Phàm những gì có tướng đều hư vọng, như huyễn như mộng, kể cả Phật, giáo pháp, quả vị vô thượng chánh đẳng giác … đều còn nằm trong tướng trạng khi tâm chúng sanh phân biệt, chấp trước vào đó. Nên trong quá trình tri hành câu, “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm,” hành giả không kẹt vào bất cứ đối tượng nào, dầu đó là quả vị giác ngộ tối thượng.
1.1 Giấc Mộng Nam Kha
Chúng ta thử nhìn vào cái lý như huyễn, như mộng của các bậc thánh nhân dưới đây trước khi bước vào thiền môn của bài kệ Lục Như.
· “Cõi Đời Mộng‟ dưới mắt một thi tiên. Nhà thơ Lý Bạch bảo, “Xử thế nhược đại mộng, Hồ lao vi kỳ sinh?” (Chuyện đời như mộng lớn. Việc gì phải nhọc lòng?)
· Cõi Đời Mộng trong tiếng thở dài minh triết của con người tài hoa khoáng đạt nhưng lại nỗi chìm trong hoạn lộ. Nhà thơ Tô Đông Pha bảo, “Nhân tự thu hồng lai hữu tín; Sự như xuân mộng liễu vô ngân” (con người như chim hồng mùa thu bay đến mang theo tin tức; chuyện đời ngắn ngủi như giấc mộng đêm xuân, trôi qua mất mà chẳng để lại dấu vết nào.)
· Cảnh giới cõi mộng trong bài tản văn Chiêm Bao với Sự Thực của nhà thơ Hàn Mặc Tử, người đã sống trọn vẹn trong cõi mộng để đem về cho cõi thực vô vàn châu ngọc của thơ ca. “Như có ma lực vô song xô tôi đến bờ huyền diệu. Đêm nay là một đêm hào hoa nên mùa trăng bát ngát, giờ bốn phương thôi không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng... Nhỡn tuyến đưa tới đâu, cũng gặp chói lói, cũng gặp hào quang. Nên trí tôi rất ngợp, miệng lưỡi tôi không phải bối rối nhưng tựa hồ như mới nếm xong khí vị thanh tao của muôn điệu nhạc,…Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết… Tôi cảm thấy sự khoái lạc vô biên cũng như tôi cảm thấy sự sợ hãi vô cùng…Tôi đang đi trên con đường xán lạn tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa…”
1.2 Bài Kệ Lục Như
Cơn mộng của Lương Gia và Nho Giáo chỉ là mộng chứ chưa phải là huyễn, hãy lắng nghe và quán bài kệ thâm diệu Lục Như trong Kinh Kim Cang dịch bởi Pháp Sư Cưu Ma La Thập. Phật nói trong kinh Kim Cang rằng:
Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Dịch là
Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng
Như sương, như điện chớp,
Nên quán tưởng như thế.
Cõi mộng trong bài kệ Lục Như trên là cõi-đời-mộng dưới sự quán chiếu của bậc đại giác, đại tuệ. Các Bồ tát đạt đến cảnh giới đó bằng cách dùng như huyễn tam muội quán chiếu thế gian bằng Diệu Quán Sát Trí, bằng nội lực của thiền quán và còn đạt đến trình độ thâm huyền hơn nữa, vì quán chiếu thế gian như là huyễn mộng, sắc sắc, không không để đạt được trạng thái an lạc tâm linh.
1.3 Quan Công Đốn Ngộ
Trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa có một đoạn Quan Công hiển thánh có thể được xem như là phần minh họa cho cảnh giới được mô tả trong Kinh Lăng Già, theo tinh thần của bài kệ Lục Như.
Sau khi thất thủ Kinh Châu, Quan Vân Trường bị Quân Đông Ngô phục kích, tử trận vi thần. Theo tương truyền thì linh hồn Quan Công, cởi ngựa Xích Thố, tả hữu có Quan Bình và Châu Thương, đêm đêm bay phiêu diêu khắp nơi, kêu gào, “Trả đầu cho ta,” tiếng kêu như sấm rền khiến bá tánh thảy điều kinh hồn động phách. Khi đến núi Ngọc Tuyền nơi Ngài đã có duyên gặp gỡ lúc trước, Sư Phổ Tĩnh nghe và biết (quán và kiến) tiếng kêu trên không, liền bước ra khỏi am, cầm cây phất trần gõ vào cửa chùa mà hỏi “Vân Trường an tại?” Câu hỏi đơn giản đó lại giống tiếng hét của Lâm Tế, cây gậy của Đức Sơn, khiến hồn ngài sực tỉnh, liền hạ mã, xuống ngựa Xích Thố, tới trước am để nghe thuyết pháp và quy y cửa Phật. Câu này thường được dịch là “Vân Trường ở đâu?” mà lẽ ra nên hiểu là “Vân Trường có chăng?” nghĩa là “Vân Trường có thực sự tồn tại chăng?” mới đúng tinh thần của Sư Phổ Tĩnh muốn điểm hóa cho vị danh tướng huyền thoại này.
Thật ra câu chuyện không đơn giản như vậy, sau khi nghe Quan Công từ lưng trời đòi “Trả đầu cho ta.” Thì Sư Phổ Tĩnh gọi, “Vân Trường ngươi ở đâu?” Quan Vân Trường, “Sư phụ ơi, ta đi khắp nơi kiếm cái thủ cấp mình mà không thấy. Xin sư phụ chỉ đường cho.” Sư Phổ Tĩnh , “Lúc trước Tướng Quân chém biết bao nhiêu thủ cấp; có ai đòi lại đâu mà bây giờ lại đi đòi cái thủ cấp của mình?” Vì câu hỏi đó mà Quan Công đã tức khắc Ngộ nhưng chưa Gíác – thành Thần, và sau đó Giác - thành Thánh.
Nhà phê bình Mao Tôn Cương cho rằng chỉ một câu đó của Sư Phổ Tĩnh cũng bao hàm cả diệu nghĩa của cuốn Kinh Kim Cương. Nhận xét đó quả vô cùng sâu sắc. Chính tại sát na thù thắng mà vị danh tướng đó nhận ra diệu nghĩa của chữ Mộng, chữ Không, và tạo được sự chuyển ý trong tâm thức. Lúc đó, ắt hẳn anh hồn Vân Trường hoang mang trước cảnh tượng tất cả đều đột nhiên biến mất, cũng hoang mang trước câu hỏi, “Vân Trường an tại?” Đó là một công án giúp Quan Công hoát nhiên đốn ngộ - “Quan Công anh hồn đốn ngộ.” Chuyện thành bại thị phi đáo cùng cũng chỉ là hư không mộng ảo. Kinh Châu chỉ là mộng. Thục cũng chỉ là mộng. Ngụy hay Ngô cũng chỉ là mộng. Tham vọng tranh bá đồ vương cũng chỉ là mộng. Mà cả đến bản thân của Vân Trường cũng là mộng nốt. Vân Trường an tại? Có nghĩa là “Nhất thiết Ngụy Ngô Thục, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán.” Bởi vậy, sau khi nghe Sư Phổ Tĩnh thuyết pháp, Quan Công mới đại ngộ rồi cúi đầu làm lễ quy y mà đi - “mang nhiên đại ngộ, khể thủ quy y nhi khứ” (Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, hồi 77.)
Ngũ Tổ nói, “Người kiến tánh ngay lời nói phải thấy, nếu như người này dù khi múa đao giữa trận cũng thấy được thấy tánh.” Quan Vân Trường lúc còn là tướng Thục Hán giữa trận múa đao chém tướng, công thành, vạn cốt khô. Vì chưa quy theo Phật Pháp cho nên chưa kiến tánh, cho đến khi chết, hồn phiêu du vô định không biết chỗ nào mà trụ, mà đi. Cho đến khi được Sư Phỗ Tĩnh khai ngộ, thuyết pháp, mới đốn ngộ quy y tam bảo.
Thật ra Quan Công đã có duyên phận với Sư Phỗ Tĩnh từ trước. Quan Công cũng đã sẳn có căn tu từ tiền kiếp, dù trong kiếp này làm tướng, theo phò Lưu Bị, xông pha trận mạc, công thành, chém giết không chùn tay nhưng sau khi hồn lìa khỏi xác và nhất là khi nghe câu: Vân Trường sở ở đâu, trụ ở đâu? Ngài đột nhiên đốn ngộ, mới quán được Vân Trường là không (vô ngã, no-self,) vô sở, vô trụ. Trả đầu cho Ta (self), mà Ta không có (no-self,) thì đầu có không?
Ngược lại, những anh hùng vô danh đã vị quốc vong thân hay những tướng quân, “sinh vi tướng, tử vi thần,‟ Nguyễn Viết Thanh và Nguyễn Khoa Nam của VNCH, lúc các ngài còn cầm quân đánh nhau với VC thì đã trường trai, sùng đạo Phật. Họ vừa công thành, vạn cốt khô, vừa giữa trận tiền múa súng mà vừa kiến tánh.
Đó không phải là chuyện dễ dàng để làm và đạt được.
Cũng như Phật Hoàng Trần Nhân Tông, họ là những thánh nhân, Bồ Tát nguyện đầu thai vào trong những hoàn cảnh thử thách đặc biệt, mà những kẻ phàm phu tục tử như chúng ta không có thể hiểu để mà giải thích các trường hợp hy sinh, tuẫn tiết, của họ được.
Trong Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đoạn văn tả lại cảnh trên chỉ ngắn ngủi có vài dòng nhưng đó mới chính là chỗ mà ngọn bút của La Quán Trung đã đạt đến mức “đăng phong tháo cực, lô hỏa thuần thanh,” giúp người đọc liên hệ đến bài kệ Lục Như.
Nhà thơ Tô Đông Pha, khi được một sư trụ trì ở chùa Cát Tường xin đặt tên cho một căn gác, đã làm bài thơ Cát Tường tự tăng cầu các danh như sau:
Quá nhãn vinh khô điện dữ phong
Cửu trường na đắc tự hoa hồng
Thượng nhân yến tọa quán không các
Quán sắc quán không, sắc tức không.
Tạm dịch:
Chuyện thịnh suy thành bại lướt qua trước mắt nhanh như tia điện chớp hoặc như ngọn gió bay. Sự lâu bền của nó chẳng được như màu hồng của đóa hoa. Bậc thượng nhân ngồi yên lặng trên căn gác quán Không; quán tưởng Sắc, quán tưởng Không rồi ngộ ra rằng Sắc chính là Không.
Kinh Kim Cang dạy chúng ta quán chiếu thế gian bằng tinh thần của bài kệ Lục Như là để “Nhậm vận thịnh suy vô bố úy” như Thiền sư Vạn Hạnh viết, và để đạt đến cảnh giới “vô hữu khủng bố, viển ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” của Trí Tuệ Bát Nhã. Phần này có thể được coi là quan trọng nhất trong kinh. Lục Tổ giảng về pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa (Maha Prajna Paramita), có nghĩa là đại trí huệ đến bờ bên kia. Pháp tu này đạt thẳng mục đích của Thiền là Kiến Tánh Thành Phật. Tất cả chúng sinh, từ người ngu đến kẻ trí đều có Phật Tánh như nhau. Có khác nhau chăng chỉ là kẻ mê, người ngộ. Vì vậy nên LụcTổ chỉ rõ thêm, "Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ Đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lìa cảnh tức Bồ đề." Thế nào là mê, mê đây là không thấy được tự tánh của mình. "Bản tánh là Phật, lìa tánh chẳng có Phật ... Trí Bát Nhã đều từ bản tánh mà sanh, chẳng phải từ bên ngoài vào, không nên lầm với ý thức." Tất cả muôn pháp đều ở trong tự tánh của con người, hoặc nói cách khác là tự tánh bao hàm muôn pháp.
Lê Huy Trứ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét