Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

Cáo Phó Anh Trương Văn Phú

 

Ban Biên Tập Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Anh Trương Văn Phú

 

Vườn Thơ Thẩn Long Hồ Vĩnh Long Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Anh Trương Văn Phú


Thật buồn khi nhận được tin anh Trương văn Phú qua đời. Phương Hà đã được gặp anh trong buổi họp mặt Vườn Thơ Thẩn tại Vĩnh Long
Xin thành kính chia buồn cùng tang quyến và nguyện cầu hương linh anh Trương văn Phú sớm siêu thoát, an vui nơi miền cực lạc.

Phương Hà
***
Thắng Thành Kính Phân Ưu cùng gia đình anh Phú .
Nhớ thuở họp mặt Vườn Thơ Thẩn ở Vĩnh Long. Với hành ảnh thân thương quen thuộc của bác phó nhòm Trương Văn Phú còn lảng vảng trong ký ức.
Kính cầu nguyện cho hương linh người quá cố sớm siêu thăng tịnh độ

Nguyễn Đắc Thắng
***
Hiệp ý chia buồn với gia đình anh Phú,nguyện Hương linh anh sớm đạt vĩnh hằng.

Thái Huy
***
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU

Song Quang xin hiệp thông cùng các thi hữu Vườn Thơ Thẩn cầu nguyện cho người bạn thơ trong vườn đã từ bỏ chúng ta để ra đi nơi miền Lạc Cảnh.
Xin cầu chúc nhà văn ,thơ và phó nhòm của vườn thơ thẩn được sớm an vui nơi Thiên đàng và cũng xin chia buồn cùng gia đình bạn thơ TRƯƠNG VĂN PHÚ

Gia đình Song Quang
***
Vườn Thơ Thẩn ơi
Lòng bàng hoàng hay tin anh Trương Văn Phú nhiếp ảnh gia đã bỏ Vườn Thơ Thẩn chúng ta ra đi. Nhìn lại vài tấm ảnh kỷ niệm năm xưa ở Vĩnh Long mà lòng tôi vô cùng bùi ngùi
thương thương những nét mặt thật hiền lành của tất cả anh chị em Vườn Thơ Thẩn ngày nao.
Xin gởi một nén nhang lòng và cầu chúc anh Trương Văn Phú vui thú nơi cõi Vĩnh Hằng.
Vĩnh biệt anh.

Mai Lộc
***
Chân thành chia buồn cùng tang quyến và nhóm thơ  ̣ Thân kính,

Phạm Khắc Trí
09/09/2022
***
Thành Kính Phân Ưu

Rất đau buồn được tin anh Trương Văn Phú, đã qua đời tại nhà riêng.
 Ngày 8 tháng 9 năm 2022, hưởng thọ 77 tuổi
Hai em Kim Phượng và Kim Oanh thành kính chia buồn về sự mất mát lớn lao này cùng Tang quyến.
Nguyện cầu Hương Linh anh Trương Văn Phú sớm siêu thăng về miền Cực Lạc

Thành Kính Phân Ưu

Kim Phượng, Kim Oanh
***
Cùng Tang gia ông Trương Văn Phú, Thành viên "Vườn Thơ Thẩn"
Vừa mãn phần ở Việt Nam.

THẮP NÉN HƯƠNG XA

Chưa lần nào gặp, đã chia tay
Thơ thẩn bâng khuâng tiễn biệt vầy:
Người biết trần gian là cõi tạm
Bạn về thiên cổ ngắm trời tây
Ảnh hình để lại cho nhân thế
Hạnh ngộ đành chưa hẹn thủa này
Thương tiếc vô cùng TRƯƠNG PHÚ hữu
Nửa vòng trái đất thắp hương mây ...

Los Angeles 9 - 9 - 2022
Cao Mỵ Nhân
***
Khóc Anh Phú

Buồn thay!
Nhớ năm nao bọn mình cùng thảo luận
Quyết chung tay lập Blog Long Hồ
Tháng ngày trôi vượt bão tố phong ba
Từng bước một tư thế Trang Nhà dần khẳng định
Trương Văn Phú
Người anh cả của Ban Biên Tập
Trong một ngày đất Vĩnh nhuốm buồn thương
Anh ra đi anh đã sớm lên đường
Để lại đó biết bao người luyến nhớ.

Huỳnh Hữu Đức
***
(Phương Hà, anh chị Chiêu Đức, Cao Linh Tử, Đắc Thắng, Hữu Đức, Trương Văn Phú)

Nhớ Về
TRƯƠNG VĂN PHÚ

Phó nhòm Văn Phú đã đi rồi,
Họp mặt Vườn Thơ mới đó thôi.
Duyên dáng vui tươi cười mọi lúc,
Nghiệp dư điệu nghệ chớp liên hồi.

Anh em kết nghĩa từ trong nước,
Bằng hữu chi giao tận góc trời.
Vẫn biết sinh ly rồi tử biệt,
Sao lòng vương vấn mãi không thôi!

Đỗ Chiêu Đức
kính điếu
09-09-2022
***
Cùng quý Thầy Cô, Anh chị em bằng hữu trong Vườn Thơ Thẩn
Cố Nhiếp ảnh gia, Văn Thi Sĩ Trương Văn Phú vừa thất lộc,  
Mai Xuân Thanh xin góp bút theo vận thơ ai điếu của anh Đỗ Chiêu Đứcđể khóc thương một người bạn già đã ra đi ...về bên kia thế giới:

ANH TRƯƠNG VĂN PHÚ

Niên trưởng phó nhòm vĩnh biệt rồi...!
Anh Trương Văn Phú mới đây thôi
Tấm hình màu sắc nay còn đó
Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp mấy hồi...!
Họp mặt anh em về bản quán
Ghi hình bằng hữu ở chân trời
Phương Hà, lưỡng Đức, Trương Văn Phú,
Đắc Thắng, Cao Linh nhớ mãi thôi

Mai Xuân Thanh
Sept. 09, 2022

Tuấn Yến Đặng Tiễn Biệt Trương Văn Phú

2010 Dec.10
(Cháu Ngoại của Phú với các Ô.Nghĩa, Thu, Tuấn, Phú.)

Rất tiếc không thể về Vĩnh Long để thắp một nén hương tiễn biệt TRƯƠNG VĂN PHÚ,
đành nhờ anh Trương văn Thu giúp chuyển lời phân ưu chân tình đến cháu Ky, con gái của PHÚ.
TRƯƠNG VĂN PHÚ là một trong vài người bạn từ thuở học sinh mà đến nay vẫn còn thường xuyên liên lạc thân thiết.
Dù phải tạm chia tay hôm nay, nhưng quá nhiều kỷ niệm với BẠN vẫn luôn còn đó, trong đời tôi.
Đa mê nhiếp ảnh và thích khám phá các lễ hội cũng như địa danh của tỉnh nhà, PHÚ đã hào hứng đóng góp một số sưu khảo về Vĩnh Long với những tranh hình ảnh sinh động.

Mong rằng tấm lòng chân thành và tinh thần lạc quan là món quà đáng trân quý mà PHÚ để lại cho những người thân yêu.

Thương tiếc,

2013 Apr.14
(Hải, Trân, Hiền, Nhơn, Thu, Phú, Nghĩa)

2013 Nov.03
(Thu, Nhơn, Phú, Nghĩa)

Gia đình tuanyenDang

Yên Dạ Thảo& Khúc Giang Thành Kính Phân Ưu Gia Đình Anh Trương Văn Phú

  

Đền Em Một Nửa Cuộc Cờ Thế Gian -Thơ Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm - Nhạc Hưng Việt - Trình Bày Lâm Minh Ngọc


Thơ: Từ Hoa Nhất Tuệ Tâm 
Nhạc: Hưng Việt
Trình Bày: Lâm Minh Ngọc

Hồn Thơ - Vườn Mơ

  


Hồn Thơ

Nửa đêm ai thức hồn thơ dậy
Đã khiến ta nằm say ngất ngây
Chữ nghĩa đôi khi buồn chất ngất
Tình yêu có lúc cũng vơi đầy


Cao Mỵ Nhân
***
Vườn Mơ


Nghiêng mực mài xong hạ bút ngay
Đêm trăng xướng họa bạn xum vầy
Tri tâm đối ẩm cùng nhau cạn
Thơ Thẩn vườn mơ mộng đắp xây


Kim Oanh

Vô Bờ Thiên Hương

  

(Thân tặng cảm ơn VTS Kim Oanh)

Cảm ơn hiền dịu đơn sơ
Phù sa nước ngọt vô bờ thiên hương
Âm thầm chịu khó chịu thương
Tay tiên tô điểm hoa vườn văn thơ...

MD.09/07/22
LuânTâm


Paix & Love - Tuyết Phan

  

Tranh vẽ: Tuyết Phan


Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2022

Thu Chợt Nhớ Người - Nhạc Thủy Lâm Synh- Hòa Âm Nguyễn Duy - Ca Sĩ Hà Lan Phương


Nhạc: Thủy Lâm Synh
Hòa Âm: Nguyễn Duy
Ca Sĩ: Hà Lan Phương 

Bông Bí Trắng

 

Hương quê bát ngát tình quê mẹ
Nhìn bông bí trắng, nhớ vườn xưa!
Văn thơ trăn trở, sầu ly khách
Thương mẹ hiền, dầu dãi nắng mưa

Mái tóc bạc phơ màu bông bí
Mẹ tảo tần, rẫy sắn vồng khoai
Chiều chiều đợi con, ngoài đầu ngõ
Đêm đêm thao thức tiếng thở dài!

Mai con sẽ về trong nắng mới
Mẹ hiền ơi! Khỏi phải chờ trông
Mẹ Việt Nam nghìn đêm trăn trở
Hai vai gánh nặng, nợ núi sông!

Nhìn bông bí trắng, nhòa mắt lệ
Bạc trắng như vôi tóc Mẹ hiền
Mòn mỏi đợi con, hiên vườn cũ
Trọn đời, tình Mẹ mãi không quên!

Mẹ ơi! mấy mùa bông bí nở
Là đã mấy mùa, con tái tê!
Chẳng tròn giấc ngủ, nghìn đêm nhớ
Tình con thắm thiết mãi hương quê!

