Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

Giọt Tương Tư - Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Nhạc Nguyễn Hữu Tân


Thơ Đỗ Thị Minh Giang
Nhạc Nguyễn Hữu Tân
Hoà âm: Đỗ Hải
Tiếng Hát: Thanh Duyên
Thực Hiện: Duy Quang


Nhớ Thầy Tôi



Tuổi lên năm, đầu còn để chỏm
Mẹ nắm tay dẫn đến nhà trường
Xin Thầy tôi, nhỏ chút tình thương
Dạy cho tôi đánh vầng, đếm số

Bóng Mẹ về, khuất ngoài cửa sổ
Tôi nhìn Thầy, run sợ biết bao
Nhưng Thầy tôi ôn tồn khuyên bảo
"Đừng sợ chi, học giỏi Thầy thương"

Thầy là người phá vỡ cục ngu
Dạy cho tôi chữ H, chữ U
Đưa tôi vào rừng văn biển chữ
Thời tôi còn ở lứa tuổi xanh.

Tôi tiếp tục xôi kinh nấu sử
Cho đến khi đổ đạt, trưởng thành
Từ giả trường, tạm biệt tuổi xanh
Vào đời tìm công danh, sự nghiệp.

Bổng quê nhà khói lửa chiến tranh
Phận làm trai giử nước, đầu quân
Lặng lội khắp bốn vùng chiến thuật
Không về thăm Trường xưa, Thầy cũ

Tháng Tư đen, Miền Nam thất thủ
Bỏ quê hương , sống kiếp lưu vong
Nơi xứ người, những đêm khó ngủ
Nhớ Thầy tôi, khi học vở lòng.

Nghĩ mà thương cho nghề giáo học
Không khác chi mấy lảo chèo đò
Tạo công danh cho lắm quan to
Chằng mấy trò về thăm Thầy cũ !

Một khi lữ khách sang sông.
Mấy ai trở lại thăm ông lái đò !!


Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Câu Hỏi



1/Câu hỏi

Không tiền nhưng lại thích làm thơ
Ấy thế cái nghèo nó nhởn nhơ
con vợ than phiền ngơ với ngẩn
Bạn bè trêu chọc mộng vu vơ
Đã mang nghiệp bút âu là nợ
Trả góp văn chương thỏa giấc mơ
Vẫn biết thi nhân nghèo thế đấy
Cớ sao vua chúa vẫn làm thơ?


2/Trả lời

Không việc ngồi buồn nghĩ vẩn vơ
Thôi thì lấy bút tập làm thơ
Ruồi đông mật ít nhiều anh hút
Của quí trời cho lắm cụ rờ
Người giỏi lộn thời âu phải chịu
Thằng ngu được thế mặc tình quơ
Thắp hương xin hỏi cùng tiên tổ
Ngài bảo rằng ta cũng chán ơ


Bằng Bùi Nguyên

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Tranh: Duyên Bút



Thơ: Trần Như Tùng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Ngậm Ngùi


Anh nhìn trong hoang vắng
Cố tìm em bên sông
Mỷ Thuận phà ngừng chạy
Ðêm khuya buốt tâm hồn.

Ghe đuôi tôm ngược xuôi
Dần mất hút chân trời
Nơi xa mờ bên ấy
Dấu mất đi một người.

Phà ngủ yên trong bến
Chắc người ấy sang ngang
Lục bình trôi hờ hững
Chiều tà buồn miên man.

Ðợi chờ người năm xưa
Tái tê vàng nắng xế
Người qua lại ơ hờ
Mình anh đứng ngẩn ngơ.

Anh muôn đời vẫn thế
Ngậm ngùi em đành qua
Vũng Liêm giờ xa quá
Giồng Ké đến trong mơ.

Nguyễn Thành Tài

Thanh Lương Giang 清涼江 - Chu Văn An


Thanh Lương Giang


Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành,
Lưỡng lưỡng ngư chu bạn ngạn hành.
Độc lập Thanh Lương giang thượng vọng,
Hàn phong táp táp nộn triều sinh.

Dịch nghĩa:


Một vệt bóng chiều vắt ngang sườn núi,
Dọc theo bờ sông, thuyền câu đi từng đôi một.
Đứng một mình trên sông Thanh Lương ngắm cảnh,
Gió lạnh vi vút, nước triều dâng lên.

Dịch Thơ:
Sông Thanh Lương

Nắng chiều một vệt vắt lưng đồi,
Thuyền cá xuôi bờ cứ cặp đôi
Lặng ngắm Thanh Lương hồn lảng đảng,
Lao xao gió lạnh nước lên rồi.

Mailoc
***
清涼江  Thanh Lương Giang


山腰一抹夕陽橫, Sơn yêu nhất mạt tịch dương hoành,
兩兩漁舟畔岸行。 Lưỡng lưỡng ngư chu bạn ngạn hành.
獨立清涼江上望, Độc lập Thanh Lương Giang thượng vọng,
寒風颯颯嫩潮生。 Hàn phong táp táp nộn triều sinh.

朱文安                     Chu Văn An

* Chú Thích:
- Sơn Yêu 山腰 : là Cái eo của núi, là Sườn núi.
- Nhất Mạt Tịch Dương 一抹夕陽 : là Một vệt nắng chiều.
- Bạn Ngạn 畔岸 : là vựa sát theo bờ sông.
- Táp táp 颯颯 : là Phần phật, là Vi vút, là Vù vù...
- Nộn Triều Sinh 嫩潮生 : Nước Thủy triều bắt đầu lên.

* Nghĩa Bài Thơ:
Dòng Sông Thanh Lương 

Một vệt nắng chiều vắt ngang qua sườn núi. Trên sông từng đôi từng hàng thuyền câu đang dọc theo bờ sông mà về bến. Ta đứng một mình trên dòng sông Thanh Lương mà nhìn ngắm. Gió lạnh thổi vi vút từng cơn trong khi con nước thủy triều đang bắt đầu dâng cao.

* Diễn Nôm:

Một vệt nắng chiều núi vắt ngang,
Thuyền câu về bến xếp song hàng.
Một mình đứng ngắm Thanh Lương chảy,
Vi vút gió về nước lại sang.

Lục Bát:

Nắng chiều sườn núi vắt ngang,
Song đôi về bến hai hàng thuyền câu.
Thanh Lương đứng ngắm hồi lâu,
Vụt vù gió lạnh lên mau thủy triều!

Đỗ Chiêu Đức
***
Sông Thanh Lương

Vệt nắng chiều vắt ngang trên sườn núi
Dọc dòng sông thuyền cá cặp từng đôi
Bờ Thanh Lương ngắm cảnh một mình thôi
Gió vi vút,nước triều dâng thấy lạnh

songquang
***
Sông Thanh Lương

Sườn núi chiều in vệt vắt ngang
Thuyền câu từng cặp sóng đôi sang
Một mình ngắm cảnh Thanh Lương ấy
Gió lạnh vi vu sóng nước tràn

Phương Hà

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2018

Dạ Cổ Hoài Lang - Cao Văn Lầu - Trúc Tiên



Sáng Tác: Cao Văn Lầu
Trình Bày: Trúc Tiên 
Đàn Tranh/Cithare: Duy Kim 
Guitare Phím Lõm/Guitare Vietnamienne: Văn Môn 
Đàn Kìm, Đàn Bầu/Luth, Monocorde: Huỳnh Tuấn 
Sáo/ Flute: Trần Sơn 
Đàn Cò/Violon à 2 cordes: Thanh Hoàng
Thực Hiện:Vũ Hạ & Kim Tiên

Đi Trong Mưa ( Phần 1)



Xướng: Đi Trong Mưa

Tôi thích một mình đi dưới mưa
Tha hồ cảm nhận lẫn vui đùa
Từng cơn xối xả trên đầu xuống
Những giọt văng tràn theo bước đưa
Rửa sạch bụi nhơ làm xác bẩn
Gột trôi nết xấu khiến tâm mờ
Thảnh thơi, nhẹ nhõm như người mới
Lòng rộn ràng trong những ước mơ...

Sông Thu
( 28/08/2018 )
***
Các Bài họa

Mưa 


Nhớ thương ngày cũ những cơn mưa
Kỷ niệm buồn đau lẫn cợt đùa
Thong thả bên nhau ve hạ tiễn
Xiên xiên màn nước tiếng thu đưa
Quê hương sau bão ngày trong sáng
Đất khách đương giông bóng nguyệt mờ
Tháng bẩy cơn ngâu mùa xá tội
Xóa đi phiền muộn sống như mơ…

Lộc Bắc
Aug2018
***
Lại...

Em muốn tìm vể tuổi mộng mơ
Của thời thơ ấu, thủa nô đùa
Chân trần thơ thẩn bên giòng suối
Thuyền giấy êm đềm theo nước mưa
Chửa hẹn...bồi hồi mong bạn đón
Không chờ...ngơ ngẩn nhớ tay đưa
Thư tình ấp ủ vào trang vở
Kỷ niệm ngàn năm chẳng nhạt mờ !

Thy Lệ Trang
***
Quay Quắt Nhớ!


Thương thời tuổi trẻ nghiện dầm mưa
Mát rượi toàn thân, thỏa chí đùa
Có bữa va đầu xui bạn khóc
Thêm lần vấp sỏi trợt chân đưa
Quê nhà chốn cũ còn ghi đậm
Ký ức ngày xưa chẳng xoá mờ
Kỷ niệm êm đềm quay quắt nhớ!
Đêm nầy tỉnh giấc...lại nằm mơ!

Như Thu
***
Nhớ Ngày Đi.


Lòng nào có ngại nắng hay mưa
Sóng cả sông dài vắng tiễn đưa
Nguy khốn xem như ông Tạo thử
Gian lao coi tựa Hoá công đùa
Hằng mong thực hiện bao điều ước
Vẫn muốn hoàn thành những giấc mơ
Ngoảnh lại phương trời mây trắng xoá
Lau thưa xào xạc lệ sa mờ

Thanh Hoà
***
B
ạn Dưới Mưa

Nhớ buổi học về gặp gió mưa
Tả tơi hoa lá, mãi trêu đùa
Nụ cười nhí nhảnh, duyên tình gợi
Gò má hồng tươi, mộng mị đưa
Chung lối đường về, sao ngắn ngủi
Xa quê bạn cũ, chẳng lu mờ
Cái thời cặp sách, còn non dại
Tuổi hạc giờ đây vẫn mãi mơ

Thanh Trương
***
S
ầu Mơ

Ô chung ,chạm má...rích trong mưa
Trở giấc nôn nao...ảo mộng "đùa"(!)
Lựa bước nồng nàn chân líu ríu
Nhìn nhau xao xuyến mắt đung đưa?!
Tóc thơm bờ tóc bên vai bỏng
Tay ấm lòng tay dưới nguyệt mờ!...
Giá được bên ai?...như thuở ấy...
Hẳn là vợi bớt nỗi sầu mơ?!

28-8-2018
Nguyễn Huy Khôi
***
T
ắm Mưa

Nhớ thuở lông nhông chạy tắm mưa
Oang oang miệng hét thỏa chơi đùa
Dăm ba trẻ xóm làm xe đuổi
Suốt mấy đường làng rước kiệu đưa
Kỷ niệm tuổi thơ còn rực sáng
Thời gian sương khói dẫu xa mờ
Hành trang vạn lý đời xuôi ngược
Cũng chút nương lòng lúc vắng mơ…

Lý Đức Quỳnh

***
Nhớ Thuở Tắm Mưa


Hồi nhỏ hễ rào lại tắm mưa
Năm tên tiểu quỷ thích ngông đùa.
Tồng ngồng chạy đuổi, vờn, xô đẩy
Ầm ĩ hét hò, té, đón đưa.
Cũng chỉ đôi lần thôi bởi ngượng
Để rồi một kiếp mãi không mờ.
Ngồi nhìn giọt giọt rung tầu chuối
Mấy đứa vô đời đạt mộng mơ ? !

Trần Như Tùng
***
Tắm Mưa

Khỏa trần cùng tắm dưới cơn mưa
Sung sướng thế mà cứ đẩy đưa
Một gái một trai càng thích giỡn
Hai cô hai cậu lại ham đùa
Miệng nhô môi tím đầu tay nhạt
Cổ rụt da thâm cuối mắt mờ
Chẳng phải mấy ai đời có được
Người chê kẻ muốn thật như mơ

Nguyễn Vĩnh Bảo

Đi Trong Mưa (Phần 2)



Xướng: Đi Trong Mưa

Tôi thích một mình đi dưới mưa
Tha hồ cảm nhận lẫn vui đùa
Từng cơn xối xả trên đầu xuống
Những giọt văng tràn theo bước đưa
Rửa sạch bụi nhơ làm xác bẩn
Gột trôi nết xấu khiến tâm mờ
Thảnh thơi, nhẹ nhõm như người mới
Lòng rộn ràng trong những ước mơ...

Sông Thu
( 28/08/2018 )
***
Các Bài họa
Nhớ Xưa
Không thể nào quên thuở tắm mưa
Bạn bè được dịp để nô đùa
Thằng thì tạt nước, thằng ù chạy
Đứa lại ném bùn, đứa đẩy đưa
“ Trận chiến “ kéo dài, chân cẳng mõi
“ Hoà bình “ tái lập, mắt mi mờ
Giờ đây nhắc lại, lòng xao xuyến
Bởi nhớ làm sao tuổi mộng mơ

Thục Nguyên
***
Y
êu Mưa

Khi thời tuổi trẻ thích đi mưa
Với bạn lang thang khoái giỡn đùa
Quán vắng cà phê nhìn bọt nổi
Đường nhoà phố chợ dạo chân đưa
Hàng cây lóp ngóp che màn bụi
Khóm lá loi ngoi ẩn nét mờ
Mấy chục năm qua còn hiện rõ
Chừ ngồi nhớ lại vẫn hoài mơ

Minh Thuý
29 tháng 8 _2018
***
Rộn Vườn Mơ

Trưa hè thả bước giữa trời mưa
Ngắm cỏ hoa trong ngọn gió đùa
Núi rộng đua màu mầm biếc tỏa
Đường dài dịu bỏng bụi hồng đưa
Qua dòng mới rõ miền cao thấp
Cuộn xoáy càng hay khúc tỏ mờ
Nắng hửng chim đàn tung cánh rộng
Đưa lời thánh thót rộn vườn mơ

Phạm Duy Lương
***
Chiều Mưa Năm Ấy…

Nắng quái còn đang bỗng trở mưa
Trời như vô cớ trút cơn đùa
Sấm gào xua át lòng người tiễn
Nước xối lau nhòe lệ kẻ đưa
Tay vẫy trùng dương còn khắc rõ
Chân đi kỷ niệm chẳng phai mờ
Hồn nghe lũng sũng chiều hôm ấy
Mỗi lúc rạt rào, lại cứ …mơ

Cao Bồi Già
30-08-2018
***
Mưa Rào

Nắng gắt ai dè lại đổ mưa
Trời cao chắc cũng thích trêu đùa
Áo dài trắng mỏng vai kề sát
Nón lá chao nghiêng, gió thoảng đưa
Nặng hạt ào ào nhanh chớp nhoáng
Tàn cơn rỉ rả khó phai mờ
Tình cờ quen biết người xa lạ
Kỷ niệm ghi hoài trong giấc mơ !

