Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) tự Nghĩa Sơn 義山, hiệu Ngọc khê sinh 玉谿生, người Hà Nội, Hoài Châu (nay Tầm Dương, phủ Hoài Khánh, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ sa sút. Thuở thiếu thời giỏi văn thơ, được giao du với các con của tể tướng Lệnh Hồ Sở, trong đó có Lệnh Hồ Đào. Bấy giờ trong triều có hai phe đối nghịch nhau, tranh quyền đoạt lợi, một phe là Tăng Ngưu Nhu, phe kia là Lý Đức Dụ, hầu hết quan lại đều bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy. Sở theo phe Ngưu. Năm Lý Thương Ẩn mười bảy tuổi (829), Sở tiến cử làm tuần quan mạc phủ. Năm hai mươi lăm tuổi (837), ông lại được Lệnh Hồ Đào khen ngợi, nâng đỡ nên đỗ tiến sĩ năm Khai Thành thứ 2. Năm sau ông được Vương Mậu Nguyên, tiết độ sứ Hà Dương mến tài, dùng làm thư ký và gả con gái cho. Chẳng may, Vương thuộc phe Lý Đức Dụ khiến ông trở thành kẻ vong ân bội nghĩa, xảo quyệt vô hạnh trong mắt Lệnh Hồ Đào. Vương Mậu Nguyên chết, rồi Lý Đức Dụ thất thế, ông đến kinh sư nhưng không được làm gì cả. Sau nhờ Trịnh Á vận động, ông được làm chức quan sát phán quan. Trịnh Á bị biếm ra Lĩnh Biểu, ông cũng đi theo. Ba năm sau ông lại trở về, làm truyện tào tại Kinh Triệu. Ông nhiều lần đưa thư, dâng thơ cho Lệnh Hồ Đào để phân trần và xin tiến dẫn, nhưng vẫn bị lạnh nhạt. Tiết độ sứ Đông Thục là Liễu Trọng Hĩnh dùng ông làm tiết độ phán quan, kiểm hiệu Công bộ viên ngoại lang. Liễu bị bãi quan, ông cũng mất chức. Như thế là ông mắc kẹt giữa hai phái, chưa hề được đắc chí trên hoạn lộ, cứ bôn tẩu khắp nơi: Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây, Từ Châu nương nhờ hết người này đến người khác, long đong khốn khổ. Cuối cùng ông về đất Oanh Dương thuộc Trịnh Châu rồi bệnh chết năm 46 tuổi.
Văn Lý Thương Ẩn có phong cách khôi lệ ỷ cổ, thơ nổi tiếng ngang Ôn Đình Quân, nên người Đương Thời gọi là “Ôn - Lý”, hoặc ngang Đỗ Mục, nên được gọi là “tiểu Lý - Đỗ” (để phân biệt với “Lý - Đỗ” là Lý Bạch - Đỗ Phủ). Vương An Thạch đời Tống khen ngợi rằng người đời Đường học tập Đỗ Phủ mà đạt được mức “phiên ly” (rào dậu, xấp xỉ) của ông, thì chỉ có một mình Thương Ẩn. Dương Ức và Lư Tử Nghi mô phỏng thơ ông làm ra tập Tây Côn thù xướng nên có tên Tây Côn thể. Tác phẩm của ông có Phàn nam giáp tập (20 quyển), Ất tập (20 quyển), Ngọc khê sinh thi (3 quyển); ngoài ra còn một quyển phú và một quyển văn. Tương truyền ông có tình luyến ái với nữ đạo sĩ Tống Hoa Dương và các cung nữ Lữ Phi Loan, Khinh Phụng, nên ông làm bảy bài Vô đề mang tính diễm lệ, bí ẩn.
Thơ ca Lý Thương Ẩn có nhiều nét rất đặc sắc so với truyền thống thơ ca cổ điển Trung Quốc. Ông tiếp thu ảnh hưởng cổ thi, nhạc phủ Hán - Nguỵ và cả cung thể Lương - Trần. Ông cũng học tập ngũ ngôn hiện thực của Đỗ Phủ, phong cách lãng mạn của Lý Hạ cho nên thơ ông khá phức tạp cả về nội dung tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật.
Đặc sắc nhất trong thơ Lý Thương Ẩn là thơ tình. Với những bài Vô đề, ta thấy được đời sống tình ái của kẻ sĩ đại phu xưa. Lễ giáo phong kiến và chế độ hôn nhân không cho phép tự do, vì thế không thoả mãn yêu đương, họ có nhiều ảo tưởng và khát vọng, hoặc là mang tâm trạng ẩn ức, hoặc là sống phóng đãng buông lung. Thơ Lý Thương Ẩn ít nhiều nói lên niềm mơ ước về hạnh phúc lứa đôi và có tính chống lại lễ giáo phong kiến. Những bài thơ Vô đề của ông âm điệu nhịp nhàng uyển chuyển, tình điệu thê luơng ai oán, niêm luật nghiêm túc chỉnh tề, ngôn từ gọt dũa bay bướm, tạo nên những hình tượng tươi đẹp, sinh động, cảm xúc sâu sắc chân thành. Tuy nhiên do không thể đấu tranh đập tan những gông cùm ấy nên ông cũng như tầng lớp của ông trở nên bi quan tiêu cực, bám lấy hư vô chủ nghĩa, kết hợp với sự suy tàn của thời đại và giai cấp.
Lời phi lộ
Lý Thương Ẩn không có thì giờ để buồn lúc ban ngày. Làm mạc chức (lo việc giấy tờ trong trướng phủ), từ sáng tới tối, ông rất bận rộn thu xếp những việc lặt vặt, thỉnh thoảng thảo mấy văn thư mà chủ của ông chỉ thị. Những việc như thế làm cho ông nản hơn là buồn. Nhưng mỗi khi đêm về thì những cơn buồn đến quấy rầy ông.
Cái buồn đến với họ Lý với nhiều trạng thái khác nhau. Có khi buồn man mác, gây hứng cho ông làm thơ. Có khi buồn day dứt làm cho ông đứng ngồi không yên. Có khi buồn lê thê làm cho ông tuyệt vọng.
Nguyên tác Dịch âm
夜意 Dạ Ý
簾垂幕半卷 Liêm thuỳ mạc bán quyển,
枕冷被仍香 Chẩm lãnh bị nhưng hương.
如何為相憶 Như hà vi tương ức,
魂夢過瀟湘 Hồn mộng quá Tiêu Tương.
Dịch thơ
Ý Đêm
Rèm nửa buông nửa vén.
Gối lạnh chăn phai hương.
Vì sao còn nhung nhớ?
Hồn mộng tới Tiêu Tương.*
*Tiêu Tương: nơi gặp nhau của sông Tiêu và sông Tương chảy vào hồ Động Đình. Phong cảnh cực kỳ ảm đạm, làm bối cảnh cho cuộc tình buồn.
Lời bàn:
- Câu 1:
Nằm một mình trên giường, màn nửa buông nửa vén.
- Câu 2:
Gối đầu lên chiếc gối lạnh, đắp tấm chăn chỉ còn thoang thoảng mùi da thịt của vợ (đã nhiều năm xa vắng).
- Câu 3:
Bỗng dưng ta nhớ vợ; đừng hỏi vì sao ta nhung nhớ!
- Câu 4:
Cứ để mặc ta nhắm mắt thả hồn về sông Tiêu Tương, con sông tiêu biểu cho nỗi buồn thê lương của thiên hạ….
Chỉ những người xa vợ lâu năm mới thông cảm được nỗi buồn nhớ mênh mông này.
Con Cò
***
Đêm Thao Thức
Rèm phủ nửa song thưa
Gối chăn ủ hương thừa
Đêm thêm nhiều thương nhớ
Tiêu Tương mộng vừa đưa
Sáo buông… buồn đọng sau rèm
Nhớ ai gối lạnh chăn thêm hương nồng
Biết người chừ ở cõi Không
Tiêu Tương huyễn mộng chờ mong gặp chàng
Kiều Mộng Hà
June15.2024
***
Đêm Khuya.
Rèm buông nửa vén hờ,
Gối lạnh hương còn sơ.
Chỉ tại lòng nhung nhớ,
Đến Tiêu Tương lúc mơ.
Mỹ Ngọc
June 15/2024.
***
Giấc Mộng Nửa Đêm
Buông hờ rèm cửa bên song,
Lưng chừng vén khéo - dạ lòng miên man.
Gối chăn lạnh lẽo ngập tràn,
Hương xưa phảng phất - lỡ làng nhân duyên.
Tình nương thân dấn cửu tuyền,
Nhớ thương quay quắt - mắt huyền sầu bi.
Mơ màng say giấc li bì,
Tiêu Tương lãng đãng khắc thì hồn sang.
Khánh-Hưng
***
Đêm Mộng Nhớ Người
1/
Màn the nửa vén hững hờ
Gối mền còn thoáng luợn lờ hương xưa
Nhớ nhung ôi nói sao vừa
Giấc nồng mộng thấy gió lùa Tiêu Tương
2/
Bức màn nửa vén nửa buông lơi
Gối lạnh chăn đơn hương thoảng hơi
Nhung nhớ muôn trùng người cũ ấy
Tiêu Tương mộng thấy giấc nồng trôi
Thanh Vân
***
Nghĩ Trong Đêm
1/
Màn buông hờ nửa cuốn
Gối lạnh, chăn còn hương
Nhung nhớ vì sao nhỉ?
Tiêu tương mộng đến thường!
2/
Lửng lơ nửa cuốn rèm buông
Đêm khuya gối lạnh, chăn vương mùi tình
Lòng sao nhung nhớ hương trinh
Để trôi hồn mộng đăng trình Tiêu Tương!
Lộc Bắc
Jun24
***
Theo tiểu sử, thì lúc trẻ tuổi, Lý Thương Ẩn mê lung tung, đạo sĩ Tống Hoa Dương, hai chị em Phi Loan, Khinh Phượng. Khi 2 nàng Loan, Phượng bị bắt làm cung nữ, Lý đau khổ làm bao nhiêu bài vô đề, nói bóng gió nên rất khó hiểu… Từ khi kết duyên với Vương Yến Mỹ, tình vợ chồng rất đằm thắm, thiết tha, và khi vợ chết, Lý ở vậy, không tục huyền. Lý có nhiều bài thơ nhớ vợ, như bài Đoan Cư, và bài Dạ Ý.
Liêm là cái rèm. Các bà Thái Hậu, Hoàng Hậu ngày xưa, thường “Thùy Liêm Thị Chính” để nhắc tuồng cho vua còn nhỏ.
Mạc là cái màn hay cái chăn.
Bị là cái mền, như “sàng trừng tú bị quyển bất lẩm” trong Ký Viễn của Lý Bạch
Nhưng là vẫn như cũ, luôn luôn.
Như hà, tiếng kép, là thế nào, cái nào, cách nào…
Tiêu Tương tuy là địa danh, nhưng ở đây muốn chỉ nơi vợ chồng đã từng chung sống, với một trời kỷ niệm.
Ý Đêm
Rèm buông cuốn nửa vời,
Gối lạnh, mền thoảng hương,
Cách nào cho thương nhớ,
Hồn mộng đến Tiêu Tương.
Bát Sách.
(ngày 18/06/2024)
***
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:
夜意-李商隱 Dạ Ý - Lý Thương Ẩn Đêm Nhớ Em
簾垂幕半卷 Liêm thùy mạc bán quyển Rèm vén cao gần nửa,
枕冷被仍香 Chẩm lãnh bị nhưng hương Gối mền phảng phất hương.
如何爲相憶 Như hà vi tương ức Vì đâu lòng tưởng nhớ,
魂夢過瀟湘 Hồn mộng quá Tiêu Tương Hồn mộng đến Tiêu Tương.
Bài ngũ ngôn tuyệt cú làm năm đầu tiên của Đường Huyền Tông (năm 847) tại Quế Lâm, Quảng Tây 廣西桂林市.
Có mộc bản trong các sách:
Lý Nghĩa Sơn Thi Tập - Đường – Lý Thương Ẩn 李義山詩集-唐-李商隱
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁
Ghi chú:
Tiêu Tương: vùng sông Tiêu và sông Tương gặp nhau, thuộc hương Tiêu Tương, huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam 瀟湘鄉零陵縣湖南省. Đường bộ từ Quế Lâm, Quảng Tây đến Tiêu Tương, Hồ Nam chỉ gần 200 km.
Dịch nghĩa:
Ý Nghĩ Trong Đêm
Tấm màn rũ một nửa vén lên,
Gối lạnh, mền đắp còn mùi thơm của em.
Vì sao lòng cùng nhung nhớ nhau,
Nên nằm mộng hồn qua đến Tiêu Tương.
Thought In The Night
The hanging curtain is half raised.
Cold is the pillow and your flagrance still lingers on the blanket.
Why do we miss each other so much?
My soul visits Xiao Xiang in my dream.
Dịch thơ:
Nhớ Ai
Màn the nửa vén hững hờ,
Mền chăn lạnh lẽo mong chờ đợi ai.
Nhớ người xa vắng đêm nay,
Hồn bay theo mộng ưu hoài Tiêu Tương.
Phí Minh Tâm
***
Góp ý của mirordor:
Thời xưa không thi nhân nào mơ đến Tiêu Tương để vui chơi hay vui đùa! Cho tới thời Tống, Tiêu Tương là một địa danh mơ hồ để chỉ vùng đầm lầy hoang vu quanh Động Đình Hồ, nơi sông Tương đổ vào, và 瀟=tiêu có nghĩa là sâu và trong. Thời xưa sông Tiêu chưa có tên đó mà là 营水=Doanh thủy.
Trong điến cố Tiêu Tương chỉ hai khái niệm
i) nơi các quan thất sủng bị đi đày, không phải đi chơi.
ii) nơi mà truyền thuyết (tào lao) nói hai bà phi Nga Hoàng và Nữ Anh của vua Thuấn tự trầm.
Lý Thương Ẩn chưa hề bị đi đày nhưng từng đã biết vùng Tiêu Tương khi làm dưới trướng của cha vợ Vương Mậu Nguyên, thứ sử ở Quảng Châu, và tiết độ sứ Lĩnh Nam - ở dưới vùng Tiêu Tương - nên Tiêu Tương trong bài thơ hàm ý sự tương tư người vợ quá cố.
Huỳnh Kim Giám
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét