Hôm nay nước Mỹ tưng bừng chào mừng July 4. Khu phố tôi nhiều nhà treo cờ Mỹ trước cửa.
Nhà tôi cũng treo lá cờ Mỹ ngoài cửa, trong nhà thì hai vợ chồng bận rộn sửa soạn những món để chiều nướng BBQ, tôi đã ướp sẵn sườn heo cùng cánh gà và sausage, ai thích ăn gì tùy ý. Nhà chỉ có hai vợ chồng, con cái có gia đình riêng sống ở tiểu bang khác nhưng chiều nay chúng tôi có khách là vợ chồng anh Hồ, từ California đến Dallas thăm gia đình người chị họ, sẽ ghé thăm chúng tôi.
Vợ chồng anh Hồ là bạn hàng xóm từ hồi ở Việt Nam và cùng sang Mỹ định cư diện H.O. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi đến California đều thăm anh chị Hồ nhưng đây là lần đầu anh chị Hồ đến Texas lại đúng vào dịp lễ độc lập Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ có một buổi gặp mặt vui chơi ngày lễ lớn này.
Hôm nay thời tiết chiều lòng người, không quá nắng nóng như mấy hôm trước nên tôi đã chọn nướng BBQ ngoài trời sau vườn nhà, ăn uống trong patio có trồng cây cối hoa lá xung quanh tạo bóng mát làm dịu đi cái nóng mùa hè Texas..
Khi chồng quạt bếp than hồng lên thì tôi bưng mấy khay thịt ướp sẵn ra sân vườn và chuẩn bị sắp xếp mọi thứ đồ ăn trên chiếc bàn dài trong patio. Nào bún, rau sá lách rau thơm, nước mắm tỏi ớt, hoa quả bánh trái….
Đúng hẹn vợ chồng anh Hồ đến, chị Hồ mang theo mấy hộp nho và chà là bày thêm ra bàn. Hai ông ra đứng nướng thịt cho hai bà lăng xăng bày bàn.
Bia rượu khui ra, thịt nướng trên lò đang xèo xèo tỏa mùi thơm ngon, tôi và chị Hồ xong việc, trong lúc đợi thịt chín ngồi xuống bàn trò chuyện, hết chuyện gia đình tới chuyện ….quốc gia đại sự:
- Thời buổi này kinh tế Mỹ khó khăn, vật giá leo thang, stock thì cà giựt lúc lên lúc xuống chóng cả mặt.
- Nước Mỹ chắc.…hết thời rồi chị ơi, nợ công ngất ngưỡng, trộm cướp công khai và bắn súng tùm lum.
Anh Hồ kêu lên:
- Ôi trời, ai khiến hai bà lo? “nghèo” thì “nghèo” nhưng nước Mỹ vẫn là hàng đầu thế giới nhé.
Hai ông đã mang vào bàn những thành phẩm nóng hổi. Hai chúng tôi làm hai tô bún sườn nướng với rau sà lách rau thơm trong khi anh Hồ ăn một miếng sausage nướng cháy cạnh, cầm chai bia lạnh lên cụng chai với chồng tôi:
- Nào chúng ta cùng ăn miếng xúc xích này với hớp bia mừng ngày lễ độc lập Hoa Kỳ,
Tôi và chị Hồ cũng…cụng tô cụng đũa:
- Nào chúng mình cùng ăn tô bún thịt sườn nướng chan nước mắm tỏi ớt này mừng ngày lễ đôc lập Hoa Kỳ.
Chị Hồ suýt soa khen thịt nướng ngon quá, tô nước mắm tỏi ớt hấp dẫn quá. Tôi vừa khiêm nhường vừa khoe:
- Thời đại này có youtube nên món gì mình cũng biết làm. Năm nào ăn mừng lễ độc lập Mỹ nhà mình cũng nửa nọ nửa kia, món Mỹ món Việt đề huề.
Anh Hồ khen:
- Xúc xích ngon lắm, một trong những món Mỹ tôi ưa thích. Chúng ta sống ở Mỹ, là công dân Mỹ nhưng vẫn là người Việt Nam thì nửa nọ nửa kia là phải rồi. Lát nữa tôi sẽ thưởng thức bún thịt sườn nướng của chị.
Tôi gợi lại kỷ niệm:
- Hồi mới đến Mỹ còn ăn tiền trợ cấp tị nạn gia đình tôi ăn thịt gà và trứng gà kinh niên luôn, không có tiền và không biết làm món nọ món kia như bây giờ thế mà vẫn yêu đời, yêu cuộc sống Mỹ. Tuy chúng ta than thở nước Mỹ sa sút kinh tế nhưng người dân vẫn ấm no rủng rỉnh.
Chị Hồ đồng ý liền:
- Chứ còn gì nữa. Thời còn ở Việt Nam, chồng đi tù cải tạo, mình vất vả kiếm tiền bữa đói bữa no làm sao dám mơ có ngày sang Mỹ và sống đầy đủ như bây giờ nhỉ. Cứ như là chuyện cổ tích.
Tôi hãnh diện:
- Đâu ngờ mình sẽ là công dân Mỹ và đón mừng ngày lễ độc lập Hoa Kỳ như hôm nay nhỉ.
Chồng tôi cũng gợi kỷ niệm với anh Hồ:
- Nhớ ngày ở Việt Nam anh Hồ và tôi nộp giấy tờ xin xuất cảnh đi Mỹ, ngày từng ngày lân la đứng ở phòng xuất nhập cảnh đường Nguyễn Du hóng tin, chúng ta đã khao khát chờ trông phía Mỹ chấp thuận, anh Hồ xung lắm tuyên bố sẵn sàng bán nhà cửa, bán tất cả mọi thứ có thể bán được để mua vé máy bay đi Mỹ càng sớm càng tốt, ra đi với hai bàn tay trắng và bộ quần áo dính trên người anh Hồ cũng vui.
