Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2022

Trăng Yêu - Thơ Chúc Anh - Nhạc Trần Đại Bản - Tiếng Hát Vân Khánh


Thơ: Chúc Anh 
 Nhạc: Trần Đại Bản 
Tiếng Hát: Vân Khánh 

Rượu Chiều

 

Rượu chiều chưa cạn đã xiêu
Đã nghe sương khói thấm đều ruột gan
Một tôi, và những bẽ bàng
Một em bóng khuất tự ngần biển dâu
Từ ta, lỗi khúc Phượng cầu ...

Cao Vị Khanh

Phượng Tìm Hoàng - Thơ Đinh Hùng - Phổ nhạc Châu Kỳ - Tiếng hát Thái Thanh



Đàn

 

Tay ngà nhẹ vuốt dây tơ
Dáng ai đài các bên bờ Hương giang
Thanh tân tỏa nét dịu dàng
Cố Đô trầm lắng, nhặt khoan huyền cầm.

Huy Văn(HVC)

Rung Lại Những Tàn Phai...!

 

Thật tình cờ, cho ta lại gặp nhau
Ơi, tình đầu của nhiều năm, rất cũ.
Như tờ thư úa vàng nằm ủ rũ
Vẫn còn trong ngăn nhớ, trái tim đau!

Hạnh phúc tàn cơn mưa tạnh đã lâu

Từ những đêm trăng vỡ lạc đời nhau
Vẫn tên người và bài ca năm ấy.
Sao bỗng về khơi tro lạnh, ngùi bay!

Như chưa từng có lần nói chia tay

Tình ngỡ vơi chiều nay bỗng lại đầy
Men rượu nào làm hồn ta say khướt
Hạt bụi nào làm mi mắt nồng cay!

Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may

Chút hương thầm xin là gió cứ bay
Theo áng mây về cuối trời xa thẳm
Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!

Tưởng Dung

Cánh Phượng

 
 

Những môi son mùa hè cánh phượng
Trái tim hồng trong giấc ngủ
Mơ thấy em
Áo đỏ về nhà
Em cười xa xôi miền hư ảo
Nụ hôn mềm trong gió liêu trai
Tiếng hát say sưa
Ve râm ran những điệu nhạc sầu
Người nghệ sĩ ôm đàn bỏ đói
Xác ve cười cuối hạ
Bản nhạc lòng đã gửi cho ai
Phượng tàn úa cánh thẫm chiều trôi
Ôm thân người nghệ sĩ suốt mùa
Mộ phần êm ả
Hàng cây dài
Xe quét đường người phu buông chổi.

Lê Mỹ Hoàn

(Trong tập thơ Ngày Vội)

Trái Tim Này

 

Rồi một ngày nào tôi sẽ chết đi,
Trái tim tôi đem hiến cho người khác,
Một người không quen, không hề biết trước,
Nhận tim tôi như nhận một ân tình.

Với trái tim này người sẽ hồi sinh,
Trong lồng ngực người trái tim tôi thở,
Cám ơn cuộc đời bỗng dưng hạnh ngộ,
Những tế bào xa lạ sẽ thành quen.

Trái tim này với một thuở thanh xuân,
Những nhịp đập đã bao lần rộn rã,
Một nụ cười quen, một đôi mắt lạ,
Qua đời tôi thân mến hoặc hững hờ.

Trái tim này có nhiều lúc bơ vơ,
Nhớ mong ai mơ hồ xa xôi lắm,
Chưa một lần anh để tay lên ngực,
Đâu hiểu tim tôi nhịp đập bâng khuâng.

Trái tim này biết khóc như giòng sông
Những ngày mưa làm đôi bờ đẫm lệ,
Đã héo hon như mùa Thu trút lá,
Chiếc lá khô tan tác ở ven đường

Nhưng trái tim này cũng rất đời thường,
Đã ganh ghét, dỗi hờn và ích kỷ,
Những đám mây mù, những dòng suy nghĩ,
Làm ngày buồn che khuất khỏang trời xanh.

Nhưng trong tình yêu vẫn chỉ có anh,
Trái tim này chưa bao giờ lỗi nhịp,
Dù mai sau sẽ thuộc về người khác,
Trong ngực người lại đập nhịp yêu thương.

Nguyễn Thị Thanh Dương


Giận


Tôi tình cờ đọc bài “Ai Mang Bụi đỏ... Đi Rồi” của Huy Phương trong tờ báo Thương Mãi Miền Đông,
số 1405, năm thứ 30. Tác giả Huy Phương viết bài này để tưởng niệm nữ danh ca Thái Thanh vừa mới
qua đời ngày 17 tháng 3, 2020 (8/1934 – 3/2020) tại California, hưởng thọ 86 tuổi.
Trong bài có một đoạn như thế này: “Trích Lưu Trọng Văn: “Có lần gã hỏi nhạc sĩ Phạm Duy tại sao
không rủ Thái Thanh về (Việt Nam). Phạm Duy bảo: tôi có rủ nhưng cô ấy lắc đầu. Gã hỏi: tại sao? Phạm
Duy im lặng một lúc rồi khẽ nhún vai nói: cô ấy không hết giận. Gã hỏi tiếp: tại sao giận dai vậy? Phạm
Duy bảo: vì quá yêu. Cô ấy quá yêu... Vâng! Quá yêu! Nước ơi!”

Cô Thái Thanh giận và không muốn về lại Việt Nam (VN) vì cô trót đã yêu VN với tất cả say đắm. Cuộc đời cô càng trôi nổi cô càng yêu VN thắm thiết. Yêu nhiều nên giận lâu! Chỉ một chữ “giận” thôi mà gói ghém bao tình ý. Tôi đọc mà xúc động quá thể!
Tình yêu nước nồng nàn của cô được thể hiện qua những bản nhạc tình ca mà cô đã hát suốt cuộc đời mình, suốt 60 năm. Giọng hát cô trầm bổng, réo rắt, luyến láy, nức nở, bộc lộ tình yêu tha thiết và đằm thắm. Có thể nói cô đã hát với tất cả tâm hồn qua từng chữ từng lời với cách phát âm tiếng Việt rất chuẩn của người Hà Nội trước 1954. Mỗi bài hát là mộc tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời và tinh xảo!
Cô đã thố lộ: “Người ca sĩ phải biết yêu tiếng nói của nước mình, phải yêu tiếng Việt của mình. Người ca sĩ còn phải yêu đất nước mình nữa. Khi trong bài hát có nói đến những xứ sở, những vùng nào đó trên đất nước mình, thì mình cũng phải cảm thấy yêu cả những dịa danh đó nữa, miền Trung, miền Nam, miền Bắc.”
Cô hát khi mới 13, 14 tuổi trong giai đoạn đất nước bùng nổ kháng chiến chống Pháp. Sau đó, cô theo gia đình chị Thái Hằng và anh rể Phạm Duy di cư vào Nam. Từ đấy, tiếng hát truyền cảm của cô vang vọng khắp nơi từ các chương trình phát thanh, truyền hình, vũ trường, ... đến các nẻo đường đất nước. Tên tuổi cô trở nên lẫy lừng, tiếng hát cô vượt thời gian. Hãy nghe Phạm Duy kể: “Nếu không có Thái Thanh thì nhạc Phạm Duy cũng không được hay và nổi lên được như vậy”.


Anh tôi đang du học bên Mỹ, nghe cô hát Nửa Hồn Thương Đau, ray rứt vì nỗi nhớ nhà đau đáu, đã viết
thư về nhắn gửi ngay bản nhạc cho anh. “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa. Cho tôi về đường cũ nên thơ. Cho tôi gặp người xưa ước mơ. Hay chỉ là giấc mơ thôi. Nghe tình đang chết trong tôi. Cho lòng tiếc nuối xót thương suốt đời....” (1)
Tiếng hát cô đã song hành cùng vận mệnh đất nước, chạm đến tận cùng của đau thương và hoan lạc...
Cô còn là đại diện cho lớp phụ nữ Hà Nội thanh lịch, quý phái trước 1954 và Sài Gòn sau này. Ngoài ra
cô còn có nhân cách thanh cao, nhân bản. Cô sống theo lối sống của mình, không rập khuôn, không a dua theo phong trào hay của người khác, nhưng không lập dị. Cô là lớp người “cổ” hiếm hoi còn sót lại.

Sau tháng Tư Đen, cô ở lại VN, từ chối hợp tác với giới chức văn hóa Cộng sản. Cô đã giận đám người
gây cảnh nước nhà ly tán. Năm 1954 rồi đến 1975, hai lần đất nước đổi chủ, hai lần thương hải biến vi
tang điền, hai lần người dân phải tìm đường lánh nạn CS. Biết bao nhiêu nước mắt!
Nỗi giận hờn đã gậm nhấm hồn cô bao nhiêu năm, làm sao cô có thể trở về VN sau khi đã định cư tại Mỹ vào năm 1985. Cô cũng như ca sĩ Gloria Estefán, dù ray rứt vì tình hoài hương mà vẫn “một đi chẳng trở về”. Càng yêu, càng giận!
Ca sĩ Gloria Estefán sinh ngày 1/9/1957 tại thủ đô Havana, Cuba. Khi Cộng sản cướp chính quyền, gia
đình bà di tản sang Mỹ, lúc đó Gloria Fajardo mới 2 tuổi.
Cha của bà, ông José Fajardo là một trong 1,300 tay súng người Cuba đã đổ bộ lên vịnh Girón ở Bahía de Cochinos (vịnh Con Heo) ngày 17/4/1961 để giải phóng quê nhà. Cuộc hành quân bị thất bại. Ông José Fajardo bị bắt làm tù binh và đã được Mỹ chuộc lại. Sau đó ông Fajardo sang Việt Nam chiến đấu chống Việt cộng.
Gloria đã dùng âm nhạc để giải khuây từ sức nặng gánh vác gia đình. Ai ngờ âm nhạc đã đưa bà đến danh vọng tột đỉnh với biệt hiệu là “Queen of Latin Pop” (nữ hoàng nhạc Pop Latin) với 4 giải Grammy
Awards, 4 giải Latin Grammy, và vô số các giải thưởng khác.
Ngoài giọng ca bất hủ, bà còn là một phụ nữ có tư cách: yêu gia đình, trung thành với tổ quốc và lý tưởng tự do dân chủ, và luôn là người con bất khả phân ly của cộng đồng người Cuba tỵ nạn Cộng sản tại Florida. Bà từng thề là sẽ không bao giờ biểu diễn tại Cuba khi chính phủ hiện nay vẫn cầm quyền.
Năm 1988, Giáo Hoàng John Paul II sang viếng thăm Cuba, Vatican đã ngỏ lời mời Gloria trở về Cuba hát cho thánh lễ ở thủ đô Havana. Gloria đã cự tuyệt vì còn giận!
Lão độc tài Cuba Fidel Castro rất ghét bài “Go Away” (Xéo Đi) được bà sáng tác năm 1992 để “tặng” riêng cho hắn. (2)
Thế mới biết, không có tiền bạc hay danh vọng nào có thể mua chuộc, không có sức mạnh hay quyền lực nào có thể ép buộc nhân cách thanh cao của 2 danh ca này!


Nhạc phẩm Tình Ca của Phạm Duy qua tiếng hát của cô làm tôi yêu quá tiếng nước tôi. Tôi cảm nhận sự rung động của từng chữ từng lời. Khi làm biểu ngữ (banner) cho nhóm Cô Gái Việt, tôi đã chọn ngay 4 hình ảnh tiêu biểu của quê hương với dòng chữ “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời...”

Nhạc Việt đã cùng tôi chìm nổi, lênh đênh sau ngày 30 tháng 4, 1975. Từng giai đoạn, những bài hát cứ
vang mãi trong đầu, ru tôi vào cơn mê muội, lẫn lộn hư hư, thực thực và đắm chìm trong đau khổ xuyên
suốt cuộc hành trình tìm tự do.
Tôi rời Sài Gòn một tuần trước đó, để qua Lào đoàn tụ gia đình với ba tôi đang làm việc tại tòa Đại sứ
VNCH. Khi chiếc xe Air VN rời cư xá Đoàn Thị Điểm vào lúc 5 giờ sáng, thành phố vẫn còn trong giấc
ngủ, trường Nữ Trung học GL vẫn cửa đóng then cài: “Biệt ly nhớ nhung từ đây. Chiếc lá rơi theo heo
may. Người về có hay... Biệt ly sóng trên giòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Và mây trôi nước trôi

Ngày tháng trôi càng lướt trôi...” (3) Lòng tôi đứt đoạn... Biết bao giờ trở lại?
Trên chuyến xe lửa từ Nong Khai đến Bangkok, đoàn người chạy loạn tả tơi, mỏi mệt đã rơi lệ hát Quốc ca VNCH, VN Quê Hương Ngạo Nghễ, Nửa Hồn Thương Đau, và kết thúc bằng Nghìn Trùng Xa
Cách: “Nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi. Còn gì đâu nữa, mà khóc với cười. Mời người lên xe về
miền quá khứ. Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu. Đứng tiễn người vào dĩ vãng nhạt mầu. Sẽ có
chẳng nhiều đớn đau...” Chưa bao giờ lời hát lại não nuột và thấm thía đến như vậy. Cả toa tầu câm nín
trong đau đớn và tuyệt vọng. (4)
Trước khi vào đại học, tôi đi giữ trẻ cho một gia đình bác sĩ Phi Luật Tân, giàu có, nhà đất rất rộng. Sau
bữa ăn trưa, tôi cho 2 đứa bé ra vườn chơi xích đu, khi chúng mệt thì cho ngủ trưa. Đây là lúc tôi tha hồ
hát những bài Tình Hoài Hương, Quê Mẹ, Biệt Ly, Về Mái Nhà Xưa, Lòng Mẹ, ... mặc chúng giương
đôi mắt tròn xoe lạ lẫm nhìn.
Rồi tôi nhập trường, xa nhà, vật lộn với sách đèn. Anh tôi cho cái máy cassette cũ và vài băng nhạc Việt
nghe giải sầu. Tôi vừa học vừa nghe nhạc thả dàn vì roomate lên thư viện hoặc đi chơi với bồ. Thỉnh
thoảng, tôi vào giảng đường của Math building sau giờ học để tự hát, tự thâu. Chẳng phải hát hay mà vì
hay hát, hát để quên nỗi buồn mất nước, nhớ nhà và đỡ cô đơn. Giai đoạn này tôi hay nghe những bài Nỗi Buồn Gác Trọ, Đường Xưa Lối Cũ, Bến Xuân, ... Đỡ buồn nhưng lại nhớ mênh mang!
Tưởng mọi việc sẽ êm trôi như thế, ai ngờ có chàng từ đâu tới, nhẹ bước vào đời tôi. Mối tình vừa chớm gây nhớ nhung, say đắm: “Nhớ nhung... Nhớ nhung ngập trời. Buồn vương khắp nơi. Gió trăng lạc lối.

 

Nhớ nhung... Sắt se lòng quá. Phía tây mây mờ. Sầu lắng trong mơ. Bóng dáng mây huyền lướt như tóc
ai. Tha thướt buông phương trời. Hầu lôi cuốn tim ta rối bời...” (5)
Dòng nhạc buồn chuyển qua những bài yêu đương tha thiết như Mộng Chiều Xuân, Bóng Chiều Xưa,
Tình Ca Hồng, Dư Âm, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Mộng Dưới Hoa, ... và tôi gieo vần làm thơ.
Có những lần đang học bỗng bâng khuâng nhớ, ước chi: “Nếu có em chiều nay ta sẽ lên đồi sim. Anh
hái hoa tím giắt lên đôi bờ tóc mềm. Nếu có anh nhìn môi em đẹp thêm. Màu hoa trên má xinh xinh. Gió thẹn thùng lay áo em...” (6)
Ngày mưa lê thê, không gặp chàng, buồn quá đỗi. Ngồi trong cafeteria nhìn làn mưa trắng xóa, lớp cỏ
xanh mơn oằn mình hứng chịu mà nhớ những cơn mưa hạ Sài Gòn, đổ xuống ào ào thật nhanh rồi cũng
tạnh nhanh. Sau cơn mưa, đường phố sạch sẽ và mát mẻ, nắng ửng vàng làm tà áo dài mới, màu rêu bừng lên, quyến rũ: “Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Trên bước chân em âm thầm lá đổ. Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa...” (7)
Mùa xuân, nắng vàng trong vắt, hoa lá đâm chồi, giờ nghỉ, tôi nằm hong nắng trên đồi, thầm gọi người
yêu dấu: “Xuân vừa về trên bãi cỏ non. Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn. Hoa cười cùng tia nắng vàng
son. Lũ ong lên đường cánh tung tròn...” (8)
Những chiều thu ngập lá vàng, rời thư viện khi đèn đường vàng vọt, lù mù soi lối, chợt thấy thèm một
vòng tay: “Đường phố muôn màu sao thiếu em. Về đâu làn tóc xõa bên rèm. Lầu vắng không người song khép kín. Nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm...” (9)


Ngày tuyết rơi tê tái, âm u... sau bữa ăn tối, lò dò lên thư viện, hồn mình còn giá lạnh hơn cả ngoài trời:
“Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu. Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng.
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư. Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng...” (10)
Cứ thế, tình yêu và tình ca dìu tôi qua những ngày vất vả học hành.
Thấy tôi đề thơ vào những tấm hình, K. đòi xem rồi bảo hồi còn ở Sài Gòn có viết bài cho tờ Tuổi Hoa.
Tôi hí hửng chờ một bài thơ Đường ngọt ngào hay Lục Bát mùi mẫn thì được K. tặng một tấm hình với
một đoạn thơ bằng tiếng Anh. Lúc đó, tôi mới chân ướt chân ráo từ trại tị nạn vào Ohio University, mùa
thu năm 1975. Tiếng Anh chưa rành rọt, chỉ hiểu sơ sơ, nhưng thấy toàn “Love You” thì chắc bụng, sung sướng lắm dù không biết yêu đậm cỡ nào. Tôi lọ mọ dịch bài thơ như vầy:

Gasoline Rainbow

Gasoline rainbow
I saw in a puddle of water in the park
on a cold day I was far away from you
Its myth (long bedded in my mind
since I was a child longing to know
where the rainbow would touch the earth)
has now died --
Sick of all the fabricated myths one
was fed with in life.
Now that I am awakened into reality
I am nothing
And I could not speak
But the flame in my heart
Burning madly for you
Is always afire
For one thing I know
Now now now
That I love you
Love
You
And you love me love me love me
Beyond all the myths
Loving beautifully like a gasoline rainbow.

Khanh Ha, 4/1976
***
Cầu Vồng Xăng

“Cầu Vồng Xăng” trong vũng nước công viên *
Đã thấy... một ngày lạnh, ta ly biệt
Từ thơ ấu thắc mắc hằn trong trí
Nơi cầu vồng chạm trái đất là đâu?
Huyền thoại tàn khi tôi thấy lần đầu
Cầu vồng váng đủ màu trong vũng nước.
Tôi chán ghét chuyện hoang đường từ trước
Thêu dệt thêm theo cuộc sống dần trôi.
Thực tế bây giờ đã đánh thức tôi
Tôi vô dụng, tầm thường, không đáng kể
Lời muốn nói nghẹn ngang chừng không thể
Nhưng trong tim lửa rực cháy vì ai
Xác định điều tôi được biết hôm nay
Tôi quý mến và yêu em vô kể
Bao lần nói lời yêu hoài không hết
Em yêu tôi cũng như thế, rất nhiều
Yêu vượt xa những huyền thoại đặt điều
Tình đẹp hệt Cầu Vồng Xăng muôn sắc.

Nguyễn P. Thúy

* Cầu Vồng Xăng được tạo ra khi giọt dầu xăng rơi vào vũng nước, nổi lớp váng trên mặt nước
với màu sắc của cầu vồng sau cơn mưa.
Ngày sinh nhật tôi, K. tặng thiệp, tự vẽ, cảnh chàng và nàng cưỡi ngựa quanh đồi. Chắc chàng còn nhớ:
“Khớp con ngựa ngựa ô... Khớp con ngựa ngựa ô...
Ngựa ô anh khớp đi khắp các nẻo xa. Ði qua núi mộng, trở lại đồi mơ. Ði bên suối đợi, đi sang rừng nhớ. Dắt nhau trông biển hẹn hò (ơ). Là theo í a theo nàng, anh theo nàng... Anh theo nàng một phen (ơ)...” nên vẽ


American version thật ngộ nghĩnh!
Mở thiệp ra. Úi chà! Bài thơ July 23rd dài lê thê. Tôi lại cố gắng dùng hết số vốn liếng tiếng Anh, vừa dịch vừa gieo vần cho... dễ nuốt.
Tôi không muốn “quá tam ba bận”, phải sì-tốp ở đây thôi kẻo cái đầu tôi nổ bung vì dịch “vật”.
Tôi thủ thỉ:
- Viết cho em một bài thơ tiếng Việt nhé? Phê hơn nhiều.
Chàng bối rối:
- Hơi khó. Chắc không viết được.
Tôi hờn dỗi:
- Sao vậy? Hồi đó có viết cho báo Tuổi Hoa, tiếng Việt rành lắm mà.
- Qua đây, học ban báo chí, phải đọc và viết tiếng Anh
nhiều nên quen rồi.
- Thì bây giờ tập viết lại tiếng Việt, rồi sẽ quen.
Chàng cười ngỏn ngoẻn:
- Bây giờ viết tiếng Việt thì ai đọc?
Chàng ngồi xích ra, nghiêm trang:
- Anh muốn vào dòng chính của văn chương Mỹ, do đó phải hiểu văn hóa của họ, nói và viết như họ.
- Vậy anh có yêu tiếng Mỹ và yêu nước Mỹ không?
- Đương nhiên là yêu mới làm được.
- Anh có yêu tiếng Việt và nước Việt không?
- Đương nhiên là yêu nếu không yêu thì sao lại yêu em! Nhưng khi nói đến sự đam mê viết lách trong
hoàn cảnh hiện tại thì trọng điểm là văn chương Mỹ. Nếu có quên tiếng Việt thì đã có người nhắc tuồng
đây rồi.
Tôi nài nỉ:
- Anh viết tiếng Việt cho riêng em thôi. Thơ hay văn, ngắn hay dài cũng được mà.
- Khi nào hứng và rảnh, anh sẽ viết.
Nhưng đến nay, chàng vẫn mê mải, ngụp lặn trong văn chương xứ người. Tôi giận chàng đã đánh mất
đam mê thủa trước - Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời. Tôi bày chuyện viết lách của tôi, dĩ nhiên
là bằng tiếng Việt. Tôi không khoe với chàng vì chàng có thích thú đọc đâu. Mỗi đứa chiếm một phòng,
có computer riêng. Không ai đọc bài của ai. Thôi đành chấp nhận sự khác biệt để sống chung hòa bình.
Chàng khuân về bao nhiêu là sách. Sáng đi làm, đêm thức: đọc, tra cứu, và viết. Kiên nhẫn làm việc liên
tục như thế, ròng rã bao nhiêu năm mới có kết quả. Tuy giận nhưng tôi phục chàng sát đất, luôn cầu cho
chàng đạt ước nguyện vì đó cũng là một cách “đem chuông đi đánh xứ người”!
Còn tôi, mãi mãi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, và nếu có kiếp sau, lại xin làm người Việt!

July 23rd

Maybe it was just a day or any other days
That had crawled like a centipede
Into my squalid dusk of youth – long long dusk –
Before I met you.
I walked last night – the night of the 13th

Down a dingy street
Crisscrossing through the heart of this apartment life
It was quiet at ten
In the inky-blue sky a full moon hung like a luminous disk
It shone as brightly as 22 candles
All lit up avidly on your birthday cake.
I walked upon my shadow
Wishing it was yours
But what’s the difference, now
Tried to think of a profound poem
That would burn longer and more brightly
than those 22 future candles
Only could I smell the stench of the garbage in the street
Feel the breeze sweetly infected, air shriveled.
I raised my face to the sky
The stars twinkled far away...
They all looked like a bunch of metallic glitters
On the inside of a prostitute’s thigh.
I wandered until I ate all the peanuts in my shirt pockets,
Sniffed the air smelling of gasoline, dust and sleepy leaves
And walked back home.
I opened the windows, turned off the light, went to bed
Thought thirstily of you, now invisible
Like a nocturnal sun walking somewhere in the darkness,
Then fell asleep with my unwritten poem.
Happy Birthday Em Yêu Dấu!

Khanh Ha
***
Ngày 23 Tháng 7

Một ngày như mọi ngày qua
Trôi đi chậm chạp y chang rết bò
Vào hoàng hôn tuổi dại khờ
Trước khi tôi đã tình cờ gặp em
Đêm 13th, phố tối đèn
Đi qua tâm điểm của nền chung cư
10 giờ trăng tỏa, tĩnh yên
Trên trời xanh thẳm, trăng in đĩa hình
Sáng trưng như ngọn nến xinh
22 cây cắm bánh sinh nhật nàng.
Tôi đi trên bóng của tôi
Ước chi cái bóng sánh đôi của nàng
Có gì quan trọng bây giờ
Nghĩ suy về một bài thơ làm quà
Tuyệt vời, sâu sắc, lâu tàn
Hẳn hơn thắp nến một hàng 22.
Ngửi mùi rác thải đường dài
Cảm làn gió dịu, ngoài trời lạnh run.
Trời xa, lấp lánh sao chùm
Như chùm kim nhũ trên đùi gái chơi.
Túi sơ-mi (chemise), đậu phọng vơi
Lang thang đến lúc ăn hồi hết luôn
Khí trời nhiễm khói xăng tuôn
Lại thêm bụi bặm, lá buồn ngủ say
Tôi đi trở lại về nhà
Tắt đèn, đóng cửa sổ và ngủ thôi
Nhớ em... bặt bóng hình rồi
Như vầng dương trốn vòm trời đêm đen
Thiếp đi một giấc say mèn
Vần thơ chưa chép, chưa lên khuôn bài.
Mừng Sinh Nhật Em Yêu Dấu!

Nguyễn P. Thúy

Tôi kính gửi cô Thái Thanh lời cám ơn muộn màng vì cô đã truyền cảm hứng cho bao người, trong đó có tôi, tình yêu ngôn ngữ Việt và đất nước Việt Nam. Một đất nước trầm luân trong chiến tranh, nhưng tràn đầy tình tự quê hương dân tộc dù là đau khổ hay hoan lạc.
Cô đã về miền miên viễn nhưng tiếng hát của cô còn ở lại với đất nước và dân tộc Việt!
Nghe cô hát bài Mẹ Việt Nam Ơi của Nguyễn Ánh9, tôi đã mủi lòng, sướt mướt!

