tiêu đề Nhãn
- BIÊN KHẢO
- CÂU ĐỐI
- CỔ THI
- GIA CHÁNH
- GIẢI TRÍ
- HÌNH ẢNH HỘI NGỘ
- HÌNH ẢNH NAY
- HÌNH ẢNH XƯA
- HỘI HỌA
- KHOA HỌC
- LỊCH SỬ
- LỜI HAY Ý ĐẸP
- LƯU NIỆM
- NHẠC
- SỨC KHOẺ
- SƯU TẦM
- THƠ
- THƠ CẢM TÁC
- THƠ DỊCH
- THƠ DIỄN NGÂM
- THƠ NHẠC
- THƠ PHỔ NHẠC
- THƠ SƯU TẦM
- THƠ TRANH
- THƠ TRANH NGHỆ SĨ
- TIN BUỒN
- TIN VUI
- VĂN
- VŨ HỐI THƯ HỌA
- VƯỜN THƠ VIÊN NGOẠI
- XƯỚNG HỌA
- YOUTUBE
Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023
Mẹ Gánh Đời Con - Thơ: Lê Hồng Phúc - Nhạc: Phạm Trung -Trình Bày: Kim Thư
Cát Trắng
Quê em đó Nha Trang nhớ quá
Góc phố nào ai đợi ai trông?
Tình em còn mãi trong lòng
Hồn anh lạc lõng giữa dòng thời gian
Người tình ơi bao giờ gặp lại
Phố thay màu hờ hững mưa bay
Anh về tìm lai hương say
Một thời kỷ niệm phút giây tuyệt vời
Đêm hò hẹn vòng tay thương nhớ
Chẳng muốn rời bịn rịn bên nhau
Biển đêm sóng nhẹ lao xao
Cùng chung hơi thở ngọt ngào đêm thâu
Anh vẫn tưởng dòng đời êm ái
Đâu ngờ rằng thế hệ thương đau
Niềm vui thoáng chốc qua mau
Nỗi buồn còn lại nhớ nhau muôn chiều
Giờ cách xa mỗi người mỗi ngã
Anh bên đời buồn lắm em ơi
Giữa khuya hiu quạnh nhìn trời
Bao giờ trở lại của thời hoa niên
Mặc Khách
Thu Phân
Sắc Lụa Vàng Thu - Thu Vàng Sắc Lụa
Bài Xướng:
Sắc Lụa Vàng Thu
Sắc lụa vàng thu đẹp não nùng
Hoàng thiên khéo tặng món quà chung
Lung linh gió sớm tươi màu biếc
Bảng lảng mây chiều đậm nét nhung
Mấy dặm quan hà nghiêng cánh nhạn
Bao lần bão tố vững thân tùng
Rượu ngon nhắp chén Hoàng Hoa Tửu
Cảm tạ hồng ân chốn cửu trùng
Nguyễn Đức Cung
Philadelphia mùa Thu 2011
***
Bài Họa:
Thu Vàng Sắc Lụa
Nét đẹp nghìn năm chốn Nhị Nùng
Theo đường Nam tiến dệt tình chung
Đơn sơ, chẳng thẹn cùng vương giả
Duyên dáng, không màng với gấm nhung
Một sắc thu vàng thêm thắm lụa
Bao mùa đông xám vẫn xanh tùng
Heo may thoáng nhẹ trên tà áo
Lay động hồn ai giữa vạn trùng
Nguyễn Kinh Bắc
Philadelphia mùa Thu 2011
Mùa Lá Rụng Hay Giải Mã Thi Tính Của Ca Từ “Les Feuilles Mortes”
"Thu đi cho lá vàng rơi, lá rơi cho đám cưới về...", bài ca còn chưa dứt, đã có tiếng ai ngâm nga ..."Em không nghe mùa thu, lá thu rơi xào xạc, con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô..." Mùa thu, ôi mùa thu ! Mùa gió heo may trở về kéo theo những chiếc lá vàng lượn bay trong gió. Mùa của tình yêu và kỷ niệm để các bậc tao nhân mặc khách nghe rung lên tiếng tơ lòng mà dệt ra những vần thơ tuyệt tác. Mùa thu, ôi mùa thu!...
Nhưng giờ đã quá thu, bước sang đông rồi. Từ căn phòng một chung cư bình dân tức HLM (habitation à loyer modéré) nhìn ra bên ngoài, tôi chỉ thấy những thân cây trơ trụi với xác lá úa được vun lại thành đống như những ngôi mộ hoang để chờ được xe rác tới hốt đi. Cảnh tượng đã rầu , mà tôi bây giờ lại như một gốc cây cằn cỗi, nên chẳng còn háo hức với những mẩu truyện tình thương thương nhớ nhớ nữa. Chút nhựa còn lại, thôi xin dành cho thời gian niên thiếu, khi còn được mài đũng quần trên ghế nhà trường. Thời gian của những kỷ niệm, chỉ cách đây có vài chục năm thôi, mà sao tưởng như đã thuộc về một hoàng kim thời đại xa lắc xa lơ nào đó...
Thuở ấy, loài người sống hãy còn lạc hậu. Tuy đã ra khỏi tình trạng ăn lông ở lỗ, nhưng còn chưa được bước vào kỷ nguyên văn minh tin học tiên tiến, Nhờ vậy, họ mới không phải sống quay cuồng hối hả trong cái môi trường ô nhiễm, không chi có khí thải độc, mà ngày càng thêm đủ loại fake news, Và cũng bởi hãy còn lạc hậu, nên họ mới có được những lúc sóng an nhàn để nhâm nhi ý vị cuộc đời. Về phần đám học trò thò lò mũi xanh tụi tôi hồi đó, chẳng đứa nào được biết trò chơi play ghê, play gớm hoặc iphone, ipad là cái gì sât cả. Thú vui giải trí của chúng tôi hèn mọn tầm thường lắm. Ngoài những lúc chơi bi đánh đáo, lại tụm năm tụm ba tìm một cái tên cúng cơm cho mỗi đứa trong đám. Hết Cần thâm, Chương nghiện, Tuấn lỏi, Lộc gạo, Khánh ghẻ, lại đến Hậu môn, Ngọc hành, Vân toét nữa chứ. Ôi dào, kể sao cho hết được. Những cái tên cúng cơm ấy, chúng tôi chỉ dành cho những lúc cười đùa chọc ghẹo để tỏ tình thân ái thương nhau lắm cắn nhau đau. Duy có mình tôi là được cả trường biết tiếng với cái tên Hưng bưng bô, chỉ vì tôi cứ xun xoe bám đít thằng bạn ngồi cùng bàn để mong nó cho cọp dề mỗi khi có bài làm hay bài thi trong lớp. Giờ nhớ lại những tiếng ơi ới gọi nhau dọc đường bằng cái tên cúng cơm để được cùng nhau bá vai bá cổ hớn hở tới trường, sao tôi cảm thấy thèm khát luyến tiếc đến thế! “ Ngu si được hưởng thái bình”: Thế mới biết các cụ nhà ta ngày xưa quê mùa ít học, vậy mà ăn nói cũng khôn ngoan đáo để ra phết ...
Còn đang trầm ngâm sự đời theo kiểu triết lý ba xu, bỗng nghe vọng lên mấy nốt nhạc quen thuộc của bản Les feuilles mortes. Cứ như phản xạ tiết nước bọt của con chó Pavlov khi có tiếng kẻng, không hiểu tại sao mỗi lần nghe vọng lên mấy nốt nhạc này, tôi lại bật miệng nhâm nhi : “ Les feuilles mortes se ramassent à la pelle. Tu vois, je n'ai pas oublié la chanson que tu me chantais...” Chia xẻ thắc mắc với bạn bè, tôi thường nhận được câu trả lời: Đó là vì tôi đã nhập tâm lời một bài thơ của Prévert được J. Kosma đem phổ nhạc. Nhưng sao tìm hoài trong các tập thơ nổi tiếng của Prévert như “Paroles” hay “Spectacle”, tôi chẳng thấy bài thơ nào mang tựa Les feuilles mortes cả. Không chịu bỏ cuộc, tôi quyết định ra thư viện mượn cho bằng được bộ Prévert Toàn tập ( Prévert, Oeuvres complètes,en 2 volumes, Bibliothèque de la Pléiade, Éditions Gallimard 1966) để kiếm xem Les feuilles mortes nó nằm ở đâu? Mày mò hết trang này qua trang khác, cuối cùng mới thấy lòi ra cái mặt chuột. Thì ra, trái với nhiều người cũng như tôi, lầm tưởng: « Les Feuilles mortes » không phải là một bài thơ, mà chỉ là ca từ Prévert viết theo một giai điệu do J. Kosma đã soạn sẵn. Bởi thế « Les Feuilles mortes » mới không được xếp trong phần « Poésie » của tập I, mà lại đặt tuốt những trang cuối của tập II trong phần « Textes divers » ở mục « Chanson » (Jacques PRÉVERT: Œuvres complètes, Tome II – Textes divers, p.785-786, Bibliothèque de la Pléiade, Éditions Gallimard 1966). Tham khảo tiếp phần chú giải (Notes, sdd.tr. 1387-1391), tôi lại biết thêm điệu nhạc này, chủ đích của Kosma là sọan ra như là một nhạc phần (une partition) cho kịch vũ ba lê «Le Rendez-Vous » (« Hẹn Hò », theo vở kịch là hẹn hò với Định Mệnh). Lúc đầu Prévert định chỉ soạn lời cho nhạc phần của vở kịch vũ theo yêu cầu. Nhưng khi lắng nghe giai điệu để viết lời ca , Prévert đã bị thu hút bởi những nốt nhạc của giai điệu diễn tả một nỗi buồn thầm kín nhưng nồng nàn đằm thắm. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội, mượn giai điệu của Kosma để làm nền cho cuốn phim do chính ông soạn kịch bản và lời thoại, lấy tên « Les Portes de la nuit » (« Cửa vào đêm tối », đêm tối ở đây mang ý nghĩa ẩn dụ « tử thần »), lấy nhạc Kosma làm nền.
Cũng như kịch bản « Le Rendez-vous », « Les Portes de la nuit » kể lại câu chuyện tình buồn của hai nhân vật chính : Diego, một thành viên kháng chiến Pháp sống sót sau đệ nhị thế chiến, và Malou, cô gái xuất thân nghèo hèn, nhưng đang sống chán chường trong nhung lụa bên cạnh anh chồng giàu có nhờ làm ăn bất chính trong thời chiến. Tình cờ gặp nhau, hai người đã yêu nhau nhờ tìm ra được sự đồng cảm qua một bản nhạc Malou hát cho Diego nghe. Sau một đêm sống hạnh phúc bên nhau, Malou đã bị người chồng nổi ghen bắn chết. Tóm lại, dù với « Le Rendez-vous » hay với « Les Portes de la nuit », cả hai kịch bản đều mang chung nội dung một câu chuyện tình buồn kết thúc bi thảm với cái chết của Malou. Nhưng khi soạn nhạc, Kosma lại muốn giai điệu làm sống dậy cái hạnh phúc tìm thấy trong tình yêu hơn là chỉ gợi nhớ một kỷ niệm u uất. Giai điệu, do đó, phải mang vài nốt nhạc thân quen gợi nhớ kỷ niệm để, mỗi lần nghe vọng lên, là một lần hạnh phúc yêu đương được thức giấc. Thông thường người ta phổ nhạc cho thơ để chuyển đạt tứ thơ bằng nhạc. Prévert trái lại, đã lựa lời ca để đem lại cho giai điệu một hồn thơ. Có lẽ vì vậy mà người đời vẫn ngộ nhận ca từ của bản « Les Feuilles mortes » là một bài thơ của Prévert và nhờ được J. Kosma phổ nhạc nên mới trở thành bất tử. Họ đâu có ngờ bản « Les Feuilles mortes » trở thành một trong những bài ca tủ, ấy là nhờ ca từ đã phả hồn thơ vào những nốt nhạc, khiến giai điệu được thấm sâu vào lòng người nghe, đem lại sự bất tử cho bản nhạc.
Để đánh tan ngộ nhận, tôi đã lắng nghe bản Les feuilles mortes qua trình diễn của nhiều ca sĩ tài danh quốc tế(1). Sau đó, đọc kỹ toàn bộ ca từ do Prévert soạn, tôi tưởng như lý giải được phần nào, theo cảm nhận chủ quan, cái ma lực quyến rũ của ca từ khiến bản văn được xếp vào loại bài thơ bất hủ. Nhưng trước khi đi vào lý giải ngộ nhận, xin ghi lại toàn bộ lời ca Prévert soạn theo giai điệu của Kosma như dưới đây ( với phần chuyển ngữ ra tiếng Việt ở cuối bài viết):
Les Feuilles mortes
(Texte intégral)
Oh ! Je voudrais tant que tu te souviennes
des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
Tu vois je n’ai pas oublié…
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi
et le vent du nord les emporte
dans la nuit froide de l’oubli
Tu vois je n’ai pas oublié
la chanson que tu me chantais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m’aimais
15 et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m’aimais
et que j’aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
20 tout doucement
sans faire de bruit
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi
Mais mon amour silencieux et fidèle
sourit toujours et remercie la vie
Je t’aimais tant tu étais si jolie
Comment veux-tu que je t’oublie
En ce temps-là la vie était plus belle
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie…
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu chantais
toujours toujours je l’entendrais
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m’aimais
et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
40 toi qui m’aimais
et que j’aimais (*)
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
tout doucement
sans faire de bruits
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis .
(Jacques PRÉVERT: Œuvres complètes Tome II – Textes inédits pp. 785-786, Bibliothèque de la Pléiade, Éditions Gallimard 1966)
(*) Trong hai phiên bản đầu, Prevert đều viết : « Toi qui m’aimais et je t’aimais », Mãi tới phiên bản 3 và cũng là phiên bản chót. Prevert mới đổi « et je t'aimais” ra thành “ « et que j’aimais ». (Sdd. tr. 190-191). Sự sửa đổi nhỏ nhặt này có mang ý nghĩa đặc biệt gì chăng ?
Mới nhìn vào hình thức trình bày, ta có thể nghĩ rằng bài thơ (cứ tạm gọi là bài thơ đi) được phân ra làm bốn đoản khúc. Thực ra chỉ có ba đoản khúc thôi, vi đoản khúc hai và đoản khúc bốn chỉ là một, với lời lẽ được lập đi lập lại làm điệp khúc.
Trước hết là đoản khúc một, với bốn câu mở đầu như sau:
Oh! je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amis
En ce temps-là la vie était plus belle
Et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui.
Điều đập ngay vào mắt người đọc là thán từ Oh! bật lên như một tiếng nấc nghẹn ngào để khai mở cho toàn bản nhạc. Sang câu 2, (des jours heureux où nous étions amis) chúng ta không khỏi phần nào bỡ ngỡ khi thấy Prévert viết amis thay cho amants là từ hầu như ta đều gặp trong các bài thơ trữ tình nói về bất cứ câu chuyện tình nào. Lý do tưởng cũng dễ hiểu thôi, amants nói lên một liên hệ tình cảm mặn nồng gắn bó hơn là amis. Nhưng mặn nồng đó thể có chỉ là một đam mê giai đoạn. Người tình đã có lúc cùng ta yêu nhau thắm thiết, yêu nhau ra riết, yêu nhau hết biết (trời trăng là gì). Nhưng sau khi đã được cùng ta qua cơn mê rồi, biết đâu lại chẳng có một ngày người tình bỏ ta đi như con sông dài, để ta một mình ở lại khiến cuộc đời bỗng thấy xanh rêu. Từ amis ,trái lại, nói lên một gắn bó keo sơn bền vững. Amis không đồng nghĩa với camarades trong tiếng Pháp, cũng như bạn hữu không đồng nghĩa với bạn bè hay đồng chí trong tiếng Việt. Bạn hữu nói lên sự gắn bó do tâm đầu ý hợp, hiểu được lòng nhau hơn nhờ trải qua nhiều thử thách. Bạn hữu ở đây có thể coi như tương đương với bạn đời hay bạn tri kỷ. Bạn bè hay đồng chí để chỉ một sự liên kết có tính cách giai đoạn đua đòi thời thượng hay tưởng cùng chung một lý tưởng đấu tranh. Chơi với nhau một hồi tưởng thân thiết lắm. Ai ngờ chỉ sau một thời gian thấy chán nhau, có khi còn ghét nhau hoặc tìm cách thanh toán nhau là đằng khác. Vậy từ amis Prévert dùng ở đây là để nói lên mối liên hệ tình cảm bền vững, cũng như khi ta nói người « bạn đời » hay người « bạn tri kỷ » của tôi. Giả dụ, nếu muốn nói về những kỷ niệm của một cuộc tình đổ vỡ, có thể Prévert đã viết như sau để bày tỏ sự trách móc:
Hélas! Je voudrais tant que tu te souviennes
Des jours heureux où nous étions amants
(Em hỡi ! Anh ước mấy em còn nhớ lại
Những ngày vui hai đứa mình thắm thiết yêu nhau.
Và toàn bài thơ, do đó, sẽ hướng ta theo một nội dung ý nghĩa khác. Bởi vậy từ amis Prévert dùng ở đây, là có dụng ý để nói lên sự gắn bó chung thủy.
Sang đến hai câu ba và bốn:
En ce temps-là la vie était plus belle (3)
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui (4).
Hai câu kế tiếp này là để nhắc nhở những kỷ niệm đẹp của cái thời hai người còn được sông bên nhau. Câu ba có thể chỉ là một câu nói bình thường trong cuộc sống hàng ngày ; nhưng nhờ vào cụm từ « En ce temps-là », tương đương với cụm từ « thuở ấy » hay « ngày xửa, ngày xưa », nên chúng lại mang chất thơ bỏi nói lên sự ngậm ngùi luyến tiếc một hoàng kim thời đại nay thuộc về dĩ vãng. Trong câu bốn, chỉ nội chữ « brûlant » cũng làm tôi phải nhức đầu, loay hoay mãi không biết dịch ra sao. Phải chi Prévert viết « plus rayonnant » hay « plus radieux », thì tôi có thể dịch thành «và mặt trời cũng huy hoàng hay rạng rỡ hơn bây giờ ». Và tôi tin rằng dịch như vậy không khó khăn gì, nghe quen tai và thích hợp hơn. Nhưng dịch như vậy tôi e là muốn sửa lời Prévert. Tôi tin rằng không phải Prévert không biết tới hai chữ « rayonnant » hay « radieux » ; nhưng vì chúng được quen sử dụng nên trở thành lối mòn khuôn sáo. Cuối cùng tôi đành tạm dịch, chỉ tạm dịch thôi, từ brûlant ra thành rực lửa, vì theo cảm nhận của tôi, Prévert chọn từ « brûlant » là có chủ ý hẳn hòi. Ông không dùng từ « brûlant » để « mô tả » mặt trời. Trái lại, dụng ý của ông là mượn hình tượng « brûlant » ghép với « soleil » để nói lên nỗi đam mê nồng thắm của đôi tình nhân; cũng như từ « Amis » nói lên sự đồng tâm đồng cảm của hai tâm hồn
.
Nếu bài thơ mở đầu bằng tiếng kêu than ngậm ngùi tiếc nuối (Oh !), phải chờ sang tới câu 5 ta mới biết thủ phạm gây ra nỗi xúc động : Đó là một cảnh thu. Mùa thu. Ôi, mùa thu ! Mùa để gợi nhớ tình yêu và kỷ niệm. Mùa đem lại cảm hứng cho các tao nhân mặc khách để tìm lời hoa mỹ sáng tác ra những áng văn, thơ tuyệt tác. Thử hỏi có mấy ai mát giây mát địa bỗng dưng lại xúc động trước đống lá vàng xơ xác được người phu quét đường vun thành đống trên vỉa hè ? Vậy mà Prévert lại viết ra câu Les feuilles mortes se ramassent à la pelle (5) để làm leimotiv hay câu nhạc chủ đề cho cuốn phim mang tựa đề Les portes de la nuit do ông soạn kịch bản. Không phải vì ông muốn tránh né những hình ảnh thơ mộng gợi cảm, nhưng dễ trở thành khuôn sáo. Mà cũng chẳng phải ông muốn đi tìm cái dị hợm sáng tạo. Lý do hình ảnh tầm thường của câu 5 này thực ra rất đơn giản : Prévert không làm thơ cho người đời đọc. Ông chỉ muốn bộc lộ tâm trạng trung thực, sống thực của người trong cuộc. Người trong cuộc đây là Diégo, một cựu kháng chiến quân, chứ không phải một thi sĩ. Bởi vậy Diégo không biết ngắm cảnh lá vàng rơi để rung đùi xuất khẩu thành thơ. Nhưng cảnh đống lá úa xơ xác tả tơi được vun thành đống như một nấm mộ hoang ấy, đã làm Diégo nhớ tới người yêu đang phải một mình nằm trong ngôi mộ lạnh lẽo nên mới bật lên tiếng than Ôi ! như một tiếng nấc nghẹn ngào. Và niềm thương cảm mãnh liệt đến độ Diégo đắm chìm trong mơ mộng, tưởng như đang được tâm tình với người yêu. Đó chính là ý nghĩa của động từ « voir » ở thì hiện tại (temps présent) trong câu 6:
Tu vois, je n’ ai pas oublié…
Cái tài hoa của Prévert chính là chỗ đó. Là đã chọn một hình ảnh tầm thường, vô vị để nói về mùa thu ; nhưng lại đóng khung hình ảnh đó trong một câu văn cô đọng, nhưng hàm súc, ý vị, đa tầng, đa nghĩa đem lại cho nó một sức mê hoặc lạ thường. Câu văn được lập lại ba lần, nhưng không phải là một hình ảnh cứng nhắc chỉ đem lại một cảm xúc đơn điệu. Trái lại, mỗi lần được gợi lên, hình ảnh đó lại có tác dụng khác nhau, khơi động cảm xúc khác nhau tùy theo hoàn cảnh của từng đối tượng. Thậm chí ngay cả với Diégo, nó cũng đánh dấu một chuyển biến tâm tư nơi nhân vật.
Tiếp theo tiếng nấc nghẹn ngào Oh ! trong câu mở đầu, chỉ cách một hàng liền sau đó, hình tượng Les feuilles mortes se ramassent à la pelle được lập lại ở dòng 7. Nhưng lần lập lại này là để nói lên tác động vô hiệu của nó trước thái độ hầu như vô cảm của khách qua đường. Để nắm được sự khác biệt, ta cần lồng hình ảnh « đống lá úa » trong ngữ cảnh của toàn bộ các dòng sau đây:
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi
et le vent du nord les emporte
dans la nuit froide de l’oubli
Cùng một hình ảnh được gợi lên chỉ cách nhau có một hàng, lần đầu nó làm Diégo liên tưởng tới người yêu Malou đang nằm một mình trong ngôi mộ lạnh lẽo, khiến anh ta xúc động phải bật lên tiếng nấc nghẹn ngào. Nhưng khi lập lại lần hai, hình ảnh đó lại trở thành một đống xác lá tầm thường vô vị với khách qua đường dửng dưng. Số phận của đống lá úa đó, với họ, là chờ để được gió bấc cuốn đi ; cũng như những bài thơ nói về mùa thu và kỷ niệm được chuyền tay người này qua người khác, nhưng chẳng bao lâu rồi cũng rơi vào quên lãng. Với Diégo lại không phải thế, cũng chỉ là đống lá úa vô tri bất động, nhưng lại làm sống dậy bản nhạc kỷ niệm yêu đương từng được Malou hát cho nghe. Đó là ý nghĩa của hai câu độc thoại nội tâm:
Tu vois je n’ai pas oublié
la chanson que tu me chantais
Vậy là, chỉ bằng một hình ảnh quen thuộc tầm thường, Prévert đã đem lại cho câu nhạc một sức quyến hút bất thường khiến mỗi lần nghe giai điệu vọng lên, là hầu như hình tượng Les feuilles mortes se ramassent à la pelle lại hiện lên tâm trí người nghe. Có lẽ vì vậy nhiều người mới lầm tưởng cho đó là câu điệp khúc. Thực ra đoản khúc 2 và 4 với những hàng chữ sau đây mới là điệp khúc:
C’est une chanson qui nous ressemble
Toi qui m’aimais
et je t’aimais
Et nous vivions tous deux ensemble
toi qui m’aimais
et que j’aimais
Mais la vie sépare ceux qui s’aiment
tout doucement
sans faire de bruits
et la mer efface sur le sable
les pas des amants désunis.
Là điệp khúc, bởi vì đoản khúc được lập lại hai lần, mỗi lần đều với lời lẽ và ý nhạc tương tự. (d.13 – d.23 và d. 36 -46). Là điệp khúc, tiếp đến, vì nó cho ta biết sơ lược về câu chuyện tình giữa Malou và Diégo. Câu chuyện tình đó gồm hai giai đoạn qua hai phần của điệp khúc. Phần đầu gồm sáu hàng (13-18) cho biết nhờ vào bản nhạc kỷ niệm hai người đã được sống hạnh phúc những giờ đằm thắm yêu đương. Tình yêu say đắm nồng nàn ấy, không được diễn tả bằng những lời lẽ hoa mỹ hay cường điệu. Trái lại, độc nhất chỉ có động từ aimer được lập đi lập lại bốn lần. Đó là một động từ quen thuộc sẵn sàng được thốt ra bởi bất cứ ai, vào bất cứ lúc nào. Quen thuộc đến độ nó trở thành một loại ngôn từ điếm thúi (termes prostitués) như mấy chữ tự do, dân chủ, độc lập, hùng cường, yêu nước, thương nòi... Là ngôn từ điếm thúi bởi vì các từ này, nghĩa vốn thanh cao đã bị một số chính trị gia lõi đời, một vài nhà bình luận chuyên nghiệp, hay một số nhân vật đầu cơ chính trị, lấy việc thành lập tổ chức đấu tranh làm business, hoặc gây tranh cãi ồn ào để chứng minh sự tồn tại (chứ không phải sự hiện hữu) của mình. Và họ không ngần ngại khai thác ý nghĩa thanh cao của các từ ngữ trên khiến chúng trở nên hoen ố chẳng khác gì thân phận của Thúy Kiều bị đám Sở Khanh, Tú Bà xô đẩy vào chốn thanh lâu cả. Nhưng với ai đã yêu và được sống với hạnh phúc tình yêu chân thực, thì động từ aimer được lập đi lập lại như thế, lại chứa chan ý nghĩa và mang nhiều chất thơ như mấy tiếng bi bô đầu đời của đứa trẻ học nói.
Bên cạnh cách sử dụng từ aimer đó, ta cũng không nên bỏ qua một sửa đổi của Prévert ở đoạn hai trong phiên bản chót : đó là ông đã viết ở dòng 18 « et que j’aimais » thay vì « et je t’aimais » như ở dòng 16 . Sửa đổi này, thoạt nhìn có vẻ chẳng có gì quan trọng cho lắm. Ngay đến các ca sĩ tài danh khi trình bày, cũng thường hát theo thói quen «et je t’aimais » thay vì « et que j’aimais », và vẫn được thính giả nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng. Có lẽ cũng vì thế mà khi lên trình diễn, hầu hết các ca sĩ thường chỉ lấy lời ca của đoản khúc một và điệp khúc, mà bỏ qua đoản khúc ba. Tôi cho rằng đây là một sự lơ là đáng tiếc. Đáng tiếc,trước hết, vì sự lơ là đó không cho ta thấy được tài hoa vận dụng chữ nghĩa của Prévert ; đồng thời làm giảm đi phần nào khoái khẩu thưởng ngoạn của ta. Thực ra, nếu Prévert có chọn đại danh từ que để thay thế là có dụng ý hăn hoi, nhằm nói lên mối tình chung thủy của Diego. Với anh, Malou không chỉ là người yêu say đắm một thời. Hình ảnh nàng, trái lại, vẫn được Diego ấp ủ mãi trong tim. Nỗi niềm riêng này, Diego đã bộc lộ với ta trong đoản khúc kế tiếp tức đoản khúc ba (24 - 35). Có nghe trọn đoản khúc này, ta mới thưởng thức được ý vi đặc sắc các hình ảnh Prévert chọn để diễn tả tâm tình của Diégo:
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle
les souvenirs et les regrets aussi.
Mais mon amour silencieux et fidèle
sourit toujours et remercie la vie.
Je t’aimais tant tu était si jolie
Comment veux-tu que je t’oublie
En ce temps-là la vie était si belle
et le soleil plus brûlant qu’aujourd’hui
Tu étais ma plus douce amie
Mais je n’ai que faire des regrets
Et la chanson que tu me chantais
toujours toujours je l’entendrais.
Mở đầu cho đoản khúc này là hai câu:
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle,
les souvenirs et les regrets aussi
được lập lại thêm lần nữa. Nhưng thay vì
et le vent du nord les emporte
dans la nuit froide de l’oubli
như ở đoản khúc một, ta lại có:
Mais mon amour silencieux et fidèle
Sourit toujours et remercie la vie.
Hai câu sau này được mở đầu bằng chữ Mais cùng với những tĩnh từ silencieux, fidèle và động từ sourit, remercie kế tiếp cho thấy những kỷ niệm Malou làm sống dậy nơi Diégo không phải chỉ là những kỷ niệm thường tình do cảnh đẹp mùa thu gợi nhớ, để sau đó lại rơi vào trong quên lãng. Trái lại, mặc dù là nạn nhân của một hành động trả thù độc ác, nhưng vẻ đẹp dịu hiền cùng với bản tình ca Malou dành riêng cho Diégo, đã khiến mỗi lần nghe vọng lên giai điệu là một lần Diégo được sống lại hạnh phúc của thời yêu đương bên cạnh Malou. Đó là ý nghĩa của những câu chót của đoản khúc ba. Có chú ý tới đoản khúc này, cũng như phần còn lại của toàn bộ lời ca, ta mới cảm nhận được cái ý vị và tài hoa của Prévert khi ông chọn hình ảnh những làn sóng biển tràn lên bãi cát làm biểu tượng cho mối tình son sắt của Diégo với Malou. Dấu chân in của những cặp tình nhân trên bãi cát, đều bị sóng biển xóa đi, cũng như những kỷ niệm một thời yêu đương nơi người đời, rồi cũng chìm trong quên lãng tựa đống lá khô chỉ chờ được gió bấc cuốn đi. Nhưng với Diégo, hình ảnh sóng biển trên bãi cát lại mang một ý nghĩa biểu tượng khác. Nếu những lớp sóng liên tục đổ lên bãi cát xóa dần mọi vết chân đi, thì tiếng sóng rạt rào là tiếng hát thì thầm của người yêu để giúp Diégo được nghe thức dậy những kỷ niệm đẹp của thời sống hạnh phúc bên Malou. Đó là ý nghĩa của hai câu:
Et la chanson que tu me chantais
toujours toujours je l’entendrais.
Ở hai câu này, không chỉ có ý mà còn nhịp điệu nhẹ nhàng nữa, đặc biệt là hai chữ toujour toujours trở đi trở lại như tiếng sóng rì rào khiến Diégo có cảm giác được nghe tiếng hát thì thầm muôn thuở của người yêu. Rất tiếc là đoản khúc này, hầu hết các ca sĩ lại hay bỏ qua, và chỉ chú trọng tới trình bày đoản khúc 1, và các điệp khúc 2 và 4. Đây là một sự bỏ qua đáng tiếc. Bởi vì đoản khúc 3 này mới cho ta biết cuộc tình giữa Diego với Malou không như các câu chuyện tình dang dở đời thường để làm đề tài sáng tác cho văn, thơ, nhạc. Trái lại đó là một cuộc tình keo sơn gắn bó, nên trước cảnh lá vàng rơi được vun thành đống, Diego không ngăn nổi bật lên tiếng nấc nghẹn ngào thương cảm.
Không ít người có thói quen làm thơ, viết văn để tạo ảo giác cho mình và ru ngủ người khác bằng những mỹ từ khuôn sáo và hình ảnh đánh bóng cuộc đời. Prévert không làm thơ (2). Ông chỉ viết lời cho bản nhạc làm nền cho cuốn phim về một cuộc tình dang dở. Một câu chuyện tình cũng như hàng trăm câu chuyện tình khác ở đời. Bởi vậy hình ảnh gợi lên chẳng có gì đặc biệt, nếu không muốn nói còn nhàm chán, tẻ nhạt thuộc về đời sống hàng ngày. Nhưng chính những hình ảnh tầm thường vô vị ấy đã cho thấy nỗi buồn thầm lặng cũng như nguồn an ủi của người trong cuộc. Cái tài hoa của Prévert là ở chỗ đó. Không phải bằng chất liệu đắt giá để dựng lên những khu biệt thự hoành tráng, nhưng rặt một khuôn mẫu. Trái lại, khi viết lời ca cho một giai điệu của Kosma, ông chỉ dùng chất liệu sơ khai thuộc loại đất thó để dựng lên một túp lều tranh lý tưởng cho hai trái tim vàng. Túp lều lý tưởng ở chỗ, chỉ bằng từ ngữ và hình ảnh thuộc về đời sống hàng ngày, nhưng với tài năng chọn từ, sắp câu, phân đoản khúc, ông đã đem lại cho lời ca một nội dung tình cảm ra khỏi khuôn mẫu sáo mòn : tiếng thì thầm riêng tư sống thực, chân thực của người trong cuộc. Có lẽ nhờ vào kỹ thuật truyền đạt theo mỹ học biểu tượng hay thi phái tượng trưng ấy, mà mỗi ca từ của ông đều chan chứa chất thơ theo đúng nghĩa thơ, khiến người đời đã lầm tưởng ca từ Les feuilles mortes là một bài thơ tuyệt tác được đem ra phổ nhạc.
Nguyễn Bảo Hưng
----------------------------------
(1) Quý vị có thể tìm kiếm trên Internet « Les feuilles mortes - chanson» để được lần lượt thưởng thức bản nhạc này qua trình diễn của nhiều ca sĩ thời danh khác nhau như Cora Vaucaire, người đã lăng xê bản nhạc, Yves Montand, Doris Day, Nat King Cole.... Bên cạnh đó, ta còn có dịp được tài năng của hai ca sĩ với kỹ thuật trình bày điêu luyện, mà ngay giới sành nghe nhạc người Việt cũng ít biết đến. Đó là Philippe Jaroussky với giọng ca opéra sẽ hát đầy đủ toàn bộ ca từ Les feuilles mortes. Tiếp đến là nữ ca sĩ người Hòa Lan Laura Fygi, mà tên tuổi chắc còn xa lạ với cộng đồng người Việt. Phải có nghe hai ca sĩ này trình bày ta mới có cơ hội thưởng thức tài năng của họ.
MÙA LÁ RỤNG
Ồi! anh ước mấy em còn nhớ được
những ngày hạnh phúc hai đứa sống bầu bạn bên nhau
Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng rực lửa hơn bây giờ
Lá úa rụng tả tơi được vun thành đống
Em thấy đó anh có bao giờ quên…
Lá úa rụng rơi được vun thành đống
bao kỷ niệm bao tiếc nuối cũng vậy thôi
để gió bấc lạnh lùng tới cuốn đi
đem vùi sâu vào vùng lãng quên âm u giá buốt
Nhưng em hỡi anh làm sao quên được
khúc nhạc tình em thường hát anh nghe
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
em yêu anh
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
như sóng biển xóa dần trên bãi cát
dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
Lá úa rụng rơi được vun thành đống
như bao kỷ niệm như bao tiếc nuối
Nhưng mối tình chung thủy anh hằng ấp ủ
vẫn nở nụ cười để anh biết yêu đời
Anh yêu em tha thiết vì em quá đẹp
Làm sao anh quên được, hỡi em yêu !
Thuở ấy cuộc đời mới đẹp làm sao
và mặt trời cũng rực lửa hơn bây giờ
Em hỡi, người bạn dịu hiền nhất đời anh…
Những tiếc nuối anh đâu cần biết
Bản nhạc ấy một lần anh nghe em hát
còn vang vọng mãi mãi trong anh
Đó là một bản tình ca như chuyện hai đứa mình
Em yêu anh
và anh cũng yêu em
Và chúng ta đã vui sống bên nhau
40 em đã yêu anh
và là người anh yêu
Nhưng cuộc đời lại thường chia đôi ngả
nhẹ nhàng êm thấm
âm thầm lặng lẽ
45 như sóng biển xóa dần trên bãi cát
Dấu chân in của những đôi lứa bị phân ly.
(Nguyễn Bảo Hưng chuyển ngữ)
(2) Đề nghị lấy bốn câu thơ dưới đây của Đinh Hùng:
Trời đã thu rồi em ở đâu?
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy,
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.
rồi đem đối chiếu với mấy lời ca như sau của Prevert:
Les feuilles mortes se ramassent à la pelle...
Tu vois je n' ai pas oublié
La chanson que tu me chantais.
để đánh giá sức mạnh gợi cảm và truyền đạt của hai phong cách diễn tả: Một đằng, là những câu thơ có vần điệu, lời lẽ hoa mỹ trau chuốt với hình ảnh liễu trai mê hoặc nhưng ít nhiều mang kịch tính. Đằng khác, thơ tính của những lời lẽ âm thầm kín đáo, nhưng hàm xúc như là một thứ ngôn ngữ ẩn dụ, mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được hết nội dung thông điệp.