Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

Mùa Xuân Anh Yêu Em - Nhạc: Phạm Anh Dũng - Hoàng Quân Hát


Nhạc: Phạm Anh Dũng
Ca Sĩ: Hoàng Quân

Hát Mừng Xuân

 

Hát vang lên, tiếng hát mừng Xuân
Non cao biển rộng khắp nghìn trùng.
Líu lo đón đợi mùa xuân đến,
Niềm vui bất tận ở Chín Tầng.

Chúa Xuân ban phước khắp nơi nơi,
Vạn vật hò reo vang dội đất trời.
Loài người trân châu ngọc qúy,
Được Cha thương xót…kể sao vơi!

Ai người thật yêu mến Cha,
Đông Tây Nam Bắc cùng một nhà.
Vâng lời Cha hiệp đồng thân thể,
Tâm linh giao cảm nở ngàn hoa.

Hãy đến cùng Cha hỡi các con,
Màu da, Sắc tộc mọi Linh hồn.
Mọi lỗi lầm để Cha gánh chịu
Thân con nhẹ nhõm, bước thong dong.

Tiếng hát mừng Xuân, tiếng hẹn hò,
Cha con chung một chuyến đò.
Đường đời dù còn muôn vạn nẻo
Có Cha, các con chớ âu lo.

Tô Đình Đài


Nhân Thế Mừng Trăng


 
(Điệp Tự Thi Cách)

Chị Hằng diễm tuyệt chị Hằng Nga
Dáng ngọc đài trang dáng ngọc ngà.
Say sắc tao nhân say sắc nguyệt
Đắm hương mặc khách đắm hương hoa.
Bên thềm Thỏ bạch bên thềm Quảng
Dưới gốc Cuội già dưới gốc Đa.
Nhân thế mừng trăng nhân thế hát
Thái bình non nước thái bình ca.


Duy Anh
Rằm Tháng Giêng 2024


Mãi Vậy Sao?

 
 
Bao giờ gặp nhỉ Huế yêu ơi? 
Với những thân thương chất ngất trời 
Xuân ấy (*) mình xa-buồn diệu vợi 
Xuân này bậu cách-nhớ đầy vơi 
Câu hò sóng nước khua trăng lặn 
Xe chuyển tình em khiến lệ rơi 
Bốn tám năm rồi quên chẳng nổi, 
Y như dấu ấn kết trong đời. (*) 

Cuối tháng Giêng 75 rời Huế. 
Thái Huy 
Jan/06/24

Tết Ta Xứ Tây

 

Đã qua mấy ngày tết! Ở
đây buồn muốn chết!
Quanh quanh tuyết trắng phau!
Lấy gì đắ p đổi màu
xanh xanh hàng liễu rũ.
Gió đẩy đưa, quyến dụ
trên ngõ về thân quen.
Dáng ai đứng nghiêng nghiêng
dưới hàng hiên, bóng nhỏ.
Má già ngong ngóng ngó
trông bầy con, quan san.

Lấy gì ngỡ hoàng lan
màu hoa vàng nở vội.
Mùa xuân chưa kịp tới
chim chóc đã đầy đàn.
Má nhìn quanh, lặng lẽ
chẳng một tiếng than van.
Thân mỗi lúc một nhẹ
lòng nặng trĩu mất, còn.
đêm nằm nghe tiếng đạn
đau đáu nhớ bầy con.
Có thằng sờn áo trận
chưa hết nợ giang sơn.

Lấy gì tưởng sắc xám
tô lại nhịp Cầu Ngang
đêm về qua, trăng lặn.
Nhà má sáng thay trăng.
Lấy gì quến khói bếp
tàn lửa đỏ riu riu,
má nấu cá kho tô .
Thơm nức cả vườn chiều!

Đã qua mấy nga y tết
không một vết chân chim,
chẳng điểm một chấm màu.
Chỉ một trời bông tuyết
với gió quậy lao xao.
Lao xao? Không!
- Lao đao!


Cao Vị Khanh

Thăng Hoa Lục Bát Ca Dao



Hai tà lục bát ngọt ngào
Hoa tim trong trắng bay vào thơ ca
Xuân hồng mây mộng lụa là
Giáng tiên mắc đọa thương nhà nhớ quê

Tiên bồng vừa nụ hôn mê
Mười bốn chữ nghĩa đi về có nhau
Như trầu thương quấn yêu cau
Như vần như điệu như đào như mai

Thủy chung tương kính vòng tay
Mưa môi sóng mắt chung bài chung thân
Gần thương xa nhớ ân cần
Tương tư tóc cuốn gót chân tình đầu

Mười hai bến nước mưa ngâu
Mười hai con giáp bắc cầu giao duyên
Trăng non nõn sao thật hiền
Mười năm gối sách mơ tiên bồng chờ

Ngọc ngà lục bát ngây thơ
Đơm bông kết trái vô bờ thủy chung
Ru thơm dỗ ngọt tiên cung
Thiên thu trăng mật bướm xuân hoa hồng...


MD.06/11/23
LuânTâm

Chủ Nhân Căn Nhà Màu Tím


Cuối tháng ba năm 2022, ngay sau khi nhận tin mẹ tôi qua đời, tôi vội mua vé về Việt Nam. Trong tâm trạng lo lắng và bồn chồn, tôi nghĩ mình khó có thể thực hiện một chuyến đi suôn sẻ. Để phòng trường hợp bị từ chối, không được vào Việt Nam, tôi đã chuẩn bị sẵn chiếc balô chứa đầy những vật dụng cá nhân cần thiết để quay về Mỹ một mình, còn các chiếc va li, tôi sẽ để chồng tôi đem vào Việt Nam. Cũng vì lý do này, tôi chỉ mua thuốc men và những món quà thiết thực cho những người thân yêu nhất. Tuy nhiên, tôi không nỡ từ chối hai cuốn sách của chị Nhơn, chị ruột của chị Phan Anh (đồng môn Nữ Trung Học Nha Trang), nhờ tôi chuyển cho cô con gái nuôi của chị ở Nha Trang. Tôi chưa bao giờ đem sách của mình hay của bất cứ tác giả nào ở Hải Ngoại về Việt Nam vì tôi không muốn bị rắc rối bởi sự kiểm tra bất chợt nào đó của Hải Quan Việt Nam. Lần này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cho dù có bị xét hỏi thì tôi cũng không bị hề hấn gì bởi vì nội dung của hai quyển sách của chị Nhơn chỉ xoay quanh những câu chuyện về Phật Giáo và tình tăng thân pháp lữ. 

Trước khi tôi lên đường, chị Nhơn vui vẻ gọi điện cho tôi biết cô con gái nuôi của chị tên Minh Hiếu và tiết lộ thêm là trước đây chị đã mua tác phẩm Khi Ngỡ Mình Là Thượng Đế của tôi để tặng cô con gái nuôi. Chị Nhơn nói Minh Hiếu rất thích cuốn sách ấy bởi vì Minh Hiếu rất thương thú vật. Chị khuyên tôi cố gắng dành thì giờ đến thăm Minh Hiếu. Tôi dạ cho qua chuyện, chứ tôi không hề có ý nghĩ thăm Minh Hiếu hay bất cứ ai trong chuyến đi này. Tôi chỉ chú tâm đến việc thăm mộ mẹ tôi, cúng thất tuần và tạ ơn những người thân thuộc, láng giềng đã giúp đỡ tang lễ cho mẹ tôi khi tôi không thể về kịp. Hơn nữa, tôi không thích ghé những ngôi nhà đẹp đẽ và sang trọng của những người giàu có ở Việt Nam. Sau khi đến Nha Trang vài ngày, lo việc gia đình tạm ổn, tôi gọi Minh Hiếu. Theo lời dặn của tôi, Minh Hiếu đến nhà của Cúc, em gái tôi, nhận quà của me Nhơn. Minh Hiếu nhận quà xong, gọi tôi cảm ơn và mời tôi đến nhà chơi. Minh Hiếu kể cho tôi nghe chuyện cô giáo dạy Địa Lý mà em ấn tượng trong năm học lớp Sáu tại trường Phước Tân (Trước 1975, trường Phước Tân là trường Hưng Đạo dưới chân Nhà Thờ Núi Nha Trang).


Năm ấy, sau Tết Kỷ Tỵ 1989, cô giáo dạy Địa Lý gọi Minh Hiếu lên bảng trả bài và Minh Hiếu đã được điểm rất cao kèm theo lời khen “thông minh”. Minh Hiếu nói hình ảnh cô giáo Địa Lý ấy đã cho em ấn tượng khó quên! cho nên, em luôn mong chờ các giờ học kế tiếp. Nhưng sau lần trả bài hôm ấy, cô giáo Địa Lý “mất tiêu” Minh Hiếu nói “Dù học với cô giáo Địa Lý ấy chỉ mới vài tháng nhưng Minh Hiếu nhớ họ Cung đặc biệt của cô, nên khi Minh Hiếu nhận quà của me Nhơn, Minh Hiếu hỏi cô Cúc có phải cô Cung Lan đã từng dạy ở Phước Tân không, cô Cúc nói phải, thì Minh Hiếu chắc chắn cô giáo Địa Lý mà Minh Hiếu mong chờ sau ‘sự mất tích’ hơn ba mươi năm, chính là cô!”
Tôi khá xúc động khi nghe những lời chân thành này qua điện thoại của em. Tôi lặng im suy nghĩ những lời vừa nghe, tôi đoán Minh Hiếu là người đàn bà trẻ đẹp khoảng bốn mươi lăm, bốn mươi sáu tuổi đang ngồi trong khuôn viên nhà sang trọng và bề thế. Giọng của em dịu dàng và ấm áp khiến tôi tưởng tượng thêm hình ảnh một người vợ đoan trang của người chồng rất thành công trong lãnh vực kinh doanh hay thương nghiệp nào đó. Tôi cố ôn lại những lời ca ngợi của chị Nhơn về Minh Hiếu, mà trước khi lên đường tôi đã nghe một cách qua loa chiếu lệ, nhưng không nhớ gì thêm ngoài những chữ “Minh Hiếu giỏi lắm!” được chị Nhơn lập đi, lập lại nhiều lần. Cuối cùng, tôi quyết định gặp lại học trò cũ của mình để xem sự thành công và giỏi giang của cô bé này ra sao.

Hai cô bạn thân ở Nha Trang chịu khó chở vợ chồng tôi đi ngang qua chùa Long Sơn (chùa Tĩnh Hội) rồi rẽ vào xã Vĩnh Ngọc. Vĩnh Ngọc là vùng ngoại ô Xuân Lạc trước năm 1975, xe đi vòng qua một xóm nhỏ ven sông và dừng chân trước căn nhà có địa chỉ Minh Hiếu cho.
Nhìn vào chiếc cổng màu tím đầy lãng mạn, bạn tôi chợt ồ lên.­ “Mình cũng có bạn ở đây và đã đến một vài lần. Chủ nhân là Cô kiến trúc sư rất giỏi! Cô này nổi tiếng vì đã thiết kế nhiều công trình xây cất các Chùa ở Việt Nam và căn nhà này cũng do cô thiết kế.”
Khá ngạc nhiên, tôi thầm nghĩ:
“Thì ra mình đoán sai! Sự thành công của Minh Hiếu là do chính bản thân cô ấy chứ không phải từ thành đạt kinh doanh của chồng như ban đầu tôi đoán nghĩ!”


Khi cánh cổng Tím mở ra, cả căn nhà và chủ nhân Minh Hiếu đã làm tôi ngạc nhiều hơn những điều vừa tiết lộ của bạn tôi. Trước mắt tôi, một ngôi nhà hết sức rực rỡ và tươi vui với những giàn hoa giấy đủ màu sắc. Trong khi chủ nhân của nó với trang phục hết sức giản dị và nhu mì. Hình ảnh cô gái có làn da trắng mịn, chiếc đầm sang trọng và phong cách quý phái của người giàu có trong ý nghĩ của tôi đã bị xóa sạch và thay bằng một hình ảnh của một cô gái hết sức trầm mặc với chiếc khăn choàng phủ hờ chiếc đầu trọc. Lòng tôi dâng lên một nỗi thương cảm vì nghĩ rằng Minh Hiếu đang bị một chứng bệnh ung thư nào đó như trường hợp đang chữa bệnh của em gái tôi, hay nhiều người khác đang bị chứng ung thư theo thể trạng.Vì những điều tưởng tượng khác hoàn toàn thực tế, tôi đã khá lúng túng không biết mở lời ra sao để bắt đầu cho cuộc hội ngộ khá đặc biệt này. Rồi tôi đã thốt lên câu nói gần như vô nghĩa:
“Em có căn nhà đẹp quá!”
Minh Hiếu mỉm cười, dịu dàng chào hỏi chúng tôi một lúc rồi mời chúng tôi vào phòng khách.

Vài lời chào thăm nhau, tôi xin em chiếc bịch nilong trút hết những vật dụng trong chiếc balô của mình và trao cho em chiếc ba lô tôi đang mang theo.
“Cô về đây, đi rất vội không kịp mua quà gì cả. Đây là cái balô thầy mới mua cho cô trước khi về Việt Nam, cô mong em nhận và xem đó là vật kỷ niệm ngày cô và em gặp lại nhau.”
Minh Hiếu có vẻ không muốn nhận nhưng không nỡ từ chối. Em vào phòng cất chiếc ba lô và trao cho tôi chiếc giỏ vải mà em thường dùng trong thời gian du học tại Thái Lan để tôi đựng đồ, đồng thời em đưa cho tôi xem cuốn sách Khi Ngỡ Mình Là Thượng Đế mà em đã đọc từ món quà Chị Nhơn mua tặng. Tôi theo em đến phòng ăn của gian bếp xinh xắn. Mỗi cử chỉ, hành động và lời nói của em đều toát lên sự khoan thai, dịu dàng đầy khiêm hạ và lễ phép khiến tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi ngạc nhiên khi ngắm công trình khá công phu và tỉ mỉ của Minh Hiếu dành cho căn nhà màu Tím của em. Phòng thờ phượng, phòng tiếp khách, phòng ngủ, phòng ăn đều nhỏ nhắn nhưng gọn gàng, sạch sẽ và tiện nghi. Cách bài trí ở mỗi nơi, mỗi góc cẩn thận và chu đáo.
Những họa tiết với muôn vàn sắc màu tươi mát tạo cho toàn bộ ngôi nhà sáng rực lên tổng thể thanh nhã và an bình của một Tịnh Cư, Tịnh Thất đậm chất Phật Giáo hay các chùa ở vùng Đông Nam Á.

 

Khi lên sân thượng, ngắm các trang trí ở đây, tôi có cảm giác Minh Hiếu yêu mến đất nước Thái Lan, nơi em đã từng được trau dồi Phật Pháp và nghệ thuật kiến trúc tại đó. Kiến trúc và bày trí ở nơi đây sẽ cho các nhiếp ảnh gia những bức hình mà người xem ngỡ rằng chúng được chụp ở Thái Lan, Mã Lai hay Miến Điện chứ không phải ở Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trên sân thượng, tôi thực sự thấy mình đang ở Nha Trang Việt Nam khi ngắm những ngọn dừa với buồng no trĩu quả, và hít những làn gió mát và tinh khiết từ bờ sông thổi vào.

Khi cùng em dạo bước trong sân vườn lát gạch, và ngắm những chú chó Nhật xinh xắn đang chơi đùa trên sân thì tôi lại ngỡ mình đang ở một nước nào đó ở Châu Âu. Thú vị hơn khi nghe những lời yêu thương ngọt ngào, tôi bất ngờ với lời chào được cất lên từ các lồng chim thật xinh xắn “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có khỏe không Mẹ?” tôi ngạc nhiên khi nghe lời tha thiết của chú vẹt, chú nhồng và tiếng hót của các loại chim reo vui trong các lồng treo dọc theo hai bên hành lang của khu vườn như lời chào đón đầy tình thương mến. Nơi đây, thú vật, cỏ cây hoa lá đã cùng tạo nên sự hài hòa của cuộc sống tươi đẹp. Ngồi trên chiếc xích đu, tôi cảm thấy thoải mái và thư giãn. Tất cả những gì xung quanh đã cho tôi cảm giác như mình đang ở trong vườn thượng uyển của một đất nước nhỏ bé. Và “vị vua” của đất nước nhỏ bé này tự thiết kế cho mình một không gian an bình và thanh tịnh xa rời những chốn ồn ào, đô hội. Đây thật sự là nơi thích hợp dành cho những người muốn thư giãn và tịnh tâm. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Minh Hiếu kể cho tôi nghe chuyện những thân hữu của Minh Hiếu từ các nước Mỹ, Pháp, Đức hay Úc thường về đây chơi, trong đó có me Nhơn. Chúng tôi đã chuyện trò khá thân mật như tất cả đã thân thiết với nhau từ lâu lắm. Riêng tôi, đây là cuộc hội ngộ đầy ấn tượng và khó quên.


Qua hôm sau, Minh Hiếu đã đưa tôi đến những nơi có khóm tre, khóm trúc, bụi chuối, ao sen, vại lu, nhà tranh, sàn gỗ… Những nơi mang dấu ấn của một miền ký ức. Sau đó Minh Hiếu kể cho tôi nghe lý do Minh Hiếu là con nuôi Me Nhơn. Thì ra con gái của me Nhơn là bạn của Minh Hiếu nhưng quen biết do một cuộc gặp gỡ tình cờ trong ngôi nhà màu Tím này chứ không phải là bạn thân trong thời trung học như tôi lầm tưởng. Ăn trưa xong, Minh Hiếu đưa tôi đến những nơi yên tĩnh và thư giãn để tôi có một ngày an vui trọn vẹn.

Cũng qua những lời đối thoại Minh Hiếu cho biết, em không có bệnh ung thư nào cả nhưng tôi không hỏi vì sao em không để tóc dài,và lờ mờ nghĩ rằng em là một người tu tại gia. Ngoài ra, qua các thông tin trên báo điện tử, tôi biết Minh Hiếu là nhà nghiên cứu sưu tầm lưu trữ vật dụng mà ông bà tổ tiên ngày xưa thường sử dụng như sưu tầm các cối đá xay bột hay tạo sự sống mới cho những mảnh san hô khô trắng đơn độc trên biển thật sinh động và có giá trị nghệ thuật đáng lưu ý , đó là con đường đưa em trở thành một trong những thành viên hiệp hội UNESSCO Việt Nam. Việc làm thiết thực đầy lãng mạn và tính nhân văn gắn liền với công việc Kiến Trúc của Minh Hiếu đã cho tôi thường suy nghĩ về em nhiều hơn. Tôi nhờ Minh Hiếu tìm cho tôi tấm hình lúc em học với tôi vì tôi muốn nhìn lại hình ảnh cô học trò bé nhỏ của tôi năm nào và ôn lại mình trong thời gian đó.

Hình Minh Hiếu chụp với gia đình khi em 12 tuổi. Minh Hiếu đứng giữa mặc áo hồng cạnh bà nội.

Tôi nói với Minh Hiếu là tôi không hiểu em quý tôi ở điểm nào. Trong khi, tôi thấy mình cần học em sự trầm tĩnh, đầy khiêm hạ,và cách sống an nhiên tự tại như em. Minh Hiếu nói: “Cô hãy giữ những gì cô có, đó là sự đặc biệt rất riêng của cô! Mỗi người có tính cách khác nhau, sẽ có một bức tranh hoàn mỹ về cuộc đời theo cách mình muốn!” Câu nói đơn giản này đã khiến tôi bật cười vì thú vị.
Trở lại Mỹ, tôi rất bận. Nhưng khi có chút thời gian rảnh, tôi thường xem lại các mẫu đối thoại trong messenger. Chúng như những giòng chữ tâm tình của hai người bạn tri kỷ:
“Minh Hiếu thương! Tối hôm qua cô về nằm ngủ một hồi rồi thức dậy và nhìn những món quà em dành cho cô mà lặng người. Cô không ngờ có một cô bé học trò thương mình đến độ lo cho mình từng li từng tí chút như vậy! Cô thật may mắn khi được nghe em nói để biết trên đời này có những người thành công mà rất khiêm tốn như em!”

“Dạ em cảm ơn Cô Thầy đã dành thời gian quý giá đến thăm em. Em biết ơn sự gặp lại này, Cô đã đưa em quay về miền kí ức …và những nỗi vui buồn của lòng người, của tha nhân trần thế… mai em về lại với góc nhỏ cuộc đời mình…Cô về bình an nhé. Luôn nhớ về người cô giáo mang trái tim chân phương thuần tịnh… luôn nhìn vào cuộc đời bằng mọi sự cảm thông! Rồi có lúc nào đó trên con đường cao tốc của cuộc đời, Cô trò lại có những hạnh phúc từ gương chiếu hậu.”

Tôi cho rằng sự trầm tĩnh của Minh Hiếu xuất phát từ việc nhờ sự tu thiền hay các kinh kệ của Phật Giáo nhưng tôi đã không ngờ Minh Hiếu không phải người tu tại gia mà em đã trở thành Tu Sĩ.
    

Những dữ liệu tôi có từ câu chuyện của em đã làm tôi đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác khi nhìn những tấm ảnh tôi được cùng em trên các cuộc hành trình viễn xứ … tôi không hỏi vì sao em trở thành Tu Sĩ, mà chỉ trầm ngâm với những tin nhắn, tôi cảm thấy sự thương yêu tràn ngập giữa đạo và đời trong những lời thoại từ trái tim của em!
“Khi em đi xa, em hay nhớ về những mảnh ghép cũ của thời thơ bé, những kỷ niệm tuổi học trò dễ thương, những ngôi nhà em đã vẽ , những khu vườn với sắc màu cuộc sống, những tiếng chim rộn rã reo vui và trải nghiệm của những chuyến đi qua một thời tuổi trẻ, tất cả những mảnh ghép thật đẹp và khó quên làm hành trang cho em với những ý niệm về tình Người rất đẹp. Em trở về Chùa và tiếp tục con đường Phật sự, cô trở về nhà với bao công việc thường nhật của mình, nhưng tin rằng những năm tháng về sau của Cô thật đẹp, đẹp như chính tâm hồn mà Cô đã mong muốn lắng nghe, cảm thấu của lòng người, của cõi đau nơi trần thế.”
“Qua các trang tôi tìm hiểu về em trên báo điện tử , tôi được biết em đã trở thành Tu Sĩ đang phụ trách Quản Lý Pháp Chế Của các Công Trình Tôn Giáo (Phật Giáo) nên xuyên suốt các cuộc hành trình kiểm tra làm việc theo tiến độ thi công, Giám Sát và lập báo cáo, em có con đường rất đẹp khi quãng đời cô trò xa cách mà tôi không hề hay biết". Công việc cho em một lối đi riêng trên con đường Phật Sự để thiết kế, và triển khai phương án phù hợp trên các Thiền Viện khắp dọc miền đất nước.

Dù mái tóc ngắn dần theo năm tháng.
Vẫn nụ cười đón đợi ở vườn xưa.
Cảm ơn đời đưa Cô trò qua những cơn mưa..
Rồi trở về với khu vườn đầy nắng.
Tiếng chuông Chùa cùng sương mai buổi sớm.
Em đã về nơi ấy Chốn Bình Yên.


Tôi hình dung để hiểu …Em đã trở về với thiên nhiên làm bạn. Hạnh phúc của em bên những điều đơn giản, cảnh vật xung quanh em đã chọn sự thanh tịnh cho chính mình…
“Tôi vui vì em đã sống trọn vẹn cuộc đời với một trái tim tình thương đầy lòng trắc ẩn, chúc em sẽ nhận được nhiều món quà bất ngờ đáng quý.. Sự kiên định, lòng tử tế, sẽ dẫn em đón nhận những vận mệnh tốt lành của cuộc đời. ”

“Khi cô hỏi em ước muốn điều gì về sau? Có đôi khi em cần những khoảng lặng, để sâu chuỗi lại những người mình đã gặp trên những chuyến đi, thấy những nhiệt huyết ý tưởng mà họ đã từng cống hiến cho cuộc đời…rồi bỗng một ngày, ngọn gió tai bay đi ngang qua, cuốn theo tất cả những khát vọng của họ…họ trở thành trầm cảm, họ cất mình trong ngăn kéo để lãng quên… Em cũng không ngoại lệ. Nhưng em cũng nhận ra, em không còn nhỏ để có những mơ ước xa xôi, mà em cũng chẳng phải già nua để chờ ngày chôn mình vào lòng đất…Thôi thì cứ an trú trong tâm thân bình thản, và làm tốt công việc mỗi ngày, để ghi dấu chân mình trên mỗi cuộc hành trình với những kỷ niệm ở mỗi chuyến đi.”

Những câu chuyện của Minh Hiếu thường bàng bạc nỗi buồn và uẩn khuất khiến tôi không ngừng suy nghĩ.

“Nhìn sâu vào đôi mắt em, khi em cười, đôi mắt vẫn buồn. Có lúc khuôn mặt cứng cỏi, lạnh lùng mà đôi mắt buồn xa xăm!”

Chưa trả lời câu tôi muốn hỏi, Minh Hiếu nhìn tôi …và nói:

“ Em thích lắng nghe và quan sát về đôi mắt của mỗi người em gặp, nhứt là người bên cạnh em trong thời gian nhất định nào đó! Em đọc ở cô như một Thầy tâm lý trị liệu của em. Cô không những thấu hiểu mà cô sâu chuỗi lại câu chuyện em kể với các nhân vật thật chính xác, em may mắn gặp cô trong thời gian này.”

“…Em đã gửi về hư không một nỗi buồn đã từng in sâu vào vách núi. Mỗi người em gặp có tính cách khác nhau. Có người có tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh, dám yêu thương, dám đối diện với tất cả cảm xúc …nhưng lại yếu mềm và khóc khi em im lặng.”


Với những lời tâm tình này, tôi cảm thấy như mình thấu hiểu Minh Hiếu nhiều hơn như hiểu rõ những nhân vật chính, phụ trong các cuốn tiểu thuyết mà tôi thường ghi trong lại trước khi viết thành sách.
Tôi viết:

“Cô cảm nhận được sự mênh mang với những cơn mưa rào phớt qua miền ký ức của em với những nhân duyên và tình người rất đẹp!”

“Em luôn biết ơn vì sự hiện diện của cô lúc này bên cạnh. Đại bàng rất thích phiêu lưu với những cơn bão vì sức gió sẽ nâng đôi cánh nó bay cao hơn. Nhưng khi đôi cánh không đủ dài để vươn hái những vì sao thì chọn cho mình nơi trú ẩn an toàn đó cũng là hạnh phúc.”

Tôi đã suy nghĩ nhiều về những câu chuyện bi mẫn nhẫn từ và những thiện duyên với hành trình trở thành Tu Sĩ của em.
Có lần, tôi lo lắng hỏi:

“Em muốn trở thành tu sĩ vì lý do nào đó hay vì nguyện vọng?”

“Dạ, vì nguyện vọng! Em mong ước trở thành tu sĩ ngay từ nhỏ chứ không phải bởi vì lý do nào cả!”
Câu khẳng định này không làm tôi chắc chắn lắm. Tôi vẫn thấy có một nỗi buồn nào phảng phất trong Minh Hiếu. “Câu chuyện của em là câu chuyện rất lạ và hay. Nó là câu chuyện đầy nhân bản mà nhân vật chính là em …và những mẫu chuyện sau đó là những câu chuyện có hậu!”
“Cảm ơn cô… thực ra em đã cất câu chuyện này ở tận cuối chân trời. Có bao giờ cô thấy Tu Sĩ vui vì hạnh phúc …và vui vì Cô Đơn?”

Em đang vui trên hành trình của một người Bán Thế Xuất Gia (một nữa phần đời em đã trọn vẹn tình yêu thương mà cuộc đời ưu ái…nửa đời còn lại em hướng theo chí nguyện Nghiệp Duyên của mình…)

“Cô thương, Em cảm ơn những tin nhắn chân tình cô đã viết cho người học trò ngày xưa xa lắc. Cô cũng là người đầu tiên em chia sẻ về thân chủ của em. Em tin rằng cô cộng hưởng và lan tỏa nhiều cảnh đời và trắc ẩn với tâm tư của họ cùng em. Lúc xưa em nhận được cuốn sách quý … Thư gửi Người Đàn Bà Xa Lạ, tác phẩm đó em rất tâm đắc và nhìn cuộc đời bằng nhân sinh quan đa chiều hơn… và giờ đây những người Đàn Bà Xa Lạ đã và đang hiện hữu bên cạnh công việc và đời sống của em mỗi ngày cho em nhìn thực tế mọi góc nhìn bằng trái tim từ bi hơn… hoan hỷ hơn. Những tâm tư họ biến đổi không ngừng theo nghịch cảnh, nên chỉ cần một ngày em dành một thời gian nhất định trò chuyện và chia sẻ, em thấy họ vui và hồn nhiên vô tư lắm. Em thích tìm cái chân phương thuần tịnh ở mỗi người. Khi đứng trước một nghịch cảnh bi thương hoặc một số phần chấp chới…mọi ngữ cảnh nào em cũng tập giữ cho tâm thân tĩnh lặng. Lúc đó, em trở về con người rất thực của mình và đổi ngôi cho họ một trái tim ấm áp.”

“Em biết cô đã dành thời gian về hồi ức với những câu chuyện về người học trò nhỏ xíu ngày xưa. Vấn đề là sau những cuộc hành trình em trở về đúng nghĩa đứa học trò siêu quậy dễ thương mà ngày nay Cô đã thấy.”