 

Ai có thể thay thế cô? Ai?
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Mang giòng họ của Lê Lý Nguyễn Trần
Mẹ dưỡng nuôi con giòng sữa Bắc Trung Nam
Con của Mẹ đều một giống da vàng
Quyết một lòng diệt hết lũ tham tàn.
Trên đầu voi rạng ngời vung ánh thép
Gái Triệu Trưng bồ liễu chống xâm lăng
Hé môi cười nghe tiếng sóng Bạch Đằng
Con Hưng Đạo như Rồng Tiên vùng vẫy
Vượt Trường Sơn, Nguyễn Huệ, Bắc Bình Vương
Quyết một lòng đi giữ vững quê hương
Và còn nữa con của Mẹ toàn danh tướng
Lòng Mẹ vui hãnh diện với đàn con....
Nhưng Mẹ ơi giờ đây sao Mẹ khóc?
Hai vai gầy run rẩy nát tâm can
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Áo nâu nghèo Mẹ rách để phơi thân
Một đàn con rồi quên ơn Mẹ nuôi dưỡng
Súng đạn cày tan nát luống quê hương
Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than
Xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam.
Nhưng Mẹ ơi Mẹ đừng than khóc nữa!
Vì chúng con tuổi trẻ vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Quê hương mình trong TỰ DO ấm no
Xin Mẹ yêu Mẹ đừng than khóc nữa!
Vì chúng con mười bảy triệu vẫn còn đây
Chúng con nguyện cùng ra sức đắp xây
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương.
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây
Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây...
Không phản bội giòng sữa thơm nuôi đưỡng
Chúng con nguyện đi dựng lại Quê hương
Mẹ Việt Nam ơi... Mẹ Việt Nam ơi... Mẹ Việt Nam ơi...

Viết xong ngày 30 tháng 3, 2020
Nguyễn Phương Thúy

(1) Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương
(2) https://timhieusuutam.blogspot.com/2014/11/gloria-estefan.html
(3) Biệt Ly của Dzoãn Mẫn
(4) Nghìn Trùng Xa Cách của Phạm Duy
(5) Nhớ Nhung của Thẩm Oánh
(6) Khi Mình Xa Nhau của Anh Bằng & Lê Dinh
(7) Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn
(8) Hoa Xuân của Phạm Duy
(9) Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Yêu Làn Tóc Ấy) của Hoài Linh
(10) Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2022

Tóc Liễu - Thơ Tha Nhân- Nhạc&Lời Nguyễn Văn Hoàng - Hòa Âm NVT - Ca Sĩ Lệ Tuyền


Thơ: Tha Nhân
Nhạc&Lời: Nguyễn Văn Hoàng 
Hòa Âm: Nguyễn Văn Thơ 
Ca Sĩ: Lệ Tuyền 

Lỗi Hẹn

 

Tôi biết đò đã sang sông rồi
Người đà lỗi hẹn?- cũng đành thôi!
Tôi còn đứng lại trên bờ vắng
Buồn ngắm dòng sông lặng lẻ trôi!
Thôi thế từ nay vĩnh biệt nhau

Người đi để lại vạn ưu sầu
Bao nhiêu kỷ niệm bao dòng lệ
Ai biết lòng tôi cuộc biển dâu!!
Sao nói làm chi tiếng hẹn thề

Nay ham cẩm chướng bỏ tường vi
Đạp lên pháo đỏ về đô thị
Quên mối tình xưa bỏ bạn bè!
Buồn lắm! -từ nay vĩnh biệt người

Trăng thề khuất núi lạnh xa xôi
Người đi, kẻ ở… sầu muôn thuở 
Từng bước cô đơn suốt dặm đời 

 Hàn Thiên Lương

Mười Hai Tháng Yêu Em

 

Cả mười hai tháng yêu em
Tháng giêng se lạnh, em mềm trong tôi
Tháng hai, Tết đến bồi hồi
Áo Xuân rực rỡ, tình tôi hoa vàng
Tháng ba, cây cỏ rộn ràng
Hôn làn tóc mịn, bàng hoàng bên em
Tháng tư, mưa bụi, đêm đen
Mắt em lấp lánh, tình lên thiên đường
Tháng năm, hoa nở vấn vương
Yêu em thăm thẳm, thở hương thơm nồng
Tháng sáu, ngắt một nụ hồng
Trao em, trao cả tim nồng nguyên trinh
Bẩy, Tám, trời nóng thật tình
Em mặc áo mỏng, cho tình vút cao
Chín, Mười, Thu đến lúc nào
Nhặt hai chiếc lá, ghép vào bài thơ
Mười Một, cơn lạnh bất ngờ
Yêu nhau quằn quại, thẫn thờ hôm mai
Chợt rồi đến tháng Mười Hai
Em mặc áo cưới, cho dài mùa Đông
Sóng đâu bỗng vỗ trong lòng
Mưa đâu bỗng đổ bềnh bồng mắt tôi.
Người ơi! Người bỏ đi rồi!
Còn đây tan chẩy một tôi rã đời.


Chu Tất Tiến

Đời Phương Đông Đời Phương Tây


Tháng 7. Gió biển tây nam, từ miền biên giới Pháp-Tây Ban Nha, từ tuần rồi, vẫn tiếp tục thổi lên vùng Paris, qua gần 800km. Thổi, theo người từ "dưới" , hết .. phép, trở về , thịt da vẫn còn mùi biển mặn! "
Paris có gì lạ không anh ?" - Không, "Paris" (vùng phụ cận) không có gì lạ, từ hơn tháng nay. Nghĩa là vẫn cái mát lạnh ban mai, cái nóng bức buổi trưa, cái nóng gắt buổi chiều. Càng về chiều, nhiệt độ càng tăng! Nên càng kín cửa (volets), nên càng rủ màn, cố nhốt cái mát lạnh (buổi sáng) càng lâu, càng tốt. Để đêm về, khỏi bật quạt, mở máy mà vẫn được một giấc nồng say!

Tháng 7. Cả ngày đi làm, chỉ mong đến lúc quay về: ngõ trước, vườn sau. Rồi "riêng một góc vườn" cố hữu, vừa nghe chim hót, vừa nhâm nhi ly bia lạnh. "Lòng trần ai tơ vương khanh tướng " (Nguyễn văn Đông). Lòng trần này xin phút này thôi! Bởi, đó là lúc không nghĩ gì hết. Không nhớ ai hết. Chỉ nghe tiếng đời. Không phải cái " tiếng đời xô động , tiếng hờn căm " trong "Tống biệt hành" (Thâm Tâm). Tiếng đời ở đây, trong một góc vườn tôi, là một tiếng đời rất hiền hòa, êm ả, rất thánh thiện, rất ... " đời", hoàn toàn không có căm thù, "khí thế" gì cả! Mà còi xa là tiếng. Cành rơi là tiếng. Chim kêu là tiếng . Bọt bia là tiếng. Mây bay là ... tiếng. Hoa cười là tiếng vv Im lặng không chỉ là vàng . Im lặng còn là " tiếng " . Âm tức thị không. Không tức thị âm!.

Tháng 7. Quân đội Ukraine tuyên bố rút khỏi Lysychansk hôm thứ hai rồi để "bảo toàn lực lượng". Thành phố cuối cùng của vùng Lugansk, cuối cùng đã rơi vào tay giặc! Từ từ Poutine gặm hết miền đông Ukraine. Không nghe Mỹ và khối Nato phản ứng gì (?). Phải chăng đã có sự xếp đặt trước để Ukraine có thể ra khỏi " vũng lầy chiến tranh " dù phải đi cà nhắc. tôi muốn nói đến cắt đất, chia vùng (mấy chữ nghe quen quen!)? Hay cọp Mỹ vẫn còn là cọp giấy? Và khối NATO vẫn là mấy anh No Action Talk Only, chỉ nói chứ không làm?! Hy vọng không phải là như vậy. Dù sao, Poutine đã là kẻ thua trong cuộc chiến "xua quân cướp nước người" này. Thứ nhất: không những Poutine đã làm hồi sinh mà còn khiến cho khối Nato được củng cố thêm với mấy thành viên mới: Thụy Điển & Phần Lan và ... Ukraine(trong tương lai xa). Thứ nhì: dù muốn dù không, cái tên Poutine đã đi vào lịch sử nhân loại, đứng cạnh những tên đại Ác nhất thế giới : Hitler, Mao, Pol-Pot, Stalin ..vv . Thứ ba, cuộc xâm lăng này cho thấy quân lực Nga chỉ có tiếng chứ không có miếng, hồng quân "Liên Xô" thua cả hồng quần Ukraine!

