Đến với ngôi trường thân yêu Đại Học Sư Phạm Huế là một sự sắp xếp của Định Mệnh (đã an bài?)
Tôi được sinh ra và lớn lên ở thành phố Sương Mù, xứ sở của Ngàn Hoa, Ngàn Thông, . . . tất cả những ngôn từ mỹ miều mà các văn thi sĩ đã tặng cho thành phố trong tim tôi.
Đến khi phải chuyển trường từ em bé chưa lớn đến nơi PHẢI lớn để tự mình quyết định ngã rẽ của tương lai, của cuộc đời sáng hay không sáng, tôi thật bỡ ngỡ, nhưng chị cả của tôi đã vẽ cho tôi từ vài năm trước là mình sẽ có viễn cảnh qua với chị ấy bên xứ Gà Lôi (Gaulois- xứ của thủ đô Ánh Sáng Paris) để đạt được ước nguyện làm nghề cứu người, nơi nhiều đêm tôi cứ mơ sẽ được đến thăm bao nhiêu thắng cảnh mà từ bé chỉ được nhìn thấy trên sách vở. Thật là một ước mơ thần tiên!!.
Nhưng rồi ông Trời khéo sắp xếp để rồi . . .
Miền sông Hương thơ mộng là cội nguồn của tôi với Hương Trà, Tiên Nộn, quê của Ba và Me tôi lại là nơi ấp ủ thời Vàng Son yêu quý của tôi, sau thời gian tuổi thơ đầy hạnh phúc bên cha mẹ anh em ở cái thành phố miền cao nguyên trữ tình ấy.
Những ngày tháng êm đềm trôi qua bên thân phụ, tuy người rất bận rộn với công việc nhưng cũng thường cho tôi đến nơi chôn nhau cắt rốn của người và của Me tôi, tôi thật sự yêu mến biết bao dòng Hương thơ mộng và những con lạch, nhánh sông nhỏ ở những ngôi làng tuổi nhỏ của Ba Me tôi.
Hương Trà của Ba tôi, những con lạch, những khóm tre đan vào nhau, những cánh đồng lúa xanh mướt, mùa lúa chín thì không có hương thơm nào sánh bằng, và suốt đời vẫn nghe được mùi hương đậm đà ấy trong tim... - đây là lần đầu tiên đứa nhà quê mới biết cây lúa của Đất Mẹ, việc cày cấy cực nhọc như thế nào, người dân lam lũ bán lưng cho trời, hàng giờ dầm mưa dãi nắng, ôi có được hạt lúa phải đánh đổi bằng bao nhiêu mồ hôi nước mắt..! Thuở xưa chưa có máy cày còn vất vã hơn biết đường nào! Có lúc người nông dân còn phải kéo cày thay trâu...Xót xa...!!! Ước mong sao các thế hệ thứ 2, thứ 3 ở xa quê hương, một ngày tìm về chứng kiến tận mắt công khó của Cha Ông để có được hạt cơm thơm bùi..!
Dòng sông tuổi nhỏ ở Tiên Nộn của Me, ôi hiền hòa thầm lặng, những ngọn sóng nhỏ vỗ vào bờ tạo cảm giác lâng lâng,… nước mắt bỗng dâng trào khi trở về thăm thời gian gần đây, biết rằng thời đó các Mệ , các O đã giặt giũ, gánh nước sông về nhà để dùng… May mà Ngoại tôi vô Dalat sớm, và Me tôi thì sinh ra ở xứ Hoa Đào ấy nên không phải chịu , lao đao vất vả như các O nội trợ xa xưa… Ước gì cậu và me bên còn ở bên con để kể cho con nghe... anh chị tôi được diễm phúc về sống bên Ngoại ít lâu, chị kể có lần hai cậu dành nhau hột xoài, thế là ông Ngoại phạt cậu lớn, cậu buồn và tức, tại sao làm anh phải nhường nhịn? cậu lấy bút mực vẽ hột xoài trên vai, Ngoại tôi nhìn thấy và thương cậu quá đỗi...
Cậu bơi rất giỏi, và dòng sông ấy chỉ là trò đùa với cậu, có lần chị tôi mới thấy cậu đó mà thoắt cái đã sắp sang bờ bên kia, chỉ có chỏm đầu nhô lên thụp xuống, chị tưởng cậu đã chết trôi, vừa khóc vừa la "Nhậu, nhậu ơi "...
