Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2022

Sao Em Trách Mùa Thu - Thơ Ngọc Quyên - Nhạc Sĩ Quốc Thái Ca Sĩ Kim Ngân


Thơ: Ngọc Quyên  
Nhạc Sĩ: Quốc  Thái 
Ca Sĩ: Kim Ngân
Thực Hiện: Duy Quang

Soi Vừa Sáng

 

Thơ & Trình Bày: Aí Nghi


Hốt Sầu

  

Chiều ra hốt lá vườn sau
Hốt sao cho lá vàng mau hết sầu.
Lá sầu hay tại thu sầu?
Thu sầu hay tại giang đầu, bến xưa


Cao Vị Khanh

Vô Đề


... Cứ mỗi vào thu mùa lá đổ
Vàng bay xác lá rụng đầy sân
Nhẹ tay nhặt lá khô từng chiếc
Chợt thấy thời gian nhích lại gần ...

Nguyễn Vĩnh Long

Mưa Gió

 

 
Gió mưa tạt vào khung kính cửa sổ
Từng hạt mưa lỗ chỗ mờ chân mây
Ngoài sân lá rụng vàng bay tan tác
Em ngẩn ngơ ngắm trời mưa gió bay.

Ngoài kia mưa gió sụt sùi thương nhớ
Dáng em buồn im lặng lắng tai nghe
Tiếng chim kêu lạc loài vang tiếng gọi
Dáo dác đi tìm mời gọi nhau về.

Lê Tuấn

Albert Camus, Cây Bút Găn Bó Với Đời Sống Thế Gian - (Phần Cuối)


II. - Albert Camus, Cây Bút Gắn Bó Với Đời Sống Thế Gian

Albert Camus không thuộc loại nhà văn thích dậm chân tại chỗ, chỉ biết nhai đi nhai lại mỗi một chủ đề với những lập luận cũ rích và một mớ từ ngữ công thức sao mòn. Theo dõi các tác phẩm ông lần lượt cho ra đời, ta thấy có một quá trình chuyển biến tâm tư theo dòng thời sự. Ta có thể cảm nhận điều này qua bài tựa ông viết để thêm vào cho cuốn L'Envers et l'Endroit trong ấn bản Camus - Toàn bộ gồm hai tập trong Tủ sách Bibliotheque La Pléiade do nhà xuất bản Gallimard án hành năm 1956.

Với bài tựa cho cuốn L'Envers et l'Endroit, Camus như muốn ta cùng ông làm cuộc hành hương về nguồn, cái nguồn trong lành như dòng sữa mẹ đã dìu dắt ông và nuôi dưỡng ông, giúp ông giữ được nguồn cảm hứng nguyên thủy trong suốt cuộc đời viết văn của mình. Như ông đã bày tỏ ngay trang đầu của bài tựa: "Mỗi nghệ sĩ đều giữ trong tâm khảm một nguồn cảm hứng duy nhất đã nuôi dưỡng suốt cuộc đời viết văn của anh ta ... Về phần tôi, tôi biết rằng nguồn cảm hứng ấy nằm trong L'Envers et L'Endroit, trong cái thế giới bần hàn nhưng chan hòa ánh sáng đã giúp tránh khỏi hai mối đe dọa đối nghịch nhau với mọi nghệ sĩ, đó là mối hậm hực và lòng tụ mãn."* (Chaque artiste garde (ainsi), au fond de lui, une source unique qui alimente sa vie ce qu'il est et ce qu' il dit... Pour moi, je sais que ma source est dans L' Envers et l' Endroit, dans ce monde de pauvreté et de lumière où j' ai longtemps vécu et dont le souvenir me préserve de deux contraires qui menacent tout artiste, le ressentiment et la satisfaction. (Albert Camus - ESSAIS - L'Envers et l'Endroit, préface.- Bibliothèque La Pléiade, Gallimard 1956, p. 5 et 6). Tâm tình này, với ta, có thể là một nghịch lý, Nhưng phải là Camus và ở cảnh ngộ của ông, ta mới hiểu được.

Sinh ra ngày 7-11-1917 tại Belcourt, một khu phố bình dân lao động thuộc thành phố Alger trong một gia đình bần hàn. Cha ông là một thợ nông nghiệp, còn mẹ ông là một di dân gốc Tây Ban Nha lại thất học nên chỉ làm công việc của một femme de ménage, tức là phụ trách công việc trông nom nhà cửa và bếp núc cho các gia đình giàu có. Đã thế ông lại không may mắn sớm mồ côi cha, vì cha ông bị động viên và tử thương trong một trận đánh tại Marne ở Pháp. Trường hợp là tôi, chắc tôi không khỏi vò tai rứt tóc để la làng : tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu. Nhưng Camus không hề cảm thấy như vậy, vì ông có được bà mẹ hiền hết lòng thương nên tận tụy lo cho ông và người anh được cắp sách đến trường như những đứa trẻ khác. 
Hết trung học, lẽ ra ông phải tiếp tục nghề của cha theo quyết định của ông cậu với quan niệm truyền thống gia đình: Con vua thì lại làm vua, là con thầy chùa về quét lá đa. Nhưng ông may mắn gặp được ông thầy giàu lòng nhân ái là Louis Germain, thấy ông học hành chuyên cần lại có năng khiếu nên can thiệp với gia đình và xin học bổng giúp ông ăn học lên tới đại học. Nhờ vậy mà trong những buổi cắp sách đến trường, ông còn được sống những giờ phút hồn nhiên vô tư trong những trò chơi lành mạnh với những bạn bè cùng lứa tuổi. Thêm vào đó, ông còn có thời gian rảnh rỗi đến thăm các địa danh mang tên Djémila, Tipaza mà người đời mấy ai thèm biết đến. Nhưng với ông đây cũng là những giây phút hạnh phúc vì ông được làm những cuộc giao duyên (Noces) với cảnh đẹp thiên nhiên, bên trên là bầu trời rộng bao la phía dưới là nước biển màu xanh biếc với tiếng sóng rạt rào. Trong khung cảnh đó, ông còn có dịp tới viếng thăm các di tích lịch sử điêu tàn đầy cỏ mọc, nhưng với ông lại là cơ hội để làm quen với của các nền văn minh La - Hy cổ xưa. 
Trong khung cảnh sinh hoạt ấy, ta mới hiểu tại sao ông cảm thấy hài lòng được sống giàu sang hạnh phúc như ông đã tâm tình cùng ta: " Sự nghèo khó, trước hết, với tôi, không hề là một điều bất hạnh : ánh sáng tràn lan sự giàu sang trên đó... Đôi khi tôi gặp được những người sống giữa những tài sản tôi không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên tôi phải cố gắng để hiểu tại sao người ta có thể ham muốn các tài sản dó... Sự xa hoa nhất, với tôi, đều trùng hợp với một sự túng thiếu nào đó). (La pauvreté, d' abord, n'a jamais été un malheur pour moi: la lumière y répandait sa richesse... Je rencontre parfois des gens qui vivent au milieu des fortunes que je ne peux pas imaginer. Il me faut cependant un effort pour comprendre qu' on puisse envier ces fortunes... Le plus grand des luxes n'a jamais cessé pour moi avec un certain dénuement. Sdd, tr 7) Câu chót này có vẻ là một nghịch lý, Nhưng với Camus, điều này có nghĩa là những kẻ càng được sống trong cảnh giàu sang nhung lụa bao nhiêu, họ lại càng sống xa rời với thế giới con người và thế giới tự nhiên bấy nhiêu. Như con chim quen hót trong lồng son không biết hưởng cái hạnh phúc được sống tự do bay lượn giữa bầu trời trong xanh lồng lộng. Vậy khu phố Belcourt lao động bình dân đã trở thành một góc thiên đường với Camus là thế đó. Đồng thời nó cũng cho hiểu vì sao Camus, tuy có chuyển biến tâm tư, nhưng vẫn trung thành với nguồn cảm hứng ban đầu.

Nhưng trên cõi đời này có cái gì tồn tại vĩnh viễn đâu? Cũng như có bông hồng tươi thắm nào sớm mai chớm nở mà tôi lại chẳng phai ... tàn ? Thoạt nghe có vẻ cải lương hơi sến một chút đấy. Nhưng với Camus lại đúng là vậy. Đang sống vui hạnh phúc với khu phố nghèo nàn nhưng ấm áp tình người và chan hòa ánh sáng ấy, thì Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ. Trước những cảnh chết chóc tang thương, đổ vỡ hoang tàn, ông nay cảm thấy như ông A Dong và bà E Và bị bứng ra khỏi vườn địa đàng. Chỉ có điều khác biệt: ông A Dong và bà E Và vì lỡ nghe theo lời súi dại của con rắn độc. Còn mối bất hạnh của Camus là do tham vọng muốn thay đổi thế giới để làm nên lịch sử của một vài nhân vật. 

Thế là trước mắt Camus, nay bỗng dựng lên bức tường phi lý dày đặc bóng tối. Vậy ta phải đối đầu với phi lý sao đây? Câu chuyện về nhân vật huyền thoại Sisyphe đã chỉ dẫn Camus con đường tìm ra câu giải đáp: Đó là bằng thái độ phản kháng để bày tỏ quyết tâm không cam phận, phục tùng, chứ không phải bằng sự nổi loạn bạo động để phủ nhận với tham vọng thay đổi trật thế giới. Camus đã chia xẻ cùng ta con đường ông chọn để đương đầu với phi lý qua ba tác phẩm tiêu biểu như sau: Caligula, La Peste (Dịch Hạch) và Les Justes (Những kẻ Công Chinh).


Là một bạo Chúa trong lịch sử La Mã, Caligula khét tiếng là hiếu sát vì ra lệnh giết người vô cớ và vô luân vì ăn nằm chung chạ với Drasuila, em gái ruột và cũng là người tình ông thương mến nhất. Tuy nhiên mở đầu vở kịch, Caligula lại xuất hiện như là một ông vua nhân hậu, khoan dung, có triển vọng trở thành một đấng minh quân. Chỉ sau cái chết bất ngờ của Drasuila, Caligula mới biến thành bạo chúa với những sở thích độc địa, tùy hứng như tùy ra lệnh giết người vô cớ hay bắt quần thần đi lấy mặt trăng về làm đồ chơi. Sự thay đổi tính tình đột ngột này của Caligula khiến đám quần thần ngơ ngác. Chỉ riêng Caligula mới hiểu được nguyên nhân khi một mình lẩm bẩm: "Mọi người đều chết và không có hạnh phúc " (Les gens meurent et ils ne sont pas heureux - CALIGULA - Acte I, sc. 4 Coll. Folio Gallimard 1950 p. 27 ) Vậy là cái chết của Drasuila đã làm Caligula tỉnh mộng, không còn nuôi ảo tưởng gì về cuộc sống thế gian. Do đó ông ta mới đột ngột thay độ tính tình. Một phần vì nổi loạn, muốn thay đổi thân phận con người mà ông ta cho là phi lý. Phần khác là để thức tỉnh những ai còn nuôi ảo tưởng về hạnh phúc trường cửu trên đời này. Nhưng thái độ nổi loạn ấy chỉ là nỗ lực vô ích. Cuối cùng chính Caligula lại trở thành nạn nhân cho khát vọng ảo tưởng đó.

Đối nghịch với Caligula, chúng ta có bác sĩ Rieux trong La Peste. Tuy không nuôi ảo tưởng gì về thân phận phi lý con người. nhưng không vì thế mà Rieux cho là cuộc sống trên thế gian là vô nghĩa, là không đáng sống. Bởi vậy ông không nuôi tham vọng làm một người hùng hay nhân vật thần thánh nào đó để thay đổi bộ mặt thế gian. Tâm sự đó, ông đã chia xẻ cùng ta như sau: "Tôi không có sở thích với chủ nghĩa anh hùng hay thánh thiện. Điều làm tôi quan tâm, ấy là được làm con người". (Je n'ai pas de gout pour l'héroïsme ou la sainteté. Ce qui m'intéresse, c' est d'être un homme. La Peste - Gallimard 1967 Coll. Folio, p.230 ) Chỉ muốn được làm được người, bởi vì Rieux đã tìm ra được lẽ sống bằng cảm thông (compréhension) với đồng loại cùng chung cảnh ngộ như mình, lấy việc chia xẻ buồn vui với họ làm lé sống. Bởi vậy ông mới có tinh thần phục vụ cao, hết lòng chăm lo sức khỏe cho mọi người. Và Rieux không hề cảm thấy cô đơn khi thấy có nhiều người cùng mang tâm trạng như mình. Thí dụ như trường hợp phóng viên Rambert của một tờ báo Paris, Được phái tới công tác tại Oran, một thành phố của Algerie. chẳng được bao lâu thì có lệnh phong tỏa do bệnh dịch hạch ra tay hoành hành. Tự cho mình không có liên hệ gì với thành phố này nên lúc đầu Rambert tìm mọi cách trốn ra ngoài để trở về với người yêu ở Paris. Trong khi chờ được cơ hội, Rambert nhận làm phụ tá cho Rieux, đồng thời để nhờ bác sĩ lấy uy tín giúp anh ta có phương tiện đào tẩu. Nhưng khi gặp được thời cơ , phút chót Rambert lại quyết định không trốn đi. Trước cái nhìn thắc mắc dò hỏi của Rieux, Rambert chỉ ngắn gọn trả lời :" Thật là một điều tủi hổ khi chi lo hạnh phúc cho riêng mình" (Il ya honte à être heureux tout seul. Sdd, tr. 190 ) Sự thay đổi thái độ của Rambert giúp ta hiểu được tại sao Rieux lại gắn bó với cuộc sống thế gian và chỉ muốn được là con người. Như ông ta đã nhận định trong phần chót của câu truyện: " Trong những cơn đại dịch ta lại thấy nơi con người nhiều điều đáng chiêm ngưỡng hơn là để khinh bỉ." ( On apprend au milieu des fléaux, qu'il y a plus de choses à admirer que de choses à mépriser". Sdd. tr. 279)

Nhưng tai họa thế gian không chi do dịch bệnh hay biến động thiên nhiên, mà còn do những kẻ ôm mộng hoang tưởng cải tạo thế gian như Caligula. Bởi vậy cũng có lúc con người thấy phải ra tay hành động. Không phải để thay đổi thế gian, mà là để thay đổi cuộc sống, Đó là trường hợp của Kaliaev hay Yanek trong vở kịch Les Justes (Những kẻ công chính) (1). Là thành viên của một tổ chức hoạt động bí mật nhằm lật chế độ Nga hoàng chuyên chế áp bức, Kaliaev được tổ chức giao cho sứ mạng ôm bom lao vào chiếc xe của quận công Serge, một cận thần của Nga Hoàng, để sát hại ông ta. Bất ngờ đúng ngày phải ra tay hành động, trên xe lại có hai trẻ nhỏ là những đứa cháu của quận công, Thấy không thể bắt những đứa trẻ trở thành nạn nhân vô tội, Kaliaev đành ôm bom trở về. Kaliaev liền bị Stepan, một thành viên quá khích trong tổ chức, lên án là hèn nhát và phán rằng đã làm cách mạng thì không có giới hạn. Kaliaev đã thẳng thắn đáp trả: "Tôi chấp nhận giết người là để lật đổ chuyên chế. Nhưng đằng sau điều anh vừa nói, tôi lại thấy báo hiệu một nền chuyên chế mới mà, nếu trở thành hiện thực, nó sẽ biến tôi thành một tên sát nhân trong khi tôi chỉ muốn làm kẻ thi hành công lý." (J'accepte de tuer pour renverser le despotisme. Mais derrière ce que tu dis je vois annoncer un despotisme qui, s'il s'installe jamais, fera se moi un assassin alors que j'essaie d'être un justicier. Les Justes, Acte II, p. 63 * Folio). Ba ngày sau, gặp quận công một mình trên cỗ xe, Kaliaev đã quyết đinh hi sinh ôm bom phóng vào để hoàn thành sứ mạng.
Mấy nhân vật biểu tượng trong ba tác phẩm nêu trên cho thấy sư chuyên biến tâm tư nơi Camus không hề là một tách lìa với nguồn cảm hứng nguyên thủy. Nó chỉ là kết quả, của một sự trưởng thành trong khói lửa, theo cách nói của dân lính tráng miền Nam chúng tôi trước đây. Cũng nhờ có được sự trưởng thành trong khói lửa ấy, Camus mới ý thức được vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ nói chung, người cầm bút nói riêng trước diễn biến lịch sử. Và ông đã làm sáng tỏ ý thức này về vai trò của người làm công tác văn học nghệ thuật trong hai bài diễn từ đọc tại thủ đô Stockholm nhân dịp tới nhận giải thưởng văn học Nobel.


Trong bài diễn từ đọc ngày 10 -10- 1957 để nhận giải, Camus đã nói lên nỗi bàng hoàng xúc động khi được biết trao tặng giải thưởng cao quý này. Ông cho rằng sở dĩ ông được cái vinh dự cao quí đó là do ông đã thực hiện đúng vai trò và trách nhiệm của người làm văn học: đó là không dùng ngòi bút để phục vụ những kẻ muốn làm nên lịch sử, mà phải phục vụ những kẻ là nạn nhân của những tham vọng làm nên lịch sử. Với Camus đó chính là một chức năng cao quý nhưng khó khăn, đòi hỏi người cầm bút phải tôn trọng hai điều cam kết không phải dễ dàng. Đó là: không dối trá về những gì mình biết và chống lại sự áp bức. Trách nhiệm và vai trò này, ông đã dành cho buổi nói chuyện ( conférence) tại đại giảng đường đại học Upsal ngày 14 - 12 - 1957 để trình bày làm sáng tỏ. Bài nói chuyện khá dài. Tôi xin chỉ tóm lược những điểm chính như sau.

Mở đầu bài nói chuyện, Camus đã mượn lời một hiền triết đông phương mỗi ngày đều cầu nguyện thần linh tránh cho ông ta khỏi phải sống trong một thời đại đáng chú ý. Nhưng Camus lại cho rằng thế hệ ông không có may mắn nên phải sống trong một thời đại đáng chú ý với hai cuộc Đại Thế Chiến xảy ra. Trước những cảnh tượng chết chóc đau thương va đổ vỡ điêu tàn, Camus cho rằng nhà văn có ý thức trách nhiệm không thể tiếp tục giam mình trong tháp ngà để tìm lời hoa mỹ ca ngợi trăng sao hay kể những câu chuyện tình mùi mẫn ướt át. Anh ta phải coi mình như kẻ đã "bước xuống tàu", hay " embarqué" theo từ sử dụng Camus. "Bước xuống tàu" hay "embarqué" không đồng nghĩa với "dấn thân" hay "engagé". Dấn thân có thể là hành động hào hiệp của một kẻ ngoại cuộc giữa đường thấy sự bất bình mà tha. Nhưng dấn thân đôi khi cũng nghĩa là do quá nhiệt tình hay đam mê mù quáng nên trở thành một kẻ cuồng tín, dù là cho một tín ngưỡng, chủ nghĩa hay ý thức hệ. Nhìn vào những cuộc tranh chấp, chém giết nhau đang còn diễn ra giữa các bè nhóm, phe phái trong cùng một cộng đồng,cùng một dân tộc hay cùng một tôn giáo, ta thấy hành động dấn thân có thể dẫn đến hậu quả tai hại như thế nào. Còn bước xuống tàu, trái lại theo Camus, một thái độ khiêm tốn hơn chỉ nên coi như là thi hành một nghĩa vụ quân sự (ll s'agit plutôt d'un service militaire). Điều này có nghĩa là người cầm bút ngày nay phải coi mình như đang trên một chuyến tàu gian nan gặp phong ba bão tố nên phải biết tham dự, đóng góp vào nỗ lực chung với khách đồng hành để giũ cho con tàu chao đảo khỏi bị chìm đắm. Là nhà văn, Camus cho rằng ông phải đứng ra đảm nhiệm hai nghĩa vụ rất khó khăn không dễ gì hoàn tất. Đó là : " Không dùng ngòi bút để phục vụ cho những kẻ ôm tham vọng làm lích sử. mà là phục vụ cho những kẻ phải hứng chịu lịch sử. Cho dù có mắc khiếm khuyết nào, thì sự cao quí của nghề viết văn phải đặt nền móng trên hai cam kết không dễ gì tôn trọng: không được dối trá về những điều mình được biết, và cưỡng lại sự áp bức. ( Il ne peut se mettre au service de ceux qui font l'histoire: il est au service de ceux qui subissent l' histoire. ... La noblesse de notre métier s'enracine dans deux engagements difices à maintenir: mentir sur ce que l'on sait et la résistance à l'oppression. - Discours de Suede. ESSAIS, Biblio. La Pléiade, p. 1072).

Muốn làm tròn hai nghĩa vụ khó khăn này, người nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng, cũng phải đáp ứng hai đòi hỏi khắt khe không kém. Trước nhất là phải quí trọng chữ nghĩa, tôn trọng sự trong sạch của chữ nghĩa. Các từ càng mang ý nghĩa cao đẹp bao nhiêu, ta càng phải đối xử thận trọng bấy nhiêu. Còn như sử dụng chúng một cách tùy tiện, ta dễ làm chúng bị hoen ố, trở thành cô gái điếm, chẳng khác chi gã sở khanh dùng lời đường mật gạt gẫm Thúy Kiều, để đẩy tấm thân ngà ngọc của nàng vào chốn thanh lâu cả. Tôi dùng hai chữ gái điếm để tạm dịch tù prostituer, Camus đã không ngại sử dụng hai lần trong bài viết của ông. " Ta không được biến vô tội vạ các từ thành những cô gái điếm. Ngày nay giá trị của từ tự do lại là giá tri bị làm hoen ô nhiều nhất" (On ne prostitue pas impunément les mots. La valeur la plus calomniée aujourd'hui est certainement la valeur de la liberté". Camus, ESSAIS, Discours de la Suède, Bibliothèque La Pléiade, p.1082). Rồi chỉ vài trang sau đó ông lại viết: " Chỉ khi nào từ tự do được trở thành mối hiểm họa, khi ấy nó mới hết mang thân phận gái điếm" ( Si la liberté est devenue dangereuse, alors elle est en passe de ne plus être prostituée. Sdd, tr. 1095). 

Với nhận định này, ý Camus muốn nhắc nhở ta rằng hai chữ tự do không phải là loại quà cho không biếu không, mà người thực sự yêu tự do đôi khỉ phải trả giá bàng chấp nhận bị đàn áp, tù đày của bản thân. Đó là trường hợp của các nhà đấu tranh tù nhân lương tâm tại các nước dưới chế độ độc tài toàn trị. Phát biểu trên cũng khiến ta không khỏi liên tưởng tới hai chữ tự do đã được một số người Việt ở hải ngoại suy diễn và sử dụng như thế nào. Được đến sống tại một quốc gia dân chủ tự do, họ cho rằng thế là từ nay mình có quyền tha hồ tùy tiện ăn nói. Ưa ai thì bốc lên tới trời xanh; còn ghét ai không tiếc lời nhục mạ. Thậm chí họ còn bóp méo sự thật, tung ra những nguồn tin thất thiệt, biến chúng thành những thuyết âm mưu nhằm gây chia rẽ, khích động hận thù, đôi khi còn nuôi dưỡng hận thù giữa một tập thể, một cộng đồng, thậm chi một dân tộc trong cùng một đất nước. Đám người này đâu có hiểu rằng tự do không phải là thứ quà tặng theo kiểu tình cho không biếu không, mà phải là biểu hiện cho sự trưởng thành của đời sống tâm linh nên bao giờ cũng cần được đi kèm với tinh thần trách nhiệm. Bởi vậy chỉ thực sự yêu tự do những ai đôi khi dám chấp nhận trả giá bằng chính bản thân mình. Thí dụ như những đấu tranh tù nhân lương tâm chẳng hạn.

Nhưng giữ cho ngòi bút được liêm khiết mới chỉ là điều kiện ắt có, chưa phải đã đầy đủ. Người cầm bút liêm khiết còn phải biết tránh để đừng sa vào một vài cái bẫy, để công trình nghệ thuật của họ không biến thành một thứ xa xỉ phầm dối trá (un luxe mensonger). Trước hết, theo Camus, chúng ta nay đã bước vào kỷ nguyên của xã hội mại bản (societe marchande),hay xã hội tiêu thụ ngày nay. Do đó mọi sản phẩm, kể cả sản phẩm văn hóa, đều có thể trở thành món hàng tiêu thụ chạy theo sở thích của khách hàng. Điều quan trọng với họ không phải là sáng tác có giá trị văn hóa, mà là các sản phẩm được giới tiêu thụ ưa thích. Với họ, miễn sao tên tuổi hay tác phẩm của mình được nhiều người nhắc đến hay biết đến mới là quan trọng. Họ không biết rằng thành công như thế chi làm chết đi con người nghệ sĩ chân chính nơi họ. Bởi vậy càng gặt hái được thành công về mặt danh vọng, tiền tài trên thị trường chữ nghĩa bao nhiêu , nhà văn càng đánh mất bản chất con người nghệ sĩ chân chính nơi mình, với kết quả là anh ta chỉ tung ra thị trường những sáng tác thuộc loại xa xỉ phẩm dối trá.

Bên cạnh cái bẫy do danh vọng tiền tài giăng ra. nhà văn cũng có thể sa vào một cái bẫy khác : Đó là uốn cong ngòi bút để dối trá, mua chuộc quyến thế, và bỏ qua những đòi hỏi chính đáng của quần chúng, Thí dụ như máy câu thơ của Tố Hữu bày tỏ lòng thương tiếc Staline được tôn lên hàng vĩ nhân: " Thương cha, thương mẹ, thương chồng. Thương mình thương một thương ông, thương mười" Đây chỉ là những câu thơ đầy dối trả nhằm phục vụ bạo quyền để mong hưởng được chút ân huệ. Như chúng ta đều biết, lich sử cho thấy Staline chỉ là một nhà độc tài khát máu đã sát hại hàng chục triệu nông dân Nga hoặc đày đọa họ trong các goulag hay trại tù tập trung. Lẽ ra Tố Hữu nên dành mấy câu thơ bày tỏ lòng thương tiếc ấy cho hàng chục triệu nông dân Nga đã là nạn nhân trong các cuộc thanh trừng của Staline mới phải.

Kết

Ngày 4 -1 -1960 Camus đã bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi khi ông mới có 47 tuổi. Cái chết bất ngờ và phi lý ấy không vì thế làm cho tên tuổi ông ngày một chìm trong quên lãng. Trái lại, các biến cố thời sự đang dồn dập diễn ra đã cho thấy tính hiện đại hơn bao giờ của thông điệp ông để lại cho chúng ta qua toàn bộ các tác phẩm của ông. Ta có thể tóm lược nội dung thông điệp ấy qua mấy điểm chính như sau: Cuộc sống trên thế gian không phải bao giờ cũng là một góc thiên đường như khu phố bình dân Belcourt ông đã từng được sống từ thời niên thiếu cho tới khi trưởng thành. Trái lại, các biến cố thiên tai cũng như các biến động lịch sử hiện nay, như bệnh dịch Covid-19 hay hiểm họa một cuộc thế chiến nguyên tử có thể xảy ra, đã làm ta nay không còn cái cảm giác an toàn của du khách trên tàu trong một chuyến du lịch nhàn hạ. Trái lại, con tàu thế gian của chúng ta nay đã trở thành một thứ con tàu say ( bateau ivre) chuếnh choáng điên đảo giữa một vùng trời đầy bão tố. Trong hoàn cảnh đó, Camus cho rằng mình cũng như mọi hành khách trên tàu, phải đóng góp vào nỗ lực chung để giữ cho con tàu khỏi bị dắm chìm. Nhưng chỉ với tư cách là người đã bước xuống tàu thôi. Đừng có tìm cách giành giựt tay lái để được làm người cầm lái vĩ đại khiến con tàu càng thêm dễ bị lật chìm. Bởi vậy, trong cương vị một nhà văn, Camus cho rằng vai trò của mình không phải đứng về phe những kẻ muốn làm nên lịch sử, mà về phía những người phải chịu đựng lịch sử.
Đây là một cuộc chiến đấu trường kỳ, vì con tàu thế gian không ngớt phải đương đầu với đủ mọi tai họa do đủ loại vi khuẩn gây ra. Mà loại vi khuẩn độc hại nhất lại do nơi con người, hay đúng ra là nơi những con người nuôi tham vọng cải tạo thế giới gây ra. Phải chăng đó chính là thông điệp Camus muốn nhắn nhủ và nhắc nhở chúng ta trong lời kết cuốn La Peste của ông:" Có thể sẽ có ngày, cho sự bất hạnh cũng như cho sự học hỏi của con người, dịch hạch sẽ đánh thức giậy những con chuột giúp họ được tới chết trong một chốn đô thi hạnh phúc." ( Peut - être, le jour viendrait où, pour le malheur et l'enseignement des hommes, la peste réveillerait ses rats et les enverraient dans une cité heureuse. LA PESTE, Folio, p. 279). Chôn đô thị hạnh phúc, với Camus và theo tôi hiểu, chính là cõi mà ở đó hết thảy mọi người, bất kể sang hèn, người chính trực kẻ bất lương, đều được dành cho một chỗ làm nơi ngàn thu an nghỉ.

Hàn Lâm Viện Thụy Điển quả đã không lầm để chọn mặt gửi vàng khi trao tặng cho Camus giải thưởng văn học Nobel cao quý này, như là để tưởng thưởng một công trình văn học " đã đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt cho lương tâm loài người của thời đại chúng ta". (Pour récompenser une oeuvre "qui met en lumière les problèmes se posant de nos jours à la conscience des hommes.) Thời đại của chúng ta không chỉ có là thế kỷ 20 của Camus, mà còn là thời đại ngay bây giờ, khi mà những con vi khuẩn thuộc loại bành trướng lãnh thổ hay muốn làm bá chủ thế giới đang ngo ngoe đòi ngóc cổ dậy.


( Bắt đầu hạ bút viết ngày 10-9-2022, viết xong ngày 8-11-2022)

Nguyễn Bảo Hưng

Xem toàn bài:



Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

Hoa Anh Túc Tưởng Niệm(Remembrance Poppy)*

 

Anh Túc lay lay dưới nắng chiều
Chiêu hồn tử sĩ cánh hoa yêu
Thắm màu sắc máu người nằm xuống
Tô điểm quê hương nét mỹ miều


Thơ & Ảnh : Kim Phượng 

* Hoa Anh Túc đỏ, loài hoa nhắc nhớ Ngày tưởng niệm( Remembrance Day), để tưởng nhớ những chiến sĩ vô danh đã ngả gục trong hai trận chiến tranh thế giới, kỷ niệm vào ngày 11 tháng11 hàng năm.

Gói Hành Trang


Hôm qua tôi đi dự Ngày giỗ Lính, tưởng niệm những chiến sĩ trận vong của VNCH đã hy sinh tại quê nhà cho lý tưởng tự do lần thư 20 trên đất Pháp, được cựu Đt Nhảy Dù, BS Hoàng Cơn Lân và cựu ĐT tỉnh trưởng Trần Đình Vị sáng lập và tổ chức. Buổi lễ thật long trọng với sự tham dự nhiều người đồng hương, nhất là giới trẻ. Trong đó có nhiều chính khách và tướng lãnh, sĩ quan cao cấp người Pháp đến tham dự. Cũng tại địa điểm này năm nay đã vắng một số đông cựu quân nhân VNCH, các vị đó không thể đến tham dự được vì cao tuổi, hoặc đã ra đi về miền an lạc. Hy vọng lớp trẻ sẽ theo gương cha anh giữ được truyền thống để hàng năm noi này còn có những nén hương nghi ngút tưởng nhớ những người Lính trận năm xưa.

Gói Hành Trang

Biết về đâu những mảnh hồn trôi nổi,
Nỗi buồn xưa theo cơn nắng vàng phai.
Ngày tháng hạ chỉ còn là bóng tối,
Đêm hoa đăng như một giấc ngủ dài!
Người năm cũ ôm tấm lòng trăn trở
Tóc màu sương cố níu lấy thời gian
Giữ lửa thiêng thắp sáng chí dựng cờ
Cho đất mẹ khỏi lầm than ly tán.
Cũng có kẻ từ mùa chinh chiến nọ
Vai lên đường oằn oại mớ hành trang
Nợ núi sông nên hóa thành cây cỏ
Bao ước mơ như khúc nhạc lỡ làng!
Đời vong quốc những người xưa muôn ngả
Hận ly hương ngày trước đã dần phai?
Xin cúi mặt cho tự do nghiệt ngã,

Hành trang xưa đã rớt tấm thẻ bài!
Trời viễn xứ tít xoay trong cơm áo
Chí hùng anh còn mỗi giấc chiêm bao
Tình chiến hữu mịt mờ nnhư hoang đảo
Nợ tang bồng thôi cũng vẫy tay chào!
Ngẫm thế sự buồn in lên nếp trán
Chuyện mài gươm tàn tạ bóng thời gian
Nhặt mảnh kiếm làm gương soi dấu đạn
Vết thù xưa, đau một kiếp dã tràng!

Đỗ Bình
(Tôi bị đuổi khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa ngày 2 tháng 5 năm 1975, sau đó bị đi tù)

In Flanders Fields (John McCrae) - Chiến Địa Flanders(Đàm Trung Phán /Nguyễn Đàm Duy Trung)

 

In Flanders Fields

In Flanders Fields the poppies blow
Between the crosses, row on row
That mark our place; and in the sky
The larks, still bravely sing, fly
Scarce heard amid the guns below.

We are the Dead. Short days ago
We lived, felt dawn, saw sunset glow
Loved, and were loved, and now we lie
In Flanders Field.

Take up our quarrel with the foe:
To you from failing hands we throw
The torch; be yours to hold it high.
If you break faith with us who die
We shall not sleep, though poppies grow
In Flanders Fields.

John McCrae

May, 1915
***
Bài Dịch:

Chiến Địa Flanders

Hoa bay đồng cỏ Flanders,
Giữa hàng thập tự, bao bờ hàng bia.
Nơi đây chiến địa chia lìa,
Sơn ca bay, hót trên kia chẳng ngừng.
Tiếng chim súng át nổ tung,
Trên không chim lượn, súng ầm đồng hoang.

Chúng tôi mới chết đây thôi,
Cõi dương đã thấy sớm mơi, bóng chiều.
Đã từng biết được tình yêu,
Giờ trong lòng đất, sớm chiều, Flanders.

Thay tôi đấu với quân thù:
Hãy cầm ngọn đuốc ngàn thu trao đời!
Cầm cao cho đuốc khỏi rơi,
Nếu làm không được, hổ đời chúng tôi:
Mặc cho hoa nở trên đời,
Chết không nhắm mắt ở nơi đồng này!


John McCrae, May 1915
Đàm Trung Phán /Nguyễn Đàm Duy Trung 
Canada Remembrance Day, November 2000

Chôn Vùi

 

Người đến cho em một nụ cười
Đan thành giấc mộng tuổi đôi mươi
Khép bờ mi tình xanh rười rượi
Một nửa cho em, nửa cho người

Người đi để lại thoáng ngậm ngùi
Khắc sợi buồn xoá nát niềm vui
Xoa dấu muộn phiền tình ngắn ngủi!
Gom hương yêu lấp cát chôn vùi.

Kim Oanh

Hạt Bụi Viễn Du

 

Một hạt bụi từ Gò Công, Nam Việt
Cuốn theo chiều gió bay khắp quê hương:
Vĩnh Long, Tây Ninh, Bà Rịa, Bình Dương,
Gia Định, Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt
Ra miền Trung Quảng Ngãi và KomTum.
Bổng đâu một cơn giông bảo hãi hùng

Cuống hạt bụi đưa sang qua Châu Mỹ.
Hạt bụi dừng chân trên nước Hoa Kỳ
Gót giày giang hồ còn chẳng mấy ly
Sờn cả hai vai chiếc áo phong sương
Hạt bụi ngày càng mỏi mòn cơ thể
Sống trong nỗi buồn thương nhớ cố hương.

Trần Công/Lão Mã Sơn

Ta Là Hạt Bụi

 

Ta là hạt bụi cõi vô minh
Bay đến trần gian sống hiện sinh
Số phận an bài theo định mệnh
Cung lòng của Mẹ sáng tâm linh.

Ta bước vào đời lắm đoạn trường
Đôi chân sỏi đá dáng phong sương
Đem thơ ướp mật hồn lay động
Ngôn ngữ lời thơ, hoá lạ thường.

Lặng lẽ dòng sông chảy lệ tràn
Xuôi nguồn ly biệt bóng cô đơn
Đời không tô điểm thêm son phấn
Trong cõi vô thường biết ai hơn.

Chinh chiến tan thành mảnh xác khô
Anh hùng vị quốc bóng hư vô
Chinh nhân tàn cuộc buồn xa xứ
Thất lạc hồn ai xuống đáy mồ.

Kiếp sống tha phương vẫn đợi chờ
Vui buồn thoáng hiện mãi trong mơ
Quê hương ẩn hiện màn sương khói
Hạt bụi ly hương mãi đợi chờ.


Lê Tuấn


Một Lần Tiễn Biệt


Thời gian vào những năm tháng trong cuộc chiến Việt Nam. Không gian thuộc Miền Hậu Giang. Danh tánh và hoàn cảnh của các nhân vật trong truyện ngắn dưới đây, nếu có sự trùng hợp ngoài đời chỉ là do ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của người viết.

Gần bẩy giờ rưỡi sáng, Huân đến phòng mạch. Ðại lộ Hòa Bình tại Cần Thơ nhộn nhịp. Trẻ em đi học, công nhân đi làm. Quân nhân, tư chức, công chức trên đường đến nhiệm sở. Mấy bà bán hàng rong quẩy gánh trên đường. Những quán cà phê, hủ tiếu nhỏ đông khách ngồi, ồn ào tiếng người cười nói.

Phòng mạch Huân đã khá đông bệnh nhân. Anh khoác áo choàng, bắt tay vào việc để còn kịp trở về Quân y viện làm việc lại vào lúc chín giờ. Ðêm qua là phiên trực của anh. Huân thức gần như suốt đêm để mổ xẻ và săn sóc thương binh quá đông sau vụ tấn công một đồn bót tại Ô Môn và một vụ pháo kích tại Phụng Hiệp.

Huân khám xong người bệnh thứ tư thì cô y tá vào trình anh:
- Có cô Hương muốn xin vào gặp bác sĩ.

Từ ngày Huân đổi về đây, Hương đã đến thăm anh vài lần tại phòng mạch. Nàng hay mang cho anh hột gà và trái cây từ quê của nàng ở Ngang Dừa, nơi hai năm trước Huân đóng quân cùng đơn vị cũ. Anh nói mời vào. Hương xuất hiện nơi cửa phòng khám bệnh, giản dị, tươi trẻ và xinh xắn. Tay nàng mang một túi xách nhỏ. Huân chào:
- Cô Hương đến Cần Thơ hồi nào? Mời cô ngồi đây.

Anh chỉ chiếc ghế bệnh nhân vẫn ngồi chờ khám bệnh cho Hương. Nàng dịu dàng ngồi xuống, khá tự nhiên vì đã quen lâu với anh:
- Em mới tới chiều qua, ở nhà người cô của em. Bác sĩ có rảnh, em có chuyện muốn thưa với bác sĩ.

Huân nhìn ra phía cửa, trên mười bệnh nhân người lớn và trẻ em ngồi chờ. Ðã lâu anh chưa có dịp gặp lại Hương. Anh cũng chưa bao giờ thấy Hương có vẻ thành khẩn và có một chút gì nghiêm trang như lần này. Anh nói:
- Cô Hương, chắc bây giờ còn nhiều bệnh nhân. Tôi mời cô dùng cơm trưa, mình nói chuyện được nhiều, có tiện cho cô không?

Hương không đắn đo:
- Dạ. Em định trở về sáng nay nhưng không sao, em có thể ở thêm một ngày.

Huân suy nghĩ nhanh. Chiều nay, sau phiên trực hôm qua, anh được nghỉ bù trừ, rảnh rang. Mời Hương dùng cơm trưa tại câu lạc bộ bệnh viện, tại nhà hàng Phong Dinh, hay tại nhà hàng Ngọc Lợi đều không tiện. Thành phố nhiều người biết anh, họ hay để ý và bàn tán. Anh nói với Hương:
- Chiều nay tôi được nghỉ, vậy mời cô Hương gặp tôi lúc một giờ trưa tại quán ăn Hậu Giang, ngang Bến Xe Mới. Tôi cũng ở gần đó.

Hương nhận lời:
- Em xin gặp lại bác sĩ trưa nay. Bây giờ để bác sĩ làm việc, em cần đi mua sắm chút ít đồ đem về dưới quê.

Huân tiễn người quen cũ nơi cửa, vài bệnh nhân phụ nữ chăm chú nhìn nàng và nhìn anh, quan sát xem có cử chỉ thân mật nào.

***

Buổi trưa, Huân trở lại phòng mạch sớm hơn thường lệ. Anh khám xong vài người bệnh, không chờ có thêm bệnh nhân, anh ra nơi hẹn sớm. Anh không muốn để Hương đến quán ăn trước. Con gái, một mình, nếu ngồi tại hàng quán chờ đợi, tội nghiệp cho nàng và kém xã giao phần anh.

Thành phố ngoài đường nóng, nhưng trong tiệm ăn khá mát mẻ. Huân chọn một bàn nhỏ, ấm cúng và kín đáo nơi một góc phía trong và gọi trước một ly chanh đường. Anh hồi tưởng lại những ngày tháng tại Ngang Dừa, gần hai năm trước. Có mười mấy tháng ở nơi tiền đồn mà anh có được nhiều kỷ niệm, và chút kinh nghiệm đôi khi trực diện với chiến tranh.

Anh gặp Hương lần đầu lúc anh mới ra trường được ba tháng. Huân đáo nhậm đơn vị, theo bộ chỉ huy nhẹ của Trung Ðoàn đến đồn trú tại Ngang Dừa, một vùng gồm nhiều xã ấp trù phú thuộc đồng bằng sông Hậu. Một buổi sáng, anh đang khám bệnh cho quân nhân và dân chúng tại trạm cứu thương bên bờ sông, phía ngoài vòng đai của doanh trại. Hương đến cùng với Tân, người anh của nàng. Tân là một trung đội trưởng nghĩa quân bên quận. Hai anh em Hương khẩn khoản xin Huân đến thăm bệnh và chữa trị cho ông nội là Cụ Ðồ Lãm, lâm bệnh nặng thình lình sau trận mưa lớn mấy ngày hôm trước. Anh thấy Hương đẹp. Huân không ngờ ở nơi xa xôi này lại có một cô gái xinh xắn như nàng. Cái đẹp hồn nhiên, không son phấn, rất dễ thương của người con gái Hậu Giang. Hương tuổi khoảng mười tám, đang độ thanh xuân. Màu da hồng, mạnh khỏe. Có lẽ nhà khá đầy đủ, nàng ít phải làm ruộng vườn như phần đông các cô gái ở đây. Còn Tân, anh của nàng, anh đã biết từ trước. Tân đã thỉnh thoảng giúp an ninh cho anh trong những lần anh đi khám bệnh dân sự vụ cho dân chúng ở các thôn xóm lân cận. Nhà Cụ Ðồ Lãm nghe nói cũng không xa, tại một ấp nhỏ độ hơn một cây số, bên kia bờ sông. Huân hỏi qua Trung úy Hậu ban an ninh, được biết là tạm an toàn. Anh kéo thêm hai nhân viên quân y dưới quyền, rồi cùng Hương và anh nàng, dùng đò qua sông. Tiếp đó đi bộ dọc theo bờ ruộng, đến làng ấp của Cụ Lãm.

Căn nhà ngói đỏ, cũ nhưng xinh xắn. Chung quanh là ruộng vườn, trồng nhiều cây trái xanh tươi. Có thật nhiều cây dừa, ngả bóng ven theo những rạch ngòi bao quanh. Trong nhà, Cụ Ðồ Lãm nằm trên chiếc giường nhỏ, đắp mền mầu xanh đậm. Râu tóc bạc. Tuy bệnh, nhưng Cụ còn lộ dáng nét trưởng thượng, tráng kiện và đẹp lão. Cụ bảy mươi sáu tuổi. Huân chào hỏi với thái độ kính trọng người già. Cụ gượng chào lại, định ngồi lên nhưng Huân vội cản. Anh lấy thủy thấy Cụ nóng gần 40 độ. Người nhà cho hay, Cụ Lãm ho nhiều đã ba ngày, có đờm màu gạch đỏ. Lúc khởi bệnh, Cụ run như bị làm cữ, nay còn nóng hoài. Huân dùng ống nghe, thính chẩn ngực người bệnh, tiếng lạo xạo nghe rõ ở vùng giữa phổi bên phải. Chắc là Cụ bị sưng phổi cấp tính, thường xảy ra cho người lớn tuổi khi trời lạnh. Hỏi bệnh sử, Cụ chưa hề bị mẫn cảm với thuốc nào. Anh nói về bệnh của Cụ cho người nhà, Hương đứng gần nghe. Anh lấy Penicillin chích cho Cụ và cho thêm vài thứ thuốc để uống kèm mỗi ngày. Huân dặn dò Hương cách thức săn sóc cho ông Nội, rồi cùng hai nhân viên trở về.

Liên tục hai ngày sau, anh cho nhân viên y tá mỗi ngày đến chích thuốc và theo dõi bệnh của Cụ Lãm. Anh mừng được tường trình là Cụ Lãm đã nhanh chóng hồi phục.

Anh dần dần tìm hiểu, được biết Hương là cô gái nổi tiếng xinh và dễ thương nhất trong vùng và nhà nàng có ruộng vườn sung túc. Xong bậc tiểu học trường làng, nàng được gia đình cho lên Cần Thơ, ở nhà người cô, học hết trung học phổ thông. Nhà neo người, nàng trở về dạy lớp ba cho trường tiểu học Ngang Dừa từ hồi đầu niên khóa vừa qua. Ái mộ Hương, đang có nhiều người. Một ông Thiếu úy nghĩa quân. Thầy thư ký Tâm bên quận. Ông Trung úy Hòa, truyền tin, thuộc bộ chỉ huy Trung đoàn. Và ông thầy giáo Ngạn, cùng dạy trường làng với Hương. Thầy giáo Ngạn là con một, có cha mẹ già, không phải nhập ngũ vì lý do gia cảnh. Hương sống với mẹ, ông Nội, và một bà chị dâu, vợ của anh Hai. Tân là anh Ba của nàng, làm nghĩa quân bên quận, ở gần bên, thỉnh thoảng về giúp đỡ gia đình. Có vài nhà tá điền, trung thành lo ruộng vườn cho gia đình nàng từ nhiều năm. Cha của nàng và anh Hai, nghe nói đi làm xa, không về từ lâu.

Từ ngày ông Nội lành bệnh, Hương thường đến trạm y tế của Huân. Nàng hay biếu anh trái cây ngon, đôi khi làm những món ăn đặc biệt miền Nam cho anh. Huân rất thích món thịt kho nước dừa của nàng. Miếng thịt ba chỉ, để nguyên khúc dài, kho lâu thật mềm, ăn rất ngọt ngào. Nước thịt kho thật trong, màu hổ phách. Rồi món cá bống kho tiêu, ăn với cơm gạo nàng Hương, thứ gạo đúng tên của nàng, rất ngon. Và món vịt nấu chao, khẩu vị đậm đà. Qua ánh mắt, lời nói, sự thăm hỏi ân cần, Huân biết cô gái của miền quê Hậu Giang này đã có cảm tình với anh. Vô tình, anh tự nhiên thành kỳ đà cản mũi cho những người mến mộ đang muốn kết duyên cùng nàng. Gặp người con gái đẹp, hiền hậu, Huân cũng có nhiều cảm tình. Tuy nhiên, anh dự tính chỉ ở nơi tiền đồn này cho hết nhiệm kỳ tiền tuyến, thường là một hai năm, rồi trở về nơi tĩnh tại, đi tu nghiệp hoặc làm công tác giải phẫu là ngành anh có chút khả năng. Vì vậy, giao tế với Hương, anh giữ xã giao, thân ái và ân cần nhưng chưa lộ vẻ gì là anh có tình yêu với nàng.

Cụ Lãm khỏe mạnh hẳn. Tỏ lòng tri ân, Cụ cho Hương mời Huân đến dùng cơm chiều vào một ngày chủ nhật. Trung úy Hậu, ban an ninh, và Thiếu úy Phước, thuộc đội thám báo, tổ chức tối đó đi kích đêm và đặt các điểm tiền thám bên kia sông, gần thôn xóm Cụ Ðồ Lãm. Vì vậy, anh yên chí và nhận lời mời.

Giữ lễ Nho giáo, Cụ Lãm mặc áo dài trịnh trọng đón Huân. Cụ là người được kính nể trong vùng. Cụ sanh cuối thế kỷ thứ mười chín, theo Nho học, có thời mở trường dạy chữ Nho. Sau này Cụ cũng học chữ quốc ngữ và hình như có đi cách mạng chống Pháp một thời gian. Tiếp đó, có mẹ già, Cụ trở về quê, lo phụng dưỡng mẹ và sống với ruộng vườn, dạy một số học trò tại nhà.

Huân được tiếp đãi rất thân tình với những món nhậu miền quê, ngon miệng. Gỏi bắp chuối có đậu phụng và tôm, khô cá thiều nướng, gà nướng chao, cua lột chiên và xôi dừa. Cụ Lãm đem mời khách một loại rượu đế trắng, rất trong, thơm và khá mạnh. Huân nhấp khẽ, chỉ dám uống nhẹ, rất từ từ. Tửu lượng anh chỉ ở loại trung bình và Huân biết tối nay sẽ còn nói chuyện dài nên anh cầm cự không để say hầu tránh thất thố với một người trưởng thượng. Rượu được đựng trong một bình nậm bằng sứ, rất đẹp. Men sứ trắng hơi mờ mờ xanh. Nét vẽ và chữ Nho trên bình mầu xanh đậm, sắc sảo và nghệ thuật. Huân chỉ biết vài chữ Nho, anh đọc được chữ nhân, chữ nguyệt. Hình vẽ trên bình rượu là một ông lão tiên phong đạo cốt, một tay cầm chén rượu, mặt ngước nhìn trăng. Huân khen rượu ngon, lại đựng trong bình quá đẹp.

Cụ Lãm kể:
- Tổ phụ của tôi, ngày xưa làm quan dưới triều Ðức Gia Long. Khi nhà vua an quốc xong, được theo đi cùng sứ bộ, cầu phong với vua nhà Thanh bên Tàu, lúc về có đem được một số đồ sứ và sách vở. Chiếc bình rượu này đã trên một trăm sáu mươi năm, truyền tới tôi là đã năm đời.
Huân hỏi Cụ ý nghĩa bức vẽ và hai hàng chữ Hán, viết theo chiều dọc, mé bên phải của người đọc.
Cụ từ tốn giảng giải:
- Bức vẽ là hình ông Lý Bạch, ngắm trăng, và hai câu thơ đọc là:

Kim nhân bất kiến cổ thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân

Trích ra trong bài thơ Bả Tửu Vấn Nguyệt, có nghĩa là Nâng Chén Hỏi Trăng, uống rượu rồi hỏi chị Hằng. Bài thơ của ông thi bá Lý Bạch.

Rồi Cụ thong thả ngâm nga, như diễn giải:“Người nay đâu thấy trăng xưa, Trăng nay từng chiếu người xưa bao lần”.

Cụ Lãm hỏi Huân có đọc thơ Ðường và có biết chữ Hán không. Huân thành thực cho biết anh rất thích Ðường Thi, nhưng cũng chỉ biết một ít bài hay, nổi tiếng và được truyền bá nhiều của các nhà thơ lớn đời Ðường như Lý Bạch, Ðỗ Phủ, Vương Duy, Thôi Hiệu, Hàn Dũ vân vân ... Còn chữ Hán, anh chỉ biết dăm ba chữ nhưng anh có ý định khi rảnh rang sẽ cố học thêm. Cụ Lãm tỏ ý vui. Cụ cầm bình rượu rót thêm cho hai người, rồi trao bình cho Huân có cơ hội quan sát kỹ hình vẽ. Anh cẩn thận thưởng ngoạn một cổ vật. Sau đó Cụ lấy ra, từ một ngăn trong tủ thờ gia tiên gần bên, hai cuốn sách chữ Hán dày. Giấy bản đã cũ lắm, màu vàng, chữ in bằng mộc bản. Cụ nói đó là hai cuốn Ðường Thi cũng do ông cha để lại từ thời xa xưa. Cụ lật tới một trang rồi đọc nguyên văn bài Bả Tửu Vấn Nguyệt của Lý Bạch, đoạn phiên giảng từng câu cho Huân nghe. Một già một trẻ, nói chuyện rất tương đắc. Sẵn sách thơ Ðường trong tay, Cụ Lãm đọc thêm một vài bài bằng Hán văn và luôn cả những bài dịch sang quốc ngữ của Cụ. Huân có được đọc những bài thơ Ðường chuyển sang Việt ngữ của Tản Ðà, Trần trọng Kim, Trần trọng San... Mỗi người dịch hay mỗi vẻ. Những vần thơ của Cụ Lãm nghe hay không kém và rất sát nghĩa.

Hôm đó sông nước lên cao. Trăng tròn đúng kỳ, chiếu sáng từ trên bầu trời thanh trong, nhiều tinh tú. Cảnh đêm trăng tịch mịch, an bình. Cô Hương thỉnh thoảng ra vào, thêm thức ăn, trà và rượu. Câu chuyện vui giữa chủ và khách đã quá nửa khuya. Mấy nhân viên của Huân vào thưa đã có lều vải cá nhân, mền mùng sẵn cho anh ở bên con kinh gần đó, cùng địa điểm trú đóng của trung đội thám báo. Anh đứng lên cảm ơn Cụ Lãm và xin cáo từ. Cụ Lãm cũng đứng dậy, cử chỉ chân thành và ân cần:
- Mang ơn chữa bệnh của bác sĩ, tôi xin tặng biếu bác sĩ bình rượu này để làm kỷ niệm.

Cụ đưa tay trao tặng chiếc bình quý, lúc đó rượu như đã cạn. Huân hoàn toàn bất ngờ trước thịnh tình sâu đậm của Cụ, anh thưa:
- Cháu rất cám ơn Cụ, nhưng đây là đồ quý, gia bảo. Cháu thật không dám nhận. Cháu đang ở đơn vị tác chiến, nay đây mai đó đi hành quân, nhỡ ra để bể vỡ một cổ vật thì uổng lắm.

***

Thế rồi một tuần sau, Hương cùng anh Tân của nàng đến ban Quân Y khi Huân đang làm việc. Cụ Lãm sai họ đem cho anh một chai rượu nếp than, và thêm bình rượu cổ mà anh đã thấy trong bữa ăn hôm trước. Cụ cẩn thận để chiếc bình quý trong một hộp gỗ, chêm chặt chẽ bằng rơm. Huân hơi ngần ngừ như chưa muốn nhận. Hương lên tiếng:

- Em biết Nội đã có ý muốn tạ ơn bác sĩ bằng món đồ này từ trước hôm mời bác sĩ tới dùng cơm. Bác sĩ nhận cho Nội em vui lòng.

Huân chợt nhận ra sự thâm thúy và tế nhị của Cụ Ðồ Lãm. Cụ chờ đúng ngày có trăng tròn, mới mời anh dùng cơm và đem bình rượu có Lý Bạch, có thơ Ðường ra đãi khách. Anh nhận món quà tặng và lấy giấy viết thư cùng bì thư. Anh viết vài chữ cám ơn Cụ Lãm, kèm theo bốn câu thơ tặng Cụ như để tạ lòng. Bài thơ ngắn do anh đã làm, khi nằm trong lều vải, nhìn trăng tròn sáng và đẹp trên bầu trời, ngay sau khi anh tạm biệt Cụ Lãm vào lúc nửa khuya tuần trước:

Trăng này với Lý Bạch xưa
Mà nguồn thi cảm bây giờ còn đây
Phải chăng những lúc rượu đầy
Kẻ kim người cổ có ngày say chung

Huân nghĩ về cổ, kim như khoảng cách giữa Lý Bạch và Cụ Lãm là mười hai thế kỷ. Hay khoảng cách giữa Cụ Lãm và anh, mới năm mươi năm. So với lịch sử trái đất anh đang ở đã có hàng tỷ năm, những khoảng cách trên đâu có nghĩa lý gì.

Sau này Huân mang bình rượu của Cụ Lãm cho, đem về nhà tại Sài Gòn và cất kỹ, coi như một món quý và nhiều kỷ niệm trong bộ sưu tập mà anh mới bắt đầu thực hiện.

Những tháng kế tiếp, nếu không đi hành quân, lúc rảnh Huân hay cùng nhân viên đi bộ hoặc dùng xuồng sang thôn ấp thăm Cụ Lãm và có thêm dịp thăm Hương, gặp Má nàng và người chị dâu. Huân và Cụ Lãm rất tương kính, lâu ngày trở nên thân tình như bạn vong niên. Mỗi khi có thời giờ, Cụ thường đem sách, thơ Ðường đọc và bình giải cho anh. Cụ nói:
- Tôi nay đã luống tuổi, chỉ vui với con cháu, vườn tược, sách Nho và hai tập thơ này. Biết bác sĩ là người ưa thưởng thức văn thơ cổ xưa, mai sau tới ngày tôi về với tổ tiên, sẽ để bác sĩ giữ hai tập sách này.
Huân cảm tạ và trấn an:
- Cháu cám ơn Cụ có lòng quý mến. Cháu thấy Cụ còn mạnh giỏi, trời cho chắc còn thọ nhiều.
Một hôm, trong lúc chuyện trò thân mật, Cụ Lãm nói cùng anh:
- Con cháu Hương hiền và nết na. Cháu đã lớn, có vài nơi dạm hỏi. Nếu bác sĩ không chê nhà nghèo và quê mùa, bác sĩ thử nghĩ có thể chọn cháu làm người bạn đời sau này.
Huân hơi bất ngờ về lòng thương cháu, lòng quý mến anh và sự thật thà chân thành của Cụ. Anh chưa có ý định coi Hương là người yêu. Nàng đẹp, dễ thương, anh có cảm tình và mến thương. Anh yêu quý nàng như em gái, anh tìm cách nói cho qua:
- Cháu cám ơn Cụ có lòng thương. Cháu mới ra trường, bây giờ đang thời buổi chiến tranh. Cháu cũng chưa muốn làm ràng buộc và liên hệ đến cuộc đời của ai lúc này. Cháu có ý định xin đi học thêm, có lẽ còn phải nhiều năm mới tính chuyện lâu dài. Cháu sợ làm lỡ tuổi xuân đang đẹp của cô Hương.

Cụ Lãm tỏ vẻ thông hiểu và về sau không nhắc gì tới chuyện này nữa.

***

Huân còn đang hồi tưởng chuyện cũ. Thấm thoát anh đã về Cần Thơ hơn một năm. Hương bước vào quán ăn. Buổi sáng, đang bận khám bệnh, anh không quan sát nàng kỹ. Hương vẫn như mọi khi, dáng đẹp và dịu hiền. Tóc nàng không uốn, để lưng chừng phía sau, đoạn cuối cắt ngang và đều. Nàng hồn nhiên, trang điểm thật nhẹ. Hương mặc một sơ mi lụa mầu nâu nhạt, bỏ phía ngoài chiếc quần tây màu kem. Nàng mang một đôi dép gót hơi cao. Sơ mi để lộ chiếc cổ thon đẹp, và một dây chuyền, có đeo một tượng Phật nho nhỏ.

Huân thân mật mời Hương ngồi. Ðây là một quán ăn thuần túy miền Nam, thực khách buổi trưa toàn là người lạ, dùng cơm trưa chờ xe đi các nơi. Anh mời Hương. Nàng chỉ xin dùng một ly cam tươi và một đĩa cơm có sườn nướng, hai ba cánh rau sa-lát xanh tươi, vài lát dưa leo thái mỏng. Huân cũng kêu món ăn giản dị, cơm với thịt kho và dưa giá. Anh nói với Hương:
- Từ ngày đổi về Cần thơ, chưa bao giờ được được ăn món thịt kho nước dừa ngon như Hương nấu cho ngày trước.
Anh chợt nhận ra mình không còn gọi người đối thoại bằng “Cô Hương” như mọi khi.
Hương miệng cười xinh đáp lại:
- Lần sau lên thăm, em sẽ nấu cho bác sĩ.

Hai người chuyện trò thân. Hồi còn ở Ngang Dừa, Huân chưa có dịp nào ngồi dùng cơm chỉ có hai người với nàng. Anh hỏi thăm Hương về tình hình và sinh hoạt hiện nay nơi quê và tình trạng những người quen thân.
Hương với giọng nói buồn:
- Nội đã mất, được gần năm tháng, Nội đi rất an bình, trong giấc ngủ. Buổi sáng, không thấy Nội dậy uống trà, má em vào thăm thì Nội đã hết thở lúc nào. Ðám táng rất đông, có cả Ông Quận đến chia buồn.
Huân xin lỗi đã không hay biết gì sớm về tin này. Anh cũng buồn về sự ra đi của một người mà anh quý trọng.
Hương lấy từ túi sách tay ra một món quà được gói cẩn thận bằng giấy dầu:
- Bác sĩ đổi về Cần thơ rồi, mỗi khi Nội đọc những cuốn sách này, thường hay nhắc tới bác sĩ. Những lần trước, em lên đây gặp bác sĩ, khi về lần nào Nội cũng hỏi thăm bác sĩ có được bằng an và mạnh giỏi không. Nội căn dặn em khi nào Nội mắt mù lòa hay qua đời phải tìm cách gởi tặng bác sĩ hai cuốn sách này.
Huân mở gói giấy. Hai cuốn Ðường thi bằng chữ Hán, anh thường được thấy năm xưa, bây giờ trong tay anh. Anh cảm động về chân tình của người quen cũ.

Dùng cơm xong, Hương nhìn anh:
- Bác sĩ hồi sáng nói nhà ở gần đây, Hương xin được lại thăm cho biết nhà.
Huân không nỡ và cũng không có lý do chính đáng nào để từ chối, chiều nay anh hoàn toàn rảnh rang:
- Xin mời, nhưng Hương đừng cười, tôi ở có một mình, không gọn gàng đâu.

Huân mời nàng lên xe hơi của anh. Chỉ vài phút đã tới căn nhà nhỏ anh mướn gần một năm nay. Hương khen căn nhà xinh xắn. Nhà gạch, một tầng, ngoài là phòng khách, phía trong là một giường ngủ, bàn viết, và tủ áo của Huân. Anh mời nàng ngồi trên chiếc ghế dài của bộ salon, mở tủ lạnh lấy nước ngọt mời nàng và cho anh. Huân đưa cuốn hình chụp vào những năm tháng anh ở Ngang Dừa cho Hương ngồi coi. Huân cáo lỗi vô nhà trong, xối nước tắm vội nơi phòng tắm rồi mặc đồ nhẹ dân sự cho thoải mái. Anh trở lại phòng khách, Hương đang chăm chú coi hình. Anh ngồi xuống cạnh nàng, cùng coi những tấm ảnh chụp. Nhiều hình tại ấp Cụ lãm. Có hình Huân chụp cùng gia đình của Hương. Nàng nói còn giữ tấm hình anh Ba của nàng chụp bất ngờ, khi Huân đứng với tay lấy mấy trái xoài và có nàng đứng bên cạnh. Anh nhớ có cho nàng một phó bản của tấm hình này. Chuyện vui và mỗi lúc một thêm thân mật. Rồi Hương nói với anh:
- Hôm nay em đến thăm, đưa sách Nội đã căn dặn, và muốn hỏi bác sĩ một việc.
Giọng nói nàng bỗng hơi run, như nén một chút xúc động. Huân nói với giọng trấn an vì anh nghĩ nàng đang gặp chuyện gì khó khăn ở quê:
- Tôi coi gia đình Hương như người thân rồi. Có chuyện gì cần, Hương cho hay, tôi vẫn còn liên lạc và quen biết nhiều với Trung đoàn và với bên quận.
Hương nhẹ nhàng:
- Em không dám nhờ gì bác sĩ. Về sức khỏe và thuốc men, bác sĩ Nghĩa cũng lo giúp cho dân chúng như hồi bác sĩ còn ở Ngang Dừa. Gia đình em cũng có quen, và có gặp cả bà bác sĩ Nghĩa đến thăm ông ấy vào mấy tháng trước. Em chỉ muốn thưa để bác sĩ hay điều này. Lúc Nội còn sống, rất mến bác sĩ, Nội có khuyên em nên đến thăm hỏi thường. Nội coi tử vi, nói với má là tuổi của em và tuổi bác sĩ rất hợp.

Huân giật mình về sự bạo dạn của cô gái miền quê như Hương. Nhưng anh nghĩ lại. Hương đã học bốn năm trung học tại Cần Thơ. Cách đối xử của nàng từ trước tới giờ rất chân thành, thân ái và đúng tư cách. Nàng không là người hoàn toàn sanh trưởng tại vùng quê như anh đã thầm nghĩ khi lần đầu gặp nàng. Có lẽ những năm ăn học nơi thị tứ đã giúp nàng thêm mạnh dạn. Hương nói tiếp:
- Má em, anh Ba và em cũng mến bác sĩ. Nhưng ý kiến trên là ý của Nội. Em thì cho rằng bác sĩ chỉ coi em như một người em.
Nói đến đây, mắt Hương hơi ướt. Huân chưa kịp nói gì, còn chút bàng hoàng và ngạc nhiên. Hương nói thêm:
- Em nghĩ một người đã ra trường như bác sĩ, chắc phải có người yêu từ lâu ở Sài Gòn rồi. Em cũng biết em và bác sĩ ở hoàn cảnh khác nhau, khó có duyên cùng nhau. Bây giờ Nội đã mất, nhà vắng thêm. Có mấy người đòi đến hỏi em, nhận lời ai thì chờ đủ năm, khi hết tang Nội sẽ làm đám cưới. Má và anh Ba cũng nói, con gái chỉ có một thời, bắt em phải quyết định. Vì đã quen bác sĩ nhiều, em muốn xin hỏi ý kiến bác sĩ.

Huân xúc động. Mắt Hương như ướt thêm. Anh thấy mến thương và quý trọng tình cảm và sự chân thành của nàng. Anh để một tay lên vai nàng. Hương như theo phản ứng, tự nhiên gần lại anh, gục đầu vào một bên vai Huân. Anh ôm nhẹ nàng trong đôi tay, như muốn trấn an, như muốn cảm thông. Anh nghe rõ tiếng tim nàng đập và tiếng thổn thức nơi chiếc cổ thon tròn. Nửa phút sau, Hương hỏi:
- Thầy ký Tâm bên quận, Trung úy Hòa bên Trung đoàn, và thầy giáo Ngạn. Anh khuyên em nên nhận lời ai?
Nàng đã bất ngờ kêu Huân bằng anh, có lẽ tại vì anh đang ôm vai nàng. Vẫn giữ nàng trong tay, anh nói:
- Còn ông Thiếu úy địa phương quân bên quận, nghe nói cũng thương Hương.
- Anh Ba khuyên em đừng quen với ông này. Ảnh nói ông ấy hay rượu chè và hay la cà với các cô bán hàng quán bên chợ.
Huân khuyên nàng như một người anh:
- Chuyện tình cảm trăm năm, lâu dài, Hương cần suy nghĩ kỹ. Hương xem ai là người tốt và xem mình thương ai nhiều.
Nàng nhìn Huân, giọng chân thành và cảm động:
- Nếu hỏi thật lòng thì em thương anh!

Nói xong, nàng ngước mặt, tay ôm quanh cổ Huân, chờ đợi. Anh rung động, thấy người con gái tuổi đôi mươi thật đẹp và quyến rũ với tóc mây, mắt huyền và môi hồng. Anh như bị lôi cuốn, anh cúi đầu đặt một nụ hôn thật lâu trên đôi môi của nàng. Cả tim nàng và tim anh như đập mạnh thêm. Anh cảm nhận nơi ngực anh, bộ ngực căng của nàng như tăng thêm nhựa sống, mặc dầu qua những làn áo, áo anh và áo nàng.

Một phút trôi qua. Nước mắt Hương bắt đầu chảy ướt nhiều trên hai bên má. Huân trấn tĩnh lại. Hương nói hơi nức nở:
- Anh khuyên em nên nhận lời ai?
Huân từ tốn nói để Hương hiểu:
- Anh có rất nhiều cảm tình với Hương. Hiện giờ anh đang xin đi tu nghiệp tại ngoại quốc, có khi phải nhiều năm, nên anh chưa tính được chuyện lập gia đình. Má em bây giờ cần có người thân ở gần bên giúp đỡ, săn sóc. Anh Ba thì bận lo nghĩa vụ bên quận. Các ông Thiếu úy, Trung úy thuyên chuyển nay đây mai đó và đời người quân nhân thời chiến chẳng biết sống chết lúc nào. Anh có gặp thầy giáo Ngạn vài lần khi đến trường tiểu học, chủng lao cho mấy học trò. Anh thấy thầy có nhân cách trung hậu. Thầy lại cùng xứ sở, cùng dậy học một trường với em. Hai người sẽ sống hạnh phúc. Em và thầy Ngạn có hoàn cảnh để lo gia đình, lo cho bên cha mẹ của thầy cũng như lo cho Má của em. Vậy thì theo anh, em nên nhận lời cầu hôn của thầy giáo Ngạn.

Có lẽ vì những tiếp xúc của thân thể và qua nụ hôn, Huân đã tự lúc nào xưng anh và kêu Hương bằng em. Và tuy những lời khuyên Hương là rất thành thực, nhưng như có mâu thuẫn về tâm lý, Huân cảm thấy như bị mất mát một thứ gì quý báu của mình.

Vẫn ở trong vòng tay Huân, Hương ngước mặt nhìn anh, mắt vẫn còn ướt:
- Em đến thăm anh hôm nay, chỉ muốn để anh hiểu lòng em thương anh nhiều. Em muốn mãi mãi có hình ảnh anh trong tim. Nhưng em phải cố gắng, em sẽ suy nghĩ về lời anh khuyên.
Anh cúi xuống, hôn nàng thêm một nụ hôn rất nồng, rất say đắm nhưng hình như cả anh và nàng đều cảm nhận như không trọn vẹn cho một tình yêu không thực hiện, không kết quả, không tương lai giữa hai người.
Một lát sau, Hương cũng lấy lại tự chủ. Nàng vuốt tóc, ngồi ngay ngắn. Hương lần đầu tiên kể thật gia cảnh cho Huân nghe:
- Anh biết không, Ba em trước kia đi kháng chiến. Lúc đất nước chia đôi, Ba ra tập kết ngoài Bắc. Tưởng sau hai năm, có tổng tuyển cử, nước mình thống nhứt, sẽ về với Má. Ngày Ba đi, em mới tám tuổi mà còn nhớ mãi. Bây giờ em đã hai mươi. Khoảng sáu năm trước, anh Hai em đang ở nhà, được người của Mặt Trận trao thư của Ba, biểu phải ra bưng theo Mặt trận giải phóng. Không biết ảnh bây giờ ở đâu. Rồi còn anh Ba đến tuổi phải đi quân dịch. Không đi bên này thì bên kia họ cũng kéo đi. Anh Ba đành xin đi nghĩa quân của quận, để được gần nhà, lo cho Nội, cho má và cho em. Chỉ tội nghiệp chị Hai, lủi thủi chờ ảnh. Má buồn, chẳng biết nói với ai. Má nghĩ anh Hai, ảnh biết địa thế ở quê nhà, có khi sẽ về cùng quân của Mặt trận, tấn công đồn, tấn công quận. Anh, em trong nhà có thể bắn vào nhau!

Huân cũng thấy đau lòng, xót xa cho hoàn cảnh gia đình Hương, và cho đất nước mình. Cuộc chiến tại miền Nam, cũng là cuộc chiến Việt Nam, thật quá tương tàn, đau buồn. Ranh giới của hai bên chiến tuyến có khi rõ ràng minh bạch như đôi bờ nam bắc của giòng sông Bến Hải. Có khi nó cũng minh bạch chốc lát như phía ngoài và phía trong của một đồn bót trong lúc giao tranh. Như bên trong và bên ngoài một mục tiêu quân sự. Như bên này và bên kia của hàng rào một ấp chiến lược. Có khi nó khốc liệt, tàn bạo, rối bời, không thể phân chia như trong một trận cận chiến. Có khi nó phân chia ngay trong gia đình, giữa cha con, giữa anh em ruột thịt như trường hợp gia đình của người con gái vô tội đang ngồi bên anh. Anh cảm thấy sự bất hạnh của đất nước mình.

Huân lấy thêm nước uống cho hai người. Anh đưa một chiếc khăn mới để nàng lau má ướt. Lúc anh còn đứng trao khăn, Hương đứng lên, hai tay đặt trên đôi vai anh, nhìn anh một cách trìu mến.
Nàng nói một câu mà anh không thể ngờ tới:
- Em thương anh, em xin ở lại đêm nay, em muốn trao anh cuộc đời. Cuộc đời con gái của em. Chỉ ít tháng nữa em sẽ lấy chồng, em sẽ không gặp anh nữa, sẽ chẳng còn gì cho anh. Em không đòi hỏi anh một ràng buộc nào.

Nói rồi nàng ôm anh, ghé môi hôn thật đậm đà, như không muốn để anh nói thêm gì nữa. Huân ôm chặt nàng trong tay, hôn lại, say đắm đáp ứng lòng yêu thương của người con gái trẻ. Anh cũng thấy những thôi thúc, đòi hỏi của thể xác khi vòng tay trong vòng tay, thân thể gần kề thân thể, và môi chạm môi với người đẹp khác phái. Nhưng rồi Huân tự chủ được. Anh nhớ tới lòng quý mến của Cụ Lãm, tới sự đôn hậu của thầy giáo Ngạn, tới bà mẹ khoan dung và cũng nhiều đau khổ của Hương, và tới tình cảm thương yêu đậm đà, chân thành của nàng đối với anh. Huân với giọng cảm động:
- Anh sẽ trân quý mãi kỷ niệm ngày hôm nay và những lời em vừa nói. Hương đã cho anh những nụ hôn và cho anh hiểu, anh hiểu nhiều lắm, tình yêu của em dành cho anh. Anh sẽ nhớ mãi buổi gặp gỡ này. Anh thật mang ơn về những tình cảm của em. Nhưng anh muốn tôn trọng em để sau này khi sống với thầy giáo Ngạn, em không có gì ân hận, và em cũng giữ mãi nét đẹp về kỷ niệm của chúng mình.
Hương chớp mắt, nhẹ cúi đầu như đồng ý.

Trời đã về chiều. Ngoài đường phố xe cộ nhộn nhịp như hồi sáng. Những người đi làm việc trên đường về nhà. Huân biết rằng nếu Hương ở lâu thêm, có thể anh không tự chủ được nữa và sẽ có hành động khác với điều lý trí vừa mới nhắn khuyên anh. Qua cửa kính, bóng nắng đã mờ dần. Căn phòng nhỏ, chỉ có hai người, như đã tối đi nhiều và anh sợ rằng anh và nàng sẽ dễ dàng trở nên thân mật hơn. Anh dùng xe đưa Hương về nhà người cô của nàng.

Sáng hôm sau Huân nghỉ làm phòng mạch, đến đón Hương, đưa nàng ra tới bến sông. Nàng lên chiếc tàu đò, mắt lại ướt, về Vị Thanh rồi về Ngang Dừa. Chiếc tàu từ từ rời bến, nhỏ dần trên sông nước Hậu Giang màu xanh, phản chiếu bầu trời đẹp. Bóng dáng Hương cũng nhỏ dần. Huân dơ tay khoa nhẹ trước mặt. Anh thấy Hương cũng đưa tay vẫy.

Lại một lần chia tay! Lại một lần tiễn biệt! Lại một lần vẫy tay chào! Buồn như lời ca một bài hát nào anh vẫn hay nghe. Ðời Huân đã nhiều lần chia tay. Ðã nhiều lần tiễn biệt. Nhưng chưa lần nào anh thấy xúc động như lần chia tay này.

Trần Văn Khang
(Trích trong tập Hai Bên Chiến Tuyến)

Không Duyên Không Nợ


Buổi trưa hôm đó, tôi đạp xe trên đường đi dạy, vừa quẹo qua ngã ba thì thấy ông thầy chủ nhiệm thời cấp ba đang chạy rề rề phía trước, mặc dù xe của thầy là xe máy. Vì cũng gần đến trường của tôi, và tôi ngại phải chào thầy nên cố tình đi thật chậm, nhưng thầy vẫn thấy tôi qua kính chiếu hậu trên tay lái, rồi vặn chiếc kính cho tôi nhìn thấy và vẫy tay ra hiệu cho tôi phải tiến lên. Tôi đành nghe lời, chạy lên song song với thầy. Thầy hỏi:

- Lúc này em sao rồi, công việc ổn chứ?
- Dạ, mới ra trường nên nhiều điều còn mới lạ.
- Từ từ rồi sẽ quen! Mà nè, em có người yêu chưa?
- Dạ, em chưa …
- Vậy sáng mai ghé trường, thầy giới thiệu cho một mối.
- Thôi thầy ơi, em chưa nghĩ đến, vì muốn tập trung vào giảng dạy.
- Ối, chuyện đó dài dài mà lo gì, còn chuyện duyên nợ đâu phải lúc nào cũng đến! Quyết định vậy đi!

Nói xong, chẳng chờ tôi phản ứng, thầy phóng xe đi cái rụp. Là phận học trò, thầy nói không được cãi, (chớ không phải là tôi đang …ế), nên sáng hôm sau tôi tranh thủ đi chợ sớm, rồi tạt qua trường cũ. Chỉ mới xa mấy năm, nên quang cảnh không hề thay đổi, khiến lòng tôi rung động, bồi hồi. Đang giờ học nên sân trường vắng lặng, tôi đi thẳng lên lầu hai, nơi có lớp học mà tôi còn vương lại bao nhiêu kỷ niệm, thầy chủ nhiệm thấy tôi liền bước ra, dặn tôi chờ dưới Phòng Giáo Viên.

Tôi đi hết một vòng hành lang rồi trở xuống dưới Phòng Giáo Viên. Giờ này ai cũng đứng lớp nên khá vắng vẻ. Ở góc bàn ngay góc phòng, tôi thấy thầy Quang, là thầy dạy Vật Lý, thuở đó nổi tiếng toàn trường với mối tình Thầy- Trò đẹp như cổ tích.
Khi chúng tôi vào lớp Mười, đã nghe về chuyện tình của thầy Quang và chị Cẩm Cát lớp Mười Hai, với khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa xinh xắn, đôi mắt mơ huyền và mái tóc dài, đẹp như cô đào cải lương Thanh Nga. Chúng tôi học buổi chiều, hôm nào đến trường sớm là gặp chị Cát tan học, ôm tập vở đi bên cạnh thầy Quang đang dắt chiếc xe đạp, ra hướng ngoài cổng, về nhà chị Cát để thầy dạy kèm cho chị ôn thi đại học.
Hồi đó, trường tôi có một số thầy trẻ mới ra trường, trong đó có vài thầy sáng sủa, dễ thương, nổi bật nhứt là thầy Quang, có cái miệng móm duyên, nước da ngăm ngăm và nụ cười rất hiền, làm bao trái tim học trò nữ rung rinh.

Tôi tính bước đến chào thầy Quang, nhưng mắt thầy mơ màng, vật vờ như thiếu ngủ, nhìn mông lung rồi gục xuống. Rồi thầy lại từ từ ngẩng mặt lên, mắt thầy đỏ ngầu và có hơi rượu toả ra khi tôi đến gần. Đúng lúc ấy, cô Tâm, dạy môn Sinh Vật, bước nhanh đến chỗ thầy Quang với ly nước chanh nóng, ngồi xuống ân cần giúp thầy uống nước, rồi nhẹ nhàng dỗ thầy ngủ ngay chiếc bàn.

Tôi gật đầu chào cô Tâm và bước ra cửa thì gặp thầy Lợi dạy Toán. Thầy Lợi giải thích:
- Nàng Cẩm Cát đậu đại học, ra trường, rồi chia tay thầy Quang, nên thầy ấy đang thất tình, khổ sở, tìm quên trong men rượu, nửa sống nửa chết cả tháng nay.

Thì ra là thế. Ái tình có sức mạnh ghê gớm, đã biến thầy giáo trẻ trung yêu đời thành một con sâu rượu tàn tạ, héo hon thảm thê quá sức tưởng tượng.

Bỗng tim tôi đập mạnh, chẳng lẽ…chẳng lẽ nào, thầy chủ nhiệm hẹn tôi đến đây để làm mai cho thầy Quang, giúp thầy ấy tìm lại niềm yêu đời?! Chẳng lẽ nào “duyên nợ” đã đến với tôi như thầy đã ngấm ngầm nhắn nhủ trưa hôm qua? Chẳng lẽ nào ông tơ bà nguyệt đã chọn tôi cho sứ mệnh đầy thử thách nhưng rất…êm ái này?! Tôi chưa có “kinh nghiệm tình trường” nhưng tôi sẽ cố gắng, vì …thầy.

Tự dưng tôi thấy hồi hộp và cũng thấy vui, dù trước đây chẳng có tình ý gì với Thầy (vì hồi đó thầy là hoa có chủ), nhưng giờ đây thầy ấy độc thân, lại đang yếu đuối nên tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ, ngại gì chớ! Tôi nhìn vào Phòng Giáo Viên, vừa ngắm thầy Quang đang ngủ mê man, vừa thầm thì:

- Thầy ơi, thầy cứ say hết hôm nay, cứ trút hết nỗi buồn đau cho nhẹ lòng, rồi em sẽ đến. Em không đẹp sắc sảo như chị Cát, nhưng em dễ thương (các bạn em nói đó nghen), và em…có duyên (cái này em …bịa). Em hứa sẽ làm cho thầy thấy rằng, cuộc đời còn rất đáng yêu, chưa phải là tận thế đâu ạ, thầy thân mến của em!

Đang bay bổng nghĩ suy, thầy chủ nhiệm đứng trước mặt tôi hồi nào không hay. Thầy kéo tôi ra một góc xin lỗi liên hồi:

- Thầy xin lỗi em, sáng nay thầy Tấn có cuộc họp đột xuất với Thành Đoàn bên Sở Giáo Dục.
Tôi ngơ ngác:
- Thầy Tấn nào ạ?
- Thầy tính làm mai cho em với thầy Tạ Ngọc Tấn, thầy giáo mới về trường.
- Úi giời, Tấn chưa đủ nặng sao mà còn thêm Tạ nữa? Em vốn không thích mấy người bệ vệ!
- Thì tên họ người ta thế thôi, chớ bên ngoài thầy ấy ...mong manh trẻ trung lắm.
Tôi nhìn vào Phòng Giáo Viên, xịu mặt:
- Chứ không phải là…thầy Quang sao?
- Ối, cái thằng luỵ tình, yếu như bún thiu ấy, không hợp với em đâu.
- Sao thầy biết là không hợp? Vả lại, em muốn …cứu vớt đời thầy ấy cơ!
- Vớ vẩn! Thầy ấy bây giờ sợ các cô nữ sinh còn hơn là sợ …ma, đừng có mơ với mộng.
- Sao thầy lại so sánh chúng em với …ma?! Nhưng em đâu còn là học trò của thầy ấy?
- Thôi quên đi! Tuần sau chịu khó trở lại trường gặp thầy Tấn nhé, còn thầy Quang có cô Tâm lo rồi.

Nói xong, cũng như lần trước, thầy bước đi, chẳng đợi tôi trả lời. Về nhà, tôi nói chuyện với thằng cháu, con của bà chị Cả, đang học ở trường cũ của tôi, xem nó có biết thầy Tấn mập ốm tròn méo ra sao, nó la lên:

- Trời đất ơi, ông thầy đó là Bí Thư Đoàn trường, là “bôn sê vích” đó, Dì biết chưa?
- Chuyện nhỏ! Chúng ta đang sống trong chế độ này, đi học thì phải vào Đội, đi làm thì vào Đoàn là chuyện bình thường, Dì cũng đang là bí thơ chi đoàn đó thôi!
- Nhưng Dì là miễn cưỡng, là bị ép buộc, còn thầy Tấn là hăng say, là say mê, nghe nói là thầy là “cảm tình Đảng”, đang phấn đấu làm đảng viên đó!
Tôi hơi …ớn, nhưng vẫn vớt vát:
- Mà ổng dạy môn gì, chuyên môn ra sao, tướng tá mặt mũi thế nào?
- Ổng dạy Văn!
Rồi nó nháy mắt, cười mỉm chi:
- So với “nhan sắc” và tính tình thầy Quang thì thầy Tấn không bằng một góc.
Thằng quỷ sứ! Nó hiểu rõ tâm can của Dì nó luôn hà. Té ra, thầy chủ nhiệm nghĩ thầy Tấn dạy Văn, và chúng tôi cùng là bí thư chắc sẽ hợp nhau, nhưng thầy quên rằng tôi là một “bí thư phản động”!

Một thời gian sau, Thầy Quang và cô Tâm cưới nhau, dù thiên hạ xầm xì đó là đám cưới tình một chiều, là đôi đũa lệch, là đám cưới thầy Quang muốn trả thù đời, nhưng bằng tình yêu chân thật, cô Tâm đã cảm hoá trái tim thầy, họ đã sống hạnh phúc.

Còn tôi, không nghe theo lời mai mối của thầy chủ nhiệm, rồi bỏ trường cũ thầy xưa đi vượt biên, chẳng biết thầy Tạ Tấn bây chừ ra sao!

Edmonton, Tháng4/ 2022
Kim Loan


Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Thơ Tranh: Sương Lam Vương Vấn Sương Khuya

 

(Chị Sương Lam ơi, em mừng Sinh Nhật. Chúc chị hạnh phúc  và luôn  xinh tươi! Em Kim Oanh)

Thơ: Nguyên Trần
Thơ Tranh: Kim Oanh

Nhật Ký Đời Tôi - Thanh Sơn - Kim Trúc


Sáng Tác: Thanh Sơn
Trình Bày: Kim Trúc

Ngậm Ngùi

 

Chiếc lá thu rơi vương cỏ hồng 
Bơ vơ lạc lõng giữa mênh mông
Lá khô tàn úa theo theo ngày tháng
Lưu luyến gì đây chút bụi hồng !??

Lá giống đời ta buổi xế chiều
Cũng nghe lòng buồn nỗi quạnh hiu
Một vầng trăng thu giờ đã khuyết
Một nỗi niềm riêng giữa cô liêu

Rồi mai ta về với cỏ cây
Có nghĩa gì đâu chuyện vơi đầy
Vui buồn trả lại cho nhân thế
Thênh thang phiêu lãng cõi trời mây

Kim Phượng Canada


Thu Còn Đâu Đây…??!!

 

Gió thu lồng lộng bay qua
Sương thu se Lạnh sót xa cuộc tình
Lá thu bịn rịn lìa cành
Mây thu bàng bạc sao đành quên nhau
Tình Thu để lại sầu đau
Mùa thu mang vạn cổ sầu ai hay..??!!


Khỉ Già Dalat

Không Đâu Bằng Nhà




Từng đi đây đó khắp ta bà
Bể bắc non tây đã trải qua
Nơi nức tiếng danh lam thắng cảnh
Chốn danh truyền lộng lẫy xa hoa
Nhưng hồn lãng đãng khôn bày tỏ
Còn dạ bồn chồn khó tả ra
Ngẫm mới rõ nguồn cơn cớ sự
Ở đâu cũng muốn sớm về nhà

Nhất Hùng

Thổ Là Đất

Tạp ghi và Phiếm luận:

THỔ 土 là ĐẤT, đất là ĐỊA 地, trong chữ Địa có Bộ Thổ, nên Địa cũng là Đất. Ta có từ kép Thổ Địa 土地 là Đất Đai. Thổ cũng thuộc một trong 214 bộ của CHỮ NHO... DỄ HỌC, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
 
Ta thấy:

Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Triện đều là hình tượng của một mô đất trên mặt đất, nên Thổ vừa là chữ Tượng Hình vừa là chữ Chỉ Sự, chỉ một đống đất trên mặt đất, đến Tiểu Triện thì các nét mới được kéo thẳng ra thành biểu tượng của chữ viết, cho đến Chữ Lệ thì mới hoàn chỉnh như chữ viết hiện nay THỔ 土 là ĐẤT.

Có tất cả 463 chữ được ghép bởi bộ Thổ nầy để chỉ những gì có liên quan đến Thổ là Đất. Ta có các từ về Thổ là Đất rất lý thú và cũng không kém phần rắc rối như sau :

- Thổ Địa 土地 : là Đất Đai, chỉ tất cả các loại đất trên đời nầy.
- Thổ Nhưỡng 土壤 : cũng là Đất Đai, chỉ tất cả các loại đất dùng để trồng trọt.
- Thổ Cư 土居 : chỉ tất cả các loại đất dùng để ở.
- Thổ Canh 土耕 : là tất cả các loại Đất dùng để canh tác, làm ruộng.
- Thổ Trạch 土宅 : là tất cả các loại Đất dùng để cất nhà ở, biệt thự.
- Thổ Mộ 土墓 : là tất cả các loại Đất dùng để chôn cất người trong gia tộc, còn gọi là Đất Hương Hỏa, là đất dùng để lo nhang đèn hương khói cho người thân đã chết.


Theo Tử Vi đẩu số ta còn có 6 loại đất sau đây :

* Lộ Bàng Thổ 路旁土 : Đất bên đường.
* Thành Đầu Thổ 城頭土 : Đất đầu thành.
* Ốc Thượng Thổ 屋上土 : Đất trên mái nhà.
* Bích Thượng Thổ 壁上土 : Đất trên vách.
* Đại Trạch Thổ 大澤 土 : Đất trong đầm lầy lớn.
* Sa Trung Thổ 沙中土 : Đất trong cát.
và...
Mặc dù Mộc khắc Thổ, cây cối mọc lên hút hết chất bổ của đất làm cho đất trở nên cằn cỗi, và cây gỗ để ở dưới đất lâu ngày sẽ bị đất làm cho mục nát hết. Cái nầy kêu bằng tương khắc với nhau, nhưng...
Lộ Bàng Thổ (đất ven đường), Đại Trạch Thổ (Đất trong đầm lầy lớn) và Sa Trung Thổ (Đất pha cát) không sợ Mộc, vì cây không sống giữa đường cái quan hay trên bãi cát, đầm lầy. Cả ba hành Thổ này nếu gặp Mộc không khắc dù Mộc khắc Thổ, trái lại còn có đường công danh, tài lộc thăng tiến không ngừng.
Thành Đầu Thổ (Đất đầu thành), Bích Thượng Thổ (Đất trên vách) và Ốc Thượng Thổ (Đất mái nhà) đều sợ Mộc, nhất là Tang Đố Mộc, Thạch Lựu Mộc, như thân tự chôn xuống mộ. Ba hành Thổ này tuy không sợ Bình Địa Mộc, Đại Lâm Mộc, Tùng Bách Mộc nhưng không bền vững vì hình kỵ.

Thổ là Đất, giá trị của đất tăng theo tỉ lệ thuận với số lượng của đất, chưa có một vật chất nào có giá trị từ số không, rồi sau đó cứ tăng dần đến vô tận như đất cả ! Hốt một nắm đất cho không, không ai thèm lấy cả, mặc dù họ không có đất để cắm dùi, nhưng nếu cho một vuông đất để che chòi ở, để cất nhà, thì không ai nở... từ chối cả ! Và cứ thế tăng dần, một công đất để trồng rẩy, một mẫu đất để cày ruộng... cho đến một xã, một làng, một huyện, một tỉnh, một nước... giá trị của đất cứ tăng mãi đến vô cực là... Trái Đất, là cả Quả Địa Cầu nầy !

Ông bà ta nói:

Tiền tài như phân thổ, 錢財如糞土,
Nhân nghĩa trị thiên kim. 仁義值千金。

Có nghĩa:

Tiền của tài sản như phân như đất,
Nhân nghĩa mới đáng giá ngàn vàng.

là ý ông bà muốn đề cao nhân nghĩa mà xem nhẹ tiền tài, tiền tài chỉ như phân như đất mà thôi, cũng như lời cô Kiều đã nói với Kim Trọng khi biết Kim đã nhặt được chiếc kim thoa của mình :

Chiếc thoa là của mấy mươi,
Mà lòng trượng nghĩa khinh tài xiết bao!

Nhưng người đời thường xem trọng kim tiền hơn nhơn nghĩa, nên câu nói trên còn được bà con bình dân sửa lại một cách mĩa mai như sau :

Tiền tài như.... ông tiên tổ,
Nhơn nghĩa tợ... cục cứt khô!

Ông bà ta lại dạy rằng : "Tấc đất là tấc vàng" để con cháu biết quý trọng cái cuộc đất mà ta đang sở hữu, nếu biết sử dụng đất một cách thích đáng, biết bỏ công sức lao động canh tác trồng trọt, thì "tấc đất sẽ cho một tấc vàng" như chơi mà thôi !

Nhớ khi xưa cái miếu Thổ Địa ở đầu làng quê tôi có đôi câu đối như sau:

THỔ năng sanh bạch ngọc, 土能生白玉,
ĐỊA khả xuất hoàng kim. 地可出黃金。

Có nghĩa:

Đất có thể sanh ra ngọc trắng, và
Đất cũng có thể cho ra vàng ròng!

Hạt ngọc trắng ở đây chính là hạt gạo trắng ngần đã nuôi sống chúng ta hàng ngày, còn vàng ròng sẽ có được nếu chúng ta chịu cày sâu cuốc bẫm. Đất chẳng những cho ta chỗ ở, cho ta việc làm, còn cho ta cái ăn cái mặc nữa, nên ông bà ta rất coi trọng đất và luôn quan niệm rằng : " Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá ". Thổ Công là ông thần đất, còn được gọi là Thổ Thần, nên khắp cả các thôn làng, nơi nào cũng có Thổ Công của nơi đó, và ông thần đất nầy cũng luôn luôn được cúng tế đầy đủ ở bất cứ lễ lạc nào. Trong Truyện Kiều tả lúc Bạc Hạnh thành thân với cô Kiều, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :

Bạc sinh qùy xuống vội vàng,
Qúa lời nguyện hết Thành Hoàng Thổ Công.

Câu đối thường thấy nhất của các miếu Thổ Thần ở vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh quê tôi là :

土旺人從旺, Thổ vượng nhân tòng vượng,
神安宅自安。 Thần an trạch tự an.

Có nghĩa:

Đất có vượng thì người cũng sẽ vượng theo, và...
Thần có được yên ổn, thì nhà cũng sẽ tự nhiên được yên ổn mà thôi!

Thổ ngoài nghĩa là Đất ra, còn có nghĩa là : Cái gì đó thuộc về bản xứ, bản địa. Ta quen miệng gọi là đồ lô-can (local). Bây giờ thì Thổ được sử dụng như là một Hình Dung Từ (Tính Từ), như :

- Thổ Dân 土民: Dân cố hữu của một địa phương hay của một vùng nào đó. Ví dụ : Thổ Dân của Châu Mỹ là những Bộ tộc mọi Da Đỏ chẳng hạn...
- Thổ Sản 土產: là Đặc sản riêng của một vùng nào đó , Như Thổ Sản của Lái Thiêu là Sầu Riêng chẳng hạn...
- Thổ Cẩm 土錦: là Gấm được dệt ở địa phương, là Gấm nội hóa.
- Thổ Âm 土音: là Tiếng nói và Âm sắc riêng của địa phương nào đó. Như Giọng Bắc, Giọng Huế, Giọng Nam của ta vậy...
- Thổ Hào 土豪: là Cường hào ác bá ở địa phương.
- Thổ Phỉ 土匪: là các phe nhóm băng đảng cướp bóc ở địa phương.
- Thổ Công 土公: là Ông Thần Đất của địa phương nào đó như ta đã nói ở trên...
- Thổ Quan 土官: là Ông quan ở địa phương, như Trưởng thôn, Trưởng Làng, hay cao hơn là Tri Châu, Tri Huyện... Như trong Truyện Kiều, Hồ Tôn Hiến sau khi ngủ với Thúy Kiều một đêm rồi sợ mang tiếng " Quan trên ngó xuống người ta trông vào ", nên sáng ngày mới ép nàng lấy Thổ Quan :

Lệnh quan ai dám cãi lời,
Ép tình mới gán cho người Thổ Quan.

Thổ còn là cái Phong Thổ 風土, là phong thủy thổ nhưỡng, phong tục tập quán, là nếp sống của một địa phương nào đó, mà người ta thường gọi là Phong Thổ Nhân Tình 風土人情, Đi đến đâu, ta cũng phải tìm hiểu cái phong thổ nhân tình của nơi đó để dễ dàng hòa nhập vào nếp sống của địa phương đó.
Ngoài Phong Thổ, ta còn có Thủy Thổ 水土, là Nước và Đất của một nơi nào đó kể cả khí hậu thời tiết nắng mưa của nơi đó luôn. Nếu không hợp với Thủy Thổ của nơi đó sẽ làm cho con người sanh ra bệnh hoạn, súc vật thì gầy còm, cây cỏ thì èo ọt... như câu chuyện ứng đối lý thú của Tướng quốc nước Tề với vua nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc như sau :

Yến Anh 晏嬰, còn được gọi là Án Anh, người đời sau tôn trọng ông, nên còn gọi là Án Tử, ông sinh năm 578 TCN ở Sơn Đông, mất năm 501 TCN ở Truy Bác, tự Bình Trọng là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, sống và làm quan ở hai triều vua Tề Trang Công và Tề Cảnh Công thời Xuân Thu Chiến Quốc. Ông có dáng thấp nhỏ như đứa bé, nhưng có trí tuệ thông minh và là một vị quan có tài ứng đối giỏi của nước Tề.
Một lần Án Tử vâng lệnh vua Tề đi sứ sang nước Sở. Vua Sở định làm nhục để thử tài của Án Tử, nên sau khi ban rượu, thì cho lính dẫn một người bị trói đi ngang qua. Vua Sở mới hỏi là người đó phạm tội gì ? Lính đáp, đó là một người ở nước Tề, phạm tội ăn trộm ngựa. Vua Sở bèn cười mà quay sang hỏi Án Tử là : "Người nước Tề hay ăn trộm lắm hay sao ?". Án Tử mới đứng dậy chắp tay thưa rằng : "Thần nghe nói, cây quít trồng ở phương bắc thì cho trái to và ngọt, nhưng khi đem trồng ở phương nam thì lại cho trái nhỏ và chua, là bởi vì đâu ? Đó là đều do Thủy Thổ mà ra cả ! Nay người nước Tề ở nước Tề thì không trộm cắp, sang qua ở nước Sở lại sinh ra trộm cắp, thần nghĩ chắc cũng do cái Thuỷ Thổ bất đồng mà sinh ra như thế chăng?! ". Vua Sở cười rằng: " Ta vì muốn nói chơi mà bị nhục ! ". Thế mới biết kẻ cả không nên nói chơi bao giờ!


Thổ là Đất, mà đất còn là quê hương đất nước. Cố Thổ 故土 là Cố Hương 故鄉, là quê cũ, quê xưa, quê nhà , là Cố Quốc 故國, là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi mà ta được sinh ra và lớn lên, như trong bài Độ Long Vĩ Giang 渡龍尾江 của cụ Nguyễn Du :

故國回頭淚, Cố quốc hồi đầu lệ,
西風一路塵。 Tây phong nhất lộ trần.

Có nghĩa:

Ngoảnh đầu quê cũ lệ rơi,
Dọc đường cát bụi tơi bời gió tây.

Ngoảnh đầu trông lại quê hương mà khôn ngăn hai hàng lệ nhỏ. Lại thêm gió tây thổi suốt dọc đường gió bụi. Vừa qua khỏi sông Long Vĩ thì thân ta đã là người tha hương rồi... Trong Truyện Kiều, tả lúc Hoạn Thư bắt Kiều về làm nô tì, cụ Nguyễn Du cũng đã viết :

Lâm truy chút nghĩa đèo bòng,
Nước non để chữ tương phùng kiếp sau.
Bốn phương mây trắng một màu,
Trông vời CỐ QUỐC biết đâu là nhà.
... và như lời than của một cung nhân đời Đường qua lời thơ của Trương Hỗ 張祜 là :

CỐ QUỐC tam thiên lý, 故國三千里,
Thâm cung nhị thập niên. 深宮二十年.

Có nghĩa:

QUÊ CŨ ba ngàn dặm,
Thâm cung hai mươi năm!

Cách xa quê hương ba ngàn dặm và bị nhốt trong cung hai mươi năm thì còn gì là tuổi xuân nữa ! Trông người lại ngẫm đến ta, chúng ta đã lưu vong ở Mỹ trên bốn mươi năm và cách xa quê hương trên hai mươi ngàn dặm, chỉ còn đợi gởi nắm xương tàn nơi " Ngoại Thổ 外土" mà thôi !

Theo Ngũ hành Sinh khắc thì Thổ khắc Thủy, có nghĩa là Đất khắc chế được Nước. Nói theo binh pháp ngày xưa là Binh đến thì Tướng ngăn, Nước đến thì Đất ngăn như cụ Đào Duy Từ đã khuyên Chúa Sãi không nhận sắc phong của vua Lê do Chúa Trịnh áp đặt, với diễn tiến câu chuyện như sau :

Năm 1627, chúa Trịnh Tráng muốn lấn vào Nam bèn sai Nguyễn Khắc Minh đi sứ, mang tiếng là phong tước cho chúa Nguyễn nhưng đồng thời cũng để dò xét tình hình đàng trong. Lúc bấy giờ Đào Duy Từ là Tham Tán bèn khuyên chúa Nguyễn che giấu lực lượng và tạm nhận phong để hòa hoãn với chúa Trịnh. Chúa Trịnh cũng đồng thời đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc, Duy Từ khuyên là không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ, với ý là Binh đến thì Tướng ngăn, Nước đến thì Đất ngăn . Chúa Nguyễn nghe theo và thực hiện ngay.

Về việc sắc phong, vào năm 1630 Duy Từ cho người làm một cái mâm đồng hai đáy bên trong đựng sắc của chúa Trịnh, trên phủ lụa vàng rồi sai Trần Văn Khuông đi sứ. Trần Văn Khuông theo lời Duy Từ dặn dò, đối đáp, dâng mâm cho chúa Trịnh, rồi kiếm cớ trốn về. Chúa Trịnh thấy sứ đoàn vội vã đi về, sinh nghi, bèn cho lục mâm đồng thì thấy tờ sắc của mình trước đó còn có kèm theo một bài thơ như sau:

Mâu nhi vô dịch, 矛而無剔,
Mịch phi kiến tích. 覔非見迹.
Ái lạc tâm trường, 愛落心腸,
Lực lai tương địch! 力來相敵 !

Có nghĩa:

Cây mâu mà không đâm, không khều.
Tìm mãi mà không thấy tung tích gì cả.
Thương đến nỗi rớt cả lòng dạ ruột gan.
Nếu dùng sức mạnh đến đây, thì sẽ đối địch với nhau mà thôi!

Cả triều không ai hiểu là ý muốn nói gì ?!. Giai thoại kể rằng:

Chúa Trịnh cho mời Phùng Khắc Khoan (1528 -1613, trong khi sự kiện này xảy ra năm 1630 nên không chính xác) đến hỏi thì mới vỡ lẽ, trong chữ Hán cổ, chữ MÂU 矛 viết không có dấu phết thì thành chữ DƯ 予, nghĩa là ta; Chữ MỊCH 覔 mà bỏ chữ KIẾN 見 chỉ còn lại chữ BẤT 不 nghĩa là không. Chữ ÁI 愛 nếu viết thiếu chữ TÂM 心 thì ra chữ THỤ 受 nghĩa là nhận. Chữ LỰC 力 ghép với chữ LAI 來 sẽ thành chữ SẮC 勑 là sắc phong. Ghép 4 chữ của bốn câu trên lại ta có câu :

Dư Bất Thụ Sắc 予 不 受 勑 ( Có nghĩa là : Ta không nhận sắc phong ). Chúa Trịnh hiểu ý là Chúa Nguyễn trả lại sắc phong, nổi giận, cho người đuổi theo sứ đoàn của Chúa Nguyễn, thì cả sứ đoàn của Trần Văn Khuông đã đi xa rồi !
Chuá Trịnh cả giận cử binh hỏi tội, nhưng đụng phải lũy Trường Dục của Đào Duy Từ, nên bị Chúa Nguyễn đánh cho thua chạy tơi bời !

Đào Duy Từ được tiếng là nhà chính trị quân sự, vừa là thầy giáo, vừa là bậc khai quốc công thần lớn nhất của 9 đời Chúa Nguyễn và 13 đời vua nhà Nguyễn, trong khi Gia Cát Lượng chỉ phò trợ có 2 đời Thục Hán mà thôi!

Thổ là Đất, mà Đất còn là Nước, ta có từ kép Đất Nước để chỉ Lãnh thổ 領土 của một quốc gia, còn được gọi là Quốc Thổ 國土, Cương Thổ 疆土 là phần đất ở sát biên cương với nước láng giềng mà ta có được, nói theo lịch sử của thời phong kiến, thì đó là Hoàng Triều Cương Thổ 皇朝疆土 là đất của vua , đất của triều đình. Hoàng Triều Cương Thổ lớn nhất, mở mang nhất nước ta là dưới thời vua Minh Mạng, tiêu diệt và đồng hóa Chàm (Champa), lấn chiếm Chân Lạp (Campuchia), sát nhập đất Phù Nam (Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau) để có được bản đồ hình cong chữ S như hiện nay. Nên, không có Đất là không có Nước, dân không có đất là dân vong quốc, chính quyền không có đất là chính quyền lưu vong, sẽ không làm nên trò trống gì cả ! Từ đó cho thấy ĐẤT quan trọng biết chừng nào ! Nhưng, nếu chính quyền lưu vong mà lập quốc được như dân Do Thái, thì chữ Nho gọi là "Quyển thổ trùng lai 卷土重來" Có nghĩa là : Cuốn đất mà trở lại, theo như ý của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Đề Ô Giang Đình 題烏江亭" của Đỗ Mục 杜牧 khi đến bến Ô Giang nơi mà Hạng Võ Sở Bá Vương đã tự sát :

勝敗兵家事不期, Thắng bại binh gia sự bấtkỳ
包羞忍恥是男兒. Bao tu nhẫn sĩ thị nam nhi
  江東子弟多才俊, Giang Đông tử đệ đa tài tuấn
捲土重來未可知。 Quyển thổ trùng lai vị khả tri !

Có nghĩa:

Thắng bại chuyện binh ai biết trước ,
Làm trai nhịn nhục cứ dửng dưng.
Giang Đông tuấn kiệt còn đầy rẫy,
Cuốn đất làm nên chửa biết chừng!

Ý của Đỗ Mục là : Nếu như Hạng Võ cố chịu nhục mà về Giang Đông chiêu mộ thêm anh tài còn đầy rẫy nơi đó mà phất cờ đánh lại Lưu Bang, thì chưa biết chừng đã làm nên cơ nghiệp lớn ! Cũng như Nhà nước Israel hiện đại đã được hoàn thành năm 1948 sau hơn 60 năm nỗ lực của các nhà lãnh đạo phái Zion (Chủ nghĩa lập quốc Do Thái) nhằm thiết lập chủ quyền và quyền tự quyết trên một Tổ quốc Quốc gia Do Thái vậy.

Thổ là Đất, Nhất Phầu Hoàng Thổ 一抔黃土 là Một nấm đất vàng, thường dùng để chỉ một nấm mộ, nhất là những nấm mộ hoang như của Đạm Tiên :

Xè xè nấm đất bên đường,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Còn sống thì phong lưu tiêu sái, hương trời sắc nước, nguyệt thẹn hoa nhường hay sự nghiệp lẫy lừng, danh vang bốn bể, anh hùng cái thế ... Nhưng khi chết đi rồi thì tất cả cũng đều vùi chôn dưới một nấm đất vàng ô trọc mà thôi ! Nên chi, Tào Tuyết Cần mới cho người đẹp u sầu muôn thuở Lâm Đại Ngọc chôn xác hoa rơi với "Nhất Phầu Tịnh Thổ 一抔淨土" là một nấm đất tinh khiết không ô nhiễm bụi trần:
Người đẹp Lâm Đại Ngọc 林黛玉 trong Hồng Lâu Mộng 紅樓夢 của Tào Tuyết Cần 曹雪芹, là người đẹp đa sầu đa cảm đa tài, rất giỏi về văn thơ đã thương khóc cho những cánh hoa rơi như thương cho thân phận của chính mình, rồi chôn hoa, rồi ngâm thơ điếu hoa hẵn hoi với bài TÁNG HOA NGÂM 葬花吟 với những lời thơ thật đẹp như sau :

... 願儂此日生雙翼﹐ Nguyện nông thử nhật sanh song dực,
隨花飛到天盡頭 Tùy hoa phi đáo thiên tận đầu.
天盡頭!何處有香丘﹖Thiên tận đầu ! Hà xứ hữu hương khâu ?
未若錦囊收艷骨 Vị nhược cẩm nang thu diễm cốt,
一抔淨土掩風流﹐ Nhất phầu tịnh thổ yễm phong lưu !...

Có nghĩa:

Ước gì hôm nay ta chắp được đôi cánh, để cùng với các cánh hoa rơi bay đến tận cuối chân trời. Ở nơi cuối chân trời kia, không biết là nơi đâu có mồ hoa thơm đẹp. Ta chưa kịp may túi gấm để thâu táng thân xác đẹp đẽ của hoa, thôi thì đành mượn một nắm tịnh thổ để vùi chôn một kiếp phong lưu diễm lệ!....

Lục bát:

.... Theo hoa bay đến cuối trời,
Chắp đôi cánh đẹp rạng ngời như hoa.
Cuối trời xa, cuối trời xa !...
Tìm hương mộ đẹp la đà xác thơm.
Chưa may túi gấm chiều hôm,
Vùi nông một nắm tủi hờn phong lưu !....

Người xưa để lại một câu nói ý vị sâu xa để khuyên răn người đời là:

Đản tồn phương thốn thổ, 但存方寸土,
Lưu dữ tử tôn canh. 留與子孫耕。

Có nghĩa:

Làm sao cũng phải chừa lại một tấc đất nào đó, để cho con cháu sau nầy có đất mà canh tác.

Một tấc Ta ngày xưa chưa bằng được ba phân Tây bây giờ, thế thì một tấc đất làm sao mà canh tác ?! À, thì ra câu nói còn có " ý tại ngôn ngoại ". Đất là một thực thể chứng minh cho sự sở hữu ngày xưa, ai chiếm hữu đất nhiều thì người đó sẽ giàu có, sẽ là chủ đất đầy quyền uy. Nên đất được mượn để chỉ mọi vật chất qúy giá và khi dùng rộng ra thì chỉ cả những giá trị tinh thần nữa. Như câu "Quảng chủng phước điền 廣種福田" có nghĩa : Trồng cho rộng ra mảnh ruộng phước đức. Ruộng Phước đức không phải là mảnh ruộng có thật, mà là muốn khuyên ta nên làm nhiều chuyện phước để "để đức" lại cho con cháu. Nên câu nói " Đản tồn phương thốn thổ, lưu dữ tử tôn canh " có ý khuyên ta :

- Làm việc gì đó, đừng qúa cạn tàu ráo máng, đừng qúa tuyệt tình, hãy chừa một chút gì đó để lại cho con cháu về sau. Như đừng qúa cậy thế hiếp người, đừng ví người khác vào bước đường cùng, hãy chừa cho người ta một con đường sống, biết đâu sau nầy cũng vì thế mà con cháu ta cũng được người khác niệm tình mà tha cho con đường sống như thế.

- Đừng sử dụng hết những uy tín, tín dụng mà mình có được, phải biết chừa lại cho con cháu. Ví dụ như : Ta dùng uy tín và sự tín dụng của mình để lừa hết người nầy đến người khác để thủ lợi, thì con cháu sau nầy sẽ bị mang tiếng là "Con cháu của tên lừa đão", chẳng những mọi người không chịu kết giao giúp đỡ, mà còn không tin tưởng để giao phó công việc nữa. Con cháu sẽ không còn "chút đất nào để cày bừa" nữa cả!

Nói theo trào lưu trước mắt là:

- Phải biết yêu qúi và bảo vệ môi trường sống trước mắt, đừng quá phung phí không khí trong lành mà phải biết tiết chế để chừa lại phần nào môi trường và không khí trong sạch cho con cháu sau nầy !

Nói theo bình dân mà ông bà ta thường nhắn nhủ : "Làm việc gì đó phải cho có hậu". Đừng làm việc đoản hậu, mà phải biết chừa cái hậu cho con cháu về sau. Đó là tất cả những gì mà cổ nhân đã gói ghém trong câu: " Đản tồn phương thốn thổ, lưu dữ tử tôn canh " là thế !

Bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long thường hay nói chơi với nhau rằng : "Làm cho lắm tắm cũng ở truồng !". Ý muốn nói dù cho thị phi thành bại gì hễ nhắm mắt buông xuôi thì đều "Nhập thổ vi an 入土為安" mà không thể mang theo thứ gì cả, như "tắm" thì làm sao mà "mặc đồ" cho được ! Bôn ba vất vả một đời, cuối cùng thì cũng đành chịu vùi sâu dưới ba tấc đất. Con người sống nhờ đất, chết lại về với đất, và cứ thế mà luân hồi mãi như Nguyễn Gia Thiều đã nói trong Cung Oán Ngâm Khúc :

Tuồng huyễn hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cổ khâu xanh rì!

Xin được kết thúc bài phiếm luận "Thổ là Đất" ở nơi đây, và để thực hiện câu :

Đản tồn phương thốn thổ, 但存方寸土,
Lưu dữ tử tôn canh. 留與子孫耕。

... xin mọi người hãy hỏa thiêu thân xác sau khi chết, để chừa lại tấc đất và môi trường sạch cho con cháu sau nầy!

Mong lắm thay!


杜紹德
Đỗ Chiêu Đức