Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

Trích Tiên

  

Căn cứ không quân Banak trong một ngày hè uể oải. Dưới nắng chói chang, đường bay trải dài loang loáng như có ai khéo tạt một vũng nước vuông vức ra tận vịnh Porsangen. Ba dãy trại sơn trắng, ghép thành hình chữ U nằm buồn như chợ chiều. Cái hăng-ga khổng lồ đóng cửa im ỉm. Tôi ngồi “gác kiểng” trên đài quan sát, mường tượng cảnh những chiếc máy bay F-16, F-5 tấp nập lên xuống hồi Nato còn đóng ở đây. Bây giờ chỉ còn đàn hải âu lười biếng lượn trên bầu trời trong. Giá tôi có thể thả cho đời trôi như thế. Tiếng chuông điện thoại reo. Tôi hấp tấp bắt máy:
– Ðài quan sát, phi trường Banak, tôi nghe đây ạ.
– Thân đấy hả? Nghe đây: Có một người Việt Nam, đang ở phòng cảnh sát Tana, không biết một chữ Na-uy. Họ cần người dịch. Cậu có muốn giúp họ không?
Tôi nói như trẻ con xí đồ chơi:
– Dạ, muốn chứ, thiếu tá.
– “Muốn chứ”- ông thiếu tá có tật nhái lời, lúc mới nhập trại tôi cứ tưởng ông kỳ thị, rồi tiếp -Nửa giờ nữa có người lên gác thế, anh xuống văn phòng gặp tôi. Có trực thăng tới đón.
Bỏ điện thoại xuống, tôi mới bắt đầu tự hỏi: tại sao lại có người Việt nào lạc loài lên miền địa đầu giới tuyến này? Tưởng chỉ có mình tôi điên. Chắc là một du khách người Việt đi coi mặt trời đêm, quên đường về? Hay là một người từ Nga nhảy rào xin tịn nạn chính trị? Ôi! Nếu là một vụ tị nạn thì thật hấp dẫn. Tôi nhìn cây kim đồng hồ treo dưới chân dung quốc vương Harald và hoàng hậu Sonja nhích đi chậm chạp.
Tôi thay đồ dân sự xong lên trình diện. Ông thiếu tá thấy vẻ hăng hái khác thường của tôi, tò mò hỏi:
– Tại sao anh -tay tổ làm biếng- lại sáng mắt lên nhận việc này?
– Lâu quá tôi không được gặp người đồng hương.

Vâng, tôi đang phục vụ ở một nơi hẻo lánh cỡ như Lạng Sơn của Việt Nam, nhưng trong vòng 1000 cây số hình như chỉ có một người Việt. Và lý do tôi vận động đi quân dịch, mặc dầu đã quá tuổi bắt buộc, là vì sau khi ra trường, tôi xin việc mấy chục chỗ không được, đâm buồn chán, trống rỗng, muốn đi thật xa một phen. Hơi quá xa.

Từ bãi trực thăng đi vào phố chỉ chừng 2 km. Tana là một xã nhỏ cực bắc của Na-uy, giáp giới Phần-lan, và là một trong những con đường chính từ Nga sang. Từ vài năm nay, mùa hè ở đây tràn ngập du khách, nhiều nhất là người Nga và Phần-lan. Người địa phương, phần đông là thổ dân Same, nghe nói cũng giòng giống Mông-cổ, nhưng so với dân Viking, không gần gũi với tôi gì hơn. Xe chở tôi chạy qua một khu chợ trời náo nhiệt. Sau ngày Liên bang Xô-viết sụp đổ, người Nga tuồn cả núi quân nhu, quân cụ ra bán. Nào là “mũ nơm gà” Hồng quân Liên xô, huân chương, áo giáp, ống dòm, la bàn, nào là quần áo nhà bin h, tượng Lê-nin, Xít-ta-lin, bao cao-su… được bày la liệt trên lề đường, như một cuộc chiến vừa tàn. Ở vài góc đường, những cô gái Nga -rất dễ phân biệt với gái Na-uy nhờ nét mặt thanh tú, thân người thon nhỏ- ăn mặc phong phanh, mời mọc. Có lẽ đây là mấy cô mà bọn con trai trong trại thường to nhỏ, xuýt xoa mỗi lần đi phép về, và ông thiếu tá cũng đã cảnh cáo, nhưng vẫn không yên tâm, bắt cả trại thử máu thường xuyên.

Ty cảnh sát nằm sau nhà thờ. Người đón tôi là một ông trung sĩ cảnh sát, nhưng người điều tra lại là một cô sĩ quan xinh đẹp, tóc ngắn, da dẻ đỏ như đồng, chắc suốt mùa hè này chỉ tắm nắng. Cô tự giới thiệu là Marianne. Vào phòng thẩm vấn, tôi vừa ngạc nhiên vừa mừng, không hiểu tại sao, khi thấy “đối tượng” thông dịch là một cô gái. Cô đang ngồi quay lưng về phía cửa ra vào, khi cô đứng lên, quay lại, tôi hoa cả mắt vì vẻ đẹp khác thường. Bị hớp hồn, tôi mở lời bằng một câu u mê:
– Cô người Việt?
Nàng cũng thẫn thờ:
– Anh người Việt?

Trong lúc chờ Marianne tìm thêm ghế, tôi nhìn trộm đôi môi hồng vừa thốt ra những âm hưởng Hà Nội ấm và sang, và nghĩ cái câu “Anh người Việt?” có thể dùng để chào nhau, thay cho câu “Bác xơi cơm chưa?” của miền bắc Việt Nam. Khi người nữ sĩ quan cảnh sát bắt đầu gài mẫu biên bản lấy cung vào máy đánh chữ, tôi hiểu đây không phải chỉ là vụ cớ mất bóp hay du khách lạc đường, và trong tâm trạng của một người chín tháng nay chưa thấy mặt người Việt Nam, tôi nghĩ bụng cô gái xinh đẹp này… oan, dẫu chưa biết sự cố liên quan tới việc gì. Người sĩ quan bắt đầu:
– Cô tên gì?
– Natasja Jakusjok.
Tôi không nghe kịp tên họ, phải chìa tờ giấy, xin cô gái viết. Trong lúc Marianne so mảnh giấy cô gái viết với tờ thông hành, tôi so nét mặt thuần túy Việt Nam với cái tên Nga Natasja, lòng đầy nghi hoặc. Marianne tiếp:
– Cô sang Na-uy làm gì?
– Du lịch.
– Từ bao giờ?
– Chiều thứ sáu.
– Bằng phương tiện gì?
– Xe buýt.
– Khởi hành từ đâu?
– Murmansk.
– Ai mời cô sang Na-uy?
– Tôi tự sang.
– Không có ai từ Nga tự sang Na-uy được. Phải có người từ Na-uy mời, lãnh sự quán của chúng tôi ở Murmansk mới cấp phép nhập cảnh.
– Tôi mà được mời?
Marianne tỏ vẻ nửa ngạc nhiên, nửa thất vọng. Tôi tự nhiên đâm thông minh hơn thường lệ một chút, dịch chữ “mời” thành “bảo lãnh”, và nhắc lại câu hỏi. Quả nhiên người đồng hương hiểu ý, trả lời:
– Tôi không biết tên người bảo lãnh.
– Cái tên đó cô phải biết để viết đơn xin chiếu khán.
– Tôi không viết đơn.
Marianne như sắp chụp được con mồi:
– Ðó. Tôi muốn hỏi người nào viết đơn giùm và tổ chức chuyến đi cho cô?
– Tôi không biết. Tới phiên thì tôi mua vé xe. Người bán vé chỉ cho tôi đi xe nào, tôi lên xe đó.

Người nữ cảnh sát thất vọng, xoay mặt lại cái máy chữ từ nãy đến giờ nằm thất nghiệp, lùa tay vào mái tóc nâu. Tôi quay sang Natasja. Tia mắt tôi chạm phải bàn tay cô trắng nuột nà đặt trên đùi, tôi quay đi chỗ khác. Nhưng rồi trong lúc dịch tôi không thể tránh nhìn vào một trong hai người. Tôi nảy ra một so sánh: lúc mới gặp cô cảnh sát, tôi thấy cô đẹp như một nữ tài tử đóng trong các phim James Bond; lúc này ngồi cạnh cô gái Việt, cô trông như một nữ tì. Nhưng người “nữ tì” đã quay phắt lại, nghiêm nghị, dằn từng tiếng:
– Chúng tôi bắt được quả tang cô bám dâm.
Tôi hụt hẫng, bàn tay co giật, loại co giật mà tôi thường gặp khi rơi từ cơn chập chờn vào giấc ngủ sâu, hoặc như khi đi đường băng trơn với em gái, mà nó bị trượt. Tôi sượng sùng, dịch “bán dâm” thành “tiếp khách”. Nhưng hai tiếng này cũng đủ như một tảng đá tròng vào cổ, cô gái Việt cúi đầu xuống. Ðầu tôi cúi theo. Một tiếng nhỏ, khàn đục bật ra từ khóe môi lợt lạt:
– Phải…

Cô thú nhận với người cảnh sát Na-uy, nhưng theo thói quen, cô quay sang người thông dịch tội nghiệp. Mắt cô mở lớn, trong vắt, van lơn. Lồng ngực tôi đòi lấy hơi để trút một tiếng thở dài, nhưng tôi cố nín, và càng khó chịu hơn. Và khoảng cách giữa tôi và người con gái đồng hương trở nên bồng bềnh như một mạn thuyền với một cánh bèo trên biển sóng, lúc xa, khi gần. Tôi không làm nghề thông dịch, nhưng hồi còn đi học, thỉnh thoảng tôi có đi dịch để kiếm tiền tiêu vặt. Trước khi được nhận làm, tôi phải học mấy giờ về luân lý chức nghiệp. Hình như tôi nhớ được đôi điều, và bây giờ tôi nhủ lòng mình “Ðây không phải việc của tôi”. Cuối cùng cô gái “Natasja” tiếp:
– Nhưng… luật pháp Na-uy không cấm việc này… có phải không?
Phản ứng bớt buông xuôi của Natasja khiến tôi ngạc nhiên. Marianne nghe vậy, lại trở nên hăm hở:
– Ðúng. Luật pháp Na-uy không cấm việc mãi dâm, nhưng cấm hoạt động ma cô. Chúng tôi cần biết ai làm ma cô cho cô?
– Không ai làm ma cô cho tôi cả.
– Thôi. Xin hỏi câu khác: Cô vừa nói luật pháp Na-uy không cấm mãi dâm, mà cấm ma cô. Ai nói cho cô biết điều này vậy?
– Bạn bè.

Quanh đi quẩn lại, rõ ràng là cô cảnh sát chỉ muốn tóm cổ mấy thằng ma cô. Nhưng có gái giang hồ nào giám chỉ điểm ma cô của mình? Hồi nãy khi đi qua khu chị em ta, tôi cũng thấy những bộ dạng khả nghi, chẳng phải người địa phương, cũng chẳng phải du khách hay người thập phương tới buôn bán. Cảnh sát cũng dư biết như thế, có lúc gặp tên ma cô nhâng nháo quá, họ ngứa mắt, đã bắt thử, nhưng chẳng có chứng cớ, phải thả ra cho nó nhâng nháo thêm. Cơ hội duy nhất cho biện lý cuộc là lời khai của các cô gái giang hồ. Nhưng các cô ấy, nhất là cô gái lạc loài ngồi trước mặt tôi đây, làm sao dám nói? Tôi ngước lên nhìn Natasja, gặp đúng lúc cô cũng ngước lên nhìn tôi – trong đôi mắt sâu ấy, cô đang chới với. Marianne dòm lăm lăm vào tờ biên bản gài trên máy chữ như để moi ra câu hỏi mới. Cuối cùng cô ta chuyển đề tài:
– Cô có quốc tịch Nga, nhưng sanh tại Việt Nam?
– Vâng
– Cô lấy chồng Nga?
– Vâng.
Marianne ráng tỏ ra kiên nhẫn:
– Cô Natasja ạ, chúng tôi không bao giờ làm gì hại cô. Chúng tôi chỉ muốn biết tên và có bằng chứng truy tố bọn ma cô. Vậy cô cứ nói cho tôi biết ai đã đưa cô tới đây?
Natasja ngơ ngác:
– Ðưa tới đâu cơ?

Marianne nói muốn nghỉ giải lao mươi phút, trong khi đó tôi phải ra văn phòng làm thủ tục tính thù lao. Marianne gặp tôi ở phòng khách lúc tôi định lấy tách cà phê cho tôi và có lẽ một tách cho cô gái. Cô hỏi chuyện lính tráng của tôi, về người tị nạn Việt Nam ở Na-uy. Câu chuyện lan man sang việc, vào năm 93, cô tham gia chiến dịch vĩ đại chuẩn bị cho trường hợp một triệu người Nga tràn vào Na-uy tị nạn chính trị hoặc nạn đói. Một nhà báo nổi tiếng dí dỏm gọi chiến dịch đó là “cuộc chuẩn bị đón tiếp các công dân của Thiên Ðường đở vỡ”. Việc đó may không xảy ra, nhưng lại xảy ra một cuộc xâm thực dưới hình thức khác. Cô hỏi tôi có biết về các tệ nạn biên giới? Tôi nói có đọc loạt phóng sự của nhật báo Aftenposten và Verdens gang về việc người Nga sang đây buôn bán ma túy, rượu mạnh, quân nhu quân dụng, và mãi dâm. Tôi hỏi:
– Nghe nói có thể mua bất cứ thứ gì?
– Ðúng. Từ sau khi Liên-xô sụp đổ, người ta có thể mua mọi thứ, thứ dữ như bom nguyên tử, súng máy, xe tăng, tầu ngầm… Thứ hiền như đồ chơi. Ðồ chơi rẻ tiền có huân chương Anh hùng Liên-xô, huân chương Lê-nin, Anh hùng dân tộc, Anh hùng lao động. Và đồ chơi đắt tiền là các cô này.
– Bao nhiêu mà đắt?
– Từ 200 tới 500 kroner một đêm.
Tôi nghĩ tới Natasja. Theo cái giá mà văn chương Trung Hoa và Việt Nam đề ra, cô ta phải đáng “ngàn vàng” là ít. Tại sao xuống tới mức này?
– Giá đó tương đương với 2 tới 5 giờ làm việc của một người thợ Na-uy. Có gì mà gọi là đắt?
– Chỉ một cuối tuần các cô gái buôn hương kiếm được số tiền bằng lương một năm của một người thợ trung bình ở Nga.
– Vậy sao quí vị không để cho người ta kiếm ăn?
– Chúng tôi không muốn làm khó dễ các cô gái. Chỉ muốn trừ khử bọn ma cô.
– Nghĩa là nếu các cô ấy làm ăn độc lập thì được phép?
– Ðược.
– Cô thử hỏi cô gái tại sao không làm ăn độc lập?
– Cần gì hỏi. Tôi biết họ không thể nào làm ăn độc lập được. Người dân Nga tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa. Họ vừa thoát ách độc tài cộng sản, đã rơi vào nanh vuốt Mafia. Báo cáo của hội đồng an ninh kinh tế (NSR) cho biết 4/5 xí nghiệp Nga phải trả tiền bảo vệ cho Mafia. Ta không cần hỏi đồng hương của anh câu đó.

Marianne nhìn đồng hồ, ý muốn chấm dứt giờ giải lao, nhưng lại đứng thêm một lát hỏi về người Việt ở Nga. Tôi không biết gì ngoài những bài phóng sự về tình cảnh những người được chính quyền Việt Nam gởi đi nước ngoài lao động trả nợ chiến tranh, và công thức trả lương: một phần phát cho công nhân, một phần Nhà Nước Việt Nam “ấy thảo”. Sau đó khi bức màn sắt sụp đổ, nhiều người ở lại phải xoay xở chật vật để sinh sống, kể cả việc phi pháp và mãi dâm.Và tới phiên người khác lấy thảo.

Tôi mang cà-phê vào cho Natasja, nhưng cô để nguội tanh không uống. Marianne tiếp tục lại cuộc thẩm vấn. Nhưng câu chuyện về sau biến thành một cuộc mạn đàm nhiều hơn. Sau cuộc thẩm vấn, Marianne tự động nói với tôi:
– Chắc anh muốn nói chuyện riêng với người đồng hương? Cứ ngồi đây mà nói. Anh không phải thông dịch viên chính thức, chúng tôi nhờ vả anh trong trường hợp đặc biệt, nên đền công đặc biệt. Nhân tiện, tôi nhờ anh nói cho cô ấy biết theo luật pháp Na-uy cô ấy không làm điều gì bậy cả. Cô ấy đẹp và hiền quá.
Tôi ngồi lại, không hiểu vì động lực nào – vì tò mò hay tội nghiệp, vì đây là một người con gái đẹp hay một đồng hương? Marianne đã khép cửa văn phòng lại. Bỗng nhiên tôi hoang mang, không biết tại sao ngày hôm nay, giờ này mình ngồi đây với một cô gái lạ. Tôi nghĩ có thể Natasja cũng có cảm giác đó, khi cô loay hoay sửa lại thế ngồi, rồi lại trở về thế cũ. Gò má cô từ từ ửng hồng. Cô mở lời rụt rè:
– Anh là người tị nạn ra đi từ miền Nam?
– Dạ.
– Nghe cách ăn nói đủ biết.
– Còn cô? Chắc từ Hà Nội?
– Vâng.
– Nghe giọng nói đủ biết.
Lần đầu tiên chúng tôi cùng cười nhẹ. Cô tiếp:
– Ở đây đông người Việt không?
– Chỉ có mình tôi đi quân dịch lên đây. Cách đây 500 cây số có một ông bác sĩ lên phục vụ để lấy thâm niên. Ngoài ra nhóm người Việt gần nhất ở cách đây chừng 1000 cây số.
Khi nêu những khoảng cách xa xăm, bỗng tôi cảm thấy cô gần lại một chút. Cô nói, do dự:
– Tôi… e..m tên Quỳnh Hương.
– Tên đẹp quá. Tôi tên Thân.
– Anh có trách em không?
– Tại sao lại trách?
– Em làm xấu hổ chung.
Tôi cảm thấy mình vụng về, không tìm được lời, chỉ biết nói:
– Cô cảnh sát nhắn tôi nói lại: Cô không làm điều gì bậy cả, theo luật pháp Na-uy. Cô ấy còn khen chưa thấy ai đẹp và hiền như cô.