Anh Hồ cười hài lòng
- Đúng thế, nước Mỹ chu đáo tử tế cho mượn trước tiền vé máy bay, ung dung lên đường. Nhiều ông tù cải tạo về nghèo khổ thậm chí không có tiền để làm giấy tờ hồ sơ đi Mỹ chứ nói chi tiền mua vé máy bay cho cả gia đình. Nộp giấy tờ hồ sơ mà không có “thủ tục đầu tiên” không mời “cà phê cà pháo” thì hồ sơ sẽ rùa bò hay nằm ì tại chỗ luôn.
Chồng tôi bồi hồi nhắc lại:
- Tôi cũng cảm phục Mỹ điều này. Hai năm sau khi đến Mỹ tôi nhận được thư IOM đòi tiền máy bay đi Mỹ. Nhà tôi 4 người tiền vé máy bay là 2,800 đô la. Thời đó là món tiền lớn đối với tôi, tôi phải trả góp mỗi tháng một trăm, hơn 2 năm mới hết nợ và “chủ nợ” IOM còn gởi thư cám ơn mình nữa, trong khi mình là người mang ơn họ. Lịch sự từ tế đến thế.
- Nghe nói IOM cần chúng ta hoàn trả tiền máy bay để có quỹ lo cho những người tị nạn di dân khác đến sau.
Anh Hồ khẳng định:
- Tôi cũng nghĩ thế và trả tiền nợ vé máy bay sòng phẳng cho yên tâm.
Hai ông vừa hăng hái nướng thịt vừa trò chuyện cho đến khi những món thịt nướng đã xong và bày ra bàn, hai ông không phải chạy ra chạy vào nữa, bốn chúng tôi càng nói chuyện tưng bừng hơn, từ thuở bỡ ngỡ mới đến Mỹ trải qua bao nhiêu vất vả buồn vui cho đến cuộc sống ổn định hiện tại. Chị Hồ chợt nhớ ra:
- Khoe tin vui cho anh chị biết là gia đình người em út của tôi sắp qua Mỹ đoàn tụ với con.
Tôi nhớ ra ngay người em trai út của chị Hồ:
- Có phải là Dư không? Ngày xưa Dư đi vượt biên mấy lần vào tù, mấy lần thất bại tưởng dẹp mộng đi Mỹ chứ.
- Đúng là Dư, nhưng nó chưa bao giờ dẹp mộng, Dư không đi Mỹ được thì cho con đi. Sau những lần vượt biển không thành, các trại tị nạn đóng cửa Dư mới thôi. Sau này Dư lập gia đình, Dư lo cho đứa con trai duy nhất sang Mỹ du học, con học xong, có việc làm và kết hôn ở Mỹ. Nay con bảo lãnh cha mẹ sang Mỹ đoàn tụ. Coi như ông trời “đền bù” cho Dư, coi như Dư vẫn có duyên với nước Mỹ, tuy chậm còn hơn không.
- Vui thật. Thế là Dư đã toại nguyện rồi.
………………….
Ăn uống xong thì trời sắp tối, chúng tôi ra sân trước mở cửa garage ngồi uống trà ăn bánh đợi 9 giờ tối xem pháo bông. Pháo bông những địa điểm chính thức chưa có nhưng đã có pháo của hàng xóm rồi, người lớn và trẻ con đốt pháo trước cửa nhà họ hay mang ra giữa đường đủ các loại pháo, nào pháo dây, pháo chùm, pháo treo thi nhau chớp sáng cả một khu phố.
Vợ chồng anh Hồ và vợ chồng tôi giống nhau hợp nhau cùng hiểu được giá trị cuộc sống ở Mỹ. Đất nước hiệp chủng quốc này luôn là vùng đất hứa cho bao di dân trên thế giới.
9 giơ tối pháo bông ở những tụ điểm bắt đầu bắn tung những sắc màu tươi sáng rực rỡ một khoảng trời, ngồi trong garage chúng tôi vừa ngắm pháo bông vừa hào hứng chúc mừng nhau:
- Nào, chúng ta lại nâng ly …trà mừng ngày July 4 và mừng cho bao người trong đó có chúng ta giấc mơ Mỹ đã thành hiện thực.
Tôi hào hứng chúc thêm:
- Và mừng cho vợ chồng em Dư của chị Hồ sắp đến Mỹ định cư. Happy July 4th…Happy July 4th…
Nguyễn Thị Thanh Dương(June 09,- 2024)
Lá Cờ Mỹ
Lá cờ Mỹ treo cao
Phất phơ bay theo gió
Đất nước này tự hào
Tự do và dân chủ.
Cờ Mỹ cắm trên mộ
Ngày chiến sĩ trận vong
Thiên thu người nằm đó
Tưởng nhớ và tri ân.
Cờ Mỹ phủ quan tài
Khi người linh hy sinh
Lá cờ sẽ gấp lại
Trân trọng trao người thân.
Lá cờ Mỹ tung bay
Mừng vui ngày độc lập
Từ công sở, trường học
Đến nhà nhà người dân.
Cờ Mỹ lên mặt trăng
Apollo mười một
Lá cờ Mỹ quen thuộc
Khắp bốn biển năm châu.
Với 50 ngôi sao
Với 7 dòng sọc đỏ
Với 6 dòng sọc trắng
Là hình ảnh thân thương.
Hãnh diện lá cờ Mỹ
Stars and stripes
Máu xương bao thế hệ
Old Glory là đây.
Bài quốc ca cất lên
Khi ta đứng chào cờ
Bàn tay đặt lên tim
Tôn trọng và ước mơ.
Nguyễn Thị Thanh Dương
( June. 12, 2024)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét