VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU
THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU
CHƯƠNG THỨ HAI
VĂN CHƯƠNG CỔ ĐIỂN
Những điều giản - yếu về các sách giáo khoa cũ để học chữ Nho
(Thứ nhất là cuốn Tam Tự kinh)
Như chương dẫn đầu đã nói, xưa kia, ở nước ta, chữ Nho là thứ chữ dùng trong việc học việc thi.
Trước khi học đến Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Cổ văn, thì người học chữ Nho phải học qua các sách giáo khoa thông thường để có được cái học lực kha khá mà đọc các sách kia. Vậy ta phải xét các sách ấy, trước khi nói đến kinh, truyện.
Mục đích và phương pháp sự học chữ Nho. Trước hết ta nên nhận rằng mục đích sự học chữ Nho của ta ngày xưa không những là học chữ Nho thông hiểu văn tự, mà thứ nhất là học cương thường đại nghĩa. Ta đã có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn (Trước hẳn học lễ phép, sau mới học văn chương) đủ chứng rõ cái khuynh hướng của sự học ấy.
Bởi cái mục đích chú trọng về luân lý ấy, nên cách dạy không vụ sự mẫn tiệp, khiến cho người học chóng biết dùng chữ đặt câu, không theo những phương pháp sư phạm như “do thiển nhập thâm”, nghĩa là dạy từ điều dễ đến điều khó. Bất kỳ bài học nào cũng là bài học luân lý, mà dạy một câu là dạy một điều đạo nghĩa, cương thường, nên không kể gì tuổi và trình độ của học trò mà có khi đem những chữ rất khó, những nghĩa lý rất cao dạy ngay những trẻ mới vỡ lòng. Như mấy câu đầu trong cuốn Tam tự kinh đã nói đến thiên tính người ta là một vấn đề triết học rất cao mà hiện nay các nhà tư tưởng còn tranh luận chưa ngã ngũ ra sao.
Chữ Nho vốn là thứ chữ “tượng hình” mỗi chữ là một hình vẽ có nhiêù nét mà không hình nào giống hình nào: học thứ chữ ấy cho thuộc được mặt chữ để đọc và viết đã cần nhiều trí nhớ lắm rồi. Lại thêm cách dạy của ta xưa không theo thứ tự từ dễ đến khó, không dùng phép phân tích (phân: chia, tích: chẻ; chia tách ra từng phần) để giúp cho sự hiểu biết của học trò. Nhất nhất cái gì cũng học thuộc lòng thành ra phải dùng đến trí nhớ nhiêù quá. Có lẽ cũng vì thế mà ở phần nhiều người nước ta khiếu nhớ rất mở mang mà trí phán đoán, phê bình có kém, và trong nền học thuật của ta, phần “hấp thụ” của người thì nhiều mà phần “sáng tạo” của mình thì rất ít. Âu cũng là một cái kết quả không hay của phương pháp dạy học của ta ngày trước.
I. Sách của người nước Nam làm.
Trong các sách xưa dùng dạy chữ nho, có thứ do người nước ta làm, có thứ của người Tàu làm.
Sách của ta làm có mấy cuốn sau này:
Nhất thiên tự: Tên sách nghĩa là “một nghìn chữ”, nhưng thực ra có 1015 chữ đặt theo thể ca lục bát, cứ một chữ Nho thì tiếp theo nghĩa của chữ ấy. Các chữ sắp đặt không theo thứ tự gì và các câu không có ý nghĩa gì. Trích lục mấy câu đầu:
Thiên trời, địa đất, vân mây, vũ mưa, phong gió, trú ngày, dạ đêm, tinh sao, lộ móc, tường diềm , hưu lành, khánh phúc, tăng thêm, đa nhiều…
Tam Thiên tự: Tên sách đặt thế, vì cuốn ấy có “ba nghìn chữ” Chữ và nhĩa kế tiếp nhau thành từng đoạn hai tiéng một, cứ tiếng cuối đoạn trên ăn vần với tiếng cuối đoạn dười. Các chữ sắp đặt không thành loại mục, ý nghĩa gì. Trích lục một đoạn đầu:
Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước.
Ngũ thiên tự. Cuốn này, theo như tên đặt, có “năm nghìa chữ”. Chữ và nghĩa ghép lại theo thể ca lục bát như cuốn Nhất thiên tự, nhưng các chữ đêù sắp thành từng mục như những mục thiên văn, địa lý, quốc chính, luân thường, tứ dân, ẩm thực v.v.. . Trích lục mấy câu đầu:
Thừa nhân, nhân vằng, hạ rồi.
Càn trời, khôn đất, tài bồi trồng vun.
Tích xưa, tự chữ, do còn.
Quan xem, soạn soạn, viên tròn, thiên thiên. . .
Sơ học vấn tân. Nhan sách nhĩa là “bắt đầu học hỏi bến” (hỏi bến nghĩa bóng là hỏi đường lối về việc học) Sách gồm có 270 câu bốn chữ. Câu đặt không có vần, nhiều câu cũng không đối. Chia làm ba phần:
a) Phần thứ nhất (130 câu) : tóm tắt lịch sử nước Tàu từ đầu đến đời Đạo Quang (1821-1850) nhà Thanh.
b) Phần thứ hai (64 câu): tóm tắt lịch sử nước Nam từ đời Hồng Bàng đến triều Nguyễn.
c) Phần thứ ba (76 câu): lời khuyên học trò về việc học và cách xử thế.
Trích lục mấy câu ở phần thứ hai:
Âm. Kỳ tại quốc bản, cổ hiệu việt thường; Đường cải An nam, Hàn xưng Nam Việt, Thần nông tứ thế, thứ tử phân phong; viết Kinh Dương Vương, hiệu Hồng Bàng thị.
Nghĩa. Ở nước ta, xưa gọi là Việt Thường; nhà Đường đổi làm An nam, nhà Hán gọi là Nam Việt. Cháu bốn đời vua Thần nông , (vốn là) con thứ được phong (làm vua ở xứ ta) gọi là vua Kinh Dương hiệu là Hồng Bàng.
Ấn học ngũ ngôn thi. Nhan sách nghĩa là “thơ năm tiếng (để) trẻ học”. Sách gồm có 278 câu thơ ngủ ngôn, đại ý nói về lạc thú và kết quả của sự học và tả cái mộng tưởng của một người học trò mong thi đậu trạng nguyên. Bởi thế cuốn ấy cũng gọi là Trạng nguyên thi. Trích lục một đoạn:
Âm. Di tử kim mãn doanh, hàn hư giáo nhất kinh. Tinh danh thư quế tịch, chu tử liệt triều khanh. Dưỡng tử giáo độc thư, thư trung hữu kim ngọc, Nhất tử thụ hoàng ân, toàn gia thực thiên lộc.
Nghĩa. Để cho còn đầy hòm vàng, sao bằng dạy con một quyển sách. Họ tên chép vào sổ quế (sổ người được đỗ vi thì đỗ thường gọi là bẻ quế), mặc màu đỏ tiá (màu áo đại trào) đứng gnang hàng các bậc công khanh trong triều. Nuôi con mà dạy con đọc sách, (tức là) trong sách có vàng ngọc. Một người con được chịu ơn vua, cả nhà được ăn lộc trời.
2. Sách của người Tàu làm
Những sách của người Tàu làm mà xưa ta dùng để học chữ Nho thì có cuốn Thiên tự vạn (1) trong có một nghìn chữ đặt thành những câu bốn chữ có vần, cuốn Hiêu kinh của Tăng tử chép (2) lời đức Khổng tử dạy về đạo hiếu; nhưng thông dụng hơn cả là những cuốn Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn và thứ nhất là cuốn Tam tự kinh.
(1) Cuốn này do Chu Hưng Tự làm quan đời nhà Lương soạn ra.
(2) Tăng Tử: tên là Sâm tự là Tử dư học trò đức Khổng tử.
Minh tâm bảo giám . Nhan sách nghĩa là “tấm gương báu soi sáng cõi lòng” Sách này sưu tập các câu cách ngôn của các bậc thánh hiền đời xưa chép trong kinh truyện và các sách để dạy người ta sửa tâm rèn tính cho ngày một hay lên. Sách chia làm 20 thiên. Trích lục mấy câu trong thiên thứ nhất là thiên “Kế thiện”
Âm: Tử viết: Vi thiện giả, thiên báo chi dĩ phúc (phước); vi bất thiện giả, thiên bào chi dĩ họa.
Nghĩa: Đức Khổng tử nói rằng: “Người làm điều lành thì trời lấy phúc mà báo cho; người làm điêù chẳng lành thì trời lấy vạ mà báo cho”.
Âm: Thượng thư vân: Tác thiện giáng chi bách trường, tác bất thiện giáng chi bách ương.
Nghĩa: Sách Thượng thư chép rằng: “ai làm điêù lành trời giáng cho trăm điều phúc, ai làm điều chẳng lành, trời giáng cho trăm điều vạ.”
Âm: Trang tử viết: “Nhất nhật bất niệm thiện, chư ác giai tự khởi”
Nghĩa: Ông Trang tử nói rằng : “Một ngày không nghĩ đến điều thiện, thì mọi điều ác đều tự dấy lên”
Minh đạo gia huấn. Nhan sách nghĩa là “sách dạy trong nhà của Minh đạo”. Minh đạo tức là Trinh hiệu(3), một bậc danh nho đời Tống. Sách gồm có 500 câu thơ tứ ngôn, hoặc mỗi câu mỗi gieo vầ, hoặc cách một câu mới có vần. Các câu ấy đều là những lời khuyên răn về luân thường đạo lý và chỉ bảo về cách tu thân xử thế. Có nhiều câu lời gọn ý hay đã thành những câu cách ngôn được người ta truyền tụng.
(3) Trinh Hiệu: tự Bá Thuần, anh Trinh di, học trò Chu Đôn Di, đổ Tiến sĩ, làm quan về đời Tống Thần Tôn (1068-1086) có soạn những sách Định tính và Thái cực đồ thuyết . Đến lúc mất, Văn Ngạn Bác để ở mộ, gọi là Minh đạo tiên sinh, bởi thế người đời sau vẫn danh hiệu ấy để gọi ông.
Thí dụ:
Khai quyển hữu ích. Chi giả cành thành (câu 71-72)
(Mở sách có ích. Người có tri thì nên)
Tích cốc phòng cơ; tích y phòng hàn
(Trữ thóc phòng đói, trữ áo phòng rét)
Giáo phụ sơ lai; giáo tử anh hài
(Dạy vợ lúc mới về; dạy con lúc còn thơ)
Nữ vật tham tài; nam vật tham sắc.
(Gái chớ tham của; trai chớ tham sắc.)
Bần nhi vô xiểm; phú nhi vô kiêu
(Nghèo mà không nịnh; giàu mà không kiêu)
Nhân tham tài tử; điểu tham thực vong.
(Người tham của thì chết; chim tham ăn thì mất)
Cơ hàn thiết thân, bất cố liêm sỉ
(Đói rét thiết đến thân, không đoái tới liêm sỉ )
Tự tiên trách kỷ, nhi hậu trách nhân.
(Trước tự trách mình, rồi sau trách người)
Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu
(Ngậm máu phun người, trước bẩn miệng ta)
Tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác
(Trữ thiện gặp thiện, trữ ác gặp ác)
Cận chân giả xích, cận mặc giả hắc
(Gần son thì đỏ, gần mực thì đen. )
Đãn hoạn vô tài, bất hoạn vô dụng
(chỉ lo không có tài, chẳng lo không được dùng)
Tam tự kinh. Nhan sách nghĩa là “sách ba chữ” vì các câu trong cuốn âý đều có ba chữ. Các chữ cuối câu chẵn đều có vần, và cứ hai vần trắc lại đổi sang hai vần bằng. Sách ấy vẫn truyền là do vương Ứng Lân, người đời nhà Tống soạn ra.