Chưa thấy aí là ba chữ quá giang, nhưng thực tình không quá tải. Quỳnh Hương cảm động, nét mặt bớt căng thẳng. Nhưng giữa chúng tôi có cái gì thiếu tự nhiên, câu chuyện không hào hứng như tôi tưởng tượng lúc ngồi trên trực thăng đáp xuống Tana, và nhất là giây phút đầu tiên thấy mặt cô gái.

Vì lịch sự tôi vẫn cho cô địa chỉ và số điện thoại, dặn cần gì có thể liên lạc. Tôi ra ngoài móc hết tiền bạc trong túi -hình như dăm trăm- bỏ vào một phong bì, viết mấy chữ an ủi nhờ Marianne đưa cho cô gái.

Quỳnh Hương thất thểu theo một người nữ cảnh sát khác ra khỏi bót. Tôi đứng nhìn cô đi về phía nhà thờ, lủi thủi. Tôi tưởng tượng ra cô gái làng chơi Magdalena trong Thánh kinh trên đường đi tìm Chúa Giêsu để thú tội.

Nhưng cô có tội tình gì? Câu hỏi thành hình từ khi tôi ngồi lên trực thăng, và nó cứ lớn dần từng ngày khi tôi trở về trại. Tôi càng mong đợi càng bặt tin Quỳnh Hương. Tôi đinh ninh thể nào cô về cũng viết thư ngay cho tôi để cám ơn nghĩa cử, để tôi có thể nói những lời tốt đẹp, kể cả lời hứa giúp đỡ. Tôi còn tưởng tượng ra câu chuyện về một chàng thanh niên hào hoa, đóng ở “tiền đồn heo hút”, tình cờ gặp một cô gái giang hồ và cảm hóa được nàng đi tu thành ma sơ thánh thiện. Không ngờ một tuần, hai tuần, rồi một tháng trôi qua, không có tin cô. Rõ ràng cô đã nhét địa chỉ tôi cho vào bóp. Ngoài ra, trên phong bì tiền tôi cũng quen tay ghi tên và địa chỉ một lần nữa.

Chờ đợi, băn khoăn, cuối cùng là hối hận. Tôi đã quá lạnh lùng, đã thay đổi thái độ quá nhanh sau khi biết cô là gái giang hồ. Tất cả chỉ xảy ra trong lòng tôi, nhưng tránh sao cô chẳng linh cảm d dược. Nét mặt thông minh ấy. Vì trịch thượng ngầm, tôi không nghĩ tới việc xin địa chỉ cô.

Năm tuần sau, tôi nhận được lá thư đóng dấu bưu chính Murmansk. Tôi mừng như được thư người tình, leo lên tháp canh đọc cho… thấm. Nhưng đọc thư xong tôi vô cùng thất vọng. Nét chữ xấu xí quê mùa, lời lẽ tình nghĩa kệch cỡm, nghe rợn tóc gáy. “Chủ đề” của thư đương nhiên là xin gởi tiền (bằng tiền Norway) về địa chỉ v.v. Tôi nổi giận, xé lá thư vất vào sọt rác. Không thể ngờ được bộ mặt xinh đẹp như thế lại mang tâm hồn bần tiện như vậy. Dù cố thử biện hộ cho cô gái bằng lý luận “cái khó bó cái khôn”, tôi vẫn chán ghét cô gái, ê chề tình đời, tôi chán ghét cái vùng đất mất hết tình người. Ðau nhất là con người lãng mạn của tôi bị quế nặng quá. Hết phiên gác, việc đầu tiên là tôi về phòng để hủy cái dấu vết cuối cùng về cô gái bất xứng – miếng giấy viết hai chữ Natasja Jakusjok. Ðó là miếng giấy mà cô gái viết tên trong bót cảnh sát, đi Tana về tôi gắn trước bàn viết để kỷ niệm một buổi gặp gỡ… hay hay. Nhưng khi gỡ miếng giấy, cầm trên tay, tôi bỗng giật mình – nét chữ này thanh tao, nhuyễn mềm, khác xa một trời một vực với nét chữ thô lậu, tục tằn trong thư tôi vừa xé. Tôi tức tốc chạy lên đài quan sát, lục lại lá thư. Chẳng cần so lại tuồng chữ, tôi cũng biết thư này không phải do Quỳnh Hương viết. Tôi “sang” hết mấy lời xỉ vả hồi nãy cho bọn bất lương, và nôn nả bắt tay vào việc tìm tung tích Quỳnh Hương.

Sau buổi thông dịch, tôi thỉnh thoảng có điện thoại cho cô cảnh sát Marianne, vừa để tán gẫu chơi, vừa thăm dò xem “ngựa có về đường cũ không”. Bây giờ muốn biết địa chỉ thật của Quỳnh Hương tôi chỉ việc hỏi Marianne. Nhưng tôi không được phép làm như vậy. Tôi thử làm điệp viên si tình một phen. Một mặt tôi ra ngân hàng gởi 300 kroner cho bọn làm tiền, tất nhiên dưới tên Natasja Jakusjok. Na-uy đang mở rộng việc làm ăn với Nga, để biến đổi bán đảo láng giềng Kola thành một vùng bớt nghèo đói và ô nhiễm, nên có rất nhiều hãng xưởng và ngân hàng Na-uy mọc lên hai bên đại lộ Lê-nin. Tôi chọn gởi tiền qua ngân hàng Kirkenes, vì nó nằm đối diện với một khách sạn. Gởi tiền đi hôm trước, hôm sau tôi đáp xe đò đi Murmansk và thuê khách sạn đó, phòng có cửa sổ quay ra mặt đường. May mắn quá mong đợi, ngày rình chực thứ ba tôi đã thấy bóng Quỳnh Hương ra ngân hàng. Tôi không cần ngụy trang nhiều, chỉ cần cái quần soọc, cái mũ lưỡi trai, và cái máy Nikon là ra dáng một anh triệu phú Nhật Bổn rồi. Phải thêm cái kính mát to để che mặt.

Vào ngân hàng tôi đứng xa xa, thấy Quỳnh Hương đang xếp hàng quay lưng lại, tôi cẩn thận không lộ diện, nhỡ có tên cô hồn nào đi kềm nàng không. Khi nàng lãnh tiền xong quay ra, tôi đau nhói tim thấy mặt nàng tiều tụy, và có vết bầm xanh. Một tên đàn ông mặt mũi bất lương ở đâu sán lại kè nàng, chưa ra khỏi cửa, nó đã giằng lấy tiền, chửi thề “Ð.M. có mấy đồng ranh mà nàm nhọc xác ông”. Quỳnh Hương cúi đầu, không trả lời. Tôi lén theo dõi hai người, nhưng tới ngã tư thì họ lên một chiếc xe hơi do người thứ ba lái chạy mất tăm, tôi đón taxi không kịp.

Tôi thất vọng trở về Na-uy, viết thư làm bộ nói nhớ thương Natasja và mong gặp nàng, bóng gió cho biết sang sẽ dễ dàng mang tiền về hơn. Nàng sang thật. Vết bầm trên mặt đã biến mất, nhưng vẫn còn tiều tụy. Tôi đưa nàng thẳng vào một khách sạn đàng hoàng cho nàng nghỉ ngơi. Chúng tôi ăn ngay trong khách sạn. Nàng ngạc nhiên vô cùng khi tôi nói tôi biết hết trò giả mạo thư và làm tiền của bọn vô lại. Nhưng tôi thắc mắc:
– Tại sao chúng biết cô có liên hệ với tôi?
– Em vừa từ biên giới về, chúng nó lục lọi khám xét ngay, và tất nhiên thấy phong bì tiền của Anh cho, địa chỉ nằm đó. Chúng bắt em viết thư vòi tiền, em không làm, chúng đánh đập, bắt trở lại đứng đường. Em xin làm mọi việc trâu ngựa để hầu hạ cả bọn miễn đừng bắt em làm việc đó. Chúng chấp thuận nhưng vẫn giả mạo thư tống tiền Anh. Em xấu hổ quá.
Tôi hỏi một câu mà định hỏi mấy lần nhưng chưa có dịp:
– Cô sang Nga theo diện nào?
– Nghiên cứu sinh. Nghiên cứu sinh sử học.
Tôi kinh ngạc:
– Nhà Nước Việt Nam gởi đi?
– Vâng.
Tôi nhớ lại việc thông dịch, hỏi:
– Sao cô không nói tiếng Nga, dễ kiếm người thông dịch ngay tại đây?
– Em muốn giấu tông tích. Chẳng may…
Tôi hơi phật ý về hai chữ “chẳng may”, nhưng không tỏ ra, hỏi tiếp:
– Cô… xong tiến sĩ chưa?
– Thưa, rồi ạ.
– Vậy cô chỉ việc trở về phục vụ đất nước.
– Trễ rồi.
– Sao vậy?
Quỳnh Hương hít hơi thật sâu, như để đè nén cái gì, cuối cùng nói nhẫn nại:
– Truyện dài lắm. Em chỉ vắn tắt thế này: Khi em đang chuẩn bị về nước, thì bố em bay sang nói bất cứ giá nào đừng về.
– Tại sao vậy? Ở Việt Nam bây giờ thay đổi khá lắm, và bắt đầu đãi ngộ những người có trình độ.
– Lợi dụng thì có, đãi ngộ không.
Chúng tôi ra ban-công. Nắng đêm quyện vào gió bắc cực lùa vào mặt mát rượi. Tóc Quỳnh Hương thơm. Tôi hỏi:
– Ngoài ra bố cô nêu lý do gì để khuyên cô đừng về nước?
Nàng nhìn con hải âu đậu một mình trên cột đèn, đáp:
– Là lý luận gia lâu năm của Ðảng, khi thấy bức tường Bá-linh rạn nứt và thiên đàng Liên-xô sắp bốc lửa, Bố em dự kiến Ðảng cộng sản Việt Nam sẽ biến từ một tổ chức cách mạng thành một guồng máy tư bản.
– Vậy càng tốt chứ sao?
– Anh không hiểu đâu, cũng như em hồi đó không hiểu. Vì thế Bố phải đích thân bay sang. Gặp Bố em vừa mừng vừa ngạc nhiên hết sức, nhưng run sợ khi ông nói nước Việt Nam sẽ không còn là nơi dung thân của con người nữa.
– Sao vậy?
– Bố hỏi em “Chị xem – cái thiên đàng kiểu mẫu mà sắp sụp đổ nay mai, thì cái thiên đàng mô phỏng sẽ ra sao?” Em không trả lời, ông nói “Các ông ấy là những kiến trúc sư chuyên vẽ thiên đàng. Kiểu này đổ vẽ kiểu khác. Mà mỗi lần đổ, mỗi lần đổi kiểu là hàng vạn người chết vì cột kèo đè.”… Bố em về, tự vẫn chết, để họ không còn gây sức ép với em được, trước khi bị cột kèo đè.
Nghe đến đây, tôi lạnh toát xương sống, khô cổ họng. Cột đèn đằng trước, con hải âu đã bay đi, còn cái tay đèn đua ra, như chờ một sợi dây thòng lọng. Mãi lâu sau tôi mới thốt lên được câu gần như vô nghĩa:
– Khủng khiếp quá!
Quỳnh Hương mím môi để khỏi bật ra tiếng khóc, nhưng giọng ướt lệ:
– Người ở ngoài không hiểu nổi sự khủng khiếp tới mức nào đâu. Người trong cuộc, đa số khi hiểu thì trễ quá rồi.
Vai tôi chờ một mái đầu tựa vào. Nhưng tôi phải làm như tỉnh táo, hỏi:
– Với cô, có quá trễ chưa?
– Em không biết. Nhưng để em kể em đã sa xuống chỗ nào. Lúc đầu em may mắn trên con đường tị nạn. Ông giáo sư đỡ đầu cho em li dị vợ để cưới em. Anh đừng trách em. Vì ông ta li dị xong mới cho em biết đã có vợ và mới li dị. Ở Nga, li dị là chuyện cơm bữa, cũng như chuyện trai gái chung chạ. 30% các cặp vợ chồng li dị. Việc làm tình hổ lốn trở thành phổ thông là vì tình trạng ăn chung ở chạ, nhà cửa chật chội. Chồng em là một tên ghiền rượu, đánh đập em mãi, em vẫn chịu đựng được. Nhưng hai ba lần em bị anh họ chồng, em chồng, rồi cả bố chồng cưỡng hiếp, thì anh bảo sao em chịu được? Em phải ra đi, và sa vào tay Mafia.
Tôi lại ớn lạnh. Không phải vì gió đêm. Mà vì nhớ chúng tôi đang ở gần biên giới. Tôi dìu Quỳnh Hương vào trong. Ðóng cửa sổ lại. Chúng tôi im lặng uống một thứ rượu kem gì đó khá ngon. Tôi quyết định ngày mai ra lãnh sự quán bí mật làm giấy bảo lãnh hẳn cho Quỳnh Hương sang Na-uy. Ðiều làm tôi do dự là cái giấy hôn thú. Trước khi về phòng riêng, tôi đắp mền cho Quỳnh Hương như một đứa em gái và nói:
– Ngủ ngon. Ðừng mộng mị gì cả, dù thiên đường.

Quỳnh Hương sang chơi Na-uy lần kế tiếp vào ngày lễ Sankthans, ngày dài nhất, đúng hơn, không có đêm. Nàng từ xe buýt Murmansk bước xuống, ăn mặc đơn giản, càng xinh đẹp hơn. Nàng tha thướt đi giữa những huân chương và mũ áo Hồng quân bên vệ đường, tàn tích của một thiên đường vừa đổ vỡ, diễm lệ như một nàng tiên, tôi đặt tên cho nàng là “Trích Tiên”. Khi tôi nói ra, nàng cười tươi, chấp nhận. Từ đó cuối tuần nào nàng cũng qua. Thường tôi đưa nàng về căn chòi thuê của xã ở sườn núi trông ra biển, rất thơ mộng. Từ mùa thu không còn mặt trời giữa đêm nữa, nhưng rừng thu biến thành những tảng màu đỏ, vàng tuyệt diệu. Vài cánh buồm trắng nhẹ trôi trên mặt nước xanh lộng bóng núi. Ban đêm trời trong, trăng sao vằng vặc chiếu xuống vịnh bao la. Chúng tôi ngồi bên nhau ngoài hiên nói chuyện tới khi sương ngập thềm. Tôi gọi căn chòi này là “Ðộng Tiên”, muốn vĩnh viễn ở lại không về trần gian. Nàng “trích tiên” thỉnh thoảng lại khóc làm tôi lo lắng. Nhưng nàng nói:
– Xin lỗi Anh, em khóc chỉ vì quá hạnh phúc.
Tôi uống những giọt hạnh phúc này từ mắt nàng, và nói:
– Ðây là nước mắt hạnh phúc. Nhưng nước mắt đau khổ của Em, anh cũng xin uống.

Chúng tôi chỉ ước có phép mầu cho thời gian và không gian ngừng ở đây. Lạ lùng là những lúc tôi gần gũi Quỳnh Hương trên chòi nghỉ mát, tôi chỉ say sưa nhìn ngắm, lắng nghe, ngửi hương nàng, không xàm xỡ. Tôi sống sự hiện diện nàng. Sự sống nồng nàn, ngây ngất mà thanh khiết. Tạo hóa đã khắc cho nàng một chân dung kỳ diệu – từng nét thì đối chỏi mà toàn thể thì hài hòa. Các nhà giải phẫu thẩm mỹ không bao giờ làm được như vậy. Chỉ có Nhà Ðiêu khắc tối cao, thừa thương yêu và tinh quái mới nắn nên khuôn mặt và thân thể Quỳnh Hương – để tặng riêng tôi, cho riêng mỹ cảm mà Ngài tạo cho tôi. Và Ngài gởi tặng phẩm tới cho tôi qua con đường sầu thảm quá. Con đường các phép lạ thường đi.

Khốn nạn thân tôi (tiếng Bắc của Quỳnh Hương), nỗi đam mê lành thánh kia, tôi chỉ giữ được khi có sự hiện diện của nàng. Khi nàng qua lãnh thổ Nga, tôi trở về trại Banak, thì xác thịt tôi giằn vặt, réo gọi. Tôi quằn quại trong giường lính độc thân, thèm khát thân hình nuột nà cô gái giang hồ Natasja. Xác thịt tôi trách móc tôi đã dại dột bỏ qua cơ hội nọ, cơ hội kia trên Ðộng Tiên. Cho tới khi tôi ngủ thiếp đi. Có vài lần trong mơ… Nhưng thường trong mơ tôi thấy nàng Trích Tiên mặc áo dài trắng tinh khiết trổi lên từ giòng nước trong xanh vẫy gọi tôi. Phải chờ tới buổi sáng, khi mặt trời mọc, rọi sáng vào những góc tăm tối trong tâm hồn, tôi mới thực tỉnh táo, và hãnh diện cuối tuần trước đã giữ mình đứng ngoài cái giòng đục lềnh bềnh những xác bố chồng, xác anh, xác em chồng nàng, và những thiên đường mà nàng đang vùng vẫy thoát ra. Ðúng hơn, chúng đẩy nàng ra như một vật lạ trong cơ thể.

Chỉ có một lần tôi táo bạo, lần đi thăm Nordkapp. Nordkapp hay “Mũi Bắc” nằm trên vĩ độ cao nhất nước, có lẽ là kỳ quan Na-uy thu hút nhiều du khách nhất. Mỗi năm, hàng vạn người từ khắp thế giới, nhất là Nhật, Ðức, Mỹ mua vé máy bay lên đây, chỉ để coi mặt trời đêm. Lúc tôi đưa Quỳnh Hương đi thăm Mũi Bắc, trời đã sang đông, không còn du khách nào nữa, cũng không còn mặt trời đêm. Tôi nắm tay Quỳnh Hương đứng trên ghềnh đá vách dựng đứng. Nước biển vẫn thăm thẳm. Gió lạnh buốt. Nhưng chúng tôi càng thích thú. Bỗng nhiên, mây trên trời biến thành màu xanh như lân tinh, và quay tít như đèn kéo quân, hào quang lấp lánh rực rỡ, những luồng điện nổ tí tách trong mây như hàng ngàn tràng pháo chuột ngày Tết. Quỳnh Hương kinh sợ nhưng lại reo vui vì có tôi bên cạnh. Tôi giải thích:
– Ðó là nordlys (bắc quang). Hiện tượng huy hoàng này không phải lúc nào cũng xảy ra. Hôm nay nó xảy ra đúng lúc Em tới đây. Ðó là dấu hiệu Trời cũng muốn chào đón Em đó.
Quỳnh Hương tựa lưng vào ngực tôi. Giọng nàng mật ngọt:
– Còn Anh, Anh cho em dấu hiệu gì?
Cầm lòng chẳng đậu, tôi xoay người nàng lại, và hôn vào đôi môi nồng nàn. Ðó là lần đầu tôi hôn một người con gái. Trên mỏm đá lịch sử Nordkapp, dưới ánh bắc quang.

Chỉ còn một tháng nữa là Tết ta. Thu An gọi điện thoại nhắc thế nào tôi cũng phải xin về phép cho kịp ngày cúng Giao Thừa. Thay vì nói trong điện thoại, sợ không đủ mạch lạc và không đối đáp được con em lí lắt, tôi viết cho nó một thư dài 6 trang trình bày ý định mời Quỳnh Hương về Oslo ăn Tết. Tất nhiên trong thư tôi dấu một số chi tiết về thảm cảnh của Quỳnh Hương, nhưng tên “Trích Tiên” thì không thể không khoe. May quá con bé chấp thuận liền, còn hào hứng chuẩn bị đón “chị dâu”. Tôi nói tuyệt đối nó không được… lạc quan. Gia đình chúng tôi đã nhận bao nhiêu tai họa bất ngờ, đúng trong những lúc tưởng là hạnh phước nhất. Tết Mậu Thân Ông Nội đang công tác ngoài Huế bị cộng sản Bắc Việt bắt đi chôn sống, đúng lúc ông được điện tín về mà coi mặt và đặt tên cho cháu đích tôn là tôi; Bà Nội đi bốc xác Ông, về phát điên rồi mất. Năm 75 con Thu An vừa sanh ra, để trong cái biệt thự thơ mộng Ba Má mới mua ở Chí Hòa mấy năm sau “có một tiểu thư ra vào”, thì cộng sản tràn vào “giải phóng”; Ba đi tù, Má bị sa thải. Ba trốn học tập về, đúng lúc Má đặt được chỗ vượt biên chính thức, tưởng vĩnh viễn thoát khỏi cái thế giới điêu ngoa, hận thù, gian manh, thì tầu do tỉnh ủy Ðồng Nai đóng bị vỡ, Ba Má chết đuối. Từ đó, cứ thấy bóng dáng hạnh phúc là tôi giật mình. Lần này, với Quỳnh Hương, tôi lại lăn xả vào, không phải như con thiêu thân nhào vào lửa nhan sắc, mà như muối gặp biển mặn. Nàng là hiện thân của tôi – phần nước mắt, và cả gia đình, dân tộc tôi, phần ước mơ và bất hạnh. Tôi đón nhận hết. Một lần, trong Trích Tiên.

Tôi thu xếp cho Quỳnh Hương sang đúng dịp tôi và Thu An nghỉ phép mùa đông. Và để tránh mọi dị nghị, tôi trình bày nội vụ với ông thiếu tá, và nhờ ông trình ông đại tá luôn. Ông dễ thương tặng Quỳnh Hương cái vé máy bay. Thu An bày đặt mang hoa ra phi trường Fornebu đón khách. Vừa giáp mặt Quỳnh Hương, nó đã reo ầm lên:
– Eo ơi! Chị Quỳnh Hương đẹp dễ sợ.
Quỳnh Hương bật cười vì những từ ngữ kỳ cục của con bé, cảm động nhận hoa. Tôi giới thiệu với khách:
– Ðây là đứa em gái thua tôi tới sáu tuổi, nhưng từ ngày chúng tôi mồ côi, nó nhảy tót lên ngôi chị hai, “kềm kẹp” tôi từ miếng cơm tới manh áo.
Thu An cong cớn:
– Từ nay em không thèm kềm kẹp nữa, em sắp bàn giao chủ quyền Trường Sá cho người khác.
Quỳnh Hương chỉ biết đỏ mặt. Tôi huých Thu An một cái làm nó chạy giạt sang bên kia, núp bóng Quỳnh Hương.
– Ê ê! Từ nay có chị Quỳnh Hương che chở, anh Hai không được ăn hiếp em nữa.
Thu An vừa lái xe vừa giới thiệu thành phố cho khách. Chị em nói chuyện líu lo. Tôi ngồi băng sau, nhắm mắt nghe giọng Hà Nội và giọng Sài Gòn quấn quít. Quỳnh Hương như thơ trẻ lại. Tôi ngả người tận hưởng hạnh phúc của một gia đình, lần đầu tiên sau 15 năm cô độc, lạc lõng nơi xứ người. Ðêm giao thừa, cúng vái, ăn cơm xong, Quỳnh Hương dọn trà mứt, Thu An bưng ra một cái bánh bông bơ, thắp 30 ngọn nến. Quỳnh Hương trầm trồ:
– Người Việt tại Na-uy có tục lệ riêng để đón xuân? Ðẹp quá!
Thu An trả lời:
– Không phải đâu, chị. Năm nào chúng em cũng ăn Tết, đồng thời mừng ngày sanh anh Hai. Nhưng năm nay đặc biệt hơn, vì năm nay anh Hai “tam thập nhi lập”.
Quỳnh Hương hiểu ngay:
– Thế tức là Anh sinh năm 1968?
Tôi nói:
– Ðúng, năm Mậu Thân.
Thu An hớt:
– Vì thế Ba Má mới đặt tên ảnh là Thân. Ba Má nói “Thân” đây có hai nghĩa là “yêu mến”, “thân thiện” chứ không phải “con khỉ”. Nhưng em thấy ảnh “mậu thân” với em lắm. Từ nay ảnh “mậu thân” là ảnh chết.
Quỳnh Hương cười ngặt nghẹo. Chưa bao giờ nàng cười nhiều như vậy. Tôi nói:
– Năm đó con khỉ con này chưa sinh ra, sao bây giờ khoọc khẹc dữ vậy?
– Chính anh Hai nghe lóm Ba Má kể rồi khoe với em hết chứ bộ. Cũng như Anh, năm Mậu Thân đâu có biết gì về chuyện Ông Bà Nội, bây giờ cũng kể vanh vách.
– Chuyện gì vậy?

Quỳnh Hương hỏi. Tôi chần chờ. Thu An lần lượt kể về những thảm cảnh gia đình. Thảm cảnh nào nó không trực tiếp trải qua, nó kể lể rành mạch như chuyện cổ tích; đến thảm cảnh Ba bị công an vào nhà còng tay Ba lần thứ hai, cảnh đắm tầu thì nó kể lộn xộn như cơn ác mộng. Cuối cùng tôi kết luận một câu mà trong những dịp thiêng liêng thường nói với em gái, như bổn phận nhắc lại một gia qui đơn giản, Quỳnh Hương là người dưng đầu tiên nghe:
– Ba Má chỉ dạy chúng tôi một điều: lòng trắc ẩn.
Một làn khói hương từ trên bàn thờ bay là đà xuống đầu Quỳnh Hương. Nàng lên tiếng:
– Hai Bác thật là nhân hậu, từ những khủng khiếp của năm Mậu Thân và bao năm sau đó, chỉ rút ra chữ “Thân” đặt tên cho con trai và hai chữ “Trắc ẩn” khắc trong lòng hai con.

Không muốn hai người con gái thấy ngấn nước trong mắt tôi, tôi bèn đứng lên thắp thêm nhang trên bàn thờ ông bà. Nghĩ tới “Trích Tiên” và mấy chục triệu người đáng thương xót ở ngàn dậm xa, tôi khấn thầm: “Lạy Trời Phật! Hai chữ trắc ẩn Ba Má khắc trong lòng chúng con, cũng là lẽ sống bàng bạc trong lòng Trời Ðất. Xin Trời Ðất nhỏ xuống lòng mọi người ở bên kia một giọt trắc ẩn. Riêng tình yêu của con dành cho Quỳnh Hương, đã khởi đầu do lòng trắc ẩn, nhưng bây giờ kết thúc là tình yêu. Xin Trời Phật, Ba Má chứng kiến và chúc phúc cho chúng con”.
Im lặng một lúc, Thu An hỏi:
– Anh Hai vừa ăn mảnh, lén xin Ba Má thêm cái gì, phải không?
Tôi nửa đùa nửa thật:
– Anh không xin xỏ gì cả, chỉ hỏi ý kiến thôi. Ba tháng nữa anh Hai hết thời hạn quân dịch, và có quyền bảo lãnh một người ngoại quốc sang Na-uy. Anh hỏi Ba Má muốn con dâu là một người trần hay tiên.
Quỳnh Hương mắc cỡ gục mặt xuống, trong khi Thu An nhảy lại ôm vai nàng, reo:
– Em thay mặt Ba Má trả lời: Tiên. Trích Tiên!

Nhưng còn Quỳnh Hương, nàng có ưng thuận vào trong cái mà tôi cho là “thiên đường” của chúng tôi không? Một con người suốt đời bị số phận đẩy đưa và người khác định đoạt, lần này quyết định phải thuộc quyền nàng. Vì thế lúc bạn đọc tới giòng này, tôi vẫn đang ở trong giây phút thiên thu chờ đợi nàng trả lời.

Tâm Thanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét