Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Má Là Tất Cả!

 

Xuân tươi thắm trên ngàn cây hoa lá
Gió đưa hương chào đón Má về thăm
Chim líu lo cùng trổi khúc bổng trầm
Nụ hoa mỉm thì thầm lời thương nhớ


Cám ơn Má cho con hòa nhịp thở
Để tỏ lòng tưởng nhớ Giỗ năm nay.
Hai mươi năm xa cách những xum vầy
Dâng lên Má cả vườn hoa xanh mướt


Con mãi hoài mơ ước Má cười xinh
Đẹp hơn hoa Má đẹp cả dáng hình
Xuân bất tận như tình con yêu Má.
Má của con là tất cả trên đời!


Thương Nhớ Má lần Giỗ thứ 20
(24.9.2002 - 24.9.2022)
Kim Oanh
Melbourne 24.9.2022

Dưới Đôi Mắt Má!

 

    Đa số các cô gái và cả tôi của thời tuổi trẻ, nhìn vẻ đẹp người phụ nữ, chỉ dựa vào ngoại hình. Trau chuốt đôi mày thêm sắc, uốn rèm mi cho cong, dậm đôi má tươi hồng, tô bờ môi thêm mộng. Thân hình gợi cảm với đôi chân dài, dáng uyển chuyển, chiếc lưng thon, bờ vai mỏng, hầu thu hút cái nhìn của những gã tình si, mà quên đi sự thông mình và cá tính riêng của một người nữ...

    Riêng dưới mắt má tôi…

    Má, một phụ nữ nông thôn, học hết bậc Tiểu học, là bậc cao nhất của thời con gái lúc bấy giờ. Vậy mà, tôi không khỏi đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác với lối giáo dục của má.
    Từ lúc chúng tôi còn bé, má lo từng miếng ăn, giấc ngủ, dạy điều hay, tránh xa thói hư tật xấu. Con ngày một lớn, má hướng dẫn, trau dồi sự trung thực về lời nói, hành động qua cách ăn, nói, gói, mở. Biết tôn trọng người khác, kính trên nhường dưới, không trọng kẻ giàu sang mà khinh khi người nghèo khó, kém học hơn mình.


    Má dạy con vun đắp tình yêu thương qua tính bao dung, độ lượng, vị tha. Dạy “Người ta ăn còn, mình ăn hết. Kẻ thù đôi khi là người ơn của mình”. Dạy con trai, dù không đội đá vá trời, nhưng làm trai cho đáng nên trai. Phận gái, không chỉ trau chuốt nhan sắc mà quên trau dồi công dung ngôn hạnh.
    Sống trong một gia đình, dù không giàu có, lên xe xuống ngựa như nhà người, nhưng hạnh phúc, êm đềm như dòng nước chảy xuôi. Bỗng đất trời nổi cơn gió bụi. Từ mùa hè chia xa 1975 và những năm sau đó, đại gia đình chúng tôi như đàn chim buộc vỡ tổ. Ba má đã đau lòng, bứt ruột để các con chọn lựa phương hướng, chọn cái chết hầu tìm bến bờ tự do nơi phương trời xa lạ.


    Trên đất khách...

    Không biết má giáo dục mỗi đứa con như thế nào, nhưng điểm đặc sắc nhất, rõ ràng nhất, tôi vẫn còn tìm thấy nơi 10 anh chị em đã thành gia thất của chúng tôi. Đó là, những buổi họp mặt gia đình vào dịp Tết hay giỗ quảy, trong lúc trà dư…, tôi chưa hề nghe, các anh chị, các em trai gái phàn nàn, lời ra tiếng vào về vợ, chồng hay gia đình bên người phối ngẫu. Nếu cần mang ra “soi mói” chăng, thì... chỉ là phàn nàn về ông anh, bà chị hay về các em ruột rà của mình mà thôi.
    Sau những năm tháng chia ly, có mầm hội ngộ! Và như mơ, vào một ngày, bầy chim con như được quay về tổ, khi ba má sang Úc định cư, năm 1984. Dòng đời cứ thế...êm ả. Nhưng quy luật đất trời không tránh khỏi, mười lăm năm sau, ba đã vĩnh viễn ra đi, má ở lại căn nhà của một thời với ba, vẫn giữ cương thường của một người vợ, vẫn chu toàn bổn phận của một người mẹ dạy dỗ con, dù các con của má tuổi đời khá lớn, có cả con đàn cháu đống.


    Ngoài những thú vui tiêu khiển má tự tìm cho riêng mình, má thường quanh đi quẩn lại, sang viếng đứa con này, thăm nhà đứa con khác. Có lần má đến nhà tôi, ở lại vài hôm. Sau bữa cơm chiều, hai má con... cùng thủ thỉ, nhắc nhớ chuyện xưa chốn quê nhà hay lúc chân ướt chân ráo nơi đất khách. Đang lúc ấy, đôi mắt tôi thả rong quanh phòng khách. Bỗng… tôi ngồi bật dậy, vừa đưa tay sửa lại những bức tượng đang chưng bày, vừa thì thầm đủ nghe.
- Mấy đứa con của con phá quá! Các bức tượng này, cái nào chúng cũng sửa... quay lưng ra phía trước. Con đã sửa lại hôm qua mà hôm nay cũng vậy...Má từ tốn kèm với nụ cười hiền...
- Má đó con!
- Má đã sửa, chứ không phải các cháu đâu. Con biết không, phụ nữ cần phải kín đáo một chút mới đẹp.
Tôi bật cười thành tiếng…
- Má ơi, bức tượng mà cũng cần kín đáo nữa sao má!?
- Ờ! Phụ nữ đẹp, cần phải kín đáo.


    Từ dạo đó đến nay, đã mấy mươi năm qua, những bức tượng tôi yêu thích, thích ở đây, không phải vì đắt giá mà vì là quà của người em trai quá cố đã tặng riêng cho tôi với tiếng lời khó quên … “chỉ ông bạn* mới có đó nghe” hoặc nét riêng của mỗi bức tượng chính tôi chọn mua. Tất cả các bức tượng được tôi “xoay lưng” ra ngoài. Có lẽ vì má đã nhìn được cái đẹp của người nữ qua hai chữ kín đáo, mà 6 đứa con gái của má, ai cũng ăn mặc “kín mít”.

    Hôm nay, 20 năm má đã xa anh chị em chúng tôi. Đưa mắt nhìn quanh những bức tượng, vị trí cái nào cũng đặt “xoay lưng”. Nhớ về má, người đã cho tôi nhận chân cái đẹp của sự kín đáo. Nhìn kỹ vào từng bức tượng, rồi ngẫm lại, chẳng phải từ thuở thiếu thời và tận bây giờ, tôi đã từng thích...nhìn các cô gái trong tà áo dài thướt tha, từng thích vẻ đẹp với chiếc lưng thon thon, bờ vai nghiêng nghiêng nắng đó hay sao.


    Suy ra cái đẹp của người nữ là do đâu? Và được xác định như thế nào? Nhan sắc bên ngoài hay cái đẹp sâu thẳm trong tâm hồn? Người có ngoại hình đẹp, khác nào nhận được món quà, được phúc báu từ trời ban cho. Bởi, cái đẹp đẽ gây được ấn tượng cho người khác, từ cái nhìn đầu tiên. Tuy nhiên, sự dịu dàng, đoan trang, hiền lành, thật thà, nhân hậu, biết quan tâm đến người khác, dù không được phơi bày rõ ràng, dù ẩn kín bên trong, nhưng mang một giá trị cao và tồn tại với thời gian. Và má chúng tôi, chính má đã mở tầm mắt và rót vào lòng tôi, cho tôi biết thế nào…, biết chiêm ngưỡng điều gì…, biết nhận chân ra sao về...vẻ đẹp của người nữ qua sự kín đáo.

Kim Phượng
24.9.2022, Ngày giỗ thứ 20 của má

*“Ông bạn”, hoặc gọn lỏn là “sáu”, ngôi thứ trong gia đình. Đó là tiếng lời cậu em dành cho tôi, chưa 1 lần gọi tôi bằng “chị”.


Đoàn Tụ Xa

 

Cũng lắm lúc phố phường tang tóc
Bóng Mẹ Cha rụng dốc chiều nay
Tàn đêm Nguyệt tận lòng ai khóc
Thái Sơn cao bao cảnh lưu đày

Trong ai khuya sớm tảo tần vai
Nặng gánh cưu mang chuỗi ngày dài
Đơn sơ không lắm nhiều ước nguyện
Chi tình thủ túc tợ tơ duyên

Mai nở Xuân đầy khắp làng quê
Đấng Cù Lao nương gió tìm về
Sao run rẫy trong màng sương lạnh
Hay Đông dành kéo tận sang đây

Dậy ngóng đâu quê nhà diệu vợi
Bao năm lưu lạc có buồn rơi
Gió Chướng vơi chờ đợi bằng thừa
Thế sự thăng trầm thoảng giấc trưa

Ai đem thuyền vắng trốn chiều tà
Khói lam bạc nhiều mây đen phủ
Chắt chiu gì kỷ niệm cũ xa
Nơi đoàn tụ mái nhà rêu khói

Vòng hoa chờ thắm nấm mộ chung!

Lê Kim Hiệp
20-8-2009



Xa Mẹ

 

  (Thuận-Nghịch độc, Thủ vị ngâm)

Xa mẹ nỗi buồn lại quặn đau
Lệ tuôn đêm lạnh gối khăn nhàu
Nhòa phai bóng cũ thềm chan nắng
Nhạt úa trầu xưa dậu rụng cau
Tha thiết tiếng ru ai mãi nhớ
Tái tê lời hát dạ hoài sầu
Nhà đơn cảnh vắng thêm côi cút
Xa mẹ nỗi buồn lại quặn đau.

Đọc ngược:

Đau quặn lại buồn nỗi mẹ xa
Cút côi thêm vắng cảnh đơn nhà
Sầu hoài dạ hát lời tê tái
Nhớ mãi ai ru tiếng thiết tha
Cau rụng dậu xưa trầu úa nhạt
Nắng chan thềm cũ bóng phai nhòa
Nhàu khăn gối lạnh đêm tuôn lệ
Đau quặn lại buồn nỗi mẹ xa.

Nguyễn Gia Khanh

Lãng Đãng Cõi Thơ

 

Chút gì trong nắng phù du
À ơi!… đứt ruột lời ru Mẹ hiền
Chút gì lảo đảo cành nghiêng
Nhớ cha vời vợi, khối miên man sầu
Chút gì trong sóng bể dâu
Mặn môi son nhạt vạn câu đoạn trường
Chú gì giữa cõi tuyết sương
Giá băng tim lạnh, phố phường ngủ yên
Chút gì đắng giọt lệ huyền
Vàng tay khói trắng lạc miền cô đơn
Chút gì trong gió chập chờn
Đèn khuya soi bóng cầu vòng tử sinh
Chút gì nghiệt ngã điêu linh
Sao đành câm nín lặng thinh giữa đời…?
Chút gì bàng bạc mây trời
Sử xanh ấn tượng một thời đã qua
Chút gì trong mắt nhạt nhòa
Mù tăm mồ mẹ, la đà gió bay
Chút gì thao thức miệt mài
Gò xưa ngủ với hình hài cha ông
Chút gì réo gọi ngàn thông
Lời thề buổi ấy, núì sông đợi chờ
Chút gì lãng đãng cõi thơ
Cố nhân hun hút, ngẩn ngơ người còn
Chút gì còn với mỏi mòn
Liêu trai hư thực, vuông tròn trong tranh
Chút gì đáy cốc long lanh
Rằng đây vẫn gọi… âm thanh cõi về
Chút gì huyễn mông lê thê
Không câu giã biêt mà tê tái lòng
Chút gì thương thưở long đong
Trở trăn về mãi đường cong quê mình
Chút gì vùi giữa cuộc tình
Người ơi nỗi nhớ lênh đênh phương này

Vũ Hối

Cảnh Cũ! Người Xưa???

 

Đêm thứ Bảy ta vào nhà hàng Le Rabelais
Trong khuôn viên Hotel Đa Lạt Palace
Khung cảnh thơ mộng, cổ điển, sang trọng
đậm chất trời Âu
Thật ấm áp cho những chiều cuối tuần hẹn hò
hoặc ăn tối cùng gia đình.
Nơi đây có bánh Crepe thơm ngon hết ý
và sườn nướng mật ong mùi vị không thể nào quên.

Hôm nay cũng chiều cuối tuần thứ Bảy
cũng la không gian ấm cúng hơn lần trước
cũng là khung cảnh thơ mộng hơn ngày nào
cũng là nơi sang trọng ít người
nhưng lại thiếu vắng em
nên dù có hiện diện noi nầy bao lâu nũa
cũng không làm tôi tìm laị được
những gì đã mất của ngày Xưa. ...

Dương hồng Thủy

Tháng 9/2022

Một Ngày Với Đức Tin


Thật là một niềm vui quý báu khi chúng tôi được anh chị Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Kỳ & Tín Hương thân ái mời tham dự thánh lễ tại tư gia vào đầu sáng thứ Sáu, 02 tháng 9, 2022. Đặc biệt, thánh lễ này do Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám Mục Đà Nẵng & Quảng Nam, chủ lễ. Anh chị Kỳ & Tín Hương lưu tâm thương mến cháu Bồ Câu, con gái đầu tàn tật của chúng tôi, nên tạo mọi dễ dàng cho chúng tôi mang theo cháu. Rất tiếc vào sáng hôm ấy, mẹ của cháu bất ngờ phải săn sóc thân mẫu đang bệnh, nên chỉ có cháu Bồ Câu và tôi hiện diện.

Tôi rất ấn tượng nhìn thấy một Đức Cha cao lớn, uy nghiêm nhưng đồng thời hòa nhã, với nụ cười chân thành, ánh mắt thông minh, sáng tỏa sự thánh thiện, lòng nhân ái bao dung. Nhất là giọng nói của Ngài nghe thật ấm áp, lôi cuốn và thuyết phục. Một giọng nói hoàn toàn Hà Nội “xưa” không một chút pha trộn.  

Trong buổi sáng hôm ấy, ngoài Đức Cha Đặng Đức Ngân, còn có linh mục Phạm Thảo, thư ký riêng của Ngài, Trung Tướng và phu nhân Nguyễn Bảo Trị, anh Nguyễn Quốc Phiên, chị Nguyễn Kim Vinh, anh chị BS Nguyễn Minh Thanh. Anh Phiên, một Trung Tá trong Không Quân VNCH, là anh cả trong gia đình 3 anh em của BS. Kỳ, gồm có anh Phiên, chị Vinh và anh Kỳ. Tr. Tá Phiên đã từng bay trong phi đoàn Thần Phong lúc Bắc Phạt năm 1962; và chồng chị Vinh (RIP) vốn cũng là một Thiếu Tá KQ VNCH. 
 

Phải viết thêm cho rõ BS. Nguyễn Ngọc Kỳ vốn là một Y Sĩ Trung Tá của Không Quân VNCH, từng bỏ làm phòng mạch riêng của mình tại Little Saigon mỗi năm, liên tiếp trong nhiều năm (1980-1989), tham gia chiến dịch Rescue Mission theo sự kêu gọi của lương tâm thế giới Tự Do cứu vớt và chăm sóc sức khỏe cho các thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh vô định đi tìm tự do giữa Biển Đông, trên các con thuyền đa quốc gia: Iles de Lumière I và II, MS Goele, Cap Anamolur(Anamur?) I, II, Jean Charcot, Rose Scaffino, Mary Kingstown x 2 lần… Đây quả là một hành động hiếm quý, một ơn kêu gọi thánh linh xuất phát từ lòng thương người vô vụ lợi của BS. Kỳ– thật đáng nể. Mong Chúa trên trời cao sẽ bội hậu anh chị Kỳ & Tín Hương.

Trước khi vào lễ, Đức Cha Ngân cho biết lễ cầu nguyện cho sức khỏe và bình an Ngài làm vào mỗi thứ Sáu đầu tháng thường cho kết quả khả quan. Đặc biệt trong sáng hôm nay, Ngài sẽ ban phép lành và đại xá cho những người hiện diện, sau khi mỗi người tự mình cầu nguyện riêng và ăn năn hối cải trước khi đọc 3 kinh Kính Mừng dưới sự dẫn dắt của Ngài – Tôi thầm đọc: Chúng con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà chúng con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ trong sạch.

Với cả tấm lòng thành và đức tin, tôi xúc động đọc kinh và cầu nguyện trong suốt buổi lễ, dâng lên Thiên Chúa lời cám ơn Ngài đã ban bình an, sức khỏe linh hồn và thể xác cho chúng tôi, để cảm nhận thánh giá Chúa trao cho chúng tôi bớt nặng dần. Cả cháu Bồ Câu và tôi đều hân hoan nhận Mình Thánh Chúa cùng được xức Dầu Thánh vào trán và 2 lòng bàn tay từ chính Đức Cha.

Sau lễ, mọi người được mời ra bàn ăn brunch. Cách dọn và thức ăn vừa trang trọng lại vừa ngon miệng. Nhất là món bánh cuốn Bắc tráng tay, được Đức Cha Ngân chiếu cố nhiệt thành. Tôi vừa đút cháu Bồ Câu ăn, vừa thăm hỏi Đức Cha. Mới biết Ngài nay chỉ mới 65 tuổi, sinh sống và lớn lên tại Hà Nội, nhận ơn kêu gọi vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội lúc 24 tuổi, thụ phong linh mục ở tuổi 30, do chính Đức Hồng Y Hà Nội Trịnh Văn Căn trao. Sau 7 năm làm linh mục giáo xứ, Ngài được gởi qua Roma học thần học trong 5 năm. Trở về lại Việt Nam, Ngài dạy tại Đại Chủng Viện Giuse Hà Nội, rồi làm Thư Ký Toà Tổng Giám Mục Hà Nội, và linh mục chánh xứ Nhà thờ chính tòa Hà Nội kiêm Tổng Đại diện tổng Giáo Phận Hà Nội, cùng lúc Ngài giữ chức thư ký Hội Đồng Giám Mục VN từ 2000 đến 2007.


Năm 2007, lúc 50 tuổi, Ngài được Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI phong Giám Mục chính tòa Giáo Phận Lạng Sơn và Cao Bằng. Ngài chọn khẩu hiệu giám mục “Đến Với Muôn Dân”, do cảm hứng lấy từ sắc lệnh truyền giáo “Ad Gentes = Đến Với Muôn Dân” của Cộng Đồng Vatican II.  

Vì vậy, tại giáo phận này, với chừng khoảng dưới một ngàn năm trăm hộ công giáo, Ngài thường tìm đến tận nhà mỗi giáo dân để thăm hỏi, ban bình an và cầu nguyện chung với gia đình.

Năm 2016, sau 9 năm làm Giám Mục tại Lạng Sơn & Cao Bằng, Đức GM Đặng Đức Ngân nhận giáo lệnh từ Đức Giáo Hoàng Phanxico về làm Giám Mục cho Giáo Phận Đà Nẵng & Quảng.

Với câu hỏi của tôi “Ở vị trí Giám Mục, làm sao Đức Cha có thể làm mục vụ, thăm hỏi và gần gũi với con chiên như khi còn là linh mục giáo xứ, Ngài cho biết: Với trên 70 ngàn giáo dân, 50 giáo xứ và 110 linh mục, hàng ngày Đức Cha phải tiếp xúc với nhiều linh mục giáo xứ, lắng nghe và tìm cách giải quyết những khó khăn của các giáo xứ không chỉ về mục vụ mà còn nhiều vấn đề khác; ngoài ra Ngài cũng vẫn tiếp chuyện với những giáo dân đến tìm gặp vì nhiều vấn nạn tâm linh. Đức Cha cũng thường xuyên đến thăm các giáo xứ và gặp gỡ giáo dân tại đây. Cho câu hỏi điều gì Ngài ưng ý và hãnh diện nhất từ lúc làm GM Giáo Phận Đà Nẵng & Quảng Nam, câu trả lời là :chỉ 2 năm sau Ngài nhậm chức, giáo phận đã hoàn tất được một nhà hưu dưỡng đầu tiên khá lớn có khả năng cho 40 linh mục về hưu. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới 20 linh mục già yếu đang sống tại đó.


Đức Cha cũng cho biết thêm sự đào tạo chủng sinh và linh mục tại Đà Nẵng và VN rất tốt đẹp. Vẫn có rất nhiều người nhận được ơn kêu gọi vào tuyển sinh trước khi phải xong học 4 năm đại học, rồi tiếp tục thêm 4 năm tại tiểu chủng viện, trong đó có 1 năm cuối làm tập sinh phụ giúp cho một nhà thờ giáo xứ. Sau tiểu chủng viện, còn phải học hỏi và hãm mình thêm 7 năm trong đại chủng viện, với năm cuối làm chức thầy Sáu cho một nhà thờ giáo xứ. Hàng năm và trong suốt thời gian dài 15 năm đào tạo ấy, mỗi một chủng sinh đều được các bề trên thử thách đức tin. Trước khi được chịu chức linh mục, giáo phận phải có thông báo đến tất cả giáo xứ trong 2 tháng để xem có ai lên tiếng phản đối… Và Đức Cha Ngân kết luận: Không thể nào có chuyện chủng sinh có xu hướng cộng sản được thụ phong linh mục. Tuy nhiên có thể có một vài người đã là linh mục về sau bị ma quỷ cám dỗ, sa ngã và đi lạc đường.

Tôi cũng được biết đến mối quan hệ lâu dài giữa 2 gia đình Đức Cha Ngân và gia đình BS. Kỳ bắt đầu từ khi Ông Nội của Đức Cha làm bố đỡ đầu cho Ba của BS. Kỳ khi Ông chịu phép rửa tội để theo đạo Công Giáo cách đây gần 100 năm. Từ đó, 2 gia đình trở nên thân thiết trong mối liên hệ thiêng liêng từ hồi còn ở Hà Nội.

Sau năm 1954, vì ngăn sông, cách núi, nên những liên hệ gia đình bị gián đoạn.
Hai người gặp nhau lần đầu tiên khi cha Ngân đang du học tại Rome, Cha qua thăm gia đình BS. Kỳ tại Mỹ. Thân mẫu BS Kỳ kể lại câu chuyện gần 100 năm về trước khi Thân phụ của BS Kỳ được rửa tội.

Vào tháng 11, 1994, nhân Đức TGM Giuse Phạm Đình Tụng, là cha linh hồn của gia đình BS. Kỳ, được Đức Giáo Hoàng John Paul II tấn phong Hồng Y. Theo ý muốn của Đức Hồng Y, BS Nguyễn Ngọc Kỳ cùng gia đình đã có mặt tại Roma, và đã được yết kiến Đức Thánh Cha John Paul II cùng với Đức Hồng Y– một phần thưởng tinh thần đặc biệt xứng đáng cho công việc bác ái BS. Kỳ đã tình nguyện đi theo các con thuyền cứu vớt và chữa trị thuyền nhân VN trên Biển Đông trong thập niên 80.  


Do một chuỗi ơn thánh linh tiếp tục đổ xuống, gia đình anh chị Kỳ & Hương còn được tiếp kiến Đức Thánh Cha Francisco đương nhiệm đến 3 lần, mà trong đó có một lần vào ngày Giáng Sinh 24 tháng 12, 2017.

Ra về, tôi mang theo tinh thần hiệp hành Curia qua sự củng cố đức tin cho chính mình, quyết đưa mình vào lại con đường thanh hóa mà đôi khi cá nhân vẫn còn lạng quạng. Và xây dựng một môi trường thân thiện xung quanh mình bằng lắng nghe, chia sẻ, xây dựng và tôn trọng nhau. Theo tôi về nhà là một xâu chuỗi Mân Côi 55 hột và một chuỗi ngắn 10 hột, đã được Đức Cha ban phép lành trước khi tặng. Tôi trân trọng để xâu chuỗi dài ngay trên kệ sách tôi ngồi làm việc mỗi ngày, và xâu chuỗi ngắn trên đầu giường ngủ để đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi tối trước khi ngủ mà vợ chồng chúng tôi vẫn cầu nguyện từ nhiều năm qua.

Mục đích chính của Đức Cha Đặng Đức Ngân qua Hoa Kỳ, theo lời mời của các Giáo Phận để dâng thánh lễ giỗ năm thứ 20 Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận, (vốn là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình) tại các TTCG VN ở Orange County, San Jose và San Diego. Đức Cha Ngân, lúc bấy giờ là linh mục, đã từng vào thăm Đức Tổng Giám Mục FX Nguyễn Văn Thuận tại giáo xứ Giang Xá, Hà Nội, khi Đức Cha Thuận bị quản chế tại đó - sau khi Ngài đã trải qua 13 năm tù, trong đó có 9 năm biệt giam và 3 năm quản chế, ngay sau khi Miền Nam bị CS chiếm năm 1975.


Qua tuần sau, anh chị Kỳ & Tín Hương tổ chức chào mừng Đức Giám Mục Đặng Đức Ngân trong một buổi tiệc lớn với cả trăm người, gồm có nhiều linh mục và sơ, tại nhà hàng Diamond Seafood. Nơi đây, chúng tôi gặp và nhìn thấy rất nhiều khuôn mặt quen biết, trong đó cả anh chị BS. Nguyễn Thượng Vũ đến từ San Jose. Một trong những linh mục hiện diện có linh mục Phạm Tuấn của giáo xứ nhà thờ St. Kilian của chúng tôi tại Mission Viejo. Cha Tuấn cho biết Cha có mặt trong lễ tấn phong Giám Mục của Đức Cha Ngân tại Hà Nội khi cha Tuấn chỉ đang trong giai đoạn tìm hiểu ơn kêu gọi. Chính hình ảnh và cuộc đời của Đức Cha Ngân đã soi sáng, củng cố đức tin cho Cha Tuấn bước tiếp thêm con đường dài 14 năm tại Mỹ để trở thành một linh mục cho giáo phận Orange, CA. Ngoài ra, tôi được ngồi bên cạnh linh mục Nguyễn Ngọc Hoàn, thuộc dòng St Vincent de Paul, Hoa Kỳ, nay 72 tuổi - thua tôi 3 tuổi - hiện ở trong nhà dòng tại Montebello. Hai cha con nói chuyện thật vui, chia nhau gần 2 hết chai rượu đỏ. Khi Cha cho biết Cha thụ phong linh mục tại Mỹ lúc 50 tuổi, tôi buột miệng nói “con đường của Cha dài vậy!? Cha cười trả lời “không có con đường nào là con đường dài cả”. Khiến tôi nối tiếp “và cũng không có con đường nào là con đường ngắn cả”. Thế là 2 cha con cùng cười sảng khoái, thông cảm và mạnh dạng cụng ly tiếp.  

Kèm theo buổi tiếp tân là một chương trình nhạc thánh ca và quê hương. Ngay chính Đức GM Ngân cũng có tham dự với 2 bản nhạc, trong đó có bản Lòng Mẹ; giọng hát của Đức Cha mạnh và truyền cảm, đặc biệt tỏ lòng yêu kính của Ngài đối với thân mẫu nói riêng và Mẹ Việt Nam nói chung. 13 bản nhạc chọn lọc của nhạc sĩ Lê Tín Hương được các anh chị thân hữu, đa số thuộc ngành Y, trình diễn với cả tấm lòng, và được vỗ tay khen thưởng nhiệt tình, đặc biệt bài “Biển Hồ Galilee” mà tác giả cảm hứng sáng tác ngay trong đêm sau khi đến viếng biển hồ lịch sử này tại Do Thái. Xin mời quý vị thưởng thức bản nhạc này qua tiếng hát của BS. Vương Đức Hậu.  


Trình diễn văn nghệ đạo và đời xen vào nhau là một chuyện hiếm xẩy ra. Tuy nhiên hình thức văn nghệ này cho thấy sống đạo không phải chỉ giam mình cầu nguyện trong căn phòng kín, mà cần dấn thân ra bên ngoài phục vụ xã hội, rao truyền tinh thần công giáo, làm đẹp lòng Thiên Chúa khi mang ánh sáng thương yêu và hy vọng đến mọi người. Trong tinh thần ấy, cá nhân tôi cũng có đóng góp bản nhạc “Và Con Tim Đã Vui Trở Lại” mà tôi cảm thấy đủ tự tin, nhưng chỉ sau lần cầu nguyện cùng với Đức Ca Ngân tại nhà anh chị BS. Kỳ.

Tháng 9, 2020
Vĩnh Chánh

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

Thơ Tranh: Ánh Mắt

 


Thơ:Quên Đi
Thơ Tranh:HĐ

Lối Xưa

 

Thu đón tôi về trên xứ mẹ
Ven bờ sông đục nước buồn trôi
Chiều mưa ướt mái, sầu giăng mắc
Liễu mấy hàng thưa đứng ngậm ngùi

Đường vắng, nhà im, kín cổng che
Cây nghiêng trút lá rụng quanh hè
Bơ thờ hiên vắng, phòng thư khép
Để mặc người đi lặng lẽ về

Đâu nắng hanh vàng vương lối xưa
Tay đan chờ đón gió sang mùa
Kề vai nghe ấm trời sương lạnh
Ai biết tình phai buổi tiễn đưa!

Tìm nhau trên dấu mòn năm cũ
Trên phiến đời xanh thuở chớm yêu
Trận gió thời gian vun vút thổi
Xua hồn trôi giạt bến cô liêu


Trang Châu

Tình Thu

 

Lá chiều Thu đã vàng trên lối
Tôi nghĩ suy tôi một cuộc đời
Đi ở trước sau là định số
Tính toan gì cũng cuộc rong chơi

Ôm cả tình em vào trái tim
Thơ hồng đã thắm mộng tay vin
Gió mưa mưa gió không thành nghĩa
Tôi vẫn tình thơ vui nắng lên

Tôi vẫn từng trang vẫn mỗi trang
Tiếng thơ đầm ấm lúc Đông tàn
Gửi đi mấy ngả đời quên tuổi
Thơ vẫn đầy hoa cùng thế gian

Nhìn lá vàng rơi cũng ngậm ngùi
Cuộc đời sau trước mấy lần vui
Mong manh như lá Thu chiều rụng
Cũng trọn một đời qua thế thôi

Còn được bao nhiêu ước vọng nhiều
Tuổi đời như lá lúc đăm chiêu
Gặp cơn gió mạnh rung rinh gió
Vẫn bút tay đời vẫn mến yêu

Tôi mãi cùng em ngõ hạnh này
Vẫn tình em đó mộng tròn tay
Trái tim thơ vẫn hồng vô lượng
Hoa ngát hương đời thơm ngất ngây.

09/08/2022
Hoa Văn


Gởi Người Nữ Sĩ Kim Oanh!

 
(Nhiếp Ảnh Gia Thu Nguyen)

Gởi Người Nữ Sĩ Kim Oanh!(Bài Hát Nói kính tặng và cảm ơn Nhà Thơ Kim Oanh, người Nữ Sĩ luôn cư xử rất đẹp với các Thi Hữu bốn phương!)

Kim Oanh Nữ Sĩ!
Lời sao mà nhỏ nhẹ! Tâm hồn sao mà vốn dĩ bao la!
Làm thơ sao mà như ca! Tiếng Vĩnh Long vang động cả sơn hà!
Ôi! Nội tên thôi cũng là loài chim Oanh Vàng hót thiết tha rơi lệ!

Phước nhà đức độ thơm như quế!
Bản ngã tài tình đẹp tựa mây!
Dựng một Thi Văn Đàn phong phú, huy hoàng! Một Vườn Thượng Uyển hây hây!
Gồm thâu Hương Sắc, Thanh Khí muôn nơi! Quần Tiên nhón gót Nhài về đây! Ngất ngây thơm ngát!

Kìa! Ai kia lòng phiền muộn bỗng tan theo du dương tiếng hát!
Nhìn nụ cười Em Gái Vĩnh Long mà tim ta nghẹn ngào dập nát nhịp yêu thương!
Kim Oanh mờ ảo trong sương!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 15/09/2022

Trắng

 

Trắng như mầu mây, trắng như tờ giấy
Trắng như mầu áo anh yêu thuở ấy
Trắng như giấc mơ ảo mờ mầu trắng
Trắng như tình ta trong trắng nên thơ

Trắng để biết ra tình quá vu vơ
Trắng mầu bạc bẽo, trắng mầu vô thường
Trắng mầu tinh khiết, trắng mầu ngọt đường
Trắng mầu sương khói, trắng ánh đèn soi
Chưa bạc mái đầu, tình yêu mòn mỏi

Mỗi lần gặp nhau, ta ngồi đối diện
Em cười em nói, răng trắng như ngà
Áo trắng thiên thần làm ta nghiêng ngã
Thương quá em à, yêu thật thiết tha

Sau một thời gian, tình vẫn mặn mà
Vẫn yêu mầu trắng, tình còn đậm đà
Không mầu phản bội nhưng phải lìa xa
Hai ta yêu chi mầu trắng mù lòa?

Trắng như tình đời bạc trắng như vôi
Trắng như mầu trăng, trắng nắng chói nhòa
Trắng tay tôi trắng, số phần nghiệt ngã
Trắng như nỗi nhớ muộn phiền buồn bã

Lần chót gặp nhau, chia tay vội vã
Em mặc áo trắng, trắng mầu thiên nga
Trắng khăn choàng cổ, trắng đôi bông tai
Ôi trắng tan thương, mầu trắng phiền hà

Chẳng trách em đâu, không lỗi tại ai
Trắng nhẫn em mang, kim cương lấp lóa!
Ngón tay áp út… tim tôi lập lòa
Em đi lấy chồng, trắng nhách tình ta….

Quách Như Nguyệt

Chuyện Vãn: Nữ Lưu Nổi Máu!


“Sự hận thù đáng sợ nhất là khi nó xuất phát từ tình yêu”
(Frases De Amor)

Nhà văn Kim Dung sáng tác từ năm 1955 đến năm 1972 với 14 bộ tiểu thuyết võ hiệp và một truyện vừa với hàng vạn trang sách từ Thư Kiếm An Cừu Lục đến Lộc Đỉnh Ký được tác giả tóm gọn thành hai câu đối:

“Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên”

Hầu hết trong các tác phẩm của ông với hình ảnh giai nhân võ công thâm hậu, tính tình hiền hòa, lãng mạn nhưng khi gặp lúc tình đời đen bạc nên “nữ lưu nỗi máu” hận tình trở thành hung dữ, ác độc.

Tuy là tác phẩm hư cấu nhưng trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam, hàng triệu độc giả say mê từng nhân vật trong tác phẩm võ hiệp. Sau nầy được dựng thành phim đã thu hút giới thưởng ngoạn khắp nơi.

Với từng nhân vật nữ lưu của ông từ yêu đến hận với chiêu, trò trong chốn võ lâm… sẽ lạm bàn sau nầy.

Kịch tác gia Pháp Molière (1622-1673) qua hai vở kịch L’école des Maris và L’école des Femmes (Trường Học Làm Chồng - Trường Học Làm Vợ) để lại câu nói “Đàn bà là sinh vật khó hiểu”; trước đó, nhà văn Tây Ban Nha Cervantes (1547-1616) đã cho rằng “Giữa cái có và cái không của người đàn bà, không có chỗ đứng cho một cây kim gút” cho thấy đàn bà là hình ảnh kỳ bí, không thể nào hiểu được một cách đơn giản.

Thế nhưng, trên thế gian, không có hình ảnh nào thiêng liêng, cao quý, thể hiện tinh thần hy sinh lớn lao cả cuộc đời, có tấm lòng thương yêu quảng đại bằng hình ảnh người đàn bà trong tình mẫu tử. Trong kho tàng văn học của nhân loại, có muôn vàn tác phẩm đã đề cập đến hình ảnh trong sáng và cao đẹp đó tự nghìn xưa cho đến nay ở cõi đời ô trọc nầy.

Đơn cử vài hình ảnh tiêu biểu đã ảnh hưởng trên văn đàn thế giới như chân dung bà Pélagie Vlasova trong tác phẩm Matb (Bà Mẹ) của văn hào Nga M. Gorki (1868-1936). Trong tác phẩm Lucrèce Borgia (Tình Mẫu Tử) của văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885); ở đó, V. Hugo đã ngợi ca tình yêu thương của người mẹ, không ai có thể quên được “Oh! l’amour d’une mère, l’amour que nul n’oublie”.

Vở kịch Matka (The Mother - Người Mẹ) của nhà văn Tiệp Karel Capek (1890-1938) cho thấy sự hy sinh cao cả, niềm đau thương cùng cực của người Mẹ trong đất nước chiến tranh. Khi người chồng dấn thân vào binh nghiệp đã hy sinh, người mẹ không muốn 5 đứa con bước vào con đường của cha nhưng đất nước chiến tranh, làm sao tránh khỏi, bốn người con trai của bà lần lượt vĩnh biệt mẹ trên rừng sâu và nơi chiến trường. Đất nước lâm nguy, người mẹ ngậm ngùi dứt tình mẫu tử bên nhau, khuyên con tham chiến và vĩnh biệt đứa con út duy nhất của mẹ.

Nhà văn Mỹ Pearl Buck (1890-1938) trải qua bốn thập niên sống ở Trung Hoa, bối cảnh trong giai đoạn tranh tối tranh sáng đã môi trường để bà thành danh trong sự nghiệp văn chương. Năm 1932 bà được giải thưởng Pulitzer của Hoa Kỳ, năm 1934 tác phẩm The Mother (Người Mẹ) đề cập đến thân phận người đàn bà trong hoàn cảnh xã hội phong kiến với những sự ràng buộc phải cam chịu. Năm 1938 Pearl Buck được giải Nobel Văn Chương, tác phẩm của bà được chuyển dịch qua nhiều thứ tiếng. Trong đời sống, bà là người Mỹ nhưng thể hiện tâm hồn của người mẹ theo tinh thần Đông phương.

Hình ảnh người mẹ đau thương đó được diễn tả qua hình tượng và ngôn ngữ văn chương cũng là muôn nghìn hình ảnh người mẹ Việt Nam trong chiến cuộc, trong khói lửa chiến tranh. Quên bản thân mình mà lo cho con cái, đem hạnh phúc của con cái để an ủi cuộc đời mình trong cơn giông bão... nói lên sự hy sinh vô bờ bến trong tình mẫu tử.


Vài tác phẩm tiêu biểu trong văn học Việt Nam như Tôi Là Mẹ của Lê Văn Trương (1906-1961) vào năm 1939 trên bán nguyệt san Phổ Thông, bà đã hy sinh hạnh phúc của mình vì tình mẫu tử. Lòng Mẹ của Trọng Lang (1906-1986), Mẹ Tôi của Nguyễn Khắc Mẫn, Đại Học Thư Xã ấn hành vào đầu thập niên 40... Tập truyện Gió Đầu Mùa của nhà văn Thạch Lam, ấn hành năm 1937, có truyện ngắn Nhà Mẹ Lê với hình ảnh bà mẹ Lê cả cuộc đời hy sinh cho cái đến khi nhắm mắt.

Về hình ảnh cao đẹp của người mẹ được thể hiện nhiều nhất với nhiều ca khúc, bài thơ, tranh họa, ca dao tục ngữ... ngợi ca hình bóng người mẹ như biểu tượng cao quý nhất trong lòng người được thể hiện qua bao thiên niên kỷ.

Trong đời sống riêng tư của chúng ta, mỗi người đều cảm nhận thấy hình tượng mầu nhiệm kính yêu ấy đã ngự trị trái tim với bậc sinh thành trong gia đình, dòng tộc. Bên cạnh bao hình ảnh cao đẹp đó, cũng có nhiều hình ảnh tương phản, khi bắt gặp tự nhiên cảm thấy điều gì xót xa, đau nhói, có lúc đau lòng bởi nghiệp dĩ nên đã xúc phạm đến hình ảnh chung đã được tôn thờ.

Sở dĩ, có vài nét dông dài khi nói về “thế giới” kỳ bí, đầy giai thoại mà người xưa cho rằng “thiên cổ chi mê”, làm tổn thương trong lòng mọi người. Bóng dáng đó được chiếu rọi qua nhiều lăng kính mà mỗi một hình ảnh là thế giới riêng biệt lúc tĩnh, lúc động, khi vô cùng mềm mỏng, khi cực kỳ sắt đá.

Bên cạnh hình ảnh độ lương, thiết tha, dịu dàng, nhu mì, khả ái, đoan trang, mẫu mực, thanh tao, uyển chuyển... cùng những đức tính tuyệt vời của đấng nữ lưu nâng niu cho giọt máu được hình thành trong cõi đời của minh mà bao nhiêu danh họa, văn thi sĩ tài hoa đã đổ không biết bao nhiêu bút mực đã làm say đắm, ngất ngây tâm hồn người thưởng ngoạn từ xa xưa đến nay thì cũng có bao nhiêu hình ảnh trái ngược được đề cập qua văn chương, sách vở khi giai nhân nổi cơn thịnh nộ.

Vào đầu công nguyên, triết gia Sénèque trước công nguyên, xây dựng lại nhân vật qua hình ảnh Phèdre làm đề tài lưu truyền cho bi kịch đầy đau thương. Phèdre thích trai tơ nên quyến rũ con riêng của chồng, bất thành Phèdre vu oan giá họa cho Hippolyte tội loạn luân.

Hippolyte phải chịu oan, kết liễu cuộc đời. Phèdre ăn năn, chọn cái chết để giải quyết sự thâm độc của mình. Hình ảnh Phèdre sau nầy được bàng bạc qua ngòi bút của Kim Dung cho thấy khi nàng thích mà chàng cứ lửng lơ con cá vàng thì tai họa vào thân.

Theo các sử gia ngày xưa, vị vua cuối cùng của nhà Thương ở Trung Hoa vào khoảng từ năm 1166 đến 1134 trước công nguyên là Thọ Tân hoàng đế: Trụ Vương. Vua Trụ là người thông minh, có sức mạnh phi thường nhưng tàn bạo và hoang dâm. Nhà Thương trị vì thiên hạ được 661 năm, đến đới Trụ Vương thì bị sụp đổ bởi Đắc Kỷ.

Vua Trụ có hoàng hậu họ Khương và hai quý phi họ Hoàng, họ Dương thuộc loại sắc nước hương trời, bên cạnh có hơn nghìn cung nữ trẻ đẹp nhưng vẫn chưa thỏa mãn, cho cận thần săn gái.

Nghe tin Tô Hộ, Thứ sử Ký Châu có đứa con gái thuộc loại tuyệt sắc giai nhân nên vua Trụ cho mời Tô Hộ vào cung Long Đức, báo tin muốn tuyển Đắt Kỷ vào cung. Tô Hộ tìm cách từ chối vì không muốn đứa con gái mình rơi vào tay hoàng đế dâm đãng. Vua Trụ nổi giận, đem Tô Hộ ra xử với trọng tôi khi quân, nhờ Vưu Hồn và Bí Trọng can gián nên thoát khỏi tội hình. Khi Tô Hộ về tới Ký Châu, vua Trụ sai Sùng Hiền đem quân tới trị tội và bắt giam người con trai là Tô Toàn Trung. Tô Hộ đau lòng vì có con gái nhan sắc đem dâng hiến cho kẻ hiếu sắc thì cảm thấy nhục nhã, cưỡng lại thì bị tai ách nên đêm khuya vào hậu cung toan tự tử. Ông vào nhìn con lần cuối cùng trước khi vĩnh biệt cõi trần. Đắc Kỷ biết được sự tình nên xin thân phụ cho nàng vào triều để gia đạo bình an và cũng là đạo làm con.

Đắc Kỷ

Nhìn thấy Đắc Kỷ, vua Trụ liền đưa Tô nương nương vào lầu Thọ Tiên để hưởng hoan lạc. Suốt hai tháng trời, vua Trụ đắm chìm trong tửu sắc ở cung Thọ Tiên. Thấy nguy cơ cho bậc đế vương, các quan đại thần tìm cách can gián như Đỗ Nguyên Tiễn, Mai Bá... đều bị hành hình.Đắt Kỷ hiến kế cho vua Trụ đúc cột đồng gọi là Bào Lạc, cao ba chục thước, rộng tám thước (thước ở Trung Hoa thời đó bằng 0,25 mét, gần 10 inches) có ba miệng lỗ để đốt than cho nóng, bắt phạm nhân chun vào trong cho cháy thiêu. Mục đích của Đắc Kỷ, cho trị tôi như vậy để kẻ khác khiếp sợ.

Để hưởng thụ, vua Trụ nghe lời ĐắcKỷ, cho xây Lộc Đài rộng ba dặm ,, cao hơn một nghìn thước; xây Khuyển Đài để nuôi muôn thú cho Đắt Kỷ săn bắn.

Khi Đắc Kỷ vào ở cung Thọ Tiên, hưởng lạc lâu ngày cùng nhà vua, hoàng hậu họ Khương và hai quý phi gọi Đắc Kỷ vào chầu, lên án Đắc Kỷ mê hoặc hoàng đế đã bỏ việc triều chính và dọa sẽ trị tội.

Đắc Kỷ nuôi nỗi căm hận nhưng chưa tạo được thời cơ nên tìm cách mua chuộc Đại phu Bí Trọng rồi bày mưu, lập kế để vu oan giá họa cho hoàng hậu họ Khương cho người làm chuyện phản nghịch để cướp ngôi. Khương hậu bị kết tội, Trụ Vương cho khoét mắt rồi dùng hai thanh sắt nung đỏ, áp vào tay để khai và nhận tôi nhưng Khương hậu cam chịu cho đến chết. Quý phi họ Dương thấy nguy cơ nên tự vận để tránh cực hình.

Đắc Kỷ chính thức làm hoàng hậu, nói gì Trụ Vương cũng nghe nên lộng hành áp đảo quan lại trong triều. Để tất cả cung nữ cúc cung tận tụy, Đắt Kỷ cho xây hầm rắn độc, trong đợt đầu, bắt 72 cung nữ có lời đàm tiếu, lột áo quần, quăng xuống hầm rắn. Ngoài ra, Đắc Kỷ còn bày ra các thú tiêu khiển trên xác hoạn quan và cung nữ, bên cạnh những cực hình rất dã man.

Bao nhiêu đại thần can ngăn đều bị hành hình, ngay cả Tỷ Can, chú ruột của vua, bị mổ bụng xem gan to đến đâu như ý của Đắc Kỷ. Khi vua Trụ không đủ sức cung phụng cho Đắc Kỷ, nàng kiếm trai tơ, Bá Áp Khảo với ngón đàn tuyệt vời, đẹp trai nên nàng tìm cách gần gũi để hưởng lạc nhưng chàng ta khờ dại không đáp ứng nên bị kết tội có ý hại nàng. Đắc Kỷ cho hành hình bằng cách lột quần áo rồi cho người xẻo từng miếng thịt để trị tội.

Đắc Kỷ còn cho người kiếm thêm gái đẹp để vua Trụ thụ hưởng nên nhà vua khen nàng rộng lượng nhưng thừa lúc “ông ăn chả” thì “bà ăn nem” với trai tơ cho thỏa thích và cũng trả hận xưa. Trước bao nhiêu tai họa dồn dập trút lên đầu quan, dân. Nỗi oán hận chồng chất, gọi Đắt Kỷ là hồ ly tinh đã mê hoặc Trụ Vương, gây bao tang tóc cho sinh linh!

Khi Chu Vũ Vương chỉ huy quân sĩ xông vào hoàng thành; vua Trụ tự thiêu trên lầu Trích Tinh và Đắc Kỷ bị giết, kết thúc triều đại hùng mạnh nhà Thương.

Trong Phong Thần Diễn Nghĩa, vua Trụ nhân dịp xa giá đến viếng đền thần Nữ Oa, thấy chân dung nữ thần quá tuyệt trần nên sinh lòng tà dâm, lấy gươm khắc thơ muốn đem Nữ Oa về chung chăn gối. Nữ Oa thấy Trụ Vương ngạo mạn, dâm đãng, dám xúc phạm đến uy lực thần linh, tức giận trừng phạt vua Trụ, hủy diệt nhà Thương. Khi Trụ Vương cho tìm mỹ nhân Đắt Kỷ đưa vào cung, Nữ Oa sử dụng con hồ ly tinh 9 đuôi, sống qua một nghìn năm đến bắt hồn Đắt Kỷ và nhập vào xác để mê hoặc nhà vua. Từ đó, hồn phách vua Trụ bị Đắt Kỷ lung lạc, bao nhiêu thú vui và cực hình do Đắc Kỷ dựng lên để làm điên đảo chốn cung đình, hết thảm cảnh nầy đến thảm cảnh khác liên tục xảy ra, quan dân ai oán, chỉ còn trơ trọi bản thân hôn quân trong tâm hồn mê muội. Khi vua Trụ cảm nhận thấy cốt tinh của mỹ nhân là lúc ngọn lửa hủy hoại thân xác!.

Như đóa hoa đẹp đang tỏa hương sắc nhưng khi mong muốn mà không được đáp ứng liễn biến thành gai nhọn, đổi sang hận để triệt hạ cho bằng được, thật là hiểm độc. Đắc Kỷ khoái Bá Áp Đảo, tạo cơ hội học đàn để có dịp gần gũi và ân ái với nhau nhưng chàng sợ xúc phạm đến dung nhan hoàng hậu, không dám đáp ứng nên bị nàng nổi giận cho phanh thây.

Cũng phát xuất từ Trung Hoa, đơn cử vài hình ảnh đã nghe quen quen thời xa xưa còn lưu lại sách vở, được lưu truyền vì nó trở thành điển tích.

Vào năm 200 trước công nguyên, đời Tây Hán, vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang là Lữ Trĩ. Vợ chồng bên nhau lúc thuở hàn vi, nàng thuộc người mẫu mực. Khi chàng trở thành hoàng đế và nàng trở nên hoàng hậu, chàng có người hậu phi là Thích Cơ trẻ đẹp, dễ thương. Rồi một hôm, chàng say, nằm ngủ trên đùi Thích Cơ, có kẻ mách báo và nàng bắt gặp, để tâm, chờ ngày trả thù. Khi Hán Cao Tổ chết, Thích Cơ bơ vơ, Lữ Hậu manh tâm trả thù. Lữ Hậu truyền bắt Thích Cơ và cung nhân hầu cạnh để đem ra hành hình rất dã man: bắt uống thuốc câm, bị chặt tay chân, khoét mắt, cắt tai rồi giam vào ngục tối đầy phân. Nạn nhân đau đớn, không thốt lên tiếng, chỉ ú ớ cho đến khi kiệt lực, tắt thở.

Đời Tam Quốc vào thế kỷ thứ III, chúa chư hầu Hà Bắc là Viên Thiệu có người vợ là Lưu phu nhân nổi máu cũng “rợn người”. Viên Thiệu có 5 nàng hầu rất khả ái nên tỏ lòng trìu mến. Khi Viên Thiệu chết, Lưu phu nhân bắt 5 nàng hầu ra giết. Nàng sợ vong hồn người chết về báo oán nên sai người cạo tóc, lột mặt, khoét mắt rồi bằm nát 5 thây chết thành đống bầy nhầy. Chưa hết, con trai của nàng là Viên Thượng sợ thân nhân họ trả thù nên sai bắt thân nhân gia thuộc của 5 nàng đem ra giết để trừ hậu hoạn!.

Vào thế kỷ thứ X, đời Tống, ở về phía Đông Bắc Trung Hoa, Hoàng đế nước Kim có hai nàng cung phi, Lệ Cẩm & Ngọc Sương tuyệt trần nên được sủng ái. Hoàng hậu ứa gan nhưng đành câm lặng. Trước khi nhà vua chết, có dặn quần thần đem chôn sống hai nàng ái phi theo vua.

Hoàng hậu thực hiện đúng theo di ngôn Hoàng đế nhưng lại nghĩ nếu để hai nàng trẻ đẹp nguyên vẹn theo vua nơi “âm cảnh” thì cả ba cứ quấn quít bên nhau tha hồ tình tự, ái ân... gai con mắt. Nàng truyền thị vệ khoét mắt, vạch mặt, cắt mũi Lệ Cẩm và Ngọc Sương thành quỷ, ngâm giấm rồi đem chôn.

Câu chuyện được đề cập rất nhiều: Tây Thi. Đời Đông Châu, Việt Vương Câu Tiễn thua Ngô nên bị Ngô Phù Sai cầm tù ở nhà đá mang tên “Thạch Thất”, cả hai vợ chồng phải chăn ngựa cho nhà vua. Câu Tiễn giả khùng, giả ngu nếm phân và tìm cách hối lộ với gian thần của Ngô là Bá Hy nên được cho về. Giai nhân tuyệt sắc nước Việt ở thôn Tây Bích La, gọi là Tây Thi, người đời liệt kê “Tứ đại mỹ nhân” được dùng mỹ nhân kế, đem dâng cho Ngô Phù Sai. Ngô vương mê mệt, ngày đêm cùng bên Tây Thi muốn tận hưởng giây phút lạc thú, quên cả giang sơn, đất nước. Câu Tiễn ngày đêm chiêu binh thao lược. Nước Ngô ngày càng suy yếu vì Phù Sai đắm chìm trong tửu sắc, bỏ bê việc triều chính. Cuộc chiến bùng nổ, Ngô bại trận, Phù Sai tự tử.
Tây Thi làm tròn sứ mệnh của người con nước Việt, sau tháng ngày thăng trầm nơi cung cấm, ngán ngẩm cảnh đời, mong trở lại yên sống nơi cố hương. Người hùng Phạm Lãi trong tháng ngày sóng gió có mối tình sâu đậm với Tây Thi. Câu Tiễn vừa ái mộ tinh thần hy sinh của người đẹp, vừa xúc động trước sắc nước hương trời dù trải qua bàn tay thô bạo. Vương phi Câu Tiễn cảm nhận được điều đó, Phạm Lãi không muốn kẻ đầy quyền phỗng tay trên nên tìm cách tựu kế với vương phi. Trên cuộc hành trình, vương phi mật sai kẻ thân tín bắt Tây Thi cột vào đá rồi ném xuống dòng Tam giang. Sát hại cho chết và cũng không muốn Câu Tiễn được nhìn xác chết.

Võ Tắc Thiên

Chấn động xưa nay là hình ảnh Võ Hậu (Võ Chiếu, Võ mỵ nương), từ phi tần trở thành vợ vua Đường Lý Trị vào lúc suy vong. Võ Tắc Thiên (625-705) không từ bất cứ thủ đoạn tàn nhẫn nào đề mưu cầu danh lợi, ngay cả bóp mũi khiến công chúa An Định chết yểu rồi vu oan cho Vương hoàng hậu.

Hình ảnh tiêu biểu cho nhân vật nữ lưu nổi máu gian ác đã lưu truyền trong lịch sử nhân loại. Nhân vật Võ Tắc Thiên nầy cũng được đề cập nhiều nhất qua nhiều ngòi bút của sử gia và văn nhân...

Trong thời kỳ đó, phận nữ lưu bị xem nhẹ thế mà từ cung phi dám nổi máu thay đổi triều đại để “thay trời làm vương”. Phế bỏ triều đại nhà Đường từ thời Cao Tổ đến Duệ Tông (618-684); sau khi Đường Cao Tông mất, Vũ Hậu ra tay phế bỏ Trung Thông, Lý Thông, Lý Đản, lên ngôi hoàng đế, đổi quốc hiệu nhà Chu (690-705) thống trị Trung Hoa.
Võ Tắc Thiên ngoài thủ đoạn tàn nhẫn còn nổi tiếng người đàn bà dâm đãng... lung lạc cả vương triều nhà Đường đầy uy quyền trở thành lá bài phải nằm trong bàn tay.

Cuối thế kỷ 19, cuối đời triều Thanh ở Trung Hoa, Từ Hy Thái Hậu cũng nổi đình dám như Lữ Hậu, Võ Tắc Thiên… độc ác và hoang dâm để thỏa mãn thú tính. Nhưng sau nầy, các cây bút ngoại quốc lại viết về bà với tài trị quốc.
Với nữ lưu, không có tác động nào gây cơn thịnh nộ nào bằng ghen, xin khái quát qua vài hình ảnh được lưu truyền ở trên.
Lịch sử nước ta được may mắn có nhiều vị mẫu nghi thiên hạ có tâm, có đức còn lưu lại hậu thế, điển hình như Đại Thắng Minh Hoàng Hậu, Thánh Nữ Liễu Hạnh, Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao, Từ Cung Hoàng Thái Hậu… biểu tượng hình ảnh cao đẹp muôn đời bà mẹ Việt Nam.

Trong những thời kỳ Bắc Thuộc, chốn hậu cung nơi cung đình cũng bị ảnh hưởng bên Tàu nên cũng xảy ra các trường hợp Hoàng Hậu, Hoàng Thái Hậu… nổi máu ghen tỵ gây bức hại lẫn nhau nhưng sử sách ít ghi chép lại để lưu vết nhơ cho hậu thế như bên Tàu.

Thời còn học sinh ở miền Nam VN, lớp Đệ Tứ (lớp 9 ngày nay), chương trình Việt Văn với Đoạn Trường Tân Thanh, áng thơ bất hủ của thi hào Nguyễn Du (1765 - 1820) hình ảnh Hoạn Thư, danh từ riêng đã trở thành ngôn ngữ chung khi đề cập đến máu ghen của nữ lưu. Hoạn Thư nổi lôi đình một cách “dịu dàng” bên cạnh Thúc Sinh “Vợ chồng chén tạc chén thù” và hành hạ Thúy Kiều:

“Bắt nàng đứng chực, trì hồ hai nơi
Bắt khoan, bắt nhặt đến lời
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay”

Giang hồ như Thúc Sinh nhưng trước cảnh tượng ấy đành “như dại như ngây, giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi”.

Chưa đã cơn giận, Hoạn Thư “chơi” Thúy Kiều tận mạng:

“Làm cho, cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn, ê chề cho coi”.

Thế rồi, cuộc đời đẩy đưa, Thúy Kiều dựa thế Từ Hải lúc binh hùng tướng mạnh. Ân đền oán trả, gặp lại Hoạn Thư, Thúy Kiều muốn “Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù”, thế rồi nàng nổi cơn thịnh nộ cũng “chơi” lại đối phương:

“Làm cho sống đọa thác đầy
Đoạn trường cho hết kiếp nầy mới thôi”.

Vài dòng thơ của Nguyễn Du tiên sinh đủ làm rợn gáy... chớ nên léng phéng!. Nam sinh lúc đó, nếu có “tập tễnh” biết yêu, thấy hình ảnh Hoạn Thư cũng phải kiêng nể người đẹp. Biết thân biết phận thì “kính nhi (nữ)… viễn chi” nhưng sau đó hoàn cảnh đưa đẩy nên cũng liều “Thử xem con tạo xoay vần ra sao” (ĐTTT). Thôi thì: “Một liều, ba bảy cũng liều. Cầm bằng như trẻ chơi diều đứt dây” (Ca Dao).

Với hình ảnh “Sư Tử Hà Đông” từ địa danh Hà Đông tỉnh Sơn Tây ở Trung Hoa (từ nước Tấn thời Chiến Quốc) nhưng không biết ai lại gán ghép trên địa danh nước ta. Thị xã Hà Đông nằm về hướng nam Hà Hội, nối tiếp nhau bởi con đường Nguyễn Trãi. Ở Trung Hoa cũng có địa danh Hà Đông, địa danh nầy nữ lưu đã đi vào văn chương, thế rồi người đẹp thị xã Hà Đông lại mang tiếng oan về máu ghen hung dữ, nó lại trở thành ngôn ngữ chung “Sư Tử Hà Đông” ám chỉ hình ảnh nổi máu “tam bành lục tặc”, thật oan cho người đẹp bên cạnh kinh thành nghìn năm văn vật ngày xa xưa! gọi là sư tử vì sư tử là chúa tể sơn lâm, mỗi khi rống lên chấn động, khiếp đởm cả rừng xanh.

Theo điển tích được ghi nhận, nhà thơ Đỗ Phủ (712-770) đời Đường ở Trung Hoa có câu “Hà Đông nữ nhi thân tính Liễu” lấy từ sách kinh nhà Phật “Sư tử hống liễu nghĩa kinh”. Sau ba thế kỷ, sự tình cờ trùng hợp với ý thơ của Đỗ Phủ, bạn thân của Tô Đông Pha là Trần Tạo, tự Quý Thường, sùng đạo Phật, quy y với pháp danh Long Khâu. Trần Tạo có người vợ cũng Liễu Thị, máu ghen dữ dằn, vang lừng “năm châu bốn bể”; nhà thơ Tô Thức đã làm bài thơ tứ tuyệt giễu bạn ta:

“Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết pháp dạ bất miên.
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”.
(Hiền lành mộ đạo có Long Khâu
Đọc kinh thuyết suốt canh thâu
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu).

Trở lại với hình bóng quê hương, nhà thơ trào phúng Tú Xương dùng hình ảnh “Sư tử Hà Đông” để nói lên tình cảnh vợ lớn, vợ nhỏ:

“Hầu hạ đã cam phần cát lũy
Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông!”

Từ đó, chàng trai Hà Nội xuôi Nam, mò mẫm tán tỉnh người đẹp Hà Đông, bị phản pháo rồi đem hình ảnh Hà Đông thời xa xưa gán ghép vào rồi dệt thành nhiều giai thoại con gái Hà Đông.

Thế thì, mấy ai nhờ đọc được tích xưa nên bắt chước Tú Xương “Nhặt khoan còn ỏi tiếng Hà Đông” bèn thử thời vận, trong nhờ đục chạy. May quá, phước lành!.

Nhà văn Hoàng Hải Thủy lấy bút hiệu là Công Tử Hà Đông, theo ông: “Năm 1970 tôi giữ một trang trong tuần báo Con Ong, tôi cần một, hai bút hiệu Tếu để viết những bài kiểu viết láo mà chơi. Cái tên HHT dành để viết tiểu thuyết. Tôi lấy 2 tên Công Tử Hà Đông và Gã Thâm để ký 2 bài tôi viết trên Con Ong. Tôi ra đời, lớn lên ở thị xã Hà Đông. Hà Đông cách Hồ Gươm Hà Nội 11 cây số, có xe điện qua lại ngày 4, 5 lượt... Thanh niên Hà Đông ăn diện không khác thanh niên Hà Nội nhưng vẫn là thanh niên Hà Đông. Không ai dám tự nhận trên báo mình là Công Tử Hà Nội, nhưng nhận mình là Công Tử Hà Đông thì được. Vì Công Tử Hà Đông là một thứ công tử tỉnh lẻ, không giống ai, không được ai trọng”.

Than ôi! đơn cử vài hình ảnh ngày xưa, nữ lưu nổi máu với người cùng phái, dù có gan hay nhát, cũng phải rợn người. Xin mượn hai câu của Tố Như tiên sinh để tỏ bày:

“Máu rơi thịt nát tan tành
Ai ơi trông thấy hồn kinh phách rời”.

Oan ơi ông Địa! Tự nhiên con gái Hà Đông bị nước ta bị gieo tiếng ác từ điển tích bên Tàu ngày xa xưa, may mà nhà thơ Nguyên Sa trong bài thơ Áo Lụa Hà Đông mang sản phẩm ở thị xã nầy vào Sài Gòn:

“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng…
… Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng”.

Nhà văn S. Maugham còn ví von về đàn bà và sư tử: “Khi lòng tự ái bị tổn thương thì nó có thể khiến người đàn bà lồng lộn báo thù hơn cả sư tử cái bị cướp mất con”.

***
Ngày nay, giữa thiên đường hạ giới nầy, không biết bút mực nào kể cho hết. Chuyện nữ lưu nổi máu với nhau như vậy. Điển hình như nàng Lorena Bobbitt ở Virginia đã làm thành đề tài cho giới truyền thông. Nàng Lorena nổi máu, lấy con dao dài 12 inches cắt đứt “của quý” của chồng John Bobbitt, nguyên gốc Thủy Quân Lục Chiến, còn đem ra xe rồi vất vào bụi cây ven đường. Khi “của quý” tìm được, bác sĩ đã gắn lại cho chàng. Sau nầy chàng còn đóng phim Sex chứng tỏ của quý còn tác dụng. Sau Lorena, thỉnh thoảng xảy ra tình trạng trừng phạt trên vì “con chim sổ lồng” nên “vặt lông cắt bỏ”.

Với đấng mày râu với nhau, chàng Bonilla ở bang Florida bị cắm sừng nhưng không dám hó hé với vợ, dùng kéo cắt đứt “của quý” của chàng hàng xóm từng ngủ với vợ mình, chàng nổi máu ghen đến nhà tình địch chĩa súng, trói lại rồi cắt đứt “của quý” bằng kéo, rời khỏi nhà nạn nhân cùng với “của quý” bị cắt rời.

Trong những năm qua, truyền thông trong nước đã loan tin nhiều vụ cắt “của quý” chồng vì “không ăn cơm nhà, mò ăn phở chỗ khác”cho bỏ ghét!

Tháng 7 năm 2022, truyền thông trong nước loan tin vụ án: Ghen tuông, dùng kéo cắt lìa “của quý” của chồng hờ. Bà NH, 51 tuổi, chung sống với người chồng hờ NVN, ông chồng hờ còn lẹo tẹo với người tình khác, bà nổi cơn ghen, trong lúc ông N ngủ say, bà H cầm kéo cắt “của quý” của nạn nhân đứt lìa. Tòa xử, bà NH bị 9 tháng tù, còn ông N làm thái giám suốt đời!

Trước bóng dáng giai nhân, khôn hồn “ăn vụng biết chùi mép” chớ dại mà rước họa vào thân, tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách, tránh xa chẳng xấu mặt nào, nhỡ cầm cái kéo cắt chỉ bụp thật mạnh, làm con hổ trong chuồng “Than ơi! Thời oanh liệt nay còn đâu” như lời thơ Thế Lữ. Nay không còn thuở làm thái giám để xin “job”, bắt chước ông hoàng thi ca, làm thơ con cóc bất đắc chí bấm bụng thở than: “Than ôi! đứt mất con lợn nọc. Đời mất mi rồi, ôi khổ đau!”.

Trong ca dao Việt Nam, mô tả trai gái yêu nhau, tỏ lòng thủy chung với vũ khí bén nhọn cầm trong tay để thề nguyền:

“Tay cầm cái kéo con dao
Chọc trời vạch đất, lấy nhau lúc này”.

Nhưng thử tưởng tượng hình ảnh không lãng mạn cho lắm qua câu ca dao:

“Tay em cầm con dao, tay em cầm cái rổ,
Cắt cổ con dê, lấy huyết uống ta thề,
Sống mà không lấy được bạn, chết mả táng kề bên nhau”.

Nường đẹp, xấu thế nào không biết nhưng thấy hình ảnh nường cầm con dao cắt cổ con dê tế thần lấy máu uống thề thì nường bảo thề đi, dại gì mà chần chừ. Nường ơi! “Hôm qua, qua nói qua qua, mà qua không qua. Hôm nay, qua không tính dẫn xác phàm qua, mà qua nhớ quá nên qua lại qua...” để tạ lỗi với nường. Nường ơi! trên thế gian có bao nhiêu lời thề độc địa, nường nói ra đi, qua xin thề theo. Trời đánh, thánh đâm, xe cán, đạn phanh thây... đâu có nghĩa gì đâu. Thánh thần phanh thây lúc nào không thấy nhưng lúc nầy, qua mà lộn xộn, nường phanh thây tức khắc! Qua run quá nường ơi! xin đừng nổi giận, kiếp nầy lỡ dại, thề đại cho xong, xin nường mở lòng từ tâm tha cho kiếp sau, mả táng kề bên nhau, xin nường đừng cầm con dao, cái kéo, nường nằm bên qua mà hai tay nhịp nhịp thì ông Đinh Hùng làm sao “Ta muốn vào thăm chốn mộ sâu”! Bái phục ông Mai Thảo “Đặt tay ở chỗ không thể đặt. Vậy mà đặt được chẳng làm sao”(Chỗ Đặt).

Ngày xưa, người xưa ở trong khuê phòng, lúc nổi máu còn vậy. Ngày nay, đã từng “xông pha” nơi đất khách quê người, thế nào cũng “nhật tân, nhật tân, hựu nhật tân”.

Đông, Tây, kim, cổ... lưu lại không biết bao nhiêu hình ảnh, câu chuyện kinh hoàng, tình huống không thể ngờ khi “nữ lưu nổi giận”. Bản chất của nữ lưu hầu như nhu mì nhưng khi thấy sự phản bội, lọc lừa, đụng chạm sự phũ phàng, đôi khi phải đương đầu với nghịch cảnh... tình cảm đột biến, bất chấp tất cả để ra tay cho thỏa cơn cuồng nộ. Nếu gặp phải trường hợp không may phải đối tượng với bản chất đầy âm mưu, thủ đoạn đem ra xuất thủ, không thể nào đỡ được... chỉ còn chết đến bị thương triền miên.

Luật lệ trên xứ Cờ Hoa, đẫy đưa cái nháy mắt, khen khéo “good looking”, nếu không được lòng, nổi giận, chụp cho cái mũ “sexual harassment” đấng mày râu cũng xấc bấc, xác xơ, đi đoong cuộc đời, than thở rằng đời sao đen như mõm chó.

Nhà báo Chu Tử đã lấy trong ca dao “Sự đời như cái lá đa, đen như mõm chó, chém cha sự đời”! làm đề tài cho ngòi bút châm chọc thế thái nhân tình.

Lá tre, lá mít, lá đa... lá nào cũng là lá, khi nổi máu tam bành, nổi cơn thịnh nộ... lá biến thành dao, kéo… tẩu vi thượng sách, sống khôn thác thiêng, hát rằng... là, lá, la. Cao bay xa chạy.

Trong phần nhập đề có đề cập đến truyện võ hiệp của Kim Dung, những nữ lưu khi hận tình đâu cần dao, kéo để cắt… mà với võ công tàn độc để phanh thây! Vì hận tình mà những mỹ nhân như Hà Hồng Dược, Lý Mạc Sầu, Chu Chỉ Nhược… từ thục nữ trở thành ác nhân. Ngay cả Diệt Tuyệt sư thái, Chưởng Môn phái Nga My, khi chưa đi tu, bà và đại sư huynh Cô Hồng Tử trở thành đôi tình nhân. Cô Hồng Tử nghe danh Quang Minh tả sứ Dương Tiêu võ công siêu phàm, nhiều lần thách đấu nhưng bị bại nên phát bệnh mà chết. Sau nầy Diệt Tuyệt sư thái hận thù Dương Tiêu, không đội trời chung với Minh Giáo. Khi đệ tử Chu Chỉ Nhược yêu Vô Kỵ (con của Trương Thúy Sơn và Hân Tố Tố), khi Vô Kỵ có công giải cứu được lục đại môn phái (có phái Nga My) nhưng bà bắt Chu Chỉ Nhược thề độc không yêu Vô Kỵ mà phải trả thù! Bà là người tu hành nhưng cố chấp, thiếu lòng từ tâm nên tàn độc, gây ra những cái chết oan uổng vì thỏa mãn hận thù!

Little Saigon, Sept 2022
Vương Trùng Dương

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Một Người - Thơ Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm - Nhạc Phạm Anh Dũng - Hòa Âm: Quốc Dũng


Thơ: Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm
Nhạc: Phạm Anh Dũng
Hòa Âm: Quốc Dũng
Tiếng Hát: Bảo Yến
Thực Hiện Video: Đào Cận

Bình An

 

Cõi người điên đảo biển nương dâu
Khổ ải trầm luân mãi bạc đầu
Chợt ngộ ngược giòng hương giải thoát
Bình an thanh thản đến ngàn sau.


Tôn Thất Hùng

Thương Hoài Tà Áo Em Bay

 

Nửa cây số tới trường em.
Đâu ngờ khoảng cách êm đềm lung lay!
Thương hoài tà áo em bay…
Nhớ màu hoa ấy cứ ray rứt hoài!

Phan Khâm


Mùa Nhung Nhớ

 

Một góc trời Thu nhặt lá vàng
Màu thương màu nhớ màu vương mang
Thu về ươm nắng cho chiều tím
Giọt nhớ miên man Thu vội tàn.

Vọng tiếng hò ai cung phiếm lạc
Tình ai than thở biết không chàng ?
Ai mang dạ khúc chiều Thu tím
Mộng ước ưu tư một điệu đàn.

Giữa canh tàn bóng trăng dần khuyết
Da diết chờ mong, phận bẽ bàng
Lạc bước phương trời Thu đất khách
Tóc xanh nhuốm bạc lệ tình tan.

Xuân Tiên

Nuối Tiếc

 

Dù trái đất có thay hình đổi dạng
Dù cuộc đời có hàng vạn đau thương
Mất anh rồi nuối tiếc suốt canh trường
Không có anh lạnh những đêm về sáng 

Hãy giúp em bằng sức mạnh vô hình
Vượt qua được hành trình đầy cạm bẩy
Trời vào Thu lòng em buồn tê tái
Hồn đảo chao theo từng chiếc lá vàng

Kỷ niệm về trong ký ức miên man
Anh nỡ ra đi sao quá vội vàng
Không trăn trối, dặn dò em cặn kẽ.
Em ở lại bơ vơ đời cô lẻ

Rất nhiều đêm thức trắng nhớ thương anh
Ta bên nhau qua nhiều nỗi thăng trầm
Em vẫn biết tình anh là vĩnh cửu
Còn tình em khờ dại đến ngu ngơ

Nỗi mất mát trong cuộc đời quá lớn
Chỉ còn đây nuối tiếc một trời thương
Lệ dẫu cạn tình vẫn đầy chan chứa
Hình bóng anh mãi mãi ngự trong hồn

9 / 13 / 22 
Hoàng Phượng

Trang Chu Mộng Hồ Điệp 莊周夢胡蝶 -Trang Tử

 

Trong giấc mơ, muôn loài có sự thay đổi từ dạng này sang dạng khác, nhưng trên thực tế có hay không, mà quan điểm của Đạo Giáo lại cho là có? Thực vật hấp thụ những dưỡng chất vô hình để tăng trưởng, động vật nhờ thực vật để sinh tồn. Như thế Thực Vật đã gián tiếp biến thành Động Vật. Tương tự, Động Vật này gián tiếp hoá thành Động Vật khác. Cuối cùng Động Vật bị phân huỷ và Thực Vật sống nhờ sự phân huỷ này. Động vật gián tiếp trở thành Thưc Vật.

Bước vào mộng Chu biến thành Bướm, bước ra khỏi mộng Bướm biến thành Chu. Như vậy Bướm là Chu? Hay Chu là Bướm? Đâu là thực đâu là hư.

Một vòng biến hoá khép kín, loài này biến thành loài khác, nhưng mỗi loài đều có sự khác biệt rõ ràng như Trang Tử đã nói trong câu thứ 9 :
"Thử chi vị vật hóa" ( đây gọi là sự biến hóa giữa vạn vật).

Từ Chu biến thành Bướm, từ Bướm biến thành Chu.
Từ thực biến thành hư, từ hư biến thành thực
Trong hư có thực trong thực có hư, trong âm có dương, trong dương có âm.

Đó chính là Đạo trong học thuyết của Lão Tử, Trang Tử.

莊周夢胡蝶                    Trang Chu Mộng Hồ Điệp

昔者莊周夢為胡蝶       Tích giả Trang Chu mộng vi hồ điệp
栩栩然胡蝶也               Hủ hủ nhiên hồ điệp dã
自喻適志與                   Tự dụ thích chí dư
不知周也 俄然覺          Bất tri Chu dã. Nga nhiên giác
則蘧蘧然周也               Tắc cừ cừ nhiên Chu dã.
不知周之夢為胡蝶與   Bất tri Chu chi mộng vi hồ điệp dư
胡蝶之夢為周與           Hồ điệp chi mộng vi Chu dư?
周與胡蝶則必有分矣   Chu dữ hồ điệp tắc tất hữu phân hỉ.
此之謂物化                   Thử chi vị vật hóa.

莊子                             Trang Tử
***
Dịch nghĩa:

Trang Tử Ngủ Mơ Hóa Thành Bướm

Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá thành bướm
Thế rồi bay lượn như cánh bướm
Rất là thích thú
Chẳng biết gì đến Chu
Chẳng ngờ khi tỉnh giấc lại là Chu
Không biết trong mơ Chu biến thành bướm
Hay trong mơ bướm biến thành Chu
Nhưng giữa Chu và bướm phải có sự phân biệt.
Đây gọi là sự biến hóa giữa vạn vật.

Dịch Thơ

Mộng Hồ Điệp

Buổi sớm trong mơ thành bướm đẹp
Mặc tình bay lượn khắp nơi nơi
Mãi vui quên hết bao nhiêu việc
Tỉnh giấc hoang mang một kiếp đời
Thực hoá mơ hay mơ hoá thưc
Tôi thành Bướm Bướm lại thành Tôi
Cũng như nhau bởi chung mầm Đạo
Vạn vật giao hoà hoán đổi ngôi.

Quên Đi

Trang Tử tên thật là Trang Chu, sinh ở đất Mông, thuộc nước Tống (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Tư tưởng của Trang Chu ẩn trong những lời văn phóng khoáng chủ yếu viết bằng thể văn ngụ ngôn, ý tứ thâm thúy, đa nghĩa, đa sắc. Vì thế mà bao đời nay, mặc dù đã có nhiều người nghiên cứu tư tưởng của ông song vẫn còn nhiều nội dung chưa thể nắm bắt hết. Cuộc đời ông chính là “pho sách” sống, là biểu hiện sinh động của những tư tưởng mà trí tuệ thâm viễn, cao siêu của ông đã đúc kết. Tư tưởng Trang Tử dưới chế độ phong kiến tuy không được tôn sùng nơi cửa quan, triều nội nhưng lại được đón nhận rất tự nhiên bởi tâm hồn kẻ sĩ, bậc quan nhân lúc thất thế, u sầu.

***
Trang Chu Mơ Mình Hóa Bướm

Trang Chu thiêm thiếp mơ mình bướm
Bay lượn tha hồ ở khắp nơi
Quên hết thân mình vô tích sự
Đâu còn bản ngã hữu duyên đời
Thực là mơ hoá mơ thành thực
Tôi hoá bướm ra mộng biến tôi
Phân biệt ra Chu ta hoá bướm
Giao hoà vạn vật mới hoàn ngôi


Mai Xuân Thanh
Sept 08, 2022
***
Mộng Hồ Điệp

Trong mơ hóa bướm đấy lời Trang Chu
Xòe đôi cánh lượn mù mù
Nhởn nhơ thỏa thích chu du khắp miền
Sá gì biết đến Chu tiên
Giật mình chợt tỉnh hiện tiền giấc say
Bướm kia nhập thể Chu này
Hay là chính bướm Chu rày hóa thân
Phân minh Chu Bướm ắt cần
Thiên hình vạn trạng cõi trần đổi thay

Kim Phượng