Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

Mê Lộ - Nhạc:Nguyễn Tuấn- Tiếng Hát Quốc Duy


Thơ:Mai Trinh Đỗ Thị
Nhạc:Nguyễn Tuấn
Hòa âm: Võ Công Diên
Tiếng Hát: Quốc Duy

Thực Hiện: Đặng Hùng

Vẫn Biết



Tôi biết mùa hoa rồi sẽ tàn
Đò trôi rồi cũng sóng sang ngang
Ngọt ngào xưa trả về vườn cũ
Và lá thu qua sẽ ngả vàng

Tôi biết lòng tôi xót đã đầy
Trái tim khờ dại vẫn mây bay
Và lòng cứ mãi chờ mưa đến
Tưới mát hồn khô mát cỏ cây


Tôi biết tình em xa rất xa
Những câu hẹn ước đã về già
Giữa còm cõi cây trơ trụi lá
Vẫn mộng xuân về nhánh lộc hoa

Tôi biết rằng tôi đã dối lòng
Cầu người hạnh phúc mối tình hong
Mà lòng cứ rối như tơ nhện
Lặng lẽ trôi vào cuộc bão giông

Thôi thì chút nhớ chút thương mong
Ấp ủ qua chiều lạnh lẽo đông
Em về phương ấy chân se lạnh
Có tiếng thơ tôi rẽ bước hồng

Trầm Vân

Tình Lỡ...



Ta ở đây lâu vẫn miệt mài
Cali nắng ấm buổi ban mai
Đường xưa vắng vẻ trời mưa nhẹ
Lối cũ hoang vu đất đ dài

Tri kỷ thương hoài thân đất khách
Cố nhân nhớ mãi cõi trần ai
Vô duyên chẳng nợ âu đành phận
Bỉ cực qua rồi lại thới lai

Biết rõ lòng ta vẫn nhớ em
Tự nhiên phong kín trái tim thêm
Yêu ai tri kỷ tình bay mất
Mến bạn tri âm trái chín thèm

Nhớ lại hương thơm màu vạt nắng
Quên đi son phấn mắt môi đêm
Thương chi canh cánh mà xa lạ!
Tình lỡ muôn thu tưởng ngọt mềm...

Mai Xuân Thanh
Ngày 10 tháng 04 năm 2018

Đường Thêu Hoa Nắng - Cảm Đề Đường Thêu Hoa Nắng - Trường Cũ



Đường Thêu Hoa Nắng

Năm 69 đậu vào Đệ Thất
Ngày tựu trường. Ôi ngây ngất lòng tôi!
Mặc áo dài sao bối rối
Mẹ vui say, nút áo vội cài thay
Trong gió tà áo mới bay
Ba đèo xe, nhỏ nhẹ dạy từng lời
Đôi tay nhỏ đẫm mồ hôi
Ôm eo ba tim reo… hồi họp lạ
“ Con nhớ học chớ lo ra
Giỏi ngoan cuối năm Ba Má thưởng quà
Đừng theo bạn bè chọc phá
Tan Ba đón, Má ở nhà chờ nhe….”
"Dạ thưa Ba, con đã nghe!"

Đến cổng trường tôi xuống xe

Tay ôm cặp, lòng e dè ngượng ngập
Tiếng trống thay tim tôi đập
Sân trường xanh màu ngăn nắp hàng cây
Xoay lại nhìn Ba vẫn đấy
Nhìn tôi cười tay vẩy vẩy… thương yêu

Bớt âu lo bớt sợ đi nhiều
Tự tin bước trên đường thêu nắng sớm
Cảm giác êm đềm vừa chớm
Cô học trò Trung Học… Gớm oai ghê!
Tống Phước Hiệp đẹp say mê
Tình thứ nhất ngập đầy tim bé nhỏ.

Đã mươi năm tình vẫn đó

Ước thời gian quay lại có được không
Để nghe tim lng nhịp trống
Giờ ra chơi đón phượng hồng trong gió
"Ép tặng nhau… Nhớ nhe nhỏ!"
Ba tháng hè xa vò võ nhớ nhung

Hoài mơ  vang tiếng thùng..thùng…
Cả bọn ùa chạy… đùng.. đùng chen lấn
Thương thầy cô nhớ bảng phấn
Yêu tuổi học trò vương vấn người dưng
Tim tôi nhịp thở không ngừng
Học trò áo trắng bâng khuâng suốt đời!!!

Kim Oanh
2/2012
* Lớp 6/8 ( Đệ Thất)- Niên khoá 1969-1970
Giáo Sư hướng dẫn: Đinh Văn Quân ( Dạy Toán)
Hàng nhất từ tay trái qua phải: Kim Oanh, không rõ, Tuyết Vân, Đỗ Thu Hằng...
(nhỏ quá không nhìn rõ mặt các bạn).
Nhớ mãi ngày tựu trường 9/1969
***
Cảm Đề:
Đường Thêu Hoa Nắng của Kim Oanh

Ngủ giấc chiều đi một lèo tới tối
Trong mơ màng cứ nghĩ sớm hôm sau
Thức giấc mới 9 giờ hơn mà nghĩ gì đâu
Ra mở đèn, rửa bát và ăn tối

Vào đọc thơ Kim Oanh thêm lạc lối
Áo học trò dài trắng tợ bướm non
Đường thêu hoa nắng ý tươi ròn
Chú lính già bùi ngùi nhớ hồi mình xuân sắc

Bao năm rồi thời gian đem phấn rắc
Để giờ này đầu như tuyết trắng phủ đầy non
Đổi thành mầu óng ánh của bạch kim
Thêm mấy bệt trắng lông mày và râu cùng tầm cỡ

Nhớ câu xưa: " Xuân đi học coi người hớn hở "
Đường thêu hoa nắng lóe rộn ràng bay
Hoa học trò phượng đỏ sân trường say
Chờ với nhé đàn chim già sẽ có ngày hội tụ!

Locphuc
***
Trường Cũ

Ngôi trường đó có còn chân sáo nhỏ

Đi và về trên những lối thân quen
Áo vờn bay và tóc dài bỏ ngỏ
Nhớ em xưa mười sáu tuổi ngoan hiền

Ngôi trường đó có còn sân chơi cũ
Hàng mận cao với những buổi ôn bài
Trong trang sách mộng đời luôn ấp ủ
Bao tâm hồn mơ ước tới tương lai

Ngôi trường đó có còn khung cửa hẹp
Ông giáo già cất giọng giảng run run
Ở cuối lớp học trò chăm chỉ chép
Thầy thân yêu nay biền biệt muôn trùng

Ngôi trường đó một lần anh trở lại
Bạn bè xưa phiêu bạt bốn phương trời
Và em nữa - đã qua thời con gái
Chuyện tình đầu thôi nhé cũng phai phôi

Ngôi trường đó chỉ còn trong kỷ niệm
Cuộc bể dâu xô đẩy đến không ngờ
Thân lưu lạc, mái đầu sương tuyết điểm
Anh ngậm ngùi thương tiếc tuổi ngây thơ

Hồ Khiên
***
Khi Về Ngang Trường Cũ

Về đây với nỗi sầu đau
Nhớ khung cửa hẹp, thương màu phấn xưa
Nghe lòng hiu quạnh, buồn chưa
Tìm nơi trường cũ, còn thưa bóng người
Tôi về trong chuyến xe đời
Cơn mơ nào đã rã rời, ăn năn
Ơi người xưa của trăm năm
Dấu chân người đã mù tăm mấy trời


Cao Trung Hạ

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Giấc Mơ Trưa - Giáng Son - Thùy Chi


Sáng Tác: Giáng Son
Ca Sĩ: Thùy Chi
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình




Bến Xuân


Nhớ một chiều nào ghé bến xuân
Ðò ngang qua lại biết bao lần
Mái chèo khua nước trời phai nắng...
Gió khẻ rung rinh mấy rặng bần!

Anh xuống đò Em qua bến sông
Em cười…Anh rối cả tơ lòng
Bến xuân vương vấn hồn thi sĩ
Thành khối u tình em biết không?

Phút chốc đò ngang cập bến sông
Em cười…chẳng hẹn má em hồng
Anh đi,từ đó xa biền biệt
Nhớ mãi nụ cười: nổi ước mong!

Trở lại chiều nay nắng liệm dần
Một mình cô lẻ, đứng bâng khuâng
-Cớ sao hoang vắng đò không lại
Ðâu bóng người xưa…lạnh bến xuân!

Hàn Thiên Lương

Một Chiều



Bài Xướng:
Một Chiều


Một chiều nắng tắt phía chân mây
Lặng lẽ nhìn hoa lúc cuối ngày
Chạnh nhớ người di xa tít tắp
Thầm thương kẻ ở lại buồn thay
Tiền thân có thể là chim hạc
Hậu kiếp e chưa gặp tổ bầy
Ngó mãi nhân gian sầu cảm lụy
Chén quỳnh đã cạn vẫn chưa say

Hawthorne 18-11-2018
Cao Mỵ Nhân
***
Bài Họa:

Cạn Ngày


Chẳng vì tiếc gió với thương mây
Ta vẫn ngồi đây, đã cạn ngày
Muôn dặm từ ly vương vấn nhỉ?
Một đời lưu lạc ngậm ngùi thay!
Tang thương từ buổi cờ tan cuộc
Hạnh phúc là khi én họp bầy
Đời sẽ chan hòa vui tái ngộ
Ai người tri kỷ để cùng say?

Nguyễn Kinh Bắc
***
Ngày Buồn


Thương nhớ nhạt nhòa theo bóng mây
Mộng mơ vương vấn tự bao ngày
Yêu người hờ hững đau thương quá
Mến kẻ lạnh lùng khổ lụy thay
Hạnh phúc xa vời thân lẻ bạn
Bẽ bàng đợi sẵn kiếp xa bầy
Giấc hồ phiêu lãng không bờ bến
Chưa nhấp chén quỳnh đã thấy say

Toronto 29/3/2019
Nguyên Trần

Sự Tích Hoa Anh Đào Tại Washington DC

(Helen Staft 1909)

Sự tích Hoa Anh Đào tại Washington DC bắt đầu từ năm 1909, do lòng yêu hoa của bà Helen Staft, phu nhân của tổng thống đương nhiệm William H Staft hồi bấy giờ. 

Nhân trong một chuyến sang Nhật, bà được xem dân chúng Nhật đổ về Tokyo xem hoa Anh Đào một cách say mê. Bà nghĩ rằng lòng yêu hoa của người Nhật trong mùa hoa đào nở là nguồn hứng của những tao nhân ghi lại cái đẹp của đời sống đang trôi qua. Bà ngỏ ý muốn mua hoa về trồng. 

Qua ngả ngoại giao, ông thị trưởng thành phố Tokyo gửi sang tặng chính phủ Hoa Kỳ hơn 2,000 cây giống năm 1909, nhưng có sâu phải bỏ hết. Đến năm 1912 chính phủ Nhật gửi sang thêm 3,000 cây sau khi ươm trồng cẩn thận mới thành công. Những cây này được trồng trên một khu bờ phía bắc hồ Tidal Basin, bên tả ngạn sông Potomac. Chỉ vài năm sau cứ mỗi độ xuân về ai qua lai khu này đã thấy rừng hoa Anh Đào phơi phới trước gió đông. 

Trong số 12 loại hoa du nhập lớp sau này, du khách ngày nay chỉ còn tìm thấy hai loại chính: Yoshino có tên khoa học là Prunus Yedoensis, và Kwanzan có tên khoa học là Prunus Serrulata, và một loại thứ ba là Akebono (Rạng đông) ghép chiết từ hai loại trên kia. 

Cây Yoshino thường mọc toả rộng theo chiều ngang. Khi đã trưởng thành, có thể cao từ 30 tới 50 feet. Hoa loại cây này có năm cánh và toả hương thơm mùi hạnh nhân. Khi mới nở hoa có mầu hồng nhạt, rồi đổi ra màu trắng khi đã mãn khai. 

(Japan)

Kwanzan cũng có cánh màu hồng nhạt, nhưng cánh và đài hoa dính chùm vào nhau, hoa cũng trổ bông từng cụm. Còn Akebono trổ nụ màu hồng khi nỏ lại ra hoa màu tím nhạt. 

Mùa đào nở sớm muộn khác nhau từng năm. Mỗi năm các chuyên viên hoa thuộc sở lâm viên quan sát các nụ hoa và thời tiết để tiên đoán ngày hoa nở rộ, rồi công bố cho khách yêu hoa thập phương trẩy hội Hoa Anh Đào. Năm nay (2001) hội hoa bắt đầu từ 24 / 3 đến 8/4 dương lịch. 
Hội Hoa Anh Đào (Cherry Blosom Festival ) bên Nhật đã có từ lâu lắm. Bên Mỹ mới bất đầu từ năm 1935.

Tại Nhật, hoa anh đào tượng trưng cho tinh thần võ sĩ đao qua câu nói mà người Nhật thích có dịp kể ra, “ Nếu ai có hỏi tinh thần của một người Nhật Bản đích thực như thế nào, bạn hãy chỉ vào đoá hoa đào đang nở dưới ánh mặt trời “ (If one should inquiry you concerning the spirit of a true Japanese, point to the cherry blossom in the sun). Ai có ngờ cái tinh thần cương dũng của người kiếm sĩ SAMURAI lại thơ mộng đáng yêu đến thế! Thực chất của đường kiếm tuyệt luân, tiếng thét kinh hồn bạt vía địch thủ lại chính là để bảo vệ nâng niu vẻ yêu kiều diễm lệ và thơm nức của đóa hoa đào đang nở. 


Hội Hoa Anh Đào tại DC kéo dài hai tuần lễ với nhiều tiết mục. Các tiết mục như  thi xe hoa, nhạc diễn hành với sự tham dự của 50 Hoa hậu Tiểu Bang, các cuộc triển lãm đủ loại như phẩm phục Nhật Bản, hàng dệt Kimono; nếm rượu Sakê, các cuộc đua thuyền hoa trên sông Potomac và hồ Basin. Cuộc thi Hoa Hậu Anh Đào được rất nhiều người ưa thích. Thí sinh Hoa hậu được gửi về từ các tiểu bang và quận hạt thủ đô DC. Giây phút vui nhất là lúc tuyên bố kết quả và Hoa Hậu được trao vương miện và bước lên xe hoa để chuẩn bị diễn hành. Vương mịện Hoa Anh Đào có dát ngọc trai Mikimoto do thợ kim hoàn hoàng gia Nhật Bản nạm khắc. 
Đêm Hoa Thuyền năm ấy bắt đầu hồi 8 giờ tối ngày 8 April, có cả sự tham dự của thuyền rồng dài 36 bộ của Trung Hoa gửi sang, và các thuyền hoa đẹp nhất của Hoa Kỳ trong đó có chiếc Hoa Thuyền dài 116 bộ mà 10 vị Tổng thống gần đây đã ngự trong các cuộc lễ hội. 
Hội hoa anh đào được mở ra để mừng tình hứu nghị giữa hai dân tộc Hoa Kỳ và Nhật Bản, giữa hai nền văn hoá Mỹ và Á châu. 


Xem hoa anh đào, du khách thưởng ưa thích vùng có nhiều cây cũ..... Đến nơi trước mặt tôi là những hàng cổ thụ già, gốc to xù xì, cổ kính, cành xoè ra như những cây bonsai vĩ đại. Có những cây có cành vươn ra xa đến vài ba chục thước, ngọn sà xuống gần mặt hồ, nặng chĩu những hoa, một vài cành ít hoa nhẹ hơn đu đưa theo từng ngọn gió xuân. Cứ mỗi đợt gió thoảng lại có ít cánh hoa rời chùm bay lên cao như cánh bướm , rồi đong đưa chao đảo hạ cánh nhẹ nhàng trên mặt hồ chòng chành lơi lả. Ngoài xa, dăm ba chiếc du thuyền nhiều màu nhặt khoan xuôi ngược. Nước hồ xanh trong, phản chiếu bóng hoa, bóng người, mây trời, đền đài, dinh thự.... 

Trên bờ khách du ngoạn với y phục muôn màu chen chúc đi dưới rặng hoa, lượn vòng theo bờ hồ uốn ả. Phía bên kia bờ một toà lâu đài trắng nuột có mái vòm lồ lộ nhô lên, uy nghi mà đài trang thanh nhã. Đó là đài tưởng niệm cố tổng thống Thomas Jefferson, cha đẻ của bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ. 

Việc xây đài này có xẩy ra một câu chuyện lý thú có liên quan đến hoa Anh Đào.
Số là vào năm 1934 khi TT Roosevelt chấp thuận dự án xây đài. Vì ông rất sùng kính tổng thống Jefferson, nên theo ý ông, đài và tượng tổng thống Jefferson sẽ được kiến trúc quay mặt về hướng Toà Bạch Ốc, chính hướng ngồi của đương kim tổng thống trong văn phòng làm việc hình bầu dục. Để từ đó ông và các vị tổng thống tương lai sẽ có thể nhìn thẳng đến tượng ông Thomas Jefferson để có thể có được những cảm hứng sáng tạo và minh mẫn trong việc điều khiển quốc sự. 

(Tượng TT Thomas Jefferson)

Khi khởi công xây đài vào năm 1939, một số cây anh đào nằm trên đường thẳng nhỡn quang của tổng thống và tượng tổng thống Jefferson đã bị khai quang. 
Việc này làm cho các phu nhân trong chính phủ, trong đó có bà Roosevelt vốn yêu hoa Anh Đào nổi giận. Thế là các bà hè nhau xuống đường phản đối. Các bà còn hăm he doạ rằng nếu các ông làm quá, các bà sẽ tự xích vào các thân cây mà các ông muốn chặt bỏ. Cơn thịnh nộ của mấy bà lại được đệ nhất phu nhân cầm đầu, làm rung rinh cả toà Bạch Ốc lẫn Quốc hội Hoa Kỳ. Tiến sĩ David Fairchild thuộc tổng nha Lâm Viên (Parks and Recreations Department) bèn được chỉ thị cầu viện với chức quyền đối tác Nhật. Tức thời mấy ngàn cây Anh Đào được gửi sang thay thế đền bù. Các bà hài lòng, chia nhau đi trồng lung tung khắp nơi và ra công vun tưới. Rừng anh đào tại DC do đó cứ xanh tốt và sinh con đẻ cháu lan rộng ra mãi. Việc xây đài cũng tiến hành xuông xẻ như đã dự trù. 

Đài tưởng niệm Tổng thống Jefferon được xây trên khu đất rộng 18 mẫu, nằm trên bờ phía đông nam của hồ Tidal Basin. Đài do kiến trúc sư John Russell Pope vẽ kiểu theo các đền đài thời trung cổ La Mã (Roman Pantheon). Mái vòm ở giữa được bao quanh bằng một hàng cột chạy vòng cung. Bên trong đài là bốn bức tường. Trên mỗi bức có khắc một đoạn văn hay nhất và có ý nghĩa nhất trích từ bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Tường vách trong ngoài và mái đều xây và lợp bằng cẩm thạch trắng. Nền nhà lát bằng cẩm thạch tím. 

Giữa đài, tượng tổng thống Jefferon đứng thẳng trên một bệ cao. Tượng do nhà điêu khắc Rudolph Evans đắp khuôn, đúc bằng đồng nặng năm tấn, cao 19 feet. Vẻ mặt bình thản mà uy nghiêm, quắc thước, mặc đại triều phục thời trung cổ, nút áo phù hiệu sáng ngời. 

(Thomas Jefferon)

Tổng thống Thomas Jefferon sinh ra trong một gia đình khá giả, học trường đại học William and Mary, tốt nghiệp ngành luật; đã từng giữ các chức vu nghị sĩ và thống đốc tiểu bang Virginia, đại sứ tại Pháp rồi tổng trưởng ngoại giao dưới thời tổng thống George Washington; làm phó tổng thống cho ông Johm Adams, và đắc cử tổng thống hai nhiệm kỳ 180l – 1809. 

Ông là nhà lãnh đạo chú tâm về mặt khai trí và giải phóng con người. Ngoài bản tuyên Ngôn Độc Lập ông cũng là người sáng lập ra trường đại học Virginia và thư viện Quốc Hội, thư viện có nhiều sách nhất thế giới. Chính ông là người đã khởi đầu dự thảo đạo luật đặt việc mua bán và sử dụng nô lệ ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng phải chờ đến đời TT Abraham Lincoln và sau cuộc nội chiến Nam Bắc mới hoàn tất và áp dụng được. 

Đứng cạnh bức tượng tôi nhìn thẳng ra phía trước thấy mặt tiền toà Bạch Ốc. Ổ đó các tổng thống Hoa Kỳ đã nhìn về đây nhớ đến bộ óc khai sáng của vị tiền nhiệm bực thầy để tìm nguồn cảm hứng và sáng tạo để điều hành đất nước. 

Bỗng dưng tôi cảm thấy xao xuyến. Hôm nay, tôi là một phần tử trong bỉển người du ngoạn, có đủ chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, cội nguồn đang hít thở không khí tự do, bình đẳng, vạn vật xung quanh tôi như cũng cùng tâm sự: 
Trên tường đá, hoa của đá là những đường cong nét thẳng của vân, được đúc kết và hình thành từ ngàn vạn năm trong lòng quặng mỏ, mang âm địêu tiếng gấm, lời hoa của loài khoáng thạch. 
Trong rừng hoa tiếng chim đang líu lo giai điệu như đồng vọng cùng tiếng cựa mình của những đóa hoa đang nở , biến thiên cung bậc theo sự chuyển sắc đổi mầu của cánh. 
Trên trời bồng bềnh mây nõn, đang tụ tán theo tiếng ru của gió, thấp thóang bóng tiên mở khép xiêm y múa khúc nghê thương. 
Dưới nước, lung linh ảo bóng, trời mây, hoa lá, thực tại cảnh sắc hình hài. 

(Washington DC)

Vạn vật hiện hữu ở các thể động, thực, khoáng, khí đang giao hưởng như những tiếng tơ lòng đang đắm say vui thích với vẻ đẹp thiên nhiên không có biên giới của ngôn từ từng loại. 
Được tận hưởng một ngày hội thưởng hoa, chiêm ngoạn thắng cảnh tuyệt vời, lòng tôi lâng lâng vui thoả. Kịp nhìn ra trời đã xế chiều. Trên đương về tôi càng thấm cảm và sung sướng được hưởng hai chữ tự do. 

Tôi tri ân chính phủ Hoa Kỳ và tồng thống Thomas Jefferson, người đã có trái tim và bộ óc sáng tạo ra nền tự do dân chủ tại đất nước này, nhờ đó mà gia đình tôi và gần hai triệu đồng bảo tôi có đất dung thân và hưởng một đời sống ấm no an lạc. 

Uyên Quang
Virginia 10 April 2001.

Xuân Đán 春 旦 - Chu Văn An



春 旦

寂 寞 山 家 鎮 日 閒
竹 扉 斜 擁 護 輕 寒
碧 迷 草 色 天 如 醉
紅 濕 花 梢 露 未 乾
身 與 孤 雲 長 戀 岫
心 同 古 井 不 生 瀾
柏 薰 半 冷 茶 煙 歇
溪 鳥 一 聲 春 夢 殘
朱 文 安

Xuân Đán

Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn
Bích mê thảo sắc thiên như túy
Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can
Thân dữ cô vân trường luyến tụ
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan
Bá huân bán lãnh trà yên yết
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn

Chu Văn An (*)

Bản dịch:

Sáng Sớm Mùa Xuân


Căn nhà trên núi thật yên nhàn
Phên trúc che nghiêng, gió lạnh khan
Cỏ biếc trời mơ say đắm đuối
Hoa hồng sương đẫm mộng miên man
Mây như thân phận, hằng vương vấn
Giếng tựa tâm hồn, vốn lặng an
Bếp củi thông tàn, trà đã nguội
Chim kêu đầu suối, mộng xuân tàn.


Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

(*) Chu Văn An (1292-1370)
Tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, biệt hiệu là Linh Triệt. Quê quán ở Văn Thôn, làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàn. Nay là Thanh Trì, Hà nội. Đậu Tiến sĩ (tức Thái Học sĩ) đời vua Trần Minh Tông (1314-1340). Ông là vị Quan Văn tài giỏi, tiết tháo, nổi tiếng liêm khiết, đức độ, sung chức Tư nghiệp Quốc Tử Gíám (Thày dậy học cho Thái Tử), được phong tước Văn Trinh Công. Nên đời sau thường gọi ông là Chu Văn An. Đến đời Trần Dụ Tông (1341-1368), Ông dâng Sớ lên vua xin trảm quyết 7 tham quan nịnh thần trong triều (gọi là “Thất trảm Sớ”), vua không thuận ý, nên ông cáo lão, từ quan, lui về quê, dạy học và bốc thuốc cứu nhân độ thế, ẩn dật cuối cuộc đời. 

Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Thư Tình Mực Tím - Thơ Minh Giang - Nhạc Quốc Thái - Hòa Âm Vũ Thế Dũng Ca sĩ Quang Châu


Thơ Minh Giang
Nhạc Quốc Thái
Hòa Âm Vũ Thế Dũng
Ca sĩ Quang Châu


Hoa Loa Kèn



Trắng muốt Loa Kèn một loại hoa
Cọng xanh bông trắng nhụy vàng pha
Lá hình cánh bướm như môn nước
Đẹp nhất mùa nầy ở nước ta.

Hoa nầy xuất xứ từ Nam Mỹ
Còn có tên gọi Borrachero
Chớ dại nghịch chơi hay nếm thử
Gây mê, ảo giác chết không ngờ!

Việt Nam nhiều nhất vùng Đà Lạt
Kế tiếp là ở tỉnh Nghệ An
Mexico thường ví hơi thở quỹ
Đừng trồng, đừng vọc sẽ hưởng nhàn.

Dương hồng Thủy

* Ảnh của tác giả


Hướng Về



Ta hướng về em
Trái tim say xưa
Ta hướng về em
Mầu trắng buổi trưa hè
Tuổi trẻ
Cây bắp mới trổ lá non
Tiếng ca trời xanh
Ta hướng về em
Bình minh
Chim hót trong sương
Môi hồng
Mái tóc nhỏ thơm
Hoa vàng
Tiếng đi yêu đời bên hè
Ta hướng về em
Buổi tối suy tư
Đất nước bừng lên
Trái tim bay cao
Thẳng về tương lai
Tự do

Chân Diện Mục

Trái Tim Thi Sĩ - Lộng Giả Nàng Thơ


Bài Xướng:

Trái Tim Thi Sĩ


Trái tim thi sĩ không già
Dẫu cho trăm tuổi vẫn là tuổi thơ
Đại dương con sóng xa bờ
Sóng bao nhiêu tuổi sóng mơ bạc đầu

Thi nhân bạc tóc bạc râu
Trái tim son trẻ ngỡ hầu đôi mươi
Mơ màng Cung Quảng rong chơi
Hằng Nga đôi tám mỉm cười làm duyên

Chắp tay toạ thị tham thiền
Sen vàng lãng đãng thiên tiên la đà...
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non... 


Hồ Công Tâm
***
Bài Họa:

Lộng Giả Nàng Thơ


Càng cay gừng đấy gọi già
Thơ trăm tuổi hạc mãi là nàng thơ
Dồn dập tợ sóng vỗ bờ
Mấy vầng êm ả dệt mơ mộng đầu

Ru hồn các đấng mày râu
Hạo nhiên lộng giả vương hầu tám mươi
Thơ làm tao nhã thú chơi
Hóa thân thục nữ khóc cười thêm duyên

Đôi câu ngắn đạt ý thiền
Mượt mà như thể tóc tiên là đà
Tao nhân mặc khách sẽ già
Trái tim thi sĩ vẫn là tim non 


Kim Phượng

Độc Lão Tử 讀老子 - Bạch Cư Dị (772-846)


Theo sách vở lưu truyền, bộ Đạo Đức Kinh do Lão Tử (?) viết ,khoảng thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên, bên Tàu. Bộ kinh này gồm có 81 chương, trên dưới 5000 chữ, nói về Đạo (mặt tĩnh), Đức (mặt động) của nguồn gốc tạo vật, và học thuyết Vô Vi khuyên bảo loài người nên sống thuận theo sự sinh hoá của thiên nhiên. Bài thơ sau đây bàn về hai câu mở đầu chương 56 : "Tri giả bất ngôn / Ngôn giả bất tri ", theo ngữ nghĩa của từng chữ một: " Người biết không nói / Người nói không biết" ̣ 

Độc Lão Tử

Ngôn giả bất tri tri giả mặc
Thử ngữ ngô văn ư Lão quân
Nhược đạo Lão quân thị tri giả
Duyên hà tự trước ngũ thiên văn 

Bạch Cư Dị (772-846)

Dịch Xuôi: Người nói ra thành lời (ngôn giả) là người không hiểu biết gì về Đạo, còn người đã hiểu biết về Đạo (tri giả) thì lại lặng im vì không thể dùng lời để nói về Đạo được/ Câu này tôi đã nghe được từ Lão Tử / Nhưng như vậy nếu cho rằng Lão Tử là bậc tri giả, biết mà không nói ra đưọc / Thì duyên cớ gì Người đã phải ngồi viết ra năm ngàn chữ cho bộ Đạo Đức Kinh?

Đọc Lão Tử

Không biết mới nói, còn biết làm thinh,
Lão Tử đã nói, rành rẽ phân minh. 
Là người hiểu Đạo không nói ra được, 
Vậy ai là người viết Đạo Đức Kinh ?

Phạm Khắc Trí
Lời Thêm: Người xưa, trà dư tửu hậu ,đùa vui với chữ nghĩa, đặt câu hỏi chơi hay còn có ngụ ý gì khác để lại cho hậu thế chúng ta ̣ PKT 09/21/2018

***
Bài Dịch:

Đạo” Khó Biểu Đạt Từ Ngàn Xưa
Nếu nói nên lời “Đạo” ở đâu
Làm thinh, hiểu biết rõ hơn nhau
Ngàn xưa Lão Tử: “năm ngàn chữ”
Thông thái bộ kinh sách sở cầu
Lý luận gì đây... hà tất “biết”
Không nghe lặng lẽ...viết ngàn câu
“Bất tri” chớ thốt lời chưa thấu
“Biết” rõ, im thin thít bắt rầu!

Mai Xuân Thanh
Ngày 20/09/2018
***
Đọc Sách Lão Tử

Kẻ nói là người không biết đạo
Lặng thinh mới thật đấng thông minh
Lời ngài Lão Tử rằng như thế
Lại viết năm ngàn chữ chính kinh?

Phương Hà
***
讀老子                     Độc Lão Tử

言者不如知者默, Ngôn giả bất như tri giả mặc,
此語吾聞於老君。 Thử ngữ ngô văn ư Lão Quân. 
若道老君是知者, Nhược đạo Lão Quân thị tri giả,
緣何自著五千文? Duyên hà tự trứ ngũ thiên văn ?

白居易                     Bạch Cư Dị

2. Chú Thích:
- Độc Lão Tử: Là Đọc sách của Lão Tử viết.
- Ngôn Giả: là Người nói. Bất Như : là Không bằng. 
- Tri Giả: là Người biết. Mặc : là Trầm mặc, là im lặng.
- Thử Ngữ: là Câu nói nầy. Ngô Văn Ư : là Ta nghe ở ...
- Lão Quân: là Thái Thượng Lão Quân, tức là Lão Tử,
Ông tổ của Đạo Giáo.
- Nhược Đạo: là Nếu nói rằng, Nếu bảo rằng.
- Duyên Hà: là Duyên cớ làm sao ..., Tại làm sao ...?
- Tự Trứ: là Tự mình trứ tác, là Tự mình viết ra.

3. Nghĩa bài thơ :
Đọc Tác Phẩm của Lão Tử

" Người nói không bằng người biết mà im lặng không nói." Câu nói nầy ta nghe được ở Thái Thượng Lão Quân. Nếu bảo Thái Thượng Lão Quân là người hiểu biết, thì cớ sao ông ta còn tự tay viết nên năm ngàn chữ của quyển Đạo Đức Kinh?

Chương thứ 56 của Đạo Đức Kinh 道德經 mở đầu bằng câu : " 知者不言,言者不知 Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri " Có nghĩa: "

Người hiểu biết là người không nói, còn người hay nói là người chả biết gì ". Vì câu nói nầy mà Bạch Cư Dị làm bài thơ tứ tuyệt trên để chất vấn Lão Tử: 

Ông nói là " Người biết không nói, Người nói là người không biết ". Nếu nói ông là người biết ( thì ông phải lặng thinh ), chứ cớ sao ông lại viết ra đến 5 ngàn chữ ? ( Thế thì ông có phải là người hiểu biết chăng ?). Ý nói là : Ông nói một đàng, làm một nẻo; Nói xong rồi tự đưa tay lên vả miệng mình luôn !

4. Diễn Nôm:

Người nói không bằng biết lặng câm,
Lời nầy ta nghe tự Lão Quân.
Nếu bảo Lão Quân là người biết,
Sao còn viết đến năm ngàn hơn?!

Có một giai thoại mà Bạch Cư Dị không hề biết, là : Đạo Đức Kinh không phải do Lão Tử 老子 viết nên, mà là do Doãn Hỉ 尹喜 viết thành theo như tiểu truyện sau đây:

Lão Tử vốn họ Lão, tên Nhĩ, tự là Bá Dương, sanh khoảng 655-622 trước Công Nguyên, đời Châu Huệ Vương. Khoảng 20 tuổi, vì chiến loạn nên về sống với chú là Châu Thái Sử. Vì chú không có con, nên ba bốn năm sau, vào năm thứ 31 đời Châu Tương Vương, tiếp nhận chức Thái Sử của chú và giữ chức vụ nầy đến 32 năm. Sau thấy khí số của nhà Châu đã suy vi, bèn từ quan mà đi. Khi đến ải Hàm Cốc, có quan giữ ải là Doãn Hỉ, bấy lâu đã mộ tiếng Lão Tử, bèn cùng từ quan mà theo về ở núi Chung Nam, rồi cùng về quê của Doãn Hỉ ở Thiên Thủy mà định cư.
Khi nhà Tây Châu mất, vương thất của Đông Châu phái người đến tìm Doãn Hỉ ra làm quan, thấy có một ông già tiên phong đạo cốt ngồi một bên, mới hỏi là ai và định mời ra làm quan luôn, nhưng vì Lão Tử đã chán ngán với cảnh quan trường, nên mới nói thác đi mình mang họ Lý, vì thấy có cây Lý trước cửa. Từ đó mọi ngừơi mới gọi ông là Lý Nhĩ.
Sau khi Doãn Hỉ ra làm quan, lúc rảnh rổi mới ngồi chép và biên soạn lại những gì mà lúc còn ở chung đã hỏi và đã được Lão Tử giải thích cặn kẽ, viết lại thành quyển Đạo Đức Kinh. Nên trong Đạo Đức Kinh ta chỉ thấy câu trả lời mà không hề thấy câu hỏi bao giờ, vì Đạo Đức Kinh là do Lão Tử khẩu đáp và do Doãn Hỉ hệ thống lại mà thành.
Nhưng,
Mặc dù không phải của ông viết, nhưng vẫn là lời của ông nói như thường!

Đỗ Chiêu Đức

Hai Vì Sao Lạc

LMĐ:
Truyện ngắn Nguyên Trần viết theo cảm xúc một phần từ phim Love Story, một cuốn phim thời thượng Sài Gòn vào đầu thập niên 1970, casting Ryan O’Neal và Ali MacGraw 
“ Love means never having to say you’re sorry” (Significant tag line of the film Love Story) 
Ngân hà rực rỡ ngàn sao Nhưng hai sao sáng rơi vào mắt em (Tất cả tình tiết trong câu chuyện đều là hư cấu. Nếu có sự trùng hợp nôi dung, tên tuổi, địa danh nào đó thì là ngoài ý muốn của tác giả) 

Tiếng giáo sư Hưng-dạy Vật Lý lớp Đệ Nhất trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho- đang hùng hồn diễn giảng các lý thuyết của phép hoạt nghiệm về ảo tưởng bánh xe quay ngược, hôm nay khác hẳn mọi lần là đã không thu hút được sự chú ý của Bảo. Ngồi trong lớp học mà đầu óc chàng cứ mơ tưởng lan man tới buổi hẹn chiều nay với Tố Quyên đi xem chiếu bóng ở rạp Định Tường thì còn học hành cái gì nữa.

Phải! Chàng không nôn nóng sao được khi quen biết Quyên đã hơn hai tháng rồi mãi tới chiều nay chàng mới được nàng “ cho phép” dating. 
Chàng nhớ lại lần đầu tiên gặp Quyên trong trường hợp hết sức tình cờ lúc nàng cùng các bạn học chung lớp Đệ Nhị A2 trường nữ trung học Lê Ngọc Hân với áo dài trắng tha thướt dịu dàng đã cùng nhau qua trường Nguyễn Đình Chiểu để kêu gọi “mấy anh mua báo Xuân giúp giùm tụi em nha mấy anh”. Tới lớp Đệ Nhất B5 thì gặp chàng trưởng lớp Phan Quốc Bảo vừa sáng nước lại rất galant nhiệt tình đón tiếp mấy nàng. Lúc đó Quyên đã thỏ thẻ với Bảo qua giọng nói còn ngọt hơn đường cát mát hơn đường phèn: “ Anh ơi! nhờ anh nói giùm với mấy anh trong lớp mua báo giúp em đi anh”.

Trời ơi! với những lời oanh vàng ngọt mật kiểu nầy đó hả mà biểu Bảo nhảy vào lửa thì chàng cũng sẵn sàng chứ nói gì tới chuyện kêu gọi mua báo là chuyện nhỏ. Ngay lúc đó , Bảo liền hô hào vận động bạn bè trong lớp mua ủng hộ để thể hiện “tình đoàn kết hai trường” cũng như để thưởng thức những áng thơ văn tình tứ lãng mạn của những nàng Lê Ngọc Hân duyên dáng. Mấy chàng trai trong lớp cũng thuộc loại “háo sắc” trông thấy 5 nàng áo trắng mơn mởn đào tơ, mỗi người một vẻ nên cũng “nổi máu…anh hùng” chạy lên thi nhau mua báo.

Chỉ trong một thoáng mà 50 số báo Lê Ngọc Hân đã bán sạch làm mấy nàng nhìn các anh với vẻ biết ơn thán phục. Trong số năm nàng nữ sinh áo dài trắng dễ thương của phái đoàn, Bảo chấm có mỗi mình Quyên với dáng người thanh thoát, khuôn mặt trái soan thanh tú, làn da trắng mịn màng, đôi má hây hây đỏ, sóng mũi dọc dừa, mái tóc huyền mượt mà xõa ngang vai và nhất là đôi mắt bồ câu đen láy với viền mi cong vút như hốt cả hồn chàng. Thế nên, sau khi thu tiền báo từ mấy bạn, chàng đích thân trao cả nắm tiền tới tận tay Quyên đồng thời cũng biết lợi dụng cầm tay người đẹp khiến nàng bẽn lẽn thẹn thùng quay mặt đi nhưng qua đôi mắt long lanh như chất chứa cả một nỗi niềm thương mến. Không bỏ lỡ cơ hội, Bảo liền hỏi tên người đẹp và xin địa chỉ: 
-Cho anh xin số nhà, cũng cho anh xin biết tên đường và xin cho anh biết tên em luôn (Cho anh xin số nhà-Trần Thiện Thanh) Thế là hai người quen nhau từ đó. Thoạt đầu thì chỉ thư từ qua lại thăm hỏi trong phạm vi tình bạn nhưng sau đó cái tình bạn làm bình phong trong con người Bảo không chịu ngủ yên vì con tim bừng nhựa sống của chàng nhất định vùng lên đòi quyền yêu nên Bảo đã gom góp chữ nghĩa học của Thầy Đặng Xuân Nhi kể cả thuổng ý của mấy ông nhà văn để viết một lá thư lâm ly tỏ tình rồi hồi họp chận đường lúc em tan trường về run run trao tận tay người đẹp và may mắn thay nàng bằng lòng nhận thư như một ân sủng cho chàng.
Sau hai tuần trông đợi đứng ngồi không yên thì Bảo nhận được thư trả lời của Quyên trong tâm trạng còn e thẹn nhút nhát nhưng nàng cũng mở đường bật đèn xanh cho cho chiếc xe tình của chàng tiến tới với lời dặn dò là “từ từ nha anh, đừng làm quá em sợ lắm đó và nhất là đừng để ai biết nha anh”. Nói thiệt là tổng thống John Kennedy khi hay tin mình đắc cử cũng chưa chắc đã vui mừng bằng Bảo lúc bấy giờ. 

Rồi Bảo cũng “từ từ” như chiến dịch tầm ăn dâu từ từ thu phục cảm tình người cho tới một hôm Bảo liền ca cải lương “một ngày không thấy em, là một ngày anh không ăn uống” (cải biên bài hát”Một ngày không có em” của Y Vân) để cầu xin Quyên cho dating mà kết quả là người đẹp đã ban đặc ân cho chàng gặp nàng lần đầu tiên chiều nay. Chẳng trách gì đầu óc lâng lâng mơ màng của chàng làm sao mà nghe lời giảng của thầy Hưng cho được. 

Chuông tan trường vừa reo là Bảo phóng vespa ngay về nhà tắm rửa sạch sẻ, xong en tenue đàng hoàng rồi chạy thẳng tới rạp Định Tường trước giờ hẹn gần nửa tiếng để đứng trước cửa rạp chờ người đẹp trong tâm trạng nôn nóng hồi hộp và...sung sướng.


Việc chọn lựa rạp Định Tường của Bảo cũng nhiều dụng ý lắm. Trước hết là rạp mới khai trương nên rất khang trang sạch sẻ. Nhưng điểm thuận tiện nhất là trên lầu cao khó xem phim nên ít người chịu lên trên đó, Bảo không sợ gặp bạn bè quen biết đúng như ý của Tố Quyên đã căn dặn chàng. 

Sau cùng rồi Quyên cũng tới trong chiếc áo dài trắng trinh nguyên thanh khiết. Khi tới quày mua vé thì Quyên mắc cở đứng từ xa và lúc tới nơi soát vé, nàng cứ đứng núp núp sau lưng Bảo như để tìm chỗ che chở tầm nhìn của thiên hạ. Chính cái cử chỉ e ấp thẹn thùng của nàng càng làm Bảo yêu thương mê mẫn hơn. 
Vào tới trong rạp, Bảo nắm tay Quyên dẫn nàng tới một góc tận cùng và ở hàng ghế cao nhất trên lầu chẳng có ai, mà chàng đã yêu cầu chị bán vé ghi chỗ, đó là nơi mà chàng xem như cả một góc trời riêng tư vì thực ra nói là xem phim chứ hai người có thèm nhìn lên màn ảnh chút nào mà suốt buổi chỉ toàn là tâm tình. Mùi hương tóc thề, mùi trinh nguyên con gái và mùi nước hoa nhẹ nhàng thoát ra từ người Quyên làm Bảo thấy bàng hoàng ngất ngây men yêu.

Chàng ước gì mình gói trọn mùi hương tuyêt vời nầy để nâng niu suốt đời. Trong một phút không dằn được cơn sóng tình dâng tràn, Bảo đã liều mạng ôm Quyên và …hôn nàng. Quyên chỉ nói đươc câu “kỳ quá anh, người ta thấy kìa” và quay mặt né tránh theo phản ứng tự nhiên của người con gái lần đầu gặp người yêu, nhưng chỉ một lúc sau nàng lả người luống cuống trong vòng tay Bảo cùng những nụ hôn ngọt ngào bất tận. Đó là nụ hôn đầu đời của nàng. 
Chàng thì thầm bên tai Quyên: “Quyên ơi! Ước gì anh có quyền năng vô biên của tạo hóa thì có hai điều anh thực hiện là sẽ dâng cả thế giới nầy cho em và sẽ khiến cho thời gian ngừng hẳn nơi đây để được cứ ôm em như vầy mà thấy đời mình thật huyền diệu tuyệt vời”. 
Quyên xúc động nép mình sát bên người tình.

Nhưng cũng ngay trong buổi gặp gỡ đầu tiên nầy, Quyên đã mơ hồ nhận thấy một một vầng mây đen che khuất cuộc tình vừa chớm nở của nàng và Bảo. 
Lý do là ông nội Bảo là ông hội đồng Mỹ có ruộng đất cò bay thẳng cánh tại làng Tân Hội Đông, còn ông Bình, cha Bảo là trưởng ty Trước Bạ, một chức vụ khá cao trong tỉnh, ngoài công thự trụ sở văn phòng nằm ngay góc đường Thủ Khoa Huân-Lê Lợi , ông còn có biệt thự lớn nằm trên đường Phan Hiến Đạo.
Ngoài ra bà Phượng là em ông Bình tức cô ruột Bảo là nhà thầu xây cất lớn nhất ở Mỹ Tho. Trong khi bà Liên mẹ của Quyên thì chỉ là thư ký Tòa Hành Chánh, sau khi chồng chết vì bạo bệnh, bà đã ở vậy nuôi đứa con gái duy nhất là Tố Quyên ăn học tới ngày nay.Cũng may là nhờ ông bà ngoại Quyên để lại căn nhà nhỏ ở phố Battambang nên hai mẹ con còn có nơi nương tựa. 
Quyên cũng đã nói với Bảo nổi lo về sự chênh lệch của hai gia đình trong thời buổi còn tôn trọng chuyện môn đăng hộ đối, nhưng chàng trấn an Quyên: “em đừng lo, ba anh là người cởi mở lắm, vả lại thời buổi nầy chuyện yêu thương hôn nhân là do quyền của mình mà. Anh thề sẽ suốt đời bên em mà không trở ngại nào ngăn được”

Thực ra, Bảo nói dối để Quyên an tâm chứ chàng biết rõ ông Bình, ba chàng rất bảo thủ nhất là chàng là con trai một trong nhà với một chị và em gái. Được cái là từ ngày vợ mất, ông Bình đã không tục huyền mà chăm lo nuôi nấng ba chị em chàng tới ngày nay. Ngoài ra, ba chàng còn đang tính làm sui với ông Quỳnh chủ tiệm vàng Thành Tín cũng góa vợ và có cô con gái tên Thanh Thủy nhỏ hơn chàng hai tuổi đang học trường Marie Curie Sài Gòn. 
Bảo cũng biết rằng tình yêu của chàng và Quyên sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chàng đã nhất quyết vượt qua tất cả vì chàng đã rất yêu nàng và tâm nguyện là cả đời chàng chỉ có nàng mà thôi. 
Sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, Bảo càng thương yêu Quyên hơn qua nét hồn nhiên ngây thơ rất đáng yêu của nàng, còn Quyên thì xem như đời mình đã thuộc về Bảo rồi. 
Hai người thỉnh thoảng hẹn hò nhau đi ăn, đi ci-nê và cùng thấy tình yêu thực sự thăng hoa. Bảo đã tới nhà Quyên gặp bà Liên để thú thật mối tình trong sáng của Quyên và chàng. Bà Liên ngạc nhiên tò mò nhìn Bảo, đứa con trai mặt mày sáng sủa đẹp trai - sao từ hồi giờ con Quyên chỉ chăm lo học hành, ngay tới bạn gái mà nó cũng chỉ có hai đứa là con Hồng, con Nhạn thôi mà sao bữa nay lại lòi ra thằng nầy. Tuy nghĩ thế nhưng thấy Bảo có vẻ đứng đắn chửng chạc nên bà cũng đon đã mời Bảo ở chơi để bà…điều tra thêm. Sau đó, bà biết được Bảo thuộc gia đình giàu sang thì tuy vui mừng với hy vọng là con gái mình có nơi nương tựa xứng đáng nhưng bà có ý hơi lo vì gia thế thấp kém của mình. Nhưng lần lần thấy tính tình Bảo đàng hoàng phúc hậu và nghe những lời giải thich có tính cách trấn an của Bảo về tương lai nên bà cũng yên tâm. Tuy vậy bà luôn căn dặn cả hai phải cố gắng học hành trước đã rồi mới tính tới chuyện yêu đương. 

Riêng ông Bình thì vẫn quyết định chọn Thủy cho con trai. Một hôm ông nói với Bảo: 
- Chúa nhật nầy, ba mời bác Quỳnh và cháu Thủy tới nhà mình ăn cơm để con và Thủy kết thân tình nhau hơn. Con đừng có đi đâu chơi mà phải ở nhà tiếp khách. 
Bảo tìm cách thối thoát: 
- Con còn nhỏ quá mà ba. Để từ từ rồi hãy tính.. 
Ông Bình gạt ngang: 
- Nhỏ cái gì, hồi ba má kết hôn với nhau lúc đó ba mới 20 tuổi còn má con 19. Vả lại để cho hai đứa con quen biết nhau rồi thì cũng vài năm sau mới cưới mà. Con nên nhớ, kể từ lúc mẹ con vắn số, ba đã không tục huyền mà lo nuôi ba chị em con khôn lớn vì ba sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng làm khổ các con. Con là con trai duy nhất của ba nên ba phải lo chỗ đàng hoàng xứng đáng với gia đình mình cho con nên gia thất như vậy thì ba mới yên tâm. Hơn nữa, con Thủy nó là con nhà giàu mà lại xinh đẹp nết na nên ba đã chấm cho con thì con còn đòi hỏi gì hơn nữa. 

Nghe ba nói những lời lẽ lo cho con như vậy, Bảo lặng thinh nhớ tới cuộc tình mình mà thấy lòng buồn man mác vì chắc chắn sẽ gặp nhiều trắc trở.. 
Rồi ngày chúa nhật cũng tới, ông Quỳnh và Thủy tới nhà chàng bằng chiếc Mercedes đen có tài xế lái. Thủy mặc chiếc jupe serré ôm chặt thân hình thon gọn của nàng với khuôn mặt thanh tú, làn da trắng hồng và mái tóc demi garçongar ưa nhìn. Vốn học trường đầm nên nàng liếng thoắng tự nhiên với Bảo: 
- Lâu gặp anh Bảo quá! Sao anh cứ trốn biệt em hoài vậy? Hôm nào đi bal với em nha anh.
- Xin lỗi Thủy . Vì năm nay anh bận lo luyện thi Tú Tài chứ nếu rớt là phải đi lính đó. 
- Anh lo gì chuyện lính tráng, có bác Bình lo mà 
- Đành là thế nhưng thi đậu vẫn tốt hơn chớ em 
Trong bữa tiệc, hai ông già góa vợ tự nhiên ăn nói , cứ xem như mình đã là sui gia với nhau rồi. Đã vậy bà chị Thu Nguyệt và cô em Thu Vân của Bảo cứ thay nhau gài độ cho Bảo với Thanh Thủy làm chàng rầu thúi ruột luôn. 
Thu Nguyệt chọc quê Bảo: 
- Kìa Bảo! Có cô vợ đẹp mà sang như Thủy là em tu mấy đời mới được đó nha 
Thu Vân chêm thêm: 
- Em là con gái mà em thấy chị Thủy em còn mê nói gì anh Bảo. 
Thanh Thủy cũng không vừa gì: 
- Chị Nguyệt và Vân đừng có lo. Em không buông tha anh Bảo đâu. 
Bảo phải một mình chống đỡ : 
- Vấn đề của Bảo bây giờ là học hành trước tình yêu sau. 
Những ngày sau đó thì mỗi cuối tuần khi về thăm nhà, Thủy thường rủ Bảo đi chơi, Bảo thật lòng không muốn khi lòng chàng đã có hình bóng Tố Quyên nhưng vì sự thúc ép của cha cũng như lời đôn đốc của Thu Nguyệt và 
Thu Vân nên lâu lâu chàng cũng phải nhận lời đi với Thủy cho giải tỏa bớt áp 
lực từ nhiều phía. 

Mặt khác, chàng vẫn hẹn hò với Quyên để cuộc tình có cơ hội thêm thăng hoa. Mỗi khi bên nhau, Quyên thường bảo chàng đệm đàn cho nàng cất giọng trầm buồn hát bản nhạc nàng thích nhất “If I give my heart to you” (của Jimmy Brewster với giọng ca Patti Page):l 

If I give my heart to you 
Will you handle it with care 
Will you treat me tenderly 
And in every way be fair 

Những lúc đó, Bảo cũng ôm đàn hát lại với giọng ca tràn đầy âm hưởng tin yêu hy vọng: 

Oh! Forever, I will love forever 
While the mandolins are playing 
Above the moon is saying 
Its love, its love, its love is so splendid 
(Tonight my love tonight-Paul Anka) 

Rồi cả hai nhìn nhau đắm đuối để kết thúc bằng nụ hôn ngây ngất ngọt ngào.


Có những đêm ngồi bên nhau tại Vườn Hoa Lạc Hồng, gió đêm từ mặt sông Tiền Giang thổi nhẹ nhàng làm mái tóc thề Quyên lât phất bay dậy lên một mùi hương trinh nguyên dìu dịu thoảng đưa theo làn gió làm hồn Bảo ngất ngây. Chàng say mê nhìn đôi mắt long lanh tuyệt đẹp của người yêu mà thì thầm: 
- Quyên ơi! Nếu em đếm được hết sao trên trời thì em sẽ thấy mất đi hai vì sao? 
Quyên ngây thơ hỏi: 
- Tại sao vậy anh? 
- Vì hai vì sao đó đã lạc vào đôi mắt em rồi. 
Quyên rung cảm nép mình vào Bảo trong tình yêu đong đầy. 
Cây kim dấu mãi trong bọc cũng lòi nhất là trong thành phố nhỏ như Mỹ Tho. Cuộc tình Quyên Bảo sau bốn tháng êm đềm thơ mộng đã bị phát giác mà khổ thay, người tìm ra lại chính là…Thủy. 
Số là một sáng chúa nhật đẹp trời, Bảo đưa Quyên qua Cồn Rồng ăn trái cây vườn. Giữa lúc nàng và chàng âu yếm ôm nhau dưới rặng vú sữa cao lớn rậm mát thì có một nhóm nữ sinh lối 10 cô mặc váy,áo đầm thời trang kéo nhau vào chính vườn trái cây mà Quyên Bảo đang ngồi. Bảo cũng không quan tâm cho tới khi có tiếng kêu giận dữ: 
- Anh Bảo! Anh làm gì ở đây với cô bé nầy? 
Tới chừng đó, Bảo mới giựt mình nhìn lên thì thấy…Thủy đang hầm hầm nhìn hai người trong khi Quyên luống cuống ngồi xích ra. 
Bảo ú ớ trong miệng: 
- Ủa Thủy! Em về hồi nào vậy? 
Thủy chống nạnh hằn học: 
- Anh phải trả lời câu hỏi của tôi, cô nầy là ai? 
Bảo lúng túng: 
- Đây là Quyên bạn anh. Anh…anh… 
Thủy ngắt ngang: 
- Thôi khỏi nói nhiều. Tôi đã bắt quả tang anh. Rồi anh sẽ biết tay tôi. Còn cô kia , cô có biết tôi là vợ chưa cưới của anh Bảo hôn? Cô định phỗng tay trên tôi hả? Đừng có hòng. 

Bấy giờ, Quyên trở nên bình tỉnh trước thái độ hống hách cô gái xa lạ, nàng từ tốn trả lời: 
- Thưa chị, tôi không biết chị là gì của anh Bảo vì tôi chưa bao giờ nghe anh ấy nhắc chị. Tôi chỉ biết là anh ấy và tôi đang yêu nhau. Vậy thôi. 
Thủy nổi giận đùng đùng: 
- Đồ cái thứ giựt chồng người. Rồi cô chống mắt mà coi. 
Nói xong, Thủy ngoắc đám bạn: 
- Thôi đi tụi bây, đi qua vườn khác. rồi quày quả bước ra khỏi khu vườn sau khi ném một cái nhìn căm thù về 
Quyên và Bảo. 
Liền đó, Quyên nhỏ nhẹ hỏi Bảo: 
- Chuyện thế nào? Anh nói thật em nghe đi anh. 
Bảo trầm ngâm một lúc rồi ôn tồn nói : 
- Sự thể đến thế nầy rồi thì anh không giấu em làm gì nữa. Quyên hãy bình tỉnh mà nghe anh nói đây. Cô ta tên là Thủy, chính là người mà ba anh muốn anh cưới làm vợ. Nhưng Quyên ơi! Anh thề là trên đời nầy anh chỉ yêu có mình em. Em là tất cả ý nghĩa sống đời anh. Không một trở lực nào ngăn cản được tình yêu chúng ta. Em đừng lo nghĩ gì hết ngoài việc yêu anh và hãy tin tưởng nơi anh. 

Quyên rưng rưng nước mắt đáp lời: 
- Anh yêu của em! Em đã biết trước cái khó khăn nầy khi yêu anh và bây giờ nó đã trở thành sự thật. Lẽ ra em phải khuyên anh nên lánh xa em để làm vui lòng bác trai cho gia đình êm ấm và có được người vợ môn đăng hộ đối. Nhưng Bảo ơi! Em đã yêu anh tới độ không thể nào xa anh được nữa. Vì vậy trước nghịch cảnh nầy, em chỉ biết trông mong và thuần phục nơi anh. 

Nghe những lời chân tình thắm thiết của Quyên, Bảo thấy bồi hồi xúc động và yêu thương nàng hơn. Chàng ôm chặt nàng vào lòng và trấn an: 
- Em hãy tin tưởng mạnh mẽ vào anh, vào tình yêu mãnh liệt của hai đứa mình. Thời buổi nầy đâu còn chuyện sắp đặt ép duyên nữa đâu em. Mình sẽ chiến thắng tất cả mà em. 

Sau đó chàng đưa Quyên về rồi chạy xe về ngôi biệt thự mà chàng tin chắc là sóng gió đang chờ đợi. Chàng biết tính nóng nảy của Thủy nên nàng nhất định không để yên chuyện vừa rồi đâu. Tuy nhiên vì tình yêu Quyên, Bảo cũng dứt khoát là sẽ có thái độ quyết liệt. Thực vậy, vừa dựng chiếc vespa trước sân nhà, Bảo đã thoáng thấy Thủy đang ngồi trong phòng khách với ba chàng. 

Chàng bình tỉnh bước vào chào ông Bình và Thủy. Thủy hầm hầm nhìn chàng còn ông Bình từ tốn nói : 
- Con ngồi xuống đây ba có chuyện muốn nói với con 
Chàng mở lời trước: 
- Thưa ba con nghe đây 
Ông Bình tằng hắng cất giọng: 
- Thủy vừa nói với ba là thấy con tình tự với một cô gái nào đó ở bên vườn trái cây Cồn Rồng. Có đúng vậy không? 
- Thưa ba, đúng là con có ngồi với một cô bạn. 
- Thế cô ta là ai, tương quan với con thế nào, gia thế ra sao? 
- Cô ta tên Quyên và là người yêu của con. Quyên mồ côi cha, còn mẹ của Quyên là dì Liên thư ký Tòa Hành Chánh 
Đến đây thì Thủy không chịu nổi nữa nên khóc lớn lên và phân bua với ông Bình: 
- Đó! Bác thấy chưa? Con nói có sai đâu! Con đó nó rù quến ảnh mà. 
Ông Bình nhìn thẳng vào Bảo lớn tiếng: 
Cái gì? Con nói cái gì? Con có điên không? Bộ con tưởng bác Quỳnh với Ba tính chuyện hôn nhân của con và Thủy là chuyện giỡn chơi chắc. Khi nghe Thủy kể lại, ba tưởng con yêu ai ghê gớm lắm. Ai mà dè… 

Rôi ông ngưng ngang.Bảo trả lời cha một cách thật bình tỉnh: 
- Thưa ba! Con cám ơn bác Quỳnh và ba có lòng tác hợp cho Thủy và con nhưng chắc ba cũng thừa biết là con không yêu Thủy và con cũng chưa bao giờ ngỏ lời yêu Thủy. Như vậy thì làm sao mà có hạnh phúc khi sống chung với nhau….Còn Quyên tuy gia thế không cao sang nhưng là người con gái có tư cách tự trọng, phúc hậu hiền lành. 
Thủy liền xen vào: 
- Anh nói cho em biết đi- Qu’a - t-elle quelques choses meilleur que moi-con đó nó hơn em chỗ nào mà anh yêu nó bỏ em. 
Bảo ôn tồn: 
- Đúng ra Quyên không hơn em cái gì hết, nàng chỉ hơn em đức tình dịu dàng phúc hậu và hi sinh chịu đựng. Đó chính là điểm khiến anh yêu Quyên. Còn về câu em nói anh vì yêu Quyên mà bỏ em thì xin lỗi em là anh chưa bao giờ tỏ tình với em, chưa hề gắn bó với em thì đâu thể nói là anh bỏ em được. 
Thanh Thủy bèn quay sang cầu cứu ông Bình: 
- Đó! Bác nghe ảnh nói chưa? Con phải làm sao đây bây giờ đây? 
Tới nước nầy thì ông Bình biết là khó lay chuyển quyết định của Bảo nên ông ra tối hậu thư: 
- Bảo à! Bây giờ ba cũng cho con biết quyết định tối hậu của ba là hoàn toàn không chấp nhậ̣n cô Quyên nào đó mà ba biết chắc không xứng đáng với con. Trước sau, ba chỉ xem Thanh Thủy là con dâu của ba. Còn một điều quan trọng nữa là nếu con còn tiếp tục qua lại với 
Quyên thì con phải ra khỏi căn nhà nầy và con sẽ không được hưởng bất cứ tài sản nào của ba. Con nghe rõ chưa? 
Bảo chán nản buồn rầu nói: 
- Nếu ba quyết định dứt khoát như vầy thì con đành chịu thôi vì con không thể nào xa Quyên được. Con cũng xin thưa rõ với ba la tất cả nhũng gì ba cho con cũng đều không quan trọng bằng Quyên. Vậy con sẽ ra đi. 

Ông Bình thật bất ngờ sửng sốt khi nghe thằng con cưng cương quyết chống đối âng trong khi Thu Nguyệt Thu Vân cùng khóc lóc năn nỉ Bảo hãy suy nghĩ lại nhưng chàng nói sẵn sàng nhận bất cứ điều kiện gì ông Bình đặt ra trừ việc phải chấm dứt với Quyên. 

Ngày hôm sau, Bảo thu dọn đồ đạc lên xin ở tạm nhà Sơn một bạn thân chung lớp của chàng. Ba má Sơn vốn có cảm tình với Bảo vì tính tính hiền hòa phúc hậu và chân thật của chàng nên chấp thuận ngay. Vả lại chỉ còn một tháng nữa là thi Tú Tài 2 mà ông bà cũng muốn Bảo ở chung để chàng kèm Sơn học thi vì ông bà biết Bảo học giỏi còn Sơn thì không khá gì. 
Bảo biết tương lai mình quyết định trong kỳ thi nầy nên việc gạo bài thi đối với chàng là tối quan trọng. Đồng thời, ngay trong ngày hôm đó, chàng hẹn gặp Quyên để báo tin đã ra khỏi nhà và sự thể đến nông nổi nầy nên chàng không thể giấu Quyên mà phải nói hết sự thật cho nàng hiểu là ông Bình buộc chàng phải xa Quyên mà cưới Thủy. Nghe xong,Quyên khóc ngất lên: 
-Trời ơi! Anh Bảo! Vì em mà anh phải khốn khổ nông nổi thế nầy. 

Em phải làm sao đây anh? Hay là anh nhận lời cưới chị Thủy đi anh. Chứ anh quen ăn sung mặc sướng rồi mà nay phải khổ cực thế nầy thì em làm sao chịu nổi. Anh ơi! Xa anh em đau lòng lắm nhưng thấy anh vất vả em càng đau hơn. Thôi thà để em chịu khổ một mình. Em sẵn sàng hy sinh. Nếu yêu em, anh hãy nghe lời em nha anh. 

Bảo xúc động rưng rưng: 
- Quyên nghe anh nói đây. Đời anh không có cái đau khổ nào bằng phải xa em. Anh sẽ vượt qua mọi trở lực để bảo vệ tình yêu mình. 
Nghe lời em để cưới Thủy thì thà rằng anh chết còn hơn. Chỉ có điều là tương lai hai đứa mình sẽ quyết định vào kỳ thi sắp tới nên từ nay anh sẽ ít gặp em để tập trung học hành. Anh chỉ mong em đừng lo rầu gì cả vì em phải tin tưởng tuyệt đối là người yêu em có dư thừa khả năng chiến thắng tất cả. Tình trạng khó khăn nầy chỉ tạm thời mà thôi.


Từ đó, Quyên và Bảo ít gặp nhau nhưng tội nghiệp nàng thỉnh thoảng lo nấu ăn những món mà Bảo thích như là cơm tấm bì, ca ry gà, bò xào sả...mang lên cho chàng. Mỗi lần tới, nàng chỉ thăm hỏi vài câu và khuyến khích tinh thần Bảo rồi ra về để chàng có nhiều thì giờ luyện bài. Sự ân cần chăm lo săn sóc của Quyên làm Sơn cũng ca ngợi nàng và đùa: 
- Mầy bỏ nhà ra đi mà có được người vợ xinh đẹp giỏi dang săn sóc tận tình như Quyên thì ... bỏ nhà là phải lắm. Gặp tao, tao cũng bỏ nhà như vậy. 
Rồi ngày thi Tú Tài 2 cũng tới. Chẳng bỏ công dồi mài kinh sử, Bảo đậu hạng Bình còn Sơn nhờ Bảo dẫn dắt nên cũng đã đậu được hạng Thứ. 

Sau đó, Bảo chạy thẳng lên Tổng Nha Trung Tiểu Học ở Sài Gòn nạp đơn xin dạy giờ. Chàng nhờ Sơn dẫn vào gặp ông Lê Công Đàng chánh sở nhân viên và cũng là cậu ruột của Sơn để xin giúp đở. Ông Đàng nghe lời giới thiệu của thằng cháu nói Bảo học giỏi nhất nhì trường lại thêm cái chứng chỉ Tú Tài 2 hạng Bình như một bảo đảm, vả lại Bảo là bạn thân của Sơn và từng giúp Sơn luyện thi nên ông liền nhận cho Bảo làm giáo sư Toán dạy giờ lớp Đệ Nhất Cấp 80$/giờ tại trường trung học Nguyễn Đình Chiểu nhưng phải chờ tựu trường mới bắt đầu. 

Trong thời gian nầy, Bảo xin dạy thêm ở mấy trường trung học tư thục Trúc Giang, Vĩnh Tường, Rạng Đông tổng cộng được 10 tiếng/tuần cũng tạm đủ sống. Và nhờ cách giảng dạy của chàng rõ ràng dễ hiểu nên học sinh ghi tên theo học rất đông nên cuộc sống chàng cũng dễ thở. 

Chàng thuê một căn phòng ở biệt thự bác sĩ Nguyễn công Bá trên đường Lê Lợi với giá 200$/tháng. Bảo cũng tới gặp bà Liên nói thiệt hết hoàn cảnh trái ngang của mình và Quyên để cầu xin sự rộng lượng cảm thông của bà. Quyên cũng khóc nói với mẹ là nàng chỉ yêu có một mình Bảo và van xin bà thương cả hai. Thấy hai đứa nhỏ yêu nhau chân tình một cácu đau khô thương tâm tới độ đã hy sinh tất cả để có nhau, bà Liên xúc động mủi lòng nên bà chấp nhận hoàn cảnh trái ngang nầy, bà không nở xô hai đứa vào chân tường, “ít ra phải có một phía mở rộng vòng tay với chúng nó chứ ai cũng chẳng lẽ bỏ mặc chúng thì làm sao mà chúng sống!”. Vả lại bà vốn biết Bảo là cậu học trò thông minh xuất chúng và đầy lòng nhân ái thì những khó khăn nầy chỉ là tạm thời mà thôi. Bảo dự đinh sau khi dạy giờ tại Nguyễn Đình Chiểu một thời gian, chàng sẽ xin đổi lên dạy tại Sài Gòn để ghi danh học luật với mục đích trở thành luật sư. 

Bà Liên cũng bảo Bảo tới nhà ăn cơm thay vì phải cơm hàng cháo chợ không tốt cho sức khỏe. Bảo mừng rở cám ơn bà với tình yêu bao la và kín đáo đưa Quyên 1.000$ để nàng trao lại cho bà Liên như là phần phụ giúp thêm tiền chợ của chàng và...Quyên mỗi tháng. 
Chàng cười đùa nói: 
- Anh còn nghèo nên số tiền nhỏ nầy xem như là phần đóng góp của anh và vợ anh cho má vợ để chi phí trong nhà. 
Quyên vui vẻ đáp:
- Anh khôn thí mồ luôn. Chưa gì đã xem người ta là vợ rồi hả? Còn khuya. 
Khi Quyên trao 1.000$, bà Liên không nhận mà nói với Bảo: 
- Con mới đi dạy đâu có tiền. Vả lại còn phải dành dụm lo nhiều chuyện khác nữa. Dì không nhận đâu. 
Bảo năn nỉ: 
- Con cũng có dư tiền hằng tháng rồi. Con mong Dì nhận giùm như một đóng góp nhỏ của con ...và của cả em Quyên, xin Dì xem con cũng như trong gia đình thì con vui mừng lắm. 
Bà Liên thấy thằng rể tương lai ăn nói chí tình dễ thương như vậy nên cực chẳng đã phải nhận tiền như một sự lo lắng ban đầu của nó với gia đình...vợ. 

Kể từ đó, mặc dầu cuộc sống không khá giả mấy nhưng tình yêu Bảo Quyên đã thực sự lên hương và chàng với nàng càng thêm khắng khít nhau hơn.. 
Quyên cũng đã đậu Tú Tài 1, nàng có ý định thi vào trường Sư Phạm Vĩnh Long để sớm ra làm giáo học bổ túc cho Bảo nghỉ dạy mà tập trung việc học Đại Học để cuộc sống lứa đôi sau nầy có tương lai hơn nhưng Bảo không chịu, chàng nói: 
- Anh mới vừa hưởng hạnh phúc với em có mấy tháng thì em định bỏ anh đi xa sao? Nếu muốn hy sinh cho anh thì chờ thời gian nữa đi. Hơn nữa dù gì em cũng cố lấy cho được bằng Tú Tài 2 rồi tính sau. 
Quyên cúi đầu nói câu an phận cố hữu: 
- Em thực sự muốn đở đần gánh nặng để anh an tâm tiếp tực việc học nhưng anh đã nói vậy thì thôi. Anh tính sao cũng được. 
Tình trạng ra riêng của Bảo kéo dài được 6 tháng và cũng là 6 tháng chàng và Quyên ngụp lặn trong hạnh phúc triền miên tuy có chút xót xa. 

Nói về ông Bình từ khi Bảo bỏ nhà ra đi thì ông buồn lắm. Gia tài có một thằng con trai ông luôn thương yêu chăm sóc mà nó cãi lời ông như vậy làm ông rất đau lòng. Thu Nguyệt bây giờ đã lên học dược ở Sài Gòn nhưng thỉnh thoảng nàng về chơi, ông Bình thường bảo nàng tới thăm xem thử coi Bảo sống ra làm sao. Mỗi lần như vậy,Thu Nguyệt thường cho thêm tiền em nhưng Bảo ít khi nhận. 

Một hôm đang ngồi ăn kem Duyên Thắm với Bảo thì Quyên bỗng cảm thấy đau bụng run rẩy oặn người, đau tới đổ mồ hôi hột. Bảo hoảng hốt chở nàng tới thẳng bệnh viện sau khi cấp tốc thử máu và chụp quang tuyến, nhà thương phát giác ra một khối u trong bao tử nàng. Bác sĩ vội lấy biopsy một mẫu thịt nhỏ từ bao tử Quyên để xét nghiệm rồi cho nàng về, hẹn năm ngày sau trở lại để biết kết quả. Quyên mặt mày xanh mét và mệt mỏi trông thấy. 
Bảo lo âu dìu nàng đi ra rồi đưa nàng về tận nhà nhưng vẫn giấu bà Liên vì sợ bà lo. 

Những ngày kế tiếp Bảo và Quyên sống trong tâm trạng lo âu buồn rầu không biết khối u lành dữ ra sao. Bảo tới nhà Quyên mỗi ngày để săn sóc trấn an nàng mặc dù cõi lòng chàng cũng tan nát rối bời. 
Thời gian năm ngày đã tới, Bảo lo âu chở Quyên vào nhà thương để xem kết quả. Trên đường đi chàng luôn cầu nguyện ơn trên phò hộ cho nàng. 
Ngồi ở phòng đợi, Bảo cầm tay Quyên siết nhẹ như muốn truyền hơi ấm niềm tin cho nàng. Rồi thì trong giây phút quan trọng, vị bác sĩ ngậm ngùi báo tin Quyên đã bị chứng bại huyết hay là ung thư máu nhưng ông cũng mang nguồn hi vọng tới đôi nhân trẻ là bệnh Uyên phát giác sớm nên có thể chửa khỏi. Ông đề nghị Bảo đưa ngay Quyên lên Viện Quốc Gia Ung Thư Sài Gòn càng sớm càng tốt để chửa trị và đưa toàn bộ hồ sơ bệnh lý và giấy giới thiệu lên Viện Ung Thư cho Bảo cất giữ. 

Tin sét đánh ngang mày và chết người nầy làm Quyên xây xẩm mặt mày muốn ngất xỉu luôn, nàng tưởng chừng như cả vũ trụ quay cuồng sụp đổ trong khi Bảo run rẩy tay chân, hơi thở đứt đoạn. Chàng luống cuống ôm chặt lấy Quyên như sợ nàng tan loãng thành mây khói trong giây phút đó. 
Lòng dạ rối bời, Bảo đau khổ nói với Quyên: 
-Em hãy bình tỉnh nha Quyên. Y học bây giờ tiến bộ lắm. Bác sĩ nói như vậy thì em sắp xếp để ngày mốt anh đưa em lên Sài Gòn chửa bệnh. Bây giờ thì khoan cho Má biết nha em. 
Liên vừa khóc vừa nói: 
- Em bây giờ bối rối lắm. Anh tính thế nào cho em cũng được. Tất cả chỉ trông cậy nơi anh thôi. 
Nàng tiếp theo đau đớn nghẹn lời: 
-Bảo ơi! Em xin lỗi đã yêu anh để mang tới cho anh những buồn khổ hôm nay. 
Bảo vuốt nhẹ mái tóc người yêu: 
-Em ơi! Tình yêu có nghĩa là không bao giờ nói câu hối tiếc 

Tới ngày đi, Bảo phải nói dối với bà Liên là đưa Quyên đi cắm trại với các giáo sư trong trường, chàng dậy sớm tới rước Quyên ra xe lô Minh Chánh lên Sài Gòn. Viện Quốc Gia Ung Thư nằm trên góc đường Bà Huyện Thanh Quan- Kỳ Đồng là một bệnh viện chuyên định bệnh, chẩn bịnh và trị bênh ung thư. 
Quyên Bảo tới nơi lúc 10:00 giờ sáng, chờ tới 11:30 thì được y tá thu nhận hồ sơ bệnh lý của Quyên rồi cho đi thử máu làm hồ sơ Viện. Sau đó cả hai chờ tới 1:00 giờ trưa gặp bác sĩ Quý giám đốc Viện, bác sĩ cho biết đã xem toàn bộ hồ sơ định bệnh của Quyên và cho biết Quyên bị bệnh bại huyết (leucémie) mới giai đoạn một nên có thể chửa trị được bằng cách cấy tủy sống nhưng phải càng sớm càng tốt không nên để lâu mà nguy hiểm lắm. 

Ông còn cho biết là những biện pháp trị liệu phổ thông bấy giờ như dược trị, xạ trị, hóa trị đều không mang lại kết quả. Chỉ có ghép tủy mà thôi. Nhưng có điều khó khăn là Việt Nam không có ngân hàng tủy để tìm tủy thích hợp cho Quyên. Thế nên phải mua từ ngoại quốc rất tốn kém. Bảo hỏi ngay chi phí thì bác sĩ Quý nói … 300.000$ (lương của một giáo viên có 3.000$) Đây là một số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng của Quyên Bảo. 
Trong một phút rối loạn kinh hoàng, Quyên quỳ xuống chân bác sĩ Quý nghẹn ngào: 
- Bác sĩ ơi xin hãy cứu con, con chưa muốn chết. Con không muốn bỏ anh Bảo của con. 
Bác sĩ Quý bồi hồi: 
- Tôi rất muốn cứu cháu vì đó là thiên chức của tôi. Nhưng ở hoàn cảnh nầy, tôi không biết làm gì hơn được. 
Đôi tình nhân ra về trong nỗi lo âu buồn rầu. Ngồi trên xe, cả hai yên lặng theo đuổi ý nghĩ riêng về một tương lai không sáng lạng chút nào. 

Số tiền 300.000 không phải dễ kiếm vào thời bấy giờ Nhất là lúc nầy lương dạy giờ của Bảo có ba bốn ngàn/tháng thì tình trạng càng khó khăn hơn. Cuộc đời sao lắm trớ trêu để trong họa có phúc trong phúc có họa. Từ lúc Quyên Bảo hiểu được lòng nhau rôi yêu nhau tha thiết thì cả hai cùng nghĩ rằng đó là hạnh phúc tuyệt vời mà tạo hóa ban cho, nhưng ai nào ngờ hôm nay tai họa lại tới cho Quyên mà cũng là cho Bảo. Hình như theo quy luật bất toàn trong cõi đời phù du vô thường nầy khi người ta đạt được một cái gì tuyệt đỉnh thì phải mất đi một thứ khác có khi quý báu hơn. Thân phận con người thật bé nhỏ mong manh mà tất cả đều do định mệnh an bài. 
Cả mấy đêm liền, Bảo mất ăn mất ngủ, tâm trí rối bời vì không biết lấy đâu ra tiền để chạy chửa cho Quyên. Nhất là khi nhớ tới lời bác sĩ Quý là để lâu nguy hiểm làm chàng càng rối trí thêm lên. Chàng van vái trời phật và mẹ chàng có linh thiêng phù hộ cho Quyên sớm tai qua nạn khỏi. Sau một tuần lễ lo rầu, Bảo hốc hác phờ phạc thấy rõ. 

Trong đó Quyên cũng buồn khổ không kém. Nàng kiếm cớ nghỉ bệnh ở nhà luôn, vóc liễu hao gầy. Bà Liên lo lắng cuống quýt hỏi nàng: 
-Liên! Con sao vậy? Để má đưa con gặp bác sĩ On nha. Để lâu quá không tốt đâu con. 
Quyên thối thoát rồi cố giữ nét tươi tỉnh để mẹ khỏi nghi ngờ. Lúc đó, Bảo mặc dù lo rầu nhưng vẫn cố an ủi động viên tinh thần Quyên mỗi khi chàng tới nhà bà Liên ăn cơm. 
Bà Liên đã thấy Quyên ốm yếu xanh xao nay lại thấy nét phờ phạc rủ rượi của Bảo nên lo lắng hỏi: 
- Trời ơ! Sao hai con đứa nào cũng bệnh hoạn bèo nhèo quá vậy? Có chuyện gì hôn nói cho má biết đi. 
Sợ mẹ buồn nên cả hai chối bay bảy và phải gắng gượng tươi cười cho có chút thần sắc.

Một tuần lễ hãi hùng đau khổ đi qua. Sau khi nghĩ nát óc mà vẫn không tìm ra phương cách chạy tiền chửa trị cho Quyên, Bảo đánh liều về gặp cha. Ông Bình trong lòng rất vui khi con về mặc dù bên ngoài vẫn ra vẻ lạnh lùng theo bản tính. Nhìn thấy dáng gầy mòn bơ phờ của con, ông thấy lòng đau như cắt. Không ngờ trong hơn nửa năm xa nhà mà cái nét thư sinh đẹp trai tươi sáng của con trai ông đã bị những ưu tư dằn vật khổ đau làm biến mất để nhường chỗ cho vẻ phong sương khắc khoải u buồn. Trời! Đứa con mà ông thương yêu lo lắng đã bỏ nhà ra đi để mang tấm thân xơ xác như vậy hay sao? “Con trai ơi! Sao con tự làm khổ thân con như vậy hả?” 

Bảo ngập ngừng mở lời trước: 
- Thưa Ba! Trước hết xin ba tha tội bất hiếu của con đã bỏ nhà ra đi. 
Hôm nay, con trở lại đây để khẩn cầu ba giúp con một việc, Tố Quyên bị bệnh bại huyết cần số tiền 300.000 $ để ghép tủy. Ba có thể giúp con được không? 
Ông Bình hơi lặng người khi nghe tin dữ nầy. Ông biết chắc rằng ông phải giúp Bảo số tiền con trai mình cần, nhưng đồng thời lúc đó ông nhớ tới lời hứa tác thành cho Bảo Thủy với ông bạn Quỳnh. Ông cảm thấy đặt vấn đề lúc bấy giờ là tàn nhẫn nhưng vốn là con người thiết thực hơn là cảm tính, vả lại ông tự trấn an là việc nầy ông làm cũng là vì lo hạnh phúc tương lai con trai ông. Nghĩ vậy nên ông trả lời Bảo: 
- Trước khi trả lời con, ba muốn con biết rằng ba thương con trên tất cả. Vậy ba sẵn sàng giúp cho cháu Quyên 300.000$hay nhiều hơn thế nữa để chửa bệnh. Nhưng con cũng phải giúp lại ba dứt khoát với Quyên mà kết hôn với Thủy. 
Bảo nghe cổ họng khô quánh và đắng cả miệng. Chàng chán nản buông câu hỏi: 
- Không có điều kiện nào khác hả ba? 
Ông Quỳnh không dám nhìn thẳng vào con mà quay mặt đi chỗ khác trả lời: 
- Chỉ có vậy thôi con à! 
Bảo uể oải đứng lên chào ông Bảo ra về sau khi nói câu dư thừa: 
- Ba cho con suy nghĩ lại rồi sẽ trả lời ba sau. 
Bảo về tới nhà với tâm trạng thẩn thờ ngơ ngẩn với bao ý nghĩ ngổn ngang. Suốt đêm đó chàng trằn trọc không ngủ, trí óc rối bời để giải bài toán thật nhức đầu mà cha chàng đặt ra. Nếu vì tình yêu Quyên mà không chịu lìa xa nàng thì nàng phải chịu chết có nghĩa là chàng mất người yêu. Còn nếu nhận lời ba chàng để cưới Thủy thì chàng cứu được sinh mạng Quyên nhưng đành đánh mất tình yêu nàng, điều nầy thì cả Quyên và chàng sẽ đau khổ vô cùng vô tận. Mất người yêu và mất tình yêu, chàng phải chọn cái nào đây. 

Đàng nào thì cả hai tâm hồn đang yêu nhau tha thiết sẽ cũng sống dở chết dở. Chàng kêu thầm: “Quyên ơi! Sao tình yêu mình khốn khổ cùng đường thế hở em?” 

Hai ngày sau, Thu Nguyệt tới tìm Bảo, nàng ôm em rồi hai chị em cùng khóc với niềm cảm thông chia sẻ một nổi đau bất tận. Một lúc sau, Thu Nguyệt nói với Bảo: “Theo chị thấy ưu tiên số một hiện giờ là em hãy cứu lấy sinh mạng của Tố Quyên trước đã rồi thì tới đâu hay tới đó đi Bảo” 
Bảo trong lúc bị bế tắt nên thấy lời khuyện của chị mình phần nào thiết thực. Chàng liền trở lại gặp ông Bình và nghẹn ngào nói với cõi lòng tan nát: 
- Thưa ba, con xin bằng lòng cưới Thủy để cứu mạng sống Quyên. 

Nói được xong câu nói nặng ngàn cân đó, Bảo ngậm ngùi rơi lệ mà tưởng như chàng đã ký bản án tử hình cho chính mình và cho cả người yêu. 
“ Quyên ơi! Anh đã phụ em rồi. Xin em hãy tha thứ cho anh, ngàn lần tha thứ cho anh nghe em!” 
Ông Bình nghe con nhận lời thì mừng rỡ và như sợ con trai đổi ý ông nói 3 ngày nữa sẽ bảo Thu Nguyệt mang tiền cùng với Bảo đưa Tố Quyên lên Sài Gòn chửa bệnh. 

Bảo lảo đảo bước ra khỏi căn biệt thự nơi mà nơi mà chàng đã sinh ra và lớn lên mà bây giờ sao nghe quá xa lạ hững hờ. 
Đời người ai cũng có những giây phút quyết liệt để có những quyết định quan trọng ảnh hưởng lớn lao chẳng những đến cuộc đời mình mà còn cho người thân yêu, Bảo vừa trải qua giây phút quyết liệt đó và chàng cũng đã có quyết định quan trọng nhưng không biết là đúng hay sai, hay hay dở. 
Tất cả chỉ do định mệnh mà thôi. 
Sự thể đã như thế nầy, Bảo đành phải tới thẳng nhà Quyên để nói dối với nàng biết là chàng đã mượn được tiền chửa bệnh cho nàng. Nghe tin có tiền để trị bệnh, Quyên mừng rỡ vì như vậy, nàng sẽ không bỏ Bảo khi cuộc tình đang độ nồng nàn, nhưng nàng cũng thắc mắc: 
- Anh mượn tiền ai vậy anh? Rồi chừng nào trả cho người ta? 
Bảo cúi đầu nói dối người yêu: 
- Anh mượn cô Phượng. Trong gia đình với nhau nên chừng nào trả cũng được. 

Sau đó Bảo Quyên bàn tính với nhau là phải cho bà Liên biết hết sự thật. 
Chàng và nàng mời bà Liên ngồi ở phòng khách rồi cùng nhau quỳ xuống và Liên run run giọng: 
- Thưa má! Con vô cùng cám ơn má đã nuôi nấng dạy dỗ và cho con ăn học nên người từ lúc ba mất tới nay. Công ơn trời biển nầy con chưa đền đáp được dù trong muôn một thì má ơi! Ngày nay con... 
Nói tới đây thì Quyên quá đau thương kích động nên gập người xuống khóc ngất đi, Bảo phải ôm Quyên vổ về: 
- Em hãy bình tỉnh mà nói cho má biết đi em. 
Đến nước nầy thì bà Liên linh cảm chuyện chẳng lành, mặt bà xanh ngắt, giọng nói đứt quãng: 
- Cái gì ?Cái gì vậy Quyên? Con định nói chuyện gì với mà vậy con? 
Quyên lả người trong vòng tay Bảo tức tửi nói: 
- Má ơi! Con...con...bị...bị...bịnh bại huyết rồi má ơi! 
Nghe tới đây bà Liên như ngất xỉu, bà khóc to lên: 
- Trời ơi! Quyên ơi! Quyên! Con bị cái bệnh ngặt nghèo nầy từ bao giờ vậy con ơi! ? 
- Từ hơn tháng nay rồi mẹ. 
Bà Liên kể lể mùi mẩn: 
- Trời ơi! Ngó xuống mà coi. Đứa con duy nhất mà tôi yêu thương hơn cả mạng sống mình nay nó lâm bệnh ngặt nghèo vậy mà tôi không hay biết gì và cũng khộng làm gì được. Có người mẹ nào khốn khổ hơn tôi hôn nè trời. 

Uyên lặng người đau đớn nên Bảo phải ôn tồn giải thích: 
- Thưa má! Lúc đầu tụi con tưởng là bệnh tầm thường nên định chạy chữa một thời gian nhưng tới lúc phát giác ra căn bệnh chết người như vậy tụi con chưa dám cho má hay sợ má lo rầu quá mà sinh bệnh thì thêm khổ. Cho tới hôm nay sự thể đã tác tệ như vậy nên tụi con đành phải thưa thiệt cùng má. 

Bà Liên vẫn nức nở hỏi: 
- Trời cao ngó xuống mà coi, người mẹ như tôi phải làm sao để cứu con tôi nè trời. Nếu có linh thiêng xin Trời hãy để cho chết thế con gái tôi. 
Bảo lên tiếng an ủi bà Liên: 
- Má hãy an tâm. Tụi con đã có cách giải quyết hết rồi. 
Nghe vậy bà Liên lóe lên tia hy vọng: 
- Vậy bây giờ hai con tính chạy chữa ra sao? 
Bảo tự tin nói : 
-Má đừng lo. Mốt nầy chị con và con sẽ đưa em Quyên lên Viện Ung Thư chữa trị bằng phương pháp cấy tủy. Chắc chắn Tố Quyên sẽ khỏi bịnh. 
Bà Liên hỏi tiếp: 
- Má nghe nói tốn tiền nhiều lắm hả con? 
Bảo hăng hái trả lời: 
- Tốn thì có tốn thiệt. Nhưng con đã lo hết rồi. Xin má đừng bận tâm.
Yên lặng một lúc như để gậm nhấm cơn đau, bà Liên nói tiếp: 
- Vậy mốt nầy má xin nghỉ để đi với tụi con nha. 
Bảo mừng rỡ nói : 
- Nếu má đi được thì rất tốt để động viên an ủi Quyên trong giờ phút hụt hẩng nầy. 
Thế là tới ngày hẹn, Thu Nguyệt bao luôn chiếc xe lô Minh Chánh để chở tất cả bốn người lên Sài Gòn. 

Sau khi làm xong thủ tục nhập viện và kế toán, Viện Ung Thư cho Tố Quyên nằm phòng hạng nhất để chờ đặt mua khẩn cấp từ Nhật thứ tủy trùng hợp với Quyên. Trong suốt thời gian đợi chờ nầy, bà Liên và Bảo thay phiên nhau túc trực bên cạnh Quyên để yên ủi săn sóc nàng. Ba ngày sau ống tủy được chở tới theo hệ thống chuyển hàng đặc biệt và bác sĩ Quý xúc tiến ngay cuộc giải phẩu ghép tủy kéo dàì trong 3 tiếng đồng hồ và hoàn toàn thành công. Tuy nhiên viện ung thư cũng giữ Quyên lại thêm một tuần nữa để xem tủy mới có phản ứng gì không hay nói rõ có thích hợp với cơ thể Quyên không? 

Trong thời gian nầy, Bảo khuyên bà Liên nên về Mỹ Tho để đi làm trở lại vì nghỉ lâu không tiện, để mình chàng ở lại trông nom Quyên là được rồi. 
Tình trạng sức khỏe Quyên càng ngày càng khá hơn. Nhìn Quyên bắt đầu tươi tỉnh hồng hào, Bảo mừng lắm nhưng tự đáy lòng chàng thấy nhói đau vì phút giây vĩnh biệt cũng đã gần kề. Nhiều lúc nhìn Quyên ngủ say hiền hòa thánh thiện, Bảo không cầm được nước mắt: “Quyên ơi! Anh sắp làm khổ em đây, anh sắp phụ tình em rồi Quyên ơi!”. 

Bảo cứ bâng khuâng trăn trở là không biết lúc nào sẽ nói với Quyên sự thực nát lòng đau đớn nầy và không biết Quyên có chịu nổi không? Có lúc chàng định làm lì nuốt lời hứa rồi cùng Quyên bỏ đi thật xa nhưng vốn là người có tư cách và tự trọng, Bảo đành chịu thôi. 
Lúc nầy, chàng muốn tận dụng những giờ phút quý báu phù du còn sót lại ở bên Quyên, chàng không muốn rời xa nàng dù chỉ một giây vì chàng biết rằng đây là những giờ phút thiêng liêng cuối cùng họ còn có nhau. 

Chàng nhìn nàng say đắm mê man như muốn cuốn hút hết hình ảnh yêu kiều thánh thiện của người yêu vào tận tâm khảm trước khi mất đi. 
Sau cùng rồi Quyên cũng được xuất viện với tình trạng sức khỏe tốt. 
Nàng ôm lấy Bảo mà nói: “Bảo ơi! Anh là người yêu tuyệt vời nhất và cũng là đại ân nhân cứu sống đời em. Em không biết lấy gì tạ ơn anh ngoài việc hứa với anh, em sẽ là người vợ thương yêu săn sóc và luôn vâng lời anh suốt cả đời nghe anh” 
Bảo nghe người yêu nói lời chí tình chân thật đáng yêu như vậy mà như chết điếng với cõi lòng tan nát từng mảnh vụn. Trời ơi ! Sao đời mình, đời Uuên lại đau khổ cùng cực thế nầy? 

Trong lúc đó, ông Bình hối thúc chàng trả căn phòng mướn để về nhà ở vì chàng đã hứa với ông là chấm dứt liên lạc với Tố Quyên và chuẩn bị cưới 
Thanh Thủy. Bảo phải xin với cha cho một tuần lễ nữa khi đáo hạn mướn căn phòng thì chàng sẽ trở về. Trong tuần lễ phù du cuối cùng đó, Bảo đến nhà Quyên thường xuyên hơn vì chàng biết giờ chia tay nát lòng đã gần kề. Trong lúc đau khổ tận cùng đó, Bảo ước phải chi thời gian ngừng lại ở giây phút Quyên cùng bạn tới lớp chàng bán báo rồi gặp chàng. 
Trong ngày cuối cùng phải giao trả căn phòng để về nhà, Bảo rủ Quyên vào chùa Vĩnh Tràng là nơi thanh vắng trầm mặc để chàng có thể tạ tội “phụ bạc” với người yêu dấu. Hai người ngồi bên nhau tại một góc chùa tỉnh mịch. Bảo cầm tay Quyên nhìn thẳng vào mắt nàng rồi hít một hơi thở dài như để tìm nghị lực rồi bắt đầu: 
- Quyên ơi! Quyên của anh ơi! Trước hết anh xin lập lại điệp khúc là anh yêu em nhất trên đời nầy. Cả đời anh cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, anh cũng chỉ yêu có mình em thôi. 

Quyên linh cảm có chuyện chẳng lành, nàng thấy lạnh cả người và toàn thân run run. Nàng hỏi trong hốt hoảng lo âu: 
- Anh! Có chuyện gì vậy anh? Anh làm em sợ quá anh ơi! Hãy luôn luôn che chở em nha anh. 
Tới đây thì Bảo không đè nén được nổi đau thương xúc động, chàng ngập ngừng nói trong nước mắt lưng tròng : 
- Quyên yêu dấu nhất đời của anh! Cuộc tình chúng ta đến đây phải kết thúc rồi em ơi! Anh sẽ phải xa em mà lấy Thủy... 
Quyên há hốc miệng kinh hoàng, tim nàng gần như ngừng đập, nàng không tin những gì mình vừa nghe Bảo nói. Nàng thở không ra hơi miệng mấp máy: 
- Cái gì ? Anh vừa nói cái gì vậy anh Bảo? Anh bỏ em đi cưới Thủy. Tại sao vậy anh? Đầu đuôi câu chuyện như thế nào để ra cớ sự như vậy anh. 
Bảo thuật hết câu chuyện tới gặp ông Bình để nhờ ông ra tay cứu mạng Quyên và cả những điều kiện ông đưa. Và sau cùng chàng phải hi sinh tình yêu để người yêu được sống sót. 

Quyên lặng người trong đau đớn. Cổ họng khô đắng, mắt như đứng tròng. 
Nàng tưởng chừng như cả một vũ trụ quay cuồng sụp đổ để chôn vùi thân xác nàng, chừng như nguyên cả mặt trời nổ tung trong buồng tim nàng. Cả đời nàng không bao giờ nghĩ có ngày nàng sẽ mất Bảo. Vì mất Bảo thì xem như đời nàng đã hoàn toàn kết thúc trong đau thương chất ngất. Nàng nói trong tức tửi bi ai qua màn lệ tràn ngập ánh mắt: 
- Bảo ơi! Anh cứu sống em làm chi rồi để cho em đau khổ tận cùng như thế nầy. Em đâu có muốn sống để mà mất anh đâu. Rồi làm sao em chịu nổi đây anh. Thà anh đừng chạy chửa cho em cứ để em chết trong tình yêu anh mà em thấy nhẹ nhàng hơn chớ anh cứu em kiểu nầy thì còn hơn mười lần giết chết em . Trời ơi! Sao tôi khổ đến thế nầy hở trời! Tôi muốn chết ngay bây giờ đây. 

Giọng Bảo chùn xuống trong đau đớn: 
- Em ơi! Trời cao đã mang điều bất hạnh tàn nhẫn và tệ hại nhất đến cho tình yêu chúng ta. Anh chỉ van xin ở em một sự rộng lượng tha thứ cho anh. Anh không xứng đáng với em. Anh chỉ là một người vô ích. Vô ích cho bản thân và cho người anh yêu. Tình yêu là những gì thiêng liêng cao quý nhất mà anh không giữ được thì đời anh còn làm nên được việc gì nữa. Xin em hãy xem như anh đã chết rồi. Nếu có chuyện luân hồi thì chắc chắn kiếp sau mình cũng sẽ là đôi uyên ương gắn bó như chim liền cánh cây liền cành. Anh ngàn lần xin lỗi em. Xin em rộng lòng tha thứ anh nha em. 

Quyên vụt đứng dậy quay đầu chạy thẳng ra khỏi chùa mà Bảo không không có can đảm đuổi theo, chàng chỉ đứng yên như trời trồng với đôi mắt đầm đìa giọt lệ. 
Sau đó cho dù tiếc thương lưu luyến thế mấy đi nữa, Bảo-Quyên cũng phải đau đớn vĩnh biệt nhau, và đó là lần vĩnh biệt ngàn đời. Một sự chia tay trong nước mắt đắng cay… 
Tố Quyên ơi! Nếu ngày xưa hai vì sao lạc rơi vào mắt em có nghĩa là anh vẫn còn hai vì sao lạc đó nhưng bây giờ tuy hai đứa tuy gần nhưng rất xa vì anh đã thực sự mất em và mất luôn cả hai vì sao lạc. Vì em ơi! Định mệnh đã tàn nhẫn tước quyền lựa chọn cho đời mình. 

Hai tháng sau đó, một đám cưới đã diễn ra hết sức đơn giản tại tư gia ông trưởng ty Trước Bạ. Đám cưới của Phan Quốc Bảo và Nguyễn thị Thanh Thủy. Chỉ có sự hiện diện của hai họ theo ý định cương quyết của chú rể vì chàng không muốn làm đau lòng một người, mặc dù cả hai gia đình đều muốn tổ chức rình rang cho đúng nghĩa môn đăng hộ đối của giai cấp giàu sang quý tộc. 

Và cũng kể từ đó, tại Quan Âm Tu Viện ở Bình Đức, ngoại ô thành phố Mỹ Tho có thêm một ni cô trẻ đẹp với đôi mắt buồn vời vợi mới quy y. Đó là cô nữ sinh Dương thị Tố Quyên giờ đã nương tựa cửa thiền với cái tên là ni cô Diệu Đức. Và mãi về sau đó, sư cô trụ trì vẫn không biết tại sao ni cô Diệu Đức lại lánh bụi hồng trần. 
Câu chuyện tình buồn đã kết thúc từ đây trong đau thương nước mắt.


Rồi 10 năm sau.
Vào một sáng chúa nhật, vợ chồng ông Phó Quận Châu Thành Mỹ Tho lái xe chở hai đứa con lên thăm Quan Âm Tu Viện Bình Đức. Trong khi người vợ tên Thanh Thủy, một Phật tử thuần thành ngồi nói chuyện với sư cô trụ trì thì người chồng tên Quốc Bảo dẫn hai con đi xem cảnh trí chung quanh chùa. Đi với cha một lúc hai thằng con trai chạy đi chơi riêng để Bảo lần bước tới hậu liêu thì chàng bỗng bàng hoàng xúc động khi nhìn thấy ni cô Diệu Đức đang ngồi lặt rau lang để chuẩn bị cơm cho các ni sư độ ngọ. Mặc dù biết trước là ni cô Diệu Đức tu ở đây nhưng sao chàng vẫn thấy lòng oặn đau và tràn ngập những xao xuyến ngậm ngùi. “Quyên ơi ! Em ở trước mắt anh mà sao thật quá xa xôi diệu vợi”. Cố nén nỗi đau đớn bàng hoàng, Bảo nhẹ bước tới gần thì ni cô nghe tiếng động vội ngẩng đầu lên thấy chàng thì mặt trở nên tái xanh, tay chân run rẩy trong khi Bảo nói nhanh như sợ không còn dịp để nói: 

- Tố Quyên! Anh tới đây cốt để thăm em một lần cuối rồi thôi và cũng để nói với em hai điều: 
*Anh xin em tha thứ tội lỗi ngút ngàn của anh 
* Và anh vẫn yêu em suốt cả đời 
Ni cô Diệu Đức chấp tay trước ngực: 
-Mô Phật! Bần ni là kẻ tu hành, xin thí chủ hãy giữ gìn lời ăn tiếng nói. 
Đừng quá vọng động mà mang tội khẩu nghiệp. Mong thí chủ hãy tạo công đức để yên cho bần ni thân tâm an lạc tỉnh tu nơi cửa thiền. Xin người hãy đi đi. 
Bảo nghẹn ngào trước mặt người xưa: 
- Anh đã nói với em lời cuối bằng cả nỗi lòng anh rồi. Xin em hiểu cho anh. Thôi em hãy bảo trọng. Vĩnh biệt em! Ngàn lần vĩnh biệt em! Anh đi đây. 

Rồi chàng quay gót rã rời bước đi. Ni cô Diệu Đức lặng buồn nhìn theo bóng người xưa mà nước mắt đoanh tròng, đôi môi vị nữ tu run run khẽ gọi: 
“Anh ơi! Anh”...

Nguyên Trần-Toronto 
Viết cho những mối tình không trọn vẹn