Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

Tháng Tư Nhớ Mẹ - Nhạc: Tuyết Phan & Trần Đại Bản - Hòa Âm: Đỗ Hải - Trình Bày: Mộng Thúy


Nhạc: Tuyết Phan & Trần Đại Bản
Hòa Âm: Đỗ Hải
Trình Bày: Mộng Thúy

Phước Đức

 

Phước là chuyện tốt Trời ban,
Đức là việc tốt, người toan tự hành.
Phước Trời đẹp đẽ nguyên lành,
Thông minh khỏe mạnh, hanh thông mọi điều..

Phước trời đừng muốn quá nhiều,

Được bao mừng được bấy nhiêu vui đời.
Đừng quá vị kỷ ai ơi.
Xẻ chia phúc lộc đất trời trước sau.

Bao người tàn tật đói đau,
Để tâm thương giúp bên nhau nghĩa tình.
Đức kia chính thực công trình,
Lập bao nhiêu Đức do mình tạo ra.

Đức kia nghĩa chính vị tha.
Lưu tâm thương giúp ta-bà thế gian.
Tạo nên Phúc Đức vẹn toàn,
Làm người như thế khôn ngoan hơn đời.

Nhật Quang Phi Hồ 
(Apr2024)

Khúc Ca Hoài Hương

 

Việt Nam ơi! Bao năm dài cách xa
Từ ra đi, luôn thương nhớ quê nhà
Đời buồn tênh, bao kỷ niệm êm ái, sống mãi trong hồn tôi mà đường về xa khuất
Sài Gòn ơi! Bao kỷ niệm dấu yêu
Còn trong tôi như lá đổ muôn chiều
Ngày lìa quê
Có ai ngờ dâu bể
cuốn hút tôi trầm luân
khó quay về chốn xưa
Trong giấc mơ
quay về thuở ấu thơ
Trên bến sông, tiếng hò ai lả lơi
Bên mái tranh, tiếng cười nghe rất vui
Hoàng hôn dần xuống, lũ chim gọi nhau
Trong giấc mơ
tôi cùng em bước vui
Bên khóm hoa, em hiền như bé thơ
Tay nắm tay môi cười xinh rất xinh
Trời chiều lộng gió, lá me ngập đường
Ngày nao về, trên quê hương bình yên
Bắc với Nam con Rồng cùng cháu Tiên
Góp tay nhau vun bồi tô điểm thêm
Việt Nam ngời sáng minh châu trời Á Đông

Nhạc và lời viết hoàn tất trong chuyến hải du mùa xuân 3/2022
Yên Sơn


Không



Ta trôi trên sông Mê hoang
Thuyền đời từng ngày bềnh bồng
Bờ Giác có lúc ngỡ tới
Nhưng thuyền dạt vào bến Không

Ta mang tâm Tham Sân Si
Dù từng vào Chùa ngồi Thiền
Tìm đến ý thức Bát Nhã
Nhưng tâm lại vào tánh Không

Ta chưa trao nhau thương yêu
Thì đừng làm gì buồn phiền
Phật đã khuyến giáo Bác ái
Rồi ai cũng về cõi Không

Ta khi an nhiên ra đi
Đường trần còn tìm ngày về
Luân hồi thuyết lý nói thế
Cuộc đời có lúc như Không

Trần Văn Khang
 

Đoàn Con Dâng - Nhạc Và Lời: Tống Viết Minh - Trình Bày: Ca Đoàn Micae

 
Nhạc Và Lời: Tống Viết Minh
Trình Bày: Ca Đoàn Micae



Rau Trái Chứa Thuốc Trừ Sâu Nhiều Ít ra Sao Theo Consumer Reports - Huỳnh Chiêu Đẵng


Nguồn tin và chi tiết : https://www.consumerreports.org/health/food-contaminants/produce-without-pesticides-a5260230325/

HCD tóm tắt bản tin:

Một số loại trái cây và rau quả chứa hóa chất không lành mạnh. Xếp hạng độc quyền của CR. Làm sao ăn những thực phẩm này mà vẫn giảm thiểu được rủi ro.
Mặc dù sử dụng hóa chất để kiểm soát bọ, nấm và cỏ dại giúp tăng nông sản, nhưng rõ ràng là từ năm 1960, một số hóa chất cũng mang lại những rủi ro sức khỏe không thể chấp nhận được. Và mặc dù một số loại thuốc trừ sâu khét tiếng, chẳng hạn như DDT, đã bị cấm ở Mỹ, nhưng đối với những loại khác thì vẫn chưa cấm. Ngay cả khi một hóa chất nguy hiểm được loại bỏ khỏi thị trường, các công ty hóa chất và người trồng đôi khi lại bắt đầu sử dụng các chất khác có thể cũng nguy hiểm như vậy

Tiến sĩ James E. Rogers, người giám sát an toàn thực phẩm tại CR nói: Consumer Reports, đã theo dõi việc sử dụng thuốc trừ sâu trên sản phẩm trong nhiều thập kỷ, đã thấy mô hình này lặp đi lặp lại nhiều lần. "Đó là hai bước tiến và một bước lùi - và đôi khi thậm chí hai bước lùi".
CR gần đây đã tiến hành đánh giá toàn diện nhất từ trước đến nay về thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Chúng tôi đã phân tích dữ liệu bảy năm từ Bộ Nông nghiệp, kiểm tra lựa chọn các nông phẩm thông thường và organic được trồng hoặc nhập cảng vào Hoa Kỳ để tìm dư lượng thuốc trừ sâu. Chúng tôi đã xem xét 59 loại trái cây và rau quả phổ biến, bao gồm, trong một số trường hợp, không chỉ các phiên bản tươi mà còn cả những loại đóng hộp, sấy khô hoặc đông lạnh.

Thức nào an toàn, món gì gây rủi ro và tại sao?

Mười sáu trong số 25 loại trái cây và 21 trong số 34 loại rau chúng tôi phân tích thấy có mức độ rủi ro thuốc trừ sâu thấp. Ngay cả trẻ em và người mang thai cũng có thể ăn một cách an toàn hơn ba khẩu phần mỗi ngày Mười loại thực phẩm có nguy cơ trung bình: Tối đa ăn ba khẩu phần mỗi ngày vẫn còn ổn.

Mặt khác: 
12 loại thực phẩm chứa nhiều chất độc trẻ em và người mang thai nên ăn ít hơn một khẩu phần mỗi ngày, và ít hơn một nửa khẩu phần mỗi ngày cho những người có nguy cơ rất cao. Mọi người khác cũng nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm đó.

HCD: 

Thưa các bạn bài dài lắm tôi chỉ tóm tắt một ít phần cần thiết mà thôi.
Nhớ tránh những loại rau trái có vạch đỏ, màu vàng đậm, ăn ít ít thôi. Tránh cho trẻ con ăn.
Thí dụ khoai tây, đậu que (green beans) blueberries...
Nếu các bạn quan tâm thì hãy giữ lại tấm ảnh trên để biết món nào chứa ít nhiểu thuốc trừ sâu ra sao.


Huỳnh Chiêu Đẵng

Tác Phẩm, Tác Giả Và Người Dịch Thơ


Ngày 27 Tháng 04 Năm 2014, Hội Thánh đã tuyên phong hiển thánh cho Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô Đệ Nhị.
Ngài là vị giáo hoàng Ba Lan đầu tiên từ một quốc gia cộng sản, cũng là vị giáo hoàng duy nhất trong lịch sử nhân loại nối kết được các tôn giáo. Đặc biệt nhất là đến thăm các đền thờ Hồi giáo, Do Thái giáo và tiếp đón chính thức Giáo Hội Chính thống Hy Lạp kể từ cuộc ly giáo năm 1054. Ngài cũng là vị giáo hoàng duy nhất bị ám sát nhưng được cứu sống.

Con người, cuộc sống, lòng đạo đức, thánh thiện, nhân cách, tinh thần làm việc và cách lãnh đạo Giáo hội Công Giáo của ngài; Thế giới đã rõ, đã biết, đã tường tận. Nhất là lòng kính trọng, khâm phục, ngưỡng mộ và kính yêu đối với tất cả chúng ta. Không những thế mà còn cảm thương cho cuộc đời của ngài từ khi còn là một cậu bé mồ côi mẹ, rồi lớn lên đi lao động, đi quân dịch; cũng mang ba lô, đội nón sắt, sẵn sàng hy, sinh hiên ngang bảo vệ quê hương tổ quốc của mình. Hết nghĩa vụ quân ngũ, ngài lên đường theo tiếng gọi lương tâm, vào chủng viện đi tu, làm linh mục, giám mục, hồng y, làm giáo hoàng và giờ đây, ngài đang làm thánh cho chúng ta. Cả loài người thiên hạ kể từ đây sẽ gọi và tuyên xưng ngài là Thánh Nhân – Saint.

Bắt đầu năm phụng vụ 1014 và mãi đến suốt đời, Giáo hội khắp nơi trên Hoàn vũ mừng lễ kính ngài là vị Thánh Gioan Phao Lô II. Đó là Ngày 22 Tháng 10 hàng năm.

Thưa Bạn,

Nói và viết về ngài, có lẽ với tôi và cả với bạn nữa sẽ rất dè dặt, vì quả thật ngôn ngữ giới hạn của chúng ta không đủ để diễn đạt trong khi sự nhân đức và thánh thiện của ngài thì quá bao la và cao cả. Có nhiều người đã nói, đã viết về ngài, về vị thánh sống từ khi ngài còn nơi dương thế. Vâng, cả thế giới này đã thực hiện và làm những điều đó mỗi ngày ròng rã suốt gần năm mươi năm qua bằng nhiều hình thức qua các phương tiện truyền thông và báo chí, trên các trang mạng kể từ khi ngài được bầu làm giáo hoàng năm 1978, rồi mãi đến khi ngài qua đời, và vẫn còn khơi dậy cho đến hôm nay. Tôi tin tưởng ảnh hưởng của ngài sẽ còn rộng lớn hơn trong tương lai và sẽ mãi mãi trong dòng chảy của kiếp nhân sinh.

Thánh nhân Gioan Phao Lô Đệ Nhị đã đi vào lòng lịch sử của thế giới, của Giáo Hội Công Giáo và bất biến trong lòng kính yêu, trong mỗi trái tim của người tín hữu hiện diện khắp nơi trên quả địa cầu này.

Tuy nhiên, có lẽ bạn và tôi sẽ không biết đến về một lĩnh vực rất riêng của ngài mà theo Đức Cha Giáo Phận Bắc Ninh Cosma Hoàng Văn Đạt nghiên cứu và tìm hiểu rằng, Ngài là một trong bảy nhà thơ lớn của nền văn học nước Ba Lan, và nếu hôm nay không có Giáo sư Phanxicô Lê Đình Thông, một học giả có tiếng tăm tại Pháp nói riêng và Hải Ngoại nói chung đã khổ công nghiên cứu, chuyển ngữ, rồi dịch thơ của thánh nhân lại bằng tiếng Việt Nam của chúng ta. Một ngôn ngữ mẹ đẻ rất gần gũi bên cạnh như hơi thở, như “cơm với cá, như mạ với con”, thì có thể chúng ta chưa biết trọn vẹn đến ngài.

Qua tập thơ của Đức Thánh Cha Gioan Phao Lô II đã được vị giáo sư này dịch lại mà tôi nhận được từ một anh nhạc sĩ bạn. Tôi lắng đọng tâm hồn để đọc từng chữ, từng câu, từng ý tưởng và lần lượt từ bài này qua bài khác. Dòng thơ ấy đã lôi cuốn tôi vào một tri thức của chữ nghĩa và của văn chương, dẫn tôi đến bến bờ không phải là sự trừu tượng mà thực thể cho tôi được cảm, được nhận và biết thêm về cuộc sống đời thường với tình cảm sâu kín rất thật, rất giản dị nơi con người của thánh nhân.

Bài thơ "Mẹ Ơi" (Trích đoạn I) của ngài. Qua một góc nhìn với một lăng kính giới hạn nào đó, tôi thấy được tình cảm của ngài đối với người mẹ của mình, một thứ tình cảm luôn dạt dào nhưng luôn khắc khoải và lắng sâu. Ngài không thể che dấu niềm đau vật vờ và nỗi chua xót thiếu thốn người mẹ trong đời sống.

Chúng ta có thể tưởng tượng và nhận ra được cuộc đời đơn côi của một đứa bé bị mất mẹ. Với những tháng ngày ngỏ vắng, dại khờ, với lờ mờ sớm trưa mà ngài phải gánh lấy trong quãng đời thơ dại đó. Tựa đề bài thơ này chỉ vỏn vẹn có mỗi hai chữ "Mẹ Ơi". Vâng, chỉ có hai tiếng giản dị đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy được sự khao khát tình mẫu tử nơi ngài đến thế nào. Khao khát của một đứa bé luôn cần có mẹ bên cạnh để được che chở và vỗ về, được gọi "mẹ ơi" bất cứ khoảnh khắc nào trong đời sống từ khi bé thơ và thậm chí đến khi đã khôn lớn. Nhưng quả thật, ngài đã bất hạnh vì không được gọi hai tiếng thiêng liêng đó. Hai tiếng gọi đầu đời trên môi của em bé mà không một ai hướng dẫn, không một trường lớp nào dạy dỗ, chỉ bảo. Chỉ có Thượng Đế mới gắn chặt tình mẫu tử thiêng liêng đó ngay từ những giây phút phôi thai khi đứa bé được thụ thai, rồi nên hình nên dạng trong dạ lòng của người mẹ.

Tôi nghĩ rằng, dịch giả Giáo sư Lê Đình Thông đã thẩm thấu và cảm nhận điều sâu xa về cuộc đời thiếu thốn tình mẫu tử của thánh nhân, để chọn và dịch lại hai tiếng "Mẹ Ơi" rồi đặt tên làm tựa đề cho bài thơ này.

Hãy điểm qua một vài câu thơ của ngài được chuyển ngữ và dịch lại sau đây:

Dòng đời trôi nổi bấp bênh
Qua bao năm tháng lênh đênh nỗi sầu
Mẹ tôi mất cũng đã lâu
Làm sao quên được niềm đau vật vờ...

Thế đó! Ôi tình cảm thật chân thiết đã in sâu vào tâm trí, trong tiềm thức của ngài mà khi đọc qua, có lẽ chúng ta không ngăn chặn được cái nghèn nghẹn co thắt đâu đó trong tim, và có thể giọt lệ đang làm ta cay mắt chực ứa trào.

Chưa hết, bài thơ "Hoa Trắng" cũng là một kiệt tác về văn chương nhưng cũng rất đậm sâu về tình cảm mà tác giả đã diễn tả như tiếng kêu rên rỉ âm thầm, xót đau trong lòng của một đứa bé mất mẹ.

Bài thơ Hoa Trắng này đã thật sự dẫn đường tôi đến để nhìn thấy ngôi mộ của mẹ thánh nhân. Tôi tin chắc ngôi mộ này rất đơn sơ và có thể lót đá hoặc quét vôi trắng nằm chênh vênh, đơn độc ở một góc chân trời nào đó mãi tận nước Ba Lan. Bài thơ này đã cho tôi cảm nghiệm thêm nỗi buồn, xót xa, qua những năm tháng trong từng giây phút trống vắng, lạc lõng, đơn côi giữa dòng đời mà thánh nhân đã đối diện và sống trong hoàn cảnh mất mẹ từ khi ngài còn rất nhỏ bé, khoảng tám chín tuổi nếu người viết nhớ không lầm.

Tôi đây cũng đã mất mẹ, mới mất cách đây bốn năm thôi và mất khi tôi đã là năm mươi tuổi. Vâng, năm mươi tuổi mà mất mẹ thì cũng xem như đã vững chân đứng trong dòng đời ngược xuôi, tự lo và xoay xở và tự sống còn về thể lý. Tuy nhiên và mặc dù thế, trong tôi vẫn luôn cảm nhận được sự đau xót, thương tiếc, đơn côi, bơ vơ, lạc lõng đến thế nào ấy. Nhất là khi tôi thất thểu bám sau quan tài để tiễn đưa mẹ tôi xuống lòng huyệt. Dòng lệ và dòng suy tư đã làm tôi ý thức được là kể từ nay tôi sẽ không còn mẹ trong cuộc đời, sẽ không bao giờ được gần bên mẹ, được gọi tiếng mẹ ơi khi cần đến mỗi khi đau khổ hay hoạn nạn để được mẹ ủi an, khi hạnh phúc hay khi sướng vui để kể cho mẹ mừng, khi thất bại hay công thành danh toại để chia sẻ với mẹ... Với những cảm nhận chia ly và mất mát của tôi đó, thì huống chi sự đau đớn, chua xót và đơn côi đối với một đứa bé mới lên tám tuổi. Ôi niềm đau sâu thẳm đó đến chừng nào ? Làm sao và có thể đứa bé tự định hướng được trong cuộc đời ?

Những đau xót và thương tiếc của thánh nhân được diễn tả qua các vần thơ trong bài Hoa Trắng, thật sự đã dao động trong tâm hồn tôi, đã làm tôi phải chảy nước mắt khóc thương nhớ đến mẹ của tôi mà giờ đây ngôi mộ và thân xác của mẹ cũng đang nằm cô quạnh dưới lòng đất lạnh:

Mẹ tôi mộ đá trắng ngần
Nở bông hoa trắng xoay vần đời con
Vành tang mất mẹ mỏi mòn
Bao năm xa cách một lòng nhớ thương
Mẹ tôi mộ trắng xót thương
Tình yêu hoa trắng còn vương cõi trần
Mẹ tôi mộ vắng vấn vương...
(Trích đoạn trong bài thơ Hoa Trắng)

Hãy dành thời gian để đọc hai muơi lăm bài thơ của ngài, rồi thả dòng suy tư về đời sống và con người của thánh nhân. Ngoài các nhân đức và đời sống thánh thiện, ngài còn có lòng đặc biệt yêu quê hương và đất nước của mình. Có hai câu mà ngài đã nói và đã để lại cho chúng ta thấy được lòng yêu nước, yêu quê hương, thương giống nòi thật mãnh liệt ở trong trái tim của ngài.

Trong thời gian làm giáo hoàng, ngài đã thẳng thắn và can đảm nhưng rất chân thành bày tỏ lòng yêu nước của mình. Ngài nói: "Dù là một vị Giáo Hoàng, nhưng tôi vẫn có trái tim để yêu quê hương và đất nước của tôi". Ngài còn khẳng định lòng yêu quê hương và muốn bảo vệ cho đồng bào dân tộc của mình qua câu nói sau đây: "Tôi sẽ cởi áo giáo hoàng để về bảo vệ và chiến đấu nếu Liên xô hay một quốc gia nào đó tiến quân xâm lược đất nước tôi".

Ngày đắc cử ngôi vị Giáo Hoàng và đứng trên ban lơn, ngài cất tiếng chào mừng và chúc bình an cho mọi tín hữu. Ngoài lời chào mừng và chúc bình an đó, ngài đã dùng một đoạn ngắn của Thánh Matthêu trong Phúc âm để nói với dân chúng: "Các con đừng sợ" Một câu nói ngắn ngủi ấy thôi, thế mà sau này đã làm tan rã các thế lưc tà quyền và những mưu mô của thế tục. Vì "Các con đừng sợ" nên người dân Đông Đức đã mạnh dạn hiên ngang đứng dậy dùng búa thẳng tay phá sập bức tường ô nhục Bá Linh năm 1989 để vượt qua Tây Đức tìm lại bà con, gia đình, tìm lại tự do mà sau bao nhiêu năm run sợ vì phải bị bức tường ngăn cách dòng máu lưu thông trong huyết quản một người mẹ chỉ vì ý thức hệ và lòng tham bá chủ của những đứa con cứng đầu, ngổ nghịch, tham lam và khó dạy !

"Các con đừng sợ", Ngài cũng đã lập lại một lần nữa trong kỳ Đại Hội Giới Trẻ như để nhắc nhở những thế hệ trẻ sau này đừng sợ mà hãy mạnh dạn chiến đấu với nền văn hóa của sự chết, văn hóa của bóng tối và của tội lỗi...

Lòng yêu quê hương và đất nước của ngài có thể diễn tả qua bài thơ của ngài nói về người diễn viên nơi sân khấu cuộc đời.

Quanh ta có biết bao người
Tác phong chín chắn nói cười thong dong
Ta như thác nước xuôi dòng
Mà không hổ thẹn tấm lòng sắt son... 
(Trích đoạn trong bài thơ Diễn Viên)

Dù là một vị Giáo Hoàng cao trọng, nhưng tôi nghĩ ngài rất gần gũi với người chân lấm tay bùn, người thấp cổ bé miệng. Từ người lao công của hầm mỏ, đến những công nhân lao động chân tay như xẻ đá, đục, gõ, cưa, bào với những giọt mồ hôi đổ xuống.

Dùng bàn tay chai đá nứt làn da
Giơ búa cao đập tan bao tảng đá
Đá chẻ ra bao ý nghĩ mặn mà
Nhờ chịu khó ta làm nên tất cả... 
(Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Vâng, thơ hay mà người dịch thơ cũng tuyệt vời và khéo léo. Nhưng hình như chúng ta đang nghe có tiếng thở dài mệt nhoài và thấy những giọt mồ hôi nhễ nhãi, lấm tấm trên khuôn mặt và ướt đẫm trên chiếc áo lao động của ngài.

Người thợ điện nghỉ ngơi cơn gió mát
Xẻ non cao đào sông rạch xa gần
Bác nông phu phơi lúa chín ngoài sân
Bầy con nít nắm tay nhau ca hát... 
(Trích đoạn trong bài thơ Xưởng Thợ)

Gần gũi nhất là tác giả vẽ cho ta một bức tranh, trong đó có hình ảnh sống động của bác nhà nông với con trâu, đồng lúa, với ánh sáng mặt trời đang chiếu rọi trên ruộng nương. Cho ta thấy bác phu đang cày cấy mà có thể bác phu đó cũng chính là ngài với những mong ước rất chi là bình thường và giản dị... Sự mong đợi từ những cây mạ non khi vừa ươm xuống lòng ruộng, rồi từng ngày chăm bón ngóng chờ được nảy mầm, niềm sung sướng khi thấy lúa trổ đòng đòng, thỏa lòng khi được mùa gặt bội thu, hát câu ca vang trên con đường đê, khấp khởi hân hoan kề vai quảy gánh thóc về.

Hãy nhìn vào bức tranh, để thấu và cảm nhận được lòng ngóng trông của bác nhà nông:

"Ánh mắt nào còn mong còn đợi
Mau đến mùa lúa mới đơm bông
Cấy cày vất vả nhiều công
Mong sao mưa thuận
Cầu mong gió hòa... 
(Trích đoạn trong bài thơ Mùa Lúa Mới)

Tôi nghĩ thánh nhân khi đương thời đã có cái nhìn rất thực tế về nhân sinh quan. Ngài không bao giờ bi quan, nhưng luôn lạc quan trong mọi tình huống của đời sống. Đặc biệt nơi ngài là sự quan tâm đến những người chung quanh và lòng xót thương khi gặp người bị nạn.

Nếu giả sử ngài không phải là vị giáo hoàng mà tôi chỉ biết và tìm hiểu sau khi đọc các vần thơ, tôi sẽ thấy nơi ngài có lòng thương người và rất quan tâm những ai bên cạnh dù thời gian eo hẹp và dù có bận rộn trong đời sống.

"Tâm trí ta mệt nhoài tim bấn loạn,
khu phố đông người qua lại vội vàng.
Lời dặn dò nghe đó đây loáng thoáng,
chớ bỏ qua rồi ra sẽ muộn màng..." 
(Bài thơ Tiếng Thầm).

Trong cuộc sống và dòng đời vội vã, có lẽ bạn và tôi không dành thời gian nhiều để quan tâm người bên cạnh, mà thật ra người nào cũng có liên quan trong đời sống của chúng ta bằng cách này hay cách khác. Từ người láng giềng, hàng xóm đến những bạn bè, những người Thầy, người Cô dạy dỗ ta, những người cùng mang một dòng máu đỏ da vàng và những người thân trong gia đình... thử hỏi có mấy khi ta mở lời chào và thăm hỏi hay quan tâm đến đời sống và sức khỏe của họ thật lòng ?

Xã hội và môi trường bây giờ có xu hướng về chủ nghĩa cá nhân, họ không còn cái xót thương và lòng trắc ẩn khi gặp người bị hoạn nạn hay thiếu may mắn trong đời sống, thậm chí ngoảnh mặt hay vô tâm để rồi phải xảy ra "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (Nguyễn Du).

Cách đây không lâu bên nước Trung Quốc, có một em bé bị xe cán và bị thương khá nặng khi băng qua đường. Biết bao người qua lại đã nhìn thấy em bé tội nghiệp đang nằm dẫy dụa với các vết thương, nhưng tất cả đều vô tâm mặc dù con phố luôn tấp nập và đông người qua lại. Có lẽ vì bận rộn chạy cho kịp cuộc sống để rồi không một ai chịu cúi xuống ra tay giúp đỡ hoặc đưa em bé đi bệnh viện, hoặc băng bó vết thương. Cuối cùng vì kiệt sức bởi máu ra quá nhiều và em đã nhắm mắt lìa trần chết tất tưởi một cách thê thảm và oan uổng. Khi chết rồi, xác em cũng nằm trên góc con phố đó đến chiều tối cũng không có một ai màng đến.

Em nhắm mắt lìa trần nhưng có mở được mắt lương tri cho những người dân cùng mang dòng máu với em trên con phố nào đó ở bên Trung Quốc? Em nhắm mắt chết tất tưởi, nhưng tôi tin em đã mở mắt loài người trên thế giới để họ nhìn thấu rõ những con người đó đã đánh mất hết lương tâm, chai lì lòng trắc ẩn, coi thường tình người, mất tính nhân bản mà hậu quả là do sự nhồi nhét một thứ chủ nghĩa lạc hậu, lỗi thời, một thứ chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa cá nhân.

Nếu bạn lên youtube mà người Việt Nam đã đưa lên. Hãy mở xem những cảnh người lớn đánh nhau trên đường phố, trong trường học với các học sinh, thậm chí các học sinh nữ. Biết bao người đứng xung quanh chỉ để xem mà không hề chịu vào để can ngăn và giúp kẻ yếu được thoát nạn. Họ quá dửng dưng như thể con tim và lương tâm của họ không còn một chút xót thương và rung cảm của đồng loại.

Hãy nghe lời khuyên của thánh nhân:

Đừng nhìn nhau vẻ hời hợt bề ngoài,
Đến bên nhau trong sâu lắng khôn nguôi...
(Bài thơ Tiếng Thầm)

Vì chủ nghĩa cá nhân đã che lấp cái tình nghĩa con người, xem vật chất là trên hết. Văn hóa của bóng tối và văn hóa của sự chết đã làm tắc nghẽn dòng máu loài người, bóp chết trái tim biết rung cảm và xót thương, đóng cửa và nhốt lý trí lại nơi hàng rào trong bức tường ích kỷ, làm cho kém đi sự nhận thức và lu mờ để không còn có khả năng biết được những "Cái đẹp cứu rỗi thế giới". Hậu quả là biết bao cảnh đau lòng xảy ra trên thế giới từ chiến tranh chết chóc, khủng bố, đánh bom tự sát, nạn bạo hành trong gia đình, học trò đánh thầy, bác sĩ thủ tiêu bệnh nhân xuống sông vì lỡ làm chết để che dấu bởi cách chữa trị hời hợt và thiếu lương tâm. Các tệ nạn, cướp bóc, giành giật, hỗn loạn, đảo lộn mọi thứ trong đời sống. Tất cả điều đó cũng phát xuất từ các chủ nghĩa nói trên và xem thường cách giáo dục ở các nhà trường từ đức dục, trí dục, luân thường đạo lý, nhân lễ nghĩa trí tín, lòng đạo đức, tính thương người...

Có lẽ thánh nhân đã nhìn thấy một xã hội, một thế giới băng hoại đó nên ngài mới viết ra những lời tâm huyết để mời gọi và nhắn gửi đến chúng ta, nhất là nhắn gửi đến các bạn trẻ:

Các bạn trẻ tìm đường bước tới
Đường loanh quanh trăm lối về đâu
Biết chăng muốn bước qua cầu
Con đường chính đạo nhiệm mầu trong tâm...
( Trích đoạn trong bài thơ Đường Sáng)

Ôi thật là thâm thúy và nhiệm mầu!


Bạn đọc mến,

Như đã nói từ đầu, tôi chỉ muốn đề cập đến một góc cạnh trong lăng kính rất giới hạn của ngôn ngữ, và chỉ vỏn vẹn những vần thơ mà tôi cho đó là cái nhìn rất nhân sinh quan trong đời sống đời thường của Thánh Gioan Phao lô II. Những bài thơ, vần thơ tôn giáo, đạo đức, tu đức... của thánh nhân mà Giáo sư Lê Đình Thông cũng đã chuyển ngữ và khéo léo dịch thơ lại rất ý nghĩa và thanh thoát... Tôi không dám luận bàn hay phân tích, nhưng sẽ đọc mãi để cảm hóa lòng đạo đức của mình.

Trong tri thức và những gì là của ngài, cũng huyền nhiệm và cao cả. Từ cuộc sống đời thường nơi dương thế, đến khi ngài làm giáo hoàng, bị ám sát với bốn viên đạn xuyên qua ngực nhưng không chết, và thậm chí ngay cả thời gian mà ngài qua đời trong những ngày lễ Phục sinh và Tuần Cửu Nhật kính Lòng Thương Xót Chúa, cũng nằm trong sự huyền nhiệm đó. Mà hễ điều gì, cái gì đã là huyền nhiệm thì con người và khoa học cũng không thể giải thích và chứng minh được.

Xin bạn hãy nhắm mắt suy luận để thấy rõ hơn những gì tôi vừa đề cập. Vâng, tất cả nơi ngài là huyền nhiệm và cao cả đối với tôi.

Tôi xin mời bạn hãy đọc những vần thơ đó sớm có thể, khi đọc những vần thơ đó là chính bạn đang thực sự cầu nguyện, nội tâm và trí đoán của bạn một cách nào đó đang siêu thoát và có thể đang chạm đến Đấng Thượng Trí.

Trong tri thức và lòng đạo đức của ngài, trong tâm tình và văn chương thi phú, kiệt tác, xuất chúng của ngài trải dài trên những vần thơ đó, đích thật là huyền nhiệm nhưng giãi bày, thanh thoát nhưng tình cảm, cao sâu nhưng gần gũi, triết lý nhưng thực tế, có thể sờ mó được, nhất là tấm lòng tình cảm chân chất của ngài đối với mẹ hiền, với quê hương và đối với nhân thế.

Cuộc đời trải dài tám mươi lăm năm nơi dương thế, ngài đã để lại biết bao điều thánh đức và gương sáng, về đời sống mục tử và chứng nhân. Nhân thế cũng đã để lại lòng thương mến, kính yêu, trân quý mà người người khắp nơi trên thế giới luôn hướng về Tòa Thánh nơi căn phòng có ánh sáng lọt qua cửa sổ trong những đêm ngài hấp hối, rồi tiếng khóc vỡ òa khi tin ngài qua đời. Cuối cùng chiếc quan tài bằng gỗ tạp đơn sơ, giản dị và khiêm hạ như chính con người và cuộc đời của ngài. Chiếc quan tài đặt sát xuống mặt đất giữa quảng trường Thánh Phêrô mênh mông biển người. Không có đèn nến, hoa đăng, không có vòng hoa, không có vải lụa, gấm vóc giăng đầy như các chủ tịch của nước Bắc Hàn qua đời, cũng không trầm hương ngào ngạt, khói hương nghi ngút như các vị vua chúa hay các bậc quyền quý, cao sang. Nhưng thay vào đó, ngài có hàng triệu triệu con tim khắp nơi trên thế giới, đủ mọi thành phần và giai cấp đã nhỏ lệ khóc tiếc thương.

Ngài đã sống thánh giữa trần gian và đã mang lại cho con người những điều của Chân - Thiện - Mỹ...

Một nhà thơ người Hoa Kỳ mang tên Ralph Waldo Emerson đã nói: "When you were born you were crying and everyone else was smiling. Live your life so at the end, you're the one who is smiling and everyone else is crying." Tôi xin tạm dịch: Khi bạn sinh ra, bạn khóc mà mọi người đều cười. Hãy sống làm sao đến cuối đời khi bạn ra đi, bạn cười mà mọi người đều khóc.

Vâng, tất cả mọi tín hữu đều đã khóc và thương tiếc sự ra đi của ngài, mặc dù ai cũng biết ra đi là khởi điểm cho ngày trở về. Về với Cha trên trời theo quan niệm và tín lý của Kitô giáo.

Người khôn ngoan thì luôn xây nhà trên đá, luôn nghĩ để dọn đường cho sự sống vĩnh hằng mai sau, còn dưới thế thì sẽ để lại tiếng thơm tiếng tốt muôn đời mà chính bia miệng của loài người sẽ nhắc mãi qua câu tục ngữ: "Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ".

Thánh nhân biết rõ điều đó nên đã tự nói và luôn nhắc nhở lòng mình qua bài thơ ngắn ngủi của ngài sau đây:

Đời người ngắn ngủi không bằng
Cây đa cổ thụ đầu làng xanh lâu
Hơn nhau cuộc sống đời sau
Linh hồn sống mãi nhiệm mầu huyền vi

Hoặc là:

Đời người thân xác mất đi
Linh hồn như cánh chim di miệt mài
Sau này cát bụi hình hài
Bao nhiêu sự nghiệp một mai còn hoài… 
(Trích đoạn trong bài thơ Độc Thoại)

Vâng, giờ đây mọi người sẽ không còn khóc nữa, nhưng sẽ cùng với ngài hân hoan tạ ơn Chúa và rồi cùng cười trong tiếng lòng với nước mắt sung sướng, nước mắt của hạnh phúc để đón nhận ơn thánh cao cả nhất mà ngài được tuyên phong là Đấng Hiển Thánh như Thánh Phaolô đã khẳng định: "Qua Thập Giá, sẽ đến Vinh Quang".

Có lẽ như có sự linh ứng khi ngài còn đương thời để rồi bài thơ "Bức Tường" mà ngài đã viết từ hôm nào về một vị thánh, và hôm nay biết đâu vị thánh đó có lẽ cũng chính là ngài ?

Tường thẳng đứng hai bên là hốc đá
Tượng Thánh Nhân còn thanh thản nguyện cầu
Luôn mở ra trang sách thánh nhiệm mầu
Ngập tâm trí trầm hương bao điều lạ...

Ôi, thật là huyền nhiệm! Vâng, như tôi đã nói: tất cả nơi ngài là huyền nhiệm!

Thưa Bạn!

Đến đây có lẽ bạn và tôi sẽ chợt nghĩ và sẽ đề cập đến người đã chuyển ngữ và dịch thuật hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân, đó là Giáo sư Lê Đình Thông mà tôi có đề cập ở phần đầu.

Tôi nghĩ rằng đây là một ơn thánh đặc biệt đã tác động cho vị giáo sư mũi tẹt da vàng, sống đời tị nạn lưu vong trên phần đất không phải là nơi chôn nhau cắt rốn của quê hương mình, và không phải khi sinh ra; vị giáo sư này được hấp thụ thứ ngôn ngữ của mẹ đẻ, gần gũi như hơi thở, như mẹ với con, mà rất xa lạ qua các ngôn ngữ tiếng Tây, tiếng Tàu, nhất là tiếng Ba Lan.

Nếu bạn có nói một cách rành mạch một thứ tiếng nào mà không phải ngôn ngữ của mẹ đẻ, thì cũng chỉ giới hạn trong một phạm vi nào đó của chuyên môn, trong xã giao, giao dịch hay trong đời sống thường nhật. Nhưng đối vị với vị giáo sư này thì lại khác. Ông ta đã vượt xa điều tôi tưởng. Hai mươi lăm bài thơ của thánh nhân mà ông ta đã dịch lại cũng đủ để chứng minh điều tôi muốn nói. Tôi nghĩ vị giáo sư này không những là một nhà thơ lỗi lạc mà còn là một nhà ngôn ngữ học uyên thâm.

Có lẽ bạn và tôi không thể phủ nhận cách chuyển ngữ và dịch thuật thật tài tình và khéo léo, mà còn diễn chuyển dịch qua thành các bài thơ tiếng Việt với các vần điệu, các thanh âm bằng trắc để hoàn thành trọn vẹn từ các thể loại thơ lục bát, song thất lục bát, thơ đường, thơ tự do qua cách gieo vần thật phong phú, chứa đựng đầy đủ ngữ nghĩa với văn phong lôi cuốn... Nhà dịch thơ này còn lý luận, phân tích những từ của Hán Việt, rồi chọn và áp dụng vào những vần thơ nói trên. Thí dụ chữ "xiển dương" trong bài thơ Magnifica. Đây là văn từ ghép của Hán Tự mà vị giáo sư này đã dịch thuật lại để dùng từ này áp dụng cho thích hợp với cái khung cảnh, ngữ cảnh cũng như các chủ ngữ trong bài thơ Magnificat.

Trước đây, từ ngữ này đã có một số người đã dùng, trong đó còn có cả nhà thơ, và nhạc sĩ mà một vị nào đó đã dùng từ này để đặt tên cho một bài hát với tựa đề: "Mẹ Triển Dương" với câu hát đầu: "Mẹ triển dương trên núi Li Ba Nô..." Theo Hán Ngữ thì chữ "xiển" nghĩa là "mở ra" chữ "dương" cũng có nghĩa là "rộng, lớn, bao la..." Như vậy: xiển dương có nghĩa là mở ra bao la, trong đại... "Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi bao điều trọng đại..." (Một trong đoạn kinh thánh của Thánh Luca 1, 47-55). Vậy theo ý nghĩa; tôi nghĩ chữ "xiển dương" mới đúng và chính xác như vị giáo sư này đã dùng đến.

Văn chương tiếng Việt rất phong phú với nhiều nét đặc thù lôi cuốn, có lẽ là nhờ âm điệu vì có các thanh âm năm dấu sáu giọng, nên tiếng Việt Nam "dễ thương" đến thế !

Lần đầu tiên khi đến Việt Nam và nghe người Việt Nam nói chuyện, các nhà ngoại quốc đã quả quyết và nói rằng: "Người Việt Nam nói chuyện như hát vậy".

Phải lắm, vì mỗi tiếng được phát ra là có âm điệu lên xuống bởi các thang âm của mỗi chữ mang các dấu: huyền, sắc, nặng, hỏi, ngã. Cũng thế, tiếng Việt Nam là một ngôn ngữ đơn âm và nếu dùng đơn phương hay lẻ loi một từ thì sẽ rất nghèo nàn. Vì thế mới có các chữ được ghép lại qua sáng kiến của các học giả, nhất là các cụ xưa để cho tiếng Việt Nam thêm phần phong phú.

Những thế hệ đi trước đã ảnh hưởng rất nhiều đến chữ Nho và khi các cụ ghép lại thường là tiếng Nôm, tiếng Hán đi đôi. Thí dụ: dân-chủ, độc- lập, thế-lực, chính-quyền, tà-quyền, v.v... Cũng thế, thiết tưởng hôm nay chúng ta gọi tên nước Việt Nam mà thiếu đi chữ Nam có thiếu xót không nhỉ ? (!).

Tôi chân tình và rất cảm phục cách chuyển ngữ rồi dệt lại và cuối cùng làm cho ra những vần thơ kiệt tác một cách trôi chảy mà bạn đang cầm trên tay. Tôi không có cơ hội đọc các bài thơ nguyên thủy của ngài, mà dẫu có đọc cũng không thể hiểu được vì có thể ngài viết bằng chính ngôn ngữ của ngài (Tiếng Ba Lan). Tuy nhiên, sau khi đọc các bài thơ đã được dịch lại, tôi đã cúi đầu để tạ ơn Chúa vì đã thấy và cảm nhận cách dịch thơ rất tài tình và tuyệt vời của Giáo sư Lê Đình Thông. Tôi nghĩ vị giáo sư này góp một bàn tay rất quan trọng để cho chúng ta hiểu thêm một góc cạnh trong đời sống văn chương của ngài, nhất là chắp cánh cho các bài thơ của thánh nhân đến với chúng ta có thêm hương sắc hương vị và hơi hám của văn học Việt Nam.

Với sự thông thái và uyên bác, vị giáo sư này đã làm cho các bài thơ của thánh nhân ý nghĩa hơn, hay và mượt mà hơn, tô điểm và mặc thêm bộ áo để các bài thơ ấy tươi sáng, rực rỡ và duyên dáng hơn.

Người đời thường nói "dịch" là "diệt". Nhưng với vị giáo sư này thì làm ngược lại, nghĩa là cho nó sống động hơn, đầy cảm xúc hơn qua nghệ thuật văn chương và thơ phú trời ban cho ông ta. Chính vì lẽ đó, các bài thơ ấy đã lôi cuốn tôi và tạo cho tôi nguồn cảm hứng lạ thường, điều mà những người làm công việc của nghệ thuật và của âm nhạc rất cần thiết và cần có để khai triển. Nguồn cảm hứng ấy đã giúp tôi hoàn thành mười ca khúc phổ từ hai mươi lăm bài thơ kiệt tác đó. Tôi chọn chủ đề "Lời Kinh nguyện" đặt tên cho cuốn CD gồm 10 ca khúc phổ thơ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II này.

Một bài thơ hay và ý vị, ắt phải hội đủ những yếu tố cần thiết về bố cục, ý nghĩa, văn chương, cách gọt chữ, vần điệu, câu cú và điệp từ như tôi đã nói ở trên, nhất là chiều sâu của bài thơ. Tạ ơn Chúa, Giáo sư Lê Đình Thông đã có và đã đạt được những điều đó.

Những thế hệ trước đã có các nhà thơ công giáo để đời như Hàn Mặc Tử. Lời thơ của vị này sâu thẳm, chúng ta có thể thấy máu và nước mắt trong từng câu thơ qua sự đau đớn và hy sinh về thể xác, nhưng cũng cho chúng ta cảm nghiệm cái tinh thần luôn biết cậy trông và phó thác. Gần đây có nhà thơ Xuân Ly Băng với các nhà thơ tiếng tăm khác. Và hôm nay chúng ta có thêm Giáo sư Lê Đình Thông, một nhà thơ và một người dịch thơ tuyệt vời.

Không phải là điều tự nhiên sắp xếp ý định của con người. Sự hiện diện hiếm có của vị giáo sư này trong những bài thơ của thánh nhân, tôi nghĩ cũng là Thiên định. Như tôi đã nói ngay từ đầu và hay lập lại. Tôi đã nói gì ? Thưa tôi đã nói rằng: Tất cả những gì liên quan nơi thánh nhân là huyền nhiệm và tôi tin tưởng điều đó. Vì: "Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, cũng là thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa".

Trong sách Luận Ngữ có câu mà Đức Khổng Tử khuyên chúng ta rằng: "Hãy lấy Đạo làm Hướng, lấy Đức làm Gốc, lấy Nhân làm Nơi Nương Tựa và lấy Nghệ làm Niềm Vui"

Quả thật, Giáo sư Lê Đình Thông còn làm hơn thế, vì tất cả công việc mà ông đang thực hiện không những chỉ để làm niềm vui cho riêng mình, mà còn lấy Nghệ Thuật để loan báo Tin Mừng giữa thế giới chao đảo hôm nay.

Văn Duy Tùng
-----------------------------------------------------------
Một số bài hát trong cuốn CD Lời Kinh Nguyện
Thơ: Thánh Gioan Phaolô II
Chuyển ngữ: Lê Đình Thông
Phổ nhạc: Văn Duy Tùng (Phiên khúc 2 trong bài hát Mùa Lúa Mới là của tôi viết thêm)
Với sự đóng góp của Nghệ sĩ Trúc Tiên qua các diễn ảnh của những bài hát.

- Kinh Hòa Bình: 
- Bài Thánh Vịnh:
- Nhận Định: 

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Khắc Khoải Về...

 


Melbourne trời lạnh mấy hôm nay
Mưa đổ cầm canh đêm lẫn ngày
Thu đến lòng vương càng nhớ bạn
Mơ hoài kỷ niệm mộng trùng lai

Melbourne sắc úa cả tuần nay
Rơi rụng tả tơi lá những đài
Xót dạ góp vần thơ gửi đến
Nhờ cơn gió quyện lạc vào tay

Melbourne khắc khoải buổi chiều nay
Ký ức tháng Tư trăn trở hoài
Thương quá quê hương niềm khổ lụy
Nằm gai nếm mật …thấm ngày ngày...

  
Ảnh & Thơ: Kim Oanh

Thu Ơi

Đã mấy thu qua dạ mi mòn,

Nhìn thu e-ấp dạ nỉ non, 

Sao ta cứ tưởng là ma quái

Thấy ánh trăng soi dạ bồn chồn.


Ta biết nói gì đây hả thu,

Trăng soi đầu núi mờ mây phủ

Thu thét quấy rầy đất mẹ vang

Nhưng ta cứ tưởng là thu ngủ.


Ta biết trăng thu mấy nẻo về

Gió buồn man mác dạ sơn khê

Mặc ai khóc lóc bên giòng biếc

Réo rắt đau buồn áo não ghê!


Thu lại về bên khóm trăng tà

Vướng chân gót nhỏ vội nhìn xa

Thấy thu ta nhận rõ vầng trăng méo

Vội khóc òa lên đỡ xót xa!


Sự thế thu ơi lắm kẻ chờ

Khơi dòng bến đục dệt sầu mơ

Để cho nước lũ reo hò thét

Nức nở đau buồn dệt bài thơ.


Thu ơi ta chẳng đợi thu rồi

Nhìn thu trăng sáng tả tơi

Ta đang cố bước hòa nhịp thở

Chỉ biết đau lòng nhặt lá thôi!


Sóc trăng 1974
 Tô Đình Đài


Người Còn Đó, Tôi Còn Đây

 

(Viết tặng các thân hữu của Sương Lam)

Thăm hỏi Bạn, biết rằng người còn đó
Nỗi mừng vui tràn ngập cõi lòng tôi
Cuộc đời này bao sóng gió, nổi trôi
Vui được biết, Bạn bình an vui sống

Đời trần thế ví như là huyễn mộng
Kiếp nhân sinh là sinh tử, tử sinh
Quý nhau chăng chỉ ở một chữ Tình
Tình cha mẹ, tình vợ chồng, bè bạn

Tình cảm ấy ta không treo giá bán
Khi con tim không đơn vị đo lường
Bàn cân nào, cân được chữ Yêu Thương
Thế mới biết Thương Yêu là vô giá!

Cuộc đời dẫu đảo điên, nhiều dối trá
Nếu chúng ta thực sự mến thương nhau
Thì tiếc chi một lời nói, câu chào
Hãy trao gửi, sưởi ấm tình nhân thế

Có hơn không dù biết rằng chậm trể
Vì con người ai cũng thích yêu thương
Được thương người và cũng được người thương
Hãy bày tỏ yêu thương dù có chậm

Bạn còn đó! Tôi còn đây! Mừng lắm!
Vì chúng ta còn cơ hội gặp nhau
Để trao nhau lời nói với câu chào
Đầy thân ái, đầy yêu thương, quý mến

Chuyện dĩ vãng, chuyện tương lai sắp đến
Hãy quên đi, xin nhớ hiện tại thôi
Nếu tâm bình trí lạc! Thế đủ rồi!
Ngừời còn còn đó! Tôi còn đây! Phúc lắm!

Sương Lam


Trả Ta...

 

Trả ta mảnh đất quê hương
Non sông chữ S yêu thương vô cùng
Trả ta huyền sử Tiên Rồng
Giòng giống con-Lạc-cháu-Hồng hùng anh
Trả ta lịch sử lừng danh
Truyền thống dân tộc văn minh cội nguồn
Trả ta từng giọt lệ tuôn
Từ khi mất nước nỗi buồn không vơi
Lưu vong trên đất nước người
Nhớ nhung xâu xé tơi bời con tim
Hướng về quê cũ mong tìm
Đổi thay đúng với niềm tin vẫn chờ
Trả ta... tất cả bầu trời
Biển Đông hải đảo trùng khơi một vùng
Trả ta tổ quốc anh hùng
Giang sơn chữ S vô cùng mến yêu.

CN/H.N.T. , 
Giao mùa Hạ-Thu 2023

 

Ươm!

 
 
Thơ & Trình Bày: Ý Nga

Hồn Đá - Hồn Đá Thiên Thu

 
 
Hồn Đá

(Bài Hát Nói cảm ơn và đáp lễ những bài “Thơ Đá” đặc sắc của các Nhà Thơ Trần Việt Long và Kim Oanh)

“Đá vẫn thi gan cùng tuế nguyệt”!
Đá quý Kim Cương, ngọc Biện Hòa tuyệt đỉnh cao sang!
Đá! Có người hóa đá ôm con đứng chờ! Xin thắp một nén nhang!
Đá! Mòn lưỡi kiếm Đặng Dung dở dang mài quốc thù vị phục!

Đá! Đẹp tình Chàng mây Vĩnh Phúc!
Đá! Thương thân Thiếp khói Ba Vì!
Đá! Mỏi mòn mong đợi! Lệ tràn theo Bóng Người Đi!
Đá! Ngậm nhớ nhung tình hận đến kỳ vẫn xa xăm biền biệt!

Đá! Mãi mãi âm thầm đau đớn xót xa! Làm sao Em biết?!
Đá! Bàn tay nghệ sĩ tài hoa thần thoại tha thiết tạc tượng Tiên Nga!
Đá! Hoài ghi dấu tình ta!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 23/04/2024
***
Hồn Đá Thiên Thu

Cùng tuế nguyệt trơ trơ hồn đá!
Đá Kim Cương tuyệt đỉnh cao sang!
Đá Vọng Phu! Xin thắp nén nhang!
Mòn lưỡi kiếm Đặng Dung phục quốc!

Đá! đẹp tình Chàng mây Vĩnh Phúc!
Đá! thương thân Thiếp khói Ba Vì!
Đá! Lệ tràn theo Bóng Người Đi!
đến kỳ hẹn vẫn xa xăm biền biệt!

Ngăn cách đó làm sao em biết
Đá! mãi âm thầm đau đớn xót xa!
Đá! Bàn tay nghệ sĩ tài hoa
Đã lặng lẽ thổi hồn cho đá

Bức tranh đá đi vào thần thoại
Ai thiết tha tạc tượng Tiên Nga!
Đá nghìn năm ghi dấu tình ta
Cho hồn đá đi vào tình sử!

Mường So Đèo Văn Trấn
Altoona, IA, USA 23/04/2024

Sóng Bạc Đầu


Hôm nay là sáng Thứ Hai cho nên Bãi Dứa của Vũng Tàu thật hoang vắng. Từng cụm mây đen lơ lửng treo trên đầu làm cho bầu trời thấp xuống và ánh sáng trở nên kỳ dị. Từng ngọn gió lành lạnh từ ngòai khơi thổi vào trên mặt biển đen ngòm, hung dữ. Tít tắp từ xa những con sóng bạc đầu nổi bật trên nền trời xám trông tựa như những con cá mập nhe răng khi nó nhô lên khỏi mặt nước. Từng đợt sóng nhấp nhô chạy vào bờ rồi đập mạnh vào những tảng đá nghe ầm ầm.

Vào những ngày thời tiết xấu như thế này có lẽ chỉ những người điên hay “mát giây” mới mò ra Bãi Dứa để tắm biển. Thế nhưng từ hướng Bãi Trước một cái bóng bỗng xuất hiện từ xa. Đó là thằng Đực Lớn. Hôm nay, hay nói đúng ra từ lâu lắm rồi thằng Đực Lớn lúc nào cũng mặc chiếc quần lính, chiếc áo sơ-mi cụt tay màu cháo lòng. Chiếc áo sơ-mi lại bị đứt một hai cái nút cho nên thỉnh thỏang người ta thấy nó lòi cả rốn ra. Có lẽ vì nó thường xuyên đi chân đất cho nên ngón chân thô kệch của nó bè ra như chân người Giao Chỉ. Theo đúng trào lưu của thanh niên nó cũng để tóc dài nhưng vì bộ dạng nó rất ngờ nghệch và cái trán lại vồ ra cho nên bộ mặt nó trông rất tức cười. Đôi mắt nó lúc nào cũng mở to, ươn ướt như khóc. Qua cái dáng dấp bự con, nếu nhìn từ xa người ta có cảm tưởng nó là một người lớn nhưng lại gần mới biết đó chỉ là một thằng thanh niên ô dề. Nó đi lang thang dọc bãi biển, vừa đi vừa chỉ trỏ cho nên người ta nghĩ rằng nó đang nói chuyện với chính nó. Khi tới mấy tảng đá lớn xếp vòng cánh cung nó nghiêng đầu dòm tới dòm lui rồi cắn móng tay suy nghĩ. Suy nghĩ xong nó cười vu vơ rồi từ từ ngồi xuống, dựa lưng vào một tảng đá lớn. Vừa ngồi xuống nó thu mình, bó gối mắt đăm đăm nhìn ra phía biển xa xa. Nhìn một hồi nó thở dài rồi lấy cát đắp lên đôi chân chè bè. Đắp chán rồi nó bốc cát ra rồi đắp lại. Cuối cùng không hiểu sao nó đạp tung cả đống cát rồi gục mặt vào đầu gối. Giây lát sau nó rầu rĩ nói:
-Chiều nay về thế nào má cũng chửi. Bả lại nói, “Thằng chết bầm sao mày còn vác mặt về đây làm gì? Sao mày không theo đám cô hồn các đẳng cho rồi? Cùng tuổi với mày tụi nó vượt biên rồi gửi tiền về cho cha mẹ nó. Còn mày ở lại đây sang năm tới tuổi thi hành nghĩa vụ thì thấy tía mày. Lại bỏ xác bên Camphuchia thôi. To đầu bằng ấy rồi mà chẳng làm được gì cả. Thật khổ cho cái thân già! Từ ngày cách mạng về tao cũng chẳng nuôi nổi thân tao nữa. Nhớ ngày thằng tía mày còn sống tao đâu đến nỗi nào?”
Nói đến đây dường như bị xúc động bởi cái chết của ba nó cho nên nó lấy tay vẽ chữ “Ba “lên trên cát rồi lẩm bẩm như thể muốn nói với má nó:
-Ba tụi nó là lính ngụy, lính cộng hòa cho nên tụi nó vượt biên. Còn ba mình là Nhân Dân Tự Vệ cao ủy đâu có nhận. Vượt biên qua đó ở mục đảo đó!
Song dường như má nó không chịu cái lý luận này cho nên tự miệng nó lại phát ra những lời chửi rủa của má nó:
-Thằng tía mày! Mày ở lại đây rồi cuối cùng cũng chết ở Campuchia thôi! Mày cứ vượt biên đi. Dù mày có chết trên biển tao cũng mát lòng mát dạ. Chín tháng mang nặng đẻ đau tao đâu có muốn mày chết ở Cam phuchia? Thằng tía mày!

Có lẽ cái lý luận của má nó quá sắc bén khiến nó không thể cãi lại cho nên nó rầu rĩ gục mặt xuống đầu gối. Giây lát sau như để xua đuổi hình ảnh của má nó. Nó đưa tay vuốt mặt rồi lắc đầu vài cái như con chó tắm xong nó rung cả thân hình để lông mau khô. Nó lặng lẽ đưa tay xóa chữ “Ba” mà hồi nẫy nó vẽ rồi dùng ngón tay vẽ chữ “Hường” lên đó. Vẽ xong chữ “Hường” tự nhiên nó bật cười khúc khích. Nó nhớ lại chiều qua nó qua nhà con Hường để chẻ dùm mớ củi. Khác với má nó lúc nào cũng chê nó là đồ vô dụng, con Hường luôn luôn khen ngợi nó. Con Hường nói, “Anh Đực Lớn dễ thương ghê vậy đó. Bữa nào gánh dùm em ít gánh nước nghe? ”Nghe con Hường khen thế nó mát cả lòng cả dạ. Tuy nhiên nó rất ghét mấy bà lối xóm cứ hay chê bai, chế nhạo con Hường là, “Con trâu nước, đi đến đâu làm đổ đình đổ chùa đến đó.” Hôm qua đi xem phim ở Thắng Tam thấy con Hường đi đôi dép đứt quai phải cột bằng sợi dây kẽm nó thương quá. Nó định bụng khi nào có tiền nó sẽ mua tặng con Hường một đôi guốc Dakao có bán ở Chợ Vũng Tàu. Tuy nhiên nghĩ đến tiền nó lại rầu rĩ. Nó lặng lẽ xóa chữ “Hường” trên cát. Nhưng không hiểu sao lát sau nó lại đưa tay vẽ lại cái tên đó một lần nữa.

Trong khi thằng Đực Lớn ngồi ủ rũ như thế thì từ mé con đường tráng nhựa chạy vòng ngay trên đầu xuất hiện một bóng người thứ hai. Đó là thằng Tư Cụt. Hôm nay thằng Tư Cụt mặc chiếc áo Montague màu huyết dụ thứ dệt ở Chợ Lớn đã bạc màu. Chiếc quần tây màu xám bằng Dacron làm cho nó trông có vẻ như một công nhân viên. Nhưng đôi dép Nhật cũ, đen đúa lại tố cáo nó là một thứ công nhân hạng bét. Thằng Tư Cụt có bộ mặt rất lanh lợi. Sở dĩ người ta gọi nó là Tự Cụt là vì nó tên Tư nhưng ngón tay bóp cò của nó bị cụt mất một lóng. Mới đầu người ta ngạc nhiên là ngón tay trỏ của nó bị cụt đúng vào lúc nhà nước bắt lính đi Camphuchia thế mà công an không hỏi thăm sức khỏe. Nhưng sau người ta mới vỡ lẽ ra nó có người chú nằm trong ban chỉ huy quân sự Vũng Tàu. Rồi cũng nhờ thế lực đó nó được tuyển vào hợp tác xã đan và sửa lưới. Nhưng thực ra nó chỉ làm lấy lệ. Chủ yếu sống bằng nghề mánh mung.
Nãy giờ dù đã nhìn thấy thằng Đực Lớn nhưng nó vẫn trầm ngâm với điếu thuốc trên tay. Giây lát sau nó quyết định quăng mẩu thuốc rồi tiến về phía mấy tảng đá là chỗ thằng Đực Lớn đang ngồi ủ rũ. Mặc dù nó đã đến gần sát bên cạnh nhưng thằng Đực Lớn vẫn chưa hề hay biết. Nó yên lặng đứng ngắm thằng Đực Lớn một hồi rồi mới lên tiếng:
-Thằng khùng! Mày đang làm gì đó?
Nghe tiếng người nói thằng Đực Lớn giật thót mình. Nó hốt hỏang nhìn lên rồi vội vã lấy tay che chữ “Hường” mà nó vẽ hồi nãy. Nó ấp úng nói:
-Tui có làm gì đâu!
-Mày không làm gì hả?
Thằng Tư Cụt vừa nói vừa bước tới rồi lấy chân gạt tay thằng Đực Lớn sang một bên khiến chữ “Hường” mà nó đang che dấu lộ ra trên cát. Nó nói với giọng chễ diễu.
-Thế mày làm cái gì đây?
Rồi không để thằng Đực Lớn kịp biện minh, thằng Tư Cụt nói luôn:
-Là bạn mày tao biết quá mà. Hôm đi xem phim ở Thắng Tam tao thấy mày tò tò theo đuôi nó và nhìn nó như đứa mất hồn. Mày mê nó phải không?
-Tui…tui đâu có mê nó. Tui chỉ…thích nó thôi.
Khẽ xì một cái thằng Tư Cụt nói:
-Từ thích đến mê mấy hồi. Nhưng nè…tao hỏi thiệt mày. Mày có biết làm thế nào để con gái mê mày không?
Nghe hỏi thế thằng Đực Lớn bật cười khúc khích rồi nó e thẹn đáp:
-Tui đâu có biết.
-Mày khờ quá! Muốn con gái mê thì mày phải cho nó quà, phải dẫn nó đi ăn rồi tán tỉnh nó. Đứa con gái nào cũng vậy.
-Mẹ ơi! Anh nói đúng quá! Tui sẽ cho con Hường đôi guốc Dakao!
Thằng Đực Lớn háo hức reo lên.
-Phải! Mày sẽ cho nó đôi guốc Dakao. Sẽ dẫn nó đi ăn. Rồi mày khen nó đẹp lia chia. Rồi nó sẽ thương mày. Rồi hai đứa sẽ lấy nhau. Nhưng tới khúc này thì mày lấy tiền đâu ra để cuới nó?

Nói xong thằng Tư Cụt nheo mắt, hóm hỉnh ngắm nghía cái khuôn mặt khờ khạo của thằng Đực Lớn lúc này đã méo mó đi vì câu hỏi quá hóc búa. Giây lát sau thằng Tư Cụt từ từ ngồi xuống bên cạnh nó rồi nói như dỗ dành:
-Đấy mày thấy không? Không tiền thì nguy hiểm lắm. Không tiền thì gái không theo. Mà gái không theo thì làm gì có vợ? Nói tóm lại không tiền thì chẳng có ma nào lấy mày. Mày hiểu không?

Nghe nói thế thằng Đực Lớn lại thở dài. Nó ủ rũ cúi mặt đăm đăm nhìn vào chữ “Hường” nằm trên cát. Giây lát sau nó ngửng đầu lên nhìn thằng Tư Cụt nói như thể van nài:
-Anh chỉ tui đi. Tui phải làm sao đây?
-Phải làm sao à? Phải tìm cách kiếm ra tiền. Mày muốn có nhiều tiền không?
-Tui muốn có tiền cho má tui để bả khỏi chửi và mua đôi guốc cho con Hường.
-Nếu mày biết khôn như vậy tao sẽ giúp mày.
Nói đến đây thằng Tư Cụt dòm trước dòm sau rồi hạ thấp giọng:
-Nhưng mày thấy đó bây giờ làm gì cho ra tiền? Tao đã nghĩ nát óc ra rồi. Chỉ có cách này là đảm bảo.
Nói xong nó kề miệng vào tai thằng Đực Lớn thì thào. Không hiểu thằng Tư Cụt nói gì mà chỉ thấy thằng Đực Lớn lắc đầu quầy quậy:
-Không được đâu anh! Cải tạo mút chỉ đó!
Nghe nói thế thằng Tư Cụt đâm nổi cáu:
-Mày ngu thấy mẹ! Người ta làm có tổ chức sức mấy công an biết được? Bây giờ bao nhiêu đứa làm giàu vì dịch vụ tổ chức vượt biên. Mẹ nó! Nhát như mày thì cứt cũng không có mà ăn chứ đừng nói đến gái!
-Nhưng tui sợ công an lắm!
Thằng Đực Lớn vẫn cứ lắc đầu.
-Phải! Mày sợ công an. Thế nhưng mày có sợ con Hường bỏ mày đi lấy thằng khác không? Mày có sợ má mày chửi mày là đồ vô dụng không?
Nghe nói thế thằng Đực Lớn kinh hỏang la lên:
-Không! Tui không muốn con Hường lấy ai hết!
-Nếu mày không muốn con Hường đi lấy thằng khác thì mày phải có tiền. Đấy tao cho mày suy nghĩ đó.
Tới mức này thì rõ ràng thằng Đực Lớn đã bị dao động rất nhiều. Nó nắm lấy tay thằng Tư Cụt năn nỉ:
-Nói con Hường đừng lấy ai nghe.
-Ừa. Tao sẽ nói nó không lấy ai hết để chờ mày nhưng với điều kiện là mày phải nghe lời tao. Nè, nếu mày bằng lòng thì tao sẽ dẫn mày đi gặp người ta. Tổ chức sẽ chung trước cho mày phân nửa. Khi nào “đánh” xong sẽ nhận phần còn lại. Thôi bây giờ bọn mình ra Chợ Vũng Tàu kiếm cái gì bỏ vào bụng đã. Từ sáng tới giờ tao cũng chưa ăn gì cả.
Cùng với câu nói đó nó lấy tay kéo thằng Đực Lớn đứng dậy. Như một con cừu non, thằng Đực Lớn nặng nề đứng lên rồi hai đứa leo lên con đường tráng nhựa đi về hướng Chợ Vũng Tàu.


Tại một tiệm bán hủ tíu gần khu nhà lồng Chợ Vũng Tàu người ta thấy Thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn ngồi ở một góc. Với điếu thuốc lá trên tay thằng Tư Cụt lúc nào cũng kín đáo liếc ngang, liếc dọc. Còn thằng Đực Lớn thì ngồi ngay như ông phỗng đá. Hai tay nó thòng xuống và dáng điệu của nó trông nghiêm trọng một cách tức cười. Khi chú ba Tàu bồi bàn tiến tới vỗ vào vai nó, nói “Hầy à. Nị dùng cái chi?” thì nó giật thót mình ấp úng nói với Thằng Tư Cụt:
-Mình ăn cái gì?
Thằng Tư Cụt muốn nổi nóng nhưng nó dằn lại:
-Mày muốn ăn cái gì thì mày cứ kêu.
Sau một hồi suy nghĩ thằng Đực Lớn nuốt nước bọt rồi rụt rè nói:
-Tui…tui muốn ăn hủ tíu với một tô xương súp.
Không muốn để mất thì giờ, thằng Tư Cụt nóng nảy nói với người bồi bàn:
-Thôi được rồi! Cho nó hủ tíu với tô xương súp thật bự. Còn tui…cho ly cà-phê, tô hủ tíu và cái bánh bao.
Sau khi người bồi bàn đi rồi, nó hạ thấp giọng nói với thằng Đực Lớn:
-ĐM. ăn cho no vào. Có thể tối nay “đánh” rồi đó. Từ đây tới khuya không được đòi ăn nữa nghe không. ĐM. tao sẽ mua thêm cho mày hai cái bánh bao để phòng xa. Tao biết cái mặt mày quá mà. Hơi đói một tí là kêu ầm ĩ cả lên!

Nghe thằng Tư Cụt nói thế thằng Đực Lớn chẳng nói năng chi. Nó chỉ đưa mắt nhìn láo liên rồi gật đầu. Khi người bồi bàn mang đồ ăn ra, thoáng một cái thằng Đực Lớn đã ăn xong tô hủ tíu và tô xương súp. Tuy vậy nó vẫn còn tiếc rẻ cho nên nó gặm lại mấy mảnh xương heo. Giấy lát sau thằng Tư Cụt cũng ăn xong. Nó lấy tay vói chiếc bình trà bằng nhôm rồi cẩn thận tráng chiến chén rồi đưa lên nhấp nhấp vài ngụm. Nhấp xong nó đổ phần trà dư đó lên mấy ngón tay rồi đưa mấy ngón tay đó lên chùi miệng. Chùi miệng xong nó xoa tay vào nhau, hất hàm ra lệnh cho thằng Đực Lớn đứng dậy.

Sau khi trả tiền xong, hai đứa bước ra khỏi tiệm hủ tíu nhắm hướng bến xe Bà Rịa-Vũng Tàu đi tới. Khoảng mười lăm phút sau hai đứa đã có mặt tại bến xe. Thằng Tư Cụt lanh lẹ chạy tới đám tài xế xe Lam đang tụ tập binh xập-xám. Tại các bến xe bây giờ đang có lối cờ bạc tạm gọi là cờ bạc lưu động bởi vì sau khi chia bài xong, đám con bạc tản mác ra từng gốc cây ngồi binh rồi sau đó tụ hội lại để xem ai ăn ai thua. Lối cờ bạc chợ này mục đích qua mắt bọn công an nhưng xét cho cùng cũng chẳng qua mắt được ai.

Sau khi hỏi thăm đám con bạc xem xe nào chạy trước, thằng Tư Cụt ra hiệu cho thằng Đực Lớn rồi hai đứa leo lên chiếc xe Lam trống đậu ở bên kia con đường. Rải rác một vài bà đi chợ, một vài công nhân, bộ đội đi tới. Họ hỏi thăm rồi cũng lần lượt leo lên xe chờ. Lát sau từ trong đám cờ bạc tách ra một người. Gã vừa đi vừa móc túi đếm tiền vừa làu bàu. Khi đến bên chiếc xe Lam gã lớn tiếng nói:
“Cho xin tiền nghe bà con.”
Sau khi thu tiền xong gã bắt đầu rồ máy xe. Có lẽ gã phải đạp tới mười lăm hai chục lần thì chiếc xe Lam mới chịu nổ máy. Rồi chiếc xe lật ngược lại phía đằng sau khi gã tài xế sang số, ngả nghiêng lao về phía con lộ chính hướng ra ngã Bà Rịa để lại một đám khói và bụi đường bay mù mịt.
Khỏang hai mươi phút sau chiếc xe lại ngả nghiêng lao vào Bà Rịa rồi dừng lại trước một bãi đất trống bên cạnh chợ. Suốt chặng đường, thằng Đực Lớn ngả lưng vào thành xe ngủ gà ngủ gật và nước dãi của nó nhểu xuống cả ngực áo. Khi thằng Tư Cụt thúc mạnh vào cạnh sườn nó một cái thì nó giật mình thức dậy rồi hối hả bước xuống xe. Nhưng khi nó bước vội lên để đi ngang thằng Tư Cụt thì thằng Tư Cụt quắc mắt nói như rít qua hai hàm răng:
-ĐM. đi lùi lại phía sau làm bộ như tao với mày không quen nhau. Nhớ tao đi đâu thì đi theo đó. Không được hỏi gì nghe không!

Nghe nói vậy thằng Đực Lớn hốt hoảng bước chậm lại và mặt nó ánh lên một vẻ hết sức lo lắng. Dường như sợ có người theo dõi, thằng Tư Cụt đi vào nhà lồng chợ rồi nó loanh quanh giả bộ ghé vào vài sạp bán hàng. Cuối cùng nó băng ngang để đi vào con phố chính. Lát sau nó từ giã con phố để quẹo vào một con đường nhỏ rồi dừng lại trước một cái quán nằm dưới tàng cây bã đậu. Trên thân cây, chỗ ngang tầm mắt có đóng một tấm bảng gỗ với hàng chữ “Sống Ở Trên Đời! Thịt Chó Trứ Danh”. Từ bên trong mùi chả nướng bốc ra làm điếc cả mũi, và làm người ta chảy nước miếng. Dường như để chờ thằng Đực Lớn đang lẽo đẽo ở phía sau cho nên thằng Tư Cụt đứng tần ngần dưới tàng cây ít phút trước khi bước vào. Sau khi đã vào hẳn bên trong nó lựa một chỗ gần ngay quầy tính tiền rồi lặng lẽ ngồi xuống. Chỉ thoáng sau thì cái bóng ô dề của thằng Đực Lớn cũng xuất hiện ở ngưỡng cửa. Sau khi dáo dác dòm quanh, nó hối hả bước lại chỗ thằng Tư Cụt. Sau khi ngồi yên nó đưa mắt thò lõ nhìn thằng Tư Cụt như chờ lệnh. Liếc nhìn một vài thực khách trong quán, thằng Tư Cụt nói vọng vào trong nhà:
-Cho một dĩa dồi chó. Thêm giềng và nhiều mắm tôm.
Từ bên trong một gã thanh niên chạy ra với chiếc khăn lau tay. Hắn bước tới bên thằng Tư Cụt nói:
-Dồi chó đang làm. Xin vui lòng chờ chút xíu được không?
-Rất tiếc bọn này phải đi gấp nên không chờ được.
Thằng Tư Cụt đáp ngay. Trong khi hai người đối đáp qua lại như vậy thì thằng Đực Lớn chỉ há hốc miệng nhìn rồi nuốt nước miếng ừng ực. Nhưng thực ra cuộc đối đáp vừa qua chỉ là dấu hiệu nhận nhau cho nên khi nghe thằng Tư Cụt đáp xong thì gã thanh niên giả bộ cúi xuống lau bàn rồi nói khẽ vừa đủ nghe:
-Chờ chút xíu sẽ có người đàn bà đưa các anh đi.
Nói xong gã bỏ vào nhà trong. Giây lát sau một người đàn bà tay cầm chiếc nón lá từ phía nhà bếp bước ra. Đợi cho bóng người đàn bà khuấg sau cánh cửa trước, thằng Tư Cụt mới đứng dậy bước ra ngòai. Thằng Đực Lớn cũng hối hả bước theo sau.
Với dáng đi rất lanh lẹn, người đàn bà sau khi băng qua một ngã tư chị ta quẹo vào một con đường nhỏ. Đi một đỗi chị ta rẽ vào một con hẻm cây cối mọc um tùm hai bên, rồi cuối cùng dừng lại trước sân một căn nhà cổ. Dường như để chờ thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn, chị ta đi đi lại lại trước sân vừa lấy nón quạt vừa nói vọng vào bên trong:
- Thầy Ba, có người đến thăm bịnh đây!
Độ vài phút sau thì có tiếng lạch cạch mở cửa. Lúc này thì thằng Tư Cụt và thằng Đực Lớn cũng đã xuất hiện ở cổng. Chị đàn bà lanh lẹ bước vào nhà rồi ít phút sau quay ra nói với thằng Tư Cụt:
-Thầy Ba mời anh vào để thầy coi bịnh cho.
Vẻ mặt của thằng Tư Cụt lúc này bỗng trở nên nghiêm trọng. Nó quay qua nói với thằng Đực Lớn:
-Mày ngồi tạm dưới gốc cây nhãn này. Tuyệt đối không được đi đâu. Tao vào “hốt thuốc” rồi ra ngay.
Nghe nói vậy thằng Đực Lớn chỉ biết há hốc miệng rồi lặng lẽ gật đầu. Trong khi thằng Tư Cụt dặn dò thằng Đực Lớn thì người đàn bà cũng đã le te đi về phía sau nhà rồi bóng chị ta mất hút vào đám vườn cây phía sau nhà.

Khi người đàn bà đi rồi thì thằng Tư Cụt mới rụt rè bước vào. Bên trong là một người đàn ông khỏang ngòai ba mươi tuổi đang ngồi trước một cái bàn trên có một cuốn sổ, bao thuốc lá, ly la-de. Phía sau lưng là một cái kệ có bày một vài cuốn sách dạy bào chế thuốc Nam. Rải rác chung quanh là mấy cái bao bố chứa đầy những cây thuốc đã phơi khô như kinh giới, hương nhu, tía tô, cỏ mường trầu, hà thủ ô, xuyên tâm liên, lá xả v.v..Nằm ở trong góc là một con dao cầu và chiếc thuyền tán. Lại có cả vài cái mẹt bên trên đựng cơm nguội để làm thuốc tễ. Da người đàn ông đen xạm, rắn chắc, nét mặt đanh thép và đôi mắt hết sức sắc sảo chứng tỏ gã là một tay bản lãnh dám làm chuyện kinh thiên động địa chứ không có dáng vẻ hiền lành của một thày thuốc Đông Y. Vừa thấy gã thì thằng Tư Cụt đã khúm núm lên tiếng:
-Dạ thưa Anh Ba.
Vẫn dán mắt vào cuốn sổ, gã đàn ông nói:
-Sao? Mày đã tìm được đứa nào chưa?
Thằng Tư Cụt cẩn thận bước tới một vài bước rồi nó lễ phép nói:
-Dạ thưa Anh Ba, em đã kiếm được một thằng. Thằng này nó khờ lắm. Nhưng vì nó khờ thế cho nên nó mới dám làm chuyện nguy hiểm này.
Lấy bút gạch gạch cái gì đó trên cuốn sổ xong gã đàn ông ngước mắt nhìn thằng Tư Cụt nói:
-ĐM. hành khách đi chuyến này trêm trăm người. Mọi chuyện đều êm xuôi cả ngọai trừ vấn đề xăng dầu. Không hiểu có đứa nào đưa tin ra ngòai hay không mà tụi nó báo cáo rằng mấy hôm rày tàu công an lảng vảng ở địa điểm chôn dầu khiến không một đứa nào dám tình nguyện vào đó chở dầu ra “con cá lớn”. Khuya nay “đánh” rồi. Nếu dầu không ra kịp thì chết cả đám.
-Dạ thưa Anh Ba, em đã dụ được thằng ngốc này. Em sẽ giao cho nó một chiếc ghe để nó đào dầu chở ra điểm hẹn. Em sẽ chờ cách đó khoảng hai trăm thước. Khi dầu đã lên ghe an tòan, em sẽ chớp đèn ba lần để Anh Ba cho “con cá lớn” cặp vào. Nếu như em khóat đèn ba lần thì có nghĩa là bị động thì Anh Ba cho “con cá lớn” lui ngay.
Nghe thằng Tư Cụt nói thế gã đàn ông gật gù nói:
-Được lắm! Rủi thằng ngốc đó bị bắt thì nó cũng chẳng biết mẹ gì để khai. Nếu vụ này thành công tao sẽ thưởng cho mày thêm một chỉ nữa. Đây, cầm lấy một ngàn đồng giao cho nó và dặn nó phải cẩn thận. Nhớ khuya nay “đánh” rồi đó.

Thằng Tư Cụt lễ phép đưa tay cầm lấy một ngàn đồng, cúi chào gã đàn ông rồi quay ra ngòai. Khi nó bước ra ngòai thì thằng Đực Lớn đang ngồi bó gối, lưng tựa vào gốc cây nhãn. Lanh lẹ như một con sóc, thằng Tư Cụt xà xuống bên cạnh nó, nói:
-Mọi việc êm xuôi cả rồi. Tao phải năn nỉ gẫy lưỡi Anh Ba mới chịu cho mày cộng tác. Tuy nhiên chuyện này hết sức quan trọng. Nếu mày làm hỏng chuyện thì không những người ta cắt cổ mày mà còn cắt cổ cả tao nữa nghe không?
Nghe nói vậy thằng Đực Lớn kinh hãi la lên:
-Tui sợ quá! Không biết tui có làm được không?
Thằng Tư Cụt vội vàng an ủi nó:
-Mày làm được. Tao biết mày sẽ làm được việc này. Tuy nhiên gặp lúc nguy hiểm mà mày định tháo chạy thì mày nhớ đến con Hường nghe. Chính con Hường sẽ cho mày can đảm. Mày nhớ không?
-Tui nhớ. Tui sẽ nhớ đến con Hường.
-Được lắm! Mày nghe rõ đây.
-Tui nghe.
Thằng Tư Cụt vội bẻ một cành cây nhãn rồi nó vẽ lòang ngoằng một vài nhánh sông rồi nó giải thích cho thằng Đực Lớn:
-Mày còn nhớ cái Vàm Láng không?
-Tui nhớ.
-Tốt lắm!
Thằng Tư Cụt vỗ vai thằng Đực Lớn nói tiếp:
-Ngay chỗ sắp sửa ra cửa có một cái cù lao cây cối rậm rạp. Ngay giữa cù lao có một khỏang đất trống bên trên chất một đống cây bần khô…
Nói đến đây nó liếc vội chung quanh rồi hạ thấp giọng:
-Người ta chôn mười can dầu ở đó. Nhiệm vụ của mày là tới đào lên, đem xuống ghe rồi chở ra “con cá lớn”.
-Nhưng tui không biết “con cá lớn” ở đâu.
-Mày khỏi lo. Tao sẽ chờ mày cách đó khỏang hai trăm thước. Khi nào đem dầu xuống ghe nhớ chớp đèn cho tao hay. Nhưng tao dặn hờ, nếu công an tóm được mày thì mày phải khai là đi bắt cua nghe. Trước sau cứ khai như thế.

Nghe dặn thế thằng mặt thằng Đực Lớn lại căng ra. Nó ngồi ngây một lúc rồi hỏi thằng Tư Cụt:
-Tui ra đó bằng cách nào?
-Mày khỏi lo. Mày còn nhớ Xã Phú Mỹ không? Mày băng qua cái xã đó, tới mé sông, ngay dưới tàng cây da có một chiếc ghe với mọi thứ cần thiết cho mày.
Tới đây thì thằng Đực Lớn không hỏi thêm gì nữa nhưng khuôn mặt nó ánh lên một vẻ hết sức lo lắng. Đưa mắt liếc nhìn thằng Đực Lớn, thằng Tư Cụt từ từ thò tay vào túi móc ra một mớ bạc. Nó ấn mớ bạc vào tay thằng Đực Lớn, nói:
-Đây là 500 đồng. Người ta đưa trước cho mày phân nửa. Khi nào “đánh” xong người ta sẽ đưa thêm. ĐM. nửa chỉ vàng đó. Mày tha hồ hồ mua guốc cho con Hường và dẫn nó đi ăn tiệm nhé.
-Mẹ ơi! Sao nhiều quá vậy?
Thằng Đực Lớn buột miệng la lên.
-Vì tao thương mày. Vì người ta thương mày cho nên mới cho mày nhiều thế. Thôi! Đ.M be bé cái miệng một tí!
Dường như mớ bạc đã làm cho thằng Đực Lớn quên mất bao hiểm nguy cho nên nó vừa đưa tay nhét mớ bạc vào túi nó vừa sung sướng nói:
-Tui sẽ mua guốc cho con Hường rồi con Hường sẽ thương tui rồi má tui sẽ thương tui…
-Mọi người sẽ thương mày! Cả thế giới sẽ thương mày! ĐM. đừng nói lôi thôi nữa. Nghe tao dặn đây.
Nghe thằng Tư Cụt nói thế thằng Đực Lớn mất cả hứng nhưng rõ ràng lòng nó đang rạo rực cho nên nó nhẫn nại nghe thằng Tư Cụt nói tiếp:
-Bây giờ là ba giờ chiều rồi. Mày quanh quẩn ở đây tới năm giờ chiều thì lấy xe đi Phú Mỹ. Đợi lúc chạng vạng tối mới khởi sự nghe chưa. Bây giờ tao cũng phải đi lo chuyện của tao. Thôi bọn mình chia tay. Hẹn gặp lại mày tại Vàm Láng.
Với câu nói đó thằng Tư Cụt đứng dậy rồi bóng nó phút chốc biến mất ở cuối con ngõ.

Khi mặt trời đã khuất về phía tây và ánh nắng chỉ con thoi thóp trên mấy ngọn cây thì những ngọn gió mát rượi từ hướng biển cũng bắt đầu thổi tới. Ngọn gió đem theo mùi tanh tanh của đất bùn, mùi muối quyện lẫn với mùi thơm ngát của lúa Thần Nông đang trổ đòng đòng. Xa xa chạy dài về hướng Rừng Sát, khu rừng bần bạt ngàn bắt đầu trở nên tím thẫm và trên trời cánh Sao Hôm bắt đầu nhấp nháy. Tiếng cóc nhái, nhá nheng, ễng ương âm vang bốn bề như một bản hợp tấu, vỗ về, dìu Xã Phú Mỹ đi vào đêm đen cô quạnh, đìu hiu, buồn muôn thuở nhưng cũng đầy nghẹt thở, gay cấn bởi những chuyến vượt biên có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

Ngay lúc đó từ mé quốc lộ, cái bóng cao lớn của thằng Đực Lớn cũng xuất hiện. Như một tên ăn trộm, nó dòm trước dòm sau rồi hối hả băng qua một đám ruộng lúa. Nếu quan sát kỹ người ta thấy có lúc nó lầm lũi bước đi song có lúc nó đứng lại suy tính. Nó men theo mấy bờ ruộng và cố tránh mấy gò đất cao là nơi mà đám du kích xã hay tụ tập. Khi qua khỏi đám ruộng lúa để đi vào ven xã, nó dừng lại rồi đưa lên miệng nhắc lại lời căn dặn của thằng Tư Cụt, “Nếu công an bắt được thì nói là đi bắt cua nghe. Trong trường hợp nguy hiểm hãy nhớ tới con Hường để có thêm can đảm nghe!”

Nói dứt câu nó hăm hở lao mình về phía trước nhưng nó kinh hoảng dội ngược lại bởi hai cái bóng lù lù xuất hiện ở phía trước. Đó là hai tên du kích xã với hai khẩu súng AK vác trên vai. Về phần hai tên du kích, nhìn thấy cái bóng cao lớn, tàng tàng của nó đâm xầm tới chúng nó cũng hốt hỏang né sang một bên rồi làu bàu chửi:
-ĐM, đui sao không thấy đường? Chút xíu nữa đâm vào tụi ông!
Chửi rồi thấy thằng khùng nào đó không lên tiếng đáp lại, hai tên du kích phá lên cười ngặt nghẽo. Còn thằng Đực Lớn sau khi lướt qua hai tên du kích nó le lưỡi ngóai cổ lại rồi hấp tấp lao đầu về phía trước. Nó băng qua một khu xóm lúc này đã tối thui và rải rác có ánh đèn leo lét. Mặc dù nó cố tránh xóm nhà nhưng có lẽ tiếng chân thình thịch của nó làm kinh động mấy con chó cho nên văng vẳng có tiếng chó sủa dài theo hướng đi của nó. Khi tiếng chó sủa bắt đầu thưa và nhỏ dần thì nó cũng đã bỏ xa xóm nhà và tới gần một đám đồng lầy. Lúc này mặt trăng đã lên khỏi ngọn cây và chiếu sáng cả một vùng ruộng mênh mông mọc đầy những cây bần thấp lè tè. Cách đó không xa, một con sông nằm uốn lượn và thỉnh thoảng phơi mình sau đám lá dầy đặc. Thằng Đực Lớn dừng lại định hướng rồi cuối cùng nó quyết định lao mình về hướng bờ sông. Khi tới bên một gốc cây cao, nó ngó ngang ngó dọc rồi chui vào một bụi cây mọc um tùm ngay dưới gốc tàng cây cổ thụ. Đúng như lời thằng Tư Cụt nói một chiếc ghe tam bản dài chừng bốn thước được dấu ở đó. Nó mừng rỡ nắm lấy thành ghe rồi lần mò tìm mối dây.
Khi đã mò ra được đầu mối, nó tháo sợi dây cột ở gốc cây bần rồi leo lên. Dường như bắt đầu cảm thấy đói, nó thò tay xuống sông rửa tay rồi lấy ra hai cái bánh bao mà nó bỏ vào hai túi trước của chiếc quần lính. Trong bóng đêm tiếng nhai nhem nhép của nó hòa lẫn với tiếng róc rách của con nước ròng cọ vào mấy gốc cây bần mọc dài theo mé sông. Khi ăn xong nó đưa tay chùi miệng, nắm lấy chiếc mái chèo, đẩy chiếc ghe ra xa rồi chèo xuôi theo dòng nước.
Vì giờ này con nước chảy xiết ra hướng biển cho nên chiếc ghe lao đi vùn vụt. Nó khôn ngoan bám sát bờ sông và đôi tai lúc nào cũng vểnh ra để nghe ngóng. Không biết nó đã chèo như thế được bao lâu nhưng người nó đã ướt đẫm mồ hôi và thở phì phò. Khi tới ngã ba là nơi mà nhánh sông mà nó đang ở nhập vào nhánh sông lớn thì nó dừng lại. Đầu óc nó nảy ra một sự suy tính dữ dội. Nó ước lượng với sức chèo của nó ít nhất cũng phải mất năm mười phút mới có thể băng qua bờ phía bên kia. Nếu như trong khoảng thời gian nó đang ở giữa lòng con sông mà tầu tuần tra của công an xuất hiện thì cuộc đời của nó coi như đi đứt. Nó e ngại nhìn khu sóng nước rộng mênh mông rồi đưa tay bốc nước vã vào mặt trong khi mồ hôi trong người nó lại tháo ra. Dưới ánh trăng xuyên qua đám cành lá, khuôn mặt nó trở nên loang lổ và méo mó đi vì lo sợ. Nó rên khe khẽ:
-Má ơi, chắc chết mất!

Nhưng rồi nó nhớ lại lời thằng Tư Cụt dặn nó nhớ tới con Hường cho nên tự nhiên nó thấy vững tin. Nó vểnh tai nghe ngóng xem có động tĩnh thêm gì không rồi nó nghiến răng xiết mạnh tay chèo. Rất may cho nó trong suốt thời gian này bốn bề yên tĩnh. Nhưng khi nó sắp sửa chèo tới bờ thì tiếng máy tàu bỗng vang lên từ xa rồi ánh đèn pha quét ngang, quét dọc và tiếng súng nổ ròn rã, âm vang cả dòng sông. Đó là tàu của công an đang đi tuần tra. Thằng Đực Lớn kinh hoảng giật mạnh tay chèo, cố sống cố chết phóng vào bờ. Thoáng một cái tầu tuần tra đã lại gần và đèn pha quét dọc về phía nó. Nhưng thật hú vía. Có lẽ bọn công an chỉ chiếu đèn phỏng chừng vậy thôi cho nên khi chiếc ghe của thằng Đực Lớn đã lao vào đám bần mọc ở ven sông thì chiếc tàu cũng lướt qua để lại hai làn sóng chạy giạt vào hai bên bờ. Có lẽ phải mất đến năm, mười phút sau thằng Đực Lớn mới hòan hồn. Nó nín thở, vểnh tai nghe ngóng thêm một lần nữa trước khi đẩy chiếc ghe đi về phía trước.

Bây giờ có lẽ cũng gần mười giờ đêm cho nên con nước đã đổi chiều và sóng vỗ vào mạn ghe nghe bì bõm. Càng tiến lên phía trước lòng con sông càng mở rộng và gió thổi lồng lộng. Khỏang độ dăm phút sau thì chiếc cù lao đã nằm trong tầm mắt của nó. Nó ráng sức chèo và cho chiếc ghe tắp vào dưới rặng bần mọc rậm rạp quanh bờ. Vì con nước đã lên cao cho nên chiếc cù lao thu hẹp lại bằng diện tích của mảnh ruộng. Dưới ánh trăng mờ ảo, khung cảnh tứ bề vắng lặng và tỏa ra một cái gì đó rờn rợn. Mặc dù đã cặp sát bờ thằng Đực Lớn vẫn ngồi, nín thở chưa dám động tĩnh gì. Nó chỉ sợ nếu công an đã phục kích sẵn trên đó mà nó mò lên thì chẳng khác nào nộp mạng cho chằng tinh. Cuối cùng nó liều mạng cột chiếc ghe vào một gốc cây bần rồi lội xuống nước. Lội một đỗi nó bắt đầu bước lên phần đất khô và thân hình của nó nhô hẳn lên. Nó hốt hỏang ngồi thụp xuống để quan sát rồi từ từ bò về phía trước. Bò một đỗi thì đúng như lời thằng Tư Cụt, ngay ở giữa là khỏang đất trống với bụi cây rậm rạp. Nó đưa mắt quan sát rồi rón rén đi về phía khỏang đất trống. Khi nó tới gần bụi cây thì đột nhiên nó kinh hỏang la lên:
-Ma! Chết con rồi má ơi! Ma!
Rồi nó cắm đầu cắm cổ chạy và rõ ràng trong lúc thần hồn nát thần tính, nó nghe thấy cả tiếng ma đuổi hùynh hụych sau lưng. Khi chạy tới bìa nước nó cố ngóai cổ lại để nhìn cho rõ con ma. Nhưng cái nó tưởng là ma chỉ là cây bần khô chôn vội vã cho nên bất ngờ đổ xụp khi có ngọn gió thổi tới. Sau màn kinh dị này, ngồi ôm lấy ngực một hồi, nó đưa ngón tay lên miệng lẩm bẩm, “Xuỵt! Không được sợ ma nghe! Khi nào gặp ma phải nhớ tới con Hường!”

Có lẽ câu nói tự trấn an đó đã làm nó thêm can đảm cho nên nó lội tới chiếc ghe tìm chiếc xẻng rồi hùng dũng tiến tới khỏang đất trống. Nó vung tay nhổ phăng đám bần khô, quăng ra xa rồi bắt đầu đào. Đào xuống mặt đất khỏang hơn gang tay, chiếc xẻng bắt đầu đụng phải vật gì cưng cứng. Nó mừng rỡ quăng chiếc xẻng qua một bên rồi lấy tay bốc đất. Lát sau nó lần lượt lôi lên từng can dầu rồi khệ nệ xách xuống ghe. Thoáng một cái nó đã chất xuống ghe đủ mười can dầu đúng như lời thằng Tư Cụt.
Mặc dù mệt đứt hơi nhưng nó cảm thầy phần khởi vô cùng. Nó nghĩ chỉ chút xíu nữa thôi khi nó giao xong mớ dầu cho thằng Tư Cụt là nó có thể thong thả chèo về nhà và bao nhiêu mộng đẹp đang chờ đợi nó. Nó từ từ đưa chiếc mái chèo đẩy chiếc ghe ra khỏi bụi rậm rồi men theo mé bờ. Khi đã tới đầu của cù lao, nó cẩn thận tắp vào đám cây rậm rạp rồi lấy đèn pin hướng ra phía cửa biển chớp chớp ba lần. Nhưng trước sự ngạc nhiên của nó, từ phía cửa vẫn không có đốm sáng đáp lại. Nó lo sợ chớp thêm ba lần nữa rồi hồi hộp chờ đợi. Thật hú vía! Tít tắp từ xa bỗng lóe lên đốm sáng chớp tắt ba lần cả thảy. Nó mừng rỡ xiết mạnh tay chèo để tiến về nơi vừa có ánh đèn lóe lên. Khi chèo được khỏang hai trăm thước thì từ trong bóng tối có tiếng gọi cất lên:
-Đực Lớn! Tắp vào đây! Tao đây nè!
Nghe tiếng kêu nó thất kinh hồn vía nhưng khi nhận ra tiếng nói của thằng Tư Cụt thì nó dùng mái chèo hãm đà chiếc ghe lại rồi từ từ tắp vào bờ. Từ trong bóng tối có tiếng chèo khua bì bõm rồi một chiếc ghe nhô ra cùng với tiếng nói:
-ĐM tao biết mày làm được mà. Giỏi lắm Đực Lớn! Nhưng thời gian gấp lắm. Mày ráng chèo theo tao nghe.

Cùng với câu nói đó thằng Tư Cụt đưa chiếc đèn pin hướng ra phía biển chớp chớp ba lần rồi nó lướt chiếc ghe lên phía trước. Lúc này thì cửa sông đã mở rộng mênh mông, từng cụm bần mọc nhô lên tứ phía khiến chẳng còn phân biệt đâu là bến bờ. Thằng Đực Lớn cố bám theo chiếc ghe của thằng Tư Cụt. Nhưng trong khi hai đứa đang cố gắng tìm cách gần tới “con cá lớn” thì từ phía trước tiếng máy tàu bỗng vang lên ầm ầm rồi ánh đèn pha hung hãn quét đi quét lại trên mặt nước. Thằng Tư Cụt hốt hỏang la lên:
-Tắp vào đám bần ngay Đực Lớn!
Nhưng trong khi hai chiếc ghe còn đang loay hoay tắp vào bụi cây thì tiếng máy tàu áp đến thật gần. Tiếng súng nổ ròn rã và tiếng đạn rít trên mặt nước. Không hiểu cái gì đang xảy ra nhưng từ chiếc ghe của thằng Đực Lớn phát ra một tiếng “hự”. Chỉ trong phút chốc chiếc tàu tuần tiễu lướt qua và tiếng máy tàu nhỏ dần, nhỏ dần để lại sự im lặng đến nghẹt thở cho khoảng trời nước mênh mông. Liệu chừng chiếc tàu tuần tra đã đi xa thằng Tư Cụt lên tiếng gọi khe khẽ:
-Đực Lớn! Mày có sao không?
Im lặng, không có tiếng trả lời. Thằng Tư Cụt lại gọi lớn hơn một lần nữa:
-Đực Lớn! ĐM. mày có sao không?
Nhưng thay vì chờ tiếng đáp lại, nó chèo chiếc ghe tiến về phía thằng Đực Lớn. Khi hai chiếc ghe áp sát nhau thì một cảnh tượng khủng khiếp diễn ra trước mắt. Trong khoang thuyền, thằng Đực Lớn nằm ngoẹo đầu sang một bên và một đùm ruột lòi ra ngòai. Thằng Đực Lớn kinh hỏang leo qua chiếc ghe của thằng Đực Lớn rồi bò tới sát bên cạnh nó, hỏi:
-Mày có sao không Đực Lớn?

Thằng Đực Lớn không trả lời, nó từ từ mở mắt rồi từ miệng nó phát ra tiếng rên khe khẽ. Dù nó đang ở vào tình trạng đau đớn khủng khiếp như thế nhưng dưới bóng trăng khuôn mặt của nó trông rất hiền từ. Trước tình thế bất ngờ như vậy thằng Tư Cụt cũng rất bình tĩnh. Nó lấy đèn pin chớp chớp ba lần về phía cửa biển rồi nó hối hả chèo chiếc ghe về phía trước. Khỏang năm phút sau nó nhận ra một đốm sáng ở phía tay phải. Rồi đốm sáng mỗi lúc mỗi lớn dần. Cuối cùng hình dáng một con tàu hiện ra rõ mồn một. Dường như người ta đã nhận ra được chiếc ghe chở dầu cho nên trên con tàu quang cảnh thật chộn rộn. Khi chiếc ghe của thằng Tư Cụt gần áp sát con tàu thì nhao nhao có tiếng hỏi cất lên:
-ĐM, có lấy được dầu không?
-Dầu lấy được đầy đủ nhưng thằng Đực Lớn bị bắn đổ ruột rồi!
Một phút im lặng rồi trên tàu có tiếng cất lên:
-ĐM. đem dầu lên trước rồi tính sau!
Rồi dưới sự giúp đỡ của mấy người, thằng Tư Cụt lần lượt đưa mười can dầu lên tàu. Xong xuôi nó lên tiếng:
-Bây giờ còn thằng Đực Lớn, Anh Ba tính sao đây?
Người chỉ huy trên tàu không ai khác hơn là gã thày thuốc Đông Y. Sau một vài giây suy nghĩ hắn nói:
-ĐM. nếu để nó chết dưới ghe sáng sớm công an phát giác ra thì bể tổ chức. Bay đâu, giúp đưa nó lên tàu. Nếu may nó còn sống thì cho nó vượt biên luôn. Rủi nó chết thì quăng xác nó xuống biển, ông nội công an cũng chẳng biết đâu mà điều tra.


Thế là một người trên tàu được lệnh leo xuống ghe. Thằng Tư Cụt lanh lẹ cởi chiếc áo nó đang mặc rồi lấy tay ấn chùm ruột vào bụng thằng Đực Lớn rồi lấy tấm áo cột quanh bụng nó. Trên mặt chiếc ghe tròng trành nghiêng ngả, phải chật vật lắm hai người mới xốc được nách nó rồi mấy người trên tàu phụ giúp mới có thể kéo được nó lên. Lúc này người thằng Đực Lớn đã mềm như cọng bún và máu đổ ra làm ướt đẫm cái quần lính. Sau khi kéo được thằng Đực Lớn lên rồi, con tàu được lệnh nổ máy hướng ra ngòai cửa biển.

Giờ đây trời đã vào nửa khuya. Vầng trăng đã xế ngang đầu và con gió bắt đầu trở lạnh. Thằng Đực Lớn nằm ngả lưng vào thành tàu. Dưới ánh trăng sáng bạc, đôi mắt nó nhắm nghiền. Bao nhiêu nét căng thẳng, ngờ nghệch biến đâu mất và vẻ mặt nó trông thật man dại, dễ thương. Dường như nó đang mơ màng thiếp đi vào một giấc ngủ thật yên bình cho đến khi thằng Tư Cụt khẽ vỗ vào má nó rồi gọi khe khẽ:
- Đực Lớn! Mày tỉnh lại chưa Đực Lớn?
Nhưng đôi mắt nó vẫn nhắm nghiền khiến thằng Tư Cụt phải vỗ vỗ như vậy đến hai ba lần thì nó mới từ từ, nặng nề hé mở đôi mắt. Trộn lẫn với tiếng rên khe khẽ, nó cất tiếng hỏi:
-Đây là đâu hả anh Tư Cụt?
-Mày đang ở trên tàu vượt biên. Ba ngày nữa tới đảo rồi. Người ta cho mày đi không lấy tiền đó.
-Ba tui là nhân dân tự vệ Cao Ủy đâu có nhận. Qua đó ở mục đảo đó!
-Bây giờ có lệnh mới rồi. Ai cũng nhận hết. Nhân dân tự vệ cũng kể như lính mày hiểu không?
-Vậy hả? Anh có dối tui không anh Tự Cụt?
-Thiệt đó! Tao dối mày làm chi?
-Nếu vậy má tui bả mừng lắm. Bả sẽ không còn chửi tui là đồ vô dụng.
-Ừa, bả sẽ không còn chửi mày là đồ vô dụng nữa đâu. Bả sẽ thương mày, sẽ mãi mãi thương mày!
-Vậy hả anh Tự Cụt?
Nói đến đây dường như thằng Đực Lớn quá mệt cho nên nó lại nhắm nghiền đôi mắt. Giây lát sau nó gắng gượng mở mắt, hỏi tiếp:
-Trên đảo có bán guốc Đakao không anh Tự Cụt?
-Thiếu gì! Cả triệu đôi cũng có.
-Vậy hả? Tui sẽ mua cho con Hường một đôi guốc Đakao.
-Phải, mày sẽ mua tặng nó. Mó sẽ thương mày, sẽ mãi mãi nhớ mày, rồi mày sẽ…
Thằng Tư Cụt định nói tiếp nhưng không kịp nữa rồi. Thằng Đực Lớn sẽ rướn lên một cái rồi đôi mắt nó trợn trừng rồi đầu lật qua một bên. Tới lúc này thì bao nhiêu cái tinh khôn, lưu manh trong con người của thằng Tự Cụt tựa như tảng đang tan rã dưới ánh mặt trời. Nó ôm lấy thằng Đực Lớn, rống lên:
-Đực Lớn! Mày đi rồi hả Đực Lớn!
Rồi nó ôm mặt khóc hu hu như một đứa trẻ.

Giờ đây con tàu đã ra ngoài cửa biển và gió thổi lồng lộng. Như một con chó bị xiềng xích lâu ngày nay được tháo cũi sổ lồng, nó hối hả, háo hức lao lên để giã từ vùng đất ngục tù để hướng về nẻo biên cương tự do đang trải rộng trước mặt. Dưới bóng trăng thằng Đực Lớn nằm ngọeo đầu như một người đang say ngủ. Trên trời một cánh sao băng bỗng vụt rơi xuống biển như để tiễn đưa một linh hồn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đào Văn Bình
(Trích trong tuyển tập Sóng Bạc Đầu xb năm 1991)