Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2020

Yêu Cha Suốt Đời - Sáng TácTống Viết Minh - Tiếng Hát Thanh Thủy



Sáng Tác: Tống Viết Minh 
Tiếng Hát: Thanh Thủy


Bấc Đến


Nghe em lạnh, anh càng thêm nhức nhối
Chẳng gần nhau trao hơi ấm đầu đông
Anh giờ như muối xát trong lòng
Như cảm nhận em chờ vòng tay ấm

Nghe em lạnh anh càng thêm bối rối
Bấc đang về mình mỗi đứa một nơi
Muốn trao em hơi ấm cả cuộc đời
Nhưng không thể vì số trời chưa định

Nghe em lạnh khiến lòng anh thêm giao động
Chuông Noel vang vọng giữa đêm trường
Nhưng giờ này hai đứa ở hai phương
Sao kề sánh giữa giáo đường khấn nguyện.

Quên Đi

Cà Mau Quê Em


Ôi! Biết bao giờ ta trở lại?
Cà Mau xa tít tắp chân mây
Quê em chằng chịt đầy kênh rạch
Chẳng khác ruột ta cũng rối bời.

Nhà em mãi cuối đìa hoang vắng
Lầy lội bùn than, cỏ dại đầy
Mỗi bận thăm em, đỉa vắt bám
Muỗi bâu đen áo, cắn như say.

Đồn ta vách, mái lung lay gió
Kẽo kẹt võng đưa, nằm chờ em
Xuồng nặng, tay chai, bèo chắn mũi
Sóng lòng, sóng nước, lái chông chênh.

Xót xa đời lính sống xa nhà
Em ướp tình trong những gói qùa
Mật ngọt U Minh, mực Hải Yến
Đầm Dơi béo ngậy đuông chà-là.

Tiễn em rời bến vắng tiêu điều
Mây trắng cò bay lấp bóng chiều
Lủi thủi thân em, xuồng ngược nước
Nắng rừng rơi rớt vạt cô liêu. 

Hỡi người em gái Sông- Ông- Đốc
Khăn tiễn còn đây, chẳng phút rời
Vò võ chân trời khi tủi phận
Sao anh lau nước mắt em rơi?

Hoàng Xuân Thảo


Bình Hòa Phước Quê Tôi

b

Nằm giữa cù lao Cái Muối, xã Bình Hòa Phước chạy dọc theo hai bên bờ con sông mang cùng tên. Phía đầu vàm giáp ranh với xã Phú Phụng và phía cuối làng kéo dài đến con lộ thầy Cai, về tận bắc Cổ Chiên. Nhà mẹ tôi ở ngả ba sông, nằm dọc theo bờ con nước nhỏ chảy về miệt Phú Vĩnh. Căn nhà xây gạch có mái lợp tranh làm nhà bếp và sàn nước lộ ra phía bờ sông. Mỗi năm vào mùa nước nổi, khoảng sau tết Trung Thu, là mẹ tôi chuẩn bị giăng đám chà để giữ lục bình và cho cá chạy. Thường thì bà mướn người trong làng cắm hàng loạt những cây bần, cây tràm khô chận quanh, bên trong là những đám lục bình dạt theo dọc bờ. Nên gần như suốt mùa hè, bên hông nhà lúc nào cũng có đám lục bình sinh sống, nhảy bụi đơm bông. Rất nhiều loại cá thích sống, sinh sản dưới những cụm lục bình ven sông, nhất là lá mè dinh, cá rô phi, cá linh... trong mùa nước nổi. Đây cũng chính là thời gian lục bình trổ nhiều hoa, rất đẹp. 


Hoa lục bình màu tim-tím nhạt, mọc thành chùm chung quanh chồi hoa vươn lên cao. Nhiều buổi chiều nước lớn, tôi thường ngồi ngẩn ngơ nhìn từng đám hoa lục bình tím nhạt trôi mênh mông trên dòng sông rộng trước nhà. Tôi đã biết mơ mộng, biết bồn chồn... thương nhớ vu vơ từ những buổi chiều đầy hoa tím.

Phía bên kia chân cầu là căn nhà lá hai gian của bà Sáu bán xôi. Với gánh xôi đủ loại: xôi đậu, xôi bắp, xôi vò, xôi nếp than,... bà Sáu nuôi cả gia đình bốn đứa con. Cho đến bây giờ, thật tình tôi chưa biết tên của bà là gì, chỉ biết cả làng gọi bà Sáu bán xôi. Nối ngay bên hông nhà bà Sáu, là căn nhà nhỏ ẩn phía sau hai hàng cau thẳng lối vào. Căn nhà gỗ màu nâu nhạt, có hai mái xinh xắn là nhà của gia đình chị Lệ, mối tình đầu một đời không quên của tôi. Nơi mà những lần về thăm nhà, tôi và chị ngồi hằng giờ bên con mương những hàng cau nói chuyện bâng quơ hoặc chỉ yên lặng ngồi nghe gió thổi hanh nắng trưa hè. Nơi mà trước ngày tôi trở lại trường, chị thường gói ghém cho tôi những trái vú sữa, mấy chùm chôm-chôm và chai dầu nhị thiên đường nồng ấm tay người.

Trở lại phía bên ngoài, dọc theo con sông Bình Hòa Phước là hai căn nhà nối nhau của gia đình chú Hai đò máy. Nhà khá giả, gạch ngói tương tất chú Hai đò có 2 chiếc đò: một chạy chuyến Bình Hòa Phước - Vĩnh Long và một chạy ngã Bình Hòa Phước - Cái Bè. Tôi là khách quen của chú Hai, có khi đi về không cần phải trả tiền đò trước như mọi người. Từ sáng đến tối, quanh năm suốt tháng hai căn nhà của chú Hai đò lúc nào cũng nhộn nhịp, những thùng đồ và cần-xé trái cây hoa quả kín cả sân. Đặc biệt là chuyến từ Cái Bè về Bình Hòa Phước, trên đò còn bán cả đồ ăn như các loại bún thịt nướng, bún cá, bánh tầm và cả cơm món. Khách cứ thư thả đi chợ, mua sắm tới giờ cuối cùng mà không phải tất bật lo bụng đói, trễ đò. 

Qua chiếc cầu nhỏ là nhà của thầy Hai Nhơn, đông y sĩ được nhiều sự tin tưởng của cả làng, cả huyện. Vườn thuốc nam của thầy rộng lớn cả mấy công đất và trồng loại thảo dược thông dụng và quý hiếm, mùi thơm thoang thoảng khắp khu đất. Vợ chồng thầy Hai Nhơn có bốn người con, học hành rất giỏi. Hai cô con gái làm việc trên huyện Chợ Lách, hai cậu con trai thì sau khi học xong trung học theo nghề của cha, bắt mạch hốt thuốc khá giả ở ngoài vàm và cả chợ Cái Bè... Nghe nội kể, lúc nhỏ tôi bệnh rề rề và lớn được đến ngày nay cũng nhờ một tay của thầy Hai Nhơn bắt mạch cho toa. Tôi vẫn luôn nhớ mãi, khi đó tôi rất thích "bị bệnh" vì được nhiều người chăm sóc, còn được ăn hủ tiếu chú Bảy Tiều và uống nước xá xị con cọp!

Con đường nhỏ dọc theo con rạch bên hông nhà thầy Hai Nhơn dẫn vào đất ruộng bát ngát của làng Bình Hòa Phước. Nơi tuổi thơ tôi bắt cá thả diều vào những buổi chiều tan học. Con rạch lớn được sẻ ra nhiều con rạch nhỏ để đưa nước vào những thửa ruộng vuông vứt bạt ngàn, là mấy cây tre hay gọi là cầu khỉ. Lúc nhỏ tôi luôn thắc mắc tại sao lại là cầu khỉ? Nhưng không có câu trả lời nào nghe lọt tai. Sau này, lớn lên tôi mới tìm đọc và được biết rằng: "người ta phải hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác cho rằng chính dáng đi lom khom, tay chân lẹo khẹo như con khỉ của người đi qua đã khiến chiếc cầu mang cái tên này". 

Một trong cây cầu khỉ đó dẫn vào lớp dạy của thầy giáo Thống. Nói là lớp học thật sự chỉ là nơi giữ trẻ của làng để cha mẹ rảnh tay ra đồng làm ruộng, đắp bờ. Tuy không làm ruộng, nhưng tôi cũng được mẹ gửi vào học vỡ lòng trước khi vào tiểu học. Nhờ vậy mà tôi quen biết hầu hết đám con trai con gái trong làng mãi đến sau này! Chiếc cầu tre nhỏ trở thành trò chơi, chọc ghẹo của bọn tôi mỗi ngày qua lại.

Quán tạp hóa bà Hai Chúc nằm ở đầu cầu, mặt trước chợ Bình Hòa Phước. Không rộng và cũng là nhà ở, quán bán đủ loại mặt hàng, thứ gì cũng có. Từ hành tiêu tỏi ớt, muối đường nước mắm đến mùng mền chiếu gối... làng xóm cần gì là quán bà Hai Chúc đều có hàng. Lúc nhỏ tôi thường ghé quán bà Hai để mua đồ ăn vặt và chơi với hai đứa con gái sinh đôi của bà: Lục Thoại Trân, Lục Thoại Trâm, (tên ở nhà bé Ba Nhỏ và Bé Ba lớn). Mười mấy năm sau, hai cô nàng cấm tuyệt đối bạn bè không được gọi tên bé Ba nữa. Hình như cả hai Thoại Trân, Thoại Trâm đều học trung học chợ Vãng, trường Tống Phước Hiệp (?) và đều xinh đẹp... Nhưng mỗi người một số phận, một cuộc đời nói sao cũng không qua câu "duyên nợ"? Đáng lẽ Thoại Trân và tôi... nếu gia đình chị Lệ không dọn về Bình Hòa Phước? Quen và chơi với nhau từ nhỏ, tình "thanh mai trúc mã", Thoại Trân thương tôi hết lòng nhưng tôi đã phụ người yêu dấu. Tập nhật ký kẻ hàng nắn nót bao dòng chữ nhớ thương, ước mơ bao buổi hẹn hò tay nắm của nàng, tôi không nỡ đành lòng... Để rồi không ai được gì, dòng đời vạn nẻo... "chỉ còn mối tình mang theo". Lục Thoại Trân lập gia đình với con trai lớn của thầy Hai Nhơn và nghe đâu vợ chồng mở tiệm thuốc nam giàu có bên chợ Cái bè. Chị Lệ cũng lấy chồng phương xa, giờ chẳng biết ở đâu, đời sống ra sao trong dòng đời đầy những hệ lụy cưu mang. Còn tôi, trôi giạt góc trời, qua bao biển rộng sông dài, một đời thương nhớ con đường làng nhỏ bé, quanh co và mấy nhịp cầu tre lắt lẻo...

***  

           

"Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người... (*)

Nhiều năm tháng trôi qua, hơn bốn mươi năm thoáng chốc. Tóc tôi đã bạc trắng màu thương nhớ. Số phận mỗi con người như hạt bụi bay bơ vơ trong sa mạc đời vô tận; hạt muối nhỏ nhoi tan lẫn giữa lòng biển rộng bao la. Hình ảnh con sông Bình Hòa Phước với nụ hôn đầu, hun đút trong trái tim tôi tình yêu đời không dứt. Những năm tháng đối đầu với bao khổ đau, hệ lụy tôi vẫn giữ trên môi tình yêu của người làng cũ thiết tha. Của Lục Thoại Trân, của chị Nguyễn Thị Lệ,... của bao nhiêu tuổi thơ tôi bên nhịp cầu tre, trên cánh đồng với con diều nhỏ. Bây giờ tất cả đang ở đâu, có còn nhớ đến tôi, nhớ con sông nhỏ quê nhà?

Một lần, chúng ta đã đến với cuộc đời nầy hệ lụy cưu mang. Một đời, chúng ta đã để lại trong nhau một nhánh sông, một nhánh sông dài thương tưởng. Nhánh sông tôi đã qua bao bến bờ chờ đợi, lướt trôi; qua bao nhiêu khúc sông, dòng đời tôi bên bồi bên lở. Dòng sông quê hương cũng chỉ có một, như kiếp đời trôi chẳng quay lại bao giờ? Bên dòng cạn mai nầy hay trong tiếng chim gọi chiều nước lớn, tôi vẫn mãi nhớ thương con đường làng nhỏ chạy dọc theo bờ, đến tận cuối nhánh sông dài... 

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng

Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2020

Bài Hát Noël - Cantique De Noël - O Holy Night - Lời Việt Phạm Ngọc Lân

 
 
Nhạc: Adolphe Adam (1803-1856)
Lời Pháp: Placide Cappeau (1808-1877)
Lời Anh: John S. Dwight (1812-1893)
Lời Việt: Phạm Ngọc Lân
Thực Hiện: Bạch Yến
 

Đông Về


Chuông giáo đường vang vọng
Cô đơn vẫn ngập lòng
Cái lạnh càng thêm lạnh
Khi trời chuyển sang đông
Chúa nhân từ cứu rỗi
Một tâm hồn đơn côi
Thoát qua vòng phiền lụy
Cho tim hết bồi hồi
Giữa giáo đường yên tĩnh
Tìm đến sự an bình
Lòng thành kính dâng lên
Chỉ mong đời thanh tịnh
Noel đến cận kề
Gió bấc còn lê thê
Mân Côi lần tràng hạt
Lòng con hết u mê.

Quên Đi

Không Có Thu Vàng


                      (Ảnh Kim Phượng)

Cuối thu không có lá vàng
Gió lùa lạnh giá miên mang nỗi buồn
Lòng nầy chai đá muốn buông
Đông vừa mấp mé mưa tuôn suốt ngày

Cuối thu lá rụng không vàng
Đường thu xám ngắt lang thang mịt mờ
Tình đời nghiệt ngã thờ ơ
Ai đi ai nghĩ bâng quơ lại buồn!

Nguyễn Cao Khải

Sóng Đời

Sóng Đời

Bên sóng đời nghe lòng rất lạ
Nhớ không ra nổi một con đường
Bao điều ẩn khuất tợ khói sương
Đảo điên với cuộc tình vây nhớ

Trong bóng đêm nương nhờ tĩnh lặng
Thả hồn thơ gối mộng đầu non
Thử con tim biết tuổi xuân còn
"Hoa Nắng"ngõ thiên đường rộng trải *

Là mãi mãi thời gian vẫn đợi
Bước đi xa rồi cũng quay về
Rộn ràng vui nắng ngập hồn quê
Hoa tím rộ cận kề mê bến

Ngược dòng trôi....có đến được nhau

Kim Phượng

* Cà Phê Hoa Nắng ở Vĩnh Long
***
Cảm Tác:

Say Tình

Buổi đông chí chiều trôi tán nắng
Lá hanh vàng, lẻ, lặng, rơi ... rơi ...
Tình say tình ... thả chơi vơi ...
Hồn theo cánh lá buông lơi ...
Một chiều!

dovaden2010

Tình Không Là Trăm Năm



Lần đầu tiên biết yêu
Nên chả hiểu gì nhiều
Em ngu ngơ khờ khạo
Tình đầy hơn trăng sao

Những gì em đọc thấy
Trong sách vở trước đây
Những gì em xem được
Trong xi nê, giờ nầy...
Mình thành nhân vật chính
Cảm xúc thế này đây!

Tình yêu trong phim ảnh
Trong những bài thơ văn
Tha thiết và cảm động
Không bằng em yêu anh

Không là tình trong sạch
Không thanh bạch, bâng quơ
Không còn tuổi học trò
Em vẫn yêu dại khờ
Tình cuồng si quá quắt
Tình chất ngất đam mê....
Hạnh phúc và nước mắt
Quyện vào nhau mịt mờ

Tình yêu đến như mơ
Bước vào yêu ngù ngờ
Quên quá khứ, hiện tại
Quên bổn phận mỗi ngày
Nhớ anh từng giây phút
Nghĩ về anh cả ngày
Si mê và điên dại
Yêu không cần tương lai

Hạnh phúc và khổ đau
Thường đi đôi với nhau
Nhưng làm sao em biết?
Nên thua thiệt buồn rầu!

Nhớ lại vẫn thấy đau
Dẫu bao năm trôi qua
Ôi mối tình quý giá
Lại là tình xót xa

Giờ anh người thiên cổ
Tình xưa giờ xa xăm
Nhớ chi người quá cố?
Tình không là trăm năm


Như Nguyệt
16 tháng 12, 2020

Tản Mạn Về Giáng Sinh

Gần một năm trôi qua mà thế giới chúng ta vẫn chìm trong mùa dịch. Biểu đồ cho thấy bệnh tăng nhanh khi trời chớm lạnh. Từ đầu thu, tháng 10, Montreal được ghi vào vùng báo động đỏ. 

  Lại cấm, cấm hội họp, cấm la cà, cấm nhà hàng, cấm đi xe chung nếu không cùng địa chỉ.

  Cấm, cấm và cấm …

  Dĩ nhiên cũng có nhiều người coi lệnh cấm như “ Ne pas”  mà nhà nước cũng không đủ “ công an khu vực ” để theo dõi hay “công an” để bắt nộp phạt nhưng đại đa số người dân đã mang khẩu trang khi vào chỗ công cộng, đã tập được thói quen chìa tay hứng cồn để sát trùng khi vào chợ mà lỡ có quên thì cũng có nhân viên nhắc nhở ngay. Các cửa hàng cũng phải tự bảo vệ để tránh nhiễm siêu vi chứ.

  Lễ Giáng sinh tới, lệnh giới nghiêm ở Montreal sẽ được nới lỏng một tí ti: Họp gia đình được 10 người, nhưng coi chừng nhé, quí vị hãy tự giác tự cách ly để…dọn mình sạch sẽ trước khi gặp nhau, và đừng quên sau khi gặp nhau nữa. Cứ như tính chu kỳ Ogino, nhớ nhé, tự cách ly 7 ngày trước và 7 ngày sau khi họp mặt gia đình. Có cần nói rõ họp mặt gia đình khác hội họp bạn bè không nhỉ. Có nhiều gia đình bị nhiễm cả nhà chỉ vì một người đem siêu vi về khi họp bạn đâu đó hay ngay cả dự một đám tang ai đó. Thế thì quí vị ơi, hồn ai nấy giữ nhé, nhà nước có nhắc nhiều thì lại bị dân đi biểu tình phản đối. Một người sống ở Việt Nam nói“Bên Mỹ lây lan nhiều vì tự do quá  đấy thôi”!

Mới năm ngoái mà như lâu lắm rồi:


    Ngày này, năm ngoái mới đây  thôi

    Christmas tưng bừng vui quá trời

    Đường xá, xe đông cùng lấn tới         

    Trung tâm mua sắm chật những người  *(1)    


     


   Mùa Giáng sinh gần kề. Sao Khuê chợt nhớ những mùa Giáng sinh ở Saigon  năm xưa. Từ giữa tháng 12, nhạc Giáng sinh đã vang cùng ngõ  hẻm. Những  bài ca nhạc điệu vui tươi tạo một không khí háo hức, không phải chỉ cho các con chiên của Chúa mà cho cả những người ngoại đạo, tin hay không tin có Chúa ngự trên cao, mọi người đều rành 

“ Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời, nằm trong hang đá nơi máng lừa…” (Đêm Đông Lạnh Lẽo - Hải Linh)


  Không phải nghe trên không trung mới thấy tiếng hát thiên thần vang lừng mà  mới về đến đầu ngõ đã thấy  tiếng Jingle Bells rung inh ỏi từ chiếc ra-dô nhà ai đó….

 Rồi đêm đến, ánh đèn làm tăng nét lấp lánh của những sợi kim tuyến máng trê những cây thông giả tràn đầy trên vỉa hè  đường Lê Lợi, đường Nguyễn Huệ, bùng binh Saigon. 

Ông già Noel, xe tuần lộc, hang đá, Chúa hài đồng, máng cỏ và không biết bao nhiêu là thiệp chúc Giáng sinh, chúc năm mới  được bầy bán (*2)                                          

   Dân Việt Nam tuy đa số theo Phật giáo nhưng không biết từ bao giờ, Giáng sinh trở thành ngày lễ chung, nhiều người đều tham dự bằng cách này hay cách khác. Nếu không đi lễ nửa đêm, giới trẻ cũng có party nhảy nhót vui chơi với bạn bè. Party của các nữ sinh Marie Curie, các sinh viên, các sĩ quan không quân…là những nơi họ hẹn hò quấn quít bên nhau. Mà chẳng cần party, chỉ đi dạo cũng vui rồi.   Từ chợ Bến Thành, theo Lê Lợi, quẹo ra Nguyễn Huệ  hay dẫn xuống Tự Do, khu nhà thờ Đức Bà... người đông, trời ơi chen...  (2)                                           

  Sau cuộc đảo chánh 1963, chiến tranh đã lan rộng. Giáng sinh là dịp để các em gái hậu phương gặp các anh trai  nơi tiền tuyến, rồi đêm nhớ ngày thương, mong ngày về phép dung dăng dung dẻ:


"Anh chiến trường tôi nơi hậu tuyến
Đời lính chiến xui gặp nhau đây
Đôi đứa mình còn mỗi đêm nay
Nói gì cạn niềm thương
để rồi mai ta lên đường…"

(Tình Anh Lính Chiến-Lam Phương)
Macintosh HD:Users:hungquan:Desktop:IMG_2439.JPG

  Các binh sĩ Mỹ ngoài tiền tuyến được các ca sĩ từ Mỹ sang, đến tận nơi giúp vui. Bob Hope và ngay phi hành gia Armstrong cũng tham gia.* (3)

  Đêm 24 tháng 12 là đêm chờ đợi, chờ được cùng người yêu đi xin  lễ hay gặp người trong mộng trước nhà thờ. 

Những đêm gần Giáng sinh hay đêm Giáng sinh nhiều anh độc thân,            ngay cả không theo đạo cũng thường lởn vởn gần Vương Cung Thánh đường Saigon: 


"Mùa Noel đó chúng ta quen bên giáo đường.
Mùa Noel đó anh dắt em vào tình yêu.
Quỳ bên hang sâu nghe lời kinh thánh vang cầu.
Nhìn nhau không nói nên câu
vì biết nói nhau gì đâu."

( Hai Mùa Noel - Đài Phương Trang)

Khu nhà thờ Ba Chuông, khu Ngã ba Ông Tạ nhộn nhịp do đông giáo dân nhưng đông nhất là Vương Cung Thánh Đường Saigon, trước là nhà thờ Đức Bà, xây dựng từ năm 1877 được tôn vinh thành Vương Cung.                

Vương Cung thánh đường năm 1961 nhưng nhà thờ  xưa nhất của Saigon lại là nhà thờ Chợ Quán trên  đường Trần bình Trọng (4)*  cùng   lịch sử với Saigon,  

     

Nhà thờ ba Chuông tức nhà thờ Đa Minh trên đường Trương Minh Giảng, xây theo hình thánh giá với cuốn sách mở có ghi chữ Veritas (Chân lý). Tháp chuông gạch đỏ, cao 14 mét xây riêng như bông huệ mở ra ba hướng với ba quả chuông từ Pháp mang về nổi bật vào ban đêm nhờ đèn điện rực rỡ. Dân xích lô, tài xế taxi, thợ thuyền, sinh viên… hay gọi là nhà thờ Ba Chuông để phân biệt với các nhà thờ khác. Đến năm 2003, linh mục Giuse Phạm Hưng Thịnh lúc đó đang là chánh xứ nhận trách nhiệm xây dựng nhà thờ mới theo tinh thần hội nhập văn hóa nên nhà thờ mang dáng dấp giống như một ngôi đình của làng xã Việt Nam với hình vuông, mái cong.


Vương Cung Thánh đường Saigon *(6) là một trong bốn Vương Cung Thánh Đường  tại Việt Nam, ba Vương Cung Thánh Đường  kia là Vương Cung Thánh Đường  Phú Nhai ở Nam Định, Vương Cung Thánh Đường  La Vang ở Quảng Trị nơi Đức Mẹ hiện ra năm 1798 , Vương Cung Thánh Đường  Sở Kiện  ở Hà Nam…

Sau 1975, Saigon không còn không khí Noel  cũ, nghe nói không khí này trở lại cùng với sự mở cửa đổi mới của Việt Nam thực hiện sau sự sụp đổ của Các nước Cộng Sản Đông Âu...

 


Âu Mỹ, đa số theo Thiên Chúa Giáo,Tin Lành, Cơ Đốc nên lễ Giáng sinh rất lớn. Đây lúc trọng đại nhất trong năm. Các trung tâm mua sắm đông nghẹt, nhiều khi không có chỗ đậu xe mặc cho khí hậu khắc nghiệt của mùa đông.  Mỗi trung tâm lớn có ông già  Noel  chụp hình với trẻ em. Những cây Noel trang  hoàng rực rỡ khắp nơi từ ngoài phố vào trong nhà. Hầu như nhà nào cũng có cây Noel với những gói quà  chung quanh với mùi thông tươi thơm đặc biệt. Gà tây, champagne, chocolate… không thiếu gì, nhưng người Việt tha hương không tìm thấy không khí Giáng sinh ngày xưa. Thiếu cái gì ấy nhỉ? Thiếu cái đông đảo chen chúc và hình như thiếu nhất là tiếng nhạc, phải, tiếng nhạc từ cái ra-dô cũ kỹ vặn suốt ngày, oang oang cả xóm và bài ca, nghe hoài không chán...

Vì Âu Mỹ không ăn Tết Nguyên đán nên  mọi người cũng mau mau hội nhập vào phong tục phương Tây, kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế, với thiệp chúc mừng Giáng sinh , quà Giáng sinh, ông già Giáng sinh, cây  thông Giáng sinh và tối Giáng sinh.

 Giáng sinh là một ngày lễ gia đình để mọi người, mọi thế hệ trong gia đình quây quần tụ tập. Giáng sinh cũng là lúc người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu trong nhà già, không mái ấm gia đình ngoài đường phố qua các hội từ thiện.

Đêm Giáng sinh là một đêm huyền diệu cho trẻ con. Hầu như tất cả mọi ước nguyện trẻ con được thành sự thật cùng sự vui thích của người lớn qua những gói quà to nhỏ thông qua trung gian của ông già Noel.

Với người Việt Nam, Giáng sinh, giản dị là ngày Chúa sinh ra đời. Giáng sinh, Anh Mỹ gọi là Christmas do hai tiếng Christ là chúa Christ từ chúa Jê -su và “mas “ tức ngày lễ, ngày lễ mừng Chúa chào đời. Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Chữ Christ (Đấng chịu sức dầu) là tước vị của Đức Giêsu. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). 

Khi chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Giêsu.
Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. X do chữ Hy lạp viết chữ Christ là Christos, Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos hay Xpiơtós, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. 

  Người Pháp gọi lễ Giáng sinh là Noel và lễ này chính thức bắt đầu từ thế kỷ thứ II, ấn định vào ngày 25 tháng 12. Noel là một từ tiếng Pháp Noël, khi xưa viết là Naël mà nguồn gốc từ tiếng Latinh nātālis (diēs) có nghĩa là “(ngày) sinh”. Noel cũng có thể xuất phát từ tước hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” 

Người ta không biết đích xác ngày Chúa ra đời, chỉ biết ngày đông chí và vì Đức mẹ phải chín tháng mang  thai nên ngày chúa ra đời phải là chín tháng sau ngày các sứ thần báo tin. Người ta cũng đã đề nghị vài ngày như 6 tháng 1, 25 tháng 3, 10 tháng 4 nhưng sau cùng đại đế  Constantine quyết định ngày 25 là ngày Chúa đến thế gian..

Ban đầu, trước sự cấm đoán và bắt bớ của chính quyền La Mã, người theo Thiên Chúa đã bí mật chọn ngày 25/12, cũng là ngày đại lễ của La Mã tế thần Mặt Trời để tổ chức; nhờ vậy trong một thời gian dài, chính quyền La Mã đã không thể phát hiện những người theo đạo Chúa hân hoan mừng vui chào đón Chúa Jesus đến trần gian. Khoảng 300 năm sau, vào năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine I  bỏ đa thần giáo và theo Cơ đốc giáo. Ông cho hủy bỏ lễ thờ thần Mặt trời và cũng lấy ngày này, 25/12 là ngày lễ mừng sinh nhật của Chúa Jesus. Theo người Do Thái, ngày mới bắt đầu từ chiều tối  chứ không phải nửa đêm hay sáng hôm sau nên mới có lễ từ ngày 24. Lễ chính thức ngày 25 tháng 12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng" thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Sau này, nhà bác học Isaac Newton giải thích là lễ Giáng sinh được chọn vào ngày Đông chí - mà theo lịch thời đó rơi vào ngày 25/12. Đến năm 354. Giáo hoàng Libero chính thức công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức đề cử hành lễ Giáng sinh.

  Nhiều giáo hội Chính Thống Giáo Đông Phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7/1 theo lịch Gregory. 

Chúng ta thường nghe các bà ngoan đạo “ Giêsu, lạy Chúa tôi”. 

Tại sao đức Chúa mang tên Jesus Christ?

Theo tài liệu Wikipedia: Jesus có nghĩa  là Giavê,  có nghĩa là sự cứu rỗi

và Christ là người được xức dầu . 

Trong tiếng Hy Lạp, Χριστός (Khristos) có nghĩa là "người được xức dầu", được dịch từ tiếng Hebrew Messiah, vị lãnh đạo được Thiên Chúa sai đến giải cứu dân Chúa, ngày nay hiểu là "Đấng cứu thế” "Đấng Tiên tri", "Chúa". Chữ Kitô hữu được chỉ những người tin và theo Chúa Kitô.   Cả ba Nhánh Kitô Giáo là Công Giáo, Chính Thống và Tin Lành, từ đầu, đều thuộc Đạo Thánh của Chúa Kitô gọi chung là Kitô Giáo (Christianity ). Nhưng theo dòng thời gian, đã có những biến cố gây ra tình trạng rạn nứt hay ly giáo (schisms) hoặc những cải cách (Reformations ) đáng tiếc xảy ra khiến Kitô Giáo bị phân chia thành 3 nhánh chính trên đây. Ngoài ra, còn một nhánh Kitô Giáo nữa là Anh Giáo (Anglican Communion) do vua Henry VIII (1491-1547) của nước Anh  vào năm 1534 lập một giáo hội riêng cho nước Anh, tách khỏi Rôma chỉ vì Tòa Thánh Rôma (Đức Giáo Hoàng Clement VII) không chấp nhận cho nhà vua ly dị vợ, lấy vợ khác để sinh con nối dõi.

Tuy là ăn mừng Giáng sinh cùng một ngày nhưng mỗi nơi mỗi khác

 Tại Pháp: với tỷ lệ tôn giáo là  Công giáo 83%-88%, Tin lành 2%, Do Thái giáo 1%, Hồi giáo ..bữa ăn đêm mang tên Réveillon de Noel. Reveillons có nghĩa là “chúng ta thức dậy đi nào”. Bữa tiệc tổ chức vào đêm khuya nên phải thức  mới ăn được.

Năm 2010, Unesco chính thức công nhận “bữa ăn kiểu Pháp” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên bữa tiệc Réveillon de Noel hẳn là đặc biệt: Khai vị là hải sản tươi, tôm, cua và đặc biệt là hàu. Phần lớn người Pháp sẽ ăn sò sống, để “nhẹ nhàng” vì còn nhiều món thịnh soạn chờ đợi. Một món không thể thiếu khác là gan béo (foie gras) của vịt hoặc ngỗng. Món chính truyền thống thường là thịt gia cầm, thường được chọn nhiều nhất là gà tây. Gà được nhồi hạt dẻ, thịt, nấm rồi đút lò nấu thật lâu cho thịt thấm nước sốt từ phần nhân chảy ra để mềm và thơm vì nếu không có nhân nhồi vào mà chỉ nướng không thì thịt gà tây sẽ bị khô. Hạt dẻ vào đúng mùa (cuối thu đầu đông) nên rất bùi, ngon. Món chính có thể được ăn kèm với rau củ. Sau đó với 3 hoặc 4 loại khác nhau fromage: camembert, comté, chèvre, bleu…Sau cùng, món rất được chờ đợi là bánh buche (khúc cây). Tiệc tàn, nhưng những câu chuyện chưa dứt, các hộp chocolate được trang trí bắt mắt lại được mang ra để cả nhà nhâm nhi. Giáng sinh thật ấm áp và ngọt ngào.

 

Bûche de Noël bắt nguồn từ Pháp, có nguồn gốc liên quan đến tục lệ đốt khúc cây để chào đón mặt trời của người cổ đại. Công thức bánh khúc cây đầu tiên có lẽ là của tác giả Joseph Fabre vào năm 1905. ... Người ta coi việc ăn bánh khúc cây sẽ đem lại may mắn trong năm mới và tránh khỏi điềm dữ.

Na Uy : Việc giấu tất cả các chiếc chổi trước khi đi ngủ đã trở thành một phong tục đặc trưng của các gia đình Na Uy trong đêm Giáng sinh. Người Na Uy tin rằng những linh hồn lưu lạc và phù thủy độc ác sẽ xuất hiện vào đêm Giáng sinh để đánh cắp bất kỳ chiếc chổi nào để bay lên trời gieo tai họa và gây rắc rối - giống bà phù thủy trong truyện Harry Potter? Ngoài ra, món bánh pudding gạo ngọt ngào mang tên "riskrem" cũng trở thành món tráng miệng không thể thiếu đối với người dân Na Uy trong ngày Giáng sinh. 

Tại Anh (7): với tỷ lệ đạo chính thống Anh (57%), đạo Tin Lành (15%), đạo Thiên Chúa ( 13%) và một số đạo khác như: Hindu, Sikh, Do Thái… Christmas Dinner là bữa tiệc chính, diễn ra vào buổi trưa.

Pháo Giáng sinh -Cracker " là một phần "không thể thiếu" trong dịp lễ Giáng sinh của Anh. Hãng tin BBC mô tả đây là "một cái ống bìa các- tông 3 ngăn, được bọc trong giấy màu rực rỡ" với hình dạng giống một cái kẹo. Đầu bữa ăn, cứ hai người ngồi cạnh sẽ cùng nhau kéo “cracker” (dài bằng hai gang tay, buộc lại hai đầu, bên ngoài bọc lớp giấy hoa đẹp, bên trong chứa một vật nho nhỏ như chìa khóa, đồ cắt móng tay, đồ khui bia, kéo, kẹp giấy…). Khi “cracker” đứt ra, phần quà bên trong rơi vào ai thì sẽ thuộc về người đó.

 

Tại Hoa Kỳ: 76% tổng số dân Hoa Kỳ nhận họ theo Kitô giáo  52% theo Tin Lành, 24% theo Công giáo Rôma, 1% theo Do Thái giáo và 1% theo Hồi giáo. 

Trên bàn tiệc Giáng sinh của người Mỹ luôn có món Gà Tây nhồi, món ăn này cũng là món ăn phổ biến trong ngày lễ Tạ Ơn của họ. Món gà tây vốn dĩ là món ăn của giới thượng lưu Mỹ vào những năm cuối thế kỷ 19. Cùng với đó, trên bàn tiệc của họ còn có xốt, bí đỏ và đậu xanh. Các loại bánh gồm bánh táo, bánh cà rốt, bánh patee thịt bằm và bánh trái cây. Di dân đến Mỹ đầu tiên là dân Anh nên Mỹ không có buche de Noel như Âu châu, Canada. 

Mexico: Tại các thành phố và thị trấn trên khắp Mexico, lễ hội Giáng sinh còn gọi là lễ hội Las Posadas được tổ chức từ ngày 16 đến 24/12. Las Posadas tưởng niệm hành trình đầy gian khổ của thánh Joseph và đức mẹ Mary từ Nazareth đến Bethlehem để tìm kiếm một nơi an toàn cho đức mẹ hạ sinh ra Chúa Giêsu. Trong tiếng Tây Ban Nha, "Las Posadas" có nghĩa là "nhà trọ" hoặc "nơi trú ẩn". Ngày lễ kéo dài 9 ngày tượng trưng cho 9 tháng mang thai của đức mẹ Mary. Mỗi đêm sẽ có một bữa tiệc được tổ chức ở nhà một trong những người hàng xóm láng giềng trong khu dân cư. "Người hành hương" đứng trước cửa chủ nhà hát một bài hát xin chỗ trú ngụ, sau đó chủ nhà sẽ mở cửa mời vào với các bàn tiệc được bày sẵn. Trong đêm cuối cùng, những đứa trẻ sẽ đập vỡ piñatas - những con rối làm bằng giấy hoặc ni-lông chứa rất 

Úc:  52% người dân Úc theo Thiên Chúa giáo (trong đó 22.6% theo Công giáo). 2.6% theo Hồi giáo, 2.4% theo Phật giáo, 1.9% theo Ấn giáo, và 0.5% theo đạo Sikh. Anh và châu Âu từng cai trị tại Úc nên Úc gần như có hai lễ Giáng sinh. Giáng sinh thực sự ngày là 25 tháng 12 như mọi nơi và là ngày quốc lễ ở Úc .Vì Giáng sinh tháng 12 ở Úc rơi vào mùa hè, nóng và ẩm ướt nên Úc tổ chức một Giáng sinh khác vào tháng 7, lúc đó là giữa mùa đông. Giáng sinh vào tháng 7, còn được gọi là Yulefest hoặc Yuletide. 

 
Bữa tiệc Giáng sinh tại Úc vô cùng ấm cúng

   Thời tiết khá nóng nên tiệc Giáng sinh sẽ không có sự xuất hiện của những chiếc áo len mà thay vào đó là những chiếc mũ kỳ quái khiến buổi tiệc thêm đặc biệt. Những chiếc mũ làm bằng giấy và pháo hình kẹo hay những chiếc xe được gắn sừng tuần lộc chạy khắp đường. Bữa tiệc Giáng sinh bắt đầu bằng ly rượu vang lạnh, nhẹ nhàng và những món khai vị, nổi bật như tôm xiên chẳng hạn. Bữa ăn chính không thể thiếu món gà tây và nhiều món salad của Úc. Tráng miệng có nhiều món truyền thống đặc biệt, trong đó, món bánh pudding mận ăn cùng với kem tươi là ngon hơn cả. Theo như người dân địa phương thì cần phải đun bánh tới 6, 7 tiếng đồng hồ, để có thể giữ được trong vài tháng với hương vị ban đầu. 

Hầu hết các ngôi nhà của người dân Úc thường trang trí một chùm Christmas Bush. Đây là một loại cây mọc ở Úc có lá nhỏ màu xanh, hoa màu kem. Lá sẽ chuyển sang màu đỏ sáng bóng trong tuần lễ Giáng sinh. Không lò sưởi, không tuyết trắng như các quốc gia ở Bắc bán cầu, mùa Giáng sinh Australia rực rỡ nắng vàng trên những bãi biển lộng gió và cát. Vào ngày Giáng sinh, nhiều gia đình thường ăn mừng với một bữa tiệc nướng vào buổi trưa, và sau đó tiến thẳng tới bãi biển. Ông già Noel tại Australia cũng có mặt tại các bãi biển, thậm chí hết sức đặc biệt khi xuất hiện trên ván lướt sóng thay vì đi trên chiếc xe trượt tuyết đặc trưng. Cây thông Giáng sinh Úc là từ những cành cây, củi khô ghép lại.

Châu Á

Giáng sinh ban đầu là lễ hội của châu Âu, theo bước chân các nhà truyền giáo đã đi khắp thế giới, Mỹ, Úc, Phi, Á. Ở châu  Á, lễ Giáng sinh tưng bừng ở Philippine, Singapore, Korea, khá sôi động ở Thai Lan. 

* Dân Nhật ăn Giáng sinh với gà quay Kentucky và bánh kem. 

* Dân Trung quốc nội địa tặng nhau táo vào dịp Giáng sinh.

* Philippines : Philippines tận hưởng mùa Giáng sinh dài nhất và xa hoa nhất trên thế giới, với những đường phố, nhà hàng cho đến các trung tâm thương mại đều ngập tràn ánh nến, đèn màu. Người dân bắt đầu trang hoàng nhà cửa và các lễ hội được tổ chức từ tháng 9 cho tới hết tháng 1 năm sau. Những chiếc đèn lồng Giáng sinh đặc biệt gọi là "paroles", mang ý nghĩa là sự chiến thắng của ánh sáng trước đêm đen, làm bằng tre và giấy được treo khắp các thị trấn và làng mạc.


Ở châu Phi, ngày Giáng sinh thường bắt đầu bởi tiếng hát của các nhóm truyền giáo đi xuyên các đường phố, làng mạc, nhà cửa. Các bài hát thánh ca nổi tiếng thế giới sẽ đánh thức mọi người dậy để tới nhà nguyện để sau đó mỗi người lại trở về nhà  với món ăn ngon.



Phần quan trọng nhất trong lễ cầu nguyện ngày giáng sinh của người châu Phi là trao tặng tình cảm - thường là một món quà để tỏ lòng tôn kính Chúa. Vào khoảng 8-9 giờ sáng, người dân sẽ tham gia lễ mừng ngày Chúa giáng sinh. Bất cứ ai tham gia lễ cầu nguyện đều đem theo một món quà và đặt chúng ở gần chiếc bàn Thánh thể. Không ai tham gia buổi lễ này mà không đem theo quà tặng.

Tại châu Phi, các món ăn trong ngày Giáng sinh thường là gà tây, thịt bò nướng hoặc lợn sữa, gạo vàng với nho, rau và mứt mận, bánh cracker... Như Úc, lễ Giáng sinh ở Nam Phi diễn ra vào mùa hè, không có tuyết nhưng hoa rực rỡ khắp mọi nơi. Và, thay vì cây thông Noel người ta lại dùng cây cọ như ở quốc gia nằm ở bờ biển phía tây châu Phi.n

Quà Giáng sinh, theo truyền thuyết do ông già Noel phát. Trước đó các trẻ em sẽ gửi thư đến ông già Noel ở tận Bắc cực để xin món quà mơ ước. Ông sẽ đến từng nhà và để quà vào trong những chiếc vớ máng ở đầu giường hay đặt dưới gốc cây thông. Ông sẽ chui qua ống khói mà vào. Trẻ em rất yêu mến ông già bụng bự đỏ từ đầu đến chân, nhân từ, muốn gì cho nấy:


 Petit Papa Noël
Quand tu descendras du ciel              
Avec des jouets par milliers
N'oublie pas mon petit soulier

Mais avant de partir
Il faudra bien te couvrir
Dehors tu vas avoir si froid
C'est un peu à cause de moi


 Ông già Noel chính là Santa Claus





Truyền thuyết Santa Claus được bắt đầu bởi một vị Thánh có tên là Nicholas. Thánh Nicholas sinh vào năm 280 tại một thành phố nhỏ ở miền Tiểu Á. Cha Mẹ ông rất giàu nhưng qua đời khi ông còn nhỏ.

Suốt cuộc đời, Thánh Nicholas sống trong sự hy sinh, tận tụy và đầy lòng yêu thương. Ông đã được dân chúng bầu làm Giám Mục cho thành phố Myra. Thánh Nicholas bị giam trong thời gian bắt bớ đạo của Hoàng Đế Diocletian, nhưng sau đó ông được Hoàng Đế Constantine thả ra. Ông dành những ngày ngắn ngủi còn lại của cuộc đời để giúp đỡ người nghèo khó. Ông thường cải trang để đem các món quà đến cho các em nhỏ nghèo trong những làng mạc. Có lần Thánh Nicholas cũng tặng vàng cho một người cha nghèo để làm của hồi môn cho ba đứa con gái. Ông qua đời vào năm 314, lúc 34 tuổi. Chuyện kể rằng lúc còn sống thánh Nikolaus (ông già Noel) vì thương tình ba cô con gái đến tuổi lập gia đình nhưng không chàng trai nào ngấp nghé vì gia đình của họ quá nghèo. Vào một đêm mùa đông, ngài Nikolaus đã ném 3 đồng tiền vàng vào ống khói nhà các cô gái, vô tình chúng rớt vào các đôi bít tất mà họ hong bên lò sưởi. Từ đó có tục trẻ em treo bít tất để được nhận quà của ông già Noel.

Bộ quần áo đỏ của ông, do người thợ may đã đo lầm, nên rộng đủ để ông nhét kẹo bánh thành cái bụng bự và dài để ông nhét vào ủng cho ấm chân.

Kẹo hình cây gậy: Vào những năm 1800, một người làm kẹo ở Ấn Độ muốn biểu đạt ý nghĩa của Lễ Giáng sinh bằng cách uốn cong một trong những thỏi kẹo thành hình một chiếc gậy kẹo. Màu trắng biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của chúa Giê su, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Ðức Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác. Ba sọc đó còn biểu hiện ba ngôi thiêng liêng của Chúa (sự hợp nhất của Cha, Con và Thánh thần). Ông thêm vào một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người. Khi nhìn vào cái móc của cây gậy, ta thấy nó giống hệt cây gậy của người chăn cừu vì chúa Giê su chính là người chăn dắt con người. Nếu lật ngược cây gậy, nó sẽ trở thành chữ J tượng trưng cho chữ cái đầu tiên của tên chúa Giêsu (Jesus). Nhờ có người thợ làm kẹo đó mà mọi người đều biết được lễ Giáng sinh nói về điều gì.

 Cây Giáng sinh



Vì không có chìa khóa vào nhà nên ông già Noel từ máng lò sưởi tụt xuống, tuy thế quà và ông không bị dính muội khói, ông đặt quà bên cạnh cây Giáng Sinh( trường xuân).


Vào thế kỷ VII, nhà tu người Đức, Thánh Boniface đã thuyết phục các tu sĩ của mình tại vùng Geismar rằng cây sồi không phải là  loài cây thiêng liêng. Ông đốn một cây sồi lớn, khi cây đổ, nó đè  hết tất cả các cây cối xung quanh, trừ một cây sapin trẻ. Ông tuyên bố sẽ gọi tên cây này là cây Chúa Hài đồng Jesus. Từ đó người ta trồng cây thông nhỏ để làm lễ Giáng sinh. Cây đó được gọi là Cây Noel lần đầu tại Alsace vào năm 1521. Năm 1560, những người theo đạo Tin Lành đã phát triển truyền thống này. Đến thế kỷ XIX, cây phát triển rất thịnh hành và đến nay, cây Noel là thứ không thể thiếu của mỗi dịp Giáng sinh. Với «màu xanh trường kỳ» trong suốt mùa đông của nó, cây thông tượng trưng cho sự sống vĩnh cửu!

Theo ông Frédéric Picard, phóng viên tờ Le Figaro, phải đợi đến thế kỷ 16, cây thông mới được thắp sáng lần đầu: 

« Theo tương truyền, ông Martin Luther bị lóa mắt trước vẻ đẹp của cây thông phủ đầy tuyết. Những chiếc cành xanh lá phản chiếu ánh sao lấp lánh. Và ông tạo dựng lại hình ảnh này bằng cách để những ngọn nến trên cây thông của mình ». 

  Tập tục này được tiếp tục phát triển mạnh vào thế kỷ XVII. Cây thông Noel thời kỳ này được thắp sáng bằng những chiếc vỏ sò đầy ắp dầu. Đèn điện xuất hiện cũng đã làm thay đổi nghệ thuật trang trí cây thông. Dây đèn điện trang trí đầu tiên lần đầu ra mắt là tại Hoa Kỳ, năm 1882, do một người bạn của Thomas Edison- một nhà phát minh ra đèn điện- là thương gia nổi tiếng của Mỹ lúc bấy giờ.

Lúc đầu, cây thông được trang hoàng bằng những quả táo đỏ, nhắc lại hoa quả dồi dào của Thiên đàng và cũng theo lời kể của Frédéric Picard, quả cầu trang trí Noel đầu tiên được chế tạo vào năm 1858 tại Moselle của Pháp một cách tình cờ.

« Một mùa hè khô hạn và một mùa đông khắc nghiệt đã làm cho táo dùng để treo cây thông theo truyền thống bị mất mùa. May mắn thay, một người thổi thủy tinh đã nảy ra sáng kiến thay thế trái cây bằng những quả cầu bằng thủy tinh. » 

Giờ đây, được trang trí bằng muôn ngàn ánh đèn, cây thông Noel đã trở thành một phong tục được cả thế giới đi theo và chia sẻ.


Ngôi sao Bethlehem: Ngôi sao được đặt trên ngọn cây thông Noel, trên đỉnh Nhà thờ với các chùm đèn hoa tỏa xuống như ban phước lành cho mọi người và mùa Giáng sinh cũng còn được gọi là “mùa sao sáng”. Ngôi sao trong truyền thuyết đã dẫn đường cho 3 vị Vua tới được đúng nơi Đức Chúa Trời Giêsu được hạ sinh. Ba vị quỳ trước mặt Chúa, dâng lên Chúa các vật phẩm trầm hương và vàng bạc châu báu. 

Ngôi sao Giáng sinh có năm cánh như đèn Trung thu, còn ngôi sao sáu cánh là ngôi sao David của nguời Do Thái. Nguời ta cũng máng vào cây Giáng sinh những quả sồi, tuy không phải là cây Thánh nhưng tượng trưng cho ý nghĩa, dù khởi đầu nhỏ bé nhưng sẽ những cây sồi cứng cáp vĩ đại.

Thiệp Giáng sinh:



Vào thời cổ Ai Cập và La Mã, người ta có thói quen gửi lời chúc mừng đầu năm khắc trên những mảnh gỗ. Đến năm 1843, tại Anh quốc, Sir Henry Cole, vì quá bận bịu trong công việc làm ăn không thể viết thư được nhân mùa Giáng sinh và muốn giúp phát triển hệ thống Bưu điện nên đã cho trang trí một tấm thiệp, in ra , gửi đến các đồng sự của ông. Sau đó đã có hàng ngàn tấm thiệp được in và bán với giá một "shilling".

Từ đó những tấm thiệp được mang ra, trang trí cả bên những cây Thông Giáng sinh như một thông điệp của những người thân yêu gửi tới nhau.

 Bây giờ chúng ta gửi cho nhau hàng ngàn tấm thiệp chỉ bằng một click và không tốn tiền mua, không hại môi trường, nhất là tuân thủ lệnh “stay home.” 

Bên cạnh cây Giáng sinh, nhiều nhà treo ngoài cửa một vòng hoa, nêu có nên gọi là Vòng nến mùa vọng, mùa chuẩn bị cho Chúa Giáng sinh.


Vòng nến mùa vọng (Advent Kranz) bắt đầu thành hình cách đây khoảng 150 năm tại Hamburg  từ mục sư Johann Hinrich Wichern thắp trong ngôi nhà gọi là Rauch Haus do ông lập ra mục đích tụ tập các thanh thiếu niên trên đường phố để học nghề và cầu nguyện đêm Giáng sinh. 


Trong số 4 cây nến được thắp lên trong 4 Chúa Nhật của Mùa Vọng, có 3 cây màu tím và 1 cây màu hồng. Các cây nến màu tím được thắp vào các Chúa Nhật thứ 1, thứ 2 và thứ 4 tiêu biểu cho sự cầu nguyện, việc đền tội, và những hy sinh cùng các việc bác ái trong Mùa Vọng. Cây nến màu hồng được thắp vào Chúa Nhật thứ 3, tức là Chúa Nhật Vui Mừng (tiếng Latinh là Gaudete có nghĩa là vui mừng) khi vị linh mục mặc áo lễ màu hồng. Được gọi là Chúa Nhật Gaudete vì vào thời điểm này, người tín hữu đã đi được nửa chặng đường của Mùa Vọng và họ đang đến gần ngày Lễ Giáng sinh. Việc thắp sáng dần 4 cây nến này trong Mùa Vọng tiêu biểu cho sự chờ đợi và niềm hy vọng về việc Chúa Giêsu đã đến với nhân loại lần thứ 1 và nỗi mong mỏi Ngài lại đến một lần nữa để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Nếu có cây nến thứ 5, cây nến này tượng trưng cho Chúa Kitô đến, có mầu trắng.


  Các biểu tượng của vòng hoa Mùa Vọng rất đẹp. Vòng hoa được kết bằng những lá cây thường xuân* (cây Vạn niên, khoa học: Hedera helix) tiêu biểu cho cuộc  sống liên tục. Trong số các cây thường xuân, còn gọi là cây trường xuân do có mầu xanh quanh năm, thì cây nguyệt quế* tiêu biểu cho chiến thắng, sự bách hại và đau khổ; cây thông (pine) và nhựa ruồi (holly) tượng trưng cho sự bất tử; và cây tuyết tùng (cedar) tiêu biểu cho sức mạnh và sự chữa lành. Người ta cũng còn kết những quả thông vào vòng hoa Mùa Vọng để tiêu biểu cho sự bất tử của linh hồn và lời hứa sự sống mới và vĩnh cửu trong Chúa Kitô, Ngôi lời Nhập Thể, Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Người. Cây ô rô*, lá xanh tươi cũng được kết vào vòng hoa thay cho cây tầm gửi* ( holly, cùng họ nhựa ruồi) có nguồn gốc do người ngoại đạo đã dùng. Lá và hoa ô rô đẹp hơn lá tầm gửi và lá có răng cưa.


   


Vòng hoa mùa Vọng có lẽ bắt nguồn từ vòng Nguyệt quế, thường được các hoàng đế đeo, tượng trưng cho chiến thắng và quyền lực.



Cây trạng nguyên Poinsettias  được đặt theo tên của Joel Poinsett đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Mexico người đã có công mang loại cây này về nước Mỹ vào năm 1882. 

Vào thế kỷ 18, người Mexico coi cây trạng nguyên là biểu tượng của ngôi sao ở Bethlehem. Theo truyền thuyết cho rằng có một bé trai không có quà dâng lên Chúa Hài Đồng nên em đã mang đến máng cỏ một chùm lá cây. Các bạn em cười chế nhạo em, nhưng khi em đặt những nhánh lá dưới chân Chúa Hài Đồng thì những cành lá đó biến thành những bông hoa đỏ rực rỡ rất đẹp. Màu đỏ của niềm tin hy vọng, rực rỡ ấm áp giữa vùng tuyết trắng mênh mông, buốt giá.


Chuông 



 Chuông được rung lên để báo tin nên trên cây Thông Giáng sinh chúng ta thường treo rất nhiều những quả chuông nhỏ. Mỗi lúc cây đung đưa, bản nhạc vui mừng  lại khẽ réo rắt ngân. 



Hưu chiến đêm Giáng sinh(tiếng Anh: Christmas truce; tiếng ĐứcWeihnachtsferientiếng Pháp: Trêve de Noël) là  hiện tượng một loạt những cuộc ngừng bắn không chính thức xảy ra dọc theo Mặt trận phía Tây trong dịp Giáng sinh năm 1914 giữa lúc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Một tuần trước ngày lễ, binh lính hai bên tham chiến đối đầu là Đức và Anh Quốc băng qua các chiến hào để trao đổi lời chào mừng cũng như trò chuyện với nhau. Vào ngày và đêm trước Lễ Giáng sinh cũng như đúng ngày lễ này, binh sĩ từ hai phía dò dẫm tiến vào vùng giao tranh, ngồi lại với nhau rồi cùng trao đổi thức ăn và những món quà kỷ niệm. Họ trao đổi tù binh, tổ chức chung lễ an táng, rồi hát với nhau các ca khúc Giáng sinh trước khi chia tay. Họ cũng tổ chức những trận đấu bóng giao hữu, tạo nên những ấn tượng sâu đậm nhất về cuộc hưu chiến. Tuy nhiên, tại một số khu vực, chiến tranh vẫn tiếp diễn, hay chỉ là những cuộc dàn xếp thu hồi thi thể các binh sĩ tử trận.

Lính Đức và Anh gặp nhau trong cuộc hưu chiến,được đăng trên tờ The Illustrated London News, 9 tháng 1 năm 1915
Tại Mặt trận phía Tây có khoảng 100.000 lính Anh và Đức tham dự những cuộc hưu chiến không chính thức. Cuộc hưu chiến đầu tiên bắt đầu vào ngày trước Giáng sinh 1914, khi lính Đức trang hoàng chiến hào của họ trong vùng Ypres, Bỉ, nhất là ở Saint-Yvon, theo hồi ký của Đại úy Bruce Bairnsfather.

Những người lính Đức thắp nến trong chiến hào, treo nến trên cây Giáng sinh, rồi cử hành lễ bằng cách hát vang những ca khúc Giáng sinh. Khi thấy các cây thông của linh Đức, các kỹ sư của đơn vị kỹ sư Hoàng gia Scotland đã nhầm lẫn đó là một cuộc tấn công của kẻ thù, cho đến khi họ nghe thấy các giai điệu:"Stille Nacht! Heilige Nacht!"(phiên bản tiếng Đức của bài Đêm Thánh Vô Cùng). Một người lính Anh hét to:" Họ đang hát đấy, chúng ta nên hát theo đi!". Thế là các người lính Anh đáp lễ bằng cách hát những ca khúc Giáng sinh của họ. Những tiếng kêu to chào hỏi và chúc mừng Giáng sinh vang lên từ hai bên chiến tuyến. Ngay sau đó nhiều người băng qua vùng trận địa, tặng nhau những món quà nhỏ như thức ăn, thuốc lá, rượu, và những vật kỷ niệm như nút áo và mũ. Những khẩu đại pháo cũng im tiếng. Đây cũng là cơ hội để những người lính đem thi thể của đồng đội về chôn cất. Các chiến sĩ trận vong được an táng theo nghi thức, được thương tiếc và nghiêm chào theo quân cách bởi những người lính từ hai bên chiến tuyến. Tại một tang lễ được tổ chức trong vùng hoang địa, những người lính từ hai phía cùng nhau đọc đoạn Kinh Thánh trong Thánh Vịnh 23. Ở nhiều nơi, hưu chiến kéo dài qua Lễ Giáng sinh, có chỗ đến tận Năm Mới. (Tài liệu) 

Lễ hưu chiến này đã được dựng thành phim, rất cảm động. 
Có lẽ không có gì hạnh phúc bằng trong đêm Noel giá lạnh, dưới gốc thông xanh lấp lánh ánh đèn, bên bếp sưởi hồng, cả nhà quây quần hòa chung tiếng hát: “Chúc Mừng Giáng sinh”. 

Những bài ca Giáng sinh là linh hồn của mùa Giáng sinh. Những bài hát Giáng sinh ban đầu thường là Thánh ca đều để xưng tụng đêm huyền diệu, đêm Chúa chào đời. Một trong những bài "Christmas Carol" cổ xưa có lẽ là bài "The First Noel" (thế kỉ 16), rồi đến bài "Silent Night" (1818).

"The First Noel"(Đêm Giáng sinh Đầu Tiên) là bài dân ca mùa Giáng sinh cổ xưa nhất mà ngày nay còn hát. Mặc dầu được in ra lần đầu tiên vào năm 1833, bản nhạc này đã xuất hiện trước đó ít nhất cũng khoảng 300 năm. Nguyên bản phát xuất từ đâu và vào thời điểm nào thì vẫn còn là một nghi vấn, và cả hai nước Anh, Pháp đều dành phần xuất xứ. Chữ “Noel” cho biết có thể bản nhạc đã khởi đầu từ nước Pháp 

https://www.youtube.com/watch?v=iJfjZeiRi3g&list=RDiJfjZeiRi3g&start_radio=1

Silent Night là ca khúc được sáng tác vào ngày 25 tháng 12 năm 1818, tại Nhà thờ Thánh Nicholas (Nikolai-Kirche) ở Obendorf thuộc nước Áo  Mohr viết lời cho bài hát từ năm 1816, nhưng mãi đến đêm trước Giáng sinh mới tìm gặp Gruber để nhờ soạn phần giai điệu cũng như phần phối âm cho đàn guitar.
Nhạc sĩ Hùng Lân không chuyển dịch lời ca mà đặt hoàn toàn lời mới.
“Đêm Thánh Vô Cùng” của Hùng Lân cũng rất quen thuộc với người Việt Nam được trên nửa thế kỷ 
“O Holy Night” (Cantique de Noël) ra đời vào năm 1847 do Adolphe Charles Adam dựa trên bài thơ "Minuit, chrétiens"của Placide Cappeau được John Sullivan Dwight viết lời Anh. Lời Việt là “Chúa ra đời” viết bởi Anh Linh.

Đêm Thánh Vô Cùng - Thái Thanh- Giáng Sinh Năm 1970

“What child is this” cũng là một bài hát cổ xưa do William Chartertle Dix, vào năm 1865, viết lời trên nền nhạc của một bài dân ca cổ của Ái Nhĩ Lan là bài"Greensleeves" có từ thế kỷ thứ 16. Bài này thường được chọn vào top các bài Christmas Carol mọi thời đại, và được rất nhiều ca sĩ trình bày. Bản tiếng Việt của bài này là "Chúa Hài Đồng" được Jo Marcel trình bày.

* Christmas Carol là tên chung gọi những bài ca trong mùa Giáng sinh. Gọi là mùa nhưng thực ra chỉ có 1 ngày, nhằm ngày 25/12 hàng năm mà trong ngày ấy quan trọng là vào đêm: Đêm Chúa Giáng sinh, đêm Noel Christmas Eve : đêm 24 tháng 12 hàng năm.

Và đây, bản “White Christmas” do Frank Sinatra hát trên đài Mỹ ở Saigon, vào một ngày cuối của tháng 4 năm 1975 báo hiệu cho những người Mỹ biết là người Mỹ cuối cùng rời đi nhường chỗ cho quân đội Giải phóng miền Nam, lá cờ của  CS, tiến vào Saigon 


Để quên nỗi buồn này xin mời quý vị nghe một ca sĩ Canada, Celine Dion với “So This is Christmas”

https://youtu.be/tekN9NtGXOc

  Sau cùng xin chúc quý vị dù tin giờ chót tại Montreal:

  Covid, Tuyệt đối cấm tụ tập! 


Sao Khuê

12.12.2020 

Chú thích:  Hình ảnh, Bài ca …: tài liệu trên mạng. Sao Khuê (Canada) sưu tầm.