Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2022

Mừng Sinh Nhật Thầy Mai Lộc


Mừng Sinh Nhật Thầy Mai Lộc

( Thầy Mai Lộc - lần thứ 82 ngày 12/3/2022)

Gió giữa xa ngàn tản quyện mây
Hồn quê trở thức dậy tim thầy
Câu vần diễn lại màn khao khát
Kỷ niệm quay về nỗi luyến vây
Bảng nhớ trò thương tình dẫn dạy
Trường yêu bạn mến thảo sum vầy
Nơi miền viễn xứ ngân lời giảng
Hội chuỗi tâm đồng gửi phút giây.

Mai Thắng
220312
***
Họa vận:
Mừng Sinh Nhật Thầy

Quê người ngàn dặm gió vờn mây,
Chạm ngõ tháng ba nhớ đến Thầy.
Sinh nhật tám hai thi tứ bủa,
Tuổi đời bách tuế ước mơ vây.
Lão đương ích tráng luôn như thử,
Hạc phát hồng nhan mãi được vầy.
Viễn xứ hồn quê ai chẳng nhớ...
Mong Thầy vui trọn phút giờ giây !...

Đỗ Chiêu Đức
03-07-2022
***
Sao Quên

Cao sơn xanh biếc quyện chân mây
Thơ thẩn dung dăng mợ với thầy
Cũng đoạn đường xưa tình thể đượm
Trên con dốc cũ cảnh như vây
Lời anh to nhỏ thương luôn đấy
Tiếng bậu ê a nhớ mãi vầy
Tám chục lẻ hai ừ vẫn thế
Sao quên được nhỉ nhắc từng giây.

Thái Huy
3/07/22
***
Mừng Thọ Thầy Mai Lộc

Nắng xuân tỏa sắc rực trời mây
Mừng tuổi tám hai đến với Thầy
Chẳng rượu gieo vần câu thọ gởi
Không quà dụng chữ nghĩa tình vây
Trời tây xứ khách sao vui tụ
Đất tổ quê cha ước họp vầy
Lời chúc ngày sinh nơi cố quận
Mong Thầy sức khỏe mỗi từng giây.

Quên Đi
***
Mừng Thọ 82, Sinh Nhật Thầy Mailoc (12/03/2022)

Vạn trùng hải lý ngút ngàn mây...
Sinh Nhật nào quên chúc thọ Thầy...
Lai láng hồn thơ mưa xối xả...
Tuôn trào mắt lệ gió cuồng vây
Bảng đen trò cũ nay xa vắng
Phấn trắng trường xưa thuở họp vầy
Xứ sở còn vang lời giảng dạy
Quê người chạnh nhớ tưởng từng giây...!

Mai Xuân Thanh
March 07, 2022
***
Bài Mừng Sinh Nhật

Ngang Thi Viên thấy những bè mây

Thả lỏng vầng dương sáng chốn Thầy
Chạnh nhớ một thời quên pháo nổ
Thành thương ngàn thủa ngắm thơ vây
Ngẫm tình xa xứ mừng tin đó
Trọng bạn lưu vong kính lễ vầy
Sinh Nhật Giáo Sư ngày rực rỡ
Mười hai tháng March đẹp từng giây...

Hawthorne 7 - 3 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Chân Dung Nhà Thơ
( Ký họa chân dung anh ML )

Làm thơ dốc núi với am mây
Phong thái ung dung đậm chất Thầy
Tâm trạng dường luôn trầm tĩnh lắng
Nỗi buồn như thể nhẹ nhàng vây
Thâm trầm, chín chắn, không sôi nổi
Điềm tĩnh, an nhiên, chẳng rộn vầy
Bát thập thêm hai còn đẹp lão
Đường đời thanh thản bước từng giây

Phương Hà
( 08/03/2022)
***
Xin được cùng với học trò và các bạn thân chúc Mai Lộc lòng vui suốt năm trong ngày sinh nhật tuổi 82.

Phạm Khắc Trí
03/08/2022
***
Kính Mừng Sinh Nhật Thầy
Thêm một ngày mới..., em kính chúc Thầy luôn hạnh phúc bên người thân yêu, dồi dào sức khỏe và nhiều... thật nhiều niềm vui trong ngày sinh nhật này.

Kính chúc
Kim Phượng

***
Thầy kính mến.
Mừng Sinh Nhật thầy
Em kính chúc thầy luôn dồi dào sức khoẻ và hạnh phúc cùng gia đình thương yêu.

Kính
Em Kim Oanh

Xóm Cũ



Nhiều khi nắng tắt bóng hoàng hôn
Lòng bỗng bâng khuâng nhớ chập chờn
Xóm nhỏ ngày xưa hình ảnh ấy
Ngổn ngang kỷ niệm lấn vào hồn

Thôn xóm điêu tàn bởi chiến tranh 
Dân cư tứ xứ với tình thân 
Thợ rèn thợ mộc chen vai sống 
Biến đổi hoang vu mảnh đất lành 

Những căn nhà lá dọc bờ sông
Nền đất phên tre mặc gió lồng
Nho nhỏ vườn sau, rau mấy liếp
Thanh bình vui sống chỉ cầu mong.

Những buổi trưa hè không gợn mây 
Nắng tuôn xối xả bụi tre gầy 
Túc con gà mái đang bươi đất 
Phơi bụng heo nằm buội chuối cây 

Xao xác tiếng gà vẳng bến sông 
Xuồng ai lặng lẽ nước xuôi dòng 
Võng đưa kẽo kẹt bà ru cháu 
Thôn xóm quanh co vắng lạ lùng.

Chiều buông lặng lẽ gió hây hây 
Xóm dưới xôn xao lẫn tiếng chầy 
Đùa giởn sân đình bao trẻ nhỏ 
Mãi chơi quên hết mẹ la rầy

Cơm chiều khói tỏa mái tranh mờ 
Lãng đãng mây hồng óng ánh tơ 
Ríu rít chim về trong khóm lá
Điu hiu thôn xóm lặng như tờ.

Dòng sông man mác lững lờ trôi
Neo bến thuyền ai sắp tối rồi 
Trìu mến tiếng ru trong mái lá 
Chuông chùa xa vắng cuốn hồn tôi 

Mailoc
(Xóm Rạch Miểu Cao Lãnh Kiến Phong những năm 1954-1960)

Nhớ Một Mùa Hoa

 

Tháng Ba nhè nhẹ đến
Mùa hoa Bưởi lại về
Cây Bưởi sớm ra hoa
Vườn sau hiu hắt ngọn gió cuối Xuân
Thổi về
Một mùa của loài hoa nở trong tim

Mùa hoa ấy
Hoa trắng tinh khôi màu tuổi ngọc
Nụ xanh e ấp áo học trò
Lén nhìn qua bụi trúc thưa
Có chàng thư sinh
Bẽn cửa sổ làm thơ
Trang giấy trắng như mộng
Bình mực tím pha màu
Thơ tình chàng viết cho ai
Mà sao không thấy bướm vàng đem sang

Ngày mai
Chàng sẽ đi xa
Về một miền
Có súng đạn sa trường
Để lại mùa hoa đang nở
Cùng đôi mắt chớm yêu bên bụi trúc vàng
Một vùng mây trắng
Chàng đến
Thênh thang áo mũ
Ba lô nặng tình non nước
Đôi tay ôm mộng giữ sơn hà
Thơ tình không muốn gửi

Vì đời lính chiến
Ai biết ngày về
Có thể một ngày
Hay có thể cả đời người

Con bướm vàng cứ mãi đong đưa
Cây hoa Bưởi lung lay theo gió
Hoa vẫn nở hoa
Một thời để nở
"Mong hoa hãy là hoa mãi
Hãy khoan là trái
Hoa nồng hương
Còn trái có khi nhuốm chua cay"

Chiều nay thấy hoa rụng đầy sân
Hoa cũng biết buồn theo cuộc chia ly
Ra vườn quét xác hoa rơi
Quyét cả nỗi nhớ
Quyét nỗi tương tư đầu đời
Vườn ai cũng đầy sân hoa Bưởi rụng
Hoa rơi gió cuốn
Ta đứng mãi bẽn đời
Nguyện làm người quyét rác hoa

Rồi một ngày
Thư gửi từ mặt trận yên tĩnh
Hẹn ngày về trao nàng bức tình thư
Cây hoa Bưởi tỏa hương bên suối tóc
Hoa vẫn cười cùng cơn gió heo may
Bướm vàng vẫn cứ mãi đong đưa
Nhưng tình nàng
Đã trả lại cho con sông dài

Trách sao con đò không đợi
Cho chàng về kịp sang sông cùng nàng
Trách gì hoa Bưởi rụng đầy vườn
Nụ hoa rơi trong chiều lộng gió
Hoa tàn rồi , cuộc tình tàn theo
Thầm nhớ một mùi hương
Mùi hương Bưởi trên tóc
Từ nỗi nhớ dịu êm
Trong những âm thầm day dứt
Từ một nụ hoa
Khi nở khi tàn
Như một tình đầu không trọn
Như một mùa hoa Bưởi đã qua

3/22
Võ Hương Phố

Cảnh Tiên

 Xướng:

Cảnh Tiên

Ung dung ông sống giữa thiên nhiên
Cảnh đẹp như tiên chẳng muộn phiền
Sân trước hoa khoe đùa cánh bướm
Ao sau cá lội ghẹo chim quyên
Bình minh nắng ấm chan hòa tới
Đêm đến ngàn sao rọi khắp miền
Chung rượu thơm nồng ông khẽ nhấp
Đưa vèo giấc ngủ mộng đào nguyên

Dương Việt-Chỉnh
***
Họa: 
Sống Vui Sống Khoẻ

Vui buồn buông xả sống hồn nhiên
Mặc chuyện thế nhân chớ lụy phiền
Sáng thưởng chung trà thơm vị sứ
Chiều nghe khúc nhạc ngọt lời quyên
Văn thơ mặc khách chia toàn cõi
Xướng họa tao nhân kết mọi miền
Thỉnh thoảng cười toe câu chuyện tếu
Ô kìa, bách tuế, vẫn….còn nguyên!

Phương Hoa
MAR 7th 2022


Sài Gòn Khúc Mưa Chiều - Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh - Trình Bày: Quốc Duy


Sáng Tác: Nguyễn Thanh Cảnh 
Trình Bày: Quốc Duy


Em Là Cả Mùa Xuân


Da em trắng nét mặt tròn duyên dáng
Má em hồng ôm nắng sớm đầu xuân
Đôi mắt huyền mơ là cả một dòng sông
Anh đắm đuối ươm nụ tình trong đó
Em thẹn thùng hiền ngoan luôn mắc cỡ
Chưa bao giờ anh dám bỡn em đâu
Bàn tay em tháp bút ...sợ em đau
Anh chưa dám nắm ngại em chê thô bạo
 KhanhNét trinh nguyên… còn nguyên trên ngực áo
Gió xuân về mơn trớn hộ dùm anh ...
Con đường đi chiều ý cả đôi mình
Hoa bẽn lẽn nhìn em như xấu hổ
Cả bầu trời Xuân đang cần bày tỏ
Cả bầu trời khoe nét vẽ giai nhân .
Cảm ơn Em, Em Là Cả Mùa XUÂN .


Thư  Khanh
Bên Bến Fremont Seattle
( Tặng cháu Long và Tera )


Tuổi Mộng Mơ(tr.)


Xin gởi tới những cô bé mới lớn. Tôi xin chúc các cô có những giấc mộng tuyệt vời làm hành trang mang theo vào đời. Tôi xin chúc các cô có những kỷ niệm tuyệt vời, bởi vì một ngày nào đó, các cô sẽ lớn. Tôi ước mong những giấc mộng tuyệt vời, những kỷ niệm tuyệt vời … trong trắng sẽ là những điểm tựa vững chắc giúp các cô bước qua tất cả mọi khó nhọc trong đời.

Đông bước vội vào hàng hiên của tiệm thuốc tây gần đó, có vài hạt mưa nặng đã rơi xuống từ bầu trời xám xịt. Nàng lo âu nhìn lên thấy mây đen cuồn cuộn tới, trời tối thật lẹ như những giọt mưa xối xả rơi xuống mái nhà, hàng cây, những con đường,..., tất cả chìm trong cơn mưa lớn đột ngột của Sài Gòn. Bình thường những cơn mưa lớn này Đông thích lắm, đứng ở trong nhà hay ở hành lang trường giờ ra chơi nhìn những hạt mưa bay tứ tung trên vạn vật thật đẹp, nhưng bay giờ không có tâm trí đâu mà thưởng thức vì nàng đương lo. Đông lo đủ thứ, lo cơn mưa sẽ kéo dài làm nàng không về được; mẹ nói con gái không được đi dưới mưa ướt hết quần áo để bọn đàn ông nhìn ngắm. Đông lo sẽ bị bố mẹ mắng vì con gái lớn rồi mà đểnh đoảng mùa mưa mà đi học không nhớ mang áo mưa. Đông lo vì bố sẽ phải lái xe dưới mưa đi tìm con gái, Đông thương bố nhiều lắm.
Những hạt mưa lớn tới mức đập xuống văng thành những hạt nhỏ lên cao cả nửa gang tay. Hai dòng nước chảy ào ạt xuống cống nước lề đường và tiếng mưa át hẳn những tiếng động khác, từ xa những tia chớp ngoằn ngoèo kèm theo tiếng sấm động làm giật mình. Đông thích mưa lắm, nhưng bây giờ nàng không có tâm tư mà thưởng thức chỉ mong bố mau tới sớm vì đằng nào chắc chắn sẽ bị la rồi. Cả nửa tiếng đồng hồ mà mưa chưa ngớt hạt, Đông nghe nóng ruột tới mức có thể khóc được.

Tự dưng cơn mưa dịu lại, dưới những chỗ trú mưa, nhiều người bước vội tiếp tục con đường mình đi, mong sẽ cắt ngắn con đường về nhà thêm một chút nữa. Nhưng ông trời muốn đùa giỡn với họ, mưa nặng hạt trở lại. Tư tưởng Đông bị cắt đứt đột ngột vì một bóng hình quen thuộc đang chạy nhanh tới chỗ nàng trú mưa. Anh ta cúi đầu cố tránh bị ướt thêm. Không thể nào lầm được… chính là anh ta. Dù chưa thấy rõ mặt và chưa bao giờ thấy anh chàng chạy vội vã như hôm nay, nhưng xuyên qua dáng người, tóc tai và bộ quần áo thường mặc, Đông chắc chắn đó là người nàng vẫn thấy gần như hàng ngày bước ngang nhà nàng…tim Đông đập nhanh và mạnh như tiếng mưa rơi.
Đông quên rằng nàng đang mong mưa ngưng rơi, đang mong bố tới đón và lo sẽ bị la rầy; vì ngay bây giờ nàng đang lo cho người con trai kia bị mưa làm ướt lạnh, sẽ bị bịnh. Không biết tự lúc nào Đông bước vài bước về phía đó như thể muốn giúp hắn, làm chút nữa hai người đụng nhau nếu hắn không ngưng kịp. Thấy Đông hơi lảo đảo khi lùi lẹ lại, anh ta giơ tay ra nửa chừng như chờ đỡ. Đông gượng đứng vững, nàng vừa mắc cỡ vừa thấy hơn cả vui mừng — một cảm giác chưa bao giờ được thấy. Hắn rút tay về lên tiếng,
“Xin lỗi cô.”

Chao ơi, mưa sao không còn lạnh, lần đầu Đông mới biết tiếng nói con người mang theo nhiệt độ, sao tiếng nói ấm cúng đến thế; nàng lí nhí bảo rằng không có sao. Phải rồi, đã đêm đâu mà có sao, chỉ có khuôn mặt thấy nóng bừng, tim đập nhanh và người ấm áp.
Hắn quay ra nhìn trời mưa, đưa tay lên xoa bớt nước trên tóc trên mặt. Đông cũng thấy tay mình đưa lên vuốt mái tóc vẫn còn khô, nàng liếc mắt nhìn sợ hắn cười vì cử chỉ bắt chước vô thức. Nhưng Đông thất vọng, khuôn mặt hắn vẫn như hàng ngày — đăm chiêu như đang có điều suy nghĩ; chỉ có cái khác là hắn đang nhìn những giọt mưa rơi quanh thay vì cắm cúi nhìn xuống đất như kiềm tiền đánh mất như mọi khi. Hắn nhìn hạt mưa từ những đám mây đen, từ con đường phía bên kia, và khi hắn nhìn qua bên này thì thấy Đông đang nhìn mình; hắn mở nụ cười.
Chao ơi, mưa làm mềm đất, nụ cười mềm tim, lần đầu Đông mới biết nụ cười con người có thể giống như loại acid nàng học trong lớp, nó có thể làm tan chảy mọi thứ.
Gió bỗng thổi mạnh những hạt mưa về phía hắn làm hắn phải mau lẹ bước về phía Đông để trành, và cùng lúc một tia chớp sáng rực kèm theo tiếng sấm lớn làm nàng giật mình bước mau về phía hắn…tay hai người đụng nhau. Cái đụng nhẹ hều cũng làm Đông lảo đảo suýt ngã nếu nàng không gượng kịp, và hắn lại giơ tay ra nửa chừng như muốn đỡ, lần này hắn cũng xin lỗi, nhưng dài dòng hơn,
“Xin lỗi, cô có sao không?”

Đông lại lí nhí nói không sao. Nhưng lần này có sao thật rồi. Đông biết cánh tay nàng còn nguyên vẹn, không bầm tím, không trầy trụa nhưng cả mấy chục năm sau nàng biết nó vẫn còn nhớ cái đụng chạm này, cả ngay khi nàng đã già, khi nàng đã quên nhiều thứ.
Chao ơi cái đụng chạm mãnh liệt làm nổi hết da gà trên người, làm đôi chân như nhũn ra, làm tim đập thình thịch cả phút sau mới bình thường trở lại.

Trong giây phút ấy Đông không biết gì cả, không biết có một chiếc Honda chạy trên lề đường tới phía nàng. Còn cách vài thước, chiếc còi xe đã vang lên vội vã như muốn đánh thức cô nàng đừng sa vào cạm bẫy. Đông nhìn và bật ra tiếng, “Bố!”. Nàng ngầm trách sao bố nóng ruột thế, mới trễ có một chút mà đã đi tìm, cứ làm như nàng còn con nít.
Người đàn ông đưa cặp mắt nghi ngờ nhìn hai đứa. Người con trai khẽ gật đầu chào ông ta rồi quay mặt ra hướng khác ngắm mưa như không có gì xảy ra. Người con gái liếc nhanh anh ta, tim đã thấy sự tiếc nuối lạ lùng mà cô ta mới nhận thấy lần đầu; cô ta giả giọng vui mừng và thân thiết tới người đàn ông, giọng nói không dấu vẻ nũng nịu và dễ thương,
“Bố có kiếm con lâu không?”
Ông bố gắt trong khi cặp mắt như cú vọ tìm kiếm một cái gì đó bất thường,
“Sao con đi học mà không nhớ mang theo áo mưa? Con gái gì mà đểnh đoảng.”
Ông ta muốn cho người con trai nghe để biết cô ta là con nhà gia giáo được bố mẹ quản thúc nghiêm khắc, và tính tình còn chưa chín chắn, chưa phải là đối tượng để đi xa hơn. Người con trai không dấu được nụ cười nhẹ trên môi và anh ta cố gắng nhìn ra xa hơn nữa.

Anh ta đứng ra xa thêm một chút để người đàn ông bước lên thềm giúp cô gái mặc áo mưa. Người con gái liếc nhìn và nàng thấy xót trong lòng với những hạt mưa rơi trúng vào chân anh, nhưng nàng không dám có động tịnh gì làm dấy thêm sự nghi ngờ của người đàn ông.
Đông không nhớ là mình ngồi quay mặt về phía nào đến khi bố la mới giật mình bước qua bên kia xe, ngồi một bên, hai chân một phía, lưng quay về phía hắn. Chiếc xe vừa lăn bánh, bố Đông đã gào lên,
“Nó là thằng nào thế?”
Đông thấy mắc cỡ quá,giả vờ không nghe rõ, khi chiếc xe ra tới lòng đường nàng mới dám quay đầu nhìn lại và thấy hắn nhìn theo nàng. Hình bóng hắn chìm dần rồi biến mất nhanh chóng dưới làn mưa. Nàng ráng không khóc, trả lời khi bố hỏi lần thứ hai,
“Con đâu biết. Chỉ tình cờ gặp trong lúc trú mưa thôi.”

Ông bố tức câu trả lời lắm, nhưng những giọt mưa át tiếng nói, làm rát mặt, và ông phải chú ý vào con đường, nên ồng ráng nín.
Bà mẹ nhìn thái độ hai bố con biết ngay có chuyện chẳng lành, nhưng thấy vẻ mặt hầm hầm của chồng nên ráng chờ, trái với tính tình hàng ngày của bà, và bà không phải chờ lâu.
“Mình lo cho con ướt tội nghiệp, còn nó thì đứng nói chuyện với trai.”
Ối giời ơi! thế thì lớn chuyện rồi! Bà mẹ và cô chị bàng hoàng chưa biết nói sao thì đã nghe ông bố quát thêm,
“Đi lên gác thay quần áo rồi xuống ăn cơm, tao còn hỏi chuyện.”
Đông tủi thân quá, lần này nàng khóc thật, khóc cho nỗi oan uổng, đã được nói gì đâu mà bố bảo nói chuyện với trai. Hắn chỉ có nói hai câu và nàng chỉ lí nhí, không nhớ rõ là mình muốn nói gì. Thế mà bố bảo nói chuyện với trai! Vừa tức vừa khóc nhưng Đông háo hức lắm, nàng thay quần áo ngay xuống ăn tối để nghe chuyện của mình. Biết đâu có người biết nhiều về hắn ta, nhất là chị Xuân. Vừa thay quần áo Đông vừa nghe ngóng.
Ở dưới nhà mẹ hỏi nhỏ, nhưng vì kích động nên giọng rõ mồm một,
“Đứa nào thế? Chúng nó dám hẹn nhau à? Ở đâu thế ông?”

Ông bố dịu lại, ông nghe con bé thút thít khóc khi lên cầu thang, ông thấy mình hơi vô lý. Con bé này ngoan hiền, chỉ có hơi đểnh đoảng, đây đâu phải lần đầu tiên nó quên áo mưa hay sách vở. Ông cũng chưa nghe ai phong phanh nói nó quen đứa con trai nào. Ông bực vì thấy hai đứa đứng gần rồi tách ra khi thấy ông tới, mà hỏi thì nó trả lời nhấm nhảnh. Thực ra ông không muốn nhận rằng ông bực vì đang đói mà không được ăn, phải thay quần áo đi kiếm nó cả nửa tiếng đồng hồ trong mưa lạnh, trong bụng thì lo cho con. Ông dịu giọng nói với vợ,
“Có biết nó là thằng nào đâu, thấy quen quen. Chúng nó trú mưa ở tiệm thuốc tây ấy.”
“Thằng ấy coi được không? Nó mấy tuổi?”
“Bà này hỏi lạ, ai mà biết, trời mưa tối, ai hơi đâu mà ngắm nó. Lo đón con về cho sớm để lo ăn uống cho xong.”
Được dịp chứng tỏ vợ mình vô lý, ông càng thấy dịu thêm. Bà vợ nhẹ giọng vì muốn biết thêm chi tiết,
“Ai mà không biết, tôi chỉ muốn hỏi ông ước chừng thôi, không lẽ ông không nhìn nó lấy một cái?”
“Trông nó cũng được, cũng có vẻ lễ phép, hình như có đi học, cỡ chừng hai mươi mấy…à mà tôi thấy nó có vẻ quen quen, nhưng không nhớ ra được.”

Đông ngưng thay quần áo, nàng lắng nghe từng tiếng bố nói. Nàng không thấy hài lòng hoàn toàn với những lời nhận xét của bố. Anh ta đâu phải chỉ coi được? Quá đẹp trai, rất lễ phép và học rất giởi nữa là khác. Một người như vậy mà bố nhớ không ra, anh vẫn đi ngang nhà mình gần như mỗi ngày đấy thôi.
Ở dưới nhà tiếng chị Xuân vọng lên,
“Bố có nhớ cái gì lâu đâu mà bảo nó trông quen quen thì chắc bố cũng gặp nó vài lần rồi.”
Bà mẹ gật gù đồng ý,
“Phải đấy, ông với con Đông giống nhau, đểnh đoảng có nhớ được cái gì đâu…”
Nếu không vì đói, sợ rằng đôi co với vợ thì mất ăn; ông bố nhịn nhục, mỉa mai,
“Phải chỉ có tôi và con Đông là đểnh đoảng thôi, hai mẹ con bà tốt lắm.”
Bà vợ cũng không muốn đôi co nhưng vì một lý do khác. Bà muốn biết cái thằng đó là ai để còn có quyết định nên bà đánh trống lảng,
“Thế ông có nhớ nó tóc tai, ăn mặc như thế nào không?”
Ông bố thấy có đường ra bèn ráng nghĩ một chút rồi trả lời,
“Hình như nó mặc cái quần cao bồi xanh, áo vàng, đeo kính cận thì phải.”
Đông cố căng tai ra nghe, nàng không nhớ được hắn mặc cái gì. Nàng nghe chị Xuân reo lên,
“Con biết nó rồi! Nó là cái thằng đi ngang nhà mình mỗi ngày đấy mẹ. Cái thằng mà mình nói là “Lúc nào cũng đánh rơi tiền" đấy.”
Ông bố và bà mẹ đưa cặp mắt nghi ngờ nhìn Xuân; bà mẹ hỏi nhẹ,
“Sao mày lại biết ngay là nó?”
Xuân đỏ mặt, hấp tấp chống chế,
“Thằng đó đáng tuổi em út. Con có để ý gì đâu. Có điều mỗi ngày nó đi ngang đây vào lúc tụi con sắp đi học. Mà nó chỉ có vài bộ quần áo mặc quanh năm; thêm nữa lúc nào mặt cũng cúi gằm xuống đất; thấy mãi cũng phải nhớ thôi.”
Đông nghe mà tức anh ách. Người ta chỉ mặc có vài bộ vì không thích se sua chưng diện, với lại nếu không có tiền thì cũng đâu phải cái tội mà bà Xuân lại miệt thị anh ấy. Còn cái việc cứ cúi đầu thì… đi… phải nhìn đường chứ.
Phía dưới câu chuyện tiếp tục,
“Ờ nếu là nó thì cũng được", bà mẹ dịu giọng; nhưng ông bố không đồng ý,
“Cái gì mà được với không được, nó còn bé, bà muốn chỉ đường cho hưu chạy à…” Rồi thấy câu nói hơi nặng, ông vội chữa cháy, kêu lớn,
“Đông! mày ngủ ở trên ấy à! Có xuống ăn mau không, tao đói lắm rồi.”
Bà vợ nguýt ông một cái, nhưng không nói gì. Đông vội vã dạ một tiếng rõ lớn.

Cả nhà ngồi ăn trong im lặng. Bố và chị Xuân thì đang đói, mẹ thì băn khoăn, còn Đông thì có nhiều câu hỏi mà không dám lên tiếng. Một lát sau, hồn Đông vất vưởng ở ngoài đường nhìn vào mái hiên nhà thuốc tây tìm kiếm, nàng thấy rất tội nghiệp cho hắn, không có người bố như bố của Đông đi tìm kiếm con trong mưa gió…nàng tự hứa nếu có dịp sẽ lo cho hắn nhiều hơn bố lo cho nàng… con mắt nàng mơ mộng không để ý rằng mẹ đang theo dõi từng cử chỉ của mình. Ở ngoài cơn mưa hãy còn nặng hạt, sau hai chén cơm đầy, bố nói một câu vô thưởng vô phạt,
“Mưa lớn quá, may mà tìm thấy được nó.”, rồi tiếp theo một câu nặng hơn không nhắm vào ai,
“Nó là đứa nào?”
Đông giật mình luống cuống,
“Con có biết đâu. Con mới gặp ảnh lần đầu mà bố.”
Thế là chiến tranh lại bắt đầu, một nghi ngờ lớn hiện lên, “Nó lại giở quẻ nữa rồi, hỏi trước mặt thằng kia thì không trả lời, lúc trả lời thì nhấm nhẳng, phải hỏi cho ra mới được.”
“Mới gặp lần đầu mà đứng sát nhau, tới khi thấy tao mới vội lùi ra.”
Đông bắt đầu chảy nước mắt, trong đầu nàng, bố không còn thương con gái nữa rồi, “Bố thật quá quắt, không thấy mà cứ đổ tội bừa cho con gái. Người ta đã có gì đâu, thế mà cứ đổ tội…”
Càng nghĩ nàng càng thấy tức bố, tự thương mình và tự thương cho anh ta không biết khi nào mới về được, cơn mưa lớn dường như không chịu giảm, và nàng khóc thực sự, hai tay che mặt, Đông nức nở, nàng vội đứng lên bỏ chạy lên phòng, bỏ chén cơm đang ăn dang dở…

Cả nhà không ngờ, mọi người nhìn nhau, mẹ và chị Xuân nhìn bố với cặp mắt ác cảm. Người bố thấy tội lỗi mình bị nhân lên nhiều lần, cái cảm giác hối hận và đau xót dâng lên, nhưng là người chủ gia đình, ông phải mạnh mẽ,
“Tao nói thế mà mày giận dỗi à, không có tật tại sao lại giật mình. Mày có xuống đây ăn hết bát cơm không tao bảo.”
Không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng nức nở vọng xuống. Ông bố nhìn và thấy hai cặp mắt kia càng lúc càng không thiện cảm, ông dịu giọng,
“Tao nói có gì sai? Nếu không đúng thì mày phải giải thích chứ tao không đi guốc vào bụng mày.”
Bà mẹ nguýt ông một cái dài rồi đẩy ghế đứng dậy đi lên lầu. Chẳng biết bà to nhỏ những gì, mấy phút sau, hai mẹ con đi xuống. Đông cầm chén ăn dở lên miệng, vừa và cơm vừa nức nở. Ông bố thấy hơi quê, đứng dậy bước ra rót nước trà, rồi đọc báo như không có gì quan trọng. Mẹ và chị Xuân cũng tôn trọng nỗi đau vì bị nghi oan của Đông nên lặng lẽ thu bớt bát chén xuống rồi đi nghỉ. Đông hả dạ vô cùng, nàng cố rặn thêm vài tiếng nữa, và vội miếng cơm cuối rồi thu dọn bát đũa đi rửa.


Cơn mưa đã tạnh từ lúc nào Đông cũng không biết. Đông thấy vui tưởng tượng lúc anh chàng đang bước vội về nhà, không chừng anh ta còn chạy nữa, giờ này thì đói bụng là cái chắc. Chưa lần nào rửa chén mà Đông thấy vui như vậy. Không như mọi lần, nàng từ tốn rửa từng cái một thật sạch. Khi còn hai cái bát cuối Đông chợt nẩy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh, nàng đặt hai cái chén và hai đôi đũa đối diện nhau, rồi nói nhỏ,
“Mời anh ăn.”
Trong Đông một sự rung động kỳ lạ, một cảm giác hạnh phúc ấm áp lạ kỳ. Nàng thộn người ra và rồi giật mình chút nữa đá trúng cái mâm khi nghe tiếng la của mẹ,
“Cái con kia, mày ngủ dưới đó à. Có mấy cái chén đũa mà rửa mãi không xong.”
Đông vội vàng dạ một tiếng rõ lớn, rồi đứng lên thu dọn.

Khi nàng lên gác, chị Xuân đang ngồi học trên bàn, ngẩng đầu nhìn ra vẻ dò xét. Đông làm như không biết, nàng mở cặp lấy sách vở ra ngồi kế bên chị, mở sách bắt đầu học như mọi đêm. Những con chữ nhảy múa trước mắt không chịu vào đầu, Đông lật lẹ những trang vở qua lại mãi mà không tìm thấy cái mình muốn học. Tiếng sột soạt làm chị Xuân không tập trung học được, chị gắt,
“Mày làm cái gì thế! bị điên à.”
Đương nhiên Đông đâu có điên, nàng chỉ có cố gắng tìm hình ảnh anh chàng đó mà không thấy nó trong vở, Đông cười cầu tài với chị,
“Em nhớ là có chép bài thầy giảng bữa trước vào quyển vở này rồi mà tìm mãi không thấy. Chị có thấy cuốn vở xanh của em không?”
“Tao không thấy, mày đi học kiểu gì mà bài vở chép ở đâu cũng không biết, hay là…”
Thấy chị cắn câu Đông mừng quá, giả bộ giận lẫy,
“Chị lại giống bố rồi, cứ đổ tội oan cho em.”
“Ấy tao có nói gì đến thằng ấy đâu mà mày cãi ngay như thế…”
Rồi chợt như thấy có gì tức cười, chị Xuân hức lên một tiếng, hỏi,
“...có phải nó là thằng “kiếm tiền đánh rớt" không?”

Bình thường ở nhà và cả Đông gọi anh chàng như vậy, nhưng tự nhiên bây giờ Đông thấy khó chịu, nàng chống chế,
“Đâu có phải vậy đâu, anh ấy…”
Nếu không phải chị Xuân chắc Đông đã lớn tiếng, nhưng nàng cũng nhanh chóng nhận ra cái sai; trước khi chị Xuân chen vào, nàng chữa khéo,
“...người ta ưa suy nghĩ mà.”
Đúng thế! Tại sao lâu nay nàng không nghĩ ra, người ta dễ thương như vậy, chắc chắn là người sống nội tâm. Và nàng reo nhỏ vui mừng, “Đúng rồi, anh ấy tên là Thi! Anh Thi ưa nhìn xuống đất vì anh đang tìm vần thơ nên không thèm nhìn cái gì khác.”
Sự khám phá to lớn và quan trọng đó làm Đông không để ý tới khi chị Xuân nhắc lại,
“Mày bảo anh nào??? Coi chừng đấy, tao mách bố mẹ là mày ốm đòn.”
Đông lại chống chế,
“Em có nói gì sai đâu, người ta lớn tuổi hơn thì mình lịch sự gọi thế thôi.”
Phải đấy bố mẹ và chị Xuân đã không từng dậy Đông phải lịch sự sao, “Người ta…anh Thi lớn tuổi hơn Đông mà.” Chị Xuân chì chiết,
“Thế mà mọi lần tao nghe mày kêu, “Thằng cha mất tiền"?”
Đông cười giả lả, nàng thấy vui vì câu nói chì chiết của chị Xuân, nàng vui dù giọng nói của chị Xuân không có gì là thân thiện cho mấy. Cái gì nàng cũng làm nàng thấy vui, Đông chẳng hiểu tại sao cả,
“Thì bây giờ em lớn rồi, phải lịch sự, đàng hoàng hơn chứ, chị dậy em như vậy mà.”

Chị Xuân lườm nàng một cái rồi quay lại với đống bài vở. Xuân không dám làm rộn nữa, nhưng chỉ ngồi một lát là nàng lại đứng lên lại cái giá, lấy chiếc áo dài lên ngắm nghía tay áo, chỗ “anh Thi" đụng vào hồi chiều. Nàng bóp nhẹ vào đấy và nghe một rung chạm dù không mãnh liệt như lúc đó nhưng cũng đủ làm nổi vài cái gai trên da. Nàng thay áo, rồi lấy cái gương nhỏ chiếu vào đó rồi cười một mình.
Chị Xuân thấy nàng lâu chưa trở lại bàn học, ngẩng lên nhìn thấy Đông làm vậy, ngạc nhiên bảo,
“Mày làm cái gì ấy con khùng, không chịu lo học bài rồi đi ngủ.”
Đông trả lời, giọng nàng như tiếng reo vui,
“Hồi chiều em đụng vào cái gai, em chỉ xem lại coi cái áo có bị rách không. May quá không có gì hết.”
Đúng…may quá…không có gì hết…may quá. Và Đông thấy mình cười luôn trong giấc ngủ tuyệt vời.

Dương Vũ

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Đường Tím Bằng Lăng - Sáng Tác: Hoài Yên Trình Bày: Kim Trúc


Sáng Tác: Hoài Yên
Trình Bày: Kim Trúc

Trăng Tàn



Ngồi đây ngắm ánh trăng tàn
Lung linh sóng nước mơ màng tình đau
Xa xa sóng phủ bạc đầu
Có ai gánh bớt nỗi sầu dùm tôi?


Phamphanlang

Có Nhau Là Có Cả mùa Xuân!



Thật lâu không làm thơ thấy thẹn
Với tất cả bè bạn người thân
Xuân đã qua mau cùng cánh én
Mà sao còn bỗng thấy bâng khuâng…

Tuổi cao chồng chất càng thêm nặng
Sáng tối vật vờ kiếp sống hờ
Sống cảnh cô đơn càng cách biệt
Cuộc đời sao cảm thấy bơ vơ…

Người có trở về cho ta nhắn
Bạn bè ta từ phía bên kia
Tết này chúng ta đều chưa gặp
Tâm sự hàn huyên đến nửa khuya

Ta nhớ lắm những lần gặp mặt
Mình ôm nhau tay bắt mặt mừng
Mấy chục năm trời ta cứ tưởng
Có nhau là có cả mùa Xuân…

Dương hồng Thủy
03/03/2022

Đâu Rồi Mùa Xuân Xưa(Lê Kim Hiệp)- Where Is The Spring Of The Old Days(Hương Cau Cao Tân)



Đâu Rồi Mùa Xuân Xưa

Ta tiếp tục bước lần qua lối cũ
Tìm góc trời trú ngụ những " Xuân xưa "
Cũng lắm khi khóe đẵm hạt mưa vừa
Lạnh hồn cô độc giao thừa đầu năm

Còn gì đâu những mùa Xuân đằm thắm
Cả căn phòng chìm đắm tuổi thơ ngây
Ngoài trời xa giá rét đến từng ngày
Mai đâu nở Xuân hoài sai ước hẹn

Thời gian trôi tuổi dần già thêm thẹn
Sức lực tàn sao vẹn nỗi can qua
Thời tiết nghịch thêm buồn đêm phố xá
Tìm được gì lòng dạ ngổn ngang rơi

Em bỏ ta đi biệt mấy khung trời
Không pháo nổ,sao rơi miền sơn cước
Đồng đội xưa rời xa ta lũ lượt
Cõi đời này toàn ngược cảnh " Xuân xưa "

Xuân lai sinh hóa kiếp lại là vừa!
Hãy hứa với anh! Em sẽ về qua phố nhỏ!

Lê Kim Hiệp 
20-01-2011
***
Bài Dịch:

Where Is The Spring Of The Old Days

by Lê Kim Hiệp 20 January 2011

I continue pacing carefully through the old walkways
To find the corner sky that houses the “Spring of the old days”
So many times the eyes are soaked with rains that freeze
My solitary soul at the time of New Year’s Eve

There are no longer the times of the warm spring days
Even the room immersed with memories of the naïve age
While in the distant sky coldness are coming in days so constant
Ochna flowers not blooming and Spring is not in with arrangement

Time is passing by along with the feeling of growing self-embarrassment
Exhausted strength cannot endure the fate of severe situations
Adversary climate just saddens the streets’ nights
What can I find when my heart feels like it is falling by

You have left me to go to distant sky so far, far away
As stars are falling in the highlands and no firecrackers for the day
My fellow soldiers in great numbers orderly leave me to go away
so in this life there only left the opposite of “Spring of the old days”

In the coming spring it’s about time to reincarnate, to note
Please promise me that you would come back through the old loving road!

Translated by Hương Cau Cao Tân
on 06 March 2022 in British Columbia, Canada

Bánh Trôi Tàu



(Cảm hứng khi thấy món chè này trong youtube)
 
Hà Nội tháng mười hai cuối năm
Trời lạnh se mình lá khô cong
Ghé vào ăn bánh trôi Tàu nhé
Món quà Hà Nội những ngày Đông.

Anh hãy ngồi xuống bên cạnh em
Cửa hàng chật hẹp càng ấm thêm
Người đi vội vã ngoài kia gió
Trong này mình đợi món ăn quen.

Bánh trôi tàu nóng đi theo mùa
Trời lạnh hanh hao người tìm về
Những món chè cũ hàng quán cũ
Gặp lại nhau dù chẳng hẹn hò..

Thoảng thấy mùi thơm cay của gừng
Nước đường cát trắng với mật ong
Bột nếp dẻo bánh vo viên đẹp
Nhân dừa mè đen, nhân đậu xanh.

Bánh trôi tàu béo ngậy nước dừa
Đậu phộng rang giã dập thơm tho
Vài cọng dừa trắng tinh trên mặt
Bát chè hoàn hảo một bài thơ.

Bài thơ đẹp của một ngày đông
Trời mưa lất phất góp thành vần
Ngọt ngào miếng bánh trôi tàu nóng
Nhớ nhớ thương thương như tình nhân.


Mai này mùa đông trốn mất rồi
Bánh trôi tàu nóng cũng vắng thôi
Có ai mong khi mùa Thu tới
Trời lập đông gió lạnh xuống đời?


Nguyễn Thị Thanh Dương.
* Bánh trôi tàu ( miền bắc) là chè trôi nước miền Nam

Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ 尋隱者不遇 - Giả Đảo (Trung Đường)


(Tặng Lộc Bắc)

Lời phi lộ

Giả Đảo (賈島,779-843), tự Lãng Tiên, hiệu Kiệt Thạch Sơn Nhân, người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh).
Thời trẻ, thi nhiều lần không đỗ, ông đi tu tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long. Ở đấy, ông gặp được Hàn Dũ và nghe lời danh sĩ này hoàn tục.

Sách Tân Đường thư chép:
“ông thi nhiều lần không đỗ, đời Đường Văn Tông (ở ngôi: 826-840), có người gièm pha, bị giáng chức làm Chủ bạ Trường Giang (nay là huyện Bồng Khê, tỉnh Tứ Xuyên). Lúc đó ông đã năm mươi tuổi. Năm sáu mươi hai tuổi, ông được đổi làm Tư thương tham quân ở Phổ Châu (nay là An Nhạc, tỉnh Tứ Xuyên).
Năm 65 tuổi, ông mất ở nơi làm quan, tức Phổ Châu.
Tác phẩm của ông để lại là Trường Giang tập, gồm 10 quyển. Đa phần viết theo thể thơ ngũ ngôn luật thi và ông tỏ ra sở trường về thể loại này.

Nguyên tác Dịch âm

尋隱者不遇 Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ

松下問童子 Tùng hạ vấn đồng tử,
言師採藥去 Ngôn* sư thái dược khứ.
只在此山中 Chỉ tại thử sơn trung,
雲深不知處 Vân thâm bất tri xứ.

Chú Giải

* 言ngôn: (trong câu này là động từ): nói. Ý của toàn hai câu 2 & 3: (đồng tử trả lời rằng) thày tôi đi hái thuốc ở trong núi kia.

Dịch nghĩa

Tìm Ẩn Sĩ Không Gặp

Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
(Tiểu đồng) Nói rằng “thầy đi hái thuốc,
Chỉ ở trong núi này thôi”.
(Nhưng tác giả nghĩ rằng) Mây dày như ri thì biết chỗ nào mà tìm.

Dịch thơ

Tìm Ẩn Sĩ Không Gặp

Gốc thông hỏi tiểu đồng,
Đáp: “thày đi hái thuốc,
Ở núi kia, bên trong.”
Mây dầy không tìm được

Lời bàn 

Bài ngũ ngôn tứ tuyệt, thể phú, cô đọng nhất của Giả Đảo, từ ý tới lời. Ý của nó nằm gọn trong 5 chữ của đầu đề (Tìm ẩn sĩ không gặp). Lời thơ thì gói gém trong 20 chữ rất cô đọng của thể ngũ ngôn tứ tuyệt; Ẩn sĩ hay né tránh nên khó tìm lắm. Ngày nào ông cũng ẩn trong núi mà ngọn núi này luôn luôn phủ mây dầy đặc. Vậy thì hôm nay chả tìm được ông đâu; ngày mai cũng khỏi cần trở lại tìm nữa bởi vì mây trong núi lúc nào cũng dầy như thế thì biết ông ở chỗ nào mà tìm?
Dịch Quân Tả (trong tiểu sử của Giả Đảo) nói không đúng hẳn; Giả Đảo tuy cần cù, tỉ mỷ nhưng rất thực tế, chờ mà vô vọng thì không thèm chờ nữa, để thì giờ làm việc khác.
 
Con Cò
***
Nguyên Tác:          Phiên Âm:
尋隱者不遇- 賈島 Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ - Giả Đảo

松下問童子 Tùng hạ vấn đồng tử
言師採藥去 Ngôn sư thái dược khứ
隻在此山中 Chỉ tại thử sơn trung
雲深不知處 Vân thâm bất tri xứ

Bài thơ này trong sách Ngự Định Toàn Đương Thi Quyển 574 Giả Đảo 御定全唐詩巻574賈島 có tựa Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ 尋隱者不遇 với dị bản là thơ của Tôn Cách Phỏng Dương Tôn Sư 孫革訪羊尊師詩. Sách cho bài thơ cùng tựa và tác giả khác là Dương Tôn Sư:

· Đường Tăng Hoằng Tú Tập - Tống – Lý Cung 唐僧弘秀集-宋-李龏
· Cổ Kim Thi San - Minh - Lý Phàn Long 古今詩刪-明-李攀龍
· Cổ Kim Thiện Tảo Tập - Minh - Thích Chánh Miễn 古今禪藻集-明-釋正勉
· Ngự Tuyển Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御選唐詩-清-聖祖玄燁
Cũng bài thơ này trong sách Ngự Định Toàn Đương Thi Quyển 473 Lý Phùng Cát 御定全唐詩巻473李逢吉 có tựa Phỏng Dương Tôn Sư 訪羊尊師 với dị bản thơ của Giả Đảo 賈島詩. Sách cùng tựa và cho tác giả khác là Giả Đảo:
· Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉
· Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘

Dịch Nghĩa:
Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ Tìm Người Sống Ẩn Không Gặp

Tùng hạ vấn đồng tử     Dưới cây tùng hỏi tiểu đồng
Ngôn sư thái dược khứ Chú nói rằng thầy đã đi hái thuốc.
Chỉ tại thử sơn trung    Chỉ ở trong núi này thôi
Vân thâm bất tri xứ      Nhưng mây dày đặc nên chẳng biết chỗ nào.

Dịch Thơ:
Tìm Người Sống Ẩn Không Gặp

Dưới thông hỏi tiểu đồng.
Thầy hái thuốc đàng trong,
Trên núi không đâu khác,
Mây đen khó thấy ông.

Trong truyện Kiều, Thúy Kiều có hẹn sẽ lập am rước ni sư Giác Duyên về tu. Nhưng sau khi về với gia đình, Thúy Kiều cho người trở lại tìm Giác Duyên thì bà không còn ở đó nữa. Thi hào Nguyễn Du đã khéo léo vận dụng câu trả lời của tiểu đồng trong bài Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ của Giả Đảo để giải thích sự vắng mặt của Giác Duyên:

Sư đà hái thuốc phương xa, (câu 3231)
Mây bay, hạc lánh, biết là tìm đâu (câu 3232)

Search Recluse Person Not Meet

Under the pine tree, I asked your boy pupil
He said: My master has gone to gather medicinal herbs
He stayed only in this mountain
But the clouds are too deep to know his whereabout.

A Note Left For An Absent Ecluse by Jia Dao
Translation by Witter Bynner

When I questioned your pupil, under a pine-tree,
"My teacher," he answered, " went for herbs,
But toward which corner of the mountain,
How can I tell, through all these clouds ?"

A Note to a Recluse I Missed Out on Seeing by Jia Dao
Translation by Betty Tseng

Under pine trees I asked a pupil of your whereabouts,
Who mentioned his master has gone to gather herbs.
Somewhere in the mountain you were for certain,
Uncertain was where, among the deep cloud cover, you were.

Phí Minh Tâm
***
Cuối năm ÔC hứa viết bài tặng toàn thể thành viên thay vì lời chúc Năm Mới; đọc mãi chả thấy tên mình đâu, cũng buồn. Đến bài chót mới thấy Thầy ưu ái tặng riêng cho một bài, cũng bõ công cho mấy năm vác ngà! Xin cám ơn.

Tìm Người Sống Ẩn Không Gặp

1/
Dưới thông dò trẻ nhỏ
Thưa: hái thuốc đâu đó
Chỉ ở nơi đồi kia
Mây vần che mất ngõ!

2/
Dưới thông con trẻ hỏi thăm
Thưa rằng sư phụ đương tầm cỏ cây
Chỉ trên phía núi trước này
Hôm nay trời lạnh mây vần dấu che!

Lộc Bắc
***
Tìm Ẩn Giả Không Gặp

Dưới thông hỏi em nhỏ,
Thầy hái thuốc đâu đó,
Chỉ trong núi này thôi,
Mây dầy tìm rất khó.

Bát Sách
***
Tìm Ẩn Sĩ Không Gặp

1/
Gặp bé dưới tùng hỏi,
Thày đi hái thuốc, nói.
Bên trong núi đó thôi,
Mây đặc làm sao tới?

2/
Dưới tùng gặp hỏi han chú nhỏ,
Thưa thày đi tìm nhổ thuốc cây,
Bên trong dẫy núi này đây,
Mây mù dày đặc biết Ngài nơi nao?

Mỹ Ngọc
Feb.28/2022.
***
Hỏi Thăm Ẩn Sĩ Vắng Nhà

Dưới cội tùng, tiểu đồng thưa thốt:
Thầy con đi hái thuốc hồi lâu
Mịt mùng núi thẳm rừng sâu
Mây ngàn hạc nội biết đâu mà tìm

Yên Nhiên
***
Tìm Bạn

Then cài, cửa đóng im lìm
Lên tiếng gọi bạn vang chìm không gian
Tiếc công đường xá gian nan
Hỏi người lối xóm bạn giàn rừng sâu

Đồ Cóc

Chuyện Chiếc Cầu Trên Sông Mỹ Thuận


Đã lâu lắm tôi không về lại Việt Nam. Nói vậy không có nghĩa là tôi không nhớ quê hay nhớ ít hơn những người đi đi về về từ mấy năm nay. Không, tôi nhớ quê tôi lắm chớ. Tôi nhớ đâu ngay từ khi mới vừa đặt chân xuống ghe trong đêm vượt biển. Nỗi nhớ như những lọn máu nhỏ từ đời kiếp nào vẫn chảy rì rầm trong trái tim héo mỏi. Tôi có quên đâu. Thấp thoáng giữa đám lau lách của trí nhớ bội bạc, quê hương vẫn còn đó, lẻ loi như một bông cúc vàng nở muộn, đẹp đến xót xa. Tôi nhớ quê như một người tình bị phụ rẫy nhớ lời đay nghiến. Dù là một lời đay nghiến. Vậy mà tôi không về. Hay chưa về lại đó một lần. Nghe thì rắc rối như bày đặt. Nhưng mà cuộc đời cũng có suông sẻ gì đâu.

Những năm mười tám, đôi mươi từ tỉnh nhỏ lên Sài Gòn trọ học, cách quê đâu chừng trên trăm cây số là tôi đã bắt đầu thấy nhớ. Lạ vậy đó. Vẫn có những chiều đang lang thang giữa phố, lòng bỗng nhiên chùng xuống khi chợt thấy chân mình lỡ đạp trùng lên mấy lọn nắng cũ vàng hoe. Hay những sớm thức dậy bỗng thấy buồn ngang vì một tiếng xe thổ mộ lăn lóc cóc đều đều như gõ nhịp vào thiên cổ. Có một cái gì trùng lẫn ở đâu đây. Như đã gặp rồi đâu đó, quen quen. Như đã nghe rồi đâu đó, mài mại. Ly hương, người đi xa tưởng là bỏ hình lại ở chốn cũ mà quên rằng bóng cứ lúc thúc theo sau. Nó cặp kè, léo lách, lẩn lút loanh quanh. Cứ như vậy mà dằng co níu kéo. Hết nhớ rồi quên. Hết quên rồi lại nhớ. Riết rồi tôi cứ thả mặc cho dòng đời xốc nổi, bởi gốc vốn từ đất ruộng bốc bụi bay đi thì làm sao chẳng có lúc tấp lại bên đường mà không nhớ xó đất quê !

Vậy đó, suốt mấy năm lang bạt ở Sài Gòn, dẫu người ở phố thị mà lòng vẫn đặc sệt nhà quê. Hở ra là nhớ. Nhớ từ cọng cỏ ướt sương nhớ đi. Nhớ từ bụi lúa trổ đòng đòng nhớ lại. Người tình đầu đời sao tôi quên cái một. Mà khoảnh đất quê nhà sao tôi nhớ hoài. Có lúc tôi thấy thèm về ngồi lại trên bực đá lở bên bờ sông Cái, một buổi trưa hè, lượm đá thảy lia thia trên mặt sóng mà đầu thì thả lông bông như một người vô tích sự. Có lúc tôi muốn được quay lại bãi cỏ xanh cạnh ngôi đền văn miếu cũ, chắp hai tay sau gáy nằm dài ra đó ngó lơ mơ ngủ dật dờ mặc cho cuộc đời xoay trở chung quanh. Cả cái tỉnh nhỏ mà gần như ai nấy đều biết mặt nhau, ở thì rầu muốn chết mà đi xa thì nhớ đến đứt ruột. Nhớ đủ thứ. Kể cả những thứ không đáng nhớ. Nói gì đến thứ không thể nào quên.

Như cái bến phà Mỹ Thuận vậy đó, tôi đã đi qua lần đầu đâu thuở chín mười tuổi rồi cứ nhớ hoài mặc dầu sau này, lớn lên đã qua không biết bao nhiêu là bến đợi khác. Có một cái gì lạ lắm như nối kết tôi, thằng con trai sinh ra và lớn lên ở bên này sông cứ nhìn ngó bên kia sông như chót đỉnh của một giấc mơ phiêu lãng. Có phải con sông lớn mênh mông đó như một ranh giới vô tình đã chẳng giữ những cơn mơ tuổi nhỏ. Hay chính những lượn sóng cuồn cuộn đó đã một thời đẩy đưa hồn tôi phiêu lưu đến những chân trời xa tít. Bằng lý do nào, thì đó vẫn là nơi ưa thích nhất và cũng là nơi tôi nhớ nhiều nhất. Nhất là từ lúc biết mình khó có dịp qua lại nữa.

Những năm mới bỏ xứ ra đi, năm ba hôm là lại chiêm bao thấy về quê cũ. Mà lần nào cũng vậy, cũng thấy mình trễ nãi, về tới bến rồi mà cứ hụt hoài chuyến phà chót qua sông... Thẩn thờ đứng lại đó, nhìn ngó bâng quơ rồi thấy lại y nguyên cái cõi thân quen, y nguyên như khi đời còn thơm thảo. Từng mặt người, lối tắt, đường quanh...

Nghĩ lại cũng lạ. Lội sông lội suối đã đời rồi mà rốt lại chỉ nhớ có khúc sông trắc trở đó thôi. Dĩ nhiên điều đó chắc không ăn nhằm gì với cái vị trí quan trọng của nó trong việc thông thương ở miền tây. Quốc lộ số 4 từ Sài Gòn xuôi nam đến đó là phải khựng lại. Sông rộng mênh mông, tách nguồn từ Tiền giang ở phía bắc chảy nghiêng nghiêng theo hướng tây nam đến đó phát đổ ròng ròng đến sạt bờ lỡ bãi. Thuở ấy, tiền bạc và kỹ thuật chắc còn non yếu quá, người ta chưa đủ sức bắt cầu. Xe đò, xe hàng tới đó là phải đậu lại, sắp hàng dài thậm thượt đợi lượt xuống phà qua sông. Gặp lúc có công-voa nhà binh chiếm ưu tiên là thôi chờ đợi dài người ra. Xe cộ phì phò hục hặc, khách khứa nhốn nháo, mấy chú lơ xe hấp ta hấp tấp xách thùng xuống sông múc nước đổ cho nguội máy, mấy bà mấy cô cũng vội vội vàng vàng chạy tìm mấy chỗ giải thủy cho nhẹ mình, khi thì bờ ruộng lúc lại mấy lùm cây khuất khuất hở hở. Cái hoạt cảnh ồn ào náo nhiệt không có chỗ nào giống được. Lạ lắm. Làm như đó là một nơi người ta rất mong cho mau tới, mà tới rồi lại cứ mong cho mau đi.

Nói vậy mà lỡ có kẹt lại lâu lâu thì cũng chẳng lấy gì làm phiền hà cho lắm. Xe tắt máy, khách bước xuống bãi đậu, vung vai vặn mình vài cái cho dản gân cốt rồi là miệng chắt lưỡi, hoặc lầm thầm rủa xả vài tiếng trong khi chân thì xắn xả nhắm hướng mấy cái quán nước hai bên đường. Mấy chốc, đời vui trở lại. Giữa đồng không rồi bỗng thành ra một buổi chợ đông. Hai bên lộ, người ta che bạt, dựng chòi lợp lá, khá hơn chút gá vài ba tấm tôn, khá hơn chút nữa tụ lại thành một dãy tiệm có cửa nẻo hẵn hòi. Mà điều lều trại hay phố xá cũng đều xập xệ như chỉ để che mưa đụt nắng qua ngày. Ờ mà đúng vậy, có ai mà nghĩ được ghé qua đây rồi ở lại luôn đây. Cái chỗ giữa đường giữa xá !

Hàng hóa thì chưng dọn luông tuồng đến luộm thuộm, đồ khô trộn lộn với đồ tươi, bánh mứt xen kẻ với túi xách giỏ đệm, đồ ăn thức uống tràn ra tới lề đường vậy mà len qua lách lại sao thấy ngồ ngộ y như những cái ngoắc tay khều vai bá cổ. Bởi vậy người qua lại rồi thấy vui tai lạ mắt, Rồi ai nấy cũng thành ra dễ tánh. Vậy đó đời vui biết mấy. Cái chỗ không phân biệt giàu nghèo sang hèn, ai đến rồi cũng phải lội bộ ngang qua. Đã không tránh được thì sao không hả lòng ra mà hưởng. Mà hơn nữa, thực phẩm trần gian thì bày ra ê hề mời đón. Người đi xa lỡ độ đường chưa đói vẫn nghe ruột dạ cồn cào. Cơm nước trái cây bốn mùa, mùa nào thức nấy. Cứ nhìn mấy giỏ mận hồng đào chín mọng là bắt khát nước, mấy giỏ ổi xá-lỵ căng da xanh mướt mà phát thèm. Những xâu mía ghim tươm nước ngọt như đọng sương mai, những trái khóm Bến Lức xẻ năm xẻ bảy rịn mật vàng lườm, những chùm nem Nha Mân treo xum xoe ngả ngớn... Điệu đời hơn nữa, những xâu chim trao trảo quay vàng ngậy chảy mỡ bóng lưỡng chấp chới trong lồng kiếng, quyến rũ còn hơn cao lâu Chợ Lớn. Kế bên, mấy miếng thịt sườn nướng than tại chỗ bốc mùi thơm thấu tới thiên đình. Kề đó, mấy chai bia con cọp sắp hàng dọc ngang như nghinh nghinh thách đố ai mà chịu nỗi. Bởi vậy mà khách giang hồ qua đó thế nào rồi cũng phải có lần ngả bàn nhậu dọc đường. Mà bởi vậy khách đa tình qua đó cũng không thiếu người vướng lại những cuộc tình tứ chiếng. Bà lớn bà nhỏ em gái em nuôi gì không biết chớ chuyện ghen bóng ghen gió vẫn xảy ra hà rằm làm cho cái bến đỗ vốn đã ồn ào lại được thêm phần…ầm ĩ.

Nhưng mà tại sao là Mỹ Thuận mà không là một cái bến khác. Dọc theo miền tây còn bao nhiêu là bến phà. Vàm Cống, Cần Thơ, Rạch Miểu, Chợ Gạo, Cổ Chiên … sao không nhớ. Mà chỉ nhớ rặt có Mỹ Thuận? Hay tại tôi cũng nòi tình như ông cò quận chín trong tuồng cải lương Tuyệt tình ca có bà vợ nhỏ ở Vĩnh Long đã chèo xuồng đưa chồng qua sông Mỹ Thuận, về Mỹ Tho thăm vợ lớn rồi biệt tăm biệt tích luôn mấy chục năm trời. Không, tôi biết cái bến phà đó từ lúc còn rất nhỏ, chưa tới tuổi có một vợ chớ đừng nói tới vợ hai. Kỷ niệm của tôi với cái bến phà đó không dính líu gì hết tới mấy cái chuyện tình duyên tấm mẳn. Nó chỉ dính líu tới cái tuổi nhỏ mà mộng lớn của tôi thôi.

Vốn là quê tôi cách bến phà Mỹ Thuận đâu chừng chín mười cây số gì đó. Con đường nối liền bến nước với tỉnh lỵ chạy qua những thửa ruộng nho nhỏ cắt chia bằng mấy bờ đê lúp xúp, ngang qua vài xóm nhà lá lụp xụp và một hai chiếc cầu xi-măng làm điệu bắt cong cong. Con đường hiền lành thơ mộng một cách quê mùa, cũng chẳng có gì là đặc sắc. Chỉ có điều con đường đó là cái ngõ thoát êm đềm nhất để chạy trốn nhịp sống trì trì nhàm chán của tỉnh nhỏ buồn hiu. Con đường là cái gạch nối ngắn nhất đưa đứa con trai mới lớn từ thực tế vây khốn đến mộng mị phiêu lãng qua trung gian là cái bến phà rộn rịp đầy khách lữ hành xuôi ngược. Lần đầu tiên qua đó một lần năm chín tuổi là bắt mê ngay cái không khí chộn rộn, tất tả, lăng xăng của kẻ đến người đi, của người qua kẻ lại làm như ai nấy đều vội vã lắm. Người ta sốt ruột trông cho mau đến, đến rồi sốt ruột trông cho mau đi, đi hấp ta hấp tấp như chỉ sợ trễ một chuyến qua sông là sẽ trễ luôn cả một cuộc đời. Làm như cuộc sống không chịu ngừng lại một chút, cứ phải là những chuyến lên đường.

Ờ, những chuyến lên đường! Hình ảnh những khách bộ hành lật đật xuống xe, tay xách nách mang kéo nhau đi như chạy qua phà là cái biểu lộ tuyệt diệu nhất cho sức hút của dặm trường thiên lý, của kiểu đời gạo chợ nước sông đã làm tôi mê mẩn suốt một thời mới lớn.

Hình dung trở lại đứa trẻ sinh ra ở một tỉnh nhỏ lần đầu tiên được cha mẹ dẫn cho đi Sài Gòn. Chuyến xe tài nhứt khởi hành đâu khoảng bốn giờ sáng. Trời gần tết đẫm sương. Lòng xe tối mò. Hơi khói xăng xông lên mũi kích thích. Đứa bé cố nhướng mắt thật to để nhìn cho hết con đường mơ trước mặt. Mà có được đâu. Cái ngủ đậu chực hờ trên mí mắt. Tiếng xe chạy ù ù càng ru thêm đến chín muồi. Nó chịu thua. Nhưng mà mới ngủ gà ngủ gật đâu được một chút đã giựt mình nghe tiếng anh lơ la oang oang. Bà con cô bác xuống xe qua đò. Có ăn gì thì xả rác trong xe bà con ơi…Đứa bé giựt mình mở choàng mắt dậy. Ôi thôi đâu mà đèn đuốc sáng trưng. Người qua lại rộn rịp, kêu réo thúc hối kèn cựa tự nhiên như giữa chỗ không người. Đứa bé ngơ ngác tưởng trong chiêm bao. Bở ngỡ, chớp chớp con mắt mấy cái là tỉnh như sáo sậu. Nó khoái chí dòm cái hoạt cảnh mới thấy lần đầu. À thì ra người ta có ngủ như nó đâu. Người ta đi đi lại lại, chạy tới chạy lui, cười giỡn nạnh hẹ nhau suốt đêm suốt ngày. Cái cõi người lớn này lạ thiệt. Đêm hào hứng như vậy cách chỗ nó ở có bao xa, bằng đâu một chớp mắt thôi. Vậy mà ở nhà mới chạng vạng ba má đã bắt nó phải lên giường ngủ một mạch cho tới sáng trưng. Như vậy ở ngoài căn nhà nó ở, ngoài con đường tráng nhựa nó đi tới trường hàng ngày, ngoài ngôi chợ lớn cạnh bờ sông thỉnh thoảng có mấy gánh sơn đông về múa võ bán cao-đơn-hườn-tán, ngoài cái rạp xi-nê chiếu phim cao bồi bắn lộn với mọi da đỏ… còn có cả một thế giới lạ lùng, vui tươi, rộn rịp, chờn vờn một sức sống mãnh liệt, bừng bừng ngay kề bên cái phố nhỏ buồn hiu của nó. Đúng là cả một khám phá kỳ diệu. Xe chạy chậm lại rồi rà rà tìm chỗ đậu. Mọi người lục tục xuống xe. Thằng bé nắm chặt tay mẹ đi những bước như nhảy. Nó cố làm ra vẻ người lớn như để được hòa hết mình vào cái thế giới sôi sùng sục quanh nó. Nó nở mũi hít thật dài một hơi không khí mát lạnh từ ngoài sông thổi tới, thấy như hít luôn cả cái chộn rộn của đoàn người đang vội vã đi bên cạnh, luôn cả cái mùi kỳ lạ pha trộn đủ thứ thập vật trần gian: hơi người, hơi gà vịt treo buộc tòn teng dưới cặp đòn gánh của mấy bà bạn hàng, hơi trái cây vừa mới hái đổ đống trên sạp, hơi nước lèo của mấy xe hủ tiếu thơm phức, hơi xăng nhớt nồng nồng, cả hơi tinh sương của một ngày đang trổi dậy. Trong khi đó đoàn xe chạy chậm chậm cẩn thận từng chiếc một xuống phà theo sự chỉ dẫn của ông “xếp bắc”, miệng ngậm tu-huýt mặt câng câng như tự thấy mình quá sức quan trọng. Mỗi chiếc xe bò lên cầu từ tốn, vừa chạy vừa run run chắc vì lòng cầu nhỏ quá chỉ vừa lọt chí mí. Kề bên một anh lơ chạy lúp xúp tay cầm cục gỗ chặn như để sẵn sàng can thiệp khi xe lỡ trớn. Chiếc cầu sắt lót ván kêu rần rần dưới vòng bánh xe nặng trịch. Xe chạy tới đầu “bông-tông” thì ngừng lại, khục khà khục khặc như vừa thấy nguy hiểm chờn vờn trước mặt. Mà nguy hiểm thật. Ở giữa “bông-tông” là một cái cầu quay hình chữ thập, bề ngang đâu cũng chỉ vừa lọt hai bánh xe, cái nhánh thẳng nối với đường cầu đâu chỉ dài hơn chiều dài chiếc xe đò một chút mà lại đâm thẳng ra dòng sông đang chảy cuồn cuộn. Ngó mà thấy rùng mình. Hèn chi ngay đầu cầu lúc nãy thấy có một tấm bảng đỏ ghi mấy hàng chữ trắng:”Coi chừng thử thắng xe qua phà”. Điệu này không khéo xe chạy tuốt xuống sông như chơi. À thì ra tại vậy người ta bắt bộ hành xuống xe đi bộ, bỏ mặc chiếc xe với ông tài xế thử thời vận. Mà chắc cũng quen rồi vì ông tài xế coi bộ bình tĩnh lắm, miệng ngậm trệch điếu thuốc lá, từ từ rà thắng cho xe rề rề chạy xuống tới mút bửng cầu thì ngừng lại đúng lúc ông kiểm soát khoác hai tay ra dấu ngừng. Tất cả ăn khớp đúng phốc như dứt hết sáu câu mà rơi ngay đúng nhịp song lang. Tức tốc, anh lơ xe chêm ngay hai khúc cây chặn cứng hai bánh xe hết đường nhúc nhích. Rồi đợi đâu sẵn, bốn người phu đứng ngay bốn đầu cầu quay, người kéo người đẩy vận sức xoay bàn cầu quay một phần tư vòng tròn cho đầu mũi xe hướng ngay mũi phà đã hạ bửng đợi sẵn. Chiếc xe rú một hơi dài rồi chồm lên chạy xuống phà. Vậy là xong một chiếc xe. Phà nhỏ chở được có bốn năm xe là đầy một chuyến. Ông tài công ngồi tuốt trên phòng lái ra lệnh dở bửng. Ai đó đánh một tiếng kẻng. Vậy là coi như nội ngoại bất xuất, trên dưới không được lên xuống nữa, hành khách và xe cộ không được chộn rộn chàng ràng nữa. Phà dỡ đõi rồi từ từ lùi ra bến. Trời hưng hửng sáng. Gió bốc theo khói sóng thổi phần phật mấy tấm bạt che hàng trên mui xe. Nước bắn tung toé hai bên thành phà làm ướt nhem mấy dãy băng dành cho hành khách. Mặt trời hà tiện chút ánh sáng vàng cam không soi nổi con sông lớn quẩy sóng đen ngòm. Phà chạy chậm như thong thả lắm hay là tại không có sức nhanh hơn. Máy nổ rì rì đến sốt ruột. Ngồi trên mấy cái băng gỗ có lúc người ta tưởng chừng như đang đứng yên một chỗ nếu không có mấy dề lục bình trôi phăng phăng ngược chiều. Gặp mùa lũ chướng xem chừng phà còn nhàn nhã hơn nữa. Phà qua ngang không nổi, phải thả trôi theo con nước xuống tuốt đuôi cồn rồi mới ì ạch vòng lên phía bờ bên kia. Như vậy mà chắc ăn nếu không phà tròng trành có thể lật ngang như chơi. Vậy mà thằng bé vẫn khoái như thường. Dễ chừng nó còn mong cho lâu tới nữa. Đâu phải lúc nào cũng được đi trên sông một cách nghênh ngang như vậy, ngó mấy chiếc tam bản chèo chống lê thê bị sóng tàu nhồi đờ đẫn mà tội nghiệp. Nó ngửa mặt hứng mấy giọt nước bay trong gió, tóc dựng đứng như bờm ngựa, lòng mơn man một nỗi vui kỳ lạ. Cùng lúc trời lộ hết bình minh. Con sông hiện rõ dần, lớn lao, chói lọi, bất trắc và mê hoặc như một huyền nhiệm. Đứa bé thấy con sông và bến nước lần đầu tiên mà sao có cảm tưởng như sẽ thấy đến hết đời. Tấm lòng nhỏ xíu của nó như đã dành một chỗ rất lớn cho khoảnh sông nước đó. Nó chăm bẩm cái hình ảnh của thiên nhiên cựa mình sống dậy như một khám phá bất ngờ. Và lớn lên một cách đột ngột, từ đó.

Như vậy mà tôi qua phà Mỹ Thuận lần thứ nhất. Tôi trở ngược lại qua phà lần thứ hai ít ngày sau gì đó. Cũng y như lần đầu. Chỉ khác là vào buổi chiều, trời sắp tắt nắng. Bóng đêm chực chờ càng làm con sông, chiếc phà và người ta thêm gấp gáp. Cũng cái vội vã thêm một chút lo lắng. Cũng cái ồn ào nhưng bớt đi một chút náo nhiệt. Nhưng không có vẻ gì là sắp ngừng nghỉ. Sông nước có thôi chảy đâu. Và người ta cũng đâu có hết lên đường. Ở đó là hình ảnh một dòng sống không có khởi đầu và cũng không có kết thúc.

Có phải tại vậy mà tôi mê cái bến Mỹ Thuận hay không? Tôi đã giữ trong tôi cái hình ảnh qua lại bất tận trên dòng sông bất tuyệt này rất lâu. Mãi đến khi lên trung học, tôi vẫn thường trốn nhà những ngày nghỉ học đạp cái xe đạp cà tàng chín cây số lên đó, đứng ngó ngu ngơ một đỗi rồi đạp xe trở về. Mệt đừ mà lòng lại thấy vui sướng như vừa làm một chuyến đi xa, hồn mê mải với cuộc mộng du giữa ban ngày ban mặt. Không biết có phải tại tôi chịu ảnh hưởng của đứa bé mê nhà ga và xe lửa trong thơ Tế Hanh hay không mà tôi cứ hay làm như nó. “Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt. Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”. Cái hình ảnh đẹp và buồn đến dại người nên tôi mê cái bến phà Mỹ Thuận đến dại dột. Bạn bè trai gái, thân sơ bất kể, ai tôi cũng mời cũng rủ rê cho được. Ở đó tôi huyên thuyên dẩn giải hoặc trầm ngâm tâm sự làm như chỗ đó là giang sơn riêng của tôi vậy. Có người cũng kiên nhẫn ngồi nghe nhưng đa số thì dẩy nẩy đòi về. Nhưng mặc. Rốt lại chỉ còn tôi với cái bến nước của riêng tôi. Nơi vừa có gió sông lồng lộng, có phà trôi rập rình, có đủ thứ quà cáp trần gian và nhất là có những vóc dáng giang hồ qua qua lại lại.

Bến nước là nơi tao ngộ của những tay tứ chiếng, là ngã tư gặp gỡ của trăm họ miền Tây. Cà mau, Rạch Giá, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh… Họ băng ngang thì thôi chớ còn xổ dọc là gặp nhau ở đó. Không hẹn mà gặp. Gặp không chào không hỏi. Gặp một lần trong một đời. Rồi thôi. Rồi mất biệt như chưa từng đã gặp. Dĩ nhiên chắc họ cũng có trở đi trở lại nhưng rồi có ai gặp lại ai đâu. Tôi đã thấy ở đó bao nhiêu là mặt người, bao nhiêu là nhân dáng mà rồi có gặp lại ai bao giờ. Phải vậy không, ở đó giống y như cái cõi đời này mà một ông Tàu xưa đã cảm thán đến rơi nước mắt: “tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất kiến lai giã, niệm thiên địa chi du du, độc thương nhiên nhi lệ hạ”. Đó là một quán trạm bên đường mà mọi người phải ghé qua trong cuộc hành thiên lý dù có muốn hay không. Ghé qua một chút, vui vẻ hay buồn rầu, nhẹ nhàng hay gồng gánh thì cũng phải ghé qua, đi tới đi lui, dòm ngó loanh quanh rồi quay lưng đi mất biệt. Đó chẳng giống cái đường trần thăm thẳm này sao mà khách lữ chính là chúng ta đó. Chúng ta đến rồi đi có ai biết, dòng đời vẫn chảy đến biệt mù cũng chẳng làm sao hay. Thuở ấy tôi đã triết lý vụn như vậy với bạn bè mà không ai chịu nghe. Thì thôi ai có phần nấy.

Vậy mà hay, bởi vì ở đó tôi đã học được bao nhiêu điều của trường đời mà trường học thì không thấy đâu có dạy. Bãi trường năm 67, tôi từ Sài-gòn về quê nghỉ hè, cô bạn con nhà giàu được cha mẹ lo cho đi du học ở Pháp, ngày đi quá bất ngờ cô ta đáp xe đò về tìm tôi từ giã. Không biết lúc ấy lòng buồn đến đâu mà sau khi đưa cô ta qua sông trở lại Sài-gòn, một mình đón phà ngược trở lại, bỗng nhiên tôi khải ngộ được một điều thắc mắc từ thuở mới mê thơ. Đưa người ta không đưa qua sông. Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Trời ơi lần ấy tôi mới thấy hết cái tài hoa của người thi sĩ mệnh bạc. Đưa người, ông không đưa qua sông mà nghe sóng vỗ ở trong lòng. Còn tôi đưa người, tôi lại đưa ngang sông thì sóng vỗ biết cơ man nào mà kể. Con tim dù lớn cách mấy cũng chỉ bằng nắm tay thì chỉ có nước chết đuối thôi. Lần đó tôi tôn ông Thâm Tâm làm sư phụ. Mấy thằng bạn cùng tuổi, tối ngày chúi mủi vào sách vở làm sao hiểu thấu được cái lớn lao u trầm của người thơ. Đời mộng và thực như vậy đó bàng bạc trên từng ngọn sóng, từng khúc quành, từng vết xe lăn, từng chuyến phà ngang trắc trở. Sao không tới đó mà coi, không tới đó mà nghe tiếng đời kêu réo.

Phải rồi còn cái tiếng đời huyễn hoặc này nữa, tiếng độc huyền của ông ăn mày mù ngồi trước hàng ba một tiệm nước. Ông ta ngồi đó tự lúc nào tôi không biết. Chỉ biết khi tôi bắt đầu qua lại thường xuyên thì ông ta đã có ở đó rồi. Ông ta ngồi đó lặng lẽ, nhỏ nhoi, có mà như không có, giống như cây cột đèn bữa cháy bữa không. Sự có mặt của ông có làm bận tâm ai đâu họa chăng là mấy thầy phú-lít. Nhưng mà ông ta mờ nhạt quá nên riết rồi người ta cũng lờ đi coi như một tấm phông cảnh cũ mèm bỏ quên trong một góc hậu trường sau khi gánh hát dọn đi. Ông ta ngồi yên như một khúc gỗ đẽo sần sùi, lưng cong vòng, mặt nghiêng nghiêng, đôi mắt sâu hoắm, hai chân xếp lại, gần như không nhúc nhích. Chỉ có tiếng đàn của ông là bay lượn thảm sầu. Cái giọng ỉ ôi như kêu rêu, như trách cứ mà cam phận, nghe nghèn nghẹn đến tức tưởi. Nó gần như gom hết tất cả cái gì oan nghiệt nhất, cái gì đoạn trường nhất, cái gì tang thương nhất của cuộc đời này lại rồi phát ra một lượt làm chết điếng lòng người. Đàn chỉ có một dây thôi mà đủ hết mùi trường hận. Tôi khám phá ra ông một bữa về ngang trời đổ mưa bất chợt. Mọi người chạy túa vào mấy cái mái hiên tìm chỗ đụt. Vừa tấp vào một quán nước tôi để ý tới người đàn ông mù tức khắc. Có một vẻ gì lạ lắm toát ra trên gương mặt vô tri như trét sáp. Ông ta ngồi đó, lặng lờ như một vệt khói, mặc cơn mưa rào rơi lộp độp, mặc đám phàm nhân lao xao. Ông làm như không hay biết gì hết, ông chỉ biết tiếng đàn của ông thôi. Mấy ngón tay xương xẩu, đen đúa thoăn thoắt bắt nắm sợi dây đàn độc nhất, còn bàn tay trái vặn vẹo cái cần gỗ đã lên nước bóng ngời. Tôi không biết ông đàn bản gì chỉ nghe được cái não nuột của âm thanh như từng mũi kim chích thẳng vào da thịt mình đến nhức buốt. Tiếng đàn thoát đi bay lượn lẹo trong không khí ẩm đục nghe như tiếng khóc từ cõi âm vọng lại, kêu réo, van nài làm tôi rùng mình muốn phát lãnh. Nó bay ra xa, uốn éo rồi vòng lại, oằn oại. Nó vút lên cao, lanh lảnh rồi chùi xuống thấp, rụng rời. Người ăn mày mù vẫn say mê đàn như không biết cái tiếng đàn ma quái đang truyền nhiễm về đời bóng tối của u minh, dẫn đường cho những hồn oan kéo nhau về lướt thướt. Một lúc mưa bỗng tạnh. Mọi người lục tục bỏ đi. Có bà nhón vài đồng bạc cắc bỏ nhẹ vào cái hộp thiếc đặt trên góc chiếu. Còn đa số thì chắc quá vội đi mà không kể gì đến tiếng đàn bỏ lại. Còn tôi sao tôi bỗng nhiên thấy đi không nỡ. Sao tôi có cảm giác như thiên hạ quá vô lễ với nghệ nhân. Người ăn xin mù đó đúng là một nghệ nhân. Con người đó, tiếng đàn đó sao tôi thấy tài hoa đến tột vời. Mù đã là một thiệt thòi. Mù mà tài hoa thì đúng là tội nghiệt. Có phải ông mù đã gởi tâm sự mình trong tiếng đàn tận tuyệt đó không? Tôi quay vào quán, gọi một ly cà-phê bảo người hầu bàn đem ra cho người ăn xin rồi đến ngồi trong một góc nhìn ra. Suốt buổi chiều, tôi ngồi nghe lóm hết khúc này đến khúc khác, lòng cứ thắc thỏm từng hồi theo mấy cung bạc mệnh. Mà thật ra tôi có biết bài bản nào đâu. Thuở đó đối với tôi, những kim tiền bản, khốc hoàng thiên hay gì gì nữa cũng là quê mùa hết. Tôi chỉ khoái rum-ba với lại xì-lô. Đã nói tôi còn dại dột lắm mà. Vậy mà buổi chiều đó tôi ngồi im như chết trong góc quán, hồn mỏi mê như bị ma ám, lần đầu tiên khám phá ra cây độc huyền quái đản. Tại sao có loại đàn kỳ dị như vậy. Và tuyệt diệu như vậy. Còn người mù đó nữa, có phải chính cặp mắt đục lờ đó mới nhìn thấu được tới vô thanh để biến ngũ cung thành trăm bài kinh khổ? Đã có lúc tôi tưởng chừng ông ta biến đi đâu mất tiêu mà chỉ còn tiếng đàn ở đó thay ông kêu khóc. Hay có thể nói ông ta và đàn như nhập làm một. Làm sao có sự hóa thân kỳ diệu đó nếu không là một bậc dị nhân. Có lúc thần trí tôi mê hoang tưởng như Sư Khoáng đội mồ trở về vác đàn đi tìm bạn tri âm… Rồi tiếng đàn dứt. Tôi giựt mình thấy mình ngồi ủ rũ. Trời ngoài kia đã chạng vạng, bến phà cũng thưa bớt người qua.

Bữa đó khi ra về tôi đã dốc hết tiền còn lại trong túi cho ông ta rồi nhảy lên đeo xe hàng có giang về chợ.

Đấy cái bến Mỹ Thuận nó hỗn mang như vậy đó, nó tập trung tất cả mọi hạng người từ cùng căn mạt kiếp tới những tay đâm thuê chém mướn, coi trời bằng vung, trước ngực thì xăm “ hận kẻ bạc tình” sau lưng thì xăm “thù người hại bạn” đến người cuồng sĩ tối ngày cứ đón phà từ bờ này qua bờ kia như để đón đợi một người nào đó chưa bao giờ gặp mặt mà hể mở miệng ra là cứ “liên hoành” với “hợp tung”. Tôi đã thấy có ông tự chặt ngón tay thề thôi cờ bạc, có ông cầm dao đòi rạch bụng khi người yêu đòi “tách bến sang ngang”, có ông dẫn cô nhân tình bụng mang dạ chửa đâu từ dưới quê lên tới đó rồi... quất ngựa truy phong bỏ cô ngồi khóc bù lu bù loa bên bờ sông định mạng. Tôi đã thấy những anh lơ xe mở miệng ra là chửi thề thí mạng mà giữ chữ tín còn hơn cả đám anh hùng Lương Sơn Bạc, những em bé bán hàng rong nhỏ như ngón tay út tối ngày chạy theo mấy chuyến xe đò ép nài từng xâu mía ghim để nuôi bà mẹ tật nguyền. Mấy ông già ngồi bán báo mà thông hiểu trời đất không sót một mảy may, bình chuyện đời xưa không thua gì Mao Tôn Cương hay Kim Thánh Thán. Thôi thì đủ thứ cảnh đời mà có học đến già người trong trường lớp cũng không làm sao biết được. Bởi vậy tôi yêu mến Mỹ Thuận như một người tình chung thủy, như một người thầy lão luyện đã dạy tôi bao nhiêu ngón khôn khéo mà cũng không biết bao nhiêu món đoạn trường. Có lúc tôi tự thấy mình giàu có như một tay hào trưởng.

Bởi vậy bỏ đi xa rồi mới thấy mất mát biết bao nhiêu.

Ở đây xa quá lắm lúc nhớ quê, tôi hay làm thơ kể lể. Có khi nhắc tô canh chua tôm nấu với bông sua đũa, nhắc tộ cá lòng tong kho khô rắc chút tiêu thơm, có khi nhớ dĩa cơm sườn ram mặn, nhắc tô hủ tiếu của chú Thoòng có cái bụng to bằng thùng nước lèo, có khi thèm nghe lại một điệu vọng cổ mà hồi trước cứ chê lên chê xuống. Trời ơi bây giờ mà cho tôi chui vào rạp Miếu Quốc Công đeo tòn teng mấy chiếc cột chỗ hạng cá kèo mà coi tuồng cải lương Nửa đời hương phấn chắc là tôi sướng lắm. Nhưng mà sướng hơn nữa nếu được về đứng lại dòm ngó ngu ngơ hai bên bờ sông Mỹ Thuận như ở tuổi mới vào đời.

Vậy đó tôi vẫn nhớ quê như mọi người nhớ quê của họ. Tôi còn nhớ thêm cái bến nước ơn nghĩa của tôi nữa. Nơi mà không ai chịu nhớ tới chỉ bởi cái tội nằm ở giữa một chặng đường. Người ta chỉ nhớ nơi đi và nơi đến. Đâu ai bỏ công đi thương nhớ một trạm dừng. Rồi bây giờ nghe đâu người ta đã bỏ luôn cái bến phà đó nữa. Người ta đã cất cầu treo ở trên dòng sông lớn. Những chuyến phà chắc đã kéo vào ụ hay rã ra đem bán sắt vụn. Hàng quán hai bên bờ chắc cũng phải đóng cửa. Mấy người chủ quán chắc đã đổi nghề khác làm ăn. Con đường đá chạy xuống phà chắc bây giờ bỏ hoang cho cỏ dại mọc lan. Tôi không về nên chỉ tưởng tượng được thôi. Sông kia rày đã nên đồng. Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai. Đêm nghe tiếng ếch bên tai. Giựt mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Đấy ông Tú Xương ngày xưa cảm khái như vậy đó sau khi con sông ở Nam Định quê ông bị Tây tới lấp đi. Nghe mà thấy tội tình. Tôi nghĩ ông chưa nói hết những điều muốn nói. Ông không chỉ nhớ tiếng gọi đò thôi đâu. Chắc chắn ông còn rất nhiều kỷ niệm khác mà ông giữ kín cho riêng mình. Bởi vì nói ra cũng không hết được. Mà lắm khi còn bị bĩu môi là hoài cổ, là không thức thời. Cũng như tôi bây giờ vậy, tôi cứ bị người quen kẻ lạ rầy rà, lắm khi mắng nhiếc khi thấy tôi cứng đầu cứ khư khư giữ riết lấy cho mình những hình ảnh cũ, những thương tiếc này, những ngậm ngùi nọ. Chi mà mệt vậy. Quên phức cái cho được việc. Cuộc đời còn hàng trăm chuyện phải lo, hàng ngàn chuyện phải làm, nhắc làm chi cái chuyện đất nước cũ xì, mốc thếch. Chuyện đời thay ngôi đổi chúa là thường tình, trăm họ có khốn khó thì cũng là vận số thôi. Thì vâng. Nhưng vận số gì mà quái đản. Kẻ quyền thế dư ăn dư mặc thì cứ ngày một phủ phê. Còn bạn bè anh em tôi vốn dĩ nghèo đói ngu dốt thì cứ tiếp tục trần ai khổ lụy. Nếu tin được vào vận số thì cũng phải tin vào một quyền lực thiêng liêng nào đó. Mà hể thiêng liêng thì phải có công bằng. Đằng này chuyện bất công ngang trái cứ xảy ra nhan nhản. Như vậy thì đâu phải là vận số nữa. Mà cái này đúng là chuyện thế gian rồi. Ai đời một dân tộc với đức kiên nhẫn, tánh cần cù, lòng đạm bạc đã đi vào huyền thoại mà mấy mươi năm rồi vẫn không ngóc đầu lên nổi thì thử hỏi có lạ không. Đã không còn giặc giã để đổ thừa, cũng không ai chen vào phá đám. Vậy thì tại sao? Chắc chắn không phải tại đám con đỏ đang chạy gạo từng bữa toát mồ hôi, càng không phải tại đám con ghẻ lang bạt kỳ hồ tứ tán ngoài cõi tạm. Vậy thì tại ai? Hỏi thì cứ hỏi chớ câu trả lời đã sờ sờ ra đó.

Gần đây bè bạn ân cần gởi cho mấy tấm hình chụp chiếc cầu trên sông Mỹ Thuận. Cầu mới tinh, cất theo kiến trúc và kỹ thuật tân kỳ, thoạt nhìn ngất ngưởng chẳng thua gì Kim môn kiều ở Cựu Kim Sơn, chỉ thiếu có một chút sương muối lửng tha lửng thửng là lẫn lộn như chơi. Cũng mấy cột tháp cao treo mấy sợi dây cáp cong cong. Nhìn trong hình chắc không đẹp bằng cảnh thực. Ngoài đó có con sông lớn, có gió lồng lộng, có mặt trời dát vàng buổi sáng, có mặt trăng dát bạc đêm rằm chắc còn đẹp hơn nữa. Ở xa tôi hình dung xe cộ qua lại suông sẻ, khách đi đường khỏi phải lên xe xuống phà lôi thôi. Nghĩ tới nghĩ lui thấy cũng mừng. Mặc dầu trong bụng vẫn có chút nao nao khi biết đã mất rồi nơi chốn cũ. Bến phà xưa không còn nữa thì những vóc dáng xưa chắc cũng đã biệt mù. Chén cơm nóng lỡ đường, giỏ ổi làm quà đường xa, ly nước mía mới ép ngọt lịm, người chủ quán hay kể chuyện Tam quốc mấy buổi trưa ế khách, những cuộc tình xốc nổi, những gặp gỡ bất chợt, người hành khất mù và ngón đàn tận tuyệt… tất cả rồi sẽ được xếp vào loại chuyện cổ tích mà người kể nào cũng bắt đầu bằng hai tiếng “hồi xưa…”. Có thể mấy chi tiết mà tôi vừa nhắc đã mất đâu từ nhiều năm trước. Có thể trong thời buổi gạo châu củi quế người ta phải vội vã hơn trước, ăn uống nhín nhút, nói cười dè sẻn chớ không còn bung thùa như thuở tôi còn đi lại. Có thể cái bến nước đó đã mất phong độ từ lúc mới đổi đời. Nếp tinh thần đã khác thì nếp sống cũng khác theo. Người đi lại ơ thờ thì sông nước cũng chỉ là một cõi bơ vơ có lấy gì làm thân thiết. Nếu bây giờ đường đi phải rẽ qua hướng khác để đắp cao dốc cầu, bỏ lại xóm cũ hắt hiu thì cũng chỉ là nối tiếp một cách hợp lý cái cuộc sống đã bị bỏ quên từ lâu lắm. Bởi vậy mà càng nhìn tấm hình chiếc cầu mới, tôi càng thấy buồn hơn vui. Chiếc cầu được xây cất bằng vốn liếng tiền bạc và kiến thức của người nước ngoài để nối hai bờ con sông trắc trở. Mừng thì có mừng cho việc đi lại đỡ phần vất vả nhưng sao vẫn tiếc cho một nếp đời đã ăn sâu trong lòng của một số không ít người.

Và nhất là cứ tự hỏi, sao còn hàng chục triệu chiếc cầu lỗi nhịp trong lòng người mà không chịu lo bắt lại để mọi tấm lòng người Việt không còn những bờ bến phân chia?

Chính vì những chiếc cầu lỗi nhịp đó mà tới giờ này tôi chưa trở lại được quê nhà.

Cao Vị Khanh

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Lý Bèo Mây - Thơ Đỗ Thị Minh Giang - Nhạc Nguyễn Văn Thơ - Ca Sĩ Bạch Lan


Thơ: Đỗ Thị Minh Giang
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ 
Ca Sĩ: Bạch Lan

Tình Chúa



Dọn mình sống đạo mùa chay
Gặp bao cám dỗ không thay đổi lòng
Nguyện theo ơn Chúa gánh gồng
Vác cây Thánh Giá vun trồng đức tin
Để mừng ngày Chúa Phục Sinh
Con ăn năn tội tôn vinh ơn Ngài
Chúa xưa cầu nguyện đêm dài
Chết trên Thập Tự Hình Hài đớn đau

Tháng ngày vội vã qua mau
Chúa thương xin hãy trước sau giữ gìn
Mối tình Chúa đã thương tình
Chở che con lúc một mình cô đơn
Cuộc đời chân mỏi tay trơn
Chúa ơi nghe tiếng van lơn con khờ
Đưa con qua chốn bụi mờ
Tịnh tâm sốt sắng cậy nhờ Chúa thương

Mùa chay phảng phất trầm hương
Từ trong tình Chúa con nương thân vào
Tình Cha êm ái ngọt ngào
Con sung sướng nhận dạt dào Tình Cha
Mùa chay con trẻ thiết tha
Mong ơn Cứu Rỗi tránh xa tội trần
Mùa chay con sống ân cần
Một mùa thương khó vạn lần tạ ơn

Thế Thôi ( Đỗ Hữu Tài)

Trót Yêu... - Hồn Quê

 

Trót Yêu...

Trót yêu bóng mát quê nhà
Biện Lý thổn thức hương hoa nhẹ nhàng

Kim Phượng

***
Cảm Tác:

Hồn Quê


Từ xa quê vẫn nhớ nhà da diết
Mùi ngọc lan thơm ngát mảnh vườn xưa
Bờ giậu thưa nghiêng ngả mấy cây dừa
Trời xanh ngắt trên tàng cau cao vút
Hàng dâm bụt khoe màu hoa đỏ chót
Mít chín vàng ngây ngất tỏa không gian
Luống rau tươi mơn mởn giọt sương sa
Khế, na, ổi xum xuê bên bờ giếng
Hai đầu hiên có thêm vài chậu kiểng
Giàn mướp non lủng lẳng trái con con
Dạ lý hương thoang thoảng dưới trăng tròn
Đêm sâu thẳm ngắm Hằng Nga yểu điệu
Ôi cảnh tượng quê nhà sao tuyệt diệu!
Hình ảnh xưa thôi thúc kẻ tha phương
Ước bao giờ được thăm lại quê hương
Cho vơi bớt nỗi sầu vương xa xứ.

Chinh Nguyên/H.N.T
USA,Mar.3.2022


Rời Bỏ Chốn Lao Xao

 

Em theo anh đi về phía mặt trời
Ở nơi đó tình mình không chao đảo
Ở nơi đó có mối tình diễm ảo
Thật êm đềm đời nhàn nhã, thanh tao

Em theo anh rời bỏ chốn lao xao
Em theo anh bắt đầu thiên tình sử
Sáng tư duy mình cùng nghe chim hót
Lúc ngồi thiền, lúc nhẩy nhót vui ghê
Sống tỉnh thức hai ta cùng tập nhé
Chánh niệm từng giây phút, thương nhau!

Em theo anh, là thật, chẳng ước ao
Quẳng vất hết mình sống đời ẩn dật
Em bỏ hết, vẫy tay chào quá khứ
Bỏ sau lưng dẫu dĩ vãng ngọt ngào!

Em theo anh, gật đầu không ngần ngại
Chuyện ngày mai mình hãy để ngày mai
Em yêu anh chẳng thể nào chối cải
Em yêu anh, tình vững chải, mãi hoài

Thật đó anh, chẳng phải là mơ ước
Sống trong mơ, em sống đã nhiều rồi
Thật đó anh, mình cùng nhau đi nhé
Phía chân trời mình dìu dắt nhau đi

Em theo anh, mình ra ngoài sa mạc
Sống lẻ loi nhưng lại thấy yên bình
Có hai ta và căn nhà trống vắng
Dòng suối hiền róc rách chẩy vây quanh

Em theo anh, mình sống ở rừng già
Sáng sáng ra nghe khỉ kêu vượn hú
Chung quanh ta cổ thụ xanh xanh biếc
Khỉ chuyền cành xốn xáo lúc bình minh

Em theo anh đến bất cứ nơi nào
Ở bên anh nơi nào cũng ngọt ngào
Chỗ đồng quê, vùng núi đồi hùng vĩ
Giấc mơ em thật nhỏ nhoi giản dị
Ấy thế mà… nào có được đâu anh?!...

Quách Như Nguyệt

Huyền Ảo (Hàn Mặc Tử) - Phantasmal (Thomas D. Le)


Huyền Ảo
(Tặng Xuân Diệu ñể ghi lấy một đêm trăng gặp gỡ ở đất Tràng An)

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ

Đang khi màu nhiệm phủ ban ñêm
Có thứ gì rơi giữa khoảng im
Rơi tự thượng tầng không khí xuống
Tiếng vang nhè nhẹ dội vào tim.

Tôi với hồn hoa vẫn nín thinh
Ngấm ngầm trao ñổi những ân tình
Để thêm ấm áp nguồn tơ tưởng
Để bóng trời khuya bớt giật mình.

Từ đầu canh một đến canh tư
Tôi thấy trăng mơ biến hoá như
Hương khói ở đâu ngoài xứ mộng
Cứ là mỗi phút mỗi nên thơ

Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô.

Không gian dầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng
Mỗi ảnh mỗi hình thêm phiếu diễu
Nàng xa xôi quá nói nghe chăng ?

Hàn Mặc Tử
***
Phantasmal


(To Xuân Diệu to remember that moonlight night encounter at Trang An.)

Shy is the moon barely at puberty,
Yet has the sweet fragrance of a nun's love.
Light-headed wind takes on the colors of
Light. The flowers and I are touched slightly.
Enveloped in the magic veil of night
Something falls down in the hushed space
From up above its stratospheric height
Its faint echo bounces with my heart's pace.
The flower's soul and I still hold our tongue;
In secret we exchanged our love vows young
To warm up our wellsprings of words
And to calm the deep dark night's nerves.
From the first watch to the fourth watch
I saw the moon dimming as though
Fragrant smoke from the land of dream
Weaves lovely verse each moment slow.
Moonlight cannot hide, for it's filmy so,
The face of the lake and its pale wanness,
The gloominess of the weeping willow,
And the supplications of nothingness.
All of space is filled with moonbeams.
I am the moon, and she is the moon too.
Each image is disembodied, meseems;
She's far away, I wonder she can hear me too.

Translated by Thomas D. Le
12 April 2008

Tháng Giêng Ơi



Tháng Giêng ơi, êm như cỏ non
Ngọt mềm như một cánh môi hôn
Em nằm trên cỏ nghe từ nắng
Anh với đất trời chung một ôm

Tháng Giêng ơi, thơm ngát da trầm
Hương đẫm nguyên sơ tự vai trần
Em mang dấu ấn trong lồng ngực
Gọi một tên người một hồng ân

Tháng Giêng ơi, nặng quá ơn đời
Yêu từ giọt sữa thuở nằm nôi
Mùa xuân từ độ vòng tay xiết
Trừ tịch em sang nguyên đán người

Tháng Giêng ơi, sáng một bình minh
Của năm, của tháng, của riêng mình
Nồng nàn hơi đất thơm từ rượu
Say bởi môi người mật hiển linh

Tháng Giêng ơi, dịu như sắc xuân
Khi con chim sẻ gọi tình quân
Trái tim cũng gọi người khe khẽ
Dạ , cũng êm như ở cạnh, gần!

Tháng Giêng ơi, lành như điều răn
Thèm nghe tiếng vọng một lời, ngoan!
Có anh bên cạnh thì ... em cắn
Để lại trong lòng mấy vết răng

Lương Mỹ Trang

Khóa 11 Đốc Sự, Niềm Nhớ Khôn Nguôi

 
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
10 Trần Quốc Toản - Quận 3 - Đô Thành Sài Gòn

(Hồi ức tâm tinh của Nguyên Trần)

Viết về những chuyện đời xưa cách nay hơn nửa thế kỷ cộng thêm cái trí nhớ có hơi hẹp bề khổ của một ông già quá xa cái tuổi bảy bó nên lẽ dĩ nhiên không thể tránh được sơ xuất. Chỉ xin quý bạn qua tình đồng môn gắn bó thiêng liêng mà đánh cho hai chữ đại xá. Thiện tai! Thiện tai!

Ngược dòng lịch sử, 53 năm về trước vào sáng ngày thứ Tư 10 tháng 7 năm 1963 tại thủ đô Sài Gòn của nước Việt Nam Cộng Hòa, từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, lối 4.000 sĩ tử nam nữ từ khắp mọi miền đầt nước đã tề tựu tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh tọa lạc trên số 10 đường Trần Quốc Toản Quận 3 Sài Gòn để tranh giành 100 chiếc ghế của khóa ĐS 11 trong một cuộc thi tuyển cam go nhất Việt Nam. Đó phải chăng là hậu quả từ truyền thống ”khoái làm quan” của dân tộc Việt Nam ta.
Cuộc thi kéo dài tới ba ngày gồm các môn: Bình Luận (hệ số 4),
Sử Ký ( hệ số 3), Địa Lý ( hệ số 3), Sinh Ngữ (hệ số 2), Công Dân Giáo Dục (hệ số 2). Sau phần thi viết, các nam sinh viên còn phải thi thể lực tại sân vận động Cộng Hòa.
Về đề thi, bài bình luận nặng ký nhất là đề tài: Bình giảng câu nói Đức Khổng Tử "Kỳ thân chính bất lệnh nhi hành, kỳ thân bất chính tuy lệnh nhi bất tùng" (Câu nầy chắc mấy tên đầu nậu Bắc Bộ Phủ hổng ưa chút nào). Riêng bài Sử Ký thì tựa là: "Những ưu khuyết điểm của chế độ tiền tệ dưới thời Hồ Quý Ly." Còn đề Địa Lý: " Vai trò của nông nghiệp trong công cuộc phát triển nền kinh tế Việt Nam."

Phòng khách Ký Túc xá, từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn tấn Phát, Võ Trung Hải

Sau đó, kết quả được gởi theo hệ thống Bưu Điện đặc biệt tới từng nhà sinh viên trúng tuyển và đáng nói nhất là chi phí di chuyển từ nơi ở của sinh viên đến Sài Gòn được Tòa Hành Chánh sở tại đài thọ. Có thể nói là trong tất cả các trường Đại Học chuyên nghiệp hiện hữu, chắc chỉ có trường Hành Chánh chúng ta là ngon lành như vậy.

Người đỗ đầu khóa là Phan Thế Dinh (đã mất) và người cuối cùng là Hồ văn Cường (Úc Châu). Người lớn tuổi nhất là Trần văn Cảnh (đã mất) sinh năm 1934 và 3 người trẻ tuổi nhất cùng sinh năm 1945 theo thứ tự từ nhỏ tới lớn là người đẹp Nguyễn Thu Thủy (Houston), Đỗ Hữu Ưng (đã mất) và Nguyễn Thanh Phong (Houston). Tổng cộng số sinh viên trúng tuyển khóa ĐS XI là 97 người gồm cả 5 nữ sinh viên mà tôi thường gọi đùa là Ngũ Long Công Chúa. Đó là 5 Người Đẹp: Nguyễn Thu Thủy, Bùi thị Tuyết, Hồ thị Lựu, Trần thị Hồng Hà (mất), Ngô Vũ Bích Diểm (người đẹp nguồn cảm hứng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác nhạc phẩm Diễm Xưa). Tôi được vinh hạnh ngồi ngay sau lưng 5 Nàng nên không dám nhút nhít cục kịch gì hết mặc dù tôi cũng thuộc loại quậy dữ lắm.
Cũng giống như các trường Đại Học khác ở Sài Gòn, nền học vấn của Học Viện đặt trên hình thức các Giáo Sư thuyết giảng để sinh viên nghe và ghi chép. Nếu cần tìm hiểu thêm, sinh viên có thể tham khảo các tài liệu tại thư viện của Học Viện, một kiến trúc lớn nằm phía bên phải.

Thành phần Ban Giảng Huấn khóa ĐS 11 trong suốt ba năm gồm các Giáo Sư tốt nghiệp tại ngoại quốc như Mỹ, Pháp và các Giáo Sư đang dạy tại trường Đại Học Luật Khoa, các Tổng Bộ Trưởng chính phủ như GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông, GS Phó Viện Trưởng Nghiêm Đằng, các GS Trần văn Kiện (Tổng Trưởng Tài Chánh), LS Vương văn Bắc (Tổng Trưởng Ngoại Giao), Nguyễn Duy Xuân(Tổng Trưởng Kinh Tế), Nguyễn Anh Tuấn (Thứ Trưởng Ḅ̀ộ Tài Chánh), Vũ Uyển Văn, Nguyễn Khắc Nhân, Lương Thọ Phát, Nguyễn thị Huệ, Trần văn Đỉnh, Trần Ngọc Phát, Nguyễn Như Cương, Trần văn Binh, Nguyễn Ngọc Huy, Bùi Quang Khánh, Lê văn Thận, Trần Quang Minh….

Khóa 11 trước Ký Túc Xá
(Hàng thứ nhất từ trái: Vũ Tiến Đạt, Nguyễn văn Cường, Nguyễn văn Phúc (Mất), Nguyễn văn Cao (Mất).
Hàng thứ nhì từ trái: Phạm Kim Rương (Mất), Nguyễn Phú Hùng, Nguyễn Hữu Thông, Nguyễn Quý Thành, Đinh Ngọc Bảo)

Tất cả quý vị giáo sư nêu trên đều đáng tôn kính vinh danh qua khả năng đức độ nhất là với tinh thần tôn sư trọng đạo của nền văn hóa truyền thống Việt Nam đã ăn sâu trong tâm tưởng của sinh viên. Xin ghi ra đây vài kỷ niệm nho nhỏ về lời giảng của một số vị mà tôi còn nhớ.

- GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông giảng dạy môn Luật Hiến Pháp là nền tảng các quốc gia thương tôn pháp luật. Với giọng nói trâm ấm, mạch văn lưu loát, nôi dung sâu sắc , GS Viện Trưởng đã thu hút sự chú ý say mể của tất cả sinh viên môn đệ. - Giáo sư Vũ Uyển Văn (thân phụ nam ca sĩ Công Thành Lynn) diễn giảng môn Hành Chánh Nhập Môn thường luôn nhắc tới Mr. Simon. Nghe mãi rồi cứ mỗi lần Thầy xướng tên Mr. Simon là có một số bạn bụm miệng cười lén. Giáo sư gởi ông con Vũ Công Thành (cựu học sinh Taberd chung lớp với Elvis Phương) sang Úc du học, sau bốn năm miệt mài đèn sách, Thành vinh quy bái tổ với mảnh bằng MC (hướng dẫn chương trình) và cô đầm tóc vàng Lynn.

- GS Nguyễn Như Cương giảng môn Kinh Tế Đại Cương thì thích nói thuyết kinh tế vĩ mô (macroeconomics) của Keynes.

- Giáo sư Nguyễn thị Huệ dạy môn Xã Hội Học với những danh từ lạ tai như tự tử biến tắc (norm suicide), nhóm thiếu nhi phạm pháp (delinquency ), du đảng (hooligan) ... Chữ hooligan sau này báo chí thường dùng để chỉ đám English soccer fans quá khích. - Giáo sư Vương văn Bắc (trước khi làm Tổng trưởng Ngoại giao) giảng dạy Chính Trị Học với nụ cười nửa miệng khinh đời. Tài ba quá rồi thì arrogant là chuyện thường tình mà thôi. - Giáo sư Trần văn Đỉnh dạy môn Soạn Thảo Công Văn để các quan huyện tương lai tha hồ mà tập dượt viết các văn thư, thông cáo, nghị định, quyết định...phổ biến tới bàn dân thiên hạ. - Giáo sư Trần văn Binh dạy môn Kế Toán thì luôn luôn truyền kinh nghiệm cho môn sinh kỹ thuật “đo đá" phải lấy cây đè đống đá để sau này khỏi bị Ty Công Chánh làm tầm phổng (rỗng ruột) để qua mặt ban tiếp nhận.
  
 Khóa ĐS 11 thụ huấn quân sự Quang Trung 1964. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Phú Hùng, Bùi Như Sơn (Mất), Nguyễn Quý Thành, Nguyễn Hữu Thông, Đỗ Thanh Quang (Mất)

- Giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã mất (trước khi làm Tổng Trưởng Kinh Tế) giảng dạy môn Kinh Tế học thật rõ ràng dễ hiểu. Tôi còn nhớ giọng nói ông sang sảng uy nghiêm. Môn học này đòi hỏi sinh viên phải có căn bản toán học với các bài: chỉ số thị trường, giá trị biên tế... Do đó nếu ai mà yếu Toán thì kể như "lội" luôn.

***
Đa số các sinh viên đều ở nội trú tại Ký Túc Xá Học Việ́n. Ký Túc Xá là một kiến trúc nằm bên hông tay trái Học Viện có 3 tầng, mỗi tầng có hai dãy, dãy trước nhìn ra đường Trần Quốc Toản đối diện trường trung học tư thục Hồng Lạc, dãy sau đối diện với gia cư nhân viên Học Viện và xa hơn nữa là cư xá sĩ quan Chí Hòa. Mỗi dãy có 12 phòng, mỗi phòng có trang bị tiện nghi cho hai sinh viên. Các phòng được đánh số thứ tự từ 101,102,103…201,202,203...301,302,303…theo tầng lầu. Riêng tầng trệt, nếu tôi nhớ không lầm dành riêng cho các bạn khóa 11 năm thứ nhất. Vì ở chung trong một gia đình thân tình Ký Túc Xá nên một khóa có thể quen biết với hai khóa trên và hai khóa dưới mình. Hằng ngày sau giờ học, anh em có cơ hội sinh hoạt với nhau trong không khí cởi mở vui tươi:

 Khóa ĐS11 thụ huấn quân sự Quang Trung. Từ trái: Đinh Ngọc Bảo, Đỗ Thanh Quang (mất), Nguyễn Quý Thành, Võ Thành Thật, Trần Ngọc Thiệu, Nguyễn Phú Hùng, Bửu Uyển.

- Chơi bóng tròn ngay sân cỏ sau lưng Học Viện làm kiếng lớp học bể lia chia nhưng chắc Học Viện cũng muốn cho đám sinh viện tập dượt nên làm lơ đi và cho thay kiến. Cầu thủ lúc bây giờ có Tiết, Trí, Trạch (khóa ĐS9), Cường, Khương (khóa ĐS10) và một lô khóa ĐS11 là: Nhuận, Cửu sừng, Trí kều, Ngọc, Phát bấn, Tuyên, Thạnh (thủ môn), Bửu Uyển, Thiệu, Thu.

- Chơi bóng chuyền trên sân ngay trước mặt Ký Túc Xá với những “cao” thủ :Tiết (khóa ĐS9), Bao, Thoại, Long, Du (khóa ĐS10), Thuyết, Cường, Thơi, Trí kều (khóa ĐS11)

- Chơi bóng bàn ngay phòng khách Ký Túc Xá với các danh thủ Lộc, Du, Dũ (khóa ĐS10), Phước đói, Phụng, Khuê vua kẹo kéo (khóa ĐS11).
Hình ảnh đội bóng tròn HVQGHC trong trận tranh chung kết giải Sinh Viên Liên Khoa Viện Đại Học Sài Gònvới đội Đại Học Khoa Học tại sân vận động Hoa Lư đường Đinh Tiên Hoàng dưới sự chủ tọa của GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông và GS Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Lê văn Thới. (HVQGHC 1 – 2 Đại Học Khoa Học)
Từ trái:
Hàng ngồi: Phạm Vĩnh Tuyên (mất), Vũ Minh Ngọc (mất), Lưu Trường Khương (mất), Trần Ngọc Cường, Đặng văn Thạnh (thủ môn), Phạm Ngọc Cửu (thủ quân).
Hàng đứng: Anh Minh (kế toán viên), Nguyễn văn Tiết, Đỗ Xuân Trúc, Trần Ngọc Thiệu, Nguyễn văn Nhuận (mất), Bửu Uyển, Đinh Thiên Trạch, Nguyễn Tấn Phát, Cao văn Trí (mất), GS Viện Trưởng Nguyễn văn Bông (mất), Từ Công Thu, anh Trần văn Minh (phát ngân viên), Nguyễn Ngọc Du (mất), Trần Quang Trí (mất), Trần Quốc Bao.

Thành tích bóng bàn là Trần Tấn Lộc một lần vào chung kết giải sinh viên gặp Phan Khắc Luân (đại học khoa học, con cụ Phan Khắc Sửu), Lộc thua Luân.
Còn đội bóng tròn QGHC thì trong mùa bóng 63-64 giải sinh viên Liên Khoa Sài Gòn, sau khi loại được các đội Đại Học Dược Khoa, Văn Khoa, Nông Lâm Súc, Luật Khoa, Y Khoa để được vào chung kết với Đại Học Khoa Học tại sân banh Hoa Lư (đường Trần Quang Khải) dưới sự chủ tọa của Giáo Sư Viện Trưởng Nguyễn văn Bông để ủng hộ gà nhà nhưng đội Đại Học Khoa Học với nhiều tuyển thủ của Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn nhưng chỉ thắng đội bóng QGHC chúng ta với tỷ số sít sao 2-1 đoạt chức vô địch.
Tính ra thì thành phần trong tất cả các đội thể thao của Học Viện nhất là bộ môn bóng tròn, khóa ĐS 11 chúng ta luôn chiếm đa số. (10/15)

Sau 3 năm học gồm hai năm rưởi lý thuyết và nửa năm thực tập tại Trung Ương và địa phương, khóa ĐS 11 tốt nghiệp ngày 7 tháng 5 năm 1966 với 88 sinh viên mà thủ khoa ban Hành Chánh là anh Nguyễn văn Thư (đã mất), còn thủ khoa ban Kinh Tài là anh Nguyễn văn Thành Già (Washington DC). Số sinh viên tốt nghiệp được bổ nhiệm tới các bộ theo quota như sau:

Bộ Nội Vụ:78
Bộ Xây Dựng:7
Bộ Kinh Tế:2 (chị Bùi thị Tuyết và Nguyễn Thu Thủy)
Tổng Nha Kế Hoạch:1 ̣(chị Hồ thị Lựu).

Trên bước đường phục vụ chế độ cộng hòa tự do nhân bản, đa số các bạn khóa ĐS 11 thành công viên mãn, hoạn lộ thênh thang với những thành tićh điển hình như :

Ngoài ra, khóa 11 còn có Trần Quang Trí (Trí cao 1.82m) từng là Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn sau Lê Hữu Bôi và trước Tô Lai Chánh. Trí đã xuất sắc lèo lái con thuyền Tổng Hội thoát qua những sóng gió biến động chính trị sôi động nhất của Sài Gòn thời bấy giờ. Tuy nhiên, sự "đứng thẳng" của Trí đã phải trả một giá bằng cái vết sẹo dài trên môi do Vũ Công cũng là một sinh viên QGHC ban Cao Học chỉ một nhóm thanh niên quá khích dùng dao rạch mặt anh ngay trụ sở Tổng Hội Sinh Viên số 4 đường Duy Tân Sài Gòn. Trí hiện ở tại San Jose và cũng còn nặng tình với nước non lắm. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với Trí là vào năm 1971 khi tôi và Hà Anh Tuấn (chàng lãng tử khóa 12) từ Vĩnh Bình về Sài Gòn dự đám tang Giáo Sư Nguyễn văn Bông, sau đó Tuấn lạng quạng ở quán nhậu thế nào mà bị Cảnh Sát Quận Nhứt bắt về bót. Tôi phải chạy lại nhờ Trí lúc đó là Quận Trưởng Quận 10 can thiệp để thả chàng lãng tử. Trí vừa lái xe vừa cằn nhằn tôi: "Mày dẫn nó lên đây thì mày phải coi chừng nó chớ sao để nó đi hoang như vậy". Trí đã mất trong cô đơn tại San Jose năm 2007.

Nói về chức vụ sau khi ra trường thì khóa 11 có 3 chàng “làm lớn" nhất mà cả ba đều tên Thành. Chàng thứ nhất là Nguyễn văn Thành tức Thành "vò" làm Tổng Thư Ký Phủ Phó Tổng Thống, thủ khoa khóa 23 Sĩ Quan trừ bị Thủ Đức. Sang Mỹ , Thành định cư tại Portland, Oregon và tử nạn vì tai nạn xe cộ năm 1994. Riêng anh Nguyễn văn Thành (Già) Washington DC tốt nghiệp thủ khoa ban Kinh Tài, du học Mỹ trở về làm Chánh Sở Học Chánh HVQGHC.

Nhân vật quyền thế tiếp theo là Nguyễn Quý Thành (Thành "con" nhưng to chức) làm tới Chánh Sự Vụ Sở Nhân Viên Bộ Nội Vụ, như vậy là sếp của hầu hết anh em chúng ta. Coi vậy mà chàng nghèo rớt mùng tơi vì chẳng chịu "ăn uống" gì hết. Thành hiện định cư tại Edmonton, tỉnh Alberta, Canada và mới đây Thành được vinh danh là 1 trong “100 Edmontonians of the century” là những người đã có công đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của thành phố. Đây là một vinh dự không những cho Thành mà còn cho cả tập thể CSVQGHC và cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng Sản tại hải ngoại.

Ngoài những anh chị tiêu biểu như trên, chúng ta còn có nhiều cái nhất lắm, nhất hay mà nhất dở cũng có, thôi thì chúng ta đều đã tới tuổi "lục thập ngôn bất nghịch nhỉ" cả rồi, xin các bạn cho tôi nói hết ra đây nhé!

- Có nhiều bạn giữ chức vụ Phó Tỉnh Trưởng nhất so với các khóa khác của Học Viện kể cả khóa ĐS8. Tổng cộng là 16 người: Bửu Uyển hoàng thân, Trần Bá Thuyết, Hồ văn Cường cọp, Trần Ngọc Thiệu, Đào Ngọc Khoa VC (mất), Nguyễn văn Cường Tồ, Lê Hữu Phước Đói, Phạm Ngọc Cửu Sừng, Nguyễn Đình Phúc (mất), Phạm Thăng Chức (mất), Nguyễn Khắc Lương Rỡn (mất), Nguyễn Tấn Phát Bấn, Đỗ Thanh Quang Bần (mất), Đặng văn Thạnh, Trần văn Chí (Chí Diễm), Trần văn Cảnh Già (mất).

- Có nhiều cầu thủ trong đội bóng tròn Học Viện nhất: Cửu sừng, Thạnh, Ngọc (mất), Tuyên (mất), Thiệu, Nhuận (mất), Uyển, Phát bấn, Thu, Trí cao (mất). Line up của một đội banh có 11 người mà khóa 11 đã có đến 10 người . Đúng là chơi trội.

- Có 2 tuyển thủ giỏi nhất của đội bóng chuyền Học Viện là Thuyết và Trí cao (mất). Thuyết từng là tuyển thủ bóng chuyền của đội Providence (Huế), còn Trí cao 1,82m nên đập banh giống như ai đứng trên ngọn cây dộng banh xuống thì bố ai đỡ nổi còn khi Trí block banh thì như bức tường sắt sừng sửng giữa trời.

- Có nhiều cây vợt trong đội bóng bàn Học Viện nhất: Phước đói, Thông râu và Phụng... gì đây (các bạn phe đảng không chịu đặt nick name cho Phụng nhé, tôi đề nghị kỳ họp mặt tới đây, chúng ta phải ban phát danh hiệu hết không chừa một ai cả. Thế mới vui và công bằng chứ!) Ba bạn nầy lẽ dĩ nhiên là đánh ping pong xuất sắc rồi nhưng "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Phước đói có ngón đòn giang hồ, Thông râu đánh đẹp mắt còn "nhà trí thức Phụng" thì đánh theo kinh điển kỹ thuật sách vở.

- Có nhiều hội viên xì phé nhất trường và đây là danh sách những "bác thằng bần": Đạo dừa (mất), Châu bê tông, Cửu sừng, Tuyên (mất), Cường cọp, Khuê (ủy viên quần đùi đen mất), Phước đói, Hải đen, Thọ trắng (mất), Thật, Quang bần (mất), Thành (Đinh Đóng Thùng), Hồng cabot, Phát bấn, Triêm (mất), Giỏi (mất).
Chừng bấy nhiêu chiến tướng đó đủ set up cho 3 sòng xì phé tưng bừng hoa lá hẹ.

Nếu bảo rằng văn võ song toàn thì khóa 11 ta cũng hội đủ đấy các bạn ạ! Chúng ta có 2 võ sư Vovinam là Nguyễn văn Thư (mất) và Nguyễn văn Cường đã có công sáng lập lớp võ thuật Vovinam cho khóa (và cả các bạn khóa khác). Cứ mỗi chiều, ngay sân sau Học Viện, hình ảnh anh em quơ tay đá chân trong lúc miệng thì la to "sát sát" rồi uýnh xáp lá cà trông thật vui mắt và thân tình. Ngoài ra, chúng ta có Văn Tòng Hòa (mất) là một võ sư võ Bình Định đã từng thượng đài nhiều lần (nhưng ăn thua thì chưa nghe nói).
Còn nhớ câu:
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà cũng biết đánh roi đi quờn

thì chắc Hòa phải là tay chì lắm, chả thế mà Hòa có nhiều môn sinh lẽ dĩ nhiên là miễn phí như Cầu, Phát bấn...Cứ nửa đêm là Hòa dẫn đám đồ đệ xuống bên ngoài đại giảng đường để dạy những bước ngũ hành, trung bình tấn, đòn nhập nội, đá song phi... làm đứa nào cũng tưởng mình là anh hùng Trương Vô Kỵ tới nơi rồi.

Khóa 11 cũng còn có nhiều nhân vật kiệt xuất mà tôi xin kể sơ lược như chàng trẻ tuổi tài cao Đặng văn Thạnh chàng thủ môn đẹp trai của đội túc cầu QGHC, 3 lần Phó Tỉnh Pleiku, Biên Hòa, Vĩnh Long, pha hào hứng nhất là lúc làm Phó Tỉnh Biên Hòa, Thạnh đã knock out ông Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Biên Hòa lắm mồm ngay tại phiên họp sau một cuộc tranh luận. Ngoài ra, Thạnh từng dẫn một Đại Đội Địa phương Quân...lọt vào ổ phục kích của Việt Cộng báo hại Đại tá Tỉnh Trưởng Lâm quang Chính phải vất vả điều quân giải vây ông Phó.

Cho tới ngày Quốc Hận 30 tháng Tư đại thảm nạn tai ương phủ chụp lên quê hương, theo vận nước nổi trôi, đồng môn chúng ta tản lạc bốn phương trời. Người ra đi mang kiếp sống tha hương tất bật nhọc nhằn, kẻ ở lại đau buồn khủng hoảng nhưng chắc thỉnh thoảng chúng ta cũng có một phút giây lắng động tâm hồn để ngậm ngùi tưởng nhớ đến Thầy Cô, bạn cũ, trường xưa, ai còn ai mất, ai tản lạc bốn phương trời, ai đang oằn oại dưới trận hồng thủy tàn bạo của cái gọi là cách mạng vô sản. Thế nên trong niềm hoài niệm về trường xưa bạn cũ, những buổi họp mặt tâm tình như Houston hai năm trước và Orlando năm nay là một nhu cầu tâm linh tối thiết không thể thiếu cho những người đã từng một thời là sinh viên của ngôi trường mang tên HỌC VIỆN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH toạ lạc tại số 10 Trần quốc Toản, Quận 3, Sài Gòn. Trước khi kết thúc bút ký nầy, xin thắp nén hương lòng tưởng niệm các bạn đồng môn ĐS 11 đã ra đi về vùng miên viễn./.

Tình Khúc 11
(Mỗi câu thơ đều có lồng tên một hay nhiều bạn khóa 11ĐS - chữ đậm)

Thanh thanh một dãy Sơn Hà
Trời Nam Phúc lộc một nhà vui chơi.
Vinh Quang tổ quốc rạng ngời
Có Trường Hành chánh ra đời năm hai (1952)
Phát sinh toàn những anh Tài
Giúp đời giúp nước không hoài Chí Cao.
Thời gian đèn sách qua mau
Chuyển Sang quân sự cũng vào hạng cao
Thủ Khoa cả khóa đón chào
Thành trường Thủ Đức siêu sao hơn đời
Cường chàng quản trị rạng ngời
Chức đại diện khóa một thời nổi danh
Nhớ thời Hoan lạc tuổi xanh
Lựu cười nắng hạ, Tuyết dành chờ đông
Chừng như lưu Thủy xuôi dòng
Tương lai Thông suốt màu Hồng trải xa
Đời sinh viên đậm Chữ hoa
Thật thà Trân quý chan Hòa tình thương
Trui rèn Đạo Đức thiên Lương
Ngày mai Thành Đạt trên đường Phát Quan
Tuổi hoa niên, phút huy Hoàng
Sơn Lâm Tùng Thạch Phụng loan vẫy vùng.
Ký túc xá Cảnh vui chung
Bóng chuyền bóng đá Thư Hùng cùng nhau
Vô vi nam Giỏi làm sao
“Long tranh hổ đấu” ào ào dưới sân.
Một em Khuê các đến gần
Hỏi thăm anh Chuế “tần mần” ở đâu.
Bảo rằng anh ấy trên lầu
Cùng Triêm Kỉnh Nhuận ôn làu sử kinh.
Cầu mong Đỗ Đạt hiển vinh
Để mà hưởng Phúc về Dinh đưa nàng.
Ai Ưng đấu Trí trên bàn
Thử Tài Minh Mẫn với chàng bồi rô.
Sòng xì hội Quán nhào vô
Tố nhau xã láng tiền hô Giao liền.
Sau canh bạc, Thịnh nộ yên
Phe ta giải tán rồi Tuyên bố rằng:
Ai Thu bạc sống huy Hoàng
Ai thua ôm Nghiệp cơ hàn Liên miên
Có chàng Tự tránh ưu phiền
Làm thơ ngâm Vịnh xa miền đắng cay.
Thuyết trình tập dượt mỗi ngày.
Độc Tôn mong chiếm kim bài Trạng nguyên
Phước lộc Thọ thấy nhãn tiền
Thiện Tâm Cương trực thế thiên vẫy vùng
Công Thành anh Tuấn tận Trung
Nước nhà Thạnh trị Cửu trùng yêu thương
Nhưng hạnh Phúc lại cùng đường
Có loài quỷ đỏ bạo cường Phong ba
Lượng trời đất cũng xót xa
Không Chi hơn chỉ còn là vượt biên
Thôi thượng Uyển thôi Diễm huyền
Cuối đời Tiếu ngạo, ưu phiền đầy Rương
Từ đây Ngọc Thiệu trên đường
Hải hồ một gánh, yêu thương một trời
Nghi ngờ chi cuộc đổi đời ./.

Nguyên Trần

Trong bài thơ có tên riêng chữ lập lại vì có nhiều bạn trùng tên như:
-3 chữ Thành: Nguyễn Quý Thành (Edmonton), Nguyễn văn Thành (Portland đã mất), Nguyễn văn Thành (Washington DC)
-3 chữ Phúc: Nguyễn văn Phúc (Irvine đã mất), Nguyễn Đình Phúc (Vancouver vừa mất), Phan văn Phúc (Việt Nam)
-2 chữ Phát: Nguyễn Tấn Phát (Mississauga,Canada), Vũ Thanh Phát (Louisianna) đã mất

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
Danh sách đồng môn khóa XI ĐS
(theo Alphabet)

1) Đinh Ngọc Bảo (Nam Cali)
2) Nguyễn Đức Cảnh (Mất-M)
3) Trần văn Cảnh (M)
4) Nguyễn văn Cao (M)
5) Nguyễn văn Cầu (San Jose)
6) Lâm Ngọc Châu (Melbourne)
7) Nguyễn Thịnh Chi (M)
8) Trần văn Chí (Vũng Tàu)
9) Lê Phụng Chữ (Nam Cali)
10) Phạm Thăng Chức (M)
11) Nguyễn văn Chuế (Nam Cali)
12) Hoàng Đắc Cương (San Jose)
13) Hồ văn Cường (Úc Châu)
14) Nguyễn văn Cường (Oklahoma)
15) Phạm Ngoc Cửu (Orlando)
16) Phan thế Dinh (Seattle) (M)
17) Nguyễn Quang Đạo (Houston) (M)
18) Ngô Vũ Bích Diễm (Nam Cali)
19) Vũ Tiến Đạt (Orlando)
20) Dorohiem (M)
21) Nguyễn Đình Đỗ (Nam Cali) (M)
22) Hàn Minh Đức (Nam Cali) (M)
23) Vũ Trung Đức
24) Lê Tự Em (Sài Gòn)
25) Cát Ngọc Giao (Orlando)
26) Mai văn Giỏi (M)
27) Trần thị Hồng Hà (M)
28) Võ Trung Hải (Dallas)
29) Văn Tòng Hòa (Nam Cali) (M)
30 Lê Hoan (M)
31) Nguyễn Đức Hoàng (M)
32) Nguyễn Hữu Hồng (Dallas)
33) Trần Trọng Huệ (M)
34) Nguyễn Phú Hùng (Nam Cali)
35) Vũ Thế Hùng (M)
36) Trần văn Kỉnh
37) Đỗ Như Khuê (M)
38) Đào Ngọc Khoa (Seattle) (M) 39) Huỳnh Khánh Lâm
40) Trần Đình Liên (New York)
41) Lưu văn Long (San Jose)
42) Trần Cao Lượng (Sài Gòn)
43) Hồ thị Lựu (San Jose)
44) Nguyễn Khắc Lương (M)
45) Nguyễn Minh Mẫn (Nam Cali)
46) Lê Quang Minh (Nam Cali)
47) Nguyễn Xuân Nghi (M)
48) Hồ Quang Nghiệp (San Jose) (M)
49) Vũ Minh Ngọc (M)
50) Nguyễn văn Nhuận (Nha Trang) (M)
51) Nguyễn Tấn Phát (Toronto, Canada)
52) Vũ Thanh Phát (New Orleans) (M)
53) Nguyễn Thanh Phong (Houston)
54) Nguyễn Đình Phúc (M)
55) Nguyễn văn Phúc (M)
56) Phan văn Phúc (Việt Nam)
57) Nguyễn Phụng (North Carolina)
58) Lê Hữu Phước (Dallas)
59) Lê văn Quan (Washington DC)
60) Võ Quang Quán (M)
61) Đỗ Thanh Quang (Austin) (M)
62) Phạm Kim Rương (M) 63) Hồ Đắc Sang (Việt Nam) 64) Bùi Như Sơn (M) 65) Trần Đại Tuấn (M)
66) Nguyễn Phúc Tài (Houston)
67) Đinh Bá Tâm (Nam Cali)
68) Lê Ngọc Thạch (San Jose)
69) Đinh Bá Thành (Melbourne)
70) Nguyễn Quý Thành (Edmonton)
71) Nguyễn văn Thành A (Washington DC)
72) Nguyễn văn Thành B (Seattle) (M)
73) Đặng văn Thạnh (Nam Cali)
74) Võ Thành Thật (Dallas)
75) Nguyễn văn Thiện (Portland)
76) Trần Ngọc Thiệu (Nam Cali)
77) Vũ Tuấn Thịnh (M)
78) Lâm văn Thọ
79) Nguyễn Ngọc Thọ (M)
80) Nguyễn văn Thọ (Sacramento)
81) Võ Tấn Thọ (Paris(M) 82) Nguyễn Hữu Thông (Nam Cali)
83) Trần Xuân Thơi (Minnesota)
84) Từ Công Thu (Nam Cali)
85) Nguyễn văn Thư (M)
86) Nguyễn Thu Thủy (Houston)
87) Trần Bá Thuyết (San Diego)
88) Nguyễn văn Tiếu (VN)
89) Nguyễn An Tôn (Washington DC)
90) Lê Tấn Trạng (San Diego)
91) Lê Huy Trân (Sacramento)
92) Nguyễn Bá Trí (Minnesota)
93) Trần Quang Trí (M)
94) Hồ Triêm (M)
95) Phan Thế Trung (Stratford, Canada)
96) Nguyễn Quốc Trường (California)
97) Đinh văn Tự
98) Trần Đại Tuấn
99) Nguyễn Xuân Tùng
100) Bùi thị Tuyết (Nam Cali)
101) Đỗ Hữu Ưng (M)
102) Bửu Uyển (San Diego)
103) Trần Vịnh (Nam Cali)

Danh sách những bạn đồng môn đã qua đời theo thứ tự thời gian (có thể sự sắp xếp của tôi không chính xác mấy) 1- Nguyễn Đức Hoàng: chàng trẻ tuổi đẹp trai học giỏi lại là người ra đi trước nhất của khóa (năm 1968 bị đạn pháo kích tại quận An Phú tỉnh Châu Đốc)
2- Nguyễn Ngọc Thọ: Lại thêm một bạn good looking chết vì tai nạn xe cộ ở Bà Rịa (năm1972) khi đi cứu trợ.
3- Võ Quang Quán: nhà hùng biện khóa 11 bị VC sát hại năm 1975 ở Quảng Tín trên đường di tản.
4- Đỗ Như Khuê chết trong trại cải tạo năm1979
5- Vũ Thế Hùng cancer ruột 1980 ở Nam Cali
6- Phạm Kim Rương chết trên đường vượt biển 1982
7- Nguyễn Đức Cảnh vượt biên đường bộ 1984
8- Nguyễn văn Cao bị rắn hổ cắn trong khi làm ruộng vào năm 1987 ở Cần Đước, Long An
9- Phạm Thăng Chức ung thư 1993 ở Sacramento, CA
10- Nguyễn văn Thành tai nạn xe cộ 1994 ở Portland, OR
11- Phan Thế Dinh ung thư 1998 ở Seattle, WA.
12- Vũ Tuấn Thịnh: vượt biên
13- Nguyễn văn Phúc heart attack 2002 ở Irvine CA (Chị Phúc vẫn còn gắn bó với khóa)
14- Võ Tấn Thọ: 2004 ở Pháp
15- Nguyễn văn Thư sơ phổi 2004 Orange County, CA
16- Vũ Minh Ngọc ung thư 2006 Orange County, CA
17- Lê Hoan ung thư 2006 Portland.OR
18- Hồ Triêm heart attack 2007 Toronto, ON.
19- Mai văn Giỏi ung thư 2007 Washington DC
20- Trần Quang Trí heart attack 2007 San Jose, CA
21- Trần văn Cảnh lao màng óc 2007 Long Xuyên, VN
22- Nguyễn Xuân Nghi ung thư 2007 Dallas, TX
23- Nguyễn Thịnh Chi-Việt Nam
24- Trần Trọng Huệ-Việt Nam
25- Bùi Như Sơn 2009 Krefeld, Đức Quốc
26- Nguyễn Đình Phúc diabetes 2013 Vancouver, BC
27- Trần thị Hồng Hà 2016 Việt Nam
28- Đào Ngọc Khoa 25/1/2017 Seattle, WA.
29- Đỗ Thanh Quang 20/7/2018 Austin, TX
30- Văn Tòng Hòa 2019 Orange County, CA
31- Hàn Minh Đức 2019 Orange County, CA (là em thúc bá của nữ ca
sĩ mỹ nhân Khánh Ngọc Hàn thị Lan Anh)
32- Vũ Thanh Phát 2019 New Orleans, LA
33- Nguyễn Đình Đỗ 2020 Orange County, CA
34- Nguyễn Khắc Lương
35- Dorohiem
36- Đỗ Hữu Ưng (bị VC thanh toán tại Nha Trang)
37- Hồ Quang Nghiệp
38- Nguyễn Quang Đạo


Xin cùng thắp nén hương lòng tưởng niệm các bạn ta.