Vũ Hối


Cầu Tre Lắt Lẻo

 

Những cây cầu gối đầu sông rạch
Cho người đi qua những bến bờ
Có những nhịp cầu xây hoành tráng
Và cầu tre lắt lẻo đơn sơ

Tôi cùng em dân làng xóm nhỏ
Chỉ cách nhau một rạch xẻo bần
Gối đã mòn chân già đã mỏi
May là tôi đỡ phải lội sông

Lúc gọi anh lúc kêu là cụ
Tôi cười xòa bảo cụ trong rân
Em mắt tròn ngây ngô: "Gì zhậy?"
Vì chưa quen nói lái nam phần

Nhờ có em ưa làm cô giáo
Lại sanh sau vài giáp xuân đời
Đôi khi quên phone em để hỏi
Đỡ phải tra từ điển lôi thôi

Tợ như tôi có cây cầu bé
Giúp tôi thăm những nẻo chân trời
Con đường dài trăm năm cõi thế
Nhờ cây cầu lắt lẻo thêm vui

Locphuc

Tĩnh Thất

 

Bài Xướng:
Tĩnh Thất

Nghe luyến tiếc như sao trời mơ ngủ
Đêm mênh mông để lạc lối phù sinh
Ánh điện đường vẫn nhìn trơ cửa sổ
Ngày mai đi, ta vẽ lại bình minh

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Viết tại Trại Giam X4, Sài Gòn 1979
***
Bài Cảm Tác:

Tỉnh Thức

Có những Người Nam không hề có ngủ!
Là hồn thiêng Tử Sĩ! Chẳng còn sinh!
Vẫn lặng nhìn những kẻ thù! Tính sổ!
Phù hộ đem nước Việt đến quang minh!

Có những Người Nam thấy dân say ngủ!
Gào thét cho thây chết được hồi sinh!
Lòng thiết tha như vạch ngang nét sổ!
Đem ánh dương tiêu diệt bóng minh minh!

Có những Người Nam khóc trong giấc ngủ!
Mơ thấy quê hương vươn dậy quyết sinh!
Hàng đoàn Chiến Binh giơ tay vào sổ!
Quyết noi gương bao Tiền Bối Thánh Minh!

Có những Người Nam cười khi đang ngủ!
Thấy toàn dân lòng ái quốc tương sinh!
Lập chiến công, tiếp chiến công! Cộng sổ!
Hùng Vương, Minh Quân, Văn Thánh hiển minh!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 08/09/2022
(Kính tặng Nhà Thơ Kim Oanh, Nhà Thơ Sương Lam, Nhà Thơ Trần Việt Long và Quý Độc Giả)

Mùa Hè Rực Rỡ


Bóng hạ vừa lên ánh mặt trời
Thao bày tiếp tục cuộc rong chơi
Đèo sâu núi thẳm qua gềnh đá
Tài xế Thao Thao, Phước lái rời

Thú vị nơi đây cảnh tuyệt vời
Big Bear Lake nước đẹp trong ơi
Ăn trưa Phượng trộn gà , ram ít
Thao đảm nồi xôi, chả lụa mời

Gió mát hiền hoà chẳng nghỉ ngơi
Đôi chân dạo ngắm sắc hoa ngời
Tắm hồ, bơi lội đùa say nước
Khế ớt, xoài xanh nhậu đã đời

Nướng thịt Điểm Tân ướp mặn mà
Dinner đủ món khó lòng tha
Lâm, Huy rượu đỏ cùng Tân Phước
Ly cụng anh em rể một nhà

Phái nữ đường khuya dạo phố phường
Ánh đèn rực rỡ mắt tơ vương
Hơi thu len lén say hồn mộng
Thành phố gieo thầm dạ luyến thương

Cây cỏ bên ngoài ngái ngủ yên
Thí lo thức dậy nấu ăn liền
Phái đoàn thể dục quanh hồ nước
Nắng đã lên ôi nhẹ lối thiền

Nhiếp ảnh Lâm say chớp bóng hình
Trăng còn ẩn hiện ánh trăng xinh
Áo dài tha thướt khoe màn cũ
Trở lại cà phê sáng bọn mình

Bữa cuối được mời ở quán Mii
Xuân, Thơ, Vinh đãi thiệt phê nì
Bánh Xèo, mì Quảng ăn no bụng
Hể hả tay chào nói rứa ri

Cô hiệu trưởng vui thỏa cả làng
Chị em Thành Nội hát ca vang
Chanh, cô Đạm Tuyết chung hoà điệu
Tiểu Bích thọ thêm với tuổi vàng

Thuý Nguyễn ưa làm Đặc Phái Viên
Tường trình, chớp ảnh kể huyên thuyên
Tào lao lắm chuyện xin tha lỗi
Đọc chút cho vui chớ trả tiền

Minh Thuý Thành Nội
Tháng 8/16/ 2022

Một Chút Tâm Tình Cuối Hạ ...

( Vườn nhà của Tác Giả)

Sau những ngày nắng nóng như thiêu như đốt ..Hôm nay có chút gió nhẹ trở về bên hiên nhà...Cuối Hạ rồi còn chi mà nắng hè vẫn còn tha thiết rực rỡ dạo quanh đất trời để cho hoa cỏ cảnh vật héo úa...

Buông cọ rời khỏi phòng vẽ mình nhẹ bước dạo một vòng trong khu vườn nhỏ...Qua những ngày ngập chìm trong cái nóng của mùa hè năm nay... khu vườn sáng nay như bừng tỉnh dưới những cơn gió mát rượi từ phía bên kia Dòng Sông Mơ ( MEUSE ) thổi qua ....khu vườn thêm linh động khi vẫn còn những tia nắng vàng thật mềm mại đong đưa theo gió trải nhẹ trên đầu cây ngọn cỏ...

Cái tĩnh lặng bình yên của buổi sáng cuối Hạ đang nhẹ nhàng len lén đi vào lòng mình...Hít một hơi thật sâu...mình nhắm mắt như muốn giữ lại phút giây bình yên này...như muốn nhốt khoảng trời xanh nắng vàng trên cao vào lòng...
Nhưng có một chút gì đó ... làm lòng mình lắng đọng mà nghe xót xa... khi nghĩ về đất nước Ukrain với bao nỗi đau thương vỡ òa...tang tóc đang vây kín...Và nghĩ về tất cả...tất cả...

Chỉ nghĩ thôi...không biết làm gì hơn...Chỉ biết cầu nguyện...Chứ mình chẳng biết gì hơn, khi mình còn nhỏ bé hơn hạt bụi muối giữa lòng Đại Dương bao la mênh mông ...

Lòng mình bỗng chùng xuống... Cái cảm giác bình yên, thanh thản lúc nãy như theo nhau cuốn bay khỏi lòng...
Quay vào nhà với nỗi buồn lắng đọng ...ngồi thẫn thờ bên bức tranh vẽ dở dang nước mắt chạy quanh ...

Belgique một buổi sáng cuối Hạ...

Tháng 09/ 2022
Tuyết Phan 

Lại Đi Virginia Beach


Vùng Hoa Thịnh Đốn gần 2 tuần nay không có mưa, nếu tôi nhớ không lầm. Có hôm trời âm u, không có nắng dù là mùa hè. Nhờ vậy cỏ hoa vẫn xinh tươi, không nóng nực như ở Texas hay Florida, nơi các bạn tôi than” nóng quá”. Dù thế nhưng khi cô cháu dâu rủ đi Virginia Beach với bố mẹ cô, tôi nhận lời ngay. Cháu cho biết thời tiết ở Virginia Beach rất tốt, nước ấm và bãi biển cũng không quá đông như lúc bãi trường, trẻ con người lớn đầy bãi biển và đường phố.Tôi đã đi Virginia Beach với các con mấy lần rồi. Thường chúng tôi ở khách sạn nhỏ và cách bãi biển 15, 20 phút . Lần này cô cháu dâu cho ở khách sạn Hilton, lớn, đẹp, rộng rãi, bãi biển ngay trước khách sạn, chỉ băng qua đường là đến nơi. Có ban nhạc trình diễn, bar rượu và nước giải khát gần sát hồ bơi khách sạn.Có tất cả 3 hồ bơi lớn nhỏ hình dáng nông sâu khác nhau dành cho những ai lười, không muốn ra biển hay những hôm biển có sóng to gió lớn. Tuy khách sạn to đẹp nhưng sáng muốn dùng điểm tâm phải trả tiền, không như khách sạn trung bình dùng điểm tâm miễn phí.Trong phòng có bếp,nhà tắm, bàn ăn, salon xinh xắn rộng rãi. Thưa quý vị tôi mới ở khách sạn Hilton lần đầu và nghĩ đến trẻ em nghèo quê nhà,tôi xót ruột, tiếc tiền quá. Khách sạn Hilton 1 tuần 3000 mỹ kim,1 ngày 475$. Thường tôi ở khách sạn bằng 1/2 giá tiền thấy cũng tiện nghi thoải mái lắm.


Chúng tôi đi Virginia Beach vào ngày thứ ba nên đường ít xe hơn thường lệ. Trên đường đi có khoảng đường một chiều giữa hai hàng cây phủ đầy lá xanh dài khoảng hơn tiếng, tương đối vắng vẻ không thấy nhà cửa chi cả. Có lẽ nhà dân khuất sau những hàng cây? Thỉnh thoảng có mấy bảng chỉ cây số, nơi bán xăng, thực phẩm hay chỗ nghỉ ngơi (rest area). Qua khỏi đoạn ấy là đường 2 chiều, mỗi chiều 3 làn, xe cộ tấp nập ngược xuôi. Nhà rải rác dọc hai bên đường.Thỉnh thoảng có ngả rẻ vào các trung tâm mua bán, công viên hay bảo tàng viện…Đến gần Chesapeake Tunnel Bay, xe chậm lại, chỉ còn hai làn xe. Đây là vịnh nhưng tôi thấy trời nước mênh mông, rộng quá. Nói là đường hầm nhưng sáng trưng do vô số bóng đèn trên tường tỏa ánh sáng. Xe chạy trong đường hầm khá dài dưới mặt nước nhưng vẫn ngắn hơn đường hầm dưới biển ở Kowloon, Hong kong.

Gần đến Virginia Beach sầm uất, sang trọng nhộn nhịp hơn, có tiệm buôn Macy’s,Target, nhà thuốc Walgreens, tiệm giày to, các nhà hàng ăn uống khang trang nên rất tiện. Trước các tiệm buôn,khách sạn hoa cỏ trồng mỹ thuật hài hòa xinh đẹp. Các bụi hoa hồng, các loại hoa mùa hè nơi đây ra hoa rực rỡ.


BÃI BIỂN:


Đến nơi sau khi nhận phòng nghỉ ngơi chốc lát mấy chị em đi tản bộ trên boardwalk, người thì ngồi đọc sách ở các băng gỗ dọc theo boardwalk hay ở ghế gần hồ bơi khách sạn. Gió biển mát rượi.

Đến giờ ăn cả nhà ra tiêm ăn ngoài phố. Thực khách đông quá, Nhớ những lần đi trước có khi chúng tôi ăn tối ở tiệm ăn Captain George’s lớn và đông khách phải chờ khoảng 10 phút. Bạn có thể gọi từ món hoặc ăn tự chọn (buffet). Một phần ba thực khách là người da màu. Giá một phần ăn tự chọn lúc bấy giờ 35 mỹ kim.Tôi thấy họ chịu chi hơn dân Hoa Thịnh Đốn. Người Á châu chừng 2, 3 bàn còn lại là người da trắng.

Hôm sau chúng tôi ra bãi biển sau khi điểm tâm. Bãi cát vàng rộng dài mút mắt. Tuy sớm nhưng đã có người ra biển. Một số ít xuống nước, phần lớn đi lại trên cát. Trên bờ có lối đi lát gạch cho người đi bộ (boardwalk). Song song boardwalk có con đường nhỏ hơn cũng lát gạch dành cho người đi xe đạp. Một bên là các cao ốc.


Khoảng 10 giờ sáng, thiên hạ đông hơn, trẻ con, người lớn, các cụ già… Nhiều dù xanh đỏ dưới bãi biển, phải đi qua bãi cát vàng rộng mới đến nơi. Mặt biển phẳng lì, nước biển xanh lơ. Thiên hạ nghịch nước,đùa giỡn với nhau. Hàng đàn hải điểu lông trắng xóa bay lên đáp xuống trên bãi cát.Trên boardwalk kẻ qua người lại đông đảo. Loại xe đạp 2, 3, 4 chỗ ngồi có mui chạy tới lui trên lối riêng dành cho xe đạp. Các ông bà cụ da trắng tóc bạc, da nhăn nheo cũng thuê xe đạp thong thả chạy dọc theo con đường trông khỏe mạnh và nhàn hạ thảnh thơi. Trẻ con nghịch trên bãi cát, cười khóc chí chóe. Cháu dâu cho biết bãi biển đông vui nhộn nhịp hơn khi các trẻ em nghỉ hè. Lúc ấy họ thường đi biển cả gia đinh.

Đến trưa vợ chồng người cháu thuê xe đạp nhiều chỗ ngồi chở chúng tôi đi một vòng khá dài rồi trả xe dù chưa hết giờ, Giá thuê xe 40$/giờ.Cám ơn hai cháu Vân & Andy, đạp xe mệt quá đâu được thưởng thức chi đâu. Chúng tôi ngồi nghỉ chân ở các băng gỗ sơn trắng đặt dài theo boardwalk xem người qua lại, nhìn các cậu bé da màu khoảng 14,15 tuổi, đi trên các miếng gỗ có bánh xe rất nhanh và tài tình, luồn lách,khéo léo tránh những người đi bô. Chúng tôi đi dọc theo boardwalk, đi qua các khách sạn sang trọng trước bãi biển thấy đầy khách ngồi giải khát. Dưới biển có tàu nhỏ và người trượt nước lướt nhanh trên mặt biển xanh.


Chúng tôi đi đến đường 31 thấy tượng King Neptune thì dừng lại chụp ảnh. Tượng bằng đồng nặng 12,5 tấn đứng trên bệ đá cao. Chung quanh tượng có 12 con cá to nhỏ, tôm hùm, con bạch tuộc ... Tay trái tượng đặt lên lưng con rùa biển. Du khách xúm xít ngắm nhìn và chụp ảnh. Bãi cát khu vực này đông người nhất. Chúng tôi đã đi ngang qua tượng đồng “The Norwegian Lady “ xinh đẹp quay mặt ra biển trước khi đến tượng King Neptune.


Theo tài liệu lấy từ khách sạn, Virginia Beach có khoảng gần 500.000 dân cư. Vì là thành phố du lịch nên có nhiều nơi chơi thể thao và giải trí gồm các lễ hội, hòa nhạc, thả diều, trượt nước, chơi golf… Virginia Beach có 10 sân cù công cộng, hồ nuôi cá, viện bảo tàng, có bệnh viện… Nhiều nhà hàng đổ biển, nhà hàng ăn uống Mỹ, Trung hoa, Mễ… Vùng bờ biển toàn là cao ốc khách sạn đắt tiền,chỉ băng qua bên kia đường là đến bãi biển. Những nơi này cây cảnh xinh đẹp, cỏ hoa xinh xắn, cắt tỉa gọn gàng bắt mắt…


Thấy bãi biển Virginia Beach tôi nhớ bãi biển Vũng Tàu ngày xưa khi tôi còn ở quê nhà. Mùa hè Vũng Tàu cũng nhiều người tắm và đi bách bộ trên bãi biển. Thời kỳ đó phụ nữ hình như chưa ai mặc áo tắm 2 mảnh? Tắm biển xong người ta đi tắm nước ngọt và ăn trưa ở các tiệm ăn gần trên bờ. Nếu ai quên mang áo tắm cũng có thể tìm mua ở các tiêm gần quanh quanh bãi biển. Trên bãi cát có những gánh hàng rong bán nhãn và quả na ngọt lịm hay cua, ghẹ luộc đỏ au, mực nướng… Người tắm biển mua trái cây dùng tráng miệng sau khi ăn, nếu dư mang về nhà hay mua nhiều nhiều làm quà cho bạn bè vì rẻ hơn Saigon. Ai khát nước có xe nước mía ép tại chỗ, vừa mát vừa ngọt và dừa tươi. Chỗ ngồi là những ghế xếp bé nhỏ đặt chung quanh xe có mái che, Quý vị có thể đi Vũng tàu và về trong cùng một ngày nếu khởi hành từ Saigon. Ai ở lâu thì thuê khách sạn. Có nhiều loại, tùy túi tiền của mình. Gia đình tôi thường thuê “nhà nghỉ mát công chức” vừa rẻ vừa tiện vì băng qua đường là đến bãi biển. Anh chi tôi có nhà nghỉ mát to và đẹp ở Vũng Tàu nhưng tôi chưa đến bao giờ vì xa bãi biển.

National Harbor, Maryland:


Trên đường về nhà các cháu ghé National Harbor, Maryland để chúng tôi xem một trong những thắng cảnh tiểu bang Maryland. Nơi đây cách nhà chừng hơn tiếng lái xe nhưng tôi ít có dịp đến viếng. Thật ra tôi đến nơi này vào dip Giáng Sinh.Lúc ấy nơi nào cũng sáng rỡ. Đèn chăng ngang các lộ nhỏ,trên các cành cây,trong các tiệm buôn hàng hóa lấp lánh sáng .Các trang trí thật lộng lẫy trong ngày lễ hấp dẫn khách hàng và dân chúng. Ngoài đường thiên hạ đông đảo, chen chúc nên tôi chẳng xem được bao nhiêu, chỉ loanh quanh vài nơi là về. Hôm nay chúng tôi được đến National Harbor vào ngày thường, thiên hạ đi lại không đông lắm.

Thật là nơi xinh đẹp, đường phố khang trang sạch sẽ, vỉa hè rộng rãi, gió mát rượi Các tiệm buôn sáng rỡ với hàng hóa xinh đẹp, bắt mắt, Tôi.thích nhất là những tượng điêu khắc khéo léo, tỉ mỉ to bằng người thật đặt rải rác riêng rẻ từng người một ở góc phố, công viên hay thành một hàng mấy người nơi đông người qua lại: nữ minh tinh Marilyn Monroe má đỏ môi hồng, chàng thủy thủ trẻ tuổi đa tình, bà nội trợ bận bịu với các túi thức ăn, Thủ tướng Churchill nghiêm trang đạo mạo....

Không xa lắm the Ferris Wheel khổng lồ ngạo nghễ quyến rũ những người can đảm không sợ tốc độ và chiều cao vì phía dưới là nước, nhìn lên là trời cao

Nghĩ lại thời gian trôi nhanh như giấc mộng. Nhìn thấy biển tôi lại bùi ngùi nhớ đến những người vượt biển cách đây hơn 40 năm. Có người may mắn đến được các quốc gia tự do giàu lòng nhân đạo, có người chết thảm trên biển cả vì đói, vì hải tặc, hay tàu chìm do sóng to gió lớn. Vì thế các vị trưởng thượng cho là “có phước” mới đến được xứ văn minh,nơi ai cũng có thể học hành, không bị trở ngại vì lý lịch. Vì thế các phu huynh mong thế hệ trẻ cố gắng học đàng hoàng tử tế khi đến trường để không phụ lòng cha mẹ và có tương lai tốt đẹp “ trước là đẹp mặt, sau là ấm thân” và còn có thể giúp ích cho gia đình xã hội

Riêng tôi cám ơn anh chi Hiêp, hai cháu Vân & Andy về sự tiếp đãi ân cần,đưa đón, cho ở khách sạn tốt trong chuyến đi Virginia Beach. Mong sao mọi người, đồng bào trong và ngoài nước,thân hữu, anh chi em, con cháu và gia đình luôn bình an, khỏe mạnh, cư xử với nhau trong tình yêu thương . Câu xin mọi người giữ gìn sức khỏe cho tốt vì ở Hoa kỳ đi bác sĩ hay nằm bệnh viện đều rất tốn kém. Ngoài ra còn bận lòng những người thân yêu của mình.


Ngoài trời gió mát, nắng ấm chan hòa, chim hót líu lo, hoa mùa hè tươi thắm rực rỡ đó đây…

Mây trắng trời xanh ánh nắng hồng
Cuối hè bãi biển vẫn còn đông
Trẻ già, nam nữ vui trò chuyện
Trên bờ hải điểu đứng rỉa lông

Xa xa trên sóng nước bềnh bồng
Thể thao trượt nước năm ba ông
Xe tuần đôi chiếc chạy xuôi ngược
Bảo đảm an toàn cho đám đông

Ngọc Hạnh


Thứ Năm, 8 tháng 9, 2022

Hồ Như - Hoàng Quốc Bảo - Khánh Ly - Hình Ảnh: Trung Học Kỹ Thuật Vĩnh Long


Sáng Tác:Hoàng Quốc Bảo
Ca Sĩ: Khánh Ly
Thực Hiện: MH Phan

Tiếng Đàn Xưa


Xướng: 
Tiếng Đàn Xưa

Tang tịch tình tang khúc tuổi hoa,
Tơ chùng thoáng hiện bóng ngày qua.
Trang Sinh, mộng bướm, còn vương vấn,
Vọng Đế, hồn quyên, vẫn thiết tha.
Trăng bạc, biển xanh, châu lệ vỡ,
Nắng vàng, núi biếc, ngọc sương sa.
Tình xưa để lỡ, một đời hận,
Ngấn lệ thanh xuân, mãi nhạt nhòa.

(Tiếng Đàn Xưa - Mây Tần)
Phạm Khắc Trí
***
Hoạ: Tiếc Nuối

Tiếc nuối một thì tuổi gấm hoa
Thời gian lần lựa đã trôi qua
Lòng mơ danh toại dù tâm khổ
Dạ ước công thành dẫu lệ sa
Nhớ thuở nhìn Thầy sao ngưỡng mộ 
Thương thời ngó bạn lại khôn nhoà
Hoa niên chỉ một lần đương độ
Trôi mất đi rồi khó thứ tha!

songquang 
20220910
***
Tùy Duyên

Cung đàn giai điệu thật tài hoa...
Khúc nhạc tơ đồng tiếng vọng qua...
Mộng bướm Trang Chu hồn quyến luyến
Mơ tiên Thục Đế phách buông tha...
Biển xanh biêng biếc dòng châu đỗ
Trăng bạc êm đềm mắt lệ sa
Dang dở tình xưa đây uất hận
Thanh xuân hụt hẫng đó phai nhòa...

Mai Xuân Thanh
Sept. 11, 2022
***
Buồn Thấm Ý

Khi biết không còn mộng gấm hoa
Mới hay tuổi ngọc đã vươn qua
Một thời lãng mạn chìm mê đắm
Hai chữ đoàn viên gọi giác tha
Đành nén vào tâm niềm tức tủi
Là thôi lỡ hẹn nỗi buồn sa
Lệ tình lầm tưởng đang khô cạn
Lại nhỏ thành thơ thấm ý nhoà ...

Hawthorne 11 - 9 - 2022
Cao Mỵ Nhân

Mở Ngõ

Chiều nơi đây
Mưa rơi tầm tã
Cũng nơi này
Nắng hạ nung nung

Đời vô tư

Chẳng chút bận lòng
Người êm ái
Thắt vòng vương vấn

Trong cơn mê
Chừng như bất tận
Vết thương lòng
Im ngủ trong tim

Lời ôn nhu
Ru nỗi muộn phiền
Người chợt đến
Bên người như mộng

Sương mai sớm
Hương đêm còn đọng
Nắng lưng đồi
Vẽ bức tranh mơ

Bầy chim sẻ
Rung đôi cánh nhẹ
Ríu rít lời..
Khe khẽ đủ nghe

Tiếng yêu thương
Dệt mộng thiên đường
Người chợt đến
Tim hồng mở ngõ

Kim Phượng

Chuyện Làm Thơ

 

     Mần thơ cũng thú lắm thay
Như đang kéo lại tháng ngày đã qua
     Cái thời ong bướm vờn hoa
Cái thời mơ mộng chuyện ta với người
     Cái thời chưa đến đôi mươi
Cái thời hai đứa vui cười bên nhau
     Cái thời chưa nghĩ trước sau
Cái thời cứ mãi khát khao chuyện lòng.

     Mần thơ đâu phải chuyện đùa
Đủ mùi đủ vị cay chua ngọt bùi
     Nhiều khi thao thức tới lui
Những đêm cúp điện tối thui cũng mần
     Đứng ngồi suy nghĩ phân vân
Nặn tim vắt óc bao lần chẳng xong
     Phải chăng chữ đã đi rong
Khiến mình viết mãi khó hòng nên câu

     Mần thơ đâu phải chuyện chơi
Nhiều khi dạ cũng rối bời như tơ
     Lây quây ngẩn ngẩn ngơ ngơ
Ý tuy đã sẵn chỉ chờ vần gieo
     Tiếc rằng từ vựng lèo tèo
Tứ thì một ngả nghĩa theo một đường
     Làm thơ chớ khá khinh thường
Dù hay dù dở nhúng nhường đổi trao

     Mần thơ cái thú an nhàn
Tâm hồn thoải mái ngập tràn tình thân
     Làm thơ kết bạn xa gần
Đông tây nam bắc mượn vần kết giao
     Làm thơ là thú thanh tao
Mỗi khi thi hứng nôn nao cả lòng
     Hương lành gió mát trăng trong
Này này mặc khách sao không bút đề.

Quên Đi


Trường Cũ Tình Xưa


Hôm nay trở lại trường xưa
Trên cao Phượng Vỹ đong đưa gọi mời
Ồ! Nguyễn Trường Tộ đây rồi(*)
Dáng người áo trắng bồi hồi nhớ thương
Bao năm xa cách còn vương
Tóc dài quyện gió gửi hương tình đầu
Người thương nay biết về đâu
Hoa thơm trường cũ một màu nguyên trinh

Kim Oanh
(*)Trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ - Vĩnh Long


Thơ Mạc Đĩnh Chi


Mạc Đĩnh Chi 莫挺之 (1272 - 1346), tự là Tiết Phu 節夫, hiệu là Tích Am 僻庵, người làng Lan Khê, huyện Bàng Hà, lộ Lạng Giang (nay là huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Hưng) sau dời sang làng Lũng Động, huyện Chí Linh cùng trong lộ đó (nay cũng thuộc Hải Hưng). Ông là một quan đại thần và là nhà ngoại giao nổi tiếng triều Trần trong lịch sử Việt Nam. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông niên hiệu Hưng Long thứ 12, ông thi đỗ Trạng Nguyên. Nhờ thông minh, hiểu biết sâu rộng, ông nhiều lần được cử đi sứ sang Trung Hoa. Ngoài ra, ông còn được biết đến như là ông tổ trực hệ của các đời vua nhà Mạc, được Mạc Thái Tổ truy tôn miếu hiệu là Viễn Tổ 遠祖 (Tổ tiên của các đời xa xưa trước), thụy là Kiến Thủy Khâm Minh Văn Hoàng Đế 建始欽明文皇帝.

Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi còn để lại rất nhiều giai thoại văn chương truyền tụng trong dân gian, nhưng văn thơ thì chỉ để lại vỏn vẹn có môt bài "Phiến Minh", hai bài "Giáo Tử Phú và Ngọc Tỉnh Liên Phú" cùng với Bốn bài thơ sau đây :

1. Hỉ Tình Thi 喜晴詩:

喜晴詩             Hỉ Tình Thi
好景明人眼, Hảo cảnh minh nhân nhãn,
江山正豁然。 Giang sơn chính khoát nhiên.
烟笼初出日, Yên lung sơ xuất nhật,
波漾嫩晴天。 Ba dạng nộn tình thiên.
岸柳垂金节, Ngạn liễu thùy kim tiết,
汀花朴画船。 Đinh hoa phác họa thuyền.
淒凉宽旅思, Thê lương khoan lữ tứ,
和暖喜新年。 Hòa noãn hỉ tân niên.
莫挺之             Mạc Đĩnh Chi
***
* CHÚ THÍCH:
- Hỉ Tình Thi 喜晴詩 : là "Thơ mừng trời nắng ráo".
- Khoát Nhiên 豁然 : là "Rực sáng lên một cách bất ngờ".
- Yên Lung 烟笼 : là Khói mờ, là Sương khói làm cho mờ ảo.
- Ba Dạng 波漾 : là Những gợn sóng lăn tăn. Nộn 嫩 : là Non nớt.
- Tình Thiên 晴天 : là Trời quang mây tạnh, trời nắng lại sau cơn mưa.
- Kim Tiết 金节 : là những đốt như vàng. Ở đây chỉ những nhành liễu với những đốt ngã màu vàng rũ xuống sau cơn mưa.
- Đinh Hoa 汀花 : là loại hoa nở trôi nổi trên mặt nước.
- Thê Lương 淒凉 : Thê là Lạnh, Lương lá Mát; nên THÊ LƯƠNG là Mát lạnh, cũng có nghĩa là Rất mát mẻ, hoặc rất lạnh lẽo buồn bã (tùy theo ngữ cảnh).
- Hòa Noãn 和暖 : là Hòa dịu ấm áp, chỉ khí hậu ôn hòa ấm áp của mùa xuân.

* NGHĨA BÀI THƠ:
Thơ Mừng Trời Nắng Ráo

Cảnh đẹp nên làm cho mắt của con người cũng sáng rực lên, và sông múi nước non cũng chợt như rực sáng. Mặc dù khói sương như còn che phủ vầng thái dương vừa ló dạng, nhưng những gợn sóng lăn tăn làm cho bầu trời như phủ màu xanh non hơn. Bờ liễu ven sông cành rũ xuống những đốt vàng lấp lánh và những bông hoa dưới nước cứ vỗ vào mạn thuyền có vẽ hoa văn xinh đẹp. Trong cái mát mẻ đượm chút lạnh lẽo nầy người lữ khách cũng khoan khoái để cho dòng suy tư thả theo cái ôn hòa ấm áp của cái không khí mừng đón năm mới đang sang.

Bài thơ có tựa là "Thơ Mừng Trời Tạnh", có thể là sau cơn mưa, và cũng có thể là trên đường đi sứ. Vì ta thấy Mạc Đĩnh Chi nhắc đến "Họa Thuyền" là thuyền của vua chúa hay quan quyền sứ giả ngày xưa sử dụng, nhất là câu "Thê lương khoan lữ tứ". LỮ TỨ 旅思 là những cảm xúc suy tư của người lữ thứ xa quê sau cơn mưa trời lại sáng trong ánh nắng xuân ôn hòa ấm áp lúc người người đang mừng đón tân niên.

* DIỄN NÔM:
 Hỉ Tình Thi

Cảnh đẹp sáng mắt ra,
Sông núi rực chói lòa.
Khói mờ vầng nhật xuất,
Trời xanh gợn sóng xa.
Liễu rũ vàng theo gió,
Sóng vỗ họa thuyền hoa.
Thê lương lòng lữ khách,
Đón mừng năm mới qua.
Lục bát :
Sau mưa cảnh sáng mắt người,
Núi sông rực rỡ xinh tươi nắng vàng.
Vầng dương mới mọc mơ màng,
Lăn tăn sóng gợn trời càng xanh lơ.
Vàng tươi liễu rũ bên bờ,
Sóng xô hoa vỗ ngẩn ngơ họa thuyền.
khoan thai lòng khách thôi phiền,
Ôn hòa ấm áp tân miên đón mừng!
(Đỗ Chiêu Đức)

2. Quá Bành Trạch Phỏng Đào Tiềm Cựu Cư 過彭澤訪陶潛舊居:


過彭澤訪陶潛舊居 Quá Bành Trạch Phỏng Đào Tiềm Cựu Cư

自性本閒曠, Tự tánh bổn nhàn khoáng,
初不比碌碌。 Sơ bất tỉ lục lục.
斗米肯折腰, Đấu mễ khẳng chiết yêu,
解印寧辭祿。 Giải ấn ninh từ lộc.
扶疏五株柳, Phù sơ ngũ chu liễu,
冷澹一籬菊。 Lãnh đạm nhất ly cúc.
寥寥千載後, Liêu liêu thiên tải hậu,
清名吾可服。 Thanh danh ngô khả phục.

莫挺之             Mạc Đĩnh Chi

***
* CHÚ THÍCH:
- Đào Tiềm 陶潛 (365-427), tự là Nguyên Lượng (元亮), hiệu là Uyên Minh (淵明), lại có biệt hiệu là Ngũ liễu tiên sinh (五柳先生), là một trong những nhà thơ lớn của Trung Hoa thời nhà Tấn và Lưu Tống.
- Bành Trạch 彭澤 : Nơi mà Đào Tiềm làm Huyện lệnh, nên ông còn được gọi là Đào Bành Trạch.
- Nhàn Khoáng 閒曠 : là Rảnh rỗi không bận bịu.
- Lục Lục 碌碌 : là Lăng xăng bận rộn.
- Chiết Yêu 折腰 : là Gãy lưng. Chỉ cúi rạp mình xuống.
- Từ Lộc 辭祿 : là Từ chối bỗng lộc, có nghĩa là từ quan.
- Ngũ Chu Liễu 五株柳 : là Năm cây liễu. Trong tự truyện, Đào Tiềm kể về một ông gìa nhà có trồng năm cây liễu, nên mọi người đều gọi ông ta là Ngũ Liễu Tiên Sinh. Đó cũng là hình ảnh mà Đào Tiềm tự ví mình.
- Nhất Ly Cúc 一離菊 : là Một hàng rào cúc (Giậu cúc). Khi về vườn, Đào Tiềm trồng rất nhiều hoa cúc ở phía đông hàng rào nhà mình. Nên thơ ông có câu : Thái cúc đông ly hạ 採菊東籬下. Có nghĩa : Hái hoa cúc ở dưới rào mé đông.
- Liêu Liêu 寥寥 : Vốn nghĩa là Thưa thớt, lẻ tẻ. Ở đây dùng chỉ thời gian nên có nghĩa là : Vằng vặc, xa xôi diệu vợi.

* NGHĨA BÀI THƠ :
Đi Ngang Qua Bành Trạch Thăm Chỗ Ở Cũ Của Đào Tiềm 

Ta vốn tính phóng khoáng ưa nhàn tản, nên ban đầu cũng không chịu được với thói lăng xăng bận rộn để bợ đỡ người khác. Cũng như Đào Uyên Minh đã không vì năm đấu gạo mà chịu khom lưng để cho người sai khiến, nên mới phải treo ấn mà từ bỏ bổng lộc kia. Thà về nhà vun trồng năm cây liễu thưa thớt và sống đạm bạc với giậu cúc phía tường đông. Xa xôi vằng vặc cả ngàn năm sau rồi, nhưng thanh danh của Đào Tiềm vẫn còn làm cho ta phải cảm phục.

Nhân đi sứ nước người, ngang qua đất Bành Trạch, sẵn ghé thăm nơi mà cao sĩ Đào Uyên Minh đã từng vì năm đấu gạo mà phải làm Tri Huyện ở nơi đây. Ý của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi là cũng muốn mượn cái tính cách thanh cao của Đào Tiềm để tỏ rõ cái ý chí của mình. Khâm phục cái thanh danh của Đào Tiềm tức là đã nâng cao cái phẩm chất của mình rồi đó vậy !

* DIỄN NÔM:
Qua Bành Trạch Thăm Chỗ Ở Cũ Của Đào Tiềm

Vốn ta ưa phóng khoáng,
Không chịu đứa lăng nhăng.
Khom lưng vì đấu gạo,
Treo ấn phải từ quan.
Về trông năm cội liễu,
Vui với cúc một giàn.
Ngàn năm sau vằng vặc,
Người phục lại danh vang.

Lục bát:

Tính ta phóng khoáng thanh nhàn,
Sớm không ưa kẻ lang bang chào mừng.
Vì năm đấu gạo khom lưng,
Thà treo quách ấn nửa chừng từ quan.
Về trồng năm liễu bên đàng,
Vui cùng khóm cúc bên hàng rào đông.
Ngàn năm sau vẫn nhớ ông,
Thanh danh cao nhã cho lòng kính yêu.

(Đỗ Chiêu Đức)


3. Tảo Hành 早行 :

早行                Tảo Hành
蝴蝶醒殘夢, Hồ điệp tỉnh tàn mộng,
商郎聞櫂歌。 Thương Lang văn trạo ca.
張帆開夙霧, Trương phàm khai túc vụ,
擺櫂破晴波。 Bãi trạo phá tình ba.
水入九江闊, Thủy nhập Cửu Giang khoát,
山歸三楚多。 Sơn quy Tam Sở đa.
濂溪何處是? Liêm khê hà xứ thị ?
我欲訪煙蘿. Ngã dục phỏng yên la.

莫挺之          Mạc Đĩnh Chi
***
*CHÚ THÍCH:
- Tảo Hành 早行 : là Khởi hành sớm, Khởi hành lúc ban mai.
- Hồ Điệp...Mộng 蝴蝶...夢 : là Giấc Bướm, thường dùng để chỉ giấc ngủ chập chờn, do tích Trang Sinh (Trang Tử) nằm mơ thấy mình hoá bướm dạo chơi khắp nơi, tỉnh ra, còn ngờ ngợ, không biết là mình hoá ra bướm hay là bướm đã hóa ra mình. Dùng rộng ra chỉ để chỉ GIẤC NGỦ mà thôi, như ta thường nghe nói " Giấc ĐIỆP hay Giấc BƯỚM.
- Trạo Ca 櫂歌 : Trạo là Mái chèo; nên TRẠO CA là lời hát hò trên sông lúc chèo thuyền.
- Trương Phàm 張帆 : là Giương buồm.
- Túc Vụ 夙霧 : là sương mù buổi sáng sớm.
- Khoát 闊 : là Rộng rãi.
- Yên La 煙蘿 : Yên là Khói; La là Dây leo; Nên YÊN LA là Các dây leo bao phủ quanh các cây lớn như sương như khói.

* NGHĨA BÀI THƠ :
Khởi Hành Lúc Ban Mai

Chợt tỉnh mộng khi giấc bướm vừa tàn, đã nghe tiếng hát hò trên sông Thương Lang. Thuyền giương buồm lên lướt tới rẻ đám sương mù buổi sáng dày đặc. Tiếng chèo khua phá tan sóng nước làm vỡ tan ánh nắng ban mai. Nước Chảy vào Cửu Giang như làm cho dòng sông thêm rộng ra; những dãy núi chạy dọc về Tam Sở như càng lúc càng nhiều hơn lên. Dòng Liêm Khê là ở nơi nào ? Ta muốn đi thăm các cây cối và dây leo chằng chịch như khói như sương ở nơi đó.

Đây chắc chắn là chuyến đi sứ trên đất Trung Hoa với các dòng sông và địa danh bên đó như : Sông Thương Lang, Huyện Cửu Giang thuộc đất Sài Tang, Tầm Dương xưa; đất Tam Sở đời Tần Hán, gồm có Đông Sở, Tây Sở và Nam Sở, cũng như dòng sông Liêm Khê thuộc tỉnh Hà Nam nằm ở dưới chân núi Bàng Lãnh... Cái thư thả của chuyến đi sớm sau khi đã tàn giấc điệp, rất thi vị với các giọng hát hò trên sông với sông nước bao la, núi non trùng điệp hùng vĩ lẫn khuất trong các cây cỏ xanh tươi đẹp đẽ hữu tình.

* DIỄN NÔM:
 Tảo Hành

Chợt tỉnh sau giấc bướm,
Thương Lang vọng tiếng ca.
Buồm giương trong sương sớm,
Chèo quẫy vỡ sóng xa.
Nước Cửu Giang thêm rộng,
Núi Tam Sở nhiều ra.
Liêm Khê nơi nào nhỉ ?
Ta muốn ngắm cỏ hoa.

Lục bát:

Chập chờn giấc bướm tỉnh ra,
Thương Lang đã vọng tiếng ca câu hò.
Giương buồm lướt gió sương mờ,
Mái chèo quẫy sóng xanh lơ nắng vàng.
Nước về thêm rộng Cửu Giang,
Núi xanh Tam Sở như càng nhiều ra.
Liêm Khê xứ ấy có xa ?
Lòng ta muốn ngắm cỏ hoa khắp vùng .

(Đỗ Chiêu Đức)

4. Vãn Cảnh 晚景 :

晚景                 Vãn Cảnh

空翠浮煙色, Không thúy phù yên sắc,
春藍發水紋。 Xuân lam phát thủy văn.
墻烏啼落照, Tường ô đề lạc chiếu,
野雁送歸雲。 Dã nhạn tống quy vân.
漁火前灣見, Ngư hỏa tiền loan kiến,
樵歌隔岸聞。 Tiều ca cách ngạn văn,
旅顏悲冷落, Lữ nhan bi lãnh lạc,
借酒作微醺。 Tá tửu tác vi huân.
莫挺之             Mạc Đĩnh Chi
***
* CHÚ THÍCH:
- Vãn Cảnh 晚景: là Cảnh Đêm, là Cảnh trí lúc về đêm.
- Thúy 翠 : là Màu xanh biếc.
- Thủy Văn 水紋: là Vết nhăn của nước, có nghĩa là Mặt nước chỉ gợn sóng lăn tăn.
- Lạc Chiếu 落照: là Ánh nắng còn rơi rớt lại lúc chiều tàn.
- Ngư Hỏa 漁火: là Lửa của cá, là Đèn đóm trên các ghe chài lưới.
- Loan 灣 : là Khúc quanh của con sông.
- Tiều Ca 樵歌: là Tiếng hát hò của những tiều phu đốn củi.
- Lữ Nhan 旅顏: là Nét mặt của người lữ thứ xa quê hương.
- Vi Huân 微醺: là Say nhẹ, là Chếnh choáng say.

* NGHĨA BÀI THƠ:
Cảnh Trí Về Đêm

Tầng không xanh biếc nổi lên những sắc màu như sương khói. Dòng nước xuân xanh lam chỉ gợn sóng lăn tăn. Những con qụa trên tường kêu oang oác dưới ánh nắng chiều còn rơi rớt lại, trên không đàn nhạn đang bay gấp như đang đưa tiễn các đám mây bay trở về. Đèn đóm của các ghe chài lưới đã thấp thoáng ở khúc quanh phía trước của dòng sông, và tiếng hát hò của các tiều phu bên kia bờ đã vang lên trên đường đi về. (Trước cảnh chiều tàn nầy) Mặt người lữ khách đượm buồn trong buổi chiều lạnh lẽo cô liêu, nên mới mượn chung rượu để chếnh choáng say (cho vơi đi mối sầu lữ thứ)!


Đây là bài thơ cuối cùng còn sót lại của Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi, mà cũng là bài thơ cuối cùng trên đường đi sứ. Ngồi trên ghe nhìn trời nhìn nước trong buổi chiều tàn, thấp thoáng lửa chài, đâu đó tiếng qụa kêu, đàn nhạn bay về trong tiếng hát cách bờ của các tiều phu cũng đang vội vã quay về. Trước cảnh lạnh lẽo cô liêu của buổi chiều trên sông nước càng gợi thêm mối sầu lữ thứ của kẻ xa quê. Uống chút rượu để chếnh choáng say cho càng thấm thía hơn cái nỗi buồn trên sông nước !

* DIỄN NÔM:
Cảnh Chiều Hôm

Trời xanh vờn mây khói,
Nước biếc gợn lăn tăn.
Qụa kêu trong nắng xế,
Nhạn bay về thinh không.
Lửa chài quanh sông nước,
Tiều phu hát cách sông.
Buồn trong chiều xuống lạnh,
Mượn rượu giải khây lòng.

Thơ sáu chữ:
Khói quyện bầu trời xanh biếc,
Sóng xuân nước dợn lăn tăn.
Quạ kêu chiều rơi tường vắng,
Nhạn trời đưa tiễn phù vân.
Lửa chài bên vàm thấp thoáng,
Tiều phu cất tiếng cách sông.
Lữ khách buồn thân cô quạnh,
Giải sầu mượn chén đêm thanh!

Lục bát:

Từng không xanh ngắt khói mờ,
Nước xuân gợn sóng ơ hờ chiều buông.
Oang oang tiếng qụa đầu tường.
Theo mây đàn nhạn kêu sương bay về.
Lửa chài thấp thoáng dòng khê,
Tiếng tiều phu vẳng đi về bên sông.
Chiều buồn lữ khách bâng khuâng,
Mượn lưng chén rượu cho lòng lâng lâng.


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Chuyện Vãn: Gác Cu, Cầm Chầu


Nếu luận về chữ “ngu” thì vô số trường hợp “thiên hình vạn trạng” trong cuộc sống của mỗi người trên thế gian. Không có ai tự cho rằng từ nhỏ đến già không vấp phải ngu. Từ khi sinh ra, cắp sách đến trường cho đến khi lìa cõi, “chữ ngu” gắn liền với cuộc đời.

Vào thế kỷ XVI, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 70 tuổi khi cụ dâng sớ hạch tội 18 quan triều đình lộng thần nhưng không được vua nghe nên cụ “treo ấn từ quan” xa lánh chốn quan trường ô trọc về ở ẩn đọc sách, dạy học, làm thơ… Trong bài thơ Cảnh Nhàn của cụ Bạch Vân Cư Sĩ nói về dại khôn:

“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao”.

Khi cụ qua đời (95 tuổi) được truy phong tước Thái Phó Trình Quốc Công. Nếu cụ không thức thời rời “chốn lao xao” dễ bị kẻ thù hãm hại.

(Vào thế kỷ XIV, cụ Chu Văn An đảm nhiệm chức Tư Nghiệp ở Quốc Tử Giám và dạy học cho thái tử Vượng (Trần Hiến Tông). Cụ dâng “Thất Trảm Sớ” xin chém bảy nịnh thần, nhà vua không nghe nên treo mũ ở cửa Huyền Vũ, trả áo mũ từ quan. Trở về dựng nhà ở núi Phượng Hoàng vùng Chí Linh, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi hái củi ẩn dật) dạy học, vui thú điền viên. Sau đó, nhà vua mời lại chốn cung đình nhưng cụ từ chối. Cụ được hậu thế tôn vinh là bậc thầy của mọi thời đại. Cụ làm thơ, ca ngợi cuộc sống ẩn dật).

Đầu thế kỷ XX, cụ Tú Xương trong bài thơ trào phúng về Dại Khôn:

“Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
… Này kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn”.

Có khi hành động nào đó, người trong cuộc tự cho là khôn nhưng tha nhân cho rằng dại. Đôi khi bị thất bại thì mang tiếng ngu nhưng thành công thì cho là khôn. Thật khó lường.

Ngu, dại, đần độn, tối dạ, dốt nát, u mê… Trong ca dao của ta đã lưu lại rất nhiều. Có hàng trăm câu nói còn được lưu truyền, trong đó nhà văn Mark Twain lại cho rằng “Để thành công trong cuộc sống, bạn cần hai thứ: sự ngu dốt và lòng tự tin”, (To succeed in life, you need two things: ignorance and confidence).

Thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng có trường hợp “nhờ, bị, bởi…” ngu mà cậu học trò Thomas Edison trở thành thiên tài khoa học lẫy lừng nhất trên thế giới. Thế giới ngày nay thừa hưởng nếp sống văn minh hiện đại nhờ những công trình phát minh của nhà bác học Thomas Edison (1847-1931).

Câu chuyện tuy dài nhưng tóm lược như sau:

Năm 7 tuổi, cậu bé Edison đến trường tiểu học Port Huron, Michigan nhưng lơ đễnh và ngu nên trong 3 tháng ngồi ghế nhà trường không biết gì cả… thầy giáo Reverend G. B. Engle viết trên mẩu giấy và yêu cầu mang về nhà cho mẹ đọc.

“Edison không chịu học hành mà luôn làm phiền người khác bằng những câu hỏi chẳng đâu vào đâu… Cậu ta chỉ làm ảnh hưởng xấu đến các bạn khác mà thôi!”, “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”. (Có vài triệu chứng, cậu bé Edison mắc chứng tự kỷ (autism) nhưng lúc đó chưa khám phá ra, lần đầu tiên nhà xã hội học Úc Judy Singer được đưa ra vào giữa những năm 1900. Những nhà bác học Albert Einstein, Isaac Newton, Charles Darwin… thiên tài nghệ thuật Wolfgangus Mozart, Michelangelo… đều bị tự kỷ).

Bà Nancy - mẹ Edison - mở ra xem nhưng vừa đọc xong thì bật khóc nức nở. Sau đó, bà cố gắng giữ bình tĩnh đọc cho con nghe: “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình”.

Bà Nancy là giáo viên nên nhẫn nại dạy Edison cho đến năm 12 tuổi và không may Edison lại mất thính giác nhưng với sự đam mê tìm tòi về về máy móc và thí nghiệm hóa học…

Năm 1862, Edison giải cứu đứa trẻ 3 tuổi khỏi một đường đua nơi một chiếc xe hơi sắp cán vào. Ông MacKenzie - người cha đứa bé - tỏ lòng biết ơn, dạy Edison điện báo đường sắt rồi sau đó nhận công việc điều hành điện báo ở Port Huron. Edison vẫn tiếp tục các thí nghiệm khoa học. Từ năm 1863 đến năm 1867, Edison di cư từ thành phố này sang thành phố khác ở Hoa Kỳ, nhận công việc điện báo sẵn có.

Năm 1868, Edison chuyển đến Boston, làm việc điện báo tại văn phòng Western Union, vào tháng 1 năm 1869 từ chức, dự định dành toàn bộ thời gian để phát minh ra mọi thứ. Phát minh đầu tiên của ông được cấp bằng sáng chế là máy ghi phiếu điện vào tháng 6 năm 1869. Từ đó Edison tìm hiểu và phát minh ra nhiều công trình sáng chế…

Khi bà Nancy qua đời lúc Thomas Edison đã trở thành nhà phát minh vang danh thế giới, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: “… Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”.

Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”.
Lời nói dối năm xưa của mẹ Edison đã giúp con trai tự tin, tự học… bà là người mẹ cao cả, tuyệt vời dùng niềm tin, tình yêu của mình để dạy dỗ con nên người.

Thế giới ngưỡng mộ và ca tụng Thomas Edison là thiên tài của nhân loại nhưng đối với ông, người mẹ chính là thiên tài vĩ đại nhất.

***
(Gác Cu)

Trở lại với chữ “ngu”, không hiểu vì sao ông bà ta ngày xưa lại “gán” cho 4 cái ngu ở đời nên trong dân gian có hai câu ca dao:

“Ở đời có bốn cái ngu:
Làm mai, lãnh nợ, gác cu cầm chầu”

Trước đây đã hai thập niên, tôi có viết trả lời nhà báo khi cho rằng “Trong khi đó, bồ câu, cũng gọi là cu, là giống chim hiền, ăn sâu bọ, các thứ hạt, trái cây. Bồ câu tượng trưng cho phe chủ hòa. Bồ câu là tiếng miền Bắc. Ở miền Trung và miền Nam, câu được phát âm là cu. Do đó, chim câu còn được gọi là chim cu, cũng như ngựa câu được gọi là ngựa cu, cắn câu là cắn cu.

Cu có nhiều giống: cu cườm, cu đất, cu mồi và cu ngói. Nhà làm tự điển Lê Văn Đức ở trang 191 có định nghĩa về giống cu ngói nầy bằng một định nghĩa rất lạ và dễ sợ: “cu ngói: cu lông đỏ dợt hoen hoát” (Việt Nam Tự Điển Lê Văn Đức trang 191)

Theo tôi, trong bài viết, nhà báo đã có sự nhầm lẫn với nhau về bồ câu và chim cu.

Trong Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn hành ở Sài Gòn năm 1895, tái bản năm 1974 đã định nghĩa: “Câu: tiếng gọi các thứ chim giống chim nhà. Có câu nhà, câu đất, câu rừng, câu ngói, câu hỏa (trang 110) - Cu: loại chim đồng, lấy tiếng nó kêu mà đặt tên. Có các loại như: cu đất, cu lửa, cu ngói, cu xanh, cu gấm...” (trang 193)

Việt Nam Tự Điển – Ban Văn Học Khởi Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, Trung Bắc Tân Văn 1931 đã phân biệt: “Bồ câu: tên một thứ chim nuôi. Bồ cu: tên thứ chim biết gáy.

“Bao giờ trạch đẻ ngọn đa
Bồ cu ấp nước thì ta lấy mình.
Bồ cu trong tổ bay ra
Chân tay mầm mẫm cổ hoa hột cườm...” (trang 54)
(Ca Dao)

Cu: tên một loài chim, tức chim câu

“Vì ai xúi giục con cu
Cho con cu gáy gật gù trên cây...” (trang 95)
(Ca Dao)

Trong Tự Điển Thành Ngữ & Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quỳnh Giao đã diễn giải:

“Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè. (chim ngói: chim cùng họ với bồ câu nhưng cỡ nhỏ hơn, lông màu nâu nhạt, sống thành đàn, ăn hại lúa; chim cu: chim cu cu, còn gọi là chim gáy, cu cườm, sống hoang, gần với bồ câu, vòng lông quanh cổ trông như hạt cườm, hay gáy “cúc cù cu”, mùa hè hay về ăn lúa...” (trang 170)

Tiếng Anh đã có sự phân biệt như “Bồ câu: pigeon, dove – Cu: turtle-dove” (Việt Anh Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn). Nhãn hiệu mang tên bồ câu như xà phòng Dove rất phổ biến khắp nơi, không thấy nhãn hiệu nào mang tên chim cu.

Trong quyển Các Thú Tiêu Khiển Việt Nam của Toan Ánh. Bài Thú Chơi Chim từ trang 162 đến 221, cụ Toan Ánh đã luận giải rất tỉ mỉ về giống chim cu, bồ câu cũng như nghệ thuật gác cu (bẫy cu):

“Chim gáy còn được gọi là chim cu ở miền Nam, là loại chim trời hình dáng giống như bồ câu nhưng nhỏ hơn và còn những con đực thường gáy lên những tiếng cúc cu cu. Giống chim nầy hay ăn đất, theo lời các tay nuôi chim sành sỏi, do đó đồng bào miền Nam còn gọi chúng là cu đất. Cu đất có hai loại là cu bộp và cu sẻ còn được gọi là cu sen ở các tỉnh miền Đông... (trang 196)

... Chim gáy với chim ngói, loài chim ăn thịt rất ngon... Ở miền Nam chim ngói được gọi là cu gạch hoặc cu xanh tùy theo màu sắc của lông chim mà ở miền Bắc gọi là chim ngói xanh, chim ngói đỏ và cũng đừng lầm chim gáy với chim sen , một loại chim giống chim gáy nhưng thân to đẫy hơn nhưng không gáy, chỉ gù gù. Nhiều vùng quê gọi chim gáy là chim gầm ghì... (trang 164) ... Chim gáy là một loại chim trời, muốn có chim cần phải định bẫy, chúng không giống như chim bồ câu được người ta nuôi rồi sinh sôi nẩy nở ra (trang 177)...

... Chim bồ câu không biết gáy, không biết hót, không biết nói mà cũng không có mã ngoài đẹp như trĩ, như công như hạc vậy mà người ta vẫn chơi bồ câu... chim bồ câu là một giống chim nhà, sống với người, ở trong những chỗ do người ta nuôi làm nên, ăn thóc, ăn ngô và tất cả các thứ ngũ cốc. Chim đẻ từng lứa, mỗi lứa hai con, con trống, con mái, giống như chim gáy... (trang 188-189).

Trong tác phẩm Phong Lưu Cũ Mới của Vương Hồng Sển - Hiếu Cổ Đặc San - Tháng 6,1970, cụ Vương Hồng Sển giải thích loại chim cu theo từng tiếng gáy:

“Người thì nuôi cu đất, cu cườm: con nào gáy “cu-cu” là thường sự. Con gáy tiếng hai, tiếng ba “rục cu-cu”, có con gáy đến bốn năm tiếng “rục cu... cu... cu”, “rục cu-cu, cu-cu, cu-cu... cu”, những con ấy là bạc là vàng, chủ nuôi hãnh mặt khoe mình có con linh điểu (trang 44).

Bồ câu chỉ “gù gù” như người bị suyễn trong giấc ngủ chập chờn. Bồ câu còn có công dụng để dự báo thời tiết, ngày nào bay cao thì thời tiết tốt, ngày nào ở cu rú trong chuồng, trời sẽ mưa gió. Bồ câu hiền hòa nhưng cu rất hiếu chiến. Nếu khác giống “chim đá, cá trừng” để sinh sôi nẩy nở, cùng giống với nhau như cu, “đá nhau” đến thục mạng!

Con đực (trống) loại nào cũng hiếu chiến hơn bồ câu. Chúng đá nhau dữ dội vì “đố kỵ” tiếng gáy (cũng như gà trống tức nhau vì tiếng gáy)!

Muốn bắt (bẫy) chim cu cần phải có con mồi. Khi bắt chim non từ trong tổ khi chưa “giập bọng cứt” về nuôi, đến lúc lớn lên, lựa những con trên cổ có chùm lông nhiều màu sắc, gọi là trổ cườm. Chim cu nuôi nhốt cho ăn thóc ngâm, đậu xanh và dùng vải che kín lồng đem treo ở hiên nhà nơi có hướng gió để chim tập quen những tiếng kêu của đồng loại.

Muốn gác cu phải có “lục” (cái lồng giống như phân nửa cái hình tròn) để nhốt chim mồi. Mặt trước có tấm lưới để sập lại, bên dưới làm một cái cần đạp. Chim cu đồng “chim bờ” nghe tiếng con mồi kêu tưởng có kình địch tìm hướng sà tới, sa nhằm cần đạp… Thế là sụp bẫy! “Chim bờ” khó nuôi thành chim mồi hay huấn luyện để đá, người ta chỉ lựa mấy con có cườm nuôi để nó gáy nghe chơi.

Ngoài “lục” để bẫy thì dùng lưới “rập”. Rập là hai miếng khung lưới hình chữ nhựt. Phía hai khung lưới buộc sợi dây để giựt, lựa chỗ có nhiều chim rãi lúa, đậu để nhữ rồi chim mê ăn, cầm đầu dây giựt mạnh. Hai khung lưới sập lại.

Đi gác cu cũng lắm công phu, rình mò nghe ngóng chỗ nào có tiếng gáy, phải nhiều kinh nghiệm lựa những nơi có tiếng cu kêu… cài vài lồng bẫy và kiên nhẫn đợi chờ.

Thuở nhỏ, mỗi dịp hè, về thăm quê ngoại, nội, tôi và lũ trẻ mê nghề gác cu của mấy cụ. Trẻ thơ có cơ hội “bầu bạn” với các cụ, vừa vui thú với chim muông, trời mây non nước, vừa kiếm được lợi tức. Cu được tay nghề sành sỏi xem tướng như gà nòi, huấn luyện rất thuần thục, cu gáy rời rạc, dồn dập theo tiếng huýt sáo hoặc tiếng còi bằng ống tre nhỏ để khiêu khích đối phương lâm trận. Những tay nhà nghề còn luyện cu để bán với giá rất cao. Chơi cu cũng là nghệ thuật sưu tầm như cây kiểng vì tính đa dạng của nó.

Trong quyển Về Cội Về Nguồn, thi ca dân gian dẫn giải của Lê Gia đã bàn về gác cu, bẫy cu có hai người, một người chui ở trong bụi khích cho cu gáy và một người ở xa cầm sợi dây giật lưới, điều khó không phù hợp với cách gác cu thông thuong82.

Trong ca dao Việt Nam, ngoài loan, phượng, chim cu được đề cập rất nhiều, có câu rất ư ngộ nghĩnh như:

“Con cu ăn đậu, ăn mè
Ăn chi của mụ, mụ đè con cu”.

Người ta nói chim én báo hiệu mùa Xuân nhưng với người dân Nam Kỳ Lục Tỉnh thì lại:

“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Trông mau tới Tết dựng nêu ăn chè”

Câu đối: “Chim cu mổ mu rùa”. Khá thú vị vì trong tục có thanh.
Trong bốn cái ngu: “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu” trong dân gian từ xưa, cái ngu thứ nhất là làm mai.

Làm mai là làm “ông Tơ bà Nguyệt” se duyên (theo truyền thuyết có từ thời xa xưa) đi mai mối, giới thiệu nên vợ nên chồng… Nếu vợ chồng thuận hòa thì chẳng sao, nhưng khi đỗ vỡ, va chạm, sứt mẻ thì cứ ghè đầu ông mai, bà mối ra mà mắng.

(Ngày nay ở trong nước trở thành cái nghề hái ra tiền qua “dịch vụ mánh mung” gã gẫm gái quê lấy chồng Tàu, Đài Loan, Hàn, châu Phi… già, đui, què… mang vợ về cố quốc làm thú tiêu khiển rồi hành hạ dã man…! Biết bao thảm cảnh xảy ra đã phổ biến trên báo, mạng xã hội… Như vậy đâu có ngu, sẽ đề cập sau).

Cái ngu thứ hai là lãnh nợ. Đôi khi vì lòng trắc ẩn, đôi khi làm tài khôn vay tiền hộ cho người khác hay nhận trả nợ. Nếu vay, trả sòng phẳng (thuận vay, thuận trả) thì không có gì xảy ra nhưng nếu người vay quỵt nợ thì mọi việc đổ lên đầu kẻ lãnh nợ… vừa mất tiền, mất tình gọi là “làm ơn mắc oán” hay “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”!…

(Ngày nay ở trong nước vấn đề làm mai cũng trở thành dịch vụ làm ăn của các tay mánh mung, trùm đỏ, ngân hàng khi cho vay tiền để mua nhà, chung cư, đất đai… phải kèm theo bất động sản thế chấp vì họ phải nắm cán. Đến khi con nợ “lợi bất cập hại” xoay xở không kịp thì lãnh hậu quả khó lường…! Như vậy đâu có ngu, sẽ đề cập sau).

Trở lại với cái ngu thứ tư (sau gác cu) là cầm chầu

(Cầm Chầu)

Từ xưa cầm chầu là thú vui, giải trí của quý ông trong sinh hoạt hát bộ, hát chèo. Người cầm chầu (trống chầu) ngày xưa không phải là thành viên trong đoàn hát mà là người hiểu biết về lĩnh vực này trong các bộ môn giải trí nầy. Người cầm chầu thay mặt cho khán thính giả biết sử dụng trống để chấm câu sau mỗi câu hát, khổ đàn, và cũng để khen, chê diễn xuất của ca nương, kép đàn.

Người cầm chầu phải biết khen (gõ tùng vào mặt trống), chê (gõ cắc vào thành trống), đúng chỗ, đúng lúc và ném thẻ. Nếu khen nhiều quá thì phải chi nhiều tiền thưởng cho phường hát, nếu chi ít tiền thì bị phường hát chê trách và cho là keo kiệt làm tổn hại đến danh dự của họ khi trình diễn…

Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt Phường Tường của cụ Tú Xương lại mượn hình ảnh phường tuồng để châm biếm:

“Nào có ra chi lũ hát tuồng!
Cũng hò, cũng hét, cũng y uông.
Dẫu rằng dối được đàn con trẻ
Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn!”

Nghĩ như vậy cũng oan cho những người yêu nghề, yêu nghiệp với những người dấn thân trong các lãnh vực nầy.

Tuồng cổ, hát bội (hát bộ) là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển tương tự như chèo, cải lương (sau nầy), Hồ Quảng (cải lương tuồng cổ)… đã có từ lâu. Tuy nhiên người đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật tuồng Việt Nam là cụ Đào Duy Từ (1572-1634). Hát bội có nguồn gốc từ hát bộ cung đình, lối hát có tuồng, sự tích (tuồng tích) với bộ điệu. Khi diễn hát, các đào kép vừa hát vừa múa, đi lại trên sân khấu, điệu bộ hấp dẫn với vật tượng trưng lúc bi lúc hùng...

Vào thời nhà Nguyễn, vua Tự Đức (1848 - 1883) yêu thơ văn nên đã soạn một số tuồng và cùng diễn với các danh nho. Nhà vua đã cho xây một nhà hát nơi cố đô Huế. Vua Thành Thái cũng rất thích xem hát bội và cũng có tham gia đóng vai diễn. Nghệ thuật hát bội đã được cụ Đào Tấn (1845-1907) cháu đời thứ 9 của cụ Đào Duy Từ. Ông là thầy dạy vua Thành Thái và từng giữ những chức vụ Thượng Thư trong triều đình Huế, Tổng Đốc Nam Ngãi… Cụ có tài làm thơ, phú, soạn tuồng hát bội. Cụ đã cống hiến cho nghệ thuật nầy hàng chục vở tuồng, nổi tiếng như Tam Nữ Đồ Vương, Sơn Hậu, Đào Phi Phụng... còn lưu truyền cho hậu thế. Vì vậy hát bội được phát xuất và thịnh hành ở các tỉnh miền Trung và dần dà ảnh hưởng đến miền Nam.

Hát bội ở ngày xưa được lưu diễn khắp nơi, từ thành thị đến chốn nông thôn… Các cử chỉ, bộ tịch diễn xuất do các đào, kép diễn mang ý nghĩa tượng trưng từ hóa trang đến lời hát, tạo ra nhiều tưởng tượng nhân vật phong phú cho người xem.

Nhiều tài liệu cho rằng cải lương Nam Bộ đã bắt nguồn từ hát bội và được “cách tân” (cải cách, đổi mới) loại hình sân khấu cổ điển cùng với sự tổng hợp các thể điệu ca hát… Theo GS Trần Văn Khê: “Cải lương có khả năng thực hiện những đề tài mới… là một nghệ thuật dân gian, xuất phát từ miền Nam và lần lần được dân tộc cả 3 miền ưa thích”.

Trong bài viết Sơ Lược Về Cải Lương của Đào Đức Chương ghi nhận: “Về điệu hát, cải lương và hát bội đều sử dụng loại nhạc tuồng, nhưng cải lương không có xướng, bạch, hường, tán, ban… Các giọng khác vay mượn từ hát bội cũng biến thể rất nhiều và cải lương còn phát triển những điệu ca mới hợp với tiếng đờn tài tử. Như vậy, cải lương lấy âm nhạc làm chủ, diễn viên nhả chữ nhả câu phải hòa với tiếng đàn, giọng ca theo sát từng giai điệu và tiết tấu của điệu nhạc. Trong khi hát bội câu ca không gò bó bởi âm nhạc, miễn sao đúng với nhịp chính là được, nên diễn viên có thể tự do phơi bày hết sở trường của mình…”.

Hát cải lương có đến sáu giọng: bắc, nam, oán, thán, lý, bình, ngâm; mỗi giọng đều có tiết điệu riêng, khác biệt nhau. Nhưng vọng cổ là thể điệu quan trọng và độc đáo của bộ môn này. Trong vở cải lương, bắt buộc mỗi màn phải có ít nhất một bản vọng cổ.

Về nhạc cụ thì cải lương sử dụng các loại như: Đờn kìm (còn gọi là nguyệt cầm), đờn cò (còn gọi là đờn nhị), đờn sến, đờn tranh (còn gọi là thập lục), đờn lục huyền (guitare hay tây ban cầm), vỹ cầm (violon, gốc từ Tây phương), cây cuỗn (giống như cây kèn), sáo hay tiêu…

Trước năm 1975 ở miền Nam VN, cải lương rất thịnh hành và xuất hiện nhiều đoàn hát nổi tiếng làm lu mờ các gánh hát bội… Vì hát bội không có khả năng tổ chức trong rạp hát nơi thị thành mà ở chốn quê trong thời chinh chiến sau nầy bất an nên dần dà bị rã gánh!

Về hát bội, tôi nhớ mang máng truyện ngắn huyễn hoặc Vết Son Trên Má Tiểu Thư của nhà thơ, nhà văn Nguyễn Vỹ đăng trên tạp chí Phổ Thông vào đầu thập niên sáu mươi. Vì quá lâu nhưng đề cập đến hát bội, ghi lại câu chuyện kể rằng, có quan Tri Phủ ở Quảng Ngãi, nổi tiếng là con người lạnh lùng, nghiêm khắc. Trong đêm hát bội, mời ông cầm chầu, mang theo tiểu thư ngồi bên cạnh. Có gã hài rất dễ thương nên lúc đó, tiểu thư mê mẩn, si tình, lẻn ra sau hậu trường hẹn hò và rủ gã hề ra bụi cây tán tỉnh… Trong lúc trên sân khấu diễn ra hình ảnh cô tiểu thư, con của đại quan, hống hách, ngang ngược ra chợ quậy phá, dân lành nổi giận phản ứng chống trả… Trong lúc quan Tri Phủ cầm chầu đánh (giuc) lia lịa hưởng ứng tiếng hò la inh ỏi thì có lính hầu cận chạy vào báo tiểu thư ra bụi cây “tò te”… gọi vào thì tiểu thư nổi giận ném đá… Quan Tri Phủ đang “thả hồn” trên sân khấu, nghe vậy rất tức giận nên ông phán “chém đầu”.

Khi mãn tuồng, ông tìm tiểu thư thì lính hầu thưa, theo lời quan lớn nên đã chém đầu… Khi ông ra phía sau sân khấu, xem thi thể con gái thì có vết son trên má tiểu thư!.

Hát bội mà không có người cầm chầu thì nhạt nhẽo, vô duyên nên mỗi lần có diễn tuồng thì phải mời cho được vị cầm chầu. Dĩ nhiên là người “có máu mặt”, có chức, có danh, có tiền (không phải là kẻ khố rách áo ôm)… mới được trân trọng ngồi vào ghế danh dự trước sân khấu. Với tấm lòng hào sảng và yêu thích bộ môn nầy nên có “vung tiền” qua tiếng trống và ném thẻ lên sân khấu để hỗ trợ, tán dương cho gánh hát và hòa chung niềm vui của khán giả “mua vui cũng được một vài trống canh” (như lời thơ cụ Nguyễn Du) cũng không có gì đáng trách nhưng không hiểu người xưa không khích lệ mà liệt vào trong bốn “cái ngu” ở đời? Ngày xưa trong dân gian, người làm mai, lãnh nợ, cầm chầu không có thâm ý mánh mung, lường gạt… là người tử tế. Gác cu cũng là “nghề” lương thiện nơi đồng quê.

Thôi thì miệng thế gian, không biết đâu mà lường!

Ngày nay ở trong nước, hình như “cái ngu” gác cu, cầm chầu không còn tiếp tục như xưa nữa, bị bị phôi phai theo thời gian. Nay gợi lại để nhớ một thời quá vãng như nhà văn Nguyễn Tuân đã viết trong Vang Bóng Một Thời cách nay hơn tám thập niên.

Thật ra, các cụ ngày xưa đã chọn bốn cái ngu trong hàng trăm, hàng ngàn cái ngu ở đời chỉ là hình ảnh tiêu biểu cho những người hay cả nể, làm chuyện bao đồng, bỏ công sức nhưng chẳng được lợi lộc gì, bởi sự xúi giục của người khác mà phải móc hầu bao ra chi trả… khi “làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”, không có gì ác ý mà chỉ là lời khuyên nên tránh mà thôi.

Little Saigon, Sept 2022
Vương Trùng Dương