Thứ Bảy, 7 tháng 9, 2019

Khách Quê - Thơ Đỗ Bình - Phổ Nhạc & Hát Phạm Đăng


Thơ: Đỗ Bình
Phổ Nhạc & Hát: Phạm Đăng
Thực Hiện: Tieng Song Huong

Tuyệt Phẩm



(Tặng em người không biết mình là trang tuyệt phẩm)

Anh thú thực anh nịnh đầm khá giỏi
Nhưng với em anh không dối được em
Em nhún nhường nên anh chẳng dám khen
Tuy anh thích được nhìn em đỏ má...
Cô bé ơi! gương mặt cô tươi quá!
Vằng vặc hơn trăng sáng tết trung thu
Rất long lanh e lệ vẻ thuần nhu
Lại ấm áp như thủy cung bích ngọc
Lưỡng quyền mịn có hào quang bao bọc
Thon thon xinh không lộ nét bún bầu
Nhìn một lần ai cũng muốn ngó lâu
Mơn mởn lạ! Ôi sao mà bắt mắt!
Nữ minh tinh chỉ có Kim Novak
Sánh với em may được tám phần mười
Duyên dáng chưa? môi mọng tựa hồng tươi
Đang chúm chím trong nắng mai gió sớm...
Anh mơ màng tưởng như mình hóa bướm
Bay chập chờn trên ngũ nhạc tam sơn
Lượn la đà quanh sóng mũi cao thon
Say thưởng lãm trinh nguyên trang ngọc nữ
Muốn nói tiếp còn ngại em cự nự:"
"Anh chỉ tài chót lưỡi với đầu môi!"
Cô bé ơi! cô bé của tôi ơi!
Anh khen thực không nửa lời tâng bốc!
Cô không tin? Anh chẳng hề tán dóc!
Cô có nghe anh nói tiếp không nàa?
Hãy lấy gương cô tự ngắm coi sao:
Trong gương đó hiện nàng tiên diễm tuyệt!
Anh tự hỏi anh đã tu bao kiếp
Để được em ôm xiết giữa vòng tay
Chiêm ngưỡng em bằng cặp mắt si ngây
Một tuyệt phẩm do Hóa Công khéo đúc!


Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Liệt Nữ Tháo - Mạnh Giao



Cành lá ngô đồng (Firmiana simplex)

Liệt Nữ Tháo - Mạnh Giao 
Nguyên Tác:

烈女操-孟郊
梧桐相待老
鴛鴦會雙死
貞婦貴殉夫
捨生亦如此
波瀾誓不起

妾心古井水

Phiên Âm:

Liệt Nữ Tháo - Mạnh Giao 

Ngô đồng tương đãi lão
Uyên ương hội song tử
Trinh phụ quý tuẫn phu
Xả sanh diệc như thử
Ba lan thệ bất khởi
Thiếp tâm cổ tỉnh thủy

Ghi Chú:

Ngô đồng: Cây ngô đồng, còn gọi là cây vong/phong, lá to bằng bàn tay hình chân vịt, hột ăn được. Có hai câu thơ không biết của ai: Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu 梧桐一葉落, 天下共知秋 Một lá ngô đồng rụng, ai cũng biết là mùa thu (đến).

Phượng hoàng là chim thần thoại. Con đực gọi là phượng 鳳, con cái gọi là hoàng 凰. Chim phượng hoàng chỉ đậu và sống trên cây ngô đồng. Do đó ở đây nhắc đến phượng hoàng khi nói ngô đồng.

Uyên ương: một giống chim ở nước hình như con nhỏ vịt. Con đực thì trên cổ có lông mã trắng và dài, cánh to mà đẹp, con cái thì không có lông mã, cánh cũng xấu, thường ở trong sông trong hồ. Con đực gọi là uyên 鴛, con cái gọi là ương鴦, đi đâu cũng có đôi không rời nhau, vì thế nên người xưa nói ví sự vợ chồng hòa mục. Cò cũng là một loài chim chung tình.
Ba lan: sóng nước. Lòng không dậy sóng, không đổi thay.
Cổ tỉnh thủy: nước giếng xưa không bị thói đời thay đổi.


Dịch Nghĩa:
Tiết Tháo Của Liệt Nữ

Phượng hoàng ở cây ngô đồng muốn cùng nhau sống đến tuổi già.
Chim uyên ương hội ý cùng chết có đôi.
Người đàn bà chung thủy quyết tâm chết theo chồng,
Từ bỏ sinh mạng mình cũng như thế đó (giống chim uyên ương)
Thề lòng em không bắt đầu nổi sóng, không lấy chồng nữa,
Mà như nước trong giếng xưa không xu theo thói đời.

Dịch Thơ:
Chung Thủy

Phượng hoàng sống có đôi
Uyên ương chết chẳng thôi
Chồng mất tình không mất
Chung thủy sống đơn côi
Thệ lòng không dậy sóng
Xu theo thói nỗi trôi.


Translation:
A Pure-Hearted Woman by Meng Jiao

The phoenixes in the parasol tree wish to live and grow old together.
The mandarin ducks in the river cleave to one another until death.
The true-hearted woman would rather die with her husband than living singly.
She would sacrifice her life in the spirit of the phoenixes and mandarin ducks.
If her husband dies, she would resolve to rather live an eventless life than remarry,
Because her spirit of living without her husband is like the water in a timeless well.

Phí Minh Tâm

Cây Bách Cô Đơn


(Cây Bách Cô Đơn – Wikepedia)

Điều gì giúp một cái cây được chụp ảnh nhiều nhất trên lục địa này? Đó là bài báo trên tờ LA Times của Christopher Reynolds về “Cây Bách cô đơn” ăn ảnh nổi tiếng vùng California. 

Nó đứng trên đường 17-Mile Drive nổi tiếng, nghiêng ngả trước gió, đầm mình trong sương, Cây Bách cô đơn bám chặt lấy bệ đá granit bị sóng vỗ như một biểu tượng thần thánh cho chủ nghĩa tự do khắc khổ. 

Quả thực, cây Bách Monterey 250 năm tuổi thuộc họ Cupressus macrocarpa này rất nên thơ: Đứng lẻ loi một mình trên bờ đá Bãi biển Pebble, nó sừng sững thách thức tự nhiên và giữ vững sự nguyên vẹn duyên dáng của mình trước tất cả. 

Như Christopher Reynolds viết, một “cây Bách già cỗi mảnh khảnh, kích thước khiêm tốn khi so sánh với những họ hàng của nó, sứt sẹo vì một vụ cháy trong quá khứ,” và người ta phải dùng dây cáp thép để hỗ trợ nó. Vẻ đẹp của nó là không thể phủ nhận… và hàng triệu bức ảnh đã chứng mình điều đó. 

Đề Thơ: 

Giữa trời biển mênh mang 
Cô đơn một tấm thân 
Vẫn mướt xanh, duyên dáng 
Thách đố cùng thời gian. 

Hoàng Xuân Thảo 
***
Dịch Thơ:

AnhNg 

Between the infinite sky and the vast sea 
stands the lonely figure of a cypress tree 
full of charm with lush green foliage 
of the rolling time screaming its defiance. 

Pháp Ngữ: 

Entre un ciel infini et une mer immense 
se suspend la figure solitaire d'un cyprès 
plein de charme au feuillage vert luxuriant 
il veut au temps coulant montrer son défi. 

 Đặng Vũ Vương 
***
Nhớ Về

Biển vắng buồn mang mang
Quê nhà Chị một thân
Vóc gầy như dáng bách
Bươn chải chốn nhân gian!

Lộc Bắc
***
Cây Bách.


Hiên ngang ta đứng giữa trời cao,
Mặc cho sóng biển mãi thét gào,
Gió táp mưa sa nào nhụt chí,
Âm thầm đọ sức với trăng sao.

Bát Sách
***
Cây Bách Cô Đơn


Trên đầu mây lãng đãng bay
Dưới chân sóng biển đêm ngày nhấp nhô
Riêng ta một cõi cơ đồ
Thời gian, bão tố tạt xô tứ bề
Nước non giữ một lời thề
Dân an xứ mạnh mải mê mơ dồn
Ước một mái tranh nông thôn
Bằng không thác đứng âm hồn rã tan

Đồ Cóc
***

Sừng đội hay lông mang
Cũng chung một sắc thân
Cho dù khác tướng dáng
Cùng sống trên nhân gian.

Phí Minh Tâm
***

Trời xanh mây trắng trong
Một thân già long đong
Bám chắc vào vách đá
Nhìn thế sự đau lòng.

Tuấn Hoàng
***

Thiên điạ hề...mang mang
Cô đơn hề...một thân
Trơ trơ cùng tuế nguyệt
Riêng một cõi trần gian.

Hoài Thi
***


Trận bão tháng Hai quá dã man,
Nhưng tùng bách đó vẫn hiên ngang,
Dù cho mưa gió phũ phàng,
Vẫn thách đố với thời gian, không sờn,
Tháng Tư đen là tháng buồn,
Ta đã không để tâm hồn khổ đau,
Sống chết chỉ chuyện trước sau,
Nhưng còn sống phải sống lâu, sống hùng,
Đời ta không có đường cùng. 

Lê Xuân Cảnh
*Cây bách cô đơn càng có vẻ cô đơn hơn khi một nhánh thân mới bị gió bão tháng 2.2019 đánh gẫy.(Ảnh Hoàng Kim Giám)


Mộng Đầu - Thu Sầu


Bài Xướng:

Mộng Đầu


Mộng đầu phượng tím tuổi thơ ngây
Nhặt cánh hoa rơi chạm vai gầy
Người ấy nhìn tôi tha thiết quá
Gió hôn... bẽn lẽn ngắm trời mây


Kim Phượng
***
Bài Họa:

Không Đề


(Tặng tỷ Kim Phượng!)

Ngửng lên phượng nở tím chùm ngây
Nắng xỏa bờ vai ấm bóng gầy
Chồ mắt ai nhìn?... lòa ánh chớp
Mà hồn phiêu lạc chín tàng mây(?)


Nguyễn Huy Khôi
30-7-2019
*** 
Cảm Tác:

Thu Sầu


Thu sầu theo gió phớt môi ngây
Đơn lẻ bên song một dáng gầy
Mây tím đảo chao đầu ngọn gió
Nguyệt vàng chênh chếch cuối chân mây
Buông lơi tóc mượt bờ vai lạnh
Khép nhẹ mi cong mắt lệ đầy
Khắc lụn canh tàn trăng đối bóng
Mình ai đêm vắng nỗi niềm vây...


Duy Anh
30/7/2019
*** 
 Giọt Châu

Mộng đầu tím ngắt để thu sầu
Người ấy bây giờ đang ở đâu?
Lạnh lẽo vai gầy, mi ướt lệ
Đêm dài, rơi thánh thót giọt châu...


dovaden2010

Chuyên Ba Đồng Xu


Một câu chuyện cảm động về tình yêu và tình bạn:


Phóng Tác: Chuyên Ba Đồng Xu

Tuấn và Tú là hai người bạn
Học cùng lớp, ngồi cạnh bên nhau.
Còn Loan thì học ở lớp sau.
Bộ ba thân với nhau rất mực.
Tuấn tế nhị, tính tình chân thật.
Tú thông minh, học rất giỏi giang.
Loan thuỳ mị, là một giai nhân.
Ba người bạn nhà gần nhau lắm,
Nên luôn luôn trong mọi tình huống
Đều có nhau, sáng cũng như chiều.
Bạn bè kháo nhau: chuyện tình yêu
Giữa ba người ít nhiều khó xử.
Không biết là Loan đã yêu Tú,
Hay chọn Tuấn, điểm tựa tâm hồn?
Phần Tuấn và Tú, dĩ nhiên
Ai cũng muốn được Loan chọn lựa.
Nhưng tình bạn rộng, sâu như bể,
Không ai muốn đổ vỡ vì Loan.
Nên họ chỉ yêu trong âm thầm,
Không thổ lộ, dù tim thổn thức.
Về phần Loan, thì cô cũng biết
Hai chàng trai đều rất yêu mình,
Nhưng không thể bên trọng, bên khinh,
Vì cả hai (công bình mà nói)
Đều xứng đáng để cô sống với.
Và ngày tháng cứ thế trôi đi.
Tuân và Tú vượt qua kỳ thi
Tốt nghiệp rồi, bước ra xã hội
Làm việc, bắt đầu cuộc sống mới.
Loan thì còn năm cuối ra trường.
Ba người vẫn sống trong yêu thương.
Tình cảm đậm đà còn hơn trước.

Nhưng buồn thay, chuỗi ngày hạnh phúc
Thăng trầm theo vận nước nổi trôi.
Thảm hoạ chiến tranh chẳng ai mời,
Bỗng ập tới, một trời máu lửa.
Tuấn và Tú ghi tên nhập ngũ.
Loan tình nguyện làm nữ cứu thương.
Một ngày trước khi họ lên đường
Loan mời hai bạn thân cùng đến
Nhà cô ăn bữa cơm đưa tiễn.
Ba người đều trầm lặng hơn xưa
Thầm nghĩ tình cảm tựa giây tơ
Sẽ tan biến như là sương khói,
Nếu ai đó lỡ một lời nói.
Nhưng tiệc nào cũng tới lúc tàn.
Tuân, sau cùng, với giọng thật trầm:
"Ngày mai mình lên đường chiến đấu.
Tình cảm không thể cứ mãi dấu.
Loan ơi, anh và Tú yêu em.
Tương lai chúng mình trong chiến tranh
Thật mù mịt, như mành treo chỉ.
Anh muốn biết, giữa anh và Tú
Em yêu ai, hãy tỏ thật lòng!"
Loan đỏ mặt: "Hai anh rất thương.
Ba chúng ta, tình thân trời biển.
Cả hai anh đều rất toàn thiện.
Em vẫn hằng ước nguyện làm sao
Có một phương cách thần tiên nào
Phân đôi mình, để sau như trước,
Em vẫn có cả hai anh được!"
Tú, bằng giọng mực thước, trang nghiêm:
"Quyết định cuối cùng là của em.
Em chọn ai, duyên phần người ấy.
Không được chọn, sẽ buồn lắm đấy
Nhưng cũng đành chịu vậy mà thôi.
Mình phải đối diện sự thật rồi!
Em cứ nói một lời quyết định!
Anh và Tuấn vui lòng chấp thuận!"
Loan đứng lên, bình tĩnh, dịu dàng:
"Thôi để em làm bánh bông lan,
Trong bánh em để đồng xu trắng.
Anh nào ăn đúng phải miếng bánh
Có đồng xu may mắn, thì em
Sẽ chọn để làm ý trung nhân!"
Không biết cách nào hơn, Tuấn, Tú
Đồng ý ngay với đề nghị đó.
Một hồi sau, Loan trở lại bàn
Với chiếc bánh bông lan thơm ngon.
Cô từ tốn cắt làm ba miếng,
Rồi bằng giọng xúc động, lên tiếng:
"Em sẽ quay đĩa bánh thật nhanh.
Mỗi người lấy phần trước mặt mình.
Nhưng nếu đồng xu nằm trong miếng
Bánh của em, thì là Trời định
Cho chúng mình cứ vẫn như xưa."
Chiếc bánh quay nhanh, rồi từ từ
Ngừng hẳn lại. Không chờ lâu lắc
Tuấn lấy phần mình, cắn lập tức.
Và trong một tích tắc, reo lên:
"Anh có đồng xu. Loan ơi, Loan!"
Và chạy đến, ôm nàng, nhấc bổng.
Tú ngồi đó, thân mình bất động
Khoảng vài phút, rồi đứng ngay lên
Cáo lỗi vào buồng tắm. Rồi xin
Về trước, để cho Loan và Tuấn.
Được tự nhiên, thoải mái trò chuyện.
Tuấn và Loan cùng tiễn bạn, mà
Nước mắt đoanh tròng, tất cả ba!
 Thời gian như mây bay, gió thổi.
Ba năm đã trôi qua, một tối
Từ chiến trường, Tú đến thăm Loan.
Với dáng vẻ thiểu não, thất thần.
Tuấn đã rời dương trần, tử trận!
Hung tín đó, Loan cũng đã nhận
Hai hôm trước, đau đớn khôn cùng.
Tú nói với Loan: "Phút lâm chung
Tuấn nắm chặt tay anh, và bảo:
'Mày phải lo cho Loan toàn hảo!'
Rồi lấy trong túi áo đồng xu
Trao cho anh, với lời dặn dò:
'Hãy yêu Loan cho cả hai đứa!'
Nhìn sâu vào mắt Loan, lặng lẽ,
Tú từ từ nhẹ mở bàn tay
Và hai đồng xu trắng phơi bầy!
Giọng Loan run run, đầy nước mắt:
"Tuấn ơi! Anh sẽ chẳng bao giờ biết
Mỗi người đều có một đồng xu.
Cả ba đồng trong cái bánh kia,
Em đã bỏ vào cho cân xứng
Cốt giữ tình chúng ta bền vững!"
Và cô khẽ mở rộng bàn tay:
"Đồng xu thứ ba của em đây!"
 Chỉ một thời gian ngắn sau đó
Cuộc chiến bất đầu giảm cường độ
Và chấm dứt vào nửa năm sau.
Tú và Loan chung sống bên nhau.
Và từ ngày giỗ đầu của Tuấn
Mỗi năm Tú và Loan đều đến
Để viếng mộ người bạn thân thương.
Đem theo ba đồng xu, luôn luôn.
Khi có người hỏi Loan ý nghĩa
Ba đồng xu, thì Loan nhỏ nhẹ:
"Khi làm bánh tôi đã đặt vào
Ba góc của chiếc bánh, bằng nhau,
Ba đồng xu, để, sau như trước
Chúng tôi không ai mất nhau hết.
Nhưng vì Tuấn quá sức yêu tôi
Nên khi cắn phải đồng xu rồi,
Hạnh phúc như trên trời rơi xuống,
Tuấn cảm thấy hết sức vui sướng,
Nên bộc lộ tình cảm tức thời,
Khiến cho cả hai đứa chúng tôi,
Tú và Loan, nghẹn lời, im tiếng!
Tôi biết là Tú buồn lắm lắm,
Nhưng tình bạn với Tuấn khiến anh
Đành lặng lẽ chấp nhận hy sinh.
Dấu đồng xu, một mình anh biết.
Tôi cũng không tiết lộ sự thật.
Chỉ vì tình bạn thiết mà thôi!"
 Ý nghĩa câu chuyện này, bạn ơi.
Trong liên hệ bạn bè thực sự
Có những điều mà chúng ta chỉ
Cảm nhận nhưng không thể nói ra!

Chẩm Tá Nhân
11/22/2016
***

Chuyện Ba Đồng Xu

Valodia, Sasha và Tanhia là bộ 3 của trường trung học phổ thông của một thành phố nhỏ Xmolenxco chơi với nhau rất thân. Tuy 3 người học khác lớp nhau nhưng cùng trường, Valodia là chàng thanh niên mạnh khoẻ, tế nhị và nhã nhặn với mọi người. Còn Sasha học dưới một lớp, nhỏ con, nhanh nhẹn và học giỏi. Đôi bạn trai này gần nhà nhau và chơi với nhau từ hồi còn nhỏ. Họ đã từng bên nhau trong mọi xó xỉnh của thành phố khi còn ấu thơ. Khi lên trung học họ quen với Tanhia, một cô gái mới lớn được xếp vào hàng hoa khôi của trường. Tanhia có đôi mắt xám cùng mái tóc màu hạt dẻ rất nhí nhảnh. Ba người chơi với nhau thân thiết đến nỗi các bạn học của cả trường đều biết. Bọn lơn lớn ở trường thường hay bàn tán về quan hệ của bộ 3 này. Có người thì cho là Valodia và Tanhia là một cặp, có người thì cho là Tanhia yêu Sasha… Cuối cùng thì mọi người chỉ biết là ba người này chơi thân với nhau còn hơn cả ruột thịt.


Nói thẳng ra trong trái tim của Valodia lẫn Sasha đều muốn cất giữ hình ảnh của người bạn gái thân thương Tanhia cho riêng mình. Nhưng tình bạn giữa đôi bạn trai mạnh mẽ đến mức không bao giờ hai người dám nghĩ đến chuyện thổ lộ tình yêu với Tanhia. Họ không muốn tình bạn giữa 3 người phải tan vỡ. Tanhia cũng vậy, cô biết rằng cả 2 người bạn trai đều rất yêu mình, nhưng chưa một lần nào cô thiên vị ai, vì cả Valodia và Sasha đều tốt và đáng trân trọng như nhau, hơn nữa 2 người bạn trai lại quá thân thiết và gần gũi.

Thời gian rồi cũng trôi đi mau, 2 người bạn trai ra trường và công tác ngay tại thành phố, còn Tanhia thì đang học năm cuối của trung học. Họ vẫn gặp nhau hàng tuần, đi xem và thường đi khiêu vũ cùng nhau vào những ngày cuối tuần. Tình cảm vẫn mặn nồng như khi còn học trong trường, chỉ có điều là họ gặp gỡ nhau ít hơn.

Rồi chiến tranh xẩy ra, cả Valodia va Sasha đều được gọi nhập ngũ cùng ngày, Tanhia thì tham gia vào đội cứu thương của quận đoàn. Ngày hôm sau là ngày lên đường ra mặt trận, cả 3 hẹn gặp nhau tại nhà của Tanhia. Tối hôm đó như những lần gặp trước, họ có mặt rất đúng giờ. Nhưng ai cũng trầm lặng và ít nói hơn. May mà Tanhia còn chạy qua chạy lại chuẩn bị đồ ăn cho bữa tối. Khi cả 3 đã cùng ngồi bên nhau, im lặng, thì Sasha cất tiếng:
- Ngày mai là ngày bọn mình lên đường rồi mà ngày về thì không biết trước, có điều mà có lẽ không phải riêng mình mà chắc là cả Valodia nữa muốn nói với Tanhia rằng bọn anh rất yêu em.

Như đã chuẩn bị cho câu nói từ lâu lắm rồi, Tanhia không hề bối rối ngắt lời:

- Em biết tình cảm của hai anh dành cho em từ lâu, em yêu cả hai anh, rất yêu và rất quý trọng tình bạn của các anh, tình bạn của 3 đứa chúng mình. Em không muốn làm tổn thương một ai cả.

Valodia nói cuối cùng:
- Tanhia, thú thật anh rất muốn có em trong đời, nhưng anh không muốn mất đi tình bạn đã có giữa chúng ta. Thật khó, nhưng cũng đến lúc chúng mình phải đối diện với sự thật rồi.

Họ lại im lặng, không khí trầm hẳn xuống. Chẳng còn bao lâu nữa là đến giờ phải chia tay. Tanhia đi vào bếp, làm một chiếc bánh ngọt và để vào lò, sau đó đi ra và nói với hai người:

- Em đã làm một chiếc bánh ngọt để chúng ta cùng ăn trước lúc chia tay.Trong chiếc bánh đó em có đặt một đồng xu nhỏ, nếu anh nào ăn bánh mà trong đấy có đồng xu thì em sẽ yêu người may mắn đó, còn nếu em nhận được đồng xu thì có nghĩa mãi mãi chúng ta chỉ là bạn của nhau như bây giờ, các anh thấy được không?

Chẳng còn cách nào hay hơn, thế là mọi người đồng ý. Khi Tanhia mang bánh vào phòng, thì thấy Valodia và Sasha đã đứng bên cửa sổ nhìn ra bầu trời tối đen nói chuyện với nhau rất thân mật, có lẽ họ tìm cách để làm giảm nỗi hồi hộp trong lòng mình. Sau khi Tanhia cắt chiếc bánh ra làm ba , cô mời 2 anh vào bàn. Họ lại im lặng nhìn vào chiếc đĩa đựng bánh đã để sẵn ở giữa bàn. Một phút trôi qua, rồi hai phút… Cuối cùng thì Tanhia nói:
- Bây giờ em sẽ quay chiếc đĩa thật mạnh nhé. Khi nào đĩa dừng thì từng người sẽ nhận lấy phần bánh trước mặt nhé.

Như để phá tan sự im lặng đáng sợ này, Tanhia quay đĩa thật nhanh. Trái tim trong lồng ngực của Valodia và Sasha như muốn vỡ tung vì hồi hộp. Chiếc đĩa từ từ dừng lại. Vẫn với cá tính quyết đoán của mình Sasha nhận lấy phần bánh trước mặt mình đầu tiên và từ từ cho vào mồm. Rồi đến lượt Valodia và Tanhia lấy phần tiếp theo… Họ nhai từng lần một chậm. thật chậm. Bỗng Sasha reo lên thật to và lấy từ miệng mình ra một đồng xu, anh lao vào ôm lấy Valodia và sau đó bế bổng Tanhia lên. Trong lúc Sasha đang vui sướng đến tột độ thì Valodia lặng lẽ vào phòng vệ sinh rửa mặt, một lúc sau anh quay ra và bắt tay chúc mừng Sasha. Valodia xin về sớm để 2 người ở lại tâm sự. Tiễn anh ra cửa mà nước mắt Tanhia giàn giụa hai hàng, cô ôm Valodia và bỗng oà lên khóc nức nở…

Thời gian 3 năm trôi đi cũng thật là nhanh, Valodia trở về thành phố thân yêu của mình với nỗi buồn vô tận vì Sasha người bạn từ ấu thơ của mình đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Tanhia đã biết tin này, trái tím của người con gái như sắt lại. Ngay sáng hôm sau khi về Xmolenxco, Valodia đến thăm lại cô bạn gái Tanhia hồi học sinh của mình. Vẫn căn phòng này, năm xưa có tiếng cười nói của cả 3 người mà giờ đây chỉ còn 2. Valodia kể cho Tanhia về những ngày gian khổ của mình ở chiến trường, kể về sự hy sinh dũng cảm của Sasha trong cùng tiểu đội chiến đấu với mình. Valodia kể trước lúc tắt thở Sasha đã lấy từ túi ngực mình ra đồng xu năm nào và trao cho Valodia, sasha ra đi và chỉ muốn trao lại tình yêu của mình với Tanhia cho Valodia mà thôi. Tanhia lặng lẽ đi ra phía cửa sổ, nơi mà Valodia va Sasha lần cuối đã đứng đó. Valodia đứng dậy, anh lại gần Tanhia, đặt một tay lên vai Tanhia, còn tay kia anh cho vào túi và lấy ra hai đồng xu nhỏ giống nhau đưa cho Tanhia. Và cũng chính lúc đó Tanhia xoè lòng bàn tay trái của mình ra, trong đó cũng có một đồng xu y trang như thế. Hai người lặng lẽ ôm lấy nhau, nước mắt Tanhia lại chảy dài như đêm nào đó tiến Valodia về trong khi Sasha vui mừng vì nhận được đồng xu may mắn của mình. 

Sau này Valodia và Tanhia trở thành vợ chồng của nhau, và hàng năm cứ đến ngày mất của Sasha họ lại cùng nhau ra nghĩa trang thăm lại bạn cũ của mình cùng với 3 đồng xu luôn trong tay.

Ba đồng xu thật nhỏ nhưng nó lại tượng trưng cho tình bạn và tình yêu cao cả của 3 con người cao đẹp. Tại sao lại có 3 đồng xu nhỉ. Khi kể lại chuyện này cho mọi người Tanhia luôn cầm 3 đồng xu đó trong tay:
- Hôm đó, tôi đã cố tình chọn 3 đồng xu và đặt vào 3 góc của chiếc bánh, vì tôi không muốn mất người nào cả. Ai cũng nhận được phần của mình với đồng xu trong ấy. Chỉ có Sasha, anh ấy quá chân thành và quá yêu tôi nên khi cắn phải đồng xu thì đã reo lên. Trong lúc đó Valodia lặng lẽ vào nhà vệ sinh để lấy đồng xu ra khỏi miệng mình rồi âm thầm cho vào túi quần. Còn tôi, khi thấy Sasha vui đến tột độ thì không còn đủ can đảm đưa đồng xu của mình ra nữa mà lặng lẽ dấu đi, Nhưng cũng chính hôm đó tôi biết rằng trong đời tôi được chứng kiến một tình bạn thật vĩ đại và lòng cao thượng vô biên của Valodia, vì tôi biết rằng trong túi Valodia lúc đó đang có đồng xu thứ 3.

ST

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2019

Khúc Du Ca - Thơ: Thuận Hào Nhạc: Nguyễn Văn Thơ


Thơ: Thuận Hào 
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ 
Ca sĩ: Xuân Diệu 
Thực Hiện: Tấn Vinh


Nghĩ Suy



Sao mình lại lắm phút giây thừa
Cứ mãi mơ màng với võng đưa
Lặng ngắm ngày trôi từng nhịp lắc
Thêm buồn gác lạnh mỗi chiều mưa
Bao năm học hỏi chừng vô nghĩa
Nửa kiếp qua rồi mộng vẫn chưa
Thắng bại do chăng tùy vận số
Hay là lực mỏng lẫn tài thưa.

Quên Đi

Ô Kìa



Bài Xướng: Ô Kìa

Nghe hơi lạnh lạnh trời chưa sáng
Thương mến mùa đông cánh phượng vàng
Chợt thấy ngoài song mai rỡ rạng
Ô kìa tháng chín gió thu sang!


Cao Linh Tử

Đồng Tháp 2017
***
Bài Họa:

Y Đề


Ngọn nến tình lung linh tỏa sáng
Hong mùa lên muộn trổ hoa vàng
Sương đêm lấp lánh hừng đông rạng
Chờ đợi chân người nhẹ bước sang


Kim Phượng
Xuân Melbourne 2017
***
Gọi Mùa

Riú rít Oanh ca ngày nắng sáng
Vườn mơ thơ thẩn ánh chiều vàng
Ru đêm tròn mộng chờ mai rạng
Tha thiết gọi mùa xuân thắm sang


Kim Oanh
Xuân Melbourne 2017

Thơ Thẩn Chiều


Thơ Thẩn Chiều

Dường nghe trong áo chút heo may
Đường vắng mình ta bóng đỗ dài.
Nhàn nhạt nắng chiều vàng cỏ úa
Thu về hoa dại cánh phai phai.

Nắng hạ bớt gay đã mấy ngày
Trên cành lác đác lá buông tay.
Công viên inh ỏi vài bầy quạ
Phẳng lặng gương hồ lộng bóng mây.

Ráng vàng tháng chín óng như tơ
Mây tím chân trời đẹp ngẩn ngơ.
Hiu hắt nắng chiều ngày chửa tắt
Trăng non mủm mỉm ánh sao chờ.


Bỗng dưng nhớ lại những chiều hôm
Êm ái quê nhà quạnh xóm thôn.
Lộp độp mưa đêm tàu lá chuối
Não nùng ếch nhái hắt hiu hồn.

Tháng chín tựu trường nhớ chao ôi!
Những ngày thân ái sống trong tôi
Con đường áo trắng lung linh nắng
Tiếng trống âm xưa dạ bồi hồi.

Vẫn bước lang thang mỗi buổi chiều
Tuổi già nhiều lúc bước liêu xiêu.
Bạn bè tri kỷ vàng bay lá

Vô ngã sắc không thắm thía nhiều.

Mailoc
9-3-19
Mùa Thu Và Nỗi Nhớ

Lạc bước đồi chiều ngập cỏ may
Liêu xiêu ánh nắng, bóng nghiêng dài
Hắt hiu ngọn gió hơi thu sớm
Cúc dại lạc loài sắc nhạt phai.

Kể từ thu ấy đã bao ngày
Tay chẳng được còn năm lấy tay
Mắt chẳng được chìm trong đáy mắt
Chỉ nhìn thờ thẫn khoảng trời mây.

Chẳng ngắt mà sao đứt mối tơ
Giật mình thảng thốt đến ngu ngơ
Bao năm mòn mỏi trong nhung nhớ
Biết chẳng còn nhau vẫn mãi chờ

Ký ức quay về một sớm hôm
Trời còn sương đọng khắp cô thôn
Hai người dạo bước trên đồi vắng
Ngây ngất nụ hôn đắm đuối hồn

Âu yếm gọi nhau tri kỷ ơi
Một trời hạnh phúc sáng trong tôi
"Đường Vào Tình Sử" người trao tặng (*)
Nhịp đập con tim bỗng loạn hồi

Tình cảm bao năm chẳng đổi chiều
Đời bao cám dỗ dạ không xiêu
Mà sao Tròi nỡ chia đôi ngã
Để lệ tràn mi mỗi buổi chiều...

(*) Tập thơ của Đinh Hùng
Phương Hà
( 04/09/2019 )
***
Vẩn Vơ Chiều

Thơ thẩn chiều buông,thoảng gió may
Một mình, ánh nắng đỗ loang dài
Nhạt nhoà in bóng bên đường vắng
Cỏ úa Thu vàng đã chớm phai

Nàng Thu đã đến tự bao ngày
Nắng Hạ chỉ còn lay lắt gay
Làn gió heo may lùa tóc rối
Hồ gương lộng bóng áng trời mây

Thu vàng ,nắng nhạt tựa đường tơ
Chiều tím,mây giăng cuối nẽo mờ
Bếp lửa nhà ai vừa thở khói
Nửa vành trăng khuyết,đỉnh non chờ

Nắng chiều sắp tắt chớm hoàng hôn
Rộn rịp đường đê vọng cuối thôn
Ơi ới người kêu vang nẽo vắng
Sáo diều vi vút khỏa vào hồn

Giờ đây nhớ lắm quê hương ơi!
Đất khách sầu dâng ký ức rồi
Biết đến bao giờ tìm thấy nữa
Tim lòng xao xuyến đánh liên hồi

Cứ mãi vẩn vơ những sớm chiều
Tuổi già ngày tháng chóng thân xiêu
Nhìn quanh bè bạn càng thưa thớt
Nghĩ đến phận ta,dạ xót nhiều


Song Quang
Tuổi già ngày tháng
***
Màu Kỷ Niệm

Lạc lõng mình tôi vướng cỏ may
Hành trang gọn nhẹ bước đường dài
Gió thu lạnh lẽo chiều nghiêng xế
Chậu cúc đầy hoa hương sắc phai

Thu về lặng lẽ đã bao ngày
Nhớ buổi tựu trường bạn bắt tay
Nhảy nhót nữ sinh xanh mái tóc
Trong ngần hồ nước lộng chòm mây

Trộm ngắm em nào vướng mối tơ
Thầm thương "hàng xóm" giả làm ngơ
Quen nhau độ ấy nay còn nhớ
Vẫn dấu trong tim hẹn đợi chờ...

Nhớ lại ôn thi tối một hôm
Học bài mau thuộc ở nông thôn
Mưa đêm nặng hạt chung tàu lá
Hai đứa bên nhau ấm áp hồn

Kỷ niệm một thời bạn quý ơi
Thơ ngây trong trắng trái tim tôi
Nằm mơ ai đó quên trời sáng
Thức giấc sao tim đập mấy hồi..!

Lang thang bước dạo cảnh nương chiều
Tuổi tác bây giờ bóng đỗ xiêu
Bạn cũ còn ai tu tóc bạc
Tùy duyên đắc Đạo nhớ nhau nhiều...

Mai Xuân Thanh
Ngày 04/09/2019
***
Thẩn Thơ Chiều

Chiều rơi trong gió heo may,
Mình ta đường vắng ai hoài một thân.
Nắng chiều cỏ úa phai dần,
Bên đường hoa dại bâng khuâng mộng hồn.
Công viên lá cuốn chập chờn,
Lìa cành lác đác chiều hôm nắng tàn.
Nước gương in bóng mây ngàn,
Lửng lơ mây trắng về ngang lưng trời.
Ráng chiều bàng bạc muôn nơi,
Nắng chiều nhàn nhạt cho dài hoàng hôn.
Chân trời thấp thoáng trăng non,
Sao hôm nhấp nháy thêm buồn lòng ai.
Nhớ quê lòng những u hoài,
Chiều rơi êm ả những ngày đồng quê.
Xóm thôn hiu hắt thu về,
Xạc xào lá chuối não nề tiếng thu.
Nhá nhen ếch nhái ao tù,
Tỉ tê tiếng dế đêm thu gợi sầu.
Trống trường vẳng tiếng đâu đây,
Tựu trường háo hức lòng đầy hoang mang.
Bình minh chim hót nắng vàng,
Ngập đường áo trắng cổng tràng mở ra.
Biết bao ký ức nhạt nhòa,
Tuổi già viễn xứ chan hòa luyến lưu.
Bạn già như mây du du,
Vừa thấy chợt mất tu du biệt mù.
Cuộc đời vốn dĩ phù du!

Đỗ Chiêu Đức
Chớm Thu 2019

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Như Ngọn Buồn Rơi - Sáng Tác Từ Công Phụng - Tâm Hảo


Sáng Tác: Từ Công Phụng
Tiếng Hát:Tâm Hảo

Em Còn Trong Mơ


(Có phải em là quê hương!)

Đêm buồn nhìn lá thu rơi
Sương giăng đầy lối một đời tìm nhau!
Thời gian lặng lẽ phai màu
Về dòng sông cũ nghe sầu mênh mông!
Tình em vỗ cánh phiêu bồng
Chờ nhau hóa đá hư không bến bờ!
Yêu em viết mấy vần thơ
Xót xa trăng mộng thẫn thờ bến mê!
Mưa buồn dạo khúc tình thơ
Giọt sầu nhỏ xuống hoen bờ ái ân!
Gọi tên em biết bao lần
Đường khuya giá buốt xoay vần trầm mê!
Theo em quên nẻo đường về
Hương xưa còn mộng lời thề gió bay!
Lá rơi làm buốt trăng gầy
Em theo vào mộng tháng ngày thành thơ.

Đỗ Bình

Huyền Thoại R2

(Tùy bút Phiếm)


Ngày xửa ngày xưa thời gian không rõ có một đôi uyên ương ra chào đời trước sau một năm.Theo Tử-vi Lý-số, chàng vốn giòng thanh long đằng vân trên bàu trời bao la bát ngát. nàng thuộc giống bạch xà lướt nhẹ trên hoa đồng cỏ nội xanh mát ngút ngàn. 

Đôi trai tài gái sắc này gặp nhau do sự quen thân của hai vị thân phụ và là bạn tri kỷ với nhau, cả hai đều là bậc túc nho. Đó là cơ duyên chàng nàng sơ ngộ, ngoài ra chàng là dân Chu-Văn-An, nàng là dân Trưng-Vương, nên mau chóng trở thành một cặp vợ chồng rất xứng đôi vừa lứa. Tuy nhiên, nếu muốn biết nguồn gốc sâu xa của mối duyên lành đó, đồng thời để xem khoa Tử-vi Lý-số có đúng không, có lẽ phải đi tìm trong thiên kỷ mịt mù của thời đại xa xưa, đúng ra phải bay vào vùng hư hư ảo ảo của vũ trụ, của đất trời, của cõi thế gian. 

Kìa! một con rồng đang uốn khúc trong mây.Vẩy rồng óng ánh như bạc. Rồng có vẻ buồn, đang ngó xuống trần gian như tìm kiếm cái gì. Trời thấy rồng cô đơn trong đám mây vần.
- Con tìm ai?
- Vâng,con đang muốn tìm người ở dưới kia để làm bạn trăm năm.
- Ta sẽ giúp con, nhưng con phải tạm thời hóa thân thành một hình hài khác, nhẵn nhụi và trơn tru, để hoà hợp kết thân với một sinh vật đẹp như con đang ở dưới đó. Con hiểu ý ta chứ?

Ô kìa ! một con rắn xinh xinh hiền hậu đang uốn mình trên ngàn cây lung lay trong gió, mắt ngước lên ngắm những vần mây lảng vảng trên bầu trời.
- Con thấy gì không? Một con rồng quí đang lủi thủi trong mây, ta muốn giúp nó tìm bạn trăm năm. Thời gian sẽ trôi nhanh và cuộc đời sẽ trở thành ngắn ngủi. Theo ý ta con nên chọn sớm một bạn trăm năm. Và ta sẽ là Ông Tơ kết mối duyên lành cho con.

Rồi Thu tàn Đông tới, Xuân qua Hạ tới...Rồng và Rắn gặp nhau, kết mối duyên lành trăm năm. Nhưng vì tình yêu quá mạnh, rồng đã tiến xa hơn điều kiện do Trời đã đòi hỏi, tức là tự ý cắt bỏ vĩnh viễn bộ vây cố hữu của mình để tình yêu tồn tại thiên thu với nàng rắn dịu hiền xinh đẹp đang sống ở vùng đất âm áp của địa cầu, không phải trôi giạt bồng bềnh trên những tầng mây cao tít, vừa lạnh lẽo vừa cô đơn. Tiếp theo, rồng lặp đi lặp lại quá trình hoá thân để hoàn toàn trở thành rắn, và ở laị với nàng rắn vĩnh viễn. Có lần nàng hỏi chàng có hối tiểc đã bỏ bộ vây, vẩy, chân, móng vuốt của mình hay không. 
Chàng âu yếm trả lời rằng được hoá thân giống như nàng là điều chàng vô cùng thích thú.Tuy nhiên, nàng vẫn đêm ngày cầu xin Trời có cách gì thoả đáng cho cả đôi lứa để có thể bảo đảm được cuộc sống hoà hợp vĩnh viễn bên nhau.


Một buổi bình minh, chim hót vang lừng, nắng ban mai tràn ngập địa cầu, thiên hạ thấy ở nơi tổ ấm của cặp đôi rồng rắn bỗng có một sự thay đổi như một phép lạ: đó là sự xuất hiện một đôi vợ chồng với đầy đủ hình dáng của con người, có đủ nhân tính của loài người. Thực vậy, cặp đôi rồng rắn đã biến thành một cặp nhân thân nam và nữ, vĩnh viễn mang hình hài và cách sinh sống đúng in như đúc của hai con người trần thế. Họ sinh con đẻ cái, tạo thành một gia đình lớn và về sau con cái đều thành đạt trong đời sống xã hội. Họ sống thật hạnh phúc.

Thế là từ đó, trải qua hàng ngàn triệu năm, loài người truyền miệng câu chuyện tình Rồng và Rắn thơ mộng này với hình ảnh hư hư thực thực, để cuối cùng trở nên như một huyền thoại: RẮN là RỒNG KHÔNG VẨY..... 

 Chinh Nguyên-HNT
 Nov.28.2018 

*Ghi thêm: Bên cạnh câu chuyện thực đời thường được dùng như bối cảnh, những chi tiết của câu chuyện huyền thoại chỉ là giả thuyết do trí tưởng tượng của tác giả.

Cầu Lam


CẦU LAM là cây cầu màu xanh lam, mà cây cầu mà màu xanh lam là cây cầu đẹp và nên thơ vô cùng, vì nơi đó là chỗ ở của người đẹp, của các nàng tiên, của người trong mộng… nên khi muốn nghe Thúy Kiều đờn, Kim Trọng đã phải rào đón trước:


Sinh rằng: Gió mát trăng trong,
Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam.
Chày sương chưa nện CẦU LAM,
Sợ lần khần qúa ra sởm sỡ chăng?

Hay như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ:
CẦU LAM hội ấy đành khôn hẹn,
Con tạo trời kia bỗng khéo xây.

Cầu Lam là LAM KIỀU, là nơi ở của người đẹp mà ta hằng ao ước. Nên khi dò la tìm chỗ ở của Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết về chàng Kim Trọng như sau:

Tình riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo LAM KIỀU lần sang.

Ngay cả Mã Giám Sinh khi đến trả giá để mua Thúy Kiều cũng phải làm ra vẻ cao qúy nho nhã lịch sự :
Rằng mua ngọc đến LAM KIỀU,
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường. 

Lam Kiều hay Cầu Lam còn có liên quan đến CHÀY SƯƠNG là cái Chày dùng để giả thuốc trường sinh làm sính lễ cưới vợ, như Kim Trọng đã nói ở trên:
CHÀY SƯƠNG chưa nện CẦU LAM,
Có nghĩa là: Chưa trình sính lễ để hỏi cưới, để hợp thức hóa mối duyên của đôi lứa yêu nhau.
Lam Kiều cũng làm cho người ta nghĩ đến QUỲNH TƯƠNG, là thứ rượu được ướp bằng trái cây, như rượu cocktail của ta bây giờ, nhưng ngày xưa Quỳnh Tương là rượu qúy chỉ dùng để đãi khách qúy mà thôi. Nên để trân trọng cho lần đầu tiên gặp gỡ, Kim Trọng đã dùng chén HÀ là chén có hoa văn như mây ở trên trời, rót rượu Quỳnh Tương vào để đãi Thúy Kiều:

Chén HÀ sánh giọng QUỲNH TƯƠNG,
Dải là hương lộn bình gương bong lồng!

Để tìm hiểu một cách thấu đáo, chính xác sự liên quan giữa các điển tích Lam Kiều, Cầu Lam, Chày Sương, Quỳnh Tương … như thế nào, mời tất cả cùng đọc và tìm hiểu xuất xứ sau đây :
Thật ra LAM KIỀU không phải là Cây cầu màu xanh lam, mà là LAM KIỂU DỊCH 藍橋驛, là Dịch quán Lam Kiều, nằm ở đông nam của xứ Lam Khê( Dòng sông xanh ) thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây ngày nay. Nơi nổi tiếng là đường cái quan ra vào kinh thành Trường An của đời Đường. Lam Kiều còn nổi tiếng với câu chuyện của Bùi Hàng cưới được vợ đẹp là Vân Anh và vợ chồng đều lên tiên theo tích sau đây...

Chung thuyền gặp Vân Kiều
Theo sách Thái Bình Quảng Ký, quyển 50: Đời Đường Mục Tông (795-824), năm Trường Khánh có Tú tài Bùi Hàng 裴航 lai kinh ứng thí, nhưng thi rớt. Buồn vì vô tích sự nên định đi du ngoạn Tương Dương một chuyến để giải khuây. Khi đến bến để thuê thuyền thì chỉ còn một khoang thuyền nhỏ, khoang chính của thuyền đã có một phu nhân thuê rồi. Mặc dù có rèm sáo che chắn, nhưng vì ở chung trên một chiếc thuyền, lúc lên xuống ra vào, khi gió động rèm châu, Bùi Hàng cũng lén ngắm nhìn dung nhan của vị phu nhân chung thuyền. Chàng chợt ngẩn người ra và mê mẫn trước sắc đẹp như tiên giáng thế của vị phu nhân mà ngày thường chỉ nghe tiếng nói thanh tao như ngọc của nàng qua bức rèm châu. Hỏi thăm thị nữ theo hầu thì được biết đó là Phàn Phu Nhân. Chàng bèn làm một bài thơ tỏ tình ái mộ của mình, rồi nhờ thị nữ chuyển đến cho phu nhân bài thơ sau đây:

同舟胡越猶懷想, Đồng chu Hồ Việt do hoài tưởng.
況遇天仙隔錦屏。 Huống ngộ thiên tiên cách cẩm bình.
倘若玉京朝會去, Thảng nhược Ngọc kinh triều hội khứ,
願隨鸞鶴入青雲。 Nguyện tùy loan hạc nhập thanh vân

Có nghĩa:

Cùng thuyền Hồ Việt cũng thương nhau,
Huống gặp người tiên cách sáo rào.
Nếu đó Ngọc Kinh về phó hội,
Nguyện cùng chắp cánh vút trời cao!

Phàn phu nhân xem xong mỉm cười nói thầm: Rõ khéo đa tình, rất tiếc ta không phải là đối tượng của chàng ! Bèn lấy ra một mảnh hoa tiên, cất bút đề thơ hồi âm:

一飲瓊漿百感生, Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sanh,
玄霜搗盡見雲英。 Huyền sương đão tận kiến Vân Anh.
藍橋便是神仙窟, Lam Kiều tiện thị thần tiên quật.
何必崎嶇上玉京? Hà tất khi khu thướng Ngọc Kinh ?

Có nghĩa:

Một chén quỳnh tương trăm cảm sanh,
Chày sương giã thuốc gặp Vân Anh.
Lam Kiều chốn ấy thần tiên ngụ,
Sao phải gập ghềnh đến Ngọc Kinh ?!

Bùi Hàng đọc thơ mà không hiểu ngụ ý của Phu nhân muốn nói chi. Huyền sương là cái gì và Vân Anh là ai, sao lại ở trong thần tiên quật (hang động của thần tiên). Chàng cứ ngẩn ngơ suy nghĩ mãi không hiểu nàng muốn ám chỉ việc gì. Chừng định hồn lại thì phu nhân và thị nữ đã lên bờ đi mất. Dò la mãi cũng không biết được mãi mai tin tức gì. Buồn lòng, chàng bèn quay trở lại Trường an định chờ khoa thi tới. Khi về đến Lam Kiều Dịch, xa xa trông thấy có mấy mái nhà tranh thật nên thơ, sẵn đang khát nước chàng bèn ghé lại xin chén nước uống. Sau khi hỏi xin bà lão đang ngồi quay tơ trứơc cửa, thì bà lão gọi vói vào trong nhà : " Vân Anh, bưng nước ra mời khách !". Bùi Hàng ngẩn người ra nhớ lại bài thơ của Phàn phu nhân có nhắc đến Vân Anh. Chàng hồi hộp nhìn vào bên trong bình phong, quả nhiên một người con gái khoảng mười lăm mười sáu tuổi đẹp như tiên nga bưng nước ra mời khách. Chàng uống cạn ly nước mát ngọt lịm tận tim gan. Tuy nàng đã lui vào bên trong mà hương thừa vẫn còn phảng phất đâu đây. Chàng lấy cớ là đi đường người mệt ngựa mõi mà nấn ná ở lại nghỉ ngơi.

Sau khi làm quen và trao đổi hàn huyên với bà lão, Bùi Hàng mới khẩn khoản ngỏ ý muốn xin cưới Vân Anh, thì bà lão bảo rằng :" Đó là cháu gái của lão, bà cháu sống nương tựa lẫn nhau, nếu muốn cưới nó thì phải giúp lão giả xong thang thuốc Huyền Sương, vì là thuốc của tiên ban nên phải giả bằng chày ngọc cối ngọc. Nếu trong một trăm ngày mà chàng tìm được chày ngọc cối ngọc đến đây giả thuốc cho ta , thì ta sẽ gả nó cho chàng ". Bùi Hàng vui mừng hớn hở từ biệt bà lão để ra đi tìm chày ngọc cối ngọc.

Chàng lang thang suốt hơn hai tháng trường, bỏ cả khoa thi để quyết chí tìm chày cối ngọc. Nhưng vẫn biền biệt không tìm đâu ra cả. Buồn lòng và lo lắng, gặp ai cũng chỉ hỏi có chày ngọc cối ngọc mà thôi. Một hôm đang lang thang để hỏi thăm tin tức ở kinh thành, tình cờ gặp được người buôn ngọc cho chàng biết là có người đang rao bán chày cối ngọc, nhưng lại đòi đến hai ngàn lượng bạc. Chàng đành phải bán cả hành trang, cả ngựa và cả tên gia đồng theo hầu mới đổi được chày ngọc cối ngọc mang về Lam Kiều cho bà lão. Bà lại bảo chàng phải ở lại Lam Kiều để giã thuốc Huyền Sương cho đúng một trăm ngày nữa. 

Bùi Hàng dâng thuốc.

Khi thuốc đã giã xong và khi bà lão đã uống xong thuốc, bèn dẫn Vân Anh ra đi và bảo chàng hãy nán đợi. Hôm sau, có đoàn ngựa xe từ đâu đến đón chàng đi đến một nơi mây mù vần vũ, lầu các nguy nga, tòa rộng dãy dài, tiêu thiều nhạc sáo vang vang, trúc tơ dìu dặc như tiên cảnh. Bà lão không còn nghèo nàn như trước mà hiện ra như một lão Phật gia trong cung tiên, cô dâu Vân Anh đẹp rực rỡ với " Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng " được thị tì hai bên đở ra để làm lễ tơ hồng. Bùi Hàng bàng hoàng ngây ngất, sung sướng đê mê bên cô dâu thơm phức và đẹp như … tiên! 
Sau khi cử hành hôn lễ, bà lão còn đưa hai vợ chồng đến ra mắt một tiên nương chị của cô dâu Vân Anh là Vân Kiều. Bùi Hàng mới giật mình nhận ra đây là Phàn phu nhân đi cùng thuyền với mình lúc trước. Thì ra Vân Kiều Phàn phu nhân đã báo trước mối duyên giã thuốc của mình với Vân Anh ở Lam Kiều rồì, mà trước đây mình đâu có biết.
Sau những năm tháng sống vui vẻ bên nhau, vợ chồng Bùi Hàng cũng cùng tu và cùng đắc đạo thành tiên cả.

Đây cũng là câu chuyện xung đột giữa đạo Nho và đạo Lão. Vì chuyện của Bùi Hàng mà một số Nho sinh bỏ Nho theo Lão để tu tiên. vừa có vợ đẹp vừa có cuộc sồng thoải mái như … tiên. Không bị ràng buộc bởi công danh phiền toái mà còn phải biết a dua nịnh bợ với cấp trên và cũng chưa chắc đã được yên thân trong quan trường đầy hiễm họa.

Đỗ Chiêu Đức

Biển Hè: Em Và Chim Hải Âu

 (Biển Hè: Em Và Chim Hải Âu - Họa Sĩ Nguyễn Sơn)  
Đề Thơ: 

Em: gái trong khung cửa
Tôi: cánh chim hải âu
Biển hè một lần gặp
Triền miên một kiếp sầu…

Hoàng Xuân Thảo
***
Dịch Thơ: 

Anh Ngữ:

You, the girl inside the frame of the porch
Me, a flying bird roaming the high seas
One brief seaside encounter in the summer
A deep sorrow in my heart lasting forever.

Pháp Ngữ:

Toi, la jeune dame dedans l'enceinte du porche
Moi, l'oiseau voyageur dessus des grandes vagues
Sur une plage d' été, une rencontre trop brève
Un infini regret en moi le reste de mes jours.

Đặng Vũ Vương
***
Đề Thơ

Áo em mầu tím hoa cà,
Bờ vai nho nhỏ,tay ngà xinh xinh.
Hải âu sao cũng đa tình,
Vì em bay lượn quanh mình nhởn nhơ...

Bát Sách
***
Trước:

Em cho anh một cửa
Nên cũng chẳng lo âu
Chỉ có làm sao gặp
Chờ em không thấy sầu.

Sau:

Em chờ anh trước cửa
Với vẻ mặt lo âu
Chỉ muốn không còn gặp
Nhìn anh với mối sầu.

Phí Minh Tâm
***
Xưa

Hoa cà hồn mở cửa
Vồn vập lũ chim âu
Xa cách làm sao gặp
Biển xanh, biếc nỗi sầu…

Lộc Bắc
***
Bàn tay nâng niu
Những cánh chim yêu
Trông trời mây trắng
Chạnh lòng đìu hiu

Hoàng Tuấn 
***
Thu sang mây cụm đầy trời
Biển xanh, cát trắng, gió cơi áo tà
Giơ tay em đón chim ngà
Mong thư anh gửi mượt mà tình ta

Đồ Cóc
***

Nhớ Ai Mà Đeo Sầu?
Gái đẹp nào bên cửa
Coi năm chú hải âu
Tự do bay lượn sướng
Bỗng nhớ ai đeo sầu???

Lạc Thủy Đỗ Qúy Bái
***
Mến tặng anh Khôi và anh Nhiếp,
Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

1. Thơ năm chữ:
Không ngồi trong tựa cửa,
Em ra nắng vờn âu ( chim hải âu )
Chàng đi bơi thoáng gặp,
Lòng quên hết ưu sầu 

2. Thơ bảy chữ:
Em chẳng ngồi trên thềm tựa cửa,
Lại ra ngoài tắm nắng, vờn âu.
Nghỉ hè chàng đi bơi thoáng gặp,
Lòng hân hoan quên mọi ưu sầu.

Nguyễn Tích Lai
***
Tâm-hồn luôn nhờ mắt làm cửa,
Nhìn em ta thấy nỗi lo âu,
Một lần ra biển gặp nhau,
Chia tay để lại nỗi sầu triền-miên.

Lê Xuân Cảnh
***
Em: Đoan trang trong cửa
Tôi: Phiêu bạc chim âu
Biển hè ngẫu nhiên gặp
Để chia tay cùng sầu...

Hoài Thi
***
Gọi Tình...

Tà dương biển sóng gọi tình

Em bơ vơ đứng tượng hình ngóng ai
Hải âu chia sẻ sầu vây
Mà người v cánh tung bay phương nào?

Kim Oanh
Melbourne 9/2019

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

Nhớ Hoài - Sáng Tác Hoàng Trọng - Lệ Thu


Sáng Tác: Hoàng Trọng
Ca Sĩ: Lệ Thu
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Giấu Tình



Giấu trong tim…chút thương thầm
Để nghe rưng rức hạt mầm đơn phương
Mai về cất giữ nỗi buồn
Ru trong thiên cổ gởi hồn lên mây
Ẩn mình ngày tháng tù đày
Lắng trong sâu thẳm ai hay ai màng
Dám mơ chi chuyện đá vàng
Chút vô ngôn ấy khẽ khàng trong tâm
Thương cho giọt nhớ giọt thầm
Rụng rơi…rơi rụng…bên song cửa buồn
Chiều nay hứng hạt lệ tuôn
Trong tâm thức, thấy cội nguồn uyên nguyên
Vẫn là một đóa thuyền quyên
Nở trong góc khuất cô miên giấc tình

Tuyền Linh


Bên Đó




Bên Đó

Sao mưa lại lạnh trời thu
Khiến người bên đó thương ru bên này
Mưa đêm thấm ướt hồn say
Người bên đó ngó mưa bay thẫn thờ ...

Cao Mỵ Nhân
***
Bên Đó

Thẫn thờ tí tách giọt thu
Bên kia có thấu âm u chốn này.
Một trời kỷ niệm còn say
Cổng trường đăm đắm vàng bay chờ người ....

Mailoc

Tủi Thân Già!




(Hoạ từ bài Tuổi Già của Hồ Đắc Duy)

Tủi Thân Già!

Đông xuân lạnh lẽo cái thân già
Tóc bạc gân xanh lốm đốm da
Chớ cậy sức còn đi chẳng vững
Nào hay lực kiệt bước không xa
Thời gian như bóng câu nhanh quá
Giờ khắc tựa thoi đưa lẹ qua
Chống gậy lên non đà gối mỏi
Chồn chân xuống núi ánh dương tà

Mai Xuân Thanh
Ngày 23 tháng 01 năm 2018

Phương Trời Paris Và Nhạc Cổ Truyền



Nghệ sĩ là người sáng tạo ra nghệ thuật mà nghệ thuật thì bao la vô tận. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực bắt nguồn từ những ý nghĩ và cảm xúc thực, không giả tạo, vay mượn. Người nghệ sĩ không thể đem suy nghĩ hôm nay để luận về tâm cảnh người xưa vì cảm xúc không thật! Nguồn cảm xúc của nghệ sĩ chợt đến và dễ tan biến như sương khói mây bay nhưng sẽ để lại cho đời tác phẩm.

Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Đó là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng với phạm vi 21 tỉnh thành của vùng phía Nam được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca do đại chúng tụ lại để cùng hau đàn hát chia sẻ thú vui tao nhã. Họ diễn tấu có ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu. Âm nhạc dân tộc là tài sản qúy của đất nước, đó là món ăn tinh thần và cần thiết đối với những người sống ở hải ngoại, vì khi rời xa quê hương họ mang theo những kỷ niệm được gắn bó qua câu hò điệu hát. Người Việt đặt chân lên xứ Pháp từ những thế kỷ trước, nhưng vào thập niên 40, 50 và sau năm 1975 của thế kỷ trước đã có một số nghệ sĩ đến Paris trong đó có các nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc tiền chiến nổi tiếng từng vang bóng một thời:


Nhạc sĩ Đan Trường: Trách Người Đi, nhạc sĩ Lương Ngọc Châu: Tiếng Hát Lênh Đênh, nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên:Trăng Mờ Bên Suối, nhạc sĩ Trần Văn Khê: Đi Chơi Chùa Hương, nhạc sĩ Lê Trạch Lựu: Em Tôi. 

Những ca khúc vang bóng sau năm 1954: 

Nhạc sĩ Trịnh Hưng: Lối Về Xóm Nhỏ, nhạc sĩ Xuân Lôi: Nhạt Nắng, nhạc sĩ Mạnh Bích: Thôn Trăng. nhạc sĩ Lam Phương: Chuyến Đò Vĩ Tuyến, Kiếp Nghèo...
Những nhạc sĩ có ca khúc được công chúng ưa chuộng vào thập niên 60, 70 ở Miền Nam : 
Nhạc sĩ Anh Việt Thanh: Vùng Lá Me Bay, nhạc sĩ Xuân Vinh : Chuyện Tình Đã Mất, nhạc sĩ Vũ Thái Hòa :Tự Tình…

Paris còn có một số những nhạc sĩ khác viết những ca khúc hay và giá trị từ trước năm 1975 và sau này nhung tác giả chỉ phổ biến giới hạn trong thân hữu. 

Giới nghệ sĩ đờn ca tài tử và nghệ sĩ sân khấu cải lương đến Pháp không nhiều. Paris dù là thủ đô ánh sáng, cái nôi quy tụ nhiều nền văn hóa của thế giới nhưng đối với ngành sân khấu cải lương Việt Nam vẫn không có một sân khấu nhỏ cải lương vì người Việt ở rải rác khắp nước Pháp! Vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước phải kể đến nhạc sĩ Michel Mỹ là người Pháp có mẹ là người Việt. Là cựu công chức cao cấp của chính phủ Pháp khi hồi hương về Pháp ông mang theo một số đàn cổ nhạc Việt Nam gồm đàn kìm, đàn nhị, đàn tranh và guitare phím lõm…ông là nhạc sĩ đờn ca tài tử nhưng chơi điêu luyện các loại khí cụ này, ông độc tấu đàn kìm những bài Trăng Thu Dạ Khúc, Phụng Hoàng và ca những bài ca cổ rất mùi … Chữ “Tài tử” ở đây không có nghĩa là “không chuyên nghiệp” vì trong số đờn ca tài tử có những người tài nghệ là những bực thầy, họ chơi rất bài bản, những ngón đờn điêu luyện những chữ trong bài ca nhấn độc đáo, tuyệt vời.

Trong những sinh hoạt văn hóa của người Pháp ở Paris thỉnh thoảng nhạc sĩ Michel Mỹ được mời diễn thuyết về đề tài Đông Dương, vào những dịp đó ông thường giới thiệu nhạc dân tộc Việt Nam cho công chúng Pháp thưởng thức. Ông vừa đàn vừa hát những bài Tứ Đại Oán, Dạ Cổ Hoài Lang tiếng hát quyện tiếng đàn khoan nhặt trầm bổng nghe tha thiết buồn bã, thoáng như cả một khung trời quê hương miền Nam được hòa vào âm nhạc, và chắc hẳn trong số ít khách người Việt được mời tham dự buổi sinh hoạt hôm ấy tâm hồn không khỏi bùi ngùi nhớ quê hương!
Ở Paris thuở ấy còn một người đờn ca tài tử khác nữa là nhạc sĩ Trần Văn Khê, tác giả ca khúc tiền chiến: Đi Chơi Chùa Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp năm xưa. Khi sang Pháp du học ông đã sử dụng điêu luyện một số nhạc cụ dân tộc. Trong đại học Sorbonne Paris và nhiều nơi khác giáo sư Trần Văn Khê trong diễn thuyết cũng vừa đàn vừa hát cho sinh viên và công chúng người Pháp. Nhờ sự nghiên cứu tìm tòi một cách hàn lâm của ông đã góp phần quảng bá nhạc dân tộc Việt Nam với nhiều nước trên thế giới, và ông đã đi nhiều nước biểu diễn cho công chúng nhiều dân tộc khác nhau thưởng thức.

(Nữ nghệ sĩ Kim Chung, Kim Xuân)

Sau biến cố năm 1975 nhiều văn nghệ sĩ bỏ nước ra đi trong số đó có những nghệ sĩ cải lương đã từng vang bóng một thời trên sân khấu Miền Nam năm xưa, họ đã đến định cư ở Paris: 
Nữ nghệ sĩ Kim Chung, nữ nghệ sĩ Bích Thuận, nữ nghệ sĩ Mộng Tuyền, nữ nghệ sĩ Tài Lương, nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Liên, nữ nghệ sĩ Hương Lan, nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Mai, nữ nghệ sĩ Bạch Lê, nữ nghệ sĩ Thanh Bạch, nữ nghệ sĩ Kim Chính, nghệ sĩ Thy Mai…

Những nghệ sĩ, từng ca vọng cổ trên sân khấu ở Paris: 
Nữ nghệ sĩ Mỹ Hòa, nữ nghệ sĩ Kim Hoa, nữ nghệ sĩ Kim Anh, nữ nghệ sĩ Ngọc Xuân, nữ nghệ sĩ Hải Yến, nữ nghệ sĩ Trúc Tiên. Riêng Mỹ Hòa trước năm1975 ở Sài Gòn là ca sĩ trong ban tam ca: Ba Con Mèo, và từng đóng một số phim. Ngọc Xuân là ca sĩ, Hải Yến là giáo sư tiến sĩ.

(Nữ nghệ sĩ Bạch Lê)

Những nam Nghệ sĩ Cải Lương đã từng vang bóng một thời trên sân khấu Miền Nam năm xưa đến định cư ở Paris: 
Nghệ sĩ Hữu Phước, nghệ sĩ Thành Được, nghệ sĩ Phương Thanh, nghệ sĩ Dũng Thanh Lâm, nghệ sĩ Hoàng Long, nghệ sĩ Thanh Bạch, nghệ sĩ Chí Tâm, nghệ sĩ Minh Đức, nghệ sĩ Hoàng Minh Phương, nghệ sĩ Hùng Yến, nghệ sĩ Tòng Hiếu. 

Những nghệ sĩ, từng ca vọng cổ trên sân khấu ở Paris: 
Bác sĩ Lai, nghệ sĩ Lý Kim Thành, nghệ sĩ Dương Kỵ…
Những Soạn giả: soạn giả Tây Giang Tử, soạn giả Trần Trung Quân. 
Đàn Kìm:Nhạc sĩ Michel Mỹ, giáo sư Nguyễn Xuân Phong
Đàn Vọng Cổ: Nhạc sĩ Minh Đức, nhạc sĩ Mai Thanh Hùng, nhạc sĩ Văn Được, nhạc sĩ Văn Trực.
Đàn Bầu: nhạc sĩ Xuân Lôi, nhạc sĩ Đoàn Văn Linh, nhạc sĩ Trọng Lễ. 
Đàn Tranh: Giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Phương Oanh , giáo sư Quỳnh Hạnh, giáo sư Nguyễn Thanh Vân, giáo sư Hồ Thụy Trang, bác sĩ Thu Thảo.

(Nghệ sĩ Hữu Phước)

Nếu trong giới đờn ca tài tử ở quê nhà họ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc đờn hát để thưởng thức tài nghệ chớ không phải để kiếm tiền mưu sống, thì những nghệ sĩ cải lương ở Paris vì yêu nghề họ đã bỏ tiền, bỏ thì giờ để tập dượt tuồng cải lương cố xây dựng một sân khấu nghệ thuật phục vụ người đồng hương nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc nhưng ước nguyện đó không thành! Kể từ sau năm 1975 đến nay người Việt dù sinh sống ở khắp nơi hải ngoại nhưng vẫn giữ được một số truyền thống dân tộc, những thế hệ sau vẫn tiếp tục học tiếng Việt và nói tiếng Việt. Những thế hệ sinh ở Pháp hoặc qua Pháp lúc còn bé nếu nói được Tiếng Việt thì đã qúy, hát được tiếng Việt và trình diễn cho những người đồng hương thưởng thức thì càng qúy hơn. Đó là công việc góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc nơi xứ người mà Học giả Phạm Quỳnh ngày trước đã nói: "Truyện Kiều còn thì Tiếng Ta còn, Tiếng Ta còn thì Nước Ta còn ". 


Nghệ sĩ Trúc Tiên thuộc thế hệ tiếp nối qua Pháp tuổi còn quá nhỏ nên ngôn ngữ chính sử dụng hàng ngày trong trường vẫn là Pháp ngữ. Để nói và viết được tiếng Việt thông thạo không phải là điều dễ thế mà Trúc Tiên không những nói còn nói hay nên thường được giao làm MC cho các chương trình văn nghệ đòi hỏi người dẫn chương trình ngoài tài ăn nói, kiến thức rộng còn phải biết biên soạn những đoản văn. Ngoài ra cô còn có năng khiếu hội họa, trình bày bìa sách. Trúc Tiên có giọng hát truyền cảm, chất giọng trời cho mà đờn ca tài tử gọi là giọng ca mùi. Phải chăng trong con người của Trúc Tiên đã có sẵn máu nghệ sĩ nên thích văn nghệ.

Lòng đam mê văn nghệ đã thúc dục cô tìm kiếm, nghiên cứu sách tự học hát để thỏa mãn sự yêu thích của mình, nhưng chất giọng đó lại giúp cô đạt được một số thành quả nhỏ trong lãnh vực văn nghệ trong sinh hoạt cộng đồng. Vì muốn tiến xa hơn trên con đường nghệ thuật cô đã tìm học một số thầy giỏi trong ngành đờn ca tài tử để học luyện thanh. Nhờ năng khiếu văn nghệ bẩm sinh Trúc Tiên lại thấm nhuần thêm nghệ thuật từ các bậc nghệ sĩ tiền bối như nữ nghệ sĩ Bích Thuận, nữ nghệ sĩ Kiều Lệ Mai mặc dù không phải là học trò, các nghệ sĩ tài danh này thường hay đến sân khấu của giáo xứ Việt Nam Paris trình diễn vào những Ngày Văn Hóa và dịp Tết Nguyên Đán.

Những câu hát trầm bổng, luyến láy, nhấn chữ, hay lối diễn xuất từ điệu bộ cách đưa tay lên, hạ tay xuống trong khi hát, đến những chi tiết rung vai, lắc đầu, xê dịch, đổi bước chân…của các bậc nghệ sĩ tiền bối đã được thu vào đôi mắt của cô bé Trúc Tiên. Những hình ảnh đó đã nhập tâm cô bé Trúc Tiên từ bao giờ, nên đến khi Trúc Tiên bước ra sân khấu trình diễn cách ra bộ rất tài tình đầy sáng tạo, có những lúc xuất thần như một nghệ sĩ lâu năm trên sân khấu màn nhung. Nghệ sĩ Trúc Tiên đã phát hành 2 CD nhạc cổ. CD đầu phát hành 2017 mang tên: Trúc Tiên Đàn Ca Tài Tử, gồm 10 bài ca qua các thể điệu: Song Ngâm, Phụng Cầu, Đại Oán, Xàng Xê, Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo Song Cước, Ngũ Đối Hạ. Tiếp theo năm 2018 Trúc Tiên cho phát hành CD Trúc Tiên Đàn Ca Tài Tử có tựa là Thương gồm những bài ca:
Dạ Cổ Hoài Lang, Hòn Vọng Phu, Trọng Thủy Mỵ Châu, Điệu Buồn Phương Nam, Khúc Biệt Ly, Thiếu Phụ Nam Xương, Cung Đàn Nước Mắt, Tiếng Sáo Đêm Trăng, Tình Nghĩa Vợ chồng. 

Đầu tháng 6 năm 2019 Trúc Tiên và các bạn nghệ sĩ cùng thế hệ đã cho trình diễn trên sân khấu Raspail Paris màn: 
Nhạc Kịch Đàn Ca Tài Tử LỤC VÂN TIÊN


Đây là vở nhạc kịch đàn ca tài tử mà nhiều năm qua Trúc Tiên vẫn miệt mài bỏ công sức góp nhặt, biên soạn. "Truyện Lục Vân Tiên là một tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19 và được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889. Đó là một trong những sáng tác có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam. Tác phẩm được dịch giả Abel des Michels chuyển ngữ sang tiếng Pháp với tên gọi Lục Vân Tiên cổ tích truyện - Histoire de Luc Van Tien năm 1899."

Cụ Nguyễn Đình Chiểu là một nhà Nho đã can đảm dám đứng lên chống thực dân Pháp. Cùng thời với những hào kiệt như Huỳnh Mẫn Đạt, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định. Công sứ tỉnh Bến Tre nhiều lần đến nhà thuyết phục dụ dỗ cụ theo Pháp nhưng Cụ luôn luôn quyết liệt từ chối. Mặc dù bị khiếm thị nhưng ý chí vẫn kiên cường.Truyện Lục Vân Tiên là một cuốn tiểu thuyết về luân lý, đề cao tính nghĩa khí của dân Nam Bộ , xây dựng lại đạo làm người với quan niệm văn dĩ tải đạo. Tác giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường đạo nghĩa. 

Đỗ Bình

Displaying DTM #16 | TT TRUMP "CHỈ THỊ" THEO LUẬT TRUY THU TIỀN NGƯỜI BẢO LÃNH CÓ THÂN NHÂN LÃNH TRỢ CẤP!.

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2019

Thơ Tranh: Bóng Và Ta


Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tâm Không



Cửa Thiền thanh thản, dáng sư ông
Vui cảnh huy hoàng của núi sông
Dân tộc âu ca thời thịnh Việt
Giặc thù tan tác buổi bình Mông
Câu thơ ngan ngát non Yên Tử
Nền đạo bồi vun giống Lạc Hồng
Rừng trúc đêm nay xào xạc gió
Một trời lắng đọng giữa tâm không

Nguyễn Kinh Bắc
*Bài thơ nói về vua Trần Nhân Tông. Sau khi đánh thắng quân Nguyên, đã đi tu theo Phật Giáo, lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ngây Ngất Một Mùa Thu


Bầu trời tháng 9 vẫn còn mưa rơi
Nhớ nha em mặc áo tơi kẻo ướt
Nắng lên cũng mất hình hài dải lụa
Chờ anh đưa về kẻo lạnh em ơi !

Mùa heo may gió bấc thổi lại rồi
Chiếc lá xanh đâm chồi thay lá úa
Ta bên nhau xoay lưng làm điểm tựa
Nghe chim reo . Ôi tạo hóa sang mùa!..

Chiều chưa lên đã lãng đãng sương mù
Em khẻ hát mùa Thu xưa xanh lá
Ngoài cánh đồng lực điền đang gặt lúa
Cốm thơm nồng như môi mỏng người yêu…

Tháng 9 về hoa lấp lánh sắc chiều
Má em dòn mỹ miều như hơi thở
Ta ngồi bên nhau lật từng trang vở
Lắng hồn nghe chim hót ở trên cành.

Tháng 9 về hoài niệm mãi xoay quanh
Đong ký ức, đếm cuộc tình đã mất
Em hởi em môi hồng còn ướp mật?
Để anh còn ngây ngất một mùa Thu !..

Dương hồng Thủy
02/09/2019

Kết Tình Bạn Lũ



Kết Tình Bạn Lũ
(Đêm nay trời mưa dữ dội, sáng mai lũ sẽ về)

Ta lênh đênh, các ngươi cũng phiêu lãng
Mây chết đuối cho bọn mình gặp nhau
Giữa mênh mông ra vào cùng sanh tử
Tan hợp - chòng chành giữa cuộc bể dâu.!

Rều rác bọt bèo nhởn nhơ theo lũ
Quây quần bên ta hơn cả tri âm.
Thiện căn gieo tiêu dao đùa hoạn nạn,
Rơm rạ kết bè cứu hộ âm thầm.!

Nhìn lũ kiến chơi vơi đeo sóng nước
Tôm cá băn khoăn động tánh hiếu sinh.
Sóng vô tư lùa gom bèo lữ thứ,
Dạt vào bờ dế dạo khúc bình minh.

Trăng vén mây nhìn thèm toa an lạc
Thấy bọn giang hồ chia sẻ vô tâm.
Chẳng điều kiện như bầy đàn dã thú,
Bèo kiến dế rều cứ thế trầm ngâm.

Muôn thuở vô ngôn cần chi tích sử
Lều bều bát ngát giữa cuộc trầm luân.
Sống với lũ chưa hề nhen cừu hận,
Bởi rơm, rác, người cũng bụi phù vân.


Như Thị (Lê Đăng Mành).
***
Trăng Sáng Nẽo Phù Vân

Mắt trừng cuộc lữ, khói sương đùa bóng mộng
Mây nước muôn trùng, cát bụi hẹn hò nhau.
Vẫn biết dòng đời dập dềnh con sóng,
Nổi chìm từ bao thuở bể nương dâu.

Theo dòng chảy, mắt sầu rưng lệ đá
Nước cuồn si trời đất nộ thanh âm.
Để lở lói sắc màu muôn bến lạ
Hoạn lộ tiêu hoang lạnh bước đêm thầm.

Đời biết mấy rong rêu từ bao thuở
Vẫn bám vào bùn đất để tồn sinh
Và cũng lắm bao kẻ còn du thủ
Sá gì khi sống tạm kiếp vô minh.

Nửa đêm chạnh nghe bước đời luân lạc
Tiếng tru dài loài dã thú vô tâm.
Cơn gió rít não nùng hồn sa mạc,
Lời tự tình chết lặng phút trầm ngâm.

Đã ngàn xưa trót bao dòng lệ sử
Khói sương còn trang điểm bến trầm luân.
Ta vẫn đi giữa sắc màu hoa cỏ,
Đường trăng còn thắp sáng nẽo phù vân.

South Dakota, 29/8/2019.
Mặc Phương Tử

Biến Chứng Của Bịnh Tiểu Đường Và Cách Ngăn Ngừa


Bài viết này chỉ tập trung về những biến chứng của bệnh tiểu đường và cách ngăn ngừa biến chứng. Chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh tiểu đường sẽ được đề cập trong một bài viết khác.


Tiểu đường (tuýp 1 và tuýp 2) có thể gây nên nhiều biến chứng.

Bệnh tiểu đường có thể không có triệu chứng lúc ban đầu nên người bị tiểu đường có thể không biết mình bị biến chứng của tiểu đường.

Phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời có thể ngăn ngừa những tổn hại lâu dài. Phát hiện những biến chứng trễ thường không giúp người bệnh phục hồi những tổn hại.

Vì vậy những người bị tiểu đường cần phải gặp bác sĩ gia đình để khám tổng quát thường xuyên khi bị tiểu đường.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng những cơ quan sau đây

1- Mắt
2- Thận
3- Động mạch của tim
4- Bàn chân của người bị tiểu đường.

1- MẮT


Tiểu đường thường ảnh hưởng võng mạc. Nguyên do chính của bệnh võng mạcdo tiểu đường gây ra là những động mạch của võng mạc không cung cấp đủ máu cho võng mạc nên những động mạch này có thể xuất huyết hay tràn dịch vào trong võng mạc làm ảnh hưởng tới thị giác của người bệnh. Một khi võng mạc đã bị ảnh hưởng, những chữa trị chỉ ngăn ngừa thị giác bị ảnh hưởng xấu hơn, nhưng không phục hồi được phần thị giác đã bị tổn hại. Bác sĩcó thể dùng tia laser bắn vào những mạch máu bị ảnh hưỡng đễ giảm bớt xuất huyết hay tràn dịch.

Tiểu đường cũng có thể gây nên bệnh cườm mắt (cataract) hay bệnh cao nhãn áp (glaucoma)

NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG NÊN KHÁM MẮT MỖI NĂM ĐỄ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH MẮT DO TIỂU ĐƯỜNG GÂY RA. NẾU BỊ XUẤT HUYẾT HAY TRÀN DỊCH VÕNG MẠC CẦN GẶP BÁC SĨ THƯỜNG HƠN.

2- THẬN

Tiểu đường là một trong những nguyên do chính gây nên bệnh suy thận kinh niên. Một nguyên do khác gây nên bệnh suy thận kinh niên là áp huyết cao (hypertension) – mà nhiều người bị tiểu đường thường hay bị.

Người bị tiểu đưòng có thể tới bác sĩ để thử microalbumin trong nước tiểu.

Microalbumin là một loại protein trong cơ thể. Microalbumin cao là một trong những dấu hiệu thận suy sớm nhất. Thử thận bằng máu (eGFR) có thể bình thường trong giai đoạn thận suy ban đầu; eGFR chỉ bất thường khi thận suy tương đối nặng. Bệnh nhân bị microalbumin cao trong nước tiểu dễ bị nhồi máu cơ tim hay đột quỵ.



Người bị tiểu đường có thể ngăn ngừa hay làm bệnh thận phát triển chậm lại bằng cách:


          1. Kiêng ăn và tập thể dục thường xuyên để giữ mức đường thấp
          2. Giữ áp huyết <140/90 hay thấp hơn (khoảng 120/80) nếu bị microalbumin trong nước tiểu

          3. Uống thuốc ACE inhibitor hay Angiotension II inhibitor
          4. Thử microalbumin thường mỗi năm.

3- ĐỘNG MẠCH TIM


Ngoài bị đường cao, bệnh nhân bị tiểu đường thường bị béo phì, cholesterol, triglyceride (một loại mỡ trong máu) cao và áp huyết cao. Bệnh nhân bị tiểu đường dễ bị bệnh tắc nghẹn động mạch do cholesterol tích tụ trong thành động mạch.

Vì vậy, những ngưòi bị tiểu đường dễ bị bệnh tim (nhồi máu cơ tim), đứt mạch máu não và bệnh động mạch ngoại biên (peripheral vascular disease). Triệu chứng của nhồi máu cơ tim: Đau ngực (như bị ai đè, có thể lan tới cổ, hàm dưới, tay trái, đau hơn khi vận động và sẽ bớt đau hơn khi nghỉ mệt), ói mửa, khó thở, vã mồ hôi, tim đập mạnh. Bệnh nhân bị bịnh động mạch ngoại biên thường cảm thấy đau bắp chân (do thiếu máu) khi đi bộ, chạy. Cơn đau sẽ hết khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Trong những trường hợp bệnh động mạch ngoại biên nặng, người bệnh có thể bị đau bắp vế cả khi đã nghỉ vận động.



Để tránh những biến chứng kể trên, người bị tiểu đường có thể:


         1. Không hút thuốc
         2. Kiêng ăn, giảm cânvà tập thể dục thường xuyên để giữ mức đường thấp.
         3. Tránh áp huyết cao (kiêng ăn mặn, bớt uống rượu và tập thể dục +/- uống thuốc áp huyết cao)
         4. Kiêng ăn mỡ +/- uống thuốc nếu mỡ cao
       5. Những người trên 65 tuổi, dưới 65 nhưng bị bệnh nhồi máu cơ tim, đứt mạch máu não hay bệnh động mạch ngoại biên nên uống ASPIRIN để làm loãng máu.

Những người sau đây không nên uống aspirin: phản ứng aspirin, chảy máu do loét bao tử, bị xuất huyết não.

Người bị tiểu đường có thể bị bệnh liệt dương (impotence). Những ngưòi bị bệnh liệt dương nên:

          1. Không hút thuốc.
          2. Kiêng ăn và tập thể dục thường xuyên đễ giữ mức đường thấp.
          3. Tránh uống rượu.
          4. Thuốc như viagra, cialis v.v.

4- BỆNH ẢNH HƯỞNG BÀN CHÂN CỦA BỆNH NHÂN TIỂU ĐƯỜNG.


Người bị tiểu đường có thể bị bệnh thần kinh ngoại biên. Người bị bệnh thần kinh ngoại biên có thể bị tê chân, cảm giác như bị kim chích. Bệnh thần kinh ngoại biên + bệnh động mạch ngoại biên + dễ bị nhiễm trùng làm cho người bị tiểu đường dễ bị loét chân và bị nhiễm trùng. Trường hợp nặng có thể dẫn tới cưa ngón chân, cưa bàn chân (foot amputation) và cưa chân dưới hay trên đầu gối.

Để tránh những biến chứng kể trên, người bị tiểu đưòng có thể:

   . Thực hành những điều nói trong phần 3.
   . Kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện sớm những chỗ loét, chỗ da bị dày, nứt lòng bàn chân do da quá khô hay dầy, móng chân dài. Có thể dùng gương để quan sát lòng bàn chân là nơi rất khó thấy nếu không dùng gương.
   . Năng gặp chuyên viênvề những vấn đề về chân hay bác sĩ.
   Gặp bác sĩ để theo dõi bệnh thần kinh ngoại biên + bệnh động mạch ngoại biên.

Những điều người bị tiểu đường nên làm:

   . Thường xuyên quan sát chân.
   . Nếu da khô, nên dùng kem làm ẩm da (moisturizer).
   . Lau chân khô sau khi tắm, nhất là vùng giữa các ngón chân.
   . Cắt móng chân thẳng và đừng ngắn quá.
   .Tránh mang giày chật, nên mang giày thoải mái cho chân
   . Nếu bị loét hay nhiễm trùng chân, nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Những điều người bị tiểu đường không nên:

   . Hút thuốc
   . Đi chân không
   . Để chân trong nước nóng quá, vì nhiều bệnh nhân tiểu đường không cảm thấy đau khi dẫm lên vật nhọn, bị phỏng hay bị loét lòng bàn chân.

Bác sĩ NCT
Melbourne 08/19