(4). Vương Ứng Lân, tự là Bá Hậu, người đời Khánh nguyên, nhà Tống (1105-1201)- Đến đời nhà Thanh, Vương Tấn Thăng có làm bài giải thích sách Tam tự kinh, nhan là Tam tự kinh huấn hỗ trong bài tựa đề năm Bính ngọ niên hiệu Khang Hi (1666), cũng nói là sách ấy do vương Bá Hậu soạn ra. những các nhà khảo cứu gần đây lại cho sách ấy là do Khu Thích tử, người cuối đời Tống làm ra.
Sách có 358 câu, chia làm bảy đoạn đại ý như sau:
1) Đoạn thứ I : Nói về tình người và sự dạy dỗ.
2) 2) Đoạn thứ II: Lễ nghi, hiểu để, bổn phận của trẻ con
3) Đoạn III: Các điều thường thức: kể rõ các số mục giải thích thế nào là tam tài (trời, đất, người), tam quang (mặt trời, mặt trăng, sao), tam cương (ba giềng: vua tôi, cha con, vợ chồng), tứ thời (bốn mùa), tứ phương (bốn phương), ngủ hành (năm hành :thủy, hỏa,mộc, kim, thổ) , ngũ thường (năm nết thường: nhân, nghĩa, lể trí, tín), lục cốc (sáu giống lúa) lục súc (sáu giống vật nuôi), thất tình (bảy mối tình trong lòng người), bát âm (tám thứ tiếng trong âm nhạc), cửu tộc (chín đời trong họ.), thập nghĩa (mười điều nghĩa).
4) Đoạn thứ IV: Các sách học : Hiếu kinh (sách dạy về đạo hiếu), Tứ thư (bốn cuốn sách gốc trong đạo Nho), Ngủ kinh (Năm cuốn sách chính trong đạo Nho), ngủ tử (năm nhà triết học) chư sử (các sách sử)
5) Đoạn thứ V: Kể các triều vua trong lịch sử nước Tàu từ đâù đến đời Nam Bắc triều;
6) Đoạn thứ VI: Kể gương của người chăm học đời xưa để khuyến khích học trò.
7) Đoạn VII:Mấy lời khuyên trẻ con nên chăm học để sau này được hiển vinh.
8) Trích lục một đoạn:
Âm: dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi nọa. Tử bất học, phi sở nghị. Áu bất học, lão hà vi. Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý
Nghĩa: Nuôi mà chẳng dạy là lỗi của người cha. Dạy mà chẳng nghiêm, do sự lười của ông thâỳ Người con mà không học là lỗi đạo làm con. Bé không học, già làm gì. Hòn ngọc không giũa không thành được đồ dùng. Người ta không học, không biết được lẽ phải.
Kết luận.
Tất cả các sách kể trên này, xét về phương diện sư phạm, đều không hợp với trình độ trẻ con, vì quyển nào cũng ngay tự chỗ bắt đầu, dùng những chữ khó hoặc về ý nghĩa, hoặc về mặt chữ. Nhưng ta cũng phải nhận rằng ,trừ ba quyển trên chỉ là những sách dạy tiếng một đặt thành câu có vần cho dễ nhớ không kể, còn các quyển dưới đều có chủ ý dạy trẻ biết luân thường đạo nghĩa, lại phần nhiều đặt theo lối văn vần, thành ra trẻ con học thuộc những câu ấy, tuy lúc nhỏ chưa hiểu rõ nghĩa lý, nhưng đến lúc lớn, nhớ ra, ôn lại, thời dần dần cũng vỡ vạc thấm thía các nghĩa lý ấy mà coi những câu ấy như những câu châm ngôn để tu thân xử thế, thật rất có ảnh hửởng về đường tinh thần luân lý vậy.
Dương Quảng Hàm
(ktk sưu tầm)