Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2020

Giọt Thơ Chiều Hạ Hồng -Thơ Minh Thúy Phổ Nhạc Mai Hoài Thu Hòa âm Quang Đạt


Thơ: Minh Thúy
Phổ Nhạc: Mai Hoài Thu
Hòa âm: Quang Đạt
Ca sĩ: Diệu Hiền 

PPS: Nhật Thụy Vi

Tình Đầu



Đã khuất muôn trùng, ôi dáng mai
Đời ngăn biển rộng, cách sông dài
Vui thời hoa mộng cùng chung lớp
Mơ buổi thanh bình sẽ sánh vai
Mộng cũ có còn chăng ước hẹn?
Tình đầu đâu dễ chóng tàn phai
Em ơi, mấy chục năm rồi nhỉ?
Mãi đọng trong ta những dấu hài ...

Nguyễn Kinh Bắc

Hoa Tím Bằng Lăng


(Viết để tặng một người)

Xa lộ băng ngang, bằng lăng nở rộ
Hoa tím nhạt nhòa ôn kỷ niệm xưa
Năm tháng lạc loài, đất lạ gió mưa
Nhưng vẫn nhớ bóng bằng lăng hoa tím...

Trước nhà em, hoa trúc đào đỏ lịm
Cạnh bờ rào tỏa bóng mát bằng lăng
Ngày đi học chân sáo nhảy tung tăng
Em đứng đợi dưới gốc bằng lăng tím

Dáng em thơ như con chim sẻ nhỏ
Nhặt bằng lăng đem trái chín tặng tôi
Mùi thơm nồng, thấm vị ngọt trên môi
Vui hớn hở tay trong tay đến lớp

Bỗng một hôm tôi phải đành giã biệt
Xa quê nghèo xa cả bóng em thơ
Hoa tím bằng lăng khuất nẻo sương mờ
Nhưng vẫn mong có một ngày gặp lại

Mười năm lẻ, tôi trở về làng cũ
Cảnh vật tiêu điều mất dấu vết xưa
Chỉ trơ lại cây bằng lăng xơ xác
Lòng ngỡ ngàng nghe man mác giữa trưa

Tôi đứng lặng, ngậm ngùi trong thương nhớ
Bằng lăng hoa tím nay biết về đâu?
Chiều bâng khuâng tím cả cánh Rừng Dầu*
Nghe cay đắng ôm mối sầu chất ngất !

Nơi đây, xứ người, thấy bằng lăng tím
Chợt nhớ về em gái nhỏ ngày xưa...

Kim Dung 
(22/7/2018)
Rừng Dầu*: tên một xã thuộc quận Bến Cầu tỉnh Tây Ninh.

Tên Gọi "Đường Luật Thi" Có Từ Bao Giờ?


Tên Gọi "Đường Luật Thi" Có Từ Bao Giờ?
Một câu hỏi có lẽ chỉ hỏi cho có, vì khó thể tìm được câu trả lời. Tuy nhiên, từ câu hỏi này cũng gợi ý cho chúng ta tìm hiểu rõ hơn về tên gọi "Đường Luật Thi".
Do hệ thống khoa cử của Việt Nam ta hầu hết đều sử dụng chữ Hán, trong đó có Thơ Đường Luật. Chúng ta thử truy nguyên tên gọi Đường Luật Thi. 
Bắt đầu từ Trung Hoa.

1/ Thi Ca Trung Hoa

Từ trước cho đến thời Xuân Thu (771 đến 476 trước Công Nguyên) người Hoa đã có thi ca, nội dung tương tự như ca dao của chúng ta, được Khổng Tử sưu tầm viết nên quyển Kinh Thi. 

Các dạng thơ được viết trong Kinh Thi cho đến trước triều đại nhà Đường, trải hơn ngàn năm, cũng có biến đổi đôi chút về số chữ trong câu, nhưng cũng không quá nhiều. 

"Từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000 năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thiết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do." (Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn)

Đến khi Thơ Luật xuất hiện, chúng đã mang một dáng dấp khác rất nhiều so với thơ có trước đó. Để phân biệt, các thi nhân đời Đường (?) đặt tên cho dạng thơ có từ trước là Cổ Thể, còn dạng Thơ Luật gọi là thơ Cận Thể (vào thời điểm này chưa có tên gọi Thơ Đường Luật).

"Phép tắc thơ Cận Thể, tức thơ Ðường luật, rất chặt chẽ. Mỗi thiên có định số câu, mỗi câu có định số chữ, mỗi chữ có định tiếng bằng Trắc, và câu nào đối với câu nào, câu nào niêm với câu nào v. v... người làm thơ phải tuân thủ nghiêm chỉnh . Luật thi lấy tám câu làm chính. Mỗi câu gồm có hoặc 5 chữ hoặc 7 chữ. Thơ 7 chữ 8 câu gọi là Thất Ngôn Bát Cú, hay là Thất Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Thất Luật. Thơ 5 chữ 8 câu gọi là Ngũ Ngôn Bát Cú, hay Ngũ Ngôn Luật Thi, gọi tắt là Ngũ Luật." (Trích Thi Pháp Thơ Đường của Quách Tấn).

Ngoài Đường Luật Thi Bát Cú, còn Đường Luật Thi Tứ Tuyệt, bài thơ chỉ có 4 câu, tên gọi là Thất Ngôn Tứ Tuyệt và Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt.

Đến thời Nguyên, Thanh, cho tới nay, để phân biệt thơ thời Đường và thời Tống. Các thi gia mới đặt tên là Đường Thi và Tống Thi. 
Người Hoa không có tên gọi Đường Luật, mà gọi là Luật Thi, vì họ chỉ có Thơ làm theo luật duy nhất là thơ Cận Thể mà thôi.

2/ Thi Ca Việt Nam

Trước khi Thơ Đường Luật xuất hiên, ở nước ta có dạng thơ Lục Bát. Tuy nhiên, Dạng thơ này không được các triều đại sử dụng, mà chỉ dùng dạng thơ Cận Thể của Tàu trong thi cử. Có thể do nước ta có thơ riêng, cũng có nguyên tắc luật lệ, để phân biệt, các nhà nghiên cứu của ta mượn tên Đường Thi của người Tàu và thêm chữ Luật, gọi là Đường Luật Thi. Trước là để phân biệt thơ của nước ta, sau là phân biệt Thơ làm vào đời Đường (Đường Thi) với thơ làm theo Luật (Đường Luật Thi).

3/ Kết Luận

Từ những dữ liệu, ý kiến và suy luận trên, chúng ta có thể đi đến kết luận tên gọi "Đường Luật Thi" không hề có ở bên Tàu, mà chỉ xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian sau này mà thôi.

Huỳnh Hữu Đức

Phiếm: Nhạc Bất Quần... Giữa Chốn Cờ Huê


Chưa bao giờ bàn chuyện chính trị vào thời điểm nầy nơi xứ Cờ Huê lại sôi động đến thế trong cộng đồng người Việt của chúng ta, không những bàn dân thiên hạ trên mảnh đất nầy mà bên kia bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương cũng nhảy vào ăn có.

Luận về chính trị hơi khô khan, dành cho các chính trị khoa bảng và cả kiến thức chỉ bằng đầu bút bi… nên theo lời người bạn, đem chuyện võ lâm giang hồ, bắt chước cụ Huỳnh Tịnh Của trong “Chuyện Giải Buồn”.

Trong võ hiệp kỳ tình, nhà văn Kim Dung đã tạo dựng nhiều khuôn mặt độc đáo, sắc thái đặc biệt qua từng nhân vật trong chốn võ lâm với hàng vạn trang sách. Tác phẩm võ hiệp của Kim Dung được ăn sâu trong lòng hàng trăm triệu độc giả trên thế giới. Nói đến Kim Dung, nói đến võ hiệp, chưởng... nó lôi cuốn, hấp dẫn, trở thành thân thuộc từ tiểu thuyết đến phim ảnh.

Mỗi nhân vật trong thế giới võ lâm được Kim Dung xây dựng nó bàng bạc, ẩn tàng, có khi tiêu biểu cho hình ảnh đáng lưu tâm nào đó đang hiện hữu trong cuộc sống. 

Kim Dung không phải là nhà văn tiên phong về võ hiệp kỳ tình - tiểu thuyết kiếm hiệp, chưởng - nhưng ông là người đã đưa bộ môn nầy lên đỉnh vinh quang. 

Kim Dung có sức viết mạnh mẽ, liên tục từ ngày nầy sang ngày khác trên trang báo của mình để cho ra đời hàng chục tác phẩm vô cùng hấp dẫn làm mê hoặc độc giả khắp nơi khi đón nhận võ hiệp kỳ tình. Tên ông đã chễm chệ trở thành bộ môn tiểu thuyết kiếm hiệp, Bernard Carpentier đã luyện chưởng và giới thiệu nhà văn Kim Dung qua những thập niên cầm bút với độc giả Âu Châu.

Theo lời giáo sư Viện Đại Học Quốc Gia Úc John Minford, tổng số khán giả ái mộ tác phẩm của Kim Dung theo thống kê tính ra đã đến một phần ba con số dân cư trên thế giới. Tiểu thuyết của Kim Dung có sức lôi cuốn, hấp dẫn làm người đọc say mê nên thu hút số độc giả lớn lao. Ảnh hưởng đó tác động đến các nhà nghiên cứu văn học tổ chức nhiều cuộc Hội Thảo Quốc Tế vể tiểu thuyết Kim Dung. 

Không phải chỉ nơi chốn giang hồ hắc bạch mà trong cuộc sống luôn luôn bắt gặp hình ảnh Nhạc Bất Quần lúc ẩn lúc hiện, nếu chịu khó điểm danh, vô vàn quái thai thời đại.
Thời điểm của Tiếu Ngạo Giang Hồ với “ngũ nhạc kiếm phái” lấy 5 ngọn núi nổi danh: Thái Sơn, Tung Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn, Hoa Sơn.

Hằng Sơn ở Bắc nhạc với chưởng môn Định Nhàn.
Hoa Sơn ở Tây Nhạc với chưởng môn Nhạc Bất Quần.
Thái Sơn ở Đông nhạc với chưởng môn Thiên Môn chân nhân.
Hành Sơn ở Nam nhạc với chưởng môn Mạc Đại tiên sinh.
Tung Sơn ở Trung nhạc với chưởng môn Tả Lãnh Thiền. 

Trong 5 chưởng môn của ngũ nhạc kiếm phái đó, Định Nhàn là bậc tu hành, Mạc Đại tiên sinh thuộc bậc chính nhân quân tử. Với 3 nhân vật “tâm xà khẩu Phật” còn lại, Thiên Môn thuộc loại võ công kém cõi, 2 tay cao thủ võ lâm cáo già Nhạc Bất Quần và Tả Lãnh Thiền “ngoài thì hiệp ước trong thì dao găm” nói ra thì nhân nghĩa nhưng bụng dạ thì “lòng lang dạ sói”.

Nhạc Bất Quần (không chơi với ai) chưởng môn phái Hoa Sơn, nơi có ngọn Ngọc Nữ thơ mộng. Nhạc Bất Quần được anh hùng võ lâm tôn xưng danh hiệu Quân Tử Kiếm. Con người tướng mạo thanh tao, mặt đẹp như ngọc, chính khí hiên ngang, ăn nói nhã nhặn, không tranh cãi thị phi, không xuất chiêu lén lút. Tuy tuổi đã lục tuần với năm chòm râu dài, nhờ luyện nội công thâm hậu, khai sáng khí tông, sống cuộc sống điều độ nên trông còn trẻ. 

Về nội công nổi danh hắc bạch giang hồ khiếp vía với Hỗn Nguyên Thần Công và Tử Hà Thần Công. Về kiếm pháp với Tiêu Sử Thừa Long, Xung Linh Kiếm Pháp, Lộng Ngọc Xuy Tiêu, Lãng Tử Hồi Đầu... làm rạng danh phái Hoa Sơn.

Bên trong, Nhạc Bất Quần là kẻ ngụy quân tử, con người gian manh thủ đoạn, khôn ngoan đáo để, ham danh tột cùng. Tả Lãnh Thiền cài đệ tử thân tín của mình là Lao Đức Nặc vào làm nội tuyến trong phái Hoa Sơn. Nhạc Bất Quần biết được nhưng làm ngơ và giả vờ tín nhiệm giao phó công việc truy tìm Tịch Tà Kiếm Phổ, với 72 đường Tịch Tà kiếm pháp, đệ nhất kiếm pháp thế gian do Độ Nguyện thiền sư, tục danh là Lâm Viễn Đồ, thân phụ của Lâm Chấn Nam, tu luyện sau khi có con, lưu danh hậu thế. Lâm Viễn Đồ học lại võ công tuyệt thế biến thiên như Quỳ Hoa Bảo Điễn, trong đó phải “muốn luyện chân kinh phải tự thiến mình” nếu không, khi đến mức thượng thừa, lửa dục thiêu đốt ruột gan. Và, Tịch Tà Kiếm Phổ cũng vậy.

Lợi dụng thời cơ phái Thanh Thành tàn sát Phước Oai tiêu cục của Lâm Chấn Nam, Nhạc Bất Quần cho đệ tử hạ san để truy lùng cho được Tịch Tà Kiếm Phổ. Con trai duy nhất dòng họ nhà Lâm còn sống sót là Lâm Bình Chi, trên đường tìm kiếm cha mẹ. Nhạc Bất Quần âm thầm theo dõi và đợi cho lúc lâm nguy, ra tay cứu vớt, nhận làm đệ tử. Cướp được Tịch Tà Kiếm Phổ trong tay, Nhạc Bất Quần vu oan cho đại đệ tử của mình là Lệnh Hồ Xung, vu cáo đệ tử giao kết với phường tà đạo và đuổi ra khỏi Hoa Sơn. 

Biết được Lao Đức Nặc nằm vùng, Nhạc Bất Quần chép bản Tịch Tà Kiếm Phổ giả rồi tạo dựng cơ hội cho Lao Đức Nặc đánh cắp đem về hiến dâng cho Tả Lãnh Thiền tu luyện. Điều nguy hiểm trong Tịch Tà Kiếm Phổ, muốn tu luyện đến mức vi diệu phải “dẫn đao tự cung”, tự thiến bộ phận sinh dục. Trở thành “hoạn quan” nhưng kiếm pháp vào bậc nhất võ lâm để thống lĩnh quần hùng. Bản giả của Nhạc Bất Quần bớt đi cái uyên thâm của phần cuối và không ghi “dĩ đao tự cung” nơi đầu kiếm phổ để chuẩn bị tư thế luyện kiếm.

Nhạc Bất Quần luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, lơ là chăn gối với vợ là Ninh Trưng Tắc, mệnh danh Hoa Sơn Ngọc Nữ Ninh, kiếm pháp tuyệt vời, Nhạc Bất Quần trở thành ái nam ái nữ, râu dần dà rơi rụng, tiếng nói lại cái, dáng điệu yểu lả... nhưng cố gắng hóa trang trông bề ngoài như cũ. Nghe lời vợ năn nỉ khuyên nhủ, Nhạc Bất Quần tạm thời vứt Tịch Tà Kiếm Phổ xuống thung lũng ngọn Thiên Thanh, chẳng may Lâm Bình Chi phục kích theo dõi, nhặt được bí kiếp, vì muốn báo thù Lâm Bình Chi tự thiến để luyện. Không thấy dấu vết tấm áo cà sa mang bí kiếp Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhạc Bất Quần nghi ngờ đệ tử Lâm Bình Chi nên đem con gái là Nhạc Linh San vừa ngoan vừa đẹp, võ công cao cường, gả cho chàng họ Lâm thổ tả. Tuy không hưởng được giây phút ái ân, tình nghĩa vợ chồng nhưng khi bị Nhạc Bất Quần tra hỏi dọ ý, Nhạc Linh San nói dối có hạnh phúc. Tưởng đâu con gái bị Lâm Bình Chi “xơ múi” rồi nên yên tâm chàng rể không luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, nếu biết được, Nhạc Bất Quần sẽ thủ tiêu chàng rể của mình. 

Sau nầy, Lâm Bình Chi bị mù mắt vì khi cận chiến giết chết cao thủ Mộc Cao Phong, lưng gù của Mộc Cao Phong là túi chất độc cực kỳ liền bắn vào mắt, vô phương cứu chửa. Lâm Bình Chi nổi điên, giết vợ là Nhạc Linh San, đầu quân Tả Lãnh Thiền rồi cũng vào vòng nghiệt ngã.

Luyện được kiếm phổ, Tả Lãnh Thiền hí hửng mở cuộc tranh hùng. Trong lần tranh hùng ở Phong Thiên Đài trên ngọn Tung Sơn vào ngày rằm tháng 3 theo ý đồ của Tả Lãnh Thiền để chọn minh chủ của ngũ nhạc kiếm phái. Tả Lãnh Thiền đã bỏ ra mấy chục năm tu luyện bí kiếp của phái Tung Sơn nhưng trong lần giao đấu một mất một còn để “tranh bá đồ vương”, hai tên cáo già đều xử dụng Tịch Tà Kiếm Phổ. Nhạc Bất Quần dùng Tịch Tà Kiếm Phổ chính hiệu đâm đui mắt đối thủ Tả Lãnh Thiền đang xử dụng Tịch Tà Kiếm Phổ giả mạo... Nhạc Bất Quần trở thành minh chủ ngũ nhạc.

Theo những thăng trầm, đắng cay, oan nghiệt của dòng đời, đại đệ tử Lệnh Hồ Xung của Hoa Sơn nhận diện được khuôn mặt ngụy quân tử của sư phụ năm xưa, những biến loạn đau thương trong chốn võ lâm do sư phụ dàn dựng gieo tai họa cho võ lâm bá tánh. Thời gian thọ hình phạt của sư phụ Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ Xung học được chân truyền của thái thúc sư tổ Phong Thanh Dương, tiêu biểu cho kiếm tông, với 9 thế kiếm trong Độc Cô Cửu Kiếm của Độc Cô Cầu Bại “kiếm khí miên man bất tận như nước chảy mây trôi” trong hang động trên ngọn Hoa Sơn. Lòng tham lam thống lĩnh đệ nhất võ lâm làm Nhạc Bất Quần trở thành kẻ mất nhân tính. 

Khi bộ mặt thật bị lột, Nhạc Bất Quần cũng bất kể thị phi vẫn theo đuổi mộng bá quyền võ lâm nhưng rốt cuộc, kẻ gian tà phải đền tội ác. Cùng với người tình Lệnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh đem độc dược khống chế Nhạc Bất Quần và ni sư Nghi Lâm kết thúc cuộc đời quân tử kiếm với đường kiếm nhẹ nhàng.

Vì mưu đồ cho bản thân, Nhạc Bất Quần bất chấp vợ con, người thân tín nhất trên đời còn bị lừa và lợi dụng thì đối với tha nhân, lão ta không chừa bất cứ thủ đoạn nào.

Đó, hình ảnh của Nhạc Bất Quần. Ông bà ta thường nói, tên giữ chữ đọc, cây ngay không sợ chết đứng, thế nhưng khi có chính khứa mồm loa mép giải nghe thoảng thoảng tên Nhạc Bất Quần, nộ khí xung thiên, kéo bè kéo nhóm đào bới lung tung.

Nhân vật Nhạc Bất Quần của ông trở thành hình ảnh quen thuộc trong chính giới, trong đời sống xã hội để bày tỏ khuôn mặt nào đó mang diện mạo quân tử mà bụng dạ tiểu nhân, nhẹ nhàng nhưng vô cùng thấm thía.

Trong đời sống chúng ta, không ít thì nhiều cũng gặp phải khuôn mặt Nhạc Bất Quần đưa đường dẫn lối với bao ngỏ ngách, lúc thịnh lúc suy nhưng chung cuộc trong màn đêm bao phủ.

Nhân vật điển hình gian trá, “xạo hết chỗ nói” như xã hội chủ nghĩa - XHCH - mà ngày nay trên chính trường xứ Cờ Huê trở thành đệ tử của Nhạc Bất Quần, nào “thương vay khóc mướn”, nào là “quỳ gối tiếc thương” bên quan tài kẻ đạo chích. Những nhân vật lẫy lừng nầy thâm niên trong chính trường xứ Cờ Huê cũng đoan mưu toan thống trị đất nước trở thành trò hề kịch cỡm.

Không thể nào ngờ siêu cường số một trên thế giới lại xảy ra nhan nhản những khuôn mặt thời đại mà Kim Dung mô tả trong thế giới hư cấu chốn võ lâm.

Nhắc đến Nhạc Bất Quần mà thương cho Lệnh Hồ Xung, cây ngay không sợ chết đứng, chịu bao oan khiên, chống chọi bao với hiểm nguy do bọn “ngụy quân tử” phao tin đồn nhảm để chánh tà tưởng thiệt.

“Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”, kẻ gian xảo ác độc chỉ tồn tại nhất thời, chỉ nổi đình nổi đám lừa bịp thời gian nào đó sẽ lộ nguyên hình loài khỉ đột trước công chúng.

Thiện tai!

Little Saigon, 26/7/2020
Vương Trùng Dương

Như Hạt Sương



Như Hạt Sương

Ngày vào trưa hạt sương còn bám cỏ
Chớm vào thu, hương hè nấn ná vương
Nắng vẫn nồng nàn chói chang ̣đây đó
Sương không sờn lóng lánh hạt kim cương
 Đổ lửa! Quê hương nắng vờn trước mắt
Mặt nhựa đường loang bóng nóng chập chờn
Trán mồ hôi trôi vào môi mằn-mặn
Vị này đậm đà? Có vị nào hơn?
 Dáng S giang sơn nửa vòng trái đất
Nửa đời người sao xa cách phân ly?
Hởi bạn ơi! Ai tha phương đồng lối
Có hỏi lòng không: mất mát những gì?
 Đường đã, đang đi về đâu? Lạc dấu!
Tóc trắng rụng dần, ước vọng trôi xa
Tủi hổ lắm, nghĩ đời mình hèn mọn
Hóa ra là kẻ không nước không nhà!
 Như hạt sương sa bám trên ngọn cỏ
Lóng lánh phút giây vào buổi mai về
Biến thành hơi lang thang trong gió lộng
Có được quay về nương tựa chốn quê?

Anh Tú
July 27, 2020
***
Hạt Sương Nào?

Kim cương nào còn bám trên ngọn cỏ?
Khi đêm hè về hút mật mù sương
Nắng ấm tình nồng chói chang đây đó
Hoa hồng nào còn sống sót tơ vương ?

Quê hương mình hai mùa ¨mưa, nắng
Địa phương nào nắng đổ lửa tháng ba
Phum sóc nào có mù rơi ướt mặt
Khi ta hành quân đêm lạnh xa nhà?!

Đất nước tôi mang hình hài chử S
Hơn triệu người phải vượt biển chia ly
Hỡi các bạn có bao giờ thấm mệt
Suy nghĩ bâng quơ còn lại những gì?

Bạn đi về đâu lối mòn lạc dấu
Ngày tháng trôi mau qua miền ước vọng
Cũng mờ dần theo cánh chim bay bổng
Đã định cư không phải kẻ không nhà !!

Hạt mưa nào còn bám trên ngọn cỏ
Khi nắng nóng vào những bữa trưa hè
Chúc bạn bốc hơi thành cơn gió lộng
Để được quay về vườn cũ làng quê…

Dương hồng Thủy 
 July 28, 2020

Trăng Viễn Phương


Trăng đã về đây trăng viễn phương
Đón thu xa bạn dạ hoài thương
Người xưa biết có còn tri kỷ
Hay đã năm dài nhạt nhớ thương
Sông xưa còn đó con đò nhỏ
Vườn cũ hoa hời hợt gió sương
Nếu biết tình ai không vĩnh viễn
Thà đừng quen trước để buồn vương
Quê ngoại dặm trường sa nước mắt
Xứ người đơn lạnh kẻ tha phương
Tháng Tám sao trăng buồn quá nhỉ
Hay là trăng khóc khách trùng dương.

Cao Minh Nguyệt

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân(Tưởng Nhớ Ngày Giỗ 31/7/2020)




Thơ: Tiễn Bước Xa Xăm - Kim Oanh
Điếu Văn: Tiễn Biệt Anh Vân
Giọng Đọc & Diễn Ngâm: Dương Thượng Trúc
Thực Hiện: Kim Oanh


Xướng Hoạ: Khóc Muộn Ngày Đi Của Quách Tố Vương


(Tưởng nhớ Anh Vân ra đi ngày 31- 7-2010)

Xướng:
Khóc Muộn Ngày Đi Của Quách Tố Vương

Đời suy thoái nên quên ngày cúng giỗ
Đồng đội mình cùng gian khổ năm xưa
Tháng ngày nhanh qua hai những mùa mưa
Xin lỗi bạn! Hưởng mâm vừa cúng muộn

Tiếng ve sầu rên rỉ khóc mưa tuôn
Hàng phượng vỹ hoa buông lời áo não
Ngày anh đi Thu vào nghe gượng gạo
Trời Cali buồn đựng biết bao thương

Dáng đăm chiêu....anh đứng trước trăm đường
Mơ ngày về....đằng đẳng Quê Hương xa
Mấy mươi năm lạc lõng nhớ quê nhà
Còn hay mất....mà ngày đi vô định

Anh vội đi với tâm tình câm nín
Ước nguyện không thành chín cả không gian
Khép mộ sâu hay lơ lửng thiên đàng
Sao nỡ để nàng Xuân tàn chờ đợi

Tôi hứa với bạn đến ngày giỗ tới
Sẽ không còn lơ đễnh gởi lời thăm
Đêm nay mưa gió....rượu mặn giọt thầm
Tuy khóc muộn nhưng âm vang còn mãi!

Vĩnh Long 17-9-2012
Lê Kim Hiệp
* * *
Họa: Khóc Muộn Ngày Đi Của Quách Tố Vương 
       
Xin kính viếng thăm anh trong ngày giỗ
Yêu quê hương ôm đau khổ từ xưa
Tuổi thanh xuân thử thách với gió mưa
Tôi thật tiếc biết anh giờ đã muộn

Trời vào thu bao dòng lệ trào tuôn
Mây gió cũng xót buông câu sầu não
Tình đất nước miền cố hương lúa gạo
Anh mang theo với tức tưởi buồn thương

Suốt đời anh chỉ chọn một con đường
Giờ đau đớn mang tận chốn trời xa
Bao lý tưởng bồi đắp lại quê nhà
Niềm trăn trở mà lòng anh kiên định

Thắp nén nhang trong buồn đau lặng nín
Nhớ Tố Vương nhuộm chín tím thời gian
Anh yên tâm rời cõi thế lên đàng
Nguyện tiếp bước chẳng để tàn mong đợi

Người ở lại vẫn hằng luôn nghĩ tới
Nhớ ngày xưa anh từng gởi câu thăm
Lòng ray rức từng giọt vẫn rơi thầm
Anh dẫu khuất thanh âm lưu đọng mãi...

Quên Đi
Vĩnh Long 17/9/2012

Thơ Tranh: Tưởng Nhớ Anh Vân (Giỗ 10 Năm )


Thơ & Thơ Tranh: Kim Oanh

Tình Khúc Cho Em

(Tưởng nhớ Giỗ 10 năm của Anh Vân - Quách Tố Vương
                 31/7/1919-31/7/2020)



Em bước nhẹ vào đời ta dạo đó
Mở cửa lòng cho ngày tháng thêm xanh
Tim héo khô nằm đợi gió mưa lành
Đêm xuống vội khơi hồn sâu nỗi nhớ

Em đã đến xin em đừng bỏ lỡ
Gieo mầm yêu cho vườn ái đơm hoa
Thương bàn tay năm ngón nhỏ ngọc ngà
Em vuốt nhẹ lên hồn ta nổi sóng.

Tình em đó, xin em đôi cánh mộng
Một nụ hôn cho hồn lắng ưu phiền
Một vòng tay cho giấc ngủ bình yên
Chút hương muộn đủ xanh đời lưu lạc.

Em và ta đôi cánh chim phiêu bạt
Phương trời xa nghe ngàn nỗi bơ vơ
Sóng gió bao phen mơ ước hững hờ
Em nhẹ bước kẻo mộng đời tan vỡ.

Anh Vân

Tiễn Biệt Nhà Văn Anh Vân

(Tưởng Nhớ Giỗ 10 năm của Anh Vân 31/7/1910 - 31/7/2020)
    
  

        Việt Nam bây giờ đang là mùa Hạ.
      Những cánh Hoa Học Trò tô điểm, chen lá trên cành, như để đón và đưa một Người về lại với quê hương. Cùng tiễn đưa Anh là tiếng ve sầu tấu khúc chia ly.

      Sinh ly có thể tránh, nhưng tử biệt sao khác được lẽ thường!

     Anh Quách Ngọc Vân với bút hiệu Anh Vân, (Quách Tố Vương), chào đời ngày 24 tháng 4 năm 1938, tại Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.

      Anh đã miên viễn ra đi vào ngày 31.07.2010, lúc 09:57 sáng tại California, Hoa Kỳ.

      Như một vì sao chợt tắt trên vòm trời Việt Nam!

      Việt Nam, nơi Anh được sinh ra, khổ công gìn giữ, nhưng phải lìa xa trong bức tử. Sự ra đi của Anh là một tiếc nuối ngẩn ngơ cho riêng “khung trời” Tống Phước Hiệp và có lẽ cho cả những ai cùng đồng hành với Anh trên bước đường chinh chiến.
      Sự mầu nhiệm của cuộc sống, phải chăng được tính bằng những cơ duyên gặp gỡ và những mệnh số được gắn bó trong đời người?
      Anh từng là giáo sinh của trường Sư Phạm Vĩnh Long. Anh đã dìu dắt bao đứa trẻ, những hành trang được Anh trao ban để vào đời. Rồi cũng chính Anh, người cựu sĩ quan Sư Đoàn 9 Bộ Binh kiêu hùng, một lần nữa, quay trở về đất Vĩnh, căn cứ đóng quân tại Long Hồ, nguyện làm người giữ an bình cho lớp người trẻ cắp sách đến trường. Ngày tang thương đến, ngậm ngùi xếp chinh y nhưng ngòi bút anh vẫn kiên cường đã mang cả hoa trái văn chương đến cùng độc giả và tấm lòng thiết tha đến mọi người Việt Nam, nhất là cựu học sinh và người Vĩnh Long.

      Anh đã đến Trang Nhà Tống Phước Hiệp.com bằng sự chia xẻ, đóng góp nhiệt tình không mệt mỏi với những “đứa con tinh thần” của Anh, cùng sự mời gọi hợp tác của các cây bút vang tiếng, tạo nên Trang nhà có được như ngày hôm nay.

      Một điều rất chắc chắn, không có Anh trang Tống Phước Hiệp.com khó đi vào lòng người nơi quê nhà cũng như phương trời hải ngoại.
      Một thời để yêu! Anh đã hết lòng yêu thương dìu dắt. Anh đã hy sinh thời tuổi trẻ, Anh dấn thân cho người, xả thân cho đời.
      Một thời để chết, chỉ riêng mình Anh với những cơn đau tột cùng.

      Anh bước vào đời khi đất trời chuyển Hạ và ra khỏi cuộc đời cũng vào lúc phượng trổ hoa. Phải chăng Anh đã để lại cho đời sự sắc sảo, rực rỡ của một loài hoa mang tên Hoa Học Trò.
Hương linh Anh hòa vào âm ba rỉ rả của tiếng ve sầu, tiếc thương về một quê hương đã mất. Một thiên đường Anh nằm xuống mãi mãi là khuôn viên trường Tống Phước Hiệp.
Anh là một hình bóng đậm màu! Một Người Anh đáng kính!

      Thắp nén hương lòng nguyện cầu cho Hương Linh Anh Vân, Quách Tố Vương được sớm hưởng Nhan Thánh Chúa và thành kính chia sẻ niềm đau, sự mất mát tột cùng với gia quyến.

Thành Kính Phân Ưu.
Kim Phượng
Australia 31-7-2010

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Có Bao Giờ Em Hỏi - Phạm Duy - Duyên Anh - Trần Thái Hòa


Sáng Tác: Phạm Duy - Duyên Anh
Ca Sĩ: Trần Thái Hòa
Thực Hiện: Nguyễn Thế Bình


Thoáng Thoáng...



Bài Xướng:

Thoáng Thoáng...

Thoáng thoáng hè xưa đọng mắt ai
Nghe như phảng phất nét u hoài
Tình ơi có phải như còn vẫn
Âm ỉ nơi lòng chẳng nhạt phai.

Quên Đi
***

c Bài Họa:

Bồi Hồi


Vấn vương vương vấn bóng hình ai
Đôi mắt huyền mơ gợi nhớ hoài
Học Bạ ngày xưa lưu dấu tích
Bồi hồi trong dạ dẫu mờ phai

Kim Oanh
***
Hồ Dễ


Phượng hồng sắc thắm đã trao ai
Cõi vắng tâm tư xáo động hoài
Có biết mùa sau còn gặp lại
Hoa lòng hồ dễ nhạt hương phai

Kim Phượng
***
Xao Xuyến

Thấp thoáng đường xưa bóng dáng ai
Vai nghiêng nón lá gợi mơ hoài
Người qua ngõ trúc lòng xao xuyến
Buổi ấy hương nồng dạ chẳng phai.

Hương Thềm Mây 
5.8.2020
***
Khoảnh Khắc

Phượng ấy hoa kia lọt mắt ai
Để người thương nhớ ước mơ hoài
Thời gian thấm thoắt chừng quay lại
Kỷ niệm một thời đâu có phai.

Kinhoang Vuivui
08:22 5 tháng 8, 2020

Cư Trần Lạc Đạo - Trần Nhân Tông (1258-1308)



Giữa nạn dịch Corona Virus hoành hành không biết lúc nào mới dứt, chân thành chia sẻ với mọi người mấy câu kệ trong bài Cư Trần Lạc Đạo Phú của vua Trần Nhân Tông, vị sư tổ sáng lập dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, trong hy vọng may chăng sẽ ổn định được phần nào tâm trạng dao động nếu có của chúng ta trong lúc này. PKT 07/25/2020

Cư Trần Lạc Đạo

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền

Trần Nhân Tông (1258-1308) 
***
Dịch Nghĩa:

Sống Đời Vui Đạo 

Sống trong cõi trần này, hãy tùy duyên mà vui với đạo 
Tuân theo khuôn phép ăn lúc đói, ngủ lúc mệt 
Báu vật có sẵn trong nhà rồi không cần phải đi tìm ở đâu nữa 
Trước nghịch cảnh mà vẫn giữ được cái tâm lành không đổi thì đâu cần phải hỏi chi đến Thiền 

Dịch Thơ:
Cư Trần Lạc Đạo 

Sống đời vui đạo hãy tùy duyên 
Ăn ngủ thuận theo lẽ tự nhiên 
Gắng giữ tâm lành trước nghịch cảnh 
An nhiên lòng nhẹ hỏi chi Thiền 

Phạm Khắc Trí
PKT – Mây Tần 

Anh Yêu Mèo Hay Hổ



Khi yêu gọi nhỏ: Mèo ơ...i...
Em là người mộng suốt đời anh yêu
Muốn được anh sẽ rán chìu
Dù em nhăn nhó (cũng) đáng yêu vô cùng
Có khi Mèo giận lung tung
Anh cũng chỉ thấy cả vùng yêu thương
Có khi tình cũng chán chường
Mèo đâu mất biệt, Hổ vương móng dài
Sợ quá anh phải biến ngày
Quanh quẩn ở đó, có ngày xướt da
Muốn em Mèo nhỏ ngọc ngà
Đừng chọc Hổ giận chắc là ...đi đong

Anh ơi...
Mèo hay hổ đều do anh đó
Chứ em nào có khó chi đâu
Mình yêu như thuở ban đầu
Kề vai chung sức ví dầu khó khăn
Khi bảo táp cùng nhau che chắn
Hãy đồng tâm cùng lắng nghe nhau
Chăm lo những lúc ốm đau
Chung thuỷ, trân quý bền lâu sắc cầm

Trúc Lan KTP
06/2020

Poet ( Kahlil Gibran) - Thi Sĩ



Poet

He is link between this and the coming world.
He is a pure spring from which all thirsty souls may drink.
He is a tree watered by the River of Beauty,
bearing fruit which the hungry heart craves.
He is a nightingale, soothing the depressed spirit
with his beautiful melodies.
He is a white cloud appearing over the horizon,
ascending and growing until it fills the face of the sky.
Then it falls on the flowers in the Field of Life,
opening their petals to admit the light.
He is an angel, sent by the goddess to preach the Deity’s gospel.
He is a brilliant lamp, unconquered by darkness,
and inextinguishable by the wind.
It is filled with oil by Ishtar of Love, and lighted by Apollon of Music.
He is a solitary figure, robed in simplicity and kindness.
He sits upon the lap of Nature to draw his Inspiration,
and stays up in the silence of the night, awaiting the descending of the spirit.
He is a sower who sows the seeds of his heart
in the Prairie of Affection, and humanity reaps the Harvest
for her nourishment.
This is the poet - whom the people ignore in this life,
and who is recognized only after he bids the earthy World farewell
and return to his arbor in heaven.
This is the poet - who asks naught of humanity but a smile,
This is the poet - whose spirit ascends and fills the firmament
with beautiful sayings.
Yet the people deny themselves his radiance.
Until when shall they continue to glorify those
who attained greatness by moments of advantage?
How long shall they ignore those who enable them
to see the beauty of their spirit, symbol of peace and love?
Until when shall human beings honor the dead
and forget the living, who spend their lives in misery,
and who consume themselves like burning candles
to illuminate the way for the ignorant
and let them into the path of light?
Poet, you are the life of this life,
and you have triumphed over the ages despite their severity.
Poet, you will one day rule the hearts,
and therefore, your kingdom has no ending.
Poet, examine your crown of thorns.
You will find concealed in it a budding wreath of laurel.

Kahlil Gibran
***
Bài Dịch:
Thi Sĩ


Người đem hiện tại nối tương lai
Dòng suối trinh nguyên hiến cõi đời
Nhân loại khát khao, xin hãy uống.
Cây đơm trái ngọt tặng cho ai
lòng đói, bụng không, đang ngóng đợi
-Dòng Sông Tuyệt Mỹ đã vun bồi-
Hoạ mi vui hót quên sầu thảm
bằng những bài ca đẹp tuyệt vời.
Cụm mây trắng tự chân trời hiện,
bay mãi lên cao, phủ kín trời,
Rơi trên những cánh hoa hàm tiếu
của Cuộc Đời đang đón ánh quang tươi.
Người là thánh sứ đem rao giảng
ngôn ngữ hoàng thiên đến cõi đời.
Ngọn đèn chói sáng trong đêm tối,
bừng cháy mặc giông tố tả tơi.
Thần Yêu, Thần Nhạc cùng chăm sóc.
Dầu vẫn tra đều, lửa vẫn soi.
Trang phục giản đơn và độ lượng,
người mang một bóng dáng đơn côi.
Ngồi giữa thiên nhiên tìm cảm hứng
trắng đêm chờ thiên ý xuống đời.
Người gieo hạt giống từ tim óc
trên cánh Đồng Yêu của cõi người.
Thế nhân gặt lấy nuôi nguồn sống,
nhưng vẫn thờ ơ, quên lãng thôi.
Chỉ biết đến người khi người đã
Giã biệt đời, trở lại Thiên Thai.
Người thơ chỉ dám thầm mong ước
nhân loại ban cho một tiếng cười.
Tâm tư thi sĩ bay cao mãi
dệt gấm hoa ủ ấp mây trời,
Nhân gian sao vẫn đang hờ hững
không thấy hào quang tỏa sáng ngời.
Bao giờ nhân thế thôi mê ngủ
Còn mãi vinh danh lũ dựa thời?
Bao giờ mới mở bừng con mắt
để thấy tâm linh đẹp tuyệt vời,
để thấy tình yêu luôn chói sáng,
hoà bình sẽ ngự khắp nơi nơi?
Bao giờ mới hết quên người sống,
mà chỉ tôn vinh kẻ chết rồi.
Thì nhân chìm đắm trong cùng khốn,
tự dốt thân mình làm nến soi,,
dẫn lối cho những người ngây dại,
đến tận dương quang, chỗ sáng ngời.
Thời gian vô nghĩa cùng thì sĩ,
Khắc nghiệt làm sao cũng vậy thôi.
Một mai người ngự trong tâm tưởng
vương quốc người trải tận xa khơi.
Thi nhân người hãy nhìn cho kỹ
vương miện bằng gai của chính người
người sẽ thấy mầm non mới nhú
nụ vinh quang chờ hiến dâng ai!

Mùi Quý Bồng

Đôi Mắt Người Xưa - Một Mảnh Tình Kỷ Niệm Sinh Nhật Thanh Nga - 31/7/1942



Đầu thập niên 1960, không còn nhớ rõ là năm 1961 hay 1962 nữa, dược sĩ BT và tôi được vị chỉ huy trưởng Trường Quân Y giao nhiệm vụ lên dự lễ mãn khóa thụ huấn quân sự của sinh viên quân y tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trong hai tháng hè, đồng thời để cảm ơn Bộ chỉ huy trường VBQGĐL.

Buổi lễ mãn khóa chính thức đã cử hành vào một buổi sáng, tuy nhiên anh em sinh viên còn muốn tổ chức một dạ hội để chung vui với nhau, và cũng để cảm ơn các huấn luyện viên của trường Võ bị. Thức ăn uống đã có nhà thầu, anh em sinh viên chỉ tự trang hoàng lấy tại câu lạc bộ và chuẩn bị những màn ca hát.

Buổi chiều hôm đó, dược sĩ BT và tôi ra chợ Đà Lạt để mua thêm một vài thứ nữa và khi vừa bước chân ra khỏi thì từ trong chợ bước ra có hai thiếu nữ dáng hình rất duyên dáng trong bộ áo dài tha thướt. Hai nàng thấy chúng tôi, đang mặc quân phục sĩ quan, chắc đang đứng ngây người ra nhìn thì cô gái trẻ và đẹp hơn nhìn chúng tôi nhỏen cười và hơi gật đầu như chào rồi rảo bước đi về phía rạp Ngọc Hiệp.

Trong kh tôi còn mải nhìn theo thì bỗng nhiên anh BT vỗ trán rồi kêu lên: TN, đúng TN rồi. Nói xong anh kéo tôi rảo bước theo hai nàng, vừa tới trước cửa rạp Ngọc Hiệp thì bắt kịp. Anh BT, vốn là người bặt thiệp, ăn nói lưu loát và có duyên vội lên tiếng giải thích việc đuổi theo hai nàng, rằng các sinh viên quân y từ Sài Gòn lên đây thụ huấn quân sự sẽ có một buổi văn nghê bỏ túi tối nay và ngỏ ý mời TN tới chung vui thì hân hạnh cho chúng tôi lắm. TN không nghĩ ngợi gì, trả lời ngay là tối nay may qúa nàng còn đang rảnh rỗi nên rất hân hạnh được tới gặp gỡ các sinh viên quân y.

Tối hôm đó, anh BT vì là trưởng đoàn nên phảỉ có mặt sớm tại câu lạc bộ và giao cho tôi việc đi đón TN. Các sinh viên quân y rất ngạc nhiên nhưng không kém phần hào hứng khi thấy có sự hiện diện của cô đào đang nổi tiếng là nữ hoàng sân khấu và đua nhau trổ tài đàn hát rất vui vẻ tưng bừng. TN cũng được mời lên hát và tôi còn nhứ là nàng đã hát bài “ Mưa Rừng” mà nàng đã từng hát trên sân khấu.

Tiệc tan vào khoảng nửa đêm và tôi lại có phận sự đưa TN về rạp Ngọc Hiệp. Khi tôi cầm tay nàng để dìu xuống chiếc xe jeep thì hình nhp cả tôi lẫn nàng đều không muốn buông tay ra ngay mà có vẻ muốn dùng dằng nửa ở nửa về. Khi rời tay tôi cảm thấy đôi mắt nàng có chút gì lưu luyến và chắc con mắt tôi cũng vậy.

Nhưng sau đó với công việc bận rộn hàng ngày tôi cũng quên cuộc gặp gỡ kỳ ngộ tại Đà Lạt với người đẹp cho tới một hôm tại Trường Quân y, tôi đang ngồi tán gẫu với dược sĩ BT thì ngay ngoài cửa phòng bống một chiếc xe Hoa Kỳ thật lớn đậu xịch một cái và trên xe có TN đang ngồi nhìn về phía chúng tôi cười cười. Anh BT và tôi vội chạy ra thì TN nói muốn mời chúng tôi đi ăn trưa tại một cao lâu Tầu tại Chợ Lớn và tất nhiên chúng tôi không chối từ. Trong bữa ăn khá lâu này, TN có tặng cho mỗi người chúng tôi một cái carte gồm hai chỗ ngồi danh dự để tới nghe đoàn hát của nàng bất cứ khi nào và tại đâu.

Tất nhiên chúng tôi không thể bỏ qua vì phần cũng muốn coi hát, phần không thể lơ là tấm thịnh tình của người đẹp nên thỉnh thoảng cũng ghé vô rạp xem nàng trình diễn. Nhiều lần, nàng cho người mời chúng tôi vô hậu trường là nơi nàng ngồi nghỉ ngơi và tô điểm lại son phấn. Trong các vở tuồng mà TN thủ vai tôi chỉ còn hớ vở ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA vì sau đó tôi có viết một bài nhận định về vở tuồng cùng tài nghệ diễn xuất của TN đăng trên báo Tự Do. TN rất cảm động về bài viết này, còn bảo nếu tôi muốn viết tuồng cải lương thì nàng sẽ giới thiệu với một vài soạn gỉa nổi tiếng để hướng dẫn tôi, chắc là nàng cũng biết tôi đã là tác giả của một vài vở kịch đã được trình diễn tại Đà Lạt và Sài Gòn. Một chuyện không ngờ là soạn giả vở tuồng ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA  là Nguyễn Phương sau lại sang định cư tại Toronto, Canada và ông mới mất cách đây hai ba tuần.

Sau một vài lần, cùng nàng và đoàn hát đi ăn tối khuya sau khi hạ màn và sự giao tiếp có vẻ mặn mà và thân tình hơn, TN mời chúng tôi tới nhà chơi và tất nhiên chúng tôi cũng không muốn phụ tấm lòng của nàng, có khi tôi tới với DS BT,có khi tôi tới một mình và thường là vào khoảng 12 giờ trưa vì thường ngày lúc đó nàng mới ngủ dậy. Một hôm tôi tới, cũng vào giờ nghỉ trưa thì gặp má nàng đang ngồi ngoài phòng khách. Bà bảo hôm nay không biết sao mà giờ này TN còn chưa dậy và nhờ tôi vô phòng nàng đánh thức nàng dậy và về sau tôi phải làm nhiệm vụ này vài lần nữa.

Thật ra thì thời gian TN đi lưu diễn tại các tỉnh nhiều hơn là tại Sài Gòn nên tôi cũng không có nhiều dịp gặp nàng cho lắm nên có lần tôi đang làm việc tại trường Quân y thì có tài xế của nàng đưa thư tới nói TN đang ốm và muốn nhờ tôi tới khám bệnh. Tôi vội hấp tấp đi ngay, nhưng tới nơi thì nàng cười bảo nàng chỉ ốm sơ sơ thôi chứ hôm nay nàng khoẻ rồi xong vì lâu thấy tôi không tới nên nàng hơi nhớ và muốn gặp lại thôi. Nói xong nàng còn chỉ cho tôi xem chỗ nàng cạo gió ở ngực và lưng nữa. Tuy nhiên hôm nay TN bảo sắp tới ngày sinh nhật của nàng và nàng muốn vui riêng với chúng tôi thôi thay vì tổ chức linh đình như mọi năm với đông người tham dự. Nàng đã sắp xếp chương trình là chúng tôi sẽ đi chơi xa. Như chương trình đã dự định, anh BT và tôi một sớm chủ nhật vào tháng Bảy đã cùng TN và em nàng, lúc đó còn là chú bé BQ lên một chiếc xe Hoa Kỳ lớn, bỏ mui chạy về hướng Gò Dầu rồi vượt biên giới đi sang Miên, thì ra TN nghe nói chợ trời Swayrieng lúc đó lớn lắm, muốn mua gì cũng có nên sang đây để tìm món quà sinh nhật. Chúng tôi đi mua đồ một lúc thì TN kêu mệt và muốn ngủ trưa cho lại sức. Ngưừi đẹp muốn là trời muốn nên chúng tôi kéo tới một khách sạn và trong khi TN lên phòng lầu nghỉ ngơi thì anh BT, chú tài xế, BQ và tôi ngồi dưới vườn uống giải khát và tán gẫu. Chừng một lát thì người hầu phòng tới bảo TN muốn mời tôi lên phòng có câu chuyện. Tới lúc này, do TN kể tôi mới hay là mẹ tôi đã có vài lần tới rạp với thiệp mời TN cấp cho tôi và có lần đã gặp má nàng và nói rằng không muốn tôi và TN gặp nhau nữa vì những lý do này nọ. TN cũng nói là má nàng muốn nàng lấy một người chồng là một ngừơi hiện đang giúp đỡ tích cực tài chánh cho đoàn hát tuy nàng chưa hề thương yêu. TN vừa nói, mắt vừa đẫm lệ chứa chan. Tôi chỉ nghe, không nói gì, chốc chốc lại lấy khăn chùi nước mắt cho nàng. Sau cùng TN giở các món đồ mới mua tại chợ trời và lấy ra một món tặng cho tôi, đó là một bức màn trúc hình chữ nhật, chiều ngang khoảng 1m và chiều dọc khoảng 80 cm, ở chính giữa là hình một con mắt. Có thể đây là một sản phẩm của những người theo đạo Cao Đài vì người Cao Đài thờ Một Mắt và gọi là Thiên Nhãn. TN bảo Mắt này sẽ theo tôi mãi và phù hộ cho tôi vạn sự tốt lành, nàng còn bảo đã nhờ một pháp sư người Miên làm phép cho linh rồi.


Đó là lần gặp gỡ cuối cùng với TN trên dòng thời gian với biết bao nhiêu sự đổi thay. Người xưa đã thành người thiên cổ. Tấm mành trúc với Thiên Nhãn cũng bị bỏ mất do thời cuộc nhưng đôi mắt người xưa đôi khi vẫn còn ẩn hiện trong tâm tưởng với một vẻ lưu luyến và nỗi buồn cuả “ Tình một thuở còn vương” như lời thơ Đoàn Phú Tứ trong Màu Thời Gian.

Tại Toronto, một hôm tôi tới phòng mạch của một bác sĩ nhãn khoa tại đường Bloor West để khám về bệnh hột cườm. Ngay khi bước vô phòng đợi, tôi sửng sốt vì thấy treo trên tường một tấm mành trúc có hình một con mắt, giống hệt như tấm mành trúc mà TN mua tặng tôi nhưng kích thước lớn gấp rưỡi. Tôi có lần tò mò hỏi ông có bức mành này từ đâu thì ông bảo ông mua được trong một dịp đi tour tại Miên, thấy thích hợp với phòng khám nhãn khoa nên mua về để treo. Mỗi lần tới khám theo dõi bệnh hột cườm dù đã mổ, tôi lại nhìn bức mành, lòng ngậm ngùi hồi tưởng tới một mảnh tình đã vỡ trong ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA. Tôi xúc cảm, viết bài thơ rồi phổ nhạc và trình làng hôm nay nhân dịp tháng Bảy là tháng sinh nhật của ĐÔI MẮT NGƯỜI XƯA.

Hoàng Xuân Thảo
Kỷ Niệm Sinh Nhật Thanh Nga - 31/7/1942


Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

Em Vẫn Là Em - Thơ Hoa Văn - Phổ Nhạc Kim Phan - Hòa Âm Hứa Sơn Hà


Thơ: Hoa Văn 
Phổ nhạc: Kim Phan
Hòa âm: Hứa Sơn Hà 

Ca sĩ: Tiến Vinh 
PPS: Hương Hoài Điệp

Quê Hương Trở Lại




Hơn mấy mươi năm lưu lạc, những "Cánh chim xưa" đang "tìm về tổ ấm"...

Những bàn tay đã từng nhuần nhuyễn với kềm búa trong những giờ học tại các Xưởng năm xưa. Nay đây, cậu học trò năm cũ, vẫn giữ lấy bút nghiên. Và qua vài tháng kiên nhẫn dùi mài...Huỳnh Phương Trạch, cựu học sinh lớp 11A, tiễn bạn Võ Văn Mỹ, từ Canada trở lại Việt Nam, sau những ngày dài chờ đợi nạn đại dịch vơi đi, qua bài thơ đầy tình ý.

Kính mời quý Thầy Cô, các Bạn, các Em Học Sinh trường Kỹ Thuật Vĩnh Long và Thân Hữu hãy trải lòng đón nhận ngòi bút mới tinh, như một khuyến khích cho nguồn thơ của Trạch thêm tuôn trào.

Kim Phượng
***
Quê Hương Trở Lại

Canada không phải nhà
Bao nhiêu tháng đợi thật là rất xui
Đi chơi lòng vẫn ngậm ngùi
Cách ly tại chỗ không vui phút nào
Được tin trở lại thở phào
Cả nhà đến cửa đi vào sân bay
Một ngày nữa sẽ tới ngay
Quê hương đã thấy hôm nay rất mừng
Người thân nao nức tưng bừng
Bao nhiêu tháng đợi không ngừng mỏi mong
Thôi thì nghỉ khỏe cho xong
Gia đình, bạn cũ  ngóng trông Mỹ về 


Huỳnh Phương Trạch

Ta Về



Ta về ngồi dưới hiên nhà
Nghe đời kể chuyện ta bà nhân gian
Buồn vui lẫn lộn ngỡ ngàng
Cò khi pha chút lỡ làng khi xưa

Ta về ngồi dưới cơn mưa
Nhớ thời thơ dại khi chưa biết buồn
Vô tư như thể chuồn chuồn
Nhởn nhơ trong cõi vô thường mà reo

Ta về ngồi dưới trăng treo
Nửa cheo leo mộng nửa đèo heo mơ
Trút tâm tư xuống lững lờ
Bên dòng trăng lạnh sương mờ hạc bay

Ta về ngồi với cơn say
Lặng trong cay đắng những hoài bảo xưa
Chợt nghe ngọn gió xuân đùa
Bâng khuâng mái tóc về khua bóng chiều.


Bằng Bùi Nguyên

Có Ai Mua?



Có ai mua? Vầng thơ tôi đem bán?
Đã bao đêm làm bạn với trăng sao
Đã bao đêm nghe lá đổ xạc xào
Thầm lặng ngắm trên cao vầng trăng tỏ

Có ai mua? Vầng thơ tôi viết đó?
Phút chạnh lòng gởi theo gió theo mây
Rồi từng đêm chờ đợi bóng trăng gầy
Sương rơi lạnh...trên cây từng giọt nhỏ

Có ai mua? Lời của mây của gió?
Bút mực nào bài tỏ chuyện vu vơ
Sao từng đêm vẫn thao thức thẩn thờ?
Vẫn dệt mãi vần thơ không định hướng

Có ai mua? Hay chỉ là hoang tưởng?
Chỉ một lần vay mượn để làm vui
Cho vầng trăng vẫn còn hé môi cười
Cho nhân thế thắm tươi màu hoan lạc

Có ai mua? Lời thơ không là nhạc?
Chỉ là thơ phiêu bạt với gió sương
Rồi mai đây khi thơ đã cạn nguồn
Trong bóng tối...đêm buồn ôi ! quạnh quẽ...!!!

Bạc Liêu/27/4/2020
Hồng Vân

Như Thời Trẻ Thơ - Nhắp Chén Rượu Đào



Như Thời Trẻ Thơ

Rủ anh trở lại ngày xanh
Cùng em ngắm giọt nắng hanh cuối hè
Ngồi bên hiên mộng lắng nghe
Đôi chim tập hót lời ê a tình

Rủ anh bỏ chốn phồn vinh
Ngồi bên bờ suối soi hình đôi ta
Bóng tà huy ngả la đà
Em nghe chếnh choáng môi cà cạ môi

Rủ anh bỏ phố lên đồi
Cùng nghêu ngao hát như thời trẻ thơ
Ui da đau quá... em vờ
-Dằm đâm? Anh cõng sang bờ bên kia

Rủ anh cùng ngắm Nguyệt khuya
Mặc ai xẻ nửa cắt lìa vành trăng
Vẫn tin còn lại nửa phần
Thời gian phù phép sẽ rằm như xưa

Kiều Mộng Hà
July 26th 2020
***
Nhắp Chén Rượu Đào

Rủ em bát phố trời mưa,
Thủ đô Tị Nạn đường thưa thớt người.
Kề vai sóng bước rong chơi,
Chiều về ghé lại nghỉ ngơi viếng chùa.

Rủ em ngồi dựa gốc dừa,
Đôi chim cu gáy nhịp đưa dịu dàng.
Trưa hè lảnh lót vọng sang,
Cây xanh bóng mát mơ màng bên nhau.

Mời em nhắp chén rượu đào,
Dạ Quỳnh hương sắc dạt dào mãn khai.
Dáng hoa vương giả trang đài,
Màu hoa rực rỡ,... đăng cai đêm hè.

Hồ Công Tâm
July 26th 2020

Tưởng Niệm Ngày Giỗ Thứ 30 Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990)


Hào khí Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Tân Uyên xứ bưởi rạng danh uy
Tài không chuyển thế sơn hà loạn
Sinh bất phùng thời xã tắc suy
Quang phục nhà Nam luôn chí quyết
Chấn hưng nước Việt mãi tâm duy
Trọn đời tận hiến cho dân tộc
Thương tiếc cho người sớm tử quy

Duy Anh
28/7/2020
*(28/7/1990-28/7/2020)

Tưởng Niệm Nhà Thơ Đằng Phương


Nhân ngày giỗ ngày 28 tháng 7, 1990 của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, một nhân cách lớn, một trí thức dấn thân hoạt động chính trị cho đến lúc nhắm mắt. Đó là con người lý tưởng suốt đời tận tận tuy vì nước. Ông qua Pháp học ở Đại học Paris, đỗ Tiến sĩ Chính trị học Đại học Luật khoa và Khoa học Kinh tế Đại học Paris. Trước năm 1975 Ông dạy hầu khắp các trường đại học tại Việt Nam, kể cả các trường Cao đẳng Quốc phòng, Tham mưu cao cấp, và Đại học Chiến tranh Chính trị; Khoa trưởng Luật khoa và Khoa học Xã hội Cần Thơ. Giáo sư chuyên về Luật Hiến Pháp, Bang giao Quốc tế, thông thạo Pháp Anh và Hán văn. và tiếp tục dạy học sau năm 75 ở hải ngoại. Ngoài dạy học và sự nghiệp chính trị ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa, và đã có nhiều tác phẩm văn hóa: Quốc Triều Hình Luật với nội dung bách khoa bao gồm nhiều lãnh vực văn hóa lịch sử Việt Nam. Dân Tộc Sinh Tồn, chủ thuyết của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Các Tần Số Chánh Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung. Tên Họ Người Việt Nam …vv…và nhiều tác phẩm viết bằng ngoại ngữ Anh, Pháp.

Trong vườn Thi Ca Việt Nam của đầu thế kỷ trước, khuynh hướng Đường thi dần suy tàn, nhường chỗ cho phong trào lãng mạn của thơ Mới 1932- 1945 nở rộ, ảnh hưởng của dòng thơ lãng mạn Pháp khởi từ đầu thế kỷ 19. Thơ mới phá bỏ đi những luật lệ cấu trúc gò bó của thơ cũ, mà hướng về cái nhìn thẩm mỹ theo tư duy nghệ thuật, điều đó đã dẫn đến sự thông thoáng hơn, mở đường cho các thể thơ tự do, hiện đại sau này. Những nhà thơ của thời kỳ ấy đều là những tài năng xuất chúng, sáng tạo bằng con tim. Tính lãng mạn của nghệ thuật thơ Mới rất đa dạng: Tình yêu mơ mộng lứa đôi, sự diệu kỳ của thiên nhiên, sự thần bí, triết học, về tình quê hương, lãng mạn anh hùng…. Những thi sĩ như Xuân Diệu: "Cảm Xúc", Thế Lữ: "Nhớ Rừng", TTKH:"Hai Sắc Hoa Ti Gôn", Quang Dũng: "Tây Tiến"....vv… 

Quan niệm về sáng tác của thi nhân lúc bấy giờ được thi sĩ Xuân Diệu minh họa trong bài thơ Cảm Xúc viết năm 1933 tặng thi sĩ Thế Lữ:

Cảm Xúc
Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến
......
( Xuân Diệu)

Dù đang trong thời kỳ phong trào lãng mạn của thơ Mới thịnh hành, nhưng không phải thi nhân nào cũng thả hồn theo mây gió mơ mộng. Bài thơ Nhớ Rừng viết năm 1934 của thi sĩ Thế Lữ là một bản bi hùng ca lãng mạn. Bài thơ ẩn dụ, mượn lời con hổ bị giam hãm trong cũi sắt nằm nhớ rừng để thể hiện sự u uất của lớp những người thanh niên trí thức yêu nước khát khao đất nược được tự do. 

Nhớ Rừng

Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua
….
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối, 
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan? 
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn 
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới? 
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội 
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng? 
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng 
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt 
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật? 
Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?..... 
( Thế Lữ)

Thơ tình chứa đầy chất lãng mạn, là lời ru tiếng nấc của con tim, như dòng suối mát hương thơm nâng niu tình yêu nên đôi khi ý thơ vượt trước thời đại, chối bỏ những rang buộc luân lý xã hội đương thời còn khép kín. Con người từ khi xuất hiện thi tính lãng mạn cũng phát sinh. Nhà thơ đã thả hồn mình theo trăng sao để gởi về nơi xa xăm ấy một chút tình. Chỉ có nhà thơ mới dám bộc lộ sự thầm kín lòng mình, bên cạnh chồng vẫn nhớ người yêu. Thi sĩ TTKH để lại bài thơ tình Hai SắcHoa Ti gôn viết năm 1937 còn lưu trong văn học mà một thời đã gây xôn xao đầy bao giấy mực:

Hai Sắc Hoa Tigôn 

Từ đấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ.
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
“Người ấy cho nên vẫn hững hờ”.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời,
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi.
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn dấu trong tâmbóng một người… 
(TTKH)

Bài thơ Tây Tiến viết năm 1948 của thi sĩ Quang Dũng là bản tình ca chiến trường. Nhà thơ dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, ngay khi làm người chiến sĩ ở chiến tuyến đang đối mặt với sự chết, nhưng tâm hồn thi sĩ vẫn mơ mộng viết lên bài hùng ca có chất lãng mạn rất con người. Ý thơ phong phú lãng mạn, đã không quên hình bóng người yêu trong lúc chiến đấu. Sự lãng mạng thể hiện trong câu « Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm » trong thời điểm đó là một sự mất cảnh giác chiến đấu, nhà thơ tâm sự với nhạc sĩ Trịnh Hưng khi hai người cùng bỏ về thành vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Câu thơ ấy đã gây bao hệ lụy đớn đau cho cuộc đời của thi sĩ Quang Dũng về sau này: 

Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây tiến ơi! 
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi 
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi 
Mường Lát hoa về trong đêm hơi 
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm 
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời 
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống 
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi 
Anh bạn dãi dầu không bước nữa 
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
…………
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gởi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm….
( Quang Dũng)

Nói đến giáo sư Nguyễn Ngọc Huy không thể không nhắc tới thi phẩm Hồn Việt, do nhà xuất bản Đuốc Việt Sài Gòn in 1950. Đây là một thi tập chính khí ca nói về đất nước, anh hùng nghĩa sĩ lên đường tranh đấu cho độc lập của tổ quốc. Thơ của Đằng Phương là tiếng lòng, là nỗi niềm của ông đối với dân tộc, đất nước, dù ông không nhận mình là thi sĩ. Nhưng thơ Đằng Phương rất điêu luyện, hồn thơ chan chứa tình quê hương, là khí thế cách mạng, hồi chuông thức tỉnh người dân vùng lên trong hoàn cảnh nước nhà đang bị ách thực dân:
Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ 
Mở rộng lòng đón gió lạ nghìn phương...
Tôi chỉ là một người dân đất Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc...


Trong số những bài thơ của Đằng Phương có bài thơ Anh Hùng Vô Danh đề “Tặng những chiến sĩ vô danh tranh đấu cho Tổ Quốc”. Hầu như không một học sinh trung học nào, trong khoảng các thập niên '50, 60, mà không học. Thuở ấy chúng tôi không hề biết nhà thơ Đằng Phương là giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Bài thơ dài, người viết xin trích vài đoạn và chút cảm nghĩ về bài thơ: Bài thơ làm theo thể tám chữ theo khuynh hướng thơ Mới. Bài thơ độc đáo vì ngoài ý nghĩa ca ngợi những anh hùng vô danh dám hy sinh mạng sống trên chiến trường vì tổ quốc.

Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước. 

Anh hùng vô danh ở đây ngoài những tử sĩ, ý nghiã Anh hùng vô danh còn nói đến những tiền nhân đã bất chấp gian nguy khó nhọc và mạng sống để phá rừng, xẻ núi lấp đồng sâu làm cho đất cát hoang vu biến thành một giải sơn hà gấm vóc. Bài thơ mang chí hướng dân tộc chống ngoại xâm: 

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Ðã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giầy của những kẻ xăm lăng,
Ðã xông vào khói lửa, quyết liều thân
Ðể bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc, 

Tác giả đã thể hiện một phong cách kẻ sĩ, ca ngợi những người còn được gọi là anh hùng vô danh một khi họ đã xong nghĩa vụ với đất nước, lui về ở ẩn không ham danh lợi phú qúy:

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Ðể sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

Tuy công nghiệp không ghi trong sổ sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.
Và anh hồn chung với tấm tinh trung
Ðã hoà hợp làm linh hồn giống Việt. 
(Đằng Phương)

Những anh hùng vô danh đặc điểm của họ là hành động một cách vô tư, thấy việc nghĩa thì làm chẳng hề nghĩ đến bản thân. Cuộc đời của những anh hùng vô danh là quá đẹp vì lúc sống đã dám hy sinh thân mình cho tổ quốc, nhưng khi lià trần thịt xương của họ đã tan vào lòng đất hòa với cỏ cây làm mần sống cho dân tộc và họ trở thành linh hồn của đất nước. Chúng ta hay nhắc đến hồn thiêng sông núi chính là hồn các anh hùng vô danh. 

Đỗ Bình
28. 07. 2020

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Tình Khúc Mùa Đông - Nhạc Phạm Anh Dũng - Sĩ Đan Hòa Âm


Nhạc: Phạm Anh Dũng 
Hòa Âm : Sĩ Đan 
Tiếng Hát: Y Phương 
Thực Hiện: Hoàng Khai Nhan

Là Em....



Là em đó hả áo vàng?
Anh về anh nhớ áo nàng kiêu sa
Là em đó hở hằng nga?
Anh tương tư mãi trăng ngà mỗi đêm
Là em giọng nói êm êm
Là em nguyệt lạnh bên thềm đẫm sương
Em người yêu dấu anh thương
Thương mà chẳng nói, vô thường tình xa
Là em cứ mãi lạ xa
Tương tư anh mãi ôm trăng thế mà

Như Nguyệt
20 tháng Bảy, 2020

Cho Dài Sợi Nhớ



Giờ anh trong cõi lặng
Có nghe tiếng chim chuyền
Lao xao cành lá biếc
Cây trơ mình đứng yên.

Nhưng hồn tôi dậy sóng
Chân mây tiếng gió gào
Nỗi nhớ nhung vô tận
Ai khóc sầu mưa mau?

Tình ơi tình giông bão !
Lênh đênh phím tơ chùng
Cung thương nào bội ước
Đàn đã vội xa xăm !

Khúc từ ly còn đắm
Say đắm say tội tình
Lời thương theo gió vọng
Cô đơn tình hư không !

Theo dòng sông ngã rẻ
Chia hai nẻo bến bờ
Con thuyền tình trăn trở
Lau sậy buồn ngẩn ngơ .

Bên nầy trông bên nớ
Ngọn tóc tình bơ vơ
Ngọn tóc tình đã lỡ
Dài sợi nhớ mong chờ...

Ngọc Quyên

Mưa Đêm Tháng Bảy - Tháng Bảy Thầm Mơ....



Bài Xướng:

Mưa Đêm Tháng Bảy

Ừ thì lạ cũng thành quen
Ừ thì mưa cũng thêm phiền muộn rơi
Giọt trên cao, giọt không lời
Sao nghe như cả một đời nhớ nhau
Cứ là tháng Bảy mưa Ngâu?
Hay là tháng Bảy mưa màu mắt em?
Mưa trên khuôn mặt thật mềm
Vẫn trăm năm mặn mấy miền biển xa
Mưa từ tiền kiếp mưa qua
Mang theo tháng Bảy lớp da thịt buồn
Đêm nay nghe vọng mười phương
Chút hơi thở cũ mùi hương phấn đời
Có người thầm gọi... mưa ơi!

Durham, North Carolina
Người Chợ Vãng
***
Bài Họa:

Tháng Bảy Thầm Mơ....

Mái nhà rỉ rả nghe quen
Thì ra mưa đổ muộn phiền rơi rơi
Tuôn tràn thống khổ khôn lời
Như tình Ngưu Chức trọn đời tìm nhau
Tháng Bảy đọng giọt lệ Ngâu
Tím trời hay tím ngắt màu môi em
Ướt đẵm khoé mắt nhung mềm
Muộn màng tao ngộ dẫu miền cách xa
Hạnh phúc ngắn ngủi thoáng qua
Vẫn hơn biệt dạng lòng da diết buồn
Gọi khàn giọng khắp muôn phương
Khơi mùa lưu luyến tìm hương bạn đời
Mơ thầm tháng Bảy .... người ơi!

Kim Oanh
Australia 7/2020

Nguyệt 月 - Lý Thương Ẳn



Nguyên tác           Dịch âm

月                         Nguyệt

過水穿樓觸處明 Quá thủy xuyên lâu xúc xứ minh,
藏人帶樹遠含清 Tàng nhân đới thụ viễn hàm thanh.
初生欲缺虛惆悵 Sơ sinh dục khuyết hư trù trướng,
未必圓時即有情 Vị tất viên thì tức hữu tình...
                              Lý Thương Ẳn
***
Dịch thơ:
Trăng

Xé nước xuyên lầu vẫn sáng xanh
Người cây ẩn hiện dưới trăng thanh
Tuần đầu* cuối tháng chê rằng khuyết!
Chả nhẽ tròn trăng mới hữu tình?

*Tuần: Một tuần có 10 ngày, một tháng có 3 tuần: thượng tuần trung tuần và hạ tuần. Trăng tròn vào trung tuần.
____
Câu 1
- Trăng, dù chiếu qua nước hay xuyên lầu, cũng sáng
Câu 2:
- Trông xa, người ẩn nấp và cây phô bày đều thấy được dưới ánh trăng.
Câu 3
- Trong thượng tuần (10 ngày đầu) và hạ tuần (10 ngày cuối) của mỗi tháng, cứ thấy trăng khuyết là tưởng không hấp dẫn.
Câu 4
- Ôi! đâu phải chỉ trăng tròn mới hũu tình?

Con Cò
***
Ghi chú:
Nếu chép lại của Thi Viện thì bài đó sai chữ chót câu 2. Chữ đó là thanh không phải tình 情. Sách Đường Âm Thống Thiêm cũng xác nhận như Ngự Định Toàn Đường Thi.

月                              Nguyệt 
過水穿樓觸處明, Quá thủy xuyên lâu xúc xứ minh, 
藏人帶樹遠含。 Tàng nhân đới thụ viễn hàm thanh. 
初生欲缺虛惆悵, Sơ sinh dục khuyết hư trù trướng, 
未必圓時即有情。 Vị tất viên thì tức hữu tình.

Xúc xứ: khắp mọi nơi
Sơ sanh: tuần trăng đầu, trăng mới, trăng liềm đầu tháng
Dục khuyết: tuần trăng cuối, trăng sau ngày 15, bắt đầu khuyết đến cuối tháng.

Nhìn trăng khuyết thấy man mát buồn vì thiếu thốn một cái gì mà trăng tròn không đem lại. Một đêm trăng tuyệt đẹp, sáng tỏ nơi gần, mờ ảo nơi xa. Các động từ: qua, xuyên, tàng, đái… cho ánh trăng sáng hiền hòa một tình cảm thật năng động.

悵 未 必 圓 時 即 有 情 過 水 穿 樓 觸 處 明 藏 人 帶 𣗳 逺 含 清 𥘉 生 欲 缺 虛 惆 月 惆 悵 未 必 圖 時 即 有 情 過 水 穿 樓 觸 處 明 藏 人 帶 樹 違 含 清 初 生 欲 缺 虛 月 未 必 圓 時 即 有 情 過 水 穿 樓 觸 處 明 藏 人 帶 樹 逺 含 清 初 生 欲 缺 虛 惆 悵 月

Bài thơ còn nói lên triết lý sâu sắc của cuộc sống mà trong chúng ta ai không trải qua? Khi thất vọng, ta đặt hy vọng vào tương lai. Nhưng ngay khi hy vọng đã hoàn thành, nuối tiếc vẫn tồn tại. Trăng khuyết, ta thất vọng buồn nuối tiếc. Trăng lại tròn, nhưng sự thất vọng nuối tiếc nào có hết. Trong cuộc sống, hy vọng là một sự thất vọng, một thực tế không thay đổi.

Dịch nghĩa: Trăng

Lấp lánh trên nước, len lỏi trong lâu đài, chỗ nào cũng chiếu sáng, 
Con người và cây cối từ nơi xa mờ ẩn dưới ánh trăng thanh trong mát. 
Trăng thượng tuần và hạ tuần không tròn đã làm người xem cảm thấy buồn. 
Thì đâu hẳn chỉ có lúc tròn mới là có tình ý đâu.

Dịch thơ: Trăng

Soi nước rọi lầu vẫn sáng trong.
Người cây hiện rõ phận long đong.
Già non tròn khuyết luôn xinh đẹp.
Không đợi ngày rằm mới thong dong.

Moon by Li Shanh Yin

Gliding on water and penetrating towers, the moon lightus up everywhere,
Humans and trees in the distance appear and disappear in the clear and cool moonlight.
It’s sad to look at the first quarter moon or last quarter moon,
No need to wait for full moon to have feelings.

Phí Minh Tâm
***
Trăng

Qua nước, xuyên lầu thẩy sáng tinh
Cây xa người ẩn rõ in hình
Khi non, lúc khuyết sao buồn bã?
Chưa hẳn tròn vo mới hữu tình!

Lộc Bắc
***
Xé nước xuyên lầu ánh sáng tinh
Cây người ẩn dấu vẫn in hình
Thượng hạ tuần trăng sao buồn thế?
Chả lẽ tròn trăng mới nổi tình?

Đỗ Tước
***
Rẽ nước xuyên lầu vẫn sáng choang
Người cây lấp ló dưới trăng vàng
Đầu tuần cuối tháng chê cùng khuyết
Chẳng lẽ tròn vo mới thấy sang

Lạc Thủy Ðỗ Quý Bái

Mộng Lệ An ( Montréal)


Hồi ở trại Phú San, bộ di trú của nhiều nước gửi nhân viên tới phỏng vấn để nhận người tỵ nạn: Mỹ, Pháp, Đức, Úc...Gia Nã Đại nhận tôi rất dễ dàng, lo thủ tục cho đi khám sức khoẻ, mua chịu vé máy bay, và phải hứa là không làm lại nghề bác sĩ...Cái này thì hơi kẹt nhưng định bụng cứ hứa lèo tới đâu hay đó...

Bệnh viện Đại Hàn ngày đó rất đẹp, sạch sẽ, trang bị đầy đủ hơn hẳn Chợ Rẫy, Nhi Đồng, Bình Dân của mình. Có nhiều người nói rằng,trước 1975, Việt Nam ngon lành hơn Hàn và Thái, tôi nghĩ mình tự cao tự đại hơi quá lố...Phú San có xưởng đóng tàu nổi tiếng thế giới, trong khi mình làm cái đinh cũng không đủ tiêu chuẩn, khi đóng, nếu gỗ cứng quá là đinh bị cong hoặc gẫy.
Tôi rời trại Phú San chiều 21/07/1975,đi xe lửa đêm lên Hán Thành, đáp phi cơ qua Tokyo,Vancouver, rồi tới Montreal cỡ 9g tối. Từ trên không nhìn xuống thành phố rộng mênh mông, đèn sáng rực cả một vùng trời. Ở thành phố này,tôi có người quen,xa nhau từ gần 4 năm,đúng là nghìn trùng xa cách...Ngày xưa,tôi chỉ biết Gia Nã Đại là một xứ rất rộng,ở đó có nhiều tuyết, có thác Niagara, có ông thủ tướng playboy là Pierre Elliot Trudeau, và Montreal, chắc nhỏ lắm vì thư nào gửi về,cũng chỉ thấy một con đường Maple Wood, dù số nhà,số phòng có thay đổi.Tới giờ mới biết mình lầm.(Maple Wood là cây phong,nhựa của nó làm ra một loại sirop nổi tiếng thế giới,lá in trên quốc kỳ Gia Nã Đại. Đường Maple Wood nằm phía trước trường đại học Montreal,sinh viên trọ ở đây có thể đi bộ tới lớp, về sau nó được đổi tên là Edward Montpetit)
Bây giờ, đến nơi, tôi mới biết mình lầm. Từ phi trường,xe đi lòng vòng cả giờ mới tới khách sạn Queen, nơi chính phủ Canada dành cho chúng tôi tạm trú.Khách sạn này đã cũ,gần phế thải,nhưng đối với những người vừa rời trại tị nạn,đang khổ sở, thì đây là chốn thần tiên,thật quý phái và sang trọng.Tôi ở cùng phòng với Trần Cao Thăng: giường nệm trắng toát,thơm tho,nhà vệ sinh,bồn tắm sạch bóng.

Thăng và tôi tắm rửa, kỳ cọ mãi, cố gột cho hết bụi trần, trước khi nằm,sợ làm ô uế chiếc khăn trải giường trinh bạch.Dù mệt phờ, nhưng vì lạ,lại chênh lệch thời gian, tôi cứ trằn trọc, thao thức không sao ngủ được. Cả Thăng cũng vậy. Đến gần sáng tôi mới chợp mắt một chút,nhưng giấc ngủ lại toàn mộng mị hãi hùng...
Sáng, xuống lobby được ăn điểm tâm bằng nước cam, sữa, bơ, trứng đánh với bacon và cà phê. Tôi rất áy náy vì hai lý do:
- Sau 2 tháng mì chay, nay được đồ mặn ngon lành,tôi ăn vừa nhanh vừa nhiều, chắc không lịch sự cho lắm.
-Bồi bàn mặc đồ quá đẹp để phục vụ mấy người quê mùa, khố rách áo ôm mà khách lại chẳng ai có đồng xu dính túi để cho pourboire.Tuy nhiên họ làm nhiệm vụ như thường lệ, rất tận tình và chu đáo.
Sau khi ăn sáng xong, tôi lò mò vào cửa hàng bán đồ kỷ niệm của khách sạn để ngắm và trầm trồ, vì món nào cũng lạ lùng và đẹp mắt. Thứ hấp dẫn tôi nhất là quầy thuốc lá đủ mầu, đủ vẻ, Camel, Lucky Strike, Pall Mall...Lúc đó tôi có 2 tờ 10 đô la Mỹ do Hoàng Văn Thuận cho dằn túi, bèn mua một gói Pall Mall giá 75 xu.Một cây giá 5.5 đô la,một phần tư gia tài,tôi hà tiện,đâu giám mua.Trong cửa hàng nhỏ bé,tầm thường này,tôi nghe thoang thoảng một hương thơm nhẹ nhàng dễ chịu...đó không
phải là mùi hoa,không phải mùi son phấn,nó là sự pha trộn của nhiều thứ,hương thơm mà sau này tôi không còn bao giờ gặp lại.Đó là mùi của văn minh,của tự do, hay chỉ là mùi thơm mà tôi tưởng tượng trong đầu?
Có hẹn ở sở di trú lúc 14g mà Thăng và tôi đã lò mò đi từ lúc 11g, để gặp ông Cố Vấn ARBOUR. Chúng tôi tới nơi lúc 12g,mà tới 18g mới được gọi! Trong thời gianchờ đợi, tôi thấy ông cố vấn cứ đi ra,đi vào, cà phê, thuốc lá,tán gẫu với đồng nghiệp, hoặc gác chân lên bàn nói chuyện điện thoại...Khi được gọi vào, ông cố vấn không cố vấn gì hết,chỉ đưa cho tôi tấm chi phiếu 49 đô la,là tiền nuôi 1 tuần,và dặn phải tìm chỗ ở và tìm việc làm càng sớm càng tốt, tất cả không đầy 60 giây!Sau này tôi mới biết,mấy vị cố vấn câu giờ,làm trễ để tính tiền lương phụ trội,giá gấp rưỡi.

Sau khi đổi tấm chi phiếu ra tiền mặt,Thăng và tôi chán nản tìm đường về, qua trung tâm thương mại ATWATER.Ở đây,trai thanh,gái lịch dập dìu,ăn mặc diêm dúa,mặt người nào cũng tươi như hoa.Có những cặp tình nhân trẻ còn ôm nhau,hôn hít loạn xà ngầu..Thăng và tôi thì trái lại, áo quần xập xệ, mặt mày ngơ ngác, giống như hai chú mán rừng nhưng ở đây dân chúng phớt tỉnh ai lo việc nấy chẳng thèm để ý.
Khi về tới trước cửa phòng mình ở khách sạn, tui tôi thấy một thanh niên dong dỏng cao,t óc dài, ăn mặc giản dị, đi giầy thể thao, tự giới thiệu là Trân. Ở đây tôi phải nói một chút để quý vị hiểu rõ tình hình. Số là khi ở Cần Thơ tôi rất thân với cặp Nguyễn Tuấn Khoan,Vũ Thi Khánh Hải,và là cha đỡ đầu của Thuý Quỳnh,con gái lớn của 2 người. Hải có 2 người em du học ở Canada, là Vũ Quang Trân,và Vũ Thị Khánh Phương.Tôi chưa bao giờ gặp Trân,nhưng Phương thì có lần về chơi Việt Nam, xuống thăm anh chị,và tôi đã gặp.Khi tình hình đất nước quá bi quan,Hải cho tôi địa chỉ của Trân, Phương,rồi đem con về Sài Gòn. Nước mất,gia đình Hải chạy thoát,nhưng Hải đành ở lại vì Khoan bị kẹt ở Cần Thơ,và sau đó đi tù, vượt biên.
Tôi và Thăng theo tàu hải quân, chạy thoát. Hôm đó Trân đến gặp cho biết mặt, và rủ tụi tôi tới nhà chơi, vì khi ở Phú San,tôi thường viết thư thăm hỏi và cho tin tức.
Lúc đó,Trân ở cùng bác Rạng, ba Hải với các em là Phương, Lân, Thuận, Hằng và người vú lâu đời là chị Thuỳ, ở số 3095 ave Linton.

Tối hôm đó,Thăng và tôi nhịn đói ngủ như chết, sáng hôm sau dậy muộn,ăn sáng đã hết, nên tụi tôi nhịn thêm bữa nữa. Ở Lobby khách sạn lúc đó, có một nhân viên sở di trú và 2 sinh viên Việt Nam giúp việc,có nhiệm vụ chỉ dẫn và thông dịch cho người tị nạn.Ông Tây ôn tồn dặn chúng tôi phải tìm nhà và việc làm càng sớm càng tốt.Thấy co người Việt ở đó,Thăng và tôi tạt ngang nói chuyện và xin chỉ dẫn,nhưng cô không chỉ dẫn gì hết,chỉ lạnh lùng nói: Nội ngày hôm nay,hai ông phải rời khỏi đây để lấy chỗ cho người mới tới.Thì ra,cô đồng hương này đuổi mình còn tận tình hơn dân bản xứ.Thế là Thăng và tôi lên phòng xách cái túi rác mầu đen bằng plastique đựng hành lý cà khổ của mình,rời "tổ ấm"để bắt đầu một cuộc đời lang thang,vô định.Lúc đó,tôi vừa tủi thân,vừa giận...Cô sinh viên này tên H,trông cũng sạch nước cản,nhưng thái độ của cô đối với đồng bào thì hơi nặng mùi,không được thơm như tên cha mẹ đặt.
Tôi lẩm cẩm,cố tìm cách giải thích thái độ khó chịu ấy: Hoặc giả,cô du học lâu ngày, đã quên câu bầu ơi thương lấy bí cùng,hoặc giả,sau ngày quốc nạn 30/04, thấy dân tị nạn đến ào ào mà gia đình cô kẹt lại...Dù sao chăng nữa,chuyện cũ đã trên 40 năm,tôi hy vọng cô còn nhớ mình là người Việt,và gia đình cô,nếu bị kẹt lại thì nay cũng đã qua đoàn tụ.
Hồi đó,ở lề đường,có rất nhiều chỗ đánh giầy,do người bản sứ phụ trách.Khách ngồi trên những chiếc ghế cao lênh khênh,dựa vào tường,chỗ để chân ngang ngực người thợ.Đôi giầy của tôi lúc đó đế mòn,da trầy,mõm há,nhưng đang sầu đời,lại tức nên leo tót lên ghế,phì phèo điếu thuốc,dạng chân cho người hầu hạ để xả sú bắp một cách tiêu cực .Đôi giày thổ tả của tôi,được trang điểm,quả nhiên có khá, nhưng tốn 2 đô la,đắt hơn 2 gói thuốc!

Cả ngày hôm đó, Thăng và tôi đi rạc cẳng tìm nhà mà không thấy,đã tính chuyện nằm ghế đá công viên.Trời vừa tối,ngoài 21 giờ,thì hai đứa tới đường Hotel de Ville,vớ được căn nhà số 999,cho thuê phòng với giá 14 đồng một tuần,trả tiền trước,không phải ký giấy tờ gì cả.Hai đứa thuê 1 phòng,mỗi ngày chỉ tốn 1 đồng bạc.Phòng khá rộng,có một cái giường,một bàn cũ,bếp gaz. Ở đây,chỗ ngủ thoải
mái,nhưng vấn đề vệ sinh thì vô cùng vất vả,vì nhà tắm và phòng vệ sinh chỉ có một cái cho cả căn nhà: bàn ngồi loang lổ như bị chó gặm,mỗi khi làm công tác vệ sinh,tôi phải mang cả giầy,ngồi chồm hổm.Ngồi kiểu này vừa mỏi lại vừa dễ bị té, nên đệ tứ khoái đã trở thành một cực hình.Màn tắm rửa cũng không khá hơn,vì không có hoa sen,chỉ có cái bồn tắm cũng thuộc loại chó gặm,chắc không ai giám nằm vào đó,tôi lại phải ngồi xổm,lấy ly nhựa,hứng nước dội cầm hơi.Việc ăn uống thì còn nản hơn nữa,vì Thăng và tôi đâu biết gì,lúc nào cũng chỉ có 2 món là hột gà và mì gói...

Những ngày sau đó,Thăng thường lên sở di trú,xin học tiếng Pháp để cải thiện nghệ thuật đàm thoại, tôi thì lê gót khắp nơi để tìm việc làm.Việc đầu tiên tôi tìm được là chân rửa chén cho một tiệm ăn Tầu. Tiệm này không lớn lắm,độ 7-8 bàn, làm việc hàng ngày từ 10g tới 22g,được nuôi ăn và trả tiền mặt,2 đồng một giờ, ngày được 24 đồng.Tôi thích lắm,vì chỉ cần làm 2 ngày là bằng tiền chính phủ trợ cấp hàng tuần.Công việc của tôi như sau: khi bồi đem chén đĩa vào,thì tôi đổ đồ ăn thừa vào thùng rác,rồi đưa qua 3 bồn nước,bồn thứ nhất để rửa thức ăn còn dính,bồn thứ nhì dùng sà bông,bồn chót để tráng cho sạch,rồi lau khô, sẵn sàng để đựng thực phẩm cho khách.Tôi bắt đầu ngày thứ tư trong tuần,khách khứa lưa thưa,công việc nhàn hạ.Từ chiều thứ sáu,khách ra vào tấp nập,tôi làm bở hơi tai,
chân tay lọng cọng...cuối tuần đó,đập của chủ 5,6 cái đĩa.Cả tuần đỡ khổ, cuối tuần sau lại đập một mớ chén đĩa nữa,nên bị đuổi.


Hồi ở khách sạn Queen, thấy anh gác thang máy ngồi ghế, bấm số từng lầu,vừa làm việc,vừa đọc sách, tôi thích lắm cố tìm cho được việc này. Các cao ốc ở đây, đều có thang máy tự động, tối tân, phải tìm mấy căn nhà cũ. Rốt cuộc tôi cũng tìm được một khách sạn cũ 6 từng lầu trên đường Sherbrooke,làm việc từ 16 tới 24g, lương 2.60 một giờ, trả bằng chi phiếu,và sẽ bị trừ thuế lợi tức. Thế là,mới chân ướt chân ráo tới Canada, tôi đã bắt đầu đóng góp tài chính cho quê mới,mà sau này tôi mới biết để nuôi một lô con trời ăn trợ cấp xã hội.Việc bấm thang máy không nhàn hạ như tôi tưởng,vì nó thuộc loại cổ,khi khách ra vào, tôi phải mở và đóng cửa,chạy lên, chạy xuống dật đùng đùng,kêu cót két,nên tôi đầu hoa,mắt váng,lúc ra về bước thấp bước cao như người say rượu...
Cuốn sách học ECFMG mang theo,tôi không đọc được chữ nào,thường quẳng ở dưới sàn,bị thiên hạ đạp lên,lấm be bét.Ôi chữ nghĩa thánh hiền,ôi y lý....sao thê thảm Hippocrate có thấy chắc cũng đầm đìa nước mắt mà thương cho đám hậu sinh.Sau 2 tuần,tôi chịu không nổi,nghỉ việc, rồi lên sở di trú gặp ông cố vấn để xin ý kiến.Ông cố vấn cho tôi 4 địa chỉ để xin việc.Lúc đó,xe Metro và Bus đình công,tôi được dịp đi bộ ,mình gốc nhà binh,thấy khoẻ re...vả lại còn trẻ.Hai chỗ đầu,tôi bị từ chối,nó không thèm cho mình nộp đơn.

Tới chỗ thứ ba,họ nhận đơn,và gọi tôi vào gặp ông chủ để phỏng vấn.Đó là một hiệu may rất lớn,trên đường St- Laurent,ông chủ người Ý,nói tiếng Pháp còn lờ quờ,rất khó nghe:
-Mày có biết xử dụng máy may không? Không.
-Cắt vải theo patron? Không.
- Đơm nút? Không.
- Thế mày biết làm gì?
Do phản ứng tự nhiên,tôi trả lời là mình biết chích!
Trả lời xong,thấy mình ngố,bèn cười lỏn lẻn,dè đâu ông chủ chắc thương người di cư như mình nên nhận cho làm tạp dịch,tức sai gì làm nấy,việc chính là dọn dẹp và quét nhà,hút bụi,đổ rác.Lâu lâu,tôi bị sai xuống kho,vác vải lên cho thợ cắt quần áo.
Ở Việt Nam,tôi nhớ xúc vải chỉ dài độ 1.2 hay 1.5 thước nặng độ 5,6 ký,ở đây nó dài hơn 3 thước,nặng gần 50 ký.Vác được xúc vải từ kho,tầng hầm,lên tới tầng trệt,tôi đã khòm lại khòm thêm, 2 chân run lẩy bẩy,và chỉ làm một ngày là chạy luôn, xí bùm bum tiền lương,ăn thua gì mấy cái đồ lẻ tẻ!

Từ đó,tôi lang thang tìm việc ban ngày,ban đêm ghé mấy quán Bar Topless,coi múa khỏa thân,uống vài lon bia,khi đã ngà ngà,mới lò mò về phòng,vừa đi vừa hát...Tôi cũng hay bị đám chị em ta ở khu Ste Catherine liếc mắt đưa tình,chèo kéo,nhưng với tấm thân bèo dạt,tương lai mờ mịt lúc đó,tôi nào có thiết gì đến chuyện mây mưa.
Lúc đó sắp vào thu,nghe tin chính phủ Canada sẽ phát áo lạnh cho dân tỵ nạn,tôi liền lên hỏi ông cố vấn cho rõ thực hư,thì được phán rằng: để khuyến khích người tị nạn đi tìm việc làm,sớm hội nhập vào xã hội mới,nên quần áo không phát cho người thất nghiệp!Và tôi lủi thủi ra về.
Cuối tháng 8,gia đình Thuận qua tới nơi,và Thuận may mắn tìm được việc làm ngay,và làm cho tới khi về hưu. Hắn thuê nhà ở khu Choisy,góc Belanger và Lacordaire,đã có rất đông người Việt,và rủ Thăng với tôi về ở chung cho vui.Nhà có 2 phòng ngủ mà ở 8 mạng:hai vợ chồng Thuận ở 1 phòng,4 đứa con một phòng,Thăng và tôi trụ trì phòng khách.Chỉ ít lâu sau là Thăng đi Hull học tiếng Pháp,tôi thì tìm được việc làm mới gần sở của Thuận,ở khu Chabanel.Chỗ tôi làm có tên là Melo Container,chuyên làm ly bằng stirofoam để uống cà phê,nước ngọt, hoặc ăn súp.Hãng làm việc 24/24,nhưng thay vì 3 toán 8 giờ,họ làm 2 toán 12 giờ, từ 6 tới 18g,và từ 18 tới 6g sáng,cứ làm ngày 2 tuần lại phải đổi làm đêm.Làm ngày còn đỡ,đêm được ngủ,làm đêm thì khổ lắm,vì ban ngày còn phải chạy đây đó lo giấy tờ,ngủ rất ít.Vả lại chu kỳ thức ngủ bị xáo trộn,sau 2 tuần làm đêm,khi đổi qua làm ngày,đêm về cũng thức luôn.Tôi còn nhớ,khi mình làm đêm,sáng lên xe bus là ngủ như chết, có ông tài xế rất dễ thương,thấy tôi ngủ,cứ để yên,cho xe chạy vài vòng lộ trình,rồi cỡ hơn 8 giờ,mới dậm chân xuống sàn xe,đánh thức tôi dậy.


Hãng này làm việc theo hệ thống TAYLOR,travail a la chaine,mỗi người mỗi việc. Tôi đứng ở cuối chaine ,nhặt ly xếp thành từng chồng 25 cái, bọc bao nylon rồi cho vào thùng, mỗi thùng 40 chồng,1000 cái. Làm phải đều tay,đúng nhịp,chậm một chút là ly nó đổ lên đầu,nên ngứa cũng không có thì giờ mà gãi,khi mắc tiểu thì phải hô hoán lên cho ông cai tới thay. Ở đây họ trả 2.75 một giờ từ giờ thứ 9 trả phụ trội gấp rưỡi, do đó tôi kiếm được khá tiền,dù đã bị trừ đầu, trừ đuôi đủ thứ. Làm ở đây mới thấy giá trị của 15 phút giải lao để ngồi nhâm nhi ly nước ngọt, phì phà điếu thuốc. Nó thoải mái và khỏe khoắn vô cùng.Tôi vừa thương mình,vừa phục vua hề
Charlot đã cho ta thấy những chuyện cười ra nước mắt trong phim Les Temps Modernes.Tuy vất vả,nhưng lúc nào rảnh,tôi hay tới nhà Dương Hồng Huy để cùng học bài.Học với Huy,cả 2 đều lợi,vì 2 đứa có cùng phương pháp,đọc bài,làm tóm tắt, mỗi đứa học một bài,rồi giảng lại,nhớ mau hơn mà đỡ mất thì giờ,và tiến bộ vượt bực.Riêng tôi còn lời hơn vì được ăn chực,tuy cũng có mua quà cáp lai rai..
Huy hồi đó rách như sơ mướp, ăn cơm lúc nào cũng chỉ có thịt băm rang mặn và dưa chua! Nhưng không bỏ được tính khôi hài. Có lần tôi vừa lò mò vào cửa là Huy gọi vợ: Em ơi, dẹp mấy cái ly đi kẻo nó quen tay lại xếp vô thùng.Và tụi tôi lại được dịp cười thoải mái.
Xin nói thêmlà lúc đó, có nhiều động luyện thi động Edward Mont-Petit là mạnh nhất, có các anh Nguyễn Tấn Hồng,Từ Uyên, Phạm Hữu Trác, Nguyễn Mậu Hoàng, Trần Văn Kim...Động Alma, có Lê Văn Châu, Nguyễn Gia Ân, Phan Văn Thành..Thầy Đào Đức Hoành của mình, không biết thuộc động nào, cũng như anh Lâm Văn Thạch, Nguyễn Hoà Hiếu...Chắc tôi cũng quên nhiều,hơn 40 năm rồi còn gì.

Lúc đó,khoảng tháng 10, trời vào thu, lá đổi mầu thật đẹp và rụng khá nhiều, trời âm u  mưa nhiều và lạnh.. Chợt nhớ tới chuyện xin áo mùa đông, tôi lên sở di trú tìm ông cố vấn Arbour. Nghe tôi trình bày tự sự, ông gạt đi:Áo lạnh để cho người thất nghiệp ông có việc làm thì bỏ tiền ra mua. Cơn giận bùng lên,tôi đứng phắt dậy,làm cái ghế đổ về phía sau,mặt tái nhợt,giọng run rùn,chỉ ông cố vấn mà mắng:Hôm trước, tôi thất nghiệp lên xin ,ông nói phải có việc mới được,nay tôi có việc,ông nói ngược lại.Luật của các ông là luật rừng hay sao? Tôi là người tị nạn,bỏ hết cơ nghiệp qua đây để tránh Cộng Sản, tôi không phải là ăn mày. Thấy tôi dữ quá, ông cố vấn đứng dậy, dựng lại cái ghế đổ, và mời tôi điếu thuốc. Tôi từ từ ngồi xuống mà hai tay còn run,lóng ngóng mãi mới mồi được lửa.Sau vài phút yên lặng,ông Arbour lấy tờ facture ra,rồi hỏi tôi cần những thứ gì?Đã bình tĩnh lại,tôi để nhẹ một câu: Xin lỗi,quần áo là của chính phủ giúp dân tị nạn,đâu phải của ông,ông chỉ việc cấp cho tôi theo đúng tiêu chuẩn.Tai ông cố vấn hơi đỏ lên một chút,ông loay hoay viết, rồi đưa cho tôi một tờ giấy,dặn qua hiệu Miracle Mart để lĩnh đồ.Hiệu này thuộc loại bình dân, nhưng đối với tôi lúc đó đã là quá sang trọng.Tôi được mua một đôi giầy, một bộ quần áo,cái áo lạnh và mũ mùa đông.Đó là lần cuối cùng tôi gặp ông cố vấn trong vấn đề di trú,nhưng hơn 10 năm sau,khi tôi đã hành nghề thì tình cờ gặp ông trong một bữa tiệc,cả hai tay bắt mặt mừng,nói chuyện rất vui vẻ...

Năm đó, 1975,mùa thu chưa tàn, mùa đông đã tới: trận bão tuyết đầu tiên xẩy ra vào đêm 14/10. Tôi nhớ rõ, vì đó là sinh nhật của tên bạn thân Vũ Thiện Đạm, đúng một tuần trước ngày sinh nhật tôi. Đó là lần đầu trong đời thấy tuyết,chắc trên 10 phân, mọi thứ đều trắng xoá,thật sạch sẽ.Tôi quên lạnh chơi tuyết cả đêm mà không có găng tay, và giày bốt, vì ông cố vấn không nhớ mà ghi trên giấy! Và tôi bị cảm nặng,hốc hác cả tuần.
Sau khi làm ở hãng Melo được độ 3-4 tháng, tôi mệt quá vả lại đã đủ thời gian để lĩnh tiền thất nghiệp, tôi xin nghỉ ở nhà lo học thi, và hưởng ngay chính sách an sinh xã hội rất nhân đạo của Gia Nã Đại...Sau này,khi đã hành nghề,tôi mới biết chính sách này bị lợi dụng tối đa và mình đi làm, ong lưng đóng thuế trong mấy chục năm để nuôi nó.. Vụ học hành và lập hội Y Sĩ, tôi sẽ viết sau cho dễ theo dõi.

Khi gần hết tiền thất nghiệp, tôi lại phải đi tìm việc.Lần chót,tôi đi cùng anh Lê Lữ, là bạn cùng lớp, nhưng hơn tôi mười mấy tuổi,và đã qua đời cách đây mấy năm, và Dương Hồng Huy,vào xin chân Y Công ở nhà thương Nhi Đồng Ste Justine.
Qua cuộc phỏng vấn,chỉ mình tôi được nhận,đâu biết tại sao,nhưng theo Huy,thì chỉ vì tôi có tướng Y Công! Cả bọn lại được dịp cười thoải mái...
Sau vài ngày học nghề,tôi làm việc chính thức,và thấy quá nhàn hạ so với chỗ cũ:
- Sáng dọn phòng,lau chùi đủ thứ.
- Dẫn con nít đi tắm:màn này đặc biệt,vì phải năn nỉ,dụ dỗ khó khăn lắm,tụi nó mới
chịu đi,khi xong,không chịu về,lại phải lạy lục,doạ nạt..
- Đưa bệnh nhân đi chụp hình,khám chuyên khoa,tập physio...
- Khi có bệnh nhân xuất viện,làm vệ sinh,sát trùng dụng cụ và cả phòng để đón
bệnh nhân mới.
- Tôi làm ở Equipe volante,sáng tới trình diện,chỉ lầu nào là làm ở đó,thay đổi hàng 
ngày.
- Bệnh nhân nhi đồng ở đây được kể tới 18 tuổi,nên nhiều trại,có người đẹp như
tài tử cine,dù bệnh mà còn mướt lắm.
- Phải mặc đồng phục trắng.Trưa được nghỉ tới gần 1g để ăn cơm.
- Mấy bà Y Tá trưởng,biết tôi là bác sĩ,đang học thi,nên cho phép,khi nào rảnh thì
vào văn phòng của bà ta mà đọc sách. 
Tóm lại,ở đây công việc nhẹ nhàng,chỉ tội đi xa,vì tôi vẫn ở với Thuận khu Belanger.
Nhưng có điều lợi là ở gần nhiều chỗ thân tình:

- Nhà thương trên Cote Ste Catherine,ngay góc đường Hudson,theo đường này, đi xuống dốc,về hướng bắc là tới nhà Bác Rạng,ba của Vũ thị Khánh Hải,ở số 3095 ave Linton.Lúc đó Khoan Hải còn kẹt ở Việt Nam,nhưng Bác Rạng và các em Trân, Phương,Lân,Thuận Hằng và chị vú Thuỳ coi tôi như người nhà,lúc nào tới cũng được,và ăn chực dài dài.Tôi còn quen đám bạn của Trân, Phương,như
Phạm Ngọc Việt,Đoàn Thiên Hậu(con cụ Đoàn Thêm),Lại Từ Tâm.Tâm sau kết hôn với Phương.

- Nếu đi xa thêm về phía bắc, thì tới khu Barclay,ở đó có đám họ Mạc,là Mạc Văn Phước, Mạc Văn Trọng, Mạc Văn Tín,Anh Nguyễn Huân Trường,và nhất là hai anh Ngô Vi Dương,Lý Hồng Sen ở chung nhà,có một phòng nhỏ ở dưới để đánh mạt chược và ngủ ké cùng Trần Văn Dũng.Tôi và Dũng cũng hay ăn chực ở đây, và tới anh. Trường để nhờ hớt tóc.Xin nhắc ở đây là ba anh Dương,Sen,Trường lấy ba em gái của BS Đào Hùng.

- Còn một gia đình cũng rất thân với tôi, trên đường Van Horne,là Bác Thái Mạnh Tiến. Bạn thân của tôi là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê.Mẹ Khuê bác Thái Thị Cảnh, dậy trường Cầu Kho là chị ruột của bác Tiến. Bác đã từng làm Bộ Trưởng bộ Thanh Niên thời cụ Diệm, sau hành nghề Luật Sư. Hai Bác có con là Thái Diệu Loan,du học Canada và Thái Bình Minh,du học Đức,cùng với đứa em trai tôi.Tôi quen Loan từ hồi nàng còn nhỏ, thân lắm,khi nàng du học, vẫn thư từ qua lại kể cả khi tôi ở Đại
Hàn. Gặp lại chúng tôi vẫn thân nhau và tôi gọi hai Bác Tiến là ba má. Lại thêm một chỗ để đến chơi và ăn chực.
Ở nhà Thuận, tôi vẫn chuyên trị phòng khách nhưng thật tình ít khi có mặt. Khi rảnh việc mới của tôi là dậy tiếng Tây cho đám con hắn cũng vui.

Vấn đề nghề nghiệp cũng có nhiều chuyện đáng kể lại.
Năm 1975,cỡ tháng 9,số bác sĩ tị nạn ở Montreal khá đông,nên anh em đã hẹn gặp nhau ở sân cỏ của một nhà thờ trên đường Sherbrooke,do cha Benoit đảm trách.Ông cha này đã ở Việt Nam,giỏi tiếng Việt,và có cảm tình với mình nên mới cho mượn....sân. Anh em lố nhố kẻ đứng người ngồi.
Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada được thành lập, do anh Nguyễn Tấn Hồng làm Chủ Tịch, anh Nguyễn Văn Huệ làm phó,anh Nguyễn Đức Quảng làm thủ quỹ,tôi nhớ mài mại như vậy. Cả ba anh đều đã qua đời. Anh Huệ sau qua Pháp.
Hồi đó Thủ Tướng Quebec là Robert Bourassa và chủ tịch Y Sĩ Đoàn là Augustin Roy. Ông này đã dành mọi dễ dãi cho y sĩ tị nạn.Tôi không có bằng cấp, chỉ có thẻ căn cước quân nhân, với hình,và họ tên, cấp bậc Y Sí Đại Uý dich ra tiếng Pháp là được.Về sau,có Hội Đồng Khoa Lưu Vong,hình như do thầy Đặng Văn Chiếu,cùng các anh Đào Hữu Anh,Lê Quốc Hanh,Vũ Quí Đài,làm lại bằng Y Khoa Bác Sĩ cho mọi người.

Đầu năm 1976, tôi thi rớt ECFMG, có ai đậu tôi không biết,chỉ biết có 3 người khôn là anh Nguyễn Thế Huy, Nguyễn Ngọc Bảo và chị Lưu Thanh Vũ vợ Bảo là có bằng từ Việt Nam, được làm nội trú ngay với bằng hành nghề năm 1976. Bảo thi rớt, nên có bằng hành nghề năm 1977.Năm đó, Y Sĩ Đoàn Quebec cũng tổ chức một kỳ thi tương đương cho bác sĩ Việt Nam,cả bọn trượt hết,trừ anh Lê Dư Khương,học Y Khoa ở Đức. Lý do thi rất dễ hiểu,vì mình không có học về bệnh tâm thần,mà 1/3 số câu hỏi là về loại bệnh này.Y Sĩ Đoàn liền nghiên cứu bài làm của phe ta, cho biết:Sản phụ khoa,Nhi khoa, Giải phẫu,tốt.
Nội khoa,hơi yếu.
Tâm thần,zero!

Họ liền tổ chức một lớp luyện thi cho mình,do 2 giáo sư Hademann và Joelle Lescop. Mấy tháng sau, thi lại,mình đỗ gần hết.Tôi còn nhớ,thủ khoa là anh Nguyễn Hoà Hiếu, tôi á khoa, Dương Hồng Huy thứ 4, tôi và Huy thường học chung,nên kết quả khả quan.
Họ chia chỗ nội trú cho 4 trường đại học,nhưng chỉ một số có chỗ ngay,như Lê Văn Châu, Lê Thiện Nhân,Nguyễn Tấn Hồng...Phần được hay bị chia cho Đại học
Mc Gill gồm các anh Nguyễn Đức Quảng,Lê Lữ,Dương Hồng Huy,Nguyễn Vũ Hải và tôi.Khi đi phỏng vấn, tôi chắc ăn như bắp,vì mình đỗ thứ nhì,tiếng Anh thì cũng nhập nhằng như nhau,dè đâu,Huy và tôi bị tuột.Khiếu nại,thì được trả lời:
Hải có du học Mỹ 6 tháng,ưu tiên.(Hải đã qua đời vì ung thư ruột già.) Hai anh Quảng và Lữ thì lớn tuổi.Chúng tôi còn trẻ,chờ 1 năm đâu có sao.
Thì đành chờ,tiếp tục làm y công,vui chơi,đi hộp đêm,coi phim XXX,xoa mạt chược, và ôn bài với anh Dương,chữ nghĩa đầy mình,thi chơi ECFMG,rớt tiếng Anh,nhưng phần Y khoa,được tới 84!
Qua năm sau,1977, tôi được vào Đại học Montreal,làm nội trú ở nhà thương Maisonneuve Rosemont, rồi làm thường trú luôn 4 năm ở đây để có chuyên môn về bệnh tiêu hoá.Xin nói thêm,là năm 1978,sau khi có bằng hành nghề,thì tôi lập gia đình.Ông nhạc tôi là một đồng nghiệp lớn tuổi,Bác Sĩ Nguyễn Khắc Định,tôi vẫn gọi là anh,giờ đổi thành ba! Nhà tôi,du học bên Mỹ, tiểu bang Oregon,qua đây thăm cha mẹ,thường gọi tôi là chú,sau thành anh,và bây giờ nàng lên chức Mẹ bề
trên...

Mấy năm này có phong trào vượt biên,và tôi may mắn gặp lại các bạn thân là Khoan, Hải, Trần Mộng Lâm. Hội tổ chức những buổi luyện thi,tôi có chân trong ban thuyết trình với các anh Phạm Hữu Trác,Nguyễn Mậu Hoàng,Hồ Quang Nhân..
Sách vở, bùa chú của tôi thì giao cho Khoan và Lâm.Ngày đó, Lâm phục tôi lắm, không phải tại tôi học giỏi,,hắn biết tôi quá rõ,mà vì những câu thơ tôi nghi lung tung trên sách,một vài câu của mình,còn đại đa số là của người khác,và ca dao, tỷ như: 

Sông kia sao cứ chảy hoài,
Đưa người xa xứ lạc loài tới đây... 

Nghe sao buồn vời vợi, và thật hợp tình hợp cảnh...
Xin hẹn kỳ tới, vì tôi sẽ kể về đời nội trú, thường trú, chạy taxi khám bệnh tại gia...

Bát Sách