Bạn hỏi một năm có bốn mùa, tôi thích mùa nào nhất.
Tôi trả lời:
-
Mỗi mùa có mỗi nét đặc sắc, hay, đẹp của mùa ấy. Với tôi mùa nào cũng
đều gợi trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên, nên tôi thích cả bốn mùa.
Nghe
có vẻ “ba phải” quá, nhưng thật vậy. Nhờ bạn hỏi nên tôi mới xem lại
mấy bài thơ từng làm, nhận ra mình đều nhắc đủ bốn mùa tuỳ theo tâm
trạng hay cảnh vật lúc viết. Nhưng ở đây tôi sẽ chỉ nói về mùa thu, bởi
bây giờ trời đang vào thu, chứ không phải tôi yêu mùa thu hơn các mùa
khác.
- Lúc lên năm lên sáu, tôi đã được nghe nói tới mùa thu trong lễ tết trung thu.
Tết trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
(Rước Đèn Tháng Tám - Đức Quỳnh)
Tôi
thấy chị em tôi trong lời ca đó. Lúc trời vừa sụp tối, ánh trăng rằm
còn núp dưới ruộng lúa chưa kịp trồi lên ban phát ánh sáng dìu dịu cho
nhân gian, chúng tôi cầm đèn ngôi sao dán giấy kiếng đỏ cột vào nhánh
trúc dài 50cm, bên trong gắn cây đèn cầy nhỏ, được ba má cho phép đi một
đoạn ngắn trong xóm. Bắt đầu từ nhà ông bà ngoại rẽ bên phải ngang qua
nhà bà dì tư (em ruột của bà Ngoại), lần lượt nhà ông cậu ba Tiễn (hay
Tiểng ), nhà máy nước đá Lâm Hải Phát, bà dì ba Tỷ, bà dì sáu Thêu, bà
dì tư Phải, ông cậu út Sao (4 người này là chị em ruột con của bà cóc
tám). Đến đó là khoảng 200 mét thì quay trở về ngang qua nhà chúng tôi
–tức là nhà ông bà ngoại ba má– đi tiếp hướng trái nhà ông cậu hai Khị,
ông cóc bảy Sợi, ông bà cóc Nhân, bà cóc mười, bà dì năm Dể…
Những
người tôi kể trên đây là anh chị em ruột, hoặc anh chị em cô cậu, bạn
dì, và đều là họ hàng gần gũi với bà ngoại. Con cháu của ông bà cóc, ông
cậu bà dì tuổi chỉ suýt soát hoặc nhỏ hơn chị em tôi nhưng chúng tôi
phải kêu bằng dì bằng cậu– thậm chí có người tôi phải kêu bằng bà dì dù
mới có 5, 6 tuổi bằng tuổi tôi, giật gân hơn là có người mới sinh ra mấy
ngày tôi phải kêu bằng ông cậu cơ – nên chúng tôi hàng ngày kết bạn với
mấy bà dì ông cậu này để bày trò bán hàng, nhảy dây, nhảy lò cò hoặc sau
mùa gặt lúa chiều chiều kéo nhau ra đồng bịt mắt chơi trốn tìm sau mấy
đụn rơm, vừa chơi vừa hát:
Hùm bắt được hùm ăn
Sấu bắt được sấu ăn con hùm
Thế
là đêm tết Trung Thu chị em chúng tôi nhập với vài người dì, cậu đồng
lứa mỗi người một cái lồng đèn ngôi sao đỏ hoặc vàng, xanh kéo nhau đi
loanh quanh trong
xóm. Có lồng đèn
bị gió thổi tắt ngúm, có đứa vừa đi vừa đánh đồng xa mạnh quá, đèn cầy
chao đảo bắt vào giấy kiếng cháy rụi vừa sợ vừa tiếc khóc ầm ỉ. Hết hứng
thú nên chúng tôi giải tán ai về nhà nấy. Lúc nầy ông bà ngoại ba má đã
đặt bàn ra ngoài sân, mang bình trà, bánh in, bánh dẻo, bánh trung
thu…ngồi thưởng nguyệt nhâm nhi tách trà xanh thơm ngát. Bọn trẻ con
được chia đều mỗi loại bánh, ăn ngon lành.
- Lớn thêm một chút vào trung học đệ nhất cấp, bài kim văn Tôi Đi Học của tác giả Thanh Tịnh, mùa thu cũng là mùa tựu trường mà tôi chắc chắn những người từng là học trò đều nhớ đoạn văn mở đầu:
“Hàng
năm cứ vào cuối thu khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có
những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mang mang của
buổi tựu trường.
“Tôi quên
thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy
cánh hoa tươi mĩm cười giữa bầu trời quang đãng.
Từ bài Tôi Đi Học khiến tôi liên tưởng đến mùa thu trong đoạn văn tả về Ngày Tựu Trường khác của nhà văn Pháp Anatole France, được tác giả Thân Trọng Sơn dịch:
“Tôi
sẽ kể cho bạn nghe những gì hàng năm làm tôi nhớ lại, đó là bầu trời
mùa thu đầy xao động, những bữa ăn tối dưới ánh đèn, và những chiếc lá
đổi màu vàng trên những cành cây lay động.
“Tôi
sẽ kể bạn nghe những gì tôi thấy khi đi ngang vườn Luxembourg vào những
ngày đầu tháng mười; trời man mác buồn và đẹp hơn bao giờ. Đó là lúc
những chiếc lá vàng từng chiếc rơi từng chiếc trên bờ vai của những pho
tượng trắng.
Là
một cô bé gái vốn có tâm hồn nhạy cảm trước mọi vẻ đẹp của Chân, Thiện,
Mỹ từ con người cho đến thiên nhiên thì thử hỏi sao mà tôi không rung
động trước những
đoản văn thanh
tao nhẹ nhàng ấy được. Chả gì lúc 11 tuổi, tôi vô tình nghe ”chú
lính”hát một bản nhạc thế mà lời ca điệu nhạc cùng giọng hát đã ở lại
cùng tôi đến mãi tận bây giờ vẫn không quên cơ mà !
Tôi
tập tễnh làm thơ “người lớn” từ năm 15 tuổi, đã có một bài nói về trăng
thu. Theo thời gian tôi còn viết nhiều bài nhắc đến mùa thu, nhưng
quyển tập thơ thuở đầu đời đã bị tiêu tán chôn vùi trong đống rác lúc
mất nhà năm 1977. Tôi quên khá nhiều, chỉ chép lại bằng trí nhớ những
bài thơ ngắn bốn câu, tám câu ít ỏi. Từ khoảng thời gian đó trở đi nhiều
năm sau mạch thơ tôi tắt nghẽn, ý thơ bay mất tăm chỉ còn sỏi sạn cằn
khô ngổn ngang tâm trí. Thỉnh thoảng nàng thơ bất chợt len lén ghé về
ngẫu hứng viết được một vài câu– cũng chỉ ngập ngừng khe khẽ rồi vụt
tan.
Người
ta cho rằng ở tuổi 18 là đã trưởng thành, có thể tự trách nhiệm với bản
thân chứ không còn lệ thuộc vào ngoại nhân nữa. Nhưng tôi lúc 18 tuổi
tuy lớn xác mà tâm hồn vẫn là tâm hồn của cô gái nhỏ, ngây ngô ẩn mình
trong tháp ngà do ba má đặt để. Vẫn còn nhìn đời qua lăng kính màu hồng,
mơ mộng, đang vui chợt buồn vô cớ. Ngoài thời gian “dùi mài kinh sử”
chuẩn bị kiến thức cho tương lai, tôi cả ngày ngồi ôm sách–thậm chí nằm
trên võng đọc trong cảnh chiều muộn tranh tối tranh sáng chưa kịp lên
đèn khiến có lần bà Ngoại nhắc nhở phải giữ gìn đôi mắt kẻo bị mờ sớm
khi chưa kịp già mà tôi đâu có tin– đủ thể loại từ khô khan khó nuốt như
lịch sử, chính trị, tôn giáo, hồi ký cho đến lãng mạn trữ tình văn học,
thi ca, kim cổ, đông tây, hiện đại, cổ điển… không thiếu loại nào. Kể
cả tuần san Tuổi Ngọc, nguyệt san Văn, các tờ nhật báo ba mang về hàng
ngày đọc tin chiến sự..v..v..
Phần
lớn thời gian tôi sống trong thế giới khác, xa rời thực tế. Thả cho trí
tưởng tượng hoà nhập vào mọi hoàn cảnh, khóc cười vui buồn theo tâm
trạng các nhân vật trong sách. Có lẽ nhờ vậy mà đến tận bây giờ dù đã
trải qua bao lần tang thương dâu bể, dập vùi sóng gió mà tôi vẫn còn mơ
mộng, lạc quan, vẫn còn tin vào sự huyền nhiệm cổ tích (mà nhìn lại đời
mình là một minh chứng).
Tôi đặc biệt yêu thích một câu thơ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du:
*Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dù không biết màu quan san là màu như thế nào!
Thu đến nhìn lá vàng rơi rụng, đọc bài thơ của các thi sĩ thế kỷ 20 khiến tôi càng mơ mộng hơn:
*Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!
(Gió Thu, Tản Đà)
*…Em không nghe rừng thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
(Tiếng Thu, Lưu Trọng Lư)
Hãy nghe thi sĩ Thâm Tâm tả nỗi lòng người cô lữ đơn độc giữa núi rừng gió trăng:
*Mây thu đầu núi, gió lên trăng
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm
Ly khách ven trời nghe muốn khóc
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm
(Tống Biệt Hành, Thâm Tâm)
Có
một bài thơ thất ngôn của thi sĩ Bích Khê 7 khổ toàn thanh bằng, đọc
lên tưởng như nghe âm thanh cung đàn chơi vơi, phiêu diêu vang vọng từ
cõi xa xăm nào, tôi nhớ hoài hai câu cuối:
*Ô hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông
(Tỳ Bà, Bích Khê)
Thi sĩ Bích Khê thấy mùa thu qua cây ngô đồng, còn thi sĩ Nguyễn Bính để lòng thổn thức theo chiếc lá bàng rơi:
*Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi
Hôm qua đã rụng một rồi…
…Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây!
(Chiếc Lá Cuối Cùng, Nguyễn Bính)
- Hãy lắng nghe Thiền sư Thích Tuệ Sỹ với Tống Biệt Hành– cùng tựa với bài thơ của thi sĩ Thâm Tâm trong bối cảnh mùa thu:
*…Tàn thu gối mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhoà
*Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhuỵ trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
(Tống Biệt Hành, Thiền sư Thích Tuệ Sỹ)
- Thi sĩ Nguyên Sa viết những bài thơ tình rất lãng mạn mà tôi chắc các học sinh không ai là không mê đắm. Cũng chính câu “ khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa” khiến
tôi yêu nắng thu, gió thu, mây thu, lá vàng lá đỏ thu điểm tô cảnh sắc
vườn Luxembourg. Có những đôi tình nhân nắm tay nhau trên lối đi đầy lá
khô vương vãi dưới hai hàng cây dọc bờ sông Seine (Pháp). Tình yêu thiên
nhiên lan sang bờ hồ Léman, hồ Lucerne (Thuỵ Sĩ) lộng lẫy biết bao
trong khung cảnh lãng mạn hồ nước trong xanh bao bọc bởi lâu đài, vườn
nho, đồi núi xa xa…
*Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
(Paris, Nguyên Sa)
2/
- Có hàng trăm bản nhạc hát về mùa thu, nếu tôi viết hết ra đây chắc phải quyển tập dầy nên chỉ kể một vài tiêu biểu.
*Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ…
…vài con chim non, chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly
(Giọt Mưa Thu, Đặng Thế Phong)
- Bài
hát nghe buồn não nuột da diết quá. Tương tự, không thể không nhắc đến
giọng ca tuyệt vời nữ ca sĩ Thái Thanh tả nỗi khắc khoải thương nhớ
người yêu trong:
*Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng…
…Đêm mùa thu chết, nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo, lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
(Buồn Tàn Thu, nhạc sĩ Văn Cao)
- Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh với điệu hát nhẹ nhàng nhưng khiến người nghe bâng khuâng vương vấn:
*Với bao tà áo xanh đây mùa thu
Hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ
Lá vàng từng cánh rơi từng cánh
Rơi xuống âm thầm trên đất xưa
(Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Đoàn Chuẩn& Từ Linh)
- Thi
sĩ Pháp G. Apollinaire viết Adieu (Vĩnh biệt) để khóc thương cho mối
tình đã mất của mình đối với một nữ gia sư người Anh, thi sĩ Bùi Giáng
dịch, nhạc sĩ Phạm Duy phổ lời thành mùa thu chết:
*J’ai cueilli ce brin de bruyere
L’automne est morte souviens-toi
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyere
Et souviens-toi que je t’attends
*Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không còn tương phùng nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó
(Bùi Giáng dịch)
*Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em
(Phạm Duy phổ nhạc)
Tôi đặc biệt thích mùa thu trong điệu nhạc valse của nhạc sĩ Cung Tiến và tango của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương:
*Chiều hôm qua lang thang trên đường
Hoàng hôn xuống, chiều thắm muôn phương
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng
Có mùa thu về, tơ vàng vương vương
(Thu Vàng, Cung Tiến)
*Màu chiều thu reo lá úa
Buồn se sắt nhớ thu xưa
Tôi biết em chiều gió mưa
Người đi về đâu ngàn lối
Màu hoa chiều thu úa phai
Xót xa cho lòng tê tái…
(Thu ca, Phạm Mạnh Cương)
- Một nhạc sĩ & sĩ quan VNCH Trường Sa có những bản nhạc rất trữ tình về mùa thu:
*Chiều mưa không có em, bờ đá công viên âm thầm
Chiều mưa không có em, giăng mắc mây không buồn trôi…
…Trời mùa thu lắm mây, còn bước em đi quên về
Vòng tay ôm lẻ loi, cho mình còn mãi thương nhau
(Mùa thu trong mưa, Trường Sa)
*Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng
Chiều đong đưa những bước chân đau mòn
Chợt nghe mùa thu bay trên trời không
Còn ai giữa mênh mông đời mình
Nỗi đau vùi lấp trên tuổi thơ
(Xin còn gọi tên nhau, Trường Sa)
- Với
nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên thì mùa thu là mùa của yêu đương, lạc quan hy
vọng dành cho đôi uyên ương mơ về ngày hạnh phúc bên nhau:
*Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương
Và em có nghe khi mùa thu tới
Mang ái ân mang tình yêu tới
Em có nghe, nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé…
….và em có mơ khi mùa thu tới
Hai chúng ta sẽ cùng chung lối
Em với anh mơ mùa thu ấy tình ta ngát hương
(Mùa thu cho em, Ngô Thuỵ Miên)
La Chaux-de-Fonds,
Thanh Hà