Ôi xứ Huế đẹp làm sao! Lúc đó tôi mới thầm cám ơn Định Mệnh đã cho tôi đến gần với Đất Mẹ thay vì lại đi khám phá xứ người.
Đồi Thiên An thơ mộng, với tiếng thông reo ngút ngàn như ở xứ buồn của tôi, lúc nớ mình mới bắt đầu “được” lớn, chưa bao giờ đi một mình với ai, nên chưa có "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy"...trên ngọn đồi thơ mộng này, thật giống Thung Lũng Tình Yêu của xứ Sương Mù, để bi chừ lại gom bao kỷ niệm thêm nữa- tiếc thay! - Các chùa Từ Đàm, Từ Hiếu, trang nghiêm cổ kính…các lăng tẩm uy nghi lộng lẫy của các vua là những nơi sinh hoạt lớp, mùa đông rét mướt mưa dầm, mùa hè nắng cháy khô rát, với bao kỷ niệm dấu yêu, ... những buổi trại liên lớp, liên trường, những lần đi cứu lụt ở các miền quê hẻo lánh, mới biết được nỗi khổ "trời hành cơn lụt mỗi năm…" của xứ đất khô cỏ cháy, người dân thương yêu lao đao như thế nào...
Những môn học cùng với liên lớp, thầy Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu, thầy Khoa Trưởng Sư Phạm Nguyễn Đức Kiên, thầy Khoa Trưởng Khoa Học Nguyễn văn Hai, thầy Khoa Trưởng Văn Khoa Nguyễn Quới ...
Đại Học Khoa Học, Thầy Nhơn, với những bài thật sâu sắc về Toán Học,… cách giải thần kỳ của Thầy, giọng nói Huế rất cương quyết, vững chãi thân thương làm sao…nhưng rồi học với Thầy không được bao lâu lại nghe tin Thầy bị nạn trên đèo Hải Vân… Con xin dâng nén hương muộn đến Thầy kính quý...
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Ông Cọp của sinh viên Huế- còn xin lỗi Thầy- (và chắc là của Saigon nữa, vì Thầy phụ trách các môn Hoá Vô Cơ & Hữu Cơ của các trường Y Dược... với những giờ đứng tim ở Giảng Đường C...
Cô Hạnh Nhơn xinh đẹp giỏi giang , Thầy Ấm dạy Anh Văn, Thầy Nguyễn Ngọc Mỹ, Thầy Chính dạy môn Môi Trường Sống cùng Thầy Nguyễn văn Hai và nhiều thầy cô khác...
Cha Lefas, Cha Oxarango, thầy Bùi Thế Cần, giảng về văn học nước Pháp, về ngôn ngữ La Tinh ở Đaị Học Sư Phạm & Văn Khoa, bao nhiêu khám phá về những tinh hoa của văn học các nước, những nhận xét kiến thức uyên bác của các thầy.
Khung Trời Đại Học, với bao chuyện trong mơ, những lá thư ...nhờ người vào lớp trao lại.
"Anh theo Ngọ về..."
..................
" Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuốn vở ...." *
Rồi những lần vừa ra khỏi cổng trường, rùng mình khi thấy ai đi với nhiều bạn "dữ dằn" tài xế máy bay, rồi theo mình và cô bạn Kim Thanh một đoạn đường từ trường về đến cư xá, ngày thường mình đi chỉ mươi phút, tại răng hôm nớ thời gian lại vô cùng tận không biết! Hai cái chân cứ xoắn vào nhau, không bước nổi! Ôi nếu như Ba trông thấy thì sao ta? Ừ nhưng mà không sao, vì mấy ngày trước, khi họ về xứ biển và gởi thư, mình đã đưa Ba xem rồi... bạn bè thì đã thấy và khiếp rồi, tưởng mình là dân chơi thứ thiệt, biết đâu rằng mình chỉ mới gặp họ trên phi trường khi đi đón cậu em từ Dalat ra thôi mà...
Và những sinh hoạt của Viện Đại Học, thi đấu giải Cầu Lông của trường, của Viện, hồi hộp làm sao khi "khán giả đặc biệt" đang dõi theo quả cầu ( hay nhìn vẻ mặt căng thẳng của mình vậy ta? Ôi…) - Hay của Liên cư xá , và "họ" đứng trên lầu nhìn xuống làm hắn bủn rủn tay chân...
Những lần đi sinh hoạt với lớp Pháp, anh Trưởng lớp thật sốt sắng, dễ thương vô cùng, lên chùa Từ Đàm, đồi Thiên An, các Lăng tẩm của các vị vua... các bạn ơi, còn nhớ hay quên...? Thân thương quá đỗi!
