Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2018

Tình Quê Hương – Sáng Tác Việt Lang – Quỳnh Giao


Sáng Tác: Việt Lang 
Ca Sĩ: Quỳnh Giao
Thực Hiện: Vsound

Gió Lành Nắng Hanh


(Tặng Phượng Xanh)

Gởi chút lời xưa gợi nhớ anh
Phượng hồng chưa trổ nụ còn xanh
Giáo đường, cây trọi trong giông lớn
Thiền viện, cành trơ trước nắng hanh
Thương đó dù sai lời ước hẹn
Yêu nầy vẫn vẹn mối tình thanh
Khoảng đời tráo trở nhiều gai góc
Kỷ niệm còn chăng giữa gió lành

Tiếng Thanh

Thăm Làng



Bài Xướng:Thăm Làng

Lang thang mây trắng dạo trời không
Ruộng lúa cò bay trải tấm lòng
Viếng lại đồng quê mơ nguyệt hẹn
Thăm làng xóm bãi mộng tình mong
Duyên trao hạ thắm còn mang nặng
Nghĩa gửi thu nồng mãi khuân đong
Trăng nước bồi hồi mây tím đọng
Thuyền xưa thấp thoáng bóng trôi dòng.

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đinh Diệm)
***
Bài Họa:

Tỏ Mấy Dòng

Về với xóm làng có muốn không!
Ra đi, bỏ lại xót xa lòng
Quê hương nơi đó mơ đoàn tụ
Viễn xứ chốn này nặng nhớ mong
Trăng lặn đầu non mòn mỏi đợi
Đèn chong trên vách nặng sầu đong
Bờ xưa bến cũ càng lưu luyến
Nghĩa đấy, tình đây tỏ mấy dòng.

Nguyễn Thành Tài
9-6-2018
***
Thăm Nhà

Anh sẽ trở về,em biết không ?
Thăm ngôi làng cũ đã hằng mong
Xứ người cuộc sống đau trong dạ
Đất Mẹ ngày đi nát cả lòng
Mấy lúc nhìn trăng buồn tủi ngập
Bao phen ngóng hướng lệ sầu đong
Thuyền xưa có đợi ta chăng nhỉ?
Để trọn tình quê -- viết cạn dòng

Song Quang
6/11/2018

Quê Cha Đất Tổ - Dừa Nước

(Dừa nước trên đường về quê nội)

Vào mỗi dịp Tết đến hoặc hè về, gia đình chúng tôi thường dùng ghe máy về thăm quê ngoại, ở Rạch Bàng. Anh em chúng tôi vui lắm, như chim xổ lòng. Chỉ tiếc không có đôi cánh để lờ lượn giữa cảnh trời nước mênh mong. 

Từ chợ Giồng Ké đến đó, nhìn hai bên bờ sông, nổi bật nhất là những cụm dừa nước mọc xen lẫn ô rô cóc kèn, cỏ dại. Chúng tôi lấy làm thích thú lắm, vì sẽ có dịp đốn những quày dừa nước đang sai trái kia.

(Dừa nước mọc nơi sình lầy)

(Dừa nước mọc cạnh nhà với giỏ nhốt gà đá cá độ)

Dừa nước là một loại thực vật, mọc nơi sình lầy dọc bờ sông hoặc vùng ven cửa biển, nơi có thủy triều lên xuống và theo sự đưa đẩy của con nước, mà sinh sôi nảy nở ngày một nhiều thêm. Rễ và thân mọc dưới nước, chỉ lá và cuống hoa, mọc hướng lên trên. 
Ở miền quê, đây là loại thực vật rất hữu dụng, không chỉ cho người lớn mà trẻ em cũng cần đến. 
Những ngày còn nhỏ, Ba tôi thường lấy bẹ dừa hay gọi là bập dừa, cho anh em chúng tôi tập bơi lội, thay phao. Vì lẽ ấy, tôi cùng lũ trẻ trong xóm thường trầm mình dưới sông, vớt những bập dừa trôi nổi theo con nước lớn. 
Lá dừa được tước ra từ cuống lá, đem chầm lại, thành tấm lá để lợp nhà, che mưa nắng hoặc phơi khô cột thành bó, dùng nhóm lửa 
Hoa dừa nước, có hoa đực và hoa cái. Hoa cái nở thành chùm và khi thụ phấn, tạo những trái nhỏ ép vào nhau thành quày. Mỗi quày có từ 40 đến 60 trái, bên trong trái có cơm dừa hay còn gọi cái dừa, màu trắng. Cái dừa còn non, rất mềm, càng già, lớp cơm này càng cứng và ngon hơn. Cái dừa dùng pha chế làm nước uống giải nhiệt, nhất là những hôm trời nóng bức. 
Từ thời thơ dại, hình ảnh đi chặt , đốn dừa nước vẫn còn đeo đẳng cho đến bây giờ. Tôi đã từng chứng kiến cảnh nước lớn ròng, của dòng sông xuôi chảy hiền hòa với dừa nước mọc ven sông. Những quày dừa nước mọc nhô khỏi mặt nước. Mấy mươi năm xa, nay trở lại nơi quê nội, tôi thấy dừa nước không còn cao lớn như xưa và nơi sình lầy gần như biến thành lớp đất cứng hơn, với rác rưởi thay cho nước đọng và những quày dừa chuồi mình xuống mặt sình trông thật thảm thương. 

(Dừa nước mọc trước sân nhà)

Vì sao những quày dừa hiên ngang mọc hướng lên trên, bây giờ lại chuồi xuống giấu mặt dưới sình? Bởi tình đời hay tình người? Tôi tự hỏi chính mình... 

Đường về quê nội xa xăm 
Những quày dừa nước rạp nằm chơ vơ 

Kim Phượng
(Ảnh: Quê Ngoại, Rạch Bàng - Vĩnh Bình)


Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2018

Trần Thị Bích Ngọc Cựu Học Sinh Trung Học Tống Phước Hiệp Vĩnh Long NK 62-69



Bích Ngọc 5 tuổi


Hình ảnh: Trần Thị Bích Ngọc

Hà Thành Hoa Lệ Ðâu Rồi?



Ta ở Thăng Long gần nửa tháng
Không sao thấy được bóng chim trời
Qua cầu Thê Húc vào đền Ngọc
Chỉ gặp chim lồng cá chậu thôi
Cu cườm ủ rũ buồn không gáy
Khứu mốc gầy nhom biếng mở lời
Vài con cá nhỏ trong hồ nước
Lưỡng lự dường như cũng ngại bơi
Rùa thần chết cứng trong lồng kính
Ðã trúng gươm thiêng nát ruột rồi
Lòng ta đau nhói như dao cắt
Bải hoải tưởng như sắp hết hơi
Là công dân Việt, mà ta nghĩ
Ta chỉ hiện thân một gã Hời
Tháp linh càng ngắm càng chua xót
Nào khác tháp Chàm đứng lẻ loi
Hà Thành hoa lệ ngàn năm cũ
Ðã trở nên huyền thoại mất rồi!

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái 

Mùa Thu Bên Hiên - Mùa Xuân Trong Đời


Mùa Thu Bên Hiên

Vàng hiên rơi rụng tơi bời
Trách người năm cũ chẳng lời từ ly
Thời gian vùi lấp xuân thì
Như thu tàn úa từ khi lìa cành
Tiếc đời phiến lá mong manh
Trớ trêu con tạo cũng đành rời xa
Dập vùi bão tố phong ba
Trăm thương nghìn nhớ phôi pha cuộc tình

Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:

Mùa Xuân Trong Đời


Hoa hồng nở rực nơi nơi
Màu tươi chào đón một người về thăm
Thời gian cách biệt bao năm
Nhìn Thu Đông Hạ âm thầm trôi qua
Một lòng chống trọi phong ba
Mong ngày tái ngộ chan hòa niềm vui
Giờ đây đã hết dập vùi
Lệ nào ngăn khỏi bùi ngùi xót xa

ChinhNguyen/H.N.T.
 Apr.7.18

Mùa Đông



Xướng:
Mùa Đông

Gió thổi mùa đông lạnh buốt da,
Giá băng lần nữa đến cùng ta.
Chim muông trốn lạnh, tìm nơi ẩn,
Cây cỏ trơ cành, hứng tuyết sa.
Xe thắng quay ngang, kinh vía trẻ,
Người đi té ngửa, khổ thân già.
Tình nồng đất lạnh, thành ra ấm,
Tết Việt rồi đây sẽ diễn ra...

Khôi Nguyên

***
Họa
Mùa Đông

Mùa Đông lạnh cóng buốt tê da
Băng giá đường trơn khổ quá ta
Vắng vẻ rừng thông chim trốn tránh
Hoang vu đồng nội tuyết bay sa
Quê hương vẫn nhớ duyên còn trẻ
Đất khách mới hay nợ cũng già
Chiếc bóng cô đơn ai sưởi ấm
Ai ngờ cách trở nghĩ không ra ...

Mai Xuân Thanh

Ngày 12 tháng 12 năm 2017
                                         

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 8


Diệu, Thu, Minh, Kim Liên, Hình Toàn , Kim Lệ

Mới đầu tôi chạy qua nhà bà năm bánh tầm mướn truyện tàu, buổi trưa đi học về đọc cho bà nghe vài trang, trưa lại đạp xe đi học, tối về ăn cơm làm bài xong thì đọc tiếp thú thật mới đầu tôi chán lắm không có gì hấp dẫn, nào là Chung Vô Diệm, Tề Tuyền Vương, nào Tề Thiên Đại Thánh. Rồi Tiết Nhơn Quí Tiết Đinh San, Phàn Lê Huê, bùa phép tùm lum. Rồi qua tới Tam Quốc Chí 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, Lưu Bị, Quan Vân Trường,Trương Phi, Khổng Minh....

Lúc này thì hơi thích thích, vì thấy những trận đánh đấu trí quá hay giữa Khổng Minh Gia Cát Lượng với Chu Du. Hay hỏa thiêu trận Xích bích
Hoặc Triệu Tử Long phò ấu chúa mặc bạch giáp cởi bạch mã một mình phá vòng vây .. ÔI .. lúc ấy thì tui bắt đầu khoái đọc, rồi thần y Hoa Đà Tái Thế, mổ tay cạo xương Quan Vũ mà không dùng thuốc tê hay gây mê gì ráo (thực ra đời xưa làm gì có thuốc gây mê).

Đọc hết truyện tàu qua tới võ hiệp của Kim Dung: Lục Mạch Thần Kiếm, Anh Hùng Xạ điêu, Thiên Long Bát Bộ, Tiếu Ngạo Giang Hồ. Lúc này thì bắt đầu mê chỉ đọc truyện tàu cho bà ngoại, còn mình thì mướn thêm tiểu thuyết, mới đầu thì văn học truyện Nhất Linh, Thạch Lam, Hồ biểu Chánh
Rồi qua Duyên Anh, Mai Thảo, Sơn Nam-Hoàng hải Thuỷ sang chuyện dịch thuật: Kiều Giang, Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà, Đỉnh gió hú, Cuốn Theo Chiều Gió ..
Sau chuyển qua người khăn trắng, Liêu Trai Chí Dị, truyện ma, rồi lần sang tình cảm nhẹ nhàng Nhã Ca, Nam Cao, Nguyễn Thị Hoàng ...
Rồi qua tới bà Tùng Long, Nghiêm Lệ Quân, Hồ Trường An.....
Nói tóm lại nhà ông năm bánh tầm có bao nhiêu loại sách tôi điều đọc ráo .

Nhưng muốn đọc cũng đâu phải dễ, tui phải trốn, khi thì trong cầu tiêu, khi thì trên căn gác nhà sau, nóng muốn chết, có khi phải chờ đêm khuya cả nhà đều ngủ tui phải thắp đèn cầy (vì nếu cháy đèn điện thì ba hoặc chế tôi hay)
Nhưng thắp đèn cầy thì tốn tiền mua hoài (nào tiền mướn sách nào tiền ăn nào tiền mua đèn cầy tui đâu có đủ, tiền quà sáng đâu có bao nhiêu).
Mấy chị em tôi ngủ trên gác sau (nói gác nhưng nó cũng cao lắm cũng có hai cửa sổ, cửa ra ban công phơi đồ, vì với tôi lầu không phải đúc bằng xi măng mà lót ván thì tôi kêu bằng gác). Nên khuya khuya khi cả nhà ngủ mê tôi xuống bàn thờ ông thần tài, tối có đốt đèn bàn thờ bóng cà na màu đỏ, tôi cạo bỏ lớp sơn màu đỏ gần nửa cái bóng đèn cho nó sáng, tôi ngồi kế bên nghiêng cuốn tiểu thuyết mà đọc, đọc lâu mõi quá tôi lấy cái mềm mỏng đắp cho không bị muỗi cắn, lấy thêm cái gối nằm xem tiểu thuyết, mới đầu sợ tội nằm né một bên nhưng sau mõi quá nằm dài trước bàn thờ luôn (kệ) đến khi buồn ngủ thì dẹp mềm dẹp gối xoay bóng đèn trở vô để không ai thấy bị tróc nước sơn.

Ôi!! Bắt tôi đi học làm gì để giờ tôi biết chữ biết đọc, thì tôi đọc sách lại không cho, làm người lớn thật là khó hiểu??
Lúc sau tôi đọc không dấu chế tôi nữa, tôi mướn trả tiền cho mấy bả đọc free nên tôi đọc trên gác xài đèn thoải mái, dưới nhà ba má tôi đâu biết khỏe re....
Có một lần chế ba và bà chị kế cà chớn, một bà mở đèn đọc, bà kia không có sách nên ngủ, mà tức ngủ không được nên bà này mở đèn bà kia tắt, cuối cùng hai bà đứng ngay công tắc đèn, kẻ mở người tắt rồi xé luôn cuốn truyện mướn của tôi, sớm ra tôi khóc bắt đền, hai bả chịu đền nhưng tôi ra một phần vì tại tôi mướn (xui thiệt tự nhiên có mình trong đó tui đâu có xé)

Tôi không biết mình mắc chứng bịnh gì, cái gì cũng mê cũng ghiền (nhưng có một cái tui hỏng mê, đó là: “Mê trai”.
Tôi gái lớn mười lăm mười sáu không phải xấu xa gì (nếu không muốn nói là ngộ gái) thế mà tôi hỏng biết làm duyên yểu điệu thực nữ, đi đứng mềm mại thướt tha cười duyên e ấp, thằng tôi nói năng thì rộng họng, cười thì ha hả, thấy thằng nào dòm tôi, tôi hỏi thẳng người ta coi vô duyên chưa ....
Cho nên mới nói, có gia đình trên Sài gòn dọn xuống mướn nhà ở xóm tôi (cách nhà tôi ba căn có ba cậu con trai ba bốn đứa con gái vừa lớn vừa nhỏ làm chả lụa người Bắc).Có một người đồng trang lứa hoặc lớn hơn tôi một chút, mỗi chiều đều qua nhà thằng bạn hồi nhỏ của tôi, nói chuyện và nhìn sang nhà tôi hoài, mỗi lần tôi cùng Nghiềl lấy xe đạp chạy vòng vòng chợ, thì hai người cũng đạp xe theo, rồi thằng bạn tôi rũ vô quán bà xẩm ăn dao ui (yogurt) và rau câu ở gần toà án cũ (nhà xưa của ông Trần Nhuệ). ăn thì ăn tui sợ gì ai .
Mà sao tôi thấy cũng nhìn nhà tôi hoài nên có lần tôi hỏi:
-Bộ anh để ý chị tôi hả? Nín thinh lắc đầu. Vậy thì thôi 
Đúng là ai cũng hiểu chỉ mình tôi không hiểu (ba má tôi còn biết thế mà tôi hỏng biết) giống như lời thơ của Nguyễn Tất Nhiên:

Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu 
Nên có một gã khờ ngọng nghiệu đứng làm thơ

Kim Trúc, Thu Hoa, Giáng Tiên, Ngọc Thủy

Trở lại chuyện đi học và nhóm bạn của tôi, tôi chơi thân với Kim Liên, Ngọc Diệu, Minh, Thu, Kim Lệ, Ngọc Lệ.
Thỉnh thoảng cũng có đi chơi với Kim Trúc, Thu Hương, Lý Ngọc, Bích Ngọc, Trung Thu....
Tôi nhớ nhà Hương ở cuối đường Hàm Nghi dưới xóm biển 
Nhà Trúc ngang ty bưu điện.
Lý Ngọc hẻm Triệu xuân Triều
Đi học mà cũng chơi chia từng nhóm giống như băng đảng 
Nhóm tui gồm: Toàn, Kim Liên, Diệu, Kim Lệ, Ngọc Lệ,Thu Minh, Thu
Nhóm Trúc: Trúc, Thu Hương, Lý Ngọc, Mỹ Nhan, Xuân Hồng, Bích Liên, Nga
Lâu lâu cũng ráp lại đi cấm trại chung. Nghĩ lại cái thời đi học cơm cha áo mẹ 
Tuổi trẻ không biết lo gì, vô tư lự sống thật hồn nhiên .

Tôi chơi thân với Liên nên gia đình nó tôi xem như gia đình tôi, ông bà ngoại của nó tôi cũng kêu bằng ngoại, nó có người chú tôi cũng bắt chước kêu bằng chú (thật ra chú út chỉ lớn hơn hai đứa tôi một hai tuổi).Tôi và Liên quen từ năm đệ thất nghĩa là độ mười một mười hai tuổi, rồi chúng tôi cũng từ từ lớn lên, mỗi lần chú mua gì cho Liên cũng mua gởi cho tôi, như lúc tôi lớn để tóc dài cột đuôi gà, chú mua cho Liên ống cuốn tóc bằng múch mềm và gởi tôi dặn Liên nói với tôi tối ngủ cuộn tóc vô ống, loại này mềm ngủ không đau, sáng cột tóc cao dưới đuôi tóc nhìn có lọn đẹp lắm...Ừ .. thì cũng đẹp 
Chuyện gì của chú, Liên cũng kể tôi nghe, nào là lúc phong trào híppy 
Mặc quần ống bát, đáy quần thì xệ đo hỏng tới một gang tay, mặc mà người ta hỏng dám nhìn, nào để tóc dài theo kiểu choai choai nhạc trẻ, rồi có khi buồn chuyện chi (hay bị bà già cạo đầu) nên cái đầu chú trọc lóc như nhà sư 
Ôi thôi đủ thứ chuyện... nó nói tôi nghe, nên trong bài thơ “Hồi tưởng”:

Nhớ tuổi mười hai vào trung học 
Ngồi gần cô bạn tóc ngang vai
Vì thân nhau quá nên tôi tưởng
Chú của cô nàng giống của tôi 

Năm 72 tôi có thêm một đứa em trai nữa (út).Tôi lớn hơn em tới mười sáu tuổi .Sao ngày xưa mấy bà già sanh nhiều quá, gia đình nào cũng đông con, nghĩ đó là lộc trời cho, trời sanh voi sanh cỏ, tới chừng nghèo quá nuôi mệt xỉu thì tự an ủi: đặng hào con thì mất hào của 
Xời ơi ! Nhắm con mắt thì cũng biết là phải nghèo rồi, vì chỉ có chồng làm 
vợ thì mang bầu rồi đẻ rồi nuôi, thời gian đâu đi làm, một người làm nuôi chín mười người, không nghèo mới là lạ, có nhiều gia đình chạy gạo còn không đủ ăn nói chi đến chuyện cắp sách đến trường, ở chợ còn đở nếu ở vùng sâu vùng xa trong hóc bò tó thì ráng chịu, đời này nối tiếp đời sau....

Ngóc đầu lên không nổi tôi thấy thương những trẻ em nghèo vùng quê héo lánh quanh năm với ruộng vườn bắt ốc hái rau, đừng nói câu “ trời sanh với sanh cỏ” sợ cỏ còn không có nữa là .. vì dân số tăng quá nhanh thiệt tình không hiểu ....nổi .. Đã nghèo, đời mình đã khổ sao lại kéo tới đời sau ?!!
sanh một hai đứa đủ rồi cho đời không hiu quạnh, con ít thì lo chúng được đủ đầy hơn, tôi thấy gần xóm tôi có một gia đình vợ chồng còn trẻ mà đẻ quá nhiều, cứ đứa lớn giữ đứa nhỏ, cha mẹ bận đi buôn bán, có nhiều hôm mưa dầm hai ba đứa nhỏ 3,4,5 tuổi vẫn lang thang tắm mưa đến cặp môi tái run vì lạnh đứa mặc áo thì hỏng có quần, đứa có quần thì hỏng áo....

Ôi thấy mà ngán ...thiệt là không hiểu nổi, tại sao phải lấy chồng lấy vợ mà chi, nối dỏi tông đường à...chưa chắc ...thất học lỡ làm chuyện bậy bạ còn khổ. Thôi miễn bàn chuyện người lớn .....

(Xin hẹn kỳ 9 chuyện những cây si trồng không đúng chỗ đi để ý một gốc cây)

Hình Toàn

Thứ Năm, 14 tháng 6, 2018

Nhớ Ai !



Tháng 6 em đi không từ biệt
Một hôm áo trắng vắng con đò
Ngờ ngợ xa trường nhà có việc
Qua thăm không gặp dạ buồn so...

Những ngày sau thực sự thiếu em
Trưa Hạ mà anh ngỡ bóng đêm
Dứng đợi bên hàng cây phượng cũ
Râm ran ve gọi lá bay mềm.

Trời đang trong xanh - bỗng đổ mưa
Ầm ào gào thét gió sang mùa
Em không về nữa nhưng hồi tưởng
Dưới ánh nắng chiều mơ dáng xưa.

Em đi phố nhỏ cũng buồn tênh
Những bước chân anh cũng gập ghềnh
Lạc lõng trên đường xa dịu vợi
Trên trời mây cũng nhẹ mông mênh.

Ngàn dặm đường xa - những bước dài
Vắng em tàn tạ lá vàng phai
Anh đi thờ thẩn chiều hoang dại
Ngơ ngẩn dường như chợt nhớ ai!

Dương hồng Thủy

Hè Quê



Bài Xướng: Hè Quê

Gió hè thôn vằng tiếng trâu xa
Cô bé bên hiên buổi nắng tà
Võng bố đu đưa chân chữ ngũ
Quạt kè phe phẩy lụa bà ba
Hò ơ vọng cổ dài sông nước
Mộng mị kinh thành sớm kiệu hoa
Sân lúa cha cười vui bếp mẹ
Heo kêu,chó sủa hoảng bầy gà

Ngô Đình Chương
***
Bài Họa:
Chút Nhớ Quê Xa


Có phải sông buồn cánh vạc xa
Từ khi quạ lửa vượt hiên tà
Lênh đênh sóng nước xuôi dòng đục
Lác đác vòm cây xẻ chạc ba
Luống cải ngồng xưa chưa kết nụ
Buồng cau trắng cũ đã đơm hoa
Quê ơi, chắc chỉ còn thương cảm
Một chút tình riêng giữa tiếng gà ...

Hawthorne 1 - 6 - 2018 

Cao Mỵ Nhân
***
Sáng Quê


Cuốc cày ơi ới gọi đồng xa
Ăng ẳng vườn sau chó đuổi gà
Bước lẻ khù khì trâu nhứt một
Kêu tràng cạp cạp vịt vài ba
Ngô nghê tán gió lời ong bướm
Mộc mạc đưa tình điệu cỏ hoa
Lúa chín eo sèo tai mũi thở
Mùa xong rượu nhấm lại tà tà

Lý Đức Quỳnh
***

Hồn Quê

Cánh chim mải miết mút trời xa
Yên ả đồng quê buổi xế tà
Gió trúc rì rào đùa bóng lá
Sáo diều vi vút lắng âm ba
Vườn nhà ngào ngạt nồng hương trái
Bờ giậu nồng nàn rộ sắc hoa
Lúng liếng lam chiều lan khói tỏa
Đêm quê lanh lảnh ấm canh gà!

9-6-2018
Nguyễn Huy Khôi
***

Đường Về

Lờ mờ mái ngói hiện xa xa,
Rộn rã lòng ai dưới ráng tà.
Khóm trúc rì rào ru bóng nguyệt,
Sen hồ biêng biếc gợn thu ba.
Xoay xoay trong gió lam chiều khói,
Ngào ngạt bên tường dạ lý hoa.
Bến cũ một trời ôm nỗi nhớ,
Bên sông trăng giải quán tranh gà.

Mailoc
Cali 6-8-18
***
Chiều Quê


Nắng hạ cuối ngày khuất nẽo xa
Đường quê nhộn nhịp buổi chiều tà
Đàn cò xoãi cánh bay về tổ
Thôn nữ xách gầu tưới luống hoa
Mẹ múc cám bèo kêu lũ lợn
Cha bưng thúng thóc gọi đàn gà
Hoàng hôn chập choạng vừa buông xuống
Hóng mát vài người đứng ngã ba

Song Quang
6/9/18


Trúc

(Trúc)
Trúc tượng trưng cho người quân tử!
Tôi không thích mẫu người quân tử của Trung Hoa, nhưng tôi lại thích Trúc!
Tôi không thích Khổng Tử ví người quân tử như gió, kẻ tiểu nhân như cỏ(?). Người bình dân suy ra: người quân tử giầu sang cao quí, kẻ tiểu nhân nghèo hèn đê tiện! Tôi không hiểu đó là cái đạo lý gì?

Nhưng với người Âu Mỹ thì cỏ cũng có vẻ đẹp riêng của nó! Vườn hoa, vườn cảnh nào mà không có cỏ, người ta tuyển lựa những loài cỏ đẹp! Từ sân Gôn cho tới biệt thự: cỏ đẹp tuyệt vời!

Người Việt thì rất thích cây Trúc! Hàng trăm đức tính đáng yêu của nó, người Việt ca tụng nhất đức tính ngay thẳng:

Ngọc dù tan vẻ trắng nào phai
Trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để


Nhiều ông Tầu ngầm coi mình như những người quân tử (!) nhưng ông Pháp gọi cái trò đê tiện, hèn hạ là Chinoiserie!
Người Việt coi cây tre là bạn, thân thiết! và … đa năng: Cây tre trăm mắt đã khắc xuất … khắc nhập … và làm nên những kỳ tích tuyệt vời!
Không hiểu cây tre trăm mắt là tre ngà hay tre mạnh tông. Nhưng hàng trăm thứ tre, nứa, hóp, luồng, vầu… cứ gọi đại là trúc đi cho các nhà văn tô vẽ… Nhưng với người bình dân thì nó rất thân thiết, hữu dụng, đa năng… và xài hàng ngày như không có nó không được!


Tôi đã đếm sơ sơ các vật dụng sinh hoạt của các cụ thì đến … gần ngàn thứ!!!
Từ nhà cửa, hàng rào, cầu ao, cho tới áo tơi, nón … cối xay, nong, nia, sàng sẩy… những ống tre đựng đồ, cắm nhang, cắm hoa, hạt giống, hàng trăm thứ lỉnh kỉnh trên vách lá! Riêng dụng cụ bắt cá, lươn đã tới cả trăm thứ!
Nói về cái cần câu thì các cụ tỏ vẻ triết học, ngạo đời và… cũng thi vị. Từ ông Lã Vọng câu mà nghĩ đâu đâu… vì cần… không có lưỡi câu(?). Nhiều ông câu lại buộc bông trang cho nó thơ mộng. Nhiều khi o bế người đẹp cũng gọi là câu:

Người ta câu bể câu sông
Tôi nay câu lấy con ông cháu bà

Tệ nhất là anh ăn trộm câu con gà: Tính toán làm sao cho con gà không kêu, không dãy đạp , cứ im re theo cần câu về nhà anh ăn trộm!!!
Ôi! Cây tre đầu làng, hàng rào… nó mới thân thương, ấm cúng, gợi nhớ làm sao!
Cây tre trước sân đã từng là bạn tri âm của Thi Hào Nguyễn Du:

Vô ngôn độc đối đình tiền trúc

Còn rặng tre ở một thôn hẻo lánh đượm mù sương đã làm Cao Bá Quát nao lòng trước cảnh tuyệt vời đó:

Vụ hợp thâm thôn trúc thụ bình

Bụi tre trước sân cũng dẫn dụ Vương Dương Minh (Vương Thủ Nhân đời Minh) ra ngồi chồm hổm hang giờ để suy nghĩ “trí tri tại cách vật“. Cuối cùng ngài đã xướng lên thuyết “ Tri Hành Hợp Nhứt “.


Trong khi người ta ngắm trúc, xài đồ trúc thoải mái thì người chặt trúc gánh đi bán…hơi bị buồn:

Ngày vác vài cây trúc
Bán đi để no bụng
Trong nhà chất đống tre tới nóc
Ngoài cửa đợi không tiền
Nói ra ăn gậy gộc
Ôi! Thôi! Thôi!
Về thôi, về thôi, lệ tuôn đầy ngực!
Từ nay cạch mặt tre
Thà nằm bên tre đói chết tức
(Tùng Thiện Vương)


A Ha! Tôi trồng được hai chậu trúc, gốc vẫn khỏe, vẫn đẻ con, nhưng trên ngọn thì nhiều lá vàng, xơ xác! Tôi nghĩ tới ông Ba Tầu, ổng nói: Trúc tượng trưng cho người quân tử, người quân tử thì phải xơ xác(?), trúc mà xanh tươi xum xuê thì không phải trúc(?). Tôi nhìn mà cười hoài! Xơ xác đến thế sao??? A Ha!

Lạ một nỗi là đạo Phật có nhiều Trúc Lâm Tự! Nhưng tôi thấy từ ngài Thích Ca cho tới các đệ tử có vào vườn trúc bao giờ đâu? Chỉ thấy nói đến cây Bồ Đề thôi! Cái chùa Yên Tử ở Quảng Ninh là gốc gác của phái thiền Trúc Lâm nếu tôi không lầm thì cũng không có rừng trúc!
Nước Cô Trúc của Bá Di, Thúc Tề không thấy nói đến trúc! Nước Thiên Trúc(Ấn Độ) cũng không nói đến trúc nhiều?
Vậy phải chăng chỉ có ở Việt Nam cây trúc thân thiết, mến thương, hữu ích đến kỳ diệu … vĩ đại!
Thời ông Diệm, định lấy cây trúc làm Quốc Huy! Không hiểu sau này người ta nghĩ sao … lại lấy cây lúa!!!
(Măng tươi)

Tôi là một phó thường dân, suy nghĩ vớ vẩn thế nào… lại nghĩ đến những món ăn dân giả:
Măng tươi xào thịt gà!
Măng tươi xào thịt bò!
Măng khô hầm vịt!
Ngon lắm! Quí vị thử xem!

Chân Diện Mục

Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Thơ Tranh: Tìm Bóng Người Xưa


Thơ: Nguyễn Gia Khanh
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Giồng Ké



Vũng Liêm, Giồng Ké đợi chờ
Bến phà Mỹ Thuận hai bờ ngăn đôi
Buồn vương kỷ niệm xa xôi
Trăm năm duyên lỡ, chia phôi ngậm ngùi
Chuyện xưa nào dễ đã nguôi
Mang theo nỗi nhớ, mặn môi nỗi sầu
Bao giờ mình sẽ gặp nhau
Hay chờ cho đến kiếp sau cùng về:
Bến phà Mỹ Thuận não nề
Nắm tay giữ vẹn câu thề ngày xưa.

Nguyễn Thành Tài
12-6-2018

Mong Manh - Chuyện Tình



Mong Manh

Bốn bề lạnh ngắt bến sông
Quạnh hơi thu vắng chờ trông mỏi mòn
Đường trần lầy lội gót son
Nước mênh mong nước héo hon xuân thì
Đàn lòng quặn thắt người đi
Tàn tro khơi lại còn gì nữa đâu
Vẳng xa ai nắn phím sầu
Vết thương ngày cũ mũi khâu chửa lành
Đêm tàn canh đã tàn canh
Nước mênh mông nước mỏng manh cuộc tình

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Chuyện Tình


Sóng buồn nước trỗi bờ sông
Trăng tròn trăng khuyết đời trông hao mòn
Khung trời kỉ niệm sắt son
Ân tình thắm nở, hoa còn duyên thì!
Dẫu cho thuyền lạc lối đi
Trăng sao mãi nhớ những gì nơi đâu
Chợt nghe biển hát cung sầu
Sơn hà bão tố mẹ khâu chưa lành
Em - Tôi thức trọn năm canh
Hồn ai sóng vỗ mong manh chuyện tình.

Đức Hạnh 
22 05 2018

Tìm Bóng Người Xưa



Xướng: Tìm Bóng Người Xưa
(Ngũ độ thanh)

Ta về gác nhỏ, bạn giờ đâu
Bậu nỡ tìm nơi bỏ gánh sầu
Tiếng kệ hồi chuông buồn những thuở
Tơ lòng phím nhạc tủi từng câu
Còn đây giấc mộng trao ngày cũ
Vẫn đó vần thơ tặng buổi đầu
Cứ tưởng thềm xưa người mãi đợi
Ai ngờ biển đã hóa thành dâu.

Nguyễn Gia Khanh
***
Các Bài Họa:

Thôi Em Hãy Về

Rẽ lối em về chẳng giận đâu
Từ đây chánh niệm để quên sầu
Âm trầm mõ đếm hòa chung nhịp
Tiếng bổng chuông dồn hợp mỗi câu
Trả những vui buồn đêm hẹn cuối
Vùi bao tốt đẹp thuở ban đầu
Bây giờ trống trải miền tâm sự
Mãi xót xa đời chuyện bể dâu

Thạch Hãn
LCT
***

Ngõ Rẽ Tâm Tình

Xóm cũ ta về bậu ở đâu
Từ đây vắng vẻ nặng u sầu
Tơ lòng thắm đậm đau ngàn thuở
Tiếng dạ ưu phiền khổ những câu
Nỗi ước còn nơi đầy kỷ niệm
Niềm mơ giữ đó trọn khi đầu
Nhà xưa mãi tưởng tình chung thủy
Rẽ nẻo tâm tình ngấn lệ dâu.

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm
***
Tình Lỡ
(Ngũ độ thanh)


Biết bạn bây giờ ở mãi đâu?
Nhiều năm cách biệt trĩu u sầu
Hoài mong trở lại ngày quen ấy
Những ước về đi buổi hẹn đầu
Ý thỏa mà sao hờ hững dạ?
Lòng ưng vẫn cứ ngập ngừng câu?
Tình trôi dẫu nuối, khôn vời lại
Để mặc tan hòa với bãi dâu.

050518.
Đoàn Đình Sáng.
***
Vẫn Đợi
(Ngũ độ thanh)

Đêm tàn mộng vỡ, biết về đâu
Cuộc lữ người sao trốn khổ sầu
Lạc bến dầm buông vùi vạn mảnh
Oan tình giọng rả đắm ngàn câu
Kia rồi mãi cuộn đau tình cuối
Để vậy hoài xe xót nghĩa đầu
Gối mỏi đành ư, rằng vẫn đợi
Cho dù bãi bể hóa ngàn dâu.

Phan Tự Trí

Mùa Nước Nổi


Hồi nhỏ đi học cô thầy bảo "một năm có bốn mùa", tôi hình như không mấy để ý tới, vậy mà khi lớn lên bập, bập điếu thuốc trên môi thì luôn nhớ 4 câu thơ:

Xuân, Hạ,Thu, Đông đủ bốn mùa.
Thuốc thì hay hút, chẳng hay mua.
Có thuốc trong bao? Cho một điếu.
Cứ thế, quanh năm hút thuốc chùa.

Nghe người ta nói nước Mỹ thuộc vùng ôn đới, khí hậu bốn mùa rõ rệt. Vậy mà khi đặt chân lên xứ cờ hoa tôi chỉ thấy có mùa lạnh không thôi, họa hoằn lắm mùa hè thì có vài hôm buổi trưa khỏi mặt áo lạnh khi ra đường. Sống lâu thành thói quen, bước ra khỏi cửa nhà mà thiếu cái áo lạnh là tôi bị nhảy mũi liên tục. San Francisco đối với tôi chỉ có hai mùa, mùa lạnh và mùa mát. Tôi chả có thấy khác biệt gì khi so với Việt Nam, vì ở quê nhà cũng chỉ có hai mùa mưa và nắng...
Ừa! Mà lạ thật. Sao bây giờ nắng dữ quá, về thăm quê tháng nào tôi cũng thấy nắng đổ lửa, nắng cháy da, ngồi trong nhà mở quạt máy hết tốc lực mà tôi vẫn chịu thua, không tài nào ở nổi, mấy đứa em tôi nói:
- Sao bây giờ anh dở quá vậy? Tụi em nhớ hồi trước anh phơi nắng cả ngày, mình mẩy đen thủi, đen thui mà có nghe anh nói nóng niết gì đâu?
Mấy đứa cháu thì nhao, nhao lên hỏi:
-Thiệt hả cậu? Hồi đó da cậu đen thiệt à? Sao bây giờ trắng quá vậy?
Tôi chỉ biết cười mà trả lời với chúng:
- Người Việt thì da vàng chứ làm gì mà có màu đen hay trắng. Chẳng qua là lúc nhỏ cậu ra đồng không chịu đội nón lá, mà chỉ khoái bịt cái khăn trên đầu, vì vậy mà ánh nắng sơn thêm một lớp màu nâu đậm, nhìn đẹp hơn, còn bây giờ ở nhiều trong mát, không thấy nắng mà chỉ thấy sương mù, vì vậy bị mù sương phủ lên một lớp chứ có phải lột da hay thay đổi gì đâu...
Thằng út Nghiệp con nhỏ em kế chạy lại ôm cổ tôi nói:
- Vậy là con giống cậu rồi, ra đồng con cũng không thèm đội cái nón lá mà chỉ khoái chơi cái nón kết lên đầu thôi .
- Ừ! Tại hồi xưa không có nón kết nên cậu mới xài khăn, chứ bịt cái khăn trên đầu còn lòng thòng hai sợi râu nhìn mất thẩm mỹ quá đi, cậu thấy nón kết đẹp hơn nhiều. 
Cô giáo Ngân ôm bụng cười:
- Anh hai bây giờ tiếu lâm quá.
Mấy đứa cháu cùng lên tiếng một lượt:
- Vậy mới đã chớ dì út. Nghiêm nghị quá đâu có vui.
Thằng Mẫn con nhỏ em thứ hỏi:
- Nghe bà ngoại nói "Nghề ruộng cái gì cậu cũng biết hết". Vậy bây giờ cậu có còn nhớ không? Hay là lâu quá, không ra đồng nên quên hết rồi?
Tôi cười cười hỏi lại nó:
- Con muốn rủ cậu đi đâu? Bây giờ là gần cuối tháng chín rồi nước nổi lênh đênh trên ruộng có gì vui ngoài đó đâu? 

Nước nổi dâng cao 
Dân chúng lao xao
Không còn xu nào 
Làm sao mà sống?
Tối ngày trông ngóng 
Cho nước rút mau...

Thật ra mùa nước nổi, là mùa khổ cực nhất của dân quê. Năm nào nước ít thì đỡ khổ còn năm nào nước lớn như năm nay lại nguy hiểm vô cùng .
Ngày xưa dân ruộng làm một vụ lúa. Canh tác lúa chỉ dựa vào thời tiết, lệ thuộc hoàn toàn vào ông trời, bởi thế mới có nhiều hủ tục cúng kiến cầu cho mưa thuận gió hòa, vậy mà cứ vài ba năm là có một năm nước dâng cao làm ngập lút ngọn lúa, nhận chìm tất cả hy vọng của người dân dưới cánh đồng thân yêu...
Tôi nhớ lúc còn nhỏ làm ruộng cũng vui lắm vào tháng năm âm lịch khi mà mưa xuống nhiều, đất ruộng bắt đầu ngập nước, thì mọi người be bờ gieo mạ. Không nhớ là bao lâu thì mới dọn đất cấy lúa. Hồi cuối thập niên 50 người ta dọn đất để cấy bằng cách phác cỏ. Đất phải có nước lép xép thì phác cỏ mới được, đất còn khô thì không thể phác. Cỏ phác xong để một thời gian cho mục bớt, rồi dùng trâu mà trục cho đất sình đè lên nhận cỏ xuống để làm phân hữu cơ luôn. 
Nếu có trâu hay có tiền mướn trâu cày đất thì tốt hơn. Đất có nước thì trâu mới cày nổi, đất khô rang thì không thể làm gì khác hơn là chờ trời mưa...Đất cày xong cũng phải chờ một thời gian cho nó rả ra, cỏ mục bớt rồi mới xem coi nên bừa hay trục cho nhuyễn để mà cấy .

Những nông dân nghèo, không tiền mướn trâu thì dùng cây cào rê mà cào cỏ đấp thành giồng, nếu gốc cỏ chưa mục thì bắt buộc phải mướn trâu trục qua một lần cho nó xẹp bớt xuống thì cấy lúa mới được, để nguyên gốc cỏ thợ cấy chẳng có ai dám giúp, vì gốc cỏ còn cứng, nó đâm lủng tay ...
Đất dọn xong thì nhổ mạ bó thành từng bó lớn trước ngày cấy để đều trên mặt ruộng ...
Cấy lúa là do phái nữ đảm trách đa số là con gái mới lớn, thanh niên ít có ai đi cấy, mấy cô cấy giỏi thì mỗi người một công, dở thì 2 người nhập một. Ở quê tôi người ta dùng đơn vị đo đất là "công". Một công đất là 144 tầm vuông, một tầm dài 3 mét vị chi là 1296 mét vuông.
Lúa mùa có sức đề kháng chống sâu bọ rất cao, từ khi cấy cho đến khi thu hoạch, người nông dân không cần phải xịt bất cứ loại thuốc trừ sâu nào, vì vậy môi trường rất tốt cho tất cả các loài tôm cá, mặt tình cho chúng sanh sôi nẩy nở...

Qua đầu thập niên 60 người ta nhập cảng máy cày vào, mùa khô lúa thu hoạch xong, nông dân bắt đầu rải rơm đốt gốc rạ rồi mướn máy cày, cày đất để phơi, khi mưa xuống thì bừa đất mà xạ lúa trực tiếp, không qua giai đoạn gieo mạ cấy lúa như trước đây nữa. Con gái bị thất nghiệp chỉ còn đi nhổ cỏ và giậm lúa mà thôi.
Lúa mùa có nhiều loại, nấu cơm vừa thơm vừa dẻo như: lúa thơm, móng chim, nàng hương...những giống lúa nầy không cho năng xuất cao như lúa ba túc, lượm trắng...
Lúa ở quê tôi thân cây không được cao lắm, chỉ vào khoảng 90cm tới một mét vì vậy năm nào nước dâng cao là lúa bị bà Thủy lấy đi hết, dân chúng không còn một hột nào nhét kẻ răng, tới mùa thu hoạch thì tủa ra bốn phương, tám hướng đi làm mướn nuôi gia đình...
Ba tôi khi bị một năm nước ngập mất trắng thì về Sa Đéc tìm mua giống lúa "Xa-Quây" (tên giống lúa đó tôi chỉ nghe nói chứ chưa hề thấy chữ viết bao giờ) lúa nầy chỉ có 4 tháng là thu hoạch, trong khi lúa mùa phải từ 7 tới 8 tháng mới thu hoạch. Nhờ thời gian tăng trưởng ngắn nên lúa Xa Quây thu hoạch trước khi nước dâng cao, sau nầy người ta làm lúa Thần Nông thời gian tăng trưởng càng ngắn hơn chỉ chưa đầy 3 tháng là thu hoạch rồi...

Trở lại câu hỏi của tôi, thằng cháu nói:
- Con đâu có rành chuyện đồng án. Mấy cậu lối xóm kêu con thì con nói lại cho cậu nghe thôi mà.
- Nhưng mà lúc nầy có giống gì ở ngoài đồng đâu mà rủ rê? Cậu chỉ thấy toàn là nước với nước không mà thôi...
Năm Tùng con cô Năm tôi trả lời thế:
- Có chớ anh hai. Mùa nầy đi đâm chuột, đâm rắn cũng có khi trúng mánh vớt được một hai con rắn hổ là đở nghèo.
Nghe tới rắn hổ làm tôi nhớ thằng Tài nên ngồi lặng thinh mà thả hồn về thời thơ ấu. 
Năm Tùng tưởng tôi sợ nên nói thêm:
- Tư Phụng, Ba Ngữ, Sáu Hiền kêu em chở anh theo cho vui, mấy ảnh nói "anh không ra ruộng lâu ngày chắc là chèo chống không nổi đâu".Vì vậy biểu em chở anh đi xem chơi thôi, cho đở nhớ.
- Con khỉ khô! Chống xuồng thôi chứ có làm giống gì nặng nhọc đâu mà nổi với không? Đi thì đi chứ sợ ai mà hổng dám?

Đám bạn đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ từ chỉa một mủi, chỉa 2 mủi, cù ngoéo để bắt rắn, mỗi xuồng 2 người, cha con Sáu Hiền, tía con Tư Phụng, tía con Ba Ngữ, thằng Mẫn theo Năm Tùng còn Út Nghiệp cũng đòi theo tôi chơi cho biết. Năm chiếc xuồng căng hàng ngang chống về phía kinh tư.
Nước trên ruộng sâu cả thước, những bờ mẫu ngập "lút cà tha". Gốc rạ đã được trục cho chìm dưới nước, từ lúc lúa vừa mới thu hoạch, cả một cánh đồng trắng xoá toàn là nước, những cơn sóng nhấp nhô trải dài tới tận những bờ kinh có cây cối xanh rì. Những con kinh đó bây giờ có khá đông người ở. Tôi hỏi Tư Phụng:
- Tụi mình tính đi đâu vậy? Chổ nào cũng nước không thôi có gì lạ đâu mà coi?
- Mầy nhiều chuyện quá, cứ đi theo đi, nhưng mà mình cũng nên ghé nhà chú Út, đốt nén nhan cho thằng Tài, hổng chừng nó dắt mình tới chỗ còn rắn hổ để mình bắt mà trả thù cho nó...
Ba thằng Tài sau "giải phóng" đã bán miếng đất rồi dọn về kinh tư ở. Khoảng hơn nửa giờ sau là chúng tôi tới nhà chú Út. Kinh tư nhỏ hơn sông Cái Sắn rất nhiều, nền nhà hai bên bờ sông rất thấp cho nên nước trong nhà ngập lên cả tấc, phải dùng ván bắt làm cầu để mà đi lại, bất tiện vô cùng.Thấy bốn đứa tôi vô thăm, chú thím Út nhớ con khóc mùi mẫn...
Ngồi hỏi thăm chuyện cũ, chuyện mới một lúc, hai đứa em út của thằng Tài xung phong theo tụi tôi đi đâm chuột trên lung chuối nước, cách đó hơn cây số. 
Vừa cầm cây sào lên, hai bàn tay tôi đau nhói, nhìn kỷ lại thì bì phồng 5, 6 cục sắp bể. Thì ra lâu ngày không làm nặng, da tay tôi mỏng vánh như cánh chuồn chuồn cho nên chống xuồng một lúc là bị phồng rồi, nhưng vì hăng tiết vịt nên tôi không cảm thấy đau, cho đến giờ đó mới phát hiện ra. Thấy tôi đứng chết trân như Từ Hải, Tư Phụng cặp xuồng sát bên hỏi:
- Sao vậy? Chống hết nổi rồi hả?
- Nổi chìm gì nữa, tay bị phồng hết rồi.
Thằng Quy con nó nhảy qua xuồng tôi nói:
- Chú ngồi đi, để con chống cho.
Vậy là phải trao đổi tù binh, Út Nghiệp đi chung với Tư Phụng, tất cả một tiểu đội do Út Hợi và Út Chót em thằng Tài dẫn đầu, trực chỉ lung chuối nước để kiếm chuột mà đâm.
Lung chuối nước là một con lạch nhỏ, cạn, nằm giữa kinh tư và kinh năm, trước năm 1975 nó là căn cứ địa của chuột, rắn và đủ loại cá, cỏ mộc um tùm quanh năm suốt tháng, lòng lạch trũng sâu hơn đất ruộng, hai bên bờ thì đất bị gò nên hơi cao, rất khó canh tác vì vậy ngày xưa đám cỏ bề ngang dầy có hơn 50 mét, bề dài gần 2 cây số. Sau nầy đất canh tác hiếm dần, nông dân dùng máy cày cải biến thành máy ủi, lấy đất gò lấp đất trũng, nên lung chuối nước bây giờ còn lại hẹp lắm, bề ngang chưa đầy 10 mét. Sáu chiếc xuồng chia làm hai bên,18 con mắt cú vọ cùng sáu con mắt chim sẻ, đang xâm soi trong đám cỏ dầy tìm xem coi có con chuột nào còn sót lại sau nhiều trận càng quét của người dân không...
Lâu lâu nhìn thấy một cục cỏ bằng cái tô quấn lại, tức thì ba, bốn mủi chỉa chọt vô một lúc, mong mỏi sao trong đó phát ra tiếng kêu "chét, chét". 

Đi khoảng hơn trăm thước mà chưa gặp một chú chuột nào, tôi đâm chán:
- Hay là mình trở vô trong xóm, xem coi nhà ai còn vịt nuôi, mình hỏi nài mua lại ít con coi bộ dễ hơn, đi kiểu nầy chuột đâu không thấy chỉ thấy cỏ lát với nước không thôi.
Sáu Hiền lên tiếng:
- Mầy làm gì mà nóng quá vậy, còn cả hơn cây số hổng lẽ tụi nó bắt hết rồi sao?
Chưa dứt lời thì anh ta chọt vô một ổ chuột nhưng không đâm trúng, hai con chuột phóng xuống nước lội đi, cả chục cây chỉa phóng theo nhưng nó lặn mất. Chín người chuyên nghiệp chăm chú nhìn theo, khoảng ít phút sau một con nổi lên gần xuồng tôi, tôi chưa kịp lên tiếng chỉ


cho thằng Quy thì mủi chỉa của nó đã xuyên thẳng ngang cần cổ con vật đáng thương rồi, con chuột không kịp kêu tiếng nào, thằng Quy kéo chỉa về, đưa lên khoe chiến lợi phẩm, thằng Đức con Sáu Hiền cũng không kém, con còn lại cũng bị nó xỏ ngang hông...
Đâm được hai con chuột ốm tong teo vì thiếu thức ăn tôi càng chán dữ hơn:
- Chuột ốm nhom, ốm nhách mà ăn uống ngon lành gì?
Tư Phụng cười trả lời:
- Mầy tưởng như thời mấy mươi năm trước à? Bây giờ chuột ít người đông, ốm hay mập gì cũng lượm ráo trọi hết...

Sáu chiếc xuồng ruồng bắt hơn một tiếng đồng hồ mà chưa được năm chục chuột. Tụi tôi đậu lại sát vào nhau ngồi nghỉ mệt, thằng Mẫn thủ theo cây thuốc 3 số 5 phát cho mỗi xuồng một gói nó nói:
- Mấy cậu hút cho thơm râu, biết đâu lát nữa mình gặp nhiều chuột thì chiều nay đánh một trận lớn chơi cho đã đời...
Thấy mấy đứa con của đám bạn cầm gói thuốc 3 số 5 gõ gõ xuống sạp xuồng mà không chịu khui, còn đám bạn thì kéo thuộc rê ra vấn hút. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao vậy ? Thuốc đó lạt không đủ đô sao mà hút thuốc rê?
Thằng Quy vội trả lời:
- Hổng phải đâu chú. Con muốn để dành đãi khách lấy le chơi thôi.
- Chứ hổng phải tụi bây để dành qua quán cà phê hút hù con gái sao? Sáu Hiền chêm vô.
Tư Phụng vừa nói vừa cười:
- Thì tụi nó giống mầy mà...

Tôi ngồi tán dóc với 2 đứa em thằng Tài tụi nó kể chuyện về cuộc sống khó khăn của mùa nước nổi rồi còn cho biết thêm:
- Chiều hôm qua hai đứa em ghé vô đống rơm trên đầu đất nhà, tụi em nghi nghi có rắn rút vô đó, hai đứa em đâm một hồi thì thằng Chót chọt dính, em tốc rơm gần tới thì nó bẻ chỉa rút mất vô trong, phải mà bắt được nó rồi đem bán đi, mua lại táo gạo cũng đở nghèo .
Tôi còn đang chết lặng vì cảnh nghèo của nhà nó thì Sáu Hiền lên tiếng:
- Sao nãy giờ mầy hổng nói? Hay là mầy tính để tụi tao dìa rồi hai anh em bây trở lên đó?
Út Hợi cải lại:
- Tui mà tính vậy thì kể lại cho mấy anh nghe làm chi?
- Thôi mà anh Sáu, ghẹo tụi nó làm gì? Bi giờ tụi mình lên đó xem thử coi thể nào. Năm Tùng lên tiếng. 
Sáu chiếc xuồng được chống trở lên phía kinh tư, tới miếng đất nhà thằng Tài. Đống rơm không lớn lắm khoảng bằng căn nhà nhỏ nhưng vì nước ngập cao gần phân nửa, rồi nước mưa làm cho xẹp bớt cho nên nó chỉ còn cao hơn mét mà thôi. Sáu Hiền nghiên cứu địa hình rồi nói:
- Nắm chắc là có rắn rồi, không hổ hành thì cũng hổ đất.
Thằng Mẫn thắc mắt hỏi lại:
- Làm Sao cậu biết được?
Sáu Hiền lên giọng ta đây:
- Cậu mầy mà, tao hổng biết thì ai vô đây biết mậy?
Thằng Hợi cũng đâu chịu thua:
- Tui thấy một khúc cỏ cả trăm thước không còn con chuột nào là tui nghi rồi, anh làm như chỉ có mình anh là giỏi hổng ai bằng ...

Sáu chiếc xuồng chia đều ra bao vây đống rơm,10 cây chỉa thay phiên nhau đâm thăm dò từng li từng tí. Đâm chừng 10 phút khu vực gần xuồng chưa thấy tâm hơi gì, thằng Thắng con ba Ngữ định nhảy xuống đống rơm thì tía nó cản lại:
- Từ, từ thôi mầy, xôm kỹ xa xa một chút rồi mới xuống.
Ba Ngữ chưa dứt lời thì thằng Quy kêu tôi:
- Chú Hai, cầm cứng cây chỉa dùm cho con, hình như con đâm trúng rồi.
Tôi bước tới đầu xuồng hai tay giữ chặt cây chỉa, con vật phía dưới đang gồng mình vặn vẹo cố thoát thân. Thằng Quy nhanh như cắt dùng cây móc móc tung những lớp rơm trên mặt đi, cách đó chưa đầy một mét Sáu Hiền kêu lên:
- Tao hình như cũng đâm dính rồi.
Cây chỉa của tôi cầm không còn vặn vẹo mạnh nữa mà yếu dần đi. Chưa đầy ba phút là chỗ rơm đó bị tốc lên hết con rắn đen ngòm được thằng Quy móc lên, bên phía đằng bụng còn Sáu Hiền thì móc bên phía đằng đầu. Thấy con rắn hơi lớn tôi đâm hoảng kêu lên:
- Mầy chặt đầu nó cho chết đi rồi hãy kéo lên.
Sáu Hiền cười lớn trả lời:
- Mầy qua Mỹ ăn thịt thỏ riết rồi bị điên chắc. Rắn hổ người ta bắt sống để lấy mật và máu, mầy kêu tao chặt đầu bỏ thì còn gì giá trị của nó? 
Sáu Hiền nói xong thì kêu thằng Quy lấy cây cù ngoéo đè đầu con rắn cho nó hả họng ra, còn nó thì chọt cây cù ngoéo khác vô họng mà nạo sạch hai hàm răng, làm xong nó còn cẩn thận lấy dây chì buộc một cái vòng trên cần cổ rồi mới kéo cây chỉa ra. Con rắn cũng lớn lắm, nó nói chắc phải hơn ba ký nhưng tìm mãi không thấy cái thẹo trên mình như thằng Hợi nói, Sáu Hiền quả quyết như đinh đóng cột:
- Chắc là còn một con nữa, rắn hổ thường sống một cặp, tụi bây coi chừng cẩn thận một chút .
Mười cây chỉa lại tiếp tục xôm kỷ hơn, cuối cùng rồi con còn lại cũng bị tóm cổ, nhìn chổ tét da cách khúc đuôi chừng 3 tấc Sáu Hiền quả quyết con đó đúng là con rắn mà thằng Hợi làm xẩy mất hôm qua...

Cả bọn ghé lại nhà chú Út định cho chú một con để bán mua gạo nhưng chú cương quyết từ chối. Tụi tôi rủ chú xuống bờ sáng nhậu chú cũng từ chối luôn chú nói :
- Anh em tụi bây lâu ngày mới gặp lại, chơi với nhau cho vui đi, tao xuống đó làm kỳ đà cản mũi à...
Tụi nó để lại chục chuột cho thím Út rồi kéo anh em thằng Hợi đi theo...
Hai con rắn hổ được Sáu Hiền treo ngược đầu lên cắt cổ cho máu nhiễu xuống cái thau lớn, trong đó có chứa hai lít rượu gốc, hai cái mật được giữ cẩn thận để đem ra chợ bán...Thịt rắn thì làm mồi nhậu. Sáu Hiền đưa tôi thử một ly ...
Thú thiệt món rượu rắn nầy ngày xưa tôi cũng có nghe nói nhiều nhưng chứng kiến tận mắt thì chưa vì vậy nó đưa tới là tôi chịu thua từ chối liền.
Tư Phụng ba Ngữ cùng cười:
- Rượu quý mà hổng dám uống. Có mầy tụi tao mới chơi sang để 2 con rắn lại nhậu, chứ nếu không thì đem bán mà chia tiền ra mất rồi. Hai con nầy ít nhất bán cũng được 2 triệu chứ chơi sao? 
Tôi buộc miệng nói: 
- Nghèo mà chơi sang dữ vậy à?
Bốn đứa cùng cười rồi trả lời một lượt:
- Chứ sao? Nghèo mới chơi sang, vì chơi sang nên mới bị nghèo...(đó là cái vòng lẫn quẫn của dân quê)

Tôi thì vẫn còn nghèo nên cũng muốn chơi sang vì vậy bắt thằng Mẫn đi mua bia Sài Gòn cho tụi nhỏ, còn rượu đế cho tụi tôi, rồi dặn nó mua thêm mỗi nhà một bao gạo để ăn cho qua mùa nước nổi...

Lanh Nguyễn

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2018

Tình Yêu Và Tiếc Nhớ

Những hình ảnh từ Internet đã gây nhiều xúc động. 
Xin mượn hình ảnh này và ghi lại cảm xúc theo hướng suy nghĩ riêng tôi.


Đôi mắt buồn hiu nhớ buổi nào
Lần ly biệt ấy ngỡ chiêm bao


Làm sao tìm lại thời xanh mộng
Hương ái cảm hoài thỏa ước mong


Hò hẹn trở về nỡ vội đi
Lòng đau chết lặng chẳng còn gì


Thương tiếc ôm chầm sao bậu lại
Rũ bỏ muôn trùng xếp cánh bay


Gọi người thảng thốt đến tàn hơi
Tiếng vọng âm vang uất nghen lời


Chơi vơi một bóng đời hiu quạnh
Khan giọng gọi tình giữa chiều rơi!

Kim Oanh
31/5/2018
*Ảnh sưu tầm từ Net

Cô 9 Kim Oanh ơi!
Hôm nay anh Song Quang đọc trong Blog LêThi Kim Oanh thấy có mấy vần thơ "Tình Yêu Và Thương tiếc" qua cảm nhận của cô 9 khi thấy những hình ảnh trên Internet đầy thương tâm của một đôi chim yêu nhau và tình yêu đã ...chết.
Anh Song Quang cũng xin nhìn hình ảnh đó qua sự cảm xúc của mình xin gởi đến Blog của cô nhé.

Thương Tình


Dõi mắt nhìn theo bóng một người
Nhưng nào đâu thấy,vắng tăm hơi
Tình sao đã vội quên thề nguyện?
Và cả hương xưa cũng nhạt rồi!

Người đã ra đi chẳng một lời
Đã làm tình chết...lặng hồn tôi
Làm sao có thể...vơi niềm nhớ?
Dù cách xa nhau đến cuối trời!

Đã gọi tên nhau đến khản lời
Nhưng tình chẳng vọng tiếng...im hơi
Rồi mơ đã thấy...từ phương ấy
Hình bóng tình ta đã....chết rồi


Song Quang
6/4/2018

Ngỏ Lời Với Chim - Vườn Thơ Thẩn



Bài Xướng: Ngỏ Lời Với Chim

Chim ơi! trời rộng hãy tung bay
Vui thú chi đâu ở chốn nầy
Dù có lồng son, sâu nhộng đủ
Với nhiều gạo thóc, nước trong đầy
Sao bằng nhảy nhót ngoài sân cỏ
Hay được lượn lờ khắp ngọn cây
Trong cảnh tự do đời vẫn đẹp
Đừng vì vật chất phải xa bầy

Song Quang

5/29/2018
***
Các Bài Họa:
Đàn Chim Việt

Chim buồn vận nước bỏ trời bay,
Tìm đến tự do mảnh đất nầy.
Hiến pháp nhân quyền luôn bảo vệ,
Tình người bác ái mãi đong đầy.
Xinh tươi đại lục bao la biển,
Đẹp đẻ thác ngàn vĩ đại cây.
Cảm tạ vòng tay, lòng rộng mở
Ngày về mộng ước gọi vui bầy.

Mailoc
5-29-18
***
Cá Chậu Chim Lồng

Cá nước chim trời thoải mái bay
Lồng vàng, chậu ngọc, sợ nơi này
Đại dương, sông suối, thiên nhiên đủ
Đất cát, núi non, cái tổ đầy
Khó sánh bằng quê hương gốc gác
Không so nổi bến biển rừng cây
Lẻ loi nằm ngủ rồi ăn uống
Thiếu bạn ngồi xơi cũng lạc bầy

Mai Xuân Thanh
Ngày 30 tháng 05 năm 2018
***
Gọi Đàn

Mất mẹ lìa đàn vỗ cánh bay
Bơ vơ đất khách trọ nơi nầy
Nhớ về tổ ấm trời cao rộng
Thương tiếc lồng son cảnh đủ đầy
Cất giọng vang rền sông với núi
Gọi hồn náo động cỏ cùng cây
Tương phùng giây phút luôn chờ đợi
Chim Việt cành Nam sớm họp bầy

Kim Phượng
***
Chim Non Rời Tổ

Đủ sức, chim non cất cánh bay
Không buồn ngoái lại khoảng sân nầy
Có lồng son đẹp đang chờ sẵn
Và thức ăn ngon đã dọn đầy
Đến với trời xanh tràn nắng gió
Tìm về hạnh phúc với vòm cây
Dù bao bất trắc ngoài giông bão
Vẫn chọn tự do giữa nhóm bầy.

Phương Hà

***
Hạnh Phúc Là Đây

Rất thích tung hoành thỏa sức bay
Nhưng vì bị nhốt bởi tù này
Bên ngoài trời đất thênh thang rộng
Mặc xác lồng son đủ thứ đầy
Chỉ muốn vươn cao đôi cánh nhỏ
Để nhìn vẻ đẹp của ngàn cây
Líu lo sáng hót vui ngày mới
Chiều xuống về non rộn rã bầy

Quên Đi
***
Chim Về

“NĐT”

Thôi rồi gảy cánh giữa đường bay

Bỏ vạt sa trường chính chỗ này
Những ước tung hoành tâm chẳng cạn
Và mong thảo luận trí luôn đầy
Dù thăm thẳm đợi nguồn khe suối
Vẫn thiết tha tìm nẻo cội cây
Bản quán chờ chim về gặp gỡ
Mà ôn kỷ niệm lúc tan bầy

Như Thị
***
Tự Do Vô Giá


Vội vã hoàng hôn mỏi cánh bay
Vì sao ta phải biệt nơi nầy
Cố hương hay vậy dù lương đủ
Viễn xứ nào đâu mãi phúc đầy
Thà được tung hoành vui với bạn
Còn hơn giam hãm xót cho bầy
Mai rồi giữa ánh bình minh rạng
Tổ ấm ai về rợp bóng cây.

Phan Tự Trí

Ngỏ Lời Với Chim - Vườn Thơ Hoa Duyên


(Ảnh chụp - Nguyễn Thành Tài)

Bài xướng: Ngỏ Lời Với Chim

Chim ơi! trời rộng hãy tung bay
Vui thú chi đâu ở chốn nầy
Dù có lồng son,sâu nhộng đủ
Với nhiều gạo thóc ,nước trong đầy
Sao bằng nhảy nhót ngoài sân cỏ
Hay được lượn lờ khắp ngọn cây
Trong cảnh tự do đời vẫn đẹp
Đừng vì vật chất phải xa bầy

Songquang
***
Các Bài Họa:


(Ảnh chụp - Nguyễn Thành Tài)

Hạnh Phúc Đời Chim

Hạnh phúc một đời tung cánh bay
Vui nghiêng chốn ấy, lượn phương nầy
Tung hoành ngắm cảnh : trời xanh ngắt
Ngang dọc nhìn mây : dãy trắng đầy
No ấm cậy nhờ trên ruộng lúa
Lạnh lùng nương tựa dưới tàn cây
Không nhà, không cửa, không cơ nghiệp
Sống giữa trần gian sợ lạc bầy!

Nguyễn Thành Tài
02-6-2018
***
Ngỏ Lời Với Chim

Chim hỡi!...Trời cao rộng cánh bay
Đừng như người tỵ nạn nơi nầy
Đành cam vướng họa đời trai lụn
Phải chịu ly hương mắt lệ đầy
Dẫu ở lồng son cùng cửa ngọc
Mong về đất tổ với rừng cây
Chào mây đón gió ngàn phương ấy
Gẫm lại mình đau nỗi rã bầy!...

Sỹ Bình
***
Chim Lạc Đường Bay

Không ngờ chim lạc hướng đường bay
Đậu ở cành xa lạ xứ nầy
Đã mấy mươi năm trên đất khách
Chưa về quê cũ tình thương đầy
Đôi lần thầm nghĩ mà vương vấn
Lúc ấy nhảy chuyền khắp nhánh cây
Tổ ấm vỡ tan sau bão táp
Lâm vào hoàn cảnh rã rời bầy

Minh-Hồ
01.06.2018
***
Mong Ngày Hội Ngộ

Thỏa bóng chim trời sải cánh bay
Tìm nơi thỏa thích bỏ nơi này
Xa nơi lạm chức tranh danh lắm
Lánh chốn tham quyền giật lợi đầy
Vạn dặm trời xa lìa bản quán
Muôn trùng nẽo thẳm biệt nguồn cây
Mơ ngày hội ngộ chim về tổ
Họp tụ đoàn viên với bạn bầy

Hương Thềm Mây
GM.Nguyễn Đình Diệm 

02.6.2018
***
Tùy Hoàn Cảnh

Khi chim bị nhốt khó mà bay!
Vẫn biết trời mây diệu vợi này.
Đã trót vô lồng khi bị nhốt,
Làm sao có thể lượn tung đầy ?
Chim lồng tù túng khôn bay bổng,
Cá chậu vẫy vùng khó đến cây.
Khỏi sợ cung tên hay súng đạn,
Yên tâm chịu khổ tách xa bầy.

Thanh Khang
Toronto 2-6-2018!?
***
Chim Bay

Gần bốn chục năm thoát cánh bay
Nam Hà tháng 7 đúng ngày nầy (*)
Buồn đau bỏ lại-tâm thân nhẹ
Phấn khởi mang theo-sức sống đầy
Những ước quê hương xanh ruộng lúa
Càng mong đât mẹ trĩu cành cây
Trái thơm quả ngọt dâng đền tổ
Con cháu Rồng Tiên hết lạc bầy.

Thái Huy
(*) 1/7 /1979 được cho về từ trại Mễ
một phân trại của Nam Hà gần Phủ Lý,
***
Chỉ Là Mộng!

Tháng đợi năm chờ mãi ước bay
Người ơi có hiểu thấu tim nầy
Nhiều khi muốn tỏ câu nào trọn
Lắm buổi thầm lo ý chẳng đầy
Khắc khoải lòng đau hoài sóng nước
Bùi ngùi lệ đẫm nhớ nhành cây
Nồng nàn giấc điệp khung trời vỗ
Cánh xoải mừng vui gọi cả bầy.

Như Thu

Cạn Chén Tủi Hờn

 


Bài Xướng:
Cạn Chén Tủi Hờn

Uống đi cạn một chén đầy
Ngậm vành trăng cũ đã gầy nhớ thương
Mười phương ngong ngóng một phương
Mấy ai ly khách tha hương trở về
Uống đi cạn đáy não nề
Hỡi chàng trai Việt mất quê tủi hờn
Đôi ta đợi chết mỏi mòn
Lặng thinh đêm xuống héo hon bên trời

Hồ Công Tâm

***
Các Bài Hoạ:


Lòng Đau Canh Cánh

Nước Nam một khối tình đầy
Hình cong chữ S dáng gầy yêu thương
Ấm no bờ cõi muôn phương
Dòng chung lưu thủy ly hương hướng về
Nhưng ai vấy đục nặng nề
Ba miền thành thị thôn quê oán hờn
Tự do hoài vọng hao mòn
Lòng đau canh cánh héo hon đất trời

Kim Oanh
Australia 2018
***
Bên Trời Xứ Lạ

Tay nâng chén đắng vơi đầy
Mai kia xứ lạ vóc gầy tiếc thương
Mắt mờ lưu lạc viễn phương
Khí hùng nào tử cố hương quay về
Can trường chiến bại không nề
Trường sơn sương trắng đất quê nỗi hờn
Chân bon dạ sắt chẳng mòn
Thân rày trăm héo ngàn hon ý trời

Kim Phượng
Australia 2018
***
Bên Chiếc Bóng Gầy

Đêm tàn nến lụn trăng đầy
Ta ngồi bên chiếc bóng gầy mà thương
Kể từ xứ lạ tha phương
Ngậm ngùi tưởng nhớ cố hương...ngày về
Bao năm không ngại chẳng nề
Thương về đất mẹ, dân quê ngậm hờn
Niềm tin ngày mỏi tháng mòn
Tàn đêm bóng với trăng hon héo dần

Kiều Mộng Hà
Austin, Dec 5th 2018
***
Giữ Lửa
Lửa hờn còn vẫn đong đầy
Trường thiên biển hận thân gầy dáng thương
Ta từ lạc bước bốn phương
Nắng mưa tình nhớ cố hương lối về
Môi hồng mắt biếc không nề
Trăng thề soi sáng bóng quê căm hờn
Tuổi đời năm tháng hao mòn
Chì còn lại héo với hon giăng trời

Toronto 5/12/2018

Nguyên Trần

Singapore: Từ Thế Giới Thứ Ba Đến Thế Giới Thứ Nhất

Hình 1: Thác nhân tạo (Ảnh: T&ST). 

"Từ Thế giới thứ ba đến Thế giới thứ nhất" là tựa đề quyển hồi ký của ông Lý Quang Diệu mà tôi đã có dịp đọc vài năm trước. Tôi ghé Singapore trên đường từ Nhật trở về Úc trong một buổi chiều tháng Tư nóng và ẩm. Cái nóng nhiệt đới và hơi ẩm trong không khí tạo ra một thứ mùi mà tôi gọi là "mùi Sài Gòn" thường cảm nhận được mỗi lần trở lại Việt Nam. Mùi Sài Gòn cũng phảng phất ở phi trường Changi. Phi trường là cổng chào của một quốc gia và Changi rất thành công trong việc phục vụ hành khách. Tôi nhớ lại câu chuyện của người thân có lần đặt chân đến Singapore ở cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Trên đường từ phi trường đến trung tâm thành phố, người thân của tôi bị tính tiền cước hơn 5 lần bởi ông taxi cố tình chạy lòng vòng. Câu chuyện vẫn ám ảnh tôi nhiều năm cho đến lúc tôi bước xuống phi trường Changi đi tìm phương tiện di chuyển vào thành phố. Nỗi lo sợ bị "chặt chém" nhanh chóng tan biến khi tôi nhìn giá cước taxi phỏng chừng được trưng bày ở các bến taxi trong phi trường. Nhưng tiện lợi nhất có lẽ hệ thống xe buýt công cộng di chuyển hành khách đến hàng trăm khách sạn ở trung tâm thành phố với giá đồng nhất $9 Singapore (S$1 = 80 cents US).

Tôi có một thói quen là quan sát nhà vệ sinh của phi trường để có một khái niệm tổng quát về trình độ văn hóa và vệ sinh của một thành phố hay một nước mà tôi đặt chân tới. Một thói quen hơi khác thường nhưng lại là thước đo không kém phần chính xác nếu được ghi lên biểu đồ thống kê. Phải công bằng nói rằng nhà vệ sinh của phi trường Haneda (Tokyo) hiện đại và sạch sẽ bậc nhất thế giới. Changi chưa sánh kịp với Haneda nhưng có một chuẩn mực vệ sinh rất cao so các nước mà tôi đã đi qua. Sự tiến bộ này không phải do ngẫu nhiên mà có. Trong một nước có nhiều sắc tộc di dân như Singapore họ mang theo sự nghèo khổ và thói quen lạc hậu. Như phần lớn ở các nước châu Á, vệ sinh chung từng là một khái niệm xa lạ trong xã hội Singapore. Để cải tạo ý thức vệ sinh, chính phủ Lý Quang Diệu lúc bấy giờ đưa ra đạo luật "cấm khạc nhổ", "cấm nhai kẹo cao su", "cấm xả rác" và "phải xả nước nhà cầu" rằng ai hành sự xong mà không xả nước sẽ bị phạt tại chỗ S$200. Vào những thời điểm gay go trong phong trào tận diệt thói quen xấu, chính phủ không ngần ngại chi tiền cho đoàn người đi tuần tra thường xuyên hay thậm chí gắn máy ảnh quan sát trong phòng vệ sinh bắt kẻ phạm tội. 

Con đường từ Changi dẫn vào trung tâm thành phố dài 20 km phủ một màu xanh với những hàng cây to rợp bóng hay những công viên đầy màu sắc của những cụm hoa nhiệt đới, xa xa là những tòa chung cư cao tầng lợp ngói đỏ hay các tòa nhà thương mại với kiến trúc hiện đại. Ngoài những xa lộ thông thoáng, tôi ngạc nhiên tại sao họ có thể dành một số lớn đất đai cho cây xanh và công viên trong khi diện tích Singapore (700 km2) với 6 triệu cư dân cộng 1 triệu dân nhập cư lao động có mật độ 8.000 người/km2 gấp đôi so với 4.000 người/km2 của thành phố Hồ Chí Minh (diện tích 2.000 km2). Tại sao "Hòn ngọc Viễn Đông" của ta quá nhếch nhác trong khi Singapore lại hiện đại đến thế? Vài ngày ở đây, tôi cố tìm ra lời giải đáp. 

Khách sạn tôi ở ngẫu nhiên gần phố Bugis. Ở đây người người qua lại buôn bán tấp nập. Bugis có dáng dấp của một khu phố bình dân có nhiều góc khuất tối tăm trong quá khứ nhưng giờ đây đã được cải thiện theo nếp sống văn minh. Khu phố này có một nơi tập trung gần 100 quán ăn nhỏ bán đủ loại thức ăn, đồ uống bình dân Hoa, Ấn, Mã. Từ sáng đến chiều dập dìu thực khách ra vào ăn uống. Tôi đến đây dùng cơm sáng, cơm trưa, cơm chiều với một thực đơn đơn giản; tiêu biểu là buổi sáng một đĩa mì Singapore và một ly cà phê vợt, buổi trưa một tô súp bò vò viên, buổi tối một đĩa cơm rang Mã Lai có gia vị sambal của quán bà người Mã và chè ngọt sâm bổ lượng có gia vị sầu riêng của quán bà người Hoa bên cạnh. 

Tập trung các quán ăn đường phố vào một trung tâm ăn uống "quốc tế" của ba chủng tộc Singapore thoạt nghe như một chuyện đơn giản nhưng phương cách thực hiện thì không hề đơn giản. Các quan chức Việt Nam ở hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn cũng đã từng ra quân dẹp hàng quán đường phố nhằm thu hồi lại vỉa hè cho thông thoáng đi từ thành công đến thất bại. Người dân và quan chức vẫn còn mang nặng đầu óc "du kích chiến" như lúc còn đánh nhau trong rừng. "Địch tiến thì ta lùi, địch lùi thì ta tiến", thỉnh thoảng ta phục kích "đi tắt đón đầu" tóm cổ địch. Nhìn cách sắp xếp hàng quán ăn uống ở Bugis, tôi có thể suy đoán rằng chính phủ xây cất hàng quán, mỗi quán có mặt bằng 3 x 3 m2, một diện tích vừa đủ để nấu nướng và có chỗ ăn uống chung cho mọi quán, sau đó khuyến khích những người bán thức ăn đường phố vào thuê với giá rẻ. Vấn đề vệ sinh được đặt hàng đầu. Mỗi quán đều phải treo bảng kết quả kiểm soát vệ sinh trước cửa quán với mức độ thẩm định A, B, C … Khu ăn uống ở đây gọi là bình dân nhưng thực khách đủ mọi hạng người, mọi chủng tộc, từ những nhân viên văn phòng cổ trắng đến người lao động cổ xanh. Người ta chỉ nghe tiếng động của ly tách, không một tiếng ồn ào, la hét, không một tiếng khạc nhổ hay những tấm khăn giấy rơi vãi trên sàn nhà. Mọi người rất hài hòa từ người bán đến người ăn. 

Cái tour một ngày vòng quanh đảo đã cho tôi nhiều thông tin. Người hướng dẫn là một người gốc Hoa ở tuổi trung niên và chuyên nghiệp. Chiếc xe buýt du lịch đưa chúng tôi đến những điểm quan trọng liên quan đến tôn giáo, địa lý và lịch sử Singapore. Lịch sử cận đại Singapore mang dấu ấn sâu đậm của Thế chiến thứ 2. "Thất thủ Singapore" (Fall of Singapore) trở thành một sự kiện trọng đại của lịch sử thế giới. Một sự kiện làm mất mặt quân đội Anh từng mang niềm tự hào là đoàn quân vô địch của một đế quốc lừng lẫy mặt trời không bao giờ lặn. Trung tướng Tomoyuki Yamashita của lục quân Dai Nippon Teikoku (Đại Nhật Bản đế quốc), nổi tiếng với danh hiệu "hùm thiêng Mã Lai" (Tiger of Malaya), với số quân ít hơn liên quân Anh – Úc, bất thần tấn công Singapore vào ngày Tết Âm lịch năm 1942 và chiếm đóng cho đến ngày bại trận tháng 8 năm 1945. Sự trùng hợp "Tết Âm lịch" khiến tôi nhớ lại cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân (1968) trên toàn cõi miền Nam. Đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là một chiến lược mô phỏng của bộ đội miền Bắc? 

Trong bảo tàng viện lịch sử, tôi nhìn thấy hình tướng Yamashita có vóc dáng uy nghi, bụng hơi phệ, khuôn mặt trông như ông xếp lớn của xã hội đen Yakuza Nhật. Người hướng dẫn viên thuật lại những diễn biến đẫm máu, vấn đề phụ nữ giải khuây tại Singapore trong thời kỳ chiếm đóng của quân phiệt Nhật. Trong lúc ông thao thao bất tuyệt thì tôi bất chợt hỏi ông, "Ông có biết là ông Lý Quang Diệu lúc đó khoảng 20 tuổi đã hợp tác với Nhật trong tư cách thông dịch và biên tập tiếng Anh cho người Nhật không?", ông giật mình nhìn tôi nói, "Thật không? Ông đọc ở đâu thế?". Nhưng ông không phủ nhận và nhanh chóng nói tiếp, "Thời thế như vậy, ông ấy phải thực tế đi kiếm ăn".

Lý Quang Diệu xuất thân từ gia đình người Hoa gốc Hakka (người Khách Gia, Hẹ) ở tỉnh Quảng Đông. Ông là tổng công trình sư gầy dựng nên Singapore từ một hòn đảo nghèo nàn chính phủ Mã Lai không thèm và trục xuất ra khỏi Liên bang Mã Lai Á (1965). Singapore "bị" độc lập trong sự miễn cưỡng, đau buồn trong một tương lai bất định. Từ ngày bị "chia ly", ông Lý đã nhặt và ghép lại từng mảnh vỡ với tầm nhìn và niềm tin mãnh liệt vào việc "tạo dựng Singapore từ đất nước nghèo nàn của Thế giới thứ ba thành một quốc gia tiên tiến của Thế giới thứ nhất". Ông theo một lô-gic đơn giản, muốn dựng nước thì phải tạo đặc tính dân tộc mà muốn có đặc tính Singapore thì cần phải có sự thống nhất ngôn ngữ. Trong cộng đồng người Hoa (76 % dân số Singapore) có nhiều phương ngữ, sự khác biệt tiếng nói gây ra sự chia rẽ và thù ghét ngay trong tập thể người Hoa. Ông bắt buộc người Hoa trước hết phải tập nói tiếng Phổ Thông. Sau đó, ông chỉ định tiếng Anh là một ngôn ngữ chính cho mọi sắc dân Singapore. Chưa đầy nửa thế kỷ ông mang lại cho đất nước và con người Singapore niềm tự hào, sự tự tin, cuộc sống giàu có văn minh, hòa hợp chủng tộc, hòa đồng tôn giáo và sự tôn kính của toàn thế giới. Sau khi ông qua đời người Singapore tôn vinh ông như là "quốc phụ" (người cha của đất nước), nhưng những ngày tôi ở Singapore tôi không tìm thấy hình ảnh hay bia kỷ niệm nào nói về ông. Có lẽ, ông cũng không cần những điều này. Ngàn năm bia miệng vẫn trơ trơ … 

Ông Lý không những là người dựng nước và trị nước giỏi mà còn là một chính khách tài năng trên chính trường quốc tế. Hồi ký của ông cho thấy nhiều sự kiện thú vị ở hậu trường trong các cuộc tiếp xúc với những lãnh tụ quyền uy thế giới, nhất là với Trung Quốc. Đối với người Cộng sản Trung Quốc, ông Lý từng bị xem là "tay sai đế quốc" hay là "trái chuối" (ý châm biếm nói người da vàng nhưng bên trong là tư duy người da trắng). Là chủ nhân của câu nói nổi tiếng "mèo trắng mèo đen", sự thành công của Singapore khiến Đặng Tiểu Bình đi tìm đến ông Lý tham khảo ý kiến để mở cửa và cải cách Trung Quốc (1978). Đặng Tiểu Bình, người lùn nhưng trí không lùn. Ông nhìn thấy tài năng ông Lý dù nước Cộng hòa Singapore lúc đó chỉ vừa 13 tuổi. Điểm chung của hai ông là "chủ nghĩa thực tiễn". Sự cộng hưởng của hai ông đã đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc trong những ngày đầu cải cách và tiếp cận thế giới. 

Trong một cuộc hội kiến lịch sử, trước những câu hỏi của ông Đặng ông Lý hồi đáp một cách khiêm tốn với một chút thách thức và tự hào rằng, "Người Hoa Singapore là hậu duệ của những người nông dân vô sản thất học ở tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến miền Nam Trung Hoa, trong khi đó các học giả, quan lại và trí thức đã ở lại và để lại con cháu của họ tại Trung Hoa. Vì vậy, tôi nghĩ không có lý do gì mà người Trung Quốc không thể lặp lại những thành tựu Singapore, và tôi tin rằng họ có thể làm tốt hơn". Ông Đặng trầm ngâm suy nghĩ, trở về Trung Quốc và lặng lẽ thực hiện những lời thách thức từ ông Lý. Cái vĩ đại của ông Lý là tầm nhìn, dồi dào nguồn tri thức Á Âu và sự khôn ngoan "biết người biết ta" của ông. Người Mỹ gặp ông để hỏi về Trung Quốc, người Trung Quốc gặp ông để hỏi về Mỹ. Trong quá trình đổi mới khi những người Trung Quốc còn ngơ ngác chập chững đi vào con đường hội nhập, ông Lý đã dẫn đường và có một đóng góp nhất định vào sự thành hình của một nước Trung Quốc hiện tại. Khi nhiều người thân cận hỏi ông cớ gì phải vẽ đường cho hươu chạy, ông nói rằng, "Người khổng lồ Trung Quốc đã tỉnh giấc và đang trỗi dậy, sự trỗi dậy của họ sẽ khuynh đảo cả thế giới và ảnh hưởng sâu rộng đến đất nước nhỏ bé của chúng ta. Chúng ta dẫn đường cho họ ngay từ đầu càng sớm thì càng có lợi cho chúng ta. Họ có nhiều nhân tài, không chỉ dẫn thì cuối cùng họ cũng mày mò tìm ra. Lúc đó ta đánh mất cơ hội và không thể chen chân vào thị trường của họ". Ông Lý cũng từng tiếp xúc với nhiều lãnh đạo Việt Nam từ những bậc tiền bối đầy kiêu hãnh về sự nghiệp "chống Mỹ cứu nước" của mình đến những bậc hậu bối khiêm tốn hơn biết thức thời đổi mới. Khi nói về Việt Nam ông Lý chỉ kết luận, "Người Việt Nam thông minh học giỏi, tiếc rằng lãnh đạo của họ không biết trọng dụng nhân tài". 

Sự thành công của Singapore cũng làm cho người Mã Lai ganh tị mặc dù họ âm thầm bắt chước. Nguyên (bây giờ lại là đương kim) Thủ tướng Mã Lai Dr. Mahathir nói về ông Lý đâu đó giữa sự châm biếm và khen ngợi, "Ông ấy là con ếch to trong cái ao nhỏ. Ông ấy không thỏa mãn với những gì ông có. Ông từng có tham vọng muốn làm Thủ Tướng toàn Mã Lai cơ … Ông thường được mời đi tư vấn cho nhiều việc, trong chừng mực đó, ông là cái gì to hơn cả Singapore. Nhưng về thực chất, ông chỉ là Thị Trưởng (đảo) Singapore. Đó là điều mà ông không thích. Ông ta muốn to hơn thế kia. Và ông cảm thấy rằng chúng tôi (Mã Lai) đã cướp đi cơ hội để ông lãnh đạo một nước thật sự. Nhưng tôi nghĩ rằng ông sẽ đi vào lịch sử như một nhà trí thức và cùng lúc một chính khách lỗi lạc; một điều không thường xuyên xảy ra".

Chiếc xe buýt chở chúng tôi đến eo biển hẹp chia cách Singapore và Mã Lai. Di sản giàu có của con ếch to họ Lý đã lan sang bên kia bờ thuộc tỉnh Johor, Mã Lai. Người Singapore lái xe qua tỉnh Johor vung tiền mua sắm hoặc ở lại cuối tuần để thư giãn. Những dự án làm nhà ở, chung cư cao cấp và những hoạt động hợp tác công nghệ, thương mại diễn ra rầm rộ và liên tục giữa tỉnh Johor và Singapore làm giàu cả hai bên bờ. 

Trên một quốc đảo không có tài nguyên, thậm chí phải mua từng lít nước ngọt từ Mã Lai, Singapore sống còn nhờ vào những sản phẩm trí tuệ. Chính phủ đầu tư vào ngành du lịch. Du lịch được xếp vào ngành có thu nhập hàng đầu. Trên thực tế, Singapore không có gì đặc sắc để tham quan du lịch nếu không có bàn tay và trí tuệ con người. Cây xanh là vốn cơ bản của ngành du lịch. Họ không có những khu rừng thiên nhiên bạt ngàn nên họ giữ gìn những gì thiên nhiên ban bố, nâng niu từng tấc đất, chăm chút từng cây xanh thậm chí cả rêu xanh. Họ tạo "rừng" trong thành phố. Người ta xây công viên trong thành phố nhưng họ xây thành phố trong công viên. Họ lấn biển tạo nên một mặt bằng rộng hơn 100 héc-ta xây dựng công viên thiên nhiên "Gardens by the Bay" với hai trung tâm kề cận gọi là "Flowers Dome" và "Cloud Forest". "Flowers Dome" trồng đầy các loại hoa miền ôn đới lẫn nhiệt đới, những loại hoa tulip sặc sỡ đến các loại bông giấy đơn giản hấp dẫn du khách thập phương. Chỗ kia là tòa nhà "Cloud Forests", trong đó có một cái thác nhân tạo cao hơn 20 m được trang điểm xung quanh bởi các loại dây leo và những tảng đá đầy rêu xanh, trông như thác thật trong rừng sâu (Hình 1). Người người đua nhau chụp ảnh. Tôi nhìn cái thác nhân tạo vừa cảm thương vừa cảm phục người Singapore. Cảm thương là đất nước Singapore không có nhiều ưu đãi của thiên nhiên; cảm phục là họ mô phỏng thiên nhiên một cách khoa học để bù lắp những khoảng trống thiếu thốn của họ.

Gần hai trung tâm này, người ta có thể tản bộ đến địa điểm mà 18 "siêu cây" (super tree) được "trồng" rải rác khắp công viên. Siêu cây là một thiết kế kiến trúc "xanh" thông minh (Hình 2). Trong mỗi "cây", người ta tạo ra một lõi bê tông hình trụ rỗng, gắn vào đó là một giàn ống thép có hình dạng một thân cây và tỏa rộng thành tàng cây ở phần ngọn. Sau đó, các loại dây leo được trồng bám vào giàn. Có những loại cây trồng chậu nở hoa, không leo được nên phải trồng trong những túi đất tạo thành một dải túi kéo dài từ mặt đất đến ngọn. Thật tỉ mỉ và tốn kém. Cây cao nhất có độ cao phỏng chừng 50 m. Để đạt đến độ cao 50 m, cây thật cần vài trăm năm. Siêu cây cần nhiều lắm 10 năm khi các loài dây leo phủ kín giàn cây. Ban ngày chúng cho bóng mát như cây thật. Về đêm, siêu cây tỏa sáng từ những bóng đèn LED muôn màu sắc. Mỗi đêm 15 phút, người ta đi như trẩy hội lũ lượt kéo về đây để nhìn muôn ngàn bóng đèn nhấp nháy nhảy theo giai điệu của những giòng nhạc giao hưởng. 

Hình 2: Siêu cây trong hoàng hôn (Ảnh: T&ST).

Chính phủ Singapore đã vận dụng tài năng của những kiến trúc sư, các nhà thực vật học, kỹ sư vật liệu học lỗi lạc để "trồng" và chăm lo những siêu cây nhân tạo hòa hợp với môi trường thiên nhiên xung quanh. Xa xa là khách sạn Marina Bay Sands lộng lẫy trên bầu trời xanh ngắt với 3 tòa nhà cao ngất ngưởng cùng đội một chiếc thuyền khổng lồ phủ đầy cây xanh nằm chơi vơi sóng soải trên không như một thách thức trước những trận cuồng phong. Ở những trung tâm của thành phố phương Tây, người ta chỉ thấy "rừng" bê- tông. Ở "Gardens on the Bay", tôi có cảm giác người ta mang rừng cây vào thành phố.

Chính phủ Singapore giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân là "ăn, mặc, ở" với mục tiêu ai cũng sở hữu nhà và trên đường phố không có người vô gia cư hay hành khất. Họ lợi dụng chiều cao của bầu trời và chiều sâu của lòng đất để nhân rộng ra một không gian đủ cho 10 triệu người sinh sống. Thật sự, tôi nhìn thấy một ông cụ ngồi trước nhà ga Bugis mỗi ngày, thoạt nhìn như hành khất. Nhưng không, từ sáng đến chiều ông cụ ngồi đó bán những gói khăn giấy có thẻ chứng minh "hành nghề" đàng hoàng, ông không treo giá nên người mua tùy hỷ trả tiền. Sau khi thỏa mãn được 3 điều kiện "ăn, mặc, ở" thì họ tạo ra những thú vui lành mạnh vừa giáo dục vừa vui chơi cho người dân, thu hút du khách và chiêu dụ nhân tài thế giới trong lĩnh vực kinh thương và khoa học kỹ thuật. 

Theo một suy nghĩ đơn giản, muốn có thú vui lành mạnh, đời sống an vui thì môi trường phải sạch sẽ. Có lẽ, không có nơi nào ý thức về môi trường như người Singapore. "Mùi Sài Gòn" vẫn man mác trên đường phố Singapore nhưng nó trong lành hơn. Người ta thường nói, "Đất lành chim đậu". "Lành" ở đây có đầy đủ nghĩa bóng và nghĩa đen. Sẽ không có một khách du lịch nào, một doanh nhân nào hay một nhân tài nào đến viếng thăm hay làm việc ở một nơi đầy không khí ô nhiễm hay dòng sông bẩn thỉu. Khi chiếc xe buýt chạy ngang dòng sông Singapore, ông hướng dẫn viên chỉ vào dòng sông tự hào nói rằng, "Dòng sông này vài mươi năm trước rác rến nổi lềnh bềnh, gần như cái cống lộ thiên. Chính phủ bỏ ra 300 triệu đô-la nạo vét, làm sạch dòng sông trong vòng 10 năm". Tôi chợt nghĩ đến con kinh Nhiêu Lộc của thành phố Sài Gòn, và dòng sông Tô Lịch ở thủ đô Hà Nội, đã hơn 40 năm từ ngày thống nhất bây giờ đã ra sao? Từ thói quen khạc nhổ đến ý thức về môi trường sạch trong vòng chưa đầy 50 năm là một bước tiến dài trong một thời gian ngắn. Có phải đây là kết quả của chính sách giáo dục đúng đắn và sự độc tài "mềm" của ông Lý? 

Từ cái cống lộ thiên, sông Singapore ngày nay được chặn lại bằng một con đê nơi sông đổ ra biển để biến dòng sông trở thành hồ, biến nước mặn thành nước ngọt qua sự tích tụ của nước mưa và sử dụng kỹ thuật khử muối trong nước biển. Dòng sông giờ đây có thể cung cấp 10 % nước ngọt cho dân. Thủ phạm làm ô nhiễm dòng sông lúc trước là hàng ngàn tiểu thương chợ làng, mua gánh bán bưng, bán thức ăn đường phố. Những người này được tái định cư tại những địa điểm khác nhau như phố Bugis. Về đêm, sông Singapore là thiên đàng của ánh sáng. Dọc theo bờ là những quán ăn lịch sự kể cả quán "Little Saigon" bán thức ăn Việt, giá cả phải chăng hấp dẫn người bản xứ và du khách cùng nhau chén chú chén anh trong một khung cảnh vô cùng tưng bừng náo nhiệt. 

Tôi bước xuống bến thuyền Clarke Quay để nhìn dòng sông Singapore về đêm. Dòng sông bừng sáng với ánh đèn màu dọc theo bờ và những cây cầu bắc ngang. Chiếc thuyền máy chạy chầm chậm đưa chúng tôi xuôi dòng ra hướng cửa biển, ở đó dòng sông phình to thành một hồ nước và trước mặt chúng tôi là khách sạn Marina Bay Sands lung linh trong muôn màu ánh sáng nhìn xuống dòng sông nơi linh vật Merlion (đầu sư tử mình cá) phun nước suốt ngày đêm. Thỉnh thoảng cuộc biểu diễn màu sắc từ muôn ngàn ánh đèn giữa khách sạn Marina Bay Sands và những tòa nhà xung quanh xảy ra một cách nhịp nhàng. Thiết kế và vị trí tọa lạc của khách sạn, giờ đây cùng với linh vật Merlion trở thành biểu tượng của Singapore, phản ánh tinh thần "phong thủy" của người Hoa. Phong thủy cộng hủ tục trở thành mê tín nhưng phong thủy cộng khoa học là một sáng tạo hài hòa. Chiếc thuyền khổng lồ trên ba tòa nhà là một mô thức thiết kế táo bạo có một không hai trong kiến trúc và cũng là một biểu hiện trong tục ngữ Trung Hoa "nhất phàm phong thuận" (xuôi buồm thuận gió). Xuôi buồm thuận gió cho nền kinh thương và cho vận nước Singapore…


 
Hình 3: Khách sạn Marina Bay Sands (Ảnh: T&ST).

Đường phố Singapore cho tôi một cảm giác an toàn như ở Nhật. Trong những ngày ở đây, từ những đại lộ hoa lệ cho đến các ngõ ngách của Chinatown hay Little India tôi không thấy bóng dáng công an đứng đường chặn xe hay tiếng còi hụ của xe cảnh sát nhấp nháy đèn xanh đỏ "săn bắt cướp". Sự đa văn hóa của Singapore có thể nhìn thấy qua sự bình đẳng tín ngưỡng và ngôn ngữ của những sắc dân ở đây. Ở những nơi công cộng, thông tin chỉ dẫn thường được viết bằng bốn ngôn ngữ Anh, Hoa, Mã và Tamil (tiếng miền Nam Ấn và Sri Lanka). Người ta có thể đi bộ từ một ngôi chùa người Hoa đến một giáo đường Thiên Chúa, hay từ một tự viện Ấn Độ giáo đến một nhà thờ Hồi giáo. 

Những ngày còn lại tôi sử dụng hệ thống xe điện ngầm (MRT) và xe buýt đi một vòng lớn của Singapore tìm hiểu những nơi nổi tiếng trong đó có Chinatown, Little India, Little Arab và phố Katong. Với đại lộ Mountbatten nằm vắt ngang, Katong từng là nơi an cư của quan chức người Anh thời thuộc địa và những thương gia người Hoa giàu có. Katong nổi tiếng với văn hóa Peranakan hay là văn hóa lai giữa người Hoa và người bản xứ. Nguyên con đường Koon Seng của phố Katong là những ngôi nhà có lịch sử hàng trăm năm nằm san sát nhau, cùng kích thước, cùng mô dạng nhưng được sơn lên nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau (Hình 4). Tôi lững thững tản bộ quan sát thì nhìn thấy một phụ nữ nhiều tuổi đi chầm chậm thỉnh thoảng dừng lại chụp ảnh, ghi ghi chép chép. Tôi đến gần lân la hỏi chuyện. Bà đã nghỉ hưu nhưng làm hướng dẫn du lịch bán thời để kiếm thêm thu nhập và tạo cơ hội tiếp xúc với thiên hạ ngoài đời. Bà đang thu thập tài liệu, hình ảnh để hôm sau có một bài nói chuyện cho một đoàn khách du lịch. Bà tử tế giải thích lịch sử của các căn nhà. Đi được một lúc tôi bâng quơ hỏi, "Một căn bao nhiêu tiền?", bà tỉnh queo trả lời, "Bảy đến chín triệu đô Singapore". Tôi ngạc nhiên, "Sao nhiều tiền vậy? Bà nghĩ thế nào về những căn nhà này?". Bà giải thích, "Từ một lát gạch hoa đến các hoa văn trang trí đều được xem là di sản quốc gia. Chủ nhân không được ngang nhiên thay đổi mô dạng hay tùy tiện đập phá xây cất nhà mới. Tôi cũng thích những căn nhà cổ này lắm chứ, nhưng số tiền quá lớn đối với tôi". 

Những người Hoa di dân đến Singapore vài trăm năm trước phần lớn là nam giới nên họ lập gia đình với người Mã bản xứ tạo ra một văn hóa lai bao gồm ẩm thực và thiết kế nhà cửa. Những di dân người Hoa "trên răng dưới dép" suốt đời chỉ biết cặm cụi kiếm ăn làm giàu. Tuy nhiên, chính những bà vợ bản xứ đã chỉ bảo cho người chồng cái gu thẩm mỹ và trang hoàng nhà cửa tạo nên vẻ đẹp "lai" thuận vợ thuận chồng và nhiều sáng tạo. Mặt trước căn nhà được trang trí bởi những hoa văn phương Tây nhưng cách sắp xếp bên trong nhà được thiết kế theo kiểu người Mã. Cửa chính và hai cửa sổ hai bên thuần túy theo phong cách của người Hoa Nam, trên cửa sổ là khung cửa nhỏ có hình con dơi. Gọi là "dơi" nhưng trông như con bướm. "Dơi" (蝠) trong phát âm tiếng Hoa đồng âm với chữ "phước" (福) trong "phước đức" nhưng chữ viết hơi khác nhau. Tính thực tiễn và mê tín của người Hoa nhìn thấy ở khung cửa con dơi. Tôi buồn cười. Nó chỉ là chỗ thông hơi nên phải làm to một tí khiến "dơi" biến thành "bướm", nhưng "dơi" vẫn là "dơi" để gió liên tục thổi "phước" vào nhà.

Hình 4: Những căn nhà của văn hóa Peranakan (Ảnh: T&ST).

Ngày 9 tháng 8, 1965, khi tuyên bố Singapore độc lập ông Lý Quang Diệu đã nói với nhân dân ông, "Chúng ta sẽ có một quốc gia đa chủng tộc tại Singapore. Chúng ta sẽ nêu gương. Đây không phải là một quốc gia Mã Lai, đây không phải là một quốc gia Trung Hoa, đây không phải là một quốc gia Ấn Độ. Mọi người sẽ có chỗ đứng của mình: bình đẳng, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo". Ông Lý đã hứa với nhân dân và ông đã làm cho nhân dân. Di sản vĩ đại của ông để lại đang trải rộng trước mắt thế giới. Người dân ở đây có một sự tự hào và niềm tin vào chính phủ dù đất nước của họ chỉ hơn 6 triệu người và chỉ là hạt cát trên bản đồ thế giới. Người ta thường quan niệm "trăm năm trồng người". Nhưng Singapore không chỉ có sự nghiệp "trồng người" mà còn có sự nghiệp "trồng cây" và cũng không cần đến trăm năm. Phú quý sinh lễ nghĩa và lễ nghĩa sinh phú quý. Một vòng xoắn đi lên. Sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, sự hòa hợp giữa các sắc dân, sự trong sạch của giới lãnh đạo đã tạo ra sự giàu có về tinh thần lẫn vật chất. 

Chính phủ Singapore tiếp tục phục vụ đời sống người dân, nâng cao vị thế trên chính trường quốc tế và tạo ra những tài sản trí tuệ lẫn tài sản vật chất cho đất nước. Sự phát triển Singapore ẩn tàng tính thực tiễn của người di dân phải ly hương vì nghèo khó dựa trên hai yếu tố song hành: làm giàu và giáo dục. Từ nhà ga MRT phố Bugis, vai mang ba lô tôi lọc cọc kéo chiếc va li nhỏ bước vào chuyến tàu điện ngầm đi đến phi trường Changi trở lại Úc nhưng trong đầu vẫn lan man suy nghĩ làm sao ông Lý và các đồng chí của ông không những đã nâng một đất nước nghèo khổ của thế giới thứ ba lên đến một quốc gia giàu có của thế giới thứ nhất mà còn tạo nên con người Singapore hiện đại, chuyên nghiệp và lịch sự. Người xưa bảo, "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Như một phản đề, khi nhìn lại giới lãnh đạo Singapore, họ nêu một tấm gương mẫu mực lồng trong đạo đức Khổng Mạnh và những giá trị phương Tây: thanh liêm và trí tuệ. Có lẽ tổng hòa của mọi yếu tố tích cực đã tạo ra những thành tựu vĩ đại trong một khoảnh thời gian không hơn 50 năm. 

Trương Văn Tân
Melbourne, tháng 5 2018