Thiên Hậu

***
Diù Em Trong Mưa

Chiều xưa tiễn bước dưới cơn mưa
Ô nhỏ khôn che sợi gió đùa
Tóc rối em bay vào má quệt
Nghe chừng hạnh phúc dấu yêu đưa
Mong cho lối nhỏ còn xa thẳm
Dẫu biết hoàng hôn sẽ tối mờ
Thấm thoát trên đầu pha tóc trắng
Sao người năm cũ vẫn trong mơ

Thủy Lâm Synh
HB, CA Aug. 30, 2018

***
Mưa Tình

Quen nhau cái buổi dưới hiên mưa
Tay chạm bàn tay hứng nước đùa
Có lẽ tâm hồn đà quấn quýt
Hình như ánh mắt đã đong đưa
Ngày qua nhung nhớ lần đường cũ
Tháng lại vẩn vơ dõi bước mờ
Tháng Sáu bập bềnh bong bóng nước
Soi tìm ảnh ảo nhớ người mơ

Kim Oanh
***
Đ
êm Mưa Đưa Em Về

Cùng em đếm bước dưới trời mưa
Ôi thú làm sao ,gió cợt đùa
Giọt nước vô tình vương tóc xõa
Vạt tà phất phới vướng chân đưa
Đường xưa lặng lẽ đèn hiu hắt
Lối cũ nhòa lan ánh nhạt mờ
Tới ngõ chia tay còn quyến luyến
Đêm về tìm lại chút hương mơ

songquang
8/31/18
***
Đón Mưa

Phố thị hân hoan đón trận mưa
Bao ngày oi bức biếng cười đùa
Bầu trời tối sập, chân dồn bước
Gió núi ùa lan, mây thổi đưa
Nước lớn cuốn phăng bao rác bẩn
Lũ to rửa sạch những rêu mờ
Gọn gàng sáng sủa chào ngày mới
Màu nắng lung linh rạng giấc mơ

Hồng Phượng
***
Trong Mưa

Ngày nào thích tắm dưới cơn mưa
Chúng bạn cùng nhau khoái giỡn đùa
Chạy nhảy hét la theo gió thốc
Tranh dành cười cợt té...chân đưa
Trời cao tưới xuống làm thân sạch
Đất nhão văng lên khiến mắt mờ
Nhớ tiếc lần vui năm tháng cũ
Thương hoài những cảnh trí say mơ.

Trịnh Cơ
Paris 08/2018
***
Mưa Tơi Tả…

Đọc Xuôi:
Chiều trời đẫm ướt tả tơi mưa
Dạ tái tê rầu khổ gió đùa.
Hiu hắt giọt sầu lòng cảm luỵ,
Héo tàn cây rụng lá buồn đưa.
Yêu đồng lúa tưới vàng bông thắm,
Khổ khách đường xa lạnh nẻo mờ!
Dìu dặt bước già đau nước đọng…
Xiêu nhà mái đổ lệ tàn mơ!

Đọc Ngược :
Mơ tàn lệ đổ mái nhà xiêu.
Đọng nước đau già bước dặt dìu.
Mờ nẻo lạnh xa đường khách khổ,
Thắm bông vàng tưới lua đồng yêu.
Đưa buồn lá rụng cây tàn héo,
Luỵ cảm lòng sầu giọt hắt hiu.
Đùa gió hận rầu tê tái dạ…
Mưa tơi tả ướt đẫm trời chiều!

Nhật Hồng Nguyễn Thanh Vân

Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Thu Rụng Trái Sầu



Bao mùa lá chết thu vàng úa
Em vẫn đầu sông anh cuối sông
Ly cách tình sầu nhìn lá đồ
Khoắc khoải cùng chia nỗi nhớ mong.

Chẳng phụ nhau lòng mãi vấn vương
Vì ai duyên kiếp lỡ con đường
Hồn thu lẫn khuất trong sương khói
Ước hẹn mờ xa vẳng tiếng buồn!

Lá úa vàng thu rụng trái sầu
Mơ hồ cõi mộng biết về đâu
Nhớ mong cung mắt rưng dòng lệ
Lặng lẽ mình chung một nỗi đau!

Qua mấy thu rồi đợi rất lâu
Tóc anh nay cũng đã phai màu
Mắt em chắc phải vương nhiều lệ
Vì nỗi đau buồn cuộc bể dâu!

Sang năm lá vẫn vàng thu úa
Chắc cũng chờ trông đến não lòng
Em mãi đầu sông nhìn lá đổ
Còn anh thơ thẩn cuối dòng sông!

Hàn Thiên Lương

Nhớ Tình Xưa



Xướng: Nhớ Tình Xưa

Chỉ lén thầm thương tại quá nghèo
Sợ nàng chế nhạo dám trèo leo
Thường khi bị chộ cù lần lửa
Có lúc cười chê trái mắt mèo
Ngó mãi tàu bông mà biết tủi
Ngồi sau bụi chuối để dòm theo
Ngày kia sét nổ trời u ám
Bật ngửa tin về ẻm chết queo!

Cao Linh Tử
28/9/2018
***
Các Bài Họa:
Bẫy Tình

Có lắm cô em muốn thoát nghèo
Can tâm làm phận nhánh dây leo
Nhí nha nhí nhảnh trò đùa khỉ
Lấp ló lấp la móng vuốt mèo
Ẹo tới ẹo lui..câu kẻ ngó
Lượn qua lượn lại...dụ người theo
Đại gia sập bẫy vài mươi bữa
Sực tỉnh...bỏ nàng héo quắt queo !

Phương Hà
***
Nhớ Người Xưa


Thầm thương vì bởi tía tui nghèo,
Hổng dám trèo đèo hổng dám leo.
Ngại xóm làng trêu thằng muốn vợ,
Sợ bà con chộ nó o mèo.
Nhà nghèo ít học người xa lánh,
Lính tráng ba đồng ai dám theo.
Già kén kẹn hom làm gái lão,
Băm lăm bốn chục vẫn chèo queo !

Đỗ Chiêu Đức
***
Tủi Thân


Hai mươi tuổi lẻ bị chê nghèo
Ngấp nghé cô hàng xóm giậu leo
Bố mẹ giàu sang nhà có chó
Gia đình khá giả họ nuôi mèo
Cùn đinh tay trắng đành nhìn lén
Trọc phú xe hoa ngại ngó theo
Ôm hận buồn tình nên ở giá
Tủi thân xót phận tối nằm queo!

Mai Xuân Thanh
Ngày 29/09/2018
***
Lối Vào Đường Tình

Buồn tình ngã ghế ngủ chèo queo
Nàng khước từ ta bởi đói nghèo
Có kẻ chê bai rằng hám của
Lại người châm chọc bảo ham leo
Khôn ngăn tình cảm...yêu chân thật
Khó cản bàn chân...quyết bám theo
Chẳng biết phận mình nên ngã ngựa
Đáng đời cái tính...thích o mèo

songquang
***
Ngại Gì Chớ!


Đã thương sao nghĩ chuyện giàu nghèo
Gai quít chanh dù nhọn cũng leo
Cố vượt vũ môn bền ý chép
Đạp lên số phận tỏ thân mèo
Cơ hàn đâu hẳn mình thua cuộc
Phú quý chắc gì ẻm chịu theo
Quan trọng hay không là cái miệng
Miễn sao cái lưỡi khéo cong queo.

Quên Đi
***
Mảnh Tình Tui

Xuồng bơi mắc nghẹn cái eo nghèo
Chín núi,thương nàng cũng quyết leo
Dốc sức mười năm chưa tới đỉnh
Vuột tay một thoáng đã hoàn mèo
Không ”đào vi thượng” cùng nhau trốn
Chẳng ”ván đóng thuyền” để lái theo
Pháo nổ đì đùng môn hộ đối
Tui đời nắng quái quẻo quèo queo!

Lý Đức Quỳnh
***
Tội Gì ....


Đã thích trèo cao đừng sợ nghèo
Ăn thua người ấy chịu ôm leo
Cỗ bàn tiệc cưới thì nhờ chó
Thiếu chút nhờ luôn cả cậu mèo
Thuận vợ thuận chồng là hạnh phúc
Làm hay có khối trự mần theo
Không đăng chẳng đối thì nên tính
Tội quái gì nằm chịu quẻo queo ....

Locphuc
09.30.2018
***
Vui Cảnh Hàn Vi

Mấy độ thu qua tớ vẫn nghèo
Tìm về nơi vắng cảnh cheo leo
Quanh năm đùa giỡn cùng con chó
Suốt tháng vui chơi với chú mèo
Cuộc sống đơn sơ nào sợ tủi
Đời người đạm bạc khỏi thèm theo
Trời thương thì cứ cho ta hưởng
Cái thú bần cùng sướng muốn....queo!

Trịnh Cơ
Paris, 10/2018
***
Phận Nghèo

Mặc cảm thân tôi cái kiếp nghèo
Luôn hoài thủ phận dám đâu leo
Không cùng mỹ nữ mơ trăng gió
Chẳng với giai nhân ước chuột mèo
Túi rỗng , cơm dưa nào kẻ ngó
Tay trần , cháo hẩm mấy ai theo
Đêm ngày chỉ biết thơ và thẩn
Chữ nghĩa sơ xài cũng héo queo

Minh Thuý
7 tháng 10 _2018

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Lá Thu Ngày Ấy- Thơ Duy Quang- Nhạc Nguyễn Hữu Tân



Thơ & Thực Hiện:Duy Quang
Nhạc & Tiếng Hát: Nguyễn Hữu Tân

Dòng Thơ Tứ Tuyệt - Đỗ Bình



Đỉnh Nhớ

Lên đỉnh non ngàn vọng cố hương,
Mắt buồn chĩu nặng mấy làn sương.
Nhìn quanh chẳng thấy trời quê mẹ,
Chỉ có tuyết rơi...dốc đoạn trường!

Hồn Quê

Nếu thật hồn quê không còn nữa,
Xuân về cũng chỉ nụ hương thừa.
Dù mai có rộ vàng lối ngõ,
Thì vẫn đâu là hoa năm xưa!

Mộng Thừa

Liễu rũ trăng nghiêng soi bóng cửa,
Trải dòng suối bạc ngỡ rừng xưa.
Vói tay mới biết làn hư ảo.
Ðêm vẫn còn thơ mộng sớm thừa!

Mùa Xưa

Dạ khúc mưa khuya sầu trút cạn,
Long lanh giọt nước bóng thời gian.
Mùa xưa vỗ cánh về trăng mộng,
Phố, biển nhỏa theo sóng khuất ngàn!

Đỗ Bình

Thăng Long Hoài Cổ - Bà Huyện Thanh Quan



Xướng:
Thăng Long Hoài Cổ

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường
Đền nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn xưa gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường

Bà Huyện Thanh Quan
***
Các Bài Họa:
Bể Dâu Lưu Lạc

Bể dâu ai oán giấc miên trường
Lưu lạc bên trời bấy tuyết sương
Chênh chếch đầu non vầng nguyệt khuyết
Hắt hiu cuối bãi bóng tà dương
Giấc mơ doàn tụ còn trăn trở
Chiến cuộc chia lìa vẫn thảm thương
Ôi những đời trai chưa thắm mộng
Vội đem thân thế bỏ sa trường

November 7, 2007

Hồ Công Tâm
***
Thức Trắng Canh Trường

Ngày nao hào kiệt chốn sa trường
Mái tóc bây giờ đã điểm sương
Nhớ lúc tung hoành trên chiến trận
Nghĩ khi ngang dọc dưới tà dương
Đổi đời đất nước bao hờn tủi
Thay bậc cơ đồ một đáng thương
Rồi cũng bay vèo theo cát bụi
Ngồi đây ta thức trắng canh trường

November 2007

Vũ Uyên Giang
***
Hỏi Đường

Một kiếp nhân sinh một đấu trường
Lối về quê cũ mịt mù sương
Tiền thân mấy thuở mà lưu lạc
Hiện kiếp xoay vần gửi bóng dương
Giấc mộng ba sinh đà ấy chốc
Cái vòng danh lợi khéo bi thương
Tìm đâu hai chữ tiêu dao nhỉ?
Chỉ thấy mây bay trắng dặm trường!

2007

Tiêu Lang
***
Dân Nam Và Quỷ Dữ

Thao thức năm canh với đoạn trường
Đường trần sao mãi lắm phong sương
Dân Nam khốn khổ vì “đô vật” (1)
Hồng Lạc thăng trầm tới tịch dương
Kẻ sĩ, nồi kê vương đại nạn
Dân oan, củi đậu (2) rắc tang thương
Khi nao ma mãnh xa trần thế
Đất nước hoà minh hết đoạn trường

November 11, 2007

Hà Phương Hoài
(1) “đô vật”: dollars vật, cực khổ, hó nhọc kiếm sống
(2) củi đậu nấu đậu: huynh đệ tương tàn
***
Nỗi Lòng Trắc Ẩn

Kẻ lại người qua thấy đoạn trường
Cảnh xưa đổ nát bởi phong sương
Vàng son đã nhạt trong tâm trí
Uy vũ thời tan dưới ánh dương
Muốn nước mai này sao thịnh trị
Mong dân mốt nọ thật thân thương
Chứ đâu sống mãi đời cơ cực
Kẻ lại người qua thấy hiện trường

11/11/2007

Thái Huy
***
Tuý Ngọa Sa Trường

Nửa say nằm khểnh giữa sa trường

Tráng sĩ không nề cảnh gió sương
Đợi sáng nghiêng bầu nghênh lão nguyệt
Chờ đêm cạn chén đón tà dương
Trai thời binh biến nào ai kể,
Gái thủa loạn ly mấy kẻ thương?
Danh tướng giai nhân thường yểu mệnh:
Trần gian chinh chiến nẫu can trường!

October 4, 2018

Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
***
Hành Quân Lam Sơn 719

Quan với quân ra chốn chiến trường
Lam Sơn bảy một chín ( 719 ) mù sương
Pháo, phi Nam Việt chờ xung trận
Bom, đạn Hoa Kỳ vượt đại dương
A Lưới chất đầy thây xác địch
Tchepone vang vọng nghĩa tình thương l
Còn đây tiếng địch bên trời vắng
Máu lửa đao binh xoá đấu trường ...

Hawrhorne Oct - 5 - 2018

Cao Mỵ Nhân
***
Thời Thế Thì Thôi Đành Phải Thế!

Vào miền hỏa tuyến giữ can trường
trải vạn nguy nàn thấm gió sương
vang dội chiến công trời Đại Lộc*
vẫy vùng trận mạc đất Bình Dương*
trên vai mang nặng dây anh dũng
trước ngực đeo dày dấu chiến thương
thời thế thì thôi đành phải thế... !
ngẫm câu "túy ngọa" khóc sa trường!

Hạ Thái
Oct/05/2018

Đất Phương Nam 1 - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định (Phần4)

Tín Ngưỡng Của Cư Dân Gia Định: 

(bộ tộc Stiêng)

Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi người Phù Nam đến lập vương quốc của họ trên vùng đất Gia Định, thì ở đây đã từng có cư dân cổ của các bộ tộc Stiêng(19), Mnông, Cơ Ho, Chu Ru, và Mạ. Họ sống tại các vùng Prei Nokor, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Hậu Nghĩa... và nói tiếng Môn-Khmer. Như vậy trước khi ảnh hưởng của Ấn Độ được lan truyền đến vương quốc Phù Nam, thì vùng nầy đã có tín ngưỡng của cư dân bản địa cổ. 

Họ là những người thuộc đa thần giáo, họ tin đủ loại thần như thần nước, thần sông, thần ao chằm, thần núi, thần rừng, vân vân. Ngoài ra, họ còn tin nơi đồng bóng, và kinh vì quỷ thần. Đến khi người Phù Nam đến đây, họ mang cả hai luồng tư tưởng về tín ngưỡng đến vùng đất nầy từ Ấn Độ, đó là Phật giáo và Ấn Độ giáo. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, người Chân Lạp thay chân họ tại vùng đất nầy, và cũng như người Phù Nam, đa số người Chân Lạp theo Phật giáo và Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, sau thế kỷ thứ XI, hầu như toàn bộ vương quốc Chân Lạp đều theo Phật giáo (Nam Tông). Đến khi người Việt tới đây, đa số họ là lưu dân đến từ các vùng Thuận Hóa và ngũ Quảng, và vào thời đó các chúa Nguyễn rất chuộng Phật giáo, nên người Việt đã đem đến đây Phật giáo (Bắc Tông), cũng như những tín ngưỡng địa phương của các vùng Thuận Hóa và ngũ Quảng. 

Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, người Gia Định chuộng đạo Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng các vị nữ thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Hỏa Tinh, Cô Hồng, Cô Hạnh, vân vân. Kỳ thật, việc kính trọng các vị nữ thần của dân gian Gia Định và miền Nam nói riêng, nói chung dân gian cả vùng Đông Nam Á đã từng theo chế độ mẫu hệ, nên đi đâu đến đâu chúng ta cũng thấy người ta lập miếu thờ các ‘Bà’, như Bà Thiên Hậu, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, vân vân. Người Gia Định nói riêng, người miền Nam nói chung, rất tin sự hiển linh của các đình miếu. Mỗi khi có việc gì cần giải quyết là họ mang nhau ra miếu để ‘thề’; ghét ai, họ cũng ra miếu để ‘trù ếm’. 
Cũng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, người ở nông thôn mỗi khi có thù hiềm nhau, họ bèn tới chỗ miếu xưa hoặc chỗ ngã ba đường, chặt cây chuối rồi trồng ngược đầu, rồi xé con gà đặt lên trên, đem tên họ của kẻ thù ra mà ‘rủa’. Ngoài ra, người Gia Định, nhứt là cư dân các vùng ven biển như Cần Giờ(20), cũng thờ Nam Hải Đại Tướng Quân (cá Ông Voi), hoặc thờ Hà Bá Thủy Quan, vân vân. Họ tin rằng ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ được trời phái xuống giúp dân chài ven biển, giúp người gặp nạn ngoài biển, giúp đưa người bị chìm tàu ngoài biển vào bờ. 

Chính vì vậy mà không riêng gì nhân dân Gia Định, mà nhân dân các vùng từ Thuận Hóa và Nam rất tôn kính, gọi cá ông là ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’(21). Mỗi khi gặp cá ông chết là họ tổ chức chôn cất rất trọng thể. Bên cạnh đó, dân gian Việt Nam rất kính trọng các vị văn thần võ tướng, nên họ đã thần linh hóa những vị nầy, rồi lập miếu thờ. Chẳng hạn như miếu thờ quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở khắp nơi tại miền Nam, và dĩ nhiên là nhân dân Gia Định cũng lập miếu thờ ngài, vì ngài chính là người đã lập giấy khai sinh cho vùng đất nầy. 

Ngoài ra, người Gia Định hãy còn giữ tín ngưỡng của cư dân bản địa, tin tưởng nơi các vị thần như thần sông, thần ao chằm, thần mộc... Có nhiều nơi người ta không dám đốn những cây cao, hoặc cây lâu năm vì họ tin sự hiển linh của các ‘Thọ thần’. Người Gia Định còn tin tưởng nơi ngày tốt ngày xấu; họ cũng tin cả sự khắc kỵ và tương hợp của những con giáp nữa. Không riêng gì dân Gia Định, mà cả miền Nam đều thuộc lòng câu ca dao “Mồng năm, mười bốn, hăm ba; đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn.” Nói như vậy không có nghĩa là trong ba ngày ‘mồng năm, mười bốn, hăm ba’ người dân miền Nam không làm gì hết, họ chỉ không làm những việc quan trọng, chứ họ vẫn làm những việc vặt vãnh trong nhà. Hoặc tứ hành xung trong 12 con giáp như sau: “‘Dần, thân, tỵ, hợi’, ‘Tý, ngọ, mẹo, dậu’, ‘Thìn, tuất, sửu, mùi’,” vân vân. Thí dụ như người có tuổi ‘dần’ không nên khởi động công việc làm ăn buôn bán, hay quan hôn tang tế vào các ngày hay các giờ ‘thân, tỵ, hợi’ và cũng như vậy người có tuổi ‘thân’ không nên khởi động công việc làm ăn buôn bán, hay quan hôn tang tế vào các ngày hay các giờ ‘dần, tỵ, hợi’, và cứ tiếp tục như vậy... 

Sinh Hoạt Văn Hóa-Xã Hội Của Vùng Đất Gia Định: 


Khi xứ Đàng Trong mở cõi về phương Nam thì vùng đất Gia Định hãy còn là một vùng đất rộng với toàn rừng là rừng, nhưng rải rác đó đây cũng có những cư dân bản địa sinh sống bằng phương cách bán du mục. Trước khi những người Phù Nam đến đây thành lập vương quốc, thì nơi đây đã có những người bản địa lâu đời như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân. Rồi sau đó người Khmer thế chân người Phù Nam, và cuối cùng là những lưu dân Việt Nam và Minh Hương đã đến đây khẩn hoang lập ấp và phát triển miền Nam thành ra một vùng đất trù phú như ngày hôm nay. 

Tưởng cũng nên nhắc lại một số tập tục trong sinh hoạt hằng ngày của những cư dân cổ, đã sinh sống trên vùng đất Gia Định trước khi người Việt đến đây. Người Mạ có tục cà răng căng tai, thoạt trông tưởng họ dữ dằn lắm, nhưng bản tánh họ rất hiền lành, thường bị người Miên và người Stiêng bắt đem đi bán làm nô lệ. Họ thường để tóc dài rồi bới ra phía sau, đeo bông tai bằng ngà. Người Stiêng có tục xâm mặt và xâm mình, đàn bà thì mặc vái còn đàn ông thì đóng khố. Trước khi lưu dân Việt Nam tời đây, Gia Định hãy còn rất nhiều người Khmer trú ngụ, nhưng đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì cộng đồng người Khmer tại đây bỏ đi về phía biên giới Kampuchia và Tây Ninh. Hiện tại vùng Sài Gòn Gia Định có rất ít người Khmer sinh sống. 

Chính vì tánh cộng sinh của cư dân vùng Gia Định ngay từ những thời xa xưa, mà chúng ta thấy rõ cách sinh hoạt văn hóa và xã hội tại Gia Định vẫn còn rõ nét ở hai hệ thống, một là truyền thống bản địa và hai là lối sinh hoạt đã được Việt hóa từ khi các lưu dân Việt Nam tới đây. Nói là Việt hóa, kỳ thật đây là sự hòa quyện giữa văn hóa Việt và văn hóa bản địa, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, đến cách sinh sống, và cách ăn mặc, vân vân. 
Trước khi cư dân Phù Nam tới đây, chúng ta không có sử liệu nói về phong tục tập quán của cư dân bản địa, nhưng qua cách sinh hoạt vừa kể trên, có lẽ những cư dân bản địa nầy cũng tổ chức ‘quan, hôn, tang, tế’ theo một phong cách nào đó của họ, nhưng chắc chắn họ cũng chia làm hai giai tầng: quí tộc và thường dân. Về sau nầy, khi người Việt tới đây, họ mang theo với họ phong cách nghi lễ từ miền Trung vào, chẳng hạn như về cưới gả cũng có hai cách: quí tộc và thường dân. 
Với tầng lớp quí tộc, gia đình họ vẫn giữ đủ tất cả các lệ trong cưới hỏi(22), trong khi người bình dân thì chỉ giữ hai lễ: lễ hỏi và lễ cưới mà thôi. Về tang tế, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, người ta vẫn còn thấy đa phần dân Gia Định tổ chức tang lễ theo nghi thức Nho giáo hay Phật giáo, nghĩa là ngay cả những người theo Thiên chúa giáo, họ vẫn làm lễ chịu tang(23) và làm lễ cúng cơm. Tuy nhiên, với người theo Phật giáo thì họ tổ chức lễ cúng cơm trong 49 ngày, mỗi 7 ngày một lần, vì họ tin rằng trong vòng 49 ngày đó hương linh của người mất vẫn còn lẩn quẩn đâu đó chứ chưa đi đầu thai. Về mặt tín ngưỡng, tuy phần lớn người Việt và người Hoa trên vùng đất nầy theo đạo Phật, nhưng chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi những đình miếu theo phong cách Thuận Hóa, hoặc ngay cả những ngôi miếu có phong cách Cao Miên như miếu Ông Tà ở các vùng gần biên giới mà ngày nay đã thuộc tỉnh Tây Ninh; hoặc những ngôi miếu mang phong cách tổng hợp giữa Việt-Hoa-Miên như miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Bà Đen(24). 

Về mặt giáo dục, dầu đa số người Việt và người Hoa tại đây theo Phật giáo, nhưng xứ Gia Định một thời đã được Nguyễn Ánh đặt là Kinh Gia Định khi ông ta đang trốn chạy quân Tây Sơn, nên Nho Giáo rất thịnh hành, và ‘Tứ thư ngũ kinh’ luôn là những tài liệu giáo dục hàng đầu dưới thời các chúa Nguyễn. Trong đó phải nói đến các bậc thầy của hàng sĩ phu miền Nam thời đó như Võ Trường Toản(25), Đặng Đức Thuật, một thời được người Gia Định tôn xưng là ‘Đặng gia sử phái’, Phạm Đăng Long (cha của Phạm đăng Hưng) được người Gia Định tôn xưng là ‘Kiến Hòa Tiên Sinh’.

Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018

Làm Thơ Tình Em Đọc - Trúc Hồ - Lâm Nhật Tiến


Sáng Tác: Trúc Hồ
Ca Sĩ: Lâm Nhật Tiến
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Một Thời Đi Học



Oi nồng tiết hạ trải ngàn nơi
Những nẻo đường quê rực sáng trời
Phượng vỹ phô hình khoe ảnh mới
Ve sầu khản giọng khóc ngày vơi
Thay trường thoả mộng nâng tầm với
Dẫn bước vào mơ ngẩng chặng đời
Lối cũ hằng mang nhiều cảm vợi
Sang mùa chạnh đổ lá chiều rơi.

Mai Thắng
180909

Chuyện Tình



Trăm năm đợi,
Trăm năm chờ 
Trăm năm nhớ 
Trăm năm thương 
Trăm năm vương vấn với tình
Trăm năm ôm kỷ niệm mình vào thơ 
Trăm năm dệt mộng vương tơ,
Trăm năm ai đã hững hờ cùng ai?
Trăm năm một giấc mơ dài 
Trăm năm thôi cũng đành hai nẻo đường 
Trăm năm tan vỡ yêu đương 
Trăm năm ngăn cách sông tương đôi bờ.

Nguyễn Thành Tài
* Hình phụ bản của Tác Giả

Tình Mùa Phượng Vỹ - Nét Hương Trinh



Bài Xướng: Tình Mùa Phượng Vỹ

Hoa ngày tháng cũ giờ phai
Tình ngày tháng cũ một mai em à
Chuyện mình năm đó chia xa
Đường em với lại đường ta hai đường
Từ khi giã biệt mái trường
Là yêu thương vỡ! Là thương yêu tàn
Là em cất bước sang ngang
Là ta ôm nỗi dỡ dang chốn này
Lời thơ tiếc nuối tháng ngày
Mùa hoa phượng vỹ! Tình nay lỡ rồi

Nhị(Cố Quận)
***
Bài Họa: Nét Hương Trinh


Dẫu hoa úa sắc hương phai
Dạ son nồng thắm hẹn mai người à
Nếu thương tiếc đóa lìa xa
Nhặt ép vào vở hai ta chung đường
Nhưng từ người biệt dặm trường
Cánh hoa thời loạn đau thương nhụy tàn
Đục dòng lỡ chuyến đò ngang
Duyên không tròn mộng dỡ dang thế này
Vẫn nguyền tâm định từng ngày
Huơng trinh hoa đượm dù nay héo rồi

Kim Oanh

Mây Tần 2018

Để kỷ niệm tôi sắp sửa bước vào tuổi 85, ngày Trời tháng Phật còn lại của một đời người, tập thơ nhỏ viết tay, ghi chép lại các lần hầu chuyện với người xưa qua chữ nghĩa, trong khoảng thời gian từ 2011 đến 2013, đã được con cháu trong nhà thực hiện thành "Mây Tần 2018.pdf", đính kèm, tiếp nối với tập Mây Tần 2012 trước đây. Xin được chia sẻ chút niềm vui này với thân quen, con cháu trong nhà, và các em học trò dù đã đổi đời và cũng đã mấy chục năm qua rồi mà vẫn còn giữ được tình nghĩa đối với người thầy cũ thuở nào dạy toán trung học ở Sa Đéc và Cần Thơ. Trân trọng. PKT 10/05/2018 


Mây Tần 2018
(1) 
"Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại 
Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền" 
(Hàn Dũ 768-824)

Mây giăng ngang núi Tần, nhà ta chốn nào dưới đám mây xa kia 
Tuyết đã phủ trắng ải Lam, ngựa không còn sức giúp người vượt qua được nữa rồi . 

(2) 
Người xưa trên bước đường luân lạc
Vẫn có một nơi để nhớ về
Tôi nay thân cỏ bồng phiêu bạt
Đâu áng Mây Tần gửi nỗi quê 
Ngày tháng qua đi không trở lại
Tóc xanh giờ đã bạc phong trần 
Còn chăng một tấm lòng thơ dại
Ngu ngơ cười khóc chuyện phù vân 
Đất khách lần khân đà trọn kiếp
Thì thôi chữ nghĩa chút niềm vui
Đêm đêm lần giở trang thơ cổ
Trăng nước Tầm Dương những ngậm ngùi 
(Đâu Áng Mây Tần - PKT 03/17/2011)

(3) 
Thôi đã ba chìm bảy nổi
Đổi đời bão táp đẩy đưa
Xứ người sớm chiều mưa nắng
Có nói gì thêm cũng thừa
Sống sót một thời chiến loạn
Hồn nhiên tuổi dại không còn
Ngồi nghe gió đùa tóc rối
Mà vui với tấm lòng son 
(Độc Thoại - PKT 10/01/2018)
***
Thầy Trí kính mến
Rất ngưỡng mộ thầy Trí qua thi phẩm“Mây Tần”

Mến Mộ Mây Tần


“Mây Tần”, lưu bút, thích thơ Đường
Bát cú, Ngũ ngôn, Lục bát thương
Xướng họa thi nhân duyên bạn hữu
Gồm thâu thi phú nợ văn chương
Tám lăm khỏe khoắn thường minh mẫn
Vạn thọ khang ninh vẫn kiện cường
Giai lão vui thay già phúc lộc
Cao niên tự tại trẻ an khương

Mai Xuân Thanh
Ngày 05/10/2018

Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2018

Độc Tiểu Thanh Ký Và Những Vầng Thơ - Kim Phượng & Quên Đi


Thơ: Kim Phượng Và Quên Đi
Thực Hiện: Huỳnh Hữu Đức




Tình Son Sắt - Thảnh Thơi

(Cảm xúc từ tấm hình hai Bác,Ba Má của KimOanh)

Tình Son Sắt

Hoa lòng không héo ai ơi
Là tình son sắt đời đời thắm tuơi
Bên nhau trọn kiếp không rời
Về chung mộ ngắm sao trời đêm đêm.

Khánh Hà
***
Thảnh Thơi

Mái tóc trắng tinh ngồi nghỉ ngơi
Mắt nhìn chung hướng bỏ chuyện đời
Ao sen xanh mướt hồn thơi thới
Chiu chắc trọn đời hưởng thảnh thơi

Nguyễn Cao Khải

Bóng Người Chung Trăng



Xướng: 
Bóng Người Chung Trăng

Mảnh trăng vằng vặc tợ như gương
Soi thấu tình chăng những đoạn trường
Sóng mắt hồ thu chưa ráo lệ
Dòng tơ định mệnh khép yêu đương
Luyến lưu chi thế mà lờ lững
Tơ tưởng xua hoài mãi vấn vương
Thuở ấy xa rồi ngày tháng cũ
Có còn lưu bóng kẻ chung đường

Kim Phượng
***
Các Bài Họa: 

Lỡ Hết Đường

Vành vạnh trăng soi tợ mặt gương
Sao hôm tinh tú suốt canh trường
Thương ai ngóng đợi mau đoàn tụ
Nhớ thiếp chờ mong chóng đảm đương
Hờ hững làm chi xa mới lững
Tương tư bận bịu lại tơ vương
Buổi xưa lưu luyến còn chung lối
Nay lỡ xa nhau cũng hết đường!

Mai Xuân Thanh
Ngày 02/10/2018
***
Lạc Mất Nhau

Gương vỡ lại lành,lại vỡ gương
Tình chia khổ lệ đọng miên trường
Tàn phai cổ độ người xưa thấm
Khó nhọc phương trời khách lữ đương
Giang hải muôn bề xô sóng vỗ
Dâu tằm một kiếp cuộn tơ vương
Trời quê vẫn đó trăng hò hẹn
Hai nửa tìm nhau lạc mất đường!


Lý Đức Quỳnh
***
Bóng Người Chung Gương

Có còn lưu luyến kẻ chung gương,
Thuở ấy xa xôi đoạn cả trường.
Tơ tưởng xua hoài mà vẫn nhớ,
Luyến lưu chi lắm mãi còn vương.
Dòng tơ định mệnh không người đãm,
Sóng mắt hồ thu chẳng kẻ đương.
Soi thấu tình xưa ngày tháng cũ,
Mảnh trăng vằng vặc bước bên đường.


Đỗ Chiêu Đức
***

Nhìn Trăng Nhớ Người

Vằng vặc vầng trăng sáng tựa gương
Cùng người từng ngắm cả đêm trường
Thầm thì hẹn ước luôn chung thủy
Thủ thỉ thề nguyền mãi luyến vương
Thuở đó kề vai bên ánh nguyệt
Bây giờ cách mặt rẽ đôi đường
Duyên tơ định mệnh trời cay nghiệt
Lạc phím chùng dây yêu với đương

Songquang
10/3/18
***
Lẻ Bóng

Thờ thẫn đêm ngày biếng lược gương
Nhìn trăng trằn trọc suốt canh trường
Gượng vui, con cái lo chăm sóc
Nuốt lệ, việc nhà gắng đảm đương
Mưa gió ngoài trời, thân buốt giá
Bão bùng trong dạ, mắt sầu vương
Tâm tư khôn tỏ cùng ai được
Chẳng thấy niềm vui ở cuối đường.


Phương Hà
***
Đêm Nay Dưới Nguyệt

Trăng rằm trong vắt họ soi gương
Hoan hỉ, ngây thơ tạm biệt trường.
Kẻ nẻo rừng sâu gìn chữ tín
Người nơi biển cả giữ tơ vương.
Từng cùng tinh tiến nghề ham muốn
Đâu thể lơ là nhiệm đảm đương.
Đành lỡ đôi ba lần hẹn gặp
Đêm nay dưới Nguyệt ngọt hơn đường 


Trần Như Tùng
***
Ẩn Ức

Trăng xanh vời vợi nguyệt lồng gương
Gợi bóng hình ai thức mộng trường
Hẹn ước đá vàng thời giậy sắc
Nguyện thề cầm sắt thuở thì đương
Môi say đắm đuối nao lòng nhớ
Lửa bén nồng nàn níu dạ vương!
Ẩn ức in sâu bao kỷ niệm
Trăng côi lạnh lẽo rụng bên đường!?

Nguyễn Huy Khôi
4-10-2018
***
Ngùi Nhớ Trăng Xưa

Đêm xưa cùng ngắm mảnh trăng gương
Nào biết nào hay cuộc hí trường
Đôi mái đầu xanh say ánh nguyệt
Một hồn mộng thắm dệt tơ vương
Hẹn thề duyên nợ bền giai ngẫu
Nguyện ước ba sinh trọn bước đường
Hình bóng uyên ương chừ biệt tích
Tình xuân nỡ dứt lòng sao đương?

Yên Nhiên
***
Nhỡ Vỡ Gương Trăng


Đêm nay khoát nước vỡ trăng gương
Đánh mất tình tôi,lạc hướng đường
Kẻ ở bên nầy ôm gối chiếc
Người nơi phương ấy ấp tơ vương
Gượng vui,nhặt lại từng manh vụn
Nuốt lệ,gom chung mộng hí trường
Bóng nguyệt tan tành sao gắn được?
Thôi đành....sóng vỗ mất sầu đương....


Song MAI Lý Lệ
***
Bóng Người Chung Trăng


Ai đó vẫn còn nửa mảnh gương
Mà soi thổn thức những đêm trường
Đôi bờ viễn xứ lo bươn chải
Một gánh oằn vai phải đảm đương
Tủi phận ba sinh đà sớm gãy
Nhớ người hơi hướm hãy còn vương
Chung vầng trăng tím treo từ đó
Bóng cũ tìm đâu vạn nẻo đường?

Cao Linh Tử
5/10/2018
***
Bóng Nhỏ Đường Xưa 

Dõi ánh trăng rằm tựa mảnh gương
Vàng tia sáng rực toả canh trường
Chờ âm điệu loãng cung trầm lắng
Đợi khúc ca chìm quãng nhớ vương
Cuộc sống thời qua trôi ổn định
Hoa màu tóc điểm cảm sầu đương
Người xưa áo đỏ chiều say nắng
Vóc nhỏ tìm ai đẫm bụi đường.

Vóc nhỏ tìm ai đẫm bụi đường
Bên hào rực sắc đỏ chiều vương
Vờn bay tóc lọn vùng hoang dã
Quấy nhiễu đồn sâu ảnh lạ thường
Ánh hoả châu vàng soi dãn mộng
Nhân tình thế loạn dẫm nhoà sương
Ngày em lạc bước dòng di tản
Thệ giữ màu hoa cảnh chiến trường.


Mai Thắng
181004

Đất Phương Nam - Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định (Phần 3)


Cư Dân Trên Vùng Đất Gia Định:

Phải nói hai tiếng ‘Gia Định’ đối với người Việt Nam có một ý nghĩa bao quát cho cả một vùng đất miền Nam. Khi nói đến Gia Định, người ta liên tưởng ngay đến Sài Gòn. Thậm chí, khi nói đến Gia Định, có người liên tưởng ngay đến cả vùng đất Nam Kỳ. Mà cũng phải, vì ngay từ khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thì cả vùng đất nầy chỉ có hai phủ Gia Định và Phước Long mà thôi. 

Chính vì vậy mà khi nói đến cư dân trên vùng đất Gia Định, người ta cũng liên tưởng ngay đến cư dân của cả vùng Đồng Nai-Cửu Long, nghĩa là cả miền Nam, từ Đồng Nai, Biên Hòa, đến Sài Gòn, Gia Định, rồi xuống tận Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Hà Tiên, vân vân. Có phải trước khi những lưu dân Việt Nam đến khai phá vùng đất Nam Kỳ thì nó hãy còn hoang vu theo như lời kể của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp Phong Thổ Ký hay không? Đúng như vậy, khi xứ Đàng Trong mở cõi về phương Nam thì vùng đất nầy hãy còn là một vùng đất rộng với toàn rừng là rừng, nhưng rải rác đó đây cũng có những cư dân bản địa sinh sống bằng phương cách bán du mục. 

Theo các nhà khảo cổ học thì đất Gia Định vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo. Ngày nay chúng ta không có nhiều sử liệu về vương quốc Phù Nam nên khó mà biết được họ đã rời bỏ vùng Gia Định vì lý do gì, rất có thể họ không thể sống hòa đồng với những người bản địa lâu đời tại đây như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân, nên họ bỏ đi giống như bản chất của những người Khmer nối gót họ về sau nầy, mỗi lần có điều gì xích mích với người Việt thì họ chửi rủa rồi bỏ đi. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, từ các cửa biển như cửa Cần Giờ và Soài Rạp, vân vân, đi vào toàn là rừng rậm hoang vu, đây là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi họ là người “Man”(4). 

Vào thời đó địa bàn cư trú của các nhóm người nầy, đặc biệt là người Mạ chạy dài từ vùng Đồng Nai xuống tận Meso (Mỹ Tho). Người Mạ hay người Mọi Bà Rịa, nói tiếng Môn-Khmer, đã có cuộc sống đồng cư lâu đời tại đây, họ thường làm các nghề dệt vải thổ cẩm rất đẹp, ở nhà sàn, thường là những dãy nhà liền nhau. Họ có tục cà răng căng tai, thoạt trông tưởng họ dữ dằn lắm, nhưng bản tánh họ rất hiền lành, thường bị người Miên và người Stiêng bắt đem đi bán làm nô lệ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân Việt Nam đến đây thì tệ nạn nầy cũng chấm dứt. Hiện tại người Mạ chỉ còn khoảng trên 20 ngàn người sinh sống trong các vùng phía Nam cao nguyên Lâm Đồng và Đắc Lắc. Người Stiêng, còn gọi là Mọi Đồng Nai hay Mọi Cà Răng, sống tại các vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Hậu Nghĩa... nói tiếng Môn-Khmer, rất gần với ngôn ngữ của các bộ tộc Mnông, Cơ Ho, và Mạ. Họ thường để tóc dài rồi bới ra phía sau, đeo bông tai bằng ngà. Người Stiêng có tục xâm mặt và xâm mình, đàn bà thì mặc vái còn đàn ông thì đóng khố. Hiện nay người Stiêng còn khoảng trên dưới 40 ngàn người, sinh sống trên các vùng cao tại miền biên giới Tây Ninh và Kampuchia. Ngay từ trước thế kỷ thứ XVII, nghĩa là trước khi đất Gia Định trực thuộc xứ Đàng Trong, vùng đất nầy cũng có rất ít người Khmer cư trú. Đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì cộng đồng người Khmer tại đây bỏ đi về phía biên giới Kampuchia và Tây Ninh. Hiện tại vùng Sài Gòn Gia Định có rất ít người Khmer sinh sống.

Vào cuối thế kỷ thứ XIX, qua những khai quật khảo cổ, người ta đã tìm thấy những di chỉ từ thời đại đồ đá cũ và rất nhiều di chỉ thời đồ đá mới sang đến thời đại kim khí, vân vân. Như vậy vùng Sài Gòn Gia Định đã có cư dân từ thời nguyên thủy đến văn minh Óc Eo, hậu óc Eo, được nối tiếp với văn minh Việt Nam mang đến từ những lưu dân đi khai khẩn vùng đất nầy từ thế kỷ thứ XVII. Về phương diện địa chất học, vùng Phiên Trấn nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Khu vực phù sa cũ chạy dài từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. Trong khi vùng phía Nam Sài Gòn, từ Sài Gòn chạy dài xuống Nhà Bè là một vùng đất thấp với cấu trúc phù sa mới. Đây là vùng sình lầy, trũng nước, ngập mặn quanh năm, chịu ảnh hưởng thủy triều và gió mùa giống như miền tây Nam Phần. 

Như vậy vùng Phiên Trấn vừa có cấu trúc địa chất cổ đại mà cũng vừa cận đại. Và cư dân cũng tuần tự lan tràn trong vùng theo sau sự hình thành và cấu trúc địa chất, nghĩa là ở đâu đất đai được thành hình là ở đó có cư dân. Ngay từ thời nguyên thủy của vùng đất nầy đã có cư dân trú ngụ, đến những thế kỷ sau Tây lịch, vùng đất nầy đã có một nền văn minh rực rỡ, đó là văn minh Óc Eo, rồi hậu Óc Eo sau khi chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo đột nhiên biến mất khỏi vùng đất nầy. Sau đó người Khmer đã tràn xuống cư ngụ trên vùng đất nầy cho mãi đến thế kỷ thứ XVII. Nhưng trên thực tế, theo Chân Lạp Phong Thổ Ký của Châu Đạt Quan, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ thế kỷ thứ XIV cho mãi đến đầu thế kỷ thứ XVII, hầu hết vùng đất nầy hãy còn hoang vu, với cây rừng rậm rạp, đầm lầy ẩm thấp, lại thêm sơn lam chướng khí và thú dữ hoành hành. Ngay tại vùng mà bây giờ thuộc huyện Hóc Môn, vào cuối thế kỷ thứ XVII hãy còn rất nhiều cọp và cá sấu dữ, thường xuyên bắt hay ăn thịt người, nên có câu “dữ như cọp vườn trầu” hay “ác như sấu Vũng Gấm” vân vân. 

Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, vào Năm 1698, quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Nghĩa là quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh đã thành lập một vùng cương vực rộng lớn từ Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Tân Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn và xuống tận Long An bây giờ. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Nói như vậy không có nghĩa là trước đây vùng đất nầy chưa từng có cư dân nào trú ngụ. Kỳ thật, theo các di chỉ khảo cổ thì vùng dinh Phiên Trấn cũng như các vùng phụ cận từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. 

Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso và Long Ghor(16), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Tuy họ phải triều cống các vua Chân Lạp, nhưng sinh hoạt trong các bộ lạc nầy vẫn được độc lập tự do. Văn hóa của họ có liên hệ tới văn hóa đá cũ tìm thấy tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh, Định Quán; văn hóa Hòa Bình Bắc Sơn tìm thấy tại vùng Suối Chồn; văn hóa đá mới tìm thấy tại vùng Cầu Sắt; văn hóa đồng tìm thấy tại núi Gốm, Bến Đò; văn hóa đồng sắt tìm thấy tại các vùng Suối Chồn, Rạch Núi; văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Phú Chánh; cũng như nhiều di chỉ tìm thấy trong vùng có liên quan đến văn hóa Óc Eo và hậu óc Eo. Mặc dầu các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp đã từng có cư dân trên vùng đất nầy, nhưng về phương diện chánh quyền và xã hội, cả hai vương quốc nầy chưa từng tổ chức thành làng mạc, thôn ấp, cũng chưa từng xác lập lãnh thổ hay cương vực rõ ràng. Chính vì thế mà những cư dân bán du mục của hai vương quốc nầy chỉ đến đây canh tác một thời gian rồi bỏ đi khi đất đai không còn mầu mỡ nữa.

Mãi đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những cư dân người Việt đầu tiên đi vào khai khẩn vùng nầy, nhưng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, có thể họ là những lưu dân từ các vùng Thuận Quảng đến đây ngay từ thời Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Hóa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn thì xứ Mô Xoài Bà Rịa là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt Nam đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang từ các tiên hoàng đế triều Nguyễn. Có lẽ họ vào Nam bằng những thuyền buồm hay những ghe bầu, dọc theo đường biển, vào các cửa Cần Giờ, Soài Rạp, Tiểu, Đại, vân vân, nhưng chỉ một số tiến lên được đến vùng Mô Xoài Bà Rịa mà thôi vì vào thời đó các cửa Soài Rạp, Tiểu và Đại hãy còn là những bãi đất cạn chứ không thông thương như bây giờ. 

Phủ Gia Định được quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lập ra theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698, có diện tích khoảng 30.000 cây số vuông và gồm hai huyện Phước Long(17) và Tân Bình(18). Lúc đó dân số không vượt quá con số 200.000 người, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi. Về việc nầy chính Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Lúc đầu thiết lập ba dinh, một dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc gì cả, cốt yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” 

Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Gia Định vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. 

Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng. 

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Links xem tiếp: