Hôm trước đi viếng thầy Trần Phong cùng các bạn, những học trò cũ của thầy, lơ thơ vài móng còn lại ở Vĩnh Long: chị Trân, Tuấn, Hiền, cùng tui, gặp một số bạn khác lớp, khác niên khóa mà mình không được biết.
Về nhà chợt nhớ mình còn mớ ảnh do Cương chụp ngày xưa, nay mang ra chụp lại, gởi lên Picasa. Nếu còn có bạn nào tình cờ ghé vào xem, vài hình ảnh mù mờ ngày xưa dù xa xôi, tưỡng đã quên, nay nhìn lại thì cũng thú vị, dẫu rằng bên mình, bạn bè bốn năm chục năm trước có còn ai nữa đâu.
À mà có đó chớ, Tuấn nó gọi cho tôi từ Saigon, hình hay quá, bảo tôi vào trang viết về trường, Tuấn giới thiệu khá rõ nét, nó bảo tôi tham dự cho thêm phần chen lấn. Tui nhờ chị Trân giúp thêm mớ hình gởi vào Picasa, ôi những tấm hình không thể tưởng là còn trên đời, vậy mà lại gặp, có lẽ thầy cô cũ biểu chị đưa ra (nếu không đưa cho thằng Phú thì giựt giò hổng cho ngủ).
Nhớ lại năm đệ thất - niên khóa 61-62, trường gồm dãy lớp bên dưới cầu Cái Cá, cửa lớp nhìn ra rạch Cái Cá, rẽ nhánh từ sông cái (nhánh sông Tiền) chảy qua cầu Lộ, vòng vèo vào sông Hậu. Phía đầu dãy bên trái lớp là văn phòng, nơi thầy cô nghĩ chờ thay lớp, rồi đóng học phí nè, rồi mục đặc biệt là (concil) dành cho các cu cậu khỉ khọt, không thuộc bài v,v...
Lớp tôi học, cô Nhan dạy pháp văn, thầy Thạch dạy kim văn, cổ văn, thầy Huệ dạy toán, còn thầy dạy công dân đức dục tôi quên mất rồi, bạn nào có nhớ vào nhắc giùm, còn nếu nhớ mà làm hiểm không chịu nói (tui kêu bằng thằng ráng chịu).
Kể ra cũng lạ, nếu trong lớp có chọc ghẹo nhau lại chỉ méc thầy Huệ mà thôi. Còn nhớ trong lớp có Định lai Ấn và một đứa nữa tên Nô lai Tây trắng, Định ngó Nô búng tay, miệng kêu chooc ..chooc: ”Nô..Nô..”, tên này tức lắm nên buổi chiều vào học, gặp Định vừa đưa cặp vào bàn liền la lớn lên, chưởi búa xua. Khi thầy Huệ vào, hai cu cậu tha hồ đứng đấu khẩu kịch liệt, thầy bèn mời hai ông con đứng khoanh tay cho hạ nhiệt.
Thầy Thạch thì thương nhất là bạn Dung, bên trai thì thương bạn Bạch (tay nầy da trắng, tóc vàng, mắt nâu, mà không phải là con lai, ba mẹ đều là Việt rặc. Nghe nói khi sanh ra anh của Bạch, ông già ghen quá trời gia đình bất hòa nặng, đến sau hai ba bốn đứa trai gái như nhau, vào bệnh viện bác sĩ hỏi rồi giải thích do lần tai nạn mất máu nặng, phải vào máu trúng máu Tây nên như vậy, đích thực con của ông đấy).
Năm học đệ lục, rời lớp mé sông Cái Cá, rời luôn trạng huống đi vệ sinh bị rớt dép xuống sông, nhìn dép cao su nặng trịch made in cholon chìm tà tà, ôi quê quá trời: áo bỏ trong quần mà đi chân trần. Bạn học cũ năm đệ thất giảm một nữa vì sang trường khác, dẫu sao lớp nhỏ nên tình cảm ít gắn bó. Năm nầy lên trường lớn, các lớp lập chung quanh nhà thờ, gồm từ đệ lục đến đệ nhị, dãy bên phải gồm văn phòng trường, đệ lục, đệ ngũ. Lớp Anh văn và Pháp văn học riêng nhau. Vì là lớp học trò còn nhỏ tuổi nên ồn ào giởn hớt ghê lắm, nghịch phá cũng nhiều, bận lòng không ít thầy cô cùng ban Giám hiệu.
Năm đệ ngũ, có thêm ba bạn từ Tiểu Chủng Viện sang học: Võ Thành Nhơn, Đỗ Đình Tiến, Đặng Anh Tuấn, ba tên nầy giỏi Pháp văn. Mục Pháp văn có mấy chuyện trục trặc: Năm này thầy Phong phụ trách dạy lớp tụi tui, ngồi cạnh nhau ở khoảng những bàn giữa lớp, lại hợp tánh, gồm Phú, Tiến, Tuấn, Thật, Hiền, Đô… Tuấn học nghiêm trang lắm, còn thì có hơi thì thào chút đỉnh. Thằng Tuấn là con cô Nhan, còn Tiến gọi thầy Phong bằng cậu. Thầy đang giảng bài, có lẽ thấy Tiến lo ra sao đó, thầy gọi Tiến đứng lên trả bài, trong bài trả thầy có từ pâtisserie, cu Tiến đọc “patis xệ”, chắc là còn âm hưởng (tám), thầy trừng mắt, Tiến đứng vẹo ne, (trừng mắt yêu chớ bộ). Năm này có thầy Lê Văn Gồng bạn thầy Phong từ Pháp về, thầy mời thầy Gồng phụ trách dạy pháp văn cho tụi chúng tôi, thầy Gồng dáng thấp đậm người, da ngăm, cận. Còn nhớ mãi thầy dạy bài ‘Cueillir le lotus’ là bài thơ ngắn nhưng rất hay. Được một thời gian, thầy Gồng về Pháp, thầy Ẩn đảm nhiệm tiếng Pháp. Còn nhớ thầy đọc lecture, học trò viết dictée, bắt học thuộc lòng trả bài, ôi thôi quần hùng khốn đốn mong cho thời gian mau qua, tui cũng được lên bảng phong thần chớ bộ. Trong lớp có hai bạn nữ người Hoa, nên giỏi viết tiếng Hán. Bởi năm này có thêm tiết mục Hán văn do thầy Sản phụ trách. Ôi thôi! giờ Hán văn khi thầy gọi lên bảng, anh chị nào cũng thi nhau vẽ cua còng bò ngỗn ngang, đến phiên hai chị Trân - Huê thì chữ viết vuông gọn thẳng hàng trông phát khiếp.
Cũng trong năm này, trường có mời nhà văn Nguyễn Ngu Í đến nói chuyện cùng học sinh toàn trường. Ông Í nói thuở nhỏ ông rất hâm mộ nhà văn Lê Văn Trương, và nói ông này viết rất nhanh rất nhiều. Hai tác phẩm mà ông Í giới thiệu là: Trường đời - Trận đời. Sau khi diễn giảng về văn chương cũng như phương pháp viết, ông hỏi lại chúng tôi có thắc mắc gì không? Đâu đó có anh học lớp trên hỏi “Thưa bác tại sao bác lấy bút hiệu là Nguyễn Ngu Í vậy”, ông trả lời tếu như sau: thuở còn thanh niên, có năm anh em rủ nhau hoạt động chống Pháp, cùng đồng ý nhau là không lấy vợ, và ông nói chính ông đề xướng ý tưởng trên. Bẳng một thời gian dài anh em gặp lại nhau, hỏi thăm gia cảnh thì bốn anh kia vẫn còn độc thân, riêng ông Í thì vợ con lê thê, anh em xúm nhau bảo “Í Ngu”, do vậy mà lấy bút hiệu Nguyễn Ngu Í để kỷ niệm thời thanh niên. Sau khi ông ra về , là chiếu phim khoa học.
Năm đệ tứ, thấy Bích dạy Việt văn, thầy Ẩn dạy toán Lý Hóa. Thầy Bích nhà ở Sa Đéc, phương tiện đi lại là chiếc xe gắn máy hiệu Sachs với vòng bánh to, thầy phân trần giải thích là bánh to chạy nhanh hơn và cũng ít hao xăng. Thầy dáng người ốm, lưng hơi còm về trước. Thầy hút thuốc lá vấn, dù vừa xong tiết dạy tay còn phấn dính đầy, vào văn phòng là vấn thuốc hút ngay. Năm đó đến nhà Thầy Bích, bọn tôi gồm: Phú, Đô, Xuân, chị Trân và vài bạn học nữ nữa mà tôi không còn nhớ ra, nhà thầy đơn giản, gọn, con thầy thuở ấy còn nhỏ, các chị cùng gia đình thầy tổ chức đãi đám học trò của mình, bọn con trai chúng tôi lang thang dạo quanh, khi xong thầy gọi vào, ôi dùng thật tình, dĩa chén trống trơn luôn! Thầy Ẩn thì nhà cũng không khá mấy vì con nhỏ mà hơi bị nhiều, Cô phải nuôi thêm heo nái để phụ chồng. Thầy bị bệnh gan kinh niên, thỉnh thoảng đôi tay cùng chung quanh miệng bầm tím, tức là bệnh đang hành mà thầy vẫn đi dạy. Đôi khi thấy thầy trên đường đến trường tay cầm theo ổ bánh mì nhỏ kẹp thịt…..
Còn cô Tỏ tôi không rành vì cô dạy Nữ công gia chánh, thêu thùa, bọn nam chúng tôi chẳng dám léo hánh đến vùng cấm đó.
Quên kể chuyện trong năm đệ ngũ, còn có cô Hương cô mới về dạy Lý Hóa, dáng cô thon thả thanh nhã, còn độc thân và sống với cha mẹ, chị Trân thích cô lắm nên thường xuyên ghé thăm cô. Trong trường, thầy Thạch cũng chưa vợ, chị cũng thăm thầy, rồi mời thầy thăm cô, thăm tới thăm lui thăm qua rồi thăm lại,.. thầy cô góp gạo nấu ăn chung, dạy cùng trường, rồi chị Trân cũng mất sở thăm luôn! Quả tình chị Trân này mát tay, tài tình hết số luôn.
Cũng trong năm đệ ngũ, cô Hạnh dạy Toán, Đại số, cô thương học trò lắm. Ở nhà cô có mở tiệm cầm đồ. Một tên trong lớp không biết đứa nào, mới sáng, vào tiệm cô cầm cây bút Pilot, xui cho nó, cô bước ra để đi dạy, gặp ngay ông tướng là học trò của mình, cô rầy rồi cho tiền bảo đi học sau khi khuyên giải ân cần. Vào lớp cô thông báo sự việc đại khái rồi tiếp: “Trời ơi, học hành mà đi cầm cây viết thì làm sao mà học được”.
Tới chuyện của tui. Số là lớp tôi học, cửa nhìn xéo ra con sông cái (sông Tiền) mặt nước trôi lững lờ, lục bình theo đó lác đác xuôi dòng, nắng phản chiếu ánh sáng trên sóng lăn tăn. Tôi ngồi trong lớp, lổ tai nghe cô giảng toán đều đều như ru, mắt thì mê mãi dõi theo sóng nước. Bỗng tiếng cô kêu lớn “em kia đứng lên!”, tui giật mình quay sang thấy ngón tay xỉa (một chỉ) ngay mình, đứng lên nhanh lắm. Cô phán: “em lập lại bài giảng của cô, lên bảng chứng minh lại coi”, tui trả lời và chứng minh trơn tru. Cô bước ra đóng cửa lớp cho tôi phải nhìn vào bảng học cho đàng hoàng. Khổ nổi, phía trên cửa lại là song cửa, nên con sông cứ nhấp nháy bên hàng cây me gốc xù xì lôi kéo mắt tôi trở về nơi trước đó tạm tạm gián đoạn… Cũng lại tôi nữa, trong tiết mục kiểm tra toán làm bài tại lớp, viết công thức đại số “Sx”. Tôi làm bài xong, tôi biết bài làm tốt tuy chữ viết có hơi cẩu thả, chữ xấu (tật này tôi sửa mãi mà chẳng được, thành tật xấu cho đến giờ) song tôi thấy có gì kỳ kỳ mà không biết là gì, nộp bài xong rồi cũng quên đi. Vài hôm đến giờ toán phát bài đã chấm diểm cho học sinh xong, bỗng cô Hạnh đi qua lại trên bục rồi bực bội nói “à à... có em nào đây viết chữ ngược... Trời ơi! học đến giờ này mà còn viết ngược, em nào đây..”, hơi nghi ngờ mình, tôi mở giấy kiểm toán. Ông ơi! đích thị tui rồi, cô vạch vòng tròn vào chữ S viết ngược của tôi, đính kèm trừ 1 điểm. Vào thuở cô dạy chúng tôi, cô bị cao huyết áp, đang dạy mặt cô đỏ phừng, phải ngưng về nhà uống thuốc, rồi vào dạy tiếp.
Trong năm đệ tứ, trường có mời Giáo sư Nguyễn Thành Nhơn, những người cùng thời ông gọi ông là “Nhơn lội”, đến trường thuyết giảng về biển cùng kỹ thuật bơi lặn biển, ông kể rất hấp dẫn về nhứng con vật lạ rất to mà ông săn bắt làm ông suýt nằm luôn dưới biển. Ít lâu sau trường tổ chức trình diễn thể thao để khuyến khích học sinh toàn trường gồm: Thể dục thể hình thẩm mỹ (biểu diễn lực sĩ đẹp), đoàn này do Giáo sư Nhơn lãnh đạo cùng đoàn võ thuật gồm Nhu đạo, Teakendo, Karatedo, và biểu diễn song kiếm, đơn kiếm, đoàn này do Võ sư Hồ Cẩm Ngạc hướng dẫn
Sau buổi biểu diễn, cũng trong năm nầy, ông Hồ Cẩm Ngạc đang đi trên lề đường ở Saigon, gặp một em bé bất cẩn băng qua đường sắp bị chiếc xe chạy cán qua người, ông vội lao ra, dùng nhu đạo quăng em bé vào lề đường, còn ông thay em bé nằm dưới bánh xe. Ông gồng cứng người chờ bánh xe qua, song xe lại chết máy nên bánh xe vẫn còn nằm trên mình ông (người đi đường thuật lại rằng sau hồi lâu trong người ông nghe cái bụp), và ông qua đời thế mạng cho em bé. Ông để lại vợ và hai con còn nhỏ. Ông mất đã lâu lắm rồi song xem lại ảnh, ông như còn hiện diện trong chúng tôi ở buổi biểu diễn đó.
Cha Quang - Thầy Phong - Cô Nhan - Cô Hạnh, cùng nhiều thầy cô khác mà tôi không biết, có lẽ đã đi xa mà chúng tôi không rõ, bởi bọn học trò ngày xưa, rất nhiều đứa đã ngồi cao chiểm chệ giữa nhà, hoặc tiêu xác đâu đó trên mảnh đất thân yêu này, chúng tôi hiện cũng tròm trèm tiến đến ngưỡng “U70” cùng nhiều bệnh tật đang lưu trú trong người
Dự lễ tang của Thầy Phong cùng các bạn, đồng thắp hương:
CHÚNG CON NHỮNG HỌC TRÒ CŨ, NGUYỆN TẤT CẢ THẦY CÔ THÂN YÊU CỦA CHÚNG CON, CÙNG BẠN HỮU ĐÃ QUÁ VÃNG ĐƯỢC VÀO CÕI AN LẠC VĨNH HẰNG.
Vĩnh long, tháng mười một 2011
Trương Văn Phú