Giờ đây, có bạn đã ra đi, bạn có mỉm cười khi Lan nhắc đến những giờ phút thần tiên của lớp mình?
Lần đi trại Liên lớp Pháp ở biển Thuận An, những sinh hoạt thi đấu, mọi người đều vui chơi như những tháng ngày thời Trung học...Trên đường về, khi thấy cô gánh cá bị đổ cả mâm xuống đất, mình đã không ngại xuống nhặt cá dùm cô ấy, - đúng ra mình chẳng nhớ chi tiết ấy, nhưng có người mới nhắc lại và "cảm phục biết bao cử chỉ nhân ái của L"- người có biết L là "Hướng Đạo sinh Giúp Ích”, người ạ!
Những đêm Đaị Học Sư Phạm, đêm Luật Khoa, đêm Y Khoa . . . sao mà đáng yêu, thơ mộng, và đáng quý đến vậy!
Ai đã đưa mình về, trên Cầu Mới, ai đang ở đâu nhỉ?
Rồi "Café chị Giang"- ngày ấy mình chỉ biết Café Tổng Hội, -- (mới đây qua truyện rất siêu của một người rất siêu, mình mới biết ngày ấy các người "pro" gọi là Café Chị Giang- L cám ơn người nha)-- nằm đối diện trường Khoa Học, mà mình và bạn chỉ mới vô được 1, 2 lần, vì luôn thấy các anh nam đầy trong ấy, ngại chi lạ...và rồi lại "mắc nợ" cái band Aid*, vì trước đó đi xe gắn máy của Sơn Tinh Thủy Tinh Y Khoa, bị ngã, và băng tay, khi vô đó, bỗng dưng gặp người kia, "họ" thấy băng cần phải thay, và đưa cho mình cái band aid… rứa là mắc nợ… và chưa trả được nợ, người ạ...
***
Nhưng rồi, ngôi sao của mình không sáng như đàn chị đàn anh, họ đã có thể trãi dài những kiến thức do công lao miệt mài của Thầy Cô đến các học trò của họ. Họ đã có thể ươm mầm để bao khu vườn luôn rực rỡ dưới ánh bình minh.
Còn khóa của chúng tôi, chưa xong được 4 năm thì đã vội vàng tan đàn xẻ nghé!
Đất nước loạn lạc, trường lớp, cô thầy, bạn bè khắp nơi người còn kẻ mất, đớn đau biết mấy!
Hơn ba năm ở giảng đường, bây giờ còn lại gì? Mớ kiến thức chưa hoàn thành! Ngày Đại Đăng Quang không được hãnh diện để Cha Mẹ vui lòng, Thầy Cô mãn nguyện. Số kiếp sao đọa đày đến vậy!
Bạn bè cùng khóa, người vẫn tiếp tục đến trường để hoàn tất chương trình, còn số đông đã tứ tán khắp nơi, làm đủ nghề hạ vàng thượng cám, người ra đi mãi mãi, người may mắn đến quê hương thứ hai . . .
Huế của tôi ơi, trường Đaị Học Khoa Hoc, Sư Phạm, Văn Khoa thương mến, quý thầy cô và bạn bè của tôi, tôi vẫn luôn nghĩ về và thương nhớ nhiều.
Xin cảm ơn Định Mệnh đã đưa đẩy tôi được biết thêm về Quê Cha Đất Tổ
(Ba tôi phải di chuyển vì việc làm của người, và anh chị tôi đã đi học xa, các em thì dở dang, chỉ có tôi là chuyển cấp học, và Me rất sợ có bà nào "khiêng" Ba đi mất vì Ba con rất "phong", nên tôi đi theo Ba ra Đất Thần Kinh)…
Những dòng này con xin kính dâng Ba Me thương kính, con chưa đền đáp công lao Sinh Thành.
Xin dâng các Thầy Cô, con chưa được hân hạnh nói lời Cảm Tạ.
Và gởi đến các bạn đồng môn khắp nơi, nghĩ về hành trang cuối cùng của mình để đi Vào Đời, với lòng xót xa và yêu thương vô hạn.
Xin mượn 13 chữ trong bài hát Tạ Ơn *của nhạc sĩ Trịnh công Sơn:
“Dù đến rồi đi, tôi cũng xin Tạ Ơn Người, Tạ Ơn Đời . . .”
- Xin Tạ Ơn
Thái Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét