Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Mẹ Ru Con - Sáng Tác Phạm Anh Dũng - Tiếng Hát Hoàng Quân


... để kính tặng hương hồn mẹ hiền ...

Tiếng ca mẹ hiền trên vùng đất ngoan
Lãng quên cuộc đời đầy những ưu phiền
Rồi lời hát ngát xanh màu thiên thu …”

Có một hôm, trong đời, tôi chợt nghĩ nhiều về Mẹ Tôi, người đã qua đời.
Tôi nghĩ, ai rồi cũng sẽ chết.
Tôi nghĩ, mai sau tôi có chết đi, thì cũng "về" với Mẹ mà thôi.
Và tôi viết bài Mẹ Ru Con để tặng Mẹ Tôi.
Ý tôi muốn nói: khi con người ta chết thì cũng sẽ trở về với tiếng hát lời ru, vòng tay thương yêu của mẹ.

Phạm Anh Dũng

Trông...Mơ


Đêm nằm vỗ giấc bình yên
Xa xôi bóng má hiện tiền thoáng qua
Bờ tre lối cũ gót ngà
Bước chân in dấu vào ra chốn này
Gió đồng lay sợi tóc mai
Say người trong mộng hôm rày nhớ nhung
Trầu xanh cau bổ têm cùng
Hương vôi quấn quýt thủy chung đá vàng
Keo sơn bờ lộ ông Bang
Chỉ hồng nguyệt lão đôi đàng se duyên
Trúc mai sum họp ước nguyền
Đan tay xây đắp truân chuyên chẳng nề
Con vừa chợt tỉnh cơn mê
Má ba chung mộ phu thê đời đời

Kim Phượng
Ngày Nhớ Ơn Mẹ 2022

Lời Nguyện Ngày Nhớ Ơn...

  
(Bà Ngoại Nguyễn Thị Sang- Má Võ Thị Thoại)

Giữa trời thu đóa hoa xinh vẫn rộ
Lá ươm vàng nhường chỗ cánh xuân tươi
Cả đất trời đều xóa hết ngậm ngùi
Nụ cười Ngoại ôi niềm vui rạng rỡ!

Dáng dịu hiền ướp hơi thở tỏa lan
Danh thơm Má hương ngát cả không gian
Cháu con tận hưởng và đang sung sướng
Tạ ơn Người bậc trưởng thượng dấu yêu!

Trên trời cao được ân sủng thật nhiều
Lời cầu ước những điều qua kinh nguyện
Mother’s Day về, cùng thanh thản bình yên
Chúc Ngoại, Má cảnh Tiên tràn hạnh phúc!

Kim Oanh
Ngày Mother’s Day
Mùa Thu Melbourne 8.5.2022

Kinh Chiều

 
(Bà Võ Thị Thoại))

Tặng Kim Phượng, Kim Oanh

"Mẹ ngồi ru con trên sợi tóc buồn
Gục đầu rưng rưng cha ứa lệ tuôn
Nhìn hoa trái đời sau người khác biết
Đời trước ra sao gốc rễ cội nguồn! *

Sanh Hăm Bốn, Mùa Xuân Quý Hợi
Thiếu nữ quê Võ Thoại, Vĩnh Long
Cậu Sang trông thấy vừa lòng
Trăng tròn ngỏ ý cầu mong nhận lời.

Mẹ vui vẻ về nơi quyền quý
Lộ ông Bang, giá trị vạn đồng
Tuổi còn thơ dại thong dong
Dạy rằng: “canh cứng”, mà không biết gì!

Nhưng bù lại nhu mì, hiếu thảo
Biết lỗi lầm, gia giáo phận con.
Mẹ cha thờ kính vuông tròn
Thực hành độ lượng quanh thôn chẳng phiền!

Ngoài công dung, thêm duyên ngôn hạnh.
Học giỏi giang, thế mạnh thông ngôn
Gặp khi giặc Pháp bố ruồng
Nói năng đối đáp đối phương thuận lòng

Cuộc sống riêng, cùng chồng xây dựng
Khi chung lưng, lúc đứng một mình
Những khi cuộc thế điêu linh.
Một tay gánh vác gia đình. Mười con!

Sống ấm êm, ôn tồn nhẹ tiếng
Nhường nhịn nhau, mọi chuyện cảm thông
Thủy chung, tôn trọng, yêu thương
Nuôi con, dạy cháu, nêu gương đức dày

Chồng yêu thương, tự tay chăm sóc
Một tháng đau, nước rót cơm bưng
Tình lãng mạn, ý mặn nồng
Trăm năm tới hạn cầu mong chung mồ!

Khi chiến tranh, con vô chiến trận
Đứa học hành, tinh tấn vào đời
Nhà tan nước mất, viễn khơi
Lo toan vượt biển đến nơi an bình

Con bảo lãnh, gia đình đoàn tụ
Tuổi tuy cao chí thú học hành
Thầy, cô độ tuổi còn xanh
Mẹ cha dẫu vậy chân tình tương giao!

Cha lớn tuổi, cung cao sớm sủa
Chuẩn bị xong nhà cửa, mẹ về
Làm thêm “mộ gió” bụi tre
Là nơi cô Thoại lặng nghe tỏ tình!

Trời vào thu, lời kinh muốn học
Được một câu… mệt nhọc nửa câu

Cha đi trước, mẹ theo sau.
Từ bi vô lượng, thiên thâu Chúa trời!

Lộc Bắc
Mai2022
(*)trích từ bài Ngày Của Mẹ Không Quên Được Ba của Kim Phượng.
---
Điếu văn của Linh Mục (trích)
“Riêng cá nhân tôi, tôi rất cần gặp lại cụ, vì cụ còn một câu chuyện leo cây lý thú mà cụ định kể cho tôi nghe nhưng chưa có cơ hội. Xin tạm biệt cụ, hẹn ngày được vinh dự gặp lại cụ trên thiên đường của niềm hạnh phúc và bình an.
Nếu có thể tóm gọn lại, thì cụ bà Võ Thị Thoại đã cuốn hút mọi người bởi vì cụ có một tấm lòng độ lượng chân thành:”
Luôn hiếu thảo dâu, con - cha mẹ
Chuyện sắt son riêng vẻ vợ - chồng
Dạt dào mẫu - tử vô cùng
Tấm lòng hiếu khách người dưng chí tình!
Melbourne 24 - 9 - 2002
Linh Mục Đinh Thanh Bình

Bên Mẹ, Con Luôn Luôn Còn Bé II



Mẹ tôi qua đời khi tuổi vàng tương đối thọ
Tôi hiện giờ thêm nửa giáp so với mẹ ngày xưa
Nhưng luôn luôn cảm thấy vẫn đang sống bên Người
Ôi bao kỷ niệm ùa về nhân Ngày Lễ Mẹ!

Mẹ ơi!
Con vẫn mãi là đứa con bé bỏng
Không thể nào quên hình ảnh mẹ kề bên
Từ thuở thiếu thời cho đến lúc lớn lên
Lập gia đình riêng rồi sinh con đẻ cái

Ngày xưa ấy
Những đêm Đông lạnh lùng giá rét
Ôm vào lòng cho ấm áp con thơ
Những ngày Hạ nắng bừng thiêu đốt
Quạt cho con mát mẻ giấc trưa Hè

Ngày xưa ấy
Mẹ tảo tần quảy gánh hàng đi bán
Chợ chiều tan con trông ngóng mẹ về
Vui thật là vui nhận miếng quà tấm bánh
Từ bàn tay âu yếm mẹ trao cho

Cũng ngày ấy
Rất nhiều lần con bị bênh
Lặn lội tìm thày lang chữa chạy cho con
Quá mỏi mệt khi ngồi canh lửa bếp
Sắc cho xong ấm thuốc Bắc giữa đêm tàn

Quên sao được
Những ngày con phải đi thi
Trung học,Tú tài và Đại học
Bà mẹ quê cứ đứng ngay đầu ngõ
Bởi tin rằng chọn được viá hên xui

Cũng không quên
Sáng ngày Mồng Một Tết
Mở mắt ra đã thấy mẹ sẵn sàng
Một chậu nước mùi rau thìa-là ấm áp
Để đầu năm rửa mặt cho thơm tho

...Chuyện dĩ vãng...
Kể làm sao cho dứt
Ôi tình thương của người mẹ bao la
Đến bao giờ con mới trả được công ơn
Sinh,dưỡng,dục mong đời con sung sướng.

Ngày Lễ Mẹ.
Tôi sống tha hương không thể về thăm chốn cũ
Đành thắp nén hương lòng tưởng niệm mẹ hiền xưa
Với bông hồng trắng trang trọng cài lên áo
Dấu tích Người về như hiển hiện ở bên tôi
Có phải tâm hồn ta không bao giờ thay đổi
Nên cứ nghĩ bên mẹ thì cảm thấy không già?
Với tuổi tác đang độ mãn chiều xế bóng
Lệ đã khô rồi nhưng chưa cạn mối yêu thương

HÌNH ẢNH MẸ-CON-BÊN-NHAU VẪN CÒN MÃI MÃI
ĐỂ CON THẤY MÌNH BÉ LẠI NHƯ THUỞ XA XƯA.

ChinhNguyen/H.N.T. 
USA May 2022 (518)
-------------
Ghi thêm: Những bài thơ về Mẹ trên web lhvl:
-Lời ghi trên ảnh mẹ, CN/HNT 2011
-Ngày lễ mẹ, CN-HNT 2016
-Bên me.con luôn luôn còn bé I, CN-HNT 2017


Con Cần Mẹ, Mẹ Ơi!


(Viết cho cô bé Thuỳ Linh nhân đọc bài thơ “Bài văn về Mẹ” của tác giả Hoàng Vi Kha đăng trong đặc san Lửa Việt năm 2004” - xem nguyên văn bài thơ ở bên dưới )

“ ..Từ đó em không còn cả ba và mẹ
Nhìn bạn bè mà thèm lắm, thầy ơi!”
                        (Thơ Hoàng Vi Kha)

Tôi đã khóc..
Những giọt nước mắt chảy ra
Từ tấm lòng của một người chứng kiến bao dâu bể.
Của cuộc đời vượt biển gian nan!

Tôi đã khóc, mắt tôi đầy lệ
Và nghe như .. ai bóp chặt tim mình!
Lời thơ trẻ:
“ Thầy cho em tạm dừng dang dở
Nhớ Mẹ rồi, em đang khóc, thầy ơi..”

Tôi muốn được bên em, giờ phút đó
Để vỗ về, và để khóc cùng em. 
Giữa bao người sao chỉ một mình em?
Với mơ ước nhỏ nhoi nhìn thấy Mẹ 

Tôi đã khóc khi nhìn ra biển cả
Biển lạnh lùng ôm dấu những tình thân
Biển hung hăng cướp mất những thâm tình
Biển đen tối vùi đi bao mơ ước

Tôi đã khóc cho em, từ trong biển
Nhìn từng người thân thuộc bỏ em đi
Này Cha, rồi Mẹ ..những người quen.
Thân xác gởi theo lòng biển lạnh!

Tôi đã khóc .. như bao đêm em khóc
Khóc cho đời vong quốc, đổi tự do
Tự do ở xa…Cướp biển lại ở gần
Giữa biển cả, tiếng kêu trời …
                             ….. Trời cao không thấu!

Tôi đã khóc, cùng với em, tiễn biệt!
Những thâm tình, ai níu giữ cho em?
Tuổi còn thơ, em cần vòng tay mẹ
Mẹ bỏ em rồi .. Xa giấc mơ êm!

Em lại khóc cho cuộc đời côi cút
Bởi vì ai, em mất mẹ mất cha?
Bởi vì ai, triệu người  bỏ ra đi
Đem mạng sống làm ván bài: Thua-Được

Em đã khóc khi nhìn thùng nhựa rỗng
Nhớ mẹ em đêm giông tố kinh hoàng
Lời oán thán, sao Trời không nghe thấy
Để cho em, giờ côi cút hoang mang.

Bài văn dở dang, đầu đề về Mẹ
Làm sao em có thể viết cho tròn?
Giữa cuộc đời, mẹ đã bỏ lại em
Không tay ấm, không một lời an ủi

Em ở đó, giữa tận cùng trơ trụi
Giữa bơ vơ, giữa se sắt mỏi mòn
Xác của mẹ đã theo dòng biển lớn
Theo vết tro tàn, phai dấu môi son

Chuyện đã qua đi, sao trong em vẫn nhớ
Vẫn nhớ lần vượt biển mất mẹ, cha!
Vẫn còn nghe tiếng biển rú kinh hoàng
Vẫn sợ hãi mỗi đêm …
                         …… Khi mình em thức giấc!

Em ghét biển, ghét màu xanh nước biển
Biển không ngoan cũng chẳng giống mẹ hiền
Biển và họ (Những tên cướp biển)
Gieo đau thương tang tóc, chẳng động lòng.

Em đứng đó, trơ trơ … nhìn biển cả
Biển vẫn mênh mông, vẫn tiếng sóng gào
Tiếng sóng biển hay sóng lòng em gọi
“ Mẹ hãy trở về .. Con cần Mẹ, Mẹ ơi …!”
   
Môi Tím (Thái Mộng Trinh)
December 2004

TB: Bài thơ nầy đã viết rất lâu, sau khi đọc được bài thơ của Hoàng Vi Kha. Trái tim cơ hồ nghẹn lại.. Theo tôi biết, cô bé năm xưa đến giờ hãy còn nhớ và chẳng thể bôi xoá được hình ảnh chuyến đi kinh hoàng ấy! 
Đây cũng là câu trả lời cho những người vô tâm hay nói:  Mấy mươi năm rồi sao cứ nhớ ?
MT 1/20/2022 

Nỗi Đau Chợt Về



Cuối thu sao bỗng chợt buồn
Nhớ ai tri kỷ ai còn nhớ ta
Tuổi đời khiến tóc sương pha
Gối chăn hờn dỗi đã là bao đêm
Quê Hương xa tắp nào quên

Mẹ già trông đợi ngồi têm miếng trầu
Lòng con đau …-lòng mẹ đau
Cuối thu gió lạnh miếng trầu ..
đủ… ấm lòng mẹ không ?!
Xa xôi cách trở núi sông

Ước gì hết dịch –
con sẽ …mua vé hàng không con về

Thư Khanh
Seattle

The Time Is Now(Anonymous)- Lúc Này Đây(Tâm Minh Ngô Tằng Giao )

 

The Time Is Now

If you ever going to love me,
Love me now while I can know
The sweet and tender feelings
Which from true affection flow.
Love me now
While I am living.
Do not wait until I’m gone
And then have it chiseled in marble,
Sweet words on ice-cold stone.
If you wait until I am sleeping
Never to awaken,
There will be death between us
And I won’t hear you then.
So, if you love me, even a little bit,
Let me know while I am living
So I can treasure it.

Anonymous
***
Dịch Thơ:

Lúc Này Đây 

Nếu con yêu Mẹ con ơi
Hãy yêu khi Mẹ còn nơi cõi trần
Mẹ còn cảm nhận tình chân
Ngọt ngào, êm dịu con dâng tràn đầy.
Hãy yêu Mẹ lúc này đây
Khi mình chung sống vui vầy một nơi
Đừng chờ khi Mẹ qua đời
Rồi con mới tỏ những lời yêu thương
Khắc vào nền đá hoa cương
Mộ bia lạnh lẽo khó vương tình người.
Nếu chờ khi Mẹ ngủ vùi
Nghìn thu an giấc dưới nơi suối vàng
Âm dương chia cách đôi đàng
Mẹ nào nghe được con than khóc gì.
Tình con dù ít sá chi
Hãy trao cho Mẹ ngay đi con à!
Khi mà Mẹ chửa lìa xa
Để ta trân quý, thăng hoa cõi lòng!

Tâm Minh


Một Đêm Hè - Đêm Tháng Tư...

 

Bài Thơ Xướng
Một Đêm Hè (*)


Hạ đến đầu mùa những giọt thưa
Nỗi buồn nhớ Má nói sao vừa
Phất phơ tàu lá rung rung động
Ra rả nhạc sành thổn thức đưa
Má vẫn ru em trong tiếng gió
Tôi còn gạo vở giữa đêm mưa
Đì đùng bom đạn ngoài kia mãi
Má đợi Ba về nay vẫn chưa!

Quên Đi
(*) Nhớ về một đêm hè khi Má còn tại thế (Má mất ngày 19.3 âm Lịch 30 năm về trước)
***
Các Bài Thơ Họa
Một Đêm Hè

Trăng xuyên cành trúc trải lưa thưa
Còn gío ôi thôi cũng chỉ vừa
Gọi chút đìu hiu cây liễu rủ
Hay hơn lợn cợn ngọn lau đưa
Khiến nguyên cảnh huống như nhòa lệ
Làm cả không gian thể ướt mưa…
Mẹ đã quy tiên trong luyến nhớ
Hỏi quên được hả-dạ vâng chưa..!

Thái Huy 
4/09/22
***
Đêm Tháng Tư...

Tháng Tư đêm lạnh gió lưa thưa...
Nhớ má biết bao... mấy cũng vừa
Súng nổ râm ran dân chạy loạn
Mưa rơi rả rích lá đung đưa
Bố ơi đi mãi trong sương giá
Mẹ hỡi thương hoài giữa tối mưa
Nhớ má chờ ba xuôi vạn lý
Thương người đợi bạn sớm về chưa ?

Mai Xuân Thanh
April 10, 2022
***
Đêm Mưa Nhớ Mẹ

Tí tách hiên ngoài những giọt mưa
Tàn canh thao thức…nghĩ không vừa
Thương người vất vả lo tần tảo
Nhớ mẹ khuyên răn dạy bẩm thưa
Tiếng dế nỉ non sương khuấy động
Hàng cây ủ rũ lá đong đưa
Thời gian chẳng kéo ngừng trôi được
Mà nghĩa sinh thành đã đáp chưa !?

songquang 
20200410
***
Kỷ Niệm 19/3 Âm Lịch

Thời xa xưa ấy, trời mây thưa
Chiều xuống lênh đênh ánh sáng vừa
Khép mắt, hình như chìm giấc ngủ
Nghiêng tai, thấp thoáng vẳng đò đưa
Tháng ba , mười chín, vùi hoa lệ
Năm mốt, xuân vàng, ngập gió mưa
Hốt hoảng cha nhìn, đau xót quá
Mẹ đi vĩnh cửu khổ thân chưa ...

Cao Mỵ Nhân 
Hawthorne 12 - 4 - 2022
(Mẹ của cmn cũng mất ngày 19/3 âm lịch ,
nên xin phép đưa kỷ niệm vô bài hoạ)

Nhớ Mẹ

 
Thơ&ThơTranh: Hàn Thiên Lương


Góc Của Trái Tim




Nhớ khi trao đóa hoa tặng con gái út ngày cháu hoàn thành chương trình sau đại học ở Maryland, con nhỏ cười rạng rỡ đưa tôi tấm bằng cuộn tròn thắt chiếc nơ màu xanh nước biển. Tôi cầm nâng niu trên tay rồi hỏi con:

- “Bây giờ, con còn mơ ước gì nữa?”
- “Con ước mơ được đi vòng quanh thế giới !”, con nhỏ ngước nhìn bầu trời bao la đáp lời mẹ.
Rồi con nhỏ chợt quay qua tôi, hỏi:
- “Còn mẹ? Mẹ ước mơ gì sau khi con đã xong đại học?”.
Tôi nhìn con thật lâu rồi ôm chặc vào đôi tay:
- “Ước mơ của mẹ là được mãi vòng quanh đời con”!

Con nhỏ cười ngất, tưởng tôi nói đùa. “Con sẽ đem mẹ theo trong một góc của trái tim con”, con gái nắm bàn tay tôi đặt vào lồng ngực mình. Bây giờ con chim nhỏ của tôi đã có đôi cánh lớn để bay thật xa, thật cao vào khung trời của đời sống. Người mẹ như tôi chỉ nhìn theo và mong rằng con nhỏ sẽ giữ lời hứa “cho tôi một góc của trái tim”!
***
Sau cuộc ly dị nhiều buồn bã, lụy phiền con trai về giải thích cho mẹ lý do. Rằng cả hai không cùng ý hướng, rằng cả hai không còn chia sẻ nhau niềm vui, nỗi buồn, rằng tình yêu đã hết chỉ còn sự chịu đựng và rằng… nhiều, nhiều lý do khác.Tôi hỏi con trai:

- “Khi con nghiên cứu thuốc có nghĩ hết tất cả phản ứng phụ không?”,thằng nhỏ là bác sĩ dược khoa. “Dĩ nhiên, con phải nghĩ tới . Nhưng không thể dự trù cho tất cả những trường hợp cá biệt khác. Còn tùy vào phản ứng cơ thể của mỗi cá nhân, vào mỗi môi trường địa lý thổ nhưỡng khác nhau..v..v...”, nó trả lời rất chân thành, khoa học.
- “Đúng vậy con à. Hôn nhân của con không khác viên thuốc, nó đem lại hạnh phúc nhưng cũng đầy những phản ứng phụ mà con không thể đoán trước”, tôi nói nối lời theo con.
- “Nhưng tình yêu đã khiến cho con mất mát quá nhiều, tinh thần lẫn vật chất”, con trai tôi thở dài. “Căn nhà xây dựng bao năm, tiền bạc dành dụm bấy lâu, tình yêu và niềm tin dành cho người con gái đó… tất cả đều mất”, con trai tôi ngậm ngùi nói tiếp.
- “Sự yếu hèn của người đàn ông là nói xấu người khác. Đó không phải là tình yêu đâu con! Tình yêu không phải là sự được mất, có không, vốn lời và cả oán hờn, trách cứ. Còn nghĩ đến những điều đó, con chưa thật sự yêu người ta. Con chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi!”, tôi nói với con trai.

Đứa con trai giận mẹ, không gọi phone, không về thăm mấy tuần lễ. “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, tôi thấy mình cũng có ít nhiều trách nhiệm trong sự đổ vỡ của con.


Mãi đến một hôm, con trai chạy về ôm lấy mẹ “Con xin lỗi mẹ. Bây giờ con đã hiểu những gì mẹ nói”. Tôi yên lặng nhìn con trai, chờ đợi. “Con đã gọi phone cho Kay. Dù không còn gì, hai đứa đã nói chuyện lại mẹ à. Tất cả sẽ giữ mọi quan hệ tốt đẹp cho nhau.Con cám ơn mẹ”. Kay là tên người vợ cũ của con trai tôi.

- “Không. Mẹ phải cám ơn con, vì đã cho mẹ có một góc trong trái tim con!”, tôi đã thật sự nhìn thấy bóng mình trong ánh mắt của con trai.

***
- “Đâu là quê hương của con hở mẹ? Việt Nam hay nước Mỹ?”, con gái tôi hỏi sau chuyến về Việt Nam thăm gia đình. Khác với anh trai có khai sinh ở Việt Nam, con gái tôi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Câu hỏi thật đơn giản mà nghe sao nhói lòng.

“… Quê hương là chùm khế ngọt
“Cho con trèo hái mỗi ngày
“Quê hương là đường đi học
“Con về rợp bướm vàng bay
“Quê hương là con diều biếc
“Tuổi thơ con thả trên đồng
“Quê hương là con đò nhỏ
“Êm đềm khua nước ven sông…



Lời hát ngọt ngào, thiết tha đó bao giờ cũng khiến nước mắt tôi lưng tròng. Đó là quê hương của tôi và cũng “chỉ có một”. Nhưng cũng trong ý niệm và hình ảnh này, thì chắc gì đã là quê hương của con gái tôi? Như bao nhiêu đứa trẻ khác, con gái tôi không có sự lựa chọn cha mẹ là ai và nơi chốn chúng “chào đời”. Đất nước Mỹ là nơi sinh ra, lớn lên và có thể sẽ là nơi con gái tôi nằm xuống trong kiếp đời này? Nơi đây chính là quê hương của chúng với một "quê mẹ" tên gọi Việt Nam... Bằng tất cả tình yêu có được, tôi chỉ có thể cho con gái thấy được hình ảnh "quê mẹ" qua trái tim của mình. Tôi dạy ba món ăn Việt Nam mà con gái thích nhất: nấu phở, đổ bánh xèo và làm gỏi cuốn tôm thịt. Dĩ nhiên là phải thêm “tay nghề” làm nước mắm tỏi ớt miền tây nam bộ để thưởng thức món bánh xèo và gỏi cuốn. Con nhỏ học nhanh và nấu ngon hơn tôi tưởng. Có lẽ ẩm thực là chiếc cầu văn hóa ngắn nhất nối liền con gái với hình bóng quê nhà trong tôi?

- “Dù bây giờ quê hương của con là đất nước Mỹ, nhưng Việt Nam mãi mãi là miền đất quê mẹ tự hào trong trái tim con”, đứa gái nhỏ của tôi đã nói lên điều chân thành nhất trong tận lòng. Chúng đã trưởng thành và tôi cũng không “lột da” sống đời. Rồi chúng ta kẻ trước người sau vĩnh viễn rời bỏ đời này, không phải những gì mang theo, mà những gì tôi muốn để lại trong góc trái tim của con gái mình.

Durham, North Carolina
Nguyễn Kim Hoa

Cây Vú Sửa Quê Nhà

Ta nhớ quê nhà nhớ quắt quay
Nhớ cây vú sữa ở sân ngoài
Trĩu nặng từng cành ngon sao lạ
Trái màu tim tím thật là sai.

Ta nhớ tàng cây che sân sau
Bể nước tắm mình dưới nắng đào
Có mẹ lui cui ngồi giặt áo
Chiếc áo bà ba đã bạc màu.

Ta nhớ một lần về thăm nhà
Mẹ mừng đôi mắt lệ nhạt nhòa
Ôm con dưới gốc cây vú sữa
Nghe mùi của mẹ ấm tim ta.

Vườn nhà cây trái vì chiến tranh
Tang hoang xơ xác chẳng màu xanh
Mẹ che ánh nắng tìm trái chín
Thương mẹ làm sao nuốt cho đành

Vú sữa quê nhà ngọt biết bao
Như dòng sữa mẹ của thuở nào
Ta từng bú mớm từng mò mẫm
Bây giờ nhớ mẹ chỉ chiêm bao.

Hôm nay ngày giỗ mẹ của tôi
Nén hương dâng mẹ lòng bồi hồi
Không cây vú sữa bên thềm cũ
Mà sao nhớ quá mẹ hiền ơi!


Nguyễn thị Thêm

Anh Và Mẹ




Tôi và Sang học cùng trường tiểu học đến lớp nhất. Sang mặt mũi sáng sủa và luôn ăn mặc gọn gàng sạch sẽ nên tôi thích chơi với Sang.

Nhà tôi xóm trên nhà Sang xóm dưới chỉ cách nhau mấy khúc đường nhưng với tôi xóm nhà Sang cũng xa lạ vì tôi chưa bao giờ đi sâu vào xóm đó.
Thỉnh thoảng đến trường Sang hay lôi trong cặp ra chia cho tôi những món mẹ làm, cái bánh bò, bánh thuẫn, bánh ít hay gói xôi. Tôi ăn thấy ngon và thành thói quen ngày nào đi học tôi cũng mong Sang sẽ mang cho tôi món gì đó. Hôm nào không có là tôi…buồn!

Sang hãnh diện khoe mẹ rất thương Sang, mẹ biết làm nhiều thứ bánh ngon, biết nấu cơm ngon và hào hứng rủ tôi hôm nào đến nhà chơi thì biết.
Tôi tò mò và hào hứng như Sang, tôi muốn nhìn thấy mẹ Sang người đàn bà như thế nào mà tài giỏi thế món gì cũng làm tôi ngon miệng, làm tôi ưa thích..

Một hôm như đã hẹn, tan học tôi theo Sang về nhà để được gặp mẹ Sang và ăn bánh. Sang đã dặn mẹ trước, mẹ sẽ làm món bánh ít để đãi tôi. Tôi thích bánh ít này lắm, nhân đậu xanh trộn dừa nạo và đậu phông rất ngon. Mẹ Sang sẽ làm bánh trước mắt cho tôi xem nên tôi càng thích thú..

Đầu con hẻm vào nhà Sang có cái am, trước cửa am có lu nước với chiếc gáo dừa cho kẻ đi đường ai khát ghé vô uống nhưng tôi chưa bao giờ dám uống nước lu này, tôi sợ lu nước có bụi bay vào và sợ có lăng quăng trong đó.. Có lần mấy đứa trò nhỏ chúng tôi đi bộ ngang qua đây, các bạn ào ào dành nhau múc gáo dừa uống nước lu đã đời nhưng tôi thì không, dù cũng đang khát nước như các bạn. Một đứa đã bảo tôi con nít mà bày đặt kén chọn.

Lần đầu đến nhà Sang, quanh co trong nhiều con hẻm hầu hết là những gia đình người miền nam cư ngụ. Trước sân nhiều nhà trồng hoa dâm bụt và có bàn thờ Thiên, nhà Sang cũng thế, mảnh sân rộng có bàn thờ Thiên với bình hoa Trang đỏ bên cạnh bình nhang tàn đầy những chân nhang cây cao cây thấp. Sát mé nhà có một cây chùm ruột trái đang đeo đầy trên cây. Sang khoe ngày nào mẹ cũng thắp nhang bàn thờ Thiên vái trời cho Sang học giỏi, cho mẹ mạnh khỏe để nuôi Sang khôn lớn, nhìn bao nhiêu chân nhang là biết bao nhiêu tình mẹ thương yêu Sang.

Sân rộng thế mà căn nhà gỗ thì nhỏ bé, bước vào trong nhà tôi ngạc nhiên và thất vọng ngỡ ngàng vì nhà Sang nghèo quá và mẹ Sang thì xấu quá. Đồ đạc trong nhà cũng.... xấu như mẹ Sang, chiếc bàn và những chiếc ghế cũ bẩn tôi không muốn để cặp sách của tôi xuống chứ đừng nói tôi sẽ ngồi xuống. Gian bếp nhỏ xíu xíu chật chội những nồi chảo méo mó, nắp nồi chênh vênh và rổ bát xộc xệch…Nơi này mẹ Sang đã làm ra những món ngon đây sao !!

Mẹ Sang làn da ngăm ngăm đen với gương mặt choắt thô như đàn ông. Dù bà vui vẻ chào đón tôi nhưng tôi không thấy bà dễ thương chút nào..
Nhìn bà trộn bột nhồi bột bằng hai bàn tay gân guốc đen xạm tôi đã thấy …ghê ghê không muốn ăn bánh rồi. Nếu tôi biết thế thì những bánh trái trước đây Sang mang cho tôi cũng chẳng thèm ăn.

Tội nghiệp mẹ con Sang. Họ đâu biết tôi đang chê bà mẹ xấu xí dơ dáy, tôi đang giận hờn Sang có một người mẹ xấu mà Sang cứ khen hoài làm tôi tưởng tượng về bà toàn những điều đẹp đẽ. Sang thì hớn hở lăng xăng phụ mẹ lấy cái này cái nọ, còn mẹ Sang thì vừa làm vừa ngọt ngào hỏi thăm tôi, kể cho tôi những mẩu chuyện làm quà. Hai mẹ con cùng vui vì tôi đến nhà.

Bánh ít chín, ăn nguội mới ngon nên mẹ Sang bỏ bịch cho tôi mấy cái mang về. Tôi vâng dạ cám ơn bà nhưng tôi sẽ không ăn những bánh ít này.

Khi ra tới ngoài sân bà chỉ cây chùm ruột âu yếm hỏi tôi:
- Con thích ăn mứt chùm ruột không mai mốt bác làm con ăn.
- Cháu không thích.
Bà chiều chuộng:
- Hay con ăn chùm ruột chua ngọt nha. Món này ngâm với cam thảo muối đường và ớt khô ngon lắm, bác làm cả thau bự bán vèo hết liền.
Tôi lại trả lời:
- Cháu không thích.

Sau hôm đó mỗi lần Sang mang bánh đến trường cho tôi, tôi biết giả vờ nhận cho Sang vui nhưng không ăn tại chỗ mà nói để dành về nhà ăn nhưng tôi vứt vào thùng rác.

Tôi và Sang cùng thi đậu đệ thất vào một trường trung học công lập. Hai đứa lại chung lớp chung trường suốt nhiều năm. Thời trung học chúng tôi đã lớn nên Sang không mang bánh trái trong cặp đi học và chia cho tôi nữa.

Không thích nổi mẹ Sang nhưng tôi càng ngày càng mến Sang vì Sang học giỏi và biết Sang cũng mến tôi. Sang đẹp trai cao ráo khác hẳn người mẹ, chắc Sang đẹp trai giống cha. Sang có lần tâm sự chuyện tình buồn của mẹ, cha Sang đẹp trai con nhà giàu dưới quê, lên thành phố làm ăn thất bại lại thêm thất tình nên cha lấy mẹ để …giải sầu. Ông bỏ rơi bà, đi biệt tăm khi bà đã mang thai và người đàn ông hào hoa bội bạc đó không bao giờ biết rằng ông có một đứa con trai với người phụ nữ đã hết lòng yêu thương tôn thờ ông. Mẹ Sang không oán hận cha, bà luôn nhẫn nhục và an ủi là ông không có lỗi chi vì bà không xứng với ông thôi, ông cho bà một đứa con trai ngoan và đẹp đẽ như Sang đủ cho bà sung sướng mãn nguyện cả đời rồi. Bà đặt tên con là Sang ý muốn sau này nó sẽ sang giàu như cha nó.
Tuy không nói ra nhưng tôi thấy cha Sang bỏ đi là…đúng.

Tốt nghiệp trung học Sang thi đậu vào trường đại học bách khoa dễ dàng còn tôi thì vào học trường cao đẳng mỹ thuật mộng mơ là họa sĩ.

Khi anh ngỏ tình yêu với tôi và hẹn sang năm tốt nghiệp có việc làm anh sẽ cưới tôi. Tôi sung sướng đáp lại tình anh. Nhưng khi chúng tôi vẽ vời tương lai anh muốn hai chúng tôi sẽ ở chung với mẹ thì tôi phản đối ngay. Bây giờ anh mới biết tôi không hề thích mẹ anh.

Anh phải lựa chọn sống với tôi không có mẹ. bà vẫn ở căn nhà cũ, còn chúng tôi sẽ đi thuê mướn căn nhà khác cho đến khi dành dụm có tiền mua nhà. Dù ở nhà nào cũng không có mẹ anh trong đó.
Anh cố gắng thuyết phục tôi nhiều lần, mẹ và anh từ hồi nào tới giờ luôn sống bên nhau, mẹ anh đã hi sinh cả tuổi thanh xuân cực nhọc buôn gánh bán bưng, làm thuê trong xóm nuôi anh ăn học, anh không thể rời xa mẹ.

Thấy anh một lòng bênh vực mẹ, tôi tự ái nổi giận ném vào mặt anh những lời kiêu ngạo và cay độc rằng mẹ anh xấu xí, ngày xưa cha anh không muốn ở với mẹ anh, tôi cũng thế. Và tôi giận dỗi chia tay anh.
***

Tôi ra nước ngoài để tìm quên anh và để tìm cơ hội phát triển cho ngành hội họa mà tôi yêu thích, tưởng vài năm sẽ trở về. Thế mà đã 20 năm qua khi tôi về thăm Việt Nam.

Tôi đã trải qua vài cuộc tình khác, tình yêu đầu đời của tôi với Sang cũng nhạt nhòa theo thời gian nhưng chắc chắn là tôi chưa hề quên anh. Tôi đã kinh nghiệm đời, chín chắn già dặn hơn. Tôi biết mình khó tính và quá kén chọn như lời một đứa bạn trẻ con ngày xưa đã nói. Tôi biết mình đã làm tổn thương anh nặng nề, xúc phạm đến người mẹ mà anh yêu quý .

Nếu thời gian cho đi lại từ đầu thì tôi sẽ làm ngược lại những gì trước kia. Tôi tò mò muốn biết về Sang sau bao năm không tin tức, nếu gặp tôi sẽ xin lỗi Sang và có thể giúp đỡ họ chút gì đó nếu mẹ con Sang vẫn còn nghèo như xưa.
Sài Gòn cũ, xóm cũ của tôi đã thay đổi quá nhiều.
Đến xóm anh thì căn nhà nhỏ xấu của mẹ con anh đã thay đổi thành căn nhà to rộng khang trang và cũng đã thay chủ từ bao giờ. Hỏi ra mới biết mẹ con Sang đã rời khỏi đây từ lâu rồi. Tôi càng áy náy họ đang phiêu bạt nơi nào, Sang còn giận tôi không?

Tôi xuống Thủ Đức thăm người chị họ. Chị Nguyên đưa tôi đến một nhà hàng nổi tiếng của quận Thủ Đức. Chị sống và lớn lên ở đây, chị thường đến nhà hàng này.
Chúng tôi bước vào nhà hàng đã đông người, đó là căn nhà lầu mấy tầng, những tầng trên để ở, tầng trệt kinh doanh. Trong lúc tôi xem thực đơn chọn món thì chị Nguyên kể:
- Nhà hàng nhiều món ngon giá cả phải chăng nên lúc nào cũng đông khách.

Đồ ăn mang đến, những món đời thường mà ngon miệng quá, cá rô kho tiêu, canh khổ qua nhồi thịt, rau muống xào tỏi..Người đầu bếp nào đã nấu những món ăn này phải có hai bàn tay năng khiếu giỏi giang bếp núc lắm đây..

Ăn xong tôi nhâm nhi chén trà hoa lài tráng miệng, nhìn ra chỗ quầy hàng tôi bỗng giật mình khi thấy một bóng dáng quen quen, bóng dáng này, nhan sắc này không bao giờ tôi quên được dù bà đã già đi. Người phụ nữ đen đen xấu xấu mẹ của Sang đang đứng trong quầy hàng luôn tay làm đồ ăn cho khách hàng, bên cạnh bà một chị tuổi trung niên cũng luôn tay phụ bà.

Chị Nguyên nhìn theo hướng tôi, thong thả kể:
- Mẹ chồng nàng dâu đấy. Nhà hàng này một tay bà mẹ chồng giỏi giang kia làm nên. Họ về đây buôn bán khi chỉ là căn nhà cũ vách gỗ, từ một xe bán đồ ăn trước cửa thành nhà hàng to lớn ngày nay.
Tôi bồi hồi dò hỏi:
- Thế con trai bà ấy có phụ mẹ buôn bán không?
- Anh ta là kỹ sư làm ngay thành phố này.
Tôi cảm nhận họ là một gia đình gắn bó và hạnh phúc. Mẹ Sang đã đạt được ước nguyện khi đặt tên con.
Chúng tôi gọi tính tiền và rời khỏi tiệm, khi tôi đi ngang qua chỗ quầy, người đàn bà xấu xí đã mỉm cười tiễn khách lịch sự vui vẻ:
- Cám ơn hai chị đã đến tiệm chúng tôi.
Bà không hề nhận ra tôi, con bé bà chỉ gặp một lần và bao nhiêu năm đã trôi qua.

Mẹ anh đó, vẫn là người phụ nữ xấu, vẫn nụ cười vui vẻ hiền hậu. Anh và mẹ vẫn luôn bên nhau, đứa con ngoan với người mẹ hiền. Tôi bâng khuâng tiếc nuối vu vơ, tôi đã đánh mất anh và mẹ anh chỉ vì một điều vô lý và ích kỷ của thời tuổi trẻ suy nghĩ nông cạn.

Giây phút này tôi chợt nhận ra tôi đã vẽ biết bao màu sắc cho cuộc đời mà vẫn còn thiếu sót hình ảnh tôi đã từng biết, từng gần gũi. Mẹ anh là người phụ nữ đẹp nhất, đáng yêu nhất, người vợ bị tình phụ nhưng vẫn vị tha bao dung, người mẹ nghèo một mình lam lũ nuôi con và gây dựng cho con suốt cả cuộc đời.

Đây sẽ là nguồn cảm hứng tôi vẽ lên tranh để thay lời xin lỗi, ngàn vạn lời xin lỗi đến anh và mẹ của anh.

Nguyễn Thị Thanh Dương.


Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2022

Tiếc Thu

 

Một vùng sương khói sáng hôm nay
Bụi trắng bay như mộng ảo đầy
Tiếc nuối hồn thu còn phảng phất
Sao nghe chất ngất nỗi sầu vây

Ảm đạm đông về nắng ẩn lui
Hàng cây bụi cỏ xác xơ vùi
Màu hoa rũ rượi tàn hương sắc
Chợt thấy nao nao nỗi ngậm ngùi

Cảm xúc bao lần dậy sóng yêu
Thu quay giã biệt tiếc thương nhiều
Tình thơ lãng đãng say say mãi
Trỗi nhịp mơ màng bóng tịch liêu

Thu rời muôn nẻo bước thời gian
Vương vấn mùa thương những lá vàng
Gót mộng đường mây đành khuất lấp
Thôi buồn cúi mặt đợi thu sang

Minh Thuý Thành Nội


Lẽ Nào Thu Đến Lỡ Thì Lá bay - Nhất Tâm…

 

Bài Xướng:

Lẽ Nào Thu Đến Lỡ Thì Lá bay

Lần đầu môi chạm nụ môi
Ngất ngây chếnh choáng bầu trời nghiêng theo
Tiếng chim ríu rít hót reo
Thu vàng bừng nở thêm nhiều cúc bông
Lá rơi dào dạt qua lòng
Nụ hôn chất ngất những mong nhớ chờ
Đỏ bừng hoa nắng hồn thơ
Tuổi xuân tình đỏ dại khờ nụ hôn
Hôm nay nhìn cúc dỗi hờn
Vàng lên góc phố nỗi buồn tình xa
Nắng vàng nhớ chẳng trổ hoa
Tiếng chim thắc thỏm thiết tha gọi người
Xạc xào chiếc lá thu rơi
Thu về thao thức đôi nơi chia lìa

Nụ hôn đầu đỏ môi ghì

Lẽ nào thu đến lỡ thì lá bay?

Trầm Vân
***
Bài Họa:

Nhất Tâm…


Hè chia tay lệ mặn môi
Nỗi đau bao phủ cả trời khóc theo
Muông chim cũng bặt tiếng reo
Phượng chưa kịp trổ úa nhiều sắc bông
Ve than tức tưởi não lòng
Quay đi đành đoạn còn mong chi chờ
Chôi vùi tuổi mộng ngây thơ
Hết rồi một thuở khù khờ môi hôn
Lấy ai những lúc giận hờn
Lời yêu chưa cạn tình buồn cao xa
Oằn mình chôn chặt đời hoa
Nhất dạ gắng sức thứ tha lỗi người
Bao mùa đau khổ dần rơi
Bấy mùa tĩnh lặng về nơi đứt lìa

Xóa sạch tỳ vết đã ghi

Tâm buông bỏ cả ... thân thì nhẹ bay!

Kim Oanh

Thế Sự Phù Vân

 

Mượn bút thơ, tôi làm nhà điêu khắc.
Tạc tượng hình, những thiện ác thế nhân
Tâm địa người ẩn khuất, khó định phân
Nhìn ngoại diện, đều là chân thiện mỹ

Mượn bút thơ, tôi làm nhà họa sĩ
Vẽ chân dung, cơn bão tố hiện sinh
Cuộc đổi đời, theo nếp sống văn minh
Lấy vật chất tiền tài làm cứu cánh

Mượn bút thơ, tôi làm nhà nhiếp ảnh
Vác máy hình, đi kiếm cảnh bồng lai
Chốn thần tiên, sao tình huống bi ai?
Mới ngộ ra… thiên đàng trong hỏa ngục!

Dùng bút thơ, phác họa đời trần tục
Toàn bụi tro, đất cát… với bèo trôi…
Cảnh phù vân thế sự ở quanh tôi
Bỗng thoáng hiện, dấu chân hằn trên cát!

Những đợt sóng từ trùng dương bát ngát
Xóa rất mau, dấu vết của con người
Vũ trụ ngàn năm, một thoáng mây trôi
Muôn thế hệ còn gì nơi cõi tạm.

Trần Quốc Bảo
Richmond, Virginia

Bố Cục Trong Thơ Đường Luật


Trong 5 qui tắc bắt buộc của Thơ Đường Luật, có một qui tắc thường được diễn giảng khá mơ hồ, khiến người học làm thơ Đường Luật khó thể thấu đáo. Đó là Bố Cục.

Chúng ta cùng vào Internet xem các trang Thơ Đường nói gì về Bố Cục.

Theo thoduongluat.com

BỐ CỤC: Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú có 4 phần:

1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Ðề, gồm:
- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.
- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.
2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.
3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.
4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

***
Theo hoavien.forumvi.com

Cách bố cục một bài thơ:
Một bài thơ bát cú giống như bức tranh. Trong cái khung nhất định 8 câu 56 chữ, làm sao vẽ thành một bức tranh hoàn toàn, hình dung được ngoại cảnh của tạo vật hay nội cảnh của tâm giới. Bởi vậy phải sắp đặt các bộ phận cho khéo. Có bốn bộ phận là: Đề, thực, luận và kết.

1- Đề thì có phá đề (câu 1) là câu mở bài nói lung động cả ý nghĩa trong bài và thừa đề (câu 2) là câu nối với câu phá mà nói đến đầu bài.

2- Thực hoặc trạng (câu 3-4): là giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh thì chọn các cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà mô tả ra, nếu là thơ tả tình thì đem các tình tự giãi bày ra; nếu là thơ vịnh sử thì lấy công trạng của người mình muốn vịnh mà kể ra.

3- Luận (câu 5-6): là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói cảnh ấy xinh đẹp như thế nào; vịnh sử thì hoặc khen hoặc chê, hoặc so sánh người ấy, việc ấy với người khác việc khác.

4- Kết (câu 7-8) là tóm ý nghĩa cả bài mà thắt lại cho mạnh mẽ rắn rỏi.
***
Nhà thơ Phí Minh Tâm, viết trên trang acvite.com, những điều nói về Bố Cục tương đối giống các trang khác:

2.2.1a Đề: Đề ấn định bối cảnh cho câu chuyện sẽ được kể ra và gồm có hai phần: Phá đề gồm câu 1 mở đầu hoặc giới thiệu câu chuyện. Thừa đề gồm câu 2 nối tiếp ý cho biết thời điểm, nơi chốn...
2.2.1b Thực: Thực hoặc trạng gồm câu 3 và câu 4 nói lên ý định, nội dung bài thơ.
2.2.1c Luận: Luận gồm câu 5 và câu 6 bàn luận rộng thêm về nội dung, tả cảnh hoặc tình cảm.
2.2.1d Kết: Kết gồm câu 7 và câu 8 chuyển ý và tóm tắt, hoặc có ý mới gây xúc cảm hay tạo suy nghĩ thêm.
Nhưng nhà thơ Phí Minh Tâm cũng có nêu lên điều mà các trang khác chưa nói đến:

2.1, một bài TNBC, gồm 56 chữ chia làm 8 câu mỗi câu 7 chữ, phải nói lên trọn vẹn một câu chuyện với một cấu trúc và đối xứng nhất định.

***
Nhìn chung, hầu hết các Trang trên Internet đều giải thích như nhau, chỉ nói chung chung, không hề nêu ra hoặc giải thích ý nghĩa quan trọng của Bố Cục một cách rõ ràng.

Cũng giống như các bài Luận Văn mà chúng ta từng học ở trường, gồm Nhập đề, Thân Bài và Kết Luận, Bố Cục một bài thơ nói chung và thơ Đường Luật Ngũ Ngôn hay Thất Ngôn nói riêng, cũng có ba phần như thế, được sắp xếp thật rõ ràng, thứ tự về nội dung quanh một chủ đề nào đó, sao cho ý tưởng được gắn kết, từ mở đầu đến kết thúc, không đi lệch ra ngoài chủ đề. Được thế, ý thơ sẽ như một dòng nước chảy liên tục, và mạch lạc, không bị ngắt giữa chừng, người đọc sẽ hiểu ý tác giả trong bài thơ một cách rõ ràng.
Tóm lại, Bố Cục là cách diễn tả ý tưởng tuần tự dựa theo chủ đề duy nhất. Đây là điều rất quan trọng trong thơ Đường Luật, mục đích tránh cho bài thơ mỗi câu mỗi ý, đầu Ngô mình Sở, khiến độc giả trở nên mơ hồ, không biết tác giả muốn nói lên điều gì.

Khi làm một bài thơ Đường Luật, có lẽ do quá chú tâm đến các luật Đối, luật Thanh, luật Niêm...mà người làm thơ như chúng ta, hơi lơ là về tầm quan trọng của Bố Cục, nên ít tìm hiểu kỹ về qui định này, từ đó đôi khi tạo nên những sơ xuất không đáng có, khiến bài thơ làm ra có nội dung rời rạc, không được chặc chẽ, ý thơ mất đi sự liên kết nhịp nhàng và bài thơ trở nên rỗng tuếch, vô vị.


Huỳnh Hữu Đức

Những Từ Ngữ Lý Thú Bất Ngờ(1)


Tạp Ghi và Phiếm Luận:

DANH LAM THẮNG CẢNH

Có rất nhiều từ ngữ, thành ngữ mà ta sử dụng rất thường trong cuộc sống thường ngày, nhưng ta lại không hiểu rõ ý nghĩa của những từ đó là gì. Ta chỉ sử dụng theo thói quen với ý nghĩa chung chung, người ta nói thì mình nói theo. Như ta thường nói "DANH LAM THẮNG CẢNH" là thành ngữ dùng để chỉ những phong cảnh đẹp, mà ta không biết DANH LAM là gì? và tại sao dùng từ THẮNG CẢNH, mà không dùng từ Mỹ Cảnh. Cũng như tại sao gọi người cầm đầu là LÃNH TỤ? và phải tuân theo những QUY CỦ của tổ chức. Cái gì là LÃNH, cái gì là TỤ, cái gì là QUY, cái gì là CỦ .v.v... và v.v...
Sau đây ta sẽ lần lượt truy nguyên để tìm hiểu tận nghĩa gốc của các từ và các thành ngữ lý thú nêu trên.

* DANH LAM THẮNG CẢNH 名藍勝景:
- DANH 名 là Tên, là giỏi, là Nổi Tiếng; Như DANH SƯ 名師 là Thầy giỏi; DANH CA 名歌 là Ca sĩ nổi tiếng, là Bài ca hay.
- LAM 藍 do từ GIÀ LAM nói gọn lại. Theo Từ Điển Phổ Thông trên mạng: “Già-lam” 伽藍 là Chùa Phật. § Phiên âm chữ Phạn "samgharama", gọi tắt là “Lam”, nghĩa là nơi thờ “Phật” 佛. Trong Truyện Kiều gọi là GIÀ, khi tả Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am với sư Giác Duyên có câu:

Gió quang mây tạnh thảnh thơi,
Có người đàn-việt lên chơi cửa GIÀ.
(Cửa GIÀ là cửa GIÀ LAM, là cửa Chùa đó)

- THẮNG 勝 là trái với Thua, là Hơn, là Vượt trội.
- CẢNH 景 là Phong Cảnh, chỉ núi non sông biển trời nước cỏ cây xung quanh ta.

Từ các nghĩa nêu trên, ta có:

"DANH LAM 名藍" là những ngôi chùa nổi tiếng, "THẮNG CẢNH 勝景" là những phong cảnh vượt trội hơn những phong cảnh khác, (khác với MỸ CẢNH 美景 chỉ có nghĩa là Cảnh đẹp mà thôi!) Nên DANH LAM THẮNG CẢNH là "nơi có phong cảnh đẹp vượt trội và những ngôi chùa nổi tiếng". Tại sao phải có chùa ở đây ? Nói chung, đây là đời sống tâm linh tín ngưỡng của dân Châu Á, của Trung Hoa và Việt Nam nói riêng, đạo Phật mấy ngàn năm nay đã ăn sâu vào đời sống quần chúng với thuyết "Sắc tức thị Không" lấy thanh tịnh làm gốc, nên thường chùa chiền đều được xây dưng ở những nơi hẻo lánh hay núi non vắng vẻ để dễ dàng cho việc tu tâm dưỡng tánh, mà những nơi núi non hẻo lánh nầy lại là những nơi có phong cảnh đẹp, như trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

世 間 好 語 書 說 盡 , Thế gian hảo ngữ thư thuyết tận,
天 下 名 山 僧 佔 多 。 Thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa.

Có nghĩa:

Trên thế gian nầy, những điều tốt, những lời nói hay, thì sách vở đã nói và ghi chép cả rồi. Và... trong thiên hạ nầy, phần lớn những núi non nổi tiếng đẹp đẽ đều đã bị các nhà sư chiếm cả rồi. Nên...
Cảnh núi non hùng vĩ với non xanh nước biếc mà được điểm xuyết thêm hình ảnh của một mái chùa cong cong thấp thoáng ẩn hiện thì càng làm tăng thêm vẻ đẹp, vẻ nên thơ của phong cảnh lên gấp bội. Cho nên, hễ nơi nào có THẮNG CẢNH thì nơi đó có DANH LAM, và ngược lại, hễ nơi nào có DANH LAM thì nơi đó là THẮNG CẢNH, nên ta mới có thành ngữ DANH LAM THẮNG CẢNH. Theo tập quán ngôn ngữ sử dụng trong dân gian lâu ngày, thành ngữ nầy được dùng để chỉ tất cả những cảnh đẹp ở trên đời, kể cả những cảnh đẹp của Châu Âu, Châu Mỹ chỉ có nhà thờ, thánh đường chớ không có chùa chiền miếu mạo gì cả, hễ có cảnh đẹp là người ta dùng thành ngữ "DANH LAM THẮNG CẢNH" để diễn tả và gọi tên. Ví dụ :
- Một trong những DANH LAM THẮNG CẢNH của Miền Trung Việt Nam là Phố cổ Hội An.
- Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, Nhà thờ Đức Bà, 37 cây cầu bắc ngang dòng sông Seine thơ mộng... đều là những DANH LAM THẮNG CẢNH của nước Pháp.

Thông thường, người ta gọi người cầm đầu một băng nhóm, một tổ chức, một hội đoàn, một phong trào, thậm chí một quốc gia... là LÃNH TỤ. Vậy Cái gì là LÃNH, cái gì là TỤ và LÃNH TỤ là gì ?!...
- LÃNH 領 : là Y Lãnh 衣領, là Bâu áo; còn TỤ 袖 : là Y Tụ 衣袖 là Tay áo. Tại sao gọi người đứng đầu là Bâu Áo và Tay Áo ? Thì ra trang phục ngày xưa của Trung Hoa, ngoài bộ đồ mặc sát mình bên trong ra, bên ngoài thường khoát thêm một chiếc áo dài với Bâu Áo Cao và hai Tay Áo Thật Rộng. Nên khi người cầm đầu đi trước thì những người đi phía sau phải nhìn vào cái Bâu Áo Cao (thường là với màu sáng hơn nếu không phải là màu trắng) để đi theo; và nếu người đi trước giơ cao Tay Áo ngăn lại, thì những người đi sau đứng lại, đến khi Tay Áo khoát về phía trước thì lại đi tiếp... Cái người mà mọi người phải nhìn theo BÂU ÁO (Lãnh) để đi theo và phải tiến thoái theo cái TAY ÁO (Tụ) của người đó khi ra hiệu; Cái người đi đầu đó chính là LÃNH TỤ, là người CẦM ĐẦU đó vậy! 

Nên...

Ý nghĩa ban đầu của từ LÃNH TỤ là chỉ người Cầm Đầu của một toán người, một nhóm người , một đội quân... Dần dà theo tập quán ngôn ngữ và thói quen sử dụng của quần chúng, từ LÃNH TỤ có nghĩa rộng lớn hơn, thường dùng để chỉ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU của một phong trào, một tổ chức, một chính đảng và cả một quốc gia nữa. Ví dụ như :
- Nguyễn Thái Học là LÃNH TỤ của Việt Nam Quốc Dân Đảng.
- Dân Đài Loan gọi Tưởng Giới Thạch là "LÃNH TỤ của Chúng Ta 我們的領袖".

Ngoài từ LÃNH TỤ ra, ta còn có từ CHỦ TỊCH cũng dùng để chỉ người đứng đầu:
- CHỦ 主: Người Sở hữu hay Đứng đầu một tổ chức, tập đoàn hay tôn giáo... như Gia Chủ, Địa chủ, Giáo chủ, Quân Chủ...
- TỊCH 席: là Chiếu, như Thảo Tịch 草席 là Chiếu cói, chiếu lác. Trúc Tịch 竹席 là Chiếu tre .
TỊCH còn có nghĩa là Chỗ Ngồi, như NHẬP TỊCH 入席 là Vào chỗ ngồi. Nên...
- CHỦ TỊCH 主席 là Người ngồi đầu chiếu. Ngày xưa, cuộc sống còn đơn giản, hễ có việc gì đó cần hội họp thì cứ trải chiếu xuống đất mà ngồi, nên người ngồi đầu chiếu là người ai cũng nhìn thấy, là người phát ngôn, người ra lệnh hay phân bố công tác... là người chỉ huy đứng đầu. Nghĩa phát sinh rộng ra là người đứng đầu một tổ chức, một hội đoàn, một tập thể, một nhà nước... Như : CHỦ TỊCH Tập Đoàn, CHỦ TỊCH Quốc Hội, CHỦ TỊCH Nước...

Cũng cùng là người đứng đầu, nhưng LÃNH TỤ thiên về nghĩa đứng đầu để DẪN DẮT, còn CHỦ TỊCH thì đứng đầu để ĐIỀU HÀNH.

Bất cứ đoàn thể hội đoàn hay một tổ chức nào đó cũng cần phải có QUY CỦ để duy trì trật tự, nề nếp sinh hoạt của tập thể tổ chức đó. Vậy Quy là gì, Củ là gì ? ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây :
- QUY 規 : là VIÊN QUY 圓規 là cái compass, dùng để vẽ đường tròn.
Không có QUY sẽ vẽ không tròn.
- CỦ 矩 : là PHƯƠNG CỦ 方矩 là cây thước vuông góc (Ê-Ke), dùng để kẻ hình vuông.
Không có CỦ sẽ kẻ không vuông.

QUY CỦ 規矩 có xuất xứ từ sách Chiến Quốc, Mạnh Tử, Li Lâu Thượng 戰國《孟子·離婁上》:"Li Lâu chi minh, Công Thâu Tử chi xảo, bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên 離婁之明,公輸子之巧,不以規矩,不能成方圓". Có nghĩa :
"Có cặp mắt tinh tường như Li Lâu, có tay nghề khéo léo như Thâu Công Ban (Lỗ Ban), nếu không dùng đến QUY và CỦ cũng không thể kẻ thành hình vuông và vẽ thành vòng tròn cho được".

Ý của Mạnh Tử muốn nói là dù cho có giỏi giắn khéo léo hay tinh minh mẫn cán tới đâu, nếu không có QUY CỦ, không tuân theo nề nếp nguyên tắc, thì cũng sẽ không làm nên "cơm cháo" gì cả ! cho nên tất cả những hội đoàn đoàn thể hay bất cứ tổ chức nào cũng phải có QUY CỦ NỘI BỘ của tổ chức đó. Cái Quy Củ Nội Bộ đó thường được gọi tắt cho gọn là NỘI QUY 內規, và tất cả mọi thành viên của tổ chức đó đều phải nghiêm chỉnh tuân thủ và chấp hành NỘI QUY đó.

Hẹn bài viết tới:
Những Từ Ngữ Lý Thú Bất Ngờ (2)

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Tiếng Ðàn Xưa


Vào tháng 11 năm 2002, lần đầu tiên Hoa Hậu Việt Nam, cô Mai Phương, tham dự cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới, tổ chức tại Nigeria. Tin tức được đăng tải trên nhiều báo chí trong nước và hải ngoại cũng như trên những màn ảnh nhỏ. Vì những chống đối, biểu tình bạo động tại Nigeria, cuộc thi Hoa Hậu hoàn vũ sau đó phải chuyển về Anh Quốc. Tôi cũng không có dịp theo dõi. Ðối với nhiều người Việt, tin về Hoa Hậu Việt Nam tham dự Hoa Hậu Hoàn Vũ là một niềm vui, một hy vọng vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam được thế giới biết đến. Nhưng riêng với Tâm, bạn tôi, tin này làm anh thích thú và hãnh diện hơn nhiều người khác. Lý do là Hoa Hậu Mai Phương và Tâm cùng sinh quán tại thành phố Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam, nơi Tâm đã ra đời và trải qua thời niên thiếu. Tâm thường hay nhắc tới thành phố hải cảng này. Anh nói Hải Phòng, thành phố lớn thứ nhì miền Bắc, là nơi có những nhân vật nổi tiếng về văn nghệ, về âm nhạc hay những nhân sĩ đã từng sanh sống... Tâm yêu mến âm nhạc, nhất là nhạc Việt. Anh thường nói các nhạc sĩ mà anh nguõng mộ như Phạm Duy, Ðoàn Chuẩn, Từ Linh, Ngô Thụy Miên... đều đã từng sống tại Hải Phòng. Hôm ấy, nhân có dịp lại nói về Hải Phòng, Tâm kể cho chúng tôi nghe mối tình thầm lặng, đầu đời, của anh. Tâm hiện hành nghề luật sư tại Hoa Kỳ. Truyện ngắn sau đây viết theo lời kể của Tâm:

Trời đã vào cuối mùa Thu, những ngày nghỉ Hè đã hết. Một số bạn tôi lên Hà Nội học vì trường Trung học công lập duy nhất tại Hải Phòng thời bấy giờ là trường Ngô Quyền chỉ có tới lớp đệ tứ. Gia đình tôi đông anh em, cha tôi là một tiểu công chức, cuộc sống chỉ đủ chi dùng. Ðể đỡ tốn kém, tôi ở lại Hải Phòng, học lớp đệ tam trường trung học tư thục Phùng Hưng do giáo sư Chu Văn Bình, sau này là nhà văn Chu Tử, làm hiệu trưởng. Hải Phòng là thành phố nơi tôi ra chào đời và có thật nhiều kỷ niệm thời niên thiếu. Năm ấy, tôi mới 16 tuổi cùng đám bạn bè sinh hoạt học đường rất hứng thú vì năm đệ tam không phải lo thi cử và ban giảng huấn trường tôi học có những nhà văn được nhiều người biết đến như giáo sư Trần Tiêu tác giả truyện Con Trâu và là anh em của Khái Hưng, nhà văn Sao Mai, Giáo Sư Chu Văn Bình, Giáo Sư Nguyễn Mạnh Côn... Các thày dạy chúng tôi Việt văn, Pháp văn và thường nói chuyện về văn chương ngoài đời. Ðám học trò chúng tôi ngồi nghe vừa thích thú, vừa mến mộ .

Gần đến Tết, tôi được cha mẹ cho lên Hà Nội lo việc biếu quà Tết một số các bác, các cô tôi và những người ân nghĩa, quen thân của gia đình. Mấy ngày tại Hà Nội, tôi ở nhà người em họ là Mỹ Linh, con của Cô tôi, đường Gambetta. Mỹ Linh cùng tuổi với tôi, cũng đang học Ðệ Tam, nhưng học ban sinh ngữ và văn chương tại Hà Nội, còn tôi thì học ban toán ở Hải Phòng. Mỹ Linh khá đẹp, tươi vui và hồn nhiên, thân mến với tôi như anh em ruột.

Vừa gặp lại nhau, Mỹ Linh nói như reo lên:
- Anh Tâm, em phải giới thiệu một cô bạn của em cho anh. Bạn em sắp xuống Hải Phòng học.
Tôi lấy lòng cô em:
- Cô bạn có xinh bằng Mỹ Linh không?
Con gái, và cả con trai nữa, có lẽ ai cũng thích được khen. Mỹ Linh cười:
- Anh Tâm còn nhỏ mà đã mê các cô đẹp, hết học cho mà xem. Phượng, bạn của em đẹp nhất lớp, hiền và ngoan lắm, sợ xuống Hải Phòng các anh bắt nạt nó.

Ngày hôm sau, dùng cơm tối xong, tôi đang giúp Mỹ Linh giải thích một bài học về toán đại số, thì Phượng tới. Tôi nghĩ cô em Mỹ Linh có sắp đặt nhưng không cho tôi và Phượng biết. Mỹ Linh giới thiệu tôi cho bạn rất tự nhiên:
- Anh Tâm, anh của Linh ở Hải Phòng mới lên chơi, đang giảng bài học về toán của thày Bích cho mình. Ðây là Phượng, bạn cùng lớp với em.

Phượng nhẹ cúi đầu, mái tóc dài đen huyền, buông sau đôi vai thon nhỏ, khẽ lay động. Phượng có giọng nói Hà Nội:
- Chào anh.
Tôi cũng đáp lại:
- Chào chị Phượng.
Mỹ Linh nói thêm vào:
- Anh Tâm gọi bạn em là Phượng được rồi. Phượng là bạn của em thì cũng là em của anh luôn.

Tôi thầm cám ơn cô em, đã tạo thân mật trong buổi đầu gặp gỡ. Trái tim tuổi con trai mới lớn của tôi rộn rã. Phượng quả là một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tôi thấy người con gái mới gặp này khả ái lạ thường. Thấy tôi chú ý nhìn, Phượng hơi mất tự nhiên, và tôi cũng chợt nhận ra cái "ngố" của mình, vội tránh không nhìn nàng một cách "ngây ngô" nữa. Mỹ Linh mời chúng tôi vào phòng khách. Gần dịp Tết, nhà sẵn trái cây, Linh cho chúng tôi dùng trái hồng mềm, ăn với cốm Vòng. Những trái hồng chín đỏ, da mọng và hương vị ngọt, thơm ngon vô cùng. Chưa từng yêu thương người thiếu nữ nào, nhưng ngồi ăn hồng trước mặt Phượng và cô em, tôi đã tưởng tượng má người thiếu nữ đẹp có lẽ cũng căng và ngọt thơm như những trái hồng này. Cốm xanh của làng Vòng là một thổ sản nổi tiếng miền Bắc nhiều người biết, tôi nghĩ có lẽ còn danh tiếng hơn cả thuốc ông Lang Vòng thời bấy giờ.

Chúng tôi nói chuyện rất vui, có lẽ vì cùng lứa tuổi và cùng học năm đầu của chương trình Tú tài, chỉ khác ban. Qua câu chuyện, tôi được biết Ba của Phượng làm ngành công chánh. Vì tình hình chiến sự lúc bấy giờ, ông sắp phải xuống Hải Phòng vài năm lo chương trình tu bổ và xây cất, nới rộng phi trường Cát Bi Hải Phòng cho nhu cầu phi đạo và chỗ đậu của những chiến đấu cơ Pháp.

Phượng nói với tôi, giọng hơi lo lắng:
- Phượng học ban C. Anh Tâm nói Hải Phòng chỉ có một trường của anh là dạy tới lớp Ðệ Tam, chỉ có ban toán. Không biết làm sao Phượng theo kịp.
Tôi nói cho Phượng an tâm:
- Phượng đừng lo, toán lớp Ðệ Tam không đến nỗi khó lắm. Phượng sẽ vui vì trường Tâm đang học bây giờ, có nhiều thầy dạy Việt văn hay lắm, chắc Phượng sẽ thích.
Tôi đã tự động xưng hô với tên của mình cho thân mật. Mỹ Linh nói quảng cáo cho bạn:
- Phượng giỏi Việt văn lắm anh Tâm ạ, làm luận văn hay nhất lớp em. Phượng thích thơ và biết làm thơ nữa.
Phượng hơi cúi đầu và má ửng đỏ vì lời khen của bạn. Tôi kể tên các nhà văn đang dạy tại trường Phùng Hưng. Phượng nghe nói, mắt nàng sáng long lanh:
- Phượng chỉ xuống Hải Phòng có một hai lần, lúc bé. Rồi năm ngoái chỉ ngang qua Hải Phòng lúc đi biển Ðồ Sơn. Bây giờ còn chưa quen với thành phố của anhï. Anh Tâm thấy Hải Phòng có những gì đặc biệt?
Tôi nói với nàng:
- Mỹ Linh có thể cho Phượng biết thêm, Linh có xuống thăm Hải Cảng nhiều lần. Hải Phòng là một thành phố nhiều lao động, với bến tàu, với công nhân, không thơ mộng và "văn hiến" như Hà Nội. Hải Phòng có sắc thái đặc biệt của một thành phố hải cảng. Có một giáo sư trẻ dạy trường Trí Tri Hải Phòng, bút hiệu Song Nhất Nữ, mới lập gia đình với một cô gái tại thành phố này, đã làm một bài thơ nói về Hải Phòng, để đọc cho Phượng và Linh nghe. Tôi thong thả đọc bài thơ Hải Phòng, đã được ngâm trên Ðài phát thanh Pháp Á nhiều tháng trước:

Ơi Hải Phòng xa xôi
Có ngàn dân lành cặm cụi
Giữa phố phường đô hội
Sống ngặt nghèo nơi ngõ tối âm u

Ơi Hải Phòng bụi mù
Ơi Hải Phòng chen chúc
Bến Tàu đông đúc
Và đây, Cầu Hạ Lý vẫn trơ trơ

Bên kia Sáu Kho
Bên đây Cửa Cấm
Gió Tam Bạc chiều nay sao lồng lộng
Nước suôi nguồn theo lớp sóng ra khơi
Chị bán rau trong Chợ Sắt ngụt người
Anh phu gạo ngoài Ba Ty ngợp bụi
Mười phương loạn quay về đây tụ hội
Mồ hôi nghèo mong đổi chút cơm khô

Hải Phòng ơi,
Này bến ô-tô
Nọ ga xe lửa
Bể mặn chát đã dạt về bao cửa
Những hương ngàn gió nội của năm châu

Hải Phòng ơi,
Ðây đất để làm giàu
Ðất để sống, để kiếm tiền kiếm gạo
Ðất vật lộn để tìm cơm, tìm áo
Ðất kiêu hùng cửa họng của non sông

Hải Phòng ơi,
Ta nhớ mãi Hải Phòng
(Thơ Song Nhất Nữ)

Những ngày kế tiếp, Mỹ Linh và Phượng cùng tôi dùng xe đạp dạo các phố phường và thắng cảnh tại Hà Nội. Linh giới thiệu cho tôi món bánh tôm Cổ Ngư, mướn thuyền đi trên Hồ Tây, đi dạo và ăn kem mấy lần bên bờ Hồ Gươm. Trước hôm tôi trở về Hải Phòng, người chị cả của Phượng là Chị Huyền cho chúng tôi dùng món bún chả Hà Nội, ngay tại cửa hàng tơ lụa của Chị ở Phố Hàng Gai. Cửa hàng của chị có tên là Ðan Phượng, lấy tên của một huyện của tỉnh Hà Ðông. Chị Huyền cho tôi biết là gia đình quê quán ở Hà Ðông, chuyên sản xuất tơ lụa. Phượng được sanh ra tại quê của nàng, nên được cha mẹ chọn tên như vậy.
* * *

Sau Tết năm đó, gia đình Phượng di chuyển xuống Hải Phòng sinh sống, cư ngụ tại một căn nhà khang trang ở Phố Ga, cách nhà của Hoài, một người bạn thân cùng lớp với tôi chừng mươi căn phố. Nhà tôi ở phố Ðường Cát Dài, chỉ cách nhà nàng khoảng trên một cây số. Phượng mau chóng hội nhập với lớp học mới, với trường mới, và vì có quen tôi rồi quen Hoài nên nàng không mấy bỡ ngỡ. Phượng với vẻ đẹp nữ sinh thơ mộng, mớ tóc mây dài buông tới ngang lưng. nàng hay mặc áo dài lụa có lẽ do cửa hàng Chị Huyền may cho, rất tha thướt, duyên dáng làm cho nhiều đám học trò con trai trong trường tôi chú ý và ươm mộng. Thế nhưng cũng như các cô con gái thời bấy giờ, gia đình kỹ lưỡng và nghiêm túc, Phượng rất ít giao thiệp với các bạn trai khác cùng lớp, ngoại trừ Hoài và tôi. Hai chúng vài lần hướng dẫn Phượng và đôi khi có cả hai em trai của nàng đi thăm, giới thiệu những phố xá Hải Phòng. Chỉ vài tháng sau "tình bạn tay ba" giữa chúng tôi trở nên thân thiết và rồi tôi có thêm những nhớ mong, mơ mộng của một "tình yêu âm thầm" nào mới chớm lúc tuổi thanh xuân.

Phượng đàn dương cầm rất hay, còn Hoài bạn tôi vừa biết đàn Guitar, vừa hát giỏi. Trong những sinh hoạt văn nghệ trong lớp hoặc của toàn trường, Hoài luôn luôn là một ngôi sao sáng. Tôi không biết đàn và hát cũng chẳng ra gì. Ðôi lần tại nhà của Phượng, tôi ngồi nghe Hoài vừa đàn ghi-ta vừa hát, Phượng đệm thêm dương cầm. Tôi nghe tiếng đàn, giọng hát một cách thú vị, nhưng lại thấy lẫn lộn với một chút mặc cảm về khả năng văn nghệ của mình!

Hoài và tôi thường hay lại nhà Phượng giúp nàng giải những bài toán hình học phẳng. Hoài học giỏi và đẹp trai. Anh tự động đặt cho Phượng một tên mới là Phoenix. Một hôm cuối tuần, chúng tôi rủ nhau đến nhà Phượng. Nói là đến thăm để ôn bài, nhưng thực ra cả hai chúng tôi đều nhớ nàng, dù vẫn gặp nhau mỗi ngày trong tuần tại nhà trường. Hôm ấy chỉ có Phượng ở nhà, còn cả gia đình đã dùng chiếc xe Peugeot của gia đình về thăm lại Hà Nội để giúp một vài việc cho công chuyện buôn bán của chị Huyền. Chúng tôi yêu cầu Phượng đàn dương cầm cho nghe. Phượng mặc một bộ đồ trong nhà, màu ngà bằng lụa, tóc buông thả sau lưng, dáng đẹp nghiêng nghiêng nổi bật trước cây dương cầm màu đen, hai bàn tay thon trắng lướt trên những phím đàn. Hoài giỏi âm nhạc, nên có lẽ bạn tôi chú ý nhiều đến âm thanh, đến giai điệu các tấu khúc, đến các hợp âm qua tiếng dương cầm. Trong khi tôi thì lại chú ý hơn về dáng đẹp của người con gái mà có lẽ tôi đã thầm yêu. Phượng đàn những bản Việt Nam như Suối Mơ, Bến Xuân, Thiên Thai của Văn Cao. Rồi Con Thuyền Không Bến và vài bản khác của Ðặng Thế Phong. Sau đó nàng dạo những tấu khúc nhạc cổ điển của Mozart, Chopin, Schubert và Liszt... Tiếng đàn thánh thót điêu luyện của nàng cũng như dáng đẹp thanh cao đưa tôi vào một thế giới tình cảm và âm thanh mơ ảo. Nàng ngưng sau bản nhạc quen thuộc Lettre à Elise, ai học dương cầm cũng biết, rồi kể chuyện giai thoại về tác giả khi sáng tác ông bản nhạc này...

Hai tháng sau khi gia đình Phượng xuống Hải Phòng, Hoài tâm sự với tôi là anh đã thầm yêu Phượng. Người bạn thân của tôi yêu mà chưa thổ lộ với nàng. Có lẽ anh có cái e dè, nhút nhát của tuổi học trò thời bấy giờ, hay cũng sợ ngỏ lời, tình yêu sẽ bay xa thành mây khói. Việc thổ lộ tâm tình của người bạn thân làm tôi thấy xốn xang vì như đã nói ở phần trên, trong lòng tôi cũng thầm thương mến cô bạn gái này, có lẽ từ "thuở ban đầu mới gặp" tại Hà Nội. Nhưng nghĩ mình còn đang là học sinh trung học, mơ mộng thì có, đâu dám tính chuyện yêu đương. Tôi giữ trong lòng những tình cảm của mình. Vì vậy mỗi khi Hoài nhắc tới Phoenix, trong lòng tôi có những giao động khó tả. Tôi chỉ nói theo, đôi khi còn trái với lòng mình, tán thưởng miễn cưỡng những ý nghĩ của Hoài nữa. Tình bạn, và niềm yêu thầm kín trong trường hợp này khó cho tôi bày tỏ những ý nghĩ của mình.

Người ta vẫn cho rằng, vào lúc niên thiếu với cùng một tuổi đời, đa số các cô gái khôn ngoan, dà dặn và "hiểu biết" hơn các cậu con trai. Tôi nghĩ rằng với cảm tính bén nhạy của phụ nữ, thêm với sự săn đón thân tình và ân cần của hai đứa bạn chúng tôi, Phượng có thể đoán hiểu những cảm tình dù rất kín đáo của chúng tôi đối với nàng. Phượng cũng giữ "im lặng tình cảm" trong cách giao thiệp, và cư xử thân mến, hòa nhã đồng đều với cả tôi và Hoài.
* * *
Chiến cuộc tại miền Bắc giữa quân kháng chiến Việt Minh và quân đội viễn chinh Pháp cùng với quân đội quốc gia ngày càng mạnh mẽ và lan rộng. Nhiều đồn bót bị mất. Rồi quân Pháp rút bỏ khỏi thành phố Nam Ðịnh. Những tin chiến sự cực kỳ sôi động về mặt trận Ðiện Biên Phủ. Hội nghị Genève về Việt Nam đã nhóm họp nhiều tháng. Rồi Ðiện Biên thất thủ và bản văn của Hội Nghị Hòa Bình được ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954, nước Việt Nam chia đôi ở vĩ tuyến 17, bởi giòng sông Bến Hải. Miền Bắc thuộc về Việt Minh Cộng Sản được hậu thuẫn yểm trợ bởi Nga, Tầu. Miền Nam thuộc về thế giới Tự Do, và Hoa Kỳ thực sự nhúng tay vào việc củng cố cho miền Nam thành một tiền đồn chống lại sự bành trướng của khối Cộng tại Ðông Nam Á. Quân đội viễn chinh Pháp từ từ rút khỏi Việt Nam, nhường chỗ cho những phái đoàn cố vấn dân và quân sự Hoa Kỳ. Một cuộc di cư cả triệu người miền Bắc vào Nam được tổ chức do Mỹ yểm trợ. Dân chúng thành phố Hải Phòng nơi tôi cư trú cũng rất giao động, mọi người xao xuyến, phải chọn một quyết định di cư vào Nam hay ở lại miền Bắc.

Cha tôi mau chóng quyết định cả nhà sẽ vào Nam. Gia đình Hoài có một người anh, một người chị còn ở vùng kháng chiến. Hoài nói nay "kháng chiến đã thắng lợi", "nước nhà đã độc lập", nên ở lại miền Bắc. Chúng tôi lại thăm hỏi Phượng. Nàng có người anh cả theo Việt Minh từ ngày còn hoạt động bí mật ở chiến khu, anh cho người vào Hải Phòng nhắn nhủ gia đình ở lại, anh "bảo đảm" an toàn. Ông bà nội, ngoại của Phượng lại rất lưu luyến với quê hương miền Bắc, có cả một cơ sở sản xuất tơ lụa tại Hà Ðông, không chịu đi đâu cả. Vì vậy gia đình Phượng cũng không di cư vào Nam.

Tôi chuẩn bị rời xa miền Bắc và thành phố Hải Phòng thân thuộc với nỗi buồn trong lòng. Trước ngày di cư xuống tàu vào Nam một tuần, tôi có gặp và chuyện trò riêng cùng Phượng khá lâu. Phượng tâm sự:
- Phượng có Chú Hải, em của Ba, làm sở Liêm Phóng Hà Nội. Chú không thể nào ở lại. Gia đình Chú Hải sẽ xuống Hải Phòng, rồi vào Nam vì Hà Nội sẽ được tiếp thu trước. Chú nói với Ba là, nếu Ba muốn, sẽ cho Phượng và một hai đứa em đi theo Chú vào Nam. Hai năm nữa, tổng tuyển cử, hai miền Nam Bắc thống nhất, mọi người lại gặp lại nhau, mọi gia đình sẽ đoàn tụ.
Tôi hỏi nàng, với một chút hy vọng:
- Thế Ba và Phượng tính sao?
Nàng nói với giọng buồn:
- Ba mẹ Phượng không muốn Phượng xa cha mẹ, xa anh em, gia đình phải ở cùng một nơi.

Tôi im lặng, tâm hồn như trống vắng, nghĩ một ngày mai, ngày mai rất gần, sẽ ở xa, rất xa những người bạn thân thiết của tôi. Cả tuần đó, ngày nào tôi cũng tìm cách gặp Hoài và gặp Phượng.

Gia đình tôi xuống tàu Ville de Saigon tại bến tàu Hải Phòng vào một buổi sáng trời mưa nhưng không lạnh, mặc dù đã cuối thu. Anh em trong gia đình tôi, áo ướt nước mưa, khuân vác những vali, những thùng vật dụng và sách vở gia sản học trò xuống tàu. Tôi thấy cha mẹ tôi trầm ngâm, có lẽ vì phải rời bỏ thành phố thân thuộc, sau bao nhiêu năm cần cù làm việc, bây giờ ra đi với một mớ tài sản nhỏ bé là mấy thùng đồ, để sẽ đến một nơi xa lạ, tương lai chưa biết sẽ ra sao. Còn tôi không có thời giờ suy tư nhiều. Tôi cố dành những giây phút còn lại tại Hải Phòng để nấn ná ở bên hai người bạn thân ra tiễn tôi làø Phượng và Hoài. Tôi ở trên bờ cho tới lúc tàu hú còi hiệu lần chót trước khi rời bến. Tôi bắt tay Hoài thật chặt, và không hiểu tại sao, có lẽ đã nghe qua nhiều người tiên đoán, tôi nói với Hoài:
- Từ biệt Hoài và Phượng ở đây. Sẽ nhớ mãi hôm nay. Chúng mình khó gặp lại nhau, người ta nói có thể không có tổng tuyển cử.

Lần đầu tiên tôi nắm tay Phượng, và có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi nắm tay rất thân mật, rất luyến lưu với một người con gái không phải là họ hàng. Bàn tay người con gái thật mềm mại. Ước gì tôi được nắm mãi tay nàng. Trong lòng rất muốn nhưng tôi e dè không dám đặt môi hôn lên bàn tay ấy. Tôi muốn ôm tấm thân nhỏ bé dễ thương của Phượng vào trong vòng tay của mình, một lần thôi, nhưng tôi không có can đảm thực hiện ý muốn. Tôi nhìn vào mắt Phượng, và giọng tôi như chùng xuống:
- Mong Phượng và Hoài ở lại, có nhau, giúp đỡ nhau, sẽ... bên nhau mãi.
Tôi nói tiếp, có lẽ chỉ đủ cho Phượng nghe:
- Hoài rất quý mến Phượng, Phượng biết không?
Phượng nhẹ nhàng trong lời nói, và ánh mắt thân mến nhìn tôi:
- Phượng biết, có lẽ biết nhiều điều khác nữa, anh Tâm ạ.
Tôi kịp lên tàu, chỉ năm phút trước khi tàu nhổ neo rời bến, và tôi xa cách người bạn học thân nhất và người con gái tôi có thật nhiều cảm tình từ ngày hôm ấy.
* * *

Mãi đến nhiều năm, sau khi cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt, tôi có dịp về Việt Nam vào đầu thập niên 90, thăm lại Hải Phòng. Phố Ðường Cát Dài của tôi đã thay tên. Phố Ga của Hoài, của Phượng ngày xưa xa lạ và đổi khác. Tôi đọc một mình một câu thơ trong truyện Kiều "Trải qua một cuộc bể dâu". Tôi không muốn đọc tới những câu Kiều kế tiếp, dù thuộc từ hồi trung học. Tôi tìm lại những mái nhà xưa. Nhà cũ của tôi, nhà cũ của bạn. Những người ở các căn nhà của hai bạn tôi ngày xưa, hoàn toàn xa lạ, giọng nói cũng xa lạ. Họ nhìn tôi xa lạ nhưng không lạnh lùng. Nhắc đến tên, không ai biết Hoài và Phượng của tôi là ai. Tôi xa Hải Phòng trên 30 năm rồi. Cảm giác tôi có lẽ không phải cảm giác Từ Thức trở về chốn cũ, vì tôi chưa thấy nơi nào trên trái đất này có thể được coi là Thiên Thai. Nhưng quả thật tôi có cảm giác trống vắng khó tả trong tâm trạng.

Rồi tôi thăm Hà Nội và một mình lang thang những phố phường. Dù tôi không quen thuộc Hà Nội ngày xưa như nhiều người bạn của tôi, nhưng tôi thấy Thăng Long ngày trước cũng đổi khác, nhiều, rất nhiều. Sau cùng, chân đưa tôi trở lại phố cũ, phố Hàng Gai. Một điều làm tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng, tim tôi hồi hộp, là bảng hiệu của một cửa hàng bán áo len, áo dài, tơ lụa mang tên Ðan Phượng vẫn còn. Những đường phố buôn bán tại Thủ Ðô Hà Nội thường là ngắn, nhất là so sánh với những con phố ở nước ngoài. Tôi mang máng nhớ cửa hàng Ðan Phượng ngày xưa cũng ở khoảng này trên đường phố. Chiếc bảng hiệu hôm nay lớn hơn bảng ngày xưa, nét chữ kẻ trên bảng hoa mỹ và nghệ thuật hơn ngày trước. Tôi tần ngần đứng trước cửa tiệm một hồi lâu, không vào, để cho lòng mình lắng xuống. Hay để tránh gặp lại một thực tế có thể sẽ làm tôi thất vọng khi người trong tiệm chẳng ai quen mình, và mình cũng chẳng biết ai! Qua tấm kính lớn của tủ hàng, tôi thấy những áo đan bằng len, bằng sợi, những áo dài màu sắc đẹp cắt khéo, và những tấm lụa chưa may được treo từ trên cao thả dài tha thướt và mỹ thuật. Một hồi sau, tôi hướng tầm quan sát vào phía trong tiệm... Một cô gái trẻ đẹp, ngoài hai mươi, đang tiếp vài ba người khách hàng, có lẽ Việt Kiều về mua hay đặt may áo lụa. Cô gái bán hàng tôi chưa hề gặp mà sao có bóng dáng như đã quen. Ðây là lần đầu tiên tôi trở lại Hà Nội sau gần bốn thập niên xa cách. Cô gái cúi chào, vui vẻ với giọng nói Hà Nội ngày xưa chứ không phải giọng của nhiều người tại Hà Nội ngày nay mà tôi có dịp tiếp xúc:
- Ông muốn mua áo may sẵn hay mua lụa?
- Cô cứ tự nhiên tiếp mấy bà khách đang thử áo, tôi coi các hàng trưng bày, nếu cần mua gì tôi sẽ nhờ Cô.

Thong thả quan sát các mặt hàng, và đồng thời cố tìm lại hình bóng một cảnh vật nào ngày xưa, nhưng tôi không thấy. Mà làm sao thấy được sau bao nhiêu năm đã qua rồi. Tôi dừng lại một quầy phía bên trong. Nơi sau quầy một phụ nữ ngoài năm mươi tuổi đang ngồi đan áo. Mái tóc điểm vài sợi bạc, uốn nhẹ và để dài một chút ở phía dưới sau cổ. Dáng sang và thanh tú. Người phụ nữ ngước mắt nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng và tôi thấy thật là quen thuộc. Tôi nhẹ chào hỏi một câu cho chắc chắn, mà bây giờ tôi nghĩ hơi ngớ ngẩn vì "nửa bà nửa cô":
- Xin lỗi, có phải bà là cô Phượng ngày trước từng ở phố Ga, Hải Phòng?
Người phụ nữ buông kim và sợi đan trên mặt quầy hàng, đứng dậy chăm chú nhìn tôi, một giọng quen từ nhiều năm ngày trước như reo lên:
- Có phải anh Tâm không?
Tôi quên cả lịch sự tối thiểu. Ðáng lẽ phải để người phụ nữ đưa tay ra trước, nhưng vì vội vã mừng gặp lại người xưa, tôi quên cả xã giao nắm lấy bàn tay mặt của nàng, bàn tay tôi đã nắm một lần, lần đầu và tưởng như đã là lần là lần cuối, từ nhiều năm trước tại bến tàu Hải Phòng, ngày tôi rời xa đất Bắc:
- Phượng còn nhận ra tôi sao?
- Em nhận ra anh ngay. Anh vẫn có nụ cười ngày xưa, khó có thể quên được.

Chưa bao giờ Phượng xưng em với tôi, vào những ngày học trò. Bây giờ có lẽ vì thói quen nghề nghiệp, giao thiệp với những bà khách hàng người Việt từ Sàigòn hay từ hải ngoại về đây, nàng dùng lối xưng hô này. Nhưng tôi lại chủ quan, thấy tiếng xưng hô thân mật như gửi gắm một chút gì ấm cúng của một tình cảm đã xa, đã có từ những ngày tuổi xanh. Tôi nóng lòng vội hỏi:
- Hoài bây giờ ở đâu? Phượng có tin tức gì về Hoài không. Tâm muốn gặp lại Hoài.

Tôi vẫn dùng cách xưng hô thân mật tuổi học trò. Nàng chớp mắt. Ðã có những vết nhăn nhẹ, dấu tích của thời gian sau đuôi mắt. Giọng nàng hơi trầm xuống:
- Chuyện dài và buồn anh ạ. Anh Hoài mất từ nhiều năm trước. Sẽ kể anh nghe. Mà anh chắc từ ngoại quốc về thăm? Sẽ ở lại Hà Nội bao lâu? Có chị và các con anh cùng về với anh không?

Nhiều câu hỏi dồn dập cùng một lúc, tôi không biết trả lời câu nào trước, nhưng cũng nói với nàng với lối xưng hô ngày trước:
- Chuyện của Tâm cũng dài và cũng buồn. Về đây, vừa thăm Việt Nam vừa có công việc do nghề nghiệp. Sẽ ở lại đây một tuần nữa. Hiện tại Tâm ở Hoa Kỳ.
Phượng vội gọi cô gái bán hàng lại và giới thiệu với một giọng thật vui:
- Cháu Ðan Tâm, con gái của em và Hoài.
Nàng nói với Ðan Tâm:
- Bác Tâm là bạn học của ba mẹ cả mấy chục năm trước. Bác ngày xưa thân với Ba con lắm.
Ðan Tâm chào tôi, dáng đẹp và hiền như mẹ ngày nào:
- Mẹ cháu nhắc tới bác nhiều lần. Mẹ nói đã mượn tên bác đặt tên cho cháu khi cháu mới sinh.
Phượng nhìn tôi, nàng nói giọng rất chân thành:
- Gặp lại anh, em mừng lắm. Bây giờ đã gần sáu giờ chiều. Em sẽ đóng cửa hàng sớm hôm nay. Bây giờ anh dạo phố Hà Nội đi, mời anh tám giờ tối trở lại đây ăn cơm tối với mẹ con em.
- Cho phép Tâm mời Phượng và cháu đi ăn tại một nhà hàng gần đây, bên hồ Hoàn Kiếm được không?
- Không có không khí gia đình và ồn ào anh ạ, mình không chuyện trò tự nhiên và được nhiều. Anh cứ nhận lời dùng cơm tại nhà cho em vui.

Tôi không thể nói khác hơn, và cũng không muốn nói khác hơn. Tôi tạm biệt Phượng và Ðan Tâm, rồi tiếp tục đi dạo quanh những phố cũ Hàng Ðào, hàng Ngang, Hàng Trống, Hàng Mành... của Hà Nội. Nhưng sự quan sát phố phường của tôi giờ đây không chú ý nhiều tới ngoại cảnh như một tiếng đồng hồ trước nữa. Tôi nghĩ nhiều về những ngày xưa cũ, về Hoài, về Phượng, về thời gian cùng sống tại thành phố Hải Phòng, về lần đầu tiên tôi gặp Phượng tại nhà cô em họ Mỹ Linh của tôi...

Ðúng giờ hẹn, tôi trở lại. Cửa hàng Ðan Phượng đã khép, Phượng mở cửa mời tôi lên căn gác. Căn gác chị Huyền của nàng đã mời tôi, Mỹ Linh và nàng dùng món bún chả lần tôi lên Hà Nội dịp gần gần Tết một năm nào xa xưa. Căn gác, mà nhiều năm tôi đã chịu ảnh hưởng ngôn ngữ tại miền Nam nước Việt, bây giờ muốn kêu là từng lầu, được trang trí gọn ghẽ và ấm cúng, làm tôi tin rằng Phượng đang có một cuộc sống khá sung túc so với nhiều người tại nước nhà hiện nay. Nàng cho tôi dùng bánh cuốn Thanh Trì, rồi dùng cơm trắng với thịt kho tầu kiểu miền Bắc ngày xưa nước thịt có vị khá ngọt và không có nước dừa như thịt kho miền Nam. Rau muống Sơn Tây loại đọt non nhỏ và xanh như ngọc thạch được luộc vừa đủ chín dùng với tương Bần Yên Nhân. Nhưng món ăn tôi thích nhất hôm ấy là món canh riêu cá chép, những khúc cá đã được chiên vàng cho rắn thịt và thơm ngon, nấu với cà chua và khế, nổi vị với một chút thì là. Ðã thật lâu, tôi chưa được dùng lại món cá chép của miền Bắc, nó thơm ngon hơn cá Carpe cùng loại tại Hoa Kỳ, dân ở Mỹ cũng ít ai dùng.

Phượng kể chuyện nàng cho tôi nghe:
- Sau khi tiếp thu Hà Nội, anh cả của em từ vùng kháng chiến về, và gia đình em trả lại căn nhà thuê ở Hải Phòng, và trở về Hà Nội sinh sống, cả nhà đoàn tụ một thời gian. Nhưng cuộc sống ngày càng chật vật vào những năm sau vì kinh tế yếu kém, việc quản chế của nhà nước chặt chẽ, không được "cởi mở" như anh thấy bây giờ. Anh Hoài ngày đó vẫn ở Hải Phòng nhưng vẫn liên lạc thường với gia đình em. Ba mẹ em rất có cãm tình với anh Hoài. Trong khi đó anh cả của em từ vùng kháng chiến về, có giới thiệu một cán bộ cấp cao là bạn của anh ấy cho em, nhưng em không thấy một chút rung động nào cho tình yêu với một người mới quen, do anh của em giới thiệu. Ba em, như anh biết trước kia làm ngành công chánh, khuyên anh Hoài theo học ngành xây dựng. Anh Hoài giỏi toán, vừa làm vừa học, tốt nghiệp kỹ sư xây dựng và đường xá vào năm 1962, và chúng em sau đó thành hôn. Ba năm sau, em sanh một cháu trai, cháu Hùng, hiện cháu làm kỹ sư cho chính phủ tại mỏ than Hòn Gay. Vì chiến tranh để giải phóng miền Nam, nhà nước khuyên dân hạn chế sinh đẻ, mãi đến năm 1972 chúng em mới sinh cháu Ðan Tâm, kém cháu trai đầu lòng bảy tuổi. Vừa sinh cháu gái được hai tháng, anh Hoài được gọi đi nghĩa vụ lên đường vào Nam, làm công tác mở đường cho việc chuyển vận trên đường Hồ Chí Minh . Sáu tháng sau ngày anh Hoài đi nghĩa vụ, em được hung tin anh ấy tử nạn, đã được chôn vội vàng bên sườn núi Trường Sơn trung bộ. Anh Hoài không chết vì súng đạn, không tử thương vì bom B 52. Xe vận tải làm đường của anh rủi ro bị lật xuống một triền núi, nghe nói anh bị chấn thương nặng nơi đầu và mất ngay. Vì gia đình có người theo kháng chiến từ sớm, anh Hoài tử nạn vì đi nghĩa vụ vào Nam, em và các con thuộc thành phần gia đình liệt sĩ nên cũng có một số lợi quyền và nhiều sự dễ dãi. Từ khi chính phủ cho tự do kinh doanh, việc buôn bán và lợi nhuận của gia đình khá hơn. Ba mẹ em đã về hưu, hiện tiếp tay giúp gia đình chị Huyền sản xuất tơ lụa tại Hà Ðông. Cửa hàng này giao cho mẹ con em.

Tôi bùi ngùi trong lòng, nhớ tới Hoài, người bạn thân ngày xưa. Ðúng như lời tôi chúc hai bạn tôi khi rời xa Hải Phòng, hai người đã lập gia đình cùng nhau, đã sống bên nhau. Một điều không trọn vẹn cho lời chúc là họ không ở bên nhau mãi! Một người đã mất. Một người còn đây.

Ðược hỏi chuyện đời tôi, tôi cũng rất thành thật kể cho Phượng:
- Sau ngày xa miền Bắc vô Nam, gia đình Tâm sanh sống tại Sàigòn, cha tiếp tục làm tiểu công chức như cũ. Tâm theo học ngành Luật, rồi động viên vào quân đội quốc gia, chuyển sang làm thẩm phán cho tòa án quân sự tại một tỉnh miền Hậu Giang, lập gia đình với một cô dược sĩ và có hai cháu gái. Sau ngày 30 tháng tư, Tâm trong khi phải học cải tạo suốt bảy năm và đã khuyến khích vợ và các con vượt biên, thành công sang Mỹ. Khi ra cải tạo, Tâm sang được Hoa Kỳ thì người vợ đã có gia đình mới. Tâm cũng không trách gì, vì người phụ nữ còn trẻ, vượt biên với hai con lúc đó còn nhỏ dại, khó có đủ nghị lực để một mình nuôi con tại một nơi xa lạ, cần một điểm tựa cũng là chuyện mình phải thông cảm mà thôi.

Một cây đàn dương cầm loại đứng, mầu nâu sậm và đẹp dựng bên tường. Cây đàn ngày xưa tại Hải Phòng chắc giờ này đã lưu lạc nơi đâu. Phượng ngồi đàn, chỉ dạo lại cho tôi nghe một bản Suối Mơ. Tôi ngồi thưởng thức và thấy cuộc sống của mình như trẻ lại, tiếng đàn và âm điệu gợi cho tôi những cảm xúc và kỷ niệm của những năm tháng ngày xưa, thời thanh xuân, tuổi học trò. Ðan Tâm tốt nghiệp trường âm nhạc Hà Nội, đàn cho tôi nghe những nhạc bản mẹ cháu thường trình bày hồi trước. Ngón đàn của Ðan Tâm điêu luyện, và điều làm tôi ngạc nhiên là cháu đàn cả nhạc cổ điển cũng như những nhạc bản sau này của những nhạc sĩ tên tuổi rất quen thuộc của miền Nam trước 75.

Trong lúc Phượng lo dọn dẹp, tôi ngồi trò chuyện cùng Ðan Tâm. Cô con gái đẹp như mẹ ngày trước, 22 tuổi, nói chuyện rất dễ thương. Ðan Tâm cho tôi xem những tập Albums của gia đình. Ngạc nhiên là Phượng còn giữ được một bức hình chụp ba chúng tôi trong một buổi sinh hoạt văn nghệ tại lớp học ngày xưa. Trong hình chụp, Phượng đứng giữa, mái tóc che mất nửa một bên má, Hoài đứng một bên và tôi một bên. Tôi đang thầm nghĩ nhiều người dị đoan, cho rằng chụp hình ba người, rồi sẽ xa cách. Một người là Hoài giờ này đã ra đi, vĩnh viễn ra đi. Ðan Tâm thân mật, nói khẽ bên tôi, làm ngưng điều tôi đang suy nghĩ:
- Mẹ con có lần nói, nếu đất nước ngày ấy không chia đôi, có khi chúng con đã là con của Bác.

Câu nói của Ðan Tâm làm tôi thật ngạc nhiên. Những năm sau khi chồng mất, nàng có tâm sự với con vậy sao ? Vừa lúc đó, Phượng đem trà sen và bánh đậu xanh Hải Dương ra đãi bạn. Ðan Tâm tiếp chuyện một lúc rồi xin phép đi nghỉ sớm, có lẽ chủ tâm cô bé muốn mẹ và tôi được tự nhiên ôn lại những kỷ niệm của một thời đã xa.

Phượng giọng rất chân thành:
- Bất ngờ gặp lại anh, em mừng lắm. Sau chiến tranh, em cố gắng tìm hỏi thăm về anh, nhưng bạn bè mới cũ không ai biết.
Tôi trầm ngâm. Nghĩ về Hoài. Nghĩ về Phượng giờ đây đơn côi goá bụa. Nghĩ về tôi, xa rời xứ sở, vợ đã có chồng khác. Cuộc sống vật chất của tôi nay đầy đủ mà tình cảm thật cô đơn. Từ khi mở văn phòng luật sư, tôi có quen năm bảy người phụ nữ nhưng không thấy hợp với ai để tiến thêm bước nữa. Vì câu nói của Ðan Tâm hồi nãy, có lẽ Phượng không nghe, tôi nói và cũng như tự hỏi mình:
- Không rõ nếu ngày ấy, gia đình Tâm ở lại Hải Phòng không di cư vào Nam, giờ này hoàn cảnh sẽ ra sao.
Phượng như muốn tâm sự:
- Phượng có đọc trong một tiểu thuyết của Lâm Ngữ Ðường, một điều Phượng thấy đúng vô cùng: "đôi khi một sự việc nhỏ, một quyết định nhất thời có thể lại mang một ảnh hưởng to lớn đến cả một đời người..." Phượng biết rằng ngày ấy lúc học ở Hải Phòng, cả anh Hoài và anh đều mến Phượng. Nếu Phượng theo chú vào Sài Gòn thì rất có thể đời mình đã khác bây giờ.

Tôi chợt nhớ lại câu nói của Phượng ngày chia tay tại Hải Phòng "Phượng đoán biết chứ, có lẽ biết nhiều hơn nữa, anh Tâm ạ". Và hai chữ đời mình Phượng vừa mới dùng, tôi chủ quan muốn hiểu là đời chúng mình.
* * *

Do gặp lại Phượng, tôi ở lại Việt Nam thêm hơn một tuần nữa. Ngày nào tôi cũng lại thăm nàng. Tôi đi thăm lại những nơi có kỷ niệm ngày xưa. Chúng tôi đi ăn uống ại nhiều nhà hàng lớn nhỏ, đôi khi có cả Ðan Tâm đi cùng. Cô bé thấy Mẹ có bạn cũ cũng vui lây và tỏ ra có nhiều thiện cảm với tôi.

Một buổi tối, sau khi nghe ca nhạc tại phòng trà khách sạn tôi đang cư ngụ, tôi cùng nàng ra uống rượu, nghe nhạc tại câu lạc bộ nhỏ của khách sạn. Quá nửa khuya, khách đã vắng. Trước đàn dương cầm, người nhạc sĩ dạo những nhạc bản cổ điển. Tôi yêu cầu Phượng đàn lại cho tôi những bản nhạc ngày xưa. Nàng ngập ngừng một chút, vì căn phòng lúc đó còn năm bảy người khách ngoại quốc. Tôi xin phép họ, cho người bạn cũ đàn một số nhạc phẩm. Tôi tin tưởng ngón đàn của nàng, đã một thời làm tôi khi đêm về còn nhớ những âm ba. Không vị khách nào phản đối mà còn thích thú, họ cũng muốn nghe những tiếng đàn tài tử. Phượng khoan thai dạo những nốt đàn mở đầu, rồi trình bày những nhạc phẩm cổ điển, xong lại qua một số nhạc bản Việt Nam tôi rất quen thuộc, từ nhạc tiến chiến đến nhạc gần đây. Tiếng đàn của nàng tha thiết, kỹ thuật còn điêu luyện hơn ngày xưa. Tôi và số thính giả nhỏ bé ngồi thưởng thức và tán thưởng cho đến quá hai giờ đêm, phòng rượu ngưng sinh hoạt. Cùng với những ly rượu, những tiếng đàn xưa đã mang cho tôi và có lẽ cho cả nàng những rung động, xao xuyến của ngày thanh xuân. Tối hôm đó, Phượng đã ở lại phòng tôi trong khách sạn và cả hai chúng tôi như có lại mơ ước ngày xanh. Nàng thủ thỉ: "Thực ra em đã thấy mến anh từ lần đầu mới gặp anh tại nhà Mỹ Linh..."

Cuộc tình của tôi với Phượng từ hôm đó trở đi thật là nồng ấm. Tôi "khám phá" thêm nhiều điều chưa biết về Phượng. Chẳng hạn nàng có một nốt ruồi mà tôi thấy rất xinh nơi phần trên của ngực trái, nàng không thích đồ trang sức như nhiều phụ nữ khác, khi đi dạo hay trên giường nằm, nàng thích ở bên phải của tôi, sau khi thân mật chăn gối nàng thích nằm ôm nhau nói chuyện không cho tôi... đi ngủ, và bây giờ nàng thích đàn một số bài tân nhạc của Ðài Loan...

Tôi thuyết phục Phượng lập gia đình cùng tôi và sẽ cùng sống tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cùng đã quá tuổi trung niên, có người bạn đường hiểu biết, quen nhau từ nhiều năm, cuộc sống sẽ thêm phong vị. Tôi nghĩ chúng tôi sẽ sống hạnh phúc, tôi sẽ được nghe đàn dương cầm ấm áp của nàng mỗi ngày. Phượng đồng ý nghe theo đề nghị của tôi.

Tôi trở về Hoa Kỳ, mau chóng làm thủ tục cho nàng sang thăm nước Mỹ hai tháng với tư cách vị hôn thê của tôi. Sau đó, vài tháng tôi lại về thăm nàng một hai tuần lễ, và gần một năm sau, tôi chuẩn bị về Hà Nội làm lễ cưới. Mọi chuyện có bạn tôi và bên gia đình nàng sắp xếp. Chỉ còn hai ngày nữa là tôi lên máy bay về Việt Nam thì nàng điện thoại:
- Anh Tâm, em mong anh không giận em. Em không đủ thanh thản nói ý kiến em qua điện thoại, em sợ nghe giọng nói của anh khi anh buồn. Anh mở máy tính, coi điện thư của em mới viết cho anh.
- Có chuyện gì trở ngại vậy em?
Tiếng Phượng vẫn tươi vui ở đầu dây bên kia:
- Không có gì trở ngại đâu. Em vẫn mãi yêu anh. Anh vẫn có em. Anh coi điện thư đi rồi khi thuận tiện anh điện thoại lại cho em. Em hôn anh.
Phượng gác máy. Tôi bỏ hết việc đang làm dở, mở máy điện toán, đọc bức điện thư của nàng:

Anh Tâm yêu mến,

Em sợ nói qua điện thoại sẽ không hết ý của em. Anh hãy tạm hoãn chuyến bay này, và về thăm em và các con em một hai tháng sau anh nhé. Ý em muốn thế, để lúc mình gặp nhau lần tới, em hy vọng anh không giận em nữa.

Em đã suy nghĩ thật kỹ. Em và anh nên sống với nhau như hai người yêu thân thiết, như đôi tình nhân "tân tiến" thời bây giờ. Mình lập gia đình cùng nhau, mới nghe thì thật là lý tưởng, rất là thuận lý. Anh đã ly dị, chồng em không còn, mình lại "quen nhau từ những ngày xưa", lòng thương yêu và tình thân thiết chúng mình đã có từ lâu. Thế nhưng lập gia đình ở tuổi nào cũng vậy, là có ràng buộc, là có bổn phận, là có những kỳ vọng nơi nhau. Em đã sang Mỹ thăm anh, sống cùng anh nhiều tuần lễ. Có những điều vui và mới lạ, có những tiện nghi mà em không thể tìm được ở nơi đây. Nhưng có lẽ vì em đã đóng cội rễ ở miền đất thân thuộc tại Việt Nam này, xa nó em thấy như một cây bị rời bỏ cái gốc đang có. Sống với anh ở ngoại quốc chỉ hai tháng, em nhiều khi cảm nhận thấy những hụt hẫng, những hoang mang, những xa lạ, em không diễn tả nổi. Dù có anh ở bên, em chưa thấy cái hạnh phúc hoàn toàn, và em e ngại vì thế sẽ không mang tới niềm vui và hạnh phúc trọn vẹn cho anh. Sống cùng anh tại Mỹ, em lại xa cha mẹ già, xa hai đứa con của em. Em cũng không muốn yêu cầu anh về luôn Việt Nam để sống cùng em. Mà dù có muốn cũng không được vì em hiểu rõ tư tưởng, ý nghĩ của anh về cuộc sống và xã hội bên này.

Em xin anh theo ý em, mình sẽ là "đôi tình nhân yêu nhau mãi", "sẽ mãi là tình nhân" như nhan đề một bản nhạc, những lúc ở xa nhau mà luôn nghĩ tới nhau, lúc gần nhau thì thật hạnh phúc... Ðôi khi em sẽ sang Mỹ thăm anh, và vài tháng anh lại về thăm em một hai tuần. Em vẫn là của anh. Mãi là của anh.

Yêu và nhớ anh,

Phượng

Tôi bị ngạc nhiên và ngẩn ngơ lúc đầu vì quyết định rất bất ngờ của Phượng. Tôi đã sẵn sàng đủ mọi thứ, cả vé máy bay, vài bộ đồ mới, cả nhẫn cưới cho nàng. Nhưng có người nói phụ nữ muốn là trời muốn. Và riêng tôi thấy nhiều khi phụ nữ muốn đúng, họ muốn có lý. Họ không bồng bột như một số nam giới trong đó có tôi. Suy nghĩ này của tôi thành thực chứ không phải nói ra để đề cao, để lấy lòng phụ nữ. Tôi cũng cẩn thận dùng chữ đôi khi để vừa lòng một số phái nam không đồng ý với tôi. Vả lại Phượng vẫn là của tôi, tôi vẫn là của nàng. Vì vậy, chỉ ngày hôm sau, tôi điện thoại cho biết tôi đồng ý theo đề nghị của nàng, không giận hay phiền trách gì nàng.

Lần thăm Phượng gần đây tại Hà Nội, trong một quán ăn bên Hồ Tây, nàng còn sợ tôi buồn. Ngồi cạnh bên tôi, Phượng nói nhỏ:
- Anh có phiền lòng về quyết định của em không?
Tôi nhìn Phượng, cầm tay nàng, đeo cho nàng chiếc nhẫn cưới. Chúng tôi coi như cưới nhau, không hôn lễ, không tiệc tùng, không hôn thú. Trao nàng chiếc nhẫn cưới rồi, mà Phượng vẫn sợ tôi còn buồn. Tôi nói vừa thành thực vừa như một lời khen tặng:
- Anh chỉ tiếc là không được nghe tiếng đàn dương cầm của em mỗi ngày.
Phượng có dáng vui vì lời tôi nói, nàng nhẹ nhàng trả lời:
- Anh không nên tiếc điều đó. Có một nhạc sĩ, bạn của Ðan Tâm, cho em một đĩa nhạc do anh ấy sáng tác và thực hiện. Em thích đĩa nhạc này, hòa âm và dòng nhạc khá lắm. Em cứ nghe hoài mỗi ngày, sau hai tuần thì bắt đầu thấy chán, không nghe nữa. Thế nhưng lâu lâu mới đem ra thưởng thức, thì lại thấy hay. Tiếng đàn em cũng vậy, để lâu lâu em sẽ đàn cho anh nghe.

Phượng làm đúng như điều nàng nói. Tôi biết Phượng vẫn luyện ngón đàn rất thường, có lẽ mỗi ngày. Có lần Phượng nói khi đàn dương cầm là lúc tâm hồn nàng đi theo dòng nhạc và được thảnh thơi nhất. Nhưng những ngày chúng tôi ở bên nhau như một đôi tình nhân vô cùng thân thiết, chỉ lâu lâu nàng mới đàn cho tôi nghe những nhạc bản tràn đầy những kỷ niệm ngày xưa.

(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)
Trần Văn Khang

Phụ Lục: Mời quý thân hữu, độc giả thưởng thức ca khúc TIẾNG ĐÀN XƯA, nhạc và lời Trần Văn Khang (Khanh Phương), Nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm, Ca sĩ Quang Minh trình bày: