, niềm tin của người sống, của nhân loại. Tuy nhiên có thể bạn sẽ cảm thấy bớt buồn đau khi biết được rằng, họ có thể vẫn đang ở bên cạnh bạn. Một số nhà ngoại cảm cho rằng mặc dù về mặt thể xác, người thân đã khuất bóng bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ; Ôi những dòng sông nhỏ kỷ niệm nào về là những chơi vơi... Bạn ta đã từ giã cõi đời, nhưng linh hồn người quá vãng có thể vẫn lẩn quất đâu đây và ở ngay bên ta, luôn dõi theo mỗi bước đi của ta và lưu tâm đến ta khiến ta bỏ ngủ sụt cân,.. phải chăng ta nhớ đến bạn hiền?
Bạn tôi đã chia tay!
"Anh Việt Hải ơi, anh Lương Tế Hà vừa mới mất đó anh. Em nhớ anh Lương Tế Hà và anh hay đi chung, thường, xuống chỗ tập văn nghệ của tụi em... có những kỷ niệm xưa khó quên, anh há. Nhớ lắm tiếng đàn, tiếng hát của anh Hà... "Phút ban đầu gặp em tinh tú quay cuồng....", hay "Bạn thân ơi, cố gắng yêu thương người... ". Đó là những bài hát, anh Hà hát rất hay,
Băng Tâm rất thích, anh Hải ạ.".
Cô bạn gái bạn học đồng mốn tại trường đại học Kinh Thương, có làn da trắng toát xinh xắn trời cho, cũng như cha mẹ cho, một thuở đại học hẹn hò, ngất ngây tâm hồn các bạn nam đồng mốn, Băng Tâm đã gửi tôi những lôi thông báo qua email đầu tiên.Bâng Tâm, cô gái có nét duyên dáng hiện trên gương mặt trái xoan, khổ người petite, Băng Tâm ôn lại kỷ niệm học đường ngày xa xưa với nỗi lưu luyến nhớ về Lương Tế Hà.
Riêng với cảm nghĩ của tôi, Lương Tế Hà là người bạn đáng quý từ thuở trung học Petrus Ký. Năm cuối thi tú tài phần II, Hà thuộc lớp đệ Nhất B3 còn tôi lớp B4. Tuy khác lớp, nhưng cả hai thường gặp nhau và học bài chung. Ra khỏi trường thì nào là picnic, những hôm đi ăn hàng vặt, góp bàn tay làm công tác xã hội… trong quang cảnh chiến trường ‘mùa Hè đỏ lửa 1972.’ Một thế hệ học sinh đệ nhị cấp nhiều u buồn, đem theo cho đến những thiệt thòi, mất mát… nhìn lại có những người quen biết quanh đây như nghệ sĩ Việt Thảo, điêu khắc gia Phạm Thế Trung [với bức tượng ‘Mẹ bồng Con’ nổi tiếng ở Ottawa,] như nhạc sĩ Trọng Nghĩa của Minh Đức… những bạn bè cùng lứa… hôm nay, ngày qua… đã đi chung một đoạn đường mà dĩ vãng gần nửa thế kỷ qua rồi còn gì!
Hà sống những tháng ngày nơi đất khách quê người, anh lưu trú thành phố West Covina, thuộc hạt Los Angeles khá lâu. Vợ Hà là chị Tuyết có với nhau hai cô con gái, Tú Anh và Tú Duyên. Cháu lớn đã xong MBA còn cô em đang tiếp tục học trình Cao học MBA như chị. Một gia đình đầm ấm, thành đạt và kiểu mẫu nơi quê người.
Tôi nhớ mới tháng Ba năm ngoái 2016, cháu gái lớn và chàng rể Mỹ có nét hao hao như tài tử Robert Redford, chở ‘a pá Hà’ lên nhà thăm tôi. Hà bị bịnh tiểu đường khá nặng khiến cho khiếm thị, các con phải dìu "pà pá"’ đi đứng vì Hà đã từng bị té ngã nhiều lần. Tôi nghe mà lòng quặn thắt cho bạn hiền.
Nhớ lại những ngày theo học ở Minh Đức, sinh hoạt chung với nhau một nhóm còn có các khuôn mặt thân quen, những bạn … mà mình còn nhớ được như Trần Mạnh Chi, Trang Sĩ Phước, Tô thị Kim Anh, Trần thị Bảo Ngọc, Trần Thanh Long, Lê thị Khánh Trang, Lưu Mạnh Bổng, Phó Đức Trường, Trần Việt Hương, Trần Anh Tú, Châu Thái Trọng (Saint-Exupéry), Nguyễn Thu Hương (Marie Curie), Trương Thành Quyển, Nguyễn thị Bạch Mai, Tnương Vân Lan, Trần thị Thanh Châu, Cao thái Hải, Hoàng Trí Dũng, Trần Ngọc Sơn (tự Sơn Georges, Sơn ham dzui), Nguyễn thị Băng Tâm, Lâm Bạch Lan, Lưu Quỳnh Hương, Lê Nhân Ái… và Phạm Quang Hải bên Australia (*).
Ngày Lương Tế Hà ra đi, bạn bè đến thăm lần cuối, hai vợ chồng tôi đứng bên linh cửu nhìn bạn mình thiếp ngủ, nằm im bất động mà nét mặt khôi ngô thư sinh cùng nét điển trai tuấn tú, đượm vẻ hiền lành, khoan thai vẫn còn nơi bạn tôi. Quay sang nhìn Tuyết (vợ Hà) và hai cháu gái trông đang nước mắt lăn dài. Khung cảnh sinh ly tử biệt làm cho mắt tôi cay cay cùng chia xẻ nỗi niềm ngậm ngùi với tang gia.
Bao năm tháng qua đi, chúng tôi là những bạn bè đồng môn thế hệ 1953 – năm trước 2015 tiễn đưa chia tay Lê thị Khánh Trang, một người bạn khả ái, nhu mì, hiền hậu ra đi – tôi nhớ mãi nét mặt Trang như đang ngủ thiếp, một giấc ngủ dài! Nay thì đến người bạn khác, Lương Tế Hà. Những ngày cuối, tiếng bạn trong điện thoại, những lời tâm sự của người bạn từ thuở trung học, những e ngại khi đề cập đến đề tài "sinh lão tử bịnh", quy luật tử sinh, phút chia ly ở cuối nẻo đường đời, tôi hiểu tâm lý bạn tôi, Hà muốn nương tựa vào những an bình khi tìm thấy trong giáo lý nhà Phật… Hà muốn tôi email gửi qua những bài tôi có về ‘sự sống, sự chết’, ‘sống hạnh phúc, chết bình an’, ‘con người ở kiếp sau’…
Duyệt qua quyển sách mà nội dung của nó mô tả như có một điều gì đó hay làm bận tâm tất cả chúng ta là làm cách nào để sống và chết bình an. Để có thể thản nhiên nhìn thẳng vào sự sống và chết, phải khẳng định một phương cách hành động để khi đối mặt với nó không mảy may sợ hãi. Đó là tích cách, hoặc là thái độ chúng ta chọn lựa để thể hiện trong cuộc sống, bằng cách sống có mục đích, làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Muốn thực hiện được điều đó, theo lời khuyên dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma, trong sách "Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An", (The Joy of Living - Dying in Peace). Chúng ta phải kiên trì tu học thiên về ý nghĩ tâm linh: trau dồi và nuôi dưỡng lòng từ bi tâm mẫn, tuệ giác, tích cực trong nếp suy nghĩ cho đến hành động để chuyển đổi nhân tâm. Và khi đã đạt được tuệ tâm tĩnh giác, bất cứ tình huống nào của cuộc sống vô thường này, chúng ta cũng sống an vui và giữ được sự bình thản, không sợ hãi, ngay cả vào thời điểm khi ta sắp lìa khỏi thế gian...
Tôi muốn trích dẫn từ bài viết đặc sắc cùa nhà văn Huy Phương rất thích hợp cho chủ đề này, "Sống hạnh phúc, chết bình an", là điều mà Hà nhờ tôi... Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười Một, 2010, trong bài tạp ghi Huy Phương đăng trên tờ Người Việt như sau:
" Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói. Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống. Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.
Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi. Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông. Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”
Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?” Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”
Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: – “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015). Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.
Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.
Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!
Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?
Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.
Lợi ích của cây đa, cây (bồ) đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?
Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.
Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!
“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore – Đỗ Khánh Hoan dịch)..."
Hà bạn tôi đọc sách kinh ngộ đạo nên anh hỏi rằng "Khi chết đi ta đi về đâu? Câu hỏi này cũng được sách Bí Ẩn Của Cái Chết của nhà văn Thinh Quang giải thích khá rõ, xin xem chi tiết thêm qua
Thực vậy, tùy theo nghiệp nhân con người đã gây tạo trong qúa khứ có sai khác, mà đến khi lâm chung mỗi người hấp hối đều có những biểu hiện lâm chung khác nhau. Hoặc có người biết trước giờ chết vui vẻ niệm Phật mà chết, hoặc có người đầy sự thảng thốt, run sợ… thậm chí có người khi sắp chết đã có những tướng biểu hiện của các cảnh giới Ngạ quỷ, Súc sanh… Như thế tuỳ theo nghiệp nhân thiện hay ác mà con người sắp chết có những biểu hiện lâm chung khổ đau hay hạnh phúc để rồi tái sanh về cảnh giới lành hay dữ. Chung quy, cảnh giới mà con người tái sanh là cảnh giới tương ưng với sự khao khát và thoả mãn tự thân của mỗi người. Lý thuyết Phật học kinh qua luận cứ của thuyết tai sanh luân hồi. Tựu trung qua những cảnh giới mà con người sẽ tái sanh vào là cảnh giới trầm luân hay hạnh phúc, và điều này tùy thuộc vào những động lực căn bản nào dẫn dắt thần thức của con người đi cõi tái sanh. Sự thọ dụng khổ đau hay hạnh phúc của từng cảnh giới hay nỗi bình an, nỗi âu lo, trầm tư hay hốt hoảng để tương ứng với từng cảnh giới chuẩn bị tái sanh của con người mà ta xét đến những yếu tố cần và đủ để biện minh đưa lý luận về sự hình thành một cảnh giới là những yếu tố mà người Phật tử gáic ngộ quán triệt.
Tôi thầm nghĩ với Hà bạn tôi, sự suy nghĩ về bịnh tật hành hạ xác thân con người khiến cho bạn cần một chút ít xoa dịu từ những người thân quen, từ người bạn đã cùng chia xẻ những buồn vui ngọt bùi từ khi còn là học sinh trường Petrus Ký.
Tiễn đưa bạn về nơi xa, cõi trên cao… không còn khổ đau, bịnh tật, không còn là nỗi âu lo phiền muộn của cuộc đời này. Linh cữu Hà nằm đó, ngủ vùi bất động, tôi xoa nhẹ vai bạn mình và thầm chúc bạn ra đi bình yên. Sắp tới 49 ngày, tôi cùng với các bạn còn lại sẽ về West Covina để niệm cho hương hồn bạn an giấc ngủ nghìn thu.
Hà ơi!
Việt Hải