Khoảnh đất mà ngôi chùa tọa lạc thuở đầu, bề ngang 50 thước, dài 50 thước, tổng cộng khoảng 2500 thước tương đương hai công rưỡi, với thời gian cùng sức ép cư dân, đất chùa teo tóp dần còn lại khoảng chừng non hai công cho ba công trình: Sân trước, chùa và khu mộ phía sau chùa. Nằm bên trên bờ sông Long Hồ, giữa hai chiếc cầu là cầu Thiềng Đức và cầu Bạch Đằng, phía sau chùa giáp ranh phía sau nhà thờ họ đạo Thiềng Đức, hai ông này đâu lưng nhau, mặt xây hai hướng khác nhau, nhưng mục đích không khác nhau ...
Ngôi chùa nhìn từ phía ngoài đường Nguyễn Chí Thanh mà ngày xưa là đường Lê minh Thiệp, xa nữa là lộ làng, xa hơn nữa là đường thôn xóm vắng. Cách mặt đường khoảng gần hai mươi thước là ngôi chùa theo kiến trúc phái thiền thuộc Lâm Tế tông, từ ngoài nhìn vào không thấy được bên trong chánh điện, bức tường gạch gian chánh điện che kín liền lạc, muốn vào viếng chùa phải qua sân đất trống được lát đá xanh nguyên tảng, dài khoảng 1 thước rưỡi, ngang khoảng 3 tấc, dầy chừng 1 tấc rưỡi, đi gần chục tảng đá sấp xuôi là đến 5 bậc thềm, hai bên hông chánh điện gồm hai hành lang thường gọi, đông lang dành cho nam, bên trái hông chùa là tây lang dành cho nữ. Vào chánh điện phải đi hết hai hành lang tùy theo nam nữ, rẽ trái hay phải mới vào chánh điện được. Cuối đông lang là chiếc chuông công phu sáng sớm và chiều tối, cuối tây lang < dành cho nữ > an vị chiếc trống to, dùng trong dịp lễ, nhịp trống vào giữa thời kinh còn gọi < đánh trống bát nhã >, cửa vào chánh điện mở chính giữa, cách khung cửa khoảng hai thước là bức vách bằng cây che phía lưng tượng đức Thế Tôn, vào chánh điện cũng đi vòng theo nam nữ, mà vào hẳn bên trong hành lễ thì nam nữ đồng vị Trong chánh điện bện trái sát giữa tường có bộ lễ âm gồm một trống nhỏ, một cái giá treo chiếc chuông nhỏ đường kính khoảng 3 tấc, phía dưới chuông treo tấm cây bằng gỗ đen, còn gọi là bảng, để đánh trống có cặp dùi nhỏ, để đánh bảng cùng chuông dùng chiếc búa bằng cây, bộ lễ cụ này thường dùng trong công phu khuya gần sáng, phần này phải học nhuần nhuyễn mới đánh được, chỉ bởi một vị thầy.
Hồi xưa, tượng đức Bổn Sư ngồi trên nghi cao, mà người lớn đi dưới nghi không cần cuối đầu, tượng được dát vàng, theo thời gian mầu sậm lại trông cổ kính, nhìn kỷ chiếc miệng dường như cười, nên vừa từ ái lẫn nét hoan hỉ. Cách đây khoảng hơn 10 năm vị trụ trì già, có lẽ nghĩ để trang nghiêm tượng phải làm cho đẹp, nên ông sơn bên ngoài bằng sơn dầu với môi son mặt hồng phấn, y sơn nhủ vàng sáng sủa, còn chiếc đại hồng chụng theo thời gian đã đen mun, ông nhận thấy cần cho bóng mới đẹp, ông sơn dầu trong cho toàn chuông, và chuông bị điếc. Giữa chánh điện và tổ đường có khoảng đất trống bên dưới, cũng để trống luôn bện trên thường gọi là sân khấu, chẳng biết ngày xưa có phải dùng vào việc họp tăng chăng? Cũng xưa lắm trong khuôn viên nhỏ của sân khấu có một con quy khá lớn thường chậm chạp bò quanh sân nhỏ ẩm ướt, được cho ăn rau cải, thường là trái chuối xiêm, có lần < ông chín khùng> thân cao to mập ăn trầu liền miêng, trên tay luôn có cây gàu với đầu gàu là chiếc son sữa bò, dùng múc nước tưới cây dọc đường đi, tưới vài lon nước là xin tiền hoặc xin trầu ăn, ông vào chùa ngồi lên con quy, vị thầy trụ trì phải hô lên vài lần ông mới chịu đứng lên, cách đây vài chục năm không thấy con quy trong sân khấu, có lẽ đã tham gia buổi nhậu nào đó chăng?
Trước tổ đường, gần sát sân khấu có một nghi trên đó an vị tượng đang ngồi, mặt hướng về sân khấu sau chánh điện, tay tựa lên cán búa dùng cho tiều phu, được sơn son thếp vàng, vị này là lục tổ Huệ Năng khi còn là tiều phu danh xưng trong đại chúng là Ông Giám, tương truyền trong lịch sử thiền tông ngài là vị dốt đặc, dốt một cách bi tráng, ngài chỉ nghe âm hưởng tụng đọc của bộ kinh Kim Cương mà cảm ngộ. Phía sau lưng tượng, nghi giữa là tổ vị, hai bên là hai nghi thờ các vị có công đức với chùa.
Ngày xưa, sát vách ván của gian thờ tổ, mà đàng sau là nơi ngụ của vị hòa thượng, hai bên phía ngoài sát vách là hai phòng, bề ngang khoảng 2 thước rưỡi, sâu khoảng hơn bốn thước, cả hai phòng dành cho giáo thọ và yết ma, là hai chức vụ phụ hòa thượng điều hành mọi việc trong chùa. Trên nghi cao của tổ vị, góc trái có một xương đầu cọp, mà theo truyền miệng là của vị tu trì đầu tiên nơi cuộc đất này, ông ngụ nơi đây tịnh tu cùng với một con cọp, mà người xưa gọi là ông hổ tu theo thầy, sau đó vị sư này mất, con hổ cũng chết theo, mộ của con hổ nằm cuối dãy mộ, gần sát mương nước, thuở tôi còn nhỏ, thì núm mộ nhỏ đã lạng gần sát mặt đất, cách đó khoảng 5 thước là một buội trúc sát mương nhỏ, mương này thông ra cống chảy vào sông Long Hồ. Hiện nay xương đầu cọp cũng hô biến đâu mất tiêu, chắc là được vào nồi nấu cao du hí muôn phương rồi.
Thông thường gian thờ tổ thường xây dựng cao hơn chánh điện một chút, với ước mong hậu bối tấn phát hơn các vị tiên hiền. Bên phải chùa là gian nhà cất riêng biệt rộng, dùng tiếp đãi bá tánh trong những ngày rằm, ngày vía lớn, với hai dãy bàn dài cùng hai bộ ngựa bằng gổ khá to, phía trong cũng nằm bên phải của nhà khách là phòng dành cho khách tăng hoặc tăng nhân của chùa cư ngụ. Phía sau bên ngoài cùng là trù phòng, nơi nấu ăn cho tăng chúng, từ đây mở ra sân sau, nơi an nghĩ vĩnh hằng của hòa thượng, tăng nhân cùng bá tánh.
Vào khoảng năm 1956 bên trái phía ngoài sân trước chùa, chánh quyền có xây một giếng nước dùng bơm tay để đưa nước lên, người dân cũng ít dùng vì sát mé sông, theo thói quen dân cư là xách hay gánh nước từ mé sông lên, lóng phèn là dùng, không phải hì hục bơm, thời gian lâu lại phải chờ đợi, do vậy đám con trai trong xóm buổi xế chiều thường tụ tập kẻ bơn người bịt cho đến khi áp suất lớn, mới nhích khẻ tay ra cho nước văng tung tóe rồi cùng nhau đùa giỡn, hơn mười năm sau, chánh quyền đặt ống nước dẫn vào nhà dân, một trụ nước sạch công cộng đặt sát đường cách giếng nước cũ khoảng 5 thước, về phía cạnh đường đi, kể từ đó giếng bơm tay được gở bỏ.
Năm 1968 chiến tranh lan vào thành phố, gian nhà khách bị cháy và sập, chùa nghèo không xây dựng lại được, khoảng sau đó ít lâu, hai nhân sĩ địa phương phá bức tường phía trước chánh điện làm cửa mở thẳng ra phía lộ, cho sáng sủa mặt tiền chùa do vậy đức bổn sư không còn ngồi trên nghi cao nhìn tường mà ngó thẳng ra đường cho vui mắt. Đến đây chấm dấu hết nét xây độc đáo dành riêng cho ngôi cổ tự thuộc phái Lâm Tế tông ở địa phương.
Khi xưa chùa không có cổng, nay trước chùa là chiếc cổng tam quan bề thế, vị trụ trì hiện tại đã khởi công tu sửa và phát triển toàn bộ ngôi chùa đâu khoảng từ năm 2007 cho đến nay là năm 2015. Mặt sân trước được nâng lên cách nền chùa khoảng 2 tấc, do vậy khi vào chùa không còn phải lên năm cấp như xưa. Hai hành lang đông và tây được bỏ vách tường ngăn, nên bề ngang chánh điện được rộng thêm, nền lót gạch men theo hiện thời, chồng lên nền gạch tàu cũ, nơi nghi giữa, có thêm tượng đức Thích Ca cao to, tượng xưa cũng chính giữa nhưng thấp hơn, hai bên vách hông cũng nhiều nghi đặt tượng mà không biết tên vị nào, thành thử cũng không biết luôn thứ bậc “ chức vụ “, cho nên các vị thiện tín khi vái lạy có lẽ vái trổng rồi lạy mà thôi, phần này cũng dễ, thấy tượng phía trước có bát nhang thì cứ cuối lạy là trúng. Ngói nóc từ chánh điện cho đến tổ đường đã hư hỏng khá nhiều được đưa xuống thay gổ hỏng, rồi xấp nóc trở lại, do đó từ trên nhìn xuống vẫn y nguyên kết cấu của ngôi chùa cổ.
Theo cách bày trí ngày nay, thông thường trước chùa miếu thường có tượng đức Quán Thế Âm, thân nữ, ngài đứng, có lẽ tiện lợi cho người cầu nguyện khỏi phải vào chánh điện. Nơi sân khấu sau chánh điện, hiện thời là một ao sen vuông, chiếc cầu bắt bên trên dẫn lối đến một tượng Quán âm ngồi xem sách có lẽ được tạc từ đá cảm thạch trắng, tượng khá bề thế và đẹp. Bên trái khuôn viên sân khấu, một gian xây dành thờ riêng đức Quan Thánh Đế Quân, được biết tượng được tạc từ một gốc cây cổ thụ hàng trăm năm, thế ngồi cao to đen bóng khá uy nghi.
Bên phải là khuôn viên một trệt hai lầu, tầng trệt một tượng bằng cây to, ngồi trên tòa sen cũng là tượng đức quán thế âm, hai tầng trên sử dụng làm nơi đặt cốt cho bá tánh. Đứng trên bao lơn tầng cao có thể nhìn bao quát thành phố và một phần sông Tiền vĩnh long.
Dựa theo thông tin được cập nhật gần đây, Phật giáo Việt Nam đã phát triển từ lâu lắm, có lẽ từ trước công nguyên, bởi tại Bắc Ninh đã có trung tâm tu học phật tên gọi – Trung tâm Tuy Lâu – Tại nơi này, đôi vợ chồng người Ấn sang buôn bán, hạ sinh một người con trai, < khoảng giữa những năm 180- 190 > hai ông bà mất khi cậu con còn vị thành niên, vị này xin vào tu học nơi trung tâm Tuy Lâu, tỉnh Bắc Ninh, đó là thiền sư Khương Tăng Hội, tạm gọi là sơ tổ thiền tông Việt nam.
Vào khoảng giữa năm 500 thời Lý Nam Đế, Tì Ni Đa Lưu Chi đắc đạo với tam tổ Tăng Xán, đã sang Việt Nam truyền pháp.
Năm 826 nhánh thiền Vô Ngôn Thông vào tiếp
Năm 867 nhánh Chuyết Công Nguyên Thiều, thuộc dòng Lâm Tế.
Năm 949 nhánh Vô Ngôn Thông với tông phái Thảo Đường.
Cuối năm 800 đến đầu những năm 900 nhánh Tào Động Tông với phái Nhất Cú
Năm 1683, thiền sư Nguyên Thiều người Quảng đông, Trung Hoa, theo thuyền buôn vào Bình Định, góp nhặt gạch, đá của Thập Tháp xậy nên ngôi chùa Thập Tháp Di Đà hoàn thành năm 1683. Tính đến nay đã hơn 16 đời truyền thừa dòng Lâm Tế chánh tông nơi chùa Thập Tháp. Các đời kế tiếp xuôi về phương nam theo sự khuyến khích của chúa Nguyễn, riêng thời Tự Đức cho mở mang bờ cõi mạnh về phương nam, kèm theo đó là nơi nào có làng xã thì lập chùa, các sư, tăng, từ các chùa miền trung cũng được vua khuyến khích vào nam khoảng năm 1853. Chùa Long Thiền cũng được tạo dựng trong khoảng thời gian này.
Vị sư đầu tiên đến lập nơi thờ Phật và truyền bá là hòa thượng Thiện Sơn, ngài đến cùng với một con cọp, về sau ngài tịch con cọp cũng mất theo.
Vị kế tiếp là hòa thượng Tâm Hội, ngài vốn người Bình Định, họ Lại, sinh năm kỷ tỵ - 1869, là đệ tử chánh truyền dòng Lâm Tế, là tổ thứ 39 của chùa Thập Tháp Di Đà kế thừa và xây cất lại toàn bộ chùa Long Thiền. Trong thời gian hoằng hóa Phật Pháp, ngài lên vùng Châu Đốc mua gỗ súc kết thành bè, xuôi theo sông đưa bè gỗ đến bến an lành, trừ thời gian công phu khuya và sớm, suốt ngày trầm nơi bến sông lo việc cất chùa. Không rõ thời gian xây chùa trong bao năm mới hoàn thành, năm hoàn tất được ghi trên tấm hoành gian giữa chánh điện vào năm nhâm dần ( 1902 ). Hai vị thí chủ lớn của chùa là Đốc Phủ Bảo và bà Phủ Y “ Trương Thị Loan “, ngoài ra còn nhiều vị nữa được ghi trong bảng treo bên vách trong chánh điện của chùa. Như vậy hòa thượng Tâm Hội là sơ tổ chùa Long Thiền, thuộc hệ phái Lâm Tế chánh tông chùa Thập Tháp, ngài viên tịch ngày mùng 3 tháng 8 năm bính tý ( 1936 ), hưởng thọ 63 tuổi. Các đệ tử truyền thừa của ngài thuộc hàng chử Chơn, rất nhiều được phân ra các nơi trong miền nam, hai đệ tử còn lại gắn bó với chùa là, thầy Chơn Hòa và Chơn Nguyện, thầy Chơn Nguyện yết ma kế thừa chùa Long Thiền.
Khoảng thập niên 70 thầy Yết Ma già yếu, thầy Thiện Tâm kế thừa, Thiện Tâm là pháp hiệu, pháp danh là Từ Khai do sư bác là thầy Chơn Hòa đặt trong lễ xuất gia tại chùa Hội Phước nơi An Hửu, thuộc tỉnh Định Tường, cách bắc Mỹ Thuận khoảng 10 cây số, sau đó ông theo học tốt nghiệp cao trung Phật học, cư ngụ nhiều chùa tại Sài Gòn, sau cùng về chùa Long Thiền
Giữa năm 1985 Thiện Tâm mời thầy Minh Thanh, đang trụ trì chùa Bảo An, tỉnh Cần Thơ, về chăm sóc chùa, có lẽ do duyên tu của Thiện Tâm đã mãn. Thầy Minh Thanh trụ trì hơn năm năm, rồi cũng rời chùa.
Nhận thấy ngôi tam bảo không thầy chăm sóc, chánh quyền phường 5 mời vị cư sĩ tu tại gia là ông ba Bê, người địa phương đến trông nom hương khói, pháp danh Minh Pháp, ông trở thành trụ trì chùa trong nhiều năm sau đó, vào thuở chính thức nhận chùa, ông cũng đã cao niên lắm, sức yếu, phải nhờ đến một vị thượng tọa phụ việc trong chùa, thầy Phước Quang, vốn là thầy trẻ, có học lại giao tiếp rộng, được các vị thí chủ ủng hộ, trong số đó có vị đại thí chủ là cô Diệu Mãn gần như lo toàn bộ từ xây dựng cho đến an vị các tượng thờ. Chùa Long Thiền có thể được xem như đổi mới toàn bộ, khi viếng khách có cảm giác tôn kính trước cảnh uy nghiêm rạng rỡ của ngôi chánh điện.
Từ năm 1902 trở về sau là cảnh hưng thịnh của chùa, với đầy đủ lễ nghi theo phong thái tông Lâm Tế, nhưng mang đậm nét tịnh độ của dân tộc Việt nam. Đó là thời của sơ tổ Hòa Thượng Tâm Hội, sau khi ngài tịch, chùa suy hoại từ từ, mãi đến thời thầy Minh Thanh, rồi sư ông Minh Pháp, chùa không còn suy trầm, song chưa phát triển được. Nay đến thời thầy Phước Quang chùa khởi sắc trở lại với nhiều hoạt động Phật sự, đáng lưu ý nhất là rất nhiều tượng được thay đổi mang về thờ trong điện với nhiều tên rất lạ hơi hướng giống tên các tiên thánh bên Tàu. Ngày thường rất ít người viếng, chỉ ngày lễ tết cùng ba rằm lớn là mở rộng cửa cho dân chúng vào lễ lạy.
Đáng lẽ tôi có nhiều ảnh của chùa Long Thiền, song không thể vào chùa ghi hình được bởi năm 2012 Nhâm thìn, ngày mồng một theo lệ gia đình, tôi cùng con cháu vào viếng chùa chụp vài ảnh con cháu lễ kính, tôi vai đeo máy ảnh, con Bé Ky xuống xe vào trước, tôi định xuống xe vào chùa theo sau cháu, chợt có tiếng nói từ máy phóng thanh của nhà chùa vọng ra, không cho chụp hình, tôi ở ngoài xe chờ cháu lễ xong, đến viếng chùa ông, rồi thiền viện Sơn Thắng, kế đó mới lên nhà mừng tuổi má tôi ở cầu Huyền báo.
Đó là nguyên do tôi không có nhiều hình về chùa Long Thiền ở gần nhà tôi, nơi ngày xưa tôi tới lui thường xuyên như ở nhà vậy.
Trương văn Phú