Tháng 7. Tháng nghĩ của học trò. Hôm qua, 5/7, là kết quả tú tài ở Pháp, với 86% cô Tú, cậu Tú(trước khi thi vớt), thấp hơn năm rồi 4.7 điểm. Cuối tuần này mới là bãi trường nhưng nhiều đấng tí hon đã cúp cua theo Ba Mẹ đi hè. Bắt đầu từ hôm nay, mỗi cuối tuần sẽ có hàng triệu người đi hè! Theo một bài viết của Linda Lainé trên " lequotouristique ", sẽ có 74% người Pháp đi hè(con số kỷ lục từ 15 năm nay), trong đó, 40% ( 42% năm 2019 ) dự định đi ngoại quốc , đứng đầu là Tây Ban Nha (15%),Ý (8%), Bồ, và Hy.

Tháng 7. Tháng nghỉ với người này. Tháng "cày" với người kia. Tháng hè ở tây Âu. Tháng đông ở Úc.Từ xa quê, với tôi, mùa không chỉ ở không gian, mùa còn trong tâm tưởng. Mùa không chỉ giới hạn trong 3 tháng mà mùa có thể thay đổi mỗi ngày, ngay cả trong một ngày. Tất cả tùy "kỷ niệm". Cơn gió này khơi lại xuân xưa. Màu nắng kia nhắc mùa hạ cũ. Mùa "ở đây" không chỉ do thời tiết. Mà còn từ quá khứ, một quá khứ bỏ lại quê nhà từ 43 năm qua. Với anh Cao Đồng Khánh(famille Cao Đồng Hưng) đó là " Uẩn tình của kẻ xa xứ " (tôi một bữa ngồi yên như bàn ghế / nắng rọi trong đâu những trắng bao la / còn đôi mắt tôi ở Nhà Bè , Gia Định / ở Ngã Tư Bảy Hiền ly nước mía, má, môi ... ).

 

Đời Phương Đông / Đời Phương Tây

Có hôm lòng như xuân mới
Áo hoa khúc khích sau hè
Hái đóa trần gian nở vội
Đặt kề bên nhánh vàng hoe

Có hôm lòng tươi như nắng
Hạ hồng lên những ước mơ
Mùa thi, sách cầm tay nặng
Bỗng dưng tình đến không ngờ!

Có hôm vỡ lòng trút lá
Bão rừng dấy động cuồng phong
Sao thơm về đây lúa, mạ
Sáng nay, thu có ra đồng?

Có hôm, uống từng hớp rượu
Ly say cụng với ly sầu
Người biết, người quen năm cũ
Sóng đời xô đẩy về đâu?!

Bao nhiêu mùa trong một ngày ?
Ngày ly hương khác ngày "bản xứ"
Trời nơi kia khác trời nơi đây
Đời phương đông trói đời phương tây!

BP
2001-2022

Cho Một Người Hát

 

Cho Một Người Hát

(Để cảm ơn đã được nghe)

Giọng ca thầm thì
Bên dòng suối nhỏ
Đôi lúc vỡ òa
Mênh mang sóng vỗ

Đồi thông xanh xanh
Chứa đầy nắng gió
Ta cũng mơ theo
Thanh âm nở rộ

Em theo chàng về
Sân cỏ phù hoa
Chiếc nôi Văn Khoa
Chân trần nàng hát ...

Vỗ tay chao chát
Những chàng sinh viên
Thế sự đảo điên
Nâng lên cao vút

Tiếng ca hoang đường
Như để hát chơi
Bàng bạc liêu trai
Âm trầm giọng nhựa

Sáu, bảy chục năm
Gắng thêm lần nữa
Tiếng chim véo von,
Thời gian nhạt ... lửa!

Chàng đã đi rồi
Đất cũ xa xôi
Đường trần lãng đãng
Sa mù mà thôi ...!

Chung Văn

30/6/2022
***
Khan Giọng Tình Lỡ

Một khúc xuân thì
Vòng quanh vai nhỏ
Tha thướt tóc thề
Che bàn tay vỗ

Áo em mầu xanh
Biếc thêm sắc gió
Anh mãi nhìn theo
Đường mây rực rỡ

Anh đưa em về
Nội cỏ nở hoa
Khung trời văn khoa
Lênh đênh đàn hát

Hồn say chất ngất
Tình tự hoa viên
Yêu em cuồng điên
Cung thương vi vút

Chuông rơi giáo đường
Hồn thoáng liêu trai
Thả bước rong chơi
Trên bờ hoang tưởng

Nơi vũng hào quang
Thời gian rạn vỡ
Từng mảng thiêu thân
Rớt trong đạn lửa

Xin đừng nhắc nhở
Ảo mộng tan rồi
Khan giọng tình lỡ
Hư huyễn đành thôi...

Hawthorne 2 - 7 - 2022
Cao Mỵ Nhân

Cây Đu Đủ

1. Dẫn nhập

Cây đu đủ có tên khoa học Carica papaya L. được trồng phổ biến trong nhiều nước nhiệt đới. Cây có nguồn gốc ở vùng đất thấp từ miền nam Mexico, nhưng ngày nay, cây này bắt gặp không những vùng Caribê mà lan toả mọi nơi: Ấn Độ, Sri Lanka, Viet Nam, Nam Phi v.v. Đu đủ là thứ quả được dùng trong mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam Viet Nam (gồm các thứ quả mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài). Theo quan niệm của người miền Nam, cách đọc ghép tên loại quả này nghe giống như “cầu sung vừa đủ xài“. Đu đủ cũng dùng làm đề tài cho cuốn phim L’Odeur de la papaye verte (The Scent of Green Papaya)1993, của Trần Anh Hùng mô tả cảnh một gia đình ở Saigon những thập niên 1950 và 1960 .

Thân cây đu đủ có thể cao it nhất 6 mét. Thân hình trụ, có nhiều sẹo gốc cuống lá, mang một chùm lá ở ngọn. Lá có cuống rỗng và rất dài, gân lá hình chân vịt. Hoa màu vàng nhạt, mọc ở thân cây, tại các nách lá.

Và cũng có cây đu đủ lùn, chỉ cao 2 mét, nhưng cũng cho trái nặng 1kg, chỉ sau 6-8 tháng gieo hạt !

Ta thường gặp 2 loại trái đu đủ: đu đủ vàng và đu đủ đỏ . Vài giống đu đủ đỏ như giống Maradol, Sunrise, Caribbean Red bán ở các siêu thị Mỹ là những giống trồng ở xứ Mễ và Belize .

Đu đủ thường bị con siêu vi phá hại: papaya ringspot virus (PRV) nên ngày nay nhiều giống đu đủ cải thiện như SunUp và Rainbow chống được vì hiện nay, hầu hết cây đu đủ ở Hawaì đều là cây biến đổi di truyền . Năm 2011, ở Philippine, nhiều nhà khảo cứu cây đu đủ cũng cho cây đu đủ lai với cây Vasconcellea quercifolia để chống được siêu vi PRV .

2. Ba loại cây đu đủ

Có cây đu đủ đực và có cây đu đủ cái , nhưng cũng có nhiều giống đu đủ lưỡng tính:

2.1 Cây đu đủ đực chỉ cho phấn hoa, không cho trái . Hoa đực thường nằm ở nách lá, màu xanh lạt và mọc thành chùm nhiều hoa .

2.2 Cây đu đủ cái cho nhiều hoa . Hoa cái thường mọc theo nhóm 2 hay 3 , màu vàng nhạt, ở phía trên thân cây. Cây đu đủ cái cần hạt phấn của cây đu đủ đực để tạo ra quả . Ta không thể biết đây là đu đủ đực hay đu đủ cái trước khi cây ra hoa vì mọi cơ quan khác (thân, lá, rễ) đều hoàn toàn giống nhau. Hoa màu vàng nhạt, nhóm thành chùm xim ở nách lá.

2.3 Cây đu đủ lưỡng tính nghĩa là có cả hoa đực và hoa cái nên có thể tự thụ tinh: hoa đực trên nhánh cây ở nách lá, thường màu xanh lạt và hoa cái thường màu trắng nhạt và mọc thành nhóm 2 hay 3 ở ngay trên thân cây.

Ngoài ra, cũng có những kiểu tạp tính (vừa hoa đực, vừa hoa cái, vừa hoa lưỡng tính), hoặc đực cùng gốc (đực, lưỡng tính) và cái cùng gốc (cái, lưỡng tính). Cụm hoa đực phân nhánh nhiều, các cụm hoa cái chỉ gồm 2-3 hoa . Sau 1 tháng hoa thụ phấn, các lá mang hoa ở nách rụng cuống, để lại vết sẹo trên thân cây .

Trái đu đủ sống có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe /// Ảnh minh họa: Shutterstock

Trái đu đủ có thể dài đến 30 cm và cân nặng ít nhất 1kg, lên đến 5kg

3. Đu đủ và sức khoẻ con người

Trái đu đủ dùng để ăn nhưng nhiều thành phần cây đu đủ như hạt, lá, nhựa cây có tác dụng chữa bệnh.

3.1. Đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây đều có nhựa mủ trong đó có chất papain có tác dụng tiêu hoá thịt và các chất protit, giải phóng các acid amin như alanin, tryptophan. Nhiều xứ Phi Châu sản xuất nhiều papain xuất cảng sang các nước Âu, Mỹ để dùng trong kỹ nghệ thực phẩm, dược phẩm .

3.2 Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt trong đu đủ, lượng beta-carotene nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta carotene là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Đây là một loại vi chất dinh dưỡng có vai trò là chống oxy hoá mạnh, giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta-carotene. Tuy nhiên nhu cầu beta-carotene cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng beta-carotene ăn vào.

3.3 Ngoài beta carotene, đu đủ cũng chứa vitamin C, trong 100g đu đủ có 74–80 mg vitamin C. Do có nhiều sinh tố C và carotene nên đu đủ có tác dụng chống oxy hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magie, sắt và kẽm. Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A . Ở Ấn Độ người ta đã chiết xuất vitamin A từ quả đu đủ để sản xuất ra thuốc chống lại bệnh quáng gà ở trẻ em

3.4 Đu đủ chín coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng, người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt. Đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính. Đu đủ chín là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magiê, sắt và kẽm.

4. Chất papain trong cây đu đủ

Quả đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây như thân, lá, rễ đều có nhựa mủ, nhiều nhất là ở quả xanh. Trong nhựa mủ, có một enzyme gọi là papain, một loại enzym có tác dụng làm mềm thịt và các chất protein khác, do đó đu đủ xanh thường được hầm chung với thịt giúp thịt nhanh mềm. Enzyme papain rất tốt cho tiêu hoá, giúp tiêu hoá các thức ăn giàu protein một cách dễ dàng hơn.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh celiac (một loại bệnh mà không thể tiêu hoá protein trong lúa mì, hay gliandin) thì có thể ăn đu đủ xanh để chữa căn bệnh này.

Papain có nhiều trong quả xanh, lá, hạt đu đủ.. có tác dụng phá thai. Chất này khi vào cơ thể sẽ phá huỷ progesterol là một trợ thai tốt. Quả đu đủ đã chín ít nhựa thì không còn tác dụng này nữa.

Không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh. Cũng không ăn nhiều đu đủ chín hàng ngày trong thời gian dài vì loại quả này giàu đường. Đu đủ sống là một loại trái cây tuyệt vời để chống bệnh tiểu đường. Theo một nghiên cứu được công bố trên chuyên san International Journal of Molecular Sciences, nước ép đu đủ sống giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách hỗ trợ việc tái tạo tế bào beta và tăng tổng hợp insulin.

Sự hiện diện của papain và chymopapain cùng với các enzyme và phytonutrient khác trong đu đủ sống có tác dụng cải thiện tiêu hóa và loại bỏ độc tố khỏi cơ thể .

Trái đu đủ sống có hàm lượng enzyme protease cao. Đó là lý do tại sao nó có đặc tính làm bong tróc giúp vết thương mau lành hơn. Ngoài ra, đu đủ sống còn chứa các dưỡng chất quan trọng như magiê, kali, vitamin A, C, E và B giúp làm giảm một số tình trạng về da và xoa dịu chứng viêm. Trái đu đủ sống có một hợp chất làm cho nó trở thành một galactagogue – một hợp chất giúp cải thiện việc tiết sữa ở những bà mẹ mới sinh con. Có những nghiên cứu cho thấy ăn đu đủ sống làm tăng hàm lượng oxytocin và prostaglandin trong cơ thể người phụ nữ. Điều này có thể giúp giảm đau kinh nguyệt, theo The Health Site.

5. Đu đủ như thức ăn

Đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây. Đặc biệt trong đu đủ, lượng beta-carotene nhiều hơn trong các rau quả khác. Beta carotene là một tiền chất của vitamin A, vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành vitamin A. Do có nhiều sinh tố C và carotene nên đu đủ có tác dụng chống oxy hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể, giúp chống lại một số căn bệnh ung thư, chống khô mắt, khô da và có tác dụng nhuận tràng. Trong 100g đu đủ chín chứa 2.100 mcg beta-carotene. Tuy nhiên nhu cầu beta-carotene cũng cần vừa phải, nếu ăn quá nhiều, liên tục sẽ dẫn đến thừa và gây vàng da. Hiện tượng vàng da này sẽ mất nếu giảm lượng beta-carotene ăn vào. Ngoài ra trong đu đủ còn chứa nhiều vitamin. Đu đủ có thể cung cấp cho cơ thể các loại vitamin thiết yếu như vitamin A và vitamin C; trong 100g đu đủ có 74–80 mg vitamin C. Đu đủ còn có các vitamin B1, B2, các acid gây men và khoáng chất như kali, canxi, magie, sắt và kẽm.

Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Đu đủ thường được ăn xanh như một loại rau (làm nộm và hầm) và ăn chín như một loại trái cây.Còn trong nấu ăn khi hầm các loại thịt, xương cứng người ta thường cho quả đu đủ xanh vào làm cho các thức ăn mau nhừ, nhuyễn, tiêu hoá tốt.

Quả đu đủ chín có giá trị dinh dưỡng cao. Đu đủ chín có quanh năm và mùa nào dùng cũng tốt cho sức khoẻ. Đu đủ có tác dụng tốt cho những người chóng già, thể trạng không sung mãn, có các bệnh mạn tính. Đu đủ chín coi là một món ăn bồi bổ và giúp sự tiêu hoá các chất thịt. Đu đủ rất giàu enzyme tự nhiên, dễ dàng thấm sâu vào làn da giúp đẹp da, mau lành các tổn thương trên da. Đu đủ cũng có tác dụng tẩy tế bào da chết, hồi phục sự tươi trẻ cho làn da.

6. Đu đủ như loại thuốc

Trong đu đủ có chứa rất nhiều loại enzyme, ví như enzyme papain rất tốt cho tiêu hoá, giúp tiêu hoá các thức ăn giàu protein một cách dễ dàng hơn. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh celiac (một loại bệnh mà không thể tiêu hoá protein trong lúa mì, hay gliandin) thì có thể ăn đu đủ xanh để chữa căn bệnh này. Đu đủ có tác nhân chống oxyd hoá mạnh.

Ở Ấn Độ, Srilanka và Malaysia, người ta dùng lá, hạt và quả đu đủ xanh để phá thai. Các công trình nghiên cứu cho thấy tác dụng phá thai có được là do chất nhựa papain, có nhiều trong quả xanh, lá, hạt đu đủ. Chất này khi vào cơ thể sẽ phá huỷ progesterol là một trợ thai tố. Quả đu đủ đã chín ít nhựa thì không còn tác dụng này nữa.

Không nên ăn hạt đu đủ bởi trong hạt đu đủ có chứa chất độc gọi là carpine. Với một số lượng lớn carpine sẽ làm bạn bị rối loạn mạch đập và làm suy nhược hệ thống thần kinh. Loại quả này giàu đường nên cũng không dùng nhiều cho người đường huyết cao.

Thái Công Tụng


Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

Chiều Sài Gòn - Thơ Yên Dạ Thảo - Nhạc Nguyễn Hữu Tân


Thơ: Yên Dạ Thảo
Nhạc: Nguyễn Hữu Tân
Hòa Âm: Tuyền Linh 
Tiếng Hát: Lệ Tuyền

Phượng Buồn

 

Ta lắng nghe em hát " Phượng Buồn"
Cho dòng tâm sự bỗng trào tuôn
Lời em dịu nhẹ như sương khói
Làn điệu mênh mang tựa suối nguồn
Đây khúc nhạc vàng, xao xuyến quá!
Đâu thời áo trắng, nhớ nhung luôn
Ngùi thương cánh phượng bên hiên vắng
Đã tả tơi theo gió thổi luồn


Nguyễn Kinh Bắc
mùa hạ 2022

Nét Son Buồn - Vết Hạ Buồn


Một sáng mặt trời còn vắng bóng

Bỏ sau lưng tuổi mộng hồn nhiên
Bàn chân líu ríu ngoan hiền hẳn
Giẫm nát gai đời bước gió sương

Thương phượng vỹ niềm đau nắng hạ
Khóc ve sầu rã giọng ly tan
Vòng tay quấn quít nương trao ấm
Mệnh số an bài thảng thốt lơi

Kỷ niệm trong đời hè rực rỡ
Chia tình đôi mất lối quay về
Nét son buồn dáng xưa muôn thuở
Dẫu lỗi thề ru mãi điệu quen

Kim Phượng
***
Cảm Tác:

Vết Hạ Buồn


Buổi sáng vầng dương vừa ló bóng
Bỏ đằng sau cảnh vật thiên nhiên
Cỏ cây sương sớm đọng ngoan hiền
Hồn gặm nhấm men đời thấy lạ…

Màu hoa phượng đỏ ….thương mùa hạ
Rã giọng ve sầu khóc hợp tan
Thầy ,bạn bấy lâu sẽ rẽ đàn
Vòng tay ấm áp ….buông nào nỡ..

Tháng hè qua lòng vui mừng rỡ
Gặp bạn xưa tình cũ lại về
Vết mực buồn chạm khẽ thói quen
Trang lưu bút gieo tình bao thuở….

songquang
20220709
***
Haiku 50

Nắng hè
vàng hoe hoa cỏ
khát khao

dovaden2010

Quê Hương


     (Mùa Hoa Đào Nở Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn)

Hoa Đô xuôi ngược khách muôn phương
Một bóng áo dài thật dễ thương
Gợi sắc màu xưa khi dạo phố
Khơi hình ảnh cũ lúc tan trường
Người xa xứ vẩn vơ hồi tưởng
Kẻ lữ thứ thơ thẩn vấn vương
Cứ ngỡ ra đi mất tất cả
Giữa trời Tây vẫn thấy quê hương


Nhất Hùng


Hè Về Nhớ Phượng

 

Nghe tiếng ve sầu báo hè sang
Phượng rung trong gió sắc huy hoàng
Chạnh lòng em nhớ thời thơ trẻ
Cắp sách đến trường áo trắng ngoan 
Bồng bềnh mái tóc chấm ngang vai
Tan trường anh đón , tóc em bay
Nhịp nhàng sánh bước , tình thơ dại
Cứ thế bên nhau những tháng ngày 
Dạo ấy em mong sớm đến hè
Cùng anh dạo bước những miền quê
Ngờ đâu hè đến là chia biệt
Mỗi lúc xa thêm, chẳng hẹn về
Anh hỡi giờ này anh ở đâu?
Muôn trùng cuộc sống đó ra sao?
Có bao giờ nhớ trường xưa ấy
Cô bé ngây thơ của thuở nào?
Em như chim Yến vẫn tha mồi
Mang về tổ ấm sống yên vui
Nhưng mà sâu thẳm trong tiềm thức
Vẫn nhớ trường xưa, nhớ một thời 
Ánh nắng chan hoà, tỉnh giấc mơ
Nhớ màu hoa Phượng của ngày xưa
Mắt buồn vô ý long lanh lệ
Kỷ niệm bao năm chẳng xoá mờ.

Hoàng Phượng
 3 / 22 / 2022

Dạ Bạc Nguyệt Biều - Miên Thẩm

 

Dạ Bạc Nguyệt Biều 

Trúc âm lương xứ dạ đình thuyền, 
Thuỷ nguyệt, giang phong, vị nhẫn miên, 
Cách ngạn chung lâu Thiên Mụ tự, 
Thanh thanh sao phá viễn đinh yên.

Miên Thẩm

Dịch nghĩa:
 
Dưới bóng tre yên lặng, ở nơi mát mẻ, chiếc thuyền đậu lúc ban đêm, 
Trăng dưới nước, gió trên sông, chưa đành ngủ, 
Bờ bên kia, có lầu chuông Thiên Mụ, 
Dội vang từng tiếng, phá tan làn khói ngoài xa, trên mặt sông.

Dịch Thơ:

Đêm Đậu Bến Nguyệt Biều
Dưới bóng tre, đêm yên thuyền đỗ,
Trăng-nuớc-sông khó dỗ giấc nồng
Bên sông Thiên Mụ hồi chuông
Ngân nga xua hết khói sông đêm trường

Mailoc
*** 
Đêm Đậu Bến Nguyệt Biều

1)
Dưới tre, thuyền đậu giữa đêm thanh
Trăng nước, gió sông ngủ chẳng đành
Thiên Mụ hồi chuông xa vọng lại
Xua màn khói sóng tỏa vây quanh.

2)
Đêm thanh thuyền đậu bóng tre
Ngủ không đành giữa tứ bề gió trăng
Hồi chuông Thiên Mụ vẳng sang
Xua tan khói sóng mơ màng trên sông.

Phương Hà 
***
Đêm Bến Nguyệt Biều

Đêm yên tỉnh,răng tre thuyền đỗ
Ngủ đành sao,nước vỗ trăng lồng
Tiêngchuông Thiên Mụ bên sông
Ngân nga vang vọng xua toang khói mờ

songquang


Chim Sẻ Đáng Yêu



Viết về Chim Sẻ là viết về một ước mơ của tôi trong thời niên thiếu.
Ngày đó, tôi ước mơ được ôm một con Chim Sẻ trong đôi bàn tay của mình, để vuốt ve bộ lông màu nâu mềm mại và cảm nhận sự run rẩy của Chim Sẻ trong bàn tay mình. Đó là một ước mơ tuy nhỏ bé nhưng vô cùng mãnh liệt và với tôi vô cùng táo bạo.

Không hiểu tại sao, tôi vẫn nghĩ rằng giữ một sinh vật biết bay trong bàn tay mình là một tội, hay ít ra cũng là một điều lầm lỗi. Sau này khi lớn lên tôi mường tượng hiểu ra rằng ngay từ khi còn là chú bé con, trong vô thức tôi đã biết Tự Do là điều vô cùng quý giá, mà một sinh vật biết bay - điển hình là Chim Sẻ - tượng trưng cho sự Tự Do ấy. Giữ Chim Sẻ trong tay, dù chỉ là đôi bàn tay thơ dại của một chú bé con, cũng đã là một hành động bóp nghẹt Tự Do, và như thế hẳn là một điều lầm lỗi. Còn cái cảm giác "ước mơ táo bạo''? Lỗi lầm nào mà chẳng có một sức cuốn hút, trái cấm nào chẳng có hương vị mời mọc? Chính vì thế mà ước mơ được ôm Chim Sẻ trong tay trở thành một ước mơ táo bạo, đôi khi làm tôi rung động cả trái tim son trẻ.

Bố tôi không bao giờ cho tôi chơi ná bắn chim. Giả như bố có cho, tôi cũng không bao giờ muốn mình làm cho chim chết hay bị thương. Bố cũng cấm tôi không được trèo cây phá tổ chim, bắt chim non hay lấy trứng, theo đúng quan niệm ''có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo." Bởi thế hầu như không bao giờ tôi được nhìn thật gần, thật sát Chim Sẻ, chính vì thế mà tôi có ước mơ. Ước mơ đó đôi khi đi vào giấc mộng. Tôi mơ thấy mình chạy như bay giữa một cánh đồng lúa chín, giơ tay vẫy, bắt Chim Sẻ đang bay hàng đàn trên đầu. Và bao giờ cũng thế, khi tôi sắp sửa ôm được Chim Sẻ trong đôi bàn tay thì giật mình tỉnh giấc.

Tình yêu của tôi dành cho Chim Sẻ là tình yêu vụng dại của tuổi thơ. Tôi yêu Chim Sẻ nên thích nhìn Chim Sẻ, dĩ nhiên cùng với ước mơ được ôm chim Sẻ vào lòng.
Những buổi sáng ở đồng quê vào dịp nghỉ hè, tôi thường ngồi trước hiên nhà, ngắm nhìn từng đàn Chim Sẻ bay từ trên cao xuống, đậu rợp một sân nhà đang phơi thóc. Những hạt thóc chín vàng được mổ thật nhanh, thật gọn, với những cái mỏ nhỏ, ngắn, xinh xinh. Cũng có những ngày thiếu nắng, bầu trời xám như chì và có gió thổi lành lạnh, tôi nghển cổ kiếm tìm Chim Sẻ đang ẩn nấp trong những ống tre, ống nứa trên mái tranh, thỉnh thoảng thò cái đầu xinh xắn màu nâu với cặp mắt tinh anh ra ngoài ngó ngang ngó dọc.


Chim Sẻ có mặt khắp nơi, ở đồng quê cũng như trong thành phố. Những ngày nắng ráo, thành phố đẹp như tranh vẽ bằng màu sắc vui tươi rực rỡ, Chim Sẻ đậu từng hàng trên dây điện, ngó xuống đường xá phố phường trong nhịp sinh hoạt mỗi lúc một dâng cao. Chim Sẻ cũng có mặt ở nhà trường, nhận những mẩu bánh mì vụn vương vãi mà những cô cậu học trò chia sẻ cho. Chim Sẻ ở nhà trường rất bạo dạn, chơi cùng một sân với sân chơi học trò. Một cuộc sống chung rất hoà bình giữa Thiếu Nhi và Chim Sẻ. Thì lâu lâu các em cũng hù doạ Chim Sẻ một chút, Chim Sẻ bay tuốt lên các cành cây. Nhưng Chim Sẻ không biết giận, chỉ một lát sau, Chim Sẻ lại bay xuống đầy sân trường học. Đôi khi Chim Sẻ cũng nghịch ngợm, bay cả vào trong lớp học, không biết để nghe thầy giảng bài hay để chọc phá không cho thầy giảng. Nếu tôi nhớ không lầm thì Huy Cận đã viết những câu thơ thật dễ thương về Chim Sẻ:

Chiều Xuân Chim Sẻ vô trong lớp,
Ông giáo trông lên, chúng bạn cười.

Các bạn tôi, chúng thích sáo, thích vẹt để dạy cho những con chim này tập nói. Tên nào mơ mộng hơn thì thích hoàng oanh, sơn ca để nghe chúng hót; cầu kỳ hơn thì thích hoàng yến; chịu khó và hiền lành thì nuôi chim cu, tập cho chim cu gáy bổ hai, bổ tư... Tên nào quá thực tế thì thích nuôi bồ câu để... ăn thịt! Chỉ có tôi là thích Chim Sẻ.

Chim Sẻ của tôi khác tất cả các loại chim vừa kể ở trên. Những loại chim đó đều biết bay, dĩ nhiên là chim thì phải biết bay, không biết bay, hoạ có là chim bằng đất sét! Nhưng dù biết bay, chúng cũng chấp nhận sống trong lồng để cho người ta chăm sóc, nuôi dưỡng. Chim Sẻ thì không! Chim Sẻ không chấp nhận được nuôi trong lồng, dù trong lồng có gạo trắng, nước trong. Cuộc sống của Chim Sẻ là cuộc sống tự do bay lượn trên trời xanh lồng lộng, tự do chuyền cành, nhảy nhót. Có thể Chim Sẻ bay không cao, nhảy không xa, nhưng tầm bay và tầm nhảy của Chim Sẻ chắc chắn cao hơn, rộng hơn khung lồng chật hẹp. Cố bắt nhốt Chim Sẻ vào lồng, Chim Sẻ không chống cự lại được thì cuối cùng Chim Sẻ chết chứ không cam tâm sống cuộc sống chim lồng. "Tự Do hay là Chết," khẩu hiệu này, lẽ ra khi được người ta kẻ thành biểu ngữ hay được đóng khung trong các trang báo, phải có hình Chim Sẻ ở bên cạnh.
Tôi thích ngắm bộ lông màu nâu của Chim Sẻ. Trong màu nâu ấy, có một cái gì hiền lành, thân mật, một cái gì gần gũi và dễ thương. Màu nâu không Làm cho người ta có cảm giác sợ hãi hay kiêng nể. Tôi không nghĩ màu nâu là màu tầm thường, nhưng tôi nghĩ đó là màu căn bản của con người, chính vì vậy mà người ta dễ có cảm tưởng gần gũi với nó. Màu nâu là màu của đất. Đất nuôi sống con người bằng tất cả những phẩm vật phát sinh từ nó. Đất cũng được Thiên Chúa dùng để tạo nên con người. Đất và Người, mối liên hệ ấy đã có từ thuở khai thiên lập địa. Lúc nãy tôi có nhắc tới chim bằng đất sét. Quả nhiên khi còn nhỏ, tôi đã thường dùng đất sét để nắn thành hình những con Chim Sẻ. Tại sao tôi không vẽ Chim Sẻ trên giấy, không lấy giấy gấp hình Chim Sẻ, hay không làm Chim Sẻ bằng bất cứ vật dụng nào khác? Thực tình bây giờ tôi không biết, có thể vì những vật dụng khác hiếm hơn, cũng có thể vì tôi không có tài vẽ, tài xếp giấy, nhưng cũng rất có thể là vì tôi đã có một liên tưởng tự nhiên giữa màu nâu của lông Chim Sẻ và màu nâu của đất. Sự liên hệ rất đơn giản, tự nhiên, hiền như đất và bình dị như Chim Sẻ.



Chim Sẻ không biết đi, mà chỉ biết nhảy. Điều này tôi khám phá ra rất sớm trước khi được học về nó trong chương trình vạn vật những năm đầu bậc Trung học. Cái lối và cái dáng di chuyển của Chim Sẻ thật đặc biệt, nó có cái gì hồn nhiên, vui tươi ở trong đó. Hình như trong người Chim Sẻ, trong đôi cánh và nhất là trong đôi chân của Chim Sẻ có âm nhạc. Mỗi bước nhảy của Chim Sẻ là một nốt nhạc xinh xinh. Chính vì thế, người ta thường ví bước chân tung tăng của các cô cậu học trò là "bước chân Chim Sẻ." Những buổi sáng rảnh rỗi, tôi thường ngồi trước sân nhà, chăm chú ngắm nhìn Chim Sẻ nhảy tung tăng và kêu ríu rít. Ở Chim Sẻ, cái gì cũng nhỏ bé, niềm vui của Chim Sẻ cũng là một niềm vui nhỏ bé, tiếng kêu của Chim Sẻ cũng là những tiếng nhỏ bé, và bước nhảy của Chim Sẻ cũng là những bước thật ngắn. Bởi thế tôi có thể nói rằng đặc tính ai cũng nhìn thấy nơi Chim Sẻ là sự nhỏ nhắn, dễ thương.

Người ta, dù ai có yêu đời lạc quan mấy đi nữa thì cũng có lúc buồn. Mỗi người có một thứ nguyên do chính để buồn. Đụng vào chuyện khác thì không sao, nhưng đụng vào cái ''nguyên do chính'' ấy thì thế nào cũng tạo nên trong lòng họ một nỗi buồn sâu xa, thấm thía. Chim Sẻ cũng thế. Chim Sẻ sống vui tươi, hồn nhiên, nhưng cũng có lúc buồn, đó là khi Chim Sẻ mất bạn. ''Mất bạn'' là ''nguyên do chính'' khiến Chim Sẻ không thể vui tươi hồn nhiên được nữa. Chim Sẻ trở nên héo hon, u buồn và sầu thảm, Tác giả Thomson nói rằng khi một Chim Sẻ mất bạn thường đậu một mình trên mái nhà, than thở cho số phận. Thánh Vịnh có câu viết rằng: ''Tôi thao thức, tôi giống như Chim Sẻ hiu quạnh trên mái nhà."
Đôi khi trong suy tư vụng dại, tôi tưởng tượng mình là Chim Sẻ - Ừ, nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có biết sống và biết yêu Tự Do như Chim Sẻ không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có hoà nhập con người tôi vào thiên nhiên hiền hoà và tươi mát như Chim Sẻ không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có vui với bộ lông màu nâu giản dị mà không đua đòi với bất cứ loài chim nào khác có bộ lông lộng lẫy, kiêu kỳ không? Không đua đòi tức là giữ được bản chất của mình, nghĩa là sống thật và không bị lôi cuốn theo người khác. Chim Sẻ làm được điều đó, tôi có làm được như vậy không, hay tôi sẽ sắm cho mình một cái vỏ bên ngoài và chạy đua trong một vòng đua không đích điểm? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có nhảy nhót tung tăng trong mọi nơi và mọi lúc, biết chấp nhận trong vui tươi cuộc sống và hoàn cảnh của mình không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có sống thân thiện với mọi sinh vật chung quanh, giống như Chim Sẻ thân mật với những cô cậu học trò trong sân trường học không? Nếu tôi là Chim Sẻ, tôi có yêu bạn, thương bạn như Chim Sẻ đã yêu thương và buồn rầu khi mất bạn?

Tôi yêu Chim Sẻ, và yêu nhất là cuộc sống phó thác vào Thượng Đế của Chim Sẻ. Giống như hầu hết các loài chim khác, Chim Sẻ không gieo, không gặt mà Thượng Đế vẫn cho Chim Sẻ ngày ngày no đủ. Phần tôi, tôi sống thế nào, lo toan những gì, tính toán ra sao, lập những kế hoạch nào, chương trình dài hạn, ngắn hạn của tôi ra sao?... Chim Sẻ dễ thương vì Chim Sẻ sống không tính toán. Tôi trở nên khó thương vì tôi lo lắng và tính toán nhiều quá.
Chim Sẻ dễ yêu. Cho đến bây giờ, đã bao nhiêu năm qua khỏi tuổi trẻ hồn nhiên, tôi vẫn yêu Chim Sẻ . Tình yêu không những dẫn đến ước mơ được ôm Chim Sẻ trong tay, mà còn mong muốn được sống cuộc sống dễ thương như Chim Sẻ.

Quyên Di

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2022

Khói Thư Tình -Thơ: Sa Chi Lệ - Nhạc: Tuệ Tâm - Tiếng Hát Hải Yến


Thơ: Sa Chi Lệ 
Nhạc: Tuệ Tâm 
Tiếng Hát; Hải Yến

Nỗi Buồn Trong Đêm





Hôm nay 18 tháng 4 , quê hương đang mùa Hạ, Canada đầu mùa Xuân, ngoài trời sáng nắng, chiều mưa, đêm tuyết trong cùng một ngày. Thời tiết vô thường, buồn vui cũng đi đến vô thường...

Gió mùa lặng lẽ cuốn trời mây
Lùa nắng rót mưa xuống phố đầy
Rằng hỏi Xuân đi Đông trở lại?
Chiều buông đêm xuống tuyết sương bay

Buồn len song cửa suốt canh thâu
Chợt nhớ Xuân xưa Hạ úa màu
Phượng đỏ sân trường mùa giã biệt
Người đi người ở ...chung niềm đau!!!

Nhớ lắm mẹ quê những tháng ngày
Bên bờ thương nhớ lệ buồn cay
Khói sương mưa nắng phai màu tóc
Hình bóng hao gầy mỗi sớm mai

Man mác tơ lòng man mác thơ
Niềm thương nỗi nhớ tuổi hoài mơ
Dần phai nhạt úa theo mùa lá
Còn lại hương xưa trong bóng thơ


Yên Dạ Thảo
18.04.2022