Thứ Bảy, 14 tháng 8, 2021

Dòng Sông Tương Tư - Thơ Quách Như Nguyệt - Nhạc& Hòa Âm Văn Duy Tùng - Ca sĩThanh Hoài


Thơ: Quách Như Nguyệt 
 Nhạc& Hòa Âm: Văn Duy Tùng 
Ca sĩ, ThựcHiện Youtube: Thanh Hoài

Sụt Sùi Mưa Tháng Bảy


Xướng:

Sụt Sùi Mưa Tháng Bảy

Tháng Bảy nghe mưa đọng giọt sầu
Sụt sùi Ô Thước chuyển mùa Ngâu
Trời đày hai đứa chia đôi ngả
Giăng mắc mưa thu lạnh nhịp cầu

Nước mắt mùa Thu tiếng thở dài
Lệ mừng tơ tóc chửa phôi phai
Sông Ngân khắc khoải lòng Ngưu Chức
Chỉ tội...chao ôi lại đếm ngày

Kim Phượng
***
Họa:

Tháng 7

Mênh mang nhẹ gío vấn vương sầu
Lối đó em đi giữa tháng ngâu
Trĩu nặng tâm tư xa cố quận
Bỏ quên tay vẫy đứng bên cầu.

Mưa nay ấy thể tiếng than dài
Của kẻ si tình mơ đã phai
Chết lặng thu về theo gío chuyển
Lời xưa hò hẹn kết bao ngày.

Thái Huy 
15/8/21
***
Ngâu Buồn

Heo may lành lạnh vẻ thu sầu,
Sùi sụt mưa tràn xót lệ ngâu!
Mố hẫng đôi đầu buồn thấu dạ,
Trăng lòa Ô Thước lạnh chân cầu!

Hun hút đêm thâu gió thổi dài
Phấn hường khuây biếng lạt mầu phai,
Cách ngăn hụt hẫng mùa hạnh ngộ...
Ngưu Lang - Chức Nữ nén chờ ngày...

14-8-2021
Nguyễn Huy Khôi
 
 

Mưa

 

Vẳng đâu đây tiếng tơ vàng
Hòa theo khúc nhạc dịu dàng giọng ai
Như lạc vào chốn thiên thai
Nghê thường vuông lụa phẩy dài tỏa hương

Bổng trầm âm vọng vấn vương
Du hồn lối mộng dẫn đường vào yêu
Suối đêm róc rách êm reo
Bóng lung linh bóng như trêu kẻ khờ

Vớt lên nửa mảnh hồn mơ
Ghép chung nửa mảnh tôn thờ siết bao
Tiếng yêu cung bậc quyên vào
Dưới trăng dạ lý ngạt ngào hương đưa

Như Lang và Chức trong mưa
Cầu Ô rút ngắn chạm vừa tay ôm
Đắm say trao vội môi hôn
Đêm dần khuất dạng bồn chồn xa nhau

Thinh vắng chỉ gió xạc xào
Sợ trời mau sáng cùng trao hẹn chờ
Dẫu cho kiếp sống chơ vơ
Giấc say vẫn gặp xướng thơ họa vần

Phổ thành ca khúc song ngân
Cùng Tiên giáng thế khi cần ước mong
Bừng tỉnh trời ló vừng hồng
Mùi quen áo cũ thoảng trong nồng nàn.

Kim Oanh

Ô, Ôm, Ông


Nguyệt Lạc Ô Đề Sương Mãn Thiên

Chữ Ô 烏 trong câu thơ trên có nghĩa là con Quạ; vì con quạ màu đen nên chữ Ô còn có nghĩa là màu đen, như Ngựa Ô chẳng hạn. Ô từ miền Bắc có nghĩa là cây Dù che mưa của miền Nam, nên ta lại có từ "Ô DÙ", nghĩa bóng là có người che chở, nâng đỡ, đứng mũi chịu sào. Còn Ô của miền Nam là cái khai đựng trầu mà ta thường gọi là "Ô Trầu" thì miền Bắc gọi là "Cơi Trầu" với câu ca dao :

Đàn ông nông nổi giếng khơi,
Đàn bà sâu sắc như CƠI đựng trầu.

Trở lại với chữ Ô là "con quạ" trong câu thơ "nguyệt lạc Ô ĐỀ sương mãn thiên 月落烏啼霜滿天" là câu đầu tiên trong bài Phong Kiều Dạ Bạc rất nổi tiếng của Trương Kế đời Đường. Cả bài như sau :

月落烏啼霜滿天, Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,
江楓漁火對愁眠。 Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
姑蘇城外寒山寺, Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự,
夜半鐘聲到客船。 Dạ bán chung thinh đáo khách thuyền.

mà cụ Tản Đà nhà ta đã thoát dịch rất hay là:

Trăng tà tiếng QUẠ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Ô còn là Ô THƯỚC 烏鵲 là Chim Khách cũng màu đen, loài chim này bị đánh đồng với loài quạ đen trong truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ, mà ta gọi là Ả Chức Chàng Ngưu mỗi năm gặp nhau một lần nhờ vào loại chim này bắt cầu ngang sông Ngân Hà mà người đời hay gọi là CẦU Ô hay CẦU Ô THƯỚC, có gốc chữ Nho là Ô KIỀU 烏橋. Như trong truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

Riêng than chút phận tơ điều,
Hán giang chưa gặp Ô KIỀU lại rơi.


Hay như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phạm Tải - Ngọc Hoa" của ta ở thế kỷ thứ 18 cũng có câu:

Đưa thơ tính đã nhiều lần,
CẦU Ô rắp bắc sông Ngân cùng nàng.

Còn trong truyện "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" bằng thất ngôn luật thi (tức truyện Bạch Viên Tôn Các) thì gọi là CẦU THƯỚC:

CẦU THƯỚC phen này thênh dịp bước,
Tấc gang riêng giữ nghĩa chung tình.

Trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" thì lại gọi là Ô THƯỚC BẮC CẦU với các câu sau :

Thiệt công Ô THƯỚC BẮC CẦU,
Chàng Ngưu Ả Chức giã nhau từ rày!

Sau Ô là ÔM, trong văn học cổ ta có tích ÔM CẦU, tức là "Ôm Cột Cầu" mà chữ Nho gọi là BẢO TRỤ 抱柱, xuất phát từ thành ngữ BẢO TRỤ CHI TÍN 抱柱之信 (là cái tín nghĩa trong việc ôm cột cầu) có tích trong "Trang Tử- Đạo Chích 莊子-盜跖" như sau :

Trong thời Chiến Quốc có Vĩ Sinh 尾生 là người cùng quê với Đức Khổng Tử ở làng Khúc Phụ, người chính trực, tín nghĩa và hay giúp đỡ người khác, được mọi người kính yêu mến phục. Một hôm, có ông láng giềng hết giấm sang mượn, cũng vừa lúc nhà Vĩ Sinh hết giấm. Chàng bèn lén đi ngã sau để mượn ông hàng xóm khác một hủ giấm để về cho ông láng giềng ở nhà mượn. Khổng Tử biết chuyện, chê Vĩ Sinh thiếu thành thật và muốn làm ra vẻ có lòng tốt. Vĩ Sinh không để bụng, chỉ tâm niệm là mình có lòng thành giúp đỡ người khác là đủ rồi.
Sau Vĩ Sinh dời qua ở đất Lương (tỉnh Thiểm Tây ngày nay). Ở đây Vĩ Sinh quen với một cô gái, hai người định tính chuyện trăm năm với nhau, nhưng gia đình cô gái chê Vĩ Sinh nghèo không chịu gả. Vĩ Sinh hẹn cùng cô gái gặp nhau dưới chân cầu ngoài Hàn Thành để cùng trốn về Khúc Phụ. Đêm ấy mưa to gió lớn, nước cuốn tràn ngập chân cầu, đợi mãi không thấy cô gái tới, Vĩ Sinh bèn ôm chặc chân cầu và chết đuối vì nước ngập. Phần cô gái vì bị cha mẹ phát giác ý định bỏ trốn nên khóa trái cửa phòng của cô lại, đến khi cô thoát được đến dưới chân cầu thì thấy Vĩ Sinh đã chết, nhưng hai tay vẫn còn ôm chặc lấy chân cầu. Đau lòng qúa mức cô đã khóc ngất lên rồi gieo mình xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy để quyên sinh, viết nên trang bi kịch đầu tiên của tình yêu trong văn học sử Trung Hoa cổ đại.

Trong truyện thơ Nôm "Bích Câu Kỳ Ngộ 碧溝奇遇" của ta khi tả sự si tình của chàng Tú Uyên với Giáng Kiều cũng có câu :

Thôi đừng mộng mị trêu nhau,
Trần trần có thể ÔM CẦU mãi ru?

Còn trong Truyện Kiều thì cụ Nguyễn Du gọi là ẤP CÂY, khi cho Kim Trọng bày tỏ nỗi lòng tương tư của mình:

Tháng tròn như Cuội cung mây,
Trần trần một phận ẤP CÂY đã liều!

Sau ÔM là ÔNG, trong văn học cổ cái Ông được nhắc đến nhiều nhất là ÔNG TƠ, là "Ông già se tơ" dưới trăng, nên chữ Nho gọi là Nguyệt Lão 月老, tức "Nguyệt Hạ Lão Nhân 月下老人" là "Ông Già Dưới Trăng" (mời đọc lại "Điển Tích Văn Học 2 : CHỈ HỒNG) để biết chuyện thư sinh Vi Cố đi tìm người hôn phối gặp được Nguyệt Lão là ông lão chuyên se tơ kết tóc cho trai gái nên duyên chồng vợ như thế nào. Trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã hai lần sử dụng đến "ÔNG TƠ" để ám chỉ tình duyên của đôi lứa. Khi hay tin Kim Trọng phải đi Liêu Dương hộ tang cho chú, Thúy Kiều đã than vản :

ÔNG TƠ gàn quải chi nhau,
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.

...và sau khi bị ép phải hầu rượu cho Hồ Tôn Hiến, để rồi sáng hôm sau Hồ sợ "Quan trên ngắm xuống người ta trông vào" nên ép Thúy Kiều phải lấy Thổ Quan khiến cho nàng lại buông lời oán trách :

ÔNG TƠ thực nhẽ đa đoan!
Se tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên?

Nói đến từ ÔNG thì không thể không nhắc đến thành ngữ "TÁI ÔNG THẤT MÃ 塞翁失馬", tiếng Nôm ta chỉ dịch hai chữ phía sau là "TÁI ÔNG MẤT NGỰA". Theo sách Hoài Nam Tử, chương Nhân Gian Huấn 淮南子·人間訓 có ghi lại câu truyện như sau...

TÁI ÔNG là Ông già ở vùng biên tái, mà cũng có thể là Ông già họ TÁI, rất chuyên về ngựa. Một hôm, con ngựa quí nhà ông bỗng nhiên chạy mất. Hàng xóm mọi người cùng đến chia buồn. Ông cười bảo : Đây chưa chắc là việc không vui. Mấy hôm sau, con ngựa của ông trở về, lại dẫn theo một con ngựa quí khác. Mọi người hay tin lại đến chúc mừng. Ông bảo, đây chưa chắc là việc đáng mừng. Quả nhiên vài hôm sau đó, con ông tập cưởi con ngựa đó, bị nó quăng cho té què chân. Mọi người lại cùng đến an ủi, chia buồn. Ông lại bảo : Đây vị tất đã là chuyện buồn. Năm sau, giặc đánh vào vùng biên tái, tất cả thanh niên đều phải lên đường nhập ngũ tòng chinh, chỉ có con trai ông vì bị què chân nên được ở lại, khỏi phải ra chiến trường.

Đây là câu truyện Ngụ ngôn trong sách Hoài Nam Tử, cho ta thấy chuyện đời may rủi vô chừng, họa phước khó mà lường trước được. Có lắm chuyện tưởng như rủi mà lại may, tưởng như phước mà lại là họa... cho nên ta phải để lòng rộng mở, khoáng đạt, bình tĩnh mà ứng phó những tình huống khôn lường trước được nầy. Trong văn thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu :

Hàn Tín nên công chưa cả mặt,
TÁI ÔNG THẤT MÃ há cau mày !?

杜紹德
Đỗ Chiêu Đức

Ngày Song Thất



Tháng Bảy mưa không tạnh giọt ngâu
Buồn cho đôi lứa phải vương sầu
Ngưu -Lang nuối tiếc tình nồng cuối
Chức-Nữ hoài mơ mộng thắm đầu
Tàn Hạ, khô cành hoa héo héo
Chớm Thu, úa ngọn cỏ rầu rầu
Tương phùng ngắn ngủi ngày Song Thất
Chạnh nghĩ năm sau...Quạ bắc cầu!


Duy Anh

7/7 Âm lịch, 2021



Thương Thay Ngưu Chức

 

Bài Xướng:

  Thương Thay Ngưu Chức

Mùng Bảy tháng Bảy sắp tới đây  
Ngưu Lang Chức Nữ khó sum vầy  
Một dòng Vân Hán từ bao thuở     
Đôi ngã thiếp chàng đến tận nay         
Cũng bởi Cô-Vi hung dữ quá       
Cho nên nhịp Thước khó mà xây      
Chỉ mong dịch cúm mau nhường bước 
Để vợ chồng Ngâu chẳng lỡ ngày.  

Quên Đi
***
Các Bài Họa:

Hẹn Năm Tới

Hẹn kia sao gặp mặt nhau đây
Năm tới may ra chắc được vầy…
Chức Nữ gắng chờ-dù nhớ đó
Ngưu Lang đừng hối-dẫu buồn nay
Bệnh nhân điều trị-thầy đang xét
Covid dẹp yên-cầu sẽ xây
Nước mắt vỡ òa khi nối nhịp
Bù cho ngăn cách đã bao ngày.

Thái Huy
11/78/21
***
Ngưu -  Chức Hẹn Lại Tháng Bảy Năm Sau...

Ngưu Lang Chức Nữ nhớ nhau đây
Tháng Bảy uyên ương lỡ hẹn vầy
Hai kẻ đang yêu bao kiế́p trước
Đôi đàng vẫn quý một đời nay
Cô Vy biến thể người đi trốn
Ô Thước bắc càu kẻ lại xây ?
Dưới đất, chăn trâu lo sợ bệnh...
Trên trời, dệt vải đếm từng ngày...


Mai Xuân Thanh
August 11, 2021
***
Cầu Ô Thước Thời Covid

Chiếc cầu Ô Thước tính sao đây?
Khó bắc ngang qua để hợp vầy!
Vì thế Ngưu Lang đành lỡ trước
Cho nên Chức Nữ phải buồn nay
Thôi chờ Covid mau tan rã
Nán đợi thuốc ngừa chóng đắp xây
Hy vọng sang năm cầu nối nhịp
Dòng Ngân tháng bảy kịp sang ngày


songquang
20210814
( ngày mùng 7 tháng 7 âml)
Tháng 7 có mưa ngâu
Ngưu Lang& Chức Nữ sẽ gặp nhau
Cho thỏa tình thương nhớ
Chim Ô thước bắc cầu

Giọt Mưa - Thơ Hồng Thúy - Phạm Mạnh Cương -Ngọc Mỹ Hùng Đặng


Thơ: Hồng Thúy
Nhạc: Phạm Mạnh Cương 
Tiếng Hát: Ngọc Mỹ 
Thực Hiện:Hùng Đặng

Mùa Đã Vào Thu


Tháng năm bước đời dong ruỗi
Hay đâu mùa đã sang thu
Trông về phương mây trắng nổi,
Một chiều hoang tái tâm tư.

Êm êm theo từng bước nhỏ
Tóc mây trắng điểm bao giờ!
Ta nghe nỗi niềm dâu bể,
Giọt buồn rụng xuống cung tơ.

Ta nhớ ngày xưa, ngày xưa
Tao nôi từ thuở giao mùa.
Cánh cò bay vào năm tháng
Ca dao còn nghe sớm trưa.

Tháng năm đời còn xuôi ngược.
Mẹ vẫn cho con mùa xuân
Tháng năm con còn đếm bước
Bây giờ bóng mẹ phù vân.

Hạt muối còn hương vị biển
Hạt gạo còn thơm hương đồng.
Bóng mẹ khói sương từ độ...
Nước nguồn, cây cội...mênh mông.

Ngàn xưa tiếng chuông thiên cổ
Vẫn còn vọng bến trầm luân.
Ngàn sau bóng người Mục Tử,
Vẫn còn dâng bát cơm hương.

Chao ôi, thu đã sang rồi!
Gió chiều hiu hắt vàng rơi bóng chiều.
Chạnh niềm trên bến cô liêu,
Mây Tần trắng nẻo lòng hiu hắt lòng!

South Dakota, vào thu 2020.
Mặc Phương Tử

Sài Gòn Trong Dịch



(Tháng Bảy Tân Sửu - 2021)

Trời đương tháng bảy đổ mưa ngâu
Từng chập rơi khi tạnh lúc rào
Đường quạnh quẽ im hơi xế nổ
Phố đìu hiu thoảng tiếng ve sầu
Cảnh như thể sau cơn hồng thủy
Người khác chi giữa cuộc bể dâu
Chức Nữ-Ngưu Lang đang nhỏ lệ
Khóc Sài Gòn buổi quá cơ cầu


Nhất Hùng

Thứ Sáu, 13 tháng 8, 2021

Phượng Hồng

(Phượng Hồng -Vĩnh Long)

Phượng hồng ơi! sao chỉ muốn thầm thì
Khoan nở nhé, ngày dài thêm chút nữa...
(Trích thơ Tháng Năm Kỷ Niệm - TH Định Quán)




Ảnh: Diệp Thị Thu Cúc

Mùa Hạ Cuối


Yêu người, yêu phượng, yêu mùa hè
Buổi học cuối cùng, sầu tiếng ve
Sân trường nắng quái làm lưu luyến
Nặng trĩu bước chân em đi về

Ngẩn ngơ Thầy đứng trên bục giảng
Bàn ghế im lìm nhớ dáng ai
Từ nay sẽ không còn thấy nữa
Suối tóc dịu dàng, đôi mắt nai …

Cổng trường khép lại, em bâng khuâng
Ngàn lời muốn nói bỗng ngại ngần
Rộn rã những giờ Thầy lên lớp
Đâu ngờ ngày vui trôi qua nhanh

Bóng em xa khuất cuối con đường
Hành lang lớp học, Thầy vấn vương
Vì cô bé có chiếc răng khểnh
Áo trắng ngây thơ buổi tan trường

Ép đôi cánh phượng vào lưu bút
Nâng niu kỷ niệm một mùa hè
(Em viết tên Thầy vào trang cuối
Với một bài thơ …dẫu vụng về)

Bên bài giáo án, Thầy thao thức
Ngọn đèn khuya, điếu thuốc trên môi
Dòng nhật ký em ghi dang dở
Nhìn ánh sao đêm nhớ một người

Thế là ngày mai ta xa nhau
Mùa Hạ cuối cùng, tim em đau...

Edmonton July 7/2021
Kim Loan

Giữa Tiếng Chuông Ngân


Em về giữa tiếng chuông ngân
Giữa dòng kinh ngọc giữa lần chuỗi hoa
Giữa môi son giữa mặn mà
Giữa trần thế bụi giữa tà áo xanh


Em về giữa mái chùa cong
Giữa mùi hoa sứ về trong ánh vàng
Em về sợi tóc mùa tan
Trắng từng nỗi nhớ giữa ngàn mây bay  


Ngày rơi theo tiếng kinh dài
Mái hiên chùa cũ bàn tay nhớ người
Bây giờ mây đã qua đồi
Bỏ quên bao nỗi ngậm ngùi phía sau


Em về từng giọt mưa mau
Thắm trong dâu bể ngàn câu kinh buồn
Lần tay giữa những hồi chuông
Em mang theo cả nỗi phiền muộn tôi..!

  
Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng



Tình Buồn Áo Trắng - Nhạc Và Tiếng Hát Lê khắc Bình


Nhạc Và Tiếng Hát Lê khắc Bình 

Linh Hồn Ngôn Ngữ

1. Nhà văn Cao Hành Kiện:

Nhà văn Cao Hành Kiện

    Giải Nobel Văn Chương thường được trao cho các nhà văn đã đem lại "một hình ảnh rõ rệt về cuộc sống của con người cũng như một lý tưởng cao đẹp". Năm 2000 khi trao giải thưởng Nobel Văn Chương cho Cao Hành Kiện (Gao Xingjian), một nhà văn Trung Hoa lưu vong hiện có quốc tịch Pháp. Viện Hàn Lâm Thụy Điển đã đưa ra nhận định rằng "tác phẩm của ông có tầm ảnh hưởng quốc tế, ghi đậm nét một nhận thức chua chát và một bút pháp tài tình, vạch ra những con đường mới cho nghệ thuật tiểu thuyết và kịch nghệ Trung Hoa". 

    Đã có vài nhà văn Á châu đoạt giải Nobel văn chương như Rabindranath Tagore (1913), Yasunari Kawabata (1968), Kenzaburo Oe (1994), nhưng đây là lần đầu tiên Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao giải cho một người Trung Hoa, mà lại là một người Trung Hoa đã từ bỏ đảng Cộng Sản, sống nương náu tại Paris, viết cả tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp.

    Ông sinh tại Cống Châu, Giang Tây vào năm 1940, năm của một nước Trung Hoa loạn lạc trong khung cảnh cuộc chiến Trung Nhật. Có lẽ giống nhiều đứa trẻ Á châu sau này, ông đã chào đời, như lời mẹ ông nói với ông, " ngay trong lúc máy bay đang thả bom". Cuộc sống của ông bắt đầu trong bom đạn và tiếp diễn trong xáo trộn, chống đối, đàn áp, trốn chạy... Đúng, hầu như lúc nào cũng trốn, cũng chạy...như tựa đề của cuốn sách "Kẻ Trốn Chạy" của ông. Ông nói : " Tôi là kẻ tị nạn từ thuở lọt lòng mẹ.".

Hình ảnh lịch sử tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989

    Ông ly khai đảng cộng sản Trung Hoa năm 1989 khi cộng sản Trung Quốc mang xe tăng đàn áp những người biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn. Ông sống lưu vong tại Pháp và tiếp tục sự nghiệp văn chương của ông với những tác phẩm viết cả bằng tiếng Trung Hoa lẫn tiếng Pháp. Năm 1992, ông lãnh Huân Chương Nghệ Thuật và Văn Chương và năm 1994 ông đoạt Giải Cộng Đồng Pháp của Vương Quốc Bỉ với tác phẩm "Kẻ Miên Hành" và Giải Tân Niên của cộng đồng Trung Hoa năm 1997 với tác phẩm "Linh Sơn" (Soul Mountain). Ông lấy quốc tịch Pháp vào năm 1998 và sống tại một căn phòng tầng thứ 18 của một chung cư tại Paris, thành phố mà ông cho là nơi trú thân lý tưởng nhất cho những tâm hồn nghệ sĩ khát vọng tự do và sáng tạo. Từ căn phòng của ông, như lời ông nói, ông có thể nhìn ngắm tháp Eiffel với cảnh hoàng hôn tắt nắng, và Paris chầm chậm đi vào màn đêm thơ mộng, êm ái, nhưng cũng đầy rạo rực, nồng ấm.

    Tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn tiểu thuyết " Linh Sơn" (Soul Mountain) được ông khởi sự viết từ năm 1982. Đây là một hành trình của một tâm hồn qua thời gian và không gian, trong khung cảnh của các đồi núi, đồng cỏ, làng mạc Trung Hoa, để tìm lại cội rễ, sự an bình và tự do của nội tâm. Chuyến đi xa vào năm 1986 chắc chắn đã giúp ông nhiều ý tưởng, hình ảnh, tài liệu cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này mà mãi đến năm 1995 mới được xuất bản tại Pháp. Tờ báo Le Monde của Pháp đã dành một bài viết đặc sắc để giới thiệu cuốn tiểu thuyết quan trọng này ngay sau khi Cao Hành Kiện đoạt giải Nobel văn chương. Tác giả bài viết này, tên viết tắt là J.L.D, giới thiệu tác phẩm " Linh Sơn " của Cao Hành Kiện, xin được thoáng dịch một đoạn như sau:

    "Trong tác phẩm 'Linh Sơn' này, một người với túi sắc trên vai, đã ngược xuôi, khi thì chân đất, khi thì trên yên xe đạp hay lắc lư theo nhịp một chiếc xe thồ, để đi tìm một ngọn núi bí mật, tượng trưng cho một nơi lý tưởng để con người có thể 'rũ bụi trần ai'. Theo chân các di tích của Trung Hoa cổ xưa, một Phương Đông huyền bí và ma quái, với khoa học của Lão Tử, gã ta đã đi kiếm một nơi nương náu, trú thân với bao nhiêu những kỳ tích hoang đường tưởng chừng như đã biến với thuở hoang sơ: những đồng lúa chín vàng và rừng tre xanh biếc, những vị phù thủy hét ra lửa, những con khỉ gào thét, rú lên từng hồi, những con rắn chọc phá, cướp bóc mồ mả; gã ta nói đến sự bảo vệ giống gấu mèo cũng như sự tàn phá môi trường trong vùng sông Dương Tử. Cao Hành Kiện đã trở về với những chiến công của các nữ hiệp sĩ trong các truyện kiếm hiệp, những lễ hội tưng bừng với những lồng đèn rồng, những con kỳ nhông khổng lồ hay những con chim vĩ đại khao khát mật ngọt của cây lệ quyên... những kinh kệ ê a bên cửa chùa, những thuyền mành mỏng manh, những chiếc dù xinh xắn, những thiếu nữ đùa nghịch, chạy trốn và khẽ kêu một tiếng đầy hoan lạc khi ngón chân vừa chạm vào làn nước sông trong xanh."

     Khi nhận xét Cao Hành Kiện là " một kẻ quan sát đầy ngờ vực nhưng sáng suốt không nhằm giải thích thế giới" và trao giải thưởng Nobel văn chương cho ông, Hàn Lâm Viện Thụy Điển đã không chỉ trao giải thưởng cho một tài năng văn chương, mà còn cho một tấm lòng kiên trì của một nghệ sĩ đã dùng nghệ thuật của mình để chống lại tất cả sức mạnh của bạo quyền và hận thù để nói lên tiếng nói của cuộc sống đích thực, tiếng nói muôn đời của tự do và hạnh phúc. Ông là một "Kẻ Miên Hành", nhưng là một kẻ miên hành vẫn đủ tỉnh táo để trình bày, phê phán và tìm kiếm chân lý của cái đẹp.

2. Nhà văn Kim Thúy:

Nhà văn Kim Thúy và tác phẩm “Ru”

    Một tên tuổi xa lạ, là một phụ nữ trẻ gốc Việt, hiện sống ở Canada. Cũng như bao nhiêu người Việt sau biến cố 30/04/1975 đã bỏ nước ra đi, gia đình cô bé Kim Thúy cũng đã tìm cách vượt biên bằng thuyền đến Mã Lai, được đưa vào trại tị nạn, sống ở đấy chờ đợi cho đến khi được nhận vào đệ tam quốc gia là Canada.

    Kim Thúy sinh tại Sài Gòn trong một gia đình thuộc giai cấp trưởng giả, nhiều thành viên trong gia đình là công chức cao cấp hay ít ra cũng sống một cuộc sống thong thả mà với xã hội Sài Gòn hồi ấy, nếu cô chịu tiết lộ một số tên tuổi thì có lẽ chúng ta sẽ có thể nhận ra cô là ai, thân phụ cô hoặc những bà con xa gần của cô là những người nào; tiếc thay cô đủ kín đáo và kiêu hãnh để không nói rõ hơn. Kim Thúy sinh đúng vào Tết Mậu Thân, một biến cố lịch sử mà không một người dân miền nam nào có thể quên được cho dù họ thuộc phe nào, khuynh hướng chính trị nào. Cô lên mười tuổi khi gia đình cô lên thuyền vượt biển trốn khỏi Việt Nam. 

    Cuốn truyện kể mang tựa đề là "RU" vừa có nghĩa tiếng Việt vừa có nghĩa Pháp. Trong Pháp ngữ : giòng suối nhỏ, theo nghĩa đen, và sự chảy (chảy nước mắt, chảy máu) nghĩa bóng. Trong tiếng Việt RU có nghĩa là bài hát để ru trẻ con vào giấc ngủ an lành. Tác giả cho biết là cô từng là chủ một quán ăn ở một thị trấn nào đó thuộc xứ Canada, mang tên là "Ru de Nam". Khi lấy tên ấy làm tên tác phẩm đầu của mình hẳn tác giả có một dụng ý. 

    "... Trước khi tàu chúng tôi nhổ neo giữa đêm bên bờ biển Rạch Giá, đa phần các hành khách chỉ có một nỗi sợ, sợ cộng sản, nguyên do khiến họ bỏ trốn. Nhưng ngay khi bao quanh con tàu, bủa vây con tàu chỉ còn độc một chân trời xanh lơ đồng nhất, nỗi sợ bèn biến thành một con quỷ trăm mặt, cưa chân chúng tôi, khiến chúng tôi không cảm nhận được những cơ bắp bất động của mình đang tê cứng. Chúng tôi chết sững trong sợ hãi, vì sợ hãi. Chúng tôi không chợp nổi mắt nữa khi nước tiểu của đứa bé có cái đầu ghẻ lở bắn lên người chúng tôi. Chúng tôi không còn bịt mũi nữa khi nhìn những người xung quanh nôn mửa. Chúng tôi tê cứng, bị kẹt giữa những bờ vai người này, những chân cẳng người kia và nỗi sợ của tất cả. Chúng tôi tê liệt.

    Câu chuyện về một cô bé bị biển khơi nuốt chửng khi bước hụt chân lên tàu lan khắp lòng tàu bốc mùi như một thứ khí gây mê, hoặc gây đê mê, thứ khí ấy biến cái bóng đèn duy nhất thành ngôi sao Bắc cực còn những chiếc bánh bít cốt đầy dầu máy thành bánh quy bơ. Cái mùi dầu máy trong họng, trên lưỡi và trong tâm trí đưa chúng tôi thiếp đi theo nhịp bài hát ru của người phụ nữ ngồi bên." (dịch một trích đoạn trong tác phẩm RU).

    Cuốn truyện vừa in ra là được đón tiếp nồng nhiệt, được dịch và in trên nhiều nước. Ở Pháp truyện được chọn nhận giải Lire-RTL (Lire là tên của một tạp chí văn chương chuyên ngành và RTL là hãng truyền thanh và truyền hình). Vào chiều ngày 10 tháng 5, 2010 nhân buổi lễ khai mạc tuần lễ sách tại Paris (Salon du Livre) người phụ nữ nhỏ bé mảnh mai ấy đứng giữa hai ông hộ pháp François Busnel chủ bút tờ Lire và Philippe Labro giám đốc đài RTL, cả hai đều là những nhà văn nổi tiếng, trịnh trọng trao giải thưởng cho Kim Thúy và giải thích lý do sự chọn lựa tác phẩm của cô. Sau khi "RU" ra mắt tại Pháp thì nghe rằng ở Canada sách cô không còn tìm thấy trên kệ nữa. Số sách in đã lên đến 25,000 cuốn.

3. Nhà văn Lan Cao:


Tác phẩm “Cầu Khỉ” (Monkey Bridge) và nhà văn Lan Cao

    Nói đến những văn sĩ người Mỹ gốc Việt, người ta không thể quên Lan Cao. Lan Cao, Cao Thị Phương Lan, là ái nữ của cố Đại Tướng Cao Văn Viên. Bà sinh năm 1961, cùng gia đình di tản đến Hoa Kỳ lúc 13 tuổi. Năm 1983, Lan Cao tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Mount Holyoken, và Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Yale. Lan Cao là một trong số những người Mỹ gốc Việt viết sách tiếng Anh hiếm hoi được những nhà xuất bản có tiếng của Hoa Kỳ chọn in. Tác phẩm đầu tay “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) của Lan Cao là tiểu thuyết viết theo thể loại tự truyện, kể lại cuộc đời của hai mẹ con người Việt di tản cư ngụ tại Little Sài Gòn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. “Cầu Khỉ ” đưa người đọc cùng với Mai trở về xã hội miền nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, để tìm thân nhân và nếm trải nỗi buồn niềm vui với họ. 

    Tác giả Lan Cao cũng được Viking Penguin phát hành cuốn sách thứ hai, có tên "The Lotus and the Storm" (Hoa Sen và Bão Tố) sau khi xuất bản cuốn "Monkey Bridge" (Cầu Khỉ) rất thành công vào năm 1997. Tuy là một nhà văn, Lan Cao lại theo đuổi ngành luật. Bà hiện là giáo sư giảng dạy môn luật kinh tế quốc tế tại Chapman University.

    “Cầu Khỉ” của Lan Cao viết về chiến tranh, và những hệ lụy còn rơi rớt lại trong đời của một số người Việt lưu vong. Tâm sự và cuộc đời của họ ở chừng mực nào đó cũng chơi vơi, cũng chênh vênh như những nhịp cầu tre bắc ngang dòng sông chảy xiết. Một độc giả đọc “Cầu Khỉ” rồi đã ghi lại cảm nhận: "Một mai cố quận tìm về / Qua sông cầu khỉ vọng hề tiếng xưa / Con đường đi vội quá trưa / Bến ni bờ nọ cũng vừa thiên thu".

    Ngôn ngữ, trong “Monkey Bridge” (Cầu Khỉ) đã được nhìn ngắm ở hai phía trái ngược. Một là ngăn cách trở ngại của ngôn ngữ. Và hai là, sức mạnh của ngôn ngữ. Trong lá thư bí mật mà bà Thanh gửi lại cho con, bà đã viết rằng Mai đã xấu hổ vì bà nói tiếng Anh không đúng “accent” mặc dù bà nói tiếng Việt và tiếng Pháp rất chuẩn. Và ở một phía khác, Mai đã nhìn thấy được uy lực của “tặng phẩm của ngôn ngữ”:
     "Ở trong thanh âm mới của tôi, thanh âm mà tôi thực sự phát ra từ cổ họng, là một uy lực kinh ngạc mới mẻ. Đối với mẹ tôi và những người láng giềng, tôi bắt đầu nắm giữ cả thế giới, một độc nhất với thế giới tiến bộ xán lạn. Giống như ông Adam, tôi đã như được Thượng Đế ban cho quyền năng chỉ danh tất cả các loài chim chóc ở trên trời và các loài thú vật trên cánh đồng. Quyền được chỉ danh, tôi nhanh chóng tìm kiếm được quyền giữ gìn ngôn ngữ và quyền thỉnh cầu thẩm quyền tiếng nói của thuần khiết không giả tạo" (trích đoạn "Cầu Khỉ").

    Cả ba nhà văn đều viết các tác phẩm ở ngoài quê hương của họ, bằng ngôn ngữ không phải tiếng “mẹ đẻ” của mình. Nhưng không ai có thể phủ nhận trong từng câu, từng chữ mang đậm nét văn hóa, tính dân tộc và linh hồn của quê hương dù ngàn dặm cách xa. Tự tình dân tộc quyện lẫn, khắc sâu trong mỗi trang lịch sử của đất nước, dân tộc được trân trọng và nâng cao đến một tầm cao của nhân loại. Hình ảnh đất nước và con người của quê hương họ, như những chuỗi sao kết nối, soi sáng trên mỗi thân phận và hơi thở của từng nhân vật trong tác phẩm.    

    Đã có hàng triệu người Việt nói, đọc và viết tiếng Việt như ngôn ngữ “mẹ đẻ” nhưng lại mang tinh thần lai căng, vọng ngoại. Giá trị của ngôn ngữ không phải chỉ là việc lặp lại như một "con chim biết nói" mà sử dụng và biểu hiện như linh hồn của tiếng nói từ trái tim của chúng ta. Đó chính là linh hồn của ngôn ngữ, sâu thẳm bên trong tâm hồn, nhân cách chứ không phải chỉ là thứ phương tiện của tiếng nói và chữ viết trong cuộc sống giao tiếp vô hồn.

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam 


Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Thơ Tranh: Dễ Thương

  

Thơ: Diệp Thị Thu Cúc
Thơ Tranh:Kim Oanh

Chuỗi Đời


Đời là một chuỗi muôn màu 
Lần tay chạm biết hạt nào yêu thương 
Hạt nào là hạt vấn vương 
Hạt nào là hạt sầu tương người tình 
Lóng lánh hạt chuỗi bình minh 
Soi chung nhịp bước bóng hình có nhau 
Hạt sầu hạt khổ hạt đau 
Hạt gieo ai oán nhuộm màu hoàng hôn

Kim Oanh


Cảm Tác Trên Sông Tiền



Sông dài lấp lánh bóng tà dương
Rải rác ven sông trẹt lãi xuồng
Gió lật nước lùa lay bóng nắng
Sóng nhồi phơi lớp phủi hơi sương
Vẳng nghe câu hát trên bờ vọng
Xót dạ xổ lồng giọt lệ tuông
Ghe bẹo về đâu chiều bảng lảng
Bỏ ta ở lại hắt hiu buồn

Bằng Bùi Nguyên

Hãy Nhớ Cho Anh


Có lúc cuộc đời như vỡ tan rồi
Có lúc cuộc đời như giấc mơ
Dù ra sao anh cũng vẫn xin được yêu
Người con gái đang theo anh đến cuối đời

Nhiều lúc bão tố như cuốn trôi
Nhiều lúc nắng cháy như tuốt da
Mà vẫn thấy ai nắm tay
Vùng vẫy cũng không thoát ra
Đành phải nuốt nước mắt thôi
Ngậm ngùi anh cảm ơn trời

Lòng hứa ngàn muôn kiếp sau
Nợ cũ anh sẽ trả vay
Dù có trải qua đắng cay
Anh thề sẽ luôn kiếm em
Và dẫu có phải đấu tranh
Anh cố nói riêng với em
Nợ lớn năm xưa đã vay
Xin hãy cho anh dịp may
Trả hết nợ em kiếp này

Và đó không phải là đớn đau
Vì với một người giống như em
Điều đó luôn luôn là ước mơ
Dù có trải qua ngàn kiếp sau
Nợ đó bao giờ dám quên đâu

Cho dẫu một ngày được xóa đi
Thì anh vẫn mơ được có em
Vi dấu trong tận đáy trái tim
Hình bóng em kết đã thành tinh (thể quý)
Lung linh...lung linh trong mắt anh
……..
Anh sẽ chẳng bao giờ quên đâu
Dù có trải qua ngàn kiếp sau
Hai ta đã có nợ nần nhau
Hãy nhớ cho anh một dịp may

Dương Vũ

Tính Trước


(Mến tặng anh chị NTN)

Họ biết nhau từ thời trung học cùng lớp, rồi đại học cùng trường và sau khi ra trường họ vẫn còn thường rủ nhau đi chơi mỗi khi thấy cô đơn. Cả 2 đều cùng là võ sinh Vovinam thuộc hàng cự phách vì cùng luyện chung thêm Thái Cực Đạo và các thế võ tổng hợp.

Có lẽ vì cách nói chuyện chẳng có chi là ngọt ngào nên họ vẫn cứ là bạn bè thân thiết mỗi cuối tuần bên ly cà phê. Thỉnh thoảng chàng cũng trổ tài tán tỉnh mỗi khi… say, nhưng hôm nay chàng tiến thêm một bước liều lĩnh:
- Mình quen nhau lâu rồi mà anh chưa được biết sinh nhật em ngày nào?
- Dạ tháng 9.
-Vậy năm nay em sắp đón hay đã qua tuổi 42?
-Thưa 43 chứ!
-Ừ! Tính theo tuổi ta.
-Đó là tuổi… thật chứ không ta tây chi mô.
-Thật sao? Anh học ban Toán nên tính gì là rất chính xác, chắc em theo ban Văn?
- Em cũng ban Toán!
Em hỏi anh nè: sao sự sống của mỗi thai nhi bắt đầu từ khi tượng hình trong bụng mẹ mà Nhà Toán Học lại có thể bỏ quên cả 9 tháng được rứa?
- Ừm, thì cũng…đúng. Cứ nghe cô bé này cãi chắc có ngày… anh ung thư tim luôn!
- Ung thư tim? Anh nên thi vào trường Y để biết rằng tim không bao giờ bị ung thư cả.
-Vậy sao?
-Ừa! Nhờ vậy, trái tim dù bị tách rời khỏi cơ thể vẫn có thể tự tiếp tục đập để chờ được ghép vào cơ thể người khác!
- Không ung thư à? Vậy chắc là tim anh nó bệnh tương tư rồi!
Hay là em về làm vợ anh nhé? Mình sẽ cùng tính tuổi cho… con cái từ lúc cưới nhau là chính xác nhất.
- Dạ được! Nếu có ai chịu khó nuôi em ăn học và chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ em đưa ra.
- Dư sức qua cầu!
Mà luật gì? Bao nhiêu luật suốt từ thời sinh viên đến khi ra trường mấy năm nay chưa đủ sao? Chịu thua em! Anh đề nghị em nên thi vào trường Luật mà kén chồng luôn cho tiện.
- Dư sức qua cầu thật không? Xem nào! Sẽ có 600 luật trong hôn nhân của mình cho 60 năm còn lại cùng với một điều kiện duy nhất: trong 60 năm ấy, anh có thể leo lên, tụt xuống 600 lần, từ đáy thung lũng lên đỉnh của cây cầu Millau Viaduc ở Averyon, miền Nam nước Pháp.
- Chao ơi là cô nương! Đó là cây cầu cao nhất thế giới, một lần còn chưa nỗi, sao tới những 600 lần?
- Để bảo đảm rằng năm nào anh cũng còn thể lực đủ để em nương tựa.
- Xem nào! Tính tuổi thì nhất quyết là 43, mà sao đời người chỉ có trăm năm lại dư ra nhiều lần… tập thể dục thế? Thật là tội nghiệp cho ông già 100 tuổi này phải thử sức cho em xem tay chân nó run rẩy ra làm sao!
- Vì em rất ham sống và vì Nhà Toán Học không tính tuổi của thai nhi! Với lại, thiếu gì các cụ 100 tuổi ngày nay vẫn còn leo núi chứ anh
- Để anh hỏi kiến trúc sư Norman Foster và kỹ sư Michel Virlogeux* xem có ông già nào 107 tuổi còn có thể lặn sông Tarn, trèo cầu Milau không đã nhé!
- Sao lại 107 tuổi, dư ra 5 năm rồi?
- Vì anh hơn em 4 tuổi, cộng thêm một năm tượng hình của thai nhi nữa là 107.
- Tính thế thì anh tính vẫn còn sai đó nha!* Thôi anh đừng trồng si nữa, chừng nào anh ra “phó tiến sĩ” Toán hãy hay!
- Lại “phó tiến sĩ” kiểu vi xi nữa? Anh là người Quốc Gia chân chính, có chết cũng không thay đổi lập trường hồng hồng đo đỏ đâu. Mà anh còn sai gì vậy cô nương?
- Hẹn anh kỳ sau vậy, em có hẹn nên phải chạy mới kịp rồi. Chào anh Phó Tiến Sĩ Toán tương lai nhé!
- Ơ… hay…!

Vừa dứt câu là nàng hô biến ngay, vừa chạy vừa cười thầm:

- Anh ơi! Đừng lừa phỉnh
Nhịp nhanh chậm, tử sinh
Tim không người vẫn có
Xung điện riêng của mình.
Dẫu tách rời cơ thể
Tim vẫn đập tận tình
Mạng ai, tim tự tính
Chia nhân gì linh tinh?
 
Có vậy thôi mà về nhà bệnh tương tư của chàng phải nhường chỗ cho bệnh mới: nhức đầu!
Suốt ngày chàng cứ trông giải cho ra bài toán ấy để có dịp hẹn gặp nàng, rồi giả vờ say để được tán… tỉnh tiếp, trước khi… chống gậy đi uống cà phê 1 mình.
Nếu đời người là 100 năm thì tính theo cô nàng vẫn là 100-43 tuổi, tính theo… toán học thì 100-42 tuổi (mà đã thế thì chỉ giới hạn ở 100 tuổi thôi chứ không thể nào đến 107 tuổi). Rồi nếu tính tuổi thai nhi của nàng, còn tuổi thai nhi của chàng bỏ sót ở đâu? Thật là nhức đầu với cô bé bướng bỉnh này: 

- Hỡi cô em nhỏng nhảnh
Làm ngơ anh sao đành?
Ơi nhịp tim đỏng đảnh
Có nhịp nào cho anh?
Nhịp tim em vẫn đập
Trăm ngàn lần một ngày*
Của anh thì lo lắng
Đến loạn nhịp rồi đây!

Chàng không chịu thua nên chờ có câu trả lời mới rủ nàng đi chơi, nhưng nàng thì sao mà cũng im ắng lâu quá vậy? Hay là cả hai cùng tính sai nhưng ai cũng đòi tính trước chăng? Để xem ai sẽ gọi rủ ai trong cơn đại dịch Wuhan đang giết dần nhiều người trên thế giới này đây?

Á Nghi
10.8.2021

Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

Trả Lại Cho Tôi

 
(Lê Kim Hiệp-Pleiku 1972)

(Đọc thơ tưởng nhớ Giỗ lần thứ 5 của anh Bảy)


Xin trả cho tôi con phố nhỏ
Có đường xưa rợp bóng me che
Có nàng Phượng thắm đêm Hè khóc
Những dốc dài thăm thẳm về đâu


Trả cho tôi màu nhạt nắng chiều
Dinh Điền cũ hàng thông kiêu hãnh
Trả cho tôi khí trời lành lạnh
Hạnh phúc thầm đêm quán cafe

Trả sương giăng mù lối đường về
Hương phố cũ đê mê thời trẻ
Trả mây giông nghe lòng chuyển động
Mưa đầu mùa rỉ rã chờ mong

Trả đồi xanh còn trong tiềm thức
Tiếng chim ca vực ánh bình minh
Soi lòng quả cảm hình kiêu dũng
Vùng không gian ấp ủ đời trai

Trả lại tôi nắng bụi mưa bùn
Láng giềng,bạn thân tình vun đắp
Khắp phố phường giọng ấm thiết tha
Trả ngôi nhà nhỏ hằng yêu dấu

Trả bao câu chuyện tình phố núi
Con đường đất đỏ xuống suối yêu
Đẹp làm sao những lúc về chiều
Hoàng hôn tắt đôi yêu vào mộng

Cho tôi xem sợi chỉ Tơ Hồng
Thực đời hay giấc mộng phù du
Nên se lại cho dù vất vả
Trả tôi về "trời cũ yêu thương"!

Pleiku xưa là chốn thiên đường!

Pleiku 10-8-2010
Lê Kim Hiệp

Khóe Buồn

(Lê Kim Hiệp-Pleiku)

Ừ! Rồi mình cũng xa nhau
Biết ai ai biết nghẹn ngào biệt ly
Tiễn em ừ tiễn em đi
Tìm trong hồi ức những gì thu xưa
Năm năm cách biệt như chưa
Em theo cánh gió tiễn đưa thu tàn
Chiều nay mây tím giăng hàng
Khóe buồn muôn giọt trên ngàn xót xa

Kim Phượng
11.8.2021
5 Năm Rồi 7 Hiệp Ơi!


Bảy Ơí!

(Lê Kim Hiệp - Vĩnh Long 1969)

Bảy ơi! Chín muốn nói cùng anh... 
      .... nhiều điều muốn nói
Mà anh xa ngoài tầm với của em
Để những lời khấn nguyện đêm đêm
Anh chắc nhận tất lòng người em gái
Anh đã đi ... đi biền biệt năm dài 
Mà hình ảnh vẫn hoài trong tiềm thức
Nỗi hằn đau tràn đầy lồng ngực
Nhớ nhớ thật nhiều kỷ niệm giựt trong em
Thôi nhé anh! Ngủ giấc ngủ êm đềm
Em nhớ anh trong những lần cầu nguyện
Và anh em mình sẽ trò chuyện trong mơ...

Kim Oanh 

Nhớ về Bảy Giỗ 11/8/2021

Thương Tiếc - Thơ Lồng Nhạc

(Tưởng nhớ Giỗ Lê Kim Hiệp 11/8)

Thơ: Quên Đi
PPs: Huỳnh Hữu Đức

Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Thuở Ấy Có Em - Sáng Tác: Huỳnh Anh Tiếng Hát Đình Lộc


Sáng Tác: Huỳnh Anh 
Tiếng Hát: Đình Lộc
Thực Hiện:Oanh Dang

Nhân Sinh Như Mộng



Nhân sinh như mộng 
Nhất tôn hoàn lỗi giang nguyệt 
(Xích Bích Hoài Cổ - Tô Đông Pha)

Nhân sinh như mộng
Một ly rượu tế đổ sông tạ lỗi cùng trăng nước 
(Mây Tần - PKT)

(1)
Phố cũ nhìn lạ lẫm
Người về lạc bước vỉa hè quen
Tiếng ve sầu râm ran

Khung trời xanh tuổi dại
Đường xưa em nón nghiêng tóc thả
Hoa nắng động xôn xao

Quả bàng khô rụng khẽ
Nồi kê ai bếp còn đỏ lửa
Rượu Tầm Dương nào say

Sóng êm sau lũ dữ
Gốc bèo trôi giạt lạc bờ xa
Ta mất nhau rồi sao?


(2)
Một chiều cuối thu Hà nội
Gió thoảng se lạnh đầu đông
Lạc lõng vỉa hè phố cổ
Thời gian như có như không

Bàn tay luống cuống nắm vội
Hơi ấm trao nhau buổi đầu
Theo suốt tháng năm mưa gió
Có giây phút nào quên đâu

Cuối đời tìm về chốn cũ
Ngày xanh tuổi dại không còn
Bơ vơ trời dài đất rộng
Bạc đầu một tấm lòng son!


(3)
Về đâu về đâu
Nước chảy dưới cầu
Người đã đi rồi đâu trở lại
Lưng trời cánh nhạn rướn bay mau

Về đâu về đâu
Đau xót vàng thau
Biệt ly từ thuở thu chia cắt
Thôi rồi bao nỗi hờn bể dâu

Về đâu về đâu
Đường đời muôn lối
Tình thơ một thuở thiên thu hận
Cuối đời vẫn mãi nhớ thương nhau!


Phạm Khắc Trí

Xin Cho Em


Xin cho em còn chiếc nơ trên tóc
Để tháng ngày vơi bớt nỗi xanh xao.
Quên đớn đau những dối gian lừa lọc
Đời còn tin vẫn đẹp một phương nào….

Xin cho em về giấc mơ tuổi nhỏ
Thuở môi hồng mắt ngọc chửa âu lo
Áo trắng bay cành phượng thắm học trò
Nghiêng nắng hạ ngập sân trường ngày đó.

Xin cho em đồng xanh mùa gặt mới
Thả diều bay trong tiếng gió vi vu
Chiều làng quê hoàng hôn tím chân trời
Không gian vọng hồi chuông chùa xóm cũ.

Vui lên em hỡi nụ hoa cỏ dại
Cố vươn mình dù lỡ gót vực sâu
Rồi cũng qua hết khúc quanh thời đại
Về sông xưa đời sẽ giải nỗi sầu.

Đỗ Bình

Tuổi 49


Khóe môi một nếp nhăn rồi
Cười chi cho lắm để đời thấy ra?
Tóc xanh bạc mấy sợi kìa
Bốn mươi chín tuổi sắp lìa bỏ ta.
Như vầy là nửa đời chưa?
Đâu rồi mười chín? Thật thà tiếc ghê!
Phải chi quay ngược được về
Vui chơi cùng bạn thỏa thê tuổi hồng
Nghêu ngao như sáo ngoài đồng
Tràn trề nhựa sống thả rong suốt ngày.


Á Nghi
12.9.2008

Góc Nghiêng Không Vẹn

 

Em chờ từ cõi trăm năm hẹn
Khăn áo màu trăng úa giống trăng
Xuôi ngược giữa dòng trôi ngược dốc
Màu yêu màu nhớ sánh đâu bằng

Anh về từ góc nghiêng không hẹn
Ánh mắt nhìn nhau thoáng sững sờ
Tóc rối vì sao em biếng chải
Để từng cuộn rối rớt trong thơ?

Điều chia ly đó xưa từng đến
Chẳng ước đâu em chuyện vá trời
Chỉ ước bàn tay em bé bỏng
Nắm truyền hơi thở của nhau thôi

Ngày rơi chiều xuống bao niềm nhớ
Như nắng như mưa rát cuộc trần
Như những dòng sông buồn lạc bến
Đôi bờ em có thấy bâng khuâng?

Thì thôi nếu có nghiêng sầu cũ
Ngan ngát hồn anh cuối vực này
Em hãy, cho dù như suối cạn
Chảy vào sa mạc thiếu mưa bay

Nhược Thu

Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm 宿晉昌亭聞驚禽 - Lý Thương Ẩn

 

Nguyên tác           Dịch âm

宿晉昌亭聞驚禽 Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm


羈緒鰥鰥夜景侵 Ky tự quan quan dạ cảnh xâm,
高窗不掩見驚禽 Cao song bất yểm kiến kinh cầm.
飛來曲渚煙方合 Phi lai Khúc Chử yên phương hợp,
過盡南塘樹更深 Quá tận Nam Đường thụ cánh thâm.
胡馬嘶和榆塞笛 Hồ mã tê hoà Du tái địch,
楚猿吟雜橘村砧 Sở viên ngâm tạp Quất thôn châm.
失群掛木知何限 Thất quần quải mộc tri hà hạn,
遠隔天涯共此心 Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm.
 
  
李商隱              Lý Thương Ẩn
***
Dịch thơ

Trọ đình Tấn Xương thấy chim sợ
Lữ khách đêm thâu dạ bất an
Cửa song bỏ ngỏ thấy chim than
Bay qua bãi ngoặt lồng sương khói
Đến tận lùm cây ao phía Nam
Vượn Sở nhịp chày thôn Quất đập
Ngựa Hồ hòa sáo ải Du ngân
Lạc bầy ẩn khóm bao giờ thoát
Ta cũng chân trời sống một thân


Con Cò
***
Nguyên tác:         Phiên âm:


宿晉昌亭聞驚禽 Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm

羈緒鰥鰥夜景侵 Cơ tự quan quan dạ cảnh xâm,
高窗不掩見驚禽 Cao song bất yểm kiến kinh cầm.
飛來曲渚煙方合* Phi lai Khúc Chử yên phương hợp,
過盡南塘樹更深 Quá tận Nam Đường thụ cánh thâm.
胡馬嘶和榆塞笛 Hồ mã tê hoà Du Tái địch,
楚猿吟雜橘村砧 Sở viên ngâm tạp Quất Thôn châm.
失群掛木知何限 Thất quần quải mộc tri hà hạn,
遠隔天涯共此心 Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm.
李商隱                 Lý Thương Ẩn

Ngự Định Toàn Đường Thi cho 1 dị bản trong câu 3: hành行 thay vì phi飛.
Lý Hy San Thi Tập (Đường) của Lý Thương Ẩn 李羲山詩集 (唐) 李商隱, Văn Uyển Anh Hoa - Tống - Lý Phưởng 文苑英華-宋-李昉, cũng như Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển (Minh) của Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選 (明) 曹學佺 không có dị bản.

Ghi chú:

Tấn Xương: tên tự của Phùng Hy (438-495) sanh tại Tín Đô, Trường Lạc nay là Ký Châu, Hà Bắc, đại thần thời Bắc Ngụy, tên làng/phường/huyện ở Trường An
Khúc Chử: tức Khúc Giang Trì, tên ao đời Đường ở đông nam Trường An, phía đông phố Chu Tước, nay là Tây An, Thiểm Tây. Ao dài như con sông ngắn, khúc khuỷu quanh co, nên gọi Khúc Giang.
Nam Đường: ao trước chùa Đại Từ Ân ở Tấn Xương, Trường An. Chùa là một trong nhiều trung tâm dịch thuật Kinh Phật do sư Huyền Trang gầy dựng từ thời nhà Đường.
Khúc Chử: thử chỉ Khúc Giang Trì 曲渚:此指曲江池 Khúc Chử chỉ Khúc Giang Trì . Nam Đường: tức Đại Từ Ân Tự tiền đích nam trì 南塘:即大慈恩 寺前的南池 Nam Đường là ao phía nam chùa Đại Từ Ân. Nhị xứ giai dữ Tấn Xương lý vi cận 二处皆与晋昌里为近. Hai nơi này gần làng Tấn Xương.
Hồ mã: ngựa nuôi ở đất Hồ, vùng dân tộc Tây Bắc; quân lính của người Hồ. Ẩn dụ cho lòng thương nhớ quê hương vì ngựa Hồ, mỗi khi gió bắc thổi, thì ngẩng cao đầu hí dài thảm thiết.
Du Tái: địa danh ở tây bắc Trung Hoa, còn có tên là Du Quan hay Du Lâm Tái ở Cam Túc, nơi tướng Mông Điềm 蒙恬 nhà Tần xây ải để chống Hung Nô, tên chung là đồn biên phòng.
Sở viên: vượn đất Sở, vùng Tam Vu Tam Giáp tỉnh Hồ Bắc.
Quất Thôn: Quất Châu, nay là Hán Thọ, Hồ Nam, xưa là đất được giao Ngô Lý Hành 吴李衡 để trồng cam.

Phân tích bài thơ:

Túc Tấn Xương Đình Văn Kinh Cầm
Trọ Đình Tấn Xương Nghe Chim Sợ Hãi Kêu
Bài thơ Đường luật, thất ngôn, bát cú, luật trắc, vần bằng, hoàn hảo về niêm, vận, đối xứng, tiết tấu và bố cục.

Đề:

Cơ tự quan quan dạ cảnh xâm,
Cao song bất yểm kiến kinh cầm.
Lòng cô đơn man mác trong đêm dần đến,
Cửa sổ cao không đóng, thấy con chim sợ hãi.

Đêm cuối thu năm Đại Trung thứ 5, Tử Châu khí trời oi ả, khách trọ tại đình Tấn Xương cô đơn, buồn man mác không ngủ được. Bỗng nghe tiếng kêu sợ hãi của chim, khách đứng lên sau màn cửa sổ cao đang mở rộng nhìn thấy bên ngoài.

Thực:

Phi lai Khúc Chử yên phương hợp
Quá tận Nam Đường thụ cánh thâm.
Đã bay qua bãi Khúc Chử mà sương vừa phủ kín.
Vượt đến ao Nam Đình, phía sau cây cối càng rậm rạp.
Những con chim lạc bầy bay qua bãi Khúc Chử, mà mây vừa phủ kín. Qua khỏi ao ở Nam Đường, cây cối rậm rạp hơn nên không biết chúng bay về đâu.

Đối xứng: Phi lai Khúc Chử yên phương hợp
Quá tận Nam Đường thụ cánh thâm

Luận:

Hồ mã tê hoà Du tái địch,
Sở viên ngâm tạp Quất thôn châm.
Ngựa Hồ hí hoà với tiếng sáo từ quan ải Du,
Vượn Sở hú lẫn với tiếng chày giặt thôn Quất.
Cảnh hoang dã không những làm chim sợ hãi, còn làm ngựa Hồ hí vang hòa vào tiếng sáo từ quan ải Du. Vượn Sở gần Tam Hiệp hú không cùng nhịp với tiếng chày giặt áo quần từ thôn Quất.

Đối xứng: Hồ mã tê hoà Du tái địch
Sở viên ngâm tạp Quất thôn châm

Kết:

Thất quần quải mộc tri hà hạn,
Viễn cách thiên nhai cộng thử tâm.
Lạc bầy nương vào cây, biết đến bao giờ mới hợp lại,
Tấm lòng ta cũng thế dù ở nơi chân trời xa cách.
Chim lạc đàn chỉ biết nương tựa vào cây cối không biết bao giờ mới hợp lại nhau? Dù ở chân trời xa cách lòng ta cũng cảm thông nỗi lo buồn và sợ hãi của kẻ lạc bầy xa cách cô đơn.

Dịch thơ:

Chim Sợ Hãi


Cô đơn buồn thoảng màn đêm xuống,
Chợt thấy ngoài xa chim hoảng bay.
Khúc Chử bãi sông sương chớm phủ,
Nam Đường ao lạnh cạnh rừng cây.
Ngựa Hồ hí thảm sáo Du ải,
Vượn Sở thê lương lẫn tiếng chày.
Lạc bạn lìa đàn sao hợp lại?
Phương trời xa cách thấu lòng này.



Staying at the Jin Chang Temple Hearing Frightened Birds
by Li Shang Yin


Feeling lonely and sad as the night was approaching slowly,
Suddenly I heard and seen a frightened bird through the opened high window.
It was flying over the river bend Qu Zhu, just covered by fog,
To arrive at the Nan Tang pond, beyond trees were much darker.
Hu horse neighed in harmony with flute from Yu fort,
Chu apes cries were lost in washing bat sounds from Orange village.
Separated from their flock and relying only on trees, who knew how long it would take for them to reunite?
From this far and separated corner of heaven, my heart shared in the sorrow.

Phí Minh Tâm 
***
Trọ Tấn Xương Đình Nghe Chim Kinh Hãi

Trừng trừng lữ khách bóng đêm thâu
Không khép cửa cao thấy điểu sầu
Khúc Chử bay qua mù khói tỏa
Nam Đường vượt đến khắp rừng sâu
Ngựa Hồ hí, sáo Du biên vắng
Vượn Sở kêu, chầy Quất đập mau
Bầy lạc nương cây đâu lúc hết?
Ta nơi trời thẳm cũng lòng đau!

Lôc Bắc
***
Cảm Tác:

Một Mình


Từ bào thai đã một mình
Cô đơn dẫu có thêm hình bóng ai
Riêng ta đau ốm lai rai
Riêng ta lủi thủi sớm mai chiều tà
Đói no cũng một mình ta
Lạnh nóng, tê dại nuột nà thịt da
Đáy lòng, môi miệng lời ra
Lết lê giữa chốn ta bà một thân

Đồ Cóc



Nhạc Sĩ Lan Đài & Nỗi Nhớ Xa Xôi


Nhạc sĩ Lan Đài và nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn cùng sinh năm 1926 tại Quảng Nam, cùng trải qua thời kỳ sinh hoạt với nhau từ thời kháng chiến và hai thập niên thời Việt Nam Cộng Hòa. 

Nhạc sĩ Lan Đài tên thật là Nguyễn Kim Đài sinh năm 1926 tại Hội An.  Vào đầu thập niên 1940, nhạc sĩ La Hối thành lập Hội Hiếu Nhạc Faifo (La Philharmonique de Faifo) có nhiều bạn trẻ tại địa phương như Lan Đài, Lê Trọng Nguyễn, Trương Đình Quang, Huỳnh Sỏ, Hoàng Tú Mỹ (nay còn sống ở Hội An)… tham gia sinh hoạt âm nhạc. Nhạc sĩ La Hối (1920-1945), trong những năm 1936-1938 theo học ở Sài Gòn, trau dồi âm nhạc cổ điển Tây phương, trở về Hội An làm Hội Trưởng Hội Hiếu Nhạc, hướng dẫn nhạc lý, sáng tác ca khúc cho các hội viên: (ký âm (solfège), hoà âm (harmonie), và sáng tác (composition).


Trong những năm 1946-47, Lan Đài và Lê Trọng Nguyễn tham gia trong vùng chiến khu Nam Ngãi Bình Phú, hoạt động văn nghệ ở Liên Khu, sau đó bị Việt Minh theo dõi vì nghi ngờ ông thuộc thành phần có hoc, tiểu tư sản đang có ý định “dinh tê” trốn về “thành” như một số văn nghệ sĩ nên bắt ông bỏ tù, giam tại nhà lao Tiên Hội, một trong những nhà lao giam giữ khắc nghiệt nhất thời bấy giờ thuộc vùng Tiên Phước, Quảng Nam. Nhưng may mắn cho ông, ông được “phóng thích” năm 1954 sau khi có hiệp định đình chiến Genève, trở về vùng Quốc Gia. Lê Trọng Nguyễn ghi lại những dòng chia sẻ của ông rất khó khăn và nguy hiểm khi rời vùng chiến khu trốn về Hội An.


Năm 1955, Lan Đài dạy âm nhạc tại trường Trung Học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phan Rang. Năm 1956, dạy âm nhạc tại trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức. Năm 1957 làm việc tại Bộ Thông Tin ở Sài Gòn. Năm 1959 ông phụ trách “Chương Trình Lan Đài”, chương trình chuyên về âm nhạc trên đài truyền hình Sài Gòn. Ca sĩ Diễm Hồng (Vũ Thị Hồng Lê), người bạn đời của ông cùng các ca sĩ ở Sài Gòn góp mặt trong chương trình truyền hình được khán giả ái mộ.

Từ năm 1959 trở về sau Lan Đài mở lớp dạy nhạc ở Sài Gòn, viết các thể loại về âm nhạc. Có thể nói ông là nhạc sĩ, dạy âm nhạc trong hai thập niên nên đã sáng tác nhiều nhất về âm nhạc. Sách của ông được các nhà xuất bản như Xuân Thu, Khai Trí, Văn Hiến hợp đồng ấn hành nên phổ biến rộng rãi ở miền Nam Việt Nam:


Tự học Tây Ban Cầm theo phương pháp cấp tốc: Sơ Cấp, Trung Cấp.

Tự học Tây Ban Cầm (nhạc khiêu vũ, nhạc Jazz)

Tự học Hạ Uy Cầm (Guitare Hawaienne) Hạ Băng Cầm (Banjo Alto)

Tự học Đại Hồ Cầm (Contre Basse)

Nghệ Thuật Độc Tấu Tây Ban Cầm

Tự học Ukulele (viết chung với Lê Trọng Nguyễn)

Tự học Khiêu Vũ

Tự học Khẩu Cầm (Harmonica) (dị chuyển và đồng chuyển) (viết chung với Đằng Vân)

Để Sáng Tác Một Bản Nhạc Phổ Thông

Kỹ Thuật Hòa Âm

Hòa Điệu Sơ Cấp

Hòa Điệu Tổng Quát

Nhạc Lý Căn Bản

Tự học Tây Ban Cầm Điện, TBC Điện Trầm

Tự Điển Tây Ban Cầm (2000 Thế Bấm)

Tự học Măng Cầm (Mandoline) và Băng Cầm (Banjoline)…


Nhạc sĩ Lan Đài sáng tác nhiều ca khúc và phổ biến rộng rãi: như Chiều Thương Nhớ (Phổ thơ Hoàng Hương Trang, ca khúc nầy trùng tên với ca khúc của Thẩm Oánh), Nuối Tiếc, Đôi Tay Ngọc Nữ, Câu Chuyện Tâm Tình, Quán Chiều, Tìm Về, Nụ Cười Tái Ngộ, Tà Áo Trinh Nguyên, Nói Đi Em, Sao Vẫn Còn Thương, Em Là Tất Cả (Viết chung với Mạnh Phát), Tà Áo Tím (Viết chung với Mạnh Phát, nhạc sĩ Hoàng Nguyên ca khúc trùng tên Tà Áo Tím), Nhạc Ru Tuổi Hồng (Tuyển Tập Nhạc viết chung với Nguyễn Hiền, Anh Việt, Hoàng Nguyên, Lê Trọng Nguyễn), Nhạc Xanh (Tập Nhạc viết chung với Y Vân)…



Nhạc sĩ qua đời tháng 3 năm 1982 tại Long Hương, Bà Rịa. Tháng 3 năm 1983, gia đình Lê Trọng Nguyễn định cư tại Los Angeles, Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh (ODP).

Trước năm 1975, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn không sống bằng âm nhạc. Với khả năng chuyên môn nên từ năm 1965 đến năm 1975, làm Giám Đốc các công ty Centra Co., Sealand, nhà máy Dầu Hỏa Cửu Long. Những nhạc phẩm của ông trong khoảng ba thập niên đã tạo nên tên tuổi nhạc sĩ trong nền tân nhạc Việt Nam. Khi Lê Trọng Nguyễn được định cư tại Hoa Kỳ, giấc mơ với âm nhạc được hồi sinh, những tình khúc của Lê Trọng Nguyễn được phổ biến rộng rãi.

Trong khi đó, nhạc sĩ Lan Đài đã sống và đóng góp nhiều ca khúc nổi tiếng và sách về âm nhạc lại sống lặng lẽ tại quê nhà. Sau khi qua đời ít ai nhắc đến tên nhạc sĩ Lan Đài.

Viết những dòng nầy, kèm theo những ca khúc của ông, rất quen thuộc đã được các ca sĩ thành danh ở miền Nam VN trình bày (kèm trong YouTube) để gởi đến quý vị.

Áo Tím Ngày Xưa rất quen thuộc với giới thưởng ngoạn


“Thơ ấu đi vào trong giấc mơ 

Yêu mến xưa tìm lên trang thơ

Lòng vẫn nhớ một mùa thu  xưa

Một mùa thu dệt nhiều mộng mơ

Tôi đã yêu đã thương đã nhớ…”


Ca khúc Áo Tím Ngày Xưa với tiếng hát Thái Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=zIdAx2jO7dc

Với tiếng hát Giao Linh

https://www.youtube.com/watch?v=ICSdrQ_jCNI


Ca khúc Khói Lam Chiều đã một thời rất thịnh hành


“Mỗi lúc hoàng hôn sắp về ngàn lối

Nuối tiếc ngày xanh đã tàn mơ rồi

Bùi ngùi, xao xuyến, thương nhớ xa xôi

Thương về quê hương mến yêu

Có bóng cô em diễm kiều.

… Khói lam chiều lên chơi vơi

Khói lam chiều vương nơi nơi

Khói lam chiều gieo đơn côi

Đưa người tha phương vào trong lãng quên”


Ca khúc Khói Lam Chiều với tiếng hát Phương Dung

https://www.youtube.com/watch?v=W3Q-A9A8Yug


Ca khúc Chiều Tưởng Nhớ phổ thơ Hoàng Hương Trang (ca khúc nầy trùng tên với ca khúc của Thẩm Oánh)


“Chiều đi lặng lẽ

Thương nhớ muôn bề

Khi người yêu đã chết

Nhạc thu chưa thấy về

… Bàn tay đâu tìm không thấy nữa

Bờ môi đâu, mắt đâu, ôi tìm đâu

Dấu chân em xa vời vợi

Nghìn muôn xưa quên lãng rồi”


Ca khúc Chiều Tưởng Nhớ với tiếng hát Lệ Thu:

https://www.youtube.com/watch?v=LI3oPEZGFaM


Với tiếng hát Thanh Lan

https://www.youtube.com/watch?v=F8mIOiJz16Y


Ca khúc Tà Áo Trinh Nguyên

“Một chiều vàng ngát ý thơ 

Vương nắng thu trên làn má

Dịu dàng người hoa thướt tha

In bóng duyên trên đường tà.

… Đường đời dù sóng gió 

Mà mong ước không bao giờ nhạt phai

Lòng người thường tiếc nuối 

Một dĩ vãng đã xa rồi”


Ca khúc Tà Áo Trinh Nguyên với tiếng hát Hà Thanh

https://www.youtube.com/watch?v=_iP15Y8BAtA


Ca khúc Tìm Về của Y Vân & Lan Đài cũng rất quen thuộc trong giới mộ điệu âm nhạc


“Đêm vắng anh ơi có buồn lắm không

Về đây cùng tôi cho hết chờ mong

Hết đi đường vắng âm thầm

Hết đi lẻ bóng cô đơn

Hết mang nỗi sầu vấn vương

… Nơi đây có vòng tay chờ đợi

Đang tha thiết mong anh trở lại

Quê hương ấm êm trong tình người

Anh nhớ mau về anh ơi


Ca khúc Tìm Về với tiếng hát Phương Thoa

https://www.youtube.com/watch?v=yZG92gKyZ4k


Ca khúc Quán Chiều


“Hoàng hôn theo nắng tắt cô liêu

Riêng bóng tôi ngồi trong quán chiều

Đường xưa đâu có khác bao nhiêu

Nhưng người xưa đã xa tôi nhiều

… Ai ơi, mộng đời bao, hoa đẹp tươi

Vì đời bao trái ngang buồn vui

Nhớ chăng những lời nói trong tiếng cười

Mà mến thương người”


Ca khúc Quán Chiều với tiếng hát Hà Thanh

https://lyric.tkaraoke.com/16129/quan_chieu.html



Không hiểu vì lý do gì mà nhạc sĩ Lan Đài sáng tác nhiều ca khúc mang nỗi buồn man mác xa xôi trong khi nghề nghiệp và tình yêu với cuộc sống cũng là niềm ước mơ của nhiều người.

Trong  thời gian qua, tôi đã viết nhiều về thơ văn nơi phố cổ Hội An, càng về già càng nhớ nơi chốn với bao nhiêu kỷ niệm của thuở học trò. Hai đêm qua, tôi nghe lại những ca khúc của nhạc sĩ Lan Đài và viết những dòng nhạc về ông với niềm thương cảm.


Little Saigon, July 16, 2021

Vương Trùng Dương