Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

Áo Bà Ba Và Chiếc Nón Lá


Biết bao lâu rồi, trong lòng tôi rộn lên niềm mong ước được ghi ảnh chiếc áo bà ba đi cùng nón lá, ao ước chỉ để ước ao thôi, tôi hỏi con gái
- Hồi trước ba nhớ con có từng mặc áo bà ba phải không
- Áo con mặc hồi 7 năm trước có hơn, giờ mặc lại đâu có vừa, thân hình con tròn vo rồi, mà ba hỏi chi vậy.
- Ý định của ba là chụp vài ảnh con mặc bà ba cùng chiếc nón lá, thôi vậy.
Cũng vài năm tháng qua, tôi quên mất. Hôm 08 tháng 04 vừa rồi, nhóm bạn tổ chức sinh nhật cho cô Tuyết Vân cùng ngoạn cảnh khu vực Cái Răng, Cần Thơ. Điểm đến đầu tiên, khu sinh thái Lung Cột Cầu, nhóm bạn nam nữ khoảng 17 người, chọn một chiếc lán sàn cây lợp lá dừa nước xé hai được chồng khích sóng lá, nhìn khá đẹp. Đâu đó yên vị, thức ăn được gọi, theo thói quen tôi chụp ảnh, mà tôi thấy trong lòng dường như thiếu thiếu cái chi đó, ăn vài miếng chợt nhớ trước mặt chiếc áo bà ba lướt khéo léo như múa trên dãy bàn, chiếc nón lá vẫn trên đầu.








Trương Văn Phú

Xuồng Chài (Thập Thủ Liên Hoàn Vận Trắc)



(Thập thủ liên hoàn vận trắc)

1. Xuồng Chài

Cám rang nắn đất quăng rơi chủm
Lững thững xuồng con lò đất chụm
Nước lã chờ sôi củi mấy cành
Thớt dày lột xắt hành vài nhúm
Leo nheo bầy cá trắng tranh ăn
Nhanh nhẹn miệng chài thô gói túm
Trã cháo chiều ngon chẳng mấy khi
Dăm ngày túi gạo còn lưng bụm!

Cao Linh Tử
4/8/2013

2. Lão Chài

Bụm mồm mở mắt xem từng gút
Sinh bất phùng thời luôn nhẫn nhục
Quanh co bẻ lái thả trăm sông
An lành vượt sóng qua ngàn khúc
Mồ hôi mặn đắng tạo nguồn cơm
Trí não quang minh cày ruộng phúc
Vị ngộ buông chài chỗ nước sâu
Nam kha đoạn cuối còn bao lúc.

Cao Linh Tử
4/8/2013

3. Đêm Trăng

Lúc lắc cà rèm trên mặt sóng
Buông cần thử vận trời lồng lộng
Ca bài tống tiễn chén Ngu Cơ
Thất trận tan tành Vương Bá Mộng
Vọng cổ đàn kìm tấu mấy câu
Ánh trăng ngấn nước tàng trăm bóng
Cắm sào giấc ngủ chỗ an nhiên
Gà gáy bình minh soi vệt mỏng.

Cao Linh Tử
4/8/2013

4. Đối Thể

Mỏng mảnh phù du rơi mặt nước
Độc hành gió bụi ai chung bước
Tuổi xuân chưa thắm gió tơi bời
Tháng nắng còn dài mưa lướt thướt
Sang cả giao tình tránh đỡ nâng
Bần cùng nối khố không từ khước
Trúc lâm bảy lão sớm mai danh
An ổn điền viên làm sách lược.

Cao Linh Tử
4/8/2013

5. Tòng Bá Vá Hoa

Lược thao xếp xó hoài công tóm
Mạc hạng cũng không cùng chủ dỏm
Xảo trá khua môi gạt kẻ ngu
Gian manh múa mép quai hàm móm
Điền viên áo giáp vẹn nguyên người
Danh lợi xích xiềng tan nát ngợm
Tòng bá thi gan gió bão hung
Hoa tươi rơi rụng mùa đông sớm.

Cao Linh Từ
5/8/2013

Hành  Công

Sớm ngộ Đạo Trời ta chẳng bán
Nuôi thân dưa muối hoài chưa chán
Tứ thời chấp pháp khí thần đầy
Tam lập hành công oan nghiệt cạn
Bởi dại chăm đài sen trắng toanh
Vì ngu ngửi quế hương thoang thoảng
Ngược dòng phù phiếm giữ an bần
Rõ kiếp vô thường không tính tháng.

Cao linh Tử
5/8/2013

7. Mê Đồ

Tháng năm hy vọng đành trang trắng
Xếp gọn hành trang quay bước thẳng
Đám rẩy đón chào mái tóc xanh
Đôi vai gánh vác mồ hôi mặn
Ưu tư ngập ngụa đếm ngày dài
Trăn trở âm thầm lê tháng vắn
Mỗi độ xuân sang cấp số buồn
Trái tai gai mắt càng im lặng.

Cao Linh Tử
5/8/2013

8. Huấn Nhục

Lặng lẽ âu sầu không thể tả
Đường không muốn chọn đời sang ngã
Khôn ngoan chả giúp phận tôi đoài
Dốt nát thường ra oai kẻ cả
Lời lẽ ngô nghê cố nhịn cười
Quyền uy ngang ngược đâu cần dạ
Suy kim luận cổ để mà chơi
Nghịch cảnh hàng ngày phơi cả tá.

Cao Linh Tử
5/8/2013

9. Ngộ

Tá danh Từ Phụ dan đôi cánh
Sự nghiệp chao nghiêng cùng đỡ gánh
Thế thái theo dòng sớm đổi ngôi
Môn sinh lìa cội mau thay ảnh
Trong bùn rác hóa đóa sen thơm
Giữa Đạo tâm hòa cơn bấc lạnh
Khoa mục khổ hành chỗ tối tăm
Tùy duyên bất biến sao xa lánh ?

Cao Linh Tử
5/8/2013

10.Hành

Lánh cuộc cờ thiều quang nhặt thúc
Mài gươm huệ trí bền không lụt
Khai môn nguyệt chiếu tất tri nhàn
Dụng cảnh tâm thiền hà đãi túc
Của báu thiêng liêng mãi chất đầy
Kho hư địa giới hoài lo mục
Mang thân tạm bợ cõi vô thường
Thành trụ hoại không đừng tính phút.

Cao Linh Tử
5/8/2013

Một Thoáng Nhớ Xưa



Chói chang nắng rát da người
Thèm nghe tiếng suối xa xôi chảy về
Thèm hàng cây bóng mát che
Nghiêng nghiêng vành nón em khoe nụ cười

Chỉ là thoáng nhớ thế thôi
Mà nghe mát rượi bầu trời trong xanh
Chút gì như gió mỏng manh
Thổi từ xa thẳm dỗ dành con tim

Cánh hoa rơi rụng bên thềm
Hay lòng mình rụng niềm riêng bồi hồi
Bàn tay chạm giọt nắng rơi
Như cầm nóng hổi cái thời mới yêu

Lang thang bên góc phố chiều
Ngập ngừng những tiếng chim reo ngập ngừng
Thèm cây dù biếc che chung
Có em bên cạnh đi cùng ngày xưa

Trầm Vân



Em ngồi đó ngơ ngơ
Anh nhìn mãi si khờ
Không cần chi dẫn dụ
Mắt đã cảm lờ đờ
Bùa mê nào qua nổi
Màu da thịt trải hờ
Lối về say hoa đỏ
Hương sắc trời mơ mơ!

Nguyễn Đắc Thắng
20140422

Một Phụ Nữ Sang Trọng Và Ông Lão Quét Rác


Một người phụ nữ hơn 40 tuổi sang trọng quý phái dẫn theo đứa con trai đi đến hoa viên ở lầu dưới một cao ốc, vốn là tổng bộ xí nghiệp nổi tiếng tại Thượng Hải, ngồi xuống một chiếc ghế dài ăn uống.

Một lúc sau, người phụ nữ vứt một mẩu giấy vụn xuống đất, cách đó không xa có một ông lão đang quét rác, ông không nói lời nào, đi đến lượm mẩu giấy đó lên, và bỏ nó vào trong thùng rác bên cạnh.
Lại qua một lúc nữa, người phụ nữ lại vứt một mẩu giấy nữa. Ông lão một lần nữa lại đi đến nhặt mẩu giấy đó lên bỏ vào trong thùng rác. Cứ như vậy, ông lão đã lượm ba lần liên tục.
Người phụ nữ chỉ vào ông lão, và nói với cậu con trai mình rằng: “Đã nhìn thấy chưa, con bây giờ nếu không cố gắng học hành, tương lai sẽ giống như ông ta, chẳng có tương lai gì cả, mà chỉ có thể làm cái công việc thấp kém này thôi!”.

Ông lão nghe xong liền buông cây chổi xuống, đi đến nói: “Chào cô, nơi đây là hoa viên riêng của tập đoàn này, cô đã vào đây như thế nào vậy?”.
Người phụ nữ trung niên cao ngạo nói: “Tôi là một tân giám đốc, vừa mới được tuyển vào đây”.
Lúc này, một người đàn ông vội vàng đi đến, rất mực cung kính đứng trước mặt ông lão. Nói với ông lão rằng: “Thưa tổng giám đốc, hội nghị sắp bắt đầu rồi!”.Ông lão nói: “Tôi đề nghị hãy cách chức người này ngay lập tức!”.
Người đó luôn miệng nói: “Vâng, ôi sẽ lập tức làm theo chỉ thị của ngài!”.
Ông lão dặn dò xong rồi đi thẳng đến chỗ cậu bé, ông đưa tay sờ sờ đầu của cậu, nói một cách ngụ ý sâu xa rằng:
“Ông mong cháu hiểu rằng, điều quan trọng nhất trên đời này là cần phải học cách tôn trọng mỗi người và thành quả lao động của họ”.

Người phụ nữ trung niên sang trọng đó kinh ngạc đến ngây người trước sự việc diễn ra trước mắt.
Một lúc sau bà vẫn ngồi liệt trên chiếc ghế dài, nếu như biết đó là tổng giám đốc thì nhất định bà sẽ không có cái thái độ vô lễ đến như vậy.
Nhưng bà đã làm rồi, hơn nữa còn làm trước mặt của tổng giám đốc đang trong thân phận một người làm vườn. Tại sao vậy? Lẽ nào là bởi sự sang hèn của thân phận chăng?
Tôn trọng mỗi một người, chớ lấy thân phận mà phân biệt, đây là thói quen của bạn, vốn là điều không thể giả được, nó sẽ luôn để lộ ra một mặt chân thật trong nhân cách của bạn.

Tài sản là thứ không vững bền, học được cách tôn trọng mới là tài sản của một đời vậy. Đó mới là phẩm chất cao nhất của đời người.

Lê Quan Vinh sưu tầm

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2016

Anh Đã Đến Mùa Xuân - Thơ: Tiểu Vũ Vi - Nhạc: Trần Chương Lương



Thơ: Tiểu Vũ Vi
Nhạc: Trần Chương Lương
Hòa Âm: Võ Công Điền
Trình Bày: Châu Thùy Dương
Video Clip: Phan Anh Siêu


Đêm Mưa Nhớ Trần Kiêu Bạt


Nửa đêm chợt tiếng mưa về gọi
Gõ nhẹ hồn ta mở cửa buồn
Mấy năm bạn cũ đi về núi
Như bóng chim ngàn say cố hương
Mưa đã nhiều phen về gõ cửa
Sợ buồn ta bỏ sót ngoài hiên
Mấy năm buông chén đời chưa cạn
Bạn cũ trao ta những nổi niềm
Café lụp xụp cầu Tham Tướng
Đèn treo vàng quán lộ Hai Mươi
Câu thơ “nguyệt lạc ô đề “ cũ
Trăng bến Ninh Kiều sắp sửa rơi
Cám ơn mưa nhắc ta nhiều bận
Trăng nước Cần thơ thuở thiếu thờ
Những con đường nhỏ quen tên tuổi…
Mà thôi mưa cứ việc mưa rơi
Nửa đêm chợt tiếng mưa về gọi
Như tiếng người quen gọi chính ta
Cạn ly rượu Mỹ say chưa đã
Thì gởi hồn theo gió núi xa…

(trích Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu,
xuất bản 2010)
Lâm Hảo Khôi

Bài Học Về Sự Dối Trá


"Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức."

Một cô gái sau khi tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống vừa đi học vừa đi làm. Dần dần, cô phát hiện hệ thống thu vé các phương tiện công cộng ở đây hoàn toàn theo tính tự giác, có nghĩa là bạn muốn đi đến nơi nào, có thể mua vé theo lịch trình đã định, các bến xe theo phương thức mở cửa, không có cửa soát vé, cũng không có nhân viên soát vé, đến khả năng kiểm tra vé đột xuất cũng rất thấp.

Cô đã phát hiện được lỗ hổng quản lý này, hoặc giả chính suy nghĩ của cô có lỗ hổng. Dựa vào trí thông minh của mình, cô ước tính tỉ lệ để bị bắt trốn vé chỉ khoảng ba phần trăm.

Cô vô cùng tự mãn với phát hiện này của bản thân, từ đó cô thường xuyên trốn vé. Cô còn tự tìm một lí do để bản thân thấy nhẹ nhõm: mình là sinh viên nghèo mà, giảm được chút nào hay chút nấy.

Sau bốn năm, cô đạt được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi của một trường danh giá, cô tràn đầy tự tin đến những công ty lớn xin việc.

Nhưng những công ty này không hiểu vì lí do gì, lúc đầu còn rất nhiệt tình nhưng về sau đều từ chối cô. Thất bại liên tiếp khiến cô tức tối. Cô nghĩ nhất định những công ty này phân biệt chủng tộc, không nhận người nước ngoài.

"Dù nhỏ hay lớn - DỐI TRÁ vẫn là DỐI TRÁ."

Cuối cùng có một lần, cô trực tiếp đến bộ phận nhân lực của một công ty, yêu cầu giám đốc đưa ra một lý do vì sao từ chối cô. Kết cục họ đưa ra một lí do khiến cô không ngờ.

“Thưa cô, chúng tôi không hề phân biệt chủng tộc, ngược lại chúng tôi rất coi trọng cô. Lúc cô đến phỏng vấn, chúng tôi đều rất hài lòng với môi trường giáo dục và trình độ học vấn của cô, thực ra nếu xét trên phương diện năng lực, cô chính là người mà chúng tôi tìm kiếm.”

“Vậy tại sao công ty ngài lại không tuyển dụng tôi?”

“Bởi chúng tôi kiểm tra lịch sử tín dụng của cô và phát hiện ra cô đã từng ba lần bị phạt tiền vì tội trốn vé”

“Tôi không phủ nhận điều này, nhưng chỉ vì chuyện nhỏ này, mà các anh sẵn sàng bỏ qua một nhân tài đã nhiều lần được đăng luận văn trên báo như tôi sao?”

“Chuyện nhỏ? Chúng tôi lại không cho rằng đây là chuyện nhỏ. Chúng tôi phát hiện, lần đầu tiên cô trốn vé là khi mới đến đất nước chúng tôi được một tuần, nhân viên kiểm tra đã tin rằng do cô mới đến và vẫn chưa hiểu rõ việc thu vé tự giác, cho phép cô được mua lại vé. Nhưng sau đó cô vẫn trốn vé thêm 2 lần nữa.”

“Khi đó trong túi tôi không có tiền lẻ.”

“Không, không thưa cô. Tôi không thể chấp nhận lí do này của cô, cô đang đánh giá thấp IQ của tôi ư. Tôi tin chắc trước khi bị bắt trốn vé, cô đã trốn được cả trăm lần rồi.”

“Đó cũng chẳng phải tội chết, anh sao phải cứng nhắc như vậy? Tôi sửa là được mà.”

“Không không, thưa cô. Chuyện này chứng tỏ hai điều: Một là cô không coi trọng quy tắc. Cô lợi dụng những lỗ hổng trong quy tắc và sử dụng nó. Hai, cô không xứng đáng được tin tưởng. Mà rất nhiều công việc trong công ty chúng tôi cần phải dựa vào sự tin tưởng để vận hành, nếu cô phụ trách mở một khu chợ ở một nơi nào đó, công ty sẽ cho cô toàn quyền lực phụ trách. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi sẽ không lắp đặt các thiết bị giám sát, cũng như các hệ thống xe công cộng mà cô đã thấy đó. Vì vậy chúng tôi không thể tuyển dụng cô, tôi có thể chắc chắn rằng, tại đất nước chúng tôi, thậm chí cả châu Âu này cô sẽ không thể xin vào được nổi một công ty nào đâu.”

Đến lúc này cô mới tỉnh ngộ và cảm thấy hối hận vô cùng. Sau đó, điều khiến cô ghi nhớ nhất là câu nói cuối cùng của vị giám đốc này: "Đạo đức có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về trí tuệ, nhưng trí tuệ mãi mãi không thể bù đắp cho sự thiếu hụt về đạo đức."

Đạo đức là phẩm chất cơ bản nhất của con người, cũng là nhân cách của một người. Một người dù ưu tú đến đâu nhưng nhân cách có vấn đề, cũng sẽ mất đi niềm tin và sự ủng hộ của người khác. Trên phương diện việc làm, những hành vi mất nhân cách thế này càng đáng sợ hơn, vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá bỏ nguyên tắc, điều này chắc chắn sẽ hủy hoại tiền đồ của bạn. Tôi cho các bạn lời khuyên chân thành, trong sự nghiệp cần phải dựa vào năng lực và chân thành của bản thân, mất thứ gì cũng không bằng mất nhân phẩm.

Lê Quan Vinh sưu tầm

Cõi Mơ


 

Bài Thơ Xướng:
Cõi Mơ

Một chiếc thuyền con giữa cõi mơ
Sương giăng mờ mịt phủ đôi bờ
Trời mây bảng lảng màu lam khói 

Sông nước dịu dàng sắc tím thơ
Bàng bạc vầng trăng soi bến mộng
Thướt tha cành trúc rũ rèm tơ
Mắt soi đáy mắt, hồn xao xuyến
Đón chiếc hôn môi, dạ sững sờ.

Phương Hà

 ***
Các Bài Thơ Hoạ:

Mơ Tiên

Hóa bướm giấc nồng, lạc bến mơ,
Thuyền trăng lặng lẽ lướt vô bờ.
Trời thanh vân cẩu bay về núi.
Chiều tím hoàng hôn cảm tác thơ.
Vằng vặc trăng rằm soi lối mộng,
Phất phơ dáng liễu rũ đường tơ.
Chân thành đối diện nhìn vô mắt,
Rung động đôi tim cả thẹn sờ !

Mai Xuân Thanh
19-04-2016

 ***
Cõi Mơ
Bâng khuâng nhớ lại một trời mơ
Ngày ấy cùng ai lạc bến bờ
Đôi mắt xa xôi nhìn sóng nước
Mái chèo nhè nhẹ khuấy hồn thơ
Chiếc dù nắng sớm hây hây má
Mái tóc ráng chiều óng ánh tơ
Lòng vẫn thương về bao kỷ niệm
Quên đi tuổi hạc nó sờ sờ!

Mailoc
4-19-16

***
Cõi Mơ
 

Thuyền con lãng đãng giữa dòng mơ,
Thấp thoáng cây xa tận bến bờ.
Bàng bạc một màu sương khói tỏa,
Mơ màng mặt nước bóng nàng thơ.
Trăng ngà nhẹ toả êm như mộng,
Trúc rũ dịu dàng óng tựa tơ.

Xúc cảnh nhớ người xa thắm thiết,
Sông Tương một dãi mãi nông sờ!*

Đỗ Chiêu Đức
04-19-16
* Mượn Ý và lời của Cụ Nguyễn Du
Sông Tương một dãi nông sờ,
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia!
***

Như Là Mơ 

Dặm ngàn ngăn cách tưởng rằng mơ
Dõi mắt xa trông chẳng thấy bờ
Người đó tôi đây bao đất nước
Lòng chờ ý đợi một vầng thơ

Qua thư điện tử trao trang chữ
Nối mạng toàn cầu nhả khúc tơ
Phấn khởi chuyền nhau điều thú vị
Vui do bàn phím với tay sờ.

Quên Đi
*** 

Niềm Mơ
 

Nhìn ảnh trong tranh cứ ngỡ mơ!
Thiên nhiên cõi thế đẹp vô bờ
Dù nghiêng che đỏ soi dòng nước
Thuyền nhỏ lơi chèo thấy rất thơ
Lãng đãng màn sương mờ phủ kín
Dịu dàng mây tỏa dáng buông tơ
Ngẩn ngơ dõi mắt lòng thầm nhủ
Phải được kề bên tay đụng sờ

Lý Lệ MAI
***
Cõi Mơ
 

Xin cho một phút thả hồn mơ
Gửi chốn xa xăm một cõi bờ
Quyện gió êm đềm tia ráng ửng
Theo mây bảng lảng bóng chiều thơ
Chờ trăng tỏa ánh đêm huyền dịu
Ngắm biển thêu màn nước óng tơ
Mượn sóng trao lời thương nắn nót
Màn phone âu yếm khẽ tay sờ!

Nguyễn Đắc Thắng  

*** 
Cõi Mơ
Họa vui


Như mình đang sống giữa cơn mơ
Chẳng biết nơi đâu bến với bờ
Ngó trước bạn ta đầy trắc ẩn
Nhìn sau tớ ấy quá ngây thơ
Chuyện tình xốc vác và lươn lẹo
Việc nước là lơ đến lặng tờ
Xin được cảm thông đừng chấp nhất
Ví rằng xa ót khó tay sờ.
Thái Huy

4-2016
***
Tình Lỡ
 

Đã lỡ duyên rồi,chuyện ước mơ!
Chia ly là hết kẻ đôi bờ
Người xưa sao mãi còn lưu luyến
Tình cũ vấn vương đậm nét thơ
Lại nhớ ngày mưa cùng lối hẹn
Mà thương kỷ niệm mối duyên tơ
Mai đây có gặp nào đâu dám ...
Em nhé ! Anh đâu dám sẫm sờ

Song Quang
 

Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

Những Tình Khúc Nguyễn Ánh 9

Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9, tên thật là Nguyễn Đình Ánh
Ông đã được Chúa gọi về 14 - 4 - 2016 tại Sài Gòn
Nguyện cầu Linh Hồn Jerome Nguyễn Đình Ánh sớm hưởng Nhan Thánh Chúa.
Thành Kính Phân Ưu cùng Tang Quyến

(Những chữ viết Hoa trong bài thơ là những sáng tác ca Cố Nhạc Sĩ Nguyễn Ánh 9)

Thơ: Biện Công Danh 
Thơ Tranh: Kim Oanh


 

Sáng Tác: Nguyễn Ánh 9
Tiếng Hát: Trọng Bắc



Đóa Hoa Rừng Không Tên

(Viết để làm quà cho bà con Ấp Xóm Hố, và cũng để riêng tặng “Đóa hoa rừng không tên” và bà xếp lớn của tui).

Cái điện thoại cầm tay cũ kỷ mà mấy đứa em đưa tôi dùng khi về đến Việt Nam, nó kêu è è nhỏ xíu nên reo đến mấy lần tôi mới biết, thì ra Hiển cô cháu gọi vợ tôi bằng cô ruột, phone cho tôi từ Sài Gòn: 
- Chào Dượng Hai! Hôm nay con về Phú Hội thăm dượng Hai đó. Cuối tuần rồi con có về nhưng dượng Hai đi về dưới Cần Thơ rồi. Kỳ này con đưa dượng Hai đi chụp hình, con biết mấy chổ này đẹp lắm! 

Hiển tíu tít mừng rở, cô rất vui mỗi khi tôi về thăm. Tôi nhớ khi Hiển còn học trung học cấp một cô rất thông minh, chăm học và ngoan. Tôi khuyến khích cô hãy cố gắng vào đại học, vì học vấn cao thời nào ở đâu cũng có giá trị nhất định của nó, là căn bản nhất khi mình chỉ trông cậy vào chính khả năng của mình để bước đi trên đường đời. Tôi rất quý mến Hiển, xem nó như con ruột của mình, từ một cô bé “lọ lem” bình thường ở vùng quê tự mình vươn lên, lúc đầu cô theo ngành Dược nhưng không tìm được việc làm vừa ý nên cô lấy thêm bằng Kế toán Ngân hàng, và hiện đang làm việc cho một ngân hàng ở Sài Gòn. Hiển bây giờ là một cô gái xinh đẹp và lịch thiệp.
Vừa về đến nhà, chào mọi người xong Hiển cho biết: 
- Dượng Hai, con sẳng sàng đưa dượng Hai đi chụp hình rồi đó, buổi sáng chụp hình đẹp hơn, mà buổi chiều thì hay có mưa đó dượng. Con thích nhiều tấm hình của dượng chụp, rất đẹp. 
- Đâu phải đâu, vì người mẫu đẹp nên ông thợ chụp hình dù có dở cở nào cũng chụp ra được mấy tấm hình đẹp mà. 
- Dượng Hai khen con hoài hà, ... con đâu có đẹp đâu? 

Ai đang mơ chuyện trầu cau?

Hiển biết tôi rất sợ đi xe gắn máy nên cô chở tôi chạy từ từ cẩn thận cho tôi yên tâm. Chạy lên đến dốc Cây Dầu chợt Hiển dừng xe vào lề, và cô nói: 
- Hôm trước dượng nói về kỳ này dượng định viết một bài về ấp Xóm Hố, vậy con đưa dượng đi thăm quan một vòng chụp mấy tấm hình để làm tư liệu. Dượng thấy cần con giúp thêm gì nữa không? 
- Cám ơn Hiển, dượng Hai cũng muốn biết về đời sống và lịch sữ ở đây. 
- Dạ được, con hiểu ý dượng rồi. 

Cô vừa lái xe chầm chậm vừa kể chuyện huyên thuyên, thỉnh thoảng cô dừng lại ở những nơi cần thiết để tôi thu hình. Do Hiển kể mà tôi hình dung được toàn cảnh của ấp Xóm Hố (Xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).

Đường vào xóm Đất Mới

Xóm Hố dưới thung lũng, bên kia xa xa là Huyện Nhơn Trạch

Sở dĩ có tên ấp Xóm Hố là một xóm nằm dưới thung lũng sâu ở giửa hai đồi cao, từ trên nhìn xuống như cái hố. Từ dốc Cây Dầu phía bên này, khi xưa tại đây có cây dầu rất to mà đám con nít khi đi ngang là cắm đầu cắm cổ chạy vì sơ ma, nghe người ta nói như thế. Mà không ai khác hơn là “Cô Hai” của Hiển lúc nhỏ đi học ngang qua đây cũng chạy trối chết. Đồi cao phía bên kia là đồi Nhà Thờ vì có nhà thờ Công Giáo ở đó. Nối liền nhau là con đường nhỏ quanh co, ngoằng ngoèo theo triền dốc. Xóm Hố còn có tên là hố Bà Đại, tương truyền bà Đại họ Đặng đến đây khai khẩn từ đời vua Thiệu Trị, lúc bấy giờ xóm này gọi là xóm Đất Mới, nhưng cách nay khoảng hơn 100 năm mà vẫn gọi là Đất Mới. Sau đó có linh mục người Pháp thường gọi là Cha Tây đến truyền đạo và qui tụ dân chúng ngày càng đông về đây lập nghiệp. Đa số người dân sống bằng làm vườn, làm rẩy, một số đi làm công nhân ở đồn điền cao su của Cha Cố người Pháp.

Nước trào Mạch Bà, 
Chuối già Long Tân,
Chôm chôm xóm Hố,
Sầu riêng Xóm Vườn.

“Nước trào Mạch Bà”, không biết thế nào mà trên đồi cao có mạch suối nước trào quanh năm, nước trong vắt, đó là nguồn nước cho cả vùng không cần phải đào giếng. Trái lại vài nơi khác cách đó trên dưới 1 cây số là phải đào giếng có nơi sâu gần trăm mét mới có nước.

Long Tân là xã kế cận xã Phú Hội, có lẽ đất ở đây thích hợp để trồng nhiều chuối, rất tốt, to trái, sai nãi, nên mới có câu vè “Chuối già Long Tân”.

“Chôm chôm Xóm Hố”, xóm Hố đất thịt pha cát có đủ nước quanh năm, không bị úng (nước đọng) nên Xóm Hố trồng nhiều chôm chôm, nổi tiếng trái to, dầy cơm và rất ngọt. Nhưng đó là hồi mấy năm trước, từ khi con đường Dốc Cây Dầu trùng tu lại làm Xóm Hố nước không thoát được nên chôm chôm chết ngắt hết. Có nhà vườn đấp bờ bao ngăn nước, dùng máy bơm bơm nước ra không để nước mưa úng đọng, vườn chôm chôm vẫn tươi tốt. Trái lại có nhà vườn bên cạnh thì chẳng thèm sửa sang vườn tược chi cả, mà cứ ung dung! Họ lười hay không biết làm? Không phải, họ sắp thành tỷ phú (tiền VN) rồi đó. Đất của họ nhà nước qui hoạch xây cất chi đó, hay phóng lộ ngang đất họ nên đất trở thành vàng khối. Mỗi nhà có chừng năm ba công đất vườn hay rẩy, có người có đến vài mẫu (mẫu 10 công, mỗi công 1000 m2) mà mỗi công nhằm nơi phóng lộ nên đất của họ trở thành mặt tiền, giá 1 công bây giờ từ 1-2 tỷ (tương đương $50 -$100 ngàn USD). 

“Sầu riêng Xóm Vườn”, là xóm có vườn cây ăn trái nhất là trồng nhiều cây sầu riêng. Từ lâu lắm rồi ông Bổn Bạn là một hoa kiều du nhập cây sầu riêng về trồng, sau đó bắt đầu có thêm nhiều vườn sầu riêng nổi tiếng.

***

Hiển lái xe vào mấy con đường nhỏ dẩn đến các địa danh mà cô vừa kể, sau cùng ghé qua khu vườn của người bà con để chụp cảnh vườn cây ăn trái, nhưng chúng tôi quên tháng này không phải là mùa, nên chẳng có cây trái gì hết. Muốn chụp hình cây trái là phải vào mùng 5 tháng 5 âm lịch, hay vào mùa Tết mới có nhiều cây trái chín rộ chụp hình mới đẹp. Cũng may, ở khu vườn này có vài khía cạnh tình cờ tìm thấy trong một góc vườn nên mới có vài tấm hình coi được được. 

“Đóa hoa rừng không tên”
Dưới tàng cây “thiên la”
Suối Mạch Trào 

- Dượng Hai ơi, chụp ở đây xong con đưa dượng qua bên nhà thờ Công Giáo và chùa Phú Quang, ở bên đó có nhiều cây cổ thụ, yên tịnh, con nghĩ chụp hình đẹp lắm. 
- Ừ, thì Hiển hướng dẫn đi đâu tùy ý, dượng đâu biết chổ nào đẹp đâu? 

Qua đến chùa Phú Quang gặp đám tang đang cử hành nên không thể chụp hình. Chúng tôi ghé qua nhà thờ Họ Đạo Phú Hội, trời đã trưa lại nhiều bóng nắng loan lổ nên khó tìm được tấm hình đẹp, tôi đề nghị: 
- Hiển, nãy giờ đi gần 2 tiếng rồi mình lại cái băng đá kia nghĩ chân chút đi. 
- Dạ, con cũng nghĩ như vậy, sao hôm nay dượng đi nhiều mà không thấy dượng mệt? Dượng có đeo máy trợ tim mà, mấy lần trước con thấy dượng đi bộ một khoảng là than mệt rồi? 
- À há, có lẽ hôm nay dượng chụp được vài tấm hình vừa ý nên quên mệt. (hihi !) 

Tôi đưa máy cho Hiển xem lại mấy tấm hình vừa chụp, cô tỏ vẻ thích thú với những tấm hình của cô rất tự nhiên bên khung cảnh tưởng chừng như đang ở trong khu rừng. Tôi muốn tìm hiểu thêm về đời sống của người dân ở đây nên hỏi Hiển: 
- Nhà thờ này có từ bao lâu rồi Hiển? 
- Dạ, nghe nói nhà thờ này có hơn trăm năm rồi, do Cha người Pháp cất lên. Mới cất lại hơn ba năm nay, trước đây nhỏ và củ lắm, kinh phí xây cất phần lớn là do con cháu ở nước ngoài gởi về giúp. Con nghe bà nội kể khoảng năm 1964-1965 bôm đạn tràn lan, cha sở là cha Bùi Hữu Nam dẫn dắt con chiên tản cư ra Long Thành, một số tạm trú ở nhà thờ Long Thành, một số thì ở đậu trong đình Phước Lộc, khu cầu xéo. Dân Phú Hội ra Long Thành không biết làm gì nên rủ nhau làm gánh bán đồ ăn, người thì bán cơm tấm, người thì bán bún riêu, bánh tầm, bán cháo cá, ... nghề này ở chợ Long Thành là do bà con ở trong Phú Hội ra làm không đó dượng. Người ta nói nhất nghệ tinh nhất thân vinh, dượng Hai ra ngoài đó xem ngày nay họ truyền nghề cho con cái, bây giờ người nào cũng cất nhà lầu hai ba tầng hết. 
- Nhưng có một người dân Phú Hội không theo con đường đó, vẫn thành công còn hơn mấy người kia nhiều. 

Hiển vô tư hỏi tôi: 
- Ai vậy dượng? 

Tôi không trả lời, chỉ nhìn vào đôi mắt sáng đầy nghị lực của cô mà tủm tỉm cười. Phút chốc cô hiểu ý nên ngẫng nhìn lên, vuốt nhẹ mái tóc, gương mặt hơi nghiêng nghiêng qua một bên với nụ cười thật duyên dáng: 
- Dượng Hai cứ trêu chọc con hoài hà! 
- Thôi, dượng Hai không trêu chọc Hiển nữa đâu, sợ Hiển giận mà không chịu kể chuyện đời xưa của Ấp Xóm Hố cho dượng nghe nữa. 

Ngừng một chút, tôi nói tiếp: 
- Ờ, dượng Hai chưa biết những chuyện như là “ký ức đáng ghi nhớ thời tuổi thơ” của Hiển đó? 

Cô tươi cười kể chuyện tiếp, một cách hồn nhiên, những kỷ niệm thời thơ ấu trở về với cô: 
- Con nhớ chuyện này, lúc nhỏ hồi còn học tiểu học con hay rủ thằng nhỏ cùng xóm đi lên rừng đốn măng, hôm nào được nhiều măng con mừng lắm, nó biết vậy nên nó thường nhường cho con vì sợ con đốn không được nhiều con buồn. Bây giờ nó tốt nghiệp ngành ngoại thương, mấy năm rồi nó đi đâu mất, nghe tụi bạn nói nó làm việc cho một công ty nước ngoài ở Hà Nội. 

- Con nhớ lại mấy chuyện hồi nhỏ thấy vui vui, dượng Hai biết không, mỗi lần đi rừng gặp cây chiu riu là mừng lắm, trái non trái già gì cũng hái hết. Nhưng mà trái non ăn không được, chát ngắt, vậy mà cứ tham lam hái hết. Đúng là con nít! 
- Cây chiu riu là cây gì vậy? 
- Dượng Hai ở vùng dưới nên không biết cây chiu riu, nó là loại cây rừng, trái ăn được, không cao lắm chừng 1,5 m, trái nhỏ có chùm, trái chín ăn chua chua, chát chát, đám con nít thích lắm. Nghe mấy người lớn có kinh nghiệm đi rừng nói “ở rừng trái cây gì chim hoặc khỉ ăn được là người ta ăn được” đó dượng. 

Tôi chăm chú hòa mình với tuổi thơ của Hiển, hình dung cô bé Ấp Xóm Hố có nhiều nam tính và rất tự tin thuở nào. Có lần Hiển kể “con rủ mấy đứa trong xóm đi rừng nhưng không đứa nào chịu đi, con chỉ xách cái chà gạt của ba đi lên rừng một mình”. Wow, hình ảnh Hiển ngày xưa và hôm nay khác xa, biết đâu tôi về VN lần tới là cô đã trở thành Giám Đốc của một công ty nào đó rồi. Hiển có nhiều ước mơ, quyết chí làm, và làm được, tôi tin như thế. Thoát chớp mắt, tôi trở lại với câu chuyện Hiển đang tiếp tục kể: 
- Dượng Hai có ăn bông sầu riêng chưa ? Bông sầu riêng ăn ngon lắm! 
- Dượng Hai chưa ăn bao giờ, chỉ nghe nói bông sầu riêng ăn được thôi. 
- Bông sầu riêng trổ vào ban đêm, muốn lấy bông từ chiều mình đem tấm đệm hay lá chuối trải phía dưới để sáng ra lấy bông không bị dính bùn đất, dơ bẩn. Mấy cái nhụy hoa xào ăn ngon hơn giá, có người chỉ trụng nước sôi sơ qua rồi trộn gỏi tôm thịt ăn rất ngon đó dượng. Tiếc là không nhằm mùa sầu riêng trổ bông, nếu không con sẽ làm món đặc sản của Ấp Xóm Hố cho dượng Hai thưởng thức! 

Rồi cô đọc câu ca dao: “Sầu riêng ai khéo đặt tên, Ai sầu không biết, nhưng Hiển (em) đây không sầu”, đọc xong câu ca dao có sửa lời dí dỏm cô nhìn tôi tủm tỉm cười. 
- Còn một món này nữa chắc dượng Hai cũng chưa ăn, đọt ngành ngạnh chấm chao, ngon ơi là ngon. Chao phải trộn với xả bầm, củ hành, tỏi, đậu phọng đâm nhuyển, và nước cốt dừa. 

Nói xong Hiển đứng dậy nhìn về phía xa xa nơi bên kia đồi, cô đâm chiêu luyến nhớ thời thơ ấu đã qua: 
- Dượng nhìn xem, bên kia là huyện Nhơn Trạch, bắt đầu họ cất nhiều công sở to lớn và các cao ốc, đâu còn rừng nữa để đi hái đọt ngành ngạnh! 

Tôi chợt thấy bóng dáng tuổi thơ của Hiển cũng có những kỷ niệm tương tợ như cô Hai của cô: 
- Cô Hai có lần kể cho dượng Hai nghe, hồi nhỏ cô Hai không phải hiền như Hiển đâu, phá như quỷ! Bà Tám Khấu có vườn bên cạnh, bả dử lắm, chửi đám “con nít quỷ” tơi bời, mà một đám quỷ thiệt cứ qua phá vườn của bà hoài! Nghe nói bà bị mắc đàng dưới nên cứ trời trưa đứng bóng là bà cuối đầu xuống giếng cả giờ, tha hồ mà phá. Có hôm hái trái ổi non, hôm khác thì lặt đầu mấy cái đầu khóm (trái thơm, trái dứa non mới ra), rồi xúm nhau núp nghe bà chửi mà còn hí hí cười nữa, thật hết chổ nói!

Cô Hai của Hiển

Tôi chợt nhớ đến một câu chuyện thời chiến tranh ở ấp Xóm Hố này, nghe ông Út là nhân chứng sống kể lại:  (......)  
Tôi đang trầm ngâm nghĩ tới câu chuyện thương tâm này, Hiển đến gần tôi hỏi: 
- Dượng Hai đang suy nghĩ về chuyện gì vậy? 
- Hiển biết ông du kích Ba Tú không? ổng già lắm rồi. 
- Con có nghe nói, ổng ác lắm, khi già ổng chết trong nghèo khó, cô đơn. Người ta nói ổng thất đức nên trời không cho! 
***
Ở xã Phú Hội có hai giòng họ khá nổi tiếng là giàu có và danh vọng: “Họ Đinh làm giàu, họ Đào làm quan”. Nhưng đó là thời xưa, bây giờ cách mạng đổi đời hơn 30 năm rồi nên chỉ còn là câu chuyện kể của vài cụ già ở đây cố cựu. 
- Dượng Hai biết không? Xã Phú Hội bây giờ không còn nhiều người ở lâu đời, phần đông là dân từ vùng ngoài, hoặc những gia đình bộ đội hay cán bộ từ miền Bắc vào. Có mấy con đường mới vừa phóng lộ là nhà nước cấp không cho mỗi gia đình có công với cách mạng một lô đất đủ cho 2 cái nền nhà, nếu họ bán đi phân nữa là có đủ tiền cất cái nhà khang trang. Dượng Hai qua khu Phước Lý xem, suốt mấy con đường toàn là dân “bắc kỳ mới”, số còn lại đại đa số là công nhân cũng vào từ Thanh Hóa, Nghệ An. Trước đây tỉnh Đồng Nai là gồm cả thị trấn Long Thành và huyện Nhơn Trạch rất trù phú nên kết nghĩa với Thanh-Nghệ-Tỉnh để giúp đở tỉnh chị em này bị chiến tranh tàn phá, nhưng chỉ sau hai thập niên, hầu hết hảng xưởng, cơ quan nhà nước là họ nắm giữ chức vụ Thủ trưởng hay Giám đốc! 
- Dượng Hai nghĩ đó cũng là chính sách ưu đãi của nhà nước cho một tầng lớp xã hội. 
- Con nghĩ đó chỉ đúng một phần, một phần cũng do chính người dân địa phương, người miền ngoài họ chịu khổ cực nhiều rồi nên khi có cơ hội kiếm tiền thì họ làm việc dử lắm, còn biết cách lòn cúi, bon chen để ngoi lên. Mấy năm trước mỗi kỳ hè con có xin đi làm ở mấy cái xưởng trong khu công nghiệp Nhơn Trạch thì thấy người dân địa phương bị lép vế đối với cấp trên mà cũng như đối với công nhân đồng nghiệp nữa. 

Tôi chăm chú nghe Hiển kể chuyện, và thầm phục sự nhận xét tinh tế của cô. 
- Dượng Hai làm gì nhìn con dử vậy? 
- Dượng Hai rất ngạc nhiên khi nghe những lời con nói, có lẽ Hiển là một trong số rất ít người trẻ tuổi như con có cái quan sát về xã hội chính chắn và sâu sắc như vậy? 

Tôi thấy trời đã trưa nên đề nghị với Hiển: 
- Trưa rồi thôi mình về, có lẽ ở nhà đang chờ mình về ăn cơm. 
 -Dạ. 

Tôi cùng Hiển chậm rải bước đi xuống đồi, cô nhỏ nhẹ hỏi: 
- Dượng Hai, từ sáng tới giờ dượng hỏi con nhiều lắm, bây giờ dượng Hai cho con hỏi lại nghe? 

Tôi lấy làm lạ, sao “cô bé” này muốn hỏi điều gì mà lại khách sáo? Tôi quay sang nhìn Hiển dò xét: 
- Sao “cô bé” bây giờ lại khách sáo quá vậy? 

Hiển nhìn tôi có nụ cười rất thân thiết và tự nhiên: 
- Con muốn biết dượng Hai suy nghĩ gì sau buổi đi sáng hôm nay? 

Câu hỏi thật bất ngờ nên tôi hơi lúng túng: 
- Để dượng suy nghĩ xem .... À, Hiển vừa giúp dượng Hai có cái nhìn tổng quát về Ấp Xóm Hố, hiểu biết thêm nhiều khía cạnh mà từ trước dượng chưa biết. Có lẽ có hai điều nhận xét: Thứ nhất, dượng Hai có cái nhìn về tương lai cho huyện Nhơn Trạch như thế này, dĩ nhiên trong đó là dượng cũng muốn nói đến Ấp Xóm Hố. Huyện Nhơn Trạch có khu công nghiệp quan trọng nhất nhì miền nam, địa hình có nhiều đất rừng chỉ có đồi thấp mà không có núi, đó là điều kiện để dễ dàng phát triển thành phố. Có đường tàu biển và bến cảng chuyên chở container rất tiện lợi cho khu công nghiệp. Nhơn Trạch nằm ở trung tâm của tam giác Bình Dương, Sài Gòn và Vũng Tàu. Nó có ưu thế tuyệt đối để phát triển, do đó dượng tin là ... là không còn cơ hội để con đi đốn măng, đi hái trái chiu riu hay đọt ngành ngạnh nữa. 
- Dượng Hai này, lại chọc quê con nữa, con không thèm nói chuyện với dượng nữa đâu. À, .. mà không được! Dượng Hai chưa nói điều thứ hai cho con nghe? 
- Điều thứ hai, dượng muốn nói sau chuyến đi sáng hôm nay là dượng rất cám ơn Ấp Xóm Hố, vì nơi đây cho dượng có được cô Hai đem lại nhiều hạnh phúc cho dượng. Và bây giờ dượng Hai có thêm cô cháu nhỏ tài ba, bản lĩnh, có thể làm những chuyện hơn người, ai biết được như thế nào trong mười năm hay hai mươi năm nữa? Ở Ấp Xóm Hố cũng như tương lai tươi sáng của con? 
- Con cám ơn dượng Hai luôn khích lệ tinh thần cho con. 
- Khi về dượng Hai sẽ viết bài Ấp Xóm Hố để tặng con và cô Hai nghe? 

Hoa lá xanh tươi như sức sống của người dân Ấp Xóm Hố

Hiển mỉm cười và chỉ dạ một tiếng nho nhỏ, nhưng tôi biết trong lòng cô đang dâng lên niềm vui dạt dào và một niềm tin mới, sáng lạn trên con đường của cô đang đi.

Lê Hữu Uy

Tình Thơ - Tình Thu


Bài Xướng:Tình Thơ

Nương gió hương tình thoang thoảng bay
Cửa lòng để ngõ suốt đêm ngày
Mây trời góp nhặt tim anh giữ
Giọt nắng bên thềm biết gởi ai?

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

Bềnh bồng mái tóc nhẹ bay bay
Ngọn gió tìm duyên thổi suốt ngày
Để áng mây trời say lăng ngắm
Bồi hồi nhớ tưởng mộng về ai?

Nguyễn Đắc Thắng
***
Gió về hôn nhẹ tóc vờn bay
Nào đã quên nhau dẫu một ngày
Mực tím ấp yêu tình áo trắng
Tựa ngàn hoa nở giữa lòng ai

Quên Đi
***
Tình Thu


Gửi gắm phương đoài hương lá bay
Nắng hong nỗi nhớ mộng thu ngày
Vàng mùa lót gối say sưa giấc
Ấp ủ tơ lòng gửi đến ai

Kim Oanh
***
Chiếc Khăn


Còn đâu tà áo thướt tha bay
Ngõ vắng chờ ai bước mỗi ngày
Chiếc khăn ai tặng anh còn giữ
Ấp ủ bên mình hương tóc ai!

Biện Công Danh

Đêm Với Tuyết Ở Mỹ Tho

            
(Mỹ Tho 1969)

Em chợt đến và chợt buồn như cỏ
Đời hai tay dang rộng cõi vô cùng
Ta rớt xuống như mù sương buổi sáng
Hạnh phúc nào bay đẫm ướt không trung.

Đêm đã nghiêng chút tình đời hy vọng
Sầu như trăng chênh chếch ở trong lòng
Em hãy đến và hãy mềm như lá
Dường như ta quằn quại giữa thinh không.

Ta đứng đó dưới chân cầu vọng tưởng
Đời buồn hiu thì trầm lặng trăm năm
Sống là để tình cờ yêu kẻ khác
Dù thật ra hình bóng đã xa xăm.

Em đã đến và đã chìm như nước
Đã thản nhiên như những chỗ không người
Sông thì dài chảy muôn đời ra biển
Tình cũng buồn dằng dặc vậy em ơi!

Phạm Hồng Ân
Căn cứ Đồng Tâm 06/05/1972

Thứ Tư, 20 tháng 4, 2016

Màu Kỷ Niệm - Phạm Đình Chương - Thái Thanh

Trong thời chiến, tuổi học trò mới lớn, tình yêu cũng vừa chớm nở, thì chia ly, chàng trai phải đi vào cuộc chiến, để lại tà áo trắng nhớ thương. Đó là kỷ niệm đẹp thời đi học, thời mà nét mực tím chưa phai khi rời xa mái trương thân yêu, màu mực tím ấy vẫn theo chân chàng trai đi mọi nơi trên đường hành quân, mà nhà thơ Nguyên Sa gọi đó là MÀU KỶ NIỆM. . .


Thơ: Nguyên Sa
Phổ Nhạc: Phạm Đình Chương
Ca Sĩ: Thái Thanh
Youtube: Nguyễn Thế Bình

Giấc Mơ Này


(Trường Tống Phước Hiệp-2004)

Ôi giấc mơ này
Rồi cũng sẽ tan
Ta còn gì không
Trái tim muộn màng
Ta còn gì không
Đôi chân đã mòn
Mơ hồ xa lắm
Vùng trời êm đềm
Ngoài hiên nắng vàng
Chìa vôi véo von
Ai xa muôn trùng
Ta chưa một lần
Sao ngày bâng khuâng
Sao đêm mơ mộng
Ta còn gì không
Trái tim muộn phiền
Ta còn gì không
Đôi tay rã rời
Mong được một lần
Về mái trường xưa
Bên hiên đợi chờ
Gởi người giấc mơ
Thôi chẳng bao giờ

Khánh Hà

Luật Thơ Lục Bát - Nhớ Câu Chuyện Cũ



Nhân đọc hai bài thơ Lục Bát có gieo vần Trắc: "Vết Hằn Tháng Tư" và "Tưởng Hình Nhớ Bóng" của Kim Oanh, tôi chợt nhớ lại , cách nay khoảng 4-5 năm, Cô Em của tôi rất thích làm thơ Lục Bát hoặc Lục Bát Biến Thể. Có lần, Em làm một bài thơ Lục Bát, trong bài có một đôi câu không gieo vần Bằng như thông lệ, mà lại gieo vần Trắc.
Sau đó, em được một vài nhà thơ trong nước cũng như hải ngoại góp ý:
"Thơ Lục Bát chỉ gieo vần Bằng,  không nên gieo vần Trắc. Như thế là không đúng".
Em mới hỏi tôi:
- Các Anh Chị góp ý với em như thế đúng hay sai?
- Trước hết phải cám ơn những người góp ý, vì có thương mới khuyên bảo Em như thế. Còn lời khuyên ấy đúng hay sai, anh mạnh dạn trả lời theo hiểu biết của anh:  Có đúng mà cũng có sai.

Ngày nay, các Diễn đàn, Trang Web trên Mạng khi đề cập đến luật thơ Lục Bát, thường đưa ra luật Bằng Trắc để hướng dẫn mọi người theo đó làm:

  - câu 6 chữ : b B t T b B
  - câu 8 chữ : b B t T b B t B...
t : Trắc
b: Bằng
T- B : Vần bắt buộc
...

Điều này cũng đúng thôi. Chúng ta xem lại những Truyện Thơ nổi tiếng thì quả thật không sai. Các chữ thứ 6 câu 6 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 8. Chữ thứ 8 của câu 8 gieo vần với chữ thứ 6 của câu 6. Tất cả đều gieo vần Bằng:

Thành Tây có cảnh Bích Câu
Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao
Đua chen thu cúc xuân đào
Lựu phun lửa hạ mai chào gió đông....
                      (Bích Câu Kỳ Ngộ)

Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình...

                         (Lục Vân Tiên)

Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...
                                 (Truyện Kiều)

Tuy nhiên, Lục Bát có nguồn gốc từ ca dao, nếu muốn tìm hiểu về Luật của loại thơ này, chúng ta phải tìm hiểu những bài Lục Bát trong Ca Dao, chớ không thể trọn tin những chỉ dẫn của một số bài viết trên Internet.
Trước đây, các Tiền nhân muốn sáng tác những truyện thơ bằng thể thơ Lục Bát hay Song Thất Lục Bát đều phải tìm hiểu Ca dao. Kể cả Nguyễn Du khi viết Truyện Kiều.
Các Học giả ngày nay, khi hệ thống lại quy luật thơ Lục Bát, cũng nghiên cứu thật kỹ lưỡng về thể thơ này trong ca dao. Họ đã tìm thấy rất nhiều câu thơ Lục Bát hay Biến Thể được gieo vần Trắc:

Thí Dụ:
Đêm năm canh ngày sáu khắc
Thương nhớ chàng không một giấc nào nguôi

                                                           (Ca Dao)
Qua cầu một trăm cái nhịp
 Em không theo kịp kêu bớ hỡi chàng 
                                            (Ca Dao)
Tình thương gươm trường không sợ 
Sét đánh bên mình duyên nợ không buông
                                                 (Ca Dao)
............

Thầy Dương Quảng Hàm cũng đã đề cập đến thơ Lục Bát trong quyển "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" của Ông:

1) Thể lục bát chính thức
Câu 6 câu 8 kế tiếp nhau, hoặc thể lục bát biến thức (thỉnh thoảng có xem những câu dài hơn 6 hoặc 8 chữ).

Thí dụ:
Thể lục bát chính thức:

Tò vò mà nuôi con dện (nhện) (vần Trắc)
Ngày sau nó lớn nó quến (vần Trắc) nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti:
Dện ơi! Dện hỡi ! Mầy đi đàng nào?

Thể lục bát biến thức:

Công anh đắp nấm, trồng chanh
Chẳng được ăn quả, vịn cành cho cam
Xin đừng ra dạ bắc nam
Nhất nhật bất kiến như tam thu hề
Huống tam thu như bất kiến hề,
Đường kia, nỗi nọ như chia mối sầu ...


2) Thể song thất lục bát chính thức hoặc biến thức.

Thí dụ: Thể song thất chính thức:

Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc
Con chàng còn trứng nước thơ ngây.
Có hay chàng ở đâu đây
Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

Thể song thất biến thức :

Tròng trành như nón không quai,
Như thuyền không lái như ai không chồng
Gái có chồng như gông đeo cổ,
Gái không chồng như phản gỗ long đanh.
Phản long đanh anh còn chữa được,
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi.
Không chồng khốn lắm, chị em ơi!

Qua những dẫn chứng bên trên, chúng ta đi đến kết luận : Thơ Lục Bát gieo vần Trắc không hề sai. Cũng nhờ những bài Lục Bát gieo vần Trắc này, tiền nhân chúng ta mới sáng tác thêm một thể nữa là thể thơ Song Thất Lục Bát:
Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn, 
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa, 
Hương trời đắm nguyệt say hoa, 
Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình...
               (Cung Oán Ngâm Khúc)

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người,
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn?...
            (Chinh Phụ Ngâm Khúc)
Huỳnh Hữu Đức

Khúc Tình Sầu


Khúc nguyệt sầu mang đến lòng ta
Phải nỗi buồn con gái phương xa?
Mang nặng sầu trong đêm tĩnh lặng
Một mình, một rượu ánh trăng ngà

Với bóng hình tơ liễu hôm nao
Đời nỡ dập vùi thân bé lao đao
Ánh trăng nào đưa hồn theo gió
Trải nỗi buồn thương nhớ không nguôi

Rươu đã cạn, hồn say giấc điệp
Lòng bớt sầu những tháng ngày qua
Đò ngược xuôi đón chờ tri kỷ
Tiếng đàn cầm, trầm bổng ngân xa

Cành trúc xanh, chén rượu chào xuân
Tưởng nhớ thời bâng khuâng ta đó!

Về Chiều

Hoa Bạc Mệnh - J. Leiba



Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc
Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!

Héo trước trăm hoa: hoa Bạc Mệnh
Đang xuân, để khỏi thấy xuân tàn.
Chúa xuân vì biết tình hoa thế
Xin kiếp sau đừng nở thế gian.

Hồn kết gió hương trời Nhược Thủy
Cánh viền mây thắm động Thiên Thai
Hóa thành những giọt mưa thơm ấy
Tưới nở trăm hoa đã héo rồi!

J. Leiba

Sợi Tơ Tình


(Cảm hứng qua bài thơ"Tơ lòng" của N/Cali)

Đã biết chia tay ...sao lại mong!
Người đi rạn nứt trái tim hồng
Bâng khuâng cứ nhớ chiều hò hẹn
Vương vấn tơ tình tối ngóng trông
Trí mãi lênh đênh trời ảo mộng
Tâm còn đắm đuối sợi tơ lòng
Tìm quên ..mà có nào quên được
Anh ở phương nào có biết không ???

Lý Lệ MAI