Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Thơ Tranh: Mẹ Tháng Tư

    

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh


Biển Và Hoa

 

Mùa ly loạn em ra đi năm ấy
Thuyền lênh đênh hoàng hôn ráng chân mây.
Trời gió nhẹ biển loáng màu nắng ngả
Nghiêng xuống em lấp lánh dãy ngân hà.
Đêm trở gió chiếc thuyền con thăm thẳm,
Biển hãi hùng trời đất rất xa xăm!
Từng lớp sóng ngọn cuồng như thác đổ,
Bao kiếp người thành bọt sóng hư vô!
Trên sóng nước em bồng bềnh trôi mãi
Trôi theo trăng về lối ngõ thiên thai.
Biển và em là bài thơ dang dở
Dòng sông quê đành gởi lại bến bờ!
Em theo sóng về thiên thu cõi mộng
Biển vẫn xanh hồn thành đám mây hồng.
Như pho tượng đượm nét buồn thế kỷ
Ðời chìm sâu những giai điệu tình si
Tít mù khơi loài chim nhỏ thiên di,
Vút tiếng hát từ xa xăm mộng mị
Về biển xanh mang theo chút phù sa
Sóng dìu em vào tận cõi thiên hà
Em chắc lạnh nơi hành tinh băng giá?
Chiếc tàn y sao đủ ấm làn da!
Sóng nhấp nhô biển hoàng hôn trắng xóa,
Mắt em buồn màu cỏ úa xót xa!
Ôi giai nhân trong đáy nước nhạt nhòa,
Em trôi mất mảnh thuyền xưa mục rã!

Đỗ Bình (France)


Thuyền Con



Thuyền con lạc lõng giữa trùng khơi 
Chỉ thấy bao la nước với trời 
Biết rẽ ngõ mô cho tới bến? 
Biết nương ai nhỉ khỏi xa người? 
Sức thời có hạn sao còn chí? 
Điểm lại vời kia khó đủ hơi? 
Xin Mẹ đoái thương và cứu giúp, 
Thuyền con lạc lõng giữa trùng khơi. 

Thái Huy 
Mar/28/23



Tháng Tư Chiến Sĩ Về Đâu

 

Mưa Tháng Tư lính buồn thầm nghĩ
Mất quê hương tráng sĩ về đâu
Sóng đời gây cảnh bể dâu
Anh hùng lỡ vận nuốt đau vào lòng

Nhớ chinh chiến ngược dòng gió bụi
Tháng năm dài rong ruổi đao binh
Tung hoành khí phách trung trinh
Xông pha trận mạc quên mình hiểm nguy

Từng tất đất biên thùy trấn giữ
Đất Rồng Tiên lịch sử khắc ghi
Mưa cuồng nắng cháy sá chi
Tinh thần trách nhiệm không gì cản ngăn

Quân nhân cũng ngắm trăng lãng mạn
Mời Hằng Nga uống cạn rượu tình
Nhờ mây với gió đi tìm
Giấc mơ tao ngộ giữa nghìn vì sao

Lính còn thích hoa đào mai nở
Nắng chan hòa rực rỡ mùa xuân
Sương chiều nghe dạ bâng khuâng
Kéo dài hơi thuốc nhìn vầng khói lan

Tàn cuộc chiến nhà tan nước mất
Tha hương, tù, ức uất quyên sinh
Trôi theo con sóng vô hình
Mồ hoang cỏ phủ anh linh nghẹn ngào

Mưa Tháng Tư thấm trào nước mắt
Người lính già se thắt nhớ thương
Mong ngày trở lại cố hương
Thăm sông núi biển con đường cái quan

Dương Việt-Chỉnh

Xác Em Nay Ở Phương Nào - Trần Chí Phúc - MinhPhượng


Nhạc:Trần Chí Phúc
Tiếnh Hát: MinhPhượng

Quê Hương Ơi Ta Nhớ - Thơ phamphanlang - Nhạc Vĩnh Điện - Ca Sĩ Đông Nguyễn


Thơ: phamphanlang 
Nhạc: Vĩnh Điện 
Hòa âm: Trần Xuân Studio
Ca Sĩ: Đông Nguyễn

Tượng Thương Tiếc



“Điêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu”

Sáng hôm nay sao lá bay nhiều quá!

Lá úa vàng, chen lẫn lá tươi xanh
Vì đêm qua bão lên cơn tàn phá
Nên lá xanh tức tưởi phải xa cành!
Đoàn người đi mặc hai màu đen trắng
Khăn chít ngang đầu, cúi mặt thọ tang
Để tưởng niệm người chiến binh tử trận
Xe chầm chậm lăn, theo lối nghĩa trang
Tôi sửng sờ thấy anh ngồi nơi đó!
Vai ba-lô cùng nón sắt, súng trường
Giầy sô, áo trận hoen màu cỏ úa
Dáng hiên ngang như trấn ngự biên cương
Anh ngồi đây đón chờ đồng đội mới

Họ kiêu hùng ngang dọc khắp chiến trường
Cũng như anh, đáp đền xong nợ nước
Còn tình nhà, trong tiếc nuối đau thương!
Đứng nhìn anh, lệ sầu lăn trên má!
Khóc không vì hiu quạnh nghĩa trang buồn
Và biết rằng anh chỉ là tượng đá...
Nhưng trong tôi, tượng vẫn có linh hồn!

Dư Thị Diễm Buồn




30 Tháng 4

 

Tháng tư ta mất Saigon
Ngậm ngùi buông súng trong con mắt buồn
Cuộc đời đầy ắp tai ươn
Tù đày nào thấy cổng trường em đâu
Hằng đêm anh mãi nguyện cầu
Vui lên em nhé chớ sầu trong mưa
Đường chiều vắng bóng bạn xưa
Xin đừng hờ hững đong đưa vọng tình

Bây giờ cuộc sống lênh đênh
Dân nghèo tiếng khóc gào trên mọi đường
Tháng ngày một nắng hai sương
Thiên đường chủ nghĩa đứt đường tương lai
Trên đầu Tổ quốc hai vai
Danh dự Trách nhiệm không phai lời thề ../.

Hà-quế-Linh

Tháng Tư Buồn


 
Tháng Tư buồn cứ dàu dàu
Hôm nay trời bỗng nhuốm màu khói lam
Tháng Tư nhớ về Việt-Nam
Mình thân viễn xứ đành cam nghẹn lời...

Tháng Tư xưa phủ tang trời
Thương thay vật đổi sao dời non sông
Nói chi cay đắng trong lòng
Buồn thay thân phận con Rồng cháu Tiên!

Tháng Tư thêm nữa...triền miên
Ố trang lịch sử, đảng điên cầm quyền
Tởm ghê chế độ hồng-chuyên
Triệu người bỏ xứ, vượt biên, lánh rời!

Tháng Tư buồn chạnh tuổi đời
Quê hương cách biệt trùng khơi...không về!
Buồn nghe vọng cổ nhớ quê
Nhủ lòng sống giữ lấy nề nếp xưa...

Duy Anh
Tháng Tư 2023


Những Ngày Này Năm Ấy


(Hồi ức)

Tôi nhớ mãi buổi làm việc cuối cùng ở phòng mạch, đường Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn, vào chiều thứ sáu 25 tháng 4 năm 1975. Bệnh nhân hôm đó đông hẳn lên.Hỏi ra mới biết các phòng mạch chung quanh đều đóng cửa, các bác sĩ đi hết. Cô Bảy, cô y tá người Việt gốc Hoa, lo lắng hỏi tôi:
-Ông có tính đi không?
-Tôi có một, hai đường dây nhưng chưa quyết định đi. Chờ xem tình hình ra sao đã.
Tôi nói cho cô Bảy an lòng, nhưng tôi có linh cảm đây là buổi làm việc chung cuối cùng. Chiều nay trước khi đến phòng mạch tôi đã khám bệnh từ 5 đến 6 giờ ở trạm y tế của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, còn được gọi là Nhà Kiếng, của ông Trần Quốc Bửu. Địch đã về đến Long Khánh. Ông Nguyễn Bá Cẩn, người của ông Bửu, vừa lên làm Thủ Tướng. Hôm ấy người đến chờ xin được ông Bửu tiếp đứng chật ra cả sân sau. Ông Bửu vừa từ Hoa Kỳ trở về.Tôi lo lắng muốn biết tình hình ra sao, liền gọi cô Linh, cô y tá của trạm y tế nói riêng:
-Tôi muốn gặp “ anh Tám”, nhờ cô lên hỏi anh có cần tôi lên đo áp huyết không.
Cô Linh đi độ 5 phút rồi trở về với một người cận vệ của ông Bửu. Anh này nói:
-Bác sĩ theo em, đi cửa riêng, anh Tám chờ bác sĩ.

Tôi theo chân người cận vệ của ông Bửu lên lầu trên, đi dọc theo một hành lang. Ngang qua hai phòng khách, tôi liếc thấy nhiều ông bận đồ lớn ngồi chờ. Tôi được đưa vào phòng riêng của ông Bửu. Tôi thấy ông đang lặng lẽ đứng xé từng xấp giấy vất xuống một thùng cạc tông lớn để dưới chân. Hình như ông không biết đến những người khách đang chờ xin gặp ông . Nhìn thấy tôi ông nở một nụ cười. Nụ cười của ông Bửu lúc nào cũng điềm đạm.
-Em đó à, đo giùm áp huyết cho anh đi.
Tôi biết bệnh của ông Bửu rất rõ. Ông đã đưa cho tôi xem bản sao hồ sơ bệnh lý của ông được thực hiện ở bệnh viện Walter Reed lúc ông sang Hoa Kỳ. Tôi cứ dựa vào đó mà theo dõi . Đo áp huyết cho ông Bửu xong, tôi hỏi ngay:
-Tình hình ra sao anh Tám. Có hy vọng gì không?
Ông Bửu tiếp tục xé giấy vất xuống thùng. Gần cả phút nặng nề trôi qua. Lần đầu tiên tôi thấy tình hình thật sự đen tối.
-Người Mỹ họ không ủng hộ mình nữa. Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước ngoài.Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh , chừng nào anh đi thì đi cùng.
Tôi tin lời ông Bửu nói. Trên đường đi đến phòng mạch tôi như người mất hồn. Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ dịp ra đi bằng máy bay tuần trước. Sắp đến giờ đóng cửa cô Bảy hỏi tôi:
-Thứ hai ông có đến làm việc không?
-Có chứ, trừ phi tình hình thay đổi
-Nếu ông đi thì phòng mạch này ai trông coi?
Tôi sực nhớ đã trả tiền mướn địa điểm cho nguyên năm. Tôi liền viết giấy ủy quyền cho cô Bảy trông coi phòng mạch cho đến hết hạn và cho cô tất cả đồ đạc trong phòng mạch. Tôi đưa cô Bảy về nhà cô. Ngồi trên xe cô Bảy khóc. Đã mấy mươi năm trôi qua,mỗi lần nhớ lại ngày cuối cùng làm phòng mạch ở đường Tổng Đốc Phương ,tôi vẫn hình dung ra được những giọt nước mắt của người nữ y tá trung thành và tận tụy.

Trên đường về,tôi ghé cư xá sĩ quan Chí Hòa. Tôi muốn gặp ông Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Y để báo tin. Ông hay tâm sự với tôi ông có đường đi nhưng vì trách nhiệm ông chưa thể đi. Ông nói có lẽ ông sẽ để gia đình ông đi trước. Tôi đến nhà ông Chỉ Huy Trưởng lúc 8 giờ tối. Chừng nửa giờ sau thì ông về.Tôi lập lại với ông những lời ông Bửu nói với tôi và góp ý:
-Nếu đi thì anh nên đi luôn với gia đình. Tình hình này chần chờ người trước người sau có khi kẹt.
Sau này liên lạc lại được với ông ở hải ngoại ông cám ơn tôi đã đến cho tin, giúp ông có một quyết định kịp thời.
Nhưng tôi không có dịp đi cùng ông Bửu. Tôi nghe nói sáng 30 tháng 4 ông Bửu mới rời Sàigòn trên một chiếc xà lan do tàu Đại Hàn kéo.
Đêm 28 tháng 4 địch pháo dữ dội phi trường Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 29 tháng 4 là một sáng bàng hoàng cho dân Sàigòn. Yên chí mình có đường dây đi với ông Bửu tôi bình tĩnh lái xe vào Trường Quân Y xem tình hình. Cổng vẫn có lính gác. Tôi đến văn phòng tôi. Chẳng có văn thư nào để đọc hay ký cả. Lệnh cấm trại 100% của Cục Quân Y vẫn hiệu lực. Đến giờ này tôi biết một số bác sĩ của Trường đã ra đi, đi trước cả ông Chỉ Huy Trưởng. Tôi đứng ở cửa văn phòng mình một lúc thì gặp trung tá Tá, sĩ quan hành chánh. Ông hỏi tôi, giọng đầy lo lắng:
-Tình hình có sao không hả bác sĩ?
Tôi trả lời ông như một người am hiểu tình hình:
- Chắc là phải liên hiệp nhưng rồi cũng mất, trung tá ạ. Trung tá có đường đi nên đi.
-Tôi nghe ông Chỉ Huy Trưởng đi rồi thì phải.
Tôi gật đầu. Tôi khuyên trung tá Tá cũng như tôi đã khuyên ông Chỉ Huy Trưởng những gì ông Bửu đã khuyên tôi. Tôi thổ lộ điều tôi biết cho trung tá Tá vì hai lẽ: ông là người có nhiều huy chương nhất Trường Quân Y vì ông đã từng phục vụ lâu năm trong quân đội Pháp trước khi sang quân đội VNCH và vì ông có một người con trai đang là sinh viên quân y ngành dược. Qua ông và rồi qua con ông, một số sinh viên quân y đang bị cấm trại có thể tìm cách ra khỏi Trường để tìm đường đi. Với chức vụ Trưởng Khối Tâm Lý Chiến của Trường tôi không thể công khai nói với mọi người nên tìm đường đi ra nước ngoài.
Cho một tin như thế tôi có thể bị truy tố. Tôi rời văn phòng về nhà lúc 12 giờ trưa. Về đến nhà thì vợ tôi vừa hốt hoảng vừa trách tôi:
-Làm thế nào bây giờ anh? Phải đi chứ không thể ở lại được. Đáng lẽ để em và con đi tuần trước cho rồi, cứ cản mãi..
Tôi trấn an vợ tôi:
-Em yên tâm, có đường dây đi rồi, đi với ông Bửu.
-Chừng nào?
-Để xem tình hình sao đã.
-Coi chừng để trể ông đi mất là hết đường.

Tôi cho thêm mình một chữ nếu nữa.Nếu đêm nay tình hình không yên tỉnh thì sáng mai sẽ lên nhà ông Bửu. Vừa lúc ấy một chiếc xe hoa kỳ màu đen, bảng trước có gắn một sao hải quân đỗ ngay trước nhà.
Xe của phó đề đốc Thăng, ông anh cột chèo với anh tôi. Vợ chồng anh Thăng đang ở Cần Thơ, nhưng chị Thăng gọi điện thoại lên cho vợ anh tôi, cho biết có một đoàn tàu của hải quân sẽ rời hải quân công xưởng và khuyên nên vào ở nhà chị, đối diện với cổng vào hải quân công xưởng, để khi có cơ hội là đi.
Cũng vừa lúc ấy anh Thành, thiếu tá không quân,phi công trực thăng, anh cột chèo với tôi, chở vợ và hai con trên chiếc vespa đến tôi hỏi đường đi. Anh Thành nói:
-Anh định vào Tân Sơn Nhất nhưng không vào được. Có đường nào cho tụi này đi cùng.
Vợ tôi giục tôi:
-Đi với anh chị Trang cho rồi, anh!
Tôi trả lời buông xuôi:
-Ừ, đi thì đi.
Đằng nào cũng đi, vậy thì đi với ai cũng vậy. Gia đình ông anh tôi 5 người, gia đình tôi 4 người, gia đình anh Thành 4 người, phía bên ông cụ tôi và bà kế mẫu 8 người. Ngoài chiếc xe của phó đề đốc Thăng, còn có chiếc Fiat của tôi, chiếc Toyota của anh tôi. Tất cả 21 người chen chúc nhau trên 3 chiếc xe đó. Sàigòn ở khu bến tàu lúc bấy giờ vẫn yên tĩnh.Lính gác ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân mở hàng rào chắn cho đoàn xe chúng tôi vào. Chúng tôi tạm trú trong nhà phó đề đốc Thăng và chờ đợi. Không biết lúc nào thì có lệnh cho qua cổng hải quân công xưởng để xuống tàu. Bốn giờ chiều vẫn không có tin tức gì thêm. Ông cụ tôi sốt ruột muốn về. Ông nói:
-Hôm qua chúng nó pháo Tân Sơn Nhất, tối nay có thể chúng pháo vào hải quân công xưởng. Nếu không đi được, qua đêm ở đây nguy hiểm lắm.
Tôi nói với ông cụ tôi:
-Ba ráng chờ, con nghĩ thế nào cũng có tàu đi.
Ông cụ tôi bỏ vào nhà trong. Tôi bước ra ngoài, lang thang trên một đoạn đường Lê Thánh Tôn. Bất ngờ gặp tướng Tôn Thất Xứng. Ông bận đồ xi-vin. Tướng Xứng vồn vã hỏi:
-Ba có đi cùng không cháu?
-Dạ có, ông đang ở trong nhà anh Thăng. Chờ lâu quá ông có ý định muốn về nhà.
Tướng Xứng la lên:
-Chết! Chết! Nói ba đừng về. Cứ ở đây. Tình hình tuyệt vọng rồi, chú biết.
-Để cháu vào nói ba cháu ra gặp chú.
-Ừ, mau lên nghe cháu.

Khi tôi đưa được ông cụ tôi ra chỗ tôi vừa gặp tướng Xứng thì ông không còn ở đó nữa. Ông cụ tôi lặng lẽ trở vào nhà. Chừng nửa giờ sau anh tôi gặp tôi và nói :
-Ba mợ và mấy em về nhà rồi. Phải nhờ tài xế lái xe anh Thăng đưa ra, lính gác mới mở cổng. Bây giờ ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân có lệnh nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Tôi cũng tự hỏi mình có nên liều mạng nằm đây chờ không. Tư hỏi rồi tự trả lời :Nằm đây thì còn hy vọng đi, về nhà là kẹt chắc. Ông anh tôi, cảnh sát; tôi, gốc nhảy dù ở lại chắc khó sống lắm. Ba tôi, tuy là tướng,nhưng ông về hưu lâu rồi, chắc không sao.
Đúng 5 giờ chiều, trên không xuất hiện hai chiếc phản lực hình cá thu, bay lượn quanh tòa đại sứ Mỹ.
Chừng mười lăm phút sau, tiếng trực thăng nghe mỗi lúc một gần. Rồi đoàn trực thăng từng chiếc, từng chiếc bay qua đầu chúng tôi, sà xuống trên nóc tòa đại sứ Mỹ. Mọi người nhốn nháo :
-Mỹ di tản toà đại sứ!
Hai chiếc phản lực nhào xuống thấp, xé gió nghe quặn cả ruột! Một tràng M16 nổ dòn ở cổng Bạch Đằng rồi một tràng M16 khác nghe phía cổng Cường Để.
-Ai bắn vậy?
-Lính mình bắn vào trực thăng di tản à?
-Không phải đâu, chắc dân chúng tính tràn vào, lính hải quân bắn cảnh cáo.
Tôi hỏi khẻ anh tôi :
-Anh có súng không?
-Tao chỉ có một khẩu rouleau nhỏ phòng thân.
Tôi nghĩ đến cảnh hỗn loạn trong các cuộc di tản tại miền Trung trước đây. Tôi nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu lính gác hải quân không cản nổi làn sóng người tràn vào. Tôi chỉ nghĩ thoáng đến đó mà không dám nghĩ gì thêm.
Vào khoảng sau 6 giờ chiều cổng hải quân công xưởng mở. Anh tôi quýnh quáng :
-Có lệnh cho xuống tàu! Gọi điện thoại cho ba mợ hay, hỏi ông bà có muốn đi trở lại không.
Anh tôi nói và làm . Giọng anh run run :
-Có lệnh cho xuống tàu rồi. Ba mợ có đi không, tụi con chờ để nhờ người đưa vào.
Anh tôi nghe một lúc rồi gác máy:
-Cậu Kế sẽ lấy chiếc Fiat của chú đưa ba mợ và mấy em đến cổng Bạch Đằng. Tôi sẽ nhờ chú tài xế của anh Thăng ra đón và năn nỉ lính gác. Nếu cần tặng họ chiếc Fiat của chú. Chiếc Toyota của chị còn đây cũng tặng họ luôn. Cô chú có con dại vào trước đi.
-Xuống cầu tàu nào và đi chiếc nào vậy anh?
- Thì thấy người ta lên chiếc nào mình lên chiếc đó.

Hôm ấy là hôm tôi gặp mặt ông cụ tôi lần cuối cùng. Về sau anh tôi kể lại: Xe đưa ông cụ tôi bị kẹt lại trên đường Hai Bà Trưng, gần hảng nước đá. Cậu tôi gọi điện thoại vào cho anh tôi. Anh tôi nói phải cố đến gần cổng mới đón vào được. Tình hình bây giờ gần như hỗn loạn, lính gác đã bắn ngang chứ không
còn bắn chỉ thiên nữa. Ba mợ và mấy em tôi phải quay về. 14 năm sau những người trong gia đình tôi đã lần lượt đoàn tụ, trừ ba tôi. Chúng tôi nhận được điện tín ngày ông lên đường đoàn tụ và ngày ông mất cách nhau 48 tiếng! Không biết ông cụ tôi không có duyên đoàn tụ với con cái hay có cái gì níu kéo ông lại, không muốn ông gởi xác nơi xứ người.
Gia đình tôi theo làn sóng người tràn vào hải quân công xưởng. Đi một quãng chúng tôi đứng lại chờ. Gia đình anh Thành vào kế tiếp, có thêm chị Thoa,chị vợ thứ hai của tôi, với 3 đứa con cùng đi với vợ chồng trung tá Nam. Chúng tôi họp lại thành một nhóm. Chờ thêm môt lúc không thấy gia đình anh tôi đâu. Tôi chưa bao giờ vào hải quân công xưởng nên không biết có bao nhiêu cầu tàu và con đường nào dẫn xuống cầu tàu nào.Chúng tôi đi trên con đường nhỏ một đoạn khá xa và gặp một nhóm người bồng bế nhau đi ngược trở ra.Tôi hỏi ngay một người đàn ông, dáng bơ phờ,tay nách một em bé gái chừng 2 tuổi đang dãy dụa khóc:
-Không thấy tàu hay sao mà trở ra?
-Có một chiếc nhưng đông nghẹt. Chỉ có nước dẫm lên nhau mà chết. Kinh nghiệm ở Đà Nẵng một lần rồi. Sợ lắm! Chúng tôi đi về đây.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau.Nhưng tất cả lòng muốn đi mạnh hơn ý muốn ở lại hiện rỏ trong các ánh mắt.Chúng tôi cứ đi lần theo theo hướng của những người đang lẻ tẻ đi ngược trở ra. Đến cuối đường chúng tôi thấy một con tàu lớn với hàng trăm người đang chen lấn trên bờ.Tôi lo thầm trong bụng: đông
thế này làm sao lên liền cho được. Nếu tàu nhổ neo ngay thì mình còn xa cả mấy chục thước! Tôi nói với mọi người trong nhóm:
-Mỗi gia đình lo lấy cho nhau. Ai lên trước được sẽ giúp người sau. Coi chừng trẻ con khi lên tàu.
Trên không hai chiếc phản lực vẫn vần vũ. Từng đoàn trực thăng chốc chốc lại bay qua đầu chúng tôi. Sài Gòn bây giờ là một vùng tiếng động khốc liệt. Tôi đã từng hồi hộp trong vài cuộc đổ quân gặp sự chống trả của địch, nhưng hôm nay trong tiếng gầm thét của hai chiếc phản lực nhào lộn, tiếng tình tịch của cánh quạt trực thăng, tôi không mang tâm trạng căng thẳng của cuộc đổ quân, mà là một tâm trạng rã rời, uất ức, cô đơn đến ghê rợn, của một cuộc tháo chạy, tháo chạy ngay từ thủ đô của đất nước mình, để dấn thân vào một vùng đất lạ nào tôi chưa được rõ.

Chúng tôi nhích từng chút về hướng chiếc tàu. Khoảng cách còn chừng 5 thước. Số người thối chí bỏ ra về khá nhiều cho tôi hy vọng có thể lên được tàu trước khi tàu rời bến.Tôi ẵm đứa con trai đầu lòng, bé Ngọc, mới 3 tháng, trong vòng tay phải; cái túi xách đeo ở vai phải; tay trái tôi sẽ dùng để nắm dây bước lên tàu. Hai cái xách còn lại, vợ tôi, một cái đeo vai, một cái cầm ở tay phải. Vợ tôi bám sát lưng tôi.Tàu đậu cách bến chừng một thước. Một thanh gỗ vuông rộng chừng hai mươi phân được bắc ngang làm cầu. Một sợi dây thừng, to bằng ngón chân cái, được căng từ lan can tàu xuống cái khoen sắt để buộc dây tàu nằm trên bờ. Chiếc cầu khỉ ngắn ngủn này là nơi tôi chứng kiến một thảm cảnh: Khi tôi men lại được gần thanh gỗ, thì trước tôi, một người đàn bà, vai mang một một em bé gái nhỏ trên lưng, tay phải dẫn một đứa bé trai chừng bốn, năm tuổi bước lên thanh gỗ. Nói là đi nhưng thật ra chúng tôi bị khối người phía sau đẩy tới. Lúc đứa bé nắm tay mẹ tiến lên thì trên tàu bỗng dưng có một người đàn ông chen lấn đi ngược xuống. Thanh gỗ nhầy nhụa bùn đất trở nên trơn trượt. Thằng bé, không biết hụt
chân hay trượt chân, vuột khỏi tay mẹ nó, rơi tõm xuống sông. Nó chìm nghỉm. Tiếng bà mẹ thất thanh:
-Cứu con tôi với! Cứu con tôi với!
Không một ai đáp ứng lời kêu cứu. Tôi nghe lạnh cả người, mồ hôi toát ra đầy trán. Tay phải tôi siết chặt bé Ngọc, nó dãy lên khóc vì nghẹt thở. Tôi biết lúc này không cẩn thận là ngã xuống sông tức khắc.
Người đàn bà không chịu bước, nhìn xuống mặt sông, tiếp tục la cầu cứu. Tôi hét lớn:
-Đi lên tàu rồi tính! Cứ đứng lại, bị đàng sau dồn, rớt xuống sông chết cả đám bây giờ!
Tôi tiến sát người đàn bà, dung đầu gối phải thúc bà đi tới. Tôi bước lên được tàu. Người đàn bà,hai tay nắm chặt lan can tàu, nhìn xuống mặt sông khóc thảm thiết. Tôi nới tay siết bé Ngọc, nó thở được, nín khóc. Sờ nắn xương sườn nó, thấy nguyên vẹn, tôi yên tâm.
Cả nhóm chúng tôi lên tàu an toàn. Khoảng 7 giờ tối thì dứt tiếng phản lực lẫn tiếng trực thăng. Yên lặng và bóng tối mờ mờ bao trùm cảnh vật. Đến 9 giờ tối, tàu không còn ai lên nữa.Tôi thấy thương cho người đàn bà có đứa con rớt xuống sông ban nãy. Giá biết đến giờ này tàu vẫn chưa đi hà tất phải chen
lấn nhau và đứa bé khỏi mất mạng một cách thê thảm. Một nguồn tin truyền miệng đến tai tôi rằng tàu này hư máy có thể không đi được làm cả nhóm lo lắng. Tôi len lỏi trong đám đông kiếm các sĩ quan hải quân hỏi tin tức. Tôi gặp hai người: trung tá Minh, chồng của nhà văn Điệp Mỹ Linh, và trung úy Lý, sĩ
quan cơ khí, anh của dược sĩ Vỹ, trước đây cũng ở Dù với tôi. Minh cho tôi hay anh nghe Bộ Tư Lệnh Hải Quân có tổ chức một đoàn tàu đi sang Phi Luật Tân, nhưng anh không biết chiếc này có nằm trong đoàn tàu ấy hay không. Lý cho tôi biết tin đích xác hơn về con tàu: Tàu đang ở thời tu chỉnh đại kỳ,
nhưng ông hạm trưởng, thiếu tá Tánh, trong thời gian qua có đốc thúc sửa chữa. Giờ này đang ráp máy thứ nhất. Tàu sẽ chạy một máy. Lý nói thêm:
-Tôi đang phụ sức vào đây. Tàu sẽ chạy rất chậm vì chạy có một máy và vì người quá đông. Hy vọng 12 giờ đêm máy sẽ ráp xong.

Tàu rời hải quân công xưởng lúc 1 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4. Gặp lại trung úy Lý, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười thỏa mãn:
-Ráp máy xong tôi sợ nó trục trặc không chạy thì khốn. Mình đi trên sông Lòng Tảo. Hải trình này an ninh hơn nhưng ngại ở điểm lòng sông có chỗ cạn. Mắc cạn là nằm chịu chết vì tàu một máy lại chở quá nặng nên không cách gì lui được. Khoảng trưa mai mình sẽ ra tới Vũng Tàu.
Đúng 2 giờ sáng địch tấn công Nhà Bè. Những bồn xăng trúng đạn bốc cháy dữ dội. Giờ hấp hối của Sài Gòn bắt đầu. Tôi thương vô hạn những người lính Cộng Hòa giờ này còn ở vị trí chiến đấu.Chống trả mà biết là vô vọng thì đau khổ dường nào! Tôi úp mặt khóc một mình. Bao nhiêu năm chiến đấu để rồi vào giờ phút này mới biết số phận đất nước mình chỉ là số phận một con tốt thí trên bàn cờ quốc tế! 13 năm sau, cũng ngày 30 tháng 4 này, khoảng 5 giờ chiều, tôi đang ngồi trực ở phòng lái của chiếc tàu Mary’S Kingstown được hội Y Sĩ Thế Giới gởi đi vớt thuyền nhân, thì thuyền trưởng Francois, tay cầm ống nhòm, leo lên đứng cạnh tôi. Tàu đang chạy sát lằn ranh hải phận Việt Nam. Ông đưa ống nhòm lên quan sát một lúc rồi nói với tôi:
-Ông hướng ống nhòm về hướng tôi chỉ, nhìn cho kỹ, sẽ thấy Côn Đảo.

Tôi hướng ống nhòm về phía bờ biển Việt Nam, điều chỉnh cho hình ảnh thật rõ thì quả thật thấy Côn Đảo hiện ra mờ mờ như bóng mây. Tôi nghe lòng mình xôn xao. Hình ảnh con tàu năm nào đã đưa tôi rời khỏi nước lại hiện trở về. Con tàu đã đi thâu đêm trên sông Lòng Tảo, xa dần Sài Gòn đang bị địch
siết chặt vòng vây. Tôi đã thầm cầu nguyện tàu đừng hỏng máy bất chừng, đừng mắc cạn và nhất là đừng gặp địch.
10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, qua máy thu thanh trên tàu, chúng tôi bàng hoàng nghe tướng Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi buông súng. Bài hát Nối Vòng Tay Lớn ra rả không ngừng. Nghe bài hát tôi không thấy vòng tay mình lớn ra mà chỉ nghe tim mình thắt lại. Cái hy vọng mong manh về một chính phủ liên hiệp, sau lời kêu gọi của tướng Dương Văn Minh, bây giờ với tất cả mọi người thật sự là mây khói. Riêng chúng tôi, những người trên tàu, còn một hy vọng: thoát ra khỏi nước. 2 giờ chiều, tàu ra đến cửa biển Vũng Tàu. Mọi người vừa mừng vừa hội hộp.Bờ biển Vũng Tàu bây giờ như một cảnh chợ chiều.Cả trăm chiếc thuyền, ghe lớn ghe nhỏ lêu bêu đầy mặt nước. Có chiếc ghe gắn máy đuôi tôm, không người lái, cứ lạch tạch chạy vòng vòng trên biển như chiếc ghe ma. Tàu tiếp tục chạy. 4 giờ chiều tàu ra tới hải phận quốc tế. Mọi người trên tàu vỗ tay mừng thoát nạn. Câu hỏi được đặt ra là bây giờ đi đâu? Ý định ban đầu của hạm trưởng Tánh là đi Tân Gia Ba. Nhưng với tình trạng tàu chạy một máy hiện nay cộng với cả ngàn người trên tàu, thực phẩm và nước ngọt ít oi thì không thể nào thực hiện cuộc vượt trùng dương được.Trung tá Minh nói:
-Họp ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân tôi nghe tin có một đoàn tàu hải quân sẽ đến một điển hẹn ở ngoài khơi Côn Đảo. Ở đó sẽ có hải quân Hoa Kỳ hộ tống đoàn tàu Việt Nam qua Phi Luật Tân. Đoàn tàu của hải quân Việt Nam sẽ được giao lại cho hải quân Hoa Kỳ.

Tàu hướng về Côn Đảo với vận tốc 4 hải lý một giờ. Trên đoạn đường ra Côn Đảo tôi chứng kiến thêm một cái chết thứ hai: Cái chết của phi công lái chiếc phi cơ trinh sát. Anh liên lạc với tàu cho biết trên phi cơ có hai người. Tàu cho biết trên tàu có một toán người nhái sẵn sàng vớt họ sau khi nhảy ra khỏi phi
cơ. Phi công cho biết phi cơ sẽ hạ thấp vòng đầu cho người hạ sĩ quan cơ khí nhảy, vòng thứ nhì anh sẽ nhảy. Vòng đầu máy bay bay rất thấp, là là mặt nước. Một người nhảy ra.Muơi giây sau một cái đầu nhoi lên khỏi mặt nước. Chúng tôi trên tàu vỗ tay reo hò. Hai người nhái phóng xuống biển vớt anh lên một cách thông thạo. Ở vòng nhì máy bay không hạ thấp như lần trước. Khi máy bay ở thế song song với tàu người phi công nhảy ra. Anh không rơi thẳng mà rơi lộn vòng. Mọi người im lặng chờ đợi. Một số người la hoảng:
-Trồi đầu lên! Trồi đầu lên!
Mặt biển vẫn im lìm. Tôi nghĩ người phi công đã bất tỉnh sau khi va chạm mạnh vào mặt nước. Cái chết ở thời điểm này được chứng kiến không nước mắt và được quên đi rất nhanh.
Trưa ngày 1 tháng 5 tàu ra đến Côn Đảo. Nhìn lên đảo thấy người đứng lố nhố và cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ. Tàu chạy thẳng ra khơi. Khoảng 4 giờ chiều, những tiếng la gần như đồng loạt vang lên trên tàu:
-Hạm đội Mỹ! Hạm đội Mỹ!

Tin của trung tá Minh chính xác. Đoàn tàu chiến Mỹ, trắng xóa, trải kín cả chân trời. Tàu đánh điện xin tiếp tế lương thực, nước uống và thuốc men. Trên tàu lúc bây giờ đếm ra có 10 bác sĩ. Chúng tôi họp nhau thẩm định tình trạng sức khỏe của đồng bào. Tiêu chảy và viêm mắt khá nhiều. Một người đàn bà mang thai đến ngày sinh cần chuyển gấp sang tàu Mỹ. Chúng tôi cũng cần sữa cho trẻ con. Tôi được giao phó báo cáo tình trạng sức khoẻ và nhu cầu thuốc men.
Tàu tiến dần về một khu trục hạm rồi tắt máy nằm song song với chiếc tàu Mỹ. Thủy thủ, sĩ quan Mỹ đứng kín cả boong tàu nhìn chúng tôi. Họ cười với chúng tôi; chúng tôi cười với họ. Tôi cố tìm mà không hiểu nỗi nghĩa nụ cười của đôi bên. Tôi nghe có chút gì cay đắng trong lòng. Tôi không biết phải coi họ là gì của mình bây giờ? Những người bạn đồng mình hôm qua! Đúng rồi hôm qua, hôm qua !
Sáng hôm sau mười mấy chiếc tàu của hải quân Việt Nam được sắp lại thành đoàn. Chiếc tàu của chúng tôi vì đông người, vì chạy có một máy, nên được một chiếc tàu khác của hải quân Việt Nam cột giây kéo cho đi nhanh thêm và được ưu tiên sắp đi đầu. Theo lục lệ của hải quân, hai chiếc phản lực, cất cánh từ một hàng không mẫu hạm nào đó, lượn mấy vòng, rồi đoàn tàu bắt đầu di chuyển đi Subic Base của Phi Luật Tân.

Sau 13 ngày trên biển, tàu đến hải cảng Subic Base của Phi Luật Tân. Có lệnh phải hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống trước khi cập bến vì Phi Luật Tân đã thừa nhận thể chế mới ở Việt Nam. Chúng tôi làm lễ hạ cờ và hát quốc ca. Có lẽ đây là buổi chào hạ cờ duy nhất mà mọi người hiện diện, già trẻ, lớn bé, dân sự lẫn quân sự, đều nước mắt chan hòa. Tôi có làm một bài thơ chỉ có 4 câu:Tôi đứng trên boong tàu/ Chào quê hương lần cuối/ Nước mắt bỗng tuôn dâng/ Khi màu cờ hạ xuống.
Chúng tôi được chuyển từ chiếc HQ 400 sang một chiếc tàu buôn của Mỹ. Đi thêm 2 ngày thì tới đảo Guam. Tối hôm đó tôi ngồi thao thức rất khuya trước lều. Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới. Tôi thấy mình đang trắng tay. Gia tài còn lại là 20 mỹ kim, đổi được từ tháng lương cuối cùng trước khi rời nước.
Bây giờ làm thân tị nạn, tôi sẽ phải đi đâu, xin định cư xứ nào? Xin đi Pháp thì có thể tôi sẽ dễ dàng lấy lại bằng hành nghề nhưng nghe nói đời sống kinh tế bên đó khó khăn. Ở Canada nghe có tỉnh bang Québec nơi đó người ta nói cả tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, khí hậu lạnh nhưng đời sống dễ chịu. Lúc đó tôi không hề nghĩ đến chọn nước Mỹ. Không biết có phải vì vốn liếng Anh ngữ của tôi không dồi dào bằng vốn liếng Pháp ngữ hay còn có một lý do thầm kín nào khác thì tôi không rõ.
Chẳng biết câu châm ngôn thời đi Hướng Đạo:’’ Hướng đạo sinh vui tươi trong lúc khó khăn’’ có giúp tôi giữ được vui tươi trong những lúc khó khăn hay không , nhưng câu châm ngôn ngắn gọn mà giản dị của thời đội Mũ Đỏ:’’ Nhảy Dù! Cố Gắng!’’quả thật đã giúp tôi rất nhiều. Cố gắng bình tỉnh, cố gắng nhẫn nại, cố gắng hy vọng. Tôi đã cố gắng bình tỉnh trả lời ông sở di trú ở đảo Guam khi tôi đến xin định cư ở Québec, Canada. Ông nhìn hồ sơ của tôi rồi nói:
-Đất nước chúng tôi không ưu tiên cho thành phần ở trong Quân Đội.
Tôi nhớ tôi đã trả lời ông:
- Tôi ở một nước đang có chiến tranh, ngoại trừ trẻ em và người cao niên, đàn ông thuộc thành phần còn lại đều phải ở trong quân ngũ.
Ông ta bồi thêm câu thứ hai:
-Tỉnh bang Québec hiện đang thừa bác sĩ. Rất có thể qua đó ông không hành nghề trở lại được.
Tôi cũng đã bình tỉnh trả lời:
-Tôi sẽ hết sức cố gắng để trở lại nghề. Nhưng nếu không được ít ra tôi và gia đình tôi cũng được sống trong một xứ có tự do.

Bốn ngày sau gia đình tôi cùng với khoảng 200 tị nạn người Việt đầu tiên được bốc từ đảo Guam sang thành phố Montréal của tỉnh bang Québec. Sau hai tuần nhận được trợ cấp, tôi được ông di trú thúc đi kiếm việc làm. Tôi được giới thiệu đi làm bán thời gian ở một bệnh viện tâm thần. Tôi làm ca đêm, thuộc ‘’équipe volante’’, trại nào thiếu người tôi được gởi đến. Tuy chức vụ chỉ là phụ y công, với đồng luơng cao hơn đồng lương tối thiểu 40 xu, tôi cũng phải qua một khóa huấn luyện một tuần để biết cách làm giường, cách thay quần áo cho bệnh nhân,cách đỡ bệnh nhân ngồi dậy v..v.. Nếu có những ca đêm rơi đúng vào các trại bệnh nhân ổn định, gặp các bà y công tốt bụng, biết tôi là bác sĩ tị nạn chưa hành nghề lại được, họ làm hết mọi việc, tôi chỉ ngồi ôm sách học. Nhưng nếu ca đêm nào rơi đúng vào trại bệnh tâm thần nặng, tôi phải ngồi canh ở một chiếc ghế đặt giữa hành lang, dưới ánh đèn mờ mờ. Bệnh nhân ở trại này mỗi người được giữ trong một phòng riêng, có khóa bên ngoài.Trong phòng không có vật dụng nào ngoài cái bô vệ sinh. Cái giường ngủ cũng làm bằng xi măng. Tôi không rõ họ được nuôi ăn như thế nào. Làm ca đêm ở trại này tôi không những không học được mà còn hầu như không ngủ được vì những tiếng hú, tiếng hét chốc chốc lại vang lên trong đêm khuya. Một kỷ niệm từng khiến tôi ‘’lạnh người’’ làm tôi nhớ mãi. Ở trại này, buổi sáng trước khi chấm dứt ca trực của mình, người y công chính giao tôi nhiệm vụ mở khóa phòng từng bệnh nhân, lấy cái bô vệ sinh của họ đem đi đổ. Một buổi sáng, mở khóa cửa phòng của một bệnh nhân, bước vào trong tôi không thấy anh ta đâu. Tôi hết hồn vì nếu bệnh nhân đã thoát ra khỏi phòng thì tôi sẽ gặp rắc rối.
-Bonjour!
Tôi giật mình quay người lại thì thấy người vừa chào tôi, trần truồng như nhộng, lông lá đầy mình, đứng núp sau cánh cửa, hai tay chéo nhau như cố che kín hạ bộ của mình, nhìn tôi với cặp mắt dò xét.Tôi vội vàng khom người với tay kéo cái bô vệ sinh, mắt vẫn không rời người bệnh kèm thêm một nụ cười cầu thân. Xong, tôi rút nhanh ra khỏi phòng và khóa cửa.

Tôi đã sống với nghề phụ y công trong 10 tháng. Cho đến khi thi đậu nội trú.Y Sĩ Đoàn Québec vào đầu năm 1976 mở một khóa huấn luyện 3 tháng nói là để trình bày về nền y khoa ở Québec cho nhóm bác sĩ Việt Nam , lúc đó có khoảng 80 người. Sau khóa huấn luyện, Y Sĩ Đoàn Québec mở một khoa thi đặc biệt dành cho các bác sĩ Việt Nam. Có 40 người được chấm đậu. Tôi may mắn có tên trong số người này. Tiếp đó Y Sĩ Đoàn Québec thông báo 4 Đại Học Y Khoa ở Québec cho biết chỗ nội trú dành cho các bác sĩ Việt Nam niên khóa 1976-1977 là 20 chỗ. Tôi lại may mắn có tên trong số người được chọn. Tôi được gởi đi làm nội trú cùng 3 bác sĩ Việt Nam khác ở Đại Học Y Khoa Sherbrooke, cách Montréal chừng 100 câysố. Tại đây có thêm 5 bác sĩ ngoại quốc, 4 ở Nam Mỹ, 1 ở Bắc Phi, sang tu nghiệp vừa nội trú vừa thường trú. Chúng tôi họp thành một nhóm mà chúng tôi gọi đùa là ‘’ Peloton des Légionnaires’’ ( Tiểu Đội Lê Dương ). Nội trú người bản xứ được thi lấy bằng hành nghề vào năm thứ tư. Vì thế khi làm nội trú họ
không phải lo thi cử gì cả. Các nội trú hay thường trú gốc Nam Mỹ hay Bắc Phi họ cũng thi lấy bằng hành nghề. Nhưng đậu thì cũng tốt, không đậu cũng chẳng sao. Đằng nào trước khi trở về nước họ cũng được cấp chứng chỉ đã tu nghiệp ở Canada. Riêng với nhóm nội trú Việt Nam thì chuyện thi lấy bằng hành nghề là một vấn đề sinh tử. Cho nên ngoài trực gác, chăm sóc bệnh nhân, phụ mổ, chúng tôi còn phải lo học thi. Đêm nào tôi cũng phải thức đến một hai giờ sáng để học. Và may mắn đã đến cho 3 trong 4 nội trú Việt Nam chúng tôi năm đó. Kể từ tháng 9 năm 1977 tôi chính thức trở lại nghề trên quê hương thứ hai của mình.
Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ xa quê hương! Chừng nào tôi mới về thăm? Có lẽ phải chờ cái ngày mà miền Bắc chân thật nhìn nhận, vào thời điểm 30 tháng tư năm 1975, họ cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ quốc tế, chỉ khác hơn miền Nam một chút, họ được chọn làm con tốt sang sông, thế thôi.

Trang Châu


Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Chiến Sĩ Việt Nam - Sáng Tác: Văn Cao (Đầu Thập Niên 1940) - Đàn&Hát Phạm Ngọc Lân


Sáng Tác:Văn Cao (Đầu Thập Niên 1940) 
Đàn&Hát: Phạm Ngọc Lân

Oan Nghiệt



Ai gây gió bụi mịt mờ
Thuyền tình trôi dạt bến mơ chẳng tròn
Đâu rồi tà lụa gót son
Đôi chân chim sáo lối mòn thong dong
Vô tư cái thuở còn không
Môi ngoan mắt phượng mày cong hữu tình
Cơ trời chút phận linh đinh
Tháng Tư oan nghiệt vùi mình biển sâu

Kim Phượng

Tháng Tư Ơi Những Phù Vân

 

Tháng ơi, nng vàng
Ngoài kia khóm cành ngang góc nhìn
Chút bâng khuâng, chút lng thinh
như th bóng hình tháng năm
Tháng ơi, bng tht gn
Bao nhiêu năm vn ng chng hôm qua
Gương soi thôi nhng la là
Môi ngon thôi du tình xa cui ngàn
Tháng ơi, nhng phù vân
Theo đi my bn qua ln my sông
Chia nhau bao ni đưng trn
nghe trong git l ngăn đáy lòng
Tháng em bun không?
ngi đếm si ch lng bóng đêm
Thương câu tóc xõa vai mm
nay mây đã trng thm lãng quên
Tháng ơi, nhng mun phin
Nm trong c dc trin lũng sâu
gi nhng mùa sau
nghe thương nh nhum màu trăm năm...

Nguyn nh Long


Ngày Xưa Em Bước Bên Chồng

 

Ngày xưa em bước bên chồng.

Áo hoa rực rỡ môi hồng son tô.

Hương bay tóc xõa đôi bờ.

Đôi tay ngà ngọc ngây thơ lạ lùng.

Mùa xuân chim hót vui mừng.

Cành hoa lan nở bên rừng chào ai.

Cây trâm khoe lược em cài.

Mây bay về ngõ phương đài hoang sơ.

Ngẩn ngơ anh mãi ngẩn ngơ.

Mắt em đáy nước Ngũ Hồ còn trong.

Ngày xưa em bước bên chồng.

Dấu chân nâng nhẹ mây hồng non cao.

Cành non xanh nhẹ làm sao.

Thơ bay đi mất hôm nào xuân sang.

Hoang vu thưở nắng chưa vàng.

Em đem hạnh phúc lên đường về Kinh.

Tây Thi sao đứng bên đình?

Đêm trăng đài các nghiêng mình ngòai song.

Ngày xưa em bước bên chồng.

Đoan trang thùy mị cho lòng anh say.

Trăng treo thượng uyển trăng đầy.

Hái bông hoa nở trên tay Chiêu Hoàng.

Tầm Dương đợi gió thu sang.

Áo em buông nhẹ như hàng thùy dương.

Trưa em say giấc thiên đường.

Thần tiên mở hội bên giường mừng reo.

Ngày xưa em bước bên tôi.

Thêm trang lịch sử cho đời buồn vui.

Phồn hoa phố chửa ngậm ngùi.

Lung linh mây hạc chân trời còn xanh.

Ngựa xe hướng nẻo kinh thành.

Thềm hoa trang trải áo xanh lụa vàng.

Đêm vui yến tiệc chưa tàn.

Có ai nâng nhẹ cung đàn phượng bay.


Đào Văn Bình
(Trích tuyển tập Tổ Ấm Cuối Cùng xb năm 1987)

Đời

  

Trăm Năm là một kiếp con người
Tuổi tôi đã đạt bách niên rồi.
Dừng chân quay mặt nhìn quá khứ
Ôn chuyện qua, suy gẫm sự Đời.

Thời trai trẻ chạy theo danh lợi
Tạo cơ ngơi, nước mắt mồ hôi
Địa vị đạt thành trong xã hội
Cửa rộng, nhà cao đã một thời.

Ba mươi Tháng Tư (1975), ngày vong quốc
Công danh, sự nghiệp nước cuốn trôi
Bỏ xứ lưu vong ra hải ngoại
Đến nay trên bốn chục Năm rồi.

Giờ đây,
Tuổi hoàng hôn, đường trần cuối nẻo
Nhà già gác trọ, một mình tôi
Nhiều đêm khó ngủ, ôn quá khứ
Nhìn đêm đen, suy gẫm chuyện Đời
Chợt thấy trần gian là quán trọ
Đời con người sắc sắc, không không.

Trần Công/Lão Mã Sơn



Nỗi Buồn

 
(Chân Dung Tự Vẽ)

Ôm nỗi buồn thật chặt để rồi say
Xé từng mảng tìm trong vết đoạ đầy
Tám năm chết dấp buồn vong quốc
Mưa lũ rừng hoang xoá vết đau này.

Em có nghe đến tận nỗi u buồn
Thì hãy đặt nụ hôn vào cơn đau
Ta sẽ lịm đi trên bờ môi đỏ
Nỗi buồn trong ta nhờ đó qua mau.

Quê hương thì không dự báo chia tay
Mà sao vội vã chia ly, đoạ đầy
Nhìn vào mắt em thấy màu tri kỷ
Chia nửa nỗi buồn ở tận nơi này.

Ai bảo sống tha phương là quên hết
Xoá tan đi nỗi nhớ tận quê nhà
Ta chợt nhớ, lúc tan cơn cuồng nộ
Rồi trở về nhớ trọn kiếp trong ta.

Tế Luân


Chết Khô

 

Đường xưa đã mất dấu giày
Sao em đành nỡ vội bay về trời
Hương chơi vơi lòng chơi vơi
Anh đi tìm suốt cuộc đời vô duyên

Nẻo buồn bụi bám gót tiên
Còn không một chút dịu hiền chiêm bao
Bỏ anh tức tưởi nghẹn ngào
Sao không gửi một lời chào dỗ anh

Bây giờ lá hết màu xanh
Cây khô hoa héo mong manh nắng tàn
Chỉ còn một chút sương tan
Hay là nước mắt muộn màng vấn vương

Hững hờ gió gọi khói hương
Em không trở lại thiên đường âm u
Biết đâu cõi phật mà tu
Ngày không còn nữa mịt mù đêm đen

Không đốm lửa không ánh đèn
Bao nhiêu xác chết sang hèn giống nhau
Bơ vơ lạnh trước lạnh sau
Bốn bề vực thẳm ngõ nào bình yên

Hết tình hết nợ hết duyên
Lẽ đâu em nỡ lòng quên hết rồi
Anh như lá mục nổi trôi
Theo bao dòng nước mấy đời hồn tan

Em không dẫn lối đưa đàng
Nên anh lạc xuống suối vàng bơ vơ
Biết đâu là bến là bờ
Son môi mất dấu đợi chờ chết khô

Tìm trong cỏ úa ven mồ
Gặp cành hoa dại thẫn thờ hương xưa
Lòng đau trời cũng đổ mưa
Nhòa tan mộng ảo đón đưa bóng mình…

MD 01/30/03
LuânTâm
(Trích trong TT HƯƠNG ÁO,MinhThư xb,MD.USA.2007,tr.137-138)

Bao Giờ Tôi Quên


"Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt xảo nhất vẫn là trái tim người mẹ …"

Trời mùa thu nơi xứ người sao mà âm u quá, tôi liên tưởng đến quê hương mình mà thương mà nhớ ngập lòng … Hăm sáu năm xa cách quê nhà, dẫu có vài lần về thăm nhưng chỉ còn là nỗi đau thầm lặng trong tôi, nhìn mái nhà xưa, nhìn di ảnh Mẹ Cha trái tim tôi như trào lên niềm u uất, nước mắt tôi tuôn rơi làm nhạt nhòa mọi vật xung quanh!

Rồi tôi lại lặng lẽ ra đi, trở lại phương trời viễn xứ để vật lộn với cuộc sống gian nan, mà người ta thường bảo là “ Ai đến Mỹ cũng thành tuổi Sửu” … Thực tế là như vậy, hơn hai mươi năm lăn lóc xứ người, tôi chưa hề có giấc ngủ trưa mà không chỉ riêng tôi, tất cả mọi người đều như thế, cuộc sống nơi đây như cái máy, cày như trâu cày ruộng mà cũng chẳng có dư với cái nợ bill hàng tháng chất chồng - Nước Mỹ đang thời kỳ suy sụp tận cùng, người thất nghiệp lên tới con số khổng lồ chưa bao giờ có, chính phủ cũng đành bó tay trước đại nạn này, bởi vậy, các bạn ơi, Hoa Kỳ không là thiên đường như mọi người ca tụng đâu, những người có đủ khả năng kinh tế học thành tài như Bác Sĩ, Kỹ Sư, Doanh Gia thì sung sướng đấy, còn ngược lại nửa nạc nửa mở học hành chẳng tới đâu thì vất vả vô cùng mà có lẽ số người vào hàng này thì đông vô kể …trong số đó có tôi.

Con người khi đến tuổi về già thường hay suy nghĩ vẩn vơ, nỗi buồn thường xâm chiếm bất ngờ … như tôi đây, sáu bó rồi còn gì! Thật khủng khiếp, mới hồi nào mất nước có tí tẹo tuổi đời mà bây giờ … ghê quá, bằng tuổi cha mẹ khi xưa – Con đường về La Mã cũng cận kề, cuộc sống này như áng phù vân, thời gian trôi vùn vụt chẳng chờ chẳng đợi một ai đâu, có tiếc nuối cái thuở xuân hồng cũng chỉ là ảo vọng mà thôi, tóc sẽ bạc, răng sẽ rụng dần và xác thân chờ ngày về nuôi cây cỏ - Con người sống với nhau bằng một chữ Tâm, để khi nằm xuống vẫn còn được thương tiếc nhắc nhở phải không các bạn, ngày xưa khi Cha Mẹ tôi còn sống thường hay khuyên nhủ điều này, tôi cũng cố gắng để sống sao cho không thẹn với lòng mình, dẫu đời nhiều vị kỷ, lắm bon chen nhưng ta hãy nhìn đời bằng cắp mắt lạc quan, thanh thản và hãy sống thật tốt đẹp cho Mẹ chúng ta vui dẫu Mẹ còn hay đã mất bởi vì Mẹ là kỳ quan tuyệt xảo nhất trần gian bạn ạ .

Tôi nhớ lại khi xưa, ngày tôi còn rất nhỏ, mỗi lần có các cháu của Mẹ tôi từ Bình Long xuống chơi là Mẹ hay làm món chả trứng đánh chung mắm ruốc, Mẹ tôi cho gia vị thế nào mà ngon quá, trứng và mắm ruốc tan lẫn vào nhau phát ra mùi thơm nồng, lớp trên mặt chả một màu vàng ửng thấy mà thèm … Mẹ tôi cho ăn chung với dưa leo sắt lát hơi dày, cháu Dưỡng của Mẹ mỗi bữa ăn tám chén cơm tưởng chừng bể bụng mà vẫn còn muốn ăn nữa cái món hấp dẫn này – Hăm tám năm nay từ khi Mẹ mất tôi không còn được thưởng thức nơi nào làm ngon như Mẹ đã làm, chính tôi đã tự làm mà cũng chả giống ai cả, ăn món này tôi làm càng thêm nhớ lại Mẹ tôi mà cảm nhận xót xa buồn tủi…

Mẹ tôi làm nhiều món ăn mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không học được, có lẽ do tôi vụng về nấu nướng hay vì Mẹ có biệt tài … Tôi rất thích món canh bún tàu nấu với lòng gà, ôi chao ngon tuyệt – Nó đậm đà làm sao ấy, bún tàu thật dai và trắng phau, lòng gà thì đủ loại tim, gan, cật, trứng non, mề … trên mặt tô canh bún tàu lòng gà loáng thoáng màu mở hành phi và rau ngò gai với rau răm sắt nhỏ, trông hấp dẫn và khi ăn vào càng mê ly bởi vị ngọt và đậm đà của tô canh ấy, cho đến nay tôi cũng chưa bao giờ ăn được tô canh bún tàu lòng gà có mùi vị thơm ngon như Mẹ tôi nấu ngày xưa tuy rằng tôi đã đi ăn nhiều nhà hàng để mong tìm lại hương vị thuở xa xưa, nhưng mãi đến nay vẫn chưa tìm ra.

Chúng ta có những người Mẹ tuyệt vời nhưng tất cả chúng ta đều thờ ơ khi Mẹ còn sống, điều đó đã làm bao con tim nức nở vào những ngày lễ Vu Lan, Lễ Mẹ và vào cả những đêm buồn thao thức trở trăn ! Mẹ là nguồn suối mát che chở bảo bọc ta, Mẹ là ánh sáng pha lê trong suốt hướng dẫn ta trên con đường vạn nẻo chông gai, mất Mẹ rồi mới thấy tiếc nuối vô vàn, những ai còn Mẹ là diễm phúc cuộc đời, là niềm vui bất tận đó bạn ơi, xin hãy làm bất cứ mọi điều cho Mẹ vui, Mẹ sống thêm với chúng ta bởi mất Mẹ là mất cả bầu trời dịu ngọt, cô đơn buồn tủi sẽ vây chặt chúng ta trong mỏi mòn bạn ạ !

Ngày xưa trong vòng tay Mẹ ấm êm, những khi tôi bị cảm Mẹ nấu cháo cảm cho tôi ăn là tôi hết bệnh ngay, Mẹ nấu cháo thật nhừ và thật sôi trên bếp, Mẹ tôi đập sẳn hai lòng đỏ trứng gà, sắt nhuyển thật nhiều củ hành ta, rắc thật nhiều tiêu xay, một chút nước mắm nhỉ vào một cái tô, xong Mẹ tôi múc cháo đang sôi trên bếp đổ vào tô trộn đều cho tôi ăn ngay lập tức, tôi vừa ăn vừa thổi vừa xuýt xoa vì vị cay nồng của tiêu và hành sống, chỉ hai lần ăn như thế là tôi hết cảm ngay, quả là liều thuốc tiên Mẹ đã cho tôi, suốt đời tôi không quên được – Bây giờ ở xứ phù hoa này, mỗi mùa thu đến là cảm cúm bao vây hành hạ, tôi uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi, ăn bao nhiêu tô cháo cũng không lành bởi nào có được tô cháo cảm như Mẹ nấu cho ăn, vì bệnh mà còn phải xuống bếp tự nấu cháo mà ăn, mệt nhừ người ra thì còn nấu ra hồn gì nữa!

Mẹ ơi - Viết những dòng này con nhớ Mẹ vô vàn, Mẹ là người Mẹ đáng kính, đáng yêu, Mẹ đảm đang mọi bề, Mẹ lại có cái Tâm cội phúc – Con nhớ mãi mỗi lần có kẻ ăn xin đến cửa nhà, không có tiền thì Mẹ mang gạo ra cho, không bao giờ Mẹ để họ đi với lòng thất vọng, biết bao nhiêu lần như thế từ khi con lên ba và nhìn thấy cử chỉ đáng yêu của Mẹ, tấm lòng của Mẹ dành cho người nghèo khó hơn mình, Mẹ còn ăn chay trường từ khi con lên ba tuổi con biết được hàng ngày Mẹ chỉ ăn đậu hủ kho tương với xì dầu chay … con chưa hề thấy Mẹ ăn một miếng thịt miếng cá nào, vậy mà ngày cúng giỗ hay ngày có tiệc khoãn đãi người thân Mẹ làm món tiết canh vịt tuyệt vời ngon…Cho đến bây giờ món tiết canh của Mẹ làm vẫn là niềm thèm thuồng trong lòng anh em con mỗi khi nhắc tới món tiết canh vịt của Mẹ làm khi xưa – Con còn nhớ Mẹ bằm xương vịt, cánh vịt, cổ vịt đến nhuyển nhừ bằm chung rau răm cũng nhiều, Mẹ đánh tiết vịt tài ghê khi cho tiết lên đĩa thịt băm tiết đong liền và Mẹ sắp lên mặt tiết từng loạt lòng vịt sắt mỏng, Mẹ rải đậu phọng rang đâm lên mặt lòng, khi ăn Mẹ nướng bánh tráng thật dòn và chén nước mắm nhỉ cùng chanh sắt sẳn để trên bàn, ai muốn ăn bánh tráng chung thì ăn, không thì ăn chỉ tiết canh – Bây giờ nói đến tiết canh con thèm quá, bởi Mẹ làm vừa thơm vừa ngon, con rất sợ máu nhưng Mẹ làm con ăn ngon lành không thấy ghê sợ vì tiết đậm màu xuống không đỏ choẹt như màu máu, có lẽ khi hãm tiết Mẹ có cách nào đó mà mãi đến nay con chẳng hiểu được cái bí quyết đó Mẹ ơi …

Nơi xứ người, tôi cũng đã mấy lần đến tiệm tiết canh tại San Jose ăn thử xem ra sao, kêu thêm lòng và thịt vịt thì không có mà tiết thì để cả thau đầy – Ðĩa tiết canh hôi mùi máu tanh tanh, chẳng có thịt bằm chỉ toàn là tiết và rải lưa thưa mấy lát gan mề, rau răm mấy cọng để trên dĩa riêng, vài hột đậu phọng giả sẳn để riêng … Tôi ngạc nhiên hỏi sao thịt vịt lòng vịt không còn mà tiết lại nhiều thế, có phải đây là tiết heo không ? Người bán hàng lọng cọng không trả lời, bảo tôi hỏi chủ chứ bà ta không biết, tôi nghi ngờ trong bụng từ đấy và không bao giờ đến tiệm ăn tiết canh nữa bởi đã không ngon mà lại còn gian xảo, dù vậy tôi cũng không tỏ thái độ gì khi ra về để giữ lịch sự cho họ làm ăn, ngay đến bây giờ tôi viết lên câu chuyện này cũng với mục đích tiếc nuối món tiết canh của Mẹ tôi mà thôi !

Thời gian vùn vụt trôi qua, khi tôi đã ra đời gian nan nếm đủ thì Mẹ cũng ra đi, Mẹ bỏ tôi quá sớm, trong khi có nhiều người 70 tuổi vẫn còn Mẹ, tôi chỉ ngoài ba mươi đã mất Mẹ rồi ! Hai mươi tám năm dài trong cô đơn xuôi ngược, hình bóng mẹ luôn là niềm an ủi vô cùng trong tôi, ngày xưa tôi được Mẹ dìu dắt tôi trở thành phật tử, biết ăn chay cầu kinh tụng niệm, biết làm điều phước thiện biết thương yêu giúp đỡ mọi người xung quanh cũng nhờ vào đức tính nhân hậu của Mẹ tôi, trong lòng tôi luôn mang hoài bão được làm những việc từ thiện, chỉ tiếc rằng tôi có tấm lòng nhưng trời chưa đãi ngộ nên cái kiếp nghèo cứ đeo đẳng không buông tha – Tôi tự hứa với lòng không làm điều thất đức, đồng tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt mới có giá trị tồn tại, những kẻ gian manh kiếm tiền bằng hành vi tội lỗi nhuốc nhơ thì đồng tiền ấy có đem ra giúp ai thì chỉ làm thêm tội lỗi gạt người và sẽ không tồn tại với thời gian.

Tôi vẫn không quên những ngày chiến tranh khốc liệt vào gần cuối tháng 4 – 1975 – Trưa hôm 28-4-75 trận chiến có mòi nặng nề hơn, đạn pháo kích đã nổ dòn tại thành phố tôi sinh sống, dường như người trúng đạn cũng đã nhiều, gia đình tôi cũng như mọi người xung quanh xóm, khóa cửa trốn chạy sang Vũng Tàu lánh nạn … Mẹ tôi ở lại sau cùng để khóa cửa lấy ít thứ cần dùng nên cuối cùng thất lạc Mẹ ! Trên đường chạy loạn bằng đường bộ trên 20 cây số, người ta và xe cộ chật ních cả đường lộ, mấy cha con anh em tôi phải chạy theo đoàn người tỵ nạn ngay đành bỏ lại Mẹ thân yêu không biết sống chết lẽ nào? Ðây là một ngày kinh khủng trong đời tôi, đạn pháo kích của quân đội gọi là Giải Phóng Miền Nam cứ tuôn xối xả xuống lòng đường, nơi dân lành chạy loạn - Trước mặt tôi một chiếc xe Honda trúng đạn pháo, trên xe có 4 người, hai vợ chồng hai đứa con nhỏ - Người chồng và hai con chết liền tại chỗ, xương thịt văng khắp nơi, người vợ bị thương, lúc ấy tình thế nguy ngập ai cũng phải chạy qua không thể ngừng lại giúp nhau được, hốn vía ai cũng bay cả lên trời không biết viên đạn pháo lúc nào rơi trúng mình nên tôi cũng chạy bạt mạng không nhìn được người trúng đạn là ai, nào ngờ sau 2 tuần chạy loạn trở về nhà tôi mới biết đó là vợ chồng cô bạn ở cách nhà tôi hai căn, cô ấy là bạn hàng xóm, nay đầu quấn khăn tang mỏi mòn trong đau khổ …chồng chị và hai con trúng đạn tử thương, chị may mắn chỉ bị xây xát không đến nổi trầm trọng.

Chưa hết đâu, một tai nạn thương tâm trong ngày chạy loạn mà khi đến Vũng Tàu tôi mới được biết hung tin – Gia đình bạn thân của tôi, chị Minh Châu đang ở Sài Gòn với chồng con nên thoát nạn, trên đường chạy loạn Ba Má và anh em của chị Minh Châu tấp vào một căn nhà có hầm trú ẩn tại Rạch Dừa … nhà quen nhưng gia đình họ đã bỏ chạy không còn một ai ở nhà, thế là Ba Má và anh em chị Minh Châu vào núp cả trong hầm trú ẩn - Một trái pháo rơi ngay miệng hầm làm tám người thiệt mạng, bốn người bị thương nặng, tất cả là người ruột thịt của chị Minh Châu - Một hung tin đến lạnh người trong ngày chạy loạn, xương máu chất chồng thêm trên mảnh đất quê hương, biết bao gia đình tan nát thê lương, biết bao cuộc đời trôi nổi lầm than vì chiến tranh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn!
Cũng chưa yên, cha con anh em tôi vừa đặt chân đến Vũng Tàu, chưa kịp nghỉ ngơi trong căn nhà của chị dâu thì bỗng nghe một loạt súng nổ hơn chục tiếng gần sát bên nhà – Tôi hoảng hốt cùng anh chị chạy qua chổ nổ súng thì mới tỏ tường, mười một xác người nằm chết đủ kiểu, kẻ thì đang ôm mặt, người thì đang chui vào gầm giường, kẻ thì đang chạy miếng há to, người thì đang sụp lạy … Ôi, một thảm cảnh đau lòng, gia đình một Thượng Sĩ QLVNCH, ông đã bắn chết mười người thân yêu rồi quay súng bắn vào mình tự sát - Mười một người chết nằm ngồi đủ kiểu, thì ra họ là người chạy từ Bắc vào Nam, nay không còn ngỏ chạy nên giết chết cả gia đình gồm bà chị ruột, vợ chồng và tám đứa con –
Tôi lảo đảo chạy về nhà bà chị dâu nằm vật xuống - Trời ơi, chỉ trong một ngày tôi chứng kiến ba gia đình chết thảm, nỗi oan khiên của người dân Việt đất trời có thấu chăng, máu đã chảy thành sông, xương phơi thành núi …

Nghĩ đến mà đau dân tộc tôi
Điêu linh tang tóc lệ đầy vơi
Ai đem xương trắng phơi thành núi
Máu đỏ thành sông … hận ngút trời

Sau ngày tang tóc miền Nam 30-4-75, hầu như toàn bộ Quân, Cán, Chính dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa đều bị lệnh tập trung cải tạo - Gia đình tôi có ba người phải thi hành lệnh tập trung cải tạo – Anh trai tôi, chồng tôi và em trai tôi - Mỗi người bị tù một nơi, hàng tháng khi nào tôi không lên thăm thường xuyên ông chồng được thì gửi quà qua bưu điện, còn anh trai thì thỉnh thoảng tôi cùng Mẹ tôi gồng gánh đi thăm nuôi, em trai tôi cũng vậy – Gia đình tôi thuộc thành phần không may mắn trong chế độ mới nên mọi sự đều nan giải khó khăn – Các con tôi còn nhỏ phải vất vả phụ tôi trong cuộc sống chưa quen, nhìn chúng mà lòng tôi quặn thắt từng cơn…Mỗi kỳ đi thăm anh trai, em trai hay chồng tôi Mẹ tôi luôn làm món mắm ruốc xào với thịt ba chỉ, xã bằm và các món gia vị gì đó mà Mẹ làm rất thơm ngon để lâu không hư hay thiu gì cả - Mẹ tôi mua mắm ruốc nổi tiếng của Bà Giáo Thảo, Mẹ sắt thịt ba chỉ mỏng rồi trộn lẫn gia vị đường, tiêu, hành, tỏi, muối … tôi cũng không rành nữa, Mẹ ướp một giờ đồng hồ xong đem xào chung với mắm ruốc đã lọc lại thật kỹ sau khi đã cho dầu vào chảo thật nóng. Món ăn này đem thăm nuôi người tù rất tốt vì để được lâu, hồi đó anh trai tôi mê món này của Mẹ nên không thèm về để ở tù đến trọn tám năm mới chịu ra về - Rồi thì tất cả cũng là định mệnh, anh trai tôi, chồng tôi và em trai tôi cũng lần lượt vượt biển tìm đất sống sau thời gian được ra tù - Mẹ tôi mất và rồi Cha tôi cũng mất, anh em tôi đau đớn nơi đất lạ quê người, tôi còn may mắn nhìn được Mẹ lần cuối cùng và tiễn Mẹ đến nơi an nghỉ nghìn thu ! Cha tôi buồn bã và mười năm sau cũng từ giã cõi đời, chúng tôi thành những đứa con không còn Cha Mẹ, không còn tình thương yêu vô bờ bến của Mẹ Cha, anh em tôi nương tựa nhau mà sống nổi trôi nơi đất tạm dung, tôi may mắn có người anh trai quá xứng đáng đã lo lắng bảo bọc chu toàn cho mẹ con tôi, thật đúng với câu người xưa đã nói “ Quyền huynh thế phụ” - Bầu trời Cali vẫn còn nồng ấm tình người và tôi đang có nhiều hy vọng trong tương lai…

Mẹ ơi – Ðêm nay nơi xứ Cali lạnh buồn con nhớ Mẹ, hai mươi tám năm Mẹ nằm yên trong huyệt lạnh, thân xác Mẹ đã thành tro bụi hòa cùng với thiên nhiên cây cỏ, còn con gái của Mẹ nay đã thành bà nội, bà ngoại, với cái tuổi này con không còn mơ mộng yêu đời như xưa nữa, cuộc sống con với cái nghề đạm bạc, con sống bình yên không đua đòi, không ăn chơi bay nhảy, xin Mẹ yên lòng nơi cõi nghìn thu rằng con của Mẹ tuy sống độc thân nhưng vẫn luôn giữ tròn đạo hạnh, con của Mẹ chỉ cầu mong Cha Mẹ phù hộ cho anh em con và các cháu của Cha Mẹ được bình an và may mắn trong cuộc đời đầy bão táp phong ba này, hầu mong một ngày trở lại quê hương thắp nén hương thơm lên mộ phần Cha Mẹ.

Mùa thu nơi Cali là mùa đáng sợ nhất, bởi nó vừa buồn lại vừa mang tật bệnh đến cho con người - Một buổi họp mặt bạn bè tôi gọi mời chỉ khoảng 25 người mà đã đến 8 người đang bị cảm cúm - Rồi không hiểu tại sao sau buổi họp mặt về tôi cũng bị cảm cúm luôn, đến nay vẫn chưa khỏi - Hết nhảy mũi đến cảm cúm, con người cư ngụ trong thung lũng chắc là không mấy tốt, không khí và những chất thải của hóa chất hãng xưởng cùng bông hoa cứ lẩn quẩn không thoát được, ai cư ngụ miền Bắc Cali đều không tránh khỏi bị phiền toái cho sức khỏe quá nhiều – Mong bình yên trên quê hương Việt Nam để chúng ta có ngày đoàn tụ trên đất Mẹ thân yêu muôn thuở.

Bầu trời San Jose của miền Bắc Cali vẫn trong như ngọc, xa xa từng cụm mây trắng lững lờ bay, những dãy núi đồi hùng vĩ chập chùng nối liền biển cả mênh mông một màu xanh biếc bao quanh thành phố như chở che loài người bé nhỏ…thiên nhiên đã tạo cho Thung lũng hoa vàng một nét đẹp hùng dũng, kiêu sa, bù đắp cho tình người tha hương đời sống mặn nồng và riêng tôi niềm hy vọng tốt đẹp cho quê hương một ngày mai tươi sáng vẫn ngập tràn trong óc tim tôi …

Nguyễn Phan Ngọc An
USA