Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

Giọng Hát Năm Xưa - Sáng Tác Hoàng Anh Tuấn - Nhạc Nguyễn Đức Nam


Sáng Tác: Lời Hoàng Anh Tuấn
Nhạc Nguyễn Đức Nam
Tiếng Hát: Hoàng Cung FA
Thực Hiện: Đặng Hùng

Hoa Chùm Gởi


(Ảnh: Huỳnh Phương Trạch)

Con kinh vắng bóng thuyền tàu
Chung quanh chùm gởi bám vào nhánh cây
Cỏ xanh dày đặc bao vây
Đường đi vắng vẻ nơi đây rất buồn
Niềm riêng sâu kín trào tuôn
Ngày đông lạnh lẽo cuốn cuồng bước chân
Nhìn hoa rồi lại tủi thân
Khác nào chùm gởi sau lần xa quê

Huỳnh Phương Trạch


Gửi Tình Qua Email


(Cảm hứng sau khi nghe bài hát
“I’ve got a friend” của Carole King)

Hôm nay khi mở hộp email
Vườn lòng như có tiếng chim reo
Tôi vẫn còn đây một người bạn
Thấy đời khoan khoái biết bao nhiêu!

Email còn qúy gấp mấy hoa
Hàng hàng châu ngọc cứ hiện ra
Không lời mà nghe sao diù dặt
Như rót vào tai tiếng thiết tha...

Có email biết còn có bạn
Thêm email thêm rộng tình bằng
Dù email bất đồng ý kiến
Vẫn nhủ lòng “ Có vẫn hơn không.”

Có nhau sớm tối cùng chia sẻ
Nỗi niềm cay đắng lẫn buồn vui
Forward / reply tôi đều khoái
Múa may gõ máy sướng cả tay!

Tôi mong nhận được email mãi
Của người xa lạ lẫn thân thương
Dù tình chỉ gửi trên các mạng
Ý tại ngôn ngoại...mãi còn vương

Hoàng Xuân Thảo


Tiết Phụ Ngâm 節婦吟 - Trương Tịch

 

Nguyên tác          Dịch âm
節婦吟                 Tiết Phụ Ngâm

君知妾有夫         Quân tri thiếp hữu phu,
贈妾雙明珠         Tặng thiếp song minh châu.
感君纏綿意         Cảm quân triền miên ý,
繫在紅羅襦         Hệ tại hồng la nhu.
妾家高樓連苑起 Thiếp gia cao lâu liên uyển khởi,
良人執戟明光裡 Lương nhân chấp kích Minh Quang lý.
知君用心如日月 Tri quân dụng tâm như nhật nguyệt,
事夫誓擬同生死 Sự phụ thệ nghĩ đồng sinh tử.
還君明珠雙淚垂 Hoàn quân minh châu song lệ thùy,
恨不相逢未嫁時 Hận bất tương phùng vị giá thì.

Trương Tịch
***
Dịch nghĩa:

Khúc Ngâm Vợ Hiền

Chàng biết thiếp đã có chồng
Tặng thiếp đôi hạt châu sáng
Cảm động trước tình đeo đẳng của chàng
Thiếp buộc vào áo lụa hồng
Nhà thiếp có lầu cao bên vườn hoa
Chồng thiếp cầm kích túc trực trong điện Minh Quang
Vẫn biết lòng chàng trong sáng như mặt trời, mặt trăng
(Nhưng) thiếp đã thề cùng sống chết với chồng
Trả lại chàng hạt châu trong sáng, hai hàng nước mắt ròng ròng
Ân hận rằng không thể gặp nhau lúc chưa chồng.

Chú giải:
Sách Dung Trai tam bút chép rằng: Trương Tịch làm việc tại mạc phủ, viên soái đất Vận là Lý Sư Cổ cho người mang lễ vật đến mời ông tới giúp việc. Ông khước từ và làm bài Tiết phụ ngâm gửi lại.
Lương: Hiền lành. Lương nhân: Chồng. Uyển: Vườn hoa. Minh Quang: Một điện trong hoàng cung triều Hán.

Dịch thơ
Khúc Ngâm Vợ Hiền

Chàng tặng thiếp có chồng,
Đôi minh châu sáng trong.
Cảm ơn chàng hào hiệp,
Thiếp cài áo lụa hồng.
Nhà thiếp lầu cao vườn hoa đẹp,
Lang quân đứng gác điện Minh Quang.
Vẫn biết lòng chàng như nhật nguyệt,
Vợ chồng sống chết phải rõ ràng.
Hận không gặp chàng thời trinh tiết,
Gạt lệ minh châu trả lại chàng.

Con Cò
***
Dịch Thơ: 
Ngâm thơ Tiết Phụ

Chàng biết rằng em đã có chồng
Nặng tình chàng tặng ngọc xanh trong
Lòng ai đoái nghĩ em trân trọng
Ngọc cất nâng niu dưới yếm hồng
Nhà ở lầu cao trong ngự uyển
Chồng em làm tướng nơi sân rồng
Lòng chàng chân thật xin ghi nhớ
Nhưng phận gái đây chỉ một (chồng) lòng
Hoàn lại minh châu mắt ướt lệ
Vì sao chẳng gặp ngày còn không.

Ghi Chú:
Người đàn bà đã có chồng rồi nhưng có người thương yêu, tặng cho hai hạt châu. Bà rất cảm động tình yêu được dành cho mình nhưng chỉ biết giữ kín trong lòng (hồng: màu đỏ, la: tơ mỏng, may thành áo, nhu: áo lót, yếm). Nhưng vì tiết nghĩa với chồng, đã cùng thề sống chết bên nhau nên bà phải tuôn nước mắt (lệ thùy) mà hoàn trả lại hai hạt minh châu; với lý do sao không gặp trước khi có chồng.
Trương Tịch thi vị hóa hoàn cảnh của mình trong việc ông từ chối không nhận lễ vật, không làm tôi cho Lý Sư Cổ vì ông không thể thờ hai chúa, giống như nết na của một người phụ nữ đã có chồng, không thể lấy thêm người chồng thứ hai.
***
Muộn Màng

Sao biết em có chồng
Còn tặng đôi minh châu?
Tình chàng, em cảm động
Áo lụa hồng buộc sâu
Nhà em lầu cao bên vườn hoa
Chồng em cầm kích đền Minh Quang
Lòng chàng sáng trời trăng chiếu tỏa
Em cùng chồng đã lỡ sang ngang
Đành thổn thức trao hoàn ngọc báu
Tiếc rằng chừ muộn mới gặp nhau

Hoàng-Tâm
***
Tiết Phụ Ngâm

Chàng biết thiếp có chồng
Cặp minh châu trải lòng
Cảm ơn tình lưu luyến
Cài trong áo lụa hồng
Nhà thiếp lầu cao liền thượng uyển
Lang quân canh gác Minh Quang điện
Biết chàng tâm sáng như nhật nguyệt
Thờ chồng thề quyết cùng sống chết
Trả chàng ngọc sáng lệ hai dòng
Hận không gặp gỡ lúc còn không!

Lộc Bắc
***
Tiết Phụ Ngâm

Em đây là gái có chồng
Như gông kìm cổ! Chim lồng giam thân!
Như ván đóng thuyền xong phần
Thân này đâu có hai lần trao duyên
Em nay là gái thuyền quyên
Cặp ngọc chàng tặng nào quyền kề môi
Thân này ví xẻ làm đôi
Mỗi người một nửa, đền bồi tình thâm

Đồ Cóc

Chinh Phụ Vọng Phu



Trên đắp chăn bông dưới đệm bông
Bỗng đêm thức dậy nhớ thương chồng
Trông thường thấy ảnh người đâu vắng
Văng đấu đông sầu gặt gió đông
Đống gió dóm lửa để mong chồng
Trông mòng mãi mãi người chưa đến
Đến chửa cho xong một mảnh đồng

Đến chửa cho xong một mảnh đồng
Động mành gió thổi chốn thư phòng
Phong từ, gạt lệ, đưa thư gửi
Gợi thử xem tình có nhớ không?

Gợi thử xem tình có nhớ không?
Không nhơ, không nhuốc, lúc xa chồng
Trông sà, khớp cửa, lòng ai quản
Quan ải đường xa có nhớ không?

Hữu Nguyễn

Mùa Thu Còn Đó

 

Tôi không biết Đỗ Phủ viết bao nhiêu  bài “ Tuyệt cú “. Tôi chỉ biết bài “ Tuyệt cú thứ ba “:

Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu
Nhất hàng bạch lộ thưởng thanh thiên
Song hàm Tây lĩnh thiên thu tuyết
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền

Biết , qua bản dịch của cụ Tản Đà:

Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc
Một hàng cò trắng vút trời xanh
Nghìn năm tuyết núi in song sắc
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình

Từ đó , mới nhớ mấy câu Kiều tả cảnh rạng đông: chim oanh hót, gió thổi hoa bay bay: “ Ngoài song thỏ thẻ oanh vàng / Nách tường bông liễu bay sang láng giềng / Hiên tà bóng gác nghiêng nghiêng .. “ (Lê văn Hòe) .

Ở Việt Nam , tôi chưa bao giờ thấy chim oanh , ngoài đời cũng như trong sách, cũng không biết “ giọng oanh vàng “  ra sao . Chỉ biết có giọng Bắc kỳ và Nam kỳ. Bắc kỳ êm như nhung, du dương trầm bổng . Nam kỳ ngọt như mía lùi, càng nghe càng muốn … gậm (? ) .

Oanh vàng, miền Nam mình ( VNCH ) gọi là Hoàng Oanh (như nữ ca sĩ Hoàng Oanh) hay Hoàng Anh . Sau 75, mới biết văn hóa “ kách -mạng “ gọi là  Vàng Anh ( như máy bay “ lên-thẳng “ !). Tây gọi chim oanh là "loriot". Lần đầu tôi thấy loriot là trong .. . sở thú Pháp, cách đây trên 30 năm! Và nghe cả tiếng nó hót! Thú thật tôi không phân biệt được tiếng hót giữa chim oanh và các loài chim khác. Nhưng tiếng hát Oanh Vàng thì tôi đã nghe và yêu mến. Đó là tiếng hát chị Lệ Thu. Oanh là tên thật của ca sĩ, “ vàng “ là chữ của thi sĩ Nguyên Sa dùng khi viết về chị.

Trong tác phẩm “ Nghệ Sĩ Việt Nam Ở Hải Ngoại / tập 1“ ( Đời / 1993 ), ông Nguyên Sa bắt đầu bằng một giọng hát mà ông gọi “ là một giọng hát bằng vàng “ : giọng hát của Lệ Thu. Nguyên Sa viết “ Vào thời điểm hệ thống tiền tệ thế giới còn chọn vàng làm kim bản vị. Và , vàng trong tiếng hát Lệ Thu , mang đầy đủ những ý nghĩa khác biêt của từ ngữ , tinh thần và vât chất. Tiếng hát Lệ Thu được lắng nghe yêu mến, trân quý. Giọng hát của Lệ Thu đắt giá , những ông bầu, bà bầu muốn cầm giữ lấy một thời gian, phải bỏ ra thật nhiều vàng “ . Để dẫn chứng, Nguyên Sa cho biết : năm 1969, Lệ Thu ký giao kèo hát cho phòng trà Ritz của Jo Marcel một năm: 200.000 đồng / tháng. Đó là tiền “ nóng “ . Cộng thêm 20% trên số thu tổng quát của Jo. Thí dụ , nếu anh Jo thu vào 500.000 thì Lệ Thu lấy 100.000, thu 50.000 thì Lệ Thu lấy 10.000. Ca sĩ kể lại thi sĩ nghe là  trung bình mỗi tháng, ca sĩ thu về khoảng 500 ngàn ( 200 tiền nóng + 300 tiền chia ). Lúc đó , lương trung bình của một công chức là 12 ngàn / tháng Thấy Lệ Thu lên vùn vụt, 1970, ông Cường Tự Do mời Lệ Thu về hát cho vũ trường mình. Ký giao kèo xong là tặng ca sĩ 2 triệu “ Welcome". Mỗi tháng lãnh “ khoán “ 1 triệu !!! Ở hải ngoại, một ít lâu  sau khi đặt chân lên Hoa Kỳ (1980?), Lệ Thu đã được mời đi trình diễn cho đồng bào tị nạn nghe. Tôi không nhớ rõ đã đọc ở đâu (dường như trong Tiền Phong của ông Nguyễn thanh Hoàng), ký giả cho biết:  trong khi thù lao của các ca sĩ khác , ngay cả Khánh Ly , chỉ là vài trăm, thì Lệ Thu lãnh 1000 đô / show ! Khi anh ký giả hỏi “ sao lấy đắt quá vậy ? “ thì Lệ Thu cười khanh khách nói đùa: “ mùa thu đã chết / cho … chết luôn“!
Đó là tiếng hát đúng nghĩa "Oanh- vàng".

Lệ Thu ra đi chiều 15/1 ( giờ địa phương ). Ngay sau đó, nhiều người đã viết về chị. Về kỷ niệm, về tiếng hát.
Theo một bài viết trên mạng thì Lệ Thu bắt đầu nghiệp dĩ bằng những ca khúc Pháp. Tôi chưa bao giờ nghe chị Lệ Thu hát nhạc ngoại quốc nhưng nghĩ chúng không phải là những ca khúc nhí nhảnh, “choai choai” của những Vartan, Sheil .. cùng thế hệ. Bởi vì chúng không hợp với giọng hát lẫn phong cách trình diễn của chị.
 
Nói đến một giọng ca ấm áp , người ta nghĩ ngay đến một nam ca sĩ . Như Anh Ngọc , Sĩ Phú , Vũ Khanh …vv  Với tôi , Lệ Thu là nữ ca sĩ duy nhất có một giọng ca vừa trầm ấm lại vừa cao vút . Một tiếng hát mạnh và “ tròn “.

Khác với môt số đồng nghiệp mà tên tuổi gắn liền với người sáng tác : Khánh Ly – Trịnh Công Sơn; Thái Thanh – Phạm Duy; Hà Thanh – Nguyễn Văn Đông; Lê Uyên & Phương; Diễm Chi – Nguyễn đức Quang; Thanh Lan – Nhật Trường ; Thái Hiền – Phạm Duy vv... tiếng hát của Lệ Thu không “ dành riêng “ cho một nhạc sĩ nào. Mà là cho một thể điệu: nhạc “chậm“, đa phần là Slow (Rock) . Có lẽ vì không có dịp nhưng tôi chưa bao giờ nghe chị Lệ Thu hát một ca khúc vui hay, ít nhất, cũng một bolero mùi! Có phải vì khi chị vào đời, đã bằng những giọt lệ? Đen tình, đỏ nhạc. Trong tình yêu chị không may mắn nhưng trong âm nhạc Trời đã cho chị rất nhiều: danh vọng và sự nghiệp. Dường như Lệ Thu là một trong những nữ ca sĩ có nguồn thu nhập cao nhất trước 75.

Thú thật là lúc đầu tôi không có thiện cảm với những văn nghệ sĩ “bỏ đi rồi lại quay về “ trình diễn, phổ biến tác phẩm ở Việt Nam!
Nhưng suy đi, nghĩ lại thì tôi “thông cảm“ với họ. Sang đây, trừ một ít người có nghề nghiệp, việc làm vững chải (ca sĩ Mai Hương làm ở Ngân Hàng, nhà văn Võ Phiến là công chức … ) còn thì đa số “ vừa làm vừa hát ", “ vừa làm vừa viết “. Hát vì yêu nghề mà hát cũng vì để kiếm thêm thu nhập!

Bỏ qua chuyện “thu nhập“, có người ca sĩ ( nổi tiếng ) nào mà không thích được hát trước công chúng? Không thích được nghe những tràng pháo tay nồng nhiệt ? Không phải vì thích được khen. Mà thích vì đã làm vui lòng người! Mà thích vì … như vậy. Có những cái thích không thể nào giải thích được!

Và tôi nghĩ thêm nếu tôi còn kẹt lại bên nhà, tôi cũng rất thèm được nghe lại những tiếng hát xưa, những bài hát cũ, dẫu rằng, theo với thời gian, họ sẽ không còn hát được như xư . Điều đó không quan trọng  cái chánh là họ đưa tôi trở về “ một thời đã yêu là một thời đã chết (!) “, trước 30/4/75 ! Sau 75 âm nhạc, nghệ thuật không còn ở miền Nam!

Nghệ sĩ là những người …lạ lắm! Phải “ sống”  như họ một lần thì mới thông cảm cho cái sự cần “ khán giả” của họ. Phải một lần đứng trên cao, nhìn xuống đám đông trước mặt, nghe được sự ” im lặng (thưởng thức) “ trong một không gian kín người. Phải một lần, một mình “ trên cao “ mà không thấy nhỏ nhoi, mà không thấy sợ hãi, bởi vì trước mặt mình là những người thân … thiết với mình, đang chờ nghe mình hát . Thế thôi . Chuyện nhận hoa , chụp hình, bán ..CD , xin chữ ký tính sau! Mà những chuyện đó, ở hải ngoại này, ngày càng thưa, ngày càng vắng . Như số khán giả yêu nhạc Việt Nam!

Vâng , tôi  “ thông cảm “ nhưng nếu tôi là h , tôi sẽ không về hát ở Việt Nam, mậc dầu tôi nhớ vô cùng khán giả của tôi , mặc dầu tôi muốn hát cho họ nghe , mặc dầu tôi sẽ có một số thu nhập đáng kể . Vỏn vẹn vì tôi không muốn xin phép ai để hát, không muốn hát những ca khúc đặt hàng của các bầu show! Phải chi ai cũng có được tư cách như ca sĩ Trần thái Hòa!

Tuy “ thông cảm “ nhưng tôi hoàn toàn chống, chống những nghệ sĩ về tuyên bố " lăng nhăng ", mất tư cách . Như môt ông nhạc sĩ già . Như một anh ca sĩ lính chê ! Hay như giám khảo “ yêu em dài lâu “ tuyên bố những câu vô ơn với khán giả hải ngoại . Như danh ca chân đất từ Mỹ bay về … Hà Nội hát “ cháy vé “ , rồi vào Sài Gòn làm màn trình diễn cải lương : đổ chai cognac quanh mộ “ một nửa của mình “!!!

Chị Lệ Thu trở về Việt Nam hát từ bao giờ  tôi không biết. Chị có “ kỳ cục “ như những nghệ sĩ nói trên không, tôi cũng không biết. Nhưng tôi hy vọng là không. Nếu có thì bạn ta đã chuyển cho tôi xem rồi.

Trong 60 năm âm nhạc, chị Lệ Thu hát không biết bao nhiêu bài nhưng nói đến chị là tôi nghĩ ngay đến “ Tứ Bảo Lệ Thu “: 4 ca khúc mà tôi yêu nhất:

Xin còn gọi tên nhau ( nghe nói anh Trường Sa viết bài này khi một đêm ngang qua Tự Do nghe tiếng người ca sĩ vọng ra từ cửa sổ vũ trường?) 

Nước Mắt Mùa Thu (Phạm Duy) 

Người Tình Không Chân Dung (Hoàng Trọng)

Thu Hát Cho Người (Vũ Đức Sao Biển)  

Khi Phạm Duy cho ra đời “ Mùa Thu Chết “,nhạc sĩ Châu Kỳ không đồng ý. Và ông đã trả lời bằng “Mùa thu còn đó“ kết thúc bằng những câu:

Xin đừng nói / xin đừng nói  thu chết rồi
Không, thu vẫn sống, em vẫn sống, sống đời đời …”

Vâng, Thu không bao giờ chết.
Như lệ người vẫn với thu mưa.
Vĩnh biệt chị, Lệ Thu!
 
BP
18/01/2021
 

Vũ Điệu Cuối Cùng

 

Dựa theo lời nhạc của bài Careless Whisper

Anh nắm tay em, dìu em ra sàn nhẩy
Nhạc quá lớn, lòng anh buồn biết mấy
Tâm không an nên mấy lần trật nhịp
Bản nhạc buồn, muốn khóc, thấy bi ai

Em trong tay đã sợ phải chia tay
Chân tội lỗi làm sao mà nhẩy nỗi?
Cố giả vờ dù lòng đang bối rối
Xin tha thứ, anh biết mình có lỗi

Cơ hội đến, anh vụng về đánh mất
Có được em còn có thêm người ta
Em bỏ đi, ôi buồn dâng chất ngất
Mất em rồi, đâu nào dám kêu ca

Em đi rồi, anh nhẩy với ai đây?
Nhạc đam mê, người chung quanh đầy dẫy
Anh cô đơn, khổ sở, buồn quá đấy
Đời không em, thế giới quá hao gầy!

Mình có thể là cặp đôi lý tưởng
Cặp tình nhân yêu nhau, hiểu và thương
Vui biết bao, nhẩy đầm suốt đêm trường
Tình mình đẹp hơn chúng ta mường tưởng

Anh tội lỗi, anh là người phản bội
Em bỏ đi là việc quá đúng rồi...
Hãy tiếp tục tàn nhẫn, dấu yêu ơi!
Biết mình sai nên anh buồn quá đỗi

Cứ trách anh, tim cứ lạnh, hững hờ!
Không xứng đáng với tình em đâu bé
Một mình anh cô đơn, quạnh quẻ
Sự thật quá phủ phàng, bỡ ngỡ, bơ vơ…


Quách Như Nguyệt
March 17, 2021


Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Giọng Ca Dĩ Vãng - Sáng Tác: Bảo Thu - Trình Bày: Kim Dung


Nhạc Sĩ: Bảo Thu
Trình Bày: Kim Dung Music 
Music: One man band Tài Vũ 
Thực Hiện: HN Creative Memories

Có Đôi Lúc Anh Cúi Đầu Xin Lỗi


Có đôi lúc anh cúi đầu xin lỗi
Những con đường hun hút gió heo may
Giấu trong tóc chút hương mùa lá cũ
Dọc ven bờ con nước mặn rừng cây

Bao nhiêu năm anh chưa lần trở lại
Con ngõ thời hoa giấy thắm bàn tay
Như đôi mắt biết bao lần tự hỏi
Thời gian nào cuốn nỗi nhớ nguôi ngoai...

Có đôi lúc anh cúi đầu xin lỗi
Bờ môi xưa theo năm tháng phai mờ
Đêm trở giấc đã bao giờ tiếc nuối
Hạnh phúc đời đâu phải một lần trao?

Em nơi ấy chắc chẳng còn mắt đợi
Một đời yên theo sớm nắng mưa chiều
Ngày nối tiếp nghiêng bờ vai con gái
Cuộc vuông tròn xin giữ vạn niềm vui

Có đôi lúc anh cúi đầu xin lỗi
Vẫn biết lời thừa thãi chẳng ngừng đây
Nên em hỡi đừng cố tìm trong gió
Mùi hơi người năm đó đã tàn phai

Nếu gặp lại xin mắt thôi hờ hững
Bởi vòng đời không ấm những vòng môi
Hãy cúi mặt chào nhau như thể đã
Cố nhân hề, thôi ngỡ cố nhân ơi..!

Durham, North Carolina

Người Chợ Vãng

Thương Phận Má Hồng



Lạy biệt mẹ cha con theo chồng
Hoang mang lo lắng sóng dâng lòng
Chấp nhận theo người về xứ lạ
An lành hạnh phúc ... con hằng mong

Buồn nào hơn nghịch cảnh cô phòng
Bến lạ người thân là nhà chồng
Biền biệt quê hương xa dịu viễn
Buồn vui tự biết ... giữ riêng lòng !

Thương cảm làm sao phận má hồng
Người tràn hạnh phúc kẻ long đong
Làm cò lặn lội nuôi con dại
Hay đời vương giả vợ phú gia

Có người rơi nhầm tay vũ phu
Ê chề câm nín sống như tù
Thương con vô tội đành nhẫn nhịn
Năm dài tháng rộng tủi phận mình

Xiết bao cô phụ dỡ dang tình
Đang vui hạnh phúc khóc tử sinh
Nữa đường gẫy gánh chia hai lối
Âm dương trời định lệ phân kỳ

Bao nhiêu cô gái độ xuân thì
Bởi số nghèo chấp nhận vu quy
Nhắm mắt đưa chân theo phần số
Bèo dạt mây trôi nuôi mộng lòng

Đã sinh ra làm phận má hồng
Cha mẹ cưng chiều luôn ước mong
Xuất giá bên chồng con hạnh phúc
Nhưng ai bảo đảm bến đục trong!

Trúc Lan KTP
04/21

Vườn Thu - Tình Thu

( Ảnh: Kim Phượng)

Bài Xướng;

Vườn Thu

Vườn nhà ai thật đẹp
Để nao lòng trải thu
Gió vô tình mở, khép
Để lá vàng phiêu du

dovaden2010
***
Bài Họa:

nh Thu

Mượt mà mùa lá đẹp
Tô thắm sắc tình thu
Khung cửa ngoài hờ khép
Mong chờ khách viễn du


Kim Oanh
 

Nhờ Bị Thất Tình Mà Anh Phó Tỉnh Trưởng Trở Thành Nhà Thơ

Nguyễn Tấn Phát và Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho

  1. Mở bài


Nhờ bị thất tình, anh Phó tỉnh trở thành nhà thơ. Nhà thơ Nguyên Trần, Nguyễn Tấn Phát.

Trên danh nghĩa thì anh chỉ dưới một người mà trên vạn người. Anh là người có quyền lực thứ hai trong tỉnh. Về hệ thống ngang thì các ty sở chuyên môn trong khu vực đều trực thuộc tòa tỉnh.

Các trưởng ty như: Tiểu học, Y tế, Công chánh, Kiến thiết, Cảnh sát, Thông tin, Thanh niên, Ngân khố, Bưu điện, Khí tượng…đều phải nể anh ba phần.

Anh là một thanh niên đẹp trai, nghề nghiệp vững chắc, địa vị được mọi người mong muốn có. Anh hô lên một tiếng thì có nhiều thiếu nữ tình nguyện nâng khăn sửa túi cho anh. Thế nhưng con tim tật nguyền, rướm máu không còn chỗ nào cho một giai nhân cả.

Anh phó được xem như “Đệ nhất thất tình” trong “nhóm đệ nhất” của  “Cửu nhân bang”, cựu học sinh Nguyễn Đình Chiểu-Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.

Những tâm trạng của con tim rỉ máu được thể hiện qua những “con chữ” có vần điệu, thành một bài thơ.

Anh tâm sự:


“Tình yêu không đẹp như mơ ước

Đành gởi điệu buồn lên ý thơ”


Trong bài họa “Nhớ bạn thơ” của nhà thơ Đức Hạnh, Nguyên Trần phụng họa với bài thơ “Say mê” có câu:


“Say tình nên tập tễnh làm thơ

Say nét hương yêu chẳng xóa mờ” (Nguyên Trần)


Tóm lại, nhờ bị thất tình mà anh Phó tỉnh đã có hàng trăm bài thơ với hàng chục bút hiệu khác nhau, lời thơ chan chứa tình cảm của một người chung thủy với hình bóng của một người dưng.


  1. Thơ thất tình của Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát


Chuyện tình bắt đầu từ khi:


“Ngày xưa anh đã trồng cây si

Trước cửa nhà em chẳng hạn kỳ”


Thế rồi:

Đêm nay có kẻ đội mưa

Khóc câu định mệnh chẳng chừa một ai.


Với em dù lắm chua cay

Tình yêu trước gió càng lay càng bền.


Mây suốt đời chung tình với gió

Tôi suốt đời chỉ có mình em.


Trái tim còn chút lửa hồng 

Cũng xin ơn cảm mênh mông tặng người.


Ai bảo yêu là đau khổ

Xin một đời đau khổ để yêu nhau.


Tình Tuyệt Vọng


Lòng ta chôn một khối tình,
Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.
Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu,
Mà người gieo thảm như hầu không hay.
(Arvers Sonnet d'Arvers
Khái Hưng dịch)


  1. Không thể quên hình bóng cũ


Nguyên Trần không thể quên hình bóng cũ nên thơ anh luôn nhớ về dĩ vãng. Quá khứ luôn sống lại trong lòng vì trong đó có hình bóng của người thiếu nữ mà anh yêu.


Tình Phai


Tình ta đang độ thắm duyên nồng

Bỗng một chiều tàn Thu chớm Đông

Ai bỏ ra đi ai ngóng đợi

Kẻ còn ở lại kẻ chờ trông

Khói sương lãng đãng mờ chân núi

Hương sắc mơn man khuất nẻo sông

Từng mảnh đời chôn trong dĩ vãng

Bóng hình người cũ có còn không?

(Nguyên Trần. Toronto 15-7-2019)


Những từ ngữ hướng về quá khứ như :”Từng mảnh đời chôn trong dĩ vãng”, “hình bóng cũ” thuộc về quá khứ. Quá khứ ấy thế nào?-Ai bỏ ra đi, ai ở lại, ngóng đợi, trông chờ. Tóm lại dĩ vãng không có gì vui cả, không có sum họp, mà chỉ xa cách để ngóng đợi, trông chờ.


Bâng Khuâng


Một mảnh trời buồn trong mắt ta

Bóng hình người cũ khó phai nhòa

Cuộc tình thuở ấy còn tay với

Duyên kiếp ngày nay phải cách xa

Thề hẹn vấn vương theo điệu nhạc

Dư hương cô đọng với câu ca

Yêu đương dang dở trong băng giá

Én chở đau thương tới cửa nhà.

(Nguyên Trần. Toronto 11-8-2019)


Trong bài họa “Tan tác” ngày 19-11-2018 có những câu lột tả sự đau buồn của người thua cuộc trên tình trường:


Ngậm ngùi nhớ lại chuyện xưa

Đau đớn thẫn thờ phút tiễn đưa

Lá hoa lạnh lẽo buồn không thắm

Ong bướm ngẩn ngơ xót chẳng đùa

Anh đã vì em mà thệ nguyện

Cả đời sẽ mãi là người thua.


Trong bài “Bâng khuâng” làm tại Toronto ngày 11-8-2019 có những câu nêu bật nỗi buồn của nhà thơ với một hình bóng cũ. Cả một trời buồn đổ ập xuống tâm trạng của Nguyên Trần.


Một mảnh trời buồn trong mắt ta

Bóng hình người cũ khó phai nhòa

Yêu đương dang dở trong băng giá

Én chở đau thương tới cửa nhà.


Chim én tượng trưng cho mùa Xuân (Một con én không thể làm nên mùa Xuân). Mùa Xuân là những ngày tháng tươi đẹp nhất trong năm.

Mùa Xuân của đất trời là hiện tượng tuần hoàn không thay đổi. Xuân về, Tết đến, vạn vật sống lại sau những ngày Đông giá rét, tàn tạ.

Mùa Xuân mang vui tươi đến cho mọi người. Đón Xuân, mừng Xuân vui Xuân…Hoa lá nở rộ khoe sắc thắm, ong bướm đưa nhau về xây tổ. Có cặp, có đôi.


Xuân đi, rồi Xuân đến, mãi mãi vẫn còn Xuân. Tuy nhiên tuổi xuân của đời người thì trái lại. Xuân bất tái lai. Mỗi độ Xuân đi, tuổi đời chồng chất, tóc điểm sương rồi đến bạc đầu.

Cả một mảnh trời buồn đổ ập xuống tâm tình của nhà thơ. “Én chở đau thương tới cửa nhà” khiến cho Nguyên Trần không thể thoát ra khỏi quá khứ, chứa hình ảnh của người anh yêu.

Xuân vui khắp mọi nhà, nhưng “Một mảnh trời buồn trong mắt ta”.

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.


  1. Nguyên Trần chấp nhận số phận


Trong bài họa đối lại bài xướng “Tình thơ” của nhà thơ Hồ Công Tâm, trong bài họa “Tình buồn muôn thuở” Nguyên Trần viết:


“Tình lỡ nào hay tình rộng hẹp

Sông buồn ai biết sông nông sâu

Tạ từ thôi cũng cam đành phận

Duyên nợ rồi đây sẽ nhạt màu”

(Nguyên Trần. Toronto 8-7-2019)


  1. Tội nghiệp cho anh Phó tỉnh


Bài thơ “Say mê” thuộc dạng “thủ nhất thanh” là chữ đầu những câu đều giống nhau.


Say Mê


Say tình tập tễnh làm thơ

Say nét hương yêu chẳng xóa mờ

Say bờ môi ngọt mãi mong chờ

Say rèm mi mướt gieo thương nhớ

Say ánh mắt buồn tạo ước mơ

Say giọng ngọt ngào êm giấc ngủ

Say tình nên tập tễnh làm thơ

Toronto 4/9/2019 * Nguyên Trần


“Bờ môi ngọt mãi mong chờ” cho thấy sự mong muốn và chờ đợi, nghĩa là ở ngoài tầm tay với, của anh Phó đa tình.

“Ánh mắt buồn tạo ước mơ” . Ước mơ là mong muốn trong mộng, muốn độc quyền chiếm hữu, nhưng vẫn còn trong mơ, chưa thành hiện thực.


Qua những câu trên, thấy tội nghiệp cho anh Phó quá. Thiếu vắng kỷ niệm của những người tình, ràng buộc nhau để nhớ nhau hoài. Thiếu vắng những buổi hẹn hò, nam thanh nữ tú, tay trong tay, vai sánh vai hâm nóng cuộc tình, dẫn nhau đi bát phố, hết đường Lê Lợi tới phố Bonard. Ghé vào kem Mai Hương, Givral, Brodard, hay áp sát người chuyền sức ấm vào nhau, trong ciné Rex hay Eden.

Thường có những cặp lợi dụng bóng tối, trong đó có tui.

Tội nghiệp cho anh Phó nầy quá. Chả xơ múi được gì cả.


  1. Thưởng thức thơ Nguyên Trần


              C:\Users\Davis\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\IE\9RHLYYLI\ijmgoajcpphmcpmo.png C:\Users\Davis\AppData\Local\Microsoft\Windows\INetCache\IE\F138DTCY\dmdlninlgefeboif.png

              Sư phụ Nguyễn Phương và đệ tử Lý Mỹ Hạnh


Trong nhóm “Cửu nhân bang Dễ thương”, cựu học sinh NĐC-LNH Mỹ Tho, chỉ có anh Nguyễn Tấn Phát biết sáng tác thơ, làm thơ như ăn cơm bữa, phóng bút là có thơ. Số còn lại rất thích thơ và thưởng thức thơ.

Đặc biệt là chị Lý Mỹ Hạnh, nghệ danh Tịnh Đế Liên Hoa, không những yêu thơ Nguyên Trần mà đưa thơ của anh vào nhạc, tạo ra âm hưởng thơ nhạc huyện vào nhau dưới hình thức tân cổ giao duyên. Một nét đặc biệt nữa là chính chị tự biên, tự diễn, đưa lên Youtube hàng chục album nhạc tân cổ giao duyên.


Đó cũng dễ hiểu thôi. Vì chị là đệ tử của soạn giả Nguyễn Phương, người đã từng góp phần quan trọng trong nghệ thuật sân khấu cải lương thịnh hành một thời ở miền Nam Việt Nam.


Ngoài ra, những đồng môn Nguyễn Đình Chiểu - Lê Ngọc Hân cũng thích thơ của Nguyên Trần và của những thi hữu đã xướng họa qua những bài thơ, mỗi người một vẻ với nét độc đáo riêng.

Phải nói tới anh Lý Ngọc Cương, Úc Châu, chị Phạm Thị Phia, không những thưởng thức thơ mà còn chuyển tải đến các bạn. Đặc biệt chị Lê Thị Kim Oanh, một nhà thơ nữ tài danh hiếm thấy trong thế hệ hiện tại của chúng ta. Chị có trang mạng dưới đây. Xin giới thiệu quý vị yêu thơ vào thưởng lãm. Tôi rất thích cổ thơ, vào đọc muốn ngộp luôn, nào là Lý Thương Ẩn, Lý Bạch, Bạch Cư Dị, Vương Duy…(Lê Thị Kim Oanh- lethikimoanh9.blogspot.com) 


       
  1. Thơ yêu nước


Mặc dù thất bại trong tình yêu, nhà thơ Nguyên Trần tự nhận anh là người thua cuộc:


Anh đã vì em mà thệ nguyện

Cả đời sẽ mãi là người thua.

Giả biệt tỉnh nhà anh bỏ đi

Làm người thua cuộc có vui gì.


Tuy nhiên, anh cũng như hàng triệu người Việt chạy nạn Cộng Sản, tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc vẫn còn đeo đẳng trong anh suốt gần nửa thế kỷ qua. Có thể mượn hai câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan để diễn tả tình yêu nước:


“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”


Tình yêu quê hương của nhà thơ có thể gói ghém trong những câu thơ của bài “Tháng Tư Tan Tác”. Tháng 4 năm 1975:


Nước nhà tan tác bao năm

Làm thân viễn xứ hương trầm xa trôi

Còn thêm tình nước tình nhà

Tình nào cũng lụy như hoa héo tàn

Quê hương rồi sẽ có ngày

Cờ vàng phấp phới vang bài quốc ca.

(Tháng Tư Tan Tác. Toronto 14/4/2019. Nguyên Trần).


Bài “Xuân Bất Tái Lai” của Nguyên Trần.

Xuân đến là thêm một tuổi già
Ta buồn nghĩ lại tấm thân ta
Gặp phần thất quốc đau tình nước
Phải số vong gia khóc nghĩa nhà
Sự nghiệp nửa đời cam đứt đoạn
Công danh trọn kiếp bổng phôi pha
Thời gian vun vút không nhìn lại
Chưa tính toan chi đã xế tà
(Nguyên Trần* Toronto* Đầu Xuân Khai Bút)


Trong bài thơ “viết trong phút chạnh lòng nhớ về trường Bộ Binh Thủ Đức” có những câu:


Quân thù gieo rắt tang thương

Người trai yêu nước can trường đứng lên

Giữ gìn bờ cõi vững bền.

Noi gương người trước chinh yên lời thề.


“Chinh yên” là cưỡi ngựa ra trận.

Người sĩ quan trẻ nầy đã tích cực góp phần thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng mà lịch sử trao cho, để bảo vệ tự do, dân chủ cho đồng bào miền Nam. Chấp nhận chiến trường “da ngựa bọc thây” anh hùng. Hy sinh vì tổ quốc là một vinh dự của công dân Việt Nam Cộng Hòa. 

Có thể gọi anh là người văn võ song toàn. Nhà thơ, nhà binh.


  1. Thơ xướng họa


Nhà thơ Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát và các thi hữu tìm về với nhau, giao tiếp nhau qua một loại văn chương thanh tao, đòi hỏi nhiều kỹ năng diễn đạt tình cảm, tâm tư qua vần điệu của các thể thơ độc đáo.

Xướng họa trong thơ dành cho những thi hữu, thi nhân gắn chặt trong tình yêu thơ, và thưởng thức thơ.

Nhà thơ Nguyên Trần Nguyễn Tấn Phát gắn bó chặt chẽ với những thi hữu như: nhà thơ Đức Hạnh, Sông Thu, Mai Xuân Thanh, Hồ Công Tâm, Nguyễn Kinh Bắc, Trương Minh Hòa, Trần Quốc Bảo…


Bài xướng “Xuân bất tái lai” của Nguyên Trần, được các bạn sau đây họa lại: Cao Thiếu Lang, th - Shiroi, Đặng Xuân Linh, Nguyễn Gia Linh Lam Vân, Nguyễn Thành Tài, Minh Hồ, Mẫn Hồ, Bùi Tiến, Nguyên Hà và Mỹ Linh”

Xuân Bất Tái Lai


Xuân đến là thêm một tuổi già
Ta buồn nghĩ lại tấm thân ta
Gặp phần thất quốc đau tình nước
Phải số vong gia khóc nghĩa nhà
Sự nghiệp nửa đời cam đứt đoạn
Công danh trọn kiếp bổng phôi pha
Thời gian vun vút không nhìn lại
Chưa tính toan chi đã xế tà
Nguyên Trần

Bài họa

Xuân Viễn Xứ

Đứng trước gương soi mới thấy già
Tóc thay màu bạc trắng đầu ta
Trên vầng trán khắc nhiều đường chỉ
Đôi mắt quầng thâm bởi nhớ nhà
Mấy chục năm trời xuân viễn xứ
Lòng luôn hồi tưởng thuở xông pha
Lằn tên mũi đạn thời chinh chiến
Chẳng kể bình minh đến bóng tà
Minh Hồ *050209

Thơ đối đáp. Nguyễn Trãi, Thị Lộ

Xướng:


Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?

Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?

Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?

Đã có chồng chưa, được mấy con?

(Nguyễn Trãi)


Họa:


Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,

Cớ chi ông hỏi hết hay còn?

Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ

Chồng còn chưa có, có chi con!

(Nguyễn Thị Lộ)


Thơ đối đáp vui


Câu chuyện xảy ra ở một gia đình thời xưa, chế độ đa thê được luật pháp công nhận. Thời Pháp thuộc, trên tờ hôn thú có ghi “vợ chánh” (Premier rang) hay “vợ thứ” (Deuxième rang). Một ông có hai bà vợ sống chung một nhà. Ông và người vợ thứ, biết làm thơ.

Bà lớn ỷ có quyền hành nên đặt cái giường ngủ đấp mô con đường từ giường ngủ của ông đến bà bé.

Nhiều đêm buồn tủi thân phận, trằn trọc không ngủ được, bà bé ngâm hai câu thơ:


Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến nầy một mực khăng khăng nhớ thuyền


Ông chồng đáp:

Thuyền nầy nhớ bến không nguôi

Đồn tuần án ngữ làm sao xuôi dòng.


Bà nhỏ:

Đồn tuần mặc kệ đồn tuần

Qua đồn nộp thuế, qua thì cứ qua.


Ông chồng:

Thuyền nầy vốn liếng bao nhiêu

Qua đồn nộp thuế thì xiêu cột buồm.


  1. Thơ Đường


Ở Việt Nam người ta phân biệt thơ Đường và thơ Đường luật.

Thơ Đường là những bài thơ do các thi sĩ người Trung Hoa sáng tác ở thời nhà Đường (618-907). Thơ Đường luật là thơ của các thi sĩ Việt Nam sáng tác theo quy tắc của thơ Đường.


  1. Những thi sĩ nổi tiếng thời nhà Đường bên Trung Hoa


Những thi sĩ nối tiếng thời nhà Đường bên Trung Hoa gồm có: Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương Bột, Vương Hàn, Thôi Hộ, Tô Đông Pha, Trương Kế…


  1. Những bài thơ Đường nổi tiếng


  1. Phong Kiều dạ bạc - Trương Kế

       

          phong kieu 2 phong kieu 3

                       Chùa Hàn San và thuyền của khách

 

Nguyệt lạc, ô đề sương mãn thiên

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền

 

Dịch nghĩa

 

Ban đêm đậu thuyền tại sông Kiều

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời

Hàng cây phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang miên man buồn.

Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San

Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.

 

Phong Kiều dạ bạc là bài thơ Đường rất nổi tiếng của Trương Kế. Khi ông đi thi hỏng, về đến thành Cô Tô, đã cảm hứng trước cảnh đẹp thiên nhiên mà xuất thần làm tuyệt phẩm này để lại cho hậu thế. 

Bài thơ tả tâm trạng của tác giả và vẻ đẹp của sông nước Tô Châu đã làm dịu đi nỗi buồn hỏng thi của ông. 

Bài thơ được Tản Đà dịch lại với phong cách sáng tạo tuyệt vời như sáng tạo ra thi phẩm mới theo thể thơ lục bát :


Tản Đà dịch


Ban đêm đậu thuyền  tại sông Kiều

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Tản Đà dịch) 


  1. Thôi Hộ với bài “ Đề tích sở kiến xứ”


Related image

                       Nhân diện đào hoa tương ánh hồng


“ Đề tích sở kiến xứ ” 


“ Đề Tích Sở Kiến Xứ ” là ”Đề chỗ đã trông thấy năm trước”.


Khứ niên kim nhật thử môn trung

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng

Nhân diện bất tri hà xứ khứ

Đào hoa y cựu tiếu Đông phong


Dịch nghĩa


“Đề Chỗ Đã Trông Thấy Năm Trước”


Cửa nầy, năm ngoái, hôm nay

Hoa đào phản chiếu mặt ai ửng hồng

Mặt người giờ ở nơi nao

Hoa đào vẫn đó, cười chào gió Đông.


Gió Đông là gió từ phía Đông của nước Trung Hoa, chớ không phải gió mùa Đông. Bởi vì ông dạo chơi trong tiết Thanh minh, mà Nguyễn Du đã tả:

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

 

Tản Đà ghi chú: Thanh minh là một tiết trong mùa xuân, thuộc về đầu tháng 3

 

Thôi Hộ là thi sĩ đẹp trai phong lưu nhưng ít giao du. Một hôm nhân tiết thanh minh dạo chơi ngoài thành, thấy một vườn hoa đào nở tươi thắm bèn gõ cửa vào xin nước uống, đồng thời để được thưởng hoa. Một người con gái mặt đẹp như hoa đào ra mở cửa hỏi, rồi đem nước mời uống. Tiết thanh minh năm sau, Thôi Hộ nhớ lại chuyện xưa bèn tìm lại nơi kỳ ngộ, thì thấy cửa đóng then cài, chàng để lại một bài thơ ở cửa rồi đi. Mấy hôm sau lại đến, thì chợt nghe có tiếng người khóc. Một ông lão ra hỏi có phải là Thôi Hộ không, rồi kể lể sự tình: Con gái cụ khi đọc bài thơ thì đã nhịn đói mà chết. Thôi Hộ vào khấn trước xác người con gái còn tươi như hoa . Cô gái sống lại rồi cùng họ Thôi kết duyên chồng vợ.


  1. Vương Hàn với bài “ Lương Châu Từ”

 

            Related image Related image

Lương Châu Từ

 

Bồ đào mỹ tửu, dạ quang bôi

Dục ẩm, tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?


Dịch

Lương Châu Từ

 

Đây rượu bồ đào, đây chén ngọc

Muốn say đàn đã giục ra đi

Ai cười chiến địa mình say ngủ

Chinh chiến xưa nay mấy kẻ về

 

Dịch thơ vui 1


Rượu bồ đào chén dạ quang

Cứ lai rai mãi, lên đàng thì sao

Rượu vào ai chẳng tào lao

Ngựa ra chiến địa còn tao ở nhà.

Bản 2 (thời hiện đại, người uống là cấp chỉ huy):


Mác-ten rót cốc pha-lê

Cụng chưa kịp uống, "... lên xe", lính mời

Dô! Dô! Cấm đứa nào cười

Mai giao chiến biết còn đời hay không!...


Bản 3 


Gò Đen còn nửa bi-đông

Mở chưa kịp uống, "Tập trung!" vang trời

Biết đâu mai sớm xong đời

Tối nay xài hết, mỉm cười, anh em!


  1. Thơ Đường luật ở Việt Nam


  1. Phong trào thơ mới ở Việt Nam


Phong trào thơ mới Việt Nam bắt đầu từ năm 1930, với những nhà thơ nổi tiếng như : Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Huy Cận, Thâm Tâm (TTKH), Thế Lữ, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Tô Kiều Ngân, Tú Mỡ…


Thơ mới là cách sáng tác không theo quy luật gò bó cổ điển. Số câu không giới hạn. Từ ngữ phổ thông, bình dị, không theo khuôn mẫu chữ Hán như cảnh “phong hoa tuyết nguyệt”…


Riêng về huyền thoại TTKH, thì trong quyển Văn Nhân và Tình Sử, nhà văn Vương Trùng Dương đã nêu lời xác nhận của nhà thơ Nguyễn Vỹ, thì tác giả những bài thơ mang tên TTKH chính là nhà thơ Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình, viết tặng cho người yêu là Trần Thị Khánh khi cô nầy đã hạnh phúc về nhà chồng.


  1. Thơ Đường luật ở Việt Nam


  1. Tổng quát về thơ Đường luật


Trước năm 1930, các nhà thơ Việt Nam sáng tác thơ theo Đường luật.

Thơ Đường luật là thơ nôm làm theo quy tắc và khuôn mẫu của thơ Đường. 


Dạng thơ phổ thông nhất là « thất ngôn bát cú », mỗi câu 7 chữ, bài thơ 8 câu. Một thể thơ khác là thất ngôn tứ tuyệt, bài thơ có 4 câu, mỗi câu 7 chữ.

Hai điểm quan trọng của thơ Đường luật là hợp vận, nghĩa là hai thanh « bằng » « trắc » ở những chữ quy định phải hợp vần với nhau.

Phép đối. Theo quy định thì những câu nào phải đối nhau.


Ví dụ như:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, rợ (chợ) mấy nhà.  

(Bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)


Hoặc :

Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân, ông cử ngỏng đầu rồng 

(Bài giễu người thi đỗ của Trần Tế Xương)


  1. Những nhà thơ Đường luật nổi tiếng của Việt Nam


Những nhà thơ Đường luật nổi tiếng Việt Nam gồm có: Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan…


Bài Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)


          Image result for hình qua đèo ngang của bà huyện thanh quan Related image


Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen lá, đá chen hoa

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, rợ (chợ) mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại, trời non nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta.


Một Thuở Yêu Người


Trăng khuyết buồn đau lỡ nhịp đàn

Tình xuân mờ nhạt giọt mưa tan

Mộng vàng ngây ngất mây vương vấn

Hương sắc đam mê gió bạt ngàn

Nhớ thuở duyên xưa tà áo tím

Thương thời phận đẹp chiếc khăn san

Anh đời phiêu bạt trong hiu quạnh

Đơn điệu trần ai lệ thấm tràn.

(Toronto 1/7/2019* Nguyên Trần.)


  1. Kết luận


Anh Nguyễn Tấn Phát được các bạn tặng cho danh hiệu "Đệ nhất thất tình". Bị thất tình nên anh Phó tỉnh trưởng Vĩnh Bình đưa những nỗi đau buồn, thương nhớ vào thơ.

Tình thơ mở rộng bởi những thi hữu của anh tạo ra nội dung đa dạng trong những bài thơ, xướng, họa đặc sắc.

Anh chờ một người không hẹn đến, chung thủy với hình bóng của một người dưng. 


Có thể:

" Nợ tình chưa trả cho ai

Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan".


Anh vẫn mong, vẫn đợi, vẫn chờ

Hình bóng một người không hẹn đến.

Tội nghiệp thay cho anh Phó tỉnh

Rướm máu con tim bởi một người dưng. (TRG)


Trúc Giang

Minnesota ngày 20-1-2020