Tôi suy nghĩ nhiều khi đọc những câu này. Trong đầu tôi loé lên hình ảnh một vị tu sĩ đầy oai nghiêm khiêm hạ đứng trước bao nhiêu Phật Tử, nhưng vị ấy khá tha thiết với cuộc hội ngộ hết sức bình thường của thầy trò sau bao nhiêu năm xa cách. Rồi tôi chợt nhận ra những câu nói lập đi lập lại ấy không phải là những lời ngợi khen vô nghĩa với nhau. Chúng tiềm ẩn sự thấu hiểu về lý tưởng của hai người cùng đồng hành trong việc mong mỏi giúp ích và làm vui cho những người lâm vào nghịch cảnh đáng thương bằng cách này hay cách khác.
Tiếp đó, tôi nhận một số hình của Minh Hiếu với câu hỏi:

“Cô thấy em ở chùa có khác ở trong ngôi nhà Tím không?

Tôi viết:

“Em cải trang hay quá! Cô không thể đoán em thực sự là ai và ai là em…?!”

Và Minh Hiếu đã “cập nhật” những sinh hoạt của em qua những tấm hình. Đáng chú ý nhất là những tấm ảnh ngôi chùa Tam Chúc ở Hà Nam,Chùa Linh Ẩn ở Đà Lạt và chùa Minh Đức ở Quảng Ngãi do em phụ trách kiến trúc. Ngôi chùa này có tượng phật bà Quan Thế Âm dự kiến sẽ là tượng phật cao nhất theo kỷ lục Guinness Việt Nam, vượt cả các tượng phật ở Núi Bà Đen và chùa Linh Ẩn Đà Lạt.


Kèm theo những tấm hình là những giòng thơ nhật ký:

Giữa đêm Trăng…

Tôi đang ngồi yên lặng lắng tai nghe.
Trước Sinh mệnh đất nước trong những ngày Quốc Sự.
Thầy tôi bảo.. Trong giờ rao giảng.
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Dân tộc Việt Nam vạn trái tim một con đường chân lý...
Bao con người vì bảo vệ giang san
Đã đổ máu vì phồn sinh cho dân tộc
Tôi chỉ biết đêm ngày chăm chỉ học
Mong sau này nối bước gót Tiền Nhân
Tôi chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân nước Việt là một dân hùng kiệt
Nhìn trăng lên..
Trên non cao làng mạc ruộng đồng quê...
Tôi đang ngồi giữa yên lặng bốn bề
Ánh bình minh chói rọi …tọa lạc giữa mai hè
Qua ngọn cành cây, cảnh Thiền Môn đượm màu êm dịu …
Con đang ngồi nhìn dòng nước sóng cuộn giữa lòng sông. …
Cảnh vậy…. lòng con cũng vậy.
Con xin kể để Mẹ được an tâm
Chiều hôm nay hoàng hôn sắp buông xuống
Ánh trăng lên theo vũ trụ xoay vần
Đưa thân con đến …bước đường neo bờ bến
Thuyền may mắn đưa con về cửa Phước Môn
Giờ đây con biết Mẹ đang ngóng đợi đứa con yêu.
Với trăm ngàn nhung nhớ .. Vì con không sống bên cạnh Mẫu Tử, tình thân.
Lánh cuộc đời muôn vạn cảnh Thiền Gia
Cúi xin lòng mong Mẹ lượng thứ tha…
Để cho con làm tròn phận sự.
Ngày mai đây con hiểu thấu giáo lý Phật Đài
Xin được cất đời con trong An Tại.
Ánh bình minh…
Mẹ luôn là mãi mãi Bóng Trăng tà …
Cha dõi bước chân con
Tấm thân con nguyện dâng trọn tháng ngày
Tròn đạo hạnh của Tâm từ Nghĩa hiếu
Vũ trụ xoay vần… cuộc đời con đã hiểu
Một hạt bụi trần .. bay vạn nẻo cũng hư không.


Ngoài việc cho tôi xem những hình ảnh ở chùa, công việc kiến trúc, hay những chuyến đi xa cùng các thân chủ, Minh Hiếu còn cho tôi xem những thú cưng khi em về nhà.

… nhưng, những cuộc đối thoại trong messenger thường hay đứt quãng bởi những chuyến đi xa của tôi hay những chuyến hành hương của Minh Hiếu.

“Cô đang dự họp Văn Bút Quốc Tế ở Thuỵ Điển. Đây là quà em mua cho cô để cô có cơ hội tặng bạn văn ở nước này!”
“Em hãnh diện về cô!”
“Còn cô luôn nhớ em. Một người đặc biệt!”


“Em đang di chuyển từ Đất nước Nepal qua Bắc Ấn và Nam Ấn.Các hành trình em đi cho em nhiều những trải nghiệm của một kiếp nhân sinh Cô xem hình họ thiêu một xác người. Như một điều cầu nguyện thay một chiếc áo mới. Cuốn sách Hành trình về Phương Đông của các nhà thám hiểm người Anh đã viết như thế nào…em đi theo nhân vật trong đó. Em được mời theo vị trí của Tu Sĩ với phái đoàn đi hành hương Nên tâm trạng của em cân bằng mọi thứ. Cô an tâm! Em luôn định tỉnh trước mọi ngữ cảnh để chọn một quyết định bình an.”

Tôi thường trầm ngâm trước những giòng chữ của em đã bày tỏ sự cố gắng vượt qua những phức tạp trong cuộc đời nhưng vẫn giữ cho mình sự bình an, chân phương thuần tịnh.

Tôi vui vì sau hơn ba mươi năm gặp lại người học trò bé nhỏ ngày xưa:

“Trong mắt cô, em cứ ngu ngơ tìm vui với vùng trời mây trôi xa thẳm! Thảo nào mà Me Nhơn em luôn dành cho em sự thương quý đặc biệt. Có học trò thông minh và tài hoa như em thật hãnh diện!”
“Chỉ có cải trang để tha hồ cười vui với cô!”
“Cô thích chữ cải trang của em! Dễ thương lắm, thật tình không biết nói sao vì cô chỉ dạy em vài tháng trong khi sự thành công của em, tất cả là do em cho nên không thể nói là không tự hào khi có học trò như em. Kiến thức của em nhiều hơn cô nhiều…Vậy bây giờ cô gọi em bằng gì?”
“Cô gọi em là đứa học trò siêu quậy”
“Đâu được ‘phạm thượng’ như vậy! Mà… em ‘quậy’ thiệt đó Minh Hiếu! Khi không đi tu làm khổ người khác!”
“Có những vai diễn ở cuộc đời, để một mai bên kia Hoàng Tuyền ta tan biến, cũng đã từng vui theo gió với nắng mưa.”


“Cô thương kính, em thật xin lỗi gửi đến Cô lời chúc ngày nhà giáo muộn, kính chúc Cô nhiều sức khỏe,hạnh phúc,và niềm vui thật trọn vẹn trong các vị trí mà cô đang đảm nhiệm. Em tin rằng Cô luôn làm tốt và rất nhiều tâm huyết khi sứ mệnh của Cô được Phật Trời Gia Độ.”
Nhưng, những tin nhắn thưa dần với những giòng chữ vội vã:

“Dạ thưa cô, em đang ở Quảng ngãi.”
“Tháng 5 em về Thái Lan.”
“Chúc cô luôn mạnh khỏe, an vui. Lịch MH di chuyển các tỉnh Hậu Giang, Tây Ninh, Sài Gòn, Đà Lạt, Quảng Ngãi.MH đi cùng với quý Ni Sư,Viện Chủ..!”
“Em đã vào máy bay. Cô bảo trọng sức khỏe nha Cô!”
“Cô đón Tết có vui không? Em đang ở Pháp …”
“…em về NT đón Tết với gia đình và tuần sau em về Thái.”

Cuối tháng sáu 2023, hãng máy bay Nhật thông báo tôi và con trai phải sử dụng vé máy bay mua trong thời gian đại dịch COVID; nếu không, hai vé sẽ hết hạn và không thể sử dụng được nữa. Lấy vé xong, tôi rất buồn vì đáng ra tôi đưa con trai đầu về thăm ngoại khi ngoại còn sống. Bây giờ mẹ qua đời, tôi không còn cảm thấy ý nghĩa gì. Tôi không định đi chơi đâu khi về Việt Nam. Tôi nhắn cho Minh Hiếu biết ngày về dù tôi không chắc chắn sẽ có dịp gặp lại vì tôi biết Minh Hiếu rất bận rộn với chuyến bay đi trong nước và ngoài nước. Thế nhưng, Minh Hiếu đã tạo cho tôi bất ngờ là em đã bay từ Thái Lan về Việt Nam.


Tôi đã có nhiều kỷ niệm thật đáng nhớ trong căn nhà màu tím với những giàn hoa giấy tươi vui đón chờ của Minh Hiếu.
Nhớ lại những lời khen ngợi của chị Nhơn, và những sự quý mến của thân chủ dành cho Minh Hiếu, tôi nói:
“Cô thấy em đối tốt với nhiều người thì nhiều người thương em. Vô hình chung, em tạo một vòng tròn thương yêu và khóa chặt mình trong đó!”
“Em không khóa mình vì em chọn con đường giải thoát. Kể cả mái tóc cũng buông…Cô yên tâm về em nhé!”

Tôi đã lặng người vì câu nói này rồi cảm thấy:

“Cuối cùng chỉ có giàn bông giấy cùng em làm bạn. Em treo hết những trái tim lên cành bông giấy cho người say nắng ở đó ngắm chơi.”

Xâu chuỗi những gì đã nghe trước đây về loài hoa này, tôi chợt nhớ câu ví von của Minh Hiếu về ba trái tim hợp nhau lại của hoa giấy. Phải chăng ba cánh trái tim mong manh và mềm mại nhưng kiên trì, vững chắc của hoa giấy là biểu tượng tình yêu bền vững, sự thuỷ chung kiên cường trước cái nắng cháy trời và trước bão táp mưa sa. Phải chăng các giàn hoa giấy trong căn nhà màu Tím mang ý nghĩa của tình Người đã cùng bên em sâu đậm.Sự khẳng định và lòng chung thuỷ hình như là hai yếu tố tạo nên sự vững chắc của tình yêu thương. Nhưng, yêu thương ai và ai là người được yêu thương là câu hỏi mà tôi không tìm được câu trả lời thỏa đáng.

Tôi nhận được những tấm ảnh Minh Hiếu đã đón Me Nhơn trở về ngôi nhà màu Tím món quà thật hạnh phúc cho ngày gặp lại..Tết 2024.

Những hành trình trên quả cầu địa lý em đã đi từ Bắc Băng Dương, qua Ấn Độ Dương…trở về Thái Bình Dương …Đại Tây Dương…là con đường em đang đi…


Riêng tôi, tôi đã hạnh phúc vì gặp lại người học trò bé nhỏ ngày xưa tại quê nhà với những duyên lành đầy thú vị được kết nối từ chị Phan Nhơn. Sau bao nhiêu năm xa cách, nay gặp lại, tôi học Minh Hiếu rất nhiều điều. Trong biển học mênh mông của đời người, vị trí thầy trò có lúc hoán đổi nhưng sự tương kính và thương yêu luôn quan trọng trong mối quan hệ này. Mỗi lần nhớ lời Minh Hiếu: “Trên con đường cao tốc của cuộc đời cầu chúc cho mọi người tìm được hạnh phúc của mình từ gương chiếu hậu.” tôi thường thầm cầu nguyện “Thương chúc em luôn an vui trên đường Phật sự và tu tập.”

Cung Thị Lan


Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Đà Lạt Kỷ Niệm - Lời Và Nhạc: Nguyên Bích - Ca Sĩ:Lê Bảo


Lời Và Nhạc: Nguyên Bích
Ca Sĩ:Lê Bảo

Ta Về Vui Sớm Trưa

 

Bóng chiều nghiêng nhịp gió
Giữa mây ngàn muôn phương
Ta chiều theo nhịp gió
Từng bước chiều dâng hương.
Lao xao niềm vui khổ
Đời lắm chuyện đầy vơi.
Biển mênh mông sóng vỗ,
Lòng mênh mông tình đời.
Có chi sầu cát bụi
Huyền ảo giữa hoang sơ.
Đời dẫu bao dong ruỗi,
Trăng vẫn sáng sương bờ.
Giữa nụ cười mộng ảo
Hoa vẫn nở vườn xưa.
Giũa dòng đời mộng ảo,
Ta về vui sớm trưa.

South Dakota, 11/2020.
Mặc Phương Tử

Chữ Tình - Lạnh Gió Đông


Chữ Tình

Tạc chữ tình ươm thắm dáng hoa
Hương đưa dìu diu gót ngọc ngà
Gió loạn mơn man làn tóc rối
Lòng riêng ai biết chỉ riêng ta

Đi tìm hư ảo thắp nến hồng
Gợi lòng dao động gợi hoài mong
Tìm nơi quen lối sao xa lạ
Thơ thẩn theo dòng chật phố đông

Kim Phượng
***
Thơ Cảm Tác:

Lạnh Gió Đông

Cứ ngỡ tình mình thắm sắc hoa
Nhìn nhau tha thiết dáng ngọc ngà
Gió thoảng tóc em mơn trên trán
Như sợi tơi tình vương vấn ta!

Hạnh phúc làm sao thắp nến hồng
Tưởng rằng đã cạn nỗi hoài mong
Giờ đây sao lại mình xa lạ
Khiến cõi lòng Anh lạnh gió đông

Hàn Thiên Lương
16-2 -2024


Bỗng Dưng Lại Nhớ Sông Hàn

 
(Tranh vẽ: Tuyết Phan)

Hôm qua sương phủ hồn thơ
Đất trời trải mộng trăng mơ nhạt vàng
Màn đêm mắc võng địa đàng
Ầu ơ như có tiếng Chàng gọi ta

Đêm Thu bóng ngả dương tà
Cỏ cây chết lặng mình ta giữa trời
Hồn thơ một góc chơi vơi
Bóng đêm phủ xuống buông lơi gót hài

Bỗng dưng lại nhớ Sông Hàn
Những chiều tắt nắng thu tàn lướt qua
Sang sông đón chuyến phà xa
Hỡi người sao nỡ bỏ ta một mình ?!

Ầu ơ ... con nước tràn biên
Khuyên kêu Sáo gọi triền miên u sầu
Lỡ thương như chỉ kim khâu
Như cau bổ miếng với trầu hương cay!


Tuyết Phan 
28-01-2024.


Biển Cũng Chia Đôi


(Cảm tác theo: “Biển chia đôi, tại Hàn Quốc”)

Chắc gì có tình yêu suốt đời?
Như anh đã hứa hẹn với tôi,
Những điều không thể còn có thể,
Vì biển cũng có lúc chia đôi.
Tôi nghe như một chuyện diệu kỳ,
Giữa biển xuất hiện một đường đi,
Dù chỉ một vài giờ ngắn ngủi,
Nối đảo này liền với đảo kia.

Vẫn biết rằng biển sóng mịt mù,
Kiếp người mong manh, thật phù du,
Sóng vào bờ cuốn trôi tất cả,
Vật chất, con người vào thiên thu.

Nhưng người ta vẫn lấn biển khơi,
Kiếm thêm từng tấc đất nhỏ nhoi,
Vẫn chặn lại từng cơn sóng dữ,
Tình biển và tình đất không nguôi.

Biển rộng muôn đời xanh mênh mông,
Có thuyền nào đi hết biển không?
Ai dám mơ con đường rẽ biển?
Chia làm hai: bến đợi, bến mong.

Thì chẳng mơ gì chuyện tình yêu,
Như lời anh hứa sẽ dài lâu,
Trăm năm tình chỉ là cơn gío,
Ai biết gío đi đâu? về đâu?

Tình đẹp cũng có thể chia phôi,
Như trời mưa, nắng. Chỉ thế thôi,
Lòng người thì sâu xa như biển,
Mà biển cũng có lúc chia đôi.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tết Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam tại Paris


Ngày chủ nhật 18/2 vừa qua, Tổng Hội Sinh Viên VN tại Paris đã tổ chức long trọng lễ hội Tết được đông đảo người Việt lẫn người Pháp đến tham dự. Chương trình bắt đầu từ 11 giờ sáng với các gian hàng triển lãm, ăn uống và 2 giờ trưa là phần văn nghệ do ba thế hệ sinh viên đảm trách.

Năm nay cũng kỷ niệm 60 năm Tổng Hội Sinh Viên VN tại Paris được thành lập. Từ năm 1964, nhóm sinh viên VNCH đã hợp tác với nhau trong tình thân ái cũng như đã đoàn kết để đối đầu với nhóm sinh viên thân cộng của CS Hà Nội. Có khi phải tranh đấu chống lại kể cả phải đánh nhau với nhóm ấy. Từ ngày thành lập đến nay đã có 30 Chủ Tịch Tổng Hội được bầu, lúc ban đầu là mỗi năm, sau đó mỗi 2 năm. Có người được bầu nhiều lần liên tiếp. Một vị Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên nổi tiếng là anh hùng Trần văn Bá, anh được bầu vào năm 1975-1977 và sau đó vào năm 1978-1980.

Hơn 1000 người đến tham dự, buổi sáng là thăm viếng các gian hàng sau đó là ăn uống với các quầy ẩm thực. Buổi trưa từ 2 giờ là chương trình văn nghệ. Hội trường không còn ghế trống, vé bán hết từ cả tháng trước. Giá vé từ 18 đến 33€. Theo Ban Tổ Chức, có 120 người không mua được vé, xin chờ trên danh sách, nếu có ai không đi giờ chót thì họ sẵn sàng lấy chỗ. Một sự thành công đáng khen ngợi.
Phần văn nghệ kéo dài hơn 3 giờ. Mở đầu là phần chào cờ với bài Quốc Ca "Nầy công dân ơi…”


Màn ca múa của các sinh viên trẻ.
Màn hoạt cảnh Hội Nghị Diên Hồng
Còn nhiều màn lắm nhưng khuôn khổ của bài viết này không cho phép nêu lên hết.

60 năm thành lập với 3 thế hệ hiện diện trên sân khấu được khán giả hoan nghênh nhiệt liệt. Ngọn lửa tranh đấu giữa cha anh tiếp tục chuyền cho đàn em. Tinh thần chống Cộng không thay đổi, không sờn lòng từ 60 năm qua.


Hiện nay, các cộng đồng người Việt khắp nơi đều bị nhóm CS xâm nhập, lấn chiếm… nhưng Tổng Hội Sinh Viên VN tại Paris là một thành trì chống Cộng. Nhóm sinh viên trẻ tiếp tục truyền thống của thế hệ trước vươn cao ngọn cờ vàng ba sọc đỏ, vững chắc không lay chuyển. Thật hãnh diện và đáng khâm phục.

Thanh Vân tường thuật
Paris, 21/2/2024
 

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

Thơ Tranh: Hương Cố Nhân - Kim Phượng

 
(Thương tặng Sáu 22.2.2024)

Thơ: Kim Phượng
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhớ Nụ Cười –Thơ: Lê Phạm Dĩnh Nhạc: Văn Duy Tùng Ca sĩ: Lê Vũ Phương


Thơ: Lê Phạm Dĩnh 
Nhạc: Văn Duy Tùng 
Ca sĩ: Lê Vũ Phương 
Thực Hiện: Trúc Tiên

Hoa Vàng Tháng Giêng

    
  (Ảnh: Kim Phượng)

Hoa vàng lắm tháng giêng ơi!
Mà sao em đã đi đâu mất rồi
Tháng giêng mở cửa đất trời
Vẫn không tìm thấy được người tôi yêu...!

Thanh Chau


Áo Dài Em Bóng Quê Nhà

 

Tha phương lận đận Tết gần kề
Em mặc Áo Dài thương hướng quê
Màu lụa Tân Châu thơm lúa chín
Sắc hoa Phượng Vỹ nhớ Hè về
Bãi trường bịn rịn... bờ môi mộng
Xa lớp bâng khuâng... mái tóc thề
Gío lộng tà bay lòng khắc khoải
Cửu Long sông nhớ sóng lê thê...!!

Nguyễn Minh Thanh

Xuân Tha Hương

 
Lại một mùa Xuân đến nữa đây
Xa xa én liện cuối chân mây
Mai, đào khoe sắc đua nhau nở
Đàn bướm đủ màu rập rợn bay.

Người người ai cũng đón mừng Xuân
Riêng tôi buồn cảnh sống tha hương
Nhớ những Xuân xưa trên quê Mẹ
Chợt nghe lòng xúc động bâng khuâng.

Hoa Đô(Lockwood House)
Trần Công/Lão Mã Sơn

Cảm Tác: Một Lần Xuân

 

Một Lần Xuân

Một lần tim gõ nhịp sai
Tiếng lòng thầm gọi tên ai dịu dàng
Hồn bay phách cũng đi hoang
Mùa xuân vĩnh cửu thênh thang đất trời
Mắt trong bóng mắt hình soi
Nụ tình chớm nở hương đời bên nhau

Một lần xuân tận xót đau
Cánh hoa tan tác dìm sâu biển trời
Tiếng lòng than thở trăng lơi
Hồn tan phách cũng trùng khơi mịt mù
Mùa xuân vĩnh cửu âm u
Mắt vời tìm bóng thiên thu võ vàng

Một lần thuyền bến lỡ làng
Đêm thâu vằng vặc canh tàn trăng di
Mắt sầu mắt lệ ướt mi
Hồn phách đôi ngã phân ly nghìn trùng
Mùa xuân vĩnh cửu mông lung…
Tìm trăng trăng khuất tận cùng nỗi đau.


Kim Oanh
Xuân 2024

Cảm Tác: Một Lần Xuân

Niềm vui nào đến dập dồn đâu
Hãy khắc vào tim cái buổi đầu
Như một lần yêu luôn bám sát
Thể ngàn nỗi nhớ sẽ ghim sâu
Đợi mùa xuân chín thơm thanh khiết
Chờ ánh dương lên rực nhiệm mầu
Của sự mến thương không giả dối,
Cho mình gắn bó mãi bên nhau.

Thái Huy 
Feb/19/24

Lễ Tro Và Mùa Chay Thánh

 

Lễ Tro Và Mùa Chay Thánh

Ge 2:12-18; 2Cr 5:20—6:2; Mt 6:1-6, 16-18
 Dưới đây là bài suy niệm qua những học hỏi nghiên cứu trong Kinh Thánh và Giáo lý của Giáo Hội, sách vở và suy tư rồi chia sẻ lại với những ai ưa thích, hoàn toàn không phải là bài giảng như của một linh mục hay chức quyền. 

     Vào ngày Lễ Tro, linh mục lấy tro làm dấu thánh giá trên trán giáo dân. Tro là dấu hiệu cho biết con người vì phạm tội nên bị Chúa phạt phải chết, “ Ngươi là tro bụi sẽ trở về với tro bụi” (St 3:19). Tro là biểu hiệu của tàn phai chóng qua, cho thấy đời người là phù du và giả dối. Nếu nghĩ đến một đời sống vĩnh cửu thì chúng ta là Kito hữu phải lo chuẩn bị để có được đời sống đó là chủ đích của con người mà Chúa Kito đã khuyên dạy. Giáo Hội lập ra Mùa Chay là cơ hội để cho chúng ta thực thi những điều Chúa dạy và Giáo Hội truyền. Lễ tro là khởi đầu bước vào hành trình mùa chay thánh, năm nay nhằm ngày thứ tư sau Chúa Nhật VI thường niên. Vậy, là Kito hữu chúng ta phải sống Lễ Tro và Mùa Chay thánh thế nào?

     *Bài đọc 1 (Joel 2:12-18) kêu gọi chúng ta canh tân niềm tin vào Kinh Thánh và coi lại nhũng hành vị tôn giáo đạo đức mà chúng ta đã sao lãng trong quá khứ. Tiên tri Joel đã nêu rõ mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa như là trung tâm điểm của niềm tin kinh thánh, và nhấn mạnh là chúng ta phải đầu tư vào tình liên đới đó với hết tâm trí mình. Câu  nói “với hết tâm trí mình” là diễn tả một căn bản niềm tin vào kinh thánh như lời kêu gọi nói trong sách đệ nhị luật 6:4-5. Mose đã nhắc lại mười điều răn của Thiên Chúa, thúc dục dân Israel “Hãy nghe đây (shema), hỡi Israel! Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu  mến Chúa hết lòng hết tâm trí mình.” Giống như những người Do Thái đạo đức hiện nay vẫn luôn luôn đọc hàng ngày nhiều lần lời nguyện này,  Chúa Giêsu đã nhắc lại lời cầu xin này khi được yêu cầu xác định giới luật quan trọng nhất của điều răn thứ nhất do Thiên Chúa ban ra được ghi trong sách Torah (coi Mc 12:28-30). Từ viễn tượng kinh thánh đó, yêu Chúa với  hết tâm hồn hết trí khôn không đơn giản chỉ là một tình yêu do cảm súc nhất thời, nó phải có chủ ý lâu bền vì trong Kinh Thánh, đặc biệt Cựu Ước, danh từ “tâm hồn” có ý chỉ là trí khôn. Vậy chúng ta nên hiểu là khi ngôn sứ joel kêu gọi chúng ta canh tân tình yêu Chúa của chúng ta thì phải hiểu theo nghĩa như vậy. Ngôn sứ Joel kêu gọi chúng ta yêu Chúa với hết tâm hồn và trí khôn của con người chúng ta. Hành động như vậy vì Thiên Chúa đã luôn luôn và sẵn sàng ban ra tràn đầy ân sủng và lòng thương sót cho chúng ta. Bản dịch tiếng Việt của chúng ta là “ Yêu Chúa với hết tâm hồn và hết trí khôn” quả là chính xác và đắc địa.

     Chăm chú vào lời kêu gọi với hết tâm hồn, Ngôn sứ Joel đã biến đổi kiểu thực hành tôn giáo cổ truyền thành: chay tịnh, hành xác, khóc than, dâng lễ vật và tụ họp dân Chúa để cùng nhau cầu nguyện. Tất cả những tâm tư tác động đó có mục đích quay trở lại về với Thiên Chúa. Ý niệm căn bản quay về với Chúa đôi khi bị hiểu sai lạc cho là muốn Thiên Chúa bớt đi tình thương sót đối với chúng ta và thực hành nhiều hơn nữa để biến đổi tâm hồn chúng ta, trong khi Chúa vẫn luôn luôn thương sót chúng ta. Thực hành ăn năn thống hối như ngôn sứ Joel đã nhắc nhở và những điều chúng ta học biết được trong Mùa chay thánh sẽ giúp chúng ta hiểu rõ được cuộc khổ nạn không ngừng và bất biến của Thiên Chúa cho chúng ta.

     *Thánh Phaolo và bạn đồng hành là Timothy, trong bài đọc 2 (2Cr 5:20--6:2), khi tuyên xưng mình là “sứ giả” của Thiên Chúa, các ông đã xác định sứ điệp các ông đưa ra là từ Thiên Chúa, không phải do các ông. Sứ điệp này kêu gọi chúng ta phải lớn lên trong hiểu biết về những việc mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta qua Chúa Kito. Sứ điệp gồm có những yếu tố bất giệt từ muôn thuở kêu gọi người Kito hữu trước nhất là “phải hòa giải với Thiên Chúa.” Ở đây có cái hay là trong tiếng Hy Lạp nguyên thủy lại ở thể mệnh lệnh thụ động. Cấu trúc văn phạm này -phân tích ra cho biết- mệnh lệnh “phải hòa giải với Thiên Chúa” là để cho Thiên Chúa hành động trên chúng ta. Nói cách khác, việc hòa giải của chúng ta với Thiên Chúa -vào mùa chay- bắt đầu là việc Thiên Chúa làm cho chúng ta và vì chúng ta. Thiên Chúa đã kích động chu trình hòa giải đó. Phần chúng ta là biểu lộ những đáp ứng dồi dào và quảng đại với Thiên Chúa để chứng tỏ hiểu biết và nhận ra hồng ân Thiên Chúa bằng việc làm trong cuộc sống của chúng ta.

     Để giúp chúng ta thêm hiểu biết và ý thức được hồng ân đó, thánh Phaolo đã tóm lược điều mà Thiên Chúa đã làm nơi Chúa Kito: đấng vô tội trở thành người có tội. Phaolo đã không nói rõ cái mấu nối kết giữa chúng ta với Thiên Chúa nhưng chúng ta phải nhận ra là vì Chúa Kito trở thành kẻ có tội nên Người đã để tội của chúng ta cho chết trên thập giá. Vì vậy thánh Phaolo đã cho chúng ta thấy là Chúa Kito đã ban cho chúng ta một đặc quyền cảm nghiệm hay đúng hơn một tình trạng về Thiên Chúa ngoài sự tưởng tượng của chúng ta. Trong Chúa Kito, chúng ta có thể  tuyên xưng là cộng sự viên với Thiên Chúa và biểu hiện sự công chính của Người ở trần gian. Qua những nhận xét này, Phaolo còn nhắc khéo chúng ta là phải nhận rõ tình trạng của chúng ta. Chúng ta chẳng có công trạng gì. Ngài khuyên chúng ta đừng nhận ơn Thiên Chúa một cách vô hiệu mà không sinh ra hoa trái kết quả gì. Danh từ ‘vô hiệu’ mà thánh Phalo dùng ở đây là dư âm của truyền thống khôn ngoan Kinh Thánh, nó đã cho ngài cơ hội để nói lên một lần nữa sự thật muôn đời của người Kito hữu: Nó luôn luôn là cơ hội để nhận ra thời giờ cứu chuộc đã đến. Và vì vậy, chúng ta đang bước vào MÙA CHAY. Chúng ta nhận ra những việc mà Thiên Chúa đã làm và còn tiếp tục làm cho chúng ta trong Chúa Kito, và chúng ta đáp ứng lại trong mến yêu đa tạ.

     *Sứ điệp của chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay (Mt 6:1-6, 16-18) giống như trong bài đọc 1 có hai nhắc nhở trong việc thi hành cử chỉ đạo đức, là bên trong và bên ngoài. Nói với các môn đệ về những thực hành đạo đức, chúa Giêsu đã làm sáng tỏ về ba hành động “bác ái, cầu nguyện và ăn chay” là những thí dụ điển hình. Là nòng cốt của mùa chay, những thực hành cổ truyền này thúc dục chúng ta hòa giải và canh tân sự công chính và công bằng (trả nợ Thiên Chúa và những người anh em mà ta còn mắc nợ). Như khi chúng ta làm phúc, làm việc bác ái, chúng ta nên nghĩ lại những điều mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta còn nhiều hơn việc chúng ta làm cho người khác, cả về vật chất thể xác lẫn tinh thần. Đừng nghĩ đến những tham lam khác như danh vọng tiếng khen. Hãy canh tân trách nhiệm hầu chia sẻ nguồn lợi của  mình, để sau cùng thành những quản gia tốt hơn của những phần thưởng mà chúng ta đang có. Nói rộng ra những của bố thí sẽ khuyến khích canh tân công bằng công lý đối với những người chung quanh chúng ta, đặc biệt những người cần thiết nhất. Cầu nguyện làm sống lại và canh tân những tận tụy hy sinh của chúng ta cho Thiên Chúa và có thể cho chúng ta cảm nghiệm được có sự hòa giải với Thiên Chúa trong bí tích giải tội. Ăn chay hãm mình một khi được thực hiện trong tinh thần tu đức sẽ nhắc nhở chúng ta nhớ dến nỗi khốn khổ của kiếp người và sau cùng phải lệ thuôc vào Thiên Chúa. Như vậy nó sẽ giúp chúng ta tái ổn định những ưu tiên của chúng ta và rồi canh tân sự công chính và công bằng giữa chúng ta với nhau và con người với nhau để chúng ta có thể có tình liên kết thực sự với Thiên Chúa.

     Tuy nhiên, đối với tất cả những việc thiện như làm phúc, cầu nguyện và ăn chay hãm mình (hay bất cứ môt hành động linh thao nào khác) có thể mang lại thì vẫn bó buộc phải có một cam kết sâu sa hơn về những hành động đạo đức ấy; nó cũng là một đòi hỏi cần phải chuyên chú đặc biệt ngay lập tức đi theo. Chúa Giêsu đã nhắc nhở chúng ta là, nếu không có nhận thức sâu sắc và sáng suốt đúng mức này, thì hành động đạo đức đó có thể  bị coi như có một mục đích khác với những lý do sai lạc. Những thôi thúc sai lạc này làm giảm giá trị và mục đích của những hành động đạo đức có tính linh thao ấy và khiến chúng ta chú ý quá mức không hợp lý đến những hành động đạo đức đó của chúng ta thay vì dẫn đưa những người khác đến với Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện cũng vậy. Cầu nguyện là nói chuyện riêng với Thiên Chúa, là tâm tình với Thiên Chúa, là bày tỏ tâm tư mình và cầu xin lòng thương sót Chúa ban cho chúng ta những điều cần thiết đẹp lòng Chúa; chúng ta chẳng nên khoe khoang tỏ lộ cho những người khác thấy là mình đạo đức. Hành động khoe khoang như vậy tự nó đã làm giảm giá trị của cầu nguyện, chưa chắc đã được Chúa nhận lời. Toa thuốc của Chúa Giêsu là thực thi hành động đạo đức trong khiêm tốn không khoe khoang ra ngoài, không gây ồn ào chú ý. Vậy bất cứ một hành động có tính linh thao đạo đức nào đươc thực hiện trong mùa chay thánh này phải theo chỉ dẫn của chúa Giêsu: Việc làm của chúng ta sẽ có thể biến đổi sự sắp đặt nội tâm của chúng ta để không còn ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà luôn luôn hướng về Thiên Chúa.

Lời nguyện:

     Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con -nhờ việc giữ chay tịnh hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện trong mùa chay thánh này- được gia nhập trong hàng ngũ chiến đấu của Chúa, để nhờ đó có thể đương đầu với mọi mưu mô của tà thần. Nhờ Đức Kito, Con Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần làm một Thiên Chúa duy nhất đến muôn đời.  Amen. 

Fleming Island, Florida
Ngày 9 tháng 2 năm 2024
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD


Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

Cung Chúc Tân Xuân - Thơ: Phan Khâm - Thư Họa: Vũ Hối

 



Mùa Xuân Và Mẹ

 

Thức giấc giữa khuya ôm nỗi nhớ
Trông về quê Mẹ lệ sầu tuôn
Chiều Xuân ấm áp chiều thơ dại
Tiếc nhớ lòng con chất ngất buồn!

Chuông vọng giao thừa đêm quạnh vắng
Chợt nghe xao xuyến buổi đông tàn
Những chiều lặng lẽ hồn se thắt
Đất lạ quê xa, cảnh phụ phàng!

Hạt muối thăng trầm, ơn của Mẹ
Thay Cha vất vả đêm ngày lo
Thăm con “Tù binh” đau lòng lắm
Con biết Mẹ buồn chẳng nói ra!

Mấy chục năm dài xa tuổi Mẹ
Cuộc đời dâu bể chẳng còn Cha
Nay no đủ không còn Cha Mẹ
Ơn Mẹ chưa đền lệ xót xa

Tị nạn xứ Người chăn nệm ấm
Mà sao buồn tủi bước bơ vơ
Chiều 30 lòng cô đơn quá
Hoang lạnh trong con mắt lệ mờ

Con chẳng thiết chi ngày tháng nữa
Một đời tẻ nhạt còn gì vương?
Mặc ai tô điểm đời hư ảo
Thương mảnh hồn đơn, lạnh bước đường!

Mặc Khách


Xuân Và Én Nhỏ

Một con Én nhỏ khó mang Xuân
Cầu núi sông thiêng rót Phước phần.
Mẫn thế nhói đau lòng kẻ sĩ
Ưu thời tuôn xót lệ thi nhân.
Tài không chuyển thế, già mòn phận
Lực bất tòng tâm, lão mỏi gân.
Vẫn ước quê hương ngày quốc thái
Tân niên cảm khái viết dăm vần!


Duy Anh
02/19/2024

Nỗi Buồn Xa Xứ

  

Bâng khuâng đón cái tết xa nhà
Đối ẩm giao thừa ta với ta
Nỗi nhớ quê xưa tâm chửa nhạt
Lòng thương bạn cũ trí chưa nhòa
Thu qua mấy độ, phong thay lá
Xuân lại bao mùa, đào nở hoa
Mà vẫn còn đây đời lữ thứ
Thêm năm thêm tuổi chỉ thêm già


Nhất Hùng

Cô Học Trò Trường Cũ

 

Tình cờ chạm bóng hình năm tháng
cô học trò trường cũ ngày xưa
hàng bạch đàn mùa hoa trắng nở
in dáng gầy sách vỡ cầm tay

Lớp học chiều mưa bay cửa sổ
chiếc áo ngồi cũ thấm bờ vai
từng dãy ghế hương mùi con gái
tiếng chim về gọi mấy bờ cây

Ngước mắt nhìn tuổi thôi mười tám
ước mơ nào gửi phấn mực xanh
có đôi lúc cúi đầu tự hỏi
chữ viết mau nào phải của mình..!?

Để nhiều năm, nhiều năm sau nữa
cô học trò bỏ lại sau lưng
con đò nhỏ bến bờ mãi đợi
khách qua sông con nước cũng buồn...

Chợt có lúc người qua trường cũ
tìm loanh quanh mấy dãy hành lang
chỉ thấy bóng thời gian theo nắng
về đâu đây từng nỗi muộn màng

Dòng đời chảy không lần trở lại
cô học trò ngồi đó đôi mươi
đôi mắt vẫn bâng khuâng như thể
cuộc trăm năm qua giữa giờ chơi

Cô học trò trường cũ tôi ơi..!

Durham, North Carolina
Nguyễn Vĩnh Long

 

Giao Bôi Môi Mộng Hồng Ân Giao Thừa

 

Tầm xuân tân xuân hoài xuân
Hoa tiên hoa mộng hoa mừng hoa thơm
Gối tay gối sách gối ôm
Trăng non núi cấm sao hôm nay chờ

Bàng hoàng hôn bóng ngây thơ
Xuống câu vọng cổ lên bờ môi son
Vòng tay ru mãi không mòn
Vòng chân tình điệu lưng thon sóng đùa

Bốn mùa giao mùa mút mùa
Trăm thương ngàn nhớ ăn bùa hôn mê
Đưa đi chờ đón chở về
Chung dù chung nón má kề bướm hoa

Tiên bồng tiên du tiên nga
Thuyền trăng chèo gió hai tà áo mây
Tam sinh hữu hạnh thơm đầy
Ba sinh hương lửa lòng ngây ngất tình

Nâng bướm trắng hứng hoa quỳnh
Hương thề võng tóc xiêu đình đong đưa
Cho trăng ăn mật hoa mưa
Giao bôi môi mộng giao thừa hồng ân...


MD.01/24/24
LuânTâm
 

Ấm Áp Tình Người


 
Trong bệnh viện một ngày cuối năm
Anh lính thủy suốt đêm ngồi cạnh
Nắm tay người cha trên giường bệnh
Đang hấp hối cho đến khi ông
Nở nụ cười, thở hơi cuối cùng.
Rồi sau đó thật lòng thố lộ
Điều làm sững sờ cô y tá.
Câu chuyện tôi sẽ kể sau đây
Chuyện thật làm nhiều người mắt cay,
Nhỏ lệ, sụt sùi hay sướt mướt.
Và bây giờ, xin mời bạn đọc:
…..
Cô y tá vội bước vào phòng.
Cùng với một anh lính hải quân.
Hai người đến cạnh bên ông lão
Đang nằm im mà mắt thao láo.
Ngực ông hai vạt áo mở tung.
Khép chúng lại, đắp thêm chăn bông,
Cô y tá ghé tai ông nói:
«Cụ ơi Cụ, con trai cụ tới
Thăm Cụ đây Cụ nói gì không?”
Ông lão vẫn chẳng nói, chẳng rằng,
Nhưng đôi mắt dường như chơm chớp.
«Anh ấy đấy!» cô y tá tiếp,
“Anh lặn lội đến gặp Cụ đây!”
Ông lão chợt quờ quạng bàn tay.
Tìm bàn tay chàng trai nắm lấy.
Anh lính trẻ xúc động trông thấy
Nâng bàn tay run rẩy, khẳng khiu
Của ông lão bằng cả thương yêu
Như muốn truyền ít nhiều sinh lực
Cho con người sức cùng, lực kiệt.
Ông lão nhìn anh, mặt thẫn thờ.
Môi mấp máy mà tiếng không ra.
Cô y tá chạy qua phòng kế
Lấy và đem qua một cái ghế
Mời anh lính ngồi để cha con
Có thể tâm sự trọn thời gian
Mà họ muốn, và xin cáo lỗi
Trở về nhiệm vụ trực phiên tối.
Anh lính trẻ thức tới sáng luôn.
Cứ nắm tay ông lão không buông.
Kế cho ông vui buồn đời lính.
Anh kể có một lần suýt chết.
Hôm ấy biển động và trời rét.
Có khả năng phục kích bất ngờ.
Tầu toán anh phải đi tuần tra.
Trong lúc anh mải mê quan sát
Một cơn sóng vô cùng mãnh liệt
Đã cuốn anh văng bật khỏi tầu.
Cố vùng vẫy, nhưng chẳng bao lâu,
Anh kiệt sức, bắt đầu chìm lỉm.
Anh nói khẽ: “Con tuyệt vọng lắm.
Con nghĩ chắc mình tận mạng rồi.
Nước xộc vào mũi, con hết hơi.
Ngực nặng trĩu, gió vùi, sóng dập.
Con tự nhủ, thôi thế là hết.
Mình còn gì hối tiếc hay không.
Rồi bỗng dưng cảm thấy thong dong.
Tâm hồn con bình yên đến lạ.
Tưởng như mình sẽ gặp Thượng Đế,
Con thảnh thơi buông bỏ hoàn toàn.
Giữa lúc ấy thì bỗng đột nhiên
Một phép lạ cứu con thoát chết
Thân hình con chợt nhẹ như bấc
Và rồi trên mặt nước nổi lên.
Đồng đội con quăng phao xuống liền.
Nhờ thế mà con còn sống sót.
Thật kỳ diệu không sao kế xiết!”
Ngưng một phút, anh tiếp: “Bố ơi,
Sau đó thì con nghiệm ra rồi.
Niềm tin vào cuộc đời cộng với
Hỗ trợ mà Thượng Đế đem tới
Sẽ giúp ta vượt mọi khó khăn.
Con muốn Bố gắng giữ niềm tin
Để ngày mai cha con mình lại
Cùng được thấy nguồn hạnh phúc mới!”
Sau đó anh kể tới chuyện tình
Thật đẹp anh có mà không thành
Giữa anh và một nàng thiếu nữ
Là bạn thân từ hồi còn nhỏ
Nhưng buồn thay lúc đó chiến tranh
Đang trên đà leo thang thật nhanh
Sống cuộc đời chiến binh anh phải
Lựa chọn giữa tình yêu trai gái
Và tình yêu tối thượng quê hương.
Anh không chọn đường hướng bình thường
Mà quyết định chọn đường phục vụ
Tố quốc và quê hương , vì thế
Anh đã can đảm để người yêu
Tránh cái cảnh một sớm một chiều
Khăn tang trắng trên đầu phải đội.
Anh khuyên cô tìm tình yêu mới.
Ông lão không thể nói một lời,
Nhưng trên môi hé nở nụ cười
Và nước mẳt lăn dài trên má.
Và rồi suốt một đêm cứ thế.
Anh lính tiếp tục kể chuyện đời
Còn ông lão thở hắt từng hồi
Nhưng phảng phất nụ cười chưa mất.
Khi ánh dương lờ mờ ló mặt
Anh lính vẫn nắm chặt tay ông
Thân hình giờ đã lạnh như băng.
Cô y tá đi ngang, dừng lại
Rồi bước vào, và dịu dàng nói:
“Đã sang ngày mới rồi, thưa anh.
Bây giờ đã bắt đầu bình minh
Phòng bên cạnh có giường còn trống.
Anh có thể qua đó nằm xuống
Vài khoảnh khắc đặng đỡ mỏi lưng.”
“Dạ, xin cám ơn cô vô cùng.
Nhưng tôi muốn ngồi thêm lát nữa!”
Cô y tá: “Nếu vậy tôi sẽ…”
Và một cái ghế cô kéo thêm,
“Xin phép được cùng ngồi với anh.”
Rồi cô kể sự tình sau, trước:
“Ông cụ hết sức là cô độc
Cụ vào đây đã được năm tuần
Cơn bệnh quái ác dầy vò ông
Những cơn đau vô cùng khủng khiếp,
Khiến cho ông lúc tỉnh, lúc thiếp.
Thấy ông quá tội nghiệp, cô Thượng
Sau giờ làm việc đến thăm ông
Và được nghe lời ông tâm sự.
Ông nói đời ông đầy đau khổ
Nhưng đã được Thượng Đế ban cho
Một đứa con trai tuy gầy gò
Nhưng dũng cảm. Từ khi còn nhỏ
Đã nuôi mộng vá trời, lấp bể
Anh đam mê biển cả, trùng dương,
Nên lớn lên đăng lính hải quân
Mang mộng ước báo ơn tổ quốc.
Ông hãnh diện về anh hết sức
Nhắc đến anh rất mực hân hoan
Ông nói lâu rồi, hai cha con
Chưa gặp lại, và ông rất nhớ
Chỉ ước mong một ngày có thể
Ôm trọn anh bằng cả vòng tay.
Và hôm nay, thật may mắn thay,
Anh đã đến kịp thời, may quá!”
Anh lính trẻ thở dài thật nhẹ
Mắt rưng rưng, khe khẽ kêu lên:
“Con chúc cha ra đi bình yên!”
Vì lúc ấy thì ông lão đã
Thở hơi cuối, giã từ cõi thế.
Buồn bã, anh lính trẻ ngước lên
Nhìn cô y tá, bằng giọng rất trầm:
“Tôi không phải là con ông lão.
Chưa bao giờ tôi gặp ông cả!”
Cô y tá quá thể ngạc nhiên:
“Vậy thì tại làm sao mà anh
Lại ngồi suốt cả đêm bên ống?”
Anh lính cười buồn: “Trong cuộc sống
Có nhiều điều không tưởng, thưa cô.
Tôi từ lúc nhỏ đã mất cha.
Ông lão sắp rời xa nhân thế
Chỉ ước mong có một lần để
Gặp lại đứa con đã từ lâu
Ông mong nhớ, thì tôi làm sao
Có thể nào ngơ đi cho được.
Thật ra tôi đến đây mục đích
Là để tìm gặp một cụ già
Đang ở đây, tên William Grey,
Báo tin cậu con trai ông đã
Trong một trận Hải chiến nghiệt ngã
Hy sinh hồi tháng Bẩy vừa qua.,
Cô y tá tay ôm ngực, thở ra:
“Và Cụ đây chính là người đó!”
Anh lính: “Duyên phận mà Thượng Đế
Toàn Năng an bài đó, thưa cô!”

Bạn có thấy không, mọi duyên do
Trong cuộc sống dù to, dù nhỏ
Đều sắp đặt bởi tay Thượng Đế.
Cái đêm đặc biệt ấy đã làm
Thay đổi cả ba người hoàn toàn.
Ông lão thì cuối cùng ước nguyện
Cũng đã được hân hoan thỏa mãn.
Anh lính trẻ thì trọn một đêm
Được nắm tay một người không quen
Nhưng như là cha mình, và đã
Có cơ hội giãi bầy tâm sự
Nhắc đến những biến cố trong đời
Một đứa con mồ côi, lẻ loi.
Cô y tá xúc cảm bồi hồi
Chứng kiến một cảnh đời ý nghĩa
Chắc sẽ ngày một thêm trân quý
Nghề nghiệp mình, tận tụy hơn lên.
Và rồi đây, trong cõi xa xăm
Ngày nào đó, cha con ông lão
Sẽ đoàn tụ. Và anh lính trẻ
Cảm nhận tình yêu của người cha
Qua giây phút anh đã sẻ chia
Cùng ông lão rất là thắm thiết,
Trước khi ông bình thản, nhắm mắt.
…..
Một lần nào đó, trong suốt cuộc đời,
Tất bật này, nếu có một ai
Cần bạn, thì bạn ơi, bạn hãy
Mở rộng tấm lòng mình như vậy
Như cách mà bạn thấy ở đây
Như cách anh lính hải quân này.
Để cảm nhận bàn tay Thượng Đế,
Giá trị tình người giữa nhân thế,
Vị ngọt của chia sẻ, cảm thông.
Yêu người khác là yêu chính mình.
Bạn cho đi không cần hồi đáp
Đó chính là tình yêu đích thật!


Chẩm Tá Nhân
(phóng tác)
Mùng Một Tết Giáp Thìn
(02/10/2024)