Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

Đạo Thiền Và Tâm Hồn/Meditation And The Soul In Neuroscien An Overview And Ontological View

(Sách của Bác Sĩ. Mai Trung Kiên)

Bác sĩ Mai trung Kiên vừa cho tái bản sách ĐẠO, THIỀN VÀ TÂM HỒN (Bản thể học và Khoa học não bộ) với ít sửa đổi trong cách trình bày và diễn tả tư tưởng để độc giả dễ hiểu vấn đề hơn -theo như trong lời mở đầu của sách.

Bs Kiên đã ưu ái gửi tặng tôi sách. Rất cám ơn Bs Kiên người bạn đồng môn đồng song trong học trình y khoa đại học Saigon thời VNCH.

Bs Kiên tốt nghiệp y khoa bác sĩ tại Saigon năm 1969 và ở trong ngành quân y quân lực VNCH. Sau 1975 Bs Kiên sang Canada và là giáo sư về Pathology tại đại học Ontario, Canada với hơn 150 công trình nghiên cứu và hơn 100 bài viết trình bày ở phạm vi quốc gia và quốc tế.  

Bác sĩ Kiên ngỏ ý muốn tôi có ít ý kiến về sách của anh. Tôi viết ít dòng dưới đây, không chủ đích phê bình cuốn sách vì thực sự không đủ khả năng chuyên môn cho công việc đó, mà chỉ gọi là điểm sách với chút ít ý kiến có thể là chủ quan nhiều hơn. Thực sự chỉ như người đi ngắm cảnh nhìn ngôi nhà là cuốn sách khá đồ sộ của Bs Kiên với gần 500 trang giấy khổ 6x9 để học hỏi suy tư và có ít ý kiến về đạo, đời sống tâm linh, tri thức.

Sách được trình bày ở hai dạng Việt Ngữ và Anh ngữ để cho độc giả thích đọc tiếng nào thì đọc, nhất là độc giả ngoại quốc và giới trẻ không thạo tiếng Việt có thể đọc bản tiếng Anh để dễ nắm bắt vấn đề hơn. 

Sách, ngoài lời mở đầu gồm có 7 chương. Chương 1 nói về Khoa Học trong Đạo Tâm Hồn và Thiền. Chương 2 nói về Sự Chú Tâm. Chương 3 nói về Trí Nhớ. Chương 4 nói về Tri Thức. Chương 5 nói về Thiền Định. Chương 6 nói về Thể Nghiệm trong Thiền Định. Chương 7 nói về Giấc Ngủ và Mộng Mị. Trong mỗi chương tác giả đã trình bày tỷ mỷ mỗi ý đề trong một tổng thể khá rõ ràng. Ngoài ra sách còn có một phụ bản, để diễn nghĩa thêm về những chỗ cần phải được hiểu chính xác hơn.   

Khi vừa đọc qua sách xuất bản lần đầu, tôi choáng váng không hiểu gì cả, vì trí nhớ tôi không được tốt quên mất cách cấu tạo của não bộ con người và những sinh lý của nó, tôi có cảm tưởng tác giả đã dùng duy vật biện chứng để diễn nghĩa những sự kiện tâm-thần-linh, hình như mọi sự xảy ra trong con người và trời đất đều do ở bộ óc mà ra. Óc là toàn thể vũ trụ, là trí khôn, là thần linh, là hiểu biết và điều khiển tất cả mọi sự. Sách nói về ĐẠO, THIỀN và TÂM LINH, nhưng lồng trong khung cảnh của bản thể học và khoa học não bộ là thế đấy. 

Nhưng đọc sách xuất bản lần này, tôi có ý nghĩ khác. Tìm hiểu sâu xa hơn theo luồng tư tưởng và con người của tác  giả, không lẽ Bác sĩ Kiên lại là con người duy vật. Anh là một phật tử thuần thành, có chiều sâu về phật học và thiền và đời sống tâm linh khá đậm đà sâu sắc. Thiền là một cái gì vô hình linh thiêng dùng để diễn tả ý nghĩa của Phât Học, của Phật tính. Tôi hiểu tác giả đã dùng khoa học để diễn nghĩa những điều, những sự kiện tâm linh, thần thánh mà tất cả hoàn toàn chỉ là trừu tượng phải dựa vào niềm tin và cái gì siêu phàm để hiểu, có những chỗ những ý tưởng mà ngôn ngữ không đủ để diễn tả tâm tư mình. Tất cả đều thiếu sót. Đời là bất toàn. Con người là bất toàn. Vậy ai là không bất toàn đây? Tôi đã thắc mắc và tin rằng tác giả cũng đồng ý với tôi để chúng ta cùng đồng hành đi tìm ĐẠO.

Quả thật tác giả đã dùng khoa học qua não bộ và thiền để diễn nghĩa đạo và đi đến kết cùng của vấn đề sau cả hiện tượng big bang. Tôi tìm và hiểu Đạo có chút ít khác với tác giả. Bs Kiên hình như coi Đạo (Phật) và Thiền là một? Đạo Phật biểu hiện qua Thiền và Thiền diễn nghĩa Phật tính. Tôi hiểu đại khái là như vậy không biết có đúng ý tác giả không. Nói chung Đạo là con đường dẫn ta tới Chân Thiện Mỹ, nhưng định nghĩa đạo lại khác nhau tùy theo giáo phái và do đó danh từ đạo đức lại tùy thuộc vào đó. Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Kito giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Karl Marx /cộng sản v.v...coi đạo đức phải chăng không hoàn toàn giống nhau. Và ai là người nguyên thủy đã sáng lập ra đạo và để làm gì? Đó là vấn đề mà ít ai đặt ra. Đọc sách của Bs Mai trung Kiên để tìm hiểu để thắc mắc và đi đến điều mình muốn biết, điều mà tác giả muốn trình bày.

Đó là nói về phương diện triết học có tính siêu hình. Bác sĩ Kiên dùng não bộ con người để nói lên những gì mà tôn giáo, triết học, đạo đức học nói đến qua hiện tượng cơ thể học, sinh lý học của não bộ, được biểu hiện qua những trí nhớ, chú tâm, tri thức, thiền định cũng như giấc ngủ và mộng mị. Thật tuyệt vời và siêu việt và là một kỳ quan duy nhất.  

Đầu đề của sách là ĐẠO (PHẬT), THIỀN  và TÂM HỒN và, BẢN THỂ HỌC VÀ KHOA HỌC NÃO BỘ đã nói lên rõ ràng chủ đề của sách và vấn đề tác giả muốn nêu ra. Bác sĩ Kiên đã muốn dùng não bộ để cắt nghĩa/diễn tả đạo và thiền và đời sống tâm linh đạo đức của con người mà những siêu nhân đã nghĩ ra để giúp con người đi theo để thăng hoa siêu thoát. Các siêu nhân lại đã đưa ra những đạo đức khác nhau tùy theo cái đạo của mình. Mà đạo nào cũng tốt cả. Nhưng đạo nào là tốt nhất. Chẳng lẽ đạo nào cũng nhất. Vô lý. Đường đi nào cũng dẫn đến La Mã cả, có điều lâu hay chóng, vất vả hay không mà thôi. Nhưng địa điểm “La Mã’ này là ở đâu và thế nào thì mỗi đạo lại có quan niệm khác và cung cánh để đi tìm nó khác nhau. Có quan niệm La Mã là niết bàn, tiên cảnh, thiên đàng hay tái sinh thành Phật. Vậy thì cơ thể học, sinh lý học của não bộ con người có khác nhau hay thay đổi tùy lúc tùy nơi tùy hoàn cảnh không?   

Khổng Nho nói “con người nhân chi sơ tính bản thiện”.Nghĩ qua thì đúng là vậy, nhưng kinh nghiệm dân gian thường nói ‘bố mẹ sinh con trời sinh tính’  thì không biết cảm nghiệm đó có thật vậy không. Có người nói ý đó có thể đúng có thể sai. Văn hào Pháp Jean Jacques Rousseau nói: “Con người sinh ra bản tính là tốt nhưng xã hội đã làm cho nó xấu – l’homme est né bon et c’est la société qui le déprave”.  Câu này cũng gây tranh cãi khá nhiều cả trong tôn giáo lẫn ngoài đời thường. Không biết bác sĩ Kiên dựa vào khoa học não bộ thì nó thế nào.  

Kito giáo cũng đồng ý “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng vì con người không nghe lời Chúa -Adam và bà Eva là tổ tiên loài người- đã ăn trái Chúa cấm nên cái thiện đó đã mất. Lúc đó Chúa xuất hiện tìm hỏi ông Adam thì không thấy ông mà chỉ nghe tiếng trả lời vọng ra từ trong bụi cây. Chúa liền hỏi:

    -Ngươi ở đâu vậy, tại sao không ra đây?

   -Thưa ngài, tôi phải trốn vào đây vì thân mình trần truồng.

   -Tại sao?

   -Vì tôi ăn trái Chúa đã cấm nên bị trần truồng tự nhiên cảm nhận thấy xấu hổ.

   -Tại sao lại ăn trái cấm? Chúa hỏi.

   -Vì Eva là người Chúa đã ban cho tôi để làm vợ biểu tôi ăn. 

   -Chúa liền hỏi bà Eva, tại sao bà ăn lại còn biểu chồng cùng ăn?

   -Vì con rắn nó quyến rũ tôi- Bà trả lời.

Chúa đã ra lệnh phạt con rắn phải ăn đất mà sống và bị người đàn bà đạp chân lên đầu (Sách Sáng Thế Genesis 10:9-15).      


Chuyện chỉ kể như vậy để cho thấy rằng vì tội lỗi nên con người mất đi cái thiện bẩm sinh của mình. Nhưng nhờ ân sủng cứu chuộc của Chúa mà cái thiện có lại với con người nếu biết ăn năn hối cải làm theo lời Chúa dạy là từ bi hỷ xả bác ái, mến Chúa yêu người, ăn ngay ở lành... Vậy thì lúc đó não bộ có thay đổi về bản thể cấu tạo và sinh lý để cải đổi cái hồn và tâm linh con người không? Sự khác biệt của não bộ giữa con người biết hối cải và không chịu hối cải thế nào? 


Tôi lại nghĩ đến vấn đề Trí Nhớ và Tri thức mà bác sĩ Kiên đã trình bày ở chương 3 và 4. Có  triết gia đã nói: Thông Minh là Nhớ Lại. Người gọi là thông minh là người chỉ nhớ lại những gì mình đã học đã nghe ở quá khứ rồi nói ra mà thôi chứ không phải của riêng mình. Cũng không thể nói là mình sáng chế ra. Chỉ khi nào học và biết tức có tri và tiêu hóa biến thái ra của riêng mình tức đã thức thì gọi là tri thức. Bằng không chỉ là mọt sách, con vẹt. 


Con người không ai có thể sáng tạo, phát minh, làm ra bất cứ cái gì được mà là chỉ tìm ra, khám phá ra được cái đã có sẵn ở trong trời đất. Vấn nại này giống như câu hỏi cái trứng sinh ra con gà hay con gà sinh ra cái trứng. Vấn đề thật khó hiểu theo trí thông minh của con người. Quả thật đây là một vấn nại đi lòng vòng và loanh quanh. Cái có sẵn đó phải chăng là do một vị linh thiêng nào đó tạo ra mà ta gọi là Thiên Chúa hay ông Trời cũng như đã tạo dựng nên vũ trụ và mọi sinh linh, con người, sinh vật và quang cảnh thiên nhiên. Người vô thần cho là vì hiện tượng big bang mà phát sinh ra mọi sự. Bác sĩ Kiên cũng nói đến big bang giúp sinh ra những phản ứng của não bộ, của những hóa chất trong não bộ. Người hữu thần hỏi ngược lại tại sao có hiện trạng big bang và ai là người đã làm ra rồi cho hiện trạng đó bùng phát lên? Bác sĩ Mai trung Kiên đã dùng khoa học não bộ thần kinh để diễn tả những hiện tượng thần linh siêu hình về đạo và sống đạo với kinh phật và thiền mà ngôn ngữ loài người đôi khi không đủ để chuyển đạt tư tưởng duy thần có trong tâm chăng, và cũng nêu hiện tượng big bang để giải nghĩa nhiều hiện tượng hóa học khoa học trong cơ thể con người. 


Tôi vui được giới thiệu tập sách về ĐẠO, THIỀN VÀ TÂM HỒN / BẢN THỂ HỌC VÀ KHOA HỌC NÃO BỘ của Bác sĩ giáo sư Mai trung Kiên cho mọi người để nghiên cứu, học hỏi thêm về đạo / thiền và đời sống tâm linh con người ở mức độ sâu xa hầu bổ túc cho những hiểu biết hiện có của mình mà mọi tủ sách gia đình cần phải có. Nội dung sách súc tích thâm uyên bác học, hình thức trình bày đẹp trang nhã. Đây là kết quả của một công trình nghiên cứu của tác giả qua hơn 2000 tài liệu uy tín tầm cỡ đại học Đông Tây, các ejournals ở các đại học danh tiếng, các tài liệu và sách về Phật học đại thừa và nguyên thủy v.v. Tác giả đã đọc đã nghiên cứu và dùng tri thức đặc biệt của mình viết ra sách và cô đọng trong hơn 500 trang giấy mà nhận xét của người viết chỉ vỏn vẹn có 4 trang thì thật quả là thiếu sót. Mong tác giả và độc giả bổ túc. Đọc sách này là đã rút ngắn được thời gian học hỏi mà tác giả phải bỏ ra một thời gian rất lâu -có thể là hàng năm- mới có. Thật là tiện lợi. Sách có bán trên Amazon tại Mỹ. Giá 25 Mỹ kim.


Fleming Island,  Florida

Ngày 25 tháng 6 năm 2024

Nguyễn Tiến Cảnh                                      


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét