Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Thơ Tranh Nghệ Sĩ: Dư Âm - Sáng Tác Nguyễn Văn Tý - Hoàng Bách


Thơ Cảm Tác: Cao Bồi Già
Thơ Tranh: Kim Oanh




Sáng Tác: Nguyễn Văn Tý
Tiếng Hát: Hoàng Bách
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan


Ngày Tôi Bên Em



Ngạt ngào hương khắp lối
Anh vô tư tuổi hồng
Gốc rạ khô trộn luồng đất xới
Phơi nắng xuân chờ đợi nước rong

Thoang thoảng mùi phân bón
Tình đất thấm đường bừa
Nghĩa gió nắng mưa dầm đất dọn
Đất dọn xong rồi mạ có chưa?

Bó mạ xanh hy vọng
Hương mạ non thơm nồng
Chờ nọc cấy mầm... mùa lúa sớm
Em tôi quần xăn lội xuống đồng.


Anh Tú

November 16, 2017

Áo Tím Ngày Xưa



Bài Xướng:
Áo Tím Ngày Xưa


Biết tìm đâu áo tím ngày xưa

Nhớ quá bao chiều bận đón đưa
Hương thủy xuôi dòng dài ngóng đợi
Vân Lâu tận bến mặc dồn mưa
Người đi để lại đời cay đắng
Kẻ ở đeo mang kiếp sống thừa
Thành Nội chừ mưa chiều sớm nắng
Biết tìm đâu áo tím ngày xưa

Kim Phượng
***
Bài Họa:
Tím Xưa


Ơi tím phai nhòa vỡ mộng xưa!
Chữ tình trên nón* vẫn đong đưa?
Đường quen* bóng vắng qua xuân hạ
Trường cũ* rêu mờ trải nắng mưa
Thuở ấy tương tư nhiều...chẳng đủ
Giờ đây khắc khoải mấy... đành thừa
Đồi Thiên, Hồ Thủy* còn mơ nhé
Ơi tím phai nhòa vỡ mộng xưa!

dovaden2010
*Chữ tình trên nón: Nón bài thơ Huế
*Đường quen: Đường Lê Lợi
*Trường cũ: Trường Đồng Khánh
*Đồi Thiên, Hồ Thủy: Đồi Thiên An, Hồ Thủy
***
Áo Tím Ngày Xưa

Sao mãi đi tìm áo tím xưa.
Một thời sáng đón với chiều đưa,
Dạ Lê em đến đùa trong nắng,
Thành Nội người đi nép dưới mưa,
Yêu quá tỏ lời mà sợ thiếu,
Thương nhiều muốn nói lại e thừa!
Nam Giao in dấu bao hò hẹn,
Sao mãi đi tìm áo tím xưa!

Hoành Trần
***
Áo Tím Xưa


Bỗng ngẩn ngơ màu áo tím xưa
Chừng như ảo giác thoảng hương thừa
Vườn tao ngộ điểm duyên bừng nắng
Sắc lụa hoa cài gió tản mưa
Gợi phút tình trao thời trẻ đón
In lòng ảnh tạc cánh tay đưa
Tháng năm dù đã xa ngàn dặm
Vẫn ngẩn ngơ màu áo tím xưa. 


Mai Thắng
171110
***
Vọng Xưa

Hạ thắm còn đâu áo tím xưa
Như mùa phượng vỹ buổi chờ đưa
Tan trường gió mộng bồn chồn nắng
Bãi tiết mây buồn thổn thức mưa
Vỹ Dạ - Nam Giao lòng ước dạo
Văn Lâu - Núi Ngự dạ mơ thừa
Dư âm ngày cũ hoài vương vấn
Dĩ vãng mơ hồ mãi vọng xưa .

Hương Thềm Mây
(GM.Nguyễn Đình Diệm. 22.11.2017)
***
Ngày Xưa Áo Tím

Vẫn nhớ người thương áo tím xưa
Thướt tha bên kẻ đón người đưa
Gia-Long một thuở tươi màu nắng
Nguyễn-Trãi bao lần đẫm nước mưa
Em chót sang sông về xứ lạ
Anh còn ôm bóng ướp hương thừa
Sài-Gòn kỷ niệm sầu tê tái
Vẫn nhớ người thương áo tím xưa.

ChinhNguyên/H.N.T. 
Nov.21.2017
*Gia-Long: Trường Nữ Trung Học Sài Gòn
*Nguyễn Trãi:Trường Nam Trung Học Sài Gòn
***
Họa: Y Đề

Tôi cũng thương màu áo tím xưa
Bằng Lăng Bông Súng chuyến tàu đưa
Ai về đất Tháp nhìn hoa nắng
Tóc nhuộm phong trần lẫn bụi mưa
Cảnh cũ còn đây lòng quạnh vắng
Hồn xưa đâu tá cỏ hoang thừa
Xem thơ bỗng gợi hương tình nhớ
Tôi cũng thương màu áo tím xưa.

Cao Linh Tử
23/11/201
***
Áo Tím Tiễn Đưa

Áo tím tiễn anh chuyện đã xưa,
Mà lòng luôn nhớ bữa em đưa.
Vân Lâu bến đợi người sương gió,
Hương Thủy đò trông khách nắng mưa.
Núi Ngự ít cây, soi bóng đủ,
Sông Hương ngập nước lụt dư thừa.
Trường Tiền, Bạch Hổ cầu đoàn tụ
Áo tím tiễn anh cuyện đã xưa!

Khôi Nguyên
***
Màu Áo Tím Xưa

Ta tìm áo tím thuở xa xưa
Tìm cả người thường đón với đưa
Đồng Khánh bao ngày chờ dưới nắng
Tràng Tiền mấy bận nép bên mưa
Tóc dài buông xỏa vai chưa thỏa
Nón lá quàng lơi tay chẳng thừa
Cánh Phượng hạ buồn vương vấn gọi
Hồn thơ nhớ áo tím ngày xưa

Song Quang
12/7/17
***
Áo Tím Người Xưa

Áo tím nhu mì bóng dáng xưa
Nhìn em sớm đón lại chiều đưa
Vân Lâu bến nước chờ trong nắng
Vỹ Dạ vườn cau đợi dưới mưa
Nhớ trộm người đi tơ tưởng thiếu
Yêu thầm duyên lỡ mộng mơ thừa
Bên tê Thành Nội lâu đài cổ
Áo tím nhu mì bóng dáng xưa

Mai Xuân Thanh
Ngày 14 tháng 12 năm 2017
***
Áo Tím Ngày Xưa

Nào biết tìm đâu áo tím xưa
Đôi tà nghiêng lượn bóng chiều đưa
Văn Lâu bến nhớ dài con sóng
Đồng Khánh trường yêu nhẹ tiếng mưa
Thiếu nắng ngày trôi làn gió buốt
Vắng ai chân bước chiếc ô thừa
Người đi kẻ ở sầu ly biệt
Nào biết tìm đâu áo tím xưa

Trầm Vân

Lâm Chiêu Đồng


Sáng thứ hai, cháu ngoại nghỉ học do trường cháu làm lễ, tôi định hai ông cháu cùng đến nhà anh Đồng chơi, gọi anh xem anh có ở nhà hay không, anh báo.
Hôm nay tôi bận đi vắng, mai tôi rãnh anh đến chơi, sẵn dịp tôi gởi quà anh mang về cho cháu, mà anh cũng có luôn.

Sáng nay thứ ba ngày 21 tháng 11 tôi đến nhà anh mà không có cháu ngoại vì phải đi học. Hiện tại trong nhà anh có rất nhiều tranh xé dán, đã lên khuôn rất trang trọng, lần này tôi đến không phải thăm anh mà muốn ngắm, thưởng thức, cùng chụp ảnh hai tượng vũ nữ Apsara và tượng Phật ngọc, anh cho biết còn làm tiếp tòa sen.

Hai tượng vũ nữ, một màu ngọc thạch trắng vàng ngà với vân ngọc chìm hơi đậm, tượng thứ hai màu đồng mang nét tượng đồng xưa, trong khe giáp của thân thể ánh lên màu xanh của gỉ đồng rất đẹp, một khi đã ngắm là không muốn rời mắt, bởi vậy tôi xin phép anh, tôi bưng nàng Apsara ra ánh sáng nhìn cho đã con mắt, bởi anh phối ánh sáng tương phản mạnh trên màu tượng, nên rất mặn mà. Anh giải thích cùng tôi, tượng này rất cứng chắc, có đụng chạm, rớt đều không hề gì, mỗi năm gần tết tôi đều mang ra sân rữa nước với vòi xịt mạnh cho sạch bụi. Tôi bỗng có sáng kiến, đứng bên hình tượng nàng Apsara chụp hình, rồi nghĩ lại đứng gần thì phải ôm xem hình mới đẹp, nhưng đang ở nhà anh Đồng ảnh quánh chắc chết, thôi thôi chớ có gác tay chụp hình cho nó lành.

( Tác giả bài viết)

Không gác tay cô vũ nữ, mình vịn vai ông Thích Ca màu ngọc thạch chụp hình chắc là không sao rồi, do bởi ngày hai buổi mình dâng hương lên ổng, mình đã là bạn ổng lâu năm rồi mà, với lại ổng chưa ngồi tòa sen. Quả tình khi đứng kề bên cùng chụp hình, ổng mỉm cười, mình thích quá thích luôn.
Được chủ nhà đãi trà nóng, vừa nhâm nhi, vừa ngắm tượng, luận bàn chuyện quanh đức Thế Tôn cùng những kỹ thuật làm tượng bằng chất liệu phế thải dễ sứt mẻ biến dạng là mốp chèn máy. Anh đã sáng tạo và ứng dụng vật lý, hóa học kết hợp chuẩn xác, khéo léo tạo thành tượng như ngọc thạch, như đồng cổ y như chất liệu đá thật, đồng thật, đặc biệt tượng đức Thế Tôn, dù còn vài công đoạn nữa, song khi nhìn có cảm tưởng màu xanh ngọc trong mát, chờ khi hoàn tất tôi vào nhà anh lần nữa, NGẮM.
Nhìn đồng hồ đã đến giờ rước cháu về, tôi tạm biệt.

(Lâm Chiêu Đồng)

Lâm Chiêu Đồng, họa sĩ đã nổi danh từ lâu, có chân trong hội họa sĩ quốc gia. Theo lời anh tâm sự cùng tôi, những lúc anh em gặp nhau trong nhà anh, đã nhiều nghề sau năm 1975, nhưng liên quan đến nghệ thuật, đầu tiên làm tranh sơn mài tại vĩnh long, xưởng tranh với vài chục công nhân, rồi vì dị ứng nặng với chất keo của cây sơn, đến độ phải vào nằm vạ nơi bệnh viện Sài Gòn. Sau đó anh vẽ tranh màu nước, được trưng bày nhiều lần tại Sài Gòn, ngày đầu tiên đã bán gần hết số tranh anh mang lên. Anh được mời sang Singapore triển lãm tranh và rất thành công. 
Kế tiếp anh chuyển hướng làm tranh xé dán " Collage ", đề tài rất phong phú, người đặt mua suốt từ Hà Nội vào trong Nam, có vài bản tranh mà khách đã xem, rồi đặt anh làm suốt, chẳng hạn bức " Tiếng rao trưa ". 
Màu anh tự chế để làm tranh, nơi cây cột cửa rào, anh dán màu anh tạo, đã qua bao mùa mưa nắng không phai, do vậy có thể tạm kết luận, màu đạt độ bền theo thời gian. 

Thỉnh thoảng anh lảm tượng bằng chất mốp đã phế thải, theo tôi có vào nhà và thấy, 2 tượng Apsara, 1 tượng sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma, hiện tại đang trong giai đoạn cuối tượng Thích Ca thành đạo.

Trương Văn Phú
Tranh: Lâm Chiêu Đồng
Vài bức tranh của Họa sĩ Lâm Chiêu Đồng






Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Lễ Tạ Ơn


Thơ: Khôi Nguyên
Thơ Tranh: Kim Oanh

Tạ Ơn Nhớ Mẹ



(Nhân Mùa Lễ Tạ Ơn)

Tạ ơn nhớ mẹ quá buồn
Mồ côi cha sớm thơ tuôn giọt sầu
Chiều mưa lất phất thương đau
Mây đen mù mịt đậm màu tím than

Mẹ ơi trên cõi thiên đàng
Bỏ con ở lại trần gian lạnh lùng
Nguyện cầu nơi cõi non bồng
Mẫu từ quy vị sắc không ngân hà

Cô đơn sướt mướt châu sa
Cao xanh có thấu sao ra nỗi này
Trời xoay sóng gió đổi thay
Thương thân mắt lệ đong đầy hốc sâu

Mẫu từ khuất núi đã lâu
Tóc xanh nay cũng bạc màu thời gian
Ngu ngơ xót dạ võ vàng
Bờ môi mặn chát chiều đan khói mờ

Một đời dưỡng dục con thơ
Bảy mươi hai tuổi dại khờ tím vương
Cao niên buông bỏ đoạn trường
Những mong giải thoát cuối đường quạnh hiu...

Mai Xuân Thanh
Ngày 20 tháng 11 năm 2017

Tạ Ơn Mẹ -



Lòng Mẹ yêu con bao la biển trời
Tình Mẹ thương con thiết tha tuyệt vời
Mẹ đã yêu con, khi còn trứng nước
Từ xương máu Mẹ mà con thành người
Trái tim Mẹ truyền cho con sự sống

Lòng Mẹ yêu con bao la biển trời
Trên cánh tay Mẹ con cười vui
Nằm trong lòng Mẹ con ngủ ngoan
Như gà mẹ, xòe rộng đôi cánh
Che chở, ấp ủ đàn gà con

à ơi … ơi … à ơi
Con măng sữa…Mẹ nâng như trứng
à ơi … ơi … à ơi
Con hồng hào …Mẹ hứng như hoa

Lòng Mẹ yêu con bao la biển trời
Mẹ tập con đi, từng bước vào đời
Noi gương mẹ, nụ cười tươi vui
Mẹ dạy con, chân thật từng lời
Yêu Tổ Quốc và yêu mọi người

Dù lớn khôn. Dù lưu lạc phương trời
Con vẫn là con Mẹ…Mẹ ơi!
Dù Mẹ bên con. Dù Mẹ đã về Trời
Vô cùng nhớ thương,. Con tạ ơn Mẹ… Mẹ ơi

Trần Quốc Bảo
Richmond,VA
Nhạc sĩ Môc Thiêng phổ nhạc “Tạ Ơn Mẹ”

Lễ Tạ Ơn


Xướng: Lễ Tạ Ơn

Tạ trời tạ đất tạ ơn người,
Tạ cả bạn bè ở khắp nơi.
Ăn Tết bội thu đều phú túc,
Đón Xuân gặt hái thảy vui cười.
Cô dì chú bác luôn tươi trẻ,
Con cháu rể dâu được thảnh thơi,
Mừng lễ anh em đồng hỉ hạ,
Muôn lòng ngôn tạ mọi lòng vui!

Đỗ Chiêu Đức
Lễ Tạ Ơn 2017
***
Họa: Thanksgiving Tạ Ơn

Thọ ơn bằng hữu biết bao người
Xướng họa yêu thơ ở mọi nơi
Thưởng thức Đường Thi vô ý khóc
Gật gù tác phẩm hữu duyên cười
Bà con nội ngoại già an dưỡng
Chú bác cô dì khỏe nghỉ ngơi
U.S. Thanksgiving họp mặt
Tiệc tùng giải trí trọn niềm vui.

Mai Xuân Thanh
Ngày 26 tháng 10 năm 2017


Thanksgiving Nhớ Ơn Mẹ



T ... Tấm lòng kính tạ ơn trời
H ... Hình hài con trẻ ơn đời mẹ sinh
A ... An lành mái ấm gia đình
N ... Nhẹ nhàng tiếng võng bóng hình mẹ yêu
K ... Khi con ốm mẹ nuông chiều
S ... Sớm trưa chăm sóc thêm nhiều âu lo
G ... Ghi ơn mẹ biển vô bờ
I ... In sâu vào tuổi ấu thơ ơn người
V ... Vang lòng con tiếng mẹ cười
I ... In vào tâm tiếng đưa nôi dịu dàng
N ... Nâng niu những kỷ niệm vàng
G ... Giữ cho tròn nghĩa ân mang trong lòng

Trầm Vân
***
Thanksgiving Nhớ Ơn Thầy

T ... Thanksgiving nhớ ơn thầy
H ... Hằng mong ước đẹp tương lai học trò
A ... An lành dòng phấn trắng đưa
N ... Nghiêng lời giảng ấm bao mùa yêu thương
K ... Khai tâm mở sáng con đường
S ... Sáng chiều tới lớp vấn vương nghĩa tình
G ... Gửi bao ánh mắt bình minh
I ... In vào tâm tưởng lung linh bóng trường
V ... Vinh danh thầy bậc hiền lương
I ... Ít nhiều đã thấm phong sương dãi dầu
N ... Nghiêng vần thơ đẹp chữ câu
G ... Giữ lòng kính mến nối cầu tri ân

Trầm Vân

Lời Thơ Cho Ngày Lễ Tạ Ơn



Ngày lễ Tạ Ơn viết mấy lời
Thân già khắc khoải nợ vay rồi
Mang ơn Cha Mẹ công sinh dưỡng
Cảm tạ Thầy Cô dạy dỗ tôi
Khắc dạ quê,cưu mang tị nạn
Tạc lòng đồng đội hy sinh đời
Hồn thơ cảm tạ nhiều thêm nữa
Mười một hai ba nhớ mãi thôi

Song Quang
23/11/2017

Tạ Ơn Thân Hữu


Tạ ơn hiền hữu khắp bốn phương
Giúp tôi vơi bớt nỗi cô đơn
Vui buồn sang sẻ nhau trên Mạng
Mong sao tình Bạn mãi miên trường.
Nối rộng vòng tay nơi đất tạm
Chờ ngày về lại với cố hương
Mượn bút trãi lòng trrên giấy trắng
Tạ ơn hiền hữu khắp bốn phương.


Hoa Đô, Mùa Lể Tạ Ơn.
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

Nghĩ Về Ngày Lễ Tạ Ơn

 
Hằng năm vào tiết mùa đông

Tục rằng: phải nhớ ơn công đất trời
Ai hay cái lạnh nghiệt đời
Thuở ngày xưa ấy, bao người ấm no.!?

Ơn lành, biết mấy trời cho
Biết gieo, trồng, tỉa, biết lo cấy, cày
Biết làm ra lửa từ đây
Biết muôn việc… đến hôm nay được nhờ !

Ơn trời, ơn đất, bao giờ
Đem cho muôn loại đến bờ bình an
Bí, ngô, lúa, đậu... đầy tràn
Kho trời thuở ấy muôn vàn niềm vui.

Tạ ơn, là để sống đời
Có Nhân, có Nghĩa, có lời Đạo tâm
Biết rằng trong cuộc trăm năm
Khổ-vui thoáng đã... lên mầm tử sinh.

Tạ ơn, là để tự mình
Sống đời hạnh phúc, ươm tình bao la
Dù cho người vật quanh ta
Biết yêu thương, để nở hoa dâng đời.

Vậy, lễ tạ ơn đất trời
Là thêm nghĩa sống muôn nơi thái hoà
Tự mình gần, thấy mình xa
Cho đời thêm khúc tình ca thanh bình.

South Dakota, Thanksgiving Day, 11. 2017.
Mặc  Phương Tử

Tạ Ơn Đời


Tạ Ơn Đời 

Mùa lễ Tạ Ơn ở xứ người
Phổ Từ tiệc tối cảnh vui tươi
Bánh Xèo dòn "rụm "khen câu nói
Soup Bí mềm "tơi "khéo tiếng cười
Đạo vị Thầy trò hương Pháp toả
Nghĩa tình bạn hữu sắc hoa ươm
Đêm nay chẳng phải Trăng soi xuống
Vẫn sáng tâm tư " Tạ " cuộc đời 

Minh Thuý
Đêm lễ Thanksgiving 2017
***
Thâm Ân
Tặng Minh Thúy!
(Họa 4 vận)

Oán tha, ân trả mới nên Người,
Cội hạnh vun trồng mãi tốt tươi!
Phước trạch lo chăm khai nụ mở
Hỷ duyên tưới tắm nở môi cười!
Nhân tình tri ngộ trào sinh sắc,
Lẽ đạo căn thâm rạng lộc chồi!
Tiệc tối Phổ Từ tâm diệu hóa
Ơn sâu lễ tạ nghĩa dâng đời!

11-2017
Nguyễn Huy Khôi

Chiều Thanksgiving



Nhạc chiều êm ái quạnh thu không
Dạ khúc Schubert u ẩn lòng.
Vài chiếc lá vàng còn nấn ná,
Một vầng trăng mỏng mãi sầu đong.
Bên đèn lặng lẽ vương trăm mối,
Trên phím bâng khuâng gõ mấy dòng.
Lễ Tạ Ơn Trời, xao xuyến khách,
Ngày về cố lý nỗi hoài mong !

Mailoc
Thanksgiving 11-23-17
***
Các Bài Họa: Y Đề

Tiệc vui hưu lễ tớ đây không
Nên chẳng quan tâm với bận lòng
Cô bác làm chi thôi để mặc
Thế thời nói miết cũng đi đong
Ca hoài lại sợ ca sai điệu
Bấm mãi càng lo bấm lạc dòng
Mắt mũi bây chử đâu sáng suốt
Còn phần cảm tạ hẳn luôn mong.

Thái Huy

***
Nghỉ Lễ Tạ Ơn - Vẫn Chưa Qua

Nghỉ lễ Tạ Ơn lưu luyến không
Niềm thương ấp ủ mãi bên lòng
Yêu ai canh cánh tình thu gánh
Mến bạn trầm tư mắt lệ đong
Cách trở quê nhà mong cánh nhạn
Xa xôi đất khách ngóng đôi dòng
Gia đình sum họp trong kỳ nghỉ
Vẫn nhớ tri âm lại ước mong...

Mai Xuân Thanh
Ngày 24 tháng 11 năm 2017
***
Dư Hương Đêm Thakgiving 

Tối lễ Tạ Ơn ,thật ấm lòng
Cháu con xum hợp rất là đông
Gà Tây bí đỏ bày trên dĩa
Rượu chat châm đầy ,chai vất không !
Trước bửa,ơn đời xin cảm tạ
Sau ăn,khấn nguyện nói đôi dòng
Cám ơn nước Mỹ ra tay giúp
Cầu khấn quê nhà hết bão giông

Song Quang

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Trên Bờ Môi Dấu Yêu - Lê Xuân Trường - Tuấn Ngọc


Sáng Tác: Lê Xuân Trường
Ca Sĩ: Tuấn Ngọc
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Áo Trắng Học Trò

 

Áo trắng học trò giờ còn hay đã
Như ngôi trường xưa đập phá mất rồi
Không tường vách chỉ còn vài vụn đá
Ký ức nào ! nghe xa lạ hồn tôi.

Tà áo em tôi còn hoài cất giữ
Trong trái tim lữ thứ - nhớ vòng eo
Mái ngói rêu phong trường tròn thế kỷ (*)
Cuối cuộc đời vẫn còn mãi mang theo.

Mái tóc em luôn cài hoa màu tím
Chiếc cặp đen nhỏ xíu màu da trâu
Vạt áo em mỏng tang bay huyền dịu
Để tôi yêu tha thiết - mối tình đầu.

Hôm nay có việc ngang trường lớp cũ
Thiếu vắng em rồi chạnh nỗi niềm riêng
Em bây giờ chăc phương trời biệt xứ
Cát bụi thời gian áo có muộn phiền ?!

Dương hồng Thủy

(*) trường PTG Cần Thơ 1917-2017

Thu Về



Xướng: Thu Về

Thu về đã thoảng chút heo may
Đàn vạc trời đêm tiếng gọi bầy
Bến cũ lau tà trên mặt nước
Đường xưa phượng nát dưới chân giày
Phải chăng mây tím lòng ngơ ngẩn
Hay bởi cúc vàng dạ ngất ngây
Nóng lạnh giao mùa thời đổi tiết
Xòe tay hứng lấy giọt mưa bay

Phạm Kim Lợi
***
Các Bài Họa: 
Trở Về

Hiu hắt bên đường, ngọn cỏ may
Vườn xưa chim chóc tụ theo bầy
Cổng rào xiêu vẹo qua năm tháng
Lối ngõ hoang vu thiếu dấu giày
Xa cách bao năm, lòng bỡ ngỡ
Ngậm ngùi giây phút, dạ sầu ngây
Chạnh buồn ngắm lại ngôi nhà cũ
Trong cảnh hoàng hôn mưa gió bay....

Sông Thu
***
Lỗi Hẹn


Lần bước, đường xưa choán cỏ may

Tìm đâu vô vọng dấu in giầy
Âm vang quốc lẻ kêu chờ bạn
Tiếng dội chim di gọi nhớ bầy
Phượng hết,sen tàn khơi dạ não
Sương mù,mây tím khiến hồn ngây
Buồn chi người đó quên lời hẹn
Chỉ trách Thu phong,cuốn lá bay...

Thanh Hoà
***
Cảnh Thu Chiều


Thu chiều hiu hắt bủa làn may

Chim trú bờ tre rộn rã bầy
Ghé bãi ngư ông nhung nhớ khói
Tìm quê lữ thứ lãng quên giày
Dáng xưa thôn nữ trông khờ khạo
Nét cũ mục đồng thấy dại ngây
Tiết đổi bốn mùa thay cảnh diễn
Treo màn sương gió lạnh lùng bay

Như Thị
***
Thu Rồi


Xơ xác triền đê đám cỏ may

Chiều buông trâu nghé lặng theo bầy
Đồng xưa cảnh ấy còn hương lúa
Lối cũ người đâu lạc dấu giày
Vằng vặc trăng buồn nao cõi mộng
Chơi vơi vạc tủi ngút đường bay
Thu rồi ngọn gió chừng se lạnh
Se cả tâm hồn tưởng đã ngây.

Phan Tự Trí
***
Thu Đến


Lá úa rung cành,lất phất may

Sầu chim lẻ tiếng gọi thương bầy
Lăn tăn biếc gợn xao làn gió
Lác đác vàng khua chạnh gót giày
Vệt khói tan dần trên chén lặng
Hương trà nhạt mãi cuối hồn ngây
Chiều đem cánh mộng mùa thu cũ
Thả giữa cô tình bảng lảng bay

Lý Đức Quỳnh
***
Bão Cuối Hạ


Bão đến, Houston chẳng chút may

Nối đuôi, chim chóc trốn từng bầy
Ào ào, gió thổi, trời tuôn nước
Vội vã, người đi, cẳng ướt giầy
Lũ lụt cuốn đi người yếu ớt
Thủy dâng nhấn xuống trẻ thơ ngây
Biển vào thành phố, nhà, xe ngập
Kẻ trước nguy nan, ngóng máy bay

Trương Ngọc Thạch
8/29/2017
***
Thu Này

Dịp này họ gặp vận không may
Để sổng “vàng huy” ngượng cả bầy.
Chịu luyện chân đều theo đúng kế
Mà chơi bóng cứ chẳng nghe giày.
Thu trên đất nước chờ tin nóng
Thu tại cầu trường gặp cảnh ngây.
Rời khỏi Si Ghêm vui đám gái
Tiếng cười tiếng hát rộn sân bay .

Trần Như Tùng
***
Thu Buồn


Lá rụng thu về chẳng mảy may
Bơ vơ lạc bước giữa bầu bầy
Tình nay đã chết phai màu nhớ
Phố Cổ còn vương đậm dấu giày
Hà Nội tháng Mười trời bỡ ngỡ
Hồ Gươm cầu Gổ sóng im ngây
Ai đâu mộng mãi hoài hương cũ
Tuổi ấy mùa sang gió cuốn bay


Hải Rừng
30/8/2017
***
Yêu Thu

Từng bước vui đùa với cỏ may
Bướm say hoa nhuỵ lượn chung bầy
Lá vàng nhè nhẹ rơi vai áo
Giọt nắng hắt hiu vướng gót giày
Cây cảnh pha màu hồn muốn đắm
Mây trời đổi sắc dạ như ngây
Mùa Thu dịu vợi sao yêu quá
Lơ lững thơ hoà thả gió bay


Minh Thuý
Tháng 8-2017


Tình Thu

Đổi sắc vườn Thu gợn cỏ may
Vờn bay đàn bướm kết thành bầy
Hoa tươi vẫn nở trên cành biếc
Lá héo còn rơi ngập dấu giày
Nhắn gió lời thơ trao ý muộn
Tìm trăng câu hẹn gởi lòng ngây
Bao năm xa cách khung trời cũ
Đất khách lòng ai mưa vẫn bay


Bảo Trâm

Về Miền Tây - Phần 16

Vừa chiếm xong Nam Kỳ, Pháp cắt 4 quận của tỉnh Hà Tiên là Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng) và Kiên Giang (Châu Thành) để thành lập tỉnh Rạch Giá, tỉnh lỵ đặt tại quận Châu Thành (xã Vĩnh Thanh Vân). Tỉnh Rạch Giá nằm cách Sài Gòn khoảng 250 cây số về phía Tây Nam. Tuy mới thành lập từ thời Pháp thuộc, Rạch Giá đã vươn mình lớn mạnh về mọi mặt, với một bờ biển dài chạy từ biên giới Việt Miên đến vùng Thới Bình của tỉnh Cà Mau. Về địa thế, Rạch Giá nằm trong vùng cực Tây Nam của Nam Kỳ, chạy dài theo vịnh Thái Lan. Về vị trí thời đó thì phía Bắc Rạch Giá giáp Hà Tiên, Nam giáp Bạc Liêu, Đông giáp Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Châu Đốc, phía Tây giáp vịnh Thái Lan. Thuở ấy Rạch giá đất rộng người thưa, năm 1880 toàn tỉnh Rạch Giá chỉ có khoảng 235.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Khmer và người Hoa. So với Hà Tiên thì Rạch Giá sanh sau đẻ muộn. Lúc Hà Tiên đã trở thành nơi đô hội với phố thị sầm uất thì Rạch Giá hãy còn là một làng chày nghèo nàn ven biển không ai ngó ngàng gì tới. Tuy nhiên, Rạch Giá được thiên nhiên ưu đãi về mọi khía cạnh. Rạch Giá có một bờ biển dài, ngoài khơi lại có thêm đảo Phú Quốc và một số hòn đảo khác trong vịnh Thái Lan nên Rạch Giá rất mạnh về mặt hải sản, nổi tiếng nhất là khô, cá, mắm, tôm và tép...

Ngoài ra, đất đai phía Đông và phía Nam của Rạch Giá, tuy chưa được dẫn thủy nhập điền đúng mức, vẫn là những cánh đồng lúa bạt ngàn và hàng năm sản xuất lúa gạo dư dùng trong tỉnh mà còn xuất cảng lên Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Trước và trong thời Pháp thuộc, rừng rậm Rạch Giá hãy còn hoang vu, với khu rừng sác chạy dài từ vàm sông Cái Lớn đến Thới Bình, một vùng toàn là những cây mắm, giá, cóc, và những loại cây tạp mọc chen lẫn với rừng tràm không có giá trị công nghệ cao. Thậm chí có nhiều vùng ở miệt sông Cái Lớn và Tân Bằng Cán Gáo hãy còn rất nhiều cọp và voi. Sau khi kinh Cán Gáo được đào vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19 thì voi vùng này không còn đất dung thân nên phải di tản về miệt Phụng Hiệp và Sóc Trăng. 

Hồi còn Nam Kỳ Lục Tỉnh thì việc di chuyển bằng đường bộ từ Gia Định về Rạch Giá Hà Tiên phải mất trên một ngày một đêm (hơn 24 giờ), tuy nhiên, năm 1920, người Pháp cho sửa sang con đường đất đỏ từ Long Xuyên đi Rạch Giá, và cho bắt chiếc cầu Quay ngang sông Cái Lớn nên sự đi lại thuận tiện và dễ dàng hơn trước nhiều. Ngay khi thành lập tỉnh lỵ tại xã Vĩnh Thanh Vân, người Pháp cho xây dựng thị xã Rạch Giá theo kiến trúc Tây phương. Năm 1922, họ cho sửa sang lại cảng Rạch Giá, tuy rộng rãi và không có sóng gió, nhưng lại nhiều bùn và mau bồi lấp, nên cảng cũng không mấy thuận tiện cho tàu bè lớn. Các tàu buôn từ Hương Cảng và Tân Gia Ba thường ghé lại cảng Rạch Giá để bán những hàng vải tơ lụa, máy móc, và mua lại cá khô, tôm khô và gạo đem về. Mãi đến năm 1954, có thể nói đất đai Rạch Giá hãy còn là một khu rừng tràm mênh mông, đất trũng và ủng đầy phèn, cách xa bờ biển vài chục cây số vẫn còn là những rừng tràm trầm thủy, đặc biệt là vùng U Minh Thượng và U Minh Hạ. Vùng U Minh Thượng nằm bên tả ngạn sông Cái Lớn là những khu rừng chồi, không rậm rạp lắm. Trong khi vùng U Minh Hạ nằm bên hữu ngạn sông Cái Lớn, vùng ven biển chạy dài tới Cà Mau, là những khu dày đặc với rừng tràm. 
Có thể nói toàn miền Tây Nam phần không có gỗ quý nên dân chúng trong vùng tận dụng tài nguyên sẵn có, họ dùng những cây tràm, đước, cóc, vẹt... cho tất cả mọi nhu cầu của họ, cây nhỏ thì làm củi, cây vừa vừa làm than, còn cây lớn thì làm cột cất nhà. Rạch Giá có hai con sông lớn là sông Cái Lớn và sông Cái Bé, chảy từ vùng đất thấp phía Đông đổ ra vịnh Thái Lan, sau đó hợp lưu trước khi đổ ra biển tại vàm Rạch Giá. Ngọn sông Cái Lớn trước khi chảy qua Sóc Trăng nó chia làm những nhánh nhỏ và cạn chảy về hướng Cà Mau, đến mùa khô ghe thuyền không thể đi lại được nữa. Trong khi ngọn sông Cái Bé ăn qua rạch Cần Thơ rồi chảy qua Hậu Giang với những nhánh nhỏ. Hồi đó người Miên sống biệt lập trên những giồng đất cao nằm giữa hai dòng sông Cái Lớn và Cái Bé, như những ốc đảo hoang vu, chung quanh là rừng rậm che kín với đầy dẫy những muỗi mòng, rắn rít và thú dữ. Trước thời Nguyễn Ánh, dân vùng Rạch Giá sống co cụm trên các gò cao dọc bờ sông Cái Bé, trong đó có chợ Rạch Giá sau này (thuộc tổng Kiên Định), bên bờ sông Cái Lớn thì lập tổng Thanh Giang. Ngay từ thời Mạc Cửu mới đến khai khẩn vùng này, vì cảng Hà Tiên quá cạn nên cảng Rạch Giá luôn luôn tấp nập với các tàu buôn Tân Gia Ba, Hương Cảng, và Hải Nam...

Thời đó Rạch Giá bao gồm một vùng rộng lớn chạy dài đến mũi Cà Mau (Long Xuyên là tên cũ của Cà Mau). Trước thời Pháp thuộc, Rạch Giá không có đường bộ, mà dân chúng chỉ vận chuyển hàng hóa hay nông phẩm qua những kinh rạch chằng chịt mà cạn, về mùa nắng ghe thuyền không đi được nên người ta phài dùng trâu kéo cộ trên những đường mòn chạy dọc theo những đường nước này. Lúc Mạc Cửu đến khai khẩn đất hoang tại vùng này, có nhiều người Triều Châu và Phước Kiến đi theo, họ định cư ở những vùng đất giồng, chuyên môn làm rẫy, họ trồng rau cải, còn số khác thì làm ruộng. Trước khi có những kinh đào thì đa số dân chúng trong tỉnh phải hứng nước mưa dự trữ cả năm, hoặc đào giếng trên các giồng cao rồi gánh về xài. Hồi lưu dân Việt Nam mới tới vùng này khai khẩn đất hoang họ phải ra ngoài hòn Tre để lấy nước suối về xài. Đến khi Thoại Ngọc Hầu đào kinh Thoại Hà từ Long Xuyên qua Rạch Giá, nước ngọt từ Hậu Giang bắt đầu chảy tới Rạch Giá, nên vấn đề nước ngọt không còn là vấn đề nan giải nữa. Trước khi được dẫn thủy nhập điền với những kinh đào ngang dọc, thì nguồn lợi chính yếu của Rạch Giá là mật ong (lúc đó chính phủ phân ra từng lô rừng để đấu giá mật ong). Nguồn lợi kế đó là các sân chim mênh mông của Rạch Giá. 

Năm 1889, vì thấy Rạch Giá không mang lại nguồn lợi nào đáng kể nên chính phủ thuộc địa Pháp cho sáp nhập tỉnh Rạch Giá vào Long Xuyên cho đỡ tốn kém ngân sách. Nhưng đến khi Rạch Giá được dẫn thủy nhập điền đúng mức nó mang về một nguồn lợi rất lớn về sản xuất lúa gạo, Rạch Giá lại được tách trở ra làm tỉnh. Lúc đó chánh phủ thuộc địa lại cho vét con kinh Thoại Hà nên dân các vùng Vĩnh Long, Cần Thơ và Long Xuyên không còn đất hoang để khẩn nữa nên họ đổ xô về Rạch Giá khẩn đất. Mặt khác chính phủ thuộc địa cũng cho lót đá xanh dọc theo bờ biển để giữ không cho đất lở. Sau khi vét lại con kinh Thoại Hà thì phương tiện giao thông đường thủy từ Rạch Giá về các tỉnh miền Tây tiện lợi hơn nhiều, cứ hai ngày là có tàu Lục Tỉnh từ Sài Gòn về Rạch Giá. Vào khoảng năm 1920 thì Rạch Giá đã phát triển lớn mạnh hơn trước nhiều, hàng hóa từ Xiêm (của Anh và của Xiêm) như vải sồ được đưa vào Việt Nam qua cảng Rạch Giá, rồi mua về hồ tiêu và cá khô, còn tàu từ Hải Nam thì chở đến đồ sành sứ, vải vóc, thuốc Bắc, trái cây khô, chăn mền, và họ mua về gạo, nước mắm, cá khô, mắm ruốc, mật, sáp ong... Về sau này những nhà máy xay lúa ở Sài Gòn Chợ Lón được dựng lên, họ xay lúa bằng máy và xuất cảnh thẳng qua Hải Nam và Hương Cảng bằng những thương thuyền lớn nên rẻ hơn gạo Rạch Giá, vì vậy mà sinh hoạt cảng Rạch Giá từ từ giảm sút. 


Năm 1907, người Pháp bắt dân làm xâu để đắp đá ong và đất hầm con đường từ Rạch Giá đi Hòn Đất, nhưng sau đó thấy con lộ không mang lại lợi ích về kinh tế nên không phát triển thêm. Cùng năm đó họ cho đắp con đường Rạch Giá đi Minh Lương (khoảng 15 cây số) cũng trải bằng đá ong và đất hầm, tiếp theo là lộ đá ong từ Minh Lương đi Kiên Hưng (Gò Quao), qua Long Mỹ (sau này thuộc tỉnh Chương Thiện) và cùng năm đó thì quận Long Mỹ được thành lập. Long Mỹ nằm trên ngọn sông Cái Lớn, giáp ranh với vùng Cần Thơ và Phụng Hiệp, tiếp theo là quận Gò Quao (nằm bên bờ sông Cái Lớn) được thành lập. Và liên tiếp những năm sau đó là quận Giồng Riềng nằm bên bờ sông Cái Bé cũng được thành lập. Năm 1908 thì người Pháp bắt đầu làm con đường từ Rạch Giá đi Hà Tiên. Đến năm 1914 người Pháp khởi công xây lộ Rạch Giá Cần Thơ (lộ đá tráng nhựa). Tính đến năm 1945 thì Rạch Giá đã nghiễm nhiên trở thành một trong những tỉnh trù phú nhất miền Tây với số lúa gạo sản xuất vượt xa mấy tỉnh khác. 

Ngoài ra, Rạch Giá còn những đặc sản khác mà những tỉnh lân cận không có như mật ong, sáp, tôm khô, cá khô, đặc biệt là sáp, một nguồn lợi không nhỏ đã làm cho Rạch Giá nổi tiếng. Tuy nhiên, đến năm 1904, sau trận bão năm Thìn, đa số rừng tràm ở Rạch Giá bị ngã sập, ong không còn chỗ dung thân nên di chuyển qua các vùng Đồng Tháp và Cà Mau, vì thế mà nghề lấy mật và sáp ong từ từ biến mất trong vùng rạch Giá. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, toàn vùng Rạch Giá từ Hà Tiên xuống tận Thới Bình, vào mùa mưa thì nước ngập tràn rừng tràn đồng, cá cũng theo đó mà đi lên rừng hay lên đồng, nhưng khi nước vừa rút là chúng cũng tìm cách rút theo ra các sông rạch, nên vào mùa gió chướng các kinh rạch trong vùng U Minh Thượng và U Minh hạ tràn ngập cá tôm đủ loại, nên ngoài nghề chính của dân trong tỉnh là làm ruộng, với những luồng cá rất lớn với nhiều loại cá ngon, dân Rạch Giá còn sản xuất đủ thứ cá tôm nước ngọt và nước mặn như cá chép, cá he, cá lóc, cá trê, cá thu, cá chim, cá bạc má, cá thiều, vân vân. Nước mắm Phú Quốc chẳng những nổi tiếng trong nước mà còn nổi tiếng tại nhiều nước khác trong vùng. 

Vào thời Pháp thuộc, dĩ nhiên là họ ưu tiên cho người Pháp được tự do khai khẩn đất hoang, nên đã xảy ra rất nhiều vụ cướp đất đã khẩn từ trước của những người lương dân chỉ một đời lam lũ, chất phát, không biết nhiều về luật lệ, hễ thấy chỗ nào có đất hoang là đến khẩn, chứ không dè bọn Tây và bọn cường hào ác bá đã có giấy khẩn trong tay, chúng đợi cho người ta khẩn xong, có huê lợi là chúng nhào vô cướp giựt đất của lương dân, bên cạnh đó lại thêm nạn làm cố công của tá điền, nào là sưu cao thuế nặng, nào là cướp công bóc lột, một khi đã là tá điền rồi thì phải cha truyền con nối làm tá điền mà cũng không đủ trả nợ cho chủ, thật là một thời nô lệ với không biết bao nhiêu là ức hiếp bất công. Bắt đầu từ thời đệ nhất Cộng Hòa, chính quyền cho xây dựng nhà máy xi măng Hà Tiên với phẩm chất không thua gì xi măng Đài Loan hay Nhật Bản. Ngoài ra, chánh quyền còn nâng đỡ nông dân trong việc canh tác, và ngư dân trong việc đánh bắt cá, nên Rạch Giá đã vươn lên phát triển rất mạnh. 

Hiện nay Rạch Giá là một trong những tỉnh phồn thịnh nhất của Nam Kỳ. Sau năm 1975, chánh quyền Cộng Sản phân chia lại địa phận nên Rạch Giá hiện nay với diện tích trên 6.269 cây số vuông và dân số 1.565.900 người, khoảng 85% là người Việt, người Khmer chiếm khoảng 12%, người Hoa chỉ 3% nhưng họ nắm hầu hết những then chốt kinh tế trong tỉnh. Tỉnh Rạch Giá hiện nay bao gồm các quân Kiên Lương, Hòn Đất, Tam Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao (Kiên Hưng), An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Phú Quốc (quần đảo Phú Quốc), Kiên Hải (gồm quần đảo Lại Sơn, An Sơn, Hòn Tre và Hòn Nghệ), thị xã Hà Tiên và thị xã Rạch Giá. Ngoại trừ đảo Phú Quốc, ngoài khơi Rạch Giá có trên 100 đảo nhỏ và hòn khác. Vùng biên giới Hà Tiên-Cao Miên dài khoảng 54 cây số, trước kia thì dòng kinh Vĩnh Tế là biên giới giữa hai nước, nhưng hiện nay biên giới đã chạy sâu vào nội địa Miên khá xa. Rạch Giá có nhiều địa danh nổi tiếng ngay thời đầu cuộc Nam tiến, khi Mạc Cửu và quyến thuộc của ông đến khai phá đất Hà Tiên, như U Minh Thượng, U Minh Hạ, Hòn Đất, Phú Quốc, Hà Tiên, vân vân. Thiên nhiên chẳng những ưu đãi Rạch Giá về mặt kinh tế, mà còn ưu đãi về danh lam thắng cảnh nữa như non nước hữu tình của vùng Hà Tiên, biển trời mênh mông của vùng Phú Quốc. 

Ngoài ra, Rạch Giá còn rất nhiều đền chùa và các di tích lịch sử khác. Ngay tại phường Vĩnh Thanh trong thị xã Rạch Giá, có đền thờ vị anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Ông nổi tiếng trong trận phóng hỏa tàu Espérance trên sông Nhật Tảo năm 1861, và đánh thành Kiên Giang năm 1868, khi bị Pháp bắt ông đã dõng dạc tuyên bố một câu bất hủ “Chừng nào nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây.” Hiện tượng đài của ông được lên ngay giữa trung tâm thị xã Rạch Giá.

Người Long Hồ

Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

Lạnh Lùng!



Lòng đà nguội lạnh mặc thu sang
Không xót, không thương chiếc lá vàng
Không để nhạc thu làm thổn thức
Hững hờ dế lạnh nỉ non than

Không nghe lanh lảnh vịt từng bầy
Man mác lưng trời lướt gió mây
Bỏ lại đồng hoang bao tổ ấm
Bơ vơ lau lách tuyết rơi đầy !

Không còn xao xuyến mảnh trăng tan
Mặc cánh hoa rơi kiếp thủ phàng
Mặc tiếng rừng chiều nai réo gọi
Không nhìn phố sá tím chiều hoang

Lạnh lùng không lắng tiếng mưa thu
Mặc gió thê lương khói mịt mù
Mặc cánh chim ngàn đôi cánh mỏi
Mặc người chinh phụ khóc chinh phu!

Chiêm chiếp trên cành bỗng cảm thương
Một con chim nhỏ lạnh trong vườn.
Lạnh lùng chai đá dường tan biến
Xao xuyến lòng thu với đoạn trường!

Mailoc
( Mùa thu xa vắng bên hồ Erie- Pennsylvania 1986 )   

Giá Cô Thiên - 鷓鴣天其


1- GIÁ CÔ THIÊN - Án Kỷ Đạo

鷓鴣天其一 - 晏幾道

彩袖殷勤捧玉鐘,
當年拚卻醉顏紅。
舞低楊柳樓心月,
歌盡桃花扇底風。

從別後,
憶相逢,
幾回魂夢與君同。
今宵剩把銀釭照,
猶恐相逢是夢中。

Giá Cô Thiên  kỳ 1 - Án Kỷ Đạo

Thải tụ ân cần phủng ngọc chung,
Đương niên biện khước tuý nhan hồng.
Vũ đê dương liễu lâu tâm nguyệt,
Ca tận đào hoa phiến để phong.

Tùng biệt hậu,
Ức tương phùng,
Kỷ hồi hồn mộng dữ quân đồng.
Kim tiêu thặng bả ngân cang chiếu,
Do khủng tương phùng thị mộng trung.

Chú Thích:

1- Từ điệu Giá Cô Thiên của Án Kỷ Đạo gồm 55 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn 3 bình vận
2- Phủng = bổng = nâng như nâng khay trà.
3- Thái = thải= mầu mè đẹp đẽ.
4- Biền khước = biện khước=cam nguyện, không tiếc.
5- Lâu tâm: tức là trên lầu. Cũng có thể hiểu Lâu tâm nguyệt = trăng chiếu vào giữa lầu=chỉ lúc nửa đêm.
Vũ đê dương liễu lâu tâm nguyệt舞低楊柳樓心月: tác giả không nói trăng chìm xuống mà nói khiêu vũ làm chìm trăng xuống.
6- Đào hoa phiến = cái quạt có vẽ hoa đào dùng trong lúc ca vũ. Phiến để: có thể hiểu là phiến ảnh.
7- Hồn mộng, bản khác chép Quy mộng歸夢 .
8- Ngân cang = ngân giang = cây đèn bằng bạc.
9- Thặng bả ngân cang= (chỉ chú ý việc)cầm cây đèn bạc.

Dịch Nghĩa:

Bài từ theo điệu giá cô thiên kỳ 1 của Án Kỷ Đạo
Tay áo mầu ân cần nâng chén ngọc,
Năm đó cam nguyện say đỏ mặt.
Khiêu vũ từ lúc trăng chiếu trên đỉnh cây liễu, chiếu vào giữa gian lầu cho đến lúc trăng chìm xuống.
Xướng ca cho đến lúc cái quạt hoa dùng trong lúc ca múa không còn lay động nữa.
(Tác giả nói tiếng ca làm ngưng gió của cái quạt hoa)

Từ sau khi ly biệt
Nhớ lúc gặp nhau
Mấy lần gặp nàng trong cơn mộng
Đêm nay cầm cây đèn bạc soi chiếu
(Gặp lại người xưa, cầm đèn soi rõ dung nhan)
Còn sợ gặp nhau là đang trong mộng.
[Hồ Hoàng Điệp]

Phỏng dịch:

Áo gấm ân cần nhẹ nâng chung
Năm xưa say khướt má môi hồng
Múa chìm dương liễu vào trăng úa
Ca ngắt gió lay chiếc quạt nồng


Sau ly biệt
nhớ trùng trùng
Bao phen mộng gặp khách tình chung
Đêm nay đèn bạc soi người cũ
Chẳng phải mộng mơ - thật tương phùng!


Lộc Bắc

2-GIÁ CÔ THIÊN - Chu Đôn Nho

鷓鴣天 - 朱敦儒

畫舫東時洛水清。
別離心緒若為情。
西風挹淚分攜後,
十夜長亭九夢君。

雲背水,
雁回汀。
只應芳草見離魂。
前回共采芙蓉處,
風自淒淒月自明。

Giá Cô Thiên - Chu Đôn Nho

Họa phảng đông thì lạc thủy thanh。
Biệt ly tâm tự nhược vi tình。
Tây phong ấp lệ phân huề hậu,
Thập dạ trường đình cửu mộng quân.

Vân bối thủy,
Nhạn hồi đinh。
Chỉ ưng phương thảo kiến ly hồn。
Tiền hồi cộng thải phù dung xứ,
Phong tự thê thê nguyệt tự minh.

Chú Thích

1- Từ điệu giá cô thiên có 55 chữ, 2 đoạn, mỗi đoạn 3 bình vận
2- Đây là một bài từ tả tình, tưởng nhớ cố nhân. tác giả không nói cố nhân là nam hay nữ. Nhưng xem câu thơ” Tây phong ấp lệ”, “Phương thảo kiến ly hồn” thì cũng có thể đoán cố nhân là người nữ.
3- Họa phảng = thuyền được trang hoàng đẹp đẽ, chạm trổ, vẽ tranh..
4- Lạc Thủy洛水 = sông Lạc Thủy ở Hà Nam.
5- Nhược = như, nếu.)
6- Ấp 挹: múc nước, tát nước. Ấp lệ: do thành ngữ "Ấp lệ nhu si 挹淚揉眵 " = hình dung đau buồn rơi nước mắt. Một thành ngữ tương tự là "Mạt lệ nhu si 抹淚揉眵" = lau mắt gạt lệ.
7- Thập dạ trường đình: Bản khác chép: Thập niên trường đình cửu mộng quân 十年長 亭九夢君.
8- Vân bối thủy 雲背水= 雲背对着水 vân bối đối trước thủy = mây bay qua chiếu ảnh trên mặt nước.
9- Chỉ ưng 只應 : chỉ, chỉ có, chỉ nên; thí dụ: 此曲只應天上有 thử khúc chỉ ưng thiên thượng hữu (thơ Đỗ Phủ )= khúc (hát) này chỉ trên trời có = ám chỉ quá hay, hiếm có.
10- Phù dung 芙蓉: hoa sen; Thái = thải 采: hái.

Dịch nghĩa:

Bài từ theo điệu giá cô thiên của Chu Đôn Nho

Thuyền chạm trổ đi về hướng đông trên sông Lạc Thủy nước trong.
(Tưởng nhớ lúc đi chơi với tình nhân trên sông Lạc Thủy)
Tâm trạng biệt ly như là vì tình.
Trong gió tây gạt lệ sau khi chia tay.
Ở trường đình 10 đêm thì 9 đêm mơ thấy người
(Cũng có thể hiểu là:"Sau khi ở trường đình chia tay, 10 đêm thì 9 đêm mơ thấy người")
Mây chiếu trên mặt nước. Nhạn về bến sông. (Đinh 汀 = bãi sông, bến sông)
Chỉ có bãi cỏ thơm thấy cái hồn của sự ly biệt.
Nơi ngày xưa cùng hái hoa sen
(Chỉ thấy) gió tự vi vu, trăng tự sáng.
[Hồ Hoàng Điệp]

Phỏng dịch:

Hoa thuyền đông hướng nước sông xanh
Tâm trạng biệt ly khổ do tình
Gió Tây gạt lệ sau chia cách
Mười tối trường đình chín nhớ anh

Mây in nước
Nhạn bến sông
Cỏ thơm mới biết tái tê lòng
Làng sen thuở trước cùng nhau hái
Gió tự lê thê, trăng sáng trong

Lộc Bắc

3- GIÁ CÔ THIÊN , Hoàng Đình Kiên

鷓鴣天-黃庭堅

座中有眉山隱客史應之和前韻,即席答之
黃菊枝頭生曉寒。
人生莫放酒杯乾
風前橫笛斜吹雨,
醉里簪花倒著冠。

身健在,
且加餐。
舞裙歌板盡清歡
黃花白髮相牽挽,
付與時人冷眼看。

Giá Cô Thiên - Hoàng Đình Kiên

Tọa trung hữu Mi Sơn Ẩn Khách Sử Ứng Chi họa tiền vận, tức tịch đáp chi.
Hoàng cúc chi đầu sinh hiểu hàn,
Nhân sinh mạc phóng tửu bôi can.
Phong tiền hoành địch tà xuy vũ,
Túy lý trâm hoa đảo trước quan.

Thân kiện tại,
thả gia xan.
Vũ quần ca bản tận thanh hoan.
Hoàng hoa bạch phát tương khiên vãn,
Phó dữ thời nhân lãnh nhãn khan.

Chú Thích

1- Hoàng Đình Kiên 黃庭堅: đỗ Tiến sĩ, tự Lỗ Trực 鲁直, hiệu Sơn Cốc Đạo nhân 山谷道人, Người Hồng Châu Phân Ninh 洪州分宁 nay thuộc tỉnh Giang Tây, trấn Cửu Giang, Huyện Tu Thủy 修水, TH. Ông là nhà văn học, thư pháp có danh tiếng đời Bắc Tống. . Bài thơ này được làm khi Hoàng Đình Kiên bị cách quan, an trí tại Tứ Xuyên.
2- Sử Ứng Chi 史應之: khách họa thơ với Hoàng Đình Kiên.
3- Mạc phóng 莫放: chớ để.
4- Trâm hoa 簪花: hoa cài lên đầu làm trang sức gồm hoa thật, hoa giả, hoa bằng tơ, lụa, vải, vàng, bạc, ngọc...
5- Đảo Trước quan 倒著冠: lật ngược cái mũ.
6- Gia xan 加餐: thêm cơm.
7- Vũ quần 舞裙: váy mặc lúc ca múa, = vũ y. Ca bản 歌板: một loại nhạc khí dùng để nhịp phách.
8- Thanh hoan 清歡: thanh đạm hoan du 清淡的歡愉=vui sướng nhẹ nhàng thanh đạm.
8- Hoàng hoa bạch phát 黃花白髮: Hoa vàng và tóc trắng. Bạch phát chỉ tác giả. Hoàng hoa tức là hoa cúc nở vào mùa thu trong lúc các hoa khác tàn hết cho nên có câu hoàng hoa vãn tiết 黃花晚節 ví hoa cúc như tiết tháo kiên cường của người già. Với câu này tác giả có vẻ cao ngạo vì tiết tháo của mình lúc tuổi già tuy bị biếm quan. Ngoài ra Hoàng hoa còn ám chỉ người vị thành niên và Bạch Phát chỉ người già.
9- Khiên vãn 牽挽: khiên lạp = lôi kéo, khiên triền: quấn quít.
10- Phó dữ 付與: để cho, cấp cho.
11- Thời nhân 時人: người đời, người đương thời.
12- Lãnh nhãn 冷眼: ánh mắt lạnh lùng khinh miệt.

Dịch Nghĩa

Bài từ theo điệu Giá cô thiên của Hoàng Đình Kiên
(Ghi chú của tác giả)
Ngồi trong có người ẩn khách đất Mi sơn Sử Ứng Chi, họa thơ theo vận của bài trước, ngay trong bữa tiệc đáp lại.
Đầu nhánh hoa hoàng cúc sinh vẻ lạnh ban mai.
Đời người chớ để chén rượu vơi.
Trước gió cầm cây sáo ngang thổi lúc trời mưa.
Trong cơn say cắm hoa lên đầu, đội mũ đảo ngược.

Thân thể khang kiện
nên ăn thêm cơm,
Áo múa, cái phách (đánh nhịp), tận hưởng niềm vui thanh đạm.
Hoa vàng (cắm trên đầu) và tóc trắng xoắn xuýt với nhau.
Cũng có thể hiểu là: Người trẻ và người già dắt nhau, quấn quít với nhau.
Mặc cho người đời nhìn với ánh mắt lạnh lùng (khinh người).
[Hồ Hoàng Điệp]

Phỏng dịch:

Hoàng cúc đầu cành lạnh sớm mai
Đời người rượu chớ để ly vơi
Trước gió sáo nâng mưa chéo thổi
Ngà say trâm dắt mũ nghiêng chơi

Thân khỏe mạnh
Thêm cơm thôi
Áo múa, phách reo tận hưởng vui
Hoa vàng, tóc bạc cùng quay quắt
Bất kể nhân gian mắt trắng soi.

Lộc Bắc

4- GIÁ CÔ THIÊN - Tân Khí Tật

鷓鴣天 - 辛棄疾

壯歲旌旗擁萬夫
錦襜突騎渡江初
燕兵夜娖銀胡 轆..
漢箭朝飛金僕姑

追往事
嘆今吾
春風不染白髭鬚
卻將萬字平戎策
換得東家種樹書

Giá Cô Thiên - Tân Khí Tật

Tráng tuế tinh kì ủng vạn phu
Cẩm xiêm đột kị độ giang sơ
Yên binh dạ xúc ngân Hồ lộc
Hán tiễn triêu phi kim bộc cô

Truy vãng sự
Thán kim ngô
Xuân phong bất nhiễm bạch tì tu
Khước tương vạn tự bình Nhung sách
Hoán đắc đông gia chủng thụ thư

Chú thích

- Tráng tuế tinh kì ủng vạn phu 壯歲旌旗擁萬夫: chỉ việc tác giả lãnh đạo quân khởi nghĩa kháng Kim, lúc bấy giờ vừa mới 20 tuổi. Trong Tiến mĩ cần thập luận tử 進美芹十論子 ông viết rằng:

Thần thường cưu chúng nhị thiên, lệ Cảnh Kinh, vi chưởng thư kí,dữ đồ khôi phục, cộng tịch binh nhị thập ngũ vạn, nạp khoản ư triều.

臣嘗鳩眾二千, 隸耿京, 為掌書記, 與圖恢服, 共藉兵二十五萬, 納款於朝.

(Thần từng quy tụ hai ngàn người, theo Cảnh Kinh, làm thư kí, cùng mưu đồ khôi phục, cộng thêm binh mượn 25 vạn, sẽ quy thuận triều đình)
- Cẩm xiêm đột kị độ giang sơ 錦襜突騎渡江初: chỉ việc tác giả trước khi về nam đã thống lĩnh quân đội chiến đấu cùng kẻ địch.
Cẩm xiêm đột kị 錦襜突騎: tức cẩm y kị binh tinh nhuệ.
Xiêm 襜: chiến bào. Áo che phía trước ngực gọi là “xiêm”.
- Hai câu “Yên binh ...” : thuật lại tình huống quân Tống chuẩn bị xạ kích quân địch.
Xúc 娖: có nghĩa là chỉnh lí.
Ngân Hồ lộc 銀胡 ... : túi đựng tên có màu bạc hoặc nạm bạc.
Kim bộc cô 金僕姑: tên gọi mũi tên.

- Bình Nhung sách 平戎策: sách lược bình định kẻ xâm nhập lúc bấy giờ, như Mĩ cần thập luận 美芹十論, Cửu nghị 九議 ...
- Chủng thụ thư 種樹書: (sách dạy trồng cây – ND) biểu thị ý lui về quê nhà làm ruộng.

Dịch nghĩa

Khi ta còn trẻ đã thống lĩnh hơn một vạn sĩ binh
Đội kị binh tinh nhuệ vượt qua Trường giang
Quân Kim buổi tối chuẩn bị túi tên
Quân Hán vừa mới sáng sớm đã hướng đến quân địch bắn tên kim bộc cô
Nhớ lại việc đã qua
Than cho ta hiện tại
Gió xuân không thể làm cho râu trắng của ta đen trở lại
Đem bộ sách lược bình định quân Kim dài gần vạn chữ
Đổi lấy sách dạy trồng cây cho người bên nhà phía đông.
[Internet]

Phỏng dịch:

Tuổi trẻ dựng cờ nắm vạn quân
Tinh binh kỵ mã vượt sông tuần
Lính Yên tối soạn bao cung tiễn
Tên Hán sớm bay mũi nhọn vàng

Nhớ chuyện cũ
Cất lời than
Râu trắng hoàn đen… bởi gió xuân!?
Binh thư vạn chữ trừ quân giặc
đổi sách trồng cây khách đông lân.

Lộc Bắc
2017

Nhờ gió



Lá thu đỏ, lá nhuốm vàng
Mình mình lê lết lang thang mảnh đời
Canh trường giá buốt người ơi
Mấy lời nhờ gió rãi nơi mịt mờ

Nguyễn Cao Khải

Hắt Hiu Lối Xưa

(Hình Ảnh - Paulle Minh)

Bài Xướng từ Ảnh: Hắt Hiu Lối Xưa

Rừng buồn chẳng nói năng chi
Gió sầu lặng tiếng thầm thì cùng thông
Sương hờn giọt tủi đầy lòng
Lối xưa hiu hắt mòn trông mỏi chờ

Kim Oanh
***
Họa: 
1/ Thông Cảm

Đa sầu đa cảm làm chi,
Xuân xanh nghĩ tới lỡ thì,ai thông?
Đồng tâm nhất dạ chung lòng,
Xin đừng để cảnh ngày trông,đêm chờ...

2/Tương Tư

Tương Tư em khóc hỏi chi
Bên hồ kỷ niệm một thì gốc thông
Sâm Thương cách biệt đôi lòng
Ngưu Lang, Chức Nữ kẻ trông người chờ

Khôi Nguyên

(*) Sâm Thương: là hai chòm sao khác nhau, một chòm mọc ở phương đông, còn một chòm mọc ở phương tây; một chòm mọc buổi tối, còn một chòm mọc lúc trời rạng sáng. 
Tóm lại,chẳng bao giờ chúng gặp nhau. Ám chỉ sự trở ngại, cách biệt.
Sao Sâm và sao Thương còn được gọi là sao Hôm và sao Mai.
Trong truyện Kiều, có câu 2329:
Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân.
***
Bài cảm tác từ ảnh:
Bắt gặp bài thơ lục bát 4 câu của Kim Oanh "Hiu Hắt Lối Xưa", qua hình ảnh chụp của Paull Minh quá đẹp.
Anh Song Quang cảm xúc nên 8 câu cho đầy đủ ý nghĩ của anh và cho anh Song Quang cám ơn Nhiếp ảnh gia Paull Minh và chúc nhiều sức khoẻ để phục vụ nghệ thuật.

Nắng vàng tỏa sáng hèn chi!
Ngàn tia rọi chiếu thào thì rừng thông
Đường mòn gợi dấu tơ lòng
Cỏ xanh mơn mởn xa trông sương mờ
Cảnh xưa vắng lặng như tờ
Tình thơ sao chẳng đợi chờ cùng ta??
Để sầu riêng xót lệ nhòa
Rừng chiều xao xác nắng tà bâng khuâng!

Song Quang
11/17/17
***
Xuyên Rừng Thông

Đường xưa còn đó nói chi
Hừng đông gió chẳng rù rì rừng thông
Sương tan dần cũng ấm lòng
Lối mòn hiu hắt người mong kẻ chờ...

Mai Xuân Thanh
Ngày 25 tháng 11 năm 2017

Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

Thơ Tranh: Petruský Trường Xưa


Thơ: Trầm Vân
Thơ Tranh: Kim Quang

Lên Xuống Dốc Đời



Trên đường thẳng thời gian vô biên giới,
Kiếp con người chỉ một chấm nhỏ nhoi.
Vậy mà sao người ta cứ mãi đua đòi,
Làm chi nữa cho đời thêm ngắn ngủi?
Hãy thư thả mặc cuộc đời dung ruổi,
Mặc bước đi xuống dốc như chạy nhanh.
Cứ tưởng như mình tóc hãy còn xanh,
Đầu có bạc nhưng lòng son chẳng bạc.

Cố Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm

Ơn Thầy



(Tặng thầy cô giáo nhân ngày 20 /11)

Những chuyến đò ngang đậm nghĩa nhân
Đưa thuyền thế hệ cập mùa xuân
Chèo khua tri thức xanh hồn nước
Mái đẩy tương lai mộng đến gần
Gỏ nhịp mạn thuyền vang bốn hướng
Hát cùng sông núi khúc canh tân
Dù bao gian khó lòng không nại
Khắc cốt trong lòng một chữ tâm.


Bằng Bùi Nguyên

Bồi Hồi Ngày Nhà Giáo Về



Nhớ trường nhớ biếc khoảng trời
Ngày Nhà Giáo đến bồi hồi lòng ta
Mùa xuân chừng đến an hòa
Tháng Mười Một đẹp trổ hoa trong lòng
Tìm về kỷ niệm nhớ mong
Những tà áo lượn tuổi hồng thơ ngây
Mắt trong veo ước mơ đầy
Quần xanh, xanh cả tháng ngày tươi vui
Nhớ làm sao những tiếng cười
Líu lo chim hót, nắng rơi nhẹ nhàng
Nhớ vòng qua dãy hành lang
Tóc dài tóc ngắn sắp hàng lô nhô
Dịu dàng là tiếng thầy cô
Vui đùa tinh nghịch bóng trò mến thương
Nghiêng xanh hàng điệp mái trường
Đỏ lên cánh phượng nỗi buồn hè qua
90 ngày lớp cách xa
Ngả nghiêng con gió la đà về đâu
Tiếng ve thắc thỏm rơi sầu
Tiếng chim hót nối theo nhau gọi người
Bạn trò giờ ở trăm nơi
Vẫn dìu thương nhớ về ngồi lớp yêu
Mưa thương, giọt nắng hồng treo
Biết bao kỷ niệm sáng chiều gọi tên
Ngày Nhà Giáo đến êm đềm
Vần thơ thương gửi cánh nghiêng nghĩa tình
Cùng nhau mở cửa bình minh
Cõi lòng lấp lánh bóng hình trường xưa

Trầm Vân

Một Thời Tươi Đẹp - Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô



Kính gửi Vườn Thơ Thẩn
Kính Quý Thầy và Anh Chị Em

Ngày mai 20/11/2017. Ở VN gọi là Ngày Nhà Giáo với ý nghĩa là ngày thể hiện lòng tri ân của học sinh đối với những Thầy Cô là những người đã từng có thời gian làm nghề dạy học. 
Thắng cũng mượn ngày này để làm ngày tri ân vị Thầy kính yêu của mình là Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Lộc bút danh Mailoc.

Đồng thời Thắng cũng nói lên lòng tri ân đến Quý Thầy và Anh Chị Em trong Vườn Thơ Thẩn đã  hành nghề giáo một thời qua mà Thắng được biết như Thầy Phạm Khắc Trí, Thầy Trầm Vân, Sư huynh Đỗ Chiêu Đức, Sư huynh Quên Đi, Sư tỉ Phương Hà, Sư tỉ Kim Phượng .... 
Chúc Quý Thầy giáo, Cô giáo trong Vườn Thơ Thẩn một ngày vui trọn vẹn 

Mai Thắng


20.11.2017



Bài Xướng: Một Thời Tươi Đẹp
Đêm nay khó ngủ thức bên đèn
Nhớ lại một thời với bảng đen
Nhiều bạn lo toan tìm bước tiến
Còn mình lặng lẽ chẳng bôn chen
Ngôi trường nho nhỏ bao tình nghĩa
Đám trẻ xinh xinh những búp sen
Cửa Khổng sân Trình vui với nghiệp
Còn đâu tính toán chuyện sang hèn.

Quên Đi
Viết về nghiệp giáo ngày xưa.
***
Lương Tâm Nhà Giáo

Thức soạn bài khuya dưới ánh đèn
Một mình cặm cụi giữa đêm đen
Nội dung truyền đạt cần phong phú
Hình thức trình bày chẳng gạch chen
Thương trẻ cuộc đời như giấy trắng
Giữ mình tư cách tựa hoa sen
Bao năm tận tụy đưa thuyền chữ
Thắp sáng tương lai thoát đói hèn.


Phương Hà
***
Ông Giáo

Ông giáo đêm đêm dưới ngọn đèn
Soạn bài bóp trán giữa màn đen.
Mái trường con trẻ hằng thương mến,
Chức tước quyền hành chẳng dám chen.
An phận mái nghèo vui chữ nghĩa
Không màng ruộng cả mặc ao sen.
Oai hùng lịch sử ngàn năm dạy
Mất nước vì đâu cũng bởi hèn.

Mailoc***
Cửa Khổng Sân Trình - (Tôn Sư Trọng Đạo)

Thầy hay trò giỏi lớp chong đèn
Mưa gió ngoài trời thấy tối đen
Sư Phạm đương nhiên theo nghiệp dĩ
Học sinh tất yếu phải chân chen
Trai tài chăm chỉ xuân mai trúc
Gái sắc siêng năng hạ cánh sen
Cửa Khổng ba ngàn môn đệ giỏi
Sân Trình thông thái chẳng ai hèn

Mai Xuân Thanh
Ngày 19 Tháng 11 Năm 2017
***
Quyết Theo Nghề

Nghề giáo luôn theo dưới ánh đèn,
Moi tim vắt óc suốt đêm đen.
Yên thân hít bụi phấn không nản,
An phận gỏ đầu trẻ chẳng chen.
Ta dại ta vui cùng phấn bảng,
Ai khôn ai ghét chốn bùn sen ?
Giữ lề giấy rách tiên là lễ,
Dứt cháo tháo giầy quyết chẳng hèn !


Đỗ Chiêu Đức
***
Chức Năng Nhà Giáo

Giáo án canh khuya soạn dưới đèn
Một mình cặm cụi giữa đêm đen
Sân Trình mong mỏi truyền lưu lại
Cửa Khổng ước mơ nối gót chen
Phấn trắng,học trò luôn gắn bó
Mái trường,sách vỡ khó ai xen *
Đâu màng chức tước hay vàng bạc
Chẳng ngại công danh hoặc thấp hèn

Song Quang
11/20/2017
(Nhớ về những người thầy cô năm xưa)
*** 

Cảm Xúc Nhân Ngày Nhà Giáo 11/20

Một ngày về chốn cũ
Thăm lại vỉa hè xưa
La cà ngồi quán nước 
Đầy thềm nắng đong đưa
Điếu thuốc lào không hút
Mà sao khói vắt vai 
Cốc chè vối đã cạn
Nào đâu bóng hình ai
Xa nhau từ thu ấy 
Đau đáu nỗi đợi chờ 
Sáu chục năm cách biệt
Một đời tôi bơ vơ 

(Khói Vắt Vai -PKT- Hà Nội 12/08/2016) 

Vâng , quả tình là bơ vơ nhưng cô đơn thì không phải ̣ Không phải là nỗi cô đơn của Trần Tử Ngang (651-702) như trong bài Đăng U Châu Đài Ca.   
Tiền bất kiến cố nhân
Hậu bất kiến lai giả 
 Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế há ̣ 
Nhìn trước , người xưa không thấy 
Ngó sau , chẳng có ai chờ 
Lạc lõng giữa trời thiên cổ
Một mình đứng khóc vu vơ ̣ 

Quanh tôi, dù đã nhiều đổi thay dâu bể, cho đến bây giờ, ơn phước, vẫn còn thân thuộc gia đình, bằng hữu, và đám học trò xưa của một quãng đời nhà giáo trung học bên nhà từ 1955 đến 1975 ở Sa Đéc và Cần Thơ ̣ 
Đôi lời vụng của tuổi 84 này, viết ra từ cảm xúc, nhân ngày nhà giáo 11/20, để tỏ lòng biết ơn và cám ơn các chân tình nhận được ̣ 
Cầu chúc an lành ̣ 
Trân trọng 
Phạm Khắc Trí 
11/21/2017 

Tuần Báo Đặc Biệt: Nhớ Ơn Thầy 1971

(Bìa báo Thiếu Nhi số 109 -  Tranh bìa: Nhất Tự Vi Sư)

Ngày xưa, mặc dù không có Ngày Nhà Giáo 20-11 nhưng học sinh và mọi người đều được giáo dục về việc nhớ ơn thầy cô bằng nhiều hình thức, trong đó có ngày Kỷ niệm lễ KHỒNG TỬ - người được suy tôn như một trong những nhà khai sáng Nho giáo, đồng thời là giảng sư và triết gia lỗi lạc bậc nhất cõi Á Đông. Trí tuệ và công đức của ông được đúc kết trong mỹ tự VẠN THẾ SƯ BIỂU hoặc ĐẠI THÀNH CHÍ THÁNH TIÊN SƯ.

 (Bài Học thuộc lòng: Ơn Thầy của Khánh Linh.
 Trích trong Tập đọc lớp Nhì - Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH xuất bản năm 1969) 

• Nguồn: Nguyễn Trọng Tuấn
Tống Ngọc Nhan sưu tầm


Đôi Bạn

Hôm nay 20/11 Ngày Nhà Giáo Việt Nam.Kính chúc quý Thầy Cô đang dạy và đã về hưu nhiều niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc.



Bài Xướng: Đôi Bạn

Hai người vẫn có một niềm vui
Nét chữ , đường cưa đủ ngọt bùi
Bạn mãi say cùng trang giấy mỏng
Tôi còn chết bởi nghiệp dùi cui
Nhiều hôm tủi phận nằm ôm gối
Lắm bữa buồn thân lại ngủ vùi
Mượn đỡ đôi dòng thơ ngắn ngủi
Mong bày tỏ được nỗi lòng tui 


LCT
19/11/2017
***
Bài Họa:
Bỏ Dỡ


Nghiệp giáo xưa vào chẳng nếm vui
Đành buông bỏ lúc chửa nêm bùi
Nhà nông đã nếp về thui thủi
Đất ruộng theo nề lại cút cui
Ậm ự ngày qua buồn dập xuống
Leo nheo tháng tận khổ chôn vùi
Thời bao cấp ấy như bèo bọt
Cả nước riêng nào chỉ phận tui


Lý Đức Quỳnh
***
Vận Số

Đầu trẻ gõ hoài có thấy vui ?
Ngày xưa tình nghĩa ngọt thêm bùi
Trò mô lỗi phép cho vài vọt
Đứa nớ buông tuồng vụt mấy cui
Học lễ bây gời câu chuyện nhảm
Hành văn thuở trước củ khoai vùi
Tôn sư trọng đạo câu đầu lưỡi
Nên chẳng vận vào cái số tui !
Phan Tự Trí

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Tuyết Đông - Thơ: Hồng Thúy, Nhạc QuýDenver, Lâm Dung, Hùng Đặng


Thơ:Hồng Thúy 
Nhạc: QuyDenver 
Ca sĩ và Hòa âm: 
Lâm Dung PPS:Hùng Đặng

Được Mùa



(Thuận Nghịch độc)

Chiều rợp lúa khoe cảnh được mùa
Bước đều trâu giục mõ vang khua
Xiêu nghiêng gánh nặng vai chàng níu
Tỏa ngát hương thơm rạ nắng lùa
Kiều lẩy khúc xưa lời lại hát
Sáo ngân trời lộng gió cùng đua
Phiêu bồng giấc mộng đời no ấm
Diều thả trẻ chơi thỏa cợt đùa.

Nghịch:

Đùa cợt thỏa chơi trẻ thả diều
Ấm no đời mộng giấc bồng phiêu
Đua cùng gió lộng trời ngân sáo
Hát lại lời xưa khúc lẩy Kiều
Lùa nắng rạ thơm hương ngát tỏa
Níu chàng vai nặng gánh nghiêng xiêu
Khua vang mõ giục trâu đều bước
Mùa được cảnh khoe lúa rợp chiều.

Nguyễn Gia Khanh
***
Chiều Quê

Thuận:

Chiều tung cánh lộng ngát thơm mùa
Lãng gió rong trời vút mõ khua
Xiêu bóng nhật tà huy ánh cuộn
Xõa mây vành biếc sóng vân lùa
Kiều thư ấm khúc,nương lòng cảm
Thánh điển vui đời,mặc lợi đua
Phiêu ý quảng tình quê lắng đượm
Diều bay lượn thỏa cứ chơi đùa

Nghịch:

Đùa chơi cứ thỏa lượn bay diều
Đượm lắng quê tình quảng ý phiêu
Đua lợi mặc đời,vui điển Thánh
Cảm lòng nương khúc,ấm thư Kiều
Lùa vân sóng biếc vành mây xõa
Cuộn ánh huy tà nhật bóng xiêu
Khua mõ vút trời rong gió lãng
Mùa thơm ngát lộng cánh tung chiều

Lý Đức Quỳnh
***
Bóng Mùa Sang

Chiều mưa xứ lạ cảnh sang mùa
Thúc hối lòng tìm vẵng lặng khua
Xiêu đổ trời mây hồng thắm sắc
Ngã nghiêng bóng nắng ngập hơi lùa
Kiều yêu thuở đấy tình thương xót
Nguyệt nhớ thời nào dáng lẵng đua
Phiêu phiếu nổi trôi đời bạc phước
Diều diêu tưởng ngỡ chuyện như đùa.

Nghịch:

Đùa như chuyện ngỡ tưởng diêu diều
Phước bạc đời trôi nổi phiếu phiêu
Đua lẵng dáng nào thời nhớ Nguyệt
Xót thương tình đấy thuở yêu Kiều
Lùa hơi ngập nắng bóng nghiêng ngã
Sắc thắm hồng mây trời đổ xiêu
Khua lặng vẵng tìm lòng hối thúc
Mùa sang cảnh lạ xứ mưa chiều

Hải Rừng

Tặng Hoa Viếng Cảnh



(Bài Họa)

Anh tặng em yêu một đóa hồng,
Với lòng quý mến thật mênh mông.
Trước kia đã viếng nơi vùng thấp,
Giờ lúc đi thăm chỗ đất vồng.
Thắng cảnh, danh lam tùy thích ngắm,
Kỳ quan thế giới mặc tình trông.
Trời xanh, mây trắng hương quyện gió,
Em nhận mỗi ngày một thứ bông.

Khôi Nguyên

Duyên Thắm Tình Thơ



Duyên Thắm Tình Thơ
Thể Áp cú

Như xưa tài tử vẫn hằng mơ
Mơ gặp giai nhân thỏa ý chờ
Chờ áng Đường Thi xây giấc mộng
Mộng vần Lục Bát kết duyên thơ
Thơ màu mực tím: lời giao ước
Ước hẹn tình xanh: chuyện tóc tơ
Tơ Lão âm thầm xe chỉ thắm
Thắm nguồn hạnh phúc, đẹp vô bờ.

Thy Lệ Trang
***
Bài Họa:
Thể Áp cú

Thương nhớ canh trường dạ ước mơ
Mơ ai viễn xứ mãi trông chờ
Chờ khi trọn nghĩa nơi cầu đợi
Đợi lúc vẹn tình chốn bến thơ
Thơ thẩn nhớ người khi hí hững
Hững hờ thương bạn lúc so tơ
Tơ hồng nguyệt lão xe sai mối
Mối lạc xa khơi- mối tựa bờ.


Ngọc Ẩn Nhi